Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần II - Chương Hai

16/08/202409:21(Xem: 641)
Phần II - Chương Hai

Buddha_2

Phần II

 

***

 

Chương 2

 

Các bài giảng liên quan đến thế giới

 

Trong chương 1 phần II, vài bài thuyết giảng của Đức Phật đã được trích dẫn nêu lên quan điểm của Phật giáo về thế giới. Trong chương 2 tiếp theo dưới đây, một số bài thuyềt giảng khác của Đức Phật sẽ được tiếp tục trích dẫn hầu giúp chúng ta tìm hiểu sâu xa và chi tiết hơn về thế giới. Ngoài ra cũng xin mạn phép nhắc lại là ‘vũ trụ’, như đã được trình bày trong phần I, gồm có ba thế giới : thế giới vật lý, thế giới của sự sống và thế giới tạo tác (saṅkhāraloka) do mỗi cá thể tự tạo ra cho mình bên trong tâm thức mình, xuyên qua sáu cơ quan giác cảm của mình – gồm ngũ giác và tâm thần của mình – và thế giới này mới thật sự là thế giới quan trọng hơn cả đối với một người tu tập Phật giáo. Dưới đây là bài trích dẫn thứ nhất :

 

Bài giảng về sự ám ảnh tâm thần

Cittapariyādāna Vagga - AN 1.1-10

 

(Dựa theo các bản dịch tiếng Anh của Bhikkhu Sujato và bản dịch tiếng Pháp của Bhikkhu Sekka)

 

Chữ thứ nhất Cittapariyādāna của tựa của bài giảng, là một từ rút ngắn từ một câu gồm ba chữ : cittaṃ-pariyādāya-tiṭṭhati, nguyên nghĩa là ‘xâm chiếm và lưu lại trong tâm thần’, và thật ra thì câu này cũng đã được rút gọn từ một câu dài hơn : Citta+pari+yadaya+tiṭṭhati (citta=tâm thần, tâm trí ; pari=bao trùm, daya=cảm nhận ; titthati= xâm chiếm và lưu lại), do vậy có thể hiểu chữ này là sự ám ảnh trong tâm thần của một cá thể. Chữ thứ hai Vagga nơi tựa bài giảng có nghĩa là ‘phẩm’ hay ‘tiết mục’, và phẩm này là phẩm đầu tiên của Chương mục gọi là Ekaka Nipāta, kinh sách Hán ngữ gọi là Chương một pháp, gồm 159 câu đầu tiên trong số 9,557 câu thuyết giảng, gộp chung trong 2,300 bài giảng trong toàn bộ Aṅguttara Nikāya / Tăng Chi Bộ Kinh.

 

Bài giảng trên đây gồm mười câu đầu tiên trong số 159 câu thuộc Chương thứ nhất là Ekaka Nipāta (Chương Một Pháp), và cũng là mười câu đầu tiên trong số hơn chín ngàn câu giảng trong Aṅguttara Nikāya (Tăng Chi Bộ Kinh). Vậy những gì ám ảnh tâm trí con người ? Những gì chiếm giữ và lưu lại trong tâm thần của một cá thể ?

 

Tôi từng được nghe như vầy. Hôm đó Đấng Thế Tôn đang ngụ gần kinh thành Sāvatthī (Xá Vệ), trong khu rừng thưa Jeta (Kỳ Thọ / Kỳ Hoàn), nơi tu viện (tịnh xá) của vị Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc). Đấng Thế Tôn nói với các tỳ-kheo như sau : « Này các tỳ-kheo ». Các tỳ-kheo đáp lại : « Vâng ! Thưa Thế Tôn ». Đấng Thế Tôn bèn thuyết giảng như sau :

 

1.1. « Ta chưa hề thấy bất cứ một thứ bóng dáng nào ám ảnh tâm trí người đàn ông bằng bóng dáng của người đàn bà. Bóng dáng của người đàn bà xâm chiếm tâm trí người đàn ông ».

 

1.2. « Này các tỳ-kheo, ta chưa hề thấy bất cứ một âm thanh (tiếng nói, âm dọng) nào ám ảnh tâm trí người đàn ông bằng âm thanh của người đàn bà. Âm thanh của người đàn bà xâm chiếm tâm trí người đàn ông ».

 

1.3. « Này các tỳ-kheo, ta chưa hề thấy bất cứ một thứ mùi (hơi hám) nào ám ảnh tâm trí người đàn ông bằng mùi của người đàn bà. Mùi của người đàn bà xâm chiếm tâm trí người đàn ông ».

 

1.4. « Này các tỳ-kheo, ta chưa hề thấy bất cứ một thứ vị (hương vị, sự ngọt ngào) nào ám ảnh tâm trí người đàn ông bằng vị của người đàn bà. Vị của người đàn bà xâm chiếm tâm trí người đàn ông ».

 

1.5. « Này các tỳ-kheo, ta chưa hề thấy bất cứ một sự đụng chạm (cọ xát) nào ám ảnh tâm trí người đàn ông bằng sự đụng chạm với người đàn bà. Sự đụng chạm với người đàn bà xâm chiếm tâm trí người đàn ông ».

 

1.6. « Này các tỳ-kheo, ta chưa hề thấy bất cứ một bóng dáng nào ám ảnh tâm trí người đàn bà bằng bóng dáng của người đàn ông. Bóng dáng người đàn ông xâm chiếm tâm trí người đàn bà ».

 

1.7. « Này các tỳ-kheo, ta chưa hề thấy bất cứ một âm thanh nào ám ảnh tâm trí người đàn bà bằng âm thanh của người đàn ông. Âm thanh của người đàn ông xâm chiếm tâm trí người đàn bà ».

 

1.8. « Này các tỳ-kheo, ta chưa hề thấy bất cứ một thứ mùi nào ám ảnh tâm trí người đàn bà bằng mùi của người đàn ông. Mùi của người đàn ông xâm chiếm tâm trí người đàn bà ».

 

1.9. « Này các tỳ-kheo, ta chưa hề thấy bất cứ một thứ vị nào ám ảnh tâm trí người đàn bà bằng vị của người đàn ông. Vị của người đàn ông xâm chiếm tâm trí người đàn bà »

 

1.10. « Này các tỳ-kheo, ta chưa hề thấy bất cứ một sự đụng chạm nào ám ảnh tâm trí người đàn bà bằng sự đụng chạm với người đàn ông. Sự đụng chạm với người đàn ông xâm chiếm tâm trí người đàn bà ».

 

Vài lời ghi chú

 

Thoạt đọc qua thì các câu này không có gì gọi là sâu sắc hay khó hiểu cả. Chẳng qua là vì đôi khi chúng ta có thể xem các ‘chuyện ấy’ là bình thường, là bản chất tự nhiên của con người, là bản năng truyền giống giữa nam và nữ, giữa giống đực và giống cái. Thế nhưng xem thường các ‘chuyện ấy’ chính là nguyên nhân khiến chúng ta không trông thấy được ý nghĩa sâu sắc và sự mạch lạc trong tư tưởng siêu việt trong Giáo huấn của Đức Phật, lý do là vì chúng ta không đặt các câu có vẻ đơn giản và bình thường trên đây vào khung cảnh sâu sắc trong Dhamma của Đức Phật. 

 

Ngài thuyết giảng về một vũ trụ gồm ba thế giới, và ‘thế giới tạo tác’(saṅkhāraloka), như đã được nói đến trên đây, là thế giới quan trọng hơn cả, bởi vì trong thế giới đó mỗi cá thể tự tạo ra các kamma (hành động / nghiệp) cho mình, xuyên qua lục giác của mình. Các sự ám ảnh tính dục giữa người đàn ông và người đàn bà là các kamma đó, tức là các ‘hành động tâm thần’, gồm các ‘tác ý’, các xúc cảm, các sự bám víu trong lãnh vực tính dục. Các kamma đó sẽ tạo ra các hiệu ứng liên hệ và tương quan với chúng trong tương lai.

 

Chúng ta hãy nêu lên một thí dụ cụ thể, trong Bài giảng về các thảm họa trong thế giới  (Lokavipatti – AN 8.6) đã được nói đến trong Phần II chương I, nêu lên tám mối lo toan thế tục, làm phát sinh ra hai thứ xúc cảm : ‘thích thú’ và ‘bực tức’. Nếu hai thứ xúc cảm đó – ‘thích thú’ và ‘bực tức’ – khiến con người cuồng quay với thế giới và thế giới cuồng quay với con người, thì hai thứ xúc cảm ‘sung sướng’ hay ‘bất toại nguyện’ nêu lên trong Bài giảng về sự ám ảnh tâm thần (Cittapariyādāna Vagga – AN 1.1-10) trên đây khiến người đàn ông cuồng quay với người đàn bà, và người đàn bà cuồng quay với người đàn ông.

 

Các sự ám ảnh giữa người đàn ông và người đàn bà là một trong các nguyên nhân chủ yếu nhất và cũng gần gũi nhất đối với con ngưòi, đưa đến mọi thứ rắc rối và phức tạp từ trong gia đình cho đến bên ngoài xã hội. Nào là phấn son, nước hoa, quần áo, các thứ phụ tùng trên người… Nào là phim ảnh, âm nhạc, văn chương, thi phú trữ tình… Nào là ghen tuông, say đắm, thất tình, tự tử… Các ám ảnh tính dục đó đôi khi còn dính líu đến cả tín ngưỡng và luật pháp : nào là các phép hôn phối trong khung cảnh tôn giáo, nào là các nghi thức cưới hỏi, ly dị, nào là các cảnh xâm phạm tính dục, hành hung, đâm chém, tù tội, v.v.

