Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

16. Tu Tập Niệm Chết

27/11/201320:28(Xem: 25577)
16. Tu Tập Niệm Chết
mot_cuoc_doi_tap_5

Tu Tập Niệm Chết


Hôm ấy, có một vị tỳ-khưu còn trẻ nhưng bị bệnh mất, thi hài được chư tăng hỏa táng. Một vài người thắc mắc sao còn quá trẻ mà đã hết tuổi thọ? Hay nghiệp đã chấm dứt? Vài ngày sau đó, trong thành phố Āḷavī có người chết bệnh, có người chết nước, có người chết lửa, có người chết do sét đánh, có người chết do đao kiếm... được bàn tán chỗ này, nơi kia.

Đức Phật biết là đúng thời nên ngài thuyết một thời pháp nói về sự chết của các loài hữu tình.

Đầu tiên, đức Phật cảm hứng ngữ thốt lên một bài kệ thơ dài nói về sự chết:

“- Ôi! Từ khi nẩy mầm li ti một sự sống

Nó rất nhỏ nằm trên đầu cây kim

Tượng hình trong thai bào

Là nó,

Là một chúng sanh

Cứ thế lớn lên

Cứ thế nó tiến dần về phía trước

Không thể trở lại

Chẳng thể quay lui

Dù chỉ một lần

Trong khi nó chảy trôi như vậy

Nó tiến dần đến cõi của sự chết

Giống như dòng sông

Nó nhỏ dần, hẹp dần rồi cạn dần

Dưới sức nóng thiêu đốt của hỏa đại

Như trái cây xanh kia

Chín dần rồi rơi rụng

Như chiếc bình đất nung kia

Búa thời gian đập vỡ

Như giọt sương ban mai kia

Chợt tan biến dưới ánh nắng mặt trời

Thế là ngày và đêm

Lặng lẽ trôi qua

Mạng sống của các loài hữu tình

Tàn dần, lụn dần cho đến khi diệt mất

Nó mong manh, nó hư ảo

Như bọt bể, như bóng nước

Tụ rồi tan ngay!

Hiện rồi mất ngay!

Ôi! Ai có biết chăng

Khi vừa sinh ra

Cái sống đi kèm với cái chết

Trên sinh mệnh của các loài hữu tình

Có một tên bạo chúa

Có một tên sát nhân

Chực sẵn với cây kiếm sắc

Chờ sẵn với lưỡi gươm bén

Nó kề bên cổ

Không biết sẽ tước đoạt mạng sống lúc nào

Như đức vua kia

Oanh oanh liệt liệt

Chinh phục cả quả đất

Nhưng thời khắc cuối cùng của đời người

Mọi thành tựu và mọi vinh quang

Giá trị xem ra không bằng nửa hạt dẻ

Xác thân và hơi thở héo tàn

Thần chết lạnh lùng cười khẩy mang đi!

Ôi! Loài người có biết chăng

Sức khỏe bị chấm dứt bằng tật bệnh

Tuổi trẻ bị tấn công bằng già nua

Sự sống bị xâm lăng bởi sự chết

Đấy là định luật tất yếu

Tất cả mạng sống có được từ ‘sinh’

Rồi bị ám ảnh bởi ‘già’

Rồi bị đoanh vây bởi ‘bệnh’

