Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

44. Bảy pháp bất thối khác

19/03/201408:28(Xem: 20804)
44. Bảy pháp bất thối khác
blank

Bảy pháp bất thối khác


Khi viên đại thần Vassakāra đi chưa bao lâu, đức Phật nói với tôn giả Ānanda:

- Hãy tập họp tại núi Gijjhakūṭa tất cả những vị tỳ-khưu sống trong kinh thành Rājagaha cùng vùng phụ cận, Như Lai cần nói một bài pháp quan trọng.

- Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Thế rồi, hôm ấy và mấy hôm sau, chư vị tỳ-khưu cả hằng ngàn người như từng đám mây vàng quy tụ tại đỉnh núi Gijjhakūṭa; và họ đảnh lễ đức Phật từ xa rồi ngồi rải rác đầy khắp khoảng đất trống, sườn núi, triền khe, bờ đá... Họ im lặng như rừng cây đại định để chờ đợi lắng nghe thời pháp của đức Phật.

Đến lúc phải thời, tại một chỗ ngồi phải lẽ, đức Phật đã thuyết giảng bằng giọng phạm âm với tám tuyệt hảo, vang ngân rất xa:

- Này các thầy tỳ-khưu! Như Lai sẽ sẽ giảng bảy pháp bất thối, như là yếu quyết để gìn giữ giáo pháp và tăng đoàn. Hãy nghe và suy nghiệm cho thật kỹ.

- Thưa vâng, bạch đức Đạo Sư!

Cả rừng người đáp lại xong, đức Phật giảng nói trực tiếp, đi thẳng ngay vào chủ đề:

- Khi nào chúng tỳ-khưu thường hoan hỷ hội họp khi có việc tăng và hội họp đông đủ để học hỏi, luận bàn giáo pháp - thì chúng tỳ-khưu ấy sẽ được lớn mạnh, tăng thịnh, không bị tổn giảm, suy thoái.

Khi nào chúng tỳ-khưu thường đến với nhau trong tinh thần hòa hợp, đoàn kết và chia tay nhau trong tinh thần hòa hợp, đoàn kết - thì chúng tỳ-khưu ấy sẽ được lớn mạnh, tăng thịnh, không bị tổn giảm, suy thoái.

Khi nào chúng tỳ-khưu cùng chấp hành, cùng tôn trọng những học giới, những pháp quy đã được ban hành, và không tự ý đặt ra những giới luật mới khi chưa được sự đồng thuận của tăng - thì chúng tỳ-khưu ấy sẽ được lớn mạnh, tăng thịnh, không bị tổn giảm, suy thoái.

Khi nào chúng tỳ-khưu còn biết tôn trọng, kính trọng, đảnh lễ, và biết nghe lời dạy bảo của các bậc trưởng lão đạo hạnh, những bậc thượng tôn tăng đoàn nhiều kinh nghiệm – thì chúng tỳ-khưu ấy sẽ được lớn mạnh, tăng thịnh, không bị tổn giảm, suy thoái.

Khi nào chúng tỳ-khưu không bị chi phối bởi dục vọng, tham ái, và bởi do tham ái và dục vọng này họ biến mình thành con người khác, đời sống khác, lăng xăng với bụi bặm của thế tục – thì chúng tỳ-khưu ấy sẽ được lớn mạnh, tăng thịnh, không bị tổn giảm, suy thoái.

Khi nào chúng tỳ-khưu thích sống những chỗ xa vắng, tĩnh lặng – thì chúng tỳ-khưu ấy sẽ được lớn mạnh, tăng thịnh, không bị tổn giảm, suy thoái.

Khi nào chúng tỳ-khưu tự thân an trú chánh niệm, sống đời an lạc, giải thoát làm chỗ nương tựa cho bạn đồng phạm hạnh – thì chúng tỳ-khưu ấy sẽ được lớn mạnh, tăng thịnh, không bị tổn giảm, suy thoái.

Giảng đến ngang đây, đức Phật nhấn mạnh, kết luận:

- Này các thầy tỳ-khưu! Chừng nào mà bảy pháp bất thối này còn được các vị xem trọng, biết thực hành theo, lại còn biết phổ cập rộng rãi trong các hội chúng tăng đoàn quốc độ này và quốc độ khác – thì chắc chắn giáo pháp sẽ được hưng thịnh và giáo hội tăng đoàn không thể nào bị suy thoái được.