 

 Sự rắc rối và phức tạp đó trong gia đình và xã hội thật ra cũng chỉ phát sinh từ những gì thật đơn giản, đó là bản năng truyền giống tạo ra các sự ám ảnh tính dục nơi người đàn ông và người đàn bà. Và đấy là ý nghĩa của mười câu đầu tiên trong Aṅguttara Nikāya (Tăng Chi Bộ Kinh). Các câu tiếp theo sau đó là để giải thích và hóa giải các sự ám ảnh đó cùng các sự ám ảnh khác trong tâm thức phức tạp của con người. Chúng ta hãy nêu lên một trường hợp cụ thể, chẳng hạn như Bài thuyết giảng cho hai vị đạo sĩ Bà-la-môn (Brāhmaṇa Sutta – AN 9.38), cũng đã được nêu lên trong phần II chương 1. Trong bài giảng này có một phân đoạn giải thích về sự tạo tác của ngũ giác như sau :

 

 « Đối với việc tu tập của các đệ tử cao quý thì năm mối dây [trói buộc] của dục tính sẽ được gọi là vũ trụ. Năm mối dây trói buộc ấy là những gì ?

 

1- Đấy là hình tướng nhận biết bởi mắt – mang tính cách khả ái, thích thú, tuyệt vời, hấp dẫn, quyến luyến, khơi động sự thèm khát dục tính ;

2- Đấy là âm thanh nhận biết bởi tai – mang tính cách ngọt ngào, thích thú, tuyệt vời, hấp dẫn, quyến luyến, khơi động sự thèm khát dục tính ; 

3- Đấy là mùi nhận biết được bởi mũi – mang tính cách thơm tho, thích thú, tuyệt vời, hấp dẫn, quyến luyến, khơi động sự thèm khát dục tính ;

4- Đấy là vị nhận biết được bởi lưỡi – mang tính cách dịu ngọt, thích thú, tuyệt vời, hấp dẫn, quyến luyến, khơi động sự thèm khát dục tính ;

5- Đấy là sự đụng chạm nhận biết được bởi thân thể – mang tính cách êm ái, thích thú, tuyệt vời, hấp dẫn, quyến luyến – khơi động sự thèm khát dục tính.

 

Đối với việc tu tập của các đệ tử cao quý thì năm mối dây [trói buộc] ấy của dục tính sẽ được gọi là vũ trụ.

 

 Năm mối dây trói buộc đó chẳng phải là nguyên nhân đưa đến các sự ám ảnh nơi người đàn ông và người đàn bà hay sao ? Trở lại với Bài giảng về sự ám ảnh tâm thần (Cittapariyādāna Vagga – AN 1.1-10) trên đây thì chúng ta sẽ thấy nếu bóng dáng của người đàn bà, âm giọng của người đàn bà, mùi của người đàn bà, vị của người đàn bà, sự đụng chạm trên thân thể của người đàn bà ám ảnh người đàn ông như thế nào, thì các thứ ấy nơi người đàn ông cũng ám ảnh người đàn bà như thế ấy.

 

 Hai thí dụ nhỏ nêu lên trên đây thiết nghĩ cũng đủ giúp chúng ta nhận thấy sự mạch lạc thật chặt chẽ và tính cách ứng dụng trong Dhamma của Đức Phật. Mở rộng hơn, đối với hơn mười ngàn bài thuyết giảng của Đức Phật còn lưu giữ đến nay – không những dành cho những người tu hành rời bỏ khung cảnh gia đình mà còn dành cho mọi thành phần khác trong xã hội, từ vua chúa đến dân gian, từ những kẻ chất phác đến các vị thông thái – thì sự mạch lạc và tính cách ứng dụng đó lại càng là cả một sự khâm phục và kinh ngạc.

 

Hơn thế nữa, Đức Phật thuyết giảng suốt năm-mươi-mốt năm không ngưng nghỉ, các đệ tử thì có người nhớ nhiều, có người nhớ ít, và họ lập lại cho nhau qua những khoảng thời gian thật dài, thế nhưng Giáo huấn của Đức Phật vẫn giữ được sự quán thấy sâu sắc, thực dụng và mạch lạc. Vì thế ngoài các nghi thức lễ lạc màu mè, các buổi thuyết giảng và nghe giảng mang tính cách tín ngưỡng và đại chúng ngày nay, thiết nghĩ đôi khi chúng ta cũng nên tìm hiểu Dhamma của Đức Phật một cách sâu sắc và nghiêm chỉnh hơn, nhất là để ý thức được những gì Đức Phật đã giảng và những gì Đức Phật không hề giảng.

 

Sau đây chúng ta lại trích dẫn thêm một bài giảng khác về thế giới :  

 

Bài thuyết giảng về Thế giới

Loka Sutta - AN 4.23

 

 (Dựa theo các bản dịch tiếng Anh của Thanissaro Bhukkhu, Bhikkhu Bodhi, Bikkhu Suddhaso, John Ireland, Piya Tan và bản dịch tiếng Pháp của Rémy. Bài giảng này cũng được ghi chép trong tập Iṭivuttaka (Như Thị Ngữ Kinh) và được đánh số Iti 112)

 

« Bài giảng này là do chính Đấng Thế Tôn thuyết giảng, do một vị Arahant (A-la-hán) thuyết giảng (vị Arahant ở đây là Đức Phật), và tôi đã từng được nghe vầy:

 

« Này các [bạn] tỳ-kheo (người tỳ-kheo thuật lại với các tỳ-kheo khác về bài giảng này mà mình đã từng được nghe), đối với thế giới này thì vị Tathāgata / Như Lai ấy đã hoàn toàn thức tỉnh (xin nhắc lại Tathāgata / Như Lai có nghĩa là một người chỉ đơn giản là ‘Như Thế’ / ‘Không từ đâu đến nhưng cũng không đi về một nơi nào khác cả’. Đức Phật tự nhận mình và tự xưng là một người chỉ là ‘Như Thế’, chỉ là ‘Như vậy’, và mọi người cũng xem Ngài và gọi Ngài là một người ‘Như Thế’, một người ‘Như vậy’ / Tathāgata). Vị Tathāgata ấy đã tách ra khỏi thế giới. Vị Tathāgata ấy đã hoàn toàn thấu triệt nguyên nhân làm phát sinh ra thế giới. Vị Tathāgata ấy đã buông bỏ được nguyên nhân làm phát sinh ra thế giới. Vị Tathāgata ấy đã hoàn toàn thấu triệt được sự chấm dứt của thế giới. Vị Tathāgata ấy đã thực hiện được sự chấm dứt của thế giới. Vị Tathāgata ấy đã triển khai được Con Đường đưa đến sự chấm dứt của thế giới.

 

« Này các [bạn] tỳ-kheo, đối với thế giới này – trong đó gồm có các Thiên nhân (Deva), Ma vương (Mara), Phạm thiên (Brahmā / các vị Trời trong Ấn giáo), các người tu hành cùng các vị Bà-la-môn (là những người thuộc đẳng cấp thứ tư và cũng là đẳng cấp cao nhất trong xã hội), kể cả vua chúa lẫn dân gian – thì vị Tathāgata ấy đều hiểu được tất cả những gì mà vị Tathāgata ấy trông thấy, nghe thấy, cảm thấy, nhận biết, đạt được, thăm dò được, truy tìm và suy ngẫm được xuyên qua tâm thức mình. Chính vì thế nên người ta gọi vị ấy là Tathāgata / Như Lai.

 

« Này các [bạn] tỳ-kheo, tất cả những gì mà vị Tathāgata ấy trong đêm giác ngộ, đã đạt được một cách đích thật, tuyệt đối (tối thượng), không một chút tàn dư (sơ sót), chính là thể dạng Chấm dứt [hoàn toàn] (thể dạng Dừng lại, Tắt nghỉ / Unbinding / Nibbana property / còn gọi là cõi Niết-bàn. Chữ Niết-bàn có nghĩa là một thể dạng trong đó không có bất cứ gì hiển hiện cũng không có bất cứ gì biến mất), và kể từ lúc ấy thì những gì mà vị ấy nói ra, vị ấy khẳng định, vị ấy giảng dạy, luôn là như thế, không một mảy may thay đổi. Vì thế nên người ta gọi vị ấy là Tathāgata / Như Lai. Vị Tathāgata ấy là người làm những gì mà mình giảng dạy, và giảng dạy những gì mà mình làm. Chính vì thế nên người ta gọi vị ấy là Tathāgata / Như Lai.

 

«  Này các [bạn] tỳ-kheo, đối với thế giới này – trong đó gồm có các Thiên nhân, Ma vương, Phạm thiên, các người tu hành cùng các vị Bà-la-môn, kể cả vua chúa lẫn dân gian – thì vị ấy là vị chiến thắng vô địch, nắm giữ một quyền uy [tối thượng]. Chính vì thế nên người ta gọi vị ấy là Tathāgata / Như Lai.

 

« Thấu triệt được toàn thể thế giới:

Đúng thật với nó là như vậy,

Thoát ra khỏi toàn thể thế giới,

Vị ấy không còn vướng mắc trong thế giới.

 

Chinh phục được mọi đường hướng (mọi chủ trương, mọi quan điểm…),

Thoát ra khỏi mọi sự trói buộc,

Vị ấy thực hiện được sự an bình tối thượng là Nibbana (Niết-bàn),

Nơi đó không còn bất cứ một sự sợ hãi nào nữa cả.

 

Tẩy xóa được mọi thứ ô nhiễm, đạt được sự tỉnh thức,

Loại bỏ được mọi sự dao động, đập tan được mọi sự hoang mang,

Làm xong tất cả những gì cần phải làm,

Vị ấy đã hoàn toàn vượt thoát sức tàn phá của mọi sự bám víu.


Vị ấy là Đấng Thế Tôn, là vị Giác ngộ,

Một con sư tử, không một ai sánh kịp.

Trong toàn thể thế giới, trong đó gồm có các Thiên nhân,

[Thế nhưng] duy nhất chỉ có vị ấy là làm chuyển động được chiếc bánh xe Brahma (bánh xe Phạm thiên, bánh  xe của các vị Trời trong Ấn giáo).

 

Vì thế, toàn thể Thiên nhân và con người,

Đều tìm đến cạnh vị Phật ấy để nương tựa,

Và để cùng nhau tôn vinh vị ấy,

Một Vị tối thượng đã vượt thoát mọi sự hoang mang.

