Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Oprah đàm đạo với Thiền sư Nhất Hạnh

27/11/201421:01(Xem: 9974)
Oprah đàm đạo với Thiền sư Nhất Hạnh

Thich Nhat Hanh2

Oprah Winfrey là một phụ nữ 56 tuổi - một ngôi sao truyền hình Mỹ. Có thể nói Oprah Winfrey là một phụ nữ danh tiếng và có nhiều ảnh hưởng nhất trên quần chúng ở Hoa Kỳ. Năm 2006, chính Oprah đã mang về cho Obama hơn một triệu lá phiếu, thắng Hilary Clinton,  để được đảng Dân Chủ đề cử làm ứng viên Tổng thống. Có người cho rằng Oprah có quyền lực mạnh bằng hay hơn 100 nghị sĩ, dân biểu Mỹ.

Cô đã là tỷ phú da đen đầu tiên và duy nhất trên thế giới (trong các năm 2004-2006). Sanh ra trong nghèo khó và trải qua nhiều thảm kịch khi còn trẻ, Oprah đã được học về ngành truyền thông trên đại học. Từ 1986, Oprah bắt đầu Show riêng của cô, lấy tên là Oprah Winfrey, mỗi năm mỗi thêm khán giả - tới năm 1998, hàng ngày có khoảng 14 triệu người Mỹ xem chương trình truyền hình của cô. Cũng thời gian này, Oprah đổi hướng, làm các show chú trọng tới các vấn đề văn chương, tâm linh và giáo dục.  Công ty Harpo do Oprah làm chủ phát hành các Shows truyền hình, sách báo, radio, phim ảnh và trang nhà Oprah.com v.v… Cô dự định ngưng việc làm Show trên truyền hình vào tháng 9, 2011, sau 25 năm làm “bá chủ” ngành này. Năm 2010, cô bước vào lãnh vực mới, làm người kể chuyện trong một loạt chương trình dài hạn về Đời sống cho đài Discovery, sau khi đã bỏ vốn hùn hạp với họ.

Trên trang nhà Oprah.com, chúng tôi đọc được lời giới thiệu sau đây của Oprah về Thiền sư Nhất Hạnh, người mà cô được đặc cách phỏng vấn vào tháng 9, 2009 tại Nữu Ước, khi thiền sư tới đó hoằng pháp:


Opral_TS Nhat Hanh

Đó là nhà sư Phật Giáo có 60 tuổi đạo, cũng là một vị thầy dạy học, một nhà văn, một người can đảm gióng lên tiếng gọi ngưng chiến tranh, những vị thế đó đã đưa người vào tình trạng bị lưu đày khỏi quê hương bốn mươi năm. Và người ấy, người mà Martin Luther King Jr đã gọi là “một vị tông đồ của hòa bình và bất bạo động” đã chỉ cho chúng ta thấy cái đẹp của phút giây hiện tại, biết cám ơn từng hơi thở, và giúp cho ta thấy được là giải thoát và hạnh phúc có thể tìm thấy rất dễ dàng trong khi ta uống một ngụm trà. Ngay phút giây được gặp người ở khách sạn Bốn Mùa (Four Season Hotel) ở Mahattan Nữu Ước, tôi cảm nhận ngay một sự an bình tỏa rạng nơi người. Một trường năng lượng an bình và sâu lắng toát ra từ Thiền Sư. Nhưng bên dưới của phong thái rất bình an đó là một chiến sĩ cang cường. Sinh đẻ tại Việt Nam ông thầy tu 83 tuổi này đi tu hồi năm 16, can đảm đòi hỏi chấm dứt chiến tranh Việt Nam trong thời kỳ mà hai bên đất nước ông đang lâm chiến. Dù đã chọn cuộc đời thiền quán của một ông thầy tu nhưng chiến tranh xảy ra trước mắt khiến người phải chọn : một là mãi ẩn tránh trong chùa, hai là vừa thiền quán mà vừa ra ngoài giúp người đang chạy dưới bom đạn? Quyết định của ông thầy tu trẻ này đã khai sinh ra một loại Phật Giáo dấn thân, một phong trào vận động cho hòa bình đồng thời dấn thân vào những công tác đưa tới sự thay đổi chuyển hóa xã hội. Chính những hành động muốn sửa đội xã hội bằng phương pháp bất bạo động đó đã khiến cho ngài Martin Luther King Jr đề nghị Thiền Sư nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1967.

Song song với việc phản đối những bạo động mà đồng bào ông phải gánh chịu, ông thầy tu trẻ đã thành lập một tổ chức xã hội để xây trường học trạm y tế ở những nơi nghèo khó, xây dựng lại những làng xã bị nát tan vì đạn bom và tìm cách giúp định cư cho những người nhà cửa bị tiêu tán vì bom đạn. Thầy Nhất Hạnh cũng đã xây dựng trường đại học Phật giáo, lập nhà xuất bản và chủ trương viết tuần báo, viết nguyệt san cổ xúy cho hòa bình - tất cả những việc làm này cuối cùng đã khiến cho chính quyền Miền Nam cấm đoán ông trở về lại Việt Nam sau một chuyến đi vận động cho hòa bình. Thầy bị lưu đày khỏi xứ 39 năm.

Trước khi bị lưu đày Thầy đã từng xuất ngoại và sống ở Tây Phương (học và nghiên cứu tại đại học Princeton và dạy học ở Đại Học Columbia trong những năm đầu 1960) và cũng chính ở Tây Phương mà bây giờ Thầy đã trở lại. Thấy rằng để có dịp chia sẻ những hiểu biết của mình về đạo Phật và cũng để vận động cho hòa bình Việt Nam qua hành động bất bạo động, Thầy đã thành lập Phái Đoàn Hòa Bình Phật Giáo tại Paris trong khi các cường quốc đang hội họp để bàn về vận mạng Việt Nam ở nơi này . Đó là vào năm 1969, khi thầy thành lập Giáo Hội Phật Giáo Nhất Quán tại Pháp và tiếp tục viết hơn 100 quyển sách, kể cả quyển sách bán chạy nhất là Living Buddha, living Chirst (Bụt đang sống Chúa đang có mặt) năm 1995 - cuốn sách này là sách gối đầu giường của tôi.

Thầy Nhất Hạnh giờ đây đã định cư ở Miền Nam nước Pháp và thành lập Làng Mai, một trung tâm tu học đạo Phật và một tu viện nơi mà thầy đang sống. Mỗi năm, hàng ngàn người tới từ nhiều quốc gia, họ đến để tìm hiểu thâm sâu hơn cách hành trì theo lời Bụt dạy – kể cả thực tập chánh niệm (mục đích là đưa tâm về phút giây hiện tại), khai triển những phương pháp tu tập (sinh hoạt bình thường như là đi trong ý thức, và kéo mình trở lại chánh tư duy) và giác ngộ (thoát khỏi những khổ đau khi mình thấy rõ được bản chất của thực tại). Những nguyên tắc này đã được giới thiệu từ hơn 2000 năm nay bởi Siddhartha Gautama - là Đức Phật, một ông hoàng người Ấn Độ đã từ bỏ đời sống dễ dãi và hưởng thụ của mình để đi tìm ánh sáng giác ngộ - và sau đó đã thành lập một con đường tâm linh cho cuộc hành trình đó. Thiền sư Thích Nhất Hạnh, hay đơn giản hơn “thầy” mà các đệ tử của người đã gọi rất thân thương, đã dẫn theo một nhóm nam và nữ tu sĩ từ Làng Mai đến để tham dự cuộc trò chuyện của chúng tôi. Trong vài truyền thống tâm linh thường hay có một nhóm người có mặt để lắng nghe một cách từ bi câu chuyện. Thầy Nhất Hạnh đã đem theo một nhóm người như thế và đã cùng chụp ảnh với chúng tôi và cuối cùng đã hát chung một bản nhạc rất nhẹ nhàng bình an : “Chúng ta là lá của một thân cây, chúng ta là những đợt sóng của một đại dương, đã đến lúc mà chúng ta phải đến và sống với nhau như cùng một cơ thể.”


Thich Nhat Hanh_Opral


Cô Oprah: Cám ơn thầy đã cho chúng tôi hân hạnh trò chuyện với thầy. Chỉ cần sự hiện diện của thầy là chúng tôi đã cảm thấy bớt bức xúc quýnh quáng nhiều lắm, so với những gì xảy ra từ sáng đến giờ. Quả thực như là có một vùng ánh sáng thật bình an đang toát ra quấn lấy thầy. Lúc nào thầy cũng có vẻ an bình tròn đầy như vậy sao ?

