Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2. Phong trào hiện sinh trong triết học Đông phương

10/05/201317:41(Xem: 3490)
2. Phong trào hiện sinh trong triết học Đông phương


Hướng Đi Của Thời Đại

HT. Thích Đức Nhuận

---o0o---

2. PHONG TRÀO HIỆN SINH TRONG TRIẾT HỌC ĐÔNG PHƯƠNG

NẾUkhả năng suy tư đã tạo nổi niềm tin cho con người, đã thỏa đáp khát vọng trường tồn của nhân loại, đã giúp ý niệm người vượt được bức tường chết và, đã là ánh đuốc soi đường cho mọi sinh hoạt, thì việc hệ thống hóa suy luận thành các ý thức hệ thuần lý đã lại làm cho nhận thức con người bị gò ép theo lối suy luận một chiều, nhất là còn tạo ra các thứ luân lý công thức, bóp méo, thủ tiêu tình cảm riêng tư của mỗi người đi, khiến cho cuộc sống trở thành cứng đờ, nặng nhọc, tăm tối. Thêm vào đó một bọn người manh tâm luôn luôn tìm mọi cơ hội để biến ý thức hệ thành một thứ bình phong che dấu thủ đoạn bóc lột đớn hèn của họ, đã làm cho xã hội vốn loạn lại càng loạn thêm, thân phận con người vốn bi đát lại càng bi đát hơn. Lý tưởng của con người tôn thờ luôn luôn quay lại ma sát thân phận con người. Giá trị con người bị biến mất trước thần tượng lý tưởng. Con người sống một cách thụ động, sống bằng quan niệm của ý thức hệ, sống bằng sự quy kết tội phúc của luân lý, sống bằng pháp luật của kẻ có quyền. Con người hoàn toàn chìm ngập trong ý niệm tội lỗi, cái gì cũng có thể trở thành tội lỗi được; mà mọi tội đều do nơi khát vọng của dục tính sinh ra. Chính vì muốn chế ngự tội mà các nền luân lý xưa và nay đều phải đề ra việc tiết chế dục tính. Sự tiết chế như vậy tuy là vấn đề cần thiết cho một xã hội có tổ chức, tức là sống bằng ý thức, nhưng chính cũng là một áp bức dồn nén tình cảm riêng tư của con người, nhất là người văn nghệ đầy khát vọng tự do tuyệt đối. Một khi tình cảm bị luân lý dồn nén thì sẽ đưa tới tâm trạng ẩn ức. Ẩn ức mỗi lúc một lớn thêm khi nào gặp điều kiện tốt sẽ bùng nổ.

I. Hiện sinh tồn ngã

Trong cảnh đại loạn xuân thu xưa, Khổng Tử đã hệ thống hóa tư tưởng Trung Hoa thành một ý thức hệ duy lý thực nghiệm hữu vi hòng đặt lại kỷ cương cho xã hội, thì cũng chính là lúc sức phản ứng của tình cảm trí thức nổi loạn để sản ra tư tưởng Hiện sinh tồn ngã của Dương Chu. Dương Tử hoàn toàn dùng tình cảm tự nhiên để đả kích hệ thống hữu vi của Khổng Tử. Ông cho là không nên lấy ý thức người mà can thiệp vào đạo tự nhiên, cứ để cho mọi vật tự do phát triển, không vun đắp cũng không ngăn cản. Ý thức người đã tạo ra các thứ danh ngụy tặc để khống chế con người, bắt bẻ cuộc đời phải chính danh định phận. "Thực thì không có tên. Có tên thì không phải thực. " Đem những cái giả tạo ấy xâu kết lại thành một hệ thống để cùm xích con người thì chẳng những không hết được loạn mà người thì khổ thêm, đời càng loạn thêm. Nên người sống ở đời có cái vui của thân, không bỏ nó đi, tức là phải tích cực giữ lấy cái ta lạc sinh hiện hữu. Do đấy "thiệt một sợi lông mà được lợi cả thiên hạ không cho, cả thiên hạ phục vụ cho một mình không lấy. Mọi người không thiệt một sợi lông, không ai được lợi cả thiên hạ, thì thiên hạ yên vậy ".

