Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phật Giáo với Đạo Đức

20/06/201107:11(Xem: 12732)
Phật Giáo với Đạo Đức

ducphatthichca


Phật Giáo với Đạo Đức


MINH CHIẾU

PL. 2543 – 1999


Lời Nói Đầu

Đây không phải là một sáng tác. Tài liệu nhỏ này chỉ trích soạn những lời hay ý đẹp trong các bài giảng của chư Tôn Đức, sách báo của Phật giáo đã xuất bản từ trước đến nay, hệ thống lại thành một bài giảng chuyên đề.

Công việc của chúng tôi là lượm lặt những bông hoa thơm đẹp để kết thành một tràng hoa đẹp.

Phổ biến tập tài liệu này, ước mong nó sẽ cung cấp một vài kiến thức cần thiết cho quý vị “Tân Giảng sư”, cũng như sẽ là tài liệu nghiên cứu cho những người học Phật sơ cơ.

Kính mong quý vị cao minh chỉ giáo những điểm còn khiếm khuyết.

Cẩn Chí

Minh Chiếu

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính thưa quý vị,

Người đời thường nói: “Đời không Đạo, Đời vô liêm sĩ” nghĩa là: “Nếu cuộc đời mà thiếu Đạo Đức thì con người sẽ dã man độc ác không còn nhân cách”. Để giải thích và chứng minh câu này hôm nay tôi xin trình bày đề tài: “Phật Giáo với Đạo Đức”.

Mỗi khi nói đến Đạo Đức người ta không thể không liên tưởng đến Đạo Phật, cũng như khi nói đến Đức Phật là nói đến Đạo Đức.

Vì sao? Rất dễ hiểu. Vì căn cứ trên lịch sử đời sống cao cả của Đức Phật là một gương mẫu sáng ngời về Đạo Đức và Lịch sử truyền bá Phật Giáo chưa hề có trang sử nào hoen ố bởi đổ máu và làm cho nhân loại đau khổ.

Trước khi nói đến Đạo Đức chúng ta hãy tìm hiểu giá trị và ảnh hưởng của Đạo Đức như thế nào?

Ai cũng biết đời sống con người gồm có nhiều phương diện như kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, nghệ thuật v.v… Phương diện nào cũng cần thiết cho con người cả, nhưng không cần thiết và quan trọng bằng phương diện Đạo Đức. Đạo Đức cần thiết cho con người như không khí. Thiếu không khí con người sẽ chết tức khắc, nhưng điều ấy lại ít ai để ý. Nếu chúng tôi hỏi: “Do đâu quý vị sống?”, chắc ai cũng trả lời: “Nhờ ăn nhờ uống mà chúng tôi sống, nhờ mặc mà chúng tôi sống!”, chứ ít ai trả lời: “Nhờ thở, nhờ không khí mà chúng tôi sống”.

Con người có thể nhịn ăn trong vài tuần, nhịn uống vài ngày chứ không thể nhịn thở trong 5, 10 phút. Cũng vậy, thiếu Đạo Đức con người sẽ sống trong tình trạng hoang mang, lừa gạt, phỉnh phờ, giết hại lẫn nhau. Hiện tại người ta chưa dùng nguyên tử, hạt nhân để tiêu diệt nhau, hoặc thế chiến thứ ba chưa bùng nổ, nếu không phải do các nhà lãnh tụ trên thế giới còn một chút Đạo Đức, một chút lương tri trong lòng họ.

Vì thế, kinh tế không đi đôi với Đạo Đức, thì kinh tế không đem lại sự no ấm cho mọi người, mà trái lại, nó đem lại cho con người những điều khổ đaub do lòng tham lam ích kỷ gây ra.

Chính trị không đi đôi với đạo đức, chính trị sẽ là những tổ chức chỉ để lừa bịp nhau, ăn miếng trả miếng và cũng là lợi khí của giai cấp mạnh để đàn áp giai cấp yếu mà thôi, chẳng những không trị nước an dân mà trở lại làm hại dân hại nước.

Quân đội mà không đi đôi với Đạo Đức, quân đội ấy sẽ là những đoàn người ô hợp, tàn bạo, dã man, chỉ biết tàn sát mà không tôn thờ chính nghĩa.

Văn hóa không đi đôi với Đạo Đức, văn hóa sẽ đào tạo những con người mưu mô xảo quyệt.

Khoa học mà không đi đôi với Đạo Đức, khoa học sẽ đem lại cho con người những khổ đau tang tóc. Một nhà bác học Pháp đã nói: “Khoa học mà không lương tâm chỉ tổ phá hoại linh hồn” (Science sans consience n’est que ruine de l’âme).

Nhận thấy sự tai hại chỉ tiến bộ về khoa học mà không tiến bộ về Đạo Đức nhà Triết học Bergson đã buộc tội: “Hết thảy cơn khủng hoảng trong thời hiện tại, đều do tinh thần không đuổi kịp vật chất trên con đường tiến bộ của nhân loại”.

Ông William Butcher một giáo sư Thạc sĩ Mỹ đã nhận thấy chỗ khuyết điểm của khoa học nên ông cũng tuyên bố: “Khoa học hiện tại đã dự phần lớn vào đời sống của chúng ta, nhưng sự tiến bộ của khoa học chưa thể đem lại hòa bình, hạnh phúc cho nhân loại, nếu những nhà khoa học còn ý tưởng đem khoa học phụng sự tham vọng của một vài dân tộc ưu thế trên thế giới. Kinh nghiệm đau đớn cho trận đại chiến vừa qua đã cho chúng ta và những nhà khoa học nhận thấy cần phải hướng về Đông phương để học hỏi thêm những điều cao cả trong tinh thần Từ Bi, Hỷ Xả của Đức Phật phù hợp với những phát minh khoa học để phụng sự nhân loại trên con đường tiến hóa”.

Vì khoa học không đi đôi với Đạo Đức nên chỉ một trái bom nguyên tử rơi xuống thành phố Hiroshima Nhật Bản kết quả tiêu diệt 300 ngàn người.

