Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

36. Mùa An Cư thứ bảy

15/03/201406:14(Xem: 26010)
36. Mùa An Cư thứ bảy
Mot cuoc doi bia 02

MÙA AN CƯ THỨ BẢY

(Năm 581 trước TL)



Đền Ơn Huyết Sữa




Sau khi sử dụng thần thông siêu nhiên của một bậc Toàn Giác để cảm thắng ngoại đạo, đức Phật hướng tâm xem thử chư Chánh Đẳng Giác quá khứ, cũng theo lệ thường, là sẽ an cư kiết hạ ở đâu. Khi được biết là tại cung trời Tāvatiṃsa (33 - Đao Lợi) vào hạ thứ bảy để thuyết pháp độ Phật mẫu, đức Phật sử dụng phạm âm nói chuyện với hai vị đại đệ tử, và chỉ riêng hai vị này mới nghe được mà thôi. Ngài dạy đại lược rằng: “Như Lai sẽ thuyết Abhidhamma (A-tỳ-đàm) ba tháng tại cung trời Đao Lợi để đáp đền ân huyết sữa đối với thân mẫu. Ba tháng tại nhân gian nhưng trên ấy chỉ là thoáng mắt(1). Sāriputta phải sử dụng thần thông lực, gặp Như Lai mỗi ngày tại rừng trầm bên bờ hồ Anotatta ở Himalaya để Như Lai tóm tắt thời pháp; và ông phải có bổn phận giảng nói rộng rãi pháp vi diệu ấy đến cho chư tỳ-khưu tăng có sẵn căn trí. Còn Mahā Moggallāna thì chăm sóc hội chúng đang hiện hữu vì Như Lai biết, một số khá đông cận sự nam nữ ở đây sẽ không chịu về, họ sẽ ở đấy để đợi chờ Như Lai trở lại trần gian. Ông phải thuyết pháp cho họ nghe, sách tấn họ. Lúc cần thiết, có thể nhờ thêm Ānanda, Mahā Kassapa cùng các vị trưởng lão khác thuyết hộ. Nói với ông Cấp Cô Độc và Tiểu Cấp Cô Độc rằng, ý của Như Lai là anh em ông triệu phú phải phát tâm dựng lều trại, chăn màn, cung cấp vật thực, mọi nhu cầu cần yếu cho hội chúng ấy trong suốt ba tháng đấy!” Xong, cũng sử dụng thần thông, làm cho ai cũng có thể trông thấy, đức Phật đứng chót vót trên cây xoài, vừa nhớm chân bước lên nữa, thì chợt nhiên giữa hư không, đỉnh núi Yugandhara cao 48.000 yojana (do-tuần) chợt nghiêng mình đỡ chân trái của ngài; và ngọn núi Sineru cao 84.000 yojana chợt cúi đầu thấp xuống đỡ chân phải của ngài với dáng vẻ rất cung kỉnh.

Như vậy là chỉ hai bước đi, qua bước thứ ba, đức Phật đã có mặt ở cung trời Đao Lợi(1), ngự đến tảng đá vàng Paṇḍukambalā bề ngang 50 yojana, bề dài 60 yojana, bề dày 15 yojana, vốn là ngai vàng đặt để giữa hư không của Đế Thích thiên chủ. Và đến lúc này, ngoại trừ các bậc có thắng trí (2), không ai còn trông thấy ngài nữa.

Trời Đế Thích, thân tướng cao to, hùng vĩ, phục sức chói ngời châu báu lập tức đến cung nghinh đức Phật. Ông vội xếp nhỏ một tấm gấm của cõi trời trải lên chính giữa tảng đá vàng, với ý nghĩ: “Kim thân đức Thế Tôn nhỏ bé quá, chỉ chừng ấy là đủ cho ngài an tọa!” Biết được tâm tư của Đế Thích, đức Phật vừa ngồi kiết-già thì thân tướng từ từ cao to, lừng lững, cao to hơn cả Đế Thích, ngồi vừa vặn trên tảng đá vàng! Đế Thích sợ hãi, biết oai lực của Phật nên đến quỳ năm vóc sát đất, đảnh lễ ngài và xin sám hối...

Trong lúc này, mọi người vẫn còn đang tụ họp xung quanh cây xoài. Họ mồn một thấy rõ đức Phật bước lên mây xanh rồi sau đó không còn thấy gì nữa. Chư phàm tăng và hai hàng cận sự nam nữ sợ đức Phật đi luôn nên lo ngại hỏi qua hỏi lại. Họ quây quần xung quanh hai vị đại đệ tử, với những câu hỏi dồn dập:

- Trên ấy là cõi nào vậy?