TS Nhất Hạnh: Đó là sự thực tập của tôi. Và tôi luyện cách sống như vậy mỗi phút giây để có thể giữ sự bình an trong tôi suốt ngày.

Cô Oprah: Bởi vì mình sẽ không thể cho người khác cái gì mà mình không có phải không thưa thiền sư ?

TS Nhất Hạnh: Vâng, đúng vậy.

Cô Oprah: Tôi biết rõ là thầy được sinh ra ở Việt Nam năm 1926. Thầy có thể chia sẻ cho chúng tôi một kỷ niệm nào tuyệt vời nhất trong thời ấu thơ không ?

TS Nhất Hạnh: Đó là ngày tôi thấy được hình ảnh của Đức Phật trong một tờ tạp chí.

Cô Oprah: Hồi ấy thầy mấy tuổi ?

TS Nhất Hạnh: Tôi lên 7 hay 8 gì đó. Phật ngồi trên cỏ, thật bình an và mỉm cười. Tôi rất cảm kích, bởi vì quanh tôi không ai được như vậy. Vì thế tôi đã mong được như ngài. Và tôi đã nuôi dưỡng ước mong đó cho tới năm tôi 16 tuổi khi tôi xin được cha mẹ tôi để đi tu và tôi được quy y, thọ giới.

Cô Oprah: Ba mẹ thầy có khuyến khích thầy không ?

TS Nhất Hạnh: Ban đầu thì hơi miễn cưỡng vì họ nghĩ là cuộc sống của một nhà tu cực khổ và nhiều khó khăn.

Cô Oprah: Ở tuổi 16 thầy có biết cuộc đời sẽ như thế nào không ?

TS Nhất Hạnh: Không nhiều lắm. Tôi chỉ biết là trong tôi có một khát khao lớn. Cảm tưởng rằng mình sẽ không bao giờ hạnh phúc được nếu không là thầy tu. Người đời thường gọi đó là tâm ban đầu - sự khát khao sâu sắc mà một người có thể có. Và tôi có thể nói là cho tới bây giờ cái tâm ban đầu đó vẫn còn sống mạnh mẽ trong tôi.

Cô Oprah: Đó là cái mà thiên hạ gọi là sự đam mê. Đó cũng là cách tôi cảm nhận về công việc tôi đang làm hàng ngày. Khi có đam mê như thế thì mình vẫn cảm thấy thoải máy khi làm việc dù không ai trả tiền cho mình.

TS Nhất Hạnh: Và ta thích thú làm việc đó.

Cô Oprah: Vậy là thầy thích thú hành động theo cái tâm ban đầu đó. Chúng ta thử nhắc lại khi thầy vừa mới bước tới Bắc Mỹ lần đầu nhé. Thầy đã học ở Viện Đại Học Princeton phải không? Là một ông thầy tu Việt Nam, cái gì khó khăn nhất với thầy để có thể làm bạn được với sinh viên (Hoa Kỳ) ? Thầy có cảm thấy cô đơn không ?

TS Nhất Hạnh: Vâng, đại học Princeton giống như một tu viện. Thời đó chỉ có nam sinh viên và không có lấy một người Việt sống ở vùng lân cận và cũng không có nhiều ở Hoa Kỳ. Sáu tháng liền tôi không thể chuyện trò với ai bằng tiếng Việt. Nhưng khu làng đại học rất đẹp. Và cái gì cũng mới đối với tôi – cây cỏ chim chóc, và cả thức ăn nữa. Mùa tuyết đầu tiên của tôi là ở tại đây, và lần đầu tiên tôi dùng máy sưởi. Mùa thu đầu tiên của tôi cũng ở Princeton.

Cô Oprah: Khi lá bắt đầu đổi màu.

TS Nhất Hạnh: Vâng, ở Việt Nam chúng tôi không hề thấy được cảnh huy hoàng ấy của mùa thu.

Cô Oprah: Thời đó thầy vẫn mặc áo thầy tu chứ ?

TS Nhất Hạnh: Vâng.

Cô Oprah: Khỏi phải lo đi mua áo phải không ạ ? Lúc nào cũng chỉ mặc cái áo thầy tu ư ?

TS Nhất Hạnh: Vâng.

Cô Oprah: Thầy có áo nào khác vào những dịp khác không ?

TS Nhất Hạnh: Chúng tôi có áo để làm lễ gọi là y, màu cam. Chỉ có thế. Chúng tôi cảm thấy rất thoải mái khi mặc những y áo ấy. Và chúng đã vui vẻ nhắc nhở rằng chúng tôi là thầy tu.

Cô Oprah: Thầy tu là sao thưa thầy ?

TS Nhất Hạnh: Là thầy tu là để có được nhiều thì giờ tu tập, để chuyển hóa những khó khăn và chữa lành được những nỗi khổ niềm đau của mình. Rồi sau đó mình mới biết cách giúp người khác chuyển hóa và trị liệu như mình.

Cô Oprah: Có phải là hầu hết các người tu đều được giác ngộ hay là đang tìm cách để sớm giác ngộ không ?

TS Nhất Hạnh: Giác ngộ lúc nào cũng có mặt đó. Một giác ngộ nhỏ, hai giác ngộ nhỏ ... từ từ đưa tới giác ngộ lớn. Nếu cô thở và cô ý thức là cô đang sống - là cô đang tiếp xúc với cái mầu nhiệm của sự kiện mình vẫn đang còn sống - đó một loại giác ngộ. Nhiều người đang còn sống nhưng họ không ý thức và vì thế không tiếp xúc được sự mầu nhiệm là mình còn sống ấy.

Cô Oprah: Tôi biết chắc là thầy đã thấy rõ hết quanh thầy - tôi cũng cảm thấy mình có sai lầm ấy - vì sao lúc nào người ta cũng gắng làm xong việc thật nhanh để bắt kịp việc làm kế tiếp, hành động kế tiếp. Ở đất nước chúng tôi, con người rất bận rộn. Ngay cả trẻ con. Tôi có cảm tưởng như là rất ít người trong chúng ta làm được những gì thầy vừa nói, nghĩa là tiếp xúc với phép lạ mà mình đang được sống.

TS Nhất Hạnh: Đó là môi trường mà mọi người đang sống. Nhưng với sự thực tập, chúng ta vẫn có thể luôn giữ đựợc sự tỉnh giác trong phút giây hiện tại là mình đang may mắn còn sống. Với chánh niệm, ta có thể định tâm trong phút giây hiện tại để có thể tiếp xúc được với những nhiệm mầu của sự sống đang có mặt trong giây phút đó. Chúng ta có thể sống rất hạnh phúc ngay bây giờ và tại đây. Có rất nhiều điều kiện đang có mặt bây giờ và tại đây - nhiều hơn là bạn tưởng, để bạn có thể hạnh phúc liền tức thì. Bạn không cần chạy về tương lai để có thêm nữa.

Thầy Nhất Hạnh định nghĩa về hạnh phúc và tiết lộ cách nào để đạt tới hạnh phúc

Cô Oprah: Hạnh phúc là gì thưa Thầy?

TS Nhất Hạnh: Hạnh phúc là sự chấm dứt khổ đau, mạnh khoẻ và thoải mái. Ví dụ như khi tôi thở vào và ý thức sự có mặt của đôi mắt tôi, thở ra tôi ý thức đôi mắt tôi còn tốt và mỉm cười với đôi mắt của tôi, hạnh phúc quá phải không. Có cả một thiên đường mầu sắc và hình dáng dàn trãi quanh tôi, trên cuộc đời này. Nhờ chúng ta còn đôi mắt sáng nên ta mới tiếp xúc được với thiên đàng ấy. Vì thế khi tôi bắt đầu ý thức về đôi mắt tôi, tôi tiếp xúc ngay được những điều kiện hạnh phúc. Và khi tiếp xúc những điều kiện ấy, ta bắt gặp ngay hạnh phúc trong giờ phút này.

Cô Oprah: Và thầy có thể làm như thế với những phần khác của cơ thể thầy phải không ?

TS Nhất Hạnh: Đúng vậy. Thở vào, tôi để ý tới trái tim tôi. Thở ra tôi mỉm cười với trái tim tôi và biết rằng trái tim tôi còn đang đập bình thường. Tôi rất cám ơn trái tim của tôi.

Cô Oprah: Thế là phải nhớ ý thức từng sự vật, từng phút giây và dâng niềm biết ơn về những gì mà mình đang có phải không thưa thiền sư ?