Vì khoa học không đi đôi với Đạo Đức nên thế chiến thứ hai vừa qua đã tàn sát 30 triệu nhân loại, và số tiền dốc vào cho trận chiến tranh ấy đến hai trăm tỷ Mỹ Kim. Người ta tính nếu đem số tiền ấy chia cho dân tộc Âu Châu thì mỗi người được 500 Mỹ Kim trị giá 17.800 đồng bạc Việt Nam vào năm 1946. Cũng như nếu đem số tiền của hai trận chiến tranh vừa qua chia đồng đều cho nhân loại khắp thế giới, thì trung bình 4 người sắm được một cái nhà lầu và một chiếc xe ô tô. EINSTEIN, nhà bác học nguyên tử cũng đã quay về Đạo Đức trong câu: “Nếu tôi làm lại được cuộc đời thì tôi xin làm một anh thợ hàn hay người phu khuân vác hơn là một nhà khoa học”. Đặt ra giải thưởng Nobel, ông NOBEL cũng không ngoài mục đích muốn khoa học sau này phục vụ Đạo Đức.

Vì sao nhân loại đau khổ, thế giới tang tóc điêu tàn? Vì khoa học thiếu Đạo Đức đã phục vụ chiến tranh.

Nghệ thuật không đi đôi với Đạo Đức, nghệ thuật sẽ phô bày ra những cảnh tượng trụy lạc, xấu xa, làm hoen ố cả giang sơn tổ quốc…

Đời mà thiếu Đạo Đức, đời sẽ rối loạn, quay cuồng vô trật tự, và cuối cùng đi đến chỗ thảm khốc diệt vong.

Mỗi cá nhân không có Đạo Đức tự tạo lấy khổ não cho chính mình, mặc dù sống trên nhung lụa xa hoa, và đồng thời gây khổ đau cho kẻ khác.

Một gia đình không có Đạo Đức, sinh sống một cách bừa bãi hỗn độn, cha mẹ, anh em, vợ chồng, tranh giành xâu xé lẫn nhau làm cho bại hoại luân thường.

Một quốc gia mà không có Đạo Đức, thì đem lại cho dân tộc sự đói rách, loạn lạc và suy vong.

Xã hội mà không có Đạo Đức thì loài người phân chia ra biết bao giai từng, trên dưới giao tranh, yếu thua, mạnh được, tương tàn, tương sát, hằn học say cuồng chẳng khác nào ác thú cấu xé trong lồng.

Đời không có Đạo Đức, đời sẽ là một canh bạc, loài người sống mãi trong giả dối bằng những thủ đoạn gian manh, tàn ác, tạo nên một hệ thống tư tưởng mạnh được, yếu thua, khôn sống, bống chết.

Nói tóm lại, Đời không có Đạo Đức sẽ biến thành một bãi chiến trường đầy máu lệ và rải rác khắp đó đây đau thương, tang tóc.

Trái lại, nếu kinh tế đi đôi với Đạo Đức, kinh tế sẽ mang lại no ấm cho mọi người.

Chính trị nếu đi đôi với Đạo Đức, chính trị sẽ trị nước an dân.

Văn hóa đi đôi với Đạo Đức, văn hóa sẽ đào tạo cho con người có một bộ óc sáng suốt, một trái tim biết rung cảm trước đau thương của muôn loài.

Khoa học đi đôi với Đạo Đức, khoa học sẽ đem lại cho con người đời sống hạnh phúc, đưa con người đến chỗ văn minh tuyệt đích.

Nghệ thuật đi đôi với Đạo Đức, nghệ thuật sẽ tô điểm cho non sông mỗi ngày mỗi thêm thanh tú.

Có thể nói, “Đạo Đức là chìa khóa để mở các kho tàng hạnh phúc”.

“Ở đâu có Đạo Đức ở đó có Hạnh Phúc

Ở đâu có Hạnh Phúc ở đó có Đạo Đức”.

Nói tóm lại, bất cứ thời đại nào, hay phương sở nào, ngoài đời hay trong Đạo, chính trị hay tôn giáo, đảng phái này hay đảng phái khác, trong gia đình hay ngoài xã hội, cá nhân hay đoàn thể, muốn được tốt đẹp, muốn đem lợi ích cho nhân quần xã hội thì phải đặt Đạo Đức lên trên hết. Chính đức Khổng tử cũng đã cân nhắc: “ĐỨC THẮNG TÀI LÀ NGƯỜI QUÂN TỬ MÀ TÀI THẮNG ĐỨC LÀ KẺ TIỂU NHÂN”. Ông La Tư Phúc thì nói: “CÓ HỌC VẤN MÀ KHÔNG CÓ ĐẠO ĐỨC LÀ NGƯỜI ÁC, CÓ ĐẠO ĐỨC MÀ KHÔNG CÓ HỌC VẤN LÀ NGƯỜI QUÊ”.

Không có gì tốt đẹp bằng một con người có Đạo Đức. Giá trị con người căn cứ ở chỗ Đạo Đức. Vì thế tục ngữ đã nói: “Hoa thơm nhờ nhụy, người giá trị bởi Đạo Đức”.

Dù con người có tài ba lỗi lạc đến đâu, sang trọng, giàu có, quyền thế đến mấy đi nữa mà con người ấy thiếu Đạo Đức cũng sẽ bị đời phỉ nhổ. Một người nông phu ngu dốt chất phác và một nhà bác học lừa đảo, quý vị sẽ chọn ai? Chắc chắn là chúng ta sẽ chọn bác nông phu chất phác. Vì thế, có người đã nói:

“Hãy sợ đàn bà vô lương tâm và mất dạy

Hãy sợ đàn ông trí thức mà gian hùng”.

Sách Nho nói: “Không có gì cao quý bằng Đạo, không có gì đẹp bằng Đức. Người có Đạo Đức tuy làm đứa ăn xin không phải là người cùng khốn. Người không có Đạo Đức, tuy làm vua trong thiên hạ, cũng không ai kính trọng”.

Các nhà hiền triết và học giả cũng đã cổ vũ về Đạo Đức:

“Còn nhiều thứ cần cho con người hơn cả cơm áo, đó là việc trau dồi Đạo Đức”.

Socrate

“Trong các khuyết điểm của con người, bi thảm nhất là thiếu lương tri”.

Goldoni

“Thế giới là tổ quốc tôi, loài người là đồng bào tôi, và làm việc thiện là tôn giáo tôi”.

Thomas Paine

“Có trí thức mà không có thiện tâm, cũng như loài ong không có mật vậy”.