 

Chủ động được chính mình, vị ấy là vị chủ động tối thượng,

Thực hiện được sự thanh thoát, vị ấy là vị thanh thoát tối thượng,

Đạt được sự giải thoát, vị ấy là vị giải thoát tối thượng,

Vượt thoát tất cả, vị ấy là vị vượt thoát tối thượng.

 

Do vậy, tất cả mọi người đều tôn vinh vị ấy,

Một vị tối thượng vượt thoát khỏi mọi sự hoang mang :

« Trong thế giới này, thưa Ngài, trong đó kể cả các thiên nhân,

Không một ai sánh kịp với Ngài »

 

(Câu cuối cùng trên đây cho thấy người tỳ-kheo vụt thoát ra khỏi cách thuật chuyện, hướng thẳng vào Đức Phật để trực tiếp thốt lên những lời tôn vinh Ngài)

 

« Trên đây là ý nghĩa trong những lời mà Đấng Thế Tôn nêu lên mà tôi từng được nghe ».

 

(Câu kết luận trên đây, thêm một lần nữa, cho thấy bài giảng là một câu chuyện thuật lại, không phải là những lời giảng trực tiếp của Đức Phật. Trong bài giảng Đức Phật được đặt vào ngôi thứ ba. Ngoài ra Đức Phật luôn thuyết giảng thật khiêm tốn, không hề tự tôn hay khoa trương. Đức Phật luôn tự nhận mình chỉ là một con người ‘Như Thế’. Ví mình với một con sư tử, một vị vô địch, là lời tán tụng của người tỳ-kheo thuật chuyện).

 

Vài lời ghi chú

 

Điểm đáng lưu ý trước nhất là bài giảng trên đây có thể được xem như là một ngoại lệ, bởi vì những lời trong bài giảng là những lời thuật chuyện và tán tụng Đức Phật của một người tỳ-kheo trong Tăng đoàn. Thế nhưng trong khi đó thì các bản dịch tiếng Việt được tham khảo thì lại cho rằng các lời trong bài giảng là những lời thuyết giảng của chính Đức Phật. Nguyên nhân phải chăng là vì các bản dịch tiếng Việt dựa vào các bản tiếng Hán, và ngữ pháp cũng như văn phạm trong tiếng Hán thì lại thiếu chính xác. Ngoài ra, câu mở đầu của bài giảng ‘tôi từng được nghe như vầy’ có thể khiến người đọc nghĩ rằng bài giảng là những lời của Đức Phật, thế nhưng các câu mở đầu cũng như các câu cuối trong các bài giảng chỉ là các câu công thức.  

 

Điểm đáng lưu ý thứ hai quan trọng hơn nhiều, đó là sự mạch lạc và trung thực, trước sau như một, trong toàn bộ Giáo huấn của Đức Phật :

 

‘Những gì mà vị Thathagata ấy nói ra, vị ấy khẳng định, vị ấy giảng dạy, luôn là như thế, không một mảy may thay đổi’.

 

‘Vị Tathāgata ấy là người làm những gì mà mình giảng dạy, và giảng dạy những gì mà mình làm’.

 

Sự chân chính, mạch lạc và trung thực trong hơn mười ngàn câu giảng và bài giảng của Đức Phật quả là một điều đáng kinh ngạc và khâm phục, không có một câu giảng nào, một bài giảng nào, một ý niệm nào, một hành động nào tương phản hay đối nghịch với nhau. Rời khỏi gia đình lúc hai-mươi-chín tuổi, cắt tóc, cạo râu, ăn mặc rách rưới, ôm bình bát, sống cách ly trong những nơi cô quạnh, thuyết giảng cho tất cả mọi người, không ngưng nghỉ, không phân biệt một ai. Năm tám-mươi tuổi, buông bình bát, nằm xuống bên lề một con đường mòn giữa hai gốc cây trong một khu rừng. Trong suốt năm-mươi-mốt năm sau khi đạt được sự tỉnh thức trước thế giới này, thì từ lời nói đến hành động của vị Phật ấy lúc nào cũng chỉ là một, cũng chỉ đơn giản là ‘Như Thế’.

 

Sau hết cũng xin trích dẫn bản dịch tiếng Việt về bài giảng này của HT Thích Minh Châu trong Đại Tạng Kinh căn cứ vào kinh điển Pali, cùng bản dịch bài giảng này của HT Thích Tuệ Sỹ nhưng được căn cứ vào kinh điển Agama / A-hàm, và sau hết là bản dịch tiếng Hán dựa vào kinh điển Pali, với chủ đích giúp các độc giả quen thuộc với các thuật ngữ tiếng Hán tham khảo và tìm hiểu thêm về bài giảng này, nhất là để đối chiếu giữa  hai bản dịch : một dựa vào kinh điển Pali của HT Thích Minh Châu và một dựa vào kinh điển Agama / A-hàm của HT Thích Tuệ Sỹ. Dưới đây là nguyên văn bản dịch của HT Thích Minh Châu trong Đại Tạng Kinh dựa theo kinh điển Pali :

 

Aṅguttara Nikāya

III. Phẩm Uruvelà

4.23. Thế Giới

 

—Này các Tỷ-kheo, thế giới được Như Lai chánh đẳng giác. Như Lai không hệ lụy đối với đời.

Này các Tỷ-kheo, thế giới tập khởi được Như Lai chánh đẳng giác. Thế giới tập khởi được Như Lai đoạn tận.

 

Này các Tỷ-kheo, thế giới đoạn diệt được Như Lai chánh đẳng giác. Thế giới đoạn diệt được Như Lai giác ngộ.

 

Này các Tỷ-kheo, con đường đưa đến thế giới đoạn diệt được Như Lai chánh đẳng giác. Con đường đưa đến thế giới đoạn diệt được Như Lai tu tập.

 

Cái gì, này các Tỷ-kheo, trong toàn thế giới với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu, được ý tư sát, tất cả đều được Như Lai chánh đẳng giác. Do vậy, được gọi là Như Lai. Từ đêm, này các Tỷ-kheo, Như Lai được chánh đẳng giác, đến đêm Như Lai nhập Niết-bàn, trong thời gian ấy, điều gì Như Lai nói, nói lên, tuyên bố, tất cả là như vậy, không có khác được. Do vậy, được gọi là Như Lai.

 

Này các Tỷ-kheo, Như Lai nói gì thì làm vậy, làm gì thì nói vậy. Vì rằng nói gì thì làm vậy, làm gì thì nói vậy, nên được gọi là Như Lai.

 

Này các Tỷ-kheo, trong toàn thể thế giới với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Như Lai là bậc chiến thắng, không bị ai chiến bại, toàn tri, toàn kiến đại tự tại, do vậy được gọi là Như Lai.

 

Do thắng tri thế giới
Đúng như thật như vậy
Ly hệ mọi thế giới
Không chấp thủ thế giới
Thắng tất cả bậc trí
Giải thoát mọi buộc ràng
Cảm thọ tối thắng tịnh
Niết-bàn, không sợ hãi
Vị này đoạn lậu hoặc
Bậc Giác ngộ, Trí giả
Không dao động nhiễu loạn
Nghi ngờ được chặt đứt
Đạt diện tận mọi nghiệp
Giải thoát diệt sanh y
Là Thế Tôn là Phật
Bậc Sư tử vô thượng
Trong thế giới, Thiên giới
Chuyển bánh xe pháp luân
Như vậy hàng Thiên, Nhân
Đến quy y đức Phật
Gặp nhau đảnh lễ Ngài
Vĩ đại không sanh hữu
Điều phục bậc tối thượng
Trong người được điều phục
An tịnh bậc ẩn sĩ
Những người được an tịnh
Giải thoát bậc tối thượng
Những người được giải thoát
Vượt qua bậc tối thắng
Những người được vượt qua
Như vậy họ lễ Ngài
Vĩ đại, không sanh hữu
Thiên giới, thế giới này
Không ai được bằng ngài.

 

(Nguyên văn bản dịch của HT Thích Minh Châu)

 

Bản dịch trên đây cho thấy những lời trong bài giảng là những lời do chính Đức Phật nêu lên. Tiếp theo dưới đây là bản dịch của HT Thích Tuệ Sỹ dựa vào kinh điển Agama / A-hàm, tức là kinh điển bằng tiếng Phạn đã được dịch sang tiếng Hán (阿含經 / A-hàm Kinh). Chữ Agama / A-hàm có nghĩa là ‘xuất phát hay thừa hưởng từ lâu đời’. Xin nhắc lại, kinh điển Agama / A-hàm là các kinh điển của các học phái xuất hiện khoảng một trăm năm sau khi Đức Phật tịch diệt, trong số này quan[n1]  trọng nhất là hai học phái Sarvastivāda và Mahasanghika. Các kinh điển Agama / A-hàm là các kinh điển đã được ‘dịch lại’ từ kinh điển Pali với ít nhiều sửa đổi (?), phải chăng là để phù hợp với các quan điểm giáo lý chủ trương bởi các học phái sáng lập một trăm năm sau khi Đức Phật tịch diệt ? Hơn thế nữa, khi được dịch sang tiếng Hán và sau đó là tiếng Việt, thì không sao tránh khỏi ít nhiều sơ sót. Trong khi đó thì kinh điển Pali thường được xem là xưa nhất và chính thống nhất của Phật giáo. Các kinh điển này được kết tập vài tháng sau khi Đức Phật tịch diệt và đã được hiệu đính vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch dưới triều đại của vua Azoka / A-dục, trước khi được đưa vào hòn đảo Tích Lan và được chính thức ghi chép trên các tờ lá bối vào thế kỷ thứ I trong niên đại của chúng ta.

 

Dưới dây là bản dịch bài giảng này dựa vào kinh điển Agama / A-hàm :   

 

KINH TRUNG A-HÀM

Hán dịch: Phật Đà Da Xá và Trúc Phật Niệm

Việt dịch và hiệu chú : Thích Tuệ Sỹ

Sài gòn 2002

 

137. KINH THẾ GIAN[1]

 

Tôi nghe như vầy:

 

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

 

Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

 

“Như Lai đã tự mình giác ngộ về thế gian và cũng nói lại cho người khác. Như Lai biết[02] thế gian. Như Lai tự giác ngộ về sự tập khởi của thế gian và cũng nói lại cho người khác. Như Lai đoạn trừ thế gian tập. Như Lai tự giác ngộ sự diệt tận của thế gian và cũng nói cho người khác. Như Lai chứng ngộ thế gian diệt. Như Lai tự giác ngộ đạo tích[03] của thế gian và cũng nói cho người khác. Như Lai tu thế gian đạo tích.

