Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tội & phước

14/12/201306:48(Xem: 10872)
Tội & phước
Cetiya-buddha1
TỘI PHƯỚC
HT. Thích Thanh Từ

I. MỞ ĐỀ 

Nói đến tu hành là nói đến tội phước, nếu không rõ tội phước tức là không rõ sự tu hành. Nếu người tu mà cứ lao mình trong tội lỗi, ấy là người tạo tội cho không phải là người tu hành. Mọi sự an vui và đau khổ gốc từ tội phước mà sanh ra. Vì thế muốn thấu hiểu sự tu hành chúng ta phải thấu hiểu tội phước. Tội phước là những hành động thiết thực trong cuộc sống nầy, không phải là chuyện siêu huyền mờ ảo đâu đâu. Thế nên người tu hành phải thấu đáo, phải phân rành vấn đề tội phước.

II. THẾ NÀO LÀ TỘI? 

Tội là hành động làm cho mình và người đau khổ trong hiện tại và vị lai. Người làm tội cũng gọi là người dữ, người xấu. Tội, có tội ngoài đời và tội trong đạo. Tội ngoài đời là những kẻ phạm luật pháp nhà nước, bị tù đày đau khổ. Tội trong đạo có hai loại : tội do hứa nguyện gìn giữ mà không giữ, tội làm đau khổ chúng sanh. Tội do hứa nguyện gìn giữ mà không giữ, như trước nhận giữ năm giới hoặc mười giới là điều cao cả quí báu, ở trước tam bảo nguyện trọn đời gìn giữ, mà sau nầy không giữ được một hoặc nhiều điều, gọi là tội phạm giới. 

Tại sao phạm giới gọi là tội? Bởi vì trước mình đã nhận định những giới luật đó là hay là đúng, nếu giữ được sẽ lợi ích cho mình và chúng sanh, nên nguyện gìn giữ. Sau nầy mình không gìn giữ, thế là đã phá hoại sự lợi ích của mình và của chúng sanh nên phạm tội. Thí dụ như giới ăn trộm chẳng hạn. Bất cứ một hành động nào làm khổ cho người hiện tại hoặc mai kia đều là tội. Bởi mình đã gây ra nhơn đau khổ thì quả đau khổ mình phải lãnh lấy. Do làm khổ mình, khổ người nên gọi là tội. Tội có tội nhẹ và tội nặng.

A. Tội nhẹ 

Những điều làm đau khổ cho người, cho chúng sanh, do thân miệng chúng ta gây ra mà không cộng tác tới ý là tội nhẹ. Bởi vì việc ấy là vô tâm, hoặc không có ý thức. Việc làm vô tâm, khi nạn nhân cảm thông được, họ sẽ bớt thù hận, nếu họ đại lượng có thể tha thứ luôn. Thí dụ chúng ta đi đường, có đứa bé cầm hòn đất ném chơi, lại trúng vào chúng ta. Nếu chúng ta biết nó không cố ý ném mình, tuy đau điếng mà chúng ta không giận nó. Thế nên mọi hành động bằng thân bằng miệng làm đau khổ người mà không có ý thức là tội nhẹ, xin lỗi hoặc xám hối sẽ hết. Việc làm đau khổ chúng sanh chút cũng là tội nhẹ.

B. Tội nặng 

Những người làm đau khổ cho người cho chúng sanh, do thân miệng cộng tác với ý chúng ta gây ra là tội nặng. Bởi vì việc làm ấy là cố tâm, là hữu ý, khiến người oán giận không thể tha thứ. Thí như có người cố tình đánh chúng ta, dù cái đánh ấy bị cản trở không chạm đến thân chúng ta, song biết kẻ ấy cố tình đánh mình, chúng ta cũng giận họ đời đời. Vì thế hành động cố tâm, hữu ý là hành động quan trọng nên tạo thành tội nặng. 

Thế nên tội phát xuất từ ba nghiệp chúng ta. Nơi thân : giết người, trộm cắp, tà dâm. Nơi miệng : nói dối, nói hai lưỡi, nói thêu dệt, nói hung ác. Nơi ý : tham, sân và tà kiến. Sự hợp tác chặt chẻ của ba nghiệp nầy là tội nặng.

