Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

09. Ngục Vàng

26/10/201309:11(Xem: 26369)
09. Ngục Vàng


Mot_Cuoc_Doi_01

09. Ngục Vàng





Đức Suddhodana trầm ngâm suy nghĩ, trán ngài cau lại thành những vết hằn rất sâu. Bao nhiêu năm mơ ước mới có được một mụn con trai, một thái tử dung nghi, cốt cách phi phàm, có căn cơ sở học sâu dày từ tiền kiếp. Nó tài cao mà nhũn nhặn, khiêm tốn. Nó trang nghiêm mà đôn hậu, từ hòa. Nơi cái vóc dáng trẻ thơ ấy - có trái tim nhân ái và khối óc tinh minh - còn ẩn chứa biết bao tư tưởng thanh khiết, bao đức tính cao cả chưa lộ diện? Tình thương của con ta nó dịu dàng, êm ái và mông mênh như biển cả. Nó thương người, thương vật, thương cả những sinh thể li ti bé mọn; và thương cả những cánh hoa rụng, những chiếc lá rơi... Nó thương yêu sự sống của muôn loài như thương yêu chính bản thân mình. Nó dường như muốn tìm sự đồng đẳng giữa con người và vạn vật ở xung quanh. Cá tính lại ít nói, trầm mặc, lúc nào cũng như đang chìm sâu vào thế giới tâm tư ẩn mật, chẳng hiểu trong cái đầu óc xinh xinh nhỏ bé kia suy nghĩ điều gì?

Ôi! Con phượng hoàng kia đã trổ lông, sắc màu rực rỡ vương giả, quý phái. Nó đang đứng giữa, đứng cao hơn nhân quần và đồng loại rất nhiều cái đầu. Những đứa trẻ con em hoàng tộc thường lui tới thân cận với nó như Mahānāma, Bhaddiya, Devadatta, Kimbila, Kāḷudāyi, Anuruddha, Ānanda... đâu phải không tài cao học rộng; nhưng so với nó thì còn cách một trời, một vực. Trong các cuộc tranh luận, gia dĩ bắt buộc phải góp ý thì nhận thức của nó bao giờ cũng có vẻ thâm trầm, lạ đời, khác thường. Nó hoài nghi cả trí khôn của cổ nhân, của thánh thư Vệ-đà và Áo-nghĩa-thư. Trong vài lần được dự bàn hội nghị ở triều đình, mọi người tích cực đưa ra những biện pháp cải tạo xã hội, hoạch định chính sách về giáo dục, phát triển kinh tế, tăng cường võ bị hoặc tìm cho ra đường hướng ngoại giao đúng đắn, khôn ngoan... thì lúc nào nó cũng im lặng như cái tịnh bình! Lúc bãi triều, nếu có gặng hỏi thì bao giờ nó cũng có vẻ bi quan, bảo rằng, tất cả ý kiến của các đức thân vương, lão thần... chỉ là biện pháp nửa vời. Chúng chỉ đáp ứng tình thế nhất thời, giải quyết phần ngọn chứ chưa phải là phần gốc. Lại nữa, chính quyền lợi của hoàng tộc, tham muốn, danh vọng riêng tư của các quan là những trở ngại lớn - là bức bình phong ngăn bít, là cánh cửa đóng chặt - khó thể đem đến hạnh phúc, an bình thật sự cho muôn dân đói khổ. Nó đòi hỏi phải chấm dứt sự bất công, bất bình đẳng trong toàn xã hội. Nó muốn tước bỏ cả lợi quyền của cả chính nó. Thật là hão huyền, hư tưởng làm sao!

