Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần II - Chương Hai - Bài Giảng Về Sự Trân Quý Nếp Sống Ẩn Dật Đầy Thuận Lợi

21/01/202520:58(Xem: 57)
Phần II - Chương Hai - Bài Giảng Về Sự Trân Quý Nếp Sống Ẩn Dật Đầy Thuận Lợi

Buddha_12 

Các bài giảng liên quan đến thế giới

 

(bài 10, và là bài sau cùng của quyển I)

[…]

 

Tiếp theo dưới đây là một loạt bốn bài giảng liên tiếp trích dẫn từ Majjhima Nikāya / Trung Bộ Kinh. Cả bốn bài giảng cùng nêu lên một chủ đề chung, nhưng bối cảnh và nhân vật thì khác. Một số trang mạng uy tín và một vài dịch giả quen thuộc không dịch cũng không đưa lên mạng toàn bộ bốn bài giảng này. Hơn nữa nội dung của các bài giảng rất khúc triết và có một thuật ngữ khá khó hiểu, thậm chí một vài dịch giả còn cho rằng là một điều bí ẩn, và một vài trang mạng không đưa lên một bài nào cả trong số bốn bài giảng này. Thế nhưng sự lập đi lập cùng một chủ đề trong cả bốn bài giảng phải chăng là cách nhấn mạnh đến tầm quan trọng về giáo lý trong chủ đề này, đồng thời cũng cho thấy sự chuyên cần, sức kiên nhẫn và cả sự sinh hoạt của Tăng đoàn đầu tiên trong giai đoạn tu tập bằng cách truyền khẩu vào thời đại của Đức Phật. Bốn bài giảng này như sau :

 

- Bài giảng thứ nhất : Bhaddekaratta Sutta (MN 131),

- Bài giảng thứ hai : Ānanda-Bhaddekaratta-Sutta (MN 132)

- Bài giảng thứ ba : Mahā-Kaccāna-Bhaddekaratta-Sutta (MN 133)

- Bài giảng thứ tư : Lōmasakaṅgiya-Bhaddekaratta-Sutta (MN 134)

 

Tựa của cả bốn bài giảng cùng mang một chữ giống nhau, đó là chữ ‘bhaddekaratta’. Chữ này là một từ ghép mang ý nghĩa rất khúc triết và khó hiểu, kể cả là một điều bí ẩn (mystery, enigma), khiến một vài dịch giả cho rằng các bài giảng này là một trường hợp khá đặc biệt trong toàn bộ kinh điển Pali. Nhiều chục bản dịch sang tiếng Anh và tiếng Pháp về bốn bài giảng này đã được tham khảo và đối chiếu, thế nhưng chữ ‘bhaddekaratta’ trên đây được dịch khác nhau tùy theo từng dịch giả, đôi khi ý nghĩa của các từ dịch thuật này không những không có gì liên hệ đến nội dung của bài giảng, mà còn nghịch nghĩa với nhau. Chúng ta sẽ trở lại với vấn đề khá tế nhị và phức tạp này trong phần ghi chú. Trong các bản chuyển ngữ đề nghị dưới đây, chúng ta sẽ tạm dịch – với tất cả sự dè dặt – chữ ‘bhaddekaratta’ là ‘nếp sống ẩn dật (đơn độc, cách ly) mang đầy thuận lợi’, và cách dịch này cũng chỉ là một cố gắng nêu lên một sự mạch lạc nào đó với nội dung của bốn bài giảng.

 

Dưới đây là bài giảng thứ nhất :

 

 

Bài giảng về sự trân quý

nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi

Bhaddekaratta SuttaMN 131

 

(Dựa theo các bản dịch tiếng Anh của Thanissaro Bhikkhu, Bhikkhu Sujato, Bhikkhu Ñanananda, Ñanamoli Thera…, và các bản dịch tiếng Pháp của Môhan Wijayaratna, Claude Le Ninan & Chandhana Le Ninan)

 

Tôi từng được nghe như vầy. Lúc đó Đấng Thế Tôn đang ngụ tại tịnh xá Anāthapiṇḍika, nơi khu rừng thưa Jeta, gần kinh thành Sāvatthi, Ngài gọi các tỳ kheo : « Này các tỳ-kheo ».

 

Các tỳ-kheo đáp lại : « Vâng, thưa Thế Tôn ».

 

« Này các tỳ-kheo, ta sẽ nhắc lại bài giảng (bài kệ, bài thơ) nói lên : ‘Sự trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’(Bhaddekaratta). Vậy hãy lắng nghe, ta sẽ giảng ».

 

Các tỳ-kheo đáp lại : « Vâng, thưa Thế Tôn ».

 

Đấng Thế Tôn bắt đầu giảng như sau :

 

« Không đuổi bắt quá khứ,

Không tơ tưởng tương lai,

[Bởi vì] tương lai chưa kịp đến,

Và quá khứ thì không còn.

 

Hãy nhìn vào hiện tại khi nó hiện ra ,

Hãy nhìn vào nó bằng trí tuệ (sự sáng suốt),

Hãy quán thấy nó hầu mang lại [cho mình] sự vững tin,

Bất khuất và không hề lay chuyển.

 

Sức cố gắng là để phát huy trong ngày hôm nay,

Ngày mai, cái chết có thể sẽ xảy ra – nào có ai biết được ?

Thần chết và đám lâu la,

Nào có phải là [các con buôn] nơi phố chợ [để mà thương thảo].

 

Phải thật nhiệt tâm và cố gắng,

Không ngưng nghỉ, ngày cũng như đêm.

Trước một người như thế thì vị Sáng suốt sẽ thốt lên :

‘Đây là một người biết ‘trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’.

 

Này các tỳ-kheo, một người đuổi bắt quá khứ là như thế nào ? Người ấy tự nhủ : ‘Trong qua khứ tôi từng mang một hình tướng là như thế’, và đấy là cách mà người ấy thường xuyên tìm thấy sự thích thú qua ý nghĩ ấy (xem hình tướng là ‘Tôi’, xem hình tướng từng hiện hữu trước đây của mình đại diện cho cái ‘Tôi’ của mình trong quá khứ ). Người ấy tự nhủ : ‘Trong quá khứ, tôi từng tạo được [cho tôi] các cảm nhận (các sự nhận biết phát sinh từ ngũ giác) là như thế’, và đấy là cách mà người ấy thường xuyên tìm thấy sự thích thú qua ý nghĩ ấy’. Người ấy tự nhủ : ‘Trong quá khứ, tôi từng tạo được các sự nhận thức (trong tâm thần) như thế’, và đấy là cách mà người ấy thường xuyên tìm thấy sự thích thú qua ý nghĩ ấy. Người ấy tự nhủ : ‘Trong quá khứ, tôi từng phát động các tác ý (các ý định, các sự chủ tâm, các sự hoạch định…) là như thế’, và đấy là cách mà người ấy thường xuyên tìm thấy sự thích thú qua ý nghĩ ấy’. Người ấy tự nhủ : ‘Trong quá khứ, tôi từng mang một tri thức (consciousness / tâm thức, tâm thần) là như thế, và đấy là cách mà người ấy thường xuyên tìm thấy sự thích thú qua ý nghĩ ấy’. Này các tỳ-kheo, đấy là một người đuổi bắt quá khứ (nói một cách khác thì người ấy đuổi bắt cái ‘Tôi’ của mình trong quá khứ, mãn nguyện và chấp nhận cái ‘Tôi’ ấy là mình, là con người của mình).

 

Này các tỳ kheo, thế nào là một người không đuổi bắt quá khứ ? Người ấy tự nhủ : ‘Trong quá khứ, tôi từng mang một hình tướng là như thế’, nhưng người ấy không xem đấy là một sự thích thú. Người ấy tự nhủ : ‘Trong quá khứ, tôi từng tạo được các cảm nhận là như thế, nhưng người ấy không xem đấy là một sự thích thú. Người ấy tự nhủ : ‘Trong quá khứ, tôi từng tạo được các sự nhận thức là như thế, nhưng người ấy không xem đấy là một sự thích thú. Người ấy tự nhủ : ‘Trong quá khứ, tôi từng phát động được các tác ý là như thế, nhưng người ấy không xem đấy là một sự thích thú. Người ấy tự nhủ : ‘Trong quá khứ, tôi từng mang một tri thức là như thế, nhưng người ấy không xem đấy là một sự thích thú.

 

Này các tỳ-kheo, thế nào là một người tơ tưởng tương lai ? Người ấy tự nhủ : ‘Tôi ước mong rồi đây tôi sẽ mang một hình tướng như thế trong tương lai’, và người ấy thường xuyên tìm thấy sự thích thú qua ý nghĩ ấy. Người ấy tự nhủ : ‘Tôi ước mong rồi đây tôi sẽ tạo được các cảm nhận như thế trong tương lai’, và người ấy thường xuyên tìm thấy sự thích thú qua ý nghĩ ấy. Người ấy tự nhủ : ‘Tôi ước mong rồi đây tôi sẽ tạo được các sự nhận thức như thế trong tương lai’, và người ấy thường xuyên tìm thấy sự thích thú qua ý nghĩ ấy. Người ấy tự nhủ : ‘Tôi ước mong rồi đây tôi sẽ phát động được các tác ý như thế trong tương lai’, và người ấy thường xuyên tìm thấy sự thích thú qua ý nghĩ ấy. Người ấy tự nhủ : ‘Tôi ước mong rồi đây tôi sẽ tạo được một tri thức như thế trong tương lai’, và người ấy thường xuyên tìm thấy sự thích thú qua ý nghĩ ấy. Này các tỳ kheo, đấy là một người tơ tưởng tương lai.

 

Này các tỳ-kheo, thế nào là một người không tơ tưởng tương lai ? Người ấy tự nhủ : ‘Tôi ước mong rồi đây tôi sẽ mang một hình tướng như thế trong tương lai’, nhưng người ấy không xem đấy là một sự thích thú (mong sẽ được như thế, nhưng không vui sướng và thích thú với sự mong muốn ấy của mình). Người ấy tự nhủ : ‘Tôi ước mong rồi đây tôi sẽ tạo được các cảm nhận như thế trong tương lai’, nhưng người ấy không xem đấy là một sự thích thú. Người ấy tự nhủ ; ‘Tôi ước mong rồi đây tôi sẽ tạo được các nhận thức như thế trong tương lai’, nhưng người ấy không xem đấy là một sự thích thú. Người ấy tự nhủ : ‘Tôi ước mong rồi đây tôi sẽ phát động được các tác ý như thế’ trong tương lai, nhưng người ấy không xem đấy là một sự thích thú. Người ấy tự nhủ : ‘Tôi ước mong rồi đây tôi sẽ tạo được một tri thức như thế trong tương lai’, nhưng người ấy không xem đấy là một sự thích thú.

 

Này các tỳ-kheo, thế nào là một người không đánh mất những gì trong hiện tại ? Trong trường hợp đó, này các tỳ kheo, một người bình dị (puthujjana / một người không được học hỏi. Đối  với Phật giáo tất cả chúng sinh đều ngang hàng nhau, nhưng được chia ra làm hai thể loại : trước hết là những người ‘bình dị’ / puthujjana, tức là những người không trông thấy hiện thực đúng với nó, và sau đó là những người cao quý / arya, là những người được ‘học hỏi’, nhận thấy được hiện thực qua bản chất và sự vận hành của nó)  không được học hỏi, không quý trọng những người cao quý, không đủ khả năng tìm hiểu giáo huấn của những người cao quý, không được luyện tập theo đường hướng giáo huấn của những người cao quý, không quý trọng các bậc hiền triết (các bậc đạo đức, sáng suốt), không đủ khả năng tìm hiểu giáo huấn của các bậc hiền triết, không được luyện tập theo đường hướng của các bậc hiền triết – sẽ xem hình tướng vật chất là ‘Tôi’, hoặc xem ‘Tôi’ mang hình tướng vật chất, hoặc xem ‘Tôi’ như là hình tướng vật chất, hoặc xem ‘Tôi’ hàm chứa bên trong hình tướng vật chất.

 

Hơn thế nữa, một người bình dị không được học hỏi, không quý trọng những người cao quý, […], xem các cảm nhận là ‘Tôi’, hoặc xem ‘Tôi’ hàm chứa các cảm nhận (tôi là chủ thể tạo ra các cảm nhận cho tôi), hoặc xem các cảm nhận hàm chứa trong ‘Tôi’, hoặc xem ‘Tôi’ hàm chứa trong các cảm nhận. Hơn thế nữa, một người bình dị không được học hỏi, không tôn trọng các bậc hiền triết, […], xem các cảm nhận là ‘Tôi’, hoặc xem ‘Tôi’ hàm chứa các cảm nhận, hoặc xem các cảm nhận hàm chứa trong ‘Tôi’, hoặc xem ‘Tôi’ hàm chứa bên trong các cảm nhận (nói chung là một sự lẫn lộn giữa ‘khả năng cảm nhận’ của mình và cái ‘Tôi’ của mình).

 

Hơn thế nữa, một người bình dị không được học hỏi, không quý trọng những người cao quý, […], xem các tác ý (các ý định, các sự chủ tâm, các hoạch định…) là ‘Tôi’, hoặc xem ‘Tôi’ hàm chứa các tác ý (tôi là chủ thể tạo ra các tác ý), hoặc xem các tác ý hàm chứa bên trong ‘Tôi’, hoặc xem ‘Tôi’ hàm chứa bên trong các tác ý.

 

Hơn thế nữa, một người bình dị không được học hỏi, không quý trọng những người cao quý, […], xem tri thức là ‘Tôi’, hoặc xem ‘Tôi’ hàm chứa tri thức (xem ‘Tôi’ là chủ thể tạo ra các ý nghĩ, các sự nhận thức…), hoặc tri thức hàm chứa trong ‘Tôi’, hoặc xem ‘Tôi’ hàm chứa bên trong tri thức. Này các tỳ kheo, đấy là cách cho thấy một người đánh mất sự tương quan giữa mình và các sự vật (các hiện tượng) trong hiện tại (câu này rất quan trọng : sự hiện hữu của mình tương quan và liên kết với sự chuyển động của hiện thực xuyên qua các sự cảm nhận của lục giác. Sự liên kết và tương quan đó tạo ra cái ‘Tôi’. Vì thế, nếu tạo ra cái ‘Tôi’ như là một thực thể độc lập, với tư cách là một ‘chủ thể’, tách ra khỏi sự vận hành của lục giác qua các sự tiếp xúc của chúng với hiện thực chung quanh là một sự sai lầm).

 

Đến đây, này các tỳ-kheo, một người nào đó phải làm thế nào để không đánh mất sự tương quan giữa mình và các sự vật trong hiện tại ? Trong trường hợp này thì đấy là một người nghe giảng cao quý – được học hỏi, biết quý trọng những người cao quý, bước theo giáo huấn của những người cao quý, được luyện tập theo giáo huấn của những người cao quý, biết tôn trọng các bậc hiền triết, bước theo giáo huấn của các bậc hiền triết, được luyện tập theo giáo huấn của các bậc hiền triết – không xem hình tướng vật chất là ‘Tôi’, hoặc không xem ‘Tôi’ hàm chứa hình tướng vật chất, hoặc không xem ‘Tôi’ là hình tướng vật chất, hoặc không xem ‘Tôi’ hàm chứa bên trong hình tướng vật chất (phủ nhận hoàn toàn sự liên hệ giữa ‘Tôi’ và ‘hình tướng vật chất’ của mình).

 

Hơn thế nữa, này các tỳ kheo, người nghe giảng cao quý được học hỏi ấy, biết tôn trọng các vị cao quý, […], không xem các cảm nhận là ‘Tôi’, hoặc không xem ‘Tôi’ hàm chứa các cảm nhận (tức là chủ thể tạo ra các cảm nhận), không xem ‘Tôi’ là các cảm nhận, hoặc không xem ‘Tôi’ hàm chứa bên trong các cảm nhận.

 

Hơn thế nữa, này các tỳ-kheo, người nghe giảng cao quý được học hỏi ấy, biết tôn trong các vị cao quý […], không xem các sự nhận thức là ‘Tôi’, hoặc không xem ‘Tôi’ hàm chứa các sự nhận thức, hoặc xem ‘Tôi’ là các sự nhận thức, hoặc không xem ‘Tôi’ hàm chứa bên trong các sự nhận thức.

 

Hơn thế nữa, này các tỳ-kheo, người nghe giảng cao quý được học hỏi ấy, biết tôn trọng các vị cao quý,[…], không xem các tác ý (các ý định) là ‘Tôi’, hoặc không xem ‘Tôi’ hàm chứa các tác ý, hoặc không xem ‘Tôi’ là các tác ý, hoặc không xem ‘Tôi’ hàm chứa bên trong các tác ý. 

 

Hơn thế nữa, này các tỳ-kheo, người nghe giảng cao quý được học hỏi ấy, biết tôn trọng các vị cao quý, […], không xem tri thức là ‘Tôi’, hoặc không xem ‘Tôi’ hàm chứa tri thức, hoặc không xem ‘Tôi’ là tri thức, hoặc không xem ‘Tôi’ hàm chứa bên trong tri thức. Này các tỳ-kheo, đấy là một người không đánh mất sự tương quan giữa mình và các sự vật (các hiện tượng) trong hiện tại.

 

« Không đuổi bắt quá khứ,

Không tơ tưởng tương lai,

[Bởi vì] tương lai chưa kịp đến,

Và quá khứ thì không còn.

 

Hãy nhìn vào hiện tại khi nó hiện ra ,

Hãy nhìn vào nó bằng trí tuệ (sự sáng suốt),

Hãy quán thấy nó hầu mang lại [cho mình] sự vững tin,

Bất khuất và không hề lay chuyển.

 

Sức cố gắng là để phát huy trong ngày hôm nay,

Ngày mai, cái chết có thể sẽ xảy ra  – nào có ai biết được ?

Thần chết và đám lâu la,

Nào có phải là [các con buôn] nơi phố chợ [để mà thương thảo].

 

Phải thật nhiệt tâm và cố gắng,

Không ngưng nghỉ, ngày cũng như đêm.

Trước một người như thế thì vị Sáng suốt sẽ thốt lên :

‘Đây là một người biết ‘trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’.

 

Này các tỳ-kheo,  đấy là bài [kệ] tóm lược nêu lên ‘Sự trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi ».

 

Đấng Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các tỳ-kheo cảm thấy hân hoan và vui sướng trước những lời thuyết giảng ấy của Đấng Thế Tôn ».

 

Sau đây là bản dịch bài giảng này trong Đại Tạng Kinh tiếng Việt :

 

Trung Bộ Kinh

131. Kinh Nhất dạ hiền giả

 

Như vầy tôi nghe.

 

Một thời, Thế Tôn ở Sāvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà lâm), tại tịnh xá ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc). Ở đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo”: ‘‘Thưa vâng, bạch Thế Tôn”. Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau :

 

—Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết giảng cho các Ông: ‘Nhứt Dạ Hiền Giả’ (Bhaddekaratta), tổng thuyết và biệt thuyết. Hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ thuyết giảng.

 

—Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

 

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn giảng như sau:

 

Quá khứ không truy tìm

Tương lai không ước vọng.

Quá khứ đã đoạn tận,

Tương lai lại chưa đến,

Chỉ có pháp hiện tại

Tuệ quán chính ở đây.

Không động, không rung chuyển

Biết vậy, nên tu tập,

Hôm nay nhiệt tâm làm,

Ai biết chết ngày mai?

Không ai điều đình được,

Với đại quân thần chết,

Trú như vậy nhiệt tâm,

Đêm ngày không mệt mỏi,

Xứng gọi Nhứt dạ Hiền,

Bậc an tịnh, trầm lặng.

 

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là truy tìm quá khứ? Vị ấy nghĩ: “Như vậy là sắc của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là thọ của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là tưởng của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là hành của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy, “Như vậy, là thức của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là truy tìm quá khứ.

 

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là không truy tìm quá khứ? Vị ấy nghĩ: “Như vậy là sắc của tôi trong quá khứ”, và không truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là thọ của tôi trong quá khứ”, và không truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là tưởng của tôi … Như vậy là hành của tôi … Như vậy là thức của tôi trong quá khứ”; và không truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là không truy tìm quá khứ.

 

Và này các Tỷ-kheo, thế nào ước vọng trong tương lai? Vị ấy nghĩ: “Mong rằng như vậy sẽ là sắc của tôi trong tương lai”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Mong rằng như vậy sẽ là thọ của tôi trong tương lai”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Mong rằng như vậy là tưởng của tôi … là hành của tôi … là thức của tôi trong tương lai”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là ước vọng trong tương lai.

 

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là không ước vọng trong tương lai? Vị ấy nghĩ: “Mong rằng như vậy sẽ là sắc của tôi trong tương lai”, và không truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Mong rằng như vậy sẽ là thọ của tôi trong tương lai”, và không truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Mong rằng như vậy sẽ là tưởng … sẽ là hành … sẽ là thức của tôi trong tương lai”, và không truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là không ước vọng trong tương lai.

 

Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có kẻ vô văn phàm phu không đi đến các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh; không đi đến các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân; quán sắc là tự ngã, hay quán tự ngã là có sắc, hay quán sắc là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong sắc; hay vị ấy quán thọ là tự ngã, hay quán tự ngã là có thọ, hay quán thọ là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong thọ; hay vị ấy quán tưởng là tự ngã, hay quán tự ngã là có tưởng, hay vị ấy quán tưởng là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong tưởng; hay vị ấy quán hành là tự ngã, hay vị ấy quán tự ngã là có hành, hay vị ấy quán hành là trong tự ngã, hay vị ấy quán tự ngã là trong hành; hay vị ấy quán thức là tự ngã, hay quán tự ngã là có thức, hay quán thức là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong thức. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại.

 

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có vị Đa văn Thánh đệ tử đi đến các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, đi đến các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân nhân. Vị này không quán sắc là tự ngã, không quán tự ngã là có sắc, không quán sắc là trong tự ngã, không quán tự ngã trong sắc; không quán thọ … không quán tưởng … không quán hành … không quán thức là tự ngã, không quán tự ngã là có thức, không quán thức trong tự ngã, không quán tự ngã trong thức. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại.

 

Quá khứ không truy tìm

Tương lai không ước vọng.

Quá khứ đã đoạn tận,

Tương lai lại chưa đến,

Chỉ có pháp hiện tại

Tuệ quán chính ở đây.

Không động, không rung chuyển

Biết vậy, nên tu tập,

Hôm nay nhiệt tâm làm,

Ai biết chết ngày mai?

Không ai điều đình được,

Với đại quân thần chết,

Trú như vậy nhiệt tâm,

Đêm ngày không mệt mỏi,

Xứng gọi Nhứt dạ Hiền,

Bậc an tịnh, trầm lặng.

 

Khi ta nói: “Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông: ‘Nhứt Dạ Hiền Giả’, tổng thuyết và biệt thuyết”, chính duyên ở đây mà nói vậy.

 

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời dạy của Thế Tôn.

