Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

47. Độc Tài

04/01/201910:36(Xem: 15577)
47. Độc Tài

Độc Tài

(giọng đọc Thanh Điển - Thanh Kim Huệ)

 

Quyền lực nếu nằm trong tay của những kẻ thiếu hiểu biết và thiếu đạo đức thì đó là mối hiểm họa cho xã hội và toàn thế giới.

 

 

 

Phá vỡ thế cân bằng

 

Vì cho rằng tài năng của mình luôn vượt trội hơn người khác, nên ta luôn giành quyền ưu tiên quyết định mọi vấn đề có ảnh hưởng đến lợi ích chung mà không cần thông qua sự tán thành ý kiến của những người khác. Đó là thái độ độc tài. Độc tài chính là sự biểu hiện trọn vẹn uy lực của bản ngã, thông qua hình thức quy phục của các cá thể khác.

 

Trong bản chất tự nhiên, mọi cá thể đều được làm ra từ nguồn năng lượng tổng thể của vũ trụ và liên tục chịu ảnh hưởng qua lại giữa các cá thể. Không cá thể nào sở hữu cái tôi riêng biệt do chính nó tự tạo, nên mọi cá thể đều bình đẳng với nhau trong bản thể. Cũng như những con sóng đều được sinh ra từ đại dương. Dù hình tướng có khác nhau, nhưng chúng đều có chung bản chất là nước. Sự thật, con sóng này thấp là để cho con sóng kia cao, con sóng này sinh vì con sóng kia đã diệt. Tuy chúng không ngừng xô đẩy nhau, nhưng bản chất của con sóng này cũng chính là con sóng kia. Suy cho cùng, tất cả những con sóng ấy cũng chính là đại dương, bởi vì ngoài chúng ra thì không có gì để gọi là đại dương nữa cả. Tất nhiên, đại dương còn là phần sâu thẳm bên dưới - những con sóng chưa phát sinh. Nhưng giữa chúng với những con sóng đã phát sinh cũng không có gì khác biệt và cũng chưa từng tách biệt. Thế nên, hiện tượng cũng chính là bản thể và bản thể cũng chính là hiện tượng. Nghĩa là, không có cái bản thể nào tách rời với hiện tượng, và cũng không có hiện tượng nào không nương tựa trên bản thể mà có thể biểu hiện được.

 

Dễ thấy nhất là hãy nhìn vào đứa con của ta. Vượt qua cái hình tướng bên ngoài, ta sẽ phát hiện ra nó chính là một phần của ta. Ta và nó có chung xuất xứ, chưa từng tách biệt hoàn toàn. Cũng như khi nhìn vào chính hình hài của mình, ta cũng thấy được mình chính là sự tiếp nối của cha mẹ và ông bà tổ tiên. Mình với họ có cùng nguồn cội. Điều này cũng đúng trong liên hệ giữa ta và vạn sự vạn vật. Tất cả đều là con của bà mẹ vũ trụ vĩ đại. Sự khác biệt giữa các hiện tượng chỉ là kết quả tự nhiên của quá trình tương tác liên tục giữa các cá thể theo nguyên tắc nhân quả và duyên sinh. Nhưng khi đi qua lăng kính hạn hẹp của con người, nó bị phân chia cao thấp để phục vụ quyền lợi cho cái tôi sai lầm.

 

Đúng là có những tài năng đã phải được trui rèn rất gian nan và mất nhiều năm tháng mới thành được. Nhưng hạt giống tài năng ấy cũng được sinh ra từ hợp thể thân-tâm vay mượn. Trước khi có tài năng và sau khi có tài năng, nó đều không ngừng tiếp nhận nguồn trợ giúp của vô số yếu tố bên ngoài. Nói chung bản ngã này vốn là vô ngã thì bất cứ cái gì được tạo ra từ nó, dù là tài năng hay đức hạnh, cũng đều là vô ngã. U mê lớn nhất của con người là không thấy được bản chất vô ngã của mình, nhận thức luôn bị giới hạn bởi sự khác biệt của hiện tượng. Vì thế, ta không ngừng tích góp mọi điều kiện thuận lợi để cung phụng cho cái bản ngã mà ta ngỡ là riêng biệt này, xem đó là công việc chính của đời mình. Từ đó, thể hiện uy quyền trước mọi người đã trở thành nhu yếu rất lớn của bản ngã.

