Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tác phẩm 17: Hàng Rào Giai Cấp

30/07/201615:45(Xem: 6202)
Tác phẩm 17: Hàng Rào Giai Cấp

HÀNG RÀO GIAI CẤP

(Do theo THƯỢNG ĐỈNH KINH – AGGAÑÑA SUTTA)

 

Bhikkhu Nāga Mahā Thera - Tỳ khưu Bửu Chơn

 

---

 

Tác phẩm 17 trong quyển

Toàn tập

TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG BỬU CHƠN

(NĀGA MAHĀ THERA)

 

Xuất bản năm Dl. 2016 – Pl.2559

 

 

Lời Nói Đầu

Hiện nay khắp nơi trên mặt địa cầu nhiều chủ nghĩa, tôn phái thường hay bình luận đến vấn đề “Từ đâu mà nảy sinh ra hàng rào giai cấp của xã hội”. Mỗi chủ nghĩa, mỗi lý thuyết đều có quan niệm khác nhau. Nhưng rốt cuộc không có lý thuyết nào làm cho được thỏa mãn tính hiếu kỳ của loài người.

Bởi vì còn đầy vô minh bao bọc, những việc kế cận bên ta, nơi thân thể ta mà còn không hay biết, hà tất lại tìm tòi muốn thấu rõ những sự việc sơ khai xa xăm của vũ trụ. Muốn biết được một cách thật tế và chu đáo thì họa may ra có những bậc đã vượt màn vô minh, không còn phiền não, hoàn toàn sáng suốt biết rõ thật tướng của vũ trụ từ mới cấu sanh thì mới có thể chỉ dẫn cho chúng ta hiểu biết một cách rõ rệt.

Theo Phật giáo thì hàng rào giai cấp của xã hội, Đức Phật giảng giải cho biết từ khi mới phát sanh lên quả địa cầu rồi dần dần nảy sanh ra dòng vua, quan, bà-la-môn, thương gia và nô lệ. (Theo Tam tạng quyển 18, trang 161-198 trong Aggañña Sutta – Thượng đỉnh kinh của Trường A hàm, Thượng đỉnh kinh có nghĩa là “điều cao quý nhất không chi sánh bằng”).

Đức Phật đã tỉnh giấc vô minh, thấy rõ mọi sự vật bằng nhãn tuệ (pañña cakkhu) đúng theo thật tướng rồi Ngài mới giảng giải lại cho chúng ta cùng hiểu biết.

Thấy có rất nhiều người vì hiếu kỳ hay tò mò mà tìm đến sự sơ khai của vũ trụ và hàng rào giai cấp của xã hội nên bần tăng cố gắng phiên dịch soạn ra theo Kinh Pāli để cung hiến cho quý vị độc giả thêm một vài tia sáng để làm tài liệu trong việc sưu tầm Phật giáo.

Do quả phúc của sự biên soạn và ấn tống quyển kinh Hàng rào giai cấp này, bần tăng xin thành tâm hồi hướng đến thầy tổ, song thân và bà Mai Thị Hiền, luôn cả cho chúng sanh trong ba giới bốn loài đều đồng được thọ hưởng tùy ý.

 

Mong cầu cho vạn vật được thái bình

Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Rất mong thay!

Bhikkhu Nāga Mahā Thera  Tỳ khưu Bửu Chơn

 

Nama Tassa Bhagavato Arahato Sammã Sambuddhassa

Xin thành kính làm lễ đến Đức Thế Tôn, Ngài là bậc A la hán, là bậc Chánh biến tri.

---

I. Nguyên Nhân Đức Phật Giải Về Hàng Rào Giai Cấp Của Xã Hội

(Tam tạng quyển 18, trang 161)

Ta có nghe như vầy. Một thuở, Đức Phật ngự tại chùa Đông Phương (Pubbārāma) của bà Visākhā gần thành Xá Vệ (Sāvatthī), trong lúc ấy có hai ông sa di tên là Vāseṭṭha và Brāhadvāja đang thọ pháp hành phạt để tu lên tỳ khưu[1].

Khi ấy trong buổi chiều, Đức Thế Tôn vừa mới định và đang đi kinh hành gần bóng chùa ở ngoài trống. Hai ông sa di liền rủ nhau lại đảnh lễ Đức Phật và tính may ra mình nghe được Pháp. Hai ông đồng ý đến đảnh lễ xong đi theo sau Ngài. Đức Phật hiểu ý bèn dừng chân lại mà hỏi rằng: “Này Vāseṭṭha và Brāhadvāja, các ngươi là dòng giống Bà-la-môn bỏ đi xuất gia theo Phật giáo, vậy chớ nhóm Bà-la-môn không có chửi mắng các ngươi sao?” Hai ông sa di liền bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn họ chửi mắng chúng tôi đủ điều thậm tệ”.