Menadre

“Đã bao nhiêu thế kỷ rồi, Tây phương mang mặt là người xâm lăng: Tôn giáo của chúng ta, tệ hơn là đừng có nó, vẫn đồng lõa với tất cả những tội ác của chúng ta, những công việc từ thiện của nó không đủ để gạt bỏ lòng ngờ vực của thiên hạ cho là dối trá. Có gì lạ khi Tây phương bị khinh bỉ vì lý tưởng của nó, bị ghét bỏ vì hành động của nó, nhưng được người ta thèm thường vì sức mạnh vật chất của nó”.

Jean Buhot

Văn minh Đông phương và Tây phương

“Tất cả những khốn khổ của chúng ta: áp bức, nghèo túng, oán hờn xã hội, ám ảnh của chiến tranh cần thiết, đều do ở Âu Châu, chúng ta quá ưa chuộng lý trí hơn lương tâm, lý trí hơn sự sống”.

Paul Masson Oursel

Một nhà mô phạm danh tiếng ở Pháp

“Khoa học đã mang lại cho nhân loại nhiều quyền lực đến nỗi họ có thể tự phá hủy đời sống của mình, cho nên có thể nói rằng, nếu không vun trồng cho mình những đức Từ Bi, Bất Bạo Động, thì loài người hủy hoại tất cả. Hủy hoại hạnh phúc mình và chính bản thân mình”.

Lời Phó Tổng thống Ấn Độ Radha Krishnan

tuyên bố trong một cuộc mít tinh

(ngày 23/11/1956)

Người Việt Nam chúng ta tin vấn đề nhân quả, lo tu nhân tích Đức nên thường khuyên nhau:

“Có Đức mặc sức mà ăn”

Hoặc:

“Ai ơi cứ ở cho lành,

Tu nhân tích Đức để dành về sau”.

Xưa có câu chuyện nhan đề “Mua Đức” như thế này:

MẠNH THƯỜNG QUÂN nhà giàu cho vay mượn nhiều. Một hôm sai PHÙNG HUYÊN sang đất TIẾT đòi nợ. Lúc sắp đi, Phùng Huyên hỏi: “Tiền nợ thu được có định mua gì về không?”. Mạnh Thường Quân nói: “Người xem trong nhà ta còn thiếu thứ gì thì mua”. Khi đến đất Tiết, Phùng Huyên cho gọi dân lại, bảo rằng: “Các ngươi công nợ bao nhiêu, Thường Quân đều cho cả”. Rồi đem văn tự ra đốt sạch.

Lúc về, Phùng Huyên thưa với Mạnh Thường Quân rằng: “Nhà Tướng Công châu báu đầy kho, chó ngựa đầy chuồng, người đẹp đầy nhà, không còn thiếu thứ gì nữa. Chỉ còn thiếu một cái “Đức”, tôi trộm phép vì Tướng Công mà mua về”.

Mạnh Thường Quân nghe nói thế, cũng không hỏi gì đến tiền nữa.

Sau Mạnh Thường Quân phải bãi quan về ở đất Tiết, dân đất Tiết nhớ đến ân xưa, ra đón rước đầy đường, Mạnh Thường Quân bây giờ mới ngoảnh lại bảo Phùng Huyên rằng: “Trước tiên sinh vì tôi mua “Đức” nghĩa ấy ngày nay tôi mới trông thấy”. Và bắt đầu từ đấy người ta dùng danh từ Mạnh Thường Quân để chỉ cho các nhà hảo tâm, những người hào hiệp tài trợ, ủng hộ cho các hội từ thiện, thể thao v.v…

Như trên chúng tôi đã trình bày sự cần thiết của Đạo Đức đối với nhân loại, với đời sống con người như thế nào. Thiếu Đạo Đức con người sẽ tranh cãi, kiện tụng, bóc lột, xâu xé, lừa gạt phỉnh phờ, oán thù, giết chóc nhau. Nhờ có Đạo Đức mà loài người sống trong tình trạng an ninh, trật tự, chứ không phải do họ sợ pháp luật trừng trị như nhiều người lầm tưởng. Một chứng minh rõ ràng nhất cho chúng ta thấy, là có những người bị người khác làm trái ý biết đánh nhau sẽ bị cảnh sát phạt, nhưng khi nóng giận họ vẫn tự nghĩ: “Bị phạt thì bị phạt, đánh cái đã”, nhưng đối với một người có Đạo Đức, gặp hoàn cảnh ấy họ lại nghĩ khác: “Nếu đánh lộn với người sẽ làm mất giá trị con người của mình”, nên họ không gây sự mà nhẫn nhịn. Vả lại pháp luật chỉ trừng trị khi bắt được bằng chứng chứ làm thế nào trừng trị được ý niệm xấu xa của con người?

Vài trăm nhân viên cảnh sát làm thế nào giữ được an ninh trật tự khi mọi người trong thành phố đều gian dối, giết chóc nhau? Đó là chưa nói trường hợp có người dám công khai hành hung cả Công an, Cảnh sát.

Chỉ chừng ấy chứng minh cho chúng ta thấy ảnh hưởng cần thiết của Đạo Đức.

Và đây câu chuyện xưa:

Chuyện hai bác nông phu bán vườn và mua vườn.

Xưa có hai bác nông dân, nhà ở gần nhau, cùng một xóm. Tánh tình hai người đều chất phác thật thà. Một người bán vườn và một người mua vườn. Người mua vườn, sau một thời gian xới cuốc vườn thì một hôm đào được một hủ vàng. Vốn tánh tình chân chất, bác mua vườn mời bác bán vườn đến và nói: “Vừa rồi tôi đào đất trong vườn, có bắt gặp một hủ vàng, trước đây tôi mua là mua vườn chứ không mua vàng, vậy hủ vàng này thuộc của bác, bác hãy nhận đi!”.

Bác bán vườn thối thác ngay: “Trước kia tôi bán vườn là bán tất cả những gì trong vườn, vậy nay hủ vàng này thuộc về của người mua là bác”.

Hai người nói qua nói lại mãi, không người nào chịu nhận hủ vàng. Sau cùng hai người đều đồng ý để ngày mai sẽ giải quyết với nhau, vì để qua một đêm, hai bên suy nghĩ cho chín chắn đã. Ngày hôm sau, mới tảng sáng bác bán vườn đã đến và nói với bác mua vườn:

“Như lời bác nói hôm qua là đúng, tôi bán vườn chứ không có bán vàng. Vậy xin bác cho tôi nhận hủ vàng!”.