 

Có những sự độc tài chỉ dừng lại ở mức muốn thể hiện uy quyền khiến người khác phải khiếp phục và vâng lời mình. Có những sự độc tài lại dựa vào uy quyền để huy động lực lượng mà thực hiện mục đích khác, nhưng cũng không ngoài mục đích củng cố lợi ích cho bản thân. Ngoài ra, người ta còn sử dụng sự độc tài như một phương tiện hữu hiệu tạm thời để tạo ảnh hưởng hay dẫn dắt những đối tượng còn yếu kém. Người cha thường nghĩ rằng con mình chưa đủ khôn lớn, nên nhất nhất cần phải tuân theo quan điểm và cách thức của mình. Bởi đó là kinh nghiệm xương máu của chính mình mà cũng là kinh nghiệm quý báu từ thế hệ tổ tiên truyền lại. Người lãnh đạo một đoàn thể cũng cho rằng những thành viên này chưa đủ cơ hội để am tường mọi vấn đề ở đây như mình, hoặc họ chưa đủ thành ý để đưa ra những ý kiến có lợi cho đoàn thể, nhất là họ không phải chịu trách nhiệm chính như mình, nên tốt nhất hãy nghe theo những ý kiến của mình.

 

Khi ta sử dụng uy quyền của mình để lấn át quyền làm chủ quan điểm của kẻ khác một cách "trót lọt", tất nhiên, ta phải trao đổi với họ bằng một cảm xúc tốt nào đó. Người con vì hiểu được rằng tất cả những lời giáo huấn của người cha đều xuất phát từ ý muốn tốt cho nó, và nó thật sự cảm nhận được tình thương ấy nên nó có thể chấp nhận bị la rầy hay mất quyền bày tỏ quan điểm của riêng mình. Cũng vậy, các thành viên vì hiểu được sự độc tài của vị lãnh đạo chỉ với mục đích mang lại quyền lợi cho đoàn thể, trong đó có phần của họ, nên họ cũng chấp nhận mà không đòi quyền cạnh tranh công bằng.

 

Tuy nhiên, không phải bất kỳ người nào đóng vai độc tài cũng thành công. Đôi khi họ nhân danh chân lý hoặc tình thương mà lạm dụng sự độc tài để thể hiện uy lực của bản ngã, hoặc thao túng quyền lợi của kẻ khác. Cũng có khi ban đầu họ có thiện ý giúp đỡ kẻ khác, nhưng nửa đường thiện ý ấy bị tâm tham hay tâm sân cạnh tranh và hạ gục. Trong trường hợp ta mượn hình thức độc tài để hướng dẫn hay nâng đỡ kẻ khác một cách rất hiệu quả, mà nếu đối tượng ấy hoan hỷ chấp nhận chứ không hề có sự miễn cưỡng nào thì quy luật cân bằng cảm xúc đã được thực hiện. Còn nếu ta sử dụng uy quyền để ép buộc kẻ khác phải nghe theo mình, dù công khai lấn lướt hay ngụy trang bằng hình thức dân chủ, thì ta đã vay món nợ cảm xúc rất lớn. Nếu sự bất mãn hay phẫn uất của đại chúng càng lớn thì món nợ ấy sẽ càng lớn. Nó có thể tăng theo cấp số nhân. Bằng cách này hay cách khác, vũ trụ buộc ta phải sớm giải quyết món nợ ấy để trả lại thế cân bằng.

