Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vô Minh và Khoa Học Não Bộ

29/10/201014:05(Xem: 3848)
Vô Minh và Khoa Học Não Bộ

Vô minh là một danh từ phát xuất từ Phật giáo. Dân gian ai đi chùa thì ít ra cũng quen thuộc với khái niệm “tham, sân, si”. Si mê hay vô minh nói lên một tâm trạng thiếu sáng suốt đưa đến những hành động tội lỗi trái luân lý. Khi học đạo, người ta nghĩ rằng vô minh chỉ là một khái niệm có lẽ nghiêng về luân lý (ethics) nhiều hơn là khoa học. Gần đây, khi khoa học và tâm lý học phát triển, người ta mới bắt đầu hiểu rằng vô minh có cơ sở khoa học.

Ở loài người, nguồn gốc của vô minh có thể giải thích qua sự phát triển của não bộ. Khi các nhà nhân chủng học (anthropologist) nghiên cứu sự phát triển não bộ của con người qua hàng triệu năm, bằng cách đo xương sọ từ đó suy ra dung tích của não bộ, thì nhận thấy rằng sự khác biệt giữa loài người có văn minh và loài khỉ là ở vỏ não (cortex). Não của loài người có 2 phần, phần nằm trong sâu gọi là hệ thống limbic (limbic system), phần này mọi sinh vật đều có, và phần vỏ não phát triển tột bực ở loài người.

Hệ thống limbic là vùng não phát triển rất sớm, nghiêng về tình cảm và bản năng. Nhờ có bản năng nên con người nguyên thủy mới có thể sống sót và truyền giống nòi. Nói một cách khác, khi đứng trước thức ăn mà không thèm ăn, gặp người khác phái mà không có ham muốn tình dục và khi gặp kẻ thù ăn cắp thức ăn và bắt cóc vợ con mà không giận dữ thì loài người sẽ mất sự tồn tại trên thế gian và mất khả năng truyền gene lại cho thế hệ sau.

Ở loài khỉ, con khỉ đực nào có nhiều testosterone (kích thích tố nam), chiến đấu chống lại những con khỉ đực khác (sân) thì sẽ có vị trí đầu đàn và có quyền giao hợp với nhiều khỉ cái (tham). Hiểu như thế, tham và sân là bản năng để con người tiền sử sống còn. Ở thế giới động vật bản năng tự nó điều chế. Thức ăn nhiều thì sanh sản nhiều, thức ăn ít thì ham muốn sinh dục ít đi và sinh sản bớt lại.

Khi não bộ chưa phát triển và loài người tiền sử sống với sự điều khiển của bản năng thì chiều hướng của bản năng là bảo vệ sự sống còn của giống nòi. Tuy nhiên, trên đà tiến hóa của não bộ thì phần vỏ não (cerebral cortex) phát triển rất nhanh, nhờ đó tạo cơ hội cho sự phát triển của ngôn ngữ và ý thức (awareness). Ý thức được khoa học định nghĩa là sự nhận thức ra cá nhân và cá nhân đó khác biệt với người khác. Khi ta nhìn ta trong gương, ta nhận ra hình ảnh của chính mình, đó là ý thức cá nhân. Hình ảnh của người kế bên không phải là ta. Sự phân biệt so sánh này là nguồn gốc của cái “tôi”. Bản chất của cái tôi là ý muốn khác biệt và hơn trội người khác. Cái tôi gây ra rất nhiều vấn đề chúng ta sẽ đề cập ở phần sau.

Cũng vào thời điểm này, những bộ lạc dần dần sống chung thành một xã hội. Nhờ vỏ não phát triển nên con người nguyên thủy có sự sáng tạo quy ước dùng một âm thanh để diễn tả ý nghĩ và tình cảm. Ngôn ngữ là âm thanh, phát ra rồi mất đi. Người ta chế ra chữ viết để lưu truyền ngôn ngữ. Nhờ có ngôn ngữ, chữ viết và đời sống xã hội nên những phát minh mới và hiểu biết mới của một người được nhiều người áp dụng và biến chế tốt hơn. Đây là nền tảng của khoa học. Nhờ có chữ viết nên kiến thức được lưu lại sau khi con người qua đời. Nhờ vậy sự hiểu biết của loài người lưu truyền được và phát triển cực kỳ nhanh. Giả sử ta có một thần đồng sống biệt lập trong rừng thì những phát minh khoa học sẽ không có phương tiện phát triển thành sản phẩm khoa học.