 “Họ chửi mắng như thế nào?”

 “Bạch Đức Thế Tôn, họ nói rằng: ‘chỉ có dòng Bà-la-môn là quí phái, cao thượng, trong sạch, bọn khác đều thấp hèn, nhơ bẩn. Bà-la-môn là nguồn cội, là con cháu từ Trời Phạm Thiên sanh ra, các người lại bỏ dòng cao thượng theo dòng thấp hèn[2], bọn Sa-môn đầu trọc là kẻ bình dân, là bọn Ma vương, như vậy không tốt đẹp, xứng đáng đâu.’ Bạch Đức Thế Tôn, họ chửi mắng chúng tôi đủ điều thậm tệ như thế.”

 “Này hai ông sa di, nhóm Bà-la-môn vì không biết rõ từ sơ khai phát sanh lên vũ trụ và xã hội nên mới cố chấp như vậy. Cho dòng Bà-la-môn là con dòng cháu giống của Trời Phạm Thiên! Thật ra, như các người đã thấy, các phụ nữ Bà-la-môn cũng có kinh kỳ, có thai, đang sanh con, đang cho con bú, cũng sanh nhóm Bà-la-môn ra bằng sản môn (yonī). Nhưng mà nhóm Bà-la-môn ấy lại nói ngược rằng ‘là con cháu của Trời Phạm Thiên’, nói như vậy là phản phúc, phỉ báng, nói láo với Trời Phạm Thiên, họ sẽ chịu những tội lỗi nặng nề không sai.

Này hai ông sa di, trong thế gian này có bốn dòng là: vua, bà-la-môn, thương gia và nô lệ. Dầu cho ngươi dòng Vua mà sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói láo, nói đâm thọc, nói độc ác, nói viển vông vô ích, là người tham lam, sân hận, tà kiến, si mê cũng có. Như vậy các pháp nào là pháp ác (akusalā) cũng kể là ác, tội lỗi, không nên thực hành, là pháp đen tối, không cao thượng mà các bậc trí tuệ hằng chê bai, khinh bỉ. Các pháp ấy có người trong dòng Vua cũng làm.

Này hai ông sa di, dầu cho dòng Bà-la-môn, dòng thương gia, dòng nô lệ có người cũng hành vi các pháp ác ấy. Dầu cho hạng người nào hành theo pháp ấy cũng gọi là pháp ác cả.

Hơn nữa, dầu cho một nhóm người trong dòng Vua mà không sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói láo, nói đâm thọc, nói độc ác, nói viển vông vô ích, không tham, không sân, không si mê tà kiến cũng có vậy. Pháp nào gọi là pháp thiện (kusalā) cũng gọi là thiện, vô tội, nên hành theo, rất cao thượng, sáng suốt mà các bậc trí tuệ thường tán dương khen ngợi… Dầu cho bà-la-môn, thương gia, nô lệ có người cũng hành vi theo các pháp thiện ấy. Dầu cho hạng người nào hành theo pháp thiện ấy cũng gọi là pháp thiện cả.

Như vậy thì bốn hạng người thực hành lộn xộn cả ác lẫn thiện cũng có. Nếu như nhóm Bà-la-môn cũng hành cả ác lẫn thiện mà có nhóm Bà-la-môn dám nói rằng: ‘Chỉ có dòng Bà-la-môn là cao thượng quý báu, trong sạch, là con cháu của Trời Phạm Thiên’, nói như vậy các bậc thiện trí thức không bao giờ đồng ý, nhận định, khen ngợi họ được. Tại sao vậy? Vì bốn hạng người ấy, dầu cho hạng nào xuất gia tỳ khưu đã xa lìa tất cả phiền não, diệt hết pháp ‘trầm luân’ (āsava), phạm hạnh đã tròn đủ, ái dục cột trói trong các cảnh cũng không còn, đã giác ngộ, đã hoàn toàn giải thoát, thì hạng người ấy dầu cho là dòng nào cũng rõ ràng là cao thượng hơn tất cả các dòng khác theo đúng chân lý.