 

Đó là chưa nói đến phản ứng trực tiếp của đối phương, khi họ nhận ra sự độc tài của ta là vì không biết tôn trọng quyền lợi hay tài năng của họ. Dù họ thể hiện ra ngoài thái độ tán đồng ý kiến hay phải im lặng chấp nhận, nhưng nếu trong thâm tâm họ đã bất mãn thì nó sẽ ngầm dấy lên một năng lượng sân hận và chống đối mạnh mẽ. Năng lượng ấy có thể biến thành hành động như bất hợp tác, hoặc tìm cách trả đũa để lấy lại cảm xúc công bằng. Nếu cả đoàn thể đều mang năng lượng chống đối như thế, nó sẽ kết thành một làn sóng mạnh để chống trả hay lật đổ cơ chế độc tài lãnh đạo ấy. Dù cơ chế độc tài được xây dựng rất kiên cố và năng lượng chống trả chưa đủ mạnh, nhưng theo thời gian thì thế cân bằng cũng sẽ được thiết lập. Trước sau gì vũ trụ cũng có trách nhiệm thực hiện nguyên tắc nhân quả và duyên sinh để vạn sự vạn vật không rơi vào tình trạng hỗn loạn và chiến tranh. Mà nếu chiến tranh phải xảy ra, dù chỉ giữa cá thể với cá thể, thì đó là cách tồi tệ nhất mà vũ trụ phải chọn để sớm giải quyết vấn đề.

 

Cho nên, độc tài dù dưới mục đích nào thì nó cũng đã phá vỡ thế cân bằng cảm xúc giữa ta và kẻ khác. Tùy vào mục đích và thái độ mà ta phải chấp nhận luật bù trừ cân xứng.


Quyền lực hay yếu đuối?

 

Trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã từng nhắc nhở: "Mà trong lẽ phải có người có ta". Sự thật là ai cũng có tài năng riêng, dù những tài năng ấy không thích hợp để giải quyết những vấn đề của hiện tại. Khi ta nghĩ người kia bất tài vô dụng là ta đang bị giới hạn tầm nhìn về tổng thể của một con người. Không ai có thể sống được giữa cuộc đời thăng trầm này mà chẳng có tài cán gì cả. Đó là chưa xét đến những lĩnh vực khác, có thể họ hơn hẳn ta. Họ có thể là một người rất hạnh phúc với gia đình, được bạn bè yêu mến và luôn là niềm tin vững chắc cho những người xung quanh. Còn ta thì sao? Tài năng của ta hơn người chỗ nào mà chỉ có mỗi vấn đề truyền thông để mọi người thấu hiểu và vui vẻ chấp nhận ý kiến mà ta làm cũng không xong. Để so kè tài năng, ta nên nhìn vào khả năng làm chủ những cảm xúc trong tâm kìa. Lấn lướt và chiến thắng kẻ khác để làm gì mà ta vẫn luôn đầu hàng với chính mình, vẫn làm những điều lương tâm không cho phép. Do đó, sử dụng uy quyền để buộc kẻ khác phải nghe theo mình thì đó là giải pháp thấp kém nhất.

 

Giả sử trong một đoàn thể có mười người cùng họp để giải quyết một vấn đề thì lý tưởng nhất là được sự thống nhất ý kiến của cả mười người. Thực tế điều này rất hiếm khi xảy ra, vì quan điểm của mỗi người luôn khác biệt. Cho nên lý do ngồi lại với nhau không chỉ để trưng cầu ý kiến mà còn là cơ hội để thấu hiểu và cảm thông nhau, để có thể thuyết phục nhau buông bỏ bớt những ý kiến chưa thích hợp. Lỡ như có một người không đồng ý thì đa số phải cử đại diện thuyết phục người ấy cho bằng được. Nếu không thì cuộc họp bắt buộc phải dừng lại và chờ dịp khác. Tại vì sự bất mãn của một người có thể phá vỡ tính chất hòa hợp của đoàn thể. Khi đoàn thể mất đi tính hòa hợp thì khó có thể làm nên việc gì hay đi xa hơn được. Hòa hợp phải như nước với sữa, không thể tách biệt.

 

Nhưng nếu chỉ vì một người không cùng ý kiến mà đoàn thể không thể đi tới quyết định được thì cũng không thích hợp. Và sự không đồng thuận ý kiến ấy có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi hay vận mệnh của đoàn thể thì cũng không công bằng. Cho nên, người có ý  kiến trái chiều với đa số nếu thấy vấn đề không quá nghiêm trọng, cộng với đức tin vào tài năng và ý thức trách nhiệm của đoàn thể và cả tình cảm tốt đẹp đã có với nhau thì cũng nên nhường nhịn. Tạm thời thu ý kiến của mình lại để vấn đề sớm được giải quyết. Tuy vậy, khi ý kiến của đa số được chấp nhận thì đa số phải chân thành cảm ơn thiểu số đã nâng đỡ, và đa số phải hứa sẽ cố gắng thực hiện ý kiến của mình một cách hiệu quả.