Không ngờ bác mua vườn lại đáp:

“Qua một đêm suy nghĩ tôi và vợ tôi cũng đã bàn tán rất kỹ đúng như lời bác nói, khi bác bán vườn là bán tất cả những gì có trong vườn, vậy hủ vàng thuộc phần tôi là hợp lý”.

Hai người tranh cãi với nhau mãi, không ai chịu nhận ai là đúng, cuối cùng phải đem đến cửa quan.

Sau khi nghe hai bên trình bày sự việc, quan phán:

“Theo lý thì hủ vàng này không phải của người bán, cũng không phải của người mua, vậy thì sung công mới hợp lý”.

Mục đích kể câu chuyện này là để cho chúng ta thấy, khi sống với nhau có đạo lý, có Đạo Đức thì mọi chuyện sẽ êm đẹp, mà khi có lòng tham lam vì quyền lợi xen vào, thì sẽ xảy ra không biết bao nhiêu chuyện rắc rối…

Câu chuyện trên cho chúng ta thấy sự cần thiết của Đạo Đức. Trong một gia đình mà cha mẹ con cái có Đạo Đức, gia đình ấy sẽ thuận hòa vui vẻ. Trong một thôn xã có Đạo Đức, thôn xã ấy sẽ sống yên ổn an vui. Trong một quốc gia mà có Đạo Đức, quốc gia ấy sẽ hùng cường, thịnh vượng.

Nói đến Đạo Đức chúng ta không thế không nhớ nghĩ đến Phật giáo vì Phật giáo là một nền Đạo Đức cổ truyền cố hữu của dân tộc chúng ta, tổ tiên chúng ta đã bao năm công khó xây đắp duy trì nền Đạo Đức ấy, đã làm cho đất nước dân tộc chúng ta vẻ vang huy hoàng nhất trong thời Lý, thời Trần.

Vì thế, nay chúng ta trở về với nền Đạo Đức ấy, đó là một điều dĩ nhiên không có gì xa lạ vậy.

Với lập trường phục vụ và duy trì Đạo Đức, đạo Phật có sứ mạng sau đây:

v Đối với Phật tử: Hướng dẫn nhau đào luyện cho bản thân một tư cách xứng đáng, thực hiện trong gia tộc và xã hội của mình một khí vị Phật giáo.

v Đối với Dân tộc: Khai thác những Đạo Đức cố hữu và tiến bộ, những nếp sống đạo vị và thuần chánh, để đề phòng cho dân tộc cái họa vong bản dưới mọi hình thức. (Vong quốc thì còn có ngày phục quốc, chứ vong bản thì sẽ vong quốc muôn đời).

v Đối với nhân loại: Công bố và hoạt động cho lý tưởng “Từ Bi” để tránh sự thù hận, sự chia rẽ, nhất là chiến tranh.

Nói tóm tắt là đạo Phật có sứ mạng đào luyện những người tốt, con người Đạo Đức cho gia đình và xã hội. Vì theo đạo Phật nhận định rằng: Sở dĩ con người độc ác, gia đình bất hòa, dân tộc lầm than, thế giới điêu linh tang tóc, nguyên nhân chính là đều do thiếu Đạo Đức mà ra.

Vậy muốn trở thành một con người Đạo Đức cần phải có những điều kiện gì?

Theo đạo Phật một con người Đạo Đức là khi người ấy làm tròn nhân cách, giữ gìn năm giới của đạo Phật:

1. Không sát sanh: là không giết người hại vật.

2. Không trộm cướp: là không tham lam, lừa đảo, cờ bạc.

3. Không tà hạnh: là không chơi bời đàng điếm.

4. Không nói dối: là không láo khoét dua nịnh.

5. Không uống rượu: là không rượu chè say sưa.

Muốn trở thành một con người tốt, một con người Đạo Đức không thể không thực hành năm cấm giới trên.

Một con người tốt nếu không phải là người ấy không nóng nảy độc ác, không tham lam, không đàng điếm, không xảo trá, không say sưa trụy lạc?

Làm gì có chiến tranh khi người ta giữ giới không sát sanh.

Làm gì có xâm lược khi người ta giữ giới không trộm cướp?

Cần gì hội nghị, hòa ước khi người ta giữ giới không nói dối?

Làm gì có cảnh gia đình tan nát mất hạnh phúc khi người ta giữ giới không chơi bời đàng điếm?

Làm gì có cảnh đâm chém nhau, phá làng phá xóm khi người ta giữ giới không rượu chè say sưa?

Ở đây chúng ta không thể không trình bày các tai hại của rượu. Vì cái làm cho con người mất nhân cách, mất Đạo Đức nhất không có gì hơn rượu. Khi đã say sưa mất trí không còn phân biệt phải trái, đúng sai, lợi hại nữa.

Lúc say sẽ có những hành động phi lý dễ làm trò cười cho thiên hạ.

Có một ông nọ say rượu vào chợ mua hai con vịt, lúc đi đến một cái cầu thì quăng hai con vịt xuống cầu và nói: “Cho hai đứa bây về trước, tao về sau!”.

Một ông khác quẩy một con cá lớn sau lưng, hễ mỗi lần bước đi là con cá đập vào lưng, ông ta tức giận bỏ con cá xuống đất lấy cây đập tan nát con cá và nói: “Tao đã đi mau như vậy mà mầy còn hối thúc là sao?”.

Đây một bài thơ tả cảnh một người say, nhan đề là “Cái xác hôi”, của tác giả Đế Lĩnh mà tôi chép được ở một tờ báo:

“Ông uống làm chi thế hỡi ông?

Cho ông môi rộp mắt ông phồng!

Cho con ông khóc vợ ông chưởi

Cho láng giềng ông phải mích lòng?

Ông uống làm chi đến nặng đầu

Rồi đi bước thấp bước thì cao

Chân này đá phải chân kia để

Thỉnh thoảng người ông lại té nhào.

Con nít chạy theo cứ ghẹo hoài

Đứa thì hò hét đứa thì la

Kìa xem ông xỉn đi không nổi

Vừa lết vừa lê mới tới nhà.

Ông ói tùm lum khắp chiếu giường

Ghê mùi, chó cũng tránh xa luôn

Vợ ông bịt mũi lo thu dọn

Con cái ông buồn ngó bắt thương.

Nhà ông tiền bạc chẳng là bao

Vợ chắt chiu có được đồng nào

Ông moi bằng hết tiêu bằng hết

Mặc kệ cho đời trôi đến đâu!

