Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

02. Mùa An Cư thứ tám

30/10/201319:40(Xem: 34038)
02. Mùa An Cư thứ tám
mot_cuoc_doi_bia_3


MÙA AN CƯ THỨ TÁM

(Năm 580 trước TL)

Chánh Hậu

Của Đức Vua Udena




Trong mùa an cư năm thứ tám, khi nghe tin đức Phật ở Kosambī thì chư trưởng lão và tỳ-khưu tăng các nơi về đảnh lễ ngài ngày càng đông. Tôn giả Sāriputta bàn với các vị trưởng lão hiện có mặt để phân bố họ đến ba khu lâm viên để an cư mùa mưa. Trưởng lão Vappa, Assaji, Yasa, Upāli, Kāḷudāyi... đảm trách tu tập và giáo giới khoảng ba trăm tỳ-khưu ở lâm viên Ghositārāma. Trưởng lão Kimbila, Bhagu, Nandiya... hướng dẫn tu tập và giáo giới chừng một trăm năm mươi tỳ-khưu ở lâm viên Kukkuṭārāma. Trưởng lão Devadatta, Bhaddiya, Anuruddha... chăm sóc sự tu tập và giáo giới cho chừng khoảng như vậy ở lâm viên Pāvārikarubavana. Riêng hai trưởng lão Nadī Kassapa và Gayā Kassapa chăm sóc hội chúng hơn một trăm vị tỳ-khưu đầu-đà khổ hạnh thì tùy nghi lựa chọn trú xứ cho mình.

Khi hội chúng rời chân đi rồi, hai trưởng lão Bhaddiya và Anuruddha tìm gặp tôn giả Sāriputta, đại ý rằng:

- Trưởng lão Devadatta chỉ lo tu tập, trưởng dưỡng các thắng trí nhưng không chịu hướng tâm, hướng trí đến việc đoạn tận các lậu hoặc, không biết phải khuyên nhủ làm sao?

- Biết làm sao được! Tôn giả Sāriputta mỉm cười – tuy nhiên, bên cạnh Devadatta luôn có mặt hiền giả Bhaddiya, bậc đầy đủ sáu thông; luôn có mặt hiền giả Anuruddha, người mềm mỏng, dịu hiền mà ai cũng phải cảm mến, do vậy, hiện tại vẫn chưa có gì đáng ngại!

Anuruddha chợt cười vui:

- Hóa ra, việc phân bố người và công việc, bậc Tướng quân Chánh pháp vẫn hơn chúng đệ một, hai cái đầu!

Các bậc thánh gặp nhau, chia tay nhau, ai lo việc nấy, an nhiên và thanh bình xiết bao! Và như vậy, tại khu rừng lớn Bhesakaḷā, gần cổ thành Susumāragira, an cư ở đây chỉ có đức Phật, tôn giả Sāriputta, Ānanda, thị giả Upavāna cùng vài mươi vị tỳ-khưu đã có sơ quả, nhị quả trong đó có tỳ-khưu Kaccāyana. Đến gần ngày an cư, tỳ-khưu Kaccāyana đến đức Phật xin đề tài thiền quán thích hợp với đời sống độc cư. Đức Phật giáo giới xong rồi nhắc nhở câu cuối:

- Hãy tháo gỡ, quăng bỏ tất thảy mọi kiến thức, tri thức cũ! Hãy lắng nghe và học hỏi những lời pháp hiện tiền, phong phú, sinh động, mới mẻ chưa ai viết ra, chưa ai đọc lên ở chính nơi thân, tâm của mình trong tương quan với ngoại giới. Sinh diệt ở đấy mà bất tử cũng ở đấy! Lúc nào cần thiết, Như Lai sẽ có mặt tức khắc ở bên cạnh.