Tuy nhiên sự phát triển nhanh chóng của vỏ não và sản phẩm của nó là ngôn ngữ và khoa học kỹ thuật cũng có những cái hại của nó. Con người không biết tự điều hòa như thiên nhiên. Con người có sự ý thức để hiểu biết thiên nhiên, tuy nhiên sự phát triển vượt bực của ý thức không đi đôi với sự trưởng thành của tình cảm. Từ đó mà những sản phẩm của khoa học kỹ thuật có thể làm đảo lộn cái trật tự quân bình của thiên nhiên. Hồi xưa với cây búa rìu muốn đốn cây thì không đốn được bao nhiêu nên thiên nhiên được bảo tồn. Ngày nay với công cụ tối tân, người ta có thể đốn hết khu rừng trong nháy mắt. Đây mới là cái tham, sân, si mà tôn giáo đề cập đến và con người cần thay đổi.

Cái phản ứng phụ của trí khôn là cái ý muốn sở hữu. Con người muốn sở hữu đồng loại và thiên nhiên. Ngay từ thời nguyên thủy, những bộ lạc thắng trận thường bắt những người thua trận làm nô lệ cho mình. Điều này xảy ra cho tới thế kỷ thứ 19 với người da đen làm nô lệ cho chủ đồn điền da trắng. Trong tình yêu ta muốn giữ người ta yêu cho riêng mình. Cha mẹ muốn con cái làm theo ý của mình. Nếu con cái không theo thì đôi khi cha mẹ từ con ra và gán cho con là cái tên hư hỏng. Trong tôn giáo kẻ không cùng tín ngưỡng là kẻ ngoại đạo. Ở thiên nhiên, cái sở hữu quá độ như đốn rừng hay lưới cá một cách cẩu thả ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh hóa.

Ngoài ra, con người còn muốn sở hữu năng lượng (đất và nước) của quả địa cầu, chia ranh giới và gây ra tranh chấp. Đối lập và xung đột là sản phẩm của trí khôn và của cái tôi. Khi trí khôn phát triển, con người muốn mình khác với người khác vì đặc tính của trí khôn là sự sáng tạo. Nhưng sự sáng tạo này nằm trong một khuôn khổ cứng rắn. Khi ta gắng một tính từ đúng sai hay xấu tốt lên một người nào đó thì ta mất cái khả năng nhìn sự thật. Ta chỉ thấy trắng hay đen. Ta thương người theo mình (tham) và ghét bỏ người không theo mình (sân). Ta mất cái nhìn trung dung.

Mất khả năng nhìn sự thật khách quan và muốn vũ trụ xoay quanh theo ý mình là nguồn gốc của vô minh và cũng là nền tảng của cái tôi. Một người có thể khôn xuất chúng nhưng vẫn có thể bị màng vô minh che đậy tâm trí. Sự nhận thức và bỏ theo quỹ đạo của cái tôi tạo ra vô số mâu thuẫn căng thẳng trong nhiều lãnh vực: gia đình, xã hội, chính trị và tôn giáo. Trong vô minh, con người có thể dùng trí khôn biện hộ cho hành động sai lầm thay vì dùng trí khôn giúp mình thay đổi để đáp ứng hoàn cảnh. Khi chưa được cái mình muốn con người sanh ra lòng tham và khi mất cái mình được thì sân hận.

Đọc giả hãy thử phân tích hoàn cảnh này xem sao. Ông A di du lịch và làm quen được với ông B. Hai người nói chuyện trao đổi với nhau vui vẻ. Một ngày nào đó đất nước ông A và ông B trở thành thù nghịch. Hai người bị động viên. Khi khoác áo nhà binh lên người thì 2 người trở thành thù nghịch và sẵn sàng giết nhau mặc dù không có mối hận thù cá nhân riêng biệt. Như thế mới hiểu được cái tai hại khi chúng ta gán cho người khác cái nhãn hiệu mà không hiểu được sự thật. Chuyện như thế xảy ra rất nhiều và thịt rơi, máu đổ cũng vì hiểu lầm. Thời chiến tranh Việt Nam cũng thế, vô số người dân vô tội bị giết chết cũng vì bị gán cái tội theo “Việt cộng” hay theo “Mỹ ngụy”.