Sao ông không nghĩ lại ông ơi

Nhậu nhẹt say sưa chẳng giống người

Rượu vào nhân cách đi ra hết

Còn lại bầy hầy cái xác hôi!”

Viết đến đây tự nhiên tôi có một sự mong ước – một vị thường hay say nào đó sau khi đọc bài thơ này, nổi lòng tự ái cực độ la lớn lên:

“Người say mất tư cách, mất đạo đức đến thế à? Các người khinh cười ta đến thế ư? Ta đâu phải là người không biết tự trọng. Các người hãy nghe đây: Từ nay ta thề chừa bỏ rượu!”.

Ồ! Nếu được như thế thì tôi xin hoan hô quá chừng!

Và đây là những thành ngữ, những nhận định tai hại về rượu:

“Rượu lạt uống lắm cũng say,

Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm!”

“Nếu thêm nước vào rượu thì nước làm hỏng rượu, còn nếu không thêm nước vào rượu thì rượu làm hỏng ta”.

Thành ngữ Tây Ban Nha

“Chén thứ nhất người uống rượu

Chén thứ hai rượu uống rượu,

Chén thứ ba rượu uống người”.

Thành ngữ Nhật

“Người chết đuối trong ly cốc đông hơn người chết đuối dưới sông”.

Ch – Cahier

“Một dân tộc nhậu là một dân tộc đang đi đến chỗ diệt vong”.

Bác sĩ Legrain

“Ngày nay thói nghiện rượu phá hoại hơn cả ba tai ách lịch sử: đói khát, dịch tả và chiến tranh”.

Gladstone

Dù biết say sưa là tai hại, nhưng nó đã thành một thói quen, một nghiệp dĩ làm sao chừa bỏ đây? Ông Nguyễn Khuyến đã thành thật thừa nhận:

“Những lúc say sưa cũng muốn chừa

Muốn chừa nhưng tính lại hay ưa

Hay ưa đến nỗi không chừa được

Chừa được nhưng mà cũng chẳng chừa”.

“Say sưa nghĩ cũng hư đời,

Hư thời hư vậy, say thời cứ say”.

Nhưng người uống rượu cũng có lý luận của họ chứ, nếu bảo vì uống rượu mà chết thì họ đâu có chấp nhận. Lý luận của họ là sau khi uống rượu đâu có chết, đến khi té xuống sông uống nước mới chết. Như vậy, vì uống nước mà chết chứ đâu phải vì uống rượu mà chết.

Lại có những người dư tiền dư bạc thi nhau uống rượu, hết chai này đến chai khác, hết két nọ đến két kia, khi đã đầy bụng không uống được nữa thì vào phòng vệ sinh móc cho ói ra để tiếp tục uống, đã hao tiền tốn của vô ích mà lại còn hại cho sức khỏe, trong lúc đó biết bao gia đình nghèo đói chỉ cần năm, bảy ngàn đồng để sống qua ngày, lại tìm không ra.

Trên báo chí lâu nay đăng không biết bao nhiêu vụ đâm chém nhau, đốt nhà, giết vợ, giết con, nhất là bị tai nạn giao thông… mà nguyên nhân chỉ vì rượu mà ra hay sao?

Ở đây tôi không đề cập đến vấn đề ma túy, vì tai hại của nó quá nguy hiểm, quá rõ ràng qua sự thông tin báo chí, vận động của quần chúng.

Vấn đề ở đây là song song với rượu là vấn đề thuốc lá. Nếu ai đưa cho quý vị một chén thuốc độc thì chắc chắn quý vị từ chối tức khắc, nhưng nếu đưa điếu thuốc lá thì quý vị lại nhận. Vì nghĩ rằng thuốc độc làm chết mình mà thuốc lá thì không. Mà đâu biết rằng thuốc lá cũng là một thứ thuốc độc, nhưng nó giết hại con người một cách âm thầm chậm chạp hơn. Y khoa đã xác nhận người nghiện thuốc lá sẽ mắc nhiều chứng bệnh nan y mà căn bản là bệnh sưng phổi, ung thư phổi. Nhưng mà người đã nghiện thuốc lá, thật sự bỏ được nó không phải là một việc dễ dàng, nếu không có một nghị lực và ý chí mãnh liệt, một quyết tâm cao độ. Vì cuộc sống, vì sức khỏe của mình quý vị hãy tự chiến thắng mình! Hãy chiến thắng thuốc lá! Quý vị cũng đồng ý với tôi:

“Mình không chiến thắng thuốc lá, thì làm sao chiến thắng Tham, Sân, Si?”

Trong tập văn Phật Thành Đạo (2528–1984) cư sĩ Huyền Chân viết:

“So với nhiều tôn giáo khác, nền Đạo Đức Phật giáo có ưu điểm ở chỗ nó nhấn mạnh trách nhiệm của mỗi người đối với bản thân mình và đối với xã hội. Sướng hay Khổ, Thiện hay Ác, Phúc hay Họa, điều chủ yếu đều do hành vi của chúng ta, lời nói của chúng ta tự tạo ra hết. Không ai có thể làm cho chúng ta trong sạch, cũng không có ai làm cho chúng ta dơ bẩn. Chỉ có hành vi và lời nói nhơ bẩn của chúng ta lại làm cho chúng ta nhơ bẩn mình thôi. Đạo Phật có một niềm tin vô cùng vào sức mạnh của điều thiện và lẽ phải”.

Người có Đạo Đức nói một cách khác là người có “TU”. Vậy “TU” là thế nào?

Mỗi lần nghe đến chữ TU, một số người đã tưởng tượng lên trong tâm trí mình hình ảnh những vị Tu sĩ đầu tròn áo vuông, quanh năm tương muối nâu sòng, sống một đời ẩn dật ở chùa chiền, tu viện, cho nên mỗi khi nói đến chữ TU, nếu không mỉa mai thì họ cũng vô tư vì thấy vấn đề này không liên quan gì đến đời mình. Vậy nay chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa chữ TU trong đạo Phật, để chúng ta có một nhận thức đúng đắn về ý nghĩa của nó.