Chẳng lẽ nào lời tiên tri năm xưa của đạo sĩ Asita và bà-la-môn Koṇḍañña sẽ trở thành hiện thực? Con đường đi và chí hướng của nó không ai hiểu thấu. Nếu mà con ta nối được chí ta và chí của tổ tiên, biết tôn trọng, giữ gìn tông miếu, xã tắc - thì với sức học ấy, sức tài ấy, trí thông minh xuất chúng ấy, không mấy lúc sẽ trở thành một hoàng đế vĩ đại nhất trên thế gian. Có lẽ nó cũng hiểu rằng, Kapilavatthu là một vương quốc nhỏ bé, bao đời nay đã chịu sự khống chế và lệ thuộc đế quốc Kosala ở bên cạnh. Rồi còn cường quốc Māgadha nữa, bao giờ cũng với ý đồ xâm lấn các tiểu quốc lân bang, tạo thế mạnh để tranh hùng, xưng bá với Kosala? Ta nay tuổi đã già, sức đã kiệt, tài trí đã hao mòn thì mong gì bảo vệ được non sông gấm vóc, nói gì đến phát triển, giàu mạnh, hùng cường!

Ôi! Chẳng lẽ nào nó sẽ từ bỏ tất cả để xuất gia sống đời đạo sĩ? Và như thế thì vương quốc này sẽ ra sao? Biết bao máu xương của tiền liệt tổ tông, con cháu của thần Thái Dương bao đời sẽ trở nên uổng phí hay sao? Và ngay chính niềm vui nhỏ bé nhưng chính đáng là có cháu chắt để nâng niu, trìu mến bế bồng cũng không được nữa hay sao?

Càng suy nghĩ, càng sầu não. Phải tìm cách ngăn chặn hiểm họa từ bốn vị sứ giả, đừng để cho con ta gặp mặt. Phải nhốt con chim phượng hoàng kia trong chốn cung điện hoa lệ với những thú vui ngũ dục của cõi trời, may ra mới cùm chân và cột cánh nó được.

Thế rồi, lệnh được ban ra. Một tốp quan và lính thân tín, lại một lần nữa, âm thầm đi lùng sục các sứ giả già, bệnh, chết... đi an trí ở nơi xa, có phụ cấp chỗ ở, lương thực và thuốc men. Đó là những người già lão với thân hình xương xẩu khó coi, những người nhăn nheo, lụm cụm, run rẩy với gậy chống, với lưng cong gập hình cái đòn xoay... Đó là những kẻ tật nguyền đui què mẻ sứt...; các bệnh phong hủi, lở loét gớm ghiếc... mà đôi khi trước đây đã bỏ sót. Và ngay chính những kẻ lang thang ăn xin lôi thôi lếch thếch cũng được mời ra khỏi kinh đô. Nhà vua còn khuyến khích nhà nhà trồng cây xanh, nhà nhà trồng hoa cảnh và nhà nhà sống lịch sự, văn hóa, văn minh... Cứ một cụm dân cư mười ngàn người phải có một vườn hoa công cộng, một hí trường lộ thiên và một căn nhà để tổ chức các lễ hội, ca vũ nhạc... cho mọi người có chỗ giải trí, vui chơi...

Riêng các tu sĩ, đạo sĩ có dung mạo trang nghiêm, phong cách thoát tục... thì đức vua không lo lắng, vì thấy khắp cả Kapilavatthu, họ đều xấu xí, tóc râu bù xù, ăn mặc dơ bẩn... chỉ hơn hạng ăn xin chút đỉnh mà thôi!

Song song với việc trang hoàng, tô điểm cho kinh đô được xanh, sạch, đẹp... nhà vua cho mời những kiến trúc sư tài danh khắp các nước, những họa sĩ tầm cỡ, những thợ thầy lão thành và kinh nghiệm... để kiến tạo ba tòa cung điện hiện đại, sang trọng và tiện nghi nhất châu Diêm-phù-đề. Đấy là cung điện Ramma, cao chín tầng, dành cho mùa đông; cung điện Subha, cao bảy tầng, dành cho mùa mưa; cung điện Suramma, cao năm tầng, dành cho mùa hè. Điểm đặc biệt của ba tòa cung điện này là tuy bố cục, cấu trúc, hình dáng khác nhau; nhưng bề dài, bề rộng và bề cao phải bằng nhau!(1)Về mùa đông, các căn phòng đều có lò sưởi được đốt bằng củi thơm, các bức bích họa trên tường, trần là những ngọn lửa ấm hoặc được phối hòa bởi những màu sắc ấm cúng, rực rỡ. Y phục và trang sức của các nhạc công, ca nhi, vũ nữ... đều là màu hồng, đỏ, da cam, vàng sáng... Thức ăn, thức uống không những ngon lành, bổ dưỡng mà còn phải đẹp tươi, vui mắt; chú trọng các loại gia vị cay, nóng, ấm... để chống lạnh.