 

“Nếu có tất cả những gì cần được hiểu biết một cách toàn diện[04], tất cả những gì thì điều đó Như Lai đã biết, thấy, giác, ngộ, chứng đắc. Vì sao vậy? Như Lai từ đêm chứng ngộ Vô thượng chánh đẳng chánh giác cho đến ngày hôm nay vào lúc ban đêm sẽ đi vào tịch diệt trong Vô dư Niết-bàn giới[05]; trong khoảng thời gian giữa đó, nếu những gì được nói ra, được ứng đối từ chính miệng của Như Lai, tất cả những điều ấy đều là chắc thật, không hư vọng, không ra ngoài sự Như[06], cũng không phải là điên đảo. Đó là sự chắc thật, là sự chân thật.

 

“Nếu nói về sư tử như thế nào, thì hãy nói về Như Lai cũng như vậy. Vì sao vậy? Như Lai ở giữa đại chúng nếu có giảng thuyết thì đó chính là tiếng rống của Sư tử[07].

 

“Đối với tất cả thế gian, Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ trời đến người, Như Lai là Phạm Hữu[08]. Như Lai là Bậc Chí Lãnh[09] vì không phiền cũng không nhiệt. Như Lai là Bậc Chân Thật không hư vọng[10].”

 

Bấy giờ Thế Tôn liền nói bài kệ:

 

Biết tất cả thế gian;

Ra khỏi mọi thế gian;

Thuyết tất cả thế gian;

Trọn thế gian như thật[11]

Đấng Tối Tôn Đại Hùng

Giải thoát mọi triền phược,

Diệt tận hết thảy nghiệp,

Sanh tử đều giải thoát.

Là trời cũng là người,

Thảy đều quy mạng Phật.

Cúi đầu lễ Như Lai,

Đại dương sâu vô cực.

Chư Thiên, thần Hương âm[12],

Kính lạy Đấng Đã Biết.

Chúng sanh trong tử sanh,

Đều cúi đầu quy phục,

Cúi đầu lễ Trí sĩ;

Quy mạng Đấng Thượng Nhân;

Không trần lụy, vô ưu,

Vô ngại, các giải thoát;

Vì vậy, hãy vui thiền,

Sống viễn ly tịch tịnh.

Hãy tự mình đốt đèn,

Vì Như Lai khó gặp[13].

Không gặp thời Như Lai,

Đời sống trong địa ngục.

 

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

 

Chú thích:

[1] Tương đương Pāli A.4.23 Loka-sutta; tham chiếu It. 112 Loka.

[2] Bốn Thánh đế, tri khổ, đoạn tập, chứng diệt và tu đạo.

[3] Đạo tích 道 跡; Pāli: paṭipāda, phương pháp, hay đường lối thực hành.

[4] Nhất thiết tận phổ chánh hữu 一 切 盡 普 正 有 (?) Có lẽ là (…) chánh tri, thay vì chánh hữu. Tham chiếu Pāli: yam… sadevakassa lokassa… sadevamanussasāya diṭṭhaṃ sutaṃ mutaṃ viññataṃ pattaṃ pariyesitaṃ anuvicaritaṃ manasā sabbaṃ taṃ tathāgatena abhisaṃbuddhaṃ, thế giới này bao gồm Thiên giới, cho đến chư Thiên và nhân loại, những gì được thấy, được nghe, được nghĩ đến, được biết đến, được đạt đến, được tầm cầu, được suy xét bởi ý; tất cả những cái ấy đều được Như Lai giác ngộ.

[5] Vô dư Niết-bàn giới 無 餘 涅 槃 界. Pāli: anupādisesā nibbānadhātu.

[6] Bất ly ư như 不 離 於 如. Pāli nói: sabbaṃ tam tatheva hoti, no aññathā, tất cả những điều ấy chính thực là như vậy, không thể khác.

[7] Pāli khác hẳn: nói như vậy thì cũng làm như vậy (...) cho nên gọi là Như Lai. Yathāvādī tathākārī (...) tathāgato vuccati.

[8] Phạm Hữu 梵 有được hiểu là “Bậc Tối Diệu” (Pāli: Brahmabhūta, S.IV. Pp-95, M.I. P.111), không được đề cập trong bản Pāli.

[9] Chí lãnh hữu 至 冷 有, cực kỳ mát lạnh, vì đã dập tắt các thứ lửa. Pāli:?

[10] Chân đế bất hư hữu 真 諦 不 虛 有, không rõ Pāli. Đoạn văn Pāli được coi tương đương: (…) Tathāgato abhibhū anabhibhūti aññadṛatthudaso vasavattī, Như Lai là Vị chiến thắng, Vị không thể bị đánh bại, là Vị thấy tất cả, biết tất cả, tự do tự tại.

[11] Pāli: sabhaṃ loke yathātatham, (biết) tất cả thế gian một cách như thật.

[12] Hương âm thần 香 音 神, hay nhạc thần, hay Càn-thát-bà; Pāli: Gandhabba.

[13] Vô ngã tất thất thời 無 我 必 失 時.

 

                       (Nguyên văn bản dịch và chú thích của HT Thích Tuệ Sỹ)

 

Bản dịch từ kinh điển Agama / A-hàm trên đây cho thấy rõ ràng là những lời do chính Đức Phật thuyết giảng.  Chúng ta hãy nêu lên một câu trong bài giảng như sau: ‘Nếu nói về sư tử như thế nào, thì hãy nói về Như Lai cũng như vậy. Vì sao vậy? Như Lai ở giữa đại chúng nếu có giảng thuyết thì đó chính là tiếng rống của Sư tử’. Đức Phật là một người khiêm tốn, đơn sơ, một kẻ khất thực, không tự ví mình với một con sư tử hung dữ, Ngài là một người chỉ là ‘Như Thế’ (Như Lai / Tathāgata). Những lời thuyết giảng của Ngài là những lời chỉ dạy giúp con người nhận biết thế giới đúng với nó, nhưng không hề là các tiếng ‘rống’ của một con sư tử.

 

Dưới đây cũng xin trích dẫn thêm bản dịch bài giảng này sang tiếng Hán dựa theo kinh điển Pali, nhằm giúp các độc giả rành tiếng Hán tìm hiểu thêm về bài giảng này :

 

增支部4集23經

世間經

(Thế gian Kinh)

 

(「比丘們!世間被如來現正覺,如來是世間中的離繫者;比丘們!世間集被如來現正覺,對如來而言,世間集已被捨斷;比丘們!世間滅被如來現正覺,對如來而言,世間滅已被作證;比丘們!導向世間滅道跡被如來現正覺,對如來而言,導向世間滅道跡已被修習。)

 

比丘們!包括有諸天、魔、梵的世間;包括有諸沙門、婆羅門、天、人的世代中,凡其所見、所聞、所覺、所識、所得、所求、被意所隨行,一切都已被如來現正覺,因此被稱為『如來』。

 

而且,比丘們!凡在這如來現正覺無上遍正覺之夜,到般涅槃於無餘涅槃界之夜中間,他說、談、表明,一切都如實不異,因此被稱為『如來』。

 

比丘們!如來行如其言;言如其行,因此被稱為『如來』。

 

比丘們!包括有諸天、魔、梵的世間;包括有諸沙門、婆羅門、天、人的世代中,如來是征服者、不被征服者、全見者、自在者,因此被稱為『如來』。

 

證知世間一切後,在世間中一切如實,

世間的一切已離繫,在世間中一切無執著。

 

他實在是征服一切的賢者,一切束縛的解脫者,

最高的寂靜已被他接觸:無畏的涅槃。

 

這位煩惱已盡的覺者,無惱亂、已斷疑,

已達一切業的滅盡,在依著上消滅的解脫者。

 

這位世尊他是覺者,這位無上的雄獅,

對包括天的世間,梵輪已被他轉起。

 

像這樣,天與人,凡歸依佛陀者,

應會合禮敬你:大無畏者。

 

已調御,他是調御者[中]的最上者,已寂靜,他是使之寂靜者[中]的仙人,

已解脫,他是解脫者的最高者,已渡,他是已渡者的最上者。

 

像這樣,禮敬你:大無畏者,

在包括天的世間中,沒有與你對等者。」

 

 

Vài lời ghi chú

 

 

 Đến đây, chúng ta lại tiếp tục trích dẫn một bài giảng ngắn, nêu lên thật ngắn gọn và trực tiếp các phương cách khống trị những sự ám ảnh dục tính nói đến trong bài giảng trên đây :

 

 

Bài giảng về những kẻ bảo vệ thế giới

Lokapāla Sutta - AN 2.9

 

(Dựa theo các bản dịch tiếng Anh của John D. Ireland, Thanissaro Bhikkhu, Bhikkhu Sujato và bản tiếng Pháp của Bhikkhu Sekha)

 

Hậu ngữ pāla trong chữ Lokapāla tựa của bài giảng, có nghĩa là ‘người bảo vệ’ hay ‘người canh chừng’ (a guard, a protector) . Bài giảng này cũng thấy được ghi chép lại trong tập Itivuttaka (nguyên nghĩa của chữ này là ‘Những điều đã được nói lên như vậy’, kinh sách Hán ngữ gọi là ‘Như Thị Ngữ Kinh’, là một tập gộp chung 112 bài giảng ngắn của Đức Phật). Bài giảng này như sau :

 

 « Này các tỳ-kheo, có hai kẻ bảo vệ [mang các phẩm tính] rạng ngời (bright / sáng chói) có thể bảo vệ cho thế giới. Vậy hai kẻ bảo vệ ấy là gì ? Biết xấu hổ và biết hối hận. Khi hai kẻ bảo vệ rạng ngời ấy không còn bảo vệ được thế giới nữa, thì nào có còn nhận biết được người ấy là ‘mẹ mình’, nào có còn nhận biết được người ấy là ‘chị hay em gái của mẹ mình’ (aunt / cô, dì, thím, bác của mình), nào có còn nhận biết được người ấy là ‘vợ của chú hay của bác mình’ (uncle / chú, bác, cậu, dượng của mình), nào có còn nhận biết được người ấy là ‘vợ của thầy mình’, hoặc nào có còn nhận biết được người ấy là ‘vợ của những người mà mình kính nể’.