Có kẻ lại nghĩ:

Tu là một việc làm dành riêng cho những hạng người chán đời, những kẻ buồn tủi gia đình, trắc trở tình duyên nên nương nhờ cửa Phật, dùng câu kinh tiếng kệ để an ủi những tâm hồn đau đớn, vỗ về những nỗi niềm thất vọng, câu thơ sau đây chứng minh quan niệm ấy:

“Phù thế đã nhiều duyên nghiệp quá

Lệ lòng mong cạn chốn am không”

J. Leiba

Một hạng khác lại nghĩ rằng:

Tu là một việc làm của những hạng người rảnh rang, dư dả thì giờ, những kẻ trên đường danh lợi đã chùn chân mỏi gối, những ông già bà cả đã gần đất xa trời, nên đem đời sống tàn của mình tu nhân tích đức để trông mong ngày cuối cùng đặng về chầu Trời chầu Phật.

Những quan niệm sai lầm về chữ TU còn nhiều lắm song cũng không ra ngoài các điểm đã nêu ra ở trên đây. Vì thế, mỗi khi nói đến chữ TU, là người ta đã tưởng tượng ngay một hình ảnh yếu hèn, một việc làm quái dị, lạc hậu không hợp thời.

Vậy thế nào là chữ TU trong đạo Phật?

Theo đạo Phật định nghĩa chữ TU một cách tóm tắt là sửa. Xấu xa sửa lại cho tốt đẹp, tà vạy sửa lại cho chính đáng, độc ác sửa lại cho hiền lành, cộc cằn sửa lại cho vui vẻ, mê mờ sửa lại cho sáng sủa…

“Tu là sửa những chi cần sửa

Tu để về cùng Thiện, Mỹ, Chân

Tu là hết xa hoa, lìa vật chất,

Tu thêm dũng cảm, vững tinh thần.

Tu không lánh thế, luôn hoằng giáo,

Tu mãi gần đời, mãi đỡ nâng!...

Tu nhẹ nhàng thân, siêu việt tiến

Tu minh dụng tánh, diệt tâm trần!...”

Bảo Chi

Như thế chữ TU cần thiết cho hạng người nào?

Có thể trả lời rằng:

Cho tất cả mọi người: Anh học sinh nhác học, anh cần phải TU – là siêng năng chăm học.

Một người thợ vụng về cần phải TU để một ngày kia nghề nghiệp được hoàn toàn.

Nhà điêu khắc chưa được tinh vi cần phải TU để nét chạm đường đục thêm sắc sảo.

Một ông quan tham nhũng tà vạy cần phải TU để trở thành cần kiệm liêm chính.

Bà A buôn bán hay gây sự với mọi người và gian trá, bà cần phải TU để tánh tình vui vẻ nhã nhặn thật thà thì mới mong thu hút được bạn hàng.

Ông B ưa rượu chè cờ bạc, ông cần phải TU để bớt say sưa, để thân thể được tráng kiện, và vợ con khỏi nheo nhóc.

Như vậy, ai ai cũng cần phải TU đi, và người nào cũng có thể TU. Không như những người tưởng rằng chỉ có các vị tu sĩ ở chùa mới TU. Cũng như phép vệ sinh không phải chỉ dành riêng cho các vị bác sĩ, mà ai ai cũng cần phải giữ vệ sinh mới được mạnh khỏe an vui.

Nhưng định nghĩa chữ TU như trên, đó là nghĩa rộng – Nếu nói một cách gọn gàng và đầy đủ ý nghĩa hơn: TU là sửa đổi từ ý nghĩ, lời nói cho đến việc làm mỗi ngày mỗi thiện mỹ.

v Về ý nghĩ: TU nghĩa là diệt trừ những tâm lý tham lam, giận hờn và si mê.

v Nơi lời nói: TU nghĩa là không nói những lời dối trá sai sự thật, những lời thêu dệt thêm thắt, những lời chửi rủa mắng nhiếc độc ác, những lời đòn xóc hai đầu, đâm bị thóc thọc bị gạo khiêu khích chia ly.

v Trong việc làm: TU nghĩa là không sát hại sinh linh, không gian xảo trộm cướp, không dâm tà bất chính.

Vì thế, người học trò giỏi cũng chưa đủ, mà cần hiếu thảo với cha mẹ, yêu mến thầy bạn.

Người thợ khéo cũng chưa đủ mà cần có những đức tính thật thà, ngay thẳng, nhã nhặn, vui vẻ.

Một nhà nghệ sĩ, nghệ thuật tài ba không chưa đủ mà cần phải đem tài nghệ của mình phụng sự cho một mục đích chân chánh mới đầy đủ ý nghĩa của chữ TU vậy.

Như trên, TU thật là một việc làm đầy nghị lực, đầy can đảm, là một sự chiến đấu với dục vọng không ngừng, ai dám bảo rằng TU là chán đời, là yếu hèn?

Thử nghĩ trong một xã hội nào, thời đại nào, lại không cần có những người TU như trên.

Những cảnh chiến tranh tàn khốc, nhà tan cửa nát, những cuộc người chém giết người đầu rời máu đổ một cách thê thảm hiện tại, nếu không phải tai hại của không TU là gì?

“Một kiếp không TU muôn kiếp khổ,

Một đời vô Đạo vạn đời sầu”.

Lại có những hạng người bướng bỉnh nói rằng: “Tôi TU tâm”, “Phật tức Tâm, Tâm tức Phật”.

Mới nghe qua in tuồng là phải, nhưng nếu căn cứ trên lời nói và việc làm của họ, chúng ta không thấy một điểm nào có thể gọi là TU cả, vì không có một việc ác độc nào là họ không nói không làm, khi điều ấy đem đến danh lợi cho mình. Vẫn biết rằng Phật tức Tâm, nhưng giờ đây Tâm của chúng ta đầy ma chướng, bao nhiêu dục vọng tràn trề, bao nhiêu tội lỗi mê mờ đều phát ra nơi hành động của chúng ta, thì làm sao chúng ta có thể nói là TU tâm. Vì nếu Tâm đã TU, sao lại có những hành động đầy tội lỗi như trên.

Cho nên, nếu chúng ta hỏi: Tâm vì sao phải TU, và TU như thế nào? Chắc chắn hạng người này không làm sao trả lời đặng.

Lại nữa, có một hạng người, vẫn biết TU là hay là cần, nhưng hẹn đến lúc già cả 60, 70 tuổi rồi sẽ TU, chứ lúc còn trai trẻ cần phải tận hưởng những lạc thú ở đời.