Chủ trương tự do tồn ngã lạc sinh của Dương Chu phải được kể là thủy tổ của tư tưởng hiện sinh của con người. Tư tưởng này xuất hiện giữa thời đại loạn, trước áp lực của các hệ thông thuần lý; xuất hiện để chối bỏ mọi thứ luân lý do ý thức hữu vi sản ra, nhằm giải phóng thân phận con người, giải phóng tâm linh nhân loại. Thời đại của Dương Chu là thời đại nông nghiệp phong kiến, nên tư tưởng hiện sinh của ông nhuốm nặng tính cách tự nhiên, không mang sắc thái bi đát cùng cực như thời đại chúng ta, sống bằng cuộc sống máy móc xa lìa tự nhiên; nên Dương Chu vẫn còn vui được khi thấy mình hiện hữu trong cảnh thuần phát của tự nhiên, ông chỉ lên án, đả phá những ý thức cai trị, ý thức luân lý do con người sản ra thôi. Tức là ông vẫn còn có lối thoát duy nhất là sống với nội tâm trống rỗng tự tại. Thời chúng ta là thời đại con người khai thác tự nhiên, bóp méo tự nhiên từ nội dung tới hình thức bằng ý niệm người. Con người thấy mình hiện sinh giữa không phải tự nhiên mà là giữa một xã hội người đầy rẫy khổ đau, đầy rẫy bất công và giằng xé. Mình không tìm nổi mình đích thực nữa. Mình hoàn toàn sống bằng quan niệm của kẻ khác, của xã hội. Con người không thể thoát nổi nõa lực vĩ đại phi lý của xã hội. Con người không tìm được lối tự giải thoát, đành sống với quan niệm buông trôi, nên phong trào hiện sinh hiện nay mang nặng tính cách khổ đau tuyệt vọng, khác với Dương Chu sống bằng quan niệm ẩn dật tự nhiên lạc sinh và tích cực giải thoát.

2. Hóa sinh đại ngã

Tiếp nối tư tưởng của Dương Chu, Lão Tử đã thành lập nổi một hệ thống Duy nhiên. Tuy Lão Tử không quyết định tư tưởng ông là một tư tưởng có hệ thống, nhưng không vì vậy mà ta không nhận được tính cách phi hệ thống của Lão Tử vẫn là một hệ thống Duy nhiên. Mọi nhận thức của Lão Tử đều qui về tự nhiên, lấy tự nhiên làm xuất phát triển, và đặt cứu cánh cho cuộc đời là thực hiện một con người tự nhiên. Một con người mộc mạc lòng rỗng bụng đầy, dứt bỏ thánh trí, nhân nghĩa, luân lý để sống một cuộc đời tự do, tự sản, tự tại hợp với đại đạo tự nhiên. Đạo tự nhiên là đạo tuyệt đối vĩnh viễn trường cửu, không nghe, không thấy, không cầm nắm được, nhưng ở trong tất cả, bao trùm tất cả, vô thủy vô chung, không làm mà không cái gì không làm. Vũ trụ do đạo mà sinh hóa; vạn vật có đạo mới tồn tại. Đạo là một lẽ tất yếu khách quan vượt tầm trí thức của con người. Nên con người không đủ sức biết về Đạo mà chỉ có thể trực nhận nổi Đạo qua sự sinh hóa của vạn hữu, của chính mình. Đặc tính của Đạo là không làm mà không phải chẳng làm. Con người muốn thể nhập Đạo lớn, thì phải gạt bỏ quan niệm hữu vi, tức là gạt bỏ ý thức về vấn đề làm, hoặc nói khác đi, là làm không theo sự xếp đặt của ý thức: không làm vì danh, vì lợi, vì lý tưởng này, tư tưởng nọ. Phải gạt bỏ tất cả mọi đối tượng hành động, thủ tiêu ý thức hữu vi rồi làm bằng sức tự động mặc nhiên. Làm như vậy là thuận Đạo tự nhiên, mà thuận đạo tự nhiên thì mình cùng với tự nhiên là một, đời cùng với tự nhiên là một, khi đã hòa nổi cuộc sống người trong đạo tự nhiên thì loạn sẽ hết, khổ cũng sẽ hết. Con người an nhiên tự tại tự sản bao la. Đời loạn mới cần tới nhân nghĩa, luật pháp là thứ con đẻ của ý thức mà chính ý thức là nguyên nhân của sự loạn. Lấy loạn để trị loạn thì lại càng loạn thêm, do đấy cần phải thủ tiêu ý thức nhân nghĩa, thánh trí, hữu vi mới vãn hồi nổi cuộc sống tự nhiên thanh thoát.

Từ tư tưởng chủ quan tồn ngã hiện sinh của Dương Chu sang tới Lão Tử thành tư tưởng khách quan tồn nhiên hóa sinh. Lão Tử đã triển khai toàn triệt quan niệm duy nhiên của phong trào ẩn dật Trung Hoa. Lão Tử đem con người lại gần với tự nhiên, đem con người trở về với cuộc sống thuần phác mộc mạc của tự nhiên, sống trong nhịp đại sinh hóa của vũ trụ tự nhiên. Lão Tử chủ trương hủy bỏ hẳn nền văn minh hữu vi hiếu động của Hán tộc để vãn hồi cảnh sống mặc nhiên vô vi hiếu tĩnh của con người phương nam. Con người làm loạn cuộc đời vì những ý thức hơn người, thắng vật. Xã hội càng văn minh bao nhiêu, nhân loại càng phát sinh nhiều thánh trí bao nhiêu thì đời càng loạn thêm lên bấy nhiêu. Quả vậy, sống sau Lão Tử trên hai nghìn năm chúng ta đều phải nhận lời Lão Tử là đúng. Nhân loại chúng ta hiện nay là một thứ nhân loại hoàn toàn xa lìa tự nhiên, nền văn minh tự tạo của nhân loại lấn át nhưng vẻ tình cảm phong phú của tự nhiên. Con người đã xa lìa tự nhiên quá mất rồi, không có tài nào trở về với nguồn yên vui mộc mạc được nữa. Mỗi ngày nhân loại càng chạy mau thêm tới trước đích tiêu vong, nếu không có một phương pháp giải thoát tâm tư, một cao trào giải phóng cuộc đời.