                                                   

(Nguyên văn bản dịch của HT Thích Minh Châu)

 

Tiếp theo dưới đây là bài giảng thứ hai :

 

 

Bài giảng cho Ānanda

về nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi

Ānanda-Bhaddekaratta Sutta – MN 132

 

(Dựa theo các bản dịch tiếng Anh của Thanissaro Bhikkhu, Bhikkhu Sujato,

I.B. Horner, Lord Chalmers, G.C.B., Bhikkhu Chandana…,

và bản dịch tiếng Pháp của Môhan Wijayaratna)

 

Tôi từng được nghe như vầy. Lúc đó Đấng Thế Tôn đang ngụ gần thị trấn Sāvatthi, nơi tịnh xá của vị Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc) trong khu rừng Jeta. [Vào một hôm], nơi gian phòng họp của tịnh xá, Ngài Āyasmanta Ānanda thuyết giảng Dhamma cho các tỳ-kheo. Ngài chỉ dạy họ, cổ vũ họ, khơi động sự nhiệt tâm của họ, mang lại niềm hân hoan cho họ và nhân dịp này nhắc lại với họ về bài [kệ] tóm lược [của Đấng Thế Tôn] nêu lên ‘sự trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’ (tức là bài giảng thứ nhất đã được trích dẫn trên đây). 

         

Lúc đó, vào cuối buổi trưa, sau khi chấm dứt giấc nghỉ trưa một mình, Đấng Thế Tôn thân hành tìm đến gian phòng họp trong tịnh xá. Sau khi bước vào gian phòng thì Ngài ngồi vào chiếc ghế dành riêng cho mình. Sau khi ngồi vào ghế thì Đấng Thế Tôn cất lời với các tỳ-kheo như sau : « Này các tỳ-kheo, các tỳ-kheo đang họp với nhau và bàn thảo với nhau về chủ đề nào thế ? [Khi ta bước vào thì] các tỳ-kheo ngưng thảo luận ở điểm nào ? ».

 

Các tỳ-kheo đáp lại : « Thưa Thế Tôn, Ngài Ānanda thuyết giảng Dhamma cho các tỳ-kheo, chỉ dạy họ, cổ vũ họ, khơi động sự nhiệt tâm của họ, mang lại niềm hân hoan cho họ, đồng thời mượn dịp để nhắc lại bài [kệ] tóm lược nêu lên ‘sự trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’ ».

 

Đấng Thế Tôn quay sang Ngài Ānanda và nói như sau : « Này Ānanda, Ānanda thuyết giảng Dhamma cho các tỳ-kheo bằng cách nào để chỉ dạy họ, cổ vũ họ, khơi động sự nhiệt tâm của họ và mang lại cho họ niềm hân hoan như thế ? Và Ānanda có nhắc lại với họ về bài [kệ] tóm lược nêu lên ‘sự trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’ hay không ? ».

 

Ngài Ānanda đáp lại : « Thưa Thế Tôn, quả đúng là như vậy. Tôi thuyết giảng Dhamma cho các tỳ kheo, chỉ dạy họ, cổ vũ họ, khơi động sự nhiệt tâm của họ, mang lại cho họ niềm hân hoan, đồng thời cũng nhắc lại với họ về ‘sự trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’ :

 

« Không đuổi bắt quá khứ,

Không tơ tưởng tương lai,

[Bởi vì] tương lai chưa kịp đến,

Và quá khứ thì không còn.

 

Hãy nhìn vào hiện tại khi nó hiện ra ,

Hãy nhìn vào nó bằng trí tuệ (sự sáng suốt),

Hãy quán thấy nó hầu mang lại [cho mình] sự vững tin,

Bất khuất và không hề lay chuyển.

 

Sức cố gắng là để phát huy trong ngày hôm nay,

Ngày mai, cái chết có thể sẽ xảy ra – nào có ai biết được ?

Thần chết và đám lâu la,

Nào có phải là [các con buôn] nơi phố chợ [để mà thương thảo].

 

Phải thật nhiệt tâm và cố gắng,

Không ngưng nghỉ, ngày cũng như đêm.

Trước một người như thế thì vị Sáng suốt sẽ thốt lên :

‘Đây là một người biết ‘trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’.

 

Này các tỳ-kheo, một người đuổi bắt quá khứ là như thế nào ? Người ấy tự nhủ : ‘Trong quá khứ, tôi từng mang hình tướng là như thế, và tôi thường xuyên tìm thấy sự thích thú qua ý nghĩ ấy (có nghĩa là vừa lòng, thỏa mãn, hãnh diện hay an phận với quá khứ của mình, tùy theo từng trường hợp). Người ấy tự nhủ : ‘Trong quá khứ, tôi từng có các cảm nhận là như thế, và tôi thường xuyên tìm thấy sự thích thú qua ý nghĩ ấy. Người ấy tự nhủ : ‘Trong quá khứ, tôi từng tạo được các nhận thức là như thế, và tôi thường xuyên tìm thấy sự thích thú qua ý nghĩ ấy. Người ấy tự nhủ : ‘Trong quá khứ, tôi từng phát động các tác ý (các ý định, các sự chủ tâm…) là như thế, và tôi thường xuyên tìm thấy sự thích thú qua ý nghĩ ấy. Người ấy tự nhủ : ‘Trong quá khứ, tôi từng mang một tri thức là như thế , và tôi thường xuyên tìm thấy sự thích thú qua ý nghĩ ấy ? Này các bạn, đấy là trường hợp của một người đuổi bắt quá khứ(xin nhắc lại bài này là những lời giảng của Ngài Ānanda, bằng cách lập lại trung thực từng chữ một những lời giảng của chính Đức Phật mà mình đã từng được nghe trước đây. Lần này Đức Phật chỉ là người chứng kiến và xác nhận những lời thuyết giảng của người đệ tử Ānanda).    

 

Hơn thế nữa, này các bạn, người lắng nghe giảng cao quý được học hỏi ấy, biết tôn trọng những người cao quý, […], không xem tri thức là ‘Tôi’, hoặc không xem ‘Tôi’ hàm chứa tri thức, hoặc  không xem ‘Tôi’ là tri thức, hoặc ‘Tôi’ hàm chứa bên trong tri thức. Này các bạn, đấy là trường hợp của một người không đánh mất sự tương quan giữa mình và các sự vật trong hiện tại ».

 

« Không đuổi bắt quá khứ,

Không tơ tưởng tương lai,

[Bởi vì] tương lai chưa kịp đến,

Và quá khứ thì không còn.

 

Hãy nhìn vào hiện tại khi nó hiện ra ,

Hãy nhìn vào nó bằng trí tuệ (sự sáng suốt),

Hãy quán thấy nó hầu mang lại [cho mình] sự vững tin,

Bất khuất và không hề lay chuyển.

 

Sức cố gắng là để phát huy trong ngày hôm nay,

Ngày mai, cái chết có thể sẽ xảy ra – nào có ai biết được ?

Thần chết và đám lâu la,

Nào có phải là [các con buôn] nơi phố chợ [để mà thương thảo].

 

Phải thật nhiệt tâm và cố gắng,

Không ngưng nghỉ, ngày cũng như đêm.

Trước một người như thế thì vị Sáng suốt sẽ thốt lên :

‘Đây là một người biết ‘trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’.

 

« Thưa Thế Tôn, đấy là cách mà tôi thuyết giảng Dhamma cho các tỳ-kheo, chỉ dạy họ, cổ vũ họ, khơi động sự nhiệt tâm của họ, mang lại cho họ niềm hân hoan, và đồng thời nhắc lại với họ về bài [kệ] tóm lược nêu lên ‘sự trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’ ». 

         

Sau khi nghe những lời nói ấy, thì Đấng Thế Tôn thốt lên : « Này Ānanda, quả hết sức tốt cách mà Ānanda thuyết giảng Dhamma cho các tỳ-kheo, chỉ dạy họ, cổ vũ họ, khơi động sự nhiệt tâm của họ, mang lại cho họ niềm hân hoan, đồng thời nhắc lại với họ về bài [kệ] tóm lược nêu lên ‘sự trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’ :    

 

« Không đuổi bắt quá khứ

Không tơ tưởng tương lai,

[Bởi vì] tương lai chưa kịp đến,

Và quá khứ thì không còn.

 

Hãy nhìn vào hiện tại khi nó hiện ra

Hãy nhìn vào nó bằng trí tuệ (sự sáng suốt),

Hãy quán thấy nó hầu mang lại [cho mình] sự vững tin,

Bất khuất và không hề lay chuyển.

 

Sức cố gắng là để phát huy trong ngày hôm nay,

Ngày mai, cái chết có thể sẽ xảy ra  – nào có ai biết được ?

Thần chết và đám lâu la,

Nào có phải là [các con buôn] nơi phố chợ [để mà thương thảo].

 

Phải thật nhiệt tâm và cố gắng,

Không ngưng nghỉ, ngày cũng như đêm.

Trước một người như thế thì vị Sáng suốt sẽ thốt lên :

‘Đây là một người biết ‘trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’

         

« Này Ānanda, vậy một người đuổi bắt quá khứ là như thế nào ? Người ấy tự nhủ : ‘Trong quá khứ, tôi từng mang hình tướng là như thế, và người ấy thường xuyên tìm thấy sự thích thú qua ý nghĩ ấy. Người ấy tự nhủ : ‘Trong quá khứ tôi từng có cảm nhận là thư thế, và người ấy thường xuyên tìm thấy sự thích thú qua ý nghĩ ấy. Người ấy tự nhủ : ‘Trong quá khứ tôi từng có các nhận thức là như thế ấy, và người ấy thường xuyên tìm thấy sự thích thú qua ý nghĩ ấy. Người ấy tự nhủ : ‘Trong quá khứ tôi từng có tác ý là như thế, và người ấy thường xuyên tìm thấy sự thích thú qua ý nghĩ ấy. Người ấy tự nhủ : ‘Trong quá khứ tôi từng mang tri thức là như thế, và người ấy thường xuyên tìm thấy sự thích thú qua ý nghĩ ấy. Này các tỳ-kheo, đấy là một người đuổi bắt quá khứ (trước hết Đức Phật lập lại lời giảng của Ngài Ānanda, sau đó thì quay sang các tỳ-kheo để giải thích với họ là một người đuổi bắt quá khứ là như thế. Đấy là cách mà Đức Phật gián tiếp xác nhận lời giảng của người đệ tử Ānandalà đúng. Sau đó Đức Phật lập lại bài kệ / gāthā).

 

« Không đuổi bắt quá khứ,

Không tơ tưởng tương lai,

[Bởi vì] tương lai chưa kịp đến,

Và quá khứ thì không còn.

 

Hãy nhìn vào hiện tại khi nó hiện ra ,

Hãy nhìn vào nó bằng trí tuệ (sự sáng suốt),

Hãy quán thấy nó hầu mang lại [cho mình] sự vững tin,

Bất khuất và không hề lay chuyển.

 

Sức cố gắng là để phát huy trong ngày hôm nay,

Ngày mai, cái chết có thể sẽ xảy ra  – nào có ai biết được ?

Thần chết và đám lâu la,

Nào có phải là [các con buôn] nơi phố chợ [để mà thương thảo].

 

Phải thật nhiệt tâm và cố gắng,

Không ngưng nghỉ, ngày cũng như đêm.

Trước một người như thế thì vị Sáng suốt sẽ thốt lên :

‘Đây là một người biết ‘trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’.

         

Trên đây là các lời giảng của Đấng Thế Tôn. Ngài Ānanda cảm thấy vui sướng trước các lời nói ấy của Đấng Thế Tôn ».

 

Trong bài giảng thứ hai trên đây Đức Phật là người chứng kiến và kiểm chứng những lời thuyết giảng của Ngài Ānanda. Bài giảng này trong Đại Tạng Kinh như sau :

 

Trung Bộ Kinh

132. Kinh A-nan Nhất dạ hiền giả

 

Như vầy tôi nghe.

 

Một thời, Thế Tôn ở Sāvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà lâm), tại tịnh xá ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc).

 

Lúc bấy giờ, Tôn giả Ānanda (A-nan) tại hội trường thuyết thị, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các Tỷ-kheo với bài thuyết pháp. Tôn giả giảng Nhứt Dạ Hiền Giả, tổng thuyết và biệt thuyết. Rồi Thế Tôn vào buổi chiều, từ Thiền tịnh độc cư đứng dậy đi đến hội trường, sau khi đến, ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo

 

—Này các Tỷ-kheo, ai tại hội trường đã thuyết thị, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các Tỷ-kheo với bài thuyết pháp. Ai đã giảng Nhứt Dạ Hiền Giả, tổng thuyết và biệt thuyết?

 

—Bạch Thế Tôn, Tôn giả Ānanda tại hội trường đã thuyết thị, khích lệ, làm cho thích thú, làm cho hoan hỷ các Tỷ-kheo với bài thuyết pháp. Tôn giả đã giảng Nhứt Dạ Hiền Giả, tổng thuyết và biệt thuyết.

 

Rồi Thế Tôn bảo Tôn giả Ānanda

 

—Nhưng như thế nào, này Ānanda, Ông đã thuyết thị, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các Tỷ-kheo với bài thuyết pháp? Ông có phải đã giảng Nhứt Dạ Hiền Giả, tổng thuyết và biệt thuyết?

 

—Đúng vậy, bạch Thế Tôn, con đã thuyết thị, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các Tỷ-kheo với bài thuyết pháp. Con đã giảng Nhứt Dạ Hiền Giả, tổng thuyết và biệt thuyết:

 

Quá khứ không truy tìm

Tương lai không ước vọng.

Quá khứ đã đoạn tận,

Tương lai lại chưa đến,

Chỉ có pháp hiện tại

Tuệ quán chính ở đây.

Không động, không rung chuyển

Biết vậy, nên tu tập,

Hôm nay nhiệt tâm làm,

Ai biết chết ngày mai?

Không ai điều đình được,

Với đại quân thần chết,

Trú như vậy nhiệt tâm,

Đêm ngày không mệt mỏi,

Xứng gọi Nhứt dạ Hiền,

Bậc an tịnh, trầm lặng.

 

Và này các Hiền giả, thế nào là truy tìm quá khứ? Vị ấy nghĩ: “Như vậy là sắc của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là thọ của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là tưởng của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là hành của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy, “Như vậy, là thức của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này các Hiền giả, là truy tìm quá khứ.

 

Và này các Hiền giả, thế nào là không truy tìm quá khứ? Vị ấy nghĩ: “Như vậy là sắc của tôi trong quá khứ”, và không truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là thọ của tôi trong quá khứ”, và không truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là tưởng của tôi … Như vậy là hành của tôi … Như vậy là thức của tôi trong quá khứ”, và không truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này các Hiền giả, là không truy tìm quá khứ.

 

Và này các Hiền giả, thế nào ước vọng trong tương lai? Vị ấy nghĩ: “Mong rằng như vậy sẽ là sắc của tôi trong tương lai”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Mong rằng như vậy sẽ là thọ của tôi trong tương lai”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Mong rằng như vậy là tưởng của tôi … là hành của tôi … là thức của tôi trong tương lai”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này các Hiền giả, là ước vọng trong tương lai.

 

Và này các Hiền giả, thế nào là không ước vọng trong tương lai? Vị ấy nghĩ: “Mong rằng như vậy sẽ là sắc của tôi trong tương lai”, và không truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Mong rằng như vậy sẽ là thọ của tôi trong tương lai”, và không truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Mong rằng như vậy sẽ là tưởng … sẽ là hành … sẽ là thức của tôi trong tương lai, “và không truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này các Hiền giả, là không ước vọng trong tương lai.

 

Và này các Hiền giả, như thế nào là bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại? Ở đây, này các Hiền giả, có kẻ vô văn phàm phu không đi đến các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh; không đi đến các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân; quán sắc là tự ngã, hay quán tự ngã là có sắc, hay quán sắc là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong sắc, hay vị ấy quán thọ là tự ngã, hay quán tự ngã là có thọ; hay quán thọ là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong thọ, hay vị ấy quán tưởng là trong tự ngã, hay quán tự ngã là có tưởng, hay vị ấy quán tưởng là tự ngã, hay quán tự ngã là có tưởng, hay vị ấy quán hành là tự ngã, hay vị ấy quán tự ngã là có hành, hay vị ấy quán hành là trong tự ngã, hay vị ấy quán tự ngã là trong hành; hay vị ấy quán thức là tự ngã, hay quán tự ngã là có thức, hay quán thức là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong thức. Như vậy, này các Hiền giả, là bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại.

 

Và này các Hiền giả, thế nào là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại? Ở đây, này các Hiền giả, có vị Đa văn Thánh đệ tử đi đến các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, đi đến các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân nhân. Vị này không quán sắc là tự ngã, không quán tự ngã là có sắc, không quán sắc là trong tự ngã, không quán tự ngã trong sắc; không quán thọ … không quán tưởng … không quán hành … không quán thức là tự ngã, không quán tự ngã là có thức, không quán thức trong tự ngã, không quán tự ngã trong thức. Như vậy, này các Hiền giả, là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại.

 

Quá khứ không truy tìm

Tương lai không ước vọng.

Quá khứ đã đoạn tận,

Tương lai lại chưa đến,

Chỉ có pháp hiện tại

Tuệ quán chính ở đây.

Không động, không rung chuyển

Biết vậy, nên tu tập,

Hôm nay nhiệt tâm làm,

Ai biết chết ngày mai?

Không ai điều đình được,

Với đại quân thần chết,

Trú như vậy nhiệt tâm,

Đêm ngày không mệt mỏi,

Xứng gọi Nhứt dạ Hiền,

Bậc an tịnh, trầm lặng.

 

Như vậy, bạch Thế Tôn, con đã thuyết thị, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các Tỷ-kheo. Con đã giảng Nhứt Dạ Hiền Giả, tổng thuyết và biệt thuyết.

 

—Lành thay, lành thay, này Ānanda! Lành thay, này Ānanda! Ông đã thuyết thị, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các Tỷ-kheo với bài thuyết pháp. Ông đã giảng Nhứt Dạ Hiền Giả, tổng thuyết và biệt thuyết.

 

Quá khứ không truy tìm

Tương lai không ước vọng.

Quá khứ đã đoạn tận,

Tương lai lại chưa đến,

Chỉ có pháp hiện tại

Tuệ quán chính ở đây.

Không động, không rung chuyển

Biết vậy, nên tu tập,

Hôm nay nhiệt tâm làm,

Ai biết chết ngày mai?

Không ai điều đình được,

Với đại quân thần chết,

Trú như vậy nhiệt tâm,

Đêm ngày không mệt mỏi,

Xứng gọi Nhứt dạ Hiền,

Bậc an tịnh, trầm lặng.

 

—Và này Ānanda, thế nào là truy tìm quá khứ? Vị ấy nghĩ: “Như vậy là sắc của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là thọ của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là tưởng của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là hành của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy, “Như vậy là thức của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này Ānanda, là truy tìm quá khứ.

 

Và này Ānanda, thế nào là không truy tìm quá khứ? Vị ấy nghĩ: “Như vậy là sắc của tôi trong quá khứ”, và không truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là thọ của tôi trong quá khứ”, và không truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là tưởng của tôi … Như vậy là hành của tôi … Như vậy là thức của tôi trong quá khứ”, và không truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này Ānanda, là không truy tìm quá khứ.

 

Và này Ānanda, thế nào ước vọng trong tương lai? Vị ấy nghĩ: “Mong rằng như vậy sẽ là sắc của tôi trong tương lai”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Mong rằng như vậy sẽ là thọ của tôi trong tương lai”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Mong rằng như vậy là tưởng của tôi … là hành của tôi … là thức của tôi trong tương lai”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này Ānanda, là ước vọng trong tương lai.

 

Và này Ānanda, thế nào là không ước vọng trong tương lai? Vị ấy nghĩ: “Mong rằng như vậy sẽ là sắc của tôi trong tương lai”, và không truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Mong rằng như vậy sẽ là thọ của tôi trong tương lai”, và không truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Mong rằng như vậy sẽ là tưởng … sẽ là hành … sẽ là thức của tôi trong tương lai, “và không truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này Ānanda, là không ước vọng trong tương lai.

 

Và này Ānanda, như thế nào là bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại? Ở đây, này Ānanda, có kẻ vô văn phàm phu không đi đến các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh; không đi đến các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân; quán sắc là tự ngã, hay quán tự ngã là có sắc, hay quán sắc là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong sắc; hay vị ấy quán thọ là tự ngã, hay quán tự ngã là có thọ, hay quán thọ là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong thọ; hay vị ấy quán tưởng là trong tự ngã, hay quán tự ngã là có tưởng, hay vị ấy quán tưởng là tự ngã, hay quán tự ngã là có tưởng; hay vị ấy quán hành là tự ngã, hay vị ấy quán tự ngã là có hành, hay vị ấy quán hành là trong tự ngã, hay vị ấy quán tự ngã là trong hành; hay vị ấy quán thức là tự ngã, hay quán tự ngã là có thức, hay quán thức là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong thức. Như vậy, này Ānanda, là bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại.

 

Và này Ānanda, thế nào là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại? Ở đây, này Ānanda, có vị Đa văn Thánh đệ tử đi đến các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, đi đến các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân nhân. Vị này không quán sắc là tự ngã, không quán tự ngã là có sắc, không quán sắc là trong tự ngã, không quán tự ngã trong sắc; không quán thọ … không quán tưởng … không quán hành … không quán thức là tự ngã, không quán tự ngã là có thức, không quán thức trong tự ngã, không quán tự ngã trong thức. Như vậy, này Ānanda, là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại.

 

Quá khứ không truy tìm

Tương lai không ước vọng.

Quá khứ đã đoạn tận,

Tương lai lại chưa đến,

Chỉ có pháp hiện tại

Tuệ quán chính ở đây.

Không động, không rung chuyển

Biết vậy, nên tu tập,

Hôm nay nhiệt tâm làm,

Ai biết chết ngày mai?

Không ai điều đình được,

Với đại quân thần chết,

Trú như vậy nhiệt tâm,

Đêm ngày không mệt mỏi,

Xứng gọi Nhứt dạ Hiền,

Bậc an tịnh, trầm lặng.