Còn nữa, bảy pháp bất thối này còn như một năng lực tâm linh tối thượng, vừa tại thế, vừa xuất thế, không một sức mạnh nào ở bên ngoài, dù thế gian lực, chư thiên lực, ma vương lực, phạm thiên lực... cũng không thể nào làm nó suy yếu, tổn giảm được. Tuy nhiên, nó lại rất sợ năng lực bên trong.

Này các thầy tỳ-khưu! Năng lực bên trong ấy là gì?

Ví như loài sư tử, nó là chúa của rừng sâu, nó bất bại trước các dã thú, hoang thú nhưng nó lại bất lực trước các con trùng li ti bé nhỏ sống tầm gởi nơi thân xác nó. Khi sư tử suy yếu, già bệnh, chính loài trùng này sẽ gặm nhắm nó, rúc rỉa nó lần hồi cho đến lúc chỉ còn là bộ xương trắng hếu. Chính trùng sư tử mới ăn thịt được sư tử. Cũng vậy, kẻ làm cho giáo pháp suy tàn và giáo hội tiêu vong là chính các vị, chính là những tỳ-khưu, những sa-di sống trong giáo hội, tăng đoàn chớ không ai khác. Vậy hãy gìn giữ, phụng hành bảy pháp bất thối, đừng bao giờ biến mình thành những con trùng ăn thịt sư tử, ăn thịt giáo hội và tăng đoàn! Hãy nhớ lấy!(1)

Hôm ấy, cả hơn hai ngàn vị tỳ-khưu, đa phần là thành phần thanh niên và trung niên xuất gia mươi năm trở lại; họ rợn ngợp, rùng mình, lạnh gáy vì thời pháp. Một làn gió vô hình buốt lạnh thổi qua tâm não họ, nhất là câu: Đừng bao giờ biến mình thành những con trùng ăn thịt sư tử, ăn thịt giáo hội và tăng đoàn! Rõ ràng là thời pháp này dành cho họ - chứ không phải với chư vị trưởng lão và đại trưởng lão.

Sáng mờ sương hôm sau, từng đoàn, từng toán sa-môn lại rời núi, đi trì bình khất thực các nơi. Vừa đi, họ vừa ôn gẫm lại thời pháp. Đức Phật và chư vị đại trưởng lão cũng ôm bát vào các thôn lành kế cận.

Rồi suốt ba buổi chiều kế tiếp, đức Phật nhắc nhở chư vị tỳ-khưu hãy xa lánh việc đời, chuyện đời, đừng để chuyện đời, việc đời lôi cuốn. Đừng nên tán gẫu vô ích, không nên say sưa chuyện phiếm. Đừng giải đãi, biếng nhác, ưa thích ăn uống, ngủ nghỉ. Phải biết xa lánh đám đông, đừng quần tụ, la cà với đám đông. Đừng để những dục vọng tầm thường chi phối để làm những việc mà người đời cười chê. Hãy xa lánh bạn bè xấu ác, đừng thân cận với họ và cũng đừng cộng hành với họ. Trong sự tu tập thì chớ dừng lại nửa chừng, không nên bằng lòng với những chứng đắc thấp thỏi, đừng tự mãn kiêu căng về kiến thức cũng như những sở đắc mà mình có được.

Và cũng để củng cố thêm tư cách, phẩm hạnh, lộ trình tu tập cho chúng tỳ-khưu sơ tu, đức Phật giảng thêm bảy pháp căn bản là: Tín, tàm, quý, đa văn, tấn, niệm, tuệ. Ngài cũng nhắc lại bảy yếu tố trên lộ trình giác ngộ, giải thoát ấy là niệm, trạch pháp, tấn, hỷ, an, định và xả. Bảy pháp quán tưởng là vô thường tưởng, vô ngã tưởng, bất tịnh tưởng, nguy hiểm tưởng, xả ly tưởng, vô tham tưởng, diệt tưởng - đức Phật cũng giảng dạy rất chi ly, cặn kẽ. 

Cuối buổi còn lại ở trên núi Gijjhakūṭa, đức Phật lại nhắc nhở chư tỳ-khưu thực hành sáu phép hòa kỉnh – là căn bản để các hội chúng nơi nay nơi kia đưa đến thuận hòa, yên ấm khi chung sống với nhau, không đưa đến ly tan, đổ vỡ.