3. Tồn sinh siêu thoát

Trang Tử là người xiển phát tư tưởng duy nhiên của Lão Tử, đồng thời ông đã thăng hóa tư tưởng Lão Tử lên tới mức siêu thoát: không biết thích sống cũng không biết ghét chết, thảnh thơi mà sống, lúc ra không hớn hở, lúc vào không tấp nập, phất phơ mà đi, phất phơ mà lại. Không quên nơi mình bắt đầu, không cần nơi mình đến cuối. Trời đất cùng với mình cùng sinh, vũ trụ cùng với mình là một. Vũ trụ biến đổi không lường, việc gì phải nhọc lòng về sự sống chết, hơn thua, cứ thuận lẽ tự nhiên mà sống, không ham sống sợ chết, cứ giữ lòng cho chay tịnh hư không, rồi làm theo lẽ của tự nhiên mà quên mình đi, danh lợi không cần, không khoe giỏi, không chấp nhất cứ an nhiên mà sống, nhận tất cả mà mừng nó, quên tất cả mà trở lại nó. Lòng quên, mặt lặng, trán phẳng, mát như mùa thu, ấm như mùa xuân, mừng giận với bốn mùa hợp với muôn vật mà không ai biết đến đâu là cùng. Người đạt tới mức đó mới đích thực là người. Làm tất cả mà quên tất cả để chơi với cõi vô cùng:

"Tướng Mây sang chơi miền đông qua cánh đồng phất phới, xẩy gặp Hồng Mông. Hồng Mông đương vỗ đùi mà nhảy chân cò. Tướng Mây thấy vậy, buâng khuâng, chắp tay đứng mà hỏi:

- Cụ là ai vậy? Cụ làm gì đấy?

Hồng Mông vẫn nhảy không ngừng, ngoảnh sang Tướng Mây mà nói:

- Chơi.

Tướng Mây tiếp:

Tôi muốn được nghe chuyện.

Hồng Mông ngửng nhìn Tướng Mây rồi…

- Ổ!

Tướng Mây hỏi:

Khí trời không hòa. Khí mây uất kết. Sáu khí không đều. Bốn mùa không đúng tiết… Nay tôi muốn hợp tinh hoa của sáu khí để nuôi các loài có sống, làm nó ra sao?

Hồng Mông vỗ đùi nhảy chân cò, lắc đầu:

- Ta chả biết! Ta chả biết!

Tướng Mây hỏi không được, bỏ đi. Ba năm sau sang chơi miền Đông, qua cánh đồng Hữu Tống, lại gặp Hồng Mông. Tướng Mây cả mừng, đi rảo tới mà thưa rằng:

- Trời! quên tôi sao! quên tôi sao?

Rồi rập đầu hai lạy, xin được nghe lời chỉ bảo.

Hồng Mông nói:

- Lông bông, không biết cầu gì! Ngông nghênh, không biết đi đâu! Lăn lóc chơi để xem cái "vô vọng" ta lại biết chi!

Tướng Mây thưa:

- Tôi đây cũng tự lấy mình làm ngông nghênh, mà tôi đi đâu thì dân họ theo đó. Tôi đây chẳng được đừng với dân! Nay thì dân nó bắt chước… Xin cho nghe một lời. Hồng Mông nói:

- Loạn lẽ thường ở đời. Trái với tính các loài. Chẳng thành được đạo huyền của trời. Làm tan đàn muông, mà chim đều hót đêm chơi! Cỏ cây lây vạ. Sâu bọ mang tai. Chao ôi! Đó là cái lỗi trị người vậy.

Tướng Mây hỏi:

- Vậy thì tôi làm thế nào?

Hồng Mông bảo:

- Chao ôi! Hại thay là cái lòng khấp khởi kia. Về đi thôi!

Tướng Mây nài:

- Tôi gặp nạn trời, xin được nghe một lời.

Ho?g Mông nói:

- Chao ôi! Đem lòng mà nuôi đồ đệ mi! Ở vào chỗ không làm mà vật tự nhiên hóa. Bỏ rời hình thể mi! Khạc nhổ thông minh mi! Cùng vật quên loài. Đại đồng vào cõi mông mênh! Cởi lòng, buông thần, lặng lẽ không hồn. Muôn vật lau nhau, đều trở lại gốc nguồn. Đều trở lại gốc nguồn mà chẳng biết chi. Hỗn hỗn độn độn trọn đời chẳng lìa. Nếu nó biết có, tức là nó lìa nó. Đừng hỏi tên nó, đừng dòm tính nó, vật vì thế sẽ tự nhiên sinh.

Tướng Mây than:

- Trời! Cho tôi đạo đức. Bảo tôi bằng im lặng. Chính mình cầu nó, mà nay mình mới hiểu được.