 

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Ānanda hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

 

                                          (Nguyên văn bản dịch của HT Thích Minh Châu)

 

Sau đây là bài giảng thứ ba nêu lên ý niệm về thời gian đối với một người tu hành :

 

            

Bài giảng cho Mahā-Kaccāna

về nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi

Mahā-Kaccāna-Bhaddekaratta SuttaMN 133

 

(Dựa theo các bản dịch tiếng Anh của Thanissaro Bhikkhu, Bhikkhu Sujato, I.B. Horner, Lord Chalmers, G.C.B., Bhikkhu Chandana…,

và hai bản dịch tiếng Pháp của Christian Maës và Môhan Wijayaratna)

 

Tôi từng được nghe như vầy. Lúc đó Đấng Thế Tôn đang ngụ tại tịnh xá Tapodā (Tapodā cũng là tên gọi của một khu rừng dùng làm nơi dừng chân hoặc tạm trú cho những người tu hành khất thực thuộc các giáo phái khác nhau vào thời bấy giờ. Tại nơi này cũng có một con suối nước nóng mang cùng tên gọi là Tapodā) gần thị trấn Rājagaha (Vương Xá). Trong dịp này, vào một hôm khi đêm vừa tàn, Ngài (Āyasmanta / Venerable / Vị trưởng lão, Vị Tôn kính) Samiddi (một vị tỳ-kheo uyên bác), đi đến con suối nước nóng Tapodā để rửa ráy chân tay, sau đó thì lên bờ đứng chờ chân tay khô ráo, trên người còn mặc áo bên trong (tiếng Pali gọi áo này là cīvara, là áo cà-sa mặc lót bên trong người).

 

Vào lúc đó có một vị tiên nữ (devatā) tuyệt đẹp, ánh hào quang tỏa sáng cả vùng con suối nước nóng Tapodā, tiến đến nơi Ngài Samiddhi đang đứng và nói với vị này như sau : « Này bạn tỳ-kheo, bạn có thuộc lòng bài [kệ] tóm lược nêu lên ‘sự trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’ hay không ? (trước hết trong bài thứ nhất, Đức Phật thuyết giảng bài kệ tóm lược này chung cho tất cả các tỳ-kheo (bài 1 / MN-131). Sau đó trong bài 2, Ngài Ānanda lập lại những lời của Đức Phật trong bài giảng này cho các tỳ-kheo khác dưới sự chứng kiến và kiểm chứng của Đức Phật (bài 2 / MN-132), trong bài thứ 3 này, thì có một vị tiên nữ hỏi vị tỳ-kheo Samiddhi xem có thuộc lòng các câu kệ trong bài giảng của Đức Phật hay không ? (bài 3 / MN-133). Các chi tiết trên đây cho thấy cách truyền khẩu và học thuộc lòng các bài giảng đã bắt đầu phổ biến ngay từ lúc Đức Phật còn đang tại thế. Nói chung là việc ‘tụng niệm’ và cách ‘học thuộc lòng’ có thể đã bắt đầu rất sớm trong việc tu tập của Phật giáo, tương tự như trong các tín ngưỡng Vệ-đà và Bà-la-môn vào thời bấy giờ) » . 

 

« Không, này cô tiên nữ, tôi không thuộc lòng được bài tóm lược nêu lên ‘sự trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’. Này cô tiên nữ, vậy thì cô có thuộc lòng được các câu tóm lược nêu lên ‘sự trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’ hay không ? »

 

« Không, này bạn tỳ-kheo, đối với tôi cũng vậy, tôi không thuộc lòng được các câu [kệ] tóm lược nêu lên ‘sự trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’. Thế nhưng, [là người tu hành thì] bắt buộc bạn phải thuộc lòng bài tụng gāthā (gāthā là các bài giảng hay các câu giảng ở thể văn vần, còn gọi là các bài ‘kệ’, dùng để tụng niệm và học thuộc lòng, các bài ‘kệ’ cũng thường là các bài tóm lược ý nghĩa trong các bài giảng dài và khúc triết hơn) liên quan đến ‘sự trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’ ».

 

« Không, này cô tiên nữ, tôi không thuộc lòng được bài tụng gāthā liên quan đến ‘sự trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’. Thế nhưng, này cô tiên nữ, [vậy thì] cô có thuộc lòng được bài tụng gāthā liên quan đến ‘sự trân quý nếp sống ẩn dật’ hay không ? ». 

 

« Này bạn tỳ-kheo, đối với tôi cũng vậy, tôi không thuộc lòng được bài tụng gāthā liên quan đến ‘sự trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’. Thế nhưng, này bạn tỳ-kheo, [là người tu hành thì] bắt buộc bạn phải thuộc lòng bài tụng gāthā liên quan đến ‘sự trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’. Dầu sao đi nữa, này bạn tỳ-kheo, [là người tu hành thì] bạn phải chủ động được bài [tụng] tóm lược nêu lên ‘sự trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’. Bạn bắt buộc phải học thuộc lòng bài [tụng] tóm lược nêu lên ‘sự trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’. Này bạn tỳ-kheo, bài [tụng] tóm lược nêu lên ‘sự trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’ thật hữu ích, và cũng là thành phần căn bản nhất mang lại một cung cách hành xử thật tuyệt vời (nói chung người tỳ-kheo, trên nguyên tắc, phải thuộc lòng ít nhất 152 bài giảng trong Majjhimā Nikāya / Trung Bộ Kinh).

 

Trên đây là những lời do cô tiên nữ nói lên. Sau khi nói lên những lời ấy thì cô tiên nữ vụt biến mất.

 

Sau đó, khi đêm vừa tàn, và trời bắt đầu sáng, thì Ngài Samiddhi lên đường tìm nơi Đấng Thế Tôn đang trú ngụ. Khi đến nơi thì vái chào Đấng Thế Tôn và ngồi sang một bên. Sau khi an tọa thì Ngài Simiddhi cất lời với Đấng Thế Tôn như sau : ‘Thưa Thế Tôn, khi đêm vừa tàn, tôi tìm đến con suối Tapodā để rửa ráy chân tay. Sau khi rửa ráy chân tay trong con suối, tôi bước lên bờ, đứng chờ cho chân tay khô ráo, lúc đó vẫn còn mặc quần áo bên trong. Đúng vào lúc đó, có một cô tiên nữ […] tiến đến gần nơi tôi đang đứng. Sau khi đến gần thì đứng sang một bên và nói với tôi như sau : ‘Này tỳ-kheo, tỳ kheo có thuộc lòng bài [kệ] tóm lược nêu lên ‘sự trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’ hay không ?’.

 

(Ngài Samiddhi thuật lại với Đấng Thế Tôn từ đầu đến cuối cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa mình và cô tiên nữ. Thế nhưng đoạn này đã được cắt bớt để tránh sự dài dòng)

 

« Thưa Thế Tôn, quả là một niềm vui sướng cho tôi nếu Thế Tôn có thể giảng lại cho tôi bài [kệ] tóm lược nêu lên ‘sự trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’ ».

 

Đầng thế Tôn nói lên như sau : « Nếu thế, thì hãy chăm chú lắng nghe, ta sẽ giảng ».

 

Ngài Samiddhi đáp lại : ‘Vâng, thưa Thế Tôn’

 

Đấng Thế Tôn thuyết giảng như sau :

 

« Không đuổi bắt quá khứ,

Không tơ tưởng tương lai,

[Bởi vì] tương lai chưa kịp đến,

Và quá khứ thì không còn.

 

Hãy nhìn vào hiện tại khi nó hiện ra ,

Hãy nhìn vào nó bằng trí tuệ (sự sáng suốt),

Hãy quán thấy nó hầu mang lại [cho mình] sự vững tin,

Bất khuất và không hề lay chuyển.

 

Sức cố gắng là để phát huy trong ngày hôm nay,

Ngày mai, cái chết có thể sẽ xảy ra – nào có ai biết được ?

Thần chết và đám lâu la,

Nào có phải là [các con buôn] nơi phố chợ [để mà thương thảo].

 

Phải thật nhiệt tâm và cố gắng,

Không ngưng nghỉ, ngày cũng như đêm.

Trước một người như thế thì vị Sáng suốt sẽ thốt lên :

‘Đây là một người biết ‘trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’.

   

Trên đây là những lời do Đấng Thế Tôn nêu lên. Sau khi nêu lên những lời ấy thì Vị Thành Đạt (Sugata / vị Phúc hạnh, vi ‘Thiện thệ’ và cũng là một trong các danh hiệu của Đức Phật) đứng lên, rời khỏi ghế, bước vào nơi trú ngụ. Ngay sau khi Đấng Thế Tôn vừa đi khỏi thì các tỳ-kheo bàn thảo với nhau : ‘Này các bạn, Đấng Thế Tôn nêu lên bài [kệ] tóm lược nhưng không giải thích chi tiết về ý nghĩa, sau đó thì bước vào nơi trú ngụ. Vậy có ai trong số chúng ta có thể giải thích chi tiết về ý nghĩa trong các câu do Đấng Thế Tôn nêu lên dưới hình thức một bài [kệ] tóm lược.

 

Sau đó thì các tỳ-kheo cùng đồng tình cho rằng : ‘Ngài Mahā-Kaccāna là vị [tỳ-kheo] được Đấng Thế Tôn ngợi khen và được các vị đồng tu kính nể, do vậy vị ấy sẽ có thể giải thích chi tiết về ý nghĩa mà Đấng Thế Tôn không giải thích chi tiết, mà chỉ nêu lên các câu vắn tắt. Vì vậy, tốt hơn hết, chúng ta nên tìm vị Mahā-Kaccāna để hỏi ý nghĩa trong các câu phát biểu ấy.

 

Các tỳ-kheo bèn kéo nhau tìm Ngài Mahā-Kaccāna, khi gặp Ngài thì hai bên cùng trao đổi với nhau vài lời kính cẩn và lễ phép, sau đó thì ngồi sang một bên. Sau khi an tọa thì các tỳ-kheo nói với Ngài Mahā-Kaccāna như sau :

 

« Không đuổi bắt quá khứ,

Không tơ tưởng tương lai,

[Bởi vì] tương lai chưa kịp đến,

Và quá khứ thì không còn.

 

Hãy nhìn vào hiện tại khi nó hiện ra ,

Hãy nhìn vào nó bằng trí tuệ (sự sáng suốt),

Hãy quán thấy nó hầu mang lại [cho mình] sự vững tin,

Bất khuất và không hề lay chuyển.

 

Sức cố gắng là để phát huy trong ngày hôm nay,

Ngày mai, cái chết có thể sẽ xảy ra – nào có ai biết được ?

Thần chết và đám lâu la,

Nào có phải là [các con buôn] nơi phố chợ [để mà thương thảo].

 

Phải thật nhiệt tâm và cố gắng,

Không ngưng nghỉ, ngày cũng như đêm.

Trước một người như thế thì vị Sáng suốt sẽ thốt lên :

‘Đây là một người biết ‘trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’.

   

[Sau đó thì] Đấng Thế Tôn rời khỏi ghế và bước vào nơi trú ngụ. Khi Đấng Thế Tôn vừa đi khỏi, thì chúng tôi bàn với nhau : ‘Đấng Thế Tôn không giải thích chi tiết mà chỉ nêu lên các câu vắn tắt như sau :

 

« Không đuổi bắt quá khứ,

Không tơ tưởng tương lai,

[Bởi vì] tương lai chưa kịp đến,

Và quá khứ thì không còn.

 

Hãy nhìn vào hiện tại khi nó hiện ra ,

Hãy nhìn vào nó bằng trí tuệ (sự sáng suốt),

Hãy quán thấy nó hầu mang lại [cho mình] sự vững tin,

Bất khuất và không hề lay chuyển.

 

Sức cố gắng là để phát huy trong ngày hôm nay,

Ngày mai, cái chết có thể sẽ xảy ra – nào có ai biết được ?

Thần chết và đám lâu la,

Nào có phải là [các con buôn] nơi phố chợ [để mà thương thảo].

 

Phải thật nhiệt tâm và cố gắng,

Không ngưng nghỉ, ngày cũng như đêm.

Trước một người như thế thì vị Sáng suốt sẽ thốt lên :

‘Đây là một người biết ‘trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’.

 

[Sau khi nói lên như thế thì] Đấng Thế Tôn đứng lên, rời khỏi ghế, bước vào nơi trú ngụ. Sau đó thì các tỳ-kheo cùng đồng tình cho rằng : ‘Ngài Mahā-Kaccāna là người [tỳ-kheo] được Đấng Thế Tôn ngợi khen và được các vị đồng tu kính nể, do vậy vị ấy sẽ có thể giải thích chi tiết ý nghĩa mà Đấng Thế Tôn không giải thích chi tiết, mà chỉ nêu lên các câu [kệ] vắn tắt. Tốt hơn hết chúng ta nên tìm vị ấy để hỏi ý nghĩa trong các câu phát biểu ấy.

 

[Sau khi nghe các tỳ-kheo thuật lại câu chuyện thì] Ngài Mahā-Kaccāna bèn nói lên như sau : « Này các bạn, điều đó chẳng khác gì như một người tìm kiếm lõi cây và tìm được một cội cây cao sừng sững, thế nhưng không hề nghĩ rằng lõi cây là ở thân cây, mà chỉ đi tìm lõi cây trong cành lá (Ngài Mahā-Kaccāna nói lên sự khiêm tốn của mình bằng cách ví mình với các cành lá, trong khi Đức Phật là cội cây với gốc rễ, lõi cây và thân cây to lớn). Cũng vậy, này các bạn [đồng tu] đáng kính, các bạn không nêu lên các thắc mắc của mình với Đấng Thế Tôn khi Ngài còn đang trước mặt các bạn, mà nghĩ rằng ý nghĩa chi tiết trong các lời phát biểu của Ngài là phải hỏi tôi. Trong khi đó, này các bạn, Đấng Thế Tôn là vị hiểu biết tất cả, Ngài là Vị hiểu biết ; Ngài là vị trông thấy tất cả những gì cần phải trông thấy, Ngài là Vị Quán thấy ; Ngài là Vị Trí tuệ, Ngài là Dhamma ; Ngài là Brahmā (Phạm thiên / vị Trời trong Ấn giáo) ; Ngài là Vị khởi động Bánh xe Dhamma, làm chuyển động Bánh xe Dhamma, và Bánh xe Dhamma vẫn còn tiếp tục lăn đều ; Ngài là Vị nêu lên ý nghĩa ; Ngài là Vị mang lại sự bất tử ; Ngài là Vị thầy thuyết giảng Dhamma ; Ngài là Tathāgata (Như Lai). Này các bạn, các bạn từng đối diện với Đấng Thế Tôn, đấy là dịp mà các bạn phải nêu lên các thắc mắc của mình với Đấng Thế Tôn, và Ngài giải thích như thế nào thì các bạn phải ghi nhớ đúng như vậy ».

 

« Thưa bạn Kaccāna, quả đúng là như vậy, Đấng Thế Tôn là Vị hiểu biết tất cả, Ngài là Vị hiểu biết ; Ngài là Vị trông thấy tất cả những gì cần phải trông thấy, Ngài là Vị Quán thấy ; Ngài là Vị Trí tuệ, Ngài là Dhamma ; Ngài là Brahmā; Ngài là Vị khởi động Bánh xe Dhamma, làm chuyển động Bánh xe Dhamma, và Bánh xe Dhamma vẫn còn tiếp tục lăn đều ; Ngài là Vị nêu lên ý nghĩa ; Ngài là Vị mang lại sự bất tử ; Ngài là Vị thầy thuyết giảng Dhamma ; Ngài là Tathāgata. [Vì thế] khi đối diện với Đấng Thế Tôn thì đấy là dịp mà chúng tôi phải nêu lên thắc mắc của chúng tôi về ý nghĩa trong những lời phát biểu của Đấng Thế Tôn, và Ngài giải thích như thế nào thì chúng tôi phải ghi nhớ đúng như vậy. Thế nhưng chúng tôi cũng nghĩ rằng : Ngài Mahā-Kaccāna là người hội đủ khả năng giải thích chi tiết ý nghĩa trong câu phát biểu của Đấng Thế Tôn, nhưng Ngài không giải thích chi tiết về ý nghĩa, mà chỉ nêu lên các câu [kệ] tóm lược. Chúng tôi xin Ngài Mahā-Kaccāna hãy giải thích cho chúng tôi, nếu điều đó không làm phiền đến Ngài ».   

 

Ngài Mahā-Kaccāna nói lên như sau : « Vậy thì, này các bạn, các bạn hãy chăm chú lắng nghe, tôi sẽ giảng ».

 

Các tỳ-kheo đáp lại : « Vâng, thưa bạn ».

 

« Không đuổi bắt quá khứ,

Không tơ tưởng tương lai,

[Bởi vì] tương lai chưa kịp đến,

Và quá khứ thì không còn.

 

Hãy nhìn vào hiện tại khi nó hiện ra ,

Hãy nhìn vào nó bằng trí tuệ (sự sáng suốt),

Hãy quán thấy nó hầu mang lại [cho mình] sự vững tin,

Bất khuất và không hề lay chuyển.

 

Sức cố gắng là để phát huy trong ngày hôm nay,

Ngày mai, cái chết có thể sẽ xảy ra – nào có ai biết được ?

Thần chết và đám lâu la,

Nào có phải là [các con buôn] nơi phố chợ [để mà thương thảo].

 

Phải thật nhiệt tâm và cố gắng,

Không ngưng nghỉ, ngày cũng như đêm.

Trước một người như thế thì vị Sáng suốt sẽ thốt lên :

‘Đây là một người biết ‘trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’.

 

« Trên đây là những lời mà Đấng Thế Tôn nêu lên, và sau đó thì Ngài đứng lên, rời khỏi ghế và bước vào nơi trú ngụ. Và đây là cách mà tôi hiểu ý nghĩa chi tiết về những lời phát biểu do Đấng Thế Tôn nêu lên một cách vắn tắt nhưng không giải thích chi tiết. Này các bạn, vậy một người đuổi bắt quá khứ là như thế nào ?)

 

Người ấy tự nhủ: ‘Mắt của tôi trong quá khứ là như thế, và đây là các hình tướng [mà tôi từng trông thấy trong quá khứ], tri thức của người ấy bám chặt vào các sự thèm khát, và bám víu vào những gì mà mình trông thấy. Vì nguyên nhân bám chặt đó của tri thức nên người ấy [cảm thấy] thích thú và vui sướng với sự bám chặt ấy [của mình]. Đấy là cách mà người ấy vui sướng với sự đuổi bắt quá khứ.   

 

Người ấy tự nhủ : ‘Tai của tôi trong quá khứ là như thế, và đây là các âm thanh [mà tôi nghe thấy trong quá khứ]’, tri thức của người ấy bám chặt vào các sự thèm khát, và bám víu vào những gì mà mình nghe thấy. Vì nguyên nhân bám chặt đó của tri thức nên người ấy [cảm thấy] thích thú và vui sướng với sự bám chặt ấy [của mình]. Đấy là cách mà người ấy vui sướng với sự đuổi bắt quá khứ.

 

Người ấy tự nhủ : ‘Mũi của tôi trong quá khứ là như thế, và đây là các mùi [mà tôi ngửi thấy trong quá khứ]’, tri thức của người ấy bám chặt vào các sự thèm khát, và bám víu vào những gì mà mình ngửi thấy. Vì nguyên nhân bám chặt đó của tri thức nên người ấy [cảm thấy] thích thú và vui sướng với sự bám chặt ấy [của mình]. Đấy là cách mà người ấy vui sướng với sự đuổi bắt quá khứ.

 

Người ấy tự nhủ : ‘Lưỡi của tôi trong quá khứ là như thế, và đây là các vị [mà tôi nếm thấy trong quá khứ]’, tri thức của người ấy bám chặt vào các sự thèm khát, và bám víu vào những gì mà mình nếm thấy. Vì nguyên nhân bám chặt đó của tri thức nên người ấy [cảm thấy] thích thú và vui sướng với sự bám chặt ấy [của mình]. Đấy là cách mà người ấy vui sướng với sự đuổi bắt quá khứ.

 

Người ấy tự nhủ : ‘Thân thể của tôi trong quá khứ là như thế, và đây là các sự đụng chạm với thân thể tôi [mà tôi cảm thấy trong quá khứ]’, tri thức của người ấy bám chặt vào các sự thèm khát, và bám víu vào những gì mà mình cảm thấy [qua các sự đụng chạm với thân thể mình trong quá khứ]. Vì nguyên nhân bám chặt đó của tri thức nên người ấy [cảm thấy] thích thú và vui sướng với sự bám chặt ấy [của mình]. Đấy là cách mà người ấy vui sướng với sự đuổi bắt quá khứ.

 

Người ấy tự nhủ : ‘Tâm thần của tôi trong quá khứ là như thế, và đây là các đối tượng tâm thần (các ý nghĩ, các xúc cảm, các sự hình dung, tưởng tượng…) [mà tôi ý thức được, cảm nhận được trong quá khứ]’, tri thức của người ấy bám chặt vào các sự thèm khát, và bám víu vào những gì mà mình ý thức được. Vì nguyên nhân bám chặt đó của tri thức nên người ấy [cảm thấy] thích thú và vui sướng với sự bám chặt ấy [của mình]. Đấy là cách mà người ấy vui sướng với sự đuổi bắt quá khứ.

 

Đến đây, này các bạn, một người không đuổi bắt quá khứ là như thế nào ? Người ấy tự nhủ: ‘Mắt của tôi trong quá khứ là như thế, và đây là các hình tướng [mà tôi trông thấy trong quá khứ]’, tri thức của người ấy không bám chặt vào các sự thèm khát, cũng không bám víu vào những gì mà mình trông thấy. Vì nguyên nhân không bám chặt đó của tri thức nên người ấy không [cảm thấy] thích thú và vui sướng với sự bám chặt ấy [của mình].  Đấy là cách mà người ấy không vui sướng với sự đuổi bắt quá khứ của mình.   

 

(Câu trên đây được lập lại với các trường hợp của tai và âm thanh, của mũi và mùi, của lưỡi và vị, của thân thể và các sự đụng chạm trên thân thể, thế nhưng đã được cắt bớt để tránh sự dài dòng)

 

Người ấy tự nhủ: ‘Tâm thần tôi trong quá khứ là như thế, và đây là các đối tượng tâm thần (các ý nghĩ, xúc cảm, tác ý…) [mà tôi ý thức được trong quá khứ]’, tri thức của người ấy không bám chặt vào các sự thèm khát, cũng không bám víu vào những gì mà mình ý thức được. Vì nguyên nhân không bám chặt đó của tri thức nên người ấy không [cảm thấy] thích thú và vui sướng với sự bám víu ấy [của mình].  Đấy là cách mà người ấy không vui sướng với sự đuổi bắt quá khứ của mình.

 

Đến đây, này các bạn, một người tơ tưởng đến tương lai là như thế nào ? Người ấy ước mong : ‘Mắt tôi sẽ phải được là như thế trong tương lai ; hình tướng vật chất của tôi sẽ phải được là như thế trong tương lai. Người ấy hướng tâm thức mình vào việc chiếm hữu những gì mà mình chưa đạt được. Vì nguyên nhân hướng vào tương lai nên người ấy [cảm thấy] vui sướng với tương lai. Với sự vui sướng đó, người ấy tơ tưởng đến tương lai.