Không những có những trường hợp thương tâm này ở Việt Nam mà khi ta nhìn lại lịch sử con người ta thấy những trường hợp như vậy xảy ra rất thường xuyên. Khi một chính phủ hay một cơ quan tôn giáo xác nhận một nhóm người khác là “kẻ thù” hay “ngoại đạo” rồi thì sự sát nhân hàng loạt xảy ra rất dễ dàng. Thời Trung cổ có tòa án dị giáo (inquisition tribunal) giết chết hàng loạt người không theo Thiên chúa giáo, rồi đến Thánh chiến (Crusade). Thời thực dân (colonial), người da trắng coi người da đen là dòng giống kém và đến châu Phi bắt cóc họ làm nô lệ cho các đồn điền. Vào đệ nhị thế chiến Hitler ra lệnh giết hàng loạt người Do Thái (holocaust). Gần đây hơn thì chế độ kỳ thị Apartheid ở Nam Phi vẫn không công nhận quyền lợi bình đẳng của người da đen.

Sở dĩ vô minh xảy ra vì tư tưởng và trí khôn loài người chưa phát triển để đạt đến khả năng trực nhận thực tế (danh từ Phật giáo gọi là giác ngộ). Sự truyền đạt thông tin của tư tưởng rất hạn chế. Có lẽ vì thế con người thích có một khuôn mẫu hiểu biết có sẵn để nương theo. Ở những xã hội sơ đẳng (lúc đó chưa có những phương tiện truyền thông như TV và radio) thì ca dao tục ngữ là những công thức cho dân gian kém học thức nương nơi đó mà cư xử với nhau cho thích hợp. Ngoài ca dao tục ngữ thì có những chuyện cổ tích để cho người ta noi theo gương tốt. Những phương pháp truyền đạt kiến thức kể trên rất đơn sơ và chỉ thích hợp với một số nhỏ người hạn chế ở địa lý cư ngụ của những người đó. Thí dụ như ca dao về mùa màng ở miền nhiệt đới không thích hợp với dân miền ôn đới.

Đọc giả nên phân biệt giữa hiểu biết và diễn đạt hiểu biết. Hiểu biết của ông thầy có thể diễn ra trong nháy mắt nhưng khi người thầy giáo dùng tư tưởng suy nghĩ để giải thích sự hiểu biết đó cho học sinh thì phải mất nhiều thời giờ hơn. Ngoài ra sự truyền đạt hiểu biết qua tư tưởng và lời nói không thể nào trung thực và đạt được 100% dữ kiện chứa trong cái trực hiểu của ông thầy. Tệ hơn đôi khi người nói một đường, kẻ hiểu một ngả. Càng cố chấp trên suy nghĩ thì sự hiểu lầm càng sâu hơn. Nếu người sở hữu kiến thức (trò) áp dụng một cách cứng rắn thì khả năng đáp ứng thực tế của họ càng kém hơn người (thầy) tạo ra kiến thức đó. Vì thế muốn xã hội tiến bộ thì trò phải hơn thầy. Nếu ông thầy sợ học trò hơn mình và không truyền đạt hết kiến thức, và người học trò không hiểu hơn thầy mình thì xã hội sẽ đi lùi. Hiểu như thế tinh thần vô ngã là thái độ cần có để xã hội phát triển.

Các mạch thần kinh ở não bộ con người khác với mạch máu. Mạch máu có đường đi nhất định. Những mạch thần kinh có khả năng kết nối với nhau một cách uyển chuyển (plasticity of the nervous system). Những người bị tai biến mạch máu (stroke), mất hết một phần của não bộ nhưng vẫn có thể phục hồi một phần nào chức năng cơ thể vì các tế bào thần kinh ráp nối với nhau tạo ra mạch thần kinh mới để thông qua những tế bào thần kinh bị chết, từ đó bịnh nhân có thể sử dụng trở lại những bắp thịt bị tê liệt. Cũng như thế khi ta không cố chấp thì khả năng kết nối của hệ thống thần kinh ta dồi dào hơn. Khi sự kết nối nhiều thì khả năng hiểu nhiều khía cạnh của một sự kiện tăng theo.

Khi chúng ta học hỏi và nhận thức một điều mới lạ thì những tế bào thần kinh sẽ liên kết với nhau nhiều hơn. Khi ta cố chấp vào một sự việc thì tế bào thần kinh không có sự ráp nối dồi dào, khiến ta không nhận biết được những dữ kiện khác của sự thật. Ta trở thành người mù sờ voi, chỉ thấy được một phần nhỏ của con voi và tranh chấp cãi lộn với những người khác thấy những phần khác của con voi. Vì thế ở kẻ mê tín dị đoan, não bộ của họ mất sự uyển chuyển kể trên. Chính đây là nền tảng cơ sở khoa học não bộ của vô minh. Cái khó khăn là người vô minh không bao giờ nhận ra tâm trạng đó. Cũng giống như người bị điên (psychosis), cho rằng kẻ khác bất bình thường, còn mình thì hoàn toàn bình thường.