TS Nhất Hạnh: Vâng.

Cô Oprah: Và không chỉ những điều kiện vật chất mà thôi, mà về sự kiện là ta vẫn còn hơi thở.

TS Nhất Hạnh: Vâng, ta chỉ cần tập chánh niệm nghĩa là đem tâm trở về với thân và an trú trong giây phút hiện tại. Nếu mình hoàn toàn có mặt trong phút giây này, ta có thể nhìn sâu hơn để bước một bước chân ý thức trên hành tinh đẹp đẽ này, hay thở vào một hơi để ý thức là ta đang đứng trong thiên đàng của Thượng Đế. Khi mà ta đã có cõi thiên đàng thanh tịnh đó rồi, ta đâu có cần phải chạy theo đối tượng của sự thèm khát như là danh tiếng, tiền tài hay những dục lạc khác. Bình an và niềm vui nhẹ nhàng có thể đạt tới ngay. Và sự thực tập này đủ đơn giản cho tất cả mọi người.

Cô Oprah: Thầy dạy chúng tôi cách thực tập đó đi.

TS Nhất Hạnh: Ví dụ như cô đang uống trà nhé. Cô nâng chén trà lên, cô có thể thở vào, đưa tâm cô trở về với thân và cô sẽ hoàn toàn có mặt trong lúc đó. Và khi mà cô thực tình có mặt trong phút ấy thì còn một cái khác cũng có mặt, đó là sự sống được đại diện bởi chén trà. Trong giây phút ấy cô thật sự sống, chén trà cũng hiển hiện thơm tho, sâu lắng... Cô không bị đi lạc vào quá khứ, không bị kéo về tương lai, về những dự án, những lo âu... Cô hoàn toàn tự do, thoát khỏi những phiền toái đó. Và trong trạng thái có mặt thực sự với chén trà, cô hoàn toàn tự do, vượt khỏi phiền muộn và tận hưởng từng ngụm trà. Đó là phút giây hạnh phúc và bình an. Khi cô chải răng cũng vậy, có lẽ là cô thường chải cho nhanh chừng hai phút thôi. Nhưng với sự thực tập này cô có thể đạt tới tự do buông bỏ những suy tư về quá khứ hay bị kéo đi bởi những tính toán tương lai, vì cô đang định tâm vào phút giây hiện tại, cô có niềm vui khi nhìn sâu những chiếc răng của cô, kem đánh răng thơm, bàn chải ưng ý của cô... trong chánh niệm. Nếu cô có khả năng chải răng trong chánh niệm thì cô cũng có thể rất hạnh phúc tận hưởng giây phút hiện tại khi tắm, khi chuẩn bị thức ăn sáng, uống từng ngụm trà... vô số hành động khác trong chánh niệm.

Cô Oprah: Như vậy theo cái cách nầy thì ta có vô số điều kiện hạnh phúc.

TS Nhất Hạnh: Vâng. Chánh niệm giúp ta trở về với chính ta trong phút giây hiện tại và mỗi khi trở về với phút giây này ta nhận diện những điều kiện hạnh phúc mà ta đang có và ta hạnh phúc ngay.

Cô Oprah: Với Thầy, trà là thực tại mầu nhiệm.

TS Nhất Hạnh: Tôi, và trà có thật. Tôi đang sống trong phút giây hiện tại. Tôi không nghĩ đến chuyện đã qua. Không nghĩ đến những gì sắp tới. Khi đó mới có một sự trực diện thâm sâu giữa tôi và trà. Bình an, hạnh phúc và niềm vui có mặt khi tôi uống trà.

Cô Oprah: Tôi thật chưa bao giờ có cái suy tư khá sâu về một chén trà như thế.

TS Nhất Hạnh: Chúng tôi tập làm thiền trà rất vui. Chúng tôi cùng ngồi, uống với nhau một chén trà và cảm nhận được tình bạn, tình huynh đệ, tình chị em. Chúng tôi có thể ngồi chơi như thế một giờ luôn, chỉ để hưởng một chén trà.

Cô Oprah: Một chén trà chừng này thôi phải không ? (Cô nâng chén trà của cô lên).

TS Nhất Hạnh: Đúng vậy.

Cô Oprah: Một giờ.

TS Nhất Hạnh: Mỗi phút giây là một phút giây hạnh phúc. Và trong một giờ đồng hồ cùng ngồi uống trà, ta nuôi dưỡng niềm vui, tình huynh đệ, tình chị em, định trú thật bình an nơi này và ở đây.

Suốt 39 năm bị lưu đày, tạo được một cộng đồng để phụng sự chung là việc làm thiết yếu

Cô Oprah: Thầy có làm như vậy với các thức ăn không ?

TS Nhất Hạnh: Thưa có. Chúng tôi có những bữa ăn im lặng, ăn như thế nào để có thể tiếp xúc được với cả vũ trụ, với từng miếng thức ăn đưa vào miệng.

Cô Oprah: Như vậy thì ăn một bữa ăn phải tốn bao lâu ? Trọn ngày ư ?

TS Nhất Hạnh: Một giờ là đủ. Ngồi chung với nhau như nhóm bạn bè thân thiện, cùng ăn chung những thức ăn như nhau, rồi uống trà, rồi cùng rửa chén. Ta thực tập như thế nào để cho thảnh thơi, niềm vui và hạnh phúc có mặt trong suốt thời gian ấy. Rất nhiều người đến Trung Tâm tu học của chúng tôi, học cái nghệ thuật sống chánh niệm ấy. Rồi khi họ trở về thành phố cư trú của họ họ thành lập một tăng thân, một nhóm bạn thực tập như vậy để giúp đở nhau nuôi dưỡng sự tu tập. Chúng tôi đã giúp xây dựng rất nhiều những tăng thân như vậy cùng khắp trên thế giới.

Cô Oprah: Một tăng thân tức là một cộng đồng dễ thương.

TS Nhất Hạnh: Vâng.

Cô Oprah: Cộng đồng dễ thương như vậy quan trọng như thế nào trong đời chúng ta ? Thiên hạ có gia đình để cùng sống như một cộng đồng, còn thầy, thầy mở rộng cộng đồng dễ thương của thầy để chấp nhận những người khác. Thành ra cộng đồng dễ thương càng lớn thì ta có thể đạt những thành quả lớn trong cuộc đời.

TS Nhất Hạnh: Đúng như vậy.

Cô Oprah: Với đề tài cộng đồng dễ thương, ta nên trở về năm 1966. Thầy được mời đến đại học Cornell để thuyết giảng về Việt Nam và không lâu sau đó thầy không được phép trở về nước của thầy nữa. Thầy bị lưu đày 39 năm. Làm thế nào mà thầy xử lý được với những cảm thọ ấy ?

TS Nhất Hạnh: Vâng, tôi như một con ong bị tách rời khỏi tổ. Nhưng nhờ tôi mang theo tôi cộng đồng dễ thương trong lòng, tôi tìm những yếu tố của cộng đồng đó, của tăng thân dễ thương đó quanh tôi, ngay trong lòng các tiểu bang Hiệp Chủng Quốc, trong lòng các nước Âu Châu. Và tôi bắt đầu xây dựng cộng đồng dễ thương làm việc cho hòa bình cùng với tôi.

Cô Oprah: Ban đầu thầy có giận không ? Tổn thương không ?

TS Nhất Hạnh: Có giận, có lo, buồn và tổn thương. Sự thực tập giúp tôi nhận diện những trạng thái đó. Trong năm đầu, đêm nào tôi cũng nằm mơ thấy trở về quê, gần như mỗi đêm. Tôi thấy tôi leo lên một ngọn đồi thật đẹp, thật xanh và thật hạnh phúc nhưng rồi tôi chợt tỉnh dậy và nhận ra là mình đang bị lưu đày. Và sự thực tập của tôi là đem tâm về với thân sống thật hết lòng trong phút giây hiện tại, tiếp xúc với cây cỏ chim chóc hoa lá và trẻ em và những người bạn mới ở phương Tây – và chấp nhận biến họ thành cộng đồng dễ thương của tôi. Nhờ cách tu tập như thế tôi đã tìm ra quê hương ngoài quê hương. Dần dà khoảng một năm sau thì những giấc mơ chấm dứt.

Cô Oprah: Lý do vì sao mà thầy không được phép trở về nước ?