Tỳ-khưu Kaccāyana phủ phục đảnh lễ rồi rút vào tĩnh cư ở một hang đá sâu ở khu rừng bên cạnh; chàng quyết chứng quả vô sanh ngay mùa an cư này! Và quả đúng như vậy, tỳ-khưu Kaccāyana dễ dàng chứng quả A-la-hán với bốn tuệ phân tích, sau này nổi danh là đệ nhất biện tài trong giáo hội của đức Tôn Sư – nên ai cũng gọi là Mahā Kaccāyana.

Đức vua Udena, nội ngoại cung, triều đình đều nghe bàn tán xôn xao về đức Phật, các vị sa-môn và giáo pháp. Lúc cả ba vị đại triệu phú hầu như nhất loạt hiến cúng ba đại lâm viên thì cả kinh thành Kosambī như lên cơn sốt. Chưa thôi, trên những con đường phố, phường ấp, các tụ lạc, làng mạc ở ngoại ô xuất hiện các sa-môn áo vàng ngày càng nhiều. Họ ăn bận tươm tất, dù hoại sắc, dù vải xấu, vải lượm... nhưng vẫn toát ra phong cách chừng mực, chững chạc, trang nghiêm. Ngay cả việc đi khất thực cũng vậy, vị nào trông cũng đàng hoàng, ung dung, chậm rãi. Có một số vị cao ráo, đẹp đẽ, phước tướng chói sáng, và rõ ràng không phải là những kẻ đi ăn xin! Còn nữa, có một số vị quắc thước, uy nghi, đĩnh đạc toát ra trình độ tri thức, học vấn, trông chẳng khác gì những bậc hiền triết, ẩn sĩ! Như thế rõ là, họ không giống các đạo sĩ, du sĩ trong các tôn giáo cổ truyền trước đây tại các xứ sở này. Họ bắt đầu nghe tin về đức Phật, bàn tán sự xuất thân của đức Phật và uy lực về giáo pháp của Người. Họ biết rằng, hai vị đại vương và quần thần của hai đế quốc Māgadha và Kosala đã phủ phục, quy y tôn giáo mới này. Và nghe đâu, trình độ kiến thức và tu chứng của các vị đệ tử của Người còn cao siêu hơn các vị giáo chủ đương thời nữa.

Tuy nhiên, đức vua Udena vốn là tay võ biền, vũ phu, thô lỗ quen với nếp sống, nếp nghĩ trần tục; ông chỉ thích săn bắn, tửu sắc, ca vũ không thèm để ý đến dư luận về những sa-môn, đạo sĩ xin ăn trong quốc độ của ông. Triều thần cũng vậy mà các bà thứ phi cũng vậy, họ thích thú vui ngũ dục hơn là các giá trị tinh thần.

Chỉ riêng hoàng hậu Sāmāvatī là người đầu tiên trong nội cung đi nghe giáo pháp tại lâm viên Ghositārāma qua các trưởng lão Yasa, Kāḷudāyi... trước đây. Bà đã thâm tín giáo pháp này. Khi nghe đức Phật đến, niềm háo hức nghe pháp đã thôi thúc bà, nhưng do bụng mang dạ chửa với đủ mọi thứ kiêng khem phức tạp, bắt bà phải nấn ná từ ngày này sang ngày khác. Hôm kia, biết đức vua đi săn bắn ở một rừng xa, bà với hai thị nữ tùy tùng, sắm sanh lễ vật trọng hậu, lên cỗ xe hai ngựa đến khu rừng Bhesakaḷā.

Đức Tôn Sư biết nhân duyên tốt đẹp của bà chánh cung hiền thiện này, nên ngài ngồi đợi dưới gốc cây ngoài bìa rừng. Khi cỗ xe không còn đi được, hai thị nữ dìu bà bước qua một lối đi nhỏ thì bà nghe tiếng nói thoảng vào tai:

- Này, Sāmāvatī! Hãy cẩn thận từng bước đi, chẳng phải gấp gáp gì mà ảnh hưởng đến thai nhi! Như Lai đang ở đây! Đang đợi bà ở đây!

Thế là bà Sāmāvatī thấy đức Phật sau khi nghe được tiếng nói trầm ấm vi diệu ấy.