 

Thế giới sẽ lâm vào cảnh loạn luân (promiscuity), tương tự như đàn dê đực và đám dê cái, như bầy gà trống hay đàn heo đực, hoặc như bầy chó đực hay đàn chó rừng (jackal /chacal). Sở dĩ hai kẻ bảo vệ [mang các phẩm tính] sáng chói ấy có thể bảo vệ được thế giới, thì đấy là nhờ vào sự nhận biết (recognition / sự ý thức) đây là ‘mẹ mình’, nhờ vào sự ý thức đây là ‘chị hay em gái của mẹ mình’, nhờ vào sự nhận biết đây là ‘vợ của chú hay của bác mình’, nhờ vào sự nhận biết đây là ‘vợ của thầy mình’ và đây là ‘vợ của những người mà mình kính nể’ ».

 

Trong tập Itivuttaka (Như Thị Ngữ Kinh), bài giảng này được ghép thêm các cậu ‘kệ’, do đó các câu này có thể là các câu xuất hiện muộn :

 

Đối với những người

Mà sự xấu hổ và hối hận

Không mấy khi hiện lên với họ,

Thì đấy là những người

Đánh mất cả cội nguồn của sự rạng ngời.

Họ sẽ không sao tránh khỏi sự sinh và cái chết.

Thế nhưng đối với những người

Biết xấu hổ và hối hận,

Thực hiện được một cuộc sống thánh thiện,

Thì họ sẽ tìm được sự thanh thản,

Và sự hình thành sẽ chấm dứt

Với họ trong tương lai.

 

 

Vài lời ghi chú

 

Hầu hết các bản dịch sang các ngôn ngữ Tây phương được tham khảo đều dịch chữ pāla trong chữ Lokapāla, tựa của bài giảng, là ‘phẩm tính’, ‘nguyên tắc’, thế nhưng nghĩa từ chương của chữ này là kẻ bảo vệ  (guard, keeper, protector). Duy nhất chỉ có bản dịch của nhà sư Thanissaro Bhikkhu là dịch đúng chữ này là ‘kẻ bảo vệ’, cách dịch này từ chương và trung thực hơn cả. Đó là cách Đức Phật nhân cách hóa hai phẩm tính‘biết xấu hổ’‘biết hối hận’ với hai kẻ bảo vệ gia đình và xã hội, tức là thế giới.

 

Các lời cảnh giác của Đức Phật thật đanh thép, không một chút nhân nhượng, đánh thẳng vào các ý nghĩ đen tối phát sinh từ bản năng truyền giống của con người và cả cầm thú. Nói một cách khác mở rộng hơn, thì các ý nghĩ ấy là các sự tạo tác tâm thần (saṅkhāra)  đưa đến sự hình thành của thế giới dục tính bên trong tâm thức của mỗi cá thể. Dập tắt được bản năng đó, các ý nghĩ đen tối đó là cả một sự gay go, dù là đối với người thế tục hay người tu hành, dù bước theo tôn giáo này hay tôn giáo kia thì cũng vậy.

 

Qua một góc nhìn khác, thì thật hết sức rõ ràng Đức Phật không những thuyết giảng các sự hiểu biết siêu việt trong các lãnh vực tư tưởng và triết học, mà còn khuyên dạy những điều thiết thực, trực tiếp, cụ thể và thực dụng, giúp con người khống chế các ý nghĩ đen tối, u mê và lầm lẫn, có thể đưa đến các hành động đồi bại, tạo ra một xã hội phi đạo đức, một thế giới đảo điên.

 

Xin trích dẫn dưới đây bản dịch của bài giảng này trong Đại Tạng Kinh tiếng Việt để độc giả tiện tham khảo thêm.

 

Anguttara Nikāya / Kinh Tăng Chi Bộ

Phẩm Hình Phạt – 2.1-10. Hai Loại Tội

 

Hai pháp này, này các Tỷ-kheo, là pháp đen. Thế nào là hai? Không tàm (tàm là tiếng Hán, có nghĩa là xấu hổ) và không quý (là tiếng Hán, có nghĩa là e thẹn). Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là hai pháp đen. Hai pháp này, này các Tỷ-kheo, là pháp trắng. Thế nào là hai? Tàm và quý. Các pháp này, này các Tỳ-kheo, là hai pháp trắng (trong các bản dịch sang các ngôn ngữ Tây phương thì sự xấu hổ và hối hận không hề là các hình phạt hay tội phạm, trái lại là các phẩm tính rạng ngời, bởi vì hai phẩm tính đó sẽ giúp mình không vi phạm vào những điều tai hại và tồi tệ. Đen và trắng là cách dịch từ chương, các chữ này phải chăng là có ý nói lên tính cách hữu ích của các phẩm tính xấu hổ và hối hận và sự tai hại của các ý nghĩ đen tối ?).

 

Hai pháp trắng này, này các Tỳ-kheo, che chở cho thế giới. Thế nào là hai? Tàm và quý. Nếu hai pháp trắng này, không che chở cho thế giới, thời không thể chỉ được đây là mẹ hay là em, chị của mẹ, hay đây là vợ của anh hay em của mẹ, hay đây là vợ của Thầy hay đây là vợ của các vị tôn trưởng. Và thế giới sẽ đi đến hỗn loạn như giữa các loài dê, loài gà vịt, loài heo, loài chó, loài dã can. Vì rằng, này các Tỳ-kheo, có hai pháp trắng này che chở cho thế giới, nên mới có thể chỉ được đây là mẹ hay đây là chị em của mẹ, hay đây là vợ của anh hay em của mẹ, hay đây là vợ của Thầy hay đây là vợ của các vị tôn trưởng.

 

(Nguyên văn bản dịch của HT Thích Minh Châu trong Đại Tạng Kinh)

 

Ngoài ra HT Thích Minh Châu cũng có dịch toàn bộ tập Itivuttaka mang tựa là ‘Kinh Phật thuyết như vậy’ (Thiền Viện Vạn Hạnh, 1978), trong khi đó kinh sách Hán ngữ thì gọi tập ‘kinh’ này là ‘Như Thị Ngữ Kinh’. Bản dịch của Hòa Thượng trong tập kinh này gần với tiếng Việt hơn so với bản dịch của Hòa Thượng trong Đại Tạng Kinh. Tuy nhiên giữa hai bản dịch này cũng có một vài điểm khác biệt, do vậy xin trích dẫn thêm bản dịch này của Hòa Thượng trong tập Itivuttaka để độc giả tiện đối chiếu và tìm hiểu cặn kẽ hơn về bài giảng này :   

 

(XLLII) (Duk. II, 5) (It. 36)

 

Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe: Này các Tỳ-kheo, có hai pháp trắng này che chở cho đời. Thế nào là hai? Xấu hổ và sợ hãi. Này các Tỳ-kheo, nếu hai pháp này không che chở cho đời, thời ở đây không có sự phân biệt giữa mẹ, chị em của mẹ, vợ của anh em của mẹ, hay giữa vợ của bậc giáo thọ sư, giữa những người vợ của những bậc đáng được kính trọng; thế giới sẽ rơi vào loạn luân như các loài dê cừu, gia cầm, heo, chó và các con chó rừng. Vì rằng, này các Tỳ-kheo, có hai pháp trắng này che chở cho đời, cho nên ở đây có sự phân biệt giữa mẹ, chị em của mẹ, vợ của anh em của mẹ, hay vợ của bậc giáo thọ sư, giữa những người vợ của những bậc đáng được kính trọng.

 

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.

 

Với những ai không có,

Xấu hổ và sợ hãi,

Liên tục và thường xuyên,

Họ đi xuống bào thai,

Dựa trên gốc tinh dịch

Họ đi đến sanh tử,

Với những ai chánh trí,

Xấu hổ và sợ hãi,

Liên tục và thường xuyên,

Vững trú trên Phạm hạnh, 

Họ được sự an tịnh,

Tái sanh được diệt tận.

 

(Nguyên văn bản dịch của HT Thích Minh Châu trong tập Itivuttaka)

 

Đến đây chúng ta lại trích dẫn thêm một bài giảng khác mang tựa là Bài giảng cho Ānanda / Ānanda Sutta - AN 3.32, để đối chiếu với hai bài giảng đã được trích dẫn trên đây là ‘Bài giảng về sự ám ảnh tâm thần’ và ‘Bài giảng về hai kẻ bảo vệ thế giới’.