III. THẾ NÀO LÀ PHƯỚC? 

Phước là những hành động đem lại sự an vui cho mình, cho người ở hiện tại và mai kia. Người làm phước cũng gọi là người lành, người tốt. Bởi vì những hành động đem lại sự an vui cho người, người sẽ quí mến. Chính sự quí mến ấy nên gặp vui vẻ và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Chúng ta giúp đỡ hoặc an ủi khiến người được an vui, người thù đáp lại chúng ta bằng cử chỉ biết ơn vui vẻ quí mến, đó là làm phước gặp phước. Vì thế người biết làm phước hiện tại được an vui, mai sau vẫn an vui. Làm phước có hai thứ : phước hữu lậu và phước vô lậu.

A. Phước hữu lậu 

Làm cho mình cho người an vui tương đối trong vòng sanh tử là phước hữu lậu. Do ba nghiệp chúng ta hoạt động đem lại sự an vui cho người, chính hành vi ấy là sanh diệt giới hạn, còn trong vòng sanh tử hiện tại cũng như mai sau. Chúng ta phải nổ lực tạo điều kiện cho mình và mọi người thường được an vui. Muốn thực hiện được việc đó, ngay nơi ba nghiệp chúng ta phải ứng dụng các điều nầy :

1. Về thân

a. Cứu mạng 

Chúng ta phải sẵn sàng cứu giúp bảo vệ sinh mạng của người. Nếu người gặp tai nạn sắp mất mạng, theo khả năng của mình, chúng ta tận tâm cứu giúp. Giải cứu cho người thoát chết, hoặc ngừa đón những sự việc có thể làm nguy hiểm đến sinh mạng người, đó là việc làm phước của bản thân. Bởi vì sinh mạng đối với con người là tối thượng cho nên ai giải cứu họ khỏi chết, lòng an vui và biết ơn vô kể.

b. Bố thí 

Kế đến, sẵn sàng cứu giúp người khi gặp cảnh cơ hàn nguy khốn. Nỗi khổ đói rét cũng đe dọa đến sinh mạng, người đang lâm vào cảnh khổ nầy nếu được cứu giúp, họ cũng vui mừng vô hạn. Chúng ta muốn được an vui thì phải sẵn sàng mang sự an vui bủa khắp mọi người, đó là nền tảng phước đức. Hạnh phúc không phải đến riêng với chúng ta, mà do sự thù đáp từ hạnh phúc của mọi người mang lại. Chúng ta đừng dại khờ cứ bo bo giữ lấy tài sản vô thường làm của riêng mình, cần phải ban bố cho những người đang thiết ta cần nó. Những cái vô thường mà cứ giữ, có ngày sẽ khổ đau khi nó không còn ở trong tầm tay mình nữa. Mượn của cải vô thường làm phương tiện an vui cho người, nguồn an vui ấy sẽ trở về với chúng ta một cách bền vững lâu dài.

c. Trinh bạch 

Cần phải giữ hạnh trung thành trinh bạch. Người biết đạo lý đã không dám xâm phạm đến danh giá và hạnh phúc của gia đình người, còn phải trung thành trinh bạch với gia đình mình. Tinh thần trung trinh ấy giúp cho người trong gia đình tin cẩn lẫn nhau. Do sự tin cẩn nhau nên trong gia đình được an ổn vui tươi. Trong gia đình đã thế, chúng ta cần nhắc nhở chỉ dạy cho mọi người chung quanh đều tập hạnh trung trinh này. Được thế sự an vui không những chỉ ở trong phạm vi gia đình, mà tràn lẫn đễ xã hội.

2. Về miệng 

Tu phước ở miệng phải tập bốn điều này:

a. Nói chơn thật 

Nói chân thật để đem lại niềm tin tưởng an ổn cho người. Bất cứ ở trường hợp nào, chúng ta cũng cố gắng nói lên những lẽ thật. Luôn luôn tôn trọng và yêu chuộng lẽ thật. Chơn thật là nguồn gốc tin yêu nhau, do đó mọi sự mến thương được bền bỉ.