Vậy chúng ta thử xét có thể hẹn hò nay mai sẽ TU được không? Sách có câu:

“Chớ hẹn tuổi già mới học Đạo,

Mồ hoang lắm kẻ tuổi xuân xanh!”

Nghĩa là chúng ta không thể hẹn đến khi 50, 60 tuổi tôi sẽ TU là vì biết chúng ta có sống được chừng ấy tuổi không? Hay lát nữa đây, một viên đạn vô tình, một làn gió độc, một tai nạn bất ngờ sẽ kết liễu đời mình! Và bằng chứng rõ ràng, chúng ta hãy ra ngoài nghĩa địa hoang vu kia xem có phải hoàn toàn mồ mả của những người đầu râu tóc bạc không, hay cũng có mồ những kẻ vô danh mới chào đời, cho đến những thiến niên mười lăm, hai mươi tuổi?

Vì thế, chúng ta không thể hẹn: “Già tôi sẽ TU”, mạng sống của chúng ta quá mỏng manh vô thường.

Vậy TU phải làm thế nào? Và lợi ích của sự TU ra sao?

Bước đầu tiên, muốn TU chúng ta phải dùng những phương tiện: ăn chay, niệm Phật, tụng Kinh, giữ giới, để cải tạo đời mình thành một con người tốt của xã hội, một Phật tử thuần thành chơn chánh của Phật giáo. Muốn TU chúng ta phải dứt trừ những tâm niệm ích kỷ nhỏ nhen, để làm những công việc lợi ích chung.

Còn lợi ích của sự TU, của đời sống có Đạo Đức, không nói chắc ai cũng biết: Một người TU, một người có Đạo Đức, người ấy sẽ thành người hay người tốt. Một gia đình TU, một gia đình có Đạo Đức thì gia đình ấy sẽ thuận hòa vui vẻ. Một quốc gia TU, một quốc gia có Đạo Đức thì quốc gia ấy sẽ hùng cường thạnh vượng. Một thế giới TU, một thế giới có Đạo Đức thì thế giới ấy sẽ hòa bình an lạc.


Kính thưa quý vị,

Gần đây những nhà ưu thời mẫn thế đã than vãn:

“Văn minh Âu Á trời thu sạch

Này lúc cang thường đảo ngược ru?”

Hoặc:

“Nhà kia lỗi Đạo con khinh bố,

Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng!”

Người ta đã phê bình:

“Cái dở của nhân loại là lịch sử thế giới không giây phút nào không hiềm thù đổ máu. Mấy chục thế kỷ vừa qua nhân loại tiến bộ dữ dội chiều ngang khoa học kỹ thuật, nhưng chiều cao lương tâm, Đạo Đức thì thăng hay trầm?”

Trên báo chí gần đây đã đăng những tin:

Con đánh Cha đánh Mẹ, học trò đánh thầy giáo, cô giáo v.v… thật là một hiện tượng quá suy đồi của Đạo Đức.

Báo Công An thành phố ra ngày thứ Tư 22/05/1996 trang 11, có đăng một đoạn như sau:

“Trong những năm gần đây, bên cạnh sự phát triển nhanh và có những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa, kinh tế, khoa học, kỹ thuật của đất nước, mặt trái xã hội cũng nảy sinh không ít những tệ nạn: mại dâm, ma túy, lối sống suy đồi, sản phẩm văn hóa độc hại… đã làm ô nhiễm môi trường xã hội. Trầm trọng nhất phải kể đến sự suy thoái Đạo Đức và đạo lý con người.

Những vụ án con giết Cha, cháu giết Bà, con hành hung Cha Mẹ… đã từng làm dư luận xôn xao không phải là nỗi đau riêng của gia đình nào trong cuộc. Đây chính là “vết thương mới”, vết thương của xã hội, của mọi người. Phải chăng khi người ta càng gần gũi với khoa học kỹ thuật, càng tiếp cận với nếp sống văn minh thế giới thì người ta càng mất dần đi những cảm tính tốt đẹp của “con người”? Đây là một câu hỏi làm nhức nhối cả người dân lẫn đoàn thể chính quyền. Lẽ nào ở một dân tộc đề cao “Trung, Hiếu, Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín” hàng đầu mà ngày ngày, tháng tháng, năm năm vẫn còn xảy ra những vụ việc xúc phạm đến nền tảng Đạo Đức một cách đau lòng? Câu trả lời cũng không chỉ dành riêng cho một thành phần nào, một đoàn thể hoặc cơ quan chuyên môn nào. Nó phải ở trong chính lương tâm của mỗi người chúng ta…”.

Và đây phải chăng là ước mơ của nhân loại một thế giới có nếp sống Đạo Đức đầy hạnh phúc an vui:

“Tôi muốn ngày mai những bạo tàn,

Không còn thống trị cõi trần gian.

Nhân loại cười vui trong hạnh phúc,

Vui cả rừng xanh, cả núi ngàn.

Tôi muốn ngày mai khắp cõi trần,

Không còn cực khổ với gian truân.

Người người vui bước trên đường Đạo,

Trần gian tươi đẹp, mở mùa Xuân”.

Để kết luận buổi nói chuyện hôm nay, tôi cũng xin nhắc lại câu mở đầu: “Đời không Đạo đời vô liêm sĩ” và đạo Phật có thể cứu vãn tình trạng Đạo Đức suy đồi của thế giới và dân tộc Việt Nam chúng ta hiện nay.



Địa chỉ liên lạc:

Thầy MINH CHIẾU

Chùa PHẬT ÂN, Khu 14, Xã Long Đức,

Huyện Long Thành, Tỉnh Đồng Nai

ĐT: 0612.643334



Trang Nhà Quảng Đức chân thành cảm ơn Thầy Trung Đạo và Thầy Hiếu Niệm

đã gởi tặng phiên bản điện tử tập sách này (Thích Nguyên Tạng, 17-10-2013)