TS Nhất Hạnh: Trong thời gian chiến tranh, các phe lâm chiến nhất định đánh tới cùng. Và vì thế mà dĩ nhiên là không phe nào cho phép chúng tôi nói tới chuyện hòa giải giữa anh em - họ không cho phép nói đến hòa giải.

Cô Oprah: Thành ra thầy là một người không có quê hương để về, nên thầy biến nơi nào thầy đang ở là quê hương, cùng khắp trên nhiều nước phải không ?

TS Nhất Hạnh: Đúng thế.

Cô Oprah: Và Hoa Kỳ là một phải không ?

TS Nhất Hạnh: Vâng.

Cô Oprah: Thầy gặp Martin Luther King khi nào ?

TS Nhất Hạnh: Tháng sáu năm 1965. Tôi viết cho người một bức thư - từ Việt Nam - giải thích vì sao những ông thầy tu ở Việt Nam đã hiến thân cho lửa. Tôi giải thích đó không phải là hành động tự tử. Tôi nói ở Việt Nam rất khó để cho lời kêu gọi tha thiết của mình được lắng nghe. Đôi khi ta phải tự thiêu để tiếng nói được lắng nghe. Và người tự thiêu hành động như vậy vì lòng thương chứ không vì giận hờn hay tuyệt vọng. Và sau khi tôi viết bức thư cho người thì đúng một năm sau tôi gặp được người ở Chicago. Chúng tôi đã đàm luận rất nhiều về hòa bình, về tự do và về cộng đồng. Và chúng tôi cũng đồng ý với nhau là nếu không có một cộng đồng cùng sống cùng làm thì chúng ta không thể đi xa.

Cô Oprah: Thầy đàm luận với Martin được bao lâu ?

TS Nhất Hạnh: Chắc cũng chỉ hơn năm phút thôi vì sau đó còn có một cuộc họp báo và ngài đã nói rất rõ là ngài hoàn toàn chống chiến tranh ở Việt Nam.

Cô Oprah: Thầy có nghĩ đó là kết quả của cuộc đàm luận với thầy ?

TS Nhất Hạnh: Tôi tin là như thế, và chúng tôi cùng làm việc chung trên hướng đó. Rồi lần chót mà tôi gặp ngài là ở Geneva trong một hội nghị hòa bình.

Thầy Thích Nhất Hạnh giải thích cách giải quyết hay nhất và duy nhất để chống khủng bố

Oprah: Trong hội nghị hòa bình đó, hai vị đã đàm luận nhiều chứ ?

TS Nhất Hạnh: Vâng có. Ngài mời tôi lên ăn sáng và chúng tôi lại bàn sâu hơn những vấn đề này. Tôi bị kẹt trong một cuộc họp báo bên tầng dưới và đến khá trễ, nhưng ngài vẫn giữ thức ăn sáng nóng cho tôi. Tôi có nói rằng dân chúng nước tôi xem ngài như là một vị bồ tát - một người giác ngộ - vì những hành động của ngài cho dân tộc ngài, cho đất nước ngài và cho cả thế giới.

Cô Oprah: Và nhất là ông làm những điều đó bất bạo động.

TS Nhất Hạnh: Đúng vậy. Đó là hành động của một vị bồ tát, một đức Phật. Làm gì cũng với lòng từ bi và bất hại. Khi tôi nghe tin ngài bị ám sát, tôi không thể tin được. Tôi tự nhủ : “Dân tộc Hoa Kỳ đã sinh ra được một vị như King nhưng không đủ khả năng giữ gìn che chở được ngài”. Tôi hơi giận. Tôi không ăn được, không ngủ được. Nhưng lòng quyết chí xây dựng những cộng đồng dễ thương vẫn luôn tiếp tục. Tôi nghĩ là tôi đang luôn được ngài ủng hộ.

Cô Oprah: Luôn được ủng hộ ?

TS Nhất Hạnh: Vâng.

Cô Oprah: Đúng rồi. Chúng ta đang nói về chánh niệm, và thầy nhắc đến đi trong chánh niệm. Đi trong chánh niệm là sao ?

TS Nhất Hạnh: Khi ta đi, ta tiếp xúc với mặt đất một cách chánh niệm. Mỗi bước chân định tâm trong phút giây hiện tại đó, cho ta thêm vững chãi, niềm vui và sự thanh thoát. Thoát khỏi những tiếc nuối về những chuyện trong quá khứ, thoát khỏi sự lo sợ cho tương lai.

Cô Oprah: Phần đông mọi người khi đi họ thường nghĩ phải đi đâu, phải làm gì. Nhưng thầy nói như thế sẽ đánh mất hết những niềm vui trong ta ?

TS Nhất Hạnh: Người ta hy sinh hiện tại cho tương lai, nhưng sự sống chỉ xảy ra trong phút giây hiện tại. Vì thế cho nên ta phải đi như thế nào mà mỗi bước chân có thể đưa ta đến sự sống đang có mặt bây giờ và chỗ ta đang đứng.

Cô Oprah: Nhưng các giấy nợ, đòi thanh toán những món tiền chưa trả thì sao ? Tôi đang đi nhưng tôi nhớ phải thanh toán tiền này nè, tiền kia nè. Tôi đang đi mà tôi đang nghĩ đến các món tiền cần trả.

TS Nhất Hạnh: Mỗi việc mỗi lúc. Có lúc cần ngồi xuống, định tâm để giải quyết những món tiền cần trả, nhưng khi đang đi thảnh thơi thì việc gì phải lo trước khi đang đi. Một thời điểm, chú tâm lo một việc thôi. Chúng ta đi thiền hành để chữa lành cho ta, để trị liệu, bởi vì đi như thế ta buông nhẹ được những lo âu, những bức bách, những căn thẳng trong thân và trong tâm ta.

Cô Oprah: Trường hợp cũng sẽ tương tự khi ta lắng nghe sâu mà tôi được nghe thầy nói khi nảy.

TS Nhất Hạnh: Lắng nghe sâu là lắng nghe như thế nào mà làm vơi được khổ đau của người khác. Ta có thể gọi đó là cách lắng nghe bằng tâm từ bi. Ta lắng nghe chỉ với một mục đích duy nhất : giúp cho ngươi kia trút hết nỗi lòng. Dù rằng có khi người kia đã nói những điều dẫy đầy những cái thấy rất sai lạc, đầy cay đắng, nhưng ta vẫn có thể tiếp tục ngồi lắng nghe với tâm từ bi. Bởi vì ta biết rõ là lắng nghe như thế sẽ cho người kia một dịp may là bớt khổ. Nếu bạn muốn tìm cách sửa cái thấy sai lạc của người kia, ta phải chờ một dịp khác. Nhưng bây giờ đang ngồi nghe, bạn không nên cướp lời người đó, cũng không nên lý luận gì hết. Nếu bạn cướp lời thì người kia sẽ cụt hứng, sẽ mất dịp may được trút bầu tâm sự. Bạn chỉ cần lắng nghe với tấm lòng thật từ bi và điều đó sẽ giúp cho người kia bớt khổ nhiều lắm. Chỉ cần ngồi lắng nghe được chừng một giờ như thế thì ta có thể giúp chuyển hoá và chữa lành khá nhiều.

Cô Oprah: Tôi thích cách lắng nghe sâu này lắm bởi vì khi người bạn tới với ta và muốn ta lắng nghe nỗi khổ của người ấy, ta hay bị kéo đi bởi ý muốn góp ý khuyên can này nọ. Nhưng nếu ta để cho người kia trút được hết nỗi lòng. Rồi một thời gian khác ta mới trở lại khuyên nhủ và góp ý thì người kia có dịp chữa lành sâu sắc hơn. Có phải thầy muốn nói như vậy không ?

TS Nhất Hạnh: Thưa đúng. Lắng nghe sâu giúp ta nhận diện những cái thấy sai lầm của người kia về chính họ và cả những cái thấy phiến diện của họ về ta. Người kia có cái thấy sai lầm về chính anh hay chị ta và về chúng ta. Và chúng ta thì cũng có tri giác sai lầm về chính ta và về người đó. Đó là căn nguyên của bạo động, bất hòa và chiến tranh. Các người khủng bố, họ có cái thấy sai lệch. Họ tin là nhóm người kia (chống khủng bố) đang muốn tiêu diệt tôn giáo họ, tiêu diệt nền văn minh của họ. Vì thế họ phải tiêu diệt ta trước, trước khi ta tiêu diệt họ. Rồi những người chống khủng bố cũng nghĩ và hành xử y chang như nhóm kia : tụi nó muốn tiêu diệt ta thì ta phải tiêu diệt họ trước. Cả hai bên đều bị kích động bởi sự sợ hãi, căm thù và tri giác sai lầm. Và tri giác sai lầm, cái thấy sai không thể chữa trị bằng đạn bom. Cái thấy sai chỉ có thể chữa trị bằng lắng nghe sâu, nghe với tâm từ bi và lời nói ái ngữ, để gỡ từ từ những cái thấy sai lệch đó mà thôi

Tại sao khổ đau quan trọng thế và làm sao để chữa lành nó?