Và cuối cùng là cái ‘chết’ đánh gục

Ví như núi đá khổng lồ kia

Lớn rộng tận trời cao

Nó tiến đến từ mọi phía

Nghiền nát mọi sinh loài

Cũng tương tự như thế

Già chết nó nghiền nát

Sinh mệnh bà-la-môn

Sinh mệnh sát-đế-lỵ

Sinh mệnh các chiến sĩ

Sinh mệnh những thương gia

Sinh mệnh các thợ thuyền

Sinh mệnh những tiện dân

Sinh mệnh các nô lệ

Người hốt phân, kẻ nạo ống cống

Nó không chừa một ai

Và cho dẫu tượng quân, mã quân hùng mạnh

Và cho dẫu bộ quân lớp lớp hàng hàng

Và cho dẫu đại ảo gia, chú thuật gia

Hay dẫu đem tất cả tài sản thế gian gộp lại

Vẫn bất lực trước tử thần

Trong các loại phá sản

Sự chết là đệ nhất phá sản

Phá sản mọi sự nghiệp

Phá sản tất thảy mọi thành công ở trên đời

Phá sản mọi ước mơ và mọi ảo tưởng

Phá sản cho đến tận cùng hư vô và hủy diệt

Ôi! Loài người có biết chăng

Cho dẫu những người có danh vọng lớn

Có công đức lớn

Có sức mạnh lớn

Có thần thông lớn

Có trí tuệ lớn

Có đồ chúng lớn

Có tài sản lớn

Có uy lực lớn

Thế mà, cuối cùng

Cái chết nó tóm lấy hết

Nó quẳng tất thảy vào vực thẳm Rāhu

Cái chết nó gặm vào hàm

Như nai tơ non trong hàm sư tử

Như chú ếch con nằm trong miệng rắn

Cho dẫu như Moggallāna

Là đệ nhất thần thông

Cho dẫu như Sāriputta

Có trí tuệ siêu quần

Cũng đầu hàng, bất lực

Trước sức mạnh tử thần!

Và cho dẫu là Như Lai

Với sắc thân ba hai quý tướng

Và tám mươi vẻ đẹp

Được trang bị viên mãn giới uẩn

Viên mãn định uẩn

Viên mãn tuệ uẩn

Viên mãn giải thoát uẩn

Viên mãn giải thoát tri kiến uẩn

Viên mãn về danh xưng

Viên mãn về công đức

Viên mãn về hùng lực

Viên mãn về thần thông

Chẳng có ai sánh bằng

Nhưng chẳng thể nào né tránh

Trận mưa lũ thình lình

Của sự chết ập đến

Như một đống lửa lớn

Bị dập tắt bởi một trận dông

Chẳng một ai trốn được!

Chẳng một ai thoát được!”

Bài kệ thơ trầm hùng như sóng biển, như âm vọng đại ngàn rì rào lướt qua không gian điện thờ Aggāḷava làm cho hội chúng tỳ-khưu cùng nam nữ cư sĩ như nín thở. Sự chết như hiển hiện trước tầm mắt mọi người bằng lưỡi hái cong cong sắc bén, rực lửa của tử thần đang chực sẵn, đang hờm sẵn ở đâu đó trong bóng tối, bên ngưỡng cửa, bên chiếc giường của già bệnh và ngay cả ở nơi tuổi thanh xuân!

Đức Phật lại tiếp tục bài giảng:

- Như vậy, mỗi người phải biết suy niệm, quán tưởng về sự chết. Cái thân của chúng sanh nó già, nó bệnh, nó chết trong từng khoảnh khắc.

Hãy xem đây, và hãy nhìn cho ra:

Hiện nó là nơi cộng cư, đồng trú

Của “tám mươi”(1)gia đình vi trùng

Nó bám vào da, lấy da làm thức ăn

Nó trú vào thịt, rúc thịt làm món ngon

Nó dính vào gân, moi gân làm bữa nhậu

Nó bám vào xương, rỉa xương làm thức nhắm

Nó bám vào tủy, mút tủy làm thực phẩm

Chúng ăn rồi chúng ỉa, chúng đái

Chúng bài tiết dơ uế

Rồi chúng làm tình

Rồi chúng sinh con đẻ cái

Rồi chúng bệnh, chúng già và chúng chết

Vậy, cái thân này là nhà bảo sanh

Là viện dưỡng thương

Đồng thời là chỗ tiểu tiện, đại tiện

Mà cũng là nghĩa địa của chúng

Và khi chúng bất hòa, nổi loạn

Khi chúng chiến tranh, dịch bệnh

Thì cái thân này là bãi chiến trường

Là cái hầm xác thối

Làm cho cơ thể nầy

Hoặc xanh xao, hư mòn, tiều tụy

Hoặc suy kiệt và đi đến cái chết!

Còn nữa, cái thân này không những san sẻ, cộng cư với tám mươi gia đình vi trùng mà còn chia nhau gánh chịu trăm ngàn thứ bệnh nội thương từ tim, từ phổi, từ gan, từ não, từ tim, từ lá lách, từ mật, từ bao tử, từ máu, từ ruột non, ruột già nữa. Nó lại còn bị mọi sự chết chóc từ bên ngoài đem đến như bởi rắn, bởi hổ, bởi báo, bởi bò cạp, bởi nước, bởi lửa, bởi mũi tên, bởi đao và bởi kiếm nữa.