 

Bài giảng cho Ānanda

Ānanda Sutta  - AN 3:32

 

(Dựa theo các bản dịch tiếng Anh của Thanissaro Bhikkhu, Bikkhu Sujato, Bhikkhu Bodhi và Suddhāso Bhikkhu)

 

Ngài Ānanda tìm gặp Đấng Thế Tôn, khi đến nơi thì vái chào Thế Tôn và ngồi sang một bên. Sau khi an tọa thì Ngài Ānanda cất lời hỏi Thế Tôn như sau : « Thưa Thế Tôn :

 

- Một người tỳ-kheo có thể nào đạt được một cấp bậc tập trung tâm thần đến mức độ tạo ra [thể dạng] ‘không có cái tôi’, cũng không tạo ra ‘cái của tôi’, là những thứ khiến làm phát sinh ra sự ý thức về con người của mình (conceit-obsession / sự cảm nhận, sự tự nhận diện về chính mình, ý thức về sự hiện hữu của mình) trong khi thân xác mình vẫn còn hàm chứa tri thức (câu này có nghĩa là trong lúc hành thiền thì người tỳ-kheo có thể nào thực hiện được thể dạng hoàn toàn không có ‘cái tôi’ cũng không có bất cứ gì là ‘cái của tôi’ cả, trong khi mà mình vẫn còn ý thức được con người của mình, thân xác của mình, sự hiện hữu của mình ?) ;

 

- [Hoặc] người tỳ-kheo có thể nào tạo ra [thể dạng] không có ‘cái tôi’, cũng không tạo ra ‘cái của tôi’, khiến làm phát sinh ra sự tự nhận (sự cảm nhận, sự ý thức) về con người của mình khác với các sự vật bên ngoài (sự lôi cuốn của các sự vật bên ngoài khiến làm phát sinh ra chủ thể là ‘cái tôi’ giữ vai trò nhận biết, và các sự vật bên ngoài sẽ trở thành các đối tượng của sự nhận biết của ‘cái tôi’ đó. Thắc mắc nêu lên là trong khi hành thiền thì có thể nào làm hoàn toàn tan biến được ‘cái tôi’ và ‘cái của tôi’ hay không, trong khi mà mình vẫn còn ý thức được sự phân biệt, sự tách biệt, giữa con người của mình và các sự vật trong khung cảnh bên ngoài, qua cặp đối ngẫu ‘chủ thể’ và ‘đối tượng’ ?) ;

 

- [Hoặc] người tỳ-kheo có thể nào tạo ra [thể dạng] không có ‘cái tôi’, cũng không tạo ra ‘cái của tôi’, khiến làm phát sinh ra sự tự nhận về con người của mình, hầu giúp mình hòa nhập và an trú trong thể dạng tỏa rộng của sự tỉnh thức (awareness-release) và sự tỏa rộng của sự nhận thức (discernment-release) trong khi mà mình không tạo ra bất cứ một sự tạo tác nào về ‘cái tôi’, cũng không tạo ra bất cứ một sự tạo tác nào về ‘cái của tôi’, khiến làm phát sinh ra sự tự nhận về con người của mình, [tương tự] như trường hợp của một người nào đó đã [thật sự] thực hiện được sự hòa nhập và an trú trong thể dạng không có ‘cái tôi’, cũng không có ‘cái của tôi’, khiến đưa đến sự ám ảnh về chính mình hay không ? »  

 

« Này Ānanda, điều đó (thể dạng đó) có thể thực hiện được, người tỳ-kheo có thể đạt được một thể dạng tập trung tâm thần đến mức độ có thể tạo ra [thể dạng] không có ‘cái tôi’,… [lập lại câu trên đây]

 

« Thế nhưng, thưa Thế Tôn, bằng cách nào mà người tỳ-kheo lại có thể thực hiện được một sự tập trung tâm thần đến mức độ đó… ?

 

« Này Ānanda, đấy là trường hợp mà người tỳ-kheo nhận thức được qua cách [suy nghĩ] : ‘Đây là sự an bình (peace / sự bình lặng), đây là sự thanh thoát (exquisite / sự tuyệt diệu) – làm lắng xuống tất cả mọi sự tạo tác ; buông bỏ tất cả mọi sự chiếm hữu ; tạo được sự chấm dứt đối với mọi sự thèm khát ; tìm thấy sự thanh thản (dispassion / không đam mê, thản nhiên, dửng dưng) ; tạo được sự dừng lại (cessation / không hình thành) ; thực hiện được sự giải thoát (unbiding / sự vượt thoát, sự cởi trói)’. Đấy là cách giúp người tỳ kheo đạt được sự tập trung tâm thần đến mức độ không còn tạo ra ‘cái tôi’ cũng không còn tạo ra ‘cái của tôi’, là những thứ làm phát sinh ra sự ý thức (sự tự nhận) về con người của mình trong khi thân xác vẫn còn hàm chứa tri thức ; [hoặc] người tỳ-kheo ấy không còn tạo ra ‘cái tôi’, cũng không còn tạo ra ‘cái của tôi’, là những thứ làm phát sinh ra sự ý thức (sự tự nhận) về con người của mình, khác với các sự vật bên ngoài (tức là những gì xảy ra chung quanh mình và trong thế giới) ; [hoặc] người tỳ-kheo ấy không còn tạo ra ‘cái tôi’, cũng không còn tạo ra ‘cái của tôi’, hầu giúp mình hòa nhập và an trú trong thể dạng tỏa rộng của sự tỉnh thức và sự nhận thức, trong khi không có sự tạo tác nào về ‘cái tôi’, cũng không có sự tạo tác nào về ‘cái của tôi’, là những thứ làm hiện lên sự tự nhận (sự ám ảnh) về con người của mình, [tương tự] như trường hợp của một người đã [thật sự] hoà nhập được và an trú được trong thể dạng không có ‘cái tôi’, cũng không có ‘cái của tôi’, là những thứ làm hiện lên sự tự nhận (sự ám ảnh) về con người của mình.

 

« Thật ra ta cũng đã từng nêu lên các điều này khi trả lời ‘Các câu hỏi của Puṇṇaka’ (Puṇṇaka-māṇava-pucchā / Puṇṇaka’s Questions, nêu lên trong một bài giảng khác) thuộc phân đoạn giải thích về các Pārāyana (chữ Pārāyana có nghĩa là ‘Chủ đích tối hậu’ / final aim, chief object. Các ‘Chủ đích’ này được tìm thấy trong Sutta Nipata / Kinh Tập, thuộc Khuddhaka Nikaya / Tiểu Bộ Kinh, qua các câu 1043 đến 1048. Các câu này sẽ được chuyển ngữ trong phần ghi chú dưới đây. Ngoài ra bài giảng này cũng được kèm thêm các câu kệ như sau).

 

Đối với một người khi đã thăm dò được

Sự thăng trầm của thế giới,

Thì sẽ chẳng có gì khiến mình

Phải xao xuyến trong thế giới.

Những gì tồi tệ [trong tâm thức, qua ngôn từ và trên thân xác]

Đều tan biến hết.

Không mong cầu gì cả,

Thanh thản và an bình.

Này Ānanda, ta bảo với Ānanda rằng : 

Con người ấy đã thoát ra khỏi sự sinh,

Và cả sự già nua.

 

Vài lời ghi chú

 

Trước hết chúng ta hãy trở lại với hai bài giảng trích dẫn trước Bài giảng cho Ānanda (AN 3.32) trên đây : bài thứ nhất là Bài giảng về sự ám ảnh tâm thần (AN 1.1-10) nêu lên các sự thúc đẩy bản năng của người đàn ông và người đàn bà tạo ra cả một thế giới dục tính cho họ, và bài thứ hai là Bài giảng về hai kẻ bảo vệ thế giới (AN 2.9) biểu trưng cho hai phẩm tính ‘biết xấu hổ’ và ‘biết hối hận’ giúp họ bảo vệ luân thường cho thế giới. Hai bài giảng này, thật hết sức rõ ràng, nêu lên các lời khuyên thuộc lãnh vực đạo đức xã hội, nhằm cảnh giác người đàn ông và người đàn bà trước các ý nghĩ đen tối của họ trong lãnh vực tính dục, có thể đưa đến các hành động đồi bại từ trong khung cảnh gia đình cho đến bên ngoài xã hội. Nếu hai bài thuyết giảng đó nêu lên các lời khuyên mang tính cách đại chúng, áp dụng cho tất cả những người đàn ông và đàn bà trong xã hội, thì trái lại Bài giảng cho Ānanda (AN 3.32) trên đây nêu lên các lời giải thích về một cấp bậc tu tập và hiểu biết thật cao, dành cho một vị tỳ-kheo uyên bác trong Tăng đoàn là Ānanda.

 

Người tỳ-kheo thuật lại bài giảng này gọi Ānanda là Ngài Ānanda, điều đó cho thấy Ānanda là một vị tỳ-kheo ‘trưởng lão’ và uyên bác trong Tăng đoàn. Ngài Ānanda hỏi Đức Phật là trong lúc thiền định và sau khi đã thực hiện được thể dạng cảm nhận không có ‘cái tôi’, cũng không có bất cứ một thứ gì gọi là ‘cái của tôi’ cả, thì người hành thiền có còn ý thức được sự hiện hữu về con người của mình hay không, trong khi thân xác mình vẫn còn hàm chứa một tri thức. Thắc mắc đó nêu lên một thể dạng thực hiện thật sâu xa và vô cùng tinh tế trong phép luyện tập thiền định.

 

   Nếu bài giảng về các sự ám ảnh trong tâm trí của người đàn ông và người đàn bà và bài giảng về hai kẻ bảo vệ thế giới là sự xấu hổ và biết hối hận, là hai bài giảng mang tính cách đại chúng, thì Bài giảng cho Ānanda (AN – 3.32) nêu lên thể dạng trống không của ‘cái tôi’ và những gì gọi là ‘cái của tôi’, là một bài giảng thuộc một cấp bậc tu tập thượng thặng, đã xóa bỏ được các ý nghĩ đen tối thúc đẩy bởi bản năng truyền giống. Điều đó cho thấy giáo lý của Đức Phật luôn mạch lạc, trung thực và chính xác, dù là giảng cho những người bình dị hay những người đã thực hiện được các cấp bậc quán thấy thật  cao. Sự ý thức đó về nội dung và các cấp bậc hiểu biết trong các bài giảng thật hết cần thiết trong việc học hỏi và tìm hiểu Giáo huấn của Đức Phật.

 

Sau đây xin trích dẫn bản dịch Bài giảng cho Ānanda (AN 3.32) trong Đại Tạng Kinh tiếng Việt để bổ túc thêm cho bản dịch trên đây : 

 

Aṅguttara Nikāya

IV. Phẩm Sứ Giả Của Trời

3.32. Ānanda

 

Rồi Tôn giả Ānanda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên; ngồi xuống một bên, Tôn giả Ānanda bạch Thế Tôn:

 

—Rất có thể, bạch Thế Tôn, một Tỳ-kheo được định như vậy, trong cái thân có thức này, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tuỳ miên; đối với tất cả tướng ở ngoài, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tuỳ miên; và do chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tuỳ miên; vị ấy có thể chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy.

 

—Rất có thể, này, Ānanda, một Tỳ-kheo được định như vậy … có thể chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy.