Trời đã gần tối, mây mù bàng bạc. Đức Phật khẽ đưa mắt nhìn trời rồi nói với tôn giả Ānanda bên cạnh:

- Sớm mai, chúng ta rời núi, về Trúc Lâm tịnh xá. Trời sắp mưa lớn và mưa nhiều ngày.


(1)Chuyện sư tử này lấy ý từ “ Đường xưa mây trắng” của TS Nhất Hạnh.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/12/2010(Xem: 8608)
Như ta biết, Tứ diệu đế là bài thuyết pháp đầu tiên của Phật sau khi thành Đạo cho năm anh em A nhã Kiều Trần Như, diễn ra tại vườn Lộc Uyển, về phía bắc thành Ba la nại.
15/12/2010(Xem: 7584)
Trong tâm của chúng ta, nước là do ái mà hiện tướng. Nước là thứ đi xuống, chảy xuống, chứ không bao giờ chảy lên. Hễ có sân, ghét, bực bội thì có lửa, phực lửa bật ra...
14/12/2010(Xem: 10412)
Vào ngày trăng tròn tháng năm năm 623 trước Tây lịch, một hoàng tử thuộc bộ tộc Thích Ca (1) của Ấn Ðô, tên là Tất Ðạt Ða (Siddhattha) họ Cồ Ðàm (Gotama) đã ra đời...
13/12/2010(Xem: 21498)
Văn hóa như hơi thở của sự sống. Chính vì vậy mà qua bao thăng trầm nghiệt ngã của lịch sử, Đạo Phật như một sức sống văn hóa ấy vẫn còn đó, như một sinh chất nuôi dưỡng nếp sống tâm linh cho con người.
11/12/2010(Xem: 10223)
Tác phẩm Phật Giáo và Khoa Học của giáo sư Phúc Lâm là một trong số ít các tác phẩm về thể tài phân tích Phật giáo dưới cái nhìn của khoa học.
01/12/2010(Xem: 4853)
Ðức Phật không chỉ nhận thức được sự thực tối cao, Ngài còn biểu lộ kiến thức cao cả của Ngài, kiến thức cao hơn tất cả kiến thức của các "Thần linh và Người".
25/11/2010(Xem: 10357)
Cuộc sống xô bồ và dồn dập trong các xã hội phương Tây không cho phép một số người có thì giờ đọc toàn bộ những quyển sách liên quan đến các vấn đề khúc mắc của tâm linh. Vì thế nhiều tác giả chọn lọc các lời thuyết giảng, các câuphát biểu ngắn gọn hoặc các đoản văn ý nghĩa nhất để gom lại thành sách giúp người đọc dễ theo dõi và tìm hiểu, vì họ muốn đọc hay muốn dừng lại ở đoạn nàocũng được. Năm 1996, nhà xuất bản Le Pré aux Clercs có phát hành một quyển sáchtheo thể loại trên đây. Sách gồm những lời phát biểu của Đức Đạt-lai Lạt-ma vềPhật giáo và vài vấn đề liên quan đến Phật giáo chọn lọc từ các bài diễn văn,phỏng vấn, các buổi thuyết giảng và các sách của Đức Đạt-Lai Lạt-ma.
22/11/2010(Xem: 3073)
"Người ta không bao giờ tắm hai lần trên một con sông" triết gia Hy Lạp cổ đại Hêraclitôxơ đã nói như vậy cách đây 2.500 năm.
16/11/2010(Xem: 9939)
Hiện nay, thế giới đang có sự rối loạn, không hiểu biết, tranh cãi về bệnh tâm thần, thiền định, và sự liên hệ giữa hai đề tài này. Các chuyên gia về sức khỏe thể chất, và tâm thần cũng không hiểu rõ phạm vi nghề nghiệp của họ. Họ cũng không hiểu cái gì là thiền định. Bởi vậy đối với người bình thường họ sẽ rất bối rối.
13/11/2010(Xem: 6747)
Đây là một chương trong quyển “The Universe in a Single Atom” (Vũ Trụ Nằm Trong Một Nguyên Tử Đơn Lẻ) của Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ XIV, nói về sự hội tụ giữa khoa học và tâm linh. Quyển sách này do nhà xuất bản Broadway Books (New York, USA) ấn hành năm 2005, và đã là một trong những quyển sách bán chạy nhất ở Mỹ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567