Như một mục tiêu được dựng ở ngã tư đường sẵn sàng nhận chịu những mũi tên nhọn, cọc nhọn, chĩa nhọn, đá sỏi từ bốn phương, tám hướng tấn công; cũng tương tự thế, trăm trăm ngàn ngàn tai ương, hoạn nạn, bệnh tật, ốm đau, chết chóc luôn luôn chực chờ bổ xuống, phủ xuống cái thân này một cách khắc nghiệt, vô cảm, lạnh lùng!

Này đại chúng! Suy đi, gẫm lại từ sự thật như vậy, thì sự chết không biết sẽ đến với ta lúc nào. Khi ngày tàn, đêm xuống, sớm đến, chiều đi, một hành giả quán tưởng về sự chết có thể suy niệm như sau: “Ta có thể bị chết do rắn, rết, bò cạp, độc trùng tức khắc bây giờ đây. Ta có thể bị chết do té ngã, dập đầu vào đá tức khắc bây giờ đây. Ta có thể bị chết do trúng thực, trúng gió, bởi mật, bởi đàm, bởi nghẽn tắt các vi mao tĩnh mạch...tức khắc bây giờ đây!”

Còn nữa, này đại chúng! Như vậy, sự sống vốn rất mong manh và bất lực trước tử thần! Nó gắn liền vào hơi thở, gắn liền với bốn cử động đi đứng nằm ngồi, gắn liền với nóng và lạnh, gắn liền với tứ đại, gắn liền với thức ăn, vật uống.

Thế nào là sự sống được gắn liền hơi thở? Sự sống chỉ được duy trì, được tiếp diễn khi hơi thở vô, hơi thở ra được liên tục và đều đặn. Nếu hơi gió đi vào mà không đi ra hoặc hơi gió đi ra mà không đi vào thì sự chết đã đến gõ cửa.

Thế nào là sự sống được gắn liền với bốn cử động đi, đứng, nằm, ngồi? Sự sống chỉ được duy trì và tiếp diễn khi đi đứng nằm ngồi được vận hành suôn sẻ, trôi chảy; nếu một trong bốn oai nghi ấy bị ngưng đọng, ngưng trệ thì sự sống đã bị tê liệt.

Thế nào là sự sống được gắn liền với nóng và lạnh? Sự sống chỉ được duy trì, tiếp diễn khi thủy hỏa quân bình, đều hòa; nếu cơ thể lạnh quá độ hoặc nóng quá độ thì sự chết đã kề bên lưng.

Thế nào là sự sống được gắn liền với tứ đại? Sự sống chỉ được duy trì và tiếp diễn khi đất, nước, lửa, gió cân phân, đều hòa. Nếu một trong bốn đại rối loạn, tăng thịnh hơn ba đại kia thì sự chết đã được báo hiệu.

Và cuối cùng, tương tự vậy là thức ăn, vật uống. Thức ăn vật uống có thể duy trì sự sống mà cũng có thể hủy diệt sự sống. Ăn uống chừng mực, vừa phải, có tiết độ thì cái thân sẽ vô bệnh, mạnh khỏe; nếu khẩu tạp vô độ, bạ ăn, bậy uống thì bệnh tật, ốm đau đi liền với cái chết là việc đã từng xảy ra trước mắt cho rất nhiều người.

Này đại chúng! Sự chết vốn không ai có thể tiên lường, suy đoán hay xác định được. Tại sao?

Vì sự chết có năm vô tướng, bất định: “Đấy là thọ mạng vô tướng, bất định; bệnh tật vô tướng, bất định; thời gian vô tướng, bất định; không gian vô tướng, bất định; và thứ năm là số phận vô tướng, bất định!”

Thế nào là thọ mạng không có tướng và không có thể định được? Vì không ai có thể biết là mình sẽ sống bao lâu! Vì có hữu tình chết từ trong thai bào, trong giai đoạn còn một tuần, hai tuần; giai đoạn một tháng, hai tháng hay giai đoạn vừa ra khỏi bụng mẹ. Có người chết lúc mười tuổi, hai mươi tuổi, năm mươi tuổi hoặc sau năm mươi tuổi...

Thế nào là bệnh tật không có tướng và không có thể định được? Vì không ai có thể biết là mình sẽ chết về bệnh này hay chết về bệnh kia? Bị chết về nhiều thứ bệnh hay chết chỉ một, vài bệnh?

Thế nào là thời gian không có tướng và không thể định được? Vì không ai có thể biết mình chết lúc này hay lúc khác? Thời gian này hay thời gian kia? Buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều hay buổi tối?