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/07/2011(Xem: 3618)
Chúng tôi hi vọng con đường tương lai sau này đạt được thành công, trước tiên phải nuôi dưỡng thành một tư tưởng: “Từ sự kính dâng mà trong lòng được vui vẻ.” Chúng ta và Thanh niên nhân sĩ trong xã hội không giống nhau, do tham muốn mới tìm cầu sự vui vẻ, từ lòng ích kỷ của mình mà chiếm giữ nó, từ chỗ hưởng thụ vật chất mới đi tìm cầu niềm vui; phương pháp tìm cầu niềm vui của Thanh niên Phật giáo chúng ta, là phải “biết hiến trọn đời mình cho đạo pháp, cho dân tộc đây mới là niềm vui thật sự.”
23/06/2011(Xem: 16815)
BỘ SÁCH PHẬT HỌC ỨNG DỤNG Hồng Quang sưu tầm và biên soạn Nhà xuất bản Phương Đông TP. Hồ Chí Minh 2011 GIỚI THIỆU BỘ SÁCH "PHẬT HỌC ỨNG DỤNG" Nguyên Định MỤC LỤC TỔNG QUÁT Cuốn 1: Nghi lễ, Thiền và Tịnh độ Cuốn 2: Giáo lý căn bản Cuốn 3: Bước đầu học đạo Cuốn 4: Bảy tôn giáo ngoài Phật giáo Cuốn 5: Áp dụng lời Phật dạy vào cuộc sống Cuốn 6: Dưỡng sinh Cuốn 7: Khoa học và Phật giáo Cuốn 8: Những vấn đề kiếp sau Cuốn 9: Đạo Phật trong vùng ruộng lúa Cuốn 10: Nghệ thuật diễn giảng và tầm quan trọng của văn nghệ.
11/06/2011(Xem: 3387)
Phật giáo Việt Nam vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng của mình, chưa đáp ứng được yêu cầu của thời đại mới và chưa đáp ứng được lòng kỳ vọng của quần chúng Phật tử, đòi hỏi của dân tộc Việt Nam.
30/05/2011(Xem: 21465)
Phật Và Thánh Chúng The Buddha and His Sacred Disciples Chương 1: Đức Phật—The Buddha Chương 2: Đạo Phật—Buddhism Chương 3: Nhân Sinh Quan và Vũ Trụ Quan Phật Giáo Buddhist Points of view on Human Life and Buddhist Cosmology Chương 4: Chuyển Pháp Luân và Năm Đệ Tử Đầu Tiên Turning The Wheel of Dharma and The First Five Disciples Chương 5: Kết Tập Kinh Điển—Buddhist Councils Chương 6: Tam Bảo và Tam Tạng Kinh Điển Triple Jewels and Three Buddhist Canon Baskets Chương 7: Kinh và Những Kinh Quan Trọng—Luật—Luận Sutras and Important Sutras-Rules-Commentaries Chương 8: Đạo và Trung Đạo—Path and Middle Path Chương 9: Vi Diệu Pháp—Abhidharma Chương 10: Tam Thời Pháp—Three Periods of The Buddha’s Teachings Chương 11: Thân Quyến—The Buddha’s Relatives Chương 12: Thập Đại Đệ Tử—Ten Great Disciples Chương 13: Những Đệ Tử Nổi Tiếng Khác—Other Famous Disciples Chương 14: Giáo Đoàn Tăng và Giáo Đoàn Ni—Monk and Nun Orders Chương 15: Tứ Động Tâm—Four Buddhis
18/05/2011(Xem: 10467)
(Lời giới thiệu: Bài viết dưới đây là của Tỳ Kheo Bodhi. Theo từ điển điện tử Wikipedia, Tỳ Kheo Bodhi (Bhikkhu Bodhi) thế danh là Jeffrey Block, sinh ngày 10 tháng 12 năm 1944 tại New York. Xuất gia tại Sri Lanka theo truyền thống Nam Truyền Phật Giáo. Ngài hiện dạy tại New York và New Jersey. Ngài được mời làm chủ tịch thứ 2 của Hội the Buddhist Publication Society và đã xuất bản nhiều tác phẩm Phật học. Sau đây là phần Việt dịch từ bài viết “Aims of Buddhist Education” của Tỳ Kheo Bodhi.)
16/05/2011(Xem: 6235)
Ngày 30-4-2011 vừa qua, Thời Đại Mới có mở một cuộc đàm thoại nội bộ về nhu cầu nghiên cứu các phong trào tranh đấu ở các đô thị miền Nam trước đây. Sau buổi đàm thoại, chúng tôi có yêu cầu anh Ngô Vĩnh Long viết lại những ý kiến của anh thành bài và yêu cầu anh Cao Huy Thuần tóm tắt quan điểm mà anh đã phát biểu. Dưới đây là tóm tắt đàm thoại của anh Cao Huy Thuần.
05/05/2011(Xem: 3894)
Trên một bình diện cao hơn, Ðức Phật dạy tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật. Nghĩa là cái hạt giống giác ngộ hay cái năng lực giác ngộ là năng lực tiềm ẩn...
17/04/2011(Xem: 3786)
* Chưa có triết lí về giá trị nhân sinh thì văn hoá-giáo dục còn khập khiễng, chính trị còn khập khiễng. * Khi triết lí giáo dục chưa minh triết thì tất yếu dẫn đến suy yếu đạo đức nghề nghiệp ở người lao động, suy yếu lương tri ở người cán bộ. * Nền văn học nào, nền giáo dục nào không giúp được con người nhận ra các bệnh tâm hồn, không giúp con người biết cách tự chữa trị có hiệu quả, thì đó là nền văn học, nền giáo dục còn nhiều yếu kém. * Nhà giáo yếu kém nhân cách thì chỉ là công cụ tồi, có hại cho xã hội rất lớn (vì nhiều người ngây thơ tin tưởng vào họ). Tu sĩ yếu kém nhân cách cũng thế.
04/04/2011(Xem: 7858)
Khởi đi từ Ấn Độ cách đây 2556 năm về trước, giáo lý của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni bắt đầu tỏa chiếu từ cội cây Bồ Đề linh thiêng và kể từ đó đến nay giáo lý từ bi trí tuệ ấy đã làm cho không biết bao nhiêu chúng sanh được gội nhuần ân pháp vũ. Bất luận là Á Âu hay Mỹ Phi Úc, đâu đâu nếu có những người hướng thiện, muốn tu học và cần cầu sự giải thoát; thì giáo lý kia chính là những chất liệu dưỡng sinh để giúp cho con người mau ra khỏi vòng tục lụy của một kiếp nhân sinh
03/04/2011(Xem: 7779)
Chắc chắn Đức Phật đã thiết lập nhiều quy luật đạo đức và thiền quán. Những điều này hỗ trợ cho ân cần tử tế, từ bi, bao dung, yêu thương, tế nhị cũng như tuệ trí, tập trung, và can đảm.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]