Về mùa hè, nơi nào cũng mát mẻ, tươi xanh, gợi cảm. Nội thất được thiết kế đặc biệt: Các cửa sổ có rèm và lưới che bằng sợi vàng, sợi bạc mềm mượt có chức năng thoáng gió lại ngăn được gió lộng; các bức tường vẽ cây cỏ hoa lá với các tông màu xanh trong, xanh da trời, xanh ngọc non, xanh nước biển... trông tựa mùa xuân và thiên nhiên tươi thắm, trong lành. Y phục và trang điểm của các ca nhi, vũ nữ, nhạc công, kẻ hầu hạ... cũng phải lấy tông màu xanh làm chủ đạo. Những ngày nóng bức trong năm, mái diềm xung quanh được thiết kế rất lạ lùng: Nước từ hồ được bơm lên, rỉ xuống, phun sương tỏa mát; lúc cần thiết có thể tạo nên những cơn mưa nhỏ, âm thanh rơi tí tách hoặc phát ra tiếng đàn, khúc nhạc diệu kỳ. Cạnh những cửa sổ lớn, những chiếc chậu vàng, bạc, pha lê đựng đầy nước hòa với bùn và bột thơm để trồng năm loại sen, luôn luôn nở hoa năm sắc. Chim đủ loại, nhiều giọng, nhiều sắc màu ca hót líu lo, vui tươi, nhí nhảnh. Những bình hương liệu được giấu kín từ trong cánh, bụng phượng, loan, công, sư tử, rồng... nhân tạo tỏa mùi thơm kỳ thú. Những ngày có gió, hằng trăm kiểu đàn gió lanh canh, long cong điểm nhịp, hòa tấu với âm thanh trong trẻo như những khúc nhạc thần tiên... Ngoài vườn, bốn hồ nước bốn phía trong xanh màu lục bảo, nở sen năm sắc; cá lớn, cá nhỏ đủ màu bơi lội yên ả, thanh bình. Rồi nào là cầu kiều, đình tạ, cây cảnh quý hiếm, giả sơn, thảm cỏ, đèn đá, tượng mỹ thuật... được phối trí hài hòa, công phu, mỹ lệ. Nhìn đâu cũng đẹp mắt, nhìn đâu cũng giống như hoa viên của cõi trời... Thức ăn, thức uống luôn luôn dự bị sẵn, mang từ các nơi xa xôi đến; sơn hào, hải vị... phải bảo đảm tươi ngon, bổ mát, nhuận trường; trái cây và rau cải đều phải được khử trùng, rửa bằng nước tinh khiết...

Còn đặc trưng của cung điện mùa mưa là làm sao tạo cảm giác thanh sạch, khô ráo; nên nó có đủ tính chất của hai cung điện mùa đông và mùa hè.