Lạy hai lạy mà từ biệt"

(Nam Hoa kinh do Nhượng Tống Dịch)

Qua câu chuyện ngụ ngôn trên cho ta thấy: Trang Tử hoàn toàn chủ trương lối sống mặc nhiên không ý thức để thuận với lẽ "vô vi nhi vô bất vi " của trời đất. Nhưng khác với con người suy tư Lão Tử, con người tình cảm của Trang Chu tạo ra cho mình một phong thái siêu thoát đại đồng trong cõi mông mênh. Quên thân, buông thần để đạt tới trạng thái vũ trụ với ta cùng một. Tức là đến cõi chí đạo mịt mờ huyền ảo. Lão Tử khuyên người ta thể nhập với đạo tự nhiên bằng cách gạn lọc tâm tư làm cho lòng trống như hư không, Trang Tử đi xa hơn, biến quan niệm duy nhiên thành một tôn giáo với những lối tu "tọa vong" để mình được phơi phới chơi được ở cánh đồng vô cực:

"Hoàng Đế được lập làm thiên tử, mười chín năm, quyền uy trùm khắp thiên hạ. Nghe biết thầy Quảng Thành ở trên núi Không Đồng, nên sang ra mắt thầy mà thưa rằng:

- Tôi nghe nhà thầy hiểu về chí đạo. Vậy dám hỏi phần tinh túy của chí đạo. Tôi muốn lấy tinh hoa của đất trời để giúp ngũ cốc, để nuôi muôn dân. Tôi lại muốn sắp đặt âm dương để mọi loài sống được thỏa thích. Làm thế nào cho được?

Thầy Quảng Thành nói:

- Điều mi muốn hỏi là chất của vật. Điều mà mi muốn sắp đặt là phần thừa của vật! Từ khi mi trị thiên hạ, hơi mây không đợi họp mà mưa. Cỏ cây không đợi vàng mà rụng. Ánh sáng mặt trời, mặt trăng càng hoang hủy thêm. Lòng kẻ nịnh thường hau háu đầy rầy. Lại sao đủ để nói chuyện chí đạo. Hoàng Đế lui. Về nhà bỏ thiên hạ… ở dưng ba tháng, rồi lại sang đón thầy. Thầy Quảng Thành nằm quay đầu phía nam. Hoàng Đế thuận gió phía dưới, đi bằng hai đầu gối mà tới, dập đầu mà thưa:

- Nghe nhà thầy hiểu chí đạo, dám hỏi trị mình thế nào mà có thể được lâu dài?

Thầy Quảng Thành uể oải ngồi dậy mà rằng:

- Câu hỏi khéo thay! Lại đây, ta bảo mi chí đạo. Phần tinh túy của chí đạo, mờ mờ ảo ảo. Chỗ rất mực của chí đạo, lặng hẳng rốt ráo. Không nghe, không trông, lấy tĩnh làm lòng, xác sẽ tự chính. Phải trong, phải tĩnh, chớ nhọc đến mình, chớ rung đến tính mới có thể trường sinh. Không trông gì bằng mắt, không nghe gì bằng tai, không biết gì bằng lòng, thì thần mi sẽ giữ nổi phần xác ngoài, xác ngoài mới có thể sống lâu. Cẩn thận phần trong của mi. Đóng kín phần ngoài của mi. Biết nhiều là hỏng. Ta đưa mi tới trên miền sáng láng rồi, đến đó là cõi chí dương! Ta đưa mi vào cửa miền ảo minh rồi, đến đó là cõi chí âm! Trời đất tự có công việc, âm dương tự có chỗ chứa. Giữ mình mi cho cẩn thận, vật sẽ tự lớn. Ta giữ phần một mà ở chỗ hòa, cho nên ta tu thân một nghìn hai trăm tuổi rồi mà xác ta chưa hề suy.

Hoàng Đế dập đầu hai lạy mà thưa rằng:

- Thầy Quảng Thành thật là người trời.

Thầy Quảng Thành nói:

- Lại đây! Ta bảo mi: Nó là vật không cùng mà người đều cho chết là xong. Nó là vật không diệt mà người đều cho chết là hết. Kẻ được đạo ta, trên làm hoàng mà dưới làm vương. Đạo ta mà bỏ mất thì trên thấy ánh sáng mà dưới thấy đống đất. Nay coi trăm loài đều sinh từ đất mà trở về đất. Cho nên ta sắp bỏ mi mà vào cửa vô cùng, để sang chơi cánh đồng vô cực. Ta cùng với nhật nguyệt xem hào quang. Ta cùng với trời đất ở cõi thường. Kẻ đón ta, ta chẳng biết. Kẻ xa ta, ta chẳng hay. Người ta thì chết hết mà riêng ta còn sống mãi đây".