 

(Câu trên đây được lập lại với các trường hợp của tai và âm thanh, của mũi và mùi, của lưỡi và vị, của thân thể và các sự đụng chạm trên thân thể, thế nhưng đã được cắt bớt để tránh sự dài dòng)

 

Người ấy ước mong : ‘Tâm thần tôi sẽ phải được là như thế trong tương lai ; các đối tượng tâm thần (các ý nghĩ, các xúc cảm, các sự hình dung…) sẽ phải được là như thế trong tương lai. Người ấy hướng tâm thần mình vào việc chiếm hữu những gì mà mình chưa đạt được. Vì nguyên nhân hướng vào tương lai nên người ấy [cảm thấy] vui sướng với tương lai. Với sự vui sướng đó, người ấy tơ tưởng đến tương lai.

 

« Đến đây, này các bạn, một người không tơ tưởng tương lai là như thế nào ? Người ấy ước mong : ‘Mắt tôi sẽ phải được là như thế trong tương lai ; các hình tướng vật chất sẽ phải được là như thế trong tương lai. [Thế nhưng] người ấy không hướng tâm thần mình vào việc chiếm hữu những gì mà mình chưa đạt được. Vì nguyên nhân không hướng vào tương lai nên người ấy không [cảm thấy] vui sướng với tương lai. Với sự không vui sướng đó, người ấy không tơ tưởng đến tương lai.

 

(Câu trên đây được lập lại với các trường hợp của tai và âm thanh, của mũi và mùi, của lưỡi và vị, của thân thể và các sự đụng chạm trên thân thể, thế nhưng đã được cắt bớt để tránh sự dài dòng)

 

Người ấy ước mong : ‘Tâm thần tôi sẽ phải được là như thế trong tương lai ; các đối tượng tâm thần sẽ phải được là như thế trong tương lai. [Thế nhưng] người ấy không hướng tâm thần mình vào việc chiếm hữu những gì mà mình chưa đạt được. Vì nguyên nhân không hướng vào tương lai nên người ấy không [cảm thấy] vui sướng với tương lai. Với sự không vui sướng đó, người ấy không tơ tưởng đến tương lai.

 

Đến đây, này các tỳ-kheo, một người nào đó hướng mình vào hiện tại là như thế nào ? Đối với những gì liên quan đến mắt và hình tướng vật chất, là hai thứ [đang hiện ra] trong hiện tại, thì tri thức của người ấy bám chặt vào sự thích thú và bám víu vào những gì mà người ấy [đang] trông thấy trong hiện tại. Vì nguyên nhân bám chặt đó của tri thức, nên người ấy [cảm thấy] vui sướng với sự bám chặt ấy [của mình]. Với sự vui thích đó, người ấy hướng mình vào hiện tại.

 

(Câu trên đây được lập lại với các trường hợp của tai và âm thanh, của mũi và mùi, của lưỡi và vị, của thân thể và các sự đụng chạm trên thân thể, thế nhưng đã được cắt bớt để tránh sự dài dòng)

 

Đối với những gì liên quan đến tâm thần và các đối tượng tâm thần (ý nghĩ, xúc cảm…), là hai thứ [đang hiện ra] trong hiện tại, thì tri thức của người ấy bám chặt vào sự thích thú và bám víu vào những gì mà mình đang ý thức được (nhận thức được) trong hiện tại. Vì nguyên nhân bám chặt đó của tri thức, nên người ấy [cảm thấy] vui thích với sự bám víu ấy [của mình]. Với sự vui thích đó, này các bạn, người ấy hướng mình vào hiện tại.  

 

Đến đây, này các bạn, một người không hướng mình vào hiện tại là như thế nào ? Đối với những gì liên quan đến mắt và hình tướng vật chất, là hai thứ [đang hiện ra] trong hiện tại, thì tri thức của người ấy không bám chặt vào sự thích thú, cũng không bám víu vào những gì mà người ấy đang trông thấy trong hiện tại. Vì nguyên nhân không bám chặt đó của tri thức, nên người ấy không [cảm thấy] vui thích với sự bám chặt ấy [của mình]. Với sự không vui thích đó, người ấy không hướng mình vào hiện tại (đây là điểm tột đỉnh của ý niệm về thời gian đối với một người tu tập. Không những không đuổi bắt quá khứ, không tơ tưởng đến tương lai, mà người tu tập cũng không hướng mình vào hiện tại, không bám chặt vào hiện tại. Tuyệt vời thay phong thái của một người tu hành thoát ra khỏi thời gian, dù thời gian là quá khứ, tương lai hay hiện tại).

 

(Câu trên đây được lập lại với các trường hợp của tai và âm thanh, của mũi và mùi, của lưỡi và vị, của thân thể và các sự đụng chạm trên thân thể, thế nhưng đã được cắt bớt để tránh sự dài dòng)

 

Đối với những gì liên quan đến tâm thần và các đối tượng tâm thần, là hai thứ [đang hiện ra] trong hiện tại, thì tri thức của người ấy không bám chặt vào sự thích thú cũng không bám víu vào những gì mà người ấy đang trông thấy trong hiện tại. Vì nguyên nhân không bám chặt ấy của tri thức, nên người ấy không [cảm thấy] vui thích với sự không bám chặt ấy [của mình]. Với sự không vui thích đó, người ấy không hướng mình vào hiện tại.

 

Này các bạn, câu phát biểu của Đấng Thế Tôn nêu lên nhưng không giải thích chi tiết, là như thế này :  

 

« Không đuổi bắt quá khứ

Không tơ tưởng tương lai,

[Bởi vì] tương lai chưa kịp đến,

Và quá khứ thì không còn.

 

Hãy nhìn vào hiện tại khi nó hiện ra ,

Hãy nhìn vào nó bằng trí tuệ (sự sáng suốt),

Hãy quán thấy nó hầu mang lại [cho mình] sự vững tin,

Bất khuất và không hề lay chuyển.

 

Sức cố gắng là để phát huy trong ngày hôm nay,

Ngày mai, cái chết có thể sẽ xảy ra – nào có ai biết được ?

Thần chết và đám lâu la,

Nào có phải là [các con buôn] nơi phố chợ [để mà thương thảo].

 

Phải thật nhiệt tâm và cố gắng,

Không ngưng nghỉ, ngày cũng như đêm.

Trước một người như thế thì vị Sáng suốt sẽ thốt lên :

‘Đây là một người biết ‘trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’.

 

Theo tôi hiểu thì ý nghĩa chi tiết trong câu phát biểu ngắn gọn nhưng không giải thích chi tiết của của Đấng Thế Tôn là như tôi vừa trình bày trên đây. [Tuy nhiên], đối với các bạn, thì các bạn nên tìm Đấng Thế Tôn để nhờ Ngài giải thích chi tiết về câu phát biểu đó của Ngài. Sau đó thì các bạn nên ghi nhớ những lời giải thích ấy của Ngài.

         

Các tỳ-kheo rất vui mừng về những lời giải thích của Ngài Mahā-Kaccāna . Họ rất hài lòng về những lời giải thích ấy, họ đứng lên và rời khỏi ghế, sau đó thì cùng nhau quay lại nơi Đáng Thế Tôn đang trú ngụ. Khi gặp được Đấng Thế Tôn thì vái chào Ngài và ngồi sang một bên. Sau khi an tọa, các tỳ-kheo nói lên với Đấng Thế Tôn như sau : ‘Thế Tôn nêu lên các lời như sau nhưng không giải thích :

 

« Không đuổi bắt quá khứ,

Không tơ tưởng tương lai,

[Bởi vì] tương lai chưa kịp đến,

Và quá khứ thì không còn.

 

Hãy nhìn vào hiện tại khi nó hiện ra ,

Hãy nhìn vào nó bằng trí tuệ (sự sáng suốt),

Hãy quán thấy nó hầu mang lại [cho mình] sự vững tin,

Bất khuất và không hề lay chuyển.

 

Sức cố gắng là để phát huy trong ngày hôm nay,

Ngày mai, cái chết có thể sẽ xảy ra – nào có ai biết được ?

Thần chết và đám lâu la,

Nào có phải là [các con buôn] nơi phố chợ [để mà thương thảo].

 

Phải thật nhiệt tâm và cố gắng,

Không ngưng nghỉ, ngày cũng như đêm.

Trước một người như thế thì vị Sáng suốt sẽ thốt lên :

‘Đây là một người biết ‘trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’.

 

[Và sau đó thì] Thế Tôn rời khỏi ghế và bước vào nơi trú ngụ. [Chúng tôi tự hỏi] có ai trong số chúng tôi có thể giải thích chi tiết về ý nghĩa trong các câu phát biểu đó của Thế Tôn nhưng Thế Tôn không giải thích ý nghĩa chi tiết mà chỉ nêu lên một cách vắn tắt ? [Sau đó] chúng tôi cùng bàn thảo với nhau : ‘Ngài Mahā-Kaccāna từng được Thế Tôn ngợi khen, và cũng từng được các vị đồng tu uyên bác kính nể, tất là người có đủ khả năng giải thích chi tiết những lời phát biểu của Thế Tôn, nhưng Thế Tôn không giải thích chi tiết mà chỉ nêu lên một cách vắn tắt.

 

Sau đó, chúng tôi bèn tìm đến nơi mà Ngài Mahā-Kaccāna đang trú ngụ. Khi gặp được Ngài thì chúng tôi xin Ngài giải thích cho chúng tôi về ý nghĩa chi tiết [trong câu phát biểu của Thế Tôn]. Ngài Mahā-Kaccāna giải thích cho chúng tôi về ý nghĩa [trong câu phát biểu của Thế Tôn] là như thế.

 

Đấng Thế Tôn đáp lại như sau : « Này các tỳ-kheo, Mahā-Kaccāna là một vị uyên bác, Mahā-Kaccāna là một học giả rất cao thâm. Nếu các tỳ-kheo hỏi ta về ý nghĩa chi tiết [trong các lời phát biểu ấy] thì ta cũng sẽ trả lời đúng với cách giải thích của Mahā-Kaccāna. Ý nghĩa trong những lời phát biểu ấy đúng là như thế. Các tỳ-kheo hãy ghi nhớ những gì mà Mahā-Kaccāna nêu lên với các tỳ-kheo (mẩu chuyện trên đây cho thấy cách Đức Phật gián tiếp và kín đáo đào tạo các đệ tử uyên bác để sau này quảng bá Dhamma. Đức Phật chuẩn bị một Tăng đoàn đầy đủ khả năng ngay trong lúc Ngài còn tại thế. Vị Mahā-Kaccāna được xem là vị đệ tử chuyên gia về lý thuyết của Đức Phật).

 

Đấng Thế Tôn nói lên như thế. Các tỳ-kheo rất vui sướng và hân hoan trước những lời nói ấy của Đấng Thế Tôn.

 

Sau đây là bài giảng này trong Đại Tạng Kinh tiếng Việt :

 

Trung Bộ Kinh

133. Kinh Đại Ca-chiên-diên Nhất dạ hiền giả

 

Như vầy tôi nghe.

 

Một thời, Thế Tôn trú ở Rājagaha (Vương Xá), tại Tinh / Tịnh xá Tapodā.

 

Lúc bấy giờ, Tôn giả Samiddhi, thức dậy vừa lúc bình minh đi đến Tapodā để tắm rửa tay chân. Tắm rửa tay chân ở Tapodā xong, sau khi lên khỏi nước, vị ấy đứng mặc một y để tay chân cho khô. Rồi sau khi đêm vừa mãn, một Thiên thần, chói sáng với dung sắc thù thắng cả vùng Tapodā, đi đến Tôn giả Samiddhi, sau khi đến, liền đứng một bên. Đứng một bên, Thiên Thần ấy thưa Tôn giả Samiddhi

 

—Này Tỷ-kheo, Ngài có thọ trì tổng thuyết và biệt thuyết về Nhứt Dạ Hiền Giả không?

 

—Này Hiền giả, tôi không có thọ trì tổng thuyết và biệt thuyết về Nhứt Dạ Hiền Giả. Nhưng này Hiền giả, Hiền giả có thọ trì tổng thuyết và biệt thuyết về Nhứt Dạ Hiền Giả không?

 

—Này Tỷ-kheo, tôi cũng không có thọ trì tổng thuyết và biệt thuyết về Nhứt Dạ Hiền Giả. Nhưng này Tỷ-kheo, Ngài có thọ trì bài kệ về Nhứt Dạ Hiền Giả không?

 

—Này Hiền giả, tôi không có thọ trì bài kệ về Nhứt Dạ Hiền Giả. Nhưng này Hiền giả, Hiền giả có thọ trì bài kệ về Nhứt Dạ Hiền Giả không?

 

—Này Tỷ-kheo, tôi không có thọ trì bài kệ về Nhứt Dạ Hiền Giả. Này Tỷ-kheo, hãy học tổng thuyết và biệt thuyết về Nhứt Dạ Hiền Giả. Này Tỷ-kheo, hãy học cho thuần thục tổng thuyết và biệt thuyết về Nhứt Dạ Hiền Giả. Này Tỷ-kheo, hãy thọ trì tổng thuyết và biệt thuyết về Nhứt Dạ Hiền Giả. Vì rằng, này Tỷ-kheo, tổng thuyết và biệt thuyết về Nhứt Dạ Hiền Giả là liên hệ đến mục đích và căn bản của Phạm hạnh.

 

Thiên thần ấy nói như vậy. Sau khi nói vậy, vị ấy biến mất ở đấy. Rồi Tôn giả Samiddhi sau khi đêm ấy đã mãn, liền đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Samiddhi bạch Thế Tôn:

 

—Ở đây, bạch Thế Tôn, con thức dậy vừa lúc bình mình đi đến Tapodā để tắm rửa tay chân. Tắm rửa tay chân ở Tapodā xong, sau khi lên khỏi nước, con đứng mặc một y để tay chân cho khô. Rồi bạch Thế Tôn, sau khi đêm vừa mãn, một Thiên thần, chói sáng với dung sắc thù thắng cả vùng Tapodā, … và là căn bản Phạm hạnh”. Thiên thần ấy nói như vậy. Sau khi nói như vậy, vị ấy biến mất ở đấy. Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết giảng cho tổng thuyết và biệt thuyết về Nhứt Dạ Hiền Giả!

 

—Vậy này Tỷ-kheo, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói.

 

—Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

 

Tôn giả Samiddhi vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

 

Quá khứ không truy tìm

Tương lai không ước vọng,

Quá khứ đã đoạn tận,

Tương lai lại chưa đến,

Chỉ có pháp hiện tại,

Tuệ quán chính ở đây.

Không động, không rung chuyển,

Biết vậy nên tu tập

Hôm nay nhiệt tâm làm

Ai biết chết ngày mai?

Không ai điều đình được

Với đại quân thần chết,

Trú như vậy nhiệt tâm

Đêm ngày không mệt mỏi,

Xứng gọi Nhứt dạ Hiền,

Bậc an tịnh, trầm lặng.

 

Thế Tôn nói như vậy. Sau khi nói như vậy, Thiện Thệ từ chỗ ngồi đứng dậy và đi vào tinh xá,

 

Rồi các Tỷ-kheo ấy, sau khi Thế Tôn đi không bao lâu, liền suy nghĩ: “Này chư Hiền, Thế Tôn sau khi thuyết giảng phần tổng thuyết một cách vắn tắt cho chúng ta, không giải nghĩa một cách rộng rãi, từ chỗ ngồi đứng dậy và đi vào tịnh xá:

 

Quá khứ đã đoạn tận,

Tương lai lại chưa đến,

Chỉ có pháp hiện tại,

Tuệ quán chính ở đây.

Không động, không rung chuyển,

Biết vậy nên tu tập

Hôm nay nhiệt tâm làm

Ai biết chết ngày mai?

Không ai điều đình được

Với đại quân thần chết,

Trú như vậy nhiệt tâm

Đêm ngày không mệt mỏi,

Xứng gọi Nhứt dạ Hiền,

Bậc an tịnh, trầm lặng.                                                                                                 

Nay không biết ai có thể giải nghĩa một cách rộng rãi tổng thuyết này, phần này chỉ được Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt, không được giải nghĩa một cách rộng rãi”.

 

Rồi các Tỷ-kheo ấy suy nghĩ như sau: “Tôn giả Mahākaccāna (Đại Ca-chiên-diên) này đã được Thế Tôn tán thán và được các đồng Phạm hạnh có trí kính trọng; Tôn giả Mahākaccāna có thể giải nghĩa một cách rộng rãi tổng thuyết này, phần này chỉ được Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt, không giải nghĩa một cách rộng rãi. Vậy chúng ta hãy đến Tôn giả Mahākaccāna, sau khi đến chúng ta hãy hỏi Tôn giả Mahākaccāna về ý nghĩa này”.

 

Rồi các Tỷ-kheo ấy đi đến Tôn giả Mahākaccāna, sau khi đến nói lên với Tôn giả Mahākaccāna những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy thưa với Tôn giả Mahākaccāna:

 

—Thưa Hiền giả Kaccāna, Thế Tôn sau khi đọc tổng thuyết này, không giải nghĩa một cách rộng rãi, từ chỗ ngồi đứng dậy và đi vào tịnh xá:

 

Quá khứ không truy tìm

Tương lai không ước vọng,

Quá khứ đã đoạn tận,

Tương lai lại chưa đến,

Chỉ có pháp hiện tại,

Tuệ quán chính ở đây.

Không động, không rung chuyển,

Biết vậy nên tu tập

Hôm nay nhiệt tâm làm

Ai biết chết ngày mai?

Không ai điều đình được

Với đại quân thần chết,

Trú như vậy nhiệt tâm

Đêm ngày không mệt mỏi,

Xứng gọi Nhứt dạ Hiền,

Bậc an tịnh, trầm lặng.

 

Nay không biết ai có thể giải nghĩa một cách rộng rãi tổng thuyết này, phần này chỉ được Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt, không được giải nghĩa một cách rộng rãi. Rồi này Hiền giả Kaccāna, chúng tôi suy nghĩ như sau: “Tôn giả Mahākaccāna này đã được Thế Tôn tán thán … chúng ta hãy hỏi Tôn giả Mahākaccāna về ý nghĩa này”. Tôn giả Mahākaccāna hãy giải thích cho.

 

—Này chư Hiền, ví như một người cần thiết lõi cây, tìm cầu lõi cây, đang đi tìm cầu lõi cây, đứng trước một cây lớn có lõi cây. Người ấy bỏ rễ, bỏ thân cây, nghĩ rằng lõi cây cần phải tìm trong các nhánh cây, lá cây. Cũng vậy, là việc làm của chư Tôn giả … Chư Tôn giả đứng trước mặt Thế Tôn, chư Tôn giả lại vượt qua Thế Tôn, và nghĩ rằng cần phải hỏi tôi về ý nghĩa này. Nhưng này chư Hiền, Thế Tôn biết những gì cần biết, thấy những gì cần thấy, bậc có mắt, bậc Trí giả, bậc Pháp giả, bậc Phạm thiên, bậc Thuyết giả, bậc Tuyên thuyết giả, bậc dẫn đến mục đích, bậc đem cho bất tử, bậc Pháp chủ, bậc Như Lai. Nay đã đến thời, chư Hiền hãy đến hỏi Thế Tôn về ý nghĩa này. Thế Tôn giải thích cho chư Hiền như thế nào, chư Hiền hãy như vậy thọ trì.

 

—Thưa Hiền giả Kaccāna, chắc chắn Thế Tôn biết những gì cần biết, thấy những gì cần thấy, bậc có mắt, bậc Trí giả, bậc Pháp giả, bậc Phạm thiên, bậc Thuyết giả, bậc Tuyên thuyết giả, bậc dẫn đến mục đích, bậc đem cho bất tử, bậc Pháp chủ, bậc Như Lai. Nay đã đến thời chúng tôi đến hỏi Thế Tôn về ý nghĩa này. Thế Tôn giải thích cho chúng tôi như thế nào, chúng tôi sẽ như vậy thọ trì. Nhưng Tôn giả Mahākaccāna được Thế Tôn tán thán, được các vị đồng Phạm hạnh kính trọng. Tôn giả Mahākaccāna có thể giải thích một cách rộng rãi tổng thuyết này, phần này chỉ được Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt, không được giải nghĩa một cách rộng rãi. Mong Tôn giả Mahākaccāna giải thích cho nếu Tôn giả không cảm thấy phiền phức.

 

—Vậy chư hiền, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, tôi sẽ nói.

 

—Thưa vâng, Hiền giả.

 

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Mahākaccāna. Tôn giả Mahākaccāna nói như sau:

 

—Này Hiền giả, phần tổng thuyết Thế Tôn đọc lên một cách vắn tắt, không giải nghĩa một cách rộng rãi, từ chỗ ngồi đứng dậy và đã đi vào trong tịnh xá:

 

Quá khứ không truy tìm

Tương lai không ước vọng,

Quá khứ đã đoạn tận,

Tương lai lại chưa đến,

Chỉ có pháp hiện tại,

Tuệ quán chính ở đây.

Không động, không rung chuyển,

Biết vậy nên tu tập

Hôm nay nhiệt tâm làm

Ai biết chết ngày mai?

Không ai điều đình được

Với đại quân thần chết,

Trú như vậy nhiệt tâm

Đêm ngày không mệt mỏi,

Xứng gọi Nhứt dạ Hiền,

Bậc an tịnh, trầm lặng.

 

Về phần tổng thuyết này chỉ được Thế Tôn đọc lên một cách vắn tắt, không được giải nghĩa một cách rộng rãi, này chư Hiền, tôi hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như sau:

 

Này chư Hiền, thế nào là truy tìm quá khứ? “Mắt của tôi trong thời quá khứ là như vậy, các sắc pháp là như vậy”, và thức ở đây bị dục và ái trói chặt. Vì thức bị dục và ái trói chặt, vị ấy hân hoan trong ấy. Vì hân hoan trong ấy, vị ấy truy tìm quá khứ. “Tai của tôi trong quá khứ là như vậy, các tiếng là như vậy” … “Mũi của tôi trong quá khứ là như vậy, các hương là như vậy” … “Lưỡi của tôi trong quá khứ là như vậy, các vị là như vậy” … “Thân của tôi trong quá khứ là như vậy, các xúc là như vậy” … “Ý của tôi trong quá khứ là như vậy, các pháp là như vậy”, và thức ở đây, bị dục và ái trói chặt. Vì rằng thức bị dục và ái trói chặt, vị ấy hân hoan trong ấy. Vì hân hoan trong ấy, vị ấy truy tìm quá khứ.

 

Và này chư Hiền, thế nào là không truy tìm quá khứ? “Mắt của tôi trong thời quá khứ là như vậy, các sắc pháp là như vậy”, và thức ở đây không bị dục và ái trói chặt. Vì thức không bị dục và ái trói chặt, vị ấy không hân hoan trong ấy. Vì không hân hoan trong ấy, vị ấy không truy tìm quá khứ. “Tai của tôi trong quá khứ là như vậy, các tiếng là như vậy”, … “Mũi của tôi trong quá khứ là như vậy, các hương là như vậy”, … “Lưỡi của tôi trong quá khứ là như vậy, các vị là như vậy”, … “Thân của tôi trong quá khứ là như vậy, các xúc là như vậy”, … “Ý của tôi trong quá khứ là như vậy, các pháp là như vậy”, và thức ở đây không bị dục và ái trói chặt. Vì thức không bị dục và ái trói chặt, vị ấy không hân hoan trong ấy. Vì không hân hoan trong ấy, vị ấy không truy tìm quá khứ. Như vậy, này chư Hiền, là không truy tìm quá khứ.