Này hai ông sa di, bởi vì đức lành là pháp cao thượng hơn hết của nhân loại trong đời này và đời vị lai. Này hai ông sa di, đức Vua Ba Tư Nặc (Pasenadi Kosala) biết rõ Như Lai là bực quý phái của dòng Thích Ca đi xuất gia. Bao nhiêu người trong dòng Thích Ca đều kính nể lễ bái đức Vua Ba Tư Nặc hết thảy, nhưng đức Vua lại lễ bái kính nể, yêu quý, tiếp rước Như Lai vì Ngài nghĩ rằng: ‘Sa-môn Gotama là bực trong sạch, có nhiều sức lực (huệ lực và giải thoát), màu da tươi tốt, có nhiều oai lực, còn ta thì mỗi mỗi đều thua kém hơn Ngài’. Vì vậy mà đức Vua mới cung kính, lễ bái, quý mến, cúng dường những Đức lành ấy. Nếu nói rộng ra, người nên hiểu rằng: ‘Đức lành là pháp quý báu cao thượng hơn hết của nhân loại trong đời này và đời vị lai’.

Này hai ông sa di, các người dòng giống khác nhau, gia đình tên tuổi cũng khác nhau vào xuất gia, nếu có người hỏi mấy ông là dòng chi, thì các người nên trả lời rằng: ‘Chúng tôi là dòng Thích Ca’.

Nếu ai có đức tin chắc chắn in sâu trong đạo lý của Như Lai, người ấy dầu cho Sa-môn, Bà-la-môn, Chư Thiên, Phạm Thiên hoặc một nhân vật nào cũng không thể làm cho họ thay đổi lời nói cách khác được, nhưng họ vẫn nói: ‘Tôi là con cháu dòng Thích Ca, Pháp bảo sanh ra chúng tôi và là người hưởng gia tài của Pháp bảo’. Tại sao Như Lai nói như vậy? Vì tiếng Pháp thân, Phạm thân hoặc Pháp tướng, Phạm tướng cũng đều là danh từ chỉ định của Như Lai cả.

 

--
 

 

II. Nguyên Nhân Phát Sanh Lên Bốn Dòng (Hàng Rào Giai Cấp)

Này Vāseṭṭha và Brāhadvāja, có một khi quả địa cầu này vì quá lâu đời mà phải tiêu hoại một lần. Trong khi quả địa cầu đã bị tiêu hoại thì phần nhiều chúng sanh đều sanh về cõi trời Sắc giới tên là Ābhassara Brahma[3] do tâm thiền định, có phỉ lạc làm vật thực, có hào quang trong người túa ra, bay trên hư không, ở trong đền đài tốt đẹp, sống thật lâu đời.

Rồi một khi quả địa cầu này vì quá lâu đời, cấu thành lại đang khởi sanh lên, khi đó chúng sanh trên cõi trời Ābhassara Brahma hết tuổi thọ phải sa đọa xuống cõi trần gian này sanh làm người nhưng sanh lên do tâm thiền định[4], có phỉ lạc (pīti) làm vật thực, cũng có hào quang phóng ra, bay trên hư không, ở trong đền đài tốt đẹp, sống thật lâu đời.

Trong khi quả địa cầu đang cấu tạo, toàn quả địa cầu trước đều tan ra thành một khối nước, tối mù mịt, không có nhật, nguyệt và các vì sao, không có ngày, đêm, tháng, năm, mùa tiết, kẻ nam, người nữ cũng không có rõ rệt. Chúng sanh ấy chỉ gọi chung là chúng sanh vậy thôi. Sau ấy một thời gian thật lâu đời, quả địa cầu lần lần nổi lên trên mặt nước một chất hình như sữa nóng, có hương vị ngọt ngon, thơm tho, màu trắng tươi đẹp như sữa trong và đặc lại ngọt như mật ong. Khi ấy có một chúng sanh tánh hiếu kỳ mới lấy ngón tay trỏ quẹt chất đất ấy liếm thử coi, chất vị ấy thấm nhuần khắp châu thân, người ấy lấy làm sung sướng đồng thời sự ham muốn vị trần cũng phát sanh lên. Các chúng sanh khác thấy vậy cũng bắt chước làm theo thì sự sung sướng và thỏa thích vị trần ấy cũng phát sanh lên in nhau hết thảy. Từ đó trở đi đều lấy chất ấy vò viên lại mà chi độ, khi lấy chất đất ấy mà ăn vào thì hào quang trên mỗi người đều mất hết, khi hào quang đều mất đi thì mặt nhật, mặt nguyệt và tinh tú cũng phát sanh lên. Lúc ấy ngày, đêm, thượng quyền, hạ quyền, tháng, mùa tiết, năm cũng phát sanh lên rõ rệt. Này hai ông sa di, sự cấu tạo khởi hành lên vũ trụ như thế ấy.