(Nam Hoa kinh do Nhượng Tống dịch)

Tư tưởng của Trang Tử hoàn toàn bước vào lĩnh vực xuất thế. Tuy mang một hoài vọng siêu thoát, nhưng chưa phải là phương pháp giải thoát hữu hiệu cho đời, mà chỉ là thái độ đề kháng cuộc đời ý thức. Tư tưởng đề kháng cuộc đời, xa lánh thực tế đến độ khiêu khích này, không phải là nơi trú ngụ chắc chắn của nhân loại, dù ở thời Trang Tử hay bất cứ ở thời đại nào cũng vậy, mà chỉ là giải pháp tạm thời thôi. Con người chỉ có thể thực sự bắt tay vào việc giải thoát khi nào có được một phương pháp giải thoát toàn diện: giải thoát tâm tư, giải thoát xã hội. Nối nổi nhất thời vào với trường cửu, hòa nổi tiều ngã vào với đại ngã, đem nổi phương pháp giải thoát vào với cuộc đời khổ ải, làm nhẹ bớt oan khiên cho phận người, làm vơi bớt bất công cho xã hội, lúc đó mới thực là lúc con người tự giải thoát và nhân loại cùng giải phóng vậy.

Phong trào xuất thế thời xuân thu xưa đã khởi điểm bằng thái độ ẩn dật của người trí thức như Bá Di, Thúc Tề, Ngu Trọng, Di Dật, Chu Trương, Thiếu Liên, Liễu Hạ Huệ, Tiếp Dư, Trương Như, Kiệt Lịch, Sở Cuồng… để phát hiện ra bằng thức thuyết Hiện sinh tồn ngã của Dương Chu, rồi được Lão Tử hệ thống hóa thành chủ thuyết Duy nhiên. Và cuối cùng Trang Tử thăng hóa thành một tôn giáo siêu thoát, nhằm đề kháng cuộc sống cực vi câu chấp của Hán tộc. Chống đối với ý thức hệ Khổng Nho. Chống với lối cai trị hà khắc bạo hành của phong kiến. Phong trào đã qui kết tội làm loạn xã hội cho những hiện tượng trên. Chính vì sinh hoạt hữu vi, chính vì sinh hoạt nhân nghĩa, chính vì sinh hoạt tổ chức, tức là sinh hoạt bằng ý thức người xa lìa đạo tự nhiên, nên người mới khổ, đời mới loạn. Hãy hủy bỏ quan niệm hữu vi, dứt trừ nhân nghĩa, khạc nhổ thánh trí, phá bỏ tổ chức để trở về với tự tại, tự nhiên mộc mạc. Sống trong đạo tự nhiên, chết trong đạo tự nhiên thì mình không khổ, đời không loạn.

Không ý thức được thế này là khổ, thế kia là sướng, thế này là phải, thế kia là trái, thế này là hơn, thế kia là thiệt thì quả là bình dị thảnh thơi hết lo nghĩ rồi. Nhưng con người đã có ý thức, đã biết phân biệt mà chủ trương gạt bỏ cuộc sống ý thức đi là vấn đề trái tự nhiên tính của nhân loại. Ý thức đối với nhân loại là hiện tượng tự nhiên. Hiện tượng này là kiến phần của chân tâm. Tức là khả năng phân biệt chấp giữ của tâm thức chúng sinh. Chân tâm vạn hữu đều là một thể bình đẳng thường hằng phổ biến. Chân tâm đồng nghĩa với đạo thể của Lão Tử. Kiến phần đồng nghĩa với nhiên tính. Nhiên tính có khả năng khởi động biến hiện thành vạn hữu muôn màu muôn vẻ. Kiến phần cũng có khả năng chấp giữ phân biệt các chủng tử của chân tâm làm thành hiện tượng riêng biệt. Mỗi hiện tượng đều có đạo thể hoặc chân tâm; đều có nhiên tính hoặc kiến phần. Như thế, mỗi hiện tượng đều cùng có hai phần đạo thể và nhiên tính gọi theo Lão học, còn gọi theo Phật học là chân tâm và kiến phần. Chấm dứt kiến phần thì vạn hựu hủy diệt, hủy diệt nhiên tính thì vũ trụ trở thành tịch không. Hiện tượng còn tồn tại sinh hóa là nhờ ở hai thể tính tự thân của hiện tượng. Mà kiến phần hoặc nhiên tính ở mỗi loài, mỗi hiện tượng đều có cấp vị khác nhau: Cây cỏ thì cứ tuần tự sinh hóa theo thời tiết. Động vật thì cứ tuần tự mặc nhiên sinh sống nhởn nhơ còn nhân loại thì vừa tuần tự vừa mặc nhiên lại vừa ý thức sinh hoạt để tạo ra một cảnh sống người. Vậy ý thức cũng vẫn thuộc phạm vi thiên tính, nếu đứng trên quan điểm vũ trụ mà nhìn. Còn nếu đứng trên quan điểm nhân loại thì ý thức là sản phẩm của con người có khả năng làm khác tự nhiên, sai biệt tự nhiên, đảo lộn tự nhiên. Nên thức thuyết duy nhiên của Lão Tử là đứng ở bình diện nhân loại để nhìn sự vật. Thức thuyết của Phật thì đứng trên bình diện vũ trụ mà xét. Do đấy cho rằng ý thức người cũng chỉ là sản phẩm tự nhiên thôi. Khi đã nhận ý thức người là sản phẩm tự nhiên do kiến phần phân biệt và chấp giữ để tạo thành nghiệp lực của mỗi loài thì không phải hủy diệt ý thức mà chỉ làm cho ý thức sáng lên, tức là thăng hóa ý thức thành tuệ giác. Khi ý thức đã sáng thì vô minh phải lùi, vô minh lùi thì khổ đau giảm, loạn lạc tan dần. Bởi thế hiện tượng do nhân duyên vũ trụ, hoặc do ý thức nhân loại sản ra, đối với đạo Phật, cũng chỉ cho đó là hiện tượng tất nhiên.