Làm sao ra khỏi cái vòng lẩn quẩn của vô minh khi mà người vô minh không nhận ra họ bị vô minh. Rồi một nhóm người vô minh tranh cãi biện luận với nhau để giành phần đúng về mình. Họ tạo thành nhiều băng đảng chính trị, chủ nghĩa quốc gia hay niềm tin tôn giáo khác nhau. Suy nghĩ càng biệt lập và khác biệt thì lòng tin tưởng lẫn nhau giữa loài người suy giảm trầm trọng và lòng lo sợ, hận thù tăng hơn. Nếu sự lo sợ tăng đến nỗi người ta mất khả năng dùng lý trí để thay đổi nhận thức thì nó trở thành cực đoan và bịnh hoạn (paranoid delusion). Đây là những cách người ta bảo vệ cái chủ nghĩa tư tưởng mà họ cho là đúng. Nói tóm lại trong sự bảo vệ quá đáng đó họ thiếu lòng tin và sự suy nghĩ sáng suốt một cách trầm trọng.

Hiểu như vậy thì không có gì lạ khi hai tôn giáo chính của thế giới đề cao lòng tin (Ki tô giáo) và suy nghĩ sáng suốt (Phật giáo). Chúa và Phật có thể được coi là những bậc thánh nhân và cũng là những bác sĩ tâm lý đại tài. Sở dĩ những ấn tượng trên tâm lý của hai đạo này tồn tại đến ngày nay, có lẽ vì các vị thánh nhân này đã thấu hiểu được căn bịnh về tâm lý của loài người và nói trúng tim đen của loài người. Những vị này muốn mở đường hướng dẫn nhân loại- nói theo khoa học não bộ ngày nay- xử dụng não bộ của họ một cách hữu hiệu để tránh loài người dùng trí khôn sáng tạo vũ khí tự tiêu diệt lẫn nhau và tiêu diệt quả địa cầu. Khi trị được si mê thì tham và sân tự nó biến đi. Chính vì tham và sân là sự hiểu lầm do si mê gây ra.

Có cách nào nhanh nhứt để trị cơn si mê, giấc mộng ngàn đời của nhân loại? Như ta thấy khi nào con người còn có suy nghĩ đúng sai thì lúc đó sự tranh chấp sẽ không dừng. Suy nghĩ có thể vẽ ra ngàn lối khác nhau. Một khi suy nghĩ vẽ ra rồi thì ít khi nó chịu rời bỏ sản phẩm của nó. Con người phải tập vượt qua cái ý nghĩ chấp đúng sai. Con người phải tập lắng nghe chính mình và lắng nghe người khác. Chấp đúng sai là vội khóa mình trong một kết luận nông cạn. Khi còn suy nghĩ đúng sai thì cái suy nghĩ đó sẽ làm nhiễm (contaminate) cảm nhận sự thật. Suy nghĩ là hình bóng chứa dữ kiện của một hiện tượng đã qua. Khi ta giữ cái hình bóng đó trong tâm thì sự đáp ứng tức thời và khả năng nhận ra sự thật bị giảm đi rất nhiều.

Thí dụ như ông A vừa mới cãi lộn xong với vợ mình và bực bội lái xe ra khỏi nhà. Trong tâm trí ông còn những suy nghĩ lẩn quẩn về câu chuyện không vui vừa xảy ra. Tâm ông bị phân trí và suýt nữa ông vượt đèn đỏ gây ra tai nạn. Khi vào sở ông nạt nộ với nhân viên trong sở gây ra nhiều căng thẳng. Ở trường hợp trên, ông A vì suy nghĩ về chuyện quá khứ nên mất khả năng nhận ra hiện tại, như đèn đỏ và không đáp ứng với hoàn cảnh hiện tại trong sở (nhân viên không có lỗi lầm mà bị nạt).