Chúng sanh ấy vẫn lấy chất trên mặt địa cầu ấy mà nuôi sống trong thời gian thật lâu. Vì thọ thực chất ấy mà thân hình trở nên cứng rắn, màu sắc khác nhau cũng phát sanh lên. Có người thì màu sắc tốt đẹp, có người màu sắc xấu xa, chúng sanh nào có màu sắc tốt đẹp lại khinh khi người có màu sắc xấu xa[5]. Khi chúng sanh ấy ngã chấp, khinh bỉ người xấu xa hơn mình thì hương vị ngon ngọt của quả địa cầu lại mất hết đi. Chúng sanh ấy mới tụ họp nhau lại để than phiền: ‘Ôi! Vị trần ngon ngọt của chúng ta đâu! Ráng tìm lại phương pháp tối cổ ấy nhưng vật đã qua rồi dễ nào tìm lại đặng’.

Này hai ông sa di, kế đó lại có một thứ nấm mọc lên màu thật trong sạch, mùi vị ngon ngọt, giống như sữa đặc hoặc như mật ong, khi đó chúng sanh ấy mới nhổ nấm ấy làm vật thực trong thời gian thật lâu, vì càng thọ vật thực thô sơ thì thân thể lại càng cứng rắn biến chuyển ra khác nhau, kẻ trắng người đen, kẻ tốt người xấu lại càng rõ rệt lên thêm. Cũng không bỏ thói quen, chúng sanh nào tốt đẹp thì ngã chấp, khinh khi người xấu xa, vì vậy mà nấm đất ấy lại mất hết đi. Kế đó, lại có một thứ dây giống như rau muống (padālatā) mọc lên cũng có mùi vị ngon ngọt như sữa hay mật ong. Chúng sanh ấy lại nhổ thứ dây ấy đó ăn và sống một thời gian thật lâu, vì ăn vật thực càng thô sơ thì thân thể lại càng cứng rắn biến chuyển kỳ dị khác nhau. Cũng như trước, ngã chấp khinh khi, chê bai lẫn nhau mà thứ dây như rau muống ấy lại mất đi. Chúng sanh ấy cũng tụ nhau than phiền như trước kia. Kế đó có một thứ lúa sāli mọc lên, không có vỏ trấu và cám bao ngoài, chỉ trổ ra gạo trắng sạch có mùi vị thơm tho. Chúng sanh ấy mới hái ăn nhưng hái sớm mai thì chiều lại mọc đầy đặc trở lại, hái chiều thì sáng ra cũng y như cũ vậy. Sống như vậy một thời gian thật lâu. Vì thọ vật thực càng thô sơ thì thân thể càng biến chuyển ra khác, bây giờ bộ phận nam nữ phát sanh rõ rệt. Lẽ dĩ nhiên con người cổ ấy chưa có y phục, lại có bộ phận nam nữ khác nhau coi lạ nên họ nhìn lẫn nhau không mãn nhãn. Vì sự nhìn lâu quá độ mà sự nóng nảy bực bội và tình dục cũng phát sanh lên, vì vậy mà chúng sanh ấy mới hành dâm với nhau. Trong lúc ấy có bọn người khác thấy vậy bèn lấy đất liệng, hốt cát rải lên và nói rằng: ‘Này các người yêu quái, kỳ cục, buông nhau ra, rời nhau ra đi, sao dám làm điều kỳ dị đến người khác như thế ấy’. Này hai ông sa di, thuở ấy người nào làm điều kỳ cục (hành dâm) như vậy, người ta cho rằng ‘là chuyện phi pháp’ nhưng trái lại trong thời kỳ hiện tại người ta cho rằng ‘đó là điều rất hợp pháp’ vậy. Nếu bọn nào hành dâm như vậy rồi thì không dám vào trong xóm hoặc trong làng hai, ba tháng. Khi chúng sanh nào ham mê trong sự hành dâm quá độ rồi thì bèn nảy sinh ra ý định để làm chỗ che đậy cho kín đáo (đây là nguyên nhân đầu tiên làm cho con người lo cất nhà để che đậy sự xấu xa ấy).