Đạo Phật dã quan sát mọi hiện tượng bằng tuệ giác sáng suốt để tùy nghiệp lực mỗi loài, mỗi vật mà cung ứng cho một phương pháp giải thoát riêng, khiến cho mỗi loài, mỗi vật tự chứng lấy trạng thái giải thoát của mình. Lão Trang đã bỏ phương tiện để đi thẳng tới mục đích siêu thoát, nên tạo ra một phong trào hoàn toàn xuất thế. Còn đạo Phật thì vẫn không quên phương tiện. Có phương tiện mới dẫn tới thành quả được. Vì không bỏ phương tiện nên đạo Phật không xa lìa thực tế. Đối với đạo Phật: thực tế vừa là phương tiện vừa là mục tiêu của vấn đề giải thoát. Không có thực tế khổ đau thì không có sự giải thoát khổ đau. Bởi vậy vấn đề giải phóng thực tế phải đi song song với vấn đề giải thoát tâm linh, thì con người và cuộc đời mới vơi được khổ đau phiền não. Người tự giác bao giờ cũng ít hơn người thụ giác. Đại đa số nhân loại thuộc nghiệp lực thụ giác. Đa số nhân loại sống ở mực thường, sống với hoàn cảnh và tùy thuộc hoàn cảnh thực tế. Nếu không giải phóng thực tế, trao duyên lành cho nhân loại, thì mục tiêu giải thoát nhân loại khỏi khổ đau sẽ chẳng bao giờ đạt được. Giải phóng cuộc đời, giải thoát tâm tư là khẩu hiệu của Phật giáo thời đại. Với người trí thức sống không tùy thuộc nhiều vào hoàn cảnh thì việc giải thoát tâm tư bao giờ cũng cần làm trước. Vì, người trí thức là đầu tàu lịch sử, sắm vai trò hướng dẫn quần chúng, nên cần tự giải thoát tâm tư mình trước mới mong giải phóng nổi cuộc đời. Cuộc đời có giải phóng thì người thường mới có cơ hội, hoàn cảnh để cùng giải thoát tâm tư. Tâm tư nhân loại đã giải thoát thì cảnh khổ đau sẽ vơi dần đi trong xã hội người.

Tuy Lão Trang bỏ phương tiện, xa lìa thực tế, thế nhưng cũng vẫn là nơi ẩn dật tốt cho người trí thức trong cảnh loạn, trong cảnh hà chính của chế độ. Sống dưới một chế độ độc đoán, sống dưới thời cực loạn, con người bị biến thành phương tiện sản xuất, phương tiện tranh đấu quyền lợi mà không có lối sống siêu thoát Lão Trang để giúp người tri thức sống an nhiên tự tại: không nói bằng lời, không nghe bằng tai, không nhìn bằng mắt… thì chắc gì người trí thức có sức chịu đựng nổi với thực cảnh. Không chịu đựng nổi thực cảnh nhớp nhúa thì tự tử sẽ thành một giải pháp thích hợp nhất.

Thái độ tích cực bài xích chính trị của Trang Tử để hướng sinh hoạt nhân loại vào một tôn giáo siêu thoát, đã bị người theo biến dổi thành mê tín, chuyên chú vào việc luyện phép trường sinh. Các tay thuật sĩ xuất hiện để lòe đời thâu lợi; mọc lên phong trào ngồi đồng nhảy bóng, tức là chơi với các vị thần tiên vô hình của các cô đồng, bà cốt. Đạo Lão từ quan niệm duy nhiên siêu thoát đã thành một nghệ thuật giải trí siêu thoát cho người thường. Tất nhiên người thường lấy đó làm thỏa mãn nhu cầu du hý, và bọn con buôn tôn giáo cũng lấy đó làm nơi kiếm lợi. Vì mục đích thâu lợi nên bọn này thường nghĩ ra rất nhiều thứ tà thuật để làm mụ mẫn người theo.