b. Nói đúng lý 

Nói đúng lý để giúp mọi người nhận được lẽ chánh. Trong cuộc sống phức tạp này khiến mọi người khó tìm được con đường chánh. Cho nên chúng ta cố gắng nói ra lời đúng lý, hầu làm sáng tỏ mọi chỗ ngờ vực của người. Sống đúng, nói đúng, thực là sự hi hữu trong cuộc sống hổn độn hiện nay. Chúng ta mãi tôn trọng câu “mặc người phi pháp, chúng ta vẫn giữ đúng pháp”.

c. Nói hòa thuận 

Nói hòa thuận để đem lại tình đoàn kết cho mọi người. Tất cả việc làm phân ly chia rẽ đều là tạo nên thống khổ cho con người. Chúng ta đã không làm thế, mà luôn luôn dùng lời hòa thuận để hàn gắn lại những mối tình đã rạn nứt. Ngôn ngữ chúng ta phát ra đều đem lại tình thương gắn bó cho mọi người. Thấy đâu có sự rạn nứt, có mầm tan rã, chúng ta đều nổ lực dùng lời hòa thuận làm chất keo hàn gắn lại. Tận dụng ngôn ngữ mình để đem lại tình đoàn kết an vui cho nhân loại.

d. Nói nhã nhặn 

Nói nhã nhặn để đem lại sự ôn hòa vui vẻ cho người. Mọi sự căm phẩn, bực tức đều làm cho con người đau khổ. Chúng ta tập nói nhã nhặn khiến người dễ mến và vui vẻ. Trọn đời chúng ta đem lại sự an vui cho chúng sanh, không có lý do nào lại dùng lời thô ác. Chúng ta phải thực hiện lời nhã nhặn mãi mãi với mọi người.

3. Về ý

Chúng ta phải tập từ bi, nhẫn nhục và chánh kiến. Mang lại tình thương cho chúng sanh là tiêu diệt mầm tham lam độc ác. Nỗi khổ của chúng sanh ngập trời đều do lòng tham ác của con người tạo nên. Chúng ta tận lực gầy dựng tình thương để giảm thiểu đau khổ cho chúng sanh. Tập lòng nhẫn nhục để chịu đựng mọi cảnh ngang trái mà không sanh sân hận. Có nhẫn nhục được, chúng ta mới giữ được tình thương lâu dài với chúng sinh. Chánh kiến là nhận định đúng đắn, đưa chúng ta đi đúng hướng, sáng suốt vui tươi. Do chánh kiến mới có nói đúng, làm đúng. Ba nghiệp tạo phước, chánh kiến là đội binh tiên phong. Tóm lại, ba nghiệp làm mười điều trên là tu phước hữu lậu. Phước nầy khiến chúng ta qua lại trên con đườn an vui tươi đẹp. Mặc dù còn tương đối sanh tử, song đến đâu cũng là hài lòng mãn ý.

B. Phước vô lậu 

Phước vô lậu là sự an vui tuyệt đối không giới hạn. Do thoát ly sanh tử nên an vui miên viễn. Bởi sự an vui nào mà còn sanh tử đều tạm bợ đối đãi. Chỉ có tiêu diệt hết mầm sanh tử, an trụ vô sanh, mới là an vui viên mãn. Tu phước vô lậu là chúng ta nhắm hướng vô sanh làm mục đích, hằng ngày buông xả cái chủ động sanh diệt và dùng trí thấy rõ các tướng giả dối sanh diệt, không lầm, không kẹt nó. Cứ thế tiến mãi, cho đến bao giờ viên mãn mới thôi. Mình làm như vậy là tu phước vô lậu.

IV CẦN TRÁNH TỘI, LÀM PHƯỚC

a. Tránh tội 

Đã biết tội là nhơn khổ đau bất như ý, chúng cố gắng tránh đừng gây nên tội. Cuộc đời đã khổ đau lắm rồi, chúng ta không thể nào làm cho nó tươi đẹp, ít ra cũng đừng tô thêm cho đậm nét khổ đau. Tránh gây khổ đau cho người tức là tránh tạo khổ cho mình. Có ai ngu dại đến nỗi lấy dây tự trói, lấy roi tự đánh, để rồi kêu khóc thở than. Mầm khổ đau không gieo thì cây khổ đau làm sao đâm chồi nẩy lộc. Biết thế, chúng ta dè dặt tối đa trong việc gieo nhân đau khổ. Dù một tội nhỏ, tránh được, chúng ta cũng cố gắng tránh. Như trong Luật nói: “Giot nước tuy nhỏ, rơi mãi cũng đầy chậu lớn”. Người biết sợ tội là người biết sẽ khỏi tội. Chỉ có kẻ liều mạng xem thường tội lỗi, càng lún sâu trong tội lỗi. Đã có tội lỗi là có khổ đau, như có hình thì có bóng, có tiếng thì có vang. Người học đạo phải sáng suốt thấy rõ lý lẽ ấy, để không lầm, làm đau khổ mình khổ người.