- Trên mây xanh mà cũng có người ở sao?

- Đức Tôn Sư có về lại không?

- Ngài đi luôn sao?

- Lúc nào thì đức Phật về?

- Lên cõi trời à? Cõi trời ấy ra sao? Các vị ở trên đó có nhân dạng, hình tướng như thế nào?

- Chắc là sung sướng hơn nhân gian cả vạn lần...

Suốt cả buổi chiều, các vị thượng thủ A-la-hán, các vị có thắng trí tại chỗ này, chỗ kia phải giải thích cho mọi người nghe hiểu. Tôn giả Ānanda được hỏi nhiều nhất nhưng đã có tôn giả Anuruddha và tôn giả Bhaddiya trả lời giúp.

Trong lúc ấy, một số rất đông thanh niên, là bằng hữu của nhau, đều là con nhà khá giả, có học thức trong kinh thành và ngoại ô Sāvatthi đồng quỳ xin tôn giả Sāriputta xuất gia tỳ-khưu. Biết nhân duyên quá khứ nhiệm mầu, tôn giả bảo họ kiếm tìm y bát, làm lễ xuất gia tập thể cho họ; sau đó tập trung họ ở một nơi, sâu trong rừng để tiện việc giáo giới, hướng dẫn đời sống tu tập(1).

Lúc hội chúng tỳ-khưu giải tán, lần lượt trở về Kỳ Viên tịnh xá để làm lễ an cư – thì hai hàng cư sĩ, mọi người, cả ngoại đạo vẫn còn ở lại khá đông. Tôn giả Mahā Moggallāna phải quy tụ họ lại, giải thích cặn kẽ, đến tối mịt mới xong. Tuy nhiên, một số cận sự nam nữ ở lại không chịu về, tôn giả Mahā Moggallāna, Ānanda, Mahā Kassapa... phải thay nhau thuyết pháp, hướng dẫn hội chúng tập thiền...

Và đúng như dự liệu của đức Phật. Trong lúc chư tăng về an cư tại Kỳ Viên tịnh xá thì một số đông cư sĩ, họ “an cư” xung quanh gốc xoài, xế cổng kinh thành Sāvatthi. Thế là ngày hôm sau, anh em trưởng giả Cấp Cô Độc phải cho người dựng lều trại – vì mùa mưa sắp đến – cung cấp tất thảy mọi nhu cầu để cho họ yên tâm nghe pháp, học đạo, đợi ngày đức Thế Tôn trở về “hạ giới”.

Trong lúc ấy, tại tảng đá vàng - vốn là ngai vàng lộ thiên của Đế Thích thiên chủ - đức Thế Tôn với kim thân to lớn, chói sáng, ngồi kiết-già tĩnh tại, uy nghi như chúa trời của các vị chúa trời! Ngài phóng hào quang sáu màu, chập chờn từng đôi một, lan rộng ra, tỏa rộng ra, đầy tràn cả hư không, chiếu khắp mười phương thế giới. Chư thiên, phạm thiên các cõi trời dục giới, sắc giới... thấy hiện tượng lạ lùng, dùng thiên nhãn, thiên nhĩ lắng nghe, quan sát - biết sự có mặt hy hữu của đức Thế Tôn tại cung trời Đao Lợi. Với thời gian nháy mắt, chẳng ai báo với ai, chẳng ai hẹn với ai, đồng vân tập, đồng quy tụ về với những đám mây ngũ sắc chói ngời, rực rỡ... lớp trong, lớp ngoài, lớp trên, lớp dưới, trùng trùng, vô tận... đến đảnh lễ đức Thế Tôn. Trong đó có lệnh bà Mahāmayā, bây giờ là một vị thiên tử phước tướng cao sang, sống trong một biệt điện sung mãn phước báu tại cung trời Tusita (Đâu-suất). Họ cúng dường nhạc trời, hoa trời, hương trời... như một ngày hội lớn, hằng ngàn năm một thuở, triệu triệu năm một lần!

Sau khi biết ý định của đức Phật lên đây thuyết Abhidhamma để độ cho Phật mẫu, đồng thời giáo giới chư thiên, phạm thiên các cõi - Đế Thích thiên chủ xiết bao hoan hỷ nên ông đã thông báo cho thiên chúng, thiên nữ cả 33 cung điện đồng đến cúng dường, nghe pháp.

