Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Sự Quán Thấy của Đức Phật về Thế Giới

30/04/202416:52(Xem: 3158)
Sự Quán Thấy của Đức Phật về Thế Giới


phat thanh dao

QUYỂN MỘT

SỰ QUÁN THẤY CỦA ĐỨC PHẬT
VỀ THẾ GIỚI

 

 

 

HOANG PHONG

 

BIÊN SOẠN và PHIÊN DỊCH

 

 

 

 

Lời Đức Phật

 

 

Này các tỳ-kheo (các đệ tử của Đức Phật), có hai thể loại người vu khống Tathāgata (‘Như Lai’ / một trong các danh hiệu của Đức Phật). Họ là những ai ? [Trước hết] họ là những người giải thích những điều mà Tathāgata không hề nói, hoặc chưa bao giờ nói, như là những điều do chính Tathāgata nói, hoặc từng nói. Và [sau đó] là những người giải thích những điều mà Tathāgata nói hoặc từng nói, như là những điều mà Tathāgata không hề nói hoặc chưa bao giờ nói. Cả hai thể loại người ấy là những kẻ vu khống Tathāgata (Như Lai)

 

(Abhāsita Sutta / Bài thuyết giảng về những điều không nói - AN 2.23)

(Aṅguttara Nikāya – Duka Nipāta – Bāla Vagga)

 

 

 

Lời mở đầu của người chuyển ngữ

 

Những lời trích dẫn trên đây thật đanh thép và minh bạch, chữ vu khống trong câu trích dẫn trên đây trong bản gốc bằng tiếng Pali là chữ abbhācikkhanti (abhi + ā + cikkh + a), các tự điển tiếng Anh dịch chữ này là accusation, calumny, slander…, có nghĩa là kết án, phỉ báng, vu khống…. Thế nhưng trong khi viết lách hay thuyết giảng đôi khi chúng ta không nghĩ đến những lời cảnh giác trên đây của Đức Phật. Sau hơn hai mươi lăm thế kỷ quảng bá, xuyên qua nhiều vùng địa lý, hòa mình với nhiều nền văn minh và văn hóa khác nhau, nền Tư tưởng và Giáo huấn của Đức Phật đã phải trải qua nhiều thử thách, thích ứng với nhiều dân tộc, do đó thật khó tránh khỏi ít nhiều biến dạng và thêm thắt. Thế nhưng thực tế cho thấy trong suốt cuộc hành trình kỳ thú và vĩ đại đó – nếu có thể nói như vậy – nền Tư tưởng và Giáo huấn đó của Đức Phật vẫn đứng vững và đã góp phần không nhỏ trong công trình cải thiện xã hội, nâng cao trình độ văn hóa, tư tưởng và mang lại ít nhất là một chút gì đó lý tưởng hơn, cao đẹp và sâu xa hơn trong lòng của rất nhiều dân tộc.

 

Trên dòng lịch sử phát triển lâu dài đó, nền Tư tưởng và Giáo huấn của Đức Phật đã dần dần biến thành một tôn giáo, và theo như người ta thường nói, có đến 84.000 phương tiện thiện xảo, có nghĩa là rất nhiều các khía cạnh phụ thuộc nhằm chủ đích nâng đỡ, khích lệ và dìu dắt chúng ta trên con đường do Đức Phật vạch ra. Thế nhưng đôi khi các khía cạnh phụ thuộc đó cũng có thể che khuất cả ‘Con đường’, khiến chúng ta không trông thấy được các dấu chân của Đức Phật trên ‘Con đường’ đó để bước theo, giúp mình trông thấy bản chất của thế giới và vị trí của mình trong thế giới, hầu tìm cách giải thoát mình ra khỏi thế giới, một thế giới mang đầy hung bạo, trói buộc và khổ đau. Một loạt sách – và đây là quyển thứ nhất – được đề nghị nhằm cố gắng nhằm tìm lại các dấu chân của Đấng Giác Ngộ ‘Con đường’ mà đã vạch ra cho chúng ta hôm nay.