- Không cần phải đảnh lễ, bà đã đảnh lễ ở trong tâm rồi! Hãy ngồi nhẹ nhàng trên tảng đá kia, Như Lai sẽ nói chuyện!

Chợt dưng, bà Sāmāvatī cảm giác như gặp lại một vị cha già hiền lành, nhân hậu lâu xa nào đó trong quá khứ! Bà cảm nghe một sự bình yên, mát mẻ, một hạnh phúc lạ lùng tuôn tràn, thấm đẫm cả châu thân.

- Bạch đức Thế Tôn! Bà nói – Nghe đức Thế Tôn đến Kosambī đã lâu, hôm nay con mới có dịp đến thăm! Con ngưỡng mong rằng, đứa con trong bụng con, dẫu trai hay gái phải làm một con người tốt, quý nhất là được làm một cận sự nam hay một cận sự nữ trong giáo hội thanh tịnh cho đến trọn đời!

- Như Lai đã chấp nhận, đã chứng minh cho sự quy y của cả hai mẹ con; và rồi cả hai mẹ con sẽ được như nguyện!

Rồi đức Phật cặn kẽ giải thích nghĩa đích thực của “sự trở về nương tựa Tam Bảo” từ nghĩa “sự tướng” đến nghĩa “lý tính” ra sao! Sự tướng chính là đức Phật ba đời, Giáo pháp ba đời và tăng chúng ba đời! Lý tính nghĩa Phật Bảo chính là sự giác ngộ, tánh sáng suốt, tỉnh thức thường trực trong tâm trí mình. Lý tính nghĩa Pháp Bảo, là chân lý, là sự thật phải luôn tuân chỉ, thực hành! Lý tính nghĩa Tăng Bảo chính là luôn hướng đến sự hiền thiện, thanh tịnh, chính trực, quang minh cao đẹp!

Biết bà hoàng hậu là bậc trí thức nên đức Phật chỉ nói tóm tắt về Tam Bảo với những thuật ngữ khá cao siêu. Nhờ quán đúng cơ căn nên bà tức khắc thấy pháp, đắc quả Nhập Lưu với tâm tịnh tín bất động. Bà cúi xuống khom lưng đảnh lễ đức Phật mà có vài giọt nước mắt lăn đọng như mấy hạt kim cương!

Khi tôn giả Sāriputta, Ānanda vừa thọ nhận xong lễ vật cúng dường của hoàng hậu – thì một đoàn tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni tìm đến, chừng năm mươi vị. Họ đến từ Vesāli và cả Rājagaha. Trong số đó, có trưởng lão ni Gotamī, Yasodharā, Nanda và Rāhula cùng một số vị thuộc dòng Sākya khác nữa. Họ viện cớ thấy đức Phật đi vắng lâu ngày nên muốn tìm đến đây để an cư, đồng thời để học hỏi giáo pháp.

Khi được thấy thân quyến của đức Phật, bà vô cùng hâm mộ, quyến luyến đến nắm tay trưởng lão ni Gotamī và Yasodharā không chịu rời. Lát sau, do trí thông minh có sẵn, bà thưa trình:

- Bạch đức Thế Tôn! Đệ tử có một khu rừng gỗ hương trầm rất quý báu, cũng không xa đây lắm. Đấy là nơi có sẵn một số cốc liêu, nhà nghỉ cùng các công trình phụ mà đệ tử thường hay lui tới để an dưỡng. Quý ni sư mình mai vóc hạc, tu hành kham khổ mà ở đây thanh khí từ vỏ, từ lá, từ nhựa hương chiên đàn đỏ, chiên đàn vàng... rất tốt cho sức khỏe của chư ni! Đệ tử xin được cúng dường cho trưởng lão ni cùng ni chúng thập phương thì hạnh phúc cho đệ tử lắm vậy.

Đức Phật mỉm cười, ngài biết nhân là vậy, duyên là vậy. Còn hội chúng thì tán thán “Sādhu, sādhu” đầy hoan hỷ và vui vẻ.