Thế nào là không gian không có tướng và không có thể định được? Vì không ai có thể biết khi mình chết, cái thây sẽ nằm ở chỗ nào, xứ nào, chốn nào, trên giường, trên đất, trong làng, ngoài làng, dưới ruộng, trên núi, trong hang động hay dưới cội cây?

Và cuối cùng, là số phận, chỗ lai sinh cũng không có tướng và cũng không định được như thế! Vì ai là người biết được kẻ chết ở nơi này sẽ sinh lại ở nơi nào? Có người chết cõi người nhưng sau đó hóa sanh cõi trời, sinh lại cõi người hay lưu lạc vào bốn đường khổ? Sự vần xoay, trầm luân, lui tới ba cõi, sáu đường của các loài hữu tình quả thật là mù mờ, bấp bênh và vô định vậy.

Này đại chúng tỳ-khưu và cận sự nam nữ hai hàng!

Sự chết vô hình, vô ảnh, vô tướng, bấp bênh, vô định như vậy nên mọi người nên hằng suy niệm và quán tưởng về sự chết để lợi lạc và an vui lâu dài cho mình.

Giới hạn đời người là một trăm năm chăng? Có chắc chắn như thế không? Vì sự chết không biết nó sẽ đến thăm viếng lúc nào nên phải thường xuyên thực hành ba nghiệp lành, tốt; lìa xa ba nghiệp xấu ác để chuẩn bị hành trang, tư lương cho mình. Phải thường suy niệm có sanh ắt có tử để tự nhắc nhủ mình tinh cần tích lũy các công đức, các thiện sự như bố thí, trì giới, các công việc lợi tha.

Này đại chúng! Phải thường trực tưởng niệm đời sống ngắn ngủi, bao nhiêu năm không biết hạn kỳ; và sự chết thì luôn hờm sẵn để cắt lìa, đoạn diệt mạng sống của ta. Vậy, có thể nghĩ tưởng về cái chết và tu tập niệm chết trong một ngày, một đêm: “Sau một ngày một đêm, ta sẽ chết, vậy ta phải khéo miên mật chánh niệm, tỉnh giác!” Ai tinh cần thực hành được một ngày, một đêm như vậy là đã làm nhiều, đúng theo yêu cầu của Như Lai, thật đáng khen ngợi.

Có vị khác, người khác có thể nghĩ tưởng về cái chết và tu tập niệm chết trong thời gian chỉ một bữa ăn: “Sau thời gian bữa ăn này ta sẽ chết, vậy ta phải khéo miên mật chánh niệm, tỉnh giác!” Một vị khác:“Đời người không phải giới hạn trong một bữa ăn mà chỉ trong thời gian nhai nuốt bốn năm miếng ăn thôi”. Có vị khác:“Đời người chỉ tồn tại một miếng ăn”. Một vị khác nữa:“Sự sống chỉ được gói ghém trong một hơi thở vào, một hơi thở ra!” Có vị: “Sự sống chỉ nằm vỏn vẹn chỉ trong một niệm, trong một sát-na thôi!”. Những hành giả suy niệm về sự chết như vậy là đã rất miên mật, rất tinh cần; những tạp niệm tham sân, bụi bặm phiền não không có cơ hội len thấm vào tâm vị ấy.

Này đại chúng! Cuối cùng, người suy niệm, quán tưởng sự chết chỉ trong một niệm, trong một sát-na là cao tột, là cùng tận, là đúng với chân lý, là hợp với tuệ trí đệ nhất nghĩa. Tại sao vậy? Như cái bánh xe, khi lăn nó chỉ tiếp đất ở một điểm và khi dừng, nó cũng chỉ dừng trên một điểm. Sự sống của tất thảy chúng sanh, chúng chỉ sống, chỉ hiện tồn, chỉ có mặt khi lục căn giao tiếp với lục trần trong mọi diễn tiến duyên khởi đang là. Nói là sáu (lục căn) nhưng luôn luôn chỉ có một; chỉ có một căn vận hành, giao tiếp; rồi qua từng sát-na, từng tiểu sát-na chúng chuyển đổi cho nhau rất vi tế, rất nhanh nhạy. Và trong sự giao tiếp đang là của một căn ấy, cũng chỉ có một điểm giao tiếp với thực tại đang là như bánh xe tiếp đất kia vậy. Nói cách khác, đời sống của chúng sanh chỉ kéo dài trong một niệm, một sát-na; sau một niệm, một sát-na ấy là chấm dứt sự sống. Một niệm, một sát-na sống; một niệm, một sát-na chết và cứ thế tiếp diễn sống, chết, sống, chết trùng trùng vô cùng tận! Nếu lập ngôn một cách cô đọng thì: “Trong một sát-na quá khứ khi nó sống thì nó không có mặt trong hiện tại, không có mặt trong vị lai. Trong một sát-na khi nó sống trong hiện tại thì nó không có mặt trong quá khứ, không có mặt trong vị lai. Trong một sát-na khi nó sống trong vị lai thì nó không có mặt trong hiện tại, không có mặt trong quá khứ!”