Này hai ông sa di, thuở ấy lại có một người tánh lười biếng mới suy nghĩ như vầy: ‘Ta đi hái lúa sāli sớm mai, chiều như vậy làm cho cực nhọc lắm, thôi vậy thì ta nên hái một lần để dùng luôn sớm mai và chiều cho tiện’. Tính xong lại thực hành như thế ấy. Có chúng sanh khác đến rủ người ấy đi hái lúa, khi nghe y trả lời như vậy thì cũng bắt chước theo rồi lần lần hái để dành thêm lên hai, ba, bốn ngày. Có người khác nữa lại muốn hái để dành cho thật lâu hơn đến tám ngày. Khi chúng sanh ấy đua nhau hái để dành ăn cho được lâu, lúc bấy giờ lúa sāli ấy lại trở thành có cám và trấu bao bọc, hơn nữa chỗ nào gặt rồi thì không mọc lên nữa như mọi lần, mọc các chỗ khác lại thưa thớt, có bụi như bó lại. Lúc ấy các chúng sanh mới nhóm hợp than phiền rằng: ‘Này các người ơi! Pháp ác, tội lỗi của chúng ta đã phát khởi lên, vì trước kia chúng ta sanh lên do tâm thiền định, có phỉ lạc làm vật thực, có hào quang, bay trên hư không, ở chỗ tốt đẹp… cho đến bây giờ chúng ta phải ăn lúa có cám và trấu, lúa lại ít mọc đó cũng do nơi pháp ác, xấu của chúng ta vậy. Thôi bây giờ chúng ta phải phân ranh ra để chia lúa cho mỗi người. Mọi người đều đồng lòng làm như vậy’. Này hai ông sa di, lúc ấy có một người tánh tham lam và liếng xáo lấy phần lúa của mình đem đi giấu, mới lén lấy của người khác đem về chi độ. Mấy người khác bắt được mới quở trách rầy la rằng: ‘Người ơi! Người làm điều xấu quá, sao lại giấu của mình rồi ăn cắp của người khác mà ăn như vậy? Này người ơi! Người đừng làm như vậy nữa nghe không’. Người ấy hứa tôi không làm như vậy nữa đâu, thế mà đến lần thứ hai, thứ ba… y vẫn làm như vậy. Mọi người họ bắt y đặng và nói dạy như trên, có người không cần nói lại đánh vã liệng bằng đất hoặc đập bằng gậy, bằng roi. Này hai ông sa di, kể từ đây, sự trộm cắp, sự mắng nhiếc, sự nói láo, sự đánh đập đã phát sanh lên rõ rệt. Lúc ấy mọi người đều tụ họp lại bàn tính: ‘Vì bao nhiêu những điều xấu ác đã khởi phát đến chúng ta rồi, vậy thì chúng ta nên chọn một người nào trong bọn để phân xử, rầy la, quở trách người xấu ấy mới được, phần chúng ta thì hùn lúa lại biếu cho người ấy để họ giùm phân xử’. Tính xong mấy người ấy kiếm lựa một người tướng thật tốt, đáng trong sạch, có oai thế hơn hết[6] và yêu cầu để phân xử, rầy la, quở trách, đánh đuổi giùm những người có thói xấu thì chúng sẽ biếu lúa sāli cho. Người ấy cũng bằng lòng nhận lãnh phận sự ấy[7], từ ấy mọi người đều đem lúa cung hiến cho y. Này hai ông sa di, người ấy do quần chúng bầu cử, vì vậy mới có tiếng chỉ định đầu tiên phát sanh lên gọi là ‘Đại Bào’ (Mahā Sammato), người ấy vì lớn hơn hết trong những ruộng lúa ấy nên tiếng chỉ định thứ hai lại phát lên gọi tên là ‘Chúa Tể’ (Khattiya). Người ấy vì làm cho mọi người vừa lòng hợp pháp nên có tiếng chỉ định thứ ba lại phát lên gọi là ‘Vua’ (Rāja), vì vậy mà những danh từ chỉ định ‘dòng Vua’ phát khởi lên như cách ấy.

Khi ấy, có một nhóm trong chúng sanh mới nghĩ rằng: ‘Các pháp ác, tội lỗi như trộm cắp, nói láo, rầy la, quở trách, đánh đuổi đã phát sanh lên rõ rệt đến chúng ta. Vậy thì chúng ta ráng dứt bỏ xa tránh các điều tội lỗi ấy đi’. Vì vậy mới có danh từ chỉ định thứ nhất phát lên gọi là ‘dòng Bà-la-môn’ (Brāhmana). Các người ấy làm chòi bằng lá cây ở trong rừng sâu và nhìn vào đề mục, họ cũng không cần dùng đến lửa khói để nấu đồ ăn, cũng không có chày cối để giã gạo, cứ đi xin vật thực trong xóm trong làng mỗi bữa, khi đã thọ thực xong về chòi lá và nhìn vào đề mục thiền định. Có người khác thấy vậy mới nói với nhau: ‘Nè các người ơi, có một nhóm người làm chòi lá ở trong rừng chỉ đi xin vật thực chi độ rồi cứ nhìn vào đề mục tham thiền’. Này hai ông sa di, vì các người ấy cứ nhìn vào đề mục hoài như vậy nên mới có một danh từ thứ hai phát sanh lên gọi là ‘người tham thiền’ (jhāyikā). Có một số người trong đó vì chán nản không thể ở trong rừng nữa mới trở về vô xóm làng mà bày ra dạy các môn nghệ thuật và quỉ thuật (vedamanta) rồi lại trở về rừng. Khi mọi người khác thấy vậy mới nói như vậy: ‘Này các anh ơi, mấy người này bây giờ không nhìn đề mục tham thiền nữa (lặp đi lặp lại như vậy)’. Vì vậy mà mới nảy sanh ra danh từ thứ ba gọi là ‘không tham thiền’ (ajjhāyikā). Này hai ông sa di, lúc ấy sự dạy các môn nghệ thuật người ta cho là thấp hèn, nhưng bây giờ người ta lại cho là cao thượng. Cách phát sanh lên của dòng Bà-la-môn đúng theo sự thật của chúng sanh và đúng theo hợp pháp không sai vậy. Vì đức lành là pháp cao thượng hơn hết trong dân gian trong kiếp này và trong đời vị lai.