Thế là mùa an cư năm ấy, tôn giả Sāriputta và Ānanda ngoài việc tiếp đón liên tục ba vị đại triệu phú và bạn hữu của họ, còn phải thay mặt đức Phật thuyết pháp đến hội chúng cư sĩ. Riêng đức Phật thì tùy nghi. Lúc thì ngài dẫn Nanda cùng đi, xuất hiện ở lâm viên này, mai ngài xuất hiện ở lâm viên khác để giáo giới chư tỳ-khưu! Đôi lúc ngài lại dẫn theo Rāhula, sang khu rừng gỗ hương để giáo giới tỳ-khưu-ni. Ông hoàng si tình, tỳ-khưu Nanda, vẫn chưa tiến bộ, vẫn còn nhớ nhung quay quắt vị hôn thê công nương xinh đẹp. Đi bên Phật, được ngài ân ần nhắc nhở, hướng dẫn một vài phương pháp tu tập để đối trị, đại đức này trông đã khá hơn. Sa-di Rāhula lúc này đã gần mười bốn tuổi, đã là một thiếu niên cường tráng và khỏe mạnh. Đức Phật chỉ dạy những pháp ngắn, thật ngắn, dị giản về hít thở, đi đứng nằm ngồi... để Rāhula tự suy nghĩ, tìm kiếm thêm. Đôi khi, đức Phật chỉ cách nhìn ngắm mọi vật xung quanh, các trạng thái nơi thân, nơi tâm mình; và phải phản ánh cho trung thực, chính xác! Luôn luôn, lúc nào cũng phải biết dùng chánh niệm và tỉnh giác để an trú trong hiện tại. Ý thức trong sáng luôn luôn được thắp lên, bất kể lúc nào! Đức Phật thấy rõ Rāhula khuôn mặt rạng rỡ, đôi mắt sáng quắc, lấp lánh niềm vui, nhưng ngài biết rõ, không phải là sự đắc pháp mà do tao ngộ, gặp gỡ cả “đại gia đình”! Trưởng lão ni Gotamī trông đã vững chãi, đã hoàn toàn làm chủ bản thân, an trú pháp và chu toàn rất tốt mọi công việc trong ngoài! Đúng là bản lãnh một bậc Ni trượng! Tỳ-khưu-ni Yasodharā trông cứng cáp hơn nhờ gió sương, mưa nắng; ngài còn đọc được sự tĩnh lặng và bình an nhất định trong đôi mắt của bà.

Nhưng khi mưa gió quá, không đi đâu được thì đức Phật ẩn ở động sâu. Chỉ riêng tôn giả Sāriputta mới biết rằng, đức Phật luôn luôn có công việc của ngài. Chúng phi nhân như thọ thần, sơn thần, dạ-xoa, a-tu-la, rồng, càn-thát-bà, kim-xí-điểu, cưu-bàn-trà, Tứ đại thiên vương, Sakka, phạm thiên... luôn là hội chúng, thính chúng của đức Phật nơi này và nơi khác, kể cả giữa đêm hôm khuya khoắt.

Hôm kia, trời mây thưa, gió nhẹ có vẻ tạnh ráo, sáng sớm, đức Phật lại ôm bát ra đi một mình. Ngài đi rất xa về phía Tây Bắc thuộc thượng nguồn sông Yamuna, đến vùng Kuru, thị trấn Kammāsadhamma(1), gần các ngôi đền thờ các vị thần của bà-la-môn giáo. Đức Phật tọa thiền suốt đêm tại một vòm cổng bằng đá, sáng ngày, ngài ôm bát theo con lộ chính trong thị trấn để khất thực. Trời mưa rất nhẹ, chỉ như sương mù lay bay, đường đất thấm nước, không có bụi, khí trời mát mẻ. Đây là vùng đất, là xứ sở của bà-la-môn giáo! Các vị sa-môn, chư tỳ-khưu cho biết rằng, ở đây rất khó kiếm vật thực mặc dầu đời sống cư dân khá sung túc họ vẫn không đặt bát cho người khác tôn giáo! Tuy nhiên, nhờ tướng hảo quang minh, sự sáng chói từ hào quang lan tỏa nơi ngài đã hấp dẫn lôi cuốn mọi người nên vật thực ngài cũng có đủ! Lựa tìm một cội cây tại ngã ba đường, đức Phật xếp bốn tấm y hai lớp rồi ngồi độ thực. Dùng xong, ngài trú quang định để chờ đợi hai kẻ hữu duyên sẽ đắc quả A-na-hàm (Anāgāmī)!