Sau khi thiết lập ba tòa cung điện, đức vua cho tuyển chọn ca nhi, vũ nữ, nhạc công cùng thị nữ lo việc hầu hạ, chăm sóc thái tử. Thế rồi, ngày cũng như đêm, nơi đây là mùa xuân bất tận, thiên cung bất tận. Đức vua cũng cho phép con em trong hoàng tộc như Mahānāma, Devadatta, Ānanda, Anuruddha... được lui tới vui chơi và cùng tham dự các buổi thảo luận về văn chương, triết học, chính trị... Về các sinh hoạt dân gian - nói chung là về cuộc sống bên ngoài cung điện - các vương tử, các ông hoàng này rất ngây thơ, nhưng về kiến thức kinh điển, từ chương... họ lại rất uyên bác. Họ có thể không biết hạt cơm từ đâu có, nhưng lại biết rất rõ bao nhiêu hóa thân của thần bảo tồn Viṣṇu và thần hủy diệt Śiva. Họ có thể không hiểu tại sao con người lại bị phong cùi lở loét, dịch tả, dịch hạch... nhưng lại rất am tường các thể thức cúng tế, lễ nghi phức tạp của những giáo phái truyền thống bà-la-môn. Và các cuộc thảo luận lúc đề cập đến lãnh vực siêu hình, đến thượng đế, đến định mạng con người, đến sống chết... thì họ chỉ việc dẫn chứng kinh điển. Một vài vị hoài nghi thực thể tối cao điều hành vũ trụ. Một vài vị muốn tước bỏ cho kỳ hết quyền lợi của giới cấp tu sĩ bà-la-môn bao đời nay đã ăn trên ngồi trốc và bóc lột dân đen trong các buổi tế đàn, lễ cúng, quan hôn tang tế... Sôi nổi nhất là khi nói về đạo đức con người; có con người tốt quản lý và điều hành xã hội thì muôn dân mới được hạnh phúc, ấm no... Dường như thái tử vui vẻ nhất khi thấy các vương tử, các ông hoàng biết nghĩ đến người khác, đến các tầng lớp dân chúng mà họ sẽ lãnh đạo sau này. Những khi như vậy, thái tử sai thị nữ châm thêm trà, lấy thêm bánh trái, gầy thêm mấy lò trầm đã lụn...

Cuộc vui nào rồi cũng sẽ tàn. Lúc kẻ hầu người hạ yên ngủ cả, thái tử lại ra ngồi bên hiên, lặng ngắm trăng sao, đăm đăm như nhìn vào vô tận. Ở đấy như còn những bí mật trùng trùng. Ở đấy như là những câu hỏi chìm khuất giữa hư vô mà thái tử đã vô phương giải đáp. Thế rồi, tiếng tiêu thay cho nỗi lòng, thái tử lại đắm chìm trong thế giới âm thanh mênh mông và man mác buồn...

Đức vua âm thầm cho người theo dõi, biết được những gì xẩy ra trong ba tòa Cung Vui. Hóa ra, thái tử cũng không để tâm đến những mỹ nữ xinh như mộng, yêu kiều, tha thướt, lả lướt ở xung quanh. Yến tiệc lớn, yến tiệc nhỏ, đám ca công này, tốp vũ nữ khác... chỉ tạo cho thái tử sự ngạc nhiên, thích thú vào buổi đầu, sau đó, thái tử cho nghỉ dần. Thái tử chỉ thường xuyên duy trì các buổi tiệc trà nhẹ, mời thêm đám thiếu niên nội ngoại dòng Sākya đến tham dự hội thảo.

Đức vua Suddhodana cảm thấy lo lắng. Hôm kia, vào lúc lâm triều, ngài đem điều ấy ra bàn với đình thần:

- Này chư khanh! Thái tử quả thật là đóa kỳ hoa giữa nhân thế; nếu mà thái tử khứng chịu, chấp nhận trị vì vương quốc thì sau này chẳng có cường quốc nào phải làm cho chúng ta sợ hãi. Nhưng ba tòa cung điện diễm lệ kia với ca nhi, mỹ nữ, với thức ăn, thức uống mỹ vị hiếm có trên đời... vẫn không đem đến kết quả như trẫm mong đợi. Con kình ngư kia dường như vẫn không chịu dính câu. Con phượng hoàng kia vẫn lặng lẽ dạo gót ở ngoài lồng. Quả thật là trẫm rất lấy làm lo ngại lời tiên tri của đạo sĩ Asita và bà-la-môn Koṇḍañña. Vậy chư khanh có kế gì hay góp ý cùng trẫm xem sao.