Này hai ông sa di, trong hạnh chúng sanh ấy, người ưa thích đường tình dục vợ chồng và làm công việc kia nọ, vì vậy mà nảy sanh ra danh từ ‘dòng Nông dân hay Thương mãi’ (vessa) như thế ấy. Trong hạng người đó lại có những người muốn đi công làm mướn cho người khác, vì vậy mà nảy sanh ra ‘dòng Nô lệ hay Tôi tớ’ (sudda). Sự phát sanh lên những danh từ của các dòng đúng theo sự thật do sự hành động của chúng sanh rất hợp pháp không sai vậy.

Này hai ông sa di, sự phát sanh lên bốn dòng giống như thế ấy, thì ra đức lành là pháp rất cao thượng hơn hết trong dân gian đời này và đời vị lai.

Này Vāseṭṭha và Brāhadvāja, có khi hạng vua chúa chán nản phận sự của mình, bỏ đi xuất gia, ý nguyện muốn làm một bực Sa-môn. Hạng bà-la-môn, hạng thương gia, hạng nô lệ có khi cũng chán nản pháp hành của mình bỏ đi xuất gia, ý định làm một bực Sa-môn. Vì vậy mà sự phát sanh lên ‘dòng Sa-môn’ (người tu) rõ rệt đúng theo sự thật.

Này hai ông sa di, cũng có ít hạng người trong dòng Vua, Bà-la-môn, Thương gia, Nô lệ thực hành thân, khẩu, ý ác, tà kiến, cố chấp sự thực hành của tà kiến, vì vậy mà sau khi chết phải sanh vào cảnh súc sanh, ngạ quỷ, atula và địa ngục. Chẳng phải vậy thôi mà dầu cho hạng Sa-môn (người tu) mà thân, khẩu, ý ác, tà kiến, cố chấp sự thực hành của tà kiến, thì khi quá vãng cũng phải sa đọa vào trong khổ cảnh ấy. Này hai ông sa di, cũng có hạng người trong dòng sa-môn, vua, bà-la-môn, thương gia và nô lệ ráng trau dồi cho thân, khẩu, ý trọn lành, có chánh kiến, chấp sự thực hành theo chánh kiến, vì vậy mà khi lâm chung được sanh về nhàn cảnh hoặc cõi thiên đường. Này hai ông sa di, cũng có hạng người trong dòng sa-môn, vua, bà-la-môn, thương gia và nô lệ có thân, khẩu, ý nửa thiện nửa ác (là khi thiện khi làm ác), kiến thức lộn xộn, khi tà khi chánh, chấp theo sự thực hành nửa tà nửa chánh ấy, vì vậy mà sau khi chết phải thọ khi vui khi khổ lẫn lộn nhau. Này hai ông sa di, cũng có hạng người dòng Sa-môn, Vua, Bà-la-môn, Thương gia, Nô lệ là người ráng thu thúc thân, khẩu, ý do nhờ thực hành theo ‘Thất giác chi’ (Bodhi pakkhiya dhamma)[8] mà đắc đạo quả và nhập Niết-bàn trong kiếp hiện tại. Này hai ông sa di, trong bốn dòng này chỉ có dòng nào là Tỳ khưu là bực Ứng cúng, trong sạch, diệt tận các pháp trầm luân, mười sáu phận sự và phạm hạnh đã hành xong, đã trút xong gánh nặng, đã dứt hết ái dục cột trói trong các cảnh, đã giác ngộ, đã giải thoát, Như Lai cho dòng đó là cao thượng, quý báu hơn tất cả các dòng, đúng theo chân lý và rất hợp pháp vậy.