 

Và này chư Hiền, thế nào là ước vọng tương lai? “Mong rằng mắt của tôi trong tương lai sẽ là như vậy, các sắc pháp là như vậy”, và vị ấy hướng tâm lấy cho được cái gì chưa được. Vì duyên hướng tâm như vậy, vị ấy hân hoan trong ấy. Do hân hoan trong ấy, vị ấy ước vọng tương lai. “Mong rằng tai của tôi trong tương lai sẽ là như vậy, các tiếng là như vậy”, … “Mong rằng mũi của tôi trong tương lai sẽ là như vậy, các hương là như vậy”, … “Mong rằng lưỡi của tôi trong tương lai sẽ là như vậy, các vị là như vậy”, … “Mong rằng thân của tôi trong tương lai sẽ là như vậy, các xúc là như vậy”, … “Mong rằng ý của tôi trong tương lai sẽ là như vậy, các pháp là như vậy”, và vị ấy hướng tâm lấy cho được cái gì chưa được. Vì duyên hướng tâm như vậy, vị ấy hân hoan trong ấy. Do hân hoan trong ấy, vị ấy ước vọng tương lai. Như vậy, này chư Hiền, là ước vọng tương lai.

 

Và này chư Hiền, thế nào là không ước vọng tương lai? “Mong rằng mắt của tôi trong tương lai sẽ là như vậy, các sắc pháp là như vậy”, vị ấy không hướng tâm lấy cho được cái gì chưa được. Do duyên không hướng tâm, vị ấy không hân hoan trong ấy, vị ấy không có ước vọng tương lai. “Mong rằng tai của tôi trong tương lai sẽ là như vậy, các tiếng là như vậy”, … “Mong rằng mũi của tôi trong tương lai sẽ là như vậy, các hương là như vậy”, … “Mong rằng lưỡi của tôi trong tương lai sẽ là như vậy, các vị là như vậy”, … “Mong rằng thân của tôi trong tương lai sẽ là như vậy, các xúc là như vậy”, … “Mong rằng ý của tôi trong tương lai sẽ là như vậy, các pháp là như vậy”, vị ấy không hướng tâm lấy cho được cái gì chưa được. Do duyên không hướng tâm, vị ấy không hân hoan trong ấy. Do không hân hoan trong ấy, vị ấy không có ước vọng tương lai. Như vậy, này chư Hiền, là không ước vọng tương lai.

 

Và này chư Hiền, thế nào là bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại? Này chư Hiền, nếu mắt và các sắc pháp, cả hai đều có mặt trong hiện tại này, và thức của vị ấy bị dục và ái trói chặt cũng trong hiện tại này. Vì thức của vị ấy bị dục và ái trói chặt, vị ấy hân hoan trong ấy. Do hân hoan trong ấy, vị ấy bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại. Này chư Hiền, nếu tai và các tiếng … nếu mũi và các hương … nếu lưỡi và các vị … nếu thân và các xúc … Này chư Hiền nếu ý và các pháp, cả hai đều có mặt trong hiện tại này, và thức của vị ấy bị dục và ái trói chặt cũng trong hiện tại này. Vì thức của vị ấy bị dục và ái trói chặt, vị ấy hân hoan trong ấy. Do hân hoan trong ấy, vị ấy bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại. Như vậy, này chư Hiền, là bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại.

 

Và này chư Hiền, thế nào là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại? Này chư Hiền, nếu mắt và các sắc pháp, cả hai đều có mặt trong hiện tại này, và thức của vị ấy không bị dục và ái trói chặt cũng trong hiện tại này. Vì thức của vị ấy không bị dục và ái trói chặt, vị ấy không hân hoan trong ấy. Do không hân hoan trong ấy, vị ấy không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại. Này chư Hiền, nếu tai và các tiếng … Này chư Hiền, nếu mũi và các hương … Này chư Hiền, nếu lưỡi và các vị … Này chư Hiền, nếu thân và các xúc … Này chư Hiền, nếu ý và các pháp, cả hai đều có mặt trong hiện tại này, và thức của vị ấy không bị dục và ái trói chặt cũng trong hiện tại này. Vì thức của vị ấy không bị dục và ái trói chặt, vị ấy không hân hoan trong ấy. Do không hân hoan trong ấy, vị ấy không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại. Như vậy, này chư Hiền là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại.

 

Này chư Hiền, phần tổng thuyết Thế Tôn đọc lên một cách vắn tắt, không giải nghĩa một cách rộng rãi, từ chỗ ngồi đứng dậy và đã đi vào trong tịnh xá:

 

Quá khứ không truy tìm

Tương lai không ước vọng,

Quá khứ đã đoạn tận,

Tương lai lại chưa đến,

Chỉ có pháp hiện tại,

Tuệ quán chính ở đây.

Không động, không rung chuyển,

Biết vậy nên tu tập

Hôm nay nhiệt tâm làm

Ai biết chết ngày mai?

Không ai điều đình được

Với đại quân thần chết,

Trú như vậy nhiệt tâm

Đêm ngày không mệt mỏi,

Xứng gọi Nhứt dạ Hiền,

Bậc an tịnh, trầm lặng.

 

Phần tổng thuyết này, này chư Hiền, được Thế Tôn đọc lên một cách vắn tắt, không được giải nghĩa một cách rộng rãi; này chư Hiền, tôi hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy. Và nếu chư Tôn giả muốn, hãy đi đến Thế Tôn và hỏi ý nghĩa này. Thế Tôn giải thích các Tôn giả như thế nào, hãy như vậy thọ trì.

 

Rồi các Tỷ-kheo ấy, sau khi hoan hỷ tín thọ lời Tôn giả Mahākaccāna giảng, từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến Thế Tôn; sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

 

—Bạch Thế Tôn, Thế Tôn sau khi đọc phần tổng thuyết một cách vắn tắt cho chúng con, không giải nghĩa một cách rộng rãi, từ chỗ ngồi đứng dậy, và đi vào tịnh xá:

 

Quá khứ không truy tìm

Tương lai không ước vọng,

Quá khứ đã đoạn tận,

Tương lai lại chưa đến,

Chỉ có pháp hiện tại,

Tuệ quán chính ở đây.

Không động, không rung chuyển,

Biết vậy nên tu tập

Hôm nay nhiệt tâm làm

Ai biết chết ngày mai?

Không ai điều đình được

Với đại quân thần chết,

Trú như vậy nhiệt tâm

Đêm ngày không mệt mỏi,

Xứng gọi Nhứt dạ Hiền,

Bậc an tịnh, trầm lặng.

 

Bạch Thế Tôn, sau khi Thế Tôn đi không bao lâu, chúng con suy nghĩ như sau: “Thế Tôn sau khi đọc phần tổng thuyết một cách vắn tắt cho chúng con, không giải nghĩa một cách rộng rãi, và đã đi vào tịnh xá:

 

Quá khứ không truy tìm

Tương lai không ước vọng,

Quá khứ đã đoạn tận,

Tương lai lại chưa đến,

Chỉ có pháp hiện tại,

Tuệ quán chính ở đây.

Không động, không rung chuyển,

Biết vậy nên tu tập

Hôm nay nhiệt tâm làm

Ai biết chết ngày mai?

Không ai điều đình được

Với đại quân thần chết,

Trú như vậy nhiệt tâm

Đêm ngày không mệt mỏi,

Xứng gọi Nhứt dạ Hiền,

Bậc an tịnh, trầm lặng.

 

Nay không biết ai có thể giải nghĩa một cách rộng rãi tổng thuyết này, phần này chỉ được Thế Tôn đọc lên một cách vắn tắt, không được giải nghĩa một cách rộng rãi”.

 

Rồi bạch Thế Tôn, chúng con suy nghĩ như sau: “Tôn giả Mahākaccāna (Đại Ca chiên diên) này … chúng ta hãy hỏi Tôn giả Mahākaccāna về ý nghĩa này. “Rồi bạch Thế Tôn, chúng con đi đến Tôn giả Mahākaccāna, sau khi đến chúng con hỏi Tôn giả Mahākaccāna về ý nghĩa này. Ý nghĩa của những chữ ấy đã được Tôn giả Mahākaccāna giải thích cho chúng con với những phương pháp này, các những câu này, với những chữ này.

 

—Này các Tỷ-kheo, Mahākaccāna là bậc Hiền trí. Này các Tỷ-kheo, Mahākaccāna là bậc Đại trí tuệ. Này các Tỷ-kheo, nếu các Ông hỏi Ta về ý nghĩa này, Ta cũng giải thích cho các Ông như vậy, như Mahākaccāna đã giải thích. Thật sự ý nghĩa ấy là vậy, và các Ông hãy thọ trì như vậy.

 

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

 

Tiếp tục dưới đây là bài giảng thứ tư nêu lên ý niệm thời gian đối với một người tu hành :

 

 

Bài giảng cho Lōmasakaṅgiya

về sự trân quý nếp sống ẩn dật

Lōmasakaṅgiya Sutta MN 134

 

(Dựa theo các bản dịch tiếng Anh của Bhikkhu Sujato, Bhikkhu Ñāṇamoli, Bhikkhu Sujato, Lord Chamers, G.C.B., I.B. Horner, sister Upalavanna…,

và bản dịch tiếng Pháp của Môhan Wijayarattna,)

 

Tôi từng được nghe như vầy. Lúc đó, Đấng Thế Tôn đang ngụ tại tịnh xá của vị Anāthapiṇḍika, trong khu rừng Jeta, gần thị trấn Sāvatthi. Đồng thời, nơi khu rừng Nigrōdha, gần kinh thành Kapilavatthu, thì Ngài (Āyasmanta) Lōmasakaṅgiya (một vị tỳ-kheo uyên bác) cũng đang cùng sinh hoạt với các người dân Sākya.

 

Vào dịp đó, có một vị nam thiên nhân (devā / một vị thần linh, thánh linh, thiên nhân) tên là Candana tiến về phía Ngài Lōmasakaṅgiya, khi đến gần thì đứng sang một bên và nói lên như sau : « Này bạn tỳ-kheo, bạn có thuộc lòng bài tóm lược nêu lên ‘sự trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’ hay không ? »

 

« Không, thưa bạn, tôi không thuộc lòng được bài tóm lược nêu lên ‘sự trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’. Về phần bạn thì thế nào ? Bạn có thuộc lòng được bài tóm lược nêu lên ‘sự trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’ hay không ? »

 

« Không, thưa bạn tỳ-kheo, đối với tôi cũng vậy, tôi không thuộc lòng được bài tóm lược nêu lên ‘sự trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’. Tuy nhiên, này bạn tỳ-kheo, [là người tu hành thì] bạn phải thuộc lòng các câu tụng gāthā (gāthā là một bài kệ, một bài tụng ở thể văn vần, giúp dễ học thuộc lòng) nêu lên ‘sự trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi ! »

 

« Không, thưa bạn thiên nhân, tôi không thuộc lòng các câu tụng gāthā (các câu kệ) nêu lên ‘sự trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi. Vậy đối với bạn thì thế nào, bạn có thuộc lòng các câu tụng gāthā nêu lên ‘sự trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’ hay không ? »

 

« Có chứ, này bạn tỳ-kheo, tôi thuộc lòng các câu tụng gāthā nêu lên ‘sự trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’ ».

 

« Vậy, này bạn thiên nhân, làm thế nào mà bạn lại có dịp học thuộc lòng được các câu tụng gāthā nêu lên ‘sự trân quý nếp sống ẩn dật’ ? »

 

« Này bạn tỳ-kheo, trước đây, khi còn ngụ trên cõi trời Tāvatiṃsa cùng với các vị thiên nhân khác, Đấng Thế Tôn từng thuyết giảng [cho họ] về bài [kệ] tóm lược nêu lên ‘sự trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’ như sau :

 

« Không đuổi bắt quá khứ,

Không tơ tưởng tương lai,

[Bởi vì] tương lai chưa kịp đến,

Và quá khứ thì không còn.

 

Hãy nhìn vào hiện tại khi nó hiện ra ,

Hãy nhìn vào nó bằng trí tuệ (sự sáng suốt),

Hãy quán thấy nó hầu mang lại [cho mình] sự vững tin,

Bất khuất và không hề lay chuyển.

 

Sức cố gắng là để phát huy trong ngày hôm nay,

Ngày mai, cái chết có thể sẽ xảy ra – nào có ai biết được ?

Thần chết và đám lâu la,

Nào có phải là [các con buôn] nơi phố chợ [để mà thương thảo].

 

Phải thật nhiệt tâm và cố gắng,

Không ngưng nghỉ, ngày cũng như đêm.

Trước một người như thế thì vị Sáng suốt sẽ thốt lên :

‘Đây là một người biết ‘trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’

 

« Này bạn tỳ-kheo, đấy là dịp giúp tôi thuộc nằm lòng bài tụng gāthā nêu lên ‘sự trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’. Này bạn tỳ-kheo, [là người tu hành thì]bạn phải học thuộc lòng bài tóm lược nêu lên ‘sự trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’. Tuy nhiên, này bạn tỳ-kheo, bạn phải chủ động được (thực hiện được, áp dụng được) bài tóm lược nêu lên ‘sự trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’. Bạn phải thuộc nằm lòng bài tóm lược nêu lên nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’. Này bạn tỳ-kheo, bài tóm lược nêu lên ‘sự trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’, thật hữu ích và cũng là thành phần căn bản tạo cho mình cung cách hành xử thật tuyệt vời ».

 

Sau khi nói lên như thế thì vị thiên nhân Candana vụt biến mất tại chỗ.

 

Đêm hôm đó vừa tàn (trời vừa hừng đông), Ngài Lōmasakaṅgiya dọn dẹp nơi trú ngụ, khoác áo cà-sa, ôm bình bát lên đường đi đến kinh thành Sāvatthi. Vượt qua nhiều chặng đường, Ngài Lōmasakaṅgiya tìm đến tận nơi Đấng Thế Tôn đang trú ngụ trong khu rừng (nơi tịnh xá) của vị Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc). Ngài Lōmasakaṅgiya tìm đến bên cạnh Đấng Thế Tôn, vái chào Ngài và ngồi sang một bên. Sau khi an tọa thì Ngài Lōmasakaṅgiya cất lời với Đấng Thế Tôn như sau : ‘Thưa Thế Tôn, trước đây trong khi tôi cùng sinh hoạt với các người dân Sākya trong khu rừng Nigrōdha, gần nơi kinh thành Kapilavatthu, thì một hôm bỗng nhiên có một vị thiên nhân tiến đến bên cạnh tôi, đứng sang một bên, và nói với tôi : ‘Này bạn tỳ-kheo, bạn có thuộc lòng được bài tóm lược, nêu lên ‘sự trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi hay không ?’ Thưa Thế Tôn, sau khi nghe những lời hỏi ấy thì tôi trả lời như sau :

 

[…] (Ngài Lōmasakaṅgiya thuật lại với Đấng Thế Tôn từ đầu đến cuối câu chuyện về sự gặp gỡ trên đây, thế nhưng đoạn này đã được cắt bớt để tránh sự dài dòng)

 

« Thưa Thế Tôn, vị thiên nhân ấy sau khi nói lên như thế thì vụt biến mất tại chỗ. Vậy nếu có thể thì xin Thế Tôn thuyết giảng cho tôi về bài [kệ] tóm lược nêu lên ‘sự trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’ ».

 

Sau khi nghe các lời [thỉnh cầu] ấy thì Đấng Thế Tôn nói lên như sau : «  Này tỳ-kheo, tỳ-kheo có biết vị thiên nhân ấy là ai không ? »

 

« Thưa Thế Tôn, tôi không được biết vị thiên nhân ấy là ai cả ».

 

« Này tỳ-kheo, vị thiên nhân ấy là Candana, một vị thiên nhân từng lắng nghe Dhamma, chăm chú và chuyên cần, tâm trí của vị ấy hoàn toàn tập trung. Vậy, này tỳ-kheo, hãy lắng nghe ta thuyết giảng » (câu này cho thấy nếp sống cách ly và ẩn dật đã từng được Đức Phật giảng cho các thiên nhân trên cõi trời).

 

Ngài Lōmasakaṅgiya đáp lại : « Vâng, thưa Thế Tôn ».

 

Đức Phật bèn thuyết giảng :

 

« Không đuổi bắt quá khứ,

Không tơ tưởng tương lai,

[Bởi vì] tương lai chưa kịp đến,

Và quá khứ thì không còn.

 

Hãy nhìn vào hiện tại khi nó hiện ra ,

Hãy nhìn vào nó bằng trí tuệ (sự sáng suốt),

Hãy quán thấy nó hầu mang lại [cho mình] sự vững tin,

Bất khuất và không hề lay chuyển.

 

Sức cố gắng là để phát huy trong ngày hôm nay,

Ngày mai, cái chết có thể sẽ xảy ra – nào có ai biết được ?

Thần chết và đám lâu la,

Nào có phải là [các con buôn] nơi phố chợ [để mà thương thảo].

 

Phải thật nhiệt tâm và cố gắng,

Không ngưng nghỉ, ngày cũng như đêm.

Trước một người như thế thì vị Sáng suốt sẽ thốt lên :

‘Đây là một người biết ‘trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’

 

« Vậy, này tỳ-kheo, một người đuổi bắt quá khứ là như thế nào ? Người ấy tự nhủ : ‘Trong quá khứ tôi từng mang hình tướng là như thế’, và người ấy thường xuyên [cảm thấy] vui sướng qua ý nghĩ ấy của mình (cảm thấy hình tướng vật chất trước đây là chính mình, là con người của mình, là cái ‘Tôi’ của mình). Người ấy tự nhủ : ‘Trong quá khứ, tôi từng tạo được các sự cảm nhận là như thế’, và người ấy thường xuyên [cảm thấy] vui sướng qua ý nghĩ ấy của mình. Người ấy tự nhủ : ‘Trong quá khứ, tôi từng tạo được các sự nhận thức là như thế’, và người ấy thường xuyên [cảm thấy] vui sướng qua ý nghĩ ấy của mình. Người ấy tự nhủ : ‘Trong quá khứ, tôi từng tạo được các tác ý là như thế’, và người ấy thường xuyên [cảm thấy] vui sướng qua ý nghĩ ấy của mình. Người ấy tự nhủ : ‘Trong quá khứ, tôi từng tạo được một tri thức là như thế’, và người ấy thường xuyên [cảm thấy] vui sướng qua ý nghĩ ấy của mình. Này tỳ-kheo, đấy là cách một người đuổi bắt quá khứ [của mình].

 

(Bài giảng tiếp tục nêu lên trường hợp của những người tơ tưởng tương lai và bám víu vào hiện tại, tương tự như đã được nêu lên trong các bài giảng trước đây, thế nhưng các phân đoạn này đã được cắt bớt để tránh sự dài dòng) 

 

Thế nhưng, này tỳ-kheo, một người nghe giảng cao quý, được học hỏi, biết tôn kính những người cao quý, […], không cho rằng tri thức là ‘Tôi’, không cho rằng ‘Tôi’ hàm chứa tri thức, không cho rằng ‘Tôi’ là tri thức, cũng không cho rằng ‘Tôi’ nằm bên trong tri thức. Này tỳ-kheo, đấy là cách một người không đánh mất sự tương quan giữa mình và mọi sự vật trong hiện tại, [đấy là một người] : 

 

« Không đuổi bắt quá khứ,

Không tơ tưởng tương lai,

[Bởi vì] tương lai chưa kịp đến,

Và quá khứ thì không còn.

 

Hãy nhìn vào hiện tại khi nó hiện ra ,

Hãy nhìn vào nó bằng trí tuệ (sự sáng suốt),

Hãy quán thấy nó hầu mang lại [cho mình] sự vững tin,

Bất khuất và không hề lay chuyển.

 

Sức cố gắng là để phát huy trong ngày hôm nay,

Ngày mai, cái chết có thể sẽ xảy ra – nào có ai biết được ?

Thần chết và đám lâu la,

Nào có phải là [các con buôn] nơi phố chợ [để mà thương thảo].

 

Phải thật nhiệt tâm và cố gắng,

Không ngưng nghỉ, ngày cũng như đêm.

Trước một người như thế thì vị Sáng suốt sẽ thốt lên :

‘Đây là một người biết ‘trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’

 

Với các câu phát biểu đó, này tỳ-kheo, ta có thể bảo rằng : ‘Ta vừa nhắc lại cho tỳ-kheo về bài [kệ] tóm lược nêu lên sự trân quý nếp sống ẩn dật đầy thuận lợi’ ».

 

Đấy là những lời do Đấng Thế Tôn nêu lên. Ngài Lōmasakaṅgiya cảm thấy vui sướng và hân hoan trước những lời nói ấy của Đấng Thế Tôn.

 

Sau đây là bài giảng này trong Đại Tạng Kinh tiếng Việt :

 

134. Kinh Lomasakangiya Nhất dạ hiền giả

 

Như vầy tôi nghe.

 

Một thời, Thế Tôn trú ở Sāvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà Lâm), tại tịnh xá ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc).

 

Lúc bấy giờ, Tôn giả Lomasakangiya trú ở giữa dòng họ Sakya (Thích-ca), tại Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), ở tịnh xá Nigrodha (Ni Câu Luật). Rồi Thiên tử Candana sau khi đêm vừa mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng cả vùng tịnh xá Nigrodha, đi đến Tôn giả Lomasakangiya, sau khi đến liền đứng một bên. Đứng một bên, Thiên tử Candana thưa với Tôn giả Lomasakangiya

 

—Này Tỷ-kheo, Ngài có thọ trì tổng thuyết và biệt thuyết về Nhứt Dạ Hiền Giả không?

 

—Này Hiền giả, tôi không thọ trì tổng thuyết và biệt thuyết về Nhứt Dạ Hiền Giả. Này Hiền giả, Hiền giả có thọ trì tổng thuyết và biệt thuyết về Nhứt Dạ Hiền Giả không?

 

—Này Tỷ-kheo, tôi cũng không thọ trì tổng thuyết và biệt thuyết về Nhứt Dạ Hiền Giả. Nhưng này Tỷ-kheo, Ngài có thọ trì bài kệ về Nhứt Dạ Hiền Giả không?

 

—Này Hiền giả, tôi không thọ trì bài kệ về Nhứt Dạ Hiền Giả. Này Hiền giả, Hiền giả có thọ trì bài kệ về Nhứt Dạ Hiền Giả không?

 

—Này Tỷ-kheo, tôi có thọ trì bài kệ về Nhứt Dạ Hiền Giả.

 

—Này Hiền giả, Hiền giả thọ trì như thế nào bài kệ về Nhứt Dạ Hiền Giả?