 

Những lời cảnh giác trên đây thật ra là những lời mà Đức Phật dành cho các đệ tử của Ngài vào thời đại xa xưa của Ngài, thế nhưng biết đâu cũng là những lời nhắc nhở chúng ta hôm nay ? Các công trình dịch thuật, trước tác, bình giải, thuyết giảng… về Phật giáo vô cùng phong phú và đa dạng. Đức Phật cho biết những lời thuyết giảng của Ngài chỉ là một ‘nắm lá trong lòng bàn tay’, thế nhưng khu rừng ngày càng trở nên rậm rạp. Phật giáo Việt Nam cũng có một bộ ‘Đại Tạng Kinh’ khá đầy đủ về các bài thuyết giảng của Đức Phật, dịch lại từ kinh điển bằng tiếng Pali, tức là các kinh điển được xem là nòng cốt và trung thực nhất của giáo lý Phật giáo. Ngoài ra trong Phật giáo Việt Nam cũng còn có thêm một số lẻ tẻ các bài giảng của Đức Phật – các bài ‘kinh’ – được một vài vị đại sư dịch sang tiếng Việt. Thế nhưng, thật hết sức lạ lùng, tất cả các bản dịch trong ‘Đại Tạng Kinh’ cũng như các bản dịch lẻ tẻ và hiếm hoi khác, đều chịu ảnh hưởng thật nặng nề từ kinh điển Hán ngữ, từ thuật ngữ đến ngữ pháp và cả văn phạm. Dấu vết của một nền văn hóa và tín ngưỡng lệ thuộc dường như vẫn còn đậm nét. Chuyển tải nền Tư tưởng và Giáo huấn của Đức Phật bằng tiếng Việt giúp cho người Việt Nam ngày nay có thể hiểu là cả một sự thách đố lớn lao. Loạt sách này không những là một cố gắng mà còn là một sự liều lĩnh.

 

Phật giáo Việt Nam – kể cả Phật giáo Hàn quốc và Nhật bản – thừa hưởng gia tài của nền Phật giáo Hán ngữ đã từ ngàn năm, và gia tài đó ngày nay đã lỗi thời. Phật giáo trong châu thổ sông Hằng biến thành ‘Phật giáo Hán ngữ’, và sau hàng ngàn năm biến dạng và thêm thắt đã biến thành ‘Phật giáo Trung quốc’, mang nặng cá tính, thói tục và cả văn hóa của dân tộc Hán. Nền Phật giáo đó được truyền bá sang các nước lân bang là Việt Nam, Hàn quốc và Nhật bản, và người ta thường gọi chung Phật giáo trong các nơi này là là ‘Phật giáo Bắc tông’.  Một tổ chức tư vấn về thống kê của nước Đức là Statista gần đây có đưa ra một kết quả thống kê khá bất ngờ : Trung quốc và Nhật bản nằm trong số các nước mà số người tin vào tín ngưỡng nói chung – gồm tất cả các tôn giáo –  thấp nhất trên thế giới. Tại Trung quốc số người tin vào tín ngưỡng là 21% và Nhật bản là 34% (https://fr.statista.com/infographie/4202/pourcentage-de-personnes-se-declarant-croyantes-par-pays/). Trung quốc từng được xem là một nước Phật giáo, nay trở thành một quốc gia có số người tin vào tín ngưỡng thấp nhất thế giới. Khi một xã hội chủ xướng các giá trị vật chất và sử dụng sức mạnh của sự hung bạo tinh thần, thì tôn giáo sẽ mất đi chỗ đứng của mình.      