Một lão thần tâu:

- Thưa đại vương! Anh hùng xưa nay không ai qua khỏi ải mỹ nhân. Thái tử năm nay tuổi vừa mười sáu, là một trang thiếu niên anh tuấn, huyết khí phương cương; sao đại vương không dùng sợi tóc của mỹ nhân mà buộc chân thái tử lại? Chỉ có kế ấy là thượng sách.

Đức vua Suddhodana thở dài:

- Nơi ba tòa Cung Vui có biết bao nhiêu mỹ nữ tuổi độ trăng tròn, xuân xanh hơ hớ mà thái tử có thèm để mắt đến đâu! Cái sợi tóc của khanh xem chừng vô dụng rồi!

- Thưa, đấy là mỹ nhân do hoàng cung tuyển chọn. Phải có một cuộc tuyển lựa mỹ nhân do chính thái tử đứng ra làm chủ trì mới là đắc sách. Phải là một trang giai nhân tuyệt thế, mang vẻ đẹp thanh khiết, cao nhã may ra mới cầm chân thái tử ở lại được nơi cung vàng hoa lệ ấy. Trái tim của mỗi người có ngôn ngữ riêng của nó, tâu đại vương!

Đức vua Suddhodana nghe có lý quá, vuốt râu cười, hài lòng.

Thế rồi, một cuộc bố cáo rộng rãi được truyền đi khắp trong dân gian, đặc biệt ưu tiên cho giới giàu sang, quý tộc, con cái các đại thần và quan lại trong triều đình. Với loa truyền, trống đánh, phi mã đưa tin, thông điệp trao tay đến các phố phường, thị trấn... Không mấy chốc, cả nước xôn xao, bàn tán về việc thái tử đứng ra lựa chọn mỹ nhân. Ai rồi cũng được trọng thưởng, riêng người đẹp nhất thiên hạ, lọt vào mắt xanh của thái tử sẽ được dành tặng phần thưởng quý báu nhất của thành Kapilavatthu. Phần thưởng quý nhất quốc độ, ấy là gì? Các cô gái trong thiên hạ đều ngầm hiểu đấy chính là làm kẻ sửa túi nâng khăn cho chàng trai được tiếng là tuấn mỹ, phi phàm nhất thành Kapilavatthu! Những cô gái dầu đẹp nhưng thân phận thấp hèn thì không dám mơ tưởng đến; nhưng những công nương danh gia vọng tộc thì trái tim lại rung động, bồi hồi... Những đôi má của họ chợt ửng hồng như màu phấn nhan; những đôi mắt e lệ, bẽn lẽn núp sau rèm lụa với những ước mơ thơ mộng nhất; những cái nhìn mơ màng, bần thần vào cõi lầu son, gác tía xa xăm...

Ngày mở cuộc thi tuyển đã đến. Kinh đô Kapilavatthu như bừng sáng lên, rực rỡ thêm lên với hằng trăm mỹ nữ yểu điệu, thướt tha trên những cỗ xe hai ngựa, bốn ngựa bước xuống. Những đóa hoa vương giả, quý phái; những cô gái tuổi độ trăng tròn, má xuân phơi phới, trang điểm lộng lẫy, dặt dìu gót ngọc bước vào vương cung. Những cô gái các gia đình danh giá, giàu sang tuổi vừa hàm tiếu, e ấp, nõn nà... theo tiếng gọi con tim mà tìm đến...

Người con trai ưu tú của thành Kapilavatthu ngồi làm chủ tọa kiêm giám khảo cho cuộc thi hoa hậu này - theo sự sắp xếp của đức vua và hoàng hậu - mà chàng thì không dám để cho hai vị phiền lòng.