Thị trấn Kanumāsadamma có một bà-la-môn gia chủ hữu danh, đấy là ông bà Māgaṇḍi. Suốt đêm, ông ở trong đền để chăm lo việc tế thần lửa, trên đường về nhà, ông chợt thấy đức Phật ngồi dưới cội cây! Sửng sốt, ông đứng lặng, ngắm nhìn mê mải - vị này là ai mà đẹp quá! Cả thân thể sao mà tỏa sáng như châu ngọc! Từ vừng trán, khuôn mặt, cái mũi, cái miệng, chân mày, đôi mắt, vai, ngực, chân tay... cả những ngón tay... đều do thợ điêu khắc tuyệt hảo của đức thần Brāhmā! “Chà! Ông tự nghĩ – Ta có cô con gái xinh đẹp tuyệt trần, nếu có được một chú rể đông sàng tướng hảo tuyệt mỹ như thế này thì mới thật là xứng đáng!” Nhà ông cũng ở gần đây nên ông hấp tấp đến báo cho bà hay: “Này bà, có một chàng trai tuyệt đẹp, đúng là quý nhân, quý tướng! Bà hãy mau đến gốc cây đầu đường kia mà xem! Ta đã chọn cho con gái rượu của chúng ta một tấm chồng đấy!”

Đức Phật biết chuyện gì xảy ra nên ngài bước xuống, để lại một dấu bàn chân(1)rồi đi sang hướng khác.

Khi hai ông bà Māgaṇḍi dẫn cô gái Māgaṇḍiyā tìm đến thì không thấy đức Phật đâu mà chỉ thấy dấu bàn chân có cả ngàn căm bánh xe, trông rõ ràng như điêu khắc ở trên đất. Hai ông bà vốn có tài xem tướng, bà giỏi hơn ông, thấy dấu bàn chân lạ lùng nên đồng ngồi xuống, săm soi nhìn kỹ.

Bà nói:

- Không phải là dấu bàn chân của con người, ông mày ạ! Ông trông có lầm chăng? Đâu có phải của con người?

- Con người thật mà! Ông gật đầu “chắc nụi” - Ta thấy rõ là con người bằng xương bằng thịt thật mà!

- Thế thì lạ lùng quá! Dấu bàn chân này oai lực lắm!

Ông tròn mắt, gặng hỏi:

- Ma vương chăng?

- Nói bậy!

- Quỷ vương chăng?

- Càng nói bậy!

- A-tu-la vương chăng?

- Đừng có “hằm hồ”! Bà chau mày, nói như gắt - Dấu bàn chân này rất trung chính, chẳng có tà ma, quỷ quái nào ở đây cả!

- Vậy thì thọ thần, chư thiên gì ở đây rồi!

- Còn chưa đáng kể gì! Vị này còn cao sang, oai lực hơn nữa kìa!

- Đại phạm thiên chăng?

- Cái này thì tôi chịu! Bà lắc đầu – nhưng dấu bàn chân này phải là của một con người đã tận diệt mọi khát dục, khát vọng ở đời!

- Khiếp! Thế là không thể bắt người này làm chồng con gái cưng của chúng ta nữa hay sao?