 

Bộ ‘Đại Tạng Kinh Tiếng Việt’ – nhưng thật ra là nửa Việt nửa Hán, hoặc ít nhất cũng mang nặng ảnh hưởng từ tiếng Hán – được dịch cách nay đã trên dưới nửa thế kỷ, đã trở nên ‘khó hiểu’ đối với thế hệ ngày nay, mà không mấy người am hiểu tiếng Hán. Nền Phật giáo Hán ngữ ngày càng trở nên xa lạ và khó hiểu đối với họ. Trong khoảng thời gian nửa thế kỷ đó của hậu bán thế kỷ XX, Phật giáo bắt đầu lan rộng trong các quốc gia Tây phương, người ta thấy xuất hiện trong các quốc gia này các nhà dịch thuật, các học giả cũng như các nhà sư vô cùng uyên bác và lỗi lạc. Kinh điển Pali được dịch ra hàng chục ngôn ngữ Tây phương, một bài giảng – một bài ‘kinh’ – duy nhất đôi khi cũng có nhiều bản dịch khác nhau do nhiều dịch giả khác nhau, trong cùng một thứ tiếng. Trong trường hợp của một nước Bắc Âu chẳng hạn, dân số thì chỉ vài triệu người, thế nhưng cũng có một bộ ‘Đại tạng kinh’ trong đó không có gì gọi là tiếng Hán cả.

 

Khi người Anh khám phá ra kinh điển Pali tại Tích Lan vào cuối thế kỷ XIX, thì ngay sau đó họ dịch sang tiếng Anh và ‘Hiệp Hội Văn Bản Pali’ (Pali Text Society) đã được thành lập để dịch thuật và nghiên cứu về các tư liệu này. Thế nhưng các bản dịch vào thời bấy giờ cho thấy một vài lúng túng trên phương diện thuật ngữ, lý do là vì các dịch giả không tìm được các thuật ngữ tiếng Anh tương đương với các thuật ngữ Phật giáo trong kinh điển Pali. Ngoài ra tiếng Anh vào thời bấy giờ đã biến đổi khá nhiều so với tiếng Anh ngày nay, vì thế Hiệp Hội Văn Bản Pali đã phải dịch lại hoặc hiệu đính lại các công trình trước tác và dịch thuật trước đây vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.  

 

Xin đơn cử một thí dụ khác là trên đất Mỹ có một nhà sư dịch giả rất uyên bác là Thanissaro Bhikkhu, trước hết ông đưa các bản dịch kinh điển Pali của mình lên trang mạng accesstoinsigh.org, sau đó thì ông tự lập một trang mạng riêng là Dhammatalks.org, và nhân dịp này ông đã hiệu đính lại các bản dịch cũ trước khi đưa vào trang mạng mới. Ngoài ra cũng có một trang mạng tiếng Pháp chuyên dịch kinh điển Pali là buddha-vacana.org, mỗi khi có một thuật ngữ nào, một câu nào hay một bài giảng – bài ‘kinh’ – nào được hiệu đính hay dịch lại, thì trang mạng thông báo ngay trên trang đầu để độc giả được biết. Những gì trên đây cho thấy tính cách sinh động và cập nhật của nền Giáo huấn của Đức Phật trong thế giới Tây phương. Trong khi đó trên đất nước Việt Nam chiến tranh đã chấm dứt gần nửa thế kỷ, và chính thức có đến bốn ‘trung tâm nghiên cứu’ Phật giáo, thế nhưng nền Phật giáo đó vẫn tiếp tục là một nền Phật giáo Hán ngữ, một nền Phật giáo ‘cổ truyền’ và ‘đại chúng’, thừa hưởng từ hàng ngàn năm trước, mang nặng các nghi thức và tập tục màu mè của một tôn giáo đơn thuần.

 

Chủ đích trước nhất của loạt sách này là đề nghị các bản chuyển ngữ các bài giảng của Đức Phật sang tiếng Việt, không pha lẫn quá nhiều tiếng Hán, với hy vọng mang nền Tư tưởng và Giáo huấn của Đấng Thế Tôn đến gần hơn với thế hệ ngày nay. Chủ đích sau đó là sắp xếp các bài thuyết giảng theo từng chủ để, khác hơn với cách sắp xếp thường thấy, chủ yếu dựa vào chiều dài của các bài giảng, hoặc gộp chung các câu và các bài giảng ngắn theo từng tập hoặc từng thể loại. Cách sắp xếp đó có thể khiến người đọc khó nắm bắt được nền tảng, nội dung và sự mạch lạc trong nền Tư tưởng và Giáo huấn siêu việt của Đấng Thế Tôn. Cách sắp xếp theo từng chủ đề và tiết mục hy vọng có thể giúp độc giả tìm hiểu dễ dàng hơn chăng giáo lý và chủ đích của Con đường Phật giáo nói chung ? Một số bài thuyết giảng tiêu biểu của Đấng Thế Tôn sẽ được chọn lựa và gộp chung trong năm quyển sách mang năm chủ đề như nhau :

 

Quyển I :    Sự quán thấy của Đức Phật về Thế giới.