Cô Oprah: Cách duy nhất để chấm dứt chiến tranh là sự truyền thông của các bên.

TS Nhất Hạnh: Vâng, chúng ta phải có khả năng nói rằng: “Này các bạn, này các bạn thân mến, tôi biết quý vị đang khổ, tôi không hiểu hết được những khó khăn và khổ đau của quý vị. Chúng tôi không có ý đồ làm khổ quý vị. Ngược lại chúng tôi không hề muốn làm cho quý vị khổ thêm nữa. Nhưng chúng tôi không biết làm cách nào và chúng tôi e sẽ làm thêm những điều sai trái để khiến cho quý vị khổ thêm nếu quý vị không giúp chúng tôi hiểu thêm quý vị. Vì thế xin quý vị cho chúng biết những khó khăn của quý vị, chúng tôi rất mong được học thêm, được hiểu thêm”. Chúng ta phải tập nói lời ái ngữ. Và nếu thật sự chúng ta nói những lời ấy bằng tấm lòng chân thật của ta thì họ sẽ mở lòng ra. Rồi thì ta thực tập lắng nghe với tâm từ bi và nhờ thế ta sẽ học thêm được biết bao điều về cái thấy (chưa đúng đắn) của ta và cái thấy (chưa đúng đắn) của họ. Chỉ có những dịp như thế ta mới lấy ra từ từ những cái thấy sai lầm. Đó là cách hay nhất, cách duy nhất để làm vơi đi nạn khủng bố.

Cô Oprah: Nhưng những điều thầy nói cũng áp dụng được cho những khó khăn trong các gia đình, giữa ta và những người thân trong gia đình ta phải không, hay cả giữa bạn bè với nhau (khi mà ta thấy người kia dữ dằn liều mạng như người khủng bố ). Nguyên tắc vẫn như thế phải không ?

TS Nhất Hạnh: Đúng vậy, trong gia đình cũng vậy và các cuộc thương thuyết cho hòa bình cũng nên làm theo nguyên tắc đó. Khi tới bàn hội nghị, ta không nên thương thuyết ngay. Ta nên để thời gian đi dạo chung, ăn chung, tập biết nhau nhiều hơn về những khổ đau khó khăn của mỗi người, mỗi bên. Kể ra những khổ đau tủi nhục của dân tộc ta mà không cần phải lên án kết tội. Chắc cũng cần một hay hai tuần rồi mới đi đến chuyện thương thuyết. Nếu bên này nghe được thông hiểu được nỗi khổ của bên kia thì hiểu biết là chuyện có thể thực hiện và có hiểu biết thì thương thuyết sẽ dễ hơn nhiều. Vì thế nếu tôi đứng ra tổ chức những hòa đàm thì tôi sẽ tổ chức theo cách đó.

Cô Oprah: Và thầy sẽ bắt đầu cho mọi người uống trà ?

TS Nhất Hạnh: Vâng, uống trà và đi trong chánh niệm.

Cô Oprah: Uống trà trong chánh niệm.

TS Nhất Hạnh: Và sẽ chia sẻ những hạnh phúc và những khổ đau. Và lắng nghe sâu và nói lời ái ngữ.

Cô Oprah: Vậy là không có chỗ cho sự tức giận sao ?

TS Nhất Hạnh: Tức giận là năng lượng giúp người ta hành động, có gan hành động, nhưng khi ta giận, ta không còn sáng suốt và ta rất có thể làm nhiều điều sai quấy mà ta sẽ hối tiếc. Từ bi cũng là năng lượng nhưng năng lượng rất lành. Khi năng lượng từ bi rất mạnh thì ta cũng cang cường không kém. Ta sẽ bớt khổ đau khi ta có từ bi. Điều này rất đúng. Ta nên tập không nên để cho cơn giận kéo ta đi. Ta đang khổ đó nhưng đừng để cho cơn sợ hãi đó kéo ta đi. Ta ý thức rõ ràng rằng đó chỉ là sợ hãi. Đó là tri giác sai lầm.

Cô Oprah: Thầy nghĩ sao nếu trong khi ta đang thực tập chánh niệm thì có một chuyện rất thách thức xảy ra như là tự nhiên bị thiên hạ kiện ta ra tòa. Và dĩ nhiên khi bị đưa ra toà thì khó mà an trú trong phút giây hiện tại để cảm thấy hạnh phúc.

TS Nhất Hạnh: Sự thực tập là cứ bình tĩnh đến với niềm bức xúc lo lắng ấy.

Cô Oprah: Sợ hãi. Điều thứ nhất là cơn sợ hãi trấn áp tôi liền và tôi tự hỏi : Ta sẽ phải làm gì đây ?

TS Nhất Hạnh: Này nhé, cô nhận diện ngay có sự sợ hãi trong cô. Cô ôm ấp nó, dịu dàng và nhìn sâu vào niềm sợ hãi đó. Cũng cùng một cách như khi cô có niềm đau, cô ôm ấp niềm đau kia một cách dịu dàng vì niềm đau chính là cô, sợ hãi cũng chính là cô. Cô chấp nhận trạng thái không dễ chịu đó, làm cho nó dịu xuống, nhẹ hơn một chút, tìm cách xử lý trạng thái này của tâm. Và nếu cô biết xử lý cơn sợ hãi của cô thì cô sẽ có đủ tuệ giác để giải quyết cái khó khăn ấy. Vấn đề là không để cho cơn sợ nó trấn ngự. Khi những cảm xúc mạnh mẽ ấy nổi dậy, ta tập để cho năng lượng chánh niệm nhận diện nó liền (biết rồi, đây cơn sợ của tôi nè!), chấp nhận ôm ấp nó, nhìn sâu vào nó. Cũng như một bà mẹ khi nghe bé khóc. Niềm lo của bạn chính là đứa bé đang khóc đó. Ta phải chăm sóc bé ngay, ta phải trở về với chính ta để nhận diện cơn đau này, chấp nhận ôm ấp cơn đau kia thì ta sẽ thấy đỡ hơn một chút. Ta tiếp tục dùng sự thực tập chánh niệm để ôm ấp, nhìn sâu và từ từ tìm ra gốc rễ cái bản chất của nổi khổ đó, và khi biết rõ bản chất, gốc rễ của cơn đau đó thì ta có thể tìm cách chuyển hóa nó.

Cô Oprah: Thầy dùng khá nhiều chữ khổ đau. Nhiều người có thể nghĩ khổ đau chỉ đơn giản là thiếu thốn, nghèo đói. Nhưng khi thầy nói về khổ đau thầy có nghĩ như vậy không ? (thiếu thốn những phương tiện vật chất).

TS Nhất Hạnh: Tôi muốn nói đến sợ hãi, tức giận, tuyệt vọng, lo lắng trong ta. Nếu ta biết xử lý chúng, ta sẽ có thể xử lý vấn đề chiến tranh, nghèo đói và những tranh chấp.

Cô Oprah: Bản chất những điều Bụt dạy - theo sự hiểu biết của tôi - là tin rằng chúng ta ai cũng đều thanh tịnh và sáng suốt sâu trong tâm ta. Thế nhưng ta chỉ thấy chung quanh ta rất nhiều người không hành xử trong tư thế thanh tịnh và sáng suốt gì hết. Làm sao mà ta liên kết được cái thấy đó của Phật dạy và sự kiện phũ phàng hằng ngày ta gặp ?

TS Nhất Hạnh: Cô biết không, hạnh phúc và đau khổ nó nương nhau. Cùng hiện hữu, cũng như bên trái và bên phải. Nếu không có bên trái thì cũng không có bên phải. Điều này cũng đúng với khổ đau và hạnh phúc, tốt và xấu. Mỗi người trong ta đều có những hạt giống tốt và xấu. Ta có hạt giống của tình huynh đệ, từ, bi và tuệ giác. Nhưng chúng ta cũng có hạt giống của giận hờn, căm thù và tách biệt.

Cô Oprah: Đó là bản chất rất “người.”