 

Trong trường hợp không thể thuyết phục được người ấy thì đại chúng đành phải đi tới quyết định, chứ không thể chờ mãi mà làm hỏng kế hoạch. Nhưng đại chúng phải thành thật xin lỗi người ấy và hứa trong tương lai sẽ làm tốt hơn, đạt mức đồng thuận tuyệt đối. Điều cần nói thêm là sau khi đại chúng đã đồng thanh nhất trí với nhau rồi, dù trong đó có một vài người chỉ tạm thời chấp nhận, thì không một ai được quyền bàn ra hay thể hiện sự bất mãn của mình nữa. Tất cả đều phải được giải quyết trong cuộc họp. Nếu chưa hài lòng thì phải xin có thêm một cuộc họp khác. Vì thái độ bất mãn ấy một khi truyền ra ngoài, nó sẽ vô tình tạo thêm thế lực chống đối đoàn thể. Ta sẽ mang lỗi phá hoại đoàn thể.

 

Với một đoàn thể không chú trọng về mặt xây dựng giá trị tinh thần thì mô thức trên sẽ bất khả thi. Thực tế, luôn có những vấn đề cấp bách mà không thể kiên nhẫn trì hoãn cuộc họp từ lần này sang lần khác mới quyết định. Và một thực tế khác, những người đóng vai trò chủ trì cuộc họp hay lãnh đạo cũng không có nhiều thời gian và thiện chí để thuyết phục ý kiến của từng người. Cho nên, phần lớn các cuộc họp đều đi theo thông lệ "đa số thắng thiểu số", "thiểu số phục tùng đa số". Chú trọng công việc hơn là "đắc nhân tâm".

 

Tuy nhiên, "thắng" hay "phục tùng" thường chỉ xảy ra một cách miễn cưỡng trong phiên họp mà thôi. Sự thật là khi ý kiến của người kia không được chấp nhận hay không được thuyết phục một cách thỏa đáng, dù họ thừng chống đối, nhưng năng lượng bất mãn vẫn còn đó. Nếu ta dùng quyền lãnh đạo của mình để uy hiếp họ mà không thông qua sự thương thuyết thì năng lượng bất mãn ấy lại càng lớn mạnh hơn. Vì thế, thái độ khôn ngoan của một người buộc phải thể hiện vai độc tài, là phải luôn tìm cách bù đắp cảm xúc hợp lý cho việc mình lấn lướt quyền bình đẳng của kẻ khác. Lắng nghe và ái ngữ với thái độ khiêm cung thường là giải pháp hóa giải cảm xúc hữu hiệu nhất. Nếu ta đã bỏ qua trách nhiệm bù đắp cảm xúc này, dù vô tình hay cố ý, thì liên hệ ấy sẽ mất thế cân bằng và chắc chắn sẽ rạn nứt hay đổ vỡ trong tương lai gần.

 

Không ai thích sống chung hay làm việc với một kẻ độc tài, bởi vì nhu cầu hàng đầu của con người vẫn là quyền bình đẳng. Có khi họ phải chấp nhận sự độc tài của ta vì họ biết ta tài giỏi hơn họ, ta chịu trách nhiệm về vấn đề ấy nhiều hơn họ, hay vì ta đem tới lợi ích cho họ. Thế nhưng lòng kính trọng và niềm tin tưởng của họ dành cho ta luôn bị suy giảm trong mỗi lần như thế. Họ không thể duy trì mãi niềm kính trọng với ta, khi từ việc lớn đến việc nhỏ ta đều không tôn trọng ý kiến và tài năng của họ. Tức là ta đã xem thường họ. Họ ngờ rằng nếu ta thật sự bản lĩnh thì phải có khả năng làm cho họ "tâm phục khẩu phục", chứ không thể dùng uy quyền để áp đặt. Thái độ độc tài có khi chính là dạng khác của sự yếu đuối. Quả thật, bản chất của sự độc tài là thể hiện thái độ đề cao tài năng của mình, nhưng cũng đồng thời tiềm ẩn thái độ lo sợ sự vượt trội tài năng hay lấn quyền của kẻ khác. Cho nên sự độc tài có thể xuất phát từ sự yếu đuối, hoặc sẽ dẫn tới sự yếu đuối.