Quyển II :  Sự quán thấy của Đức Phật về sự vận hành của Thế giới.

Quyển III : Sự quán thấy của Đức Phật về các khía cạnh chủ yếu trong sự vận hành của Thế giới.

Quyển IV : Sự quán thấy của Đức Phật về các đặc tính chủ yếu trong sự vận hành của Thế giới.

Quyển V :  Sự quán thấy của Đức Phật về Con Đường giúp chúng sinh thoát ra khỏi Thế giới.

 

Quyển thứ nhất – tức là quyển sách này – gồm hai phần. Phần thứ Nhất là phần mở đầu, chung cho toàn bộ năm quyển sách, và phần này sẽ gồm năm chương tất cả. Phần thứ Hai gồm một số các bài thuyết giảng của Đức Phật về Thế giới và liên quan đến Thế giới :

 

Phần I

Chương 1 : Đức Phật là ai ?

Chương 2 : Phật giáo là gì ?

Chương 3 : Hiến chương Phật giáo.

Chương 4 : Đại cương về kinh điển Phật giáo.

Chương 5 : Phật giáo Tiểu thừa và Phật giáo Đại thừa.

 

Phần II

Chương 1 : Các bài thuyết giảng về Thế giới.

Chương 2 : Các bài thuyết giảng liên quan đến Thế giới.

 

Cách sắp xếp các bài giảng của Đức Phật theo từng chủ đề trên đây thật ra chỉ là một cố gắng nêu lên một mô hình bao quát nhằm nêu lên sự liên tục và mạch lạc trong nền tư tưởng vô cùng phong phú của Đấng Thế Tôn. Thật vậy, các bài thuyết giảng của Đức Phật dù đa dạng, sâu sắc, thích ứng với các trình độ hiểu biết và các xu hướng đa dạng của người nghe, thế nhưng tất cả đều hướng thẳng vào một mục đích thiết thực trong việc tu tập. Tuy nhiên, dù mang tính cách trực tiếp và thực dụng, thế nhưng trong từng mỗi bài giảng luôn hàm chứa một sự hiểu biết mênh mông trong các lãnh vực triết học, khoa học và cả tâm linh.

 

Ngoài ra cũng xin mạn phép nêu lên một sự lưu ý sau cùng là việc thực hiện loạt sách này chỉ là một dự án, một ước vọng của người viết, do vậy ngoài ý chí và lòng quyết tâm còn phải nghĩ đến các điều kiện khác : sự hiện hữu nhỏ nhoi của một con người. Khi nào còn ngồi vào bàn để học hỏi thì người viết sẽ còn tiếp tục cố gắng và đeo đuổi ước vọng đó của mình. Quyển sách này là quyển thứ nhất, và vào một ngày nào đó, nếu may mắn toàn bộ loạt sách này được hoàn tất, thì người viết sẽ còn tiếp tục chuyển ngữ và bình giải thêm các bài giảng khác để ghép thêm vào năm quyển sách này theo từng chủ đề đã được nêu lên. Nói một cách khác thì năm quyển sách này sẽ là các quyển sách sinh động, liên tục được hiệu đính, sửa chữa và bổ túc thêm. Thật thế, hơn mười ngàn bài thuyết giảng của Đấng Thế Tôn là cả một khung trời to rộng, một đại dương hiểu biết, một sức sống không bao giờ khô cạn. Sự hiện hữu của mỗi con người trong chúng ta rất mong manh, may lắm cũng chỉ phát động được một chút cố gắng nhỏ nhoi, giúp mình bước vào khung trời to rộng đó, cùng rạt rào với các ngọn sóng dâng lên từ đại dương hiểu biết đó, và cùng hòa mình với hơi ấm của sức sống không bao giờ khô cạn đó, một sức sống hừng hực đã kéo dài hơn hai-mươi-lăm thế kỷ trên hành tinh này.