Mỹ nữ lần lượt chậm rãi, nhẹ nhàng đi qua, lướt qua. Những gót sen ngập ngừng, xao xuyến... Những tấm khăn lụa kāsi quý giá, thơm ngào ngạt, đủ loại sắc màu rực rỡ như hoa mùa xuân, như làn sóng gợn dập dìu, uyển chuyển... Tất cả trôi qua, lướt qua... Người con trai anh tuấn với đôi mắt xanh trong như mặt nước hồ thu không gợn. Ngài nhìn từng mỹ nữ một, khẽ cúi đầu, khẽ mỉm cười, cung cách nhã nhặn và lịch thiệp rồi trang trọng trao những phần thưởng châu báu cho mỗi nàng...

Tiếng nhạc đệm dặt dìu, hương muôn hoa tỏa ngát. Làn sóng người đẹp tuần tự chảy qua. Những đôi mắt tròn to đen láy liếc nhìn thái tử với nỗi sợ hãi mơ hồ. Họ cảm thấy mình bé nhỏ và tầm thường quá. Có một cái gì tôn nghiêm, uy nghi và sang trọng quá toát ra nơi con người tuấn tú kia. Trước khi tới đây, họ đã xây dựng trong trí tưởng bao nhiêu mộng đẹp; nhưng khi chờ đợi đến lượt mình, nhiều tình cảm xen lộn phức tạp, nửa muốn bước tới, nửa muốn thối lui. Và rõ ràng, khó có một hình bóng mỹ nhân nào khả dĩ mở được cửa để bước vào trái tim của người vương giả!

Đức Suddhodana, hoàng hậu Gotamī, các đức thân vương, các lão thần... ngồi sau những tấm rèm kín đáo đưa mắt theo dõi. Những mâm vàng, mâm bạc chất đầy châu báu, ngọc ngà cứ vơi dần, vơi dần... nhưng dường như trái tim thái tử vẫn chưa hề rung động. Đôi mắt trong xanh tĩnh lặng kia chưa một lần dừng lại có vẻ chăm chú, có vẻ ngạc nhiên trước một mỹ nữ nào...

Khi viên trân châu cuối cùng vừa theo người đẹp cuối cùng rời đi, sau những bức rèm vừa buông tiếng thở dài chưa dứt thì cung điện chợt như rực sáng lên. Những tiếng trầm trồ xung quanh, không hẹn mà cùng thốt lên, ca ngợi, xuýt xoa... Thái tử lặng người, nghe trái tim mình rung lên nhè nhẹ, đưa mắt nhìn người mỹ nữ vừa bước đến. Nàng đẹp quá! Đúng là mỹ nhân của những mỹ nhân! Dường như tất cả nét yêu kiều, diễm lệ, cao sang, quý phái, dịu dàng, thanh khiết của mỹ nữ trên thế gian đã kết dệt nên nàng: một tạo phẩm giai nhân tuyệt tác của hóa công! Đến trước thái tử, nàng khẽ cúi đầu đài các, nở nụ cười tự tin, hàm răng như hạt lựu nẩy mầm, sáng như ngọc chuốt, cất giọng thanh tao như tiếng chim Ca-lăng-tần-già:

- Hỡi thái tử anh tuấn! Chẳng hay thái tử còn có vật gì để dành tặng cho thiếp chăng?

- Có, có! Thái tử đáp rồi mỉm cười, chậm rãi nói - Nhưng tất cả những châu báu kia thì đâu có xứng đáng với trang tuyệt thế giai nhân? Ta còn một vật quý hộ thân đây!

Nói thế xong, thái tử thò tay lần vào bên trong cổ áo, lấy chuỗi trân châu quý giá nhất mà chàng không mấy khi để lộ ra ngoài, trịnh trọng đeo cho người đẹp trước hằng trăm đôi mắt đăm đăm ngưỡng mộ.

Mỹ nữ mỉm cười, nhỏ nhẹ lên tiếng cảm ơn, lời trong như con oanh thỏ thẻ, như hạt pha lê reo. Thái tử cảm thấy người nhẹ nhàng, lâng lâng; một cái gì rất lạ lùng, rất kỳ diệu lần đầu tiên nó len lén đi vào tâm hồn chàng, rất êm ái và rất ấm áp...