Như vậy thì “Đức lành” là pháp cao thượng hơn tất cả dân gian trong đời này và đời vị lai. Dầu cho trời Phạm Thiên tên Sanaṅkumāra cũng có câu kệ như vầy:

“Vua là dòng cao thượng hơn hết trong dân gian.

Bực đã đầy đủ minh hạnh[9] thì cao thượng hơn tất cả Chư Thiên và nhân loại”.

Bài kệ của Sanaṅkumāra nói thật hay, thật đúng, có nhiều sự lợi ích, Như Lai cũng nhìn nhận như vậy”.

Khi Đức Thế Tôn giảng xong ‘Hàng rào giai cấp của xã hội’, hai ông sa di, Vāseṭṭha và Brāhadvāja rất thỏa thích lời Ngài đã giảng ấy.

_

 

Soạn xong tại Ph.Penh, mùa hạ năm Tân Sửu PL. 2505 - DL. 1961

 

 

– Dứt tác phẩm 17. Hàng rào giai cấp –

 

 

[1] Hai ông sa di này là con nhà đại bá hộ đã bỏ theo đạo Bà-la-môn, khi nghe được pháp Phật xin xuất gia sadi. Theo luật, người ngoại đạo muốn tu lên tỳ khưu phải chịu theo pháp hành phạt trong một thời gian ba tháng xong mới cho lên tỳ khưu vì trước đã xu hướng theo ngoại đạo. Sự cho hành phạt ấy, Đức Phật tùy theo người, có người không cần phải hành phạt cũng cho tu được, là người nào khi nghe pháp xong được đắc quả thánh thì khỏi cần hành phạt.

[2] Quan niệm này bên xứ ta còn nhiều vì cho mình là cao thượng, lớn đại hơn người rồi khinh miệt phe phái khác cho là thấp hèn hơn mình.

[3] Cõi trời này của người đắc nhị thiền bậc cao, khi vũ trụ tiêu diệt, mấy cõi trời bậc dưới đều tiêu hoại cả.

[4] Chúng sanh trong thời kỳ đầu tiên (paṭhama kāla) có thể sanh lên bằng tâm thiền định nên tự hóa thân sanh ra. Vì vậy mà bộ phận nam nữ không rõ rệt.

[5] Đây là nguyên nhân để lần lượt phát sanh lên phiền não.

 

[6] Chú giải: người ấy là Bồ tát tiền thân Đức Thích Ca.

[7] Đây đã khởi đầu hàng rào giai cấp. Như vậy thì nhận thức rằng: con người tự mình bắt đầu thành lập một xã hội hết sức dân chủ, vì hoàn cảnh bắt buộc.

[8] Thất giác chi hay là 7 phần trạch pháp là: 1) tứ niệm xứ, 2) tứ thần túc, 3) tứ chánh cần, 4) ngũ căn, 5) ngũ lực, 6) thật bồ đề phận, 7) bát thánh đạo.