 

Người viết cũng xin minh định là từ trước đến nay không hề giữ bản quyền tất cả các trước tác và dịch thuật của mình, mọi người đều có thể in ấn hoặc phổ biến – kể cả các bài ngắn đã được đăng tải và các sách đã được xuất bản – bằng bất cứ phương tiện nào, với điều kiện duy nhất là ghi rõ nguồn gốc, và nhất là không nhằm mục đích thủ lợi mà là vì một chút gì đó lý tưởng và cao đẹp hơn chăng ?

 

Sau hết xin trích dẫn thêm các câu sau đây thuộc chung trong cùng một tiết mục với câu đã được trích dẫn trên trang đầu của quyển sách. Tiết mục này mang tựa là Bala vagga, chữ bala có nghĩa là sức mạnh, chữ vagga có nghĩa là tiết mục hay ca khúc, do đó cũng có thể dịch tựa của tiết mục này là ‘Những lời ngợi ca một Sức mạnh’. Vậy sức mạnh ấy là gì :

 

« Này các tỳ-kheo, có hai thứ góp phần mang lại sự hiểu biết đúng đắn.

Vậy hai thứ ấy là gì ? Sự thanh thản (sự bình lặng, sự an bình) và sự quán thấy minh bạch (trí tuệ).

 

Phát huy được sự thanh thản sẽ mang lại lợi ích gì ? Một tâm thức cởi mở.

Cởi mở được tâm thức sẽ mang lại lợi ích gì ? Buông bỏ sự thèm khát. 

 

Phát huy được sự quán thấy minh bạch sẽ mang lại lợi ích gì ? Sự nhận định sáng suốt.

Phát huy được sự nhận định sáng suốt sẽ mang lại lợi ích gì ? Loại bỏ được sự u mê (vô minh).

 

Khi nào còn bị sự thèm khát làm cho ô uế thì tâm thức sẽ không sao tìm được sự giải thoát. 

Khi nào còn bị sự u mê làm cho ô uế thì tâm thức không sao phát huy được sự hiểu biết sáng suốt.

 

Do vậy, khi nào sự thèm khát được loại bỏ thì tâm thức sẽ được giải thoát.

Khi nào sự u mê được loại bỏ thì sự hiểu biết sáng suốt (trí tuệ) sẽ được giải thoát ».

 

       Aṅguttara Nikāya – Duka Nipāta – Bāla Vagga

(Các câu thuyết giảng đánh số từ AN 2.21 đến AN 2.31)

 

Vậy chúng ta hãy cùng nhau cố gắng tìm hiểu Giáo huấn của Đấng Thế Tôn theo tinh thần và đường hướng của Sức mạnh đó.

 

 

Bures-Sur-Yvette, 04.12.23

            Hoang phong

 


                                                     


 [A1]

 [A2]

 [A3]A

 

 [A4]