 

—Một thời, này Tỷ-kheo, Thế Tôn trú giữa chư Thiên Tam thập tam thiên, dưới cây Pārichattaka (Trú độ thọ), trên hòn đá Paṇḍukambala (Vô cấu bạch thạch). Tại đấy, Thế Tôn đọc lên tổng thuyết và biệt thuyết về Nhứt Dạ Hiền Giả cho chư Thiên ở Tam thập tam thiên:

 

Quá khứ không truy tìm

Tương lai không ước vọng,

Quá khứ đã đoạn tận,

Tương lai lại chưa đến,

Chỉ có pháp hiện tại,

Tuệ quán chính ở đây.

Không động, không rung chuyển,

Biết vậy nên tu tập

Hôm nay nhiệt tâm làm

Ai biết chết ngày mai?

Không ai điều đình được

Với đại quân thần chết,

Trú như vậy nhiệt tâm

Đêm ngày không mệt mỏi,

Xứng gọi Nhứt dạ Hiền,

Bậc an tịnh, trầm lặng.

 

Này Tỷ-kheo, tôi thọ trì về bài kệ Nhứt Dạ Hiền Giả như vậy. Này Tỷ-kheo, hãy học tổng thuyết và biệt thuyết về Nhứt Dạ Hiền Giả. Này Tỷ-kheo, hãy học cho thuần thục tổng thuyết và biệt thuyết về Nhứt Dạ Hiền Giả. Này Tỷ-kheo, hãy thọ trì tổng thuyết và biệt thuyết về Nhứt Dạ Hiền Giả. Vì rằng này Tỷ-kheo, tổng thuyết và biệt thuyết về Nhứt Dạ Hiền Giả liên hệ đến mục đích, là căn bản của Phạm hạnh.

 

Rồi Tôn giả Lomasakangiya, sau khi đêm ấy đã mãn, dọn dẹp sàng tọa, lấy y áo và lên đường đi đến Sāvatthi. Tuần tự du hành, Tôn giả đi đến Sāvatthi, Jetavana, tịnh xá ông Anāthapiṇḍika, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Lomasakangiya bạch Thế Tôn:

 

—Bạch Thế Tôn, một thời con trú giữa dòng họ Sakya, tại Kapilavatthu, tịnh xá ông Anāthapiṇḍika. Rồi bạch Thế Tôn, một Thiên tử, sau khi đêm vừa mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng cả vùng tịnh xá Nigrodha, đến con và đứng một bên. Đứng một bên, bạch Thế Tôn, Thiên tử ấy thưa với con: “Này Tỷ-kheo, Ngài có thọ trì tổng thuyết và biệt thuyết về Nhứt Dạ Hiền Giả không?” Được hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con nói với Thiên tử ấy: “Này Hiền giả, tôi không thọ trì tổng thuyết và biệt thuyết về Nhứt Dạ Hiền Giả”. ” —Này Hiền giả, Hiền giả có thọ trì … là căn bản của Phạm hạnh.

 

Bạch Thế Tôn, Thiên tử ấy nói như vậy. Nói như vậy xong, vị ấy biến mất tại đấy. Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn giảng cho con tổng thuyết và biệt thuyết về bài kệ Nhứt Dạ Hiền Giả.

 

—Này Tỷ-kheo, Ông có biết Thiên tử ấy không? Bạch Thế Tôn, con không biết Thiên tử ấy.

 

—Này Tỷ-kheo, Thiên tử ấy tên là Candana. Này Tỷ-kheo, Candana là Thiên tử, sau khi chú tâm, sau khi tác ý, sau khi tập trung nội tâm, lóng tai nghe pháp. Vậy này Tỷ-kheo, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói.

 

—Thưa vâng, bạch Thế Tôn, Tôn giả Lomasakangiya vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

 

Quá khứ không truy tìm

Tương lai không ước vọng,

Quá khứ đã đoạn tận,

Tương lai lại chưa đến,

Chỉ có pháp hiện tại,

Tuệ quán chính ở đây.

Không động, không rung chuyển,

Biết vậy nên tu tập

Hôm nay nhiệt tâm làm

Ai biết chết ngày mai?

Không ai điều đình được

Với đại quân thần chết,

Trú như vậy nhiệt tâm

Đêm ngày không mệt mỏi,

Xứng gọi Nhứt dạ Hiền,

Bậc an tịnh, trầm lặng.

 

Và này Tỷ-kheo, thế nào là truy tìm quá khứ? Vị ấy nghĩ: “Như vậy là sắc của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là thọ của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là tưởng của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là hành của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy, “Như vậy, là thức của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này Tỷ-kheo, là truy tìm quá khứ.

 

Và này Tỷ-kheo, thế nào là không truy tìm quá khứ? Vị ấy nghĩ: “Như vậy là sắc của tôi trong quá khứ”, và không truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là thọ của tôi trong quá khứ”, và không truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là tưởng của tôi … Như vậy là hành của tôi … Như vậy là thức của tôi trong quá khứ”; và không truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này Tỷ-kheo, là không truy tìm quá khứ.

 

Và này Tỷ-kheo, thế nào ước vọng trong tương lai? Vị ấy nghĩ: “Mong rằng như vậy sẽ là sắc của tôi trong tương lai”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Mong rằng như vậy sẽ là thọ của tôi trong tương lai”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Mong rằng như vậy là tưởng của tôi … là hành của tôi … là thức của tôi trong tương lai”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này Tỷ-kheo, là ước vọng trong tương lai.

 

Và này Tỷ-kheo, thế nào là không ước vọng trong tương lai? Vị ấy nghĩ: “Mong rằng như vậy sẽ là sắc của tôi trong tương lai”, và không truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Mong rằng như vậy sẽ là thọ của tôi trong tương lai”, và không truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Mong rằng như vậy sẽ là tưởng … sẽ là hành … sẽ là thức của tôi trong tương lai, “và không truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này Tỷ-kheo, là không ước vọng trong tương lai.

 

Và này Tỷ-kheo, như thế nào là bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại? Ở đây, này Tỷ-kheo, có kẻ vô văn phàm phu không đi đến các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh; không đi đến các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân; quán sắc là tự ngã, hay quán tự ngã là có sắc, hay quán sắc là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong sắc; hay vị ấy quán thọ là tự ngã, hay quán tự ngã là có thọ, hay quán thọ là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong thọ; hay vị ấy quán tưởng là tự ngã, hay quán tự ngã là có tưởng, hay vị ấy quán tưởng là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong tưởng; hay vị ấy quán hành là tự ngã, hay vị ấy quán tự ngã là có hành, hay vị ấy quán hành là trong tự ngã, hay vị ấy quán tự ngã là trong hành; hay vị ấy quán thức là tự ngã, hay quán tự ngã là có thức, hay quán thức là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong thức. Như vậy, này Tỷ-kheo, là bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại.

 

Và này Tỷ-kheo, thế nào là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại? Ở đây, này Tỷ-kheo, có vị Đa văn Thánh đệ tử đi đến các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, đi đến các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân nhân. Vị này không quán sắc là tự ngã, không quán tự ngã là có sắc, không quán sắc là trong tự ngã, không quán tự ngã trong sắc; không quán thọ … không quán tưởng … không quán hành … không quán thức là tự ngã, không quán tự ngã là có thức, không quán thức trong tự ngã, không quán tự ngã trong thức. Như vậy, này Tỷ-kheo, là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại.

 

Quá khứ không truy tìm

Tương lai không ước vọng,

Quá khứ đã đoạn tận,

Tương lai lại chưa đến,

Chỉ có pháp hiện tại,

Tuệ quán chính ở đây.

Không động, không rung chuyển,

Biết vậy nên tu tập

Hôm nay nhiệt tâm làm

Ai biết chết ngày mai?

Không ai điều đình được

Với đại quân thần chết,

Trú như vậy nhiệt tâm

Đêm ngày không mệt mỏi,

Xứng gọi Nhứt dạ Hiền,

Bậc an tịnh, trầm lặng.

 

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Lomasakangiya hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

 

Vài lời ghi chú

(chung cho bốn bài giảng)

 

Như đã được nói đến trong phần mở đầu, chữ ‘bhaddekaratta’ nơi tựa của bốn bài giảng là một từ bí ẩn, hầu hết các dịch giả không có cùng một cách hiểu đối với chữ này. Chẳng hạn như nhà sư Thanissaro Bhikkhu thì dịch chữ này là ‘Một ngày thuận lợi’ (An Auspicious Day) ; nhà sư Bhikkhu Sujato dịch là ‘Một đêm tinh tế’ (One Fine Night’) ; nhà sư Ajahn Brahmavamso dịch là ‘Một đêm tuyệt vời’ (One Exellent Night), HT Thích Minh Châu dịch là ‘Nhất Dạ Hiển giả’, v.v. ; nếu kê ra hết các cách dịch của tất cả các dịch giả khác thì sẽ quá dài dòng và sẽ không giải quyết được gì cả. Dịch giả Môhan Wijayaratna không tìm cách dịch nghĩa từ chương của chữ này mà thay vào đó bằng một cách hiểu khác hơn là : ‘Sự quý trọng [cách tu tập] đơn độc nhiều thuận lợi’ (L’estime pour une solitude propice).

 

Trong số các bản dịch tham khảo thì chỉ có bản dịch của nhà sư Bhikkhu Ñanananda là giải thích của chữ này cặn kẽ hơn cả. Trong một bài khảo luận về cả bốn bài giảng này, nhà sư Bhikkhu Ñanananda tìm cách phân tích ý nghĩa chi tiết của chữ bhaddekaratta. Theo sự giải thích của nhà sư Ñanananda thì chữ bhaddekaratta là một từ lắp ghép (a puzzle) mang ý nghĩa rất khúc triết, mang ít nhiều bí ẩn. Chữ bhaddekaratta được ghép từ các chữ bhadda / sự may mắn, eka / một, ratta hay ratti / sự bám víu (attachment). Chữ ratta (tĩnh từ), ratti (danh từ) có nguồn gốc từ chữ raj trong chữ rajjati, có nghĩa là ‘tìm thấy sự thích thú’ (sự thuận lợi) (to take pleasure in). Thế nhưng chữ ratti trong tiếng Pali cũng mang một ý nghĩa thông dụng hơn nhiều, đó là đêm tối (night). Theo thiển ý của người viết các dòng này thì ý nghĩa thông dụng trên đây có thể đã khiến nhiều dịch giả hiểu sai về ý nghĩa kín đáo hơn của chữ bhaddkaratta. Sau các sự phân tích trên đây thì nhà sư Bhikkhu Ñanananda đề nghị tựa của các bài giảng này là ‘Sự đơn độc lý tưởng’ (Ideal Solitude). Dầu sao thì nhà sư Thanissaro Bhikkhu cũng đã đưa bài khảo luận này của nhà sư Bhikkhu Ñanananda vào trang mạng của ông.

 

Sỏ dĩ mạn phép dài dòng là để thấy rằng ngữ pháp và ngôn từ giữ một vai trò rất phức tạp và tế nhị trong việc dịch thuật. Kinh điển tiếng Việt lệ thuộc vào Hán ngữ tượng hình thật hết sức xa lạ so với kinh điển gốc bằng cổ ngữ Pali, mang các đặc tính triết học, khúc triết và trừu tượng hơn. Xin mạn phép nhắc lại tựa bản dịch của bài giảng này trong Đại Tạng Kinh là : Kinh nhất dạ hiền giả và tựa của bản dịch tiếng Hán là : 賢善一夜者經  /  Hiền-thiện-nhất-giả-kinh.    

 

 

Lời kết quyển I

 

Trong kinh điển Pali chúng ta thường thấy nêu lên chữ ‘trông thấy’, chữ này mang ý nghĩa rất rộng, không những có nghĩa là sự trông thấy bằng cơ quan thị giác, mà còn có nghĩa là sự ‘hiểu biết’ hiện lên từ sự trông thấy đó. Nói một cách khác thì sự ‘trông thấy’ đối với một người Phật giáo còn phải là một sự ‘hiểu biết’ sâu xa, một sự hiểu biết về bản chất của hiện thực, tiếng Pali là panna, tiếng Phạn là prajna. Sự hiểu biết đó còn được gọi là trí tuệ.

 

Một người Phật giáo khi nhìn thấy một hình tướng, một sự kiện hay một hiện tượng, thì không phải chỉ trông thấy hình tướng đó, nhận biết được hiện tượng đó, tách biệt và cách rời với các hình tướng khác, các hiện tượng khác, mà còn trông thấy cả nguồn gốcnguyên nhân làm phát sinh ra chúng, cùng các tác động của chúng gây ra trong hiện tại và cả các hậu quả mà chúng sẽ tạo ra trong tương lai.    

 

Các bài giảng trích dẫn trong quyển Một trên đây nêu lên sự quán thấy sâu xa và siêu việt đó của Đức Phật về thế giới. Các khoa học gia cũng nhìn vào thế giới nhưng chỉ trông thấy thế giới qua các đặc tính vật lý của nó : không gian, thời gian, năng lượng, ánh sáng, hành tinh, thiên hà, vũ trụ… Họ tìm cách quan sát, mô tả, đo đạt thế giới bằng máy móc, bằng các con số toán học, bằng các giả thuyết cầu kỳ…. Chúng ta, những con người bình dị, cũng nhìn vào thế giới, thế nhưng chúng ta trông thấy thế giới đó như thế nào ? Chúng ta trông thấy mưa, nắng, cỏ cây, muôn thú, con người, quốc gia, chủng tộc, nghèo đói, giàu có, tai ương, hỏa hoạn, chiến tranh, tín ngưỡng, hận thù, lường gạt, các chủ nghĩa chính trị, các thể chế xã hội, v.v. Và đấy là sự trông thấy thế giới của con người nói chung – các khoa học gia, các triết gia và cả các con người bình dị như chúng ta – và cách nhìn đó là cách nhìn hướng ra bên ngoài chính mình.

 

Tuy nhiên trong xã hội cũng có một số người quan tâm đến cách nhìn hướng ít nhiều vào bên trong chính họ. Đấy là những người phát động được một niềm tin tín ngưỡng nào đó, thế nhưng trên thực tế thì họ lại thuờng hướng niềm tin đó của họ vào một sức mạnh bên ngoài chính họ. Họ nhìn lên bầu trời bao la, hình dung ra một vị Trời hay thật nhiều các vị trời. Các vị ấy trông thấy họ và họ cũng trông thấy các vị ấy đang cùng hiện hữu với họ trong thế giới này. Họ cảm thấy mình thuộc thành phần của các vị ấy, lệ thuộc vào quyền uy của các vị ấy, vui sướng và mãn nguyện với các vị ấy, hoặc cũng có thể là để đặt hy vọng của mình vào các vị ấy, hoặc sợ hãi các vị ấy.

 

Đối với những người Phật giáo thì thế nào ? Những người Phật giáo cũng tạo được một niềm tin nào đó. Họ cũng nhận thấy được một số khía cạnh vật lý trong thế giới tương tự như các nhà khoa học. Họ cũng nhìn thấy mưa nắng, vạn vật chung quanh họ, các sự sinh hoạt trong xã hội, các sự chuyển động trong thế giới, tương tự như những con người bình dị khác. Thế nhưng sự khác biệt là họ không quan tâm đến những thứ ấy. Họ tập trung sự quán thấy của họ vào cái thế giới đang hiện lên trong tâm thần họ, xuyên qua sự tiếp xúc giữa các cơ quan giác cảm của họ và thế giới bên ngoài, nói một cách khác là cái thế giới nội tâm mà họ tự tạo ra bên trong tâm thức họ qua sự vận hành của lục giác họ.

 

Đối với Phật giáo, ngoài ngũ giác : mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể, con người còn có thêm một cơ quan giác cảm thứ sáu, đó là não bộ. Các cảm nhận của não bộ là ý nghĩ, xúc cảm, các ý định, các sự hình dung và tưởng tượng. Các thứ ấy phát sinh từ đâu để mà tâm thức hay não bộ có thể cảm nhận được chúng ? Các thứ ấy hiện ra qua trung gian của lục giác, đồng thời tác động với các sự cảm nhận tồn lưu từ trước trong tâm thức họ, để tạo ra các thứ ấy : các ý nghĩ, xúc cảm, các ý định, các sự hình dung đủ loại.

 

Sự vận hành khá phức tạp đó tạo ra một thế giới riêng và cá biệt cho mỗi cá thể, thích nghi và phù hợp với từng mỗi cá thể. Thế giới đó lệ thuộc vào khả năng nhận biết và sự bén nhạy của lục giác cùng với các tác động và các ảnh hưởng của những gì tồn lưu từ trước trong tâm thức của các cá thể ấy. Sự vận hành khá phức tạp đó làm phát sinh ra các sự bám víu và thèm khát mang tính cách bản năng. Các sự bám víu và thèm khát đó là nguyên nhân, là nguồn gốc làm phát sinh ra khổ đau cho mỗi cá thể, trong hiện tại và cả trong tương lại.

 

Thế nhưng mục đích của Phật giáo không phải là giúp con người chấp nhận và gánh chịu hậu quả tạo ra bởi các sự bám víu và thèm khát của họ vào cái thế giới do họ tự tạo ra cho họ, mà đúng hơn là giúp con người vượt lên thế giới đó, thoát ra khỏi thế giới đó, cái thế giới mà mỗi cá thể tự tạo ra cho mình, bên trong chính mình.

 

Một cách vắn tắt, sự tu tập của Phật giáo bắt đầu trước hết là phải ‘trông thấy’ thế giới, ‘trông thấy’ nguyên nhân tạo ra thế giới, các tác động gây ra bởi thế giới, các hậu quả phát sinh từ thế giới – xin nhắc lại cái thế giới đó là cái thế giới mà mỗi cá thể tự tạo ra cho mình xuyên qua lục giác của mình. Sự ‘trông thấy’ hay ‘hiểu biết’ đó gọi là sự Giác ngộ. Sau khi ‘trông thấy’ và ‘hiểu biết’ về thế giới đó thì phải đứng ra bên ngoài thế giới đó, và đấy gọi là sự Giải thoát.

 

Dhamma do Đức Phật thuyết giảng rất khúc triết, nhưng vô cùng trực tiếp, thiết thực và chính xác. Trong một bài giảng ngắn Đức Phật nêu lên một câu ẩn dụ thật đơn giản nhưng mang thật nhiều ý nghĩa : ‘Những gì mà ta hiểu biết nhiều như cành lá trong khắp khu rừng, thế nhưng những gì mà ta thuyết giảng, chỉ như nắm lá trong lòng bàn tay’. Bài giảng này như sau :

 

 

Bài giảng trong khu rừng Sīsapā

Sīsapāvana SuttaSN 56.31

 

(Dựa theo các bản dịch tiếng Anh của Thanissaro Bhikkhu, Bhikkhu Sujato, Bhikkhu Bodhi và bản dịch tiếng Pháp của Bhikkhu Sekha )

 

Trong một dịp khi đang ngụ tại thị trấn Kosambī (kinh đô của xứ Vatsa), trong khu rừng sīsapā (tên khoa học ngày nay của loại cây này là Dalbergia sissoo / rosewood tree, gỗ của loại cây này thường dùng để đóng bàn ghế), Đấng Thế Tôn nhặt một nắm lá sīsapā và nói với các tỳ-kheo như sau : « Này các tỳ-kheo, các tỳ-kheo nghĩ sao ? Số lá trong bàn tay ta nhiều hơn hay ít hơn so với số lá trên các tàng cây trong khắp khu rừng này ? ».

 

Các tỳ-kheo đáp lại : « Thưa Thế Tôn, lá trong lòng bàn tay của Thế Tôn thật ít ỏi, số lá trên các tàng cây trong khắp khu rừng nhiều hơn gấp bội ».

 

« Cũng vậy, này các tỳ-kheo, những gì mà ta hiểu biết qua sự quán thấy trực tiếp của ta thì nhiều gấp bội, so với những gì mà ta thuyết giảng. Vậy, tại sao ta lại không nêu lên [tất cả] những sự hiểu biết ấy ? Chẳng qua là vì các sự hiểu biết ấy không liên hệ gì đến mục đích [tu tập], không phải là thành phần trong cuộc sống thánh thiện, không mang lại sự tỉnh ngộ, sự chấm dứt đam mê, sự dừng lại, sự thanh thản, sự hiểu biết trực tiếp, sự Giác ngộ (Nibbāna / Niết-bàn) và sự Giải thoát. Đấy là lý do tại sao ta không nêu lên [tất cả] các sự hiểu biết ấy.

      

« Vậy, ta nêu lên những gì ? ‘Đây là khổ đau’, là những gì mà ta thuyết giảng. ‘Đây là nguồn gốc của khổ đau’, là những gì mà ta thuyết giảng. ‘Đây là sự chấm dứt của khổ đau’, là những gì mà ta thuyết giảng. ‘Đây là con đường đưa đến sự chấm dứt của khổ đau’, là những gì mà ta thuyết giảng. Và tại sao ta lại chỉ thuyết giảng các thứ ấy ?  Bởi vì các thứ ấy liên hệ đến mục đích, là thành phần của cuộc sống thánh thiện, mang lại sự tỉnh ngộ, sự chấm dứt đam , sự dừng lại, sự thanh thản, sự hiểu biết trực tiếp, sự Giác ngộ và sự Giải Thoát. Đấy là lý do tại sao ta lại chỉ thuyết giảng các thứ ấy. 

 

Vì vậy, này các tỳ-kheo, phải luôn canh cánh trong lòng : ‘Đây là khổ đauĐây là nguồn gốc của khổ đauĐây là sự chấm dứt của khổ đau, và [nhất là] phải luôn canh cánh trong lòng :  Đây là Con đường đưa đến sự chấm dứt của khổ đau ».

 

Thế nhưng cũng phải hiểu rằng không có bất cứ gì đứng yên trong vũ trụ. Nắm lá trong lòng bàn tay của Đức Phật ngày nay đã trở thành cả một khu rừng, cành lá đơm hoa, kết trái, và khu rừng cũng trở nên âm u hơn. Dominique Trottignon là một cư sĩ người Pháp và cũng là một học giả lỗi lạc về Phật giáo Theravāda, có đưa lên trang mạng của ‘Viện Nghiên cứu Phật học’ (IEB / Institut d’ Études Bouddhiques / một cơ quan Tư thục giảng dạy Phật giáo) một bài khảo luận rất giá trị về kinh điển Pali. Xin chuyển ngữ bài khảo luận này trong phần Phụ lục dưới đây, hầu độc giả có một ý niệm duy lý, khách quan và khoa học của người Tây phương về nguồn gốc đưa đến sự hình thành của nền Giáo huấn của Phật giáo Theravāda và của cả Phật giáo nói chung :

 

Phụ Lục

 

Kinh điển Pali, cả một lịch sử…

(Le canon Pali, tout une histoire…)

TROTTIGNON Dominique

 

Kinh điển Pali đại diện cho toàn bộ kinh sách thiêng liêng của học phái Phật giáo Theravāda. Và đó cũng là bộ kinh điển xưa nhất và đầy đủ nhất được bảo toàn đến nay, một tập kinh sách thật đồ sộ, làm nền tảng chung cho tất cả các học phái Phật giáo Ấn độ. Hơn nữa, theo truyền thống, thì tập kinh điển Pali cũng là tập kinh điển đầu tiên nhất được ghi chép bằng chữ viết trên đảo Tích Lan vào khoảng thế kỷ thứ nhất trong kỷ nguyên của chúng ta (theo thiển ý của người viết các dòng này thì cũng có thể là kinh điển Pali đã được ghi chép bằng chữ viết dưới triều đại của vua Asoka vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch, vào dịp đại hội kết tập Đạo Pháp do vị vua này tổ chức. Triều đại của vua Azoka cũng là triều đại đánh dấu nền văn minh đầu tiên của nước Ấn, và dưới triều đại này, chữ viết cũng đã bắt đầu được phổ biến, bằng chứng là các trụ đá ghi khắc các chỉ dụ của hoàng triều tìm thấy khắp nơi. Hơn nữa, chỉ có chữ viết mới có thể là các tư liệu hữu hiệu và trung thực giúp chín phái đoàn truyền giáo, thành lập dưới triều đại của vị vua này, đưa giáo huấn của Đức Phật ra khỏi châu thổ sông Hằng. Dầu sao thì quan điểm này cũng chỉ là một sự gợi ý và phỏng đoán đơn thuần).