TS Nhất Hạnh: Đúng vậy. Có bùn và có hoa sen mọc lên từ bùn. Chúng ta cần có bùn để cho hoa sen mọc được.

Cô Oprah: Chúng ta không thể có cái này mà không có cái kia.

TS Nhất Hạnh: Vâng. Ta chỉ có thể thấy rõ hạnh phúc của ta dựa trên quá khứ khổ đau. Nếu bạn chưa bao giờ bị đói, bạn sẽ không trân quý khi được ăn. Nếu bạn chưa bao giờ thấy chiến tranh, bạn sẽ không thấy được giá trị của hòa bình. Vì thế ta không nên trốn chạy khó khăn này đến khó khăn khác. Nhận diện cái khổ của bạn, nhìn sâu và tìm cách đi ra khỏi khó khăn kia để đến được hạnh phúc.

Khi thiền quán ta tập bốn câu thần chú của thiền sư Thích Nhất Hạnh

Cô Oprah: Ngày nào thầy cũng đều thiền quán chứ ?

TS Nhất Hạnh: Chúng tôi thiền quán không phải mỗi ngày mà mỗi giây phút của sự sống. Khi chúng tôi uống, khi nói chuyện, khi viết lách, khi tưới cây trong vườn... và chúng tôi tập để sống trong hiện tại để nhìn sâu hơn vào cái hiện tại đó (và tiếp xúc với những gì tích cực mầu nhiệm trong hiện tại đó).

Cô Oprah: Nhưng thầy không có ngồi im lặng để đọc thần chú sao ?

TS Nhất Hạnh: Có, chúng tôi ngồi một mình, chúng tôi ngồi chung.

Cô Oprah: Càng nhiều người cùng ngồi càng tốt phải không ?

TS Nhất Hạnh: Vâng, năng lượng tập thể giúp ta nhiều lắm. Tôi muốn chia sẻ với cô về những thần chú mà cô vừa mới nhắc đến. Thần chú thứ nhất “Em yêu ơi, anh có mặt với em đây !***” Khi ta thương ai, món quà quý nhất mà ta có thể tặng cho người kia là sự có mặt, sự hiện diện của mình. Làm sao mà ta có thể nói là ta thương người kia được nếu ta không có mặt ?

***ghi chú: ngôn ngữ Việt rất đặc biệt, chữ my darling tiếng Anh, có thể dịch là anh yêu (nếu vợ nhìn mặt chồng mà đọc thần chú), hay em yêu (nếu chồng nhìn mặt vợ mà đọc thần chú, hay mẹ yêu (nếu con nhìn mặt mẹ mà đọc thần chú), hay bố yêu (nếu con nhìn mặt bố mà đọc thần chú), hay con yêu (nếu mẹ hay bố nhìn mặt con mà đọc thần chú), tùy theo đối tượng.

Cô Oprah: Thật là một thần chú đáng yêu.

TS Nhất Hạnh: Bạn phải nhìn sâu vào mắt người kia (mẹ của các cháu) và nói với tất cả tấm lòng của mình “Bạn nói : "Em em yêu ơi, em có biết gì không, em có biết là anh đang có mặt cho em đây không ?" hay là với mẹ của mình: "Mẹ yêu ơi, mẹ có biết là con đang có mặt cho mẹ không ?" hay là "Con yêu của mẹ ơi, con có biết là mẹ đang có mặt cho con không ?" Ta hiến dâng cho người kia sự có mặt trọn vẹn của ta. Ta không bị bực mình của quá khứ, dự án của tương lai lôi kéo. Ta có mặt hoàn toàn với người ta thương. Thần chú thứ hai là : “Mẹ yêu ơi, con biết là mẹ còn đó, hiện diện bên con và con thật hạnh phúc." Nếu bạn là cha thì nhìn vào mắt con bạn nói: "Con trai thương của ba, ba biết là con đang có mặt bên ba, nên ba rất hạnh phúc.” Bởi vì bạn đang có mặt, bạn nhận diện sự có mặt của người mà bạn rất thương kia đang còn đó, thật là quý báu. Bạn ôm trọm người kia bằng ánh mắt chánh niệm của bạn. Và người kia sẽ nở ra như một đóa hoa. Được thương có nghĩa là được công nhận sự hiện diện của nhau. Và hai câu thần chú đó đủ đem cho ta hạnh phúc ngay, dù rằng người kia không ở gần thì mình cũng đọc thần chú được bằng điện thoại.

Cô Oprah: Hoặc bằng điện thư.

TS Nhất Hạnh: Vâng, bằng điện thư. Và ta không đọc thần chú bằng tiếng Phạn hay tiếng Tây Tạng, ta có thể đọc thần chú bằng ngôn ngữ ngọt ngào thường ngày của ta.

Cô Oprah: Con yêu ơi, mẹ đang có mặt cho con này.

TS Nhất Hạnh: Và mẹ đang hạnh phúc.

Ta tập thốt lên thần chú thứ ba khi người ta thương đang khổ. "Mẹ ơi, con biết mẹ đang khổ, và vì thế con đang có mặt với mẹ đây." Trước khi mình làm được gì cho mẹ, chỉ cần nói lên câu thần chú đó là mẹ khoẻ liền

Cô Oprah: Thấy được cái khổ của người kia, sự tổn thương của người kia.

TS Nhất Hạnh: Đúng vậy. Còn câu thần chú thứ tư mới là khó nhất. Đọc thần chú này khi mà mình đang khổ và mình biết rõ là nỗi khổ của mình do chính người mà mình yêu thương và tin cậy nhất gây ra. Nếu ai khác mà làm điều sai trái ấy thì mình cũng khổ nhưng khổ ít hơn. Đằng này, người kia chính là người mình yêu thương tin tưởng nhất cho nên mình khổ vô cùng. Mình chỉ muốn vào phòng riêng, đóng cửa lại và ôm nỗi khổ một mình.

Cô Oprah: Đúng vậy !

TS Nhất Hạnh: Mình bị tổn thương, mình muốn phạt người đó (mẹ hay ba mình hay người yêu của mình) vì đã nở tâm làm cho mình khổ. Đọc thần chú này để vượt thoát cái cách hành sử thường tình ấy : “Mẹ, con đang khổ, con đang cố gắng hết sức, nhưng mẹ phải giúp con." (hay bố ơi, con đang khổ, con đang cô gắng hết sức nhưng bố phải giúp con hay Anh ơi, em đang khổ, em đang cô gắng hết sức nhưng anh phải giúp em) Mình phải tới với người đó, với chính đương sự làm khổ mình và phải vượt qua mặc cảm, nói thẳng với người đó bằng thần chú kia thì bạn sẽ nhẹ vơi đi nhiều lắm. Tại vì bạn không còn bị cái tự ái đó nó chận đường giữa bạn và người kia. Làm được như thế bạn sẽ nhẹ bớt đi nhiều.

Cô Oprah: "Anh yêu, em đang khổ ! Anh phải giúp em!”

TS Nhất Hạnh: "Mẹ ơi, con đang khổ, mẹ giúp con với !"

Cô Oprah: Nhưng nếu anh chàng hay cô nàng không muốn giúp mình ?

TS Nhất Hạnh: Trước nhất khi mình thương ai, mình muốn chia sẻ hết tất cả những gì mình đang mang trong lòng với người đó. Vì thế đó là bổn phận mình phải nói câu đó với người đó : "Con khổ, con muốn mẹ biết điều đó. Hay anh khổ, anh muốn em biết điều đó” Và chắc chắn là người kia sẽ đánh giá cao câu nói chí tình ấy.

Cô Oprah: Nếu người đó thương mình.

TS Nhất Hạnh: Vâng, trong trường hợp hai người thương nhau. Đây là câu thần chú với người mình thương.

Cô Oprah: Đồng ý.

TS Nhất Hạnh: Và khi mình tìm mọi cách để nhìn sâu hơn, để thấy rằng niềm đau đó có thể là do tri giác sai lầm của mình và mình đang tìm cách chứng minh là tri giác ấy của mình là sai (thí dụ như thấy người yêu của mình đang líu lo vui vẻ với cô nàng khác). Nhưng trong trường hợp ta không tìm ra được cái thấy kia là sai thì ta phải nhờ người kia giúp ta. (Phần chú thích của Phù Sa: “Anh ơi, em đang khổ, Anh phải giúp em, hôm qua anh không nhìn thấy em, anh líu lo vui vẻ quá với cái cô mặc áo xanh đó” Bằng cách đó mình diễn tả sự tin tưởng nơi người kia, mình có niềm tin nơi người kia, mình không muốn phạt người ấy nữa. Làm được như thế bạn sẽ bớt khổ tức thì. Và anh ta có thể ngạc nhiên thốt lên : Ồ em không biết sao? Cô ấy là em con của dì của anh mà!).