Trường hợp trên đây không riêng gì đối với một đạo Lão, mà còn đối với tất cả các tôn giáo nữa. Ở vị giáo tổ nào cũng vậy, tôn giáo đều mang lại niềm tin yêu cho con người, mở đường giải phóng cho con người, giải độc cho xã hội. Nhưng tới người thừa kế càng về sau càng sa đọa tôn giáo đi một cách đau đớn, đến độ tôn giáo chỉ còn lại có những hình thức, những giáo điều cứng nhắc, những luật lệ nghiêm ngặt để trói buộc người theo trong một quan niệm bè phái nguy hiểm. Nhân loại hôm nay đang khốn đốn về những cuộc xung đột lý tưởng. Lý tưởng mà con người tạo ra đang khống thế tư tưởng con người, chia nhân loại ra thành các lực lượng đối thủ để sát hại lẫn nhau. Thời đại đang đòi hỏi mọi người phải bỏ bớt thành kiến lý tưởng, tôn giáo để chặn đà chiến tranh, hận đà sa đọa, chặn mầm tự hủy, rồi cùng chung xây một cuộc sống người thương vui tự do no ấm. Vị lý tưởng nào cũng chỉ là phương tiện cho sự giải thoát tâm tư, giải phóng cuộc đời đau khổ này thôi. Nếu nhân loại còn mãi chấp mê các lý tưởng thù địch thì thế giới chẳng bao giờ thực hiện nổi một cuộc đại giải phóng toàn diện cả. Đạo Phật thường coi lý tưởng như một con thuyền đưa khách qua sông. Khi thuyền tới bờ, khách phải rời thuyền lên bến thì mới hoàn tất nổi một cuộc vượt sông; nếu khách nhất định ngồi mãi ở thuyền sẽ chẳng bao giờ khách tới được bến cả. Chấp giữ lý tưởng là chấp giữ phương tiện, bỏ mất mục đích. Mục đích của lý tưởng bao giờ cũng phụng sự con người, nhưng nhân loại đã mê lầm đến độ mù quáng tôn thờ lý tưởng, để lý tưởng quay lại khống chế con người, phong tỏa cứng nhắc cuộc đời. Chính trạng thái mê lầm này đã làm cho xã hội vốn loại lại càng loạn thêm; thân phận con người vốn nặng nề oan trái lại càng nặng nề oan trái hơn. Phong trào hiện sinh hôm nay, là một cuộc tâm tình nổi loạn, nhằm phá đổ mọi thần tượng lý tưởng, mọi suy luận hệ thống, mọi luân lý công thức, mọi trật tự máy móc, mọi qui tắc cằn cỗi để quyết đòi sự tự do, phát triển lại cho con người toàn diện. Tất nhiên một phong trào như thế sẽ không tránh khỏi những tư tưởng quá khích đến độ làm cho cuộc đời bế tắc khắp mặt như hiện nay.