Ngày hôm sau, kết quả cuộc tuyển lựa mỹ nhân, như một tin lành lan truyền khắp quốc độ. Đức Suddhodana thấy lòng hồ hởi, vui sướng vô cùng, vừa cười vừa nói với lệnh bà Gotamī rằng:

- Hậu ơi! Chúng ta đã nhốt được con chim phượng hoàng ấy ở trong lồng rồi!





(1)Ba tòa cung điện tráng lệ, nguy nga hy hữu này, được mô tả chi tiết trong các kinh Sukhumāla sutta, Māgandiya sutta... và những bộ chú giải, phụ chú giải...

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/05/2023(Xem: 11767)
Khi Phật giáo (PG) du nhập vào Trung Hoa (TH) lần đầu tiên từ Ấn-độ và Trung Á thì những TH theo PG có khuynh hướng coi tôn giáo này là một phần hay một phái của Đạo Giáo Hoàng Lão, một hình thức Đạo Giáo bắt nguồn từ kinh sách và pháp thực hành được coi là của Hoàng Đế và Lão Tử. Những người khác chấp nhận ít hơn tôn giáo “ngoại lai” xâm nhập từ các xứ Tây Phương “man rợ” này PG là xa lạ và là một sự thách thức nguy hiểm cho trật tự xã hội và đạo đức TH, Trong mấy thế kỷ, hai thái độ này tạo thành cái nôi mà ở trong đó sự hiểu biết PG của người TH thành kính, trong khi các nhà
24/04/2023(Xem: 3965)
Đạo Phật và Cơ đốc giáo đều được khai sáng bởi những bậc Đạo sư tâm linh vĩ đại, những người đã tìm cách đưa ra con đường dẫn đến sự giải thoát và cứu rỗi. Thuật ngữ các Ngài sử dụng thường khá khác nhau. Ngoài ra, đo hoàn cảnh khác nhau mà các Ngài hóa thân, giáo lý của các Ngài đã dạy những con đường khác nhau và đối với tâm kinh nhấn mạnh những cách tiếp cận khác nhau.
21/04/2023(Xem: 12549)
Thượng Tọa Thích Trí Siêu từ Pháp Quốc sẽ giảng pháp tại Úc Châu vào tháng 4 năm 2023 -- Thượng Tọa Thích Trí Siêu sinh năm 1962 tại Sài Gòn. Theo cha mẹ tỵ nạn qua Pháp năm 1975. Năm 1985 nhập chúng tu học tại Tự Viện Linh-Sơn, tỉnh Joinville-le-Pont, Paris. Năm 1987 thọ cụ túc giới với Hòa Thượng Thích Huyền-Vi. Tuy xuất thân từ Đại Thừa, nhưng Thầy đã không ngần ngại du phương tham vấn và tu học với nhiều truyền thống khác như : Nguyên Thủy, Đại Thừa, Kim Cang Thừa Tây Tạng.
21/04/2023(Xem: 4152)
Khi giác hạnh đã viên mãn thì thọ mệnh Đức Phật tuổi đã bát tuần (80). Đến đây, sắc thân tứ đại của Ngài cũng đã thuận theo định luật vô thường mà lão hóa. Năm ấy Ngài ở tại rừng cây Sala tại Kushinagar (Kusinara, Câu-thi-na), nơi Đức Phật nhập diệt. Trước khi rời bỏ xác thân tứ đại giả hợp, Ngài gọi tôn giả A Nan, người đệ tử luôn luôn ở bên cạnh Đức Ngài đến và phán rằng:
20/04/2023(Xem: 14465)
Học đạo quý vô tâm Làm, nghĩ, nói không lầm Sáng trong và lặng lẽ Giản dị mới uyên thâm
15/04/2023(Xem: 4260)
Chuyên mục khám phá những điểm tương đồng giữa kim ngôn khẩu ngọc giáo huấn của Đức Phật và các khía cạnh khác nhau của công nghệ đương đại là Nguyệt san thảo luận về lĩnh vực hệ thống – thường được gọi là Tư duy hệ thống ‘khía cạnh lý thuyết’ (cách nhìn tổng thể, có tính đa chiều và mục tiêu) và Kỹ thuật hệ thống ‘khía cạnh phát triển thực tế’