b. Làm phước 

Hạnh phúc an vui là điều ai cũng ước mơ, mong mõi. Người học đạo không ước mơ mong mõi suông, phải thực tế gây dựng hạnh phúc cho người tức là gây dựng hạnh phúc cho mình. Hạnh phúc không thể ngẩu nhiên đến với chúng ta, mà do công phu bồi đắp. Một hành động, một lời nói, một ý nhiệm mầu đem an vui lại cho người, chính là gây dựng hạnh phúc cho ta. Trong cuộc đời tương phản, kẻ buông xả hết lại là người được nhiều nhất. Ngược lại, người cố giữ gìn lại là người mất mát nhất. Tạo hạnh phúc cho mình không phải bo bo gìn giữ những cái gì của mình, mà phải xả bỏ cái của mình, tạo cho người an vui. Chúng ta làm cho trăm ngàn người an vui, quả thực đã tạo trăm ngàn điều an vui cho chúng ta. 

Vì thế làm phước không bao giờ thấy đủ, chúng ta làm mãi đến suốt đời, mà vẫn thấy chưa xong. Có một lần đức Phật đang ngồi trong một tịnh xá, ở phòng khác ngài A Nan Luật đang xỏ kim vá y, vì mắt không tỏ, Ngài xỏ hoài mà chẳng được. Ngài buộc miệng than: “Có ai mắt sáng làm phước xỏ kim hộ tôi”. Đức Phật nghe, Ngài đi đến chỗ A Nan Luật bảo: “A Nan Luật, đưa kim ta xỏ hộ, để ta làm phước”. A Nan Luật hoảng hốt thưa: “Thế Tôn đã đầy đủ vô lượng phước đức, còn làm phước chi nữa?” Đức Phật dạy: “Thế Tôn đầy đủ vô lượng phước đức, mà còn mót từ cái phước xỏ kim”. Thử hỏi chúng ta là người gì mà không cố gắng làm phước? Phước càng to thì an vui càng lắm, có thiệt thòi gì đâu mà không chịu làm.

V. KẾT LUẬN 

Tội phước là điều thực tế trên cõi nhơn gian. Cổ động khuyến khích người tránh tội là hành động giảm thiểu khổ đau cho nhân loại. Tán thán ca ngợi làm phước là mang lại hạnh phúc an vui cho chúng sanh. Lý đáng mọi người chúng ta đều tận lực làm điều này. Vô lý những kẻ đã không làm, lại công kích người khác làm. Còn ai không xót xa khi thấy con người sát phạt con người. Người có lương tâm, đầy lòng trắc ẩn không thể ngó lơ trước huynh đệ tương tàn. Cho nên tránh tội làm phước là điều mỗi con người chúng ta phải ứng dụng. Biết tội phước là cội nguồn của đạo đức. Song chúng ta đừng bị phỉnh gạt bằng những tội phước rỗng. Tội là cấy mầm đau khổ nơi con người, phước là gieo hạt hạnh phúc cho chúng sanh. Có thể thực tế như vậy, không phải việc huyền hoặc viễn vong.