Bà trầm ngâm một lúc, có lẽ suy nghĩ lung lắm, sau đó, bà thở dài, nói như hơi gió thoảng:

- Hỏng rồi ông mày ạ! Theo tôi được học thì dấu bàn chân có ngàn căm bánh xe như thế này, trong nhân tướng học, nói về đại quý nhân thì chỉ có hai người. Một là đức Chuyển luân Thánh vương, hai là đức Phật Chánh Đẳng Giác. Nếu là Chuyển luân Thánh vương thì luôn có 7000 cô tiên nữ theo hầu, con gái ta cũng không bén mảng tới được. Tuy nhiên, vì dấu bàn chân này quá thiêng liêng và trong sạch nên ta phải loại bỏ ông này ra. Vậy chỉ còn là dấu bàn chân của đức Chánh Đẳng Giác thì con gái ta dẫu đẹp như chúa của tiên nữ, vị ấy cũng không thèm để dính một ngón chân đâu!

- Phải đấy, này hai ông bà Māgaṇḍi - Đức Phật đã đứng bên vệ đường, gần sát bên họ, cất giọng phạm âm - Nhận xét như vậy là chính xác! Thuở ấy có ba cô tiên nữ thiên kiều bá mị, con gái của Đại ma vương, chúa cõi trời Paranimmita-vasavattī(1)nõn nường, lả lơi, gợi tình; đã đến quyến dụ Như Lai, mê hoặc Như Lai bằng thiên sắc, thiên âm, thiên hương... Phải biết rằng, thiên sắc ấy tế nhị, thù thắng, mỹ diệu. Thiên âm ấy tế nhị, thù thắng, mỹ diệu. Thiên hương ấy tế nhị, thù thắng, mỹ diệu. Thế nhưng, một sát-na nhanh như ánh chớp, Như Lai cũng không để cho lục căn bị vướng vào đâu cả. Như Lai không hề động tâm! Huống hồ là cô gái đẹp của ông bà!

Rồi đức Phật đọc lên câu kệ:

“- Đã nhận thấy sự rỗng không, bọt bèo, bất tịnh của ái dục, bất mãn và tham vọng. Như Lai không còn thích thú, đắm say trong dục lạc phù phiếm của ái tình nữa. Cái thân thể xú uế, ô trược ấy là cái gì? Như Lai không bao giờ muốn sờ chạm đến nó, dầu chỉ đụng bằng chân!”(1)

Lạ lùng làm sao, đức Phật chỉ nói chừng ấy, xác chứng một sự thực – mà ông bà Māgaṇḍi tức khắc, chứng quả Bất Lai - quỳ năm vóc sát đất, đảnh lễ ngài với lòng tri ân vô hạn. Riêng cô gái Māgaṇḍiyā thì tức tưởi, khóc lóc bỏ chạy! Cô thấy mình bị sỉ nhục một cách đau đớn khi đức Phật chê thân thể cô xú uế, ô trược... không muốn sờ chạm đến, dầu chỉ đụng bằng chân! Xấc xược thế là cùng! Vậy nên, bắt đầu từ đấy, cô cột oán kết với đức Phật bằng một mối hận thù sâu sắc. Cô quyết tìm cơ hội báo thù(2).

Còn ông bà Māgaṇḍi, sau khi để lại toàn bộ gia sản cho người em trai là bà-la-môn Cūḷamāgaṇḍi, gởi gắm chăm sóc cô con gái, hai người tìm đến khu rừng lớn Bhesakaḷā xin xuất gia, trở thành tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, không lâu sau họ đắc quả A-la-hán.



(1)Hoặc Kammāsadamma - gần Delhi ngày nay.

(1)Nguyện lực để lại dấu bàn chân được gọi là “Pādacetiya”.

(1)Cõi trời Tha hóa tự tại.

(1)Phỏng dịch từ câu kệ ngôn:”Disvāna taṇhaṃ aratiṃ rāgañca. Nāhosi chando api methunasmiṃ. Kimevidaṃ muttakarīsapuṇṇaṃ. Pādāpinaṃ samphusitum na icche”.