Ở mọi hoàn cảnh trong cuộc sống, nếu ta làm chủ được những dòng tư tưởng suy nghĩ hiện ra trong đầu, không dùng những dữ kiện của quá khứ để đối phó với hiện tại hay phỏng đoán tương lai thì khả năng nhận thức tức thời tại thời điểm hiện tại (here and now) sẽ rất nhậy. Phát triển cái nhận thức tức thời không qua suy tư được gọi là thiền. Nghiên cứu cho thấy não bộ con người phản ứng với những hình bóng suy nghĩ dựng ra y như sự thật trước mặt. Rồi như thế chưa đủ, con người cố gắng diễn tả những hình bóng suy nghĩ đó bằng nghệ thuật điện ảnh. Khán giả thật sự vui buồn với cái ảo giác. Nếu ai cũng xem cái thực tế của phim ảnh là những hình bóng màu mè phản chiếu lên màn ảnh thì công nghiệp điện ảnh sẽ bị phá sản từ lâu rồi.

Bây giờ độc giả hãy tưởng tượng rằng chỉ có một màn ảnh mà có đến nhiều người muốn đồng lượt chiếu phim của mình lên trên đó. Như thế những hình bóng trên màn ảnh rất rối loạn, chính sự rối loạn đó là vô minh. Ai cũng muốn la lớn là tôi hay, tôi đúng, mọi người nên theo tôi. Không ai nghe ai và không ai chịu khó tìm hiểu người khác. Đó là vô minh. Đây là thảm trạng của xã hội hiện giờ, sự thành công được đo bằng mình trội hơn người khác. Có ai biết tại sao sản phẩm tiện nghi của khoa học càng nhiều, nhưng ngược lại với dự đoán, stress và những bịnh do căng thẳng tinh thần xảy ra nhiều hơn chăng? Bây giờ muốn cho mọi người nhìn thấy ánh sáng thì chúng ta phải tắt hết phim lại.

Tắt hết phim lại là để cho tâm tĩnh lặng. Khi tâm tĩnh lặng rồi thì người ta mới có cơ hội cùng nhìn về một hướng và hiểu một chuyện. Nếu tâm loạn động thì chỉ có hai người thôi mà xảy ra biết bao nhiêu chuyện phức tạp. Chỉ có một chuyện mà bị méo mó biến ra mười chuyện khác nhau. Cho nên để tâm tĩnh lặng thì màn vô minh bị mỏng dần và khả năng nhận định sự thật và thông cảm lẫn nhau tăng hơn. Khi vô minh mỏng dần thì tham biến thành trí tuệ thích hiểu biết và sân biến thành sự dũng cảm dám thay đổi tánh tình (tu). Khi vô minh mỏng dần thì não bộ sẽ có khả năng kết nối với những vùng mới lạ. Và từ đó đời sống tâm linh của nhân loại sẽ được phát triển và phong phú hơn.

Tâm tĩnh lặng không phải là một cái gì trừu tượng mà hiện nay khoa học có thể dùng điện não đồ EEG để đo được. Khi ta thư giãn để tâm tĩnh lặng thì tần số rung động của não bộ giảm xuống khoảng 8- 10 Hz, tần số này gọi là tần số Alpha. Những nghiên cứu cho thấy não bộ hoạt động hữu hiệu nhứt ở tần số này. Đây cũng là cái tần số của tâm “vô ngã”. Đó là một tâm trạng sáng suốt với ý thức mở rộng để hiểu mình và hiểu người. Khi ta tập tâm tĩnh lặng ở tần số này, để mặt trời ý thức hiện ra thì những tư tưởng mây đen cố chấp của vô minh sẽ ít dần. Chúng ta rất may mắn sống ở thời điểm này. Với những kiến thức mới của khoa học não bộ, cái ranh giới giữa tôn giáo và khoa học sẽ mỏng dần. Hy vọng sẽ có một ngày người ta không còn giết lẫn nhau vì sự khác biệt tín ngưỡng. Ngày đó đa số con người sẽ sống với tần số Alpha và sẽ có tâm trạng “vô ngã”, biết lắng nghe và thông cảm lẫn nhau. Hòa bình thật sự chỉ có thể xây dựng được từ trong tâm mà thôi.