 

Tuy nhiên, ấn bản đầu tiên [trên giấy] chỉ được xuất hiện vào năm 1900, sau hơn 2000 năm lưu giữ bằng cách chép tay trên các mảnh là bối (lá bối còn gọi là lá buông, tên khoa học của cây lá buông là Corypha umbraculifera), các di tích xưa nhất là vào thế kỷ XV (gần đây hơn có một học giả Nhật bản tìm được di tích của các tờ lá bối ghi chép kinh điển vào thế kỷ thứ VII trong vùng sa mạc Tây vực, một nơi có khí hậu khô cằn tránh được sự mục nát vì ẩm ướt và sâu bọ)  các di tích ghi chép này cũng đã được dựa vào những gì lưu truyền trước đó bằng phương pháp truyền khẩu, ngược xa hơn về những lời giáo huấn của vị Phật lịch sử Gotama (Thích Ca).

 

Dầu sao, qua góc nhìn hoàn toàn khoa học, thì người ta cũng không thể nào có thể bảo rằng toàn bộ tập kinh điển đó ghi chép lại một cách trung thực Giáo huấn của vị Phật lịch sử, dù rằng các kinh điển đó là các bằng chứng lâu đời nhất (điều này thật hết sức hiển nhiên, đối với Phật giáo, tất cả mọi hiện tượng đều chuyển động và biến đổi với thời gian. Thế nhưng vấn đề không phải là sự trung thực trên phương diện từ chương, mà đúng hơn là sự thử thách của cốt lõi của giáo huấn đó của Đức Phật trước sự biến động của thời gian. Kể cả trong thế giới ngày nay, sự trong sáng và siêu việt của nền tư tưởng đó vẫn còn là cả một sự thách đố). 

 

Nhiều khảo cứu triết học – chẳng hạn như các ngành nghiên cứu dựa vào sự đối chiếu về lịch sử ngôn ngữ và từ nguyên học – cho thấy kinh điển Pali là một tổng hợp gộp chung một số văn bản thuộc các thời đại và các nguồn gốc khác nhau. Điều này thường đưa đến xu hướng xác định xem thành phần nào trong kinh điển là xưa nhất và thành phần nào mới hơn, thế nhưng các sự xác định này thường không tạo được sự đồng thuận giữa các chuyên gia với nhau !  

 

Nhiều lắm thì người ta cũng chỉ có thể xác định được – thật ra thì chuyện này cũng không phải là dễ – một cốt lõi chung cho tất cả các học phái xưa nhất của Phật giáo trên đất Ấn, đúng theo những gì đã được lưu truyền bằng phương pháp truyền khẩu do Tăng đoàn nguyên thủy đảm đang, trước khi xảy ra tình trạng phân tán giáo lý đưa đến sự hình thành của các trào lưu khác nhau (sau khi Đức Phật tịch diệt, thì rất sớm sau đó  Giáo huấn của Ngài được diễn đạt với ít nhiều khác biệt, đưa đến sự hình thành của 18 học phái khác nhau, con số thống kê này có thể là độc đoán, trên thực tế có thể là ít hơn hay nhiều hơn). Các cuộc tranh luận xảy ra giữa các học phái xưa chủ yếu xoay quanh một số các khái niệm nêu lên trong các văn bản được xem là xưa nhất trong kinh điển Pali. Thế nhưng toàn bộ văn bản bằng tiếng Pali, theo như chúng ta được biết ngày nay, chỉ là gia tài của một học phái chuyên biệt, đó là học phái Theravāda trên đảo Tích Lan.

 

Tiếng Pali là ngôn ngữ hay chỉ là một thể loại văn bản ?

 

Ngay cả thuật ngữ ‘Pali’ dùng để chỉ định thể loại kinh điển đó cũng đã gây ra một số rắc rối… Này nay, chữ Pali thường được xem như là một thứ ngôn ngữ dùng để ghi chép kinh điển của những người Phật giáo Theravāda. Ngôn ngữ này được xem là thuộc nhóm ngôn ngữ ‘Prakrit’, một trong số rất nhiều thứ ngôn ngữ thông dụng khác trên đất Ấn (khoảng chừng một trăm ngôn ngữ tất cả…), cách gọi [nhóm ngôn ngữ ‘Prakrit’] này là để phân biệt với một nhóm ngôn ngữ khác gọi là ‘Sanskrit’ (tiếng Phạn), một nhóm ngôn ngữ mang các đặc tính văn chương, thiêng liêng, mang nhiều khía cạnh tín ngưỡng hơn [so với nhóm ngôn ngữ Prakrit’], và được xem là ngôn ngữ của những người bà-la-môn. Dù thuộc vào nhóm ngôn ngữ ‘Prakrit’ (kém quý phái, và thiêng liêng hơn so với ngôn ngữ ‘Sanskrit’ / Phạn ngữ), thế nhưng tiếng Pali lại biểu trưng cho một thể loại ‘văn bản thiêng liêng’ (tức là kinh điển Pali)…, nói một các khác là một thể loại ‘kinh điển’ [mang tính cách tín ngưỡng] (canon law, ecclesiastical law). Do vậy, khi nói lên ‘kinh điển Pali’(canon Pali) thì đấy là cách nêu lên cùng một thứ bằng cách ghép hai thuật ngữ mang cùng một ý nghĩa : một của ‘Tây phương’ (canon / kinh điển) và một của ‘Ấn độ’ (Pali / ngôn ngữ Pali).Tóm lại chỉ cần nêu lên chữ ‘Pali’ thì cũng đủ [để hiểu đó là ‘kinh điển’ Pali], và cũng đủ để phân biệt với các thể loại văn bản khác được ghi chép bằng các ngôn ngữ khác trên đất Ấn, dù là thuộc lãnh vực dân gian hay văn chương cũng vậy (ngôn ngữ Pali là một ngôn ngữ đặc thù của một tín ngưỡng).

 

Những người Phật giáo Theravāda cho rằng tiếng Pali là một thứ ngôn ngữ thuộc nhóm ngôn ngữ ‘magadhi’(Ma-kiệt-đà) : một thứ ngôn ngữ thông dụng [của người dân] trong vùng Magadha (Ma-kiệt-đà), nơi mà Đức Phật thường lưu ngụ hơn cả, và ngôn ngữ này cũng là ngôn ngữ của chính Ngài. Thế nhưng theo các chuyên gia [về ngôn ngữ học], thì tiếng Pali thật ra là một ngôn ngữ lắp ghép gồm nhiều ngôn ngữ và thổ ngữ khác nhau…, sự kiện này dường như mang chủ đích hòa đồng nhiều thứ ngôn ngữ ‘Prakrit’ khác nhau (gộp chung và hòa đồng nhiều thổ ngữ ‘Prakrit’ để tạo ra một ngôn ngữ chung). Mặc dù ngôn ngữ ‘magadhi’ (ngôn ngữ Ma-kiệt-đà của Đức Phật) cũng được nhận thấy trong đó, thế nhưng thật ra thì đấy cũng chỉ là các dấu tích lưu lại từ lâu đời ! Trên thực tế, người ta nhận thấy các nét đặc thù của một thứ ngôn ngữ ‘Prakrit’ cá biệt, được xử dụng trong vùng phía Tây của nước Ấn, nhất là trong vùng lãnh thổ của xứ Avanti, nơi xuất phát của các nhà truyền giáo trước đây từng đưa Phật giáo vào hòn đảo Tích Lan.

 

Kinh điển Pali, như chúng ta được biết ngày nay, thật ra là một sự kết hợp gồm nhiều văn bản mang nhiều nguồn gốc và thuộc nhiều thời đại khác nhau : một số có thể rất lâu đời, bắt nguồn từ giai đoạn truyền khẩu bằng ngôn ngữ ‘magadhi’ (ngôn ngữ của đế quốc Magadha, và quê hương của Đức Phật là một bộ tộc trong đế quốc này) ; một số khác cho thấy có những phần được bổ khuyết thêm, hoặc được hiệu đính trong vùng Avanti (một vương quốc lớn nằm giữa hai đế quốc Magadha và Kosala / Kiêu-tát-la) ; một số khác mới hơn, được xem là các thêm thắt muộn, kể cả sau này trên đảo Tích Lan, tất cả tạo ra một thể loại ngôn ngữ ‘thiêng liêng’ (tiếng Pali), tương tự như ‘tiếng La-tinh đối với Ki-tô giáo’ vào thời trung cổ trong thế giới Tây phương.  

 

Một số văn bản (một số bài giảng) trong kinh điển Pali, dù được xem là xưa nhất, và dù được xác định là thuộc vào thời kỳ Tăng đoàn đầu tiên đi nữa – tức là vào thế kỷ thứ IV trước Tây lịch – thế nhưng trong số này cũng có một số văn bản (bài giảng) tương đối mới hơn… Và người ta cũng hiểu rằng một số hiệu đính cũng đã được thực hiện trên dòng thời gian xuyên qua nhiều thế kỷ, trên lãnh thổ nước Ấn cũng như trên hòn đảo Tích Lan. Kinh điển Pali, dưới hình thức cuối cùng như chúng ta thấy ngày nay, thật ra đã được xác định qua suốt một thời gian dài, gần một ngàn năm…, trước khi được ‘hiệu đính’ [lần sau cùng] vào dịp kết tập Đạo Pháp trên đảo Tích Lan, vào thế kỷ thứ IV thuộc niên đại của chúng ta.

 

Kinh điển Pali có đúng là phương tiện chuyển tải Giáo huấn của Đức Phật lịch sử hay không ?

 

Đối với sự trung thực giữa kinh điển Pali và Giáo huấn của Đức Phật, thì có một sự khác biệt rõ nét giữa truyền thống Phật giáo Theravāda và các khảo cứu khoa học Tây phương… Theo học phái Theravāda  thì kinh điển [Pali] ghi chép trung thực Giáo huấn của Đức Phật, đúng theo những gì đã từng được thuật lại trong đại hội kết tập Đạo Pháp lần thứ nhất của Tăng đoàn, được tổ chức vài tháng sau khi vị Thầy tịch diệt. Trong đại hội này, gồm vài trăm đệ tử, tất cả đều đạt được Giải thoát – có nghĩa là đã trở thành các vị Arahant / A-la-hán – và tất cả đều nhất loạt công nhận những lời thuật lại của hai vị đệ tử có trí nhớ tốt nhất được đề cử. Vị [thứ nhất] là Ānanda thuật lại phần Giáo huấn liên quan đến lãnh vực giáo lý, và vị [thứ hai] là Upali (Ưu-bà-li) thuật lại phần Giáo huấn liên quan đến lãnh vực giới luật. Các lời thuật lại này đưa đến sự hình thành của hai tập kinh điển đầu tiên : Sutta-pitaka / Kinh tạng, tức là ‘Bộ sưu tập về Giáo huấn’, và Vinaya-pitaka là ‘Bộ sưu tập về Giới luật’. Bộ sưu tập thứ ba gọi là Abhidhamma-pitaka, có nghĩa là ‘Bộ sưu tập thượng thặng về Dhamma(Luận tạng) chỉ được thực hiện nhiều thế kỷ sau đó, dưới triều đại của vua Azoka (A-dục) trong một đại hội kết tập Đạo Pháp, tạo điều kiện cho một cuộc bàn thảo nội bộ bên trong Tăng đoàn : và đây cũng là công trình của vị tỳ-kheo Moggallana-Tissa. Thế nhưng thật ra thì vị này cũng chỉ thuật lại Giáo huấn chính thống được lưu truyền trong giai đoạn truyền khẩu đầu tiên, và gần như trung thực từng chữ một từ những gì nguyên thủy, bởi vì các văn bản đầu tiên (các lời bình giải đầu tiên) trong tập Abhidhamma / Luận tạng là công trình của vị [tỳ-kheo] Sariputta (Xá-lợi-phất), một trong số các đệ tử trực tiếp và uyên bác nhất của Đức Phật (các lời bình giải ghi chép trong Tạng Luận vào dịp kết tập Đạo Pháp dưới triều đại của vua Azoka vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch, lập lại một cách trung thực những lời bình giải của người đệ tử trực tiếp của Đức Phật là Sariputta).

 

Quan điểm của các khoa học gia tất nhiên là khác hẳn… Không có một thành viên nào trong tập thể các khoa học gia ngày nay tin vào tính cách lịch sử của lần kết tập Đạo Pháp thứ nhất – ít nhất là qua công trình quy định toàn bộ hai tập Kinh điển đầu tiên (Kinh tạng và Luật tạng) ! Các đệ tử trực tiếp của Đức Phật [lúc đó] có thể cảm thấy cần phải hội họp để cùng bàn thảo với nhau về những gì chủ yếu trong Giáo huấn của vị Thầy thế thôi, chuyện này thì có thể … hiểu được. Các câu chuyện thuật lại trong lần kết tập [thứ nhất] này có quá nhiều phiên bản khác nhau, tùy theo các học phái khác nhau, hơn thế nữa lại còn hàm chứa nhiều quan điểm quá cách biệt nhau, kể cả đối với các chủ đề căn bản nhất, khiến khó có thể tin rằng các điều ấy là những điều ghi nhớ mang tính cách lịch sử đích thật ! Thực tế cho thấy mỗi học phái đưa ra một phiên bản khác nhau về đại hội, thậm chí một vài học phái còn cho rằng bộ Sưu tập thứ ba, tức là tập Abhidhamma  (Luận tạng), cũng đã được hoàn toàn thuật lại trong dịp kết tập Đạo Pháp lần thứ nhất trên đây !  

 

Theo kết quả mang lại từ các nghiên cứu dựa vào phương pháp đối chiếu (comparatives studies) và triết học ngôn ngữ (philology / khoa nghiên cứu về ngôn ngữ liên quan đến lịch sử và văn hóa) cho thấy nhất định là phải có một nền tảng chung tiên khởi nhất về giáo huấn [của Đức Phật] – trong cả hai lãnh vục giáo lý và giới luật (gọi chung là Dhamma-Vinaya) – trong đó gồm các cách lập luận có thể [trực tiếp] phát xuất từ miệng của chính Đức Phật – Ngài thuyết giảng trong nhiều thập niên liên tiếp, do vậy thật hết sức hiển nhiên để có thể nghĩ rằng chính Đức Phật là người xác định một số các phương pháp lập luận và diễn đạt tiêu biểu nhất – nếu không thì cũng là các đệ tử trực tiếp của Ngài… Thế nhưng rất sớm sau đó, tức là sau khi Tăng đoàn bành trướng nhanh chóng, đưa giáo huấn của Đức Phật ra xa hơn trung bộ châu thổ sông Hằng – nơi mà Đức Phật thường lưu trú – thì các sự dị biệt cũng bắt đầu hiện ra giữa các trào lưu, phản ảnh một sự tách biệt rõ nét giữa các nhà sư có cuộc sống ‘cố định’ (resident / ‘địa phương’) và các nhà sư ‘lưu động’ (itinerant / du thực) trong các vùng đất mới, được chinh phục xa hơn về hướng Tây [trong châu thổ sông Hằng]. Một đầu cầu mới được thiết lập chung quanh thị trấn Kosambi (Kiều-thưởng-di, kinh đô của đế quốc Vatsa) (một nơi mà Đức Phật chưa bao giờ có dịp đặt chân) với sự bùng dậy và khởi sắc của một trào lưu mới. Trào lưu này cũng đã sớm tạo được cho mình một sự độc lập bằng cách phát huy một nền tảng triết học đặc thù, mà một số người sau này cho rằng đấy chỉ là các hình thức không chính thống (heterodox / dị giáo)… Rất có thể đây là thời kỳ mà các bài giảng trường thiên đã được triển khai và thiết đặt, cùng với các lời bình giải tiên khởi nhất trong Abhidhamma / Luận tạng. Bởi vì các văn bản nổi tiếng, được [chính thức] công nhận, chẳng hạn như hai bài thuyết giảng về giáo lý tại Benares (Ba-la-nại / Vārānasī) – nêu lên Bốn Sự Thật Cao Quý (Tứ Diệu Đế) và giáo lý về sự trống không của cái Tôi (vô Ngã) – theo những gì mà chúng ta thấy ngày nay – chỉ có thể được xác định xưa nhất là một thế kỷ sau khi vị Thầy đã tịch diệt !

 

Vào giữa thế kỷ thứ III trước Tây lịch, dưới triều đại của vua Azoka (khoảng 150 năm sau khi Đức Phật tịch diệt), nguời ta đã thấy xuất hiện trong Tăng đoàn bốn trào lưu lớn. Mỗi trào lưu có một tập kinh điển riêng, có nghĩa là ngoài phần cốt lõi chủ yếu chung – đảm bảo cho nền giáo huấn [căn bản] là Dhamma-Vinaya [của Đức Phật] – còn có thêm một số văn bản riêng cho mỗi trào lưu, nêu lên các quan điểm cá biệt nhằm mục đích chống đỡ cho các quan điểm [cá biệt] của mình, và sau đó thì được đưa vào Abhidhamma (tạng Luận) thuộc trào lưu của mình…

 

Các đặc tính cá biệt đó, vừa mang địa phương tính vừa mang tính cách lý tưởng, không những liên quan đến lãnh vực giáo lý mà cả giới luật. Ngoài ra, không như người ta thường nghĩ, các nhà sư ‘lưu động’ (sống nay đây mai đó / itinerant, các vị tu hành khất thực) mong muốn gia tăng thêm con số giới luật trong Vinaya (Luật tạng), do vậy theo truyền thống (ít nhất cũng là truyền thống của họ) thì họ là những người đứng ra trách cứ kẻ khác (các vị tu hành có cuộc sống cố định / resident, tu tập theo các trào lưu khác) có ý giảm bớt con số giới luật ! [Thế nhưng] truyền thống Theravāda, chủ trương thể chế quy định bởi kinh điển Pali, cũng chỉ đại diện cho một học phái duy nhất là Theravāda. [Trong khi đó thì] các học phái khác chủ trương các truyền thống khác, tách biệt, đa dạng, kể cả đối nghịch…, thế nhưng không phải vì thế mà kém tín cẩn hơn – hoặc kém nghi ngờ hơn !

 

Kinh điển Pali bắt nguồn từ đâu ?

 

Kinh điển Pali do vậy không phải là bằng chứng độc nhất và vững chắc nhất của nền Phật giáo sơ khai (nguyên thủy)…, mà chỉ là kinh điển của nền Phật giáo cổ xưa, tương tự như các tập kinh điển khác – dù đấy là tập kinh điển duy nhất mà chúng ta bảo toàn được thật nguyên vẹn cho đến ngày nay ! Vậy thì bộ kinh điển Pali đó do đâu mà có ? Do học phái Theravāda trên đảo Tích Lan mà có. Thế nhưng đến đây, chúng ta cũng nên tìm hiểu xem học phái này từ đâu mà có nó… và [nhất là] học phái này đã đối xử như thế nào đối với nó !  

 

Theo truyền thống – của [học phái] Theravāda … – thì Phật giáo được một trong các người con trai của vua Azoka là Mahinda, đưa vào tích Lan, khoảng năm 250 trước Tây lịch. [Vị này] là con trai hay em trai [của vua Azoka]… thì không có gì là chắc chắn cả ; thế nhưng vị này được biết là sinh ra tại Sañchi, một vùng mang nhiều di tích khảo cổ Phật giáo trên đất Ấn, nằm về hướng Đông-bắc thành phố Bombay, trong lãnh thổ Avanti thuộc vùng bờ biển phía Tây của bán lục địa [Ấn độ], và dường như nơi này cũng là nơi đón nhận Giáo huấn của Đức Phật rất sớm trong lịch sử. Ngoài ra một số bài giảng trong kinh điển Pali cũng thấy nêu lên một vị đệ tử trực tiếp khác của Đức Phật là Mahā-Kaccāna từng ‘truyền giáo’ tại vùng này, ngay khi Đức Phật còn tại thế !  [Vì vậy], thật hết sức chắc chắn là tiếng Pali hàm chứa một số các đặc tính cá biệt về ngôn ngữ trong vùng này, sự kiện này thật ra cũng đã được các nhà ngôn ngữ học xác nhận…

 

Trước khi lan truyền sang bờ biển phía Tây của nước Ấn, thì trước đó Phật giáo, từng bước nhỏ, qua dòng thời gian gồm nhiều thế kỷ, cũng đã phát triển từ thung lũng sông Hằng hướng về phía ngược lại trên bán lục địa Ấn-độ, tức là về phía Đông-bắc của châu thổ sông Hằng. Theo hệ thống các trục lộ vào thời bấy giờ, thì Phật giáo trên đường quảng bá đã phải xuyên ngang một vùng gọi là Kosambi (Kiều-thưởng-di, tiếng Phạn là Kauśāmbī) mà chúng ta đã có dịp nói đến trên đây… Trong số các đặc tính (các sự kiện) nổi bật nhất trong kinh điển Pali mà chúng ta có thể chứng minh được một cách chắc chắn [và cụ thể], là trường hợp của một nhân vật mang tên là Sariputta (Xá-lợi-phất). Nhân vật này dường như là vị đầu tiên nêu lên những lời bình giải tiên khởi nhất, mở màn cho sự hình thành [sau này] của tập Abhidhamma (Luận tạng)… Trong số tất cả các tư liệu xưa mà chúng ta có, thì duy nhất chỉ có kinh điển Pali là đặc biệt nêu lên nhân vật Sariputta và nhấn mạnh đến vai trò vô cùng quan trọng của vị này (Xá-lợi-phất là vị tỳ-kheo đầu tiên nêu lên những lời bình giải trong Luận Tạng).