Trích sách Vào Cổng Chùa

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 4769)
Ngày nay thế giới đã thật sự bước qua ngưỡng cửa của thời kỳ trung đại hay chưa? một thời kỳ được xem là đen tối nhất của nhân loại, thời kỳ kỳ thị chủng tộc màu da và tôn giáo, đã gieo rắt nỗi kinh hoàng từ Âu sang Á.
09/04/2013(Xem: 5687)
Trong cuộc sống, không chỉ là cuộc sống của loài người, mà tất cả chúng sanh, xuống đến loài côn trùng nhỏ bé nhất, đều muốn có được hạnh phúc, và cuộc sống con người là cuộc tìm kiếm hạnh phúc, mưu cầu hạnh phúc.
09/04/2013(Xem: 7686)
Buổi sáng, trời hơi se lạnh và ẩm ướt âm u, hồi đêm hình như rất gió và ầm ì những tiếng sấm gợi lại những lo sợ xa xôi của thời còn chinh chiến. Nhìn ra khung cửa, đồi cỏ vẫn trải dài thoai thoải, những khu vườn xung quanh đã rực rỡ những đóa hoa xuân.
09/04/2013(Xem: 3644)
Sinh hoạt Phật giáo của các tỉnh, thành cả nước cũng như toàn thể Tăng Ni Phật tử đang nô nức hướng về Đại hội Phật giáo toàn quốc kỳ V sắp tổ chức vào cuối năm nay. Đây là Đại hội Phật giáo của đầu thiên niên kỷ 3, . . .
09/04/2013(Xem: 4867)
Vào tháng 2 năm 1993, nhà viết phim Pháp Jean Claude Carrière đến Dharamsala, Ấn Độ, để nói chuyện cởi mở với Đức Đạt lai Lạt ma về những vấn đề mà thế giới hiện tại đang phải đối đầu.
09/04/2013(Xem: 5542)
Nhân loại hôm nay cũng như trước đây 2511 năm đã tự soi vào mình để phát giác ra rằng: mình đang hiện hữu trong một nghiệp dĩ khổ đau, giữa một xã hội phi lý bất ổn,trong một vũ trụ vật lý vô nghĩa ma sát giới hạn khắt khe sinh mạng con người.
09/04/2013(Xem: 5767)
Sống giữa giai đoạn xã hội chuyển tiếp con người hôm nay đã và đang nếm trải mọi thử thách ác liệt do các ý thức hệ bạo hành gây ra; càng cố vùng vẫy, con người càng cảm thấy bất lực, sa lầy thêm sâu trong tình trạng mất hướng, mất tự tín. Những vết tàn phế của xã hội đang hằn lên nét mặt lo âu của mọi người, . . .
09/04/2013(Xem: 10369)
Tất cả chúng sanh đều vô thỉ đến nay, vì chấp có thật ngã, thật-pháp mà tạo ra các nghiệp, rồi bị các nghiệp dắt dẫn nên xoay vành mãi theo bánh xe sanh tử luân-hồi. Nếu con người hiểu rỏ một cách chắc chắn rằng: tất cả các pháp trong vũ-trụ, nhân và ngã đều không thật có, chỉ do thức biến hiện, như cảnh trong chiêm bao, mà không còn gây phiền não, tạo nghiệp-chướng nữa, thì tất không còn bị ràng buộc, trong bánh xe sanh tử luân hồi. Để phá trừ hai món chấp thật-ngã và thật-pháp, Đức-Phật có rất nhiều phương-pháp, có rất nhiều pháp thiền, mà Duy-Thức-Tôn hay Pháp-tướng-tôn là một pháp tu rất cần thiết, rất hiệu-nghiệm để đi đến giải-thoát.
08/04/2013(Xem: 13614)
Tập sách này in lại những bài viết về Trung Quán Luận, đã đăng trong Nguyệt San Phật Học. Ngài Long Thọ, tác giả Trung Quán Luận và những kinh sách khác, được chư thiền đức xưng tán là Đệ nhị Thích Ca, đã vạch ra thời kỳ chuyển pháp lần thứ hai. Trong những tác phẩm của người, Trung Quán Luận trình bày tánh Không, phần tinh túy của giáo lý đạo Phật.
08/04/2013(Xem: 26266)
Cuốn sách này gạn lọc trí tuệ hàng ngàn năm của Phật Giáo Tây Tạng, được chuyển tải bằng những từ ngữ đơn giản, dễ hiểu đối với mọi người. Mục đích chính yếu của tôi là trình bày những giáo lý không chỉ có tính cách chữa trị sự đau khổ và vô minh của chúng ta về sự chết và sự hấp hối mà còn giúp chúng ta chứng đạt mục tiêu an lạc vô thượng, không những cho đời này mà còn cho sự chết và cõi bên kia nữa.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]