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/11/2020(Xem: 14730)
“Ma” tiếng Phạn gọi là Mara, Tàu dịch là “Sát,” bởi nó hay cướp của công đức, giết hại mạng sống trí huệ của người tu. “Ma” cũng chỉ cho những duyên phá hoại làm hành giả thối thất đạo tâm, cuồng loạn mất chánh niệm, hoặc sanh tà kiến làm điều ác, rồi kết cuộc bị sa đọa. Những việc phát sanh công đức trí huệ, đưa loài hữu tình đến Niết-bàn, gọi là Phật sự. Các điều phá hoại căn lành, khiến cho chúng sanh chịu khổ đọa trong luân hồi sanh tử, gọi là Ma sự. Người tu càng lâu, đạo càng cao, mới thấy rõ việc ma càng hung hiểm cường thạnh. Theo Hòa Thượng Thích Thiền Tâm trong "Niệm Phật Thập Yếu", Ma tuy nhiều, nhưng cốt yếu chỉ có ba loại: Phiền não ma, Ngoại ma và Thiên ma
04/11/2020(Xem: 9185)
Những chúng sanh thuộc hàng Thanh Văn: Các chúng sanh thuộc hàng Thanh Văn được chứng ngộ khi nghe được những học thuyết về các Uẩn, Giới, Xứ, nhưng lại không đặc biệt lưu tâm đến lý nhân quả. Họ giải thoát được sự trói buộc của các phiền não nhưng vẫn chưa đoạn diệt được tập khí của mình. Họ đạt được sự thể chứng Niết-Bàn, và an trú trong trạng thái ấy, họ tuyên bố rằng họ đã chấm dứt sự hiện hữu, đạt được đời sống Phạm hạnh, tất cả những gì cần phải làm đã được làm, họ sẽ không còn tái sinh nữa. Những vị nầy đã đạt được Tuệ kiến về sự Phi hiện hữu của “Ngã thể” trong một con người, nhưng vẫn chưa thấy được sự Phi hiện hữu trong các sự vật. Những nhà lãnh đạo triết học nào tin vào một "Đấng Sáng Tạo" hay tin vào “Linh hồn” cũng có thể được xếp vào đẳng cấp nầy.
03/10/2020(Xem: 24619)
Đây là một bài nghị luận về Lý Duyên Khởi được Ajahn Brahm viết lần đầu tiên hơn hai thập niên trước. Vào lúc đó, ngài quan tâm nhiều hơn đến những chi tiết phức tạp trong việc giảng dạy kinh điển. Vì lý do đó bài nghị luận này có tính cách hoàn toàn chuyên môn, so với những gì ngài giảng dạy hiện nay. Một trong những học giả Phật học nổi tiếng nhất hiện nay về kinh điển Phật giáo đương đại là Ngài Bhikkhu Bodhi, đã nói với tôi rằng “Đây là bài tham luận hay nhất mà tôi được đọc về đề tài này”.
23/03/2020(Xem: 12227)
Có một con sư tử mẹ đang đi kiếm ăn. Nó sắp làm mẹ. Buổi sáng đó nó chạy đuổi theo một chú nai. Chú nai con chạy thật nhanh dù sức yếu. Sư tử mẹ dầu mạnh, nhưng đang mang thai, nên khá chậm chạp. Sư tử mẹ chạy sau chú nai con rất lâu, khoảng 15 phút, mà vẫn chưa bắt kịp. Sau đó chúng tới một rãnh sâu. Chú nai lẹ làng nhảy qua rãnh, sang bờ bên kia. Sư tử mẹ rất bực tức vì không bắt kịp con mồi, và vì nó đang cần thức ăn cho cả nó và đứa con trong bụng. Vì thế, nó cố hết sức để nhảy qua cái rãnh sâu. Nhưng tai họa đã xảy ra, sư tử mẹ đã sẩy đứa con khi cố nhảy qua rãnh. Dầu qua được bờ bên kia, nhưng sư tử mẹ biết rằng mình đã đánh mất đứa con mà nó đã chờ đợi từ bao lâu, đã yêu thương hết lòng, chỉ vì một phút vô tâm của mình. Nó đã quên rằng nó đang mang một bào thai trong bụng, và nó cần phải hết sức cẩn trọng. Chỉ một phút lơ đễnh, nó đã không giữ được đứa con của mình.
01/03/2020(Xem: 13754)