[9] Vijjā Minh có 2 hoặc 8 là: túc mạng minh – bubbe nivāsā-nussati vijjā, sanh tử minh hay là nhãn minh – cutupapāta vijjā, lậu tận minh – āsavakkhaya vijjā, nếu nói 8 thì thêm 5 cái nữa là: Minh sát minh – vipassanā vijjā, phân tâm minh – manomayiddhi vijjā, thần thông minh – iddhi vidhi vijjā, nhỉ minh – dibbasota vijjā, tha tâm minh – cetopariñña vijjā carana. Hạnh có 15 là: thu thúc trong giới hạnh, thu thúc lục căn, tri túc sự ăn uống, thường hay thức (là ít ngủ), đức tin, ghi nhớ, hổ thẹn, ghê sợ tội lỗi, nghe nhiều học rộng, tinh tấn trí tuệ, đắc 4 cõi thiền là: sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/01/2013(Xem: 8401)
Tôi không cần thảo luận sự chân thật tu chứng, nhưng khi chúng ta nghiên cứu học vấn, phụng sự Phật pháp hay làm những việc phúc lợi xã hội, chúng ta cần phải lấy Phật pháp làm kim chỉ nam chỉ đạo cho chính mình, sách tấn chính mình, điều đó sẽ giúp cuộc sống tinh thần củachúng ta càng ngày càng tốt hơn...
31/12/2012(Xem: 6591)
Phật giáo hiện hữu trên đất nước Việt Nam, hơn 2000 năm đồng hành cùng dân tộc. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm của đất nước Phật giáo luôn làm tròn sứ mệnh của một tôn giáo gắn liền với nền văn hoá nước nhà. Chiến tranh đi qua, để lại bao đau thương mất mát, cảnh vật hoang tàn, đời sống nhân dân nghèo đói cơ hàn. Đến thời độc lập, ngoại xâm không cò n nữa, đất nước từng bước chuyển mình đi lên, Phật giáo cũng nhịp nhàn thay màu đổi sắc vươn lên, GHPGVN được ra đời vào ngày 07/11/1981 đến nay gần 22 năm với VI nhiệm kỳ hoạt động của giáo hội.
28/12/2012(Xem: 10256)
Trong bầu không khí trang nghiêm, hòa hợp, thắp sáng niềm tin vào nền giáo dục nhân bản Phật giáo của ngày Hội thảo Giáo dục Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ VI (2007 -2012) của Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương với chuyên đề “Giáo dục Phật giáo Việt Nam định hướng và phát triển”, tôi xin phát biểu một số ý kiến chung quanh vấn đề Giáo dục Phật giáo như sau:
02/08/2012(Xem: 16821)
Phước thiện thuộc về danh pháp (nāmadhamma) hay thuộc về thiện tâm, không phải vật chất, nên khó thấy, khó biết, chỉ có bậc có trí tuệ, có thần thông mới có thể biết người nào có phước thiện.
16/04/2012(Xem: 9234)
Kim Cương thừa có nhiều phương cách thực hành khác nhau, hàng trăm hàng ngàn bản tôn khác nhau để đấu tranh với sự ô nhiễm nhiều vô kể, thông qua thiền định...
09/04/2012(Xem: 3370)
Phật giáo là “chân lý thực tại”, mà cốt lõi chính là đạo đức và giới luật làm nền tảng. Khi Phật còn tại thế, ngài chế giới là để ngăn ngừa sự bại hoại của tăng đoàn.
04/03/2012(Xem: 54023)
Một cuộc đời một vầng nhật nguyệt (tập 4), mục lục: Sắc đẹp hoa sen Chuyện hai mẹ con cùng lấy một chồng Cảm hóa cô dâu hư Bậc Chiến Thắng Bất Diệt - Bạn của ta, giờ ở đâu? Đặc tính của biển lớn Người đàn tín hộ trì tối thượng Một doanh gia thành đạt Đức hạnh nhẫn nhục của tỳ-khưu Punna (Phú-lâu-na) Một nghệ sĩ kỳ lạ Vị Thánh trong bụng cá Những câu hỏi vớ vẩn Rahula ngủ trong phòng vệ sinh Voi, lừa và đa đa Tấm gương học tập của Rahula Bài học của nai tơ Cô thị nữ lưng gù
17/01/2012(Xem: 8792)
Vô tận trong lòng bàn tay, Sự dị biệt giữa tôn giáo và khoa học được đánh dấu khởi đầu từ luận đề của Galilée và từ đó đã khiến nhiều người cho là hai thế giới này không thể nào gặp nhau được. Einstein khi đối chiếu Phật Giáo với các tôn giáo khác đã cho là: nếu có một tôn giáo có thể đáp ứng được những nhu cầu đòi hỏi của khoa học, thì chính đó là Phật giáo. Einstein muốn nói tới tính cách thuần lý và thực tiển của Phật Giáo, khi ông so sánh thấy các tôn giáo khác chỉ dựa trên kinh điển và giáo điều. Đúng như điều Einstein cảm nhận, Ph
01/08/2011(Xem: 14438)
Tâm Bồ đề là tâm rõ ràng sáng suốt, tâm bỏ mê quay về giác, là tâm bỏ tà quy chánh, là tâm phân biệt rõ việc thị phi, cũng chính là tâm không điên đảo, là chân tâm.
23/06/2011(Xem: 16982)
BỘ SÁCH PHẬT HỌC ỨNG DỤNG Hồng Quang sưu tầm và biên soạn Nhà xuất bản Phương Đông TP. Hồ Chí Minh 2011 GIỚI THIỆU BỘ SÁCH "PHẬT HỌC ỨNG DỤNG" Nguyên Định MỤC LỤC TỔNG QUÁT Cuốn 1: Nghi lễ, Thiền và Tịnh độ Cuốn 2: Giáo lý căn bản Cuốn 3: Bước đầu học đạo Cuốn 4: Bảy tôn giáo ngoài Phật giáo Cuốn 5: Áp dụng lời Phật dạy vào cuộc sống Cuốn 6: Dưỡng sinh Cuốn 7: Khoa học và Phật giáo Cuốn 8: Những vấn đề kiếp sau Cuốn 9: Đạo Phật trong vùng ruộng lúa Cuốn 10: Nghệ thuật diễn giảng và tầm quan trọng của văn nghệ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]