Cô Oprah : Hay quá.

Thầy Thích Nhất Hạnh chia sẽ về những  cái thấy của mình mà mình thường chắc chắn là đúng.

Cô Oprah: Bây giờ đây, tôi xin hỏi thầy một số câu hỏi về cách sống của người tu. Thầy có tập thể dục để cho mạnh khỏe không ?

TS Nhất Hạnh: Có chứ. Hằng ngày chúng tôi tập 10 động tác chánh niệm, cùng đi thiền hành chung với nhau một giờ đồng hồ mỗi ngày và ăn cơm chung trong chánh niệm.

Cô Oprah: Thầy có ăn chay không?

TS Nhất Hạnh: Vâng, chúng tôi ăn chay. Hoàn toàn chay tịnh, không có thực phẩm từ thú vật.

Cô Oprah: Vậy thầy không ăn trứng sao ?

TS Nhất Hạnh: Không trứng, không sữa bò, không phô mai bò. Bởi vì chúng tôi biết cách ăn chánh niệm này sẽ cứu vãn hành tinh của ta.

Cô Oprah: Thầy có xem truyền hình không ?

TS Nhất Hạnh: Không. Nhưng tôi vẫn tiếp xúc được với thế giới. Khi có sự kiện nào quan trọng, thế nào cũng có người kể cho tôi nghe.

Cô Oprah: Tôi cũng nghĩ như thế !

TS Nhất Hạnh: Ta không cần nghe bản tin mỗi ngày ba lần. Hay là đọc hết tờ báo này tới tờ báo khác.

Cô Oprah: Đúng vậy. Giờ thầy nói cho chúng tôi nghe đi. Đời sống của ông thầy tu là sống độc thân, đúng không ?

TS Nhất Hạnh: Đúng.

Cô Oprah: Thầy có khó khăn gì về ý niệm nên hay không nên bỏ đời thầy tu để có gia đình rồi có con không ?

TS Nhất Hạnh: Một hôm đó, khi tôi vào khoảng 30 tuổi, trong khi tôi đang đi thiền hành ở một công viên bên Pháp, tôi thấy một bà mẹ trẻ đang đang đùa với một đứa bé rất xinh. Trong một thoáng rất nhanh, tôi đã nghĩ là nếu tôi không đi tu thì tôi cũng sẽ có người vợ trẻ và đứa con như thế. Ý niệm đó chỉ thoáng qua trong một giây thôi rồi thì tôi vượt qua ngay ý tưởng ấy.

Cô Oprah: Đó không phải là nếp sống của thầy. Ta đang nói về sự sống. Thế thì cái chết thì sao ? Chuyện gì xảy ra khi ta chết, thầy tin về cái chết ra sao ?

TS Nhất Hạnh: Tôi có thể trả lời câu đó khi tôi trả lời được câu này : Những gì đang xảy ra trong lúc này đây ? Trong phút giây hiện tại, ta đang chế tác tư duy, ngôn từ và hành động. Chúng đang phát ra ba thứ đó và chúng đang ảnh hưởng cùng khắp. Mỗi tư duy, mỗi lời nói mỗi hành động của ta đều mang chữ ký của ta. Đó là nghiệp của ta. Đó là sự tiếp nối của ta. Khi thân xác này tàn hoại, ta vẫn được tiếp nối bằng những nghiệp lực ấy. Cũng như đám mây trên trời kia. Khi đám mây không thể giữ được hình thái đám mây nữa thì đám mây đang tiếp tục bằng những hình thái khác như là mưa, tuyết, nước đá. Bản chất của của chúng ta là không sinh, không diệt. Không thể nào một đám mây lại có thể thành hư không được. Và điều đó cũng đúng với người thương của ta. Họ không có chết đâu. Họ đang tiếp tục trong nhiều hình thái khác, nếu ta nhìn sâu, ta sẽ nhận diện ra sự luân hồi của người kia, cùng khắp quanh ta và ngay cả trong ta.

Cô Oprah: Có phải đó là ý nghĩa của bài thơ của thầy “Hãy gọi đúng tên tôi” bài thơ tôi mà tôi thích nhất.

TS Nhất Hạnh: Vâng. Khi quý vị hỏi tôi có phải là người Âu Châu không ? Tôi sẽ nói vâng ạ, tôi là người Âu. Nếu quý vị hỏi tôi có phải là người Á Rập không ? Tôi sẽ nói : Vâng, tôi là người Á Rập. Nếu quý vị hỏi tôi có phải là người da đen không?, tôi sẽ nói vâng, tôi là người da đen. Nếu quý vị hỏi tôi có phải là người da trắng không, tôi cũng sẽ nói : Vâng, tôi là người da trắng. Bởi vì tôi có mặt trong các bạn và các bạn có mặt trong tôi. Chúng ta đã có nhau từ muôn vạn kiếp, cùng khắp trong vũ trụ...

Cô Oprah: [đọc bài thơ] "Tôi là con phù du thoát hình trên mặt nước | Và là con chim sơn ca mùa xuân về trên sông đón bắt phù du | Tôi là con ếch bơi trong hồ thu, | và cũng là con rắn nước trườn đi | Tìm cách nuôi thân bằng thân ếch nhái | Tôi là em bé nghèo Uganda, bao nhiêu xương sườn đều lộ ra hai bàn chân bằng hai ống sậy, | Tôi cũng là người chế tạo bom đạn để cung cấp kịp thời cho Á Phi | Tôi là em bé mười hai bị làm nhục, nhảy xuống biển sâu | Tôi cũng là nguời hải tặc sinh ra với một trái tim chưa biết nhìn biết cảm | Hãy nhớ gọi đúng tên tôi | Cho tôi được nghe một lần tất cả những tiếng tôi khóc tôi cười | Cho tôi thấy nỗi đau và niềm vui là một | Hãy nhớ gọi đúng tên tôi | Cho tôi giật mình tỉnh thức | Và để cho cánh cửa lòng tôi để ngỏ | Cánh cửa Xót Thương." Bài thơ đó nghĩa là sao thưa thầy ?

TS Nhất Hạnh: Có nghĩa là lòng từ bi là sự tu tập quan trọng nhất của chúng tôi. Phải hiểu sâu thì mới phát sinh lòng từ bi được. Hiểu được nỗi khổ mà chúng sinh phải gánh chịu thì năng lượng từ bi mới trào dâng. Và với năng lượng đó ta mới biết phải làm gì.

Cô Oprah: Xong rồi. Cuối bài này, tôi còn một đề tài nữa tên là : Làm sao mà tôi biết cái thấy của tôi là đúng. Làm sao mà thầy biết cái thấy của thầy là đúng nhất ?

TS Nhất Hạnh: Tôi biết chắc chắn là tôi không bao giờ biết đúng, biết đầy đủ trọn vẹn hết. Tôi phải tập học hỏi thêm, phải sẳn sàng buông bỏ những cái biết trước đó của tôi để có thể thấy sâu hơn, hiểu rõ hơn về từng tình trạng, từng thực tại. Ta phải luôn luôn học hỏi. Phải mở lòng ra để buông bỏ ý kiến riêng của mình để có thể có cái thấy sâu sắc trọn vẹn hơn. Như khi ta leo lên một cái thang. Lên tới bậc thứ sáu và ta nghĩ là tới đây là cao nhất rồi, vì thế ta không có dịp leo lên bậc thứ bảy. Phương pháp là phải tập buông bỏ bậc thứ sáu để mới lên được bậc thứ bảy. Đó là sự thực tập của chúng tôi, tập buông bỏ cái thấy của mình. Không cố thủ cái thấy đang có, để có thể thấy được sâu hơn, rõ hơn, trọn vẹn hơn. Đó là cốt lõi của sự thực tập trong Phật giáo. Người ta đau khổ vì họ bị kẹt trong cái thấy của họ. Chắc mẻm là cái thấy của mình đúng nhất. Khi nào mà ta buông bỏ được cái thấy –không trọn vẹn ấy - của mình, thì ta mới giải thoát được và không còn khổ đau nữa.

Cô Oprah: Có phải là sự thao thức là tìm cho được tự do phải không ?