Giảng đến ngang đây, đức Phật lại cảm hứng ngữ thốt lên một bài kệ thơ nữa:

“- Ôi! Sự sống của một hữu tình

Sự sống ấy là gì?

Là khổ, là lạc, là hỷ,

Là ưu, là ai, là hoạn?

Là ái, là ố, là sầu,

Là thương, là bi, là hận?

Tất cả đấy, chúng tồn tại ở đâu?

Chúng có mặt ở không, thời, gian nào?

Trú xứ nào? Chỗ nào?

Sự thật là nó chỉ sống

Trong một niệm thoáng qua

Cái gọi là sắc thọ tưởng hành thức uẩn ấy

Của người đã chết

Hay của người đang sống

Đều giống nhau

Đều một đi không trở lại

Không có thế giới sanh

Nếu ý thức không sanh

Không có thế giới diệt

Nếu ý thức không diệt

Thế giới chỉ hiện tồn

Khi ý thức có mặt

Thế giới là hoại diệt

Khi ý thức tan rã

Theo với nghĩa tuyệt đối,

Theo với đệ nhất nghĩa

Sinh tử là như thế

Bất sanh, bất tử là như thế!”

Vậy này đại chúng! Những cách quán niệm về sự chết như vậy; tinh cần, miên mật trong một ngày, một đêm; trong một bữa ăn; trong bốn năm miếng nhai nuốt; trong một miếng ăn; trong một hơi thở vào ra hay trong một niệm thì tất thảy mọi triền cái(1)đều được áp đảo, những thiền chi(2)sẽ xuất hiện, vị ấy sẽ đạt cận hành định. Cận hành định này là do “tử tưởng”(3)phát sanh.

Tưởng niệm về sự chết phải luôn tinh cần, vị ấy sẽ không tham luyến đối với bất cứ sự hiện hữu nào, không bám víu vào một đối tượng nào trong đời sống, không trách cứ ác pháp nào, không tích chứa một sở hữu nào, không bị cấu uế của lòng tham trong bốn món vật dụng. Từng sát-na trôi qua, sinh và diệt trôi qua, liên miên bất tận không có điểm dừng nơi sắc pháp, nơi cảm thọ, nơi tri giác, nơi tâm hành, nơi nhận thức; nhờ vậy, tướng vô thường dần dần lộ rõ trong tuệ nhãn vị ấy. Và khi tướng vô thường xuất hiện thì tướng về khổ và vô ngã cũng đồng thời xuất hiện; vị ấy thấy rõ tam tướng, đi vào lộ trình tâm thánh đạo.

Trong khi một người chưa tu tập niệm chết thì thường bị bất an, bối rối, hãi hùng, kinh sợ vào lúc lâm chung như thể thình lình bị dã thú vồ chụp, như bất chợt bị ma quỷ đón bắt, như bị rắn mổ, như bị kẻ cướp trấn lột hay như bị kẻ sát nhân bức hại thì người có tu tập niệm chết, ngược lại, được ra đi an lành, không vọng tưởng, hoang tưởng, được chánh niệm tỉnh giác, hoàn toàn tự chủ và vô úy. Nếu chưa đặt được bàn chân trên mảnh đất bất tử do thấy rõ tam tướng, chưa đi vào được cận hành định như ý muốn thì khi thân hoại mạng chung, vị ấy cũng sẽ hóa sanh vào cảnh giới an vui hạnh phúc của cõi người hoặc cõi trời.

“- Ai trên đời có trí

Tinh cần, tỉnh giác luôn

Hằng tu tập niệm chết

Có lợi lạc phi thường!