Thái Minh Trung, M.D.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25/11/2010(Xem: 12859)
Cuộc sống xô bồ và dồn dập trong các xã hội phương Tây không cho phép một số người có thì giờ đọc toàn bộ những quyển sách liên quan đến các vấn đề khúc mắc của tâm linh. Vì thế nhiều tác giả chọn lọc các lời thuyết giảng, các câuphát biểu ngắn gọn hoặc các đoản văn ý nghĩa nhất để gom lại thành sách giúp người đọc dễ theo dõi và tìm hiểu, vì họ muốn đọc hay muốn dừng lại ở đoạn nàocũng được. Năm 1996, nhà xuất bản Le Pré aux Clercs có phát hành một quyển sáchtheo thể loại trên đây. Sách gồm những lời phát biểu của Đức Đạt-lai Lạt-ma vềPhật giáo và vài vấn đề liên quan đến Phật giáo chọn lọc từ các bài diễn văn,phỏng vấn, các buổi thuyết giảng và các sách của Đức Đạt-Lai Lạt-ma.
22/11/2010(Xem: 3603)
"Người ta không bao giờ tắm hai lần trên một con sông" triết gia Hy Lạp cổ đại Hêraclitôxơ đã nói như vậy cách đây 2.500 năm.
16/11/2010(Xem: 11300)
Hiện nay, thế giới đang có sự rối loạn, không hiểu biết, tranh cãi về bệnh tâm thần, thiền định, và sự liên hệ giữa hai đề tài này. Các chuyên gia về sức khỏe thể chất, và tâm thần cũng không hiểu rõ phạm vi nghề nghiệp của họ. Họ cũng không hiểu cái gì là thiền định. Bởi vậy đối với người bình thường họ sẽ rất bối rối.
13/11/2010(Xem: 7434)
Đây là một chương trong quyển “The Universe in a Single Atom” (Vũ Trụ Nằm Trong Một Nguyên Tử Đơn Lẻ) của Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ XIV, nói về sự hội tụ giữa khoa học và tâm linh. Quyển sách này do nhà xuất bản Broadway Books (New York, USA) ấn hành năm 2005, và đã là một trong những quyển sách bán chạy nhất ở Mỹ.
09/11/2010(Xem: 8113)
Stephen William Hawking, sinh ngày 8 tháng Giêng năm 1942 là một nhà Vật lý Lý thuyết người Anh, đồng thời cũng là một nhà Vũ trụ học nỗi tiếng nhờ các tác phẩm khoa học và các lần ông xuất hiện trước quần chúng.. Ông là Hội viên Danh dự của Hội Nghệ thuật Hoàng gia Anh (Royal Society of Arts), Hội viên vĩnh viễn của Viện Khoa học Giáo hoàng (Pontifical Academy of Sciences) và vào năm 2009, được trao tặng Huy chương Tổng thống về Tự Do là huy chương dân sự cao quý nhất của Mỹ.
02/11/2010(Xem: 3621)
Những khám phá gần đây của nền Vật lý hiện đại cho thấy một số quan niệm của Phật giáo cần phải được xem xét đến… Kể từ thế kỷ 20...
02/11/2010(Xem: 3995)
Những thập niên cuối cùng vừa qua đã chứng kiến những tiến bộ vượt bậc của khoa học về toàn bộ cơ thể và bộ não con người. Xa hơn nữa, với sự phát triển những kiến thức mới về di truyền học, thần kinh học của những hoạt động của những cơ cấu của vi sinh vật bây giờ đang đến trình độ vững vàng ổn định nhất của những tế bào cá nhân.
26/10/2010(Xem: 4101)
Lời người dịch: Nguyên tác tiếng Anh của bài khảo cứu ngắn này: Darwinism, Buddhism and Christanityđược đăng trong tạp chí The Maha Bodhi, Sri Lanka, Tập 82, số 11 & 12, Nov - Dec 1974, trang 443 – 446 của Amarasiri Weeraratne, nhà nghiên cứu Phật học nổi tiếng ở Tích Lan.
23/10/2010(Xem: 3517)
Với cả hai quả quyết đã được trình bày, Darwin biết mình đã đi quá xa, không phải trên địa hạt khoa học, mà chính là trong trận địa triết lý: lý thuyết của ông sẽ bị kết án là duy vật chủ nghĩa.
23/10/2010(Xem: 11796)
Trước hết, có lẽ tôi cần phải thú nhận là không có cách nào tôi có thể trình bày đầy đủ về thuyết Tiến Hóa. Lý do chính là: Tiến Hóa là một quy luật thiên nhiên trong vũ trụ, và trong gần 150 năm nay đã được kiểm chứng, phát triển, từ đó giải thích được nhiều điều trong vũ trụ, thiên nhiên. Ngày nay, thuyết Tiến Hóa bao trùm rất nhiều bộ môn khoa học. Do đó, không ai có thể tự cho là mình biết hết về thuyết Tiến Hóa. Một khó khăn khác tôi vấp phải khi viết về thuyết Tiến Hóa là những danh từ chuyên môn mà tôi không đủ khả năng để dịch ra tiếng Việt hoặc không biết là đã được dịch ra tiếng Việt. Vì những lý do trên, trong bài khảo luận này, tôi chỉ tự hạn trong chủ đề
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]