TS Nhất Hạnh: Vâng, nhưng tự do trước nhất là thoát được những cái thấy sai lầm phiến diện của mình. Chính cái thấy phiến diện sai lầm ấy là nền tảng của tất cả khổ đau, sợ hãi và bạo động.

Cô Oprah: Thật là vinh dự cho tôi được hầu chuyện với thầy ngày hôm nay.

TS Nhất Hạnh: Cám ơn cô. Tôi mong cái hạnh phúc chia sẻ này có thể giúp được mọi người.

Cô Oprah: Tôi tin là nó sẽ giúp.

Source: langmai.org

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/12/2019(Xem: 28159)
Kính lễ Phật Pháp Tăng là thể hiện niềm tin sâu xa của Tứ chúng đệ tử đức Phật mỗi ngày đối với Tam bảo. Đệ tử Phật dù tu tập chứng A-la-hán vẫn suốt đời nương tựa và kính lễ Phật Pháp Tăng không hề xao lãng. Các vị Bồ tát từ khi phát Bồ đề tâm, tu tập trải qua các địa vị từ Tín, Trú, Hạnh, Hướng, Địa cho đến Đẳng giác không phải chỉ nương tựa và kính lễ Phật Pháp Tăng một đời mà đời đời, kiếp kiếp đều nương tựa và kính lễ Phật Pháp Tăng. Nhờ sự nương tựa và kính lễ Phật Pháp Tăng như vậy, mà Bồ tát không rơi mất hay quên lãng tâm bồ đề, khiến nhập được vào cảnh giới Tịnh độ không thể nghĩ bàn của chư Phật, nhập vào thể tính bất sinh diệt cùng khắp của Pháp và nhập vào bản thể hòa hợp-thanh tịnh, sự lý dung thông vô ngại của Tăng.
08/12/2019(Xem: 30691)
Phật Giáo và Những Dòng Suy Tư (sách pdf)
22/11/2019(Xem: 27103)
Nam mô ADIĐÀ PHẬT , xin Thầy giải thích thắc mắc của con từ lâu : “ Nam mô Tam Châu Cảm Ứng Di Hộ Pháp Vi Đà Tôn Thiên Bồ Tát “: 1- Tại sao Tam Châu mà không là Tứ Châu ? 2- Hộ Pháp Vi Đà Tôn Thiên Bồ Tát có phải là Vị Bồ Tát đứng chung với Ngài Tiêu Diện BT ở bàn thờ trước hall mà khi chúng con mới vào chùa QDT dẫn đến và nói : cô chú khi mới vào chùa đến xá chào 2 Vị BT này ( check in ) trước khi ra về cũng đến xá chào ( check out).Xin Thầy nói về tiểu sử của 2 Vị BT ( 2 security officers) mà Phật đã bổ nhiệm xuống cho mỗi chùa .Xin mang ơn Thầy 🙏
08/11/2019(Xem: 16096)
Thanh Từ Thiền Sư, tuyên ngôn như thế, lời vàng đanh thép, lý tưởng cao siêu, muôn đời bất diệt. Phật Giáo Dân Tộc, đồng hành muôn thuở, tuy hai mà một, bền lòng sắc son, nẻo đạo thanh cao, đường đời rộng mở. Ông Dương Ngọc Dũng, mang danh tiến sĩ, học vị giáo sư, nói năng như khỉ, hành vị đáng khinh, giảng đường đại học, kỳ thị tôn giáo, nói xàm nói láo, xúc phạm Phật giáo, bôi nhọ Tăng Ni.
29/08/2019(Xem: 12693)
Trong thời Đức Bổn Sư Thích Ca còn tại thế, nhất là thời giới luật chưa được chế định, 12 năm đầu tiên sau khi Ngài thành đạo, có nhiều tỷ kheo hay cư sĩ đã liễu ngộ, giải thoát, niết bàn chỉ ngay sau một thời thuyết pháp hay một bài kệ của Tôn Sư. Tại sao họ đặt gánh nặng xuống một cách dễ dàng như vậy? Bởi vì họ đã thấu hiếu tận gốc rễ (liễu ngộ) chân đế, tự tại giải thoát, tịch lặng thường trụ, chẳng động, chẳng khởi, chẳng sanh, chẳng diệt, không đến cũng không đi mà thường sáng soi. Khi họ thấu hiểu được vậy. Kể từ lúc đó, họ tín thọ và sống theo sự hiểu biết chơn chánh này. Họ luôn tuệ tri tất cả các pháp đều huyễn hoặc, vô tự tánh cho nên, họ không chấp thủ một pháp nào và thong dong tự tại trong tất cả các pháp.
22/08/2019(Xem: 12775)
Phát Bồ đề Tâm là một pháp môn tu, nếu không hơn thì bằng chứ không kém một pháp môn nào trong tam tạng, bởi nó nói lên được cứu cánh của việc tu hành. Trong kinh Đại Phương Tiện, Phật dạy A Nan: “Phát Bồ Đề Tâm là pháp môn thù thắng giúp hành giả rút ngắn tiến trình tu tập của mình”. Trong kinh Hoa Nghiêm Phật lại ân cần nhắc nhở: “Kẻ chỉ quên việc phát Bồ Đề Tâm thì việc làm Phật sự là đang làm ma sự” huống hồ là kẻ tâm không phát, nguyện không lập.
16/08/2019(Xem: 13990)
Đức Phật là đấng đạo sư, là bậc thầy của nhân loại, nhưng ngài cũng là nhà luận lý phân tích, nhà triết học, nhà giáo dục vĩ đại. Kinh tạng Pāli cho chúng ta thấy rõ về các phương phápgiảng dạy của đức Phật một cách chi tiết. Tùy theo từng đối tượng nghe pháp mà Ngài có phương thức truyền đạt khác nhau. Chúng sanh có vô lượng trần lao, phiền não, thì Phật pháp có vô lượng pháp môn tu. Nếu sử dụng đúng phương pháp thì hiệu quả giảng dạy sẽ đạt được kết quả tốt. Tri thứcPhật học là nguồn tri thức minh triết, là giáo lý để thực hành, lối sống, do đó phương pháp giảng dạy là vấn đề vô cùng cần thiết để giới thiệu nguồn tri thức minh triết ấy.
05/06/2019(Xem: 19689)
Niệm Định Tuệ Hữu Lậu & Niệm Định Tuệ Vô Lậu Phật Đản 2019 – Phật lịch 2563 Tỳ kheo Thích Thắng Giải , Ngôn ngữ là một phương tiện để diễn tả đạo lý, nhưng thể thật của đạo thì vượt ra ngoài ngôn ngữ và tất cả ý niệm. Vì vậy, một khi chúng ta liễu tri được nghĩa chân thật của đạo thì lúc đó sẽ thấu tỏ được sự diệu dụng của phương tiện ngôn ngữ. Nếu xét về nghĩa thật của đạo, đó chính là chân tâm không sinh diệt hay chánh kiến vô lậu.
10/05/2019(Xem: 15384)
Các nước phương Tây đang sống trong một thời đại bất thường: Trung Quốc trỗi dậy và uy hiếp, kinh tế khủng hoảng, nợ công cao ngất, nạn di dân đe doạ, xã hội bất bình đẳng, dân chúng nổi giận giúp đưa cho ông Trump vào Tòa Bạch Ốc và đẩy Vương Quốc Anh thống nhất ra khỏi Liên Âu. Đâu là nguyên nhân cho nền kinh tế thị trường không còn vận hành hoàn hảo và giải pháp cho hệ thống dân chủ tự do đang lâm nguy? Phần một lý giải cho vấn đề này theo quan điểm của Francis Fukuyama trong tác phẩm Identity: khủng hoảng về bản sắc của các nhóm sắc tộc là nguyên nhân, đấu tranh để công nhận nhân phẩm là
12/02/2019(Xem: 7695)
Nhà sư Nhật bản Kenjitsu Nakagaki đang tìm cách thuyết phục người Tây Phương về ý nghĩa của chữ Vạn (Swastica) mà người Nhật gọi là manji. Chẳng qua là vì những người quốc-xã (nazi) đã biến chữ này thành một biểu tượng cấm kỵ trong các nước Tây phương ngày nay. Thế nhưng chữ Vạn đã ăn sâu vào nền văn hóa của Nhật Bản từ khi Phật giáo mới được đưa vào xứ sở này, và nhà sư Nakagaki muốn nhấn mạnh với người Tây Phương là chữ Vạn với tư cách là một biểu tượng hoà bình cũng đã được sử dụng trong rất nhiều tôn giáo!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]