---o0o---


Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/08/2010(Xem: 61635)
Quyển 6 • Buổi Pháp Thoại Trên Đỉnh Cao Linh Thứu (Gijjhakūṭa) • Ruộng Phước • Tuệ Phân Tích Của Tôn Giả Sāriputta • MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI CHÍN (Năm 569 trước TL)- Mỹ Nhân Giá Mấy Xu? • Chuyện Cô Sirimā • Móc Cho Con Mắt Đẹp • Ngạ Quỷ Mình Trăn • Cùng Một Nguyên Lý • “Hớt” Phước Của Người Nghèo! • Ghi chú đặc biệt về hạ thứ 19: • MÙA AN CƯ THỨ HAI MƯƠI (Năm 568 trước TL)-Phước Cho Quả Hiện Tại • Bảy Thánh Sản • Chuyện Kể Về Cõi Trời • Hóa Độ Gia Đình Thợ Săn • Nhân Duyên Quá Khứ
28/08/2010(Xem: 7381)
Văn hóa và giáo dục Phật giáo là phương tiện để ươm mầm và nuôi dưỡng hạt giống bồ đề tâm trong từng cá thể xã hội. Khi những hạt mầm lớn lên sẽ là những con người đi vào cuộc đời bằng tâm bồ đề, bằng trí giác ngộ, bằng trái tim từ bi để không những thắp sáng lý tưởng cao cả của Phật Đạo, mà còn là những nhân tố hữu ích để góp phần xây dựng và phát triển xã hội.
28/08/2010(Xem: 58365)
Sau khi sinh hoạt của hội chúng đã tạm thời đi vào quy củ, nền nếp; đức Phật thấy thời tiết có nắng nhẹ, trời không lạnh lắm, thuận lợi cho việc du hành nên quyết định rời Gayāsīsa, đến kinh đô Rājagaha, đường xa chừng sáu do-tuần. Thấy đoàn sa-môn quá đông, khó khăn cho việc khất thực, đức Phật gợi ý với ba anh em Kassapa cho chúng đệ tử phân thành từng nhóm,
08/08/2010(Xem: 3719)
Làm sao để mọi người đều có thể áp dụng lối sống lành mạnh? Làm sao để xã hội phát triển bền vững, hài hòa? Làm sao để mỗi người được sống hạnh phúc? Tại sao nhiều người đã biết rằng hút thuốc, uống rượu và sử dụng các chất gây nghiện là có hại cho sức khỏe mà họ vẫn không từ bỏ nó? Tại sao nhiều người biết rằng khí hậu toàn cầu đang biến đổi theo chiều hướng bất lợi đối với trái đất nhưng hàng ngày vẫn có những hành động trực tiếp, gián tiếp làm tổn hại đến môi trường sống?...
03/08/2010(Xem: 14030)
Mặc dù được xem như là một tôn giáo, thì Phật giáo vẫn là một trong các truyền thống tri kiến vĩ đại nhất của thế giới, được dựa trên cơ sở về trải nghiệm và lập luận hơn là việc tin tưởng không điều kiện vào thần quyền. Trong nhiều thế kỷ, đạo Phật đã đối thoại với các truyền thống khác ở châu Á như là Ấn giáo, Khổng giáo và Lão giáo, đó là các truyền thống vốn có các luận điểm riêng về thực tại. Nhưng đến kỷ nguyên mới này, thì sự thống trị lại thuộc về khoa học hiện đại vốn là một hệ thống truy cứu và tri kiến về thế giới tự nhiên một cách có lập luận, cho nên nếu muốn duy trì vị thế sẵn có như là một truyền thống thực nghiệm và tập luận truy cứu nghiêm cẩn, thì Phật giáo phải đối mặt với khoa học.
22/07/2010(Xem: 13225)
Tôi phải thú nhận rằng hình như có điều gì không ổn khi một người suốt đời sống trong thế tục như tôi lại viết lời giới thiệu cho một quyển sách về giáo lý của Đức Phật về sự thành đạt, trí tuệ và bình an nội tâm. Quan điểm của tôi về tôn giáo đã bị chỉ trích nhiều, vì tôi tin rằng hầu hết các tôn giáo đều là một hình thức tâm bị nhiễm vi-rút (virus) làm lây nhiễm chúng sanh bình thường mạnh khỏe –và thường là có tri thức. Chỉ có Phật giáo dường như tách biệt với các tôn giáo khác vì tính chất cởi mở, uyển chuyển và thực dụng. Do đã sống hơn nữa thể kỷ ở Sri Lanka, tôi đã nhìn thấy giáo lý của Đức Phật đã được áp dụng như thế nào bởi nhiều thành phần xã hội, bằng nhiều phương cách khác nhau. Dầu nghe có vẻ lạ, nhưng những người hoàn toàn có lý trí và những kẻ bảo thủ một cách điên cuống đều cho rằng niềm tin và thái độ củ
20/07/2010(Xem: 16901)
Với quyển Phật Pháp Cho Mọi Người, chúng tôi tương đối đã đạt được phần nào kết quả khi có thể mang những bài pháp thoại của nhiều tác giả đến với người đọc, nhất là những người sơ cơ như chúng tôi. Cũng đã ba năm kể từ quyển sách đó được phát hành, cũng đã có thêm nhiều bài pháp được chúng tôi chuyển ngữ. Theo sự gợi ý của một số thân hữu, lần này chúng tôi cũng xin tổng hợp các bài dịch rải rác đó đây để mang đến cho quý độc giả xa gần một luồng gió mát của chân Pháp. Mong là chúng tôi không phụ lòng mong đợi của quý độc giả. Dầu đã hết sức cố gắng, nhưng chúng tôi chắc rằng sẽ khó thể tránh những thiếu sót trong phần dịch thuật và biên tập, mong quý tôn sư, quý độc giả hoan hỷ chỉ bày. Lần nữa chúng tôi xin cảm tạ quý đạo hữu luôn chung tay với chúng tôi trong Phật sự này, để một số sách luôn đến tay quý độc giả dưới dạng ấn tống. Nguyện cho phước báu trong Pháp thí này được chia sẻ đến chư thiên, quý ân sư, quý ân nhân, đạo hữu, thân quyến và mọi chúng sanh. Na
18/07/2010(Xem: 14008)
Bất cứ người nào có nghiên cứu Phật học, có kiến thức về giáo lý đạo Phật như được ghi trong ba tạng kinh điển, đều thừa nhận đang có một khoảng cách lớn, phân biệt đạo Phật trong kinh điển (mà tôi tạm gọi là đạo Phật lý thuyết) với đạo Phật ở ngoài đời, trong cuộc sống thực tế. Đạo Phật lý thuyết là đạo Phật lý tưởng. Khoảng cách giữa lý tưởng và thực tế là chuyện tất nhiên và tất yếu. Bởi lẽ nếu không có khoảng cách đó giữa đạo Phật lý tưởng và đạo Phật thực tế thì mọi người chúng ta đều thành Phật cả rồi, và cõi đất này là cõi Phật rồi.
18/07/2010(Xem: 14450)
Chúng ta không ai không hấp thụ một nền giáo dục, hay ít ra tiếp nhận một hình thức giáo dục. Thế nhưng chắc chúng ta không khỏi lúng túng khi gặp câu hỏi bất ngờ như trên và khó trả lời ngay một cách vắn tắt trọn nghĩa và trôi chảy.
04/03/2010(Xem: 4366)
Sau khi đức Phật qua đời, nền tảng đạo đức và triết lý cao siêu của ngài đã được hiểu và thực hành theo từng bối cảnh văn hoá khác nhau. Từ đó, Phật giáo có hai trường phái triết học lớn, trường phái Thượng toạ, thường được mệnh danh là Phật giáo Nam tông hay còn gọi là Nam truyền hoặc Phật giáo Nguyên thuỷ, và trường phái Đại thừa, hay còn gọi là Bắc truyền hoặc Phật giáo phát triển hoặc Phật giáo cách tân
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]