- Dẫn nhập
- Lần Chuyển Pháp Luân thứ nhất
- Giới Hạnh
- Định Lực
- Lần Chuyển Pháp Luân thứ hai
- Lần Chuyển Pháp Luân thứ ba
- Những giảng giải khác nhau về vô ngã
- Bốn Pháp ấn
- Giới thiệu về các Tantra
- Các pháp thực hành tu tập theo mật thừa
- Hành Mật thừa
- Cái chết, trạng thái trung ấm và sự tái sinh
- Tu tập ngoài thời gian thiền
- Lời cầu nguyện chân thành
Đức Đạt Lai Lạt Ma XIV
TỔNG QUAN VỀ CÁC PHÁP MÔN TRONG PHẬT GIÁO TÂY TẠNG
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà xuất bản Tôn Giáo 2016
Nhà xuất bản Tôn Giáo 2016
Giới Hạnh
Mặc dù các giới nguyện mà người tu tập thọ nhận có sự khác biệt tùy theo nam hay nữ, nhưng tất cả đều giống nhau ở sự cần thiết phải tu tập 3 môn giới, định, tuệ.
Nền tảng căn bản của việc tu tập giới hạnh là kiềm chế không phạm vào 10 hành vi bất thiện, trong đó có 3 thuộc về thân, 4 thuộc về khẩu và 3 thuộc về ý.
Ba hành vi bất thiện thuộc về thân là:
1. Cướp đi sinh mạng của bất kỳ chúng sinh nào đang sống, bao gồm từ côn trùng cho đến con người.
2. Trộm cắp, lấy đi tài sản của người khác mà không được người ấy cho phép, bất kể việc tài sản ấy có giá trị như thế nào cũng như hành vi đó có được trực tiếp thực hiện [hay gián tiếp thông qua người khác].
3. Tà dâm, quan hệ tình dục bất chính.
Bốn hành vi bất thiện thuộc về khẩu (lời nói) là:
4. Nói sai sự thật, lừa dối người khác bằng lời nói hay cử chỉ.
5. Nói lời gây chia rẽ; gây sự bất hòa bằng cách [nói những lời] tạo ra sự bất đồng hoặc đào sâu hơn những bất đồng đã sẵn có.
6. Nói lời ác độc, xúc phạm người khác.
7. Nói lời vô nghĩa, nói những điều ngốc nghếch do thôi thúc bởi tham dục...
Ba hành vi bất thiện thuộc về ý (tư tưởng) là:
8. Tham lam, mong muốn được sở hữu một điều gì vốn là của người khác.
9. Sân hận, mong muốn làm tổn hại người khác, cho dù bằng những cách thức lớn lao hay nhỏ nhặt.
10. Tà kiến, si mê, đối với một sự việc thật có nào đó - chẳng hạn như sự tái sinh, luật nhân quả, hay Tam bảo - mà cho là không thật có.
Giới luật được thọ trì bởi các vị xuất gia được gọi là giới Biệt giải thoát (Pratimokṣa - Ba-la-đề-mộc-xoa). Ở Ấn Độ, trước đây có 4 trường phái chính phổ biến nhất, về sau phân chia thành 18 bộ phái, mỗi bộ phái có một bản ghi Ba-la-đề-mộc-xoa riêng của họ, là những chỉ dạy ban đầu do chính đức Phật nói ra, đặt nền móng dẫn dắt cho đời sống xuất gia trong các tự viện. Giới luật được thọ trì trong các tự viện ở Tây Tạng là dựa theo truyền thống Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ (Mulasarvastavadin), theo đó thì vị tỳ-kheo thọ Cụ túc giới (hay Đại giới) sẽ thọ trì 253 điều giới. Theo truyền thống Theravāda thì giới Biệt giải thoát của vị tỳ-kheo bao gồm 227 điều giới.
Sự thọ trì giới luật mang đến một năng lực chánh niệm và tỉnh giác, bảo vệ quý vị không phạm vào những hành vi bất thiện. Vì thế, đó là nền tảng [ban đầu] của con đường tu tập theo Phật pháp. Giai đoạn tiếp theo là thiền tập, sẽ đưa hành giả đến với pháp tu tập thứ hai về định lực.
Gửi ý kiến của bạn