Kinh Viên Giác là kinh đại thừa đốn giáo được Phật cho đó là “Con mắt của 12 bộ kinh”. “Con mắt” ở đây theo thiển ý có nghĩa là Viên Giác soi sáng nghĩa lý, là điểm tựa, là ngọn hải đăng cho các bộ kinh để đi đúng “chánh pháp nhãn tạng”, không lạc vào đường tà và tu thành Phật. Khi nghe kinh này, đại chúng kể cả chư Phật và chư Bồ Tát đều phải vào chánh định/tam muội, không bình thường như những pháp hội khác.
06/01/2020(Xem: 13055)
Đức Tổng Giám mục Colombo, Đức Hồng Y Malcolm Ranjith người Sri Lanka,Chủ tịch Hội đồng Giám mục Sri Lanka, phục vụ Giáo hội Công giáo La Mã của Thánh Matthew ở Ekala, Sri Lanka, gần đây đã nói điều gì đó dọc theo dòng “Nhân quyền đã trở thành tôn giáo mới nhất ở phương Tây. . . Người dân Sri Lanka đã nghiêng về con người thông qua Phật giáo, truyền thống tôn giáo chính thống của họ đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử. . . Những người không thực hành tôn giáo là những người bị treo lên Nhân quyền”.
04/01/2020(Xem: 9472)
Trong Ngũ Đăng Hội Nguyên có thiền truyện thuật lại cuộc hỏi đáp giữa Triệu Châu và Nam Tuyền: " Triệu Châu hỏi Nam Tuyền: 'Thế nào là đạo?' Nam Tuyền đáp : ‘Tâm bình thường là đạo’ (Bình Thường Tâm thị Đạo). _’Lại có thể nhằm tiến đến chăng?’ _ ‘Nghĩ nhằm tiến đến là trái’. _ ‘Khi chẳng nghĩ làm sao biết là đạo?’ _ ‘Đạo chẳng thuộc biết và chẳng biết. Biết là vọng giác, không biết là vô ký. Nếu thật đạt đạo thì chẳng nghi, ví như hư không rỗng rang đâu thể gắng nói phải quấy’. Ngay nơi lời này Triệu Châu ngộ lý, bèn đi thọ giới...." Vậy, thế nào là “Tâm Bình Thường”?
08/12/2019(Xem: 27917)
Kính lễ Phật Pháp Tăng là thể hiện niềm tin sâu xa của Tứ chúng đệ tử đức Phật mỗi ngày đối với Tam bảo. Đệ tử Phật dù tu tập chứng A-la-hán vẫn suốt đời nương tựa và kính lễ Phật Pháp Tăng không hề xao lãng. Các vị Bồ tát từ khi phát Bồ đề tâm, tu tập trải qua các địa vị từ Tín, Trú, Hạnh, Hướng, Địa cho đến Đẳng giác không phải chỉ nương tựa và kính lễ Phật Pháp Tăng một đời mà đời đời, kiếp kiếp đều nương tựa và kính lễ Phật Pháp Tăng. Nhờ sự nương tựa và kính lễ Phật Pháp Tăng như vậy, mà Bồ tát không rơi mất hay quên lãng tâm bồ đề, khiến nhập được vào cảnh giới Tịnh độ không thể nghĩ bàn của chư Phật, nhập vào thể tính bất sinh diệt cùng khắp của Pháp và nhập vào bản thể hòa hợp-thanh tịnh, sự lý dung thông vô ngại của Tăng.
08/12/2019(Xem: 29934)
Phật Giáo và Những Dòng Suy Tư (sách pdf)
22/11/2019(Xem: 26943)
Nam mô ADIĐÀ PHẬT , xin Thầy giải thích thắc mắc của con từ lâu : “ Nam mô Tam Châu Cảm Ứng Di Hộ Pháp Vi Đà Tôn Thiên Bồ Tát “: 1- Tại sao Tam Châu mà không là Tứ Châu ? 2- Hộ Pháp Vi Đà Tôn Thiên Bồ Tát có phải là Vị Bồ Tát đứng chung với Ngài Tiêu Diện BT ở bàn thờ trước hall mà khi chúng con mới vào chùa QDT dẫn đến và nói : cô chú khi mới vào chùa đến xá chào 2 Vị BT này ( check in ) trước khi ra về cũng đến xá chào ( check out).Xin Thầy nói về tiểu sử của 2 Vị BT ( 2 security officers) mà Phật đã bổ nhiệm xuống cho mỗi chùa .Xin mang ơn Thầy 🙏
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]