(2)Chuyện xảy ra năm sau, khi cô được làm thứ phi đức vua Udena – xem sau.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/08/2010(Xem: 61283)
Quyển 6 • Buổi Pháp Thoại Trên Đỉnh Cao Linh Thứu (Gijjhakūṭa) • Ruộng Phước • Tuệ Phân Tích Của Tôn Giả Sāriputta • MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI CHÍN (Năm 569 trước TL)- Mỹ Nhân Giá Mấy Xu? • Chuyện Cô Sirimā • Móc Cho Con Mắt Đẹp • Ngạ Quỷ Mình Trăn • Cùng Một Nguyên Lý • “Hớt” Phước Của Người Nghèo! • Ghi chú đặc biệt về hạ thứ 19: • MÙA AN CƯ THỨ HAI MƯƠI (Năm 568 trước TL)-Phước Cho Quả Hiện Tại • Bảy Thánh Sản • Chuyện Kể Về Cõi Trời • Hóa Độ Gia Đình Thợ Săn • Nhân Duyên Quá Khứ
28/08/2010(Xem: 7342)
Văn hóa và giáo dục Phật giáo là phương tiện để ươm mầm và nuôi dưỡng hạt giống bồ đề tâm trong từng cá thể xã hội. Khi những hạt mầm lớn lên sẽ là những con người đi vào cuộc đời bằng tâm bồ đề, bằng trí giác ngộ, bằng trái tim từ bi để không những thắp sáng lý tưởng cao cả của Phật Đạo, mà còn là những nhân tố hữu ích để góp phần xây dựng và phát triển xã hội.
28/08/2010(Xem: 58015)
Sau khi sinh hoạt của hội chúng đã tạm thời đi vào quy củ, nền nếp; đức Phật thấy thời tiết có nắng nhẹ, trời không lạnh lắm, thuận lợi cho việc du hành nên quyết định rời Gayāsīsa, đến kinh đô Rājagaha, đường xa chừng sáu do-tuần. Thấy đoàn sa-môn quá đông, khó khăn cho việc khất thực, đức Phật gợi ý với ba anh em Kassapa cho chúng đệ tử phân thành từng nhóm,
08/08/2010(Xem: 3710)
Làm sao để mọi người đều có thể áp dụng lối sống lành mạnh? Làm sao để xã hội phát triển bền vững, hài hòa? Làm sao để mỗi người được sống hạnh phúc? Tại sao nhiều người đã biết rằng hút thuốc, uống rượu và sử dụng các chất gây nghiện là có hại cho sức khỏe mà họ vẫn không từ bỏ nó? Tại sao nhiều người biết rằng khí hậu toàn cầu đang biến đổi theo chiều hướng bất lợi đối với trái đất nhưng hàng ngày vẫn có những hành động trực tiếp, gián tiếp làm tổn hại đến môi trường sống?...
03/08/2010(Xem: 13981)
Mặc dù được xem như là một tôn giáo, thì Phật giáo vẫn là một trong các truyền thống tri kiến vĩ đại nhất của thế giới, được dựa trên cơ sở về trải nghiệm và lập luận hơn là việc tin tưởng không điều kiện vào thần quyền. Trong nhiều thế kỷ, đạo Phật đã đối thoại với các truyền thống khác ở châu Á như là Ấn giáo, Khổng giáo và Lão giáo, đó là các truyền thống vốn có các luận điểm riêng về thực tại. Nhưng đến kỷ nguyên mới này, thì sự thống trị lại thuộc về khoa học hiện đại vốn là một hệ thống truy cứu và tri kiến về thế giới tự nhiên một cách có lập luận, cho nên nếu muốn duy trì vị thế sẵn có như là một truyền thống thực nghiệm và tập luận truy cứu nghiêm cẩn, thì Phật giáo phải đối mặt với khoa học.
22/07/2010(Xem: 13192)