 

 

 

Quyền lực đích thực

 

Sự độc tài luôn đem tới sự cô đơn, bởi ai cũng tránh xa kẻ chẳng biết coi trọng mình. Trong liên hệ tình cảm, sự độc tài là điều kiêng kỵ nhất, vì bản chất của tình cảm luôn là sự tự nguyện và luôn cần được tôn trọng để thấy được giá trị đích thực của nhau. Dù ta là cha mẹ, là thầy chủ, hay là những bậc lãnh đạo tối cao thì cũng nên hạn chế tối đa việc sử dụng uy quyền trong khi muốn thu phục hay dẫn dắt kẻ khác. Người kia dù rất thương hay biết ơn ta, nhưng họ không thể đánh mất quyền tự do vốn là nguồn sống rất căn bản.

 

Ở  xã hội phương Tây, cha mẹ luôn tạo cơ hội cho con cái phát huy khả năng tiềm ẩn và tự chủ bản thân nên họ thường thương lượng ý kiến chứ không áp đặt. Tuy nhiên, điều tai hại là có rất nhiều vấn đề cha mẹ hoàn toàn có kinh nghiệm và hiểu biết hơn, nhưng con cái cũng chỉ xem đó như là một sự tham khảo. Vì thế, chúng vẫn độc lập trong suy nghĩ và hành động. Đã có không biết bao nhiêu bậc cha mẹ vô cùng khổ tâm khi thấy con mình đang lầm đường lạc lối mà không thể ngăn cản được. Chế độ bảo hộ quyền lợi cho trẻ em rất cao ở phương Tây đã vô tình bảo hộ luôn những nông nổi dại khờ của chúng.

 

Vì vậy sự độc tài có khi rất cần thiết. Nhưng phải hết sức cẩn thận, vì ta rất dễ nhầm lẫn giữa thái độ muốn chứng tỏ uy quyền và tinh thần nâng đỡ. Ranh giới giữa vị kỷ và vị tha có khi chỉ cách nhau trong một đường tơ. Người có quyền lực đích thực phải có khả năng đem tới niềm an vui, hạnh phúc, và ôm ấp được những niềm đau nỗi khổ của kẻ khác mà không thấy mình cao thượng hay vĩ đại. Người có quyền lực đích thực thì không cần dùng tới bất cứ ngôn từ hay cử chỉ nào để hô hào mà mọi người vẫn tin tưởng và quy phục.

 

Quyền lực ấy chắc chắn phải được sản sinh ra từ năng lực đức hạnh và tình thương rộng lớn. Xã hội nào cũng cần có những quyền lực đích thực như thế để duy trì nền hòa bình, dân chủ. Nếu ta thấy mình đang còn lạm dụng uy quyền để chứng tỏ bản ngã thì hãy sớm tìm cách buông bỏ. Đó không phải là con đường đúng đắn và an toàn để xây dựng nên giá trị chân thật. Dù ta không thể đem tới hạnh phúc hay tình thương cho kẻ khác, nhưng ít ra ta cũng không gây khổ đau hay oán thù với họ. Quyền lực nếu nằm trong tay của những kẻ thiếu hiểu biết và thiếu đạo đức thì đó là mối hiểm họa cho xã hội và toàn thế giới.

 

 

Tình thương không điều kiện

Sức mạnh của tâm hồn

Về đâu con sóng nhỏ?

Giữa đại dương vô cùng.