 

—Như thế nào, bạch Thế Tôn, rất có thể, một Tỳ-kheo được định như vậy … có thể chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy?

 

—Ở đây, này Ānanda, vị Tỳ-kheo suy nghĩ như sau: “Đây là an tịnh, đây là thù diệu, tức là chỉ tức tất cả hành, từ bỏ tất cả sanh y, đoạn tận tham, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. Như vậy, này Ānanda, rất có thể Tỳ-kheo được định như vậy, … có thể chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát .

 

Lại nữa, này Ānanda, liên hệ đến vấn đề này, Ta đã nói như sau trong kinh tên là “Những câu hỏi của Puṇṇaka”, chương về Pàràyana.

 

Do phân tích ở đời

Những vật cao và thấp

Với vị không dao động

Bởi vật gì ở đời,

An tịnh, không tối mù,

Không phiền muộn, không cầu

Ta nói người như vậy,

Đã vượt khỏi sanh già.

 

                                      (Nguyên văn bản dịch của HT Thích Minh Châu)

 

Trong câu cuối bài giảng, Đức Phật có nhắc lại với người tỳ kheo Ānanda là Ngài đã từng nêu lên vấn đề này trong các câu trả lời cho các câu hỏi của Puṇṇaka. Các câu trả lời này được ghi chép trong Khuddakha Nikaya / Tiểu Bộ Kinh trong tập Sutta Nipata / Kinh Tập  và được đánh số Sn 5.3. Vậy cũng xin trích dẫn thêm để bổ túc cho bản dịch Bài giảng cho Ananda trên đây :

 

CÁC CÂU HỎI CỦA PUṆṆAKA

PUṆṆAKA-MANAVA-PUCCHA - Sn 5.3

 

 (Dựa theo các bản dịch tiếng Anh của Thanissaro Bhikkhu và John Ireland)

 

Puṇṇaka là một vị tỳ-kheo trong Tăng đoàn. Các chi tiết về nhân vật này sẽ được nêu lên trong phần ghi chú. Sau đây là các câu hỏi của Puṇṇaka và các câu trả lời của Đức Phật :

 

Puṇṇaka [hỏi Đức Phật] :

 

Trước một vị không hề nao núng (tức là Đức Phật),

Thấu triệt được cội nguồn [của mọi sự vật],

Kẻ [hèn mọn] này xin nêu lên một câu hỏi :

Tại sao lại có nhiều người sáng suốt (seer / những người thấy xa hiểu rộng),

[Chẳng hạn như] các chiến binh cao quý, các vị Bà-la-môn (tức là những người thuộc đẳng cấp cao nhất trong số bốn đẳng cấp xã hội),

Lại sử dụng việc cúng tế (cúng dường lễ vật, kể cả việc hiến sinh trong Ấn giáo) các vị Thiên nhân (các vị Trời trong Ấn giáo) ? 

Thưa Thế Tôn, xin khẩn cầu Thế Tôn hãy trả lời cho kẻ [hèn mọn] này về câu hỏi ấy.

 

Đức Phật [trả lời Puṇṇaka] :

 

Những con người sáng suốt ấy,

Các chiến binh cao quý ấy, các vị Bà-la-môn ấy,

Sở dĩ sử dụng việc cúng tế trong thế giới này

Để [mượn dịp] hiến dâng lễ vật cho các Thiên nhân,

Là vì họ ước mong, nhờ vào việc cúng tế bằng cách hiến dâng lễ vật ấy,

Họ sẽ vượt được xa hơn thể dạng hiện hữu này của họ (được thụ hưởng nhiều hơn, được sống lâu hơn trong kiếp sống hiện tại này của họ),

Bởi vì họ [cảm thấy] mình ngày càng già đi.

 

Puṇṇaka :

 

Có những người sáng suốt,

[Họ là] các chiến binh cao quý, các vị Bà-la-môn,

[Thế nhưng] họ lại sử dụng việc cúng tế trong thế giới này,

Để hiến dâng lễ vật cho các vị thiên nhân.

Vậy thì, thưa Thế Tôn, khi chọn con đường (phương tiện) cúng tế,

Thì họ có vượt thoát được sự sinh và sự già nua hay không ?

Thưa Thế Tôn, xin khẩn cầu Thế Tôn hãy trả lời cho kẻ [hèn mọn] này về câu hỏi ấy.

 

Đức Phật :

 

[Chẳng qua là vì] họ luôn ước mong, thụ hưởng và thèm khát,

Nên họ thực hiện việc cúng tế.

Họ ước mong tìm được các thú vui dục tính,

Chạy theo các sự lợi lộc.

Ta bảo với Puṇṇaka rằng :

Những kẻ tự buộc vào cổ mình cái ách cúng tế,

Say mê sự thèm khát được hình thành,

Sẽ không sao thoát ra khỏi sự sinh và sự già nua.

 

Puṇṇaka :

 

Nếu những ai tự buộc vào cổ mình cái ách cúng tế,

Thì sẽ không sao vượt qua được dòng nước cuốn,

Vậy thì thưa Ngài, có những ai trong thế giới này,

Dù họ là thiên nhân hay con người,

Có thể vượt thoát được sự sinh và sự già nua hay chăng ?

Thưa Thế Tôn, xin khẩn cầu Thế Tôn hãy trả lời cho kẻ [hèn mọn] này về câu hỏi ấy.

 

Đức Phật :

 

Đấy là trường hợp của một người,

Khi đã thấu triệt được sự thăng trầm của thế giới (thấy xa hiểu rộng),

Thì sẽ chẳng có gì trong thế giới khiến người ấy phải xao xuyến, 

Các thói hư (vices / các tật xấu, các ý nghĩ [dục tính] đồi bại) đều tan biến hết.

Không thèm khát, không dao động,

Người ấy sẽ tạo được cho mình sự an bình.

Ta bảo với Puṇṇaka rằng :

Người ấy đã thoát ra khỏi sự sinh và sự già nua.

 

Vài lời ghi chú

 

Puṇṇaka là một thanh niên còn trẻ, thương gia trong một đoàn xe lưu động (caravan). Tên gọi Puṇṇaka của người thanh niên này là một từ ghép (Puṇṇa+ka), Puṇṇa là tên gọi, ka có nghĩa là bình dị. Vào một dịp khi đoàn xe buôn đến kinh thành Sāvatthī (Xá Vệ) thì người thanh niên bình dị này được dịp nghe Đức Phật thuyết giảng, và sau đó đã quyết định rời bỏ đoàn thương buôn và xin gia nhập Tăng đoàn. Đức Phật rất chú ý đến người tỳ-kheo trẻ tuổi này. Một hôm Puṇṇaka xin Đức Phật thuyết giảng riêng cho mình một bài giảng giúp mình tự học hỏi và tu tập sau khi rời Tăng đoàn trở về quê quán của mình nơi xứ Sunāparanta. Đức Phật bèn giảng cho người tỳ-kheo Puṇṇaka một bài giảng mang tựa là Puṇṇovāda Sutta / Các lời khuyên dành cho Puṇṇa. Bài giảng này được ghi chép lại trong Majjima Nikaya / Trung Bộ Kinh và được đánh số MN 145. Sau khi trở về quê quán, người thanh niên Puṇṇa tiếp tục tu tập và đạt được cấp bậc arahant / a-la-hán, sau đó thì đứng ra giảng dạy và quy tụ được rất nhiều môn đệ. Puṇṇaka, nay đã trở thành một vị thầy, dựng lên một chiếc am toàn bằng gỗ đàn hương, sau đó thì nhờ người mang một cành hoa biếu tặng Đức Phật, ngụ ý mời Đức Phật viếng quê hương mình. Đức Phật thân hành đến nơi này cùng với năm trăm vị Arahant trong Tăng đoàn. Ngài nghỉ một đêm trong chiếc am và sáng hôm sau thì cùng với đoàn tùy tùng ra đi trước khi mặt trời mọc (viết theo tư liệu của Wisdom Library).

 

Mạn phép giải thích dài dòng về các bài thuyết giảng của Đức Phật trên đây là nhằm mục đích nêu lên một thí dụ cụ thể, trước hết là sự mạch lạc và sau đó là các cấp bậc hiểu biết khác nhau trong toàn bộ Giáo huấn của Đức Phật. Vì vậy, mỗi khi muốn tìm hiểu một bài thuyết giảng của Đức Phật thì phải đặt nó trong khung cảnh không gian và thời gian của nó, cùng các các tình tiết liên hệ với nó,  kể cả cấp bậc hiểu biết và thấu triệt phù hợp với khả năng của người nghe. Nếu tách rời một bài giảng ra khỏi các khía cạnh và yếu tố đó, thì quả khó nắm bắt được ý nghĩa trung thực, sâu sắc và mạch lạc trong toàn bộ Dhamma của Đấng Thế Tôn.  

 

Ngoài ra bài giảng về Các câu hỏi của Puṇṇaka trên đây cũng đã được cư sĩ học giả Nguyên Giác phiên dịch và bình giải trong quyển sách của ông mang tựa Kinh Nhật Tụng Sơ Thời (Ananda Viet Foundation, 2018, tr. 114-115). Do vậy cũng xin mạn phép trích dẫn dưới đây để độc giả tiện tham khảo thêm : 

 

Sn 5.3 : Punnaka-Manava-Puccha

Các câu hỏi của Puṇṇaka

(dịch giả Nguyên Giác)

 

Lời mở đầu của dịch giả Nguyên Giác :

 

Nghi lễ tôn giáo vô ích. Cúng lễ, hiến tế vô ích. Giải thoát là người đã thấy được xa và gần trong thế giới này (has discerned far and near in the world). Xa và gần là gì? Có thể hiểu như Kinh Sn 5.2. Nhưng Kinh Sn 5.3 không nói gì về chặng giữa, cho nên “xa và gần” có thể hiểu như nhìn thấy trong chánh niệm các pháp tập khởi và biến diệt. Đức Phật cũng dạy là phải vắng lặng và tỉnh thức, và xa lìa tham với sân.

 

Tóm lược ý kinh: Vắng lặng và tỉnh thức, xa lìa tham sân. Chuyện nghi lễ, cúng tế chỉ vô ích.

Kinh này gồm các bài kệ từ 1043 tới 1048.

 

Bài giảng như sau :

 

1043. [Puṇṇaka] Đối trước người bất động, người đã thấy cội rễ, con xin nêu câu hỏi: Vì sao nhiều đạo sĩ, dân chúng, giới quý tộc và giới bà la môn trong thế giới này cúng lễ các vị thiên? Xin Đức Phật trả lời cho con.

 

1044. [Đức Phật] Hỡi Puṇṇaka, bất kỳ các đạo sĩ, dân chúng, quý tộc và ba la môn đó cúng lễ các vị thiên, vì họ khao khát tái sinh. Khi họ già yếu, họ cúng lễ.

 

1045. [Puṇṇaka] Các đạo sĩ, dân chúng, quý tộc và bà la môn đó cúng lễ các vị thiên, dâng lễ hiến tế các vị thiên. Bạch Thế Tôn, những người tinh tấn theo con đường cúng lễ có vượt qua được sinh và già hay không? Xin Đức Phật trả lời cho con.

 

1046. [Đức Phật] Hy vọng, cầu nguyện, thèm khát và cúng lễ hiến tế. Thèm khát có niềm vui thọ lạc, như thế là họ muốn kiếm thêm. Do vậy họ cúng lễ hiến tế, ham muốn để tái sinh. Ta nói rằng, họ không vượt qua được sinh và già.

 

1047. [Puṇṇaka] Bạch Thế Tôn, nếu những người cúng lễ hiến tế không vượt qua sinh và già, thì ai trong cõi trời và người đã vượt qua được sinh và già. Xin Đức Phật trả lời cho con.

 

1048. [Đức Phật] Đó là người đã nhìn thấy xa và gần trong thế giới này, người không còn dao động dù ở đâu trong cõi này, người sống vắng lặng, tỉnh thức, không còn tham hay sân. Ta nói, người như thế đã vượt qua sinh và già.

                                                                  

(Nguyên văn bản dịch và các lời bình giải của học giả Nguyên Giác)      

 

                    Bures-Sur-Yvette, 06.08.24

                                                                             Hoang Phong

 

(còn tiếp)


 [n1]

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/08/2010(Xem: 61657)
Quyển 6 • Buổi Pháp Thoại Trên Đỉnh Cao Linh Thứu (Gijjhakūṭa) • Ruộng Phước • Tuệ Phân Tích Của Tôn Giả Sāriputta • MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI CHÍN (Năm 569 trước TL)- Mỹ Nhân Giá Mấy Xu? • Chuyện Cô Sirimā • Móc Cho Con Mắt Đẹp • Ngạ Quỷ Mình Trăn • Cùng Một Nguyên Lý • “Hớt” Phước Của Người Nghèo! • Ghi chú đặc biệt về hạ thứ 19: • MÙA AN CƯ THỨ HAI MƯƠI (Năm 568 trước TL)-Phước Cho Quả Hiện Tại • Bảy Thánh Sản • Chuyện Kể Về Cõi Trời • Hóa Độ Gia Đình Thợ Săn • Nhân Duyên Quá Khứ
28/08/2010(Xem: 7385)
Văn hóa và giáo dục Phật giáo là phương tiện để ươm mầm và nuôi dưỡng hạt giống bồ đề tâm trong từng cá thể xã hội. Khi những hạt mầm lớn lên sẽ là những con người đi vào cuộc đời bằng tâm bồ đề, bằng trí giác ngộ, bằng trái tim từ bi để không những thắp sáng lý tưởng cao cả của Phật Đạo, mà còn là những nhân tố hữu ích để góp phần xây dựng và phát triển xã hội.
28/08/2010(Xem: 58387)
Sau khi sinh hoạt của hội chúng đã tạm thời đi vào quy củ, nền nếp; đức Phật thấy thời tiết có nắng nhẹ, trời không lạnh lắm, thuận lợi cho việc du hành nên quyết định rời Gayāsīsa, đến kinh đô Rājagaha, đường xa chừng sáu do-tuần. Thấy đoàn sa-môn quá đông, khó khăn cho việc khất thực, đức Phật gợi ý với ba anh em Kassapa cho chúng đệ tử phân thành từng nhóm,
08/08/2010(Xem: 3719)
Làm sao để mọi người đều có thể áp dụng lối sống lành mạnh? Làm sao để xã hội phát triển bền vững, hài hòa? Làm sao để mỗi người được sống hạnh phúc? Tại sao nhiều người đã biết rằng hút thuốc, uống rượu và sử dụng các chất gây nghiện là có hại cho sức khỏe mà họ vẫn không từ bỏ nó? Tại sao nhiều người biết rằng khí hậu toàn cầu đang biến đổi theo chiều hướng bất lợi đối với trái đất nhưng hàng ngày vẫn có những hành động trực tiếp, gián tiếp làm tổn hại đến môi trường sống?...
03/08/2010(Xem: 14031)
Mặc dù được xem như là một tôn giáo, thì Phật giáo vẫn là một trong các truyền thống tri kiến vĩ đại nhất của thế giới, được dựa trên cơ sở về trải nghiệm và lập luận hơn là việc tin tưởng không điều kiện vào thần quyền. Trong nhiều thế kỷ, đạo Phật đã đối thoại với các truyền thống khác ở châu Á như là Ấn giáo, Khổng giáo và Lão giáo, đó là các truyền thống vốn có các luận điểm riêng về thực tại. Nhưng đến kỷ nguyên mới này, thì sự thống trị lại thuộc về khoa học hiện đại vốn là một hệ thống truy cứu và tri kiến về thế giới tự nhiên một cách có lập luận, cho nên nếu muốn duy trì vị thế sẵn có như là một truyền thống thực nghiệm và tập luận truy cứu nghiêm cẩn, thì Phật giáo phải đối mặt với khoa học.
22/07/2010(Xem: 13236)
Tôi phải thú nhận rằng hình như có điều gì không ổn khi một người suốt đời sống trong thế tục như tôi lại viết lời giới thiệu cho một quyển sách về giáo lý của Đức Phật về sự thành đạt, trí tuệ và bình an nội tâm. Quan điểm của tôi về tôn giáo đã bị chỉ trích nhiều, vì tôi tin rằng hầu hết các tôn giáo đều là một hình thức tâm bị nhiễm vi-rút (virus) làm lây nhiễm chúng sanh bình thường mạnh khỏe –và thường là có tri thức. Chỉ có Phật giáo dường như tách biệt với các tôn giáo khác vì tính chất cởi mở, uyển chuyển và thực dụng. Do đã sống hơn nữa thể kỷ ở Sri Lanka, tôi đã nhìn thấy giáo lý của Đức Phật đã được áp dụng như thế nào bởi nhiều thành phần xã hội, bằng nhiều phương cách khác nhau. Dầu nghe có vẻ lạ, nhưng những người hoàn toàn có lý trí và những kẻ bảo thủ một cách điên cuống đều cho rằng niềm tin và thái độ củ
20/07/2010(Xem: 16919)
Với quyển Phật Pháp Cho Mọi Người, chúng tôi tương đối đã đạt được phần nào kết quả khi có thể mang những bài pháp thoại của nhiều tác giả đến với người đọc, nhất là những người sơ cơ như chúng tôi. Cũng đã ba năm kể từ quyển sách đó được phát hành, cũng đã có thêm nhiều bài pháp được chúng tôi chuyển ngữ. Theo sự gợi ý của một số thân hữu, lần này chúng tôi cũng xin tổng hợp các bài dịch rải rác đó đây để mang đến cho quý độc giả xa gần một luồng gió mát của chân Pháp. Mong là chúng tôi không phụ lòng mong đợi của quý độc giả. Dầu đã hết sức cố gắng, nhưng chúng tôi chắc rằng sẽ khó thể tránh những thiếu sót trong phần dịch thuật và biên tập, mong quý tôn sư, quý độc giả hoan hỷ chỉ bày. Lần nữa chúng tôi xin cảm tạ quý đạo hữu luôn chung tay với chúng tôi trong Phật sự này, để một số sách luôn đến tay quý độc giả dưới dạng ấn tống. Nguyện cho phước báu trong Pháp thí này được chia sẻ đến chư thiên, quý ân sư, quý ân nhân, đạo hữu, thân quyến và mọi chúng sanh. Na
18/07/2010(Xem: 14021)
Bất cứ người nào có nghiên cứu Phật học, có kiến thức về giáo lý đạo Phật như được ghi trong ba tạng kinh điển, đều thừa nhận đang có một khoảng cách lớn, phân biệt đạo Phật trong kinh điển (mà tôi tạm gọi là đạo Phật lý thuyết) với đạo Phật ở ngoài đời, trong cuộc sống thực tế. Đạo Phật lý thuyết là đạo Phật lý tưởng. Khoảng cách giữa lý tưởng và thực tế là chuyện tất nhiên và tất yếu. Bởi lẽ nếu không có khoảng cách đó giữa đạo Phật lý tưởng và đạo Phật thực tế thì mọi người chúng ta đều thành Phật cả rồi, và cõi đất này là cõi Phật rồi.
18/07/2010(Xem: 14450)
Chúng ta không ai không hấp thụ một nền giáo dục, hay ít ra tiếp nhận một hình thức giáo dục. Thế nhưng chắc chúng ta không khỏi lúng túng khi gặp câu hỏi bất ngờ như trên và khó trả lời ngay một cách vắn tắt trọn nghĩa và trôi chảy.
04/03/2010(Xem: 4366)
Sau khi đức Phật qua đời, nền tảng đạo đức và triết lý cao siêu của ngài đã được hiểu và thực hành theo từng bối cảnh văn hoá khác nhau. Từ đó, Phật giáo có hai trường phái triết học lớn, trường phái Thượng toạ, thường được mệnh danh là Phật giáo Nam tông hay còn gọi là Nam truyền hoặc Phật giáo Nguyên thuỷ, và trường phái Đại thừa, hay còn gọi là Bắc truyền hoặc Phật giáo phát triển hoặc Phật giáo cách tân
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]