 

Trong khi đó thì học phái Kosambi, và theo sự hiểu biết của chúng ta thì học phái này được hình thành từ trào lưu của các nhà sự ‘lưu động’ (itinerant, các nhà sư du thực, tu tập theo truyền thống trong rừng), thừa hưởng xu hướng của Tăng đoàn nguyên thủy trước kia trong thung lũng sông Hằng. Nhiều tư liệu cho thấy sự giữ gìn thật khắt nghiệt của các nhà sư này trong lãnh vực giới luật, thế nhưng trên phương diện giáo lý thì ngược lại không có gì gọi là các sáng tạo mới lạ – [việc tu tập] gần như là một hình thức dị giáo (heterodoxy) ! Đứng trên quan điểm của Phật giáo Theravāda thì [đúng hơn] họ là những người bảo toàn đường hướng chính thống (orthodox), không những về giáo lý mà cả giới luật – chính các vị khác mới đúng là các vị ‘cải tiến’, làm phương hại đến sự trung thực trong Giáo huấn của Đức Phật… Thế nhưng theo một số sử gia thì trái lại, chính họ (các vị chính thống) là các vị phản động trên phương diện giáo lý – không chấp nhận [phong trào] mở rộng của đa số những người Phật giáo trong châu thổ sông Hằng [trên miền Bắc Ấn] (ảnh hưởng bởi khuynh hướng Đại thừa) – hơn nữa họ là những người siêu bảo thủ trên phương diện giới luật, bởi vì chính họ là những người mong muốn thiết đặt thêm các giới luật mới… Nói một cách khác, thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể khẳng định dứt khoát được về vấn đề này. Nói lên như thế để hiểu rằng kinh điển Pali [của học phái Theravāda ] – so với các [kinh điển] của các truyền thống lâu đời khác – cho thấy thật rõ ràng : một mặt chủ trương giữ gìn giới luật thật khắt khe, và một mặt chủ trương bảo toàn truyền thống giáo lý lâu đời.

 

 

Bản đồ của nước Ấn cổ đại

Thế kỷ thứ V trước Tây lịch

 

Kinh điển Pali đã trở thành như thế nào trên hòn đảo Tích Lan ?

 

[Trước hết] kinh điển Pali nêu lên giáo huấn của một trào lưu cá biệt trong nền Phật giáo cổ xưa, do vị Mahinda đưa vào Tích Lan… Thật vậy, kinh điển Pali hàm chứa một số lớn các đường hướng giáo huấn chung cho toàn thể các tăng đoàn [Phật giáo] trên đất Ấn, kể cả một số đường nét đặc thù mà những người [Phật giáo] Sinhala (Sinhalese) [trên đảo Tích Lan] khuyếch đại thêm (làm nổi bật thêm, nhấn mạnh thêm) qua dòng thời gian gồm nhiều thế kỷ.

 

Sự ‘đỡ đầu’ của vị Sariputta (Xá-lợi-phất) – một vị vô địch về trí tuệ và khả năng học hỏi – đã mở màn cho xu hướng hướng trên đây. Xu hướng này ngày càng được nhận thấy rõ ràng hơn khi kinh điển [Pali] bắt đầu được ghi chép bằng chữ viết. Sau nhiều thập niên chiến tranh chống lại các dân tộc Draviduan tại miền Nam nước Ấn (các nhóm dân tộc Tamil sinh sống trong vùng cực Nam của bán lục địa Ấn-độ) đã làm cho vương quốc Tích Lan suy yếu trầm trọng. Tăng đoàn trở nên thưa thớt, đến độ khiến truyền thống truyền khẩu bằng ngôn ngữ Pali có thể bị mai một, lý do là vì số người có bổn phận học thuộc lòng và bình giải kinh điển ngày càng hiếm hoi. Nhằm giải quyết khó khăn này, việc ghi chép kinh điển bằng chữ viết đã được quyết định… Thế nhưng [thật lạ lùng], việc nghiên cứu kinh điển vụt trở thành chủ đích ưu tiên, thay vì là việc thực hành (sự tu tập) ! Bắt đầu từ thế kỷ thứ I thuộc kỷ nguyên hiện tại, phần đông những người Phật giáo Sinhala (những người Phật giáo địa phương trên đảo) lơ là với phép luyện tập thiền định, đồng thời phát động một phong trào chủ trương một quá trình tu tập lâu dài, xoay quanh việc học hỏi (nghiên cứu) và chú giải [kinh điển]. Tuy nhiên không phải tất cả đều chấp nhận khuynh hướng này, một phong trào khác gồm ‘các nhà sư trong rừng’ tiếp tục tập trung vào việc luyện tập thiền định, dù gặp phải các khó khăn nào, và dầu sao đi nữa thì họ cũng chỉ là thiểu số ! Trên đảo Tích Lan, sự đối nghịch từ lâu đời giữa các nhà sự ‘cố định’ và các nhà sư ‘lưu động’ đã bị biến thể và đã trở thành một sự đối nghịch mới giữa các vị ‘thành thị’ và các vị ‘trong rừng’, giữa các vị ‘xả thân vào việc học hỏi’ và các vị ‘chuyên cần luyên tập thiền định’… 

                      

Một số các nhà sư ‘thành thị’ quan tâm đến các [đường hướng] giáo huấn mới đang được lưu truyền trên lục địa Ấn. Các đường hướng này tự nhận mình là ‘Cỗ xe lớn’ (Đại thừa), cao siêu hơn cỗ xe của các vị Arahant (A-la-hán), chỉ nhằm mục đích mang lại sự Giác ngộ tối thượng cho các vị Phật thành đạt. Phật giáo Đại thừa (Mahāyāna) rất có thể bắt đầu khởi xướng trong vùng miền Nam nước Ấn, tại một nơi gọi là Andhāra - ngày nay là tiểu bang Andhra Pradesh, nằm trên bờ biển phía Đông, không xa hòn đảo Tích Lan – và nơi này cũng từng là nơi phát sinh một vài học phái ‘anh em’ với Phật giáo của những người [địa phương] Shinhala trên đảo, cả hai cùng tôn trọng kinh điển Pali. Nhiều tư liệu cho biết Phật giáo Đại thừa cũng đã từng tạo được một số đệ tử quan trọng trên đảo Tích Lan, hầu hết [trong số họ] tập trung trong các tu viện lớn trên đảo. Tình trạng này không khác gì với tình trạng trên lục địa Ấn-độ : một số tu viện chủ trương bảo toàn kinh điển xưa tìm cách ‘cưỡng lại’ [phong trào Đại thừa], một số tu viện khác tiếp nhận các kinh điển mới (các kinh điển sūtra của Đại thừa) ghép thêm vào kinh điển của họ… Sự tranh đua [giữa hai xu hướng này] đưa đến sự hình thành của các trào lưu mới, các học phái mới – mỗi trào lưu, mỗi học phái tự ghép thêm vào kinh điển của mình các văn bản được xem là ‘giáo huấn của chính Đức Phật’ (kinh sách Đại thừa) nhằm mục đích củng cố vị trí của mình trong lãnh vực giáo lý. 

 

Kinh điển Pali không phải là một ngoại lệ. Một vài bài giảng (sutta) – dù chỉ ít ỏi, và dù phải công nhận như vậy – thế nhưng cũng đủ cho thấy thật rõ ràng ‘con đường của người bodhisatta’ (bồ-tát) cũng đã từng là con đường của vị Phật Gotama (vị Phật lịch sử) : trong cuộc hành trình xuyên qua các sự hiện hữu trong quá khứ của mình, vị Phật Gotama cũng đã từng tu tập ‘pāramitā’ (ba-la-mật), tức là phép luyện tập các ‘đức tính siêu nhiên’ (tác giả có ý nói đến tập Jātaka / Tiền thân Đức Phật) nhằm biến mình trở thành một vị Phật Giác ngộ tối thượng. Các văn bản này (tập Jātaka / Tiền thân Đức Phật) cho thấy thật rõ ràng một sự chuyển biến từ một nền tảng lâu đời (các câu chuyện nêu lên trong tập Jātaka / Tiền thân Đức Phật thường là các câu chuyện cổ tích dân gian)… và [nhất là] khá khác biệt với các tập kinh sách tương đương trong Mahāyāna (Đại thừa). Hãy nêu lên một thí dụ cụ thể : chữ ‘bodhisatta’ là một thuật ngữ đặc thù trong tiếng Pali, và tiếng Pali thì thuộc vào nhóm ngôn ngữ ‘Prakrit’, chữ ‘bodhisatta’ không hoàn toàn mang cùng một ý nghĩa với chữ ‘bodhisattva’ trong tiếng Phạn ‘Sanskrit’ (chữ ‘bodhisatta’ trong tiếng Pali dịch sang tiếng Phạn / Sanskrit là ‘bodhikta’, nếu dịch là bodhisattva’ thì không đúng…, điều này cho thấy người dân Shinhala (các người Phật giáo địa phương trên đảo Tích Lan) từng hình dung một ý niệm thật độc đáo về Con đường của người bodhisatta (con đường của người bồ-tát Theravāda), hoàn toàn khác hẳn với với Con đường của người bodhisattva (con đường của người bồ-tát Đại thừa) nói đến trong kinh sách Đại thừa (Mahāyāna). Những người Phật giáo Shinhala (những người Phật giáo trên đảo Tích Lan) trong các cách chú giải về Con đường của người bodhisatta (người bồ-tát theo quan điểm của học phái Theravāda) đều thấy nhắc đến những gì được nêu lên trong kinh điển Mahāyāna – và điều này, thêm một lần nữa, cho thấy một sự khác biệt thật hiển nhiên [giữa ý niệm về người bồ-tát trong Phật giáo Theravāda và ý niệm về người bồ-tát trong Đại thừa] (Vị Gotama từ lúc rời bỏ gia đình, đạt được Giác ngộ, cho đến khi nằm xuống bên lề một con đường mòn trong một khu rừng, luôn thuyết giảng vì tất cả chúng sinh. Đấy là con đường âm thầm và yên lặng của vị bồ-tát Gotama).

 

Đối với tập Abhidhamma (Luận tạng) thì cũng vậy, cũng có những điều thêm thắt về sau này, thế nhưng dễ nhận biết hơn : các lời bàn thảo mỗi khi đưa vào Luận tạng đều ghi rõ là thuộc học phái nào, nhờ đó người ta có thể biết được, với ít nhiều chính xác, về lịch sử, thời điểm xuất phát, giáo lý cá biệt và cả sự bành trướng [của các sự thêm thắt ấy]…

 

Tóm lại, toàn bộ kinh điển Pali – trong đó gồm các bài giảng đúng nghĩa của nó và cả các lời bình giải kèm thêm – tất cả đã được xác định định dứt khoát vào khoảng thế kỷ thứ V trong kỷ nguyên của chúng ta, và đấy cũng là công trình của một nhân vật thần tượng (uyên bác và phi thường) : đó là vị Buddhaghoṣa (Phật Âm). Theo truyền thống [lưu lại] thì chính vị này đã đứng ra sưu tập – thế nhưng sau đó thì hủy bỏ – tất cả các lời bình giải đã có từ trước, dù là mang nguồn gốc Ấn-độ (lâu đời) hay Shinhala (trên đảo Tích Lan), và sau đó hoàn toàn viết lại bằng tiếng Pali, tạo ra uy thế cho [toàn bộ] học phái Theravāda .

 

Nhiều tu viện đồ sộ được xây dựng trong vùng thủ đô Anurādhapura [của xứ Tích Lan] : tu viện xưa nhất là Mahā-Vihāra (Đại Tự Viện) được xây cất từ thế kỷ thứ III trước Tây lịch (vào dịp người con trai – hay em trai – của vua Azoka là Mahinda mang Phật giáo vào đảo Tích Lan), và cũng là trụ sở của những người bảo toàn truyền thống cổ xưa và sáng lập ra học phái Theravāda ; sau đó vào thế kỷ thứ I thuộc kỷ nguyên của chúng ta, một ngôi tự viện khác được xây dựng mang tên là Abhayagiri-Vihāra, và các nhà sư tại tự viện này thì sẵn sàng đón nhận kinh điển của Mahāyāna (Đại thừa) ; sau hết là tu viện Jetavana-Vihāra, được xây dựng vào thế kỷ thứ V sau Tây lịch, là trụ sở của học phái Tantra (Kim cương thừa)

 

Như chúng ta thấy, lịch sử Phật giáo cổ xưa của nước Ấn không kém phức tạp so với Ki-tô giáo nguyên thủy : các trào lưu khác biệt nhau được hình thành, tạo ra các xu hướng đối nghịch nhau, đưa đến vô số các truyền thống khác nhau. Thế nhưng nhà thờ Ki-tô giáo thì sớm tập trung được quyền lực và tạo được một bộ thánh kinh duy nhất – đẩy lùi vào quên lãng các ngụy tác (các văn bản sáng tạo và mạo nhận…) kéo dài đến cuối thế kỷ thứ XX ! [Trong khi đó] thì các học phái Phật giáo tiếp tục nhân lên, các truyền thống ngày càng tách xa nhau hơn…, kể cả kinh điển cũng vậy, ngoài các chứng tích nêu lên sự thành đạt của Tăng đoàn trong quá khứ, còn hàm chứa dẫy đầy các ngụy tác được ‘chính thức hóa’ (đây cũng là tình trạng đầy ‘sáng tạo’ của Phật giáo Hán ngữ với vô số các ngụy tác và mạo tác, kể cả các ‘huyền thoại’ đủ loại).   

 

Thật vậy, kinh điển Pali là một tư liệu không thể thay thế, giúp chúng ta thiết đặt một nền móng chung [cho toàn bộ Phật giáo] (một di cảo duy nhất và đầy đủ nhất còn lưu lại cho chúng ta ngày nay), thế nhưng điều đó không cho phép chúng ta quên rằng di cảo đó cũng chỉ là kinh điển của một trào lưu cá biệt (Phật giáo Theravāda), và trào lưu này tự nó cũng tách ra thành nhiều học phái khác nhau. Nền giáo huấn do học phái này lưu lại, dù tất cả được rút tỉa từ một cội nguồn nguyên thủy, thế nhưng cũng cho thấy các thể dạng tiến hóa đa dạng, các đường hướng giáo lý khác biệt nhau và cả các phương pháp luyện tập khác nhau, [kể cả] các âm vang đối nghịch – một số rất xa xưa, và một số mới mẻ hơn.

 

Nói lên như thế thiết nghĩ cũng đủ giúp các độc giả Tây phương ngày nay, mỗi khi đắm mình vào việc tìm hiểu một vài ‘bài thuyết giảng chọn lọc nào đó’ trong kinh điển Pali, có thể tránh được các sự nghịch lý (trái ngược, khó hiểu) hoặc các cách tổng thể hóa (vơ đũa cả nắm) lệch lạc (đối với chúng ta, những người Phật giáo Theravāda tại phương Đông thì cũng vậy, bài khảo luận của học giả cư sĩ Dominique Trottignon trên đây có thể mang lại cho chúng ta một tầm nhìn chính xác và ‘khoa học’ hơn về Con đường Phật giáo Theravāda.  Đối với những người Phật giáo Đại thừa thì sự ý thức về những gì diễn tiến trước khi Con đường Đại thừa hiện ra với mình cũng hết sức quan trọng giúp mình nhận thấy vị trí của mình trên con đường tu tập của mình). Trong lãnh vực này thì sự thận trọng phải thật nghiệt ngã… và sự nghiệt ngã cũng thật hết sức cần thiết !

 

Vài lời cuối sách

 

Trước khi chấm dứt quyển Một nêu lên ‘Sự quán thấy của Đức Phật về thế giới’, người viết các dòng này xin có vài lời cảm tạ một người bạn thân thiết là anh Võ Tá Hân, đã đọc lại và hiệu đính quyển sách này và các bài viết và dịch thuật khác từ lâu nay. Sau hết cũng xin mạn phép nhắc lại là người viết không giữ bản quyền quyển sách này cũng như tất cả các trước tác và dịch thuật từ trước đến nay. Mọi người đều có thể phổ biến, in ấn, phát hành, với điều kiện duy nhất là không xem đấy là một phương tiện thủ lợi, mà vì một chút lý tưởng nào đó cao đẹp hơn chăng ?  

 

                                                          Bures-Sur-Yvette, 19.01.25

                                                                   Hoang Phong

 

(Hết quyển I)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/05/2023(Xem: 11606)
Khi Phật giáo (PG) du nhập vào Trung Hoa (TH) lần đầu tiên từ Ấn-độ và Trung Á thì những TH theo PG có khuynh hướng coi tôn giáo này là một phần hay một phái của Đạo Giáo Hoàng Lão, một hình thức Đạo Giáo bắt nguồn từ kinh sách và pháp thực hành được coi là của Hoàng Đế và Lão Tử. Những người khác chấp nhận ít hơn tôn giáo “ngoại lai” xâm nhập từ các xứ Tây Phương “man rợ” này PG là xa lạ và là một sự thách thức nguy hiểm cho trật tự xã hội và đạo đức TH, Trong mấy thế kỷ, hai thái độ này tạo thành cái nôi mà ở trong đó sự hiểu biết PG của người TH thành kính, trong khi các nhà
24/04/2023(Xem: 3888)
Đạo Phật và Cơ đốc giáo đều được khai sáng bởi những bậc Đạo sư tâm linh vĩ đại, những người đã tìm cách đưa ra con đường dẫn đến sự giải thoát và cứu rỗi. Thuật ngữ các Ngài sử dụng thường khá khác nhau. Ngoài ra, đo hoàn cảnh khác nhau mà các Ngài hóa thân, giáo lý của các Ngài đã dạy những con đường khác nhau và đối với tâm kinh nhấn mạnh những cách tiếp cận khác nhau.
21/04/2023(Xem: 12403)
Thượng Tọa Thích Trí Siêu từ Pháp Quốc sẽ giảng pháp tại Úc Châu vào tháng 4 năm 2023 -- Thượng Tọa Thích Trí Siêu sinh năm 1962 tại Sài Gòn. Theo cha mẹ tỵ nạn qua Pháp năm 1975. Năm 1985 nhập chúng tu học tại Tự Viện Linh-Sơn, tỉnh Joinville-le-Pont, Paris. Năm 1987 thọ cụ túc giới với Hòa Thượng Thích Huyền-Vi. Tuy xuất thân từ Đại Thừa, nhưng Thầy đã không ngần ngại du phương tham vấn và tu học với nhiều truyền thống khác như : Nguyên Thủy, Đại Thừa, Kim Cang Thừa Tây Tạng.
21/04/2023(Xem: 4064)
Khi giác hạnh đã viên mãn thì thọ mệnh Đức Phật tuổi đã bát tuần (80). Đến đây, sắc thân tứ đại của Ngài cũng đã thuận theo định luật vô thường mà lão hóa. Năm ấy Ngài ở tại rừng cây Sala tại Kushinagar (Kusinara, Câu-thi-na), nơi Đức Phật nhập diệt. Trước khi rời bỏ xác thân tứ đại giả hợp, Ngài gọi tôn giả A Nan, người đệ tử luôn luôn ở bên cạnh Đức Ngài đến và phán rằng:
20/04/2023(Xem: 14253)
Học đạo quý vô tâm Làm, nghĩ, nói không lầm Sáng trong và lặng lẽ Giản dị mới uyên thâm
15/04/2023(Xem: 4175)
Chuyên mục khám phá những điểm tương đồng giữa kim ngôn khẩu ngọc giáo huấn của Đức Phật và các khía cạnh khác nhau của công nghệ đương đại là Nguyệt san thảo luận về lĩnh vực hệ thống – thường được gọi là Tư duy hệ thống ‘khía cạnh lý thuyết’ (cách nhìn tổng thể, có tính đa chiều và mục tiêu) và Kỹ thuật hệ thống ‘khía cạnh phát triển thực tế’
12/04/2023(Xem: 5865)
Tôi muốn chia sẻ về mối quan hệ tôn giáo và xã hội hiện đại. Vì bản tính tự nhiên, mỗi cá nhân đều có sự cảm nhận về tự ngã. Từ đó, mỗi cá nhân đều trải qua các hiện tượng mà họ nhận thức được bằng cảm giác thống khổ, cảm xúc vui sướng hay yên tĩnh. Đây là sự thật, không cần phải trình bày tỉ mỉ nữa. Động vật cũng thế. Vì bản tính tự nhiên, tất cả chúng ta đều muốn đạt được an lạc hạnh phúc, không muốn thống khổ và bất hạnh. Ta khỏi cần phải chứng minh điều này. Trên cơ sở này, chúng ta đàm luận về quyền của mọi người được hưởng cuộc sống an lạc hạnh phúc, quyền vượt qua mọi thống khổ.
22/03/2023(Xem: 5596)
Năm 2011, chuyên mục này đã đưa ra một số chủ đề lớn, từ những phương pháp hay nhất, dành cho tăng đoàn Phật giáo với khoa học công nghệ best practices with technology for sanghas, đến việc khám phá các mối quan hệ giữa sự thật khoa học thần kinh và Phật pháp relationship between truth, neuroscience, and the Dharma. Sau đó, chúng tôi đề cập đến tính hai mặt dưới góc nhìn khoa học thần kinh duality in light of neuroscience, và bắt đầu chỉ ra những lợi ích của việc xây dựng một lý thuyết khoa học về sự văn minh a scientific theory of enlightenment. Bởi thắc mắc này đang đưa ra những chủ đề mới dịp đầu xuân này, có lẽ tôi nên nhấn mạnh điều gì đó.
18/03/2023(Xem: 9449)
Tây phương Kinh tế học có thể bị chỉ trích bởi dựa trên sự hợp lý hóa hành vi cạnh tranh, tối đa hóa lợi nhuận vì lợi ích của một nhóm nhỏ, phụ thuộc vào sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và sự suy thoái môi trường chung của chúng ta. Trong khi đó, Kinh tế học Phật giáo được hình thành dựa trên sự tương tác phụ thuộc lẫn nhau của con người và môi trường, do đó mang lại sự an lạc hạnh phúc dựa trên từ bi tâm đối với tất cả chúng sinh. Mục tiêu của nó là duy sự phát triển bền vững gắn liền bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay, đồng thời khẳng định sự thịnh vượng chung và mang đến sự an lạc thịnh đạt cho người lao động, khách hàng, cổ đông và xã hội.
18/03/2023(Xem: 5587)
Công nghệ phát triển thay đổi cuộc sống con người, tuy nhiên sẽ thật ngây thơ khi tin rằng công nghệ chỉ mang lại lợi ích mà không phải trả giá. Một chủ đề lặp đi lặp lại trong lịch sử là sự ra đời của các công cụ và cơ bản công nghệ đổi mới, sẽ thay đổi cách chúng ta nhìn nhận bản thân và thế giới, cũng như trong đó có vai trò của chúng ta. Từ sự phát triển động cơ hơi nước, hàng không, xử lý máy tính và gần đây hơn là trí tuệ nhân tạo (AI), các công cụ và công nghệ đã cải thiện phúc lợi đáng kể và năng suất của con người nhưng không nhất thiết là phúc lợi của con người và các hệ sinh thái của thế giới.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]