Tôi phải thú nhận rằng hình như có điều gì không ổn khi một người suốt đời sống trong thế tục như tôi lại viết lời giới thiệu cho một quyển sách về giáo lý của Đức Phật về sự thành đạt, trí tuệ và bình an nội tâm. Quan điểm của tôi về tôn giáo đã bị chỉ trích nhiều, vì tôi tin rằng hầu hết các tôn giáo đều là một hình thức tâm bị nhiễm vi-rút (virus) làm lây nhiễm chúng sanh bình thường mạnh khỏe –và thường là có tri thức. Chỉ có Phật giáo dường như tách biệt với các tôn giáo khác vì tính chất cởi mở, uyển chuyển và thực dụng. Do đã sống hơn nữa thể kỷ ở Sri Lanka, tôi đã nhìn thấy giáo lý của Đức Phật đã được áp dụng như thế nào bởi nhiều thành phần xã hội, bằng nhiều phương cách khác nhau. Dầu nghe có vẻ lạ, nhưng những người hoàn toàn có lý trí và những kẻ bảo thủ một cách điên cuống đều cho rằng niềm tin và thái độ củ
20/07/2010(Xem: 16870)
Với quyển Phật Pháp Cho Mọi Người, chúng tôi tương đối đã đạt được phần nào kết quả khi có thể mang những bài pháp thoại của nhiều tác giả đến với người đọc, nhất là những người sơ cơ như chúng tôi. Cũng đã ba năm kể từ quyển sách đó được phát hành, cũng đã có thêm nhiều bài pháp được chúng tôi chuyển ngữ. Theo sự gợi ý của một số thân hữu, lần này chúng tôi cũng xin tổng hợp các bài dịch rải rác đó đây để mang đến cho quý độc giả xa gần một luồng gió mát của chân Pháp. Mong là chúng tôi không phụ lòng mong đợi của quý độc giả. Dầu đã hết sức cố gắng, nhưng chúng tôi chắc rằng sẽ khó thể tránh những thiếu sót trong phần dịch thuật và biên tập, mong quý tôn sư, quý độc giả hoan hỷ chỉ bày. Lần nữa chúng tôi xin cảm tạ quý đạo hữu luôn chung tay với chúng tôi trong Phật sự này, để một số sách luôn đến tay quý độc giả dưới dạng ấn tống. Nguyện cho phước báu trong Pháp thí này được chia sẻ đến chư thiên, quý ân sư, quý ân nhân, đạo hữu, thân quyến và mọi chúng sanh. Na
18/07/2010(Xem: 13963)
Bất cứ người nào có nghiên cứu Phật học, có kiến thức về giáo lý đạo Phật như được ghi trong ba tạng kinh điển, đều thừa nhận đang có một khoảng cách lớn, phân biệt đạo Phật trong kinh điển (mà tôi tạm gọi là đạo Phật lý thuyết) với đạo Phật ở ngoài đời, trong cuộc sống thực tế. Đạo Phật lý thuyết là đạo Phật lý tưởng. Khoảng cách giữa lý tưởng và thực tế là chuyện tất nhiên và tất yếu. Bởi lẽ nếu không có khoảng cách đó giữa đạo Phật lý tưởng và đạo Phật thực tế thì mọi người chúng ta đều thành Phật cả rồi, và cõi đất này là cõi Phật rồi.
18/07/2010(Xem: 14388)
Chúng ta không ai không hấp thụ một nền giáo dục, hay ít ra tiếp nhận một hình thức giáo dục. Thế nhưng chắc chúng ta không khỏi lúng túng khi gặp câu hỏi bất ngờ như trên và khó trả lời ngay một cách vắn tắt trọn nghĩa và trôi chảy.
04/03/2010(Xem: 4362)
Sau khi đức Phật qua đời, nền tảng đạo đức và triết lý cao siêu của ngài đã được hiểu và thực hành theo từng bối cảnh văn hoá khác nhau. Từ đó, Phật giáo có hai trường phái triết học lớn, trường phái Thượng toạ, thường được mệnh danh là Phật giáo Nam tông hay còn gọi là Nam truyền hoặc Phật giáo Nguyên thuỷ, và trường phái Đại thừa, hay còn gọi là Bắc truyền hoặc Phật giáo phát triển hoặc Phật giáo cách tân
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]