Ai có duyên niệm chết

Một ngày hoặc một đêm

Một bữa ăn, miếng ăn

Một hơi thở, một niệm

Người ấy đã thách đấu

Với ác ma, thần chết

Kiên cường không sợ hãi

Người ấy là bất tử

Người ấy là vô sanh

Đạt an vui tối thượng!”

Bài pháp hiên ngang, hào hùng của đức Phật hôm ấy như tuyến chiến với hư vô, coi thường hư vô, bước ra khỏi hư vô đã giúp cho không biết bao nhiêu người thấy rõ bộ mặt thật của sự chết; đồng thời biết đâu là sanh tử trong một niệm, biết đâu là vô sanh bất tử cũng trong một niệm; một số trong họ đi vào vài quả thánh đầu tiên.

Đặc biệt, trong hội chúng hôm ấy có một cô gái mười sáu tuổi con người thợ dệt(1)đã bừng bừng hỷ hoan trên khuôn mặt; và cô tự hứa với lòng là sẽ tu tập niệm chết này từ khoảnh khắc này, sẽ không dám biếng lười, dể duôi, giải đãi...



(1)Phỏng theo Visuddhi Magga ( tôi chưa tìm ra ý nghĩa tượng trưng của con số này).

(1)Hôn trầm - thụy miên, nghi, sân, trạo cử, dục.

(2)Tầm, tứ, phỉ, lạc, cận hành

(3)Suy tưởng, niệm tưởng về sự chết.

(1)Xem câu chuyện trong chú giải Dhammapada. iii. 170f.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/12/2010(Xem: 16312)
"Lược sử thời gian" (A Brief History of Time), một cuốn sách tuyệt diệu, được viết bởi một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất của thời đại chúng ta: nhà toán học và vật lý lý thuyết người Anh Stephen Hawking.
28/12/2010(Xem: 13442)
Bằng một lối trình bày sáng sủa, giọng văn hài hước, hơi nhuốm màu bi quan, Stephen Hawking đã dẫn dắt người đọc phiêu lưu suốt lịch sử vũ trụ, từ khi nó còn là một điểm kỳ dị với năng lượng vô cùng lớn, cho tới ngày nay.
24/12/2010(Xem: 8216)
Đối với Phật giáo, sự sinh tồn của con người và môi trường là bình đẳng, không tách rời; Giáo dục Phật giáo đưa con người gần với môi trường tự nhiên, cùng sinh tồn, coi yếu tố môi trường là một, gần gũi thân thiện chứ không phải là đối tượng để con người lợi dụng.
17/12/2010(Xem: 23371)
Ý thức được cái chết là điều hệ trọng: phải hiểu rằng ta không ở lâu trên địa cầu này. Không ý thức được cái chết, ta sẽ không thể tận dụng toàn vẹn cuộc sống của ta.
16/12/2010(Xem: 9616)
Như ta biết, Tứ diệu đế là bài thuyết pháp đầu tiên của Phật sau khi thành Đạo cho năm anh em A nhã Kiều Trần Như, diễn ra tại vườn Lộc Uyển, về phía bắc thành Ba la nại.
15/12/2010(Xem: 8743)
Trong tâm của chúng ta, nước là do ái mà hiện tướng. Nước là thứ đi xuống, chảy xuống, chứ không bao giờ chảy lên. Hễ có sân, ghét, bực bội thì có lửa, phực lửa bật ra...
14/12/2010(Xem: 11723)
Vào ngày trăng tròn tháng năm năm 623 trước Tây lịch, một hoàng tử thuộc bộ tộc Thích Ca (1) của Ấn Ðô, tên là Tất Ðạt Ða (Siddhattha) họ Cồ Ðàm (Gotama) đã ra đời...
13/12/2010(Xem: 24570)
Văn hóa như hơi thở của sự sống. Chính vì vậy mà qua bao thăng trầm nghiệt ngã của lịch sử, Đạo Phật như một sức sống văn hóa ấy vẫn còn đó, như một sinh chất nuôi dưỡng nếp sống tâm linh cho con người.
11/12/2010(Xem: 11348)
Tác phẩm Phật Giáo và Khoa Học của giáo sư Phúc Lâm là một trong số ít các tác phẩm về thể tài phân tích Phật giáo dưới cái nhìn của khoa học.
01/12/2010(Xem: 5330)
Ðức Phật không chỉ nhận thức được sự thực tối cao, Ngài còn biểu lộ kiến thức cao cả của Ngài, kiến thức cao hơn tất cả kiến thức của các "Thần linh và Người".
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]