Trong không gian chói ngời châu báu và sực nức mùi hương, đức Phật sử dụng thần thông, sử dụng một loại ngôn ngữ đặc biệt pha trộn giữa thiên âm và phạm âm để ai cũng có thể nghe được. Ngài nói rằng, lệnh bà Mahāmayā, bây giờ là vị thiên tử ở Tusita - hiện đang có mặt ở đây - đã có ân đức rất lớn với Như Lai. Noi gương chư Phật quá khứ, nay Như Lai lên đây thuyết một thời pháp đặc biệt để báo đền ân huyết sữa. Sau đó, thể theo lời mời của vua trời Tusita, vị thiên tử hậu thân của lệnh bà Mahāmayā, được mời đến trình diện đức Thế Tôn. Chư thiên, phạm thiên, nhất là thiên nữ các cõi trời cất tiếng tán thán vang lừng, dường như họ hãnh diện rằng là trong giới nữ nhi, có bạn đã có đại nhân duyên, đại phước báu cưu mang, thọ sanh một vị Phật!

Biết thời gian không có nhiều(1), đức Phật đi vào thời pháp ngay tức khắc, trong đó có một âm thanh đặc biệt đi thẳng vào tai, vào tâm của vị thiên tử, hậu thân của lệnh bà Mahāmayā.

Ở các cõi trời dục giới, các loại ngũ trần(2)đều tinh sạch, vi tế. Các cõi phạm thiên thì họ đã từ bỏ dục vật chất, chỉ sống nuôi mạng bằng các trạng thái tinh thần như hỷ, lạc, xả, thanh tịnh nên thời pháp ở đây hoàn toàn khác biệt so với cõi người! Thế là một số cương yếu cốt lõi của Abhidhamma (Vi diệu pháp, thắng nghĩa pháp) đã được thuyết ở đây(3), còn ở cõi người thì chỉ thuyết về Pháp và Luật. Lúc nói đến bố thí thì bố thí vật thực, y áo, sàng tọa, thuốc men. Lúc nói đến trì giới thì ngăn giữ sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, uống rượu. Và kinh, luật thường sử dụng những danh từ như người, trời, loài vật, hữu tình, tự ngã, đàn ông, đàn bà; hoặc làm như thế này là lành, tốt; làm như thế kia là xấu ác. Ngôn ngữ ở Abhidhamma hoàn toàn khác thế, nó chỉ nói về tâm, những sở hữu của tâm, những sắc pháp thô thiển hoặc tế vi. Nó chỉ nói tâm và tâm sở như thế này là thiện; tâm và tâm sở như thế kia là bất thiện... Và nếu tu tập theo lộ trình thiền tâm như vậy thì có các loại trí tương thích phát sanh như vậy, lần lượt xa rời được những kiết sử, phiền não... xuôi dòng chảy đến đạo lộ chân phúc, giải thoát, bất tử, Niết-bàn. Nhờ sử dụng ngôn ngữ đặc biệt, dụ ngôn, đoản ngôn đặc biệt phù hợp với sắc thân vi tế, trạng thái tâm lý vi tế nên thiên chúng, phạm thiên chúng lãnh hội dễ dàng, có được ngay thành tựu và sở đắc. Vô lượng chư thiên, phạm thiên chứng quả; riêng vị thiên tử, hậu thân của lệnh bà Mahāmayā chứng quả Nhập Lưu (Sotāpanna –Tu-đà-hoàn).

Có một việc rất lạ lùng và sâu nhiệm xảy ra ở đây, đang xảy ra lúc đức Phật thuyết pháp mà chẳng ai hay biết. Đấy là đức Phật thuyết trọn vẹn tạng Abhidhamma với thời gian rất ngắn (tương đương 3 phút 36 giây) mà ngài phải phân thân 90 lần (tương đương 90 ngày – 3 tháng ở địa cầu). Mỗi lần phân thân như thế - thì một hóa thân của ngài vẫn đang ngồi tại tảng đá vàng để thuyết pháp liên tục; còn thân thật thì ôm bát đi trì bình khất thực ở Bắc Cu-lu-châu (Uttarakurudīpa), trở lại hồ Anotatta trong dãy Hy-mã-lạp sơn để tắm rửa, sau đó ghé rừng trầm bên bờ hồ thuyết lại tóm tắt bài pháp đã giảng cