Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

35. Dựa Dẫm

04/01/201909:27(Xem: 14745)
35. Dựa Dẫm

Dựa Dẫm

(giọng đọc Phương Thanh)

 

Ta không bao giờ tách ly tuyệt đối với sự yểm trợ và nuôi dưỡng của những điều kiện bên ngoài, nhưng ta vẫn không xem đó là cơ hội để thiếu đi trách nhiệm lèo lái con thuyền đời mình.

 

 

 

Ngọn đèn sẽ tắt

 

Đời sống là phải có sự nương tựa qua lại, vì bản chất của mọi sự vật trên thế gian này vốn không thể tồn tại riêng biệt. Trong những bước đầu bỡ ngỡ, hoặc khi gặp những nghịch cảnh lớn lao mà bản thân ta không đủ sức chống chọi, thì sự hỗ trợ hết lòng và hợp lý của những đối tượng xung quanh luôn là nhu cầu rất thiết yếu. Nó sẽ tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho ta ổn định và đi tới. Nhưng nếu cảm xúc tốt từ sự nương tựa ấy cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, nó sẽ hình thành trong ta thói quen khiến ta không thể nào buông bỏ được hoặc ta cũng không hề có ý thức buông bỏ. Ta đã rơi vào tình trạng "nghiện cảm xúc". Thiếu cảm xúc ấy ta luôn thấy chới với và bất an. Tình trạng này chính là sự dựa dẫm.

 

Có một cậu bé mù đến nhà người bạn chơi. Do mải mê trò chuyện nên cậu bé không hay trời đã tối, người bạn liền thúc giục cậu bé hãy mau ra về và đưa cho cậu bé một cây đèn. Cậu bé tức cười hỏi: "Anh đưa cây đèn cho một kẻ mù như tôi để làm gì?". Người bạn liền giải thích: "Anh cầm cây đèn này người ta thấy anh thì họ sẽ tránh". Nghe có lý, cậu bé vui vẻ cầm cây đèn ra về. Cậu bé mạnh dạn lao thẳng về phía trước vì tin chắc rằng hôm nay ai cũng sẽ tránh mình. Nhưng chẳng bao lâu, có một người đâm sầm vào cậu và cả hai đều ngã nhào. Vừa đau vừa tức, cậu bé hét lên: "Bộ mù sao không thấy cây đèn của tôi vậy?". Người kia ôm bụng cười ngất: "Cây đèn của anh đã tắt từ lâu rồi anh mù ơi!".

 

Tự thân cậu bé mù có thể đi đường vào ban đêm cũng như ban ngày bằng kỹ năng đặc biệt mà cậu từng luyện tập. Nhưng từ khi được trao cây đèn, thay vì phối hợp cả hai thì cậu bé lại dựa hẳn vào cây đèn mà bỏ qua tài năng dò đường khéo léo của mình. Không thấy được chân tướng của cây đèn, không hề biết nó còn dầu nhiều hay ít hoặc có thể sẽ bị gió thổi tắt bất cứ lúc nào, vậy mà cậu bé cứ tin tưởng vào nó một cách tuyệt đối. Đến khi ngã một cú đau điếng rồi mà cậu bé vẫn chưa hay cây đèn đã tắt, lại còn đổ thừa kẻ khác. Thật tội nghiệp!

 

Bản thân ta cũng có thể tìm thấy giá trị hạnh phúc bằng chính những kỹ năng đã được rèn luyện của mình, vì hạnh phúc chân thật vốn là sự bình yên và vững chãi trong tâm hồn. Nhưng từ khi cuộc đời tạo ra quá nhiều "cây đèn" tiện nghi vật chất và tinh thần, ta đã mê mẩn và bám chặt vào chúng. Ta dành hết thời gian, năng lực để sắm sửa và nâng niu chúng. Ta tức giận hay thù nghịch nhau cũng vì chúng. Ta loanh quanh hết cả kiếp người cũng vì chúng. Ta để cho những thứ phương tiện tạm thời ấy biến thành mục đích cao cả của cuộc sống, mà quên mất bản chất của những "cây đèn" ấy luôn bị chi phối bởi hoàn cảnh. Như ta vẫn thường thấy tiền bạc rồi cũng có lúc đầy lúc vơi, danh dự thì cũng có khi vinh khi nhục, sắc dục thì cũng có lúc hấp dẫn lúc chán chường. Khi đánh mất hay không còn yêu thích những cảm xúc ấy nữa, ta mới thấy nương tựa nơi chính mình là an ổn nhất. Tiếc thay, những phẩm chất quý giá trong tâm hồn ta khi ấy có thể đã bị chai cứng trong quá trình ta nạp vào những cảm xúc hưng phấn từ bên ngoài. Tuy chúng có thể hồi sinh, nhưng ta phải tìm đúng cách và quá trình khơi dậy rất gian nan. Đó là cái giá mà khó ai có thể ngờ được.

 

Cũng như khi ta vấp phải cục đá thì não bộ sẽ tiết ra chất endorphin để hóa giải bớt cảm giác đau đớn; hoặc khi ta suy nghĩ đến mức quá căng thẳng thì não bộ sẽ tiết ra chất sérotonin để làm êm dịu thần kinh. Bản thân ta có khả năng tự chữa trị rất cao. Dựa vào cấu trúc này, ngành y dược đã chế ra những loại thuốc chống trầm cảm như Prozac, Paxil để giúp ta hóa giải bớt những cảm xúc xấu mà bản thân ta ngay lúc ấy không thể chữa trị. Nhưng điều nguy hại là các loại thuốc kích thích đó sẽ làm rối loạn các chu kỳ sinh học của cơ thể, tiêu diệt các tế bào thần kinh và có thể làm hỏng luôn cả bộ nhớ. Tai hại hơn nữa là sau một thời gian dùng thuốc, cơ chế thích nghi của não sẽ ra lệnh cơ thể giảm hoặc ngưng hẳn tiến trình sản xuất endorphin và sérotonin tự nhiên. Khi hàm lượng kích thích bất ngờ giảm xuống, nó sẽ tạo ra một cảm giác cực kỳ khó chịu và bức ép ta phải nạp thêm một lượng cần thiết. Tình trạng nghiện ngập đã bắt đầu xảy ra.

 

Chính vì lẽ đó, các cơ quan quản lý dược phẩm như FDA của Mỹ đã ra lệnh cấm sử dụng những loại thuốc này, hoặc chỉ được dùng trong những trường hợp đặc biệt dưới sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Những kẻ lợi dụng các loại thuốc heroin, morphine hay cocaine có cấu trúc tương tự như hai nội tiết tố trên có thể thăng hoa cảm xúc lên tới tuyệt đỉnh. Nhưng chỉ sau vài lần dùng thuốc, họ đã trở thành những con ma nghiện thuốc đến điên cuồng và mất hết nhân tính. Thật khó tin linh dược cũng có thể biến thành độc dược.

 

 

 

Làm chủ đời mình

 

Những người có cấu trúc tâm lý yếu đuối thường bộc lộ khuynh hướng dựa dẫm ngay từ nhỏ. Được ai làm giúp cho là ta rất thích thú. Ta nghĩ như thế mình sẽ đỡ mất thời gian, công sức và cả việc động não. Nhiều bậc cha mẹ vì quá yêu con nên không dám để con mình làm việc vất vả, dù đó chỉ là những công việc rất căn bản mà mỗi đứa trẻ phải tự trải nghiệm. Nên khi lớn lên ta luôn gặp rắc rối trong việc giải quyết những vấn đề khó khăn. Khi làm việc, ta luôn tìm mọi cách để được cấp trên chú ý và nâng đỡ. Khi tiếp xúc với mọi người, ta luôn mong được công nhận và khen thưởng. Khi yêu, ta luôn bị cuốn hút và đồng hóa vào đối tượng. Thói quen tin tưởng vào sự thuận lợi từ điều kiện bên ngoài dần ngấm vào con người ta, rồi nghiễm nhiên trở thành một loại tính nết hay một phong cách sống. Chỉ đến khi đối tượng dựa dẫm không còn nữa, ta bị hụt hẫng hoàn toàn thì ta mới sực tỉnh.

 

Khoa học kỹ thuật càng phát triển thì con người càng có nhiều cơ hội để dựa dẫm vào máy móc. Ai mà chẳng thích sự tiện lợi? Ở những nước kinh tế phát triển cao thì những việc cỏn con người ta cũng dùng đến máy móc. Máy móc gần như trở thành một phần tất yếu của cuộc sống. Nhưng càng dựa vào máy móc bao nhiêu thì ta càng đánh mất khả năng vốn có của mình bấy nhiêu. Nhiều cuộc khảo nghiệm cho thấy hầu hết những người "nghiện máy móc" thường rất lười biếng vận động tay chân, lười biếng ghi nhớ và tư duy sâu. Do đó, số lượng bệnh nhân ngày càng gia tăng và số người đãng trí cũng gia tăng. Ta cũng rất tin vào bảo hiểm. Tưởng đã có công ty bảo hiểm lo thì mọi lĩnh vực sinh hoạt của ta sẽ đều rất an toàn, chỉ cần kiếm tiền đưa cho công ty bảo hiểm là được. Nhưng sự thật là công ty bảo hiểm chỉ chi trả những khoản phí tổn khi ta gặp những tai nạn rủi ro mà thôi, họ không thể giúp ta lành lặn hay chia sẻ những vấn đề sâu sắc.


Thế nên, khi cần phải kiên nhẫn lắng nghe người khác hay làm chủ cảm xúc nóng giận của mình thì ta hoàn toàn không có một kỹ năng nào để ứng phó. Ta đành chịu thất bại.

 

Nhiều người tìm tới môi trường tâm linh nương tựa sau những thất bại nặng nề do những tranh chấp trong cuộc sống. Họ tin rằng đối tượng lần này là những bậc thánh, nên chắc sẽ không làm cho họ thất vọng như con người. Nhưng thái độ nương tựa đã biến thành dựa dẫm khi họ chỉ có niềm tin mãnh liệt mà bản thân không hề có sự luyện tập và chuyển hóa nào. Tu tập mà ngày càng đánh mất niềm tin vào chính mình, phó thác hạnh phúc và tương lai đời mình cho kẻ khác thì đó chắc chắn không phải là thái độ tu tập đúng đắn. Có những người siêng năng nghiên cứu và thậm chí học thuộc rất nhiều giáo lý thâm sâu, rồi cố tạo cho mình cách nhìn hay cách sống thật khác với mọi người. Nhưng rốt cuộc họ cũng vẫn gặp vô vàn khó khăn với những vấn đề trong chính họ hay với những người thân sống bên cạnh. Bởi thái độ ấy chỉ là sự "ăn mày chân lý" để tạo cho mình một chân dung đẹp đẽ, một kiểu tô vẽ cho cái tôi đầy tự hào và cách biệt với mọi người. Họ vẫn chưa từng có một trải nghiệm nào của riêng mình. Họ tuyệt đối tin tưởng và dựa hẳn vào giáo lý, trong khi giáo lý chỉ có giá trị như tấm bản đồ hướng dẫn con đường đi tới hạnh phúc. Tự bản thân giáo lý không phải là hạnh phúc.

 

Khi ngã quỵ hay không thể đứng vững vì phải tách ly ra khỏi đối tượng, tức là ta đã bị đối tượng ấy thao túng chủ quyền sống của ta rồi. Đối tượng ấy có thể là bậc thánh, là những người rất mực thương yêu ta, hay là những kẻ đang rất tài giỏi. Nhưng rốt cuộc họ cũng không thể nào gánh chịu và giải quyết được những khó khăn bế tắc trong ta. Họ chỉ đóng vai trò tác nhân, chứ không phải là chủ nhân trong khu vườn tâm của ta. Ta chỉ cần đến sự trợ giúp ấy trong những lúc ta đã cố hết sức mà không thể vượt qua nổi tình trạng bức ngặt. Vì nếu đã từng trải nghiệm, ta sẽ thấy rõ mối nguy hại của sự nương tựa là rất dễ khiến ta yếu hèn. Nên ta thà chấp nhận hư hao công việc hay tài sản, chứ nhất định không nhờ vả kẻ khác. Còn nếu lỡ ta là kẻ ham thích sự thành công và nổi bật nhưng lại không muốn dựa vào sức lực của mình thì ta phải chấp nhận cái giá điêu đứng của sự vay mượn. Khi ấy, tuy có quyền lực và tài sản, nhưng ta không thể tận hưởng cuộc sống vì phải luôn tìm mọi cách để làm vui lòng kẻ có quyền lực hơn. Ta vẫn chưa có cái gì là vững chãi của riêng mình.

 

Thôi, chuyến lưu đày như thế cũng quá đủ rồi. Đã đến lúc ta phải can đảm tự giải thoát mình ra khỏi những cảm xúc nghiện ngập để tìm lại giá trị tự do đích thực của kiếp sống con người. Tiến trình ấy quả thật rất gian nan. Mỗi khi phải dứt khỏi một "cây đèn" phương tiện là ta phải đón nhận những cảm xúc rất đau nhức. Nhưng ta sẽ cảm thấy thật bình yên và tự tin ngay sau đó, vì ta đang trên đường trở về khôi phục chủ quyền sống của mình. Khi tỉnh ngộ ra rồi, những hào quang hấp dẫn của tiền bạc, danh dự hay sắc dục sẽ không đủ sức khiến ta phải đánh đổi tiếp phần đời còn lại của mình. Dù mãi mãi ta không bao giờ tách ly tuyệt đối với sự yểm trợ và nuôi dưỡng của những điều kiện bên ngoài, nhất là những người thân yêu, thì ta vẫn không được xem đó là cái cớ để thiếu đi trách nhiệm lèo lái con thuyền đời mình. Lúc nào thấy mình không còn đủ sáng suốt và mạnh mẽ để tiếp tục phối hợp nhuần nhuyễn giữa những "cây đèn" và năng lực của bản thân, thì hãy can đảm buông bỏ "cây đèn" bằng mọi giá để ưu tiên quay về giữ lấy vị trí làm chủ đời mình.

 

 

Rồi mùa thu sẽ tàn
Dòng sông xưa cũng cạn
Về nương tựa đời mình
Mênh mông cùng năm tháng.
Đi như một bầy chim
Vượt vùng trời băng giá

Đừng một mình ra khơi

Biển đời nhiều sóng cả.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/11/2014(Xem: 9869)
Oprah Winfrey là một phụ nữ 56 tuổi - một ngôi sao truyền hình Mỹ. Có thể nói Oprah Winfrey là một phụ nữ danh tiếng và có nhiều ảnh hưởng nhất trên quần chúng ở Hoa Kỳ. Năm 2006, chính Oprah đã mang về cho Obama hơn một triệu lá phiếu, thắng Hilary Clinton, để được đảng Dân Chủ đề cử làm ứng viên Tổng thống. Có người cho rằng Oprah có quyền lực mạnh bằng hay hơn 100 nghị sĩ, dân biểu Mỹ.
27/11/2014(Xem: 7026)
Chư thân hữu quý mến, Ở đây, chúng ta đang ở vào cuối năm 2010 - một năm khi Đức Đạt Lai Lạt Ma ở đây với chúng ta, Úc Đại Lợi. Nơi nào mà năm tháng đã đi qua Trong bộ phim Mặt Trời Mọc và Lặn, vừa mới trình chiếu ở Úc Đại Lợi và được quay trong sự phối hợp với Bậc Hiền Nhân Từ Bi và Tuệ Trí của Chúng Ta, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói về tính tương đối của mọi thứ...
27/11/2014(Xem: 12503)
Các phương đông, nam, tây, bắc, trên, dưới gọi là “vũ”, tức chỉ không gian vô hạn; từ ngàn xưa đến ngày nay gọi là “trụ”, tức chỉ thời gian vô hạn. Trong triết học gọi là thế giới, tức chỉ tất cả vật chất và toàn bộ hình thức tồn tại của nó. “Vũ trụ” của Phật giáo cũng bao hàm tứ duy (đông nam tây bắc) thượng hạ, quá khứ, hiện tại và vị lai, đồng thời dung chứa thế gian hữu tình vô lượng vô số, và khí thế gian rộng lớn mênh mông. Từ xưa đến nay, con người không ngừng thảo luận và nghiên cứu về sự tồn tại bí ẩn của vũ trụ; từ trong thần thoại của thuở hồng hoang đến sự phát hiện lần lượt của hệ thái dương, hệ ngân hà; sự biến chuyển từng ngày của khoa học khiến cho nhân loại bừng sáng và hiểu ra rằng thời gian và không gian (thời không), hữu tình, vật chất đều tự nhiên rộng lớn vô cùng, vượt xa ngoài phạm trù có thể hiểu biết của loài người.
22/11/2014(Xem: 28092)
Có người khách mang đến cho tôi một gói quà. Bên trong là hai quyển sách: Đất nước Cực lạc, Ánh sáng và bóng tối. Tác giả: Liên Hoa Bảo Tịnh. Khoảng thời gian sau này, tôi có rất ít điều kiện để đọc thêm được những sách mới, nên không ngạc nhiên nhiều lắm với tác giả lạ. Dẫu sao, trong tình cảnh ấy mà được đọc những sách lạ, nhất là được gởi từ phương trời xa lạ, thì cũng thật là thú vị. Rồi càng đọc càng thú vị. Một phần vì có những kiến giải bất ngờ của tác giả, về những điểm giáo lý mà mình rất quen thuộc. Quen thuộc từ khi còn là một tiểu sa-di. Nhưng phần khác, thú vị hơn, khi biết rằng Liên Hoa Bảo Tịnh cũng là Đức Hạnh – đó là chú XUÂN KÝ, một thời ở Già-lam cùng với chú Sỹ.
19/11/2014(Xem: 10857)
Có một số người học Phật thích tìm kiếm, thu thập những tư tưởng cao siêu, từ đó đem ra lý giải, phân tích rất hay nhưng phần hạ thủ công phu, tu tập cụ thể như thế nào lại không nghe nói tới! Họ đã quên rằng, kiến thức ấy chỉ là âm bản, chỉ là khái niệm, không phải là cái thực. Cái thực ấy phải tự mình chứng nghiệm. Cái mà mình chứng nghiệm mới là cái thực của mình.
19/11/2014(Xem: 13460)
Văn học là một trong những phương thức biểu đạt tình cảm và trí thức của loài người. Một tác phẩm văn học hay, không chỉ tạo ra tiếng vang rộng lớn tại thời điểm và địa phương nào đó, thậm chí nó có khả năng siêu vượt biên giới thời-không, dẫn dắt nhân tâm bước vào cảnh giới chân- thiện- mỹ. Trong Phật giáo có rất nhiều tác phẩm chính là đại diện cho loại hình này; đặc biệt chính bản thân Đức Phật cũng là nhà văn học tài trí mẫn tiệp, trí tuệ siêu quần.
16/11/2014(Xem: 5496)
Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa Phật giáo 2012 tại Nghệ An, GS. Cao Huy Thuần từ Cộng hóa Pháp về tham dự và đã có buổi thuyết trình về đề tại "Tại sao Phật giáo ảnh hưởng ở Phương Tây" tại nhà Văn hóa Lao Động tỉnh Nghệ An. Buổi thuyết trình đã thu hút hàng nghìn người tham dự, sau đây là toàn văn bài thuyết trình, BBT xin đăng tải để giới thiệu cùng quý độc giả:
15/11/2014(Xem: 20225)
Nên lưu ý đến một cách phân biệt tinh tế về thứ tự xuất hiện của hai kiến giải sai lầm trên. Đầu tiên là kiến giải chấp vào tự ngã của các nhóm thân tâm, và từ cơ sở này lại xuất phát kiến giải chấp vào tự ngã của cá nhân. Trong trường hợp nhận thức được Tính không thì người ta sẽ nhận ra Tính không của nhân ngã trước; bởi vì nó dễ được nhận ra hơn. Sau đó thì Tính không của pháp ngã được xác định.
24/10/2014(Xem: 14117)
Một kỷ nguyên mới canh tân kỹ thuật đang lan tràn khắp thế giới và đang tiến đến trưởng thành, đó là mạng lưới thông tin toàn cầu internet (world wide web), một hệ thống truyền thông và môi trường học có sức mạnh. Không nên xem Internet chỉ là một phương tiện mới để truyền bá Giáo Pháp với một hình thức mới, mà Internet còn có tiềm năng là một căn cứ cho một cộng đồng Phật Giáo trên mạng (online) cống hiến những giá trị xã hội và tâm linh cho mọi người.
20/10/2014(Xem: 32940)
Đa số Phật tử Việt Nam thường chỉ học hỏi Phật pháp qua truyền thống Trung Hoa; ít ai để ý đến sự sai biệt căn để giữa khởi nguyên của Phật giáo từ Ấn Độ và những khai triển của Trung Hoa. Người Ấn vốn có thái độ coi thường lịch sử; “bởi vì chư thiên yêu thương cái gì tăm tối”*, họ đẩy tất cả những gì xảy ra lui vào bóng tối mịt mù của thần thoại. Riêng Phật tử Ấn cổ thời, với lý tưởng cứu cánh là Niết Bàn, mọi biến cố lịch sử cũng không bận tâm cho lắm. Ngược lại, người Trung Hoa có thái độ lịch sử một cách xác thiết.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]