12/04/2023(Xem: 5964)
Tôi muốn chia sẻ về mối quan hệ tôn giáo và xã hội hiện đại. Vì bản tính tự nhiên, mỗi cá nhân đều có sự cảm nhận về tự ngã. Từ đó, mỗi cá nhân đều trải qua các hiện tượng mà họ nhận thức được bằng cảm giác thống khổ, cảm xúc vui sướng hay yên tĩnh. Đây là sự thật, không cần phải trình bày tỉ mỉ nữa. Động vật cũng thế. Vì bản tính tự nhiên, tất cả chúng ta đều muốn đạt được an lạc hạnh phúc, không muốn thống khổ và bất hạnh. Ta khỏi cần phải chứng minh điều này. Trên cơ sở này, chúng ta đàm luận về quyền của mọi người được hưởng cuộc sống an lạc hạnh phúc, quyền vượt qua mọi thống khổ.
22/03/2023(Xem: 5708)
Năm 2011, chuyên mục này đã đưa ra một số chủ đề lớn, từ những phương pháp hay nhất, dành cho tăng đoàn Phật giáo với khoa học công nghệ best practices with technology for sanghas, đến việc khám phá các mối quan hệ giữa sự thật khoa học thần kinh và Phật pháp relationship between truth, neuroscience, and the Dharma. Sau đó, chúng tôi đề cập đến tính hai mặt dưới góc nhìn khoa học thần kinh duality in light of neuroscience, và bắt đầu chỉ ra những lợi ích của việc xây dựng một lý thuyết khoa học về sự văn minh a scientific theory of enlightenment. Bởi thắc mắc này đang đưa ra những chủ đề mới dịp đầu xuân này, có lẽ tôi nên nhấn mạnh điều gì đó.
18/03/2023(Xem: 9618)
Tây phương Kinh tế học có thể bị chỉ trích bởi dựa trên sự hợp lý hóa hành vi cạnh tranh, tối đa hóa lợi nhuận vì lợi ích của một nhóm nhỏ, phụ thuộc vào sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và sự suy thoái môi trường chung của chúng ta. Trong khi đó, Kinh tế học Phật giáo được hình thành dựa trên sự tương tác phụ thuộc lẫn nhau của con người và môi trường, do đó mang lại sự an lạc hạnh phúc dựa trên từ bi tâm đối với tất cả chúng sinh. Mục tiêu của nó là duy sự phát triển bền vững gắn liền bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay, đồng thời khẳng định sự thịnh vượng chung và mang đến sự an lạc thịnh đạt cho người lao động, khách hàng, cổ đông và xã hội.
18/03/2023(Xem: 5741)
Công nghệ phát triển thay đổi cuộc sống con người, tuy nhiên sẽ thật ngây thơ khi tin rằng công nghệ chỉ mang lại lợi ích mà không phải trả giá. Một chủ đề lặp đi lặp lại trong lịch sử là sự ra đời của các công cụ và cơ bản công nghệ đổi mới, sẽ thay đổi cách chúng ta nhìn nhận bản thân và thế giới, cũng như trong đó có vai trò của chúng ta. Từ sự phát triển động cơ hơi nước, hàng không, xử lý máy tính và gần đây hơn là trí tuệ nhân tạo (AI), các công cụ và công nghệ đã cải thiện phúc lợi đáng kể và năng suất của con người nhưng không nhất thiết là phúc lợi của con người và các hệ sinh thái của thế giới.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]