Như hoa nở trên đồng

Xấu đẹp cũng về không

Nhìn nhau chung bản thể

Nét văn minh tâm hồn.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/04/2013(Xem: 14446)
Một Tôn Giáo Hiện Đại (nguyên tác Anh ngữ: "What is this Religion? - Tôn giáo này là gì ?", ấn hành tại Đài Loan vào năm 1992), là một trong mấy mươi tác phẩm...
04/04/2013(Xem: 2282)
Trong cuộc sống hằng ngày, có ai tránh khỏi những hoàn cảnh trái ý nghịch lòng, khiến ta phải khổ đau, phiền não. Ðó là vì tâm yếu đuối của chúng ta không thể xem chướng ngại như cơ hội để ta rèn giới hạnh ...
01/04/2013(Xem: 4469)
Sau đây là một số lời Phật dạy đối chiếu với sự tìm hiểu của các nhà Khoa học: I )- Vi sinh vật, âm thanh 1)- Vi sinh vật: Khi Phật trông thấy các Tỳ-kheo dùng gáo múc nước sạch trong chum (lu, vại, khạp đựng nước) để uống, Ngài dạy: “Các ông phải niệm chú trước khi uống nước ấy, vì trong nước đó có nhiều sinh vật rất nhỏ bé”.Rồi Ngài dạy các Tỳ-kheo đọc câu chú: “Án chạ tất ba ra ma ni tóa ha, Án chạ tất ba ra ma ni tóa ha, Án chạ tất ba ra ma ni tóa ha”.(Có sách lại ghi là “Án địa lị nhật lị sa ha”)Ngài dạy: “Mỗi lần uống nước đều nên đọc câu chú ấy ba lần để chúng-sanh nhỏ bé ấy được siêu thoát”.
01/04/2013(Xem: 6744)
Này các Tỷ-kheo, nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, các người chớ có vì vậy sanh lòng công phẫn, tức tối, tâm sanh phiền muộn. Này các Tỷ-kheo, nếu có người hủy báng Ta ...
01/04/2013(Xem: 6517)
Bài pháp này đã được Đức Phật thuyết cho ẩn sĩ Subhadda ngay vào lúc sắp viên tịch Níp Bàn giữa hai cây Sàlà (vườn Ingyin) gần thành Kusinãra, xin trích đoạn sau ...
01/04/2013(Xem: 7808)
“ Đức Phật dạy chư tỳ kheo có bổn phận suy xét hằng ngày 4 điều: Ân đức Phật, rãi tâm từ, niệm sự chết và quán bất tịnh!”. Hành giả cần phải: Hành 14 giờ chính thức mỗi ngày bằng thiền, trong tư thế ngồi và đi ...
01/04/2013(Xem: 5836)
Nhiều người cho rằng đức tin và trí tuệ trong thiền quán (vipassanà) đối nghịch nhau, mâu thuẫn và không thể phối hợp. Không phải vậy! chúng thân hữu và là hai nội lực quan trọng. Trong thông tin vừa rồi, tôi đã viết về những điểm đặc thù và khác biệt giữa các hành giả châu Aù và phương Tây.
29/03/2013(Xem: 5612)
Từ khai thiên lập địa cho đến ngày nay, khi trí thức con người đã triễn khai, nhân đứng trước vũ trụ rộng lớn, nào trăng sáng, núi cao, biẻn rộng ,sông dài ,mây bay ,gió cuốn ,hoa nở ,chim ca ...
21/03/2013(Xem: 6833)
Trước khi đề cập tới ba đại tai họa,chúng ta nên biết rằng có những sự kiện xảy ra rất lâu dài, có thể nói là rất lâu dài hằng nhiều tỷ năm, đó là: - Từ khi Thái-Dương hệ (hệ thống mặt trời) được thành lập rồi, trong thời gian Thái-Dương hệ tồn tại cho tới khi bị tiêu diệt, thời gian ấy rất lâu dài. (Một nhà khoa học nói: “Thái-Dương hệ của chúng ta có đời sống mười tỷ năm, và hiện tại nó đã sống được một nửa rồi”.
28/02/2013(Xem: 5989)
Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc bài trả lời phỏng vấn của Paul F. Knitter, Giáo sư thần học về các Tôn giáo Thế giới và Văn hóa tại Chủng viện Union ở Hoa Kỳ và là tác giả cuốn sách “Không Học Phật, Tôi Đã Không Thể Là Một Con Chiên- Without Buddha I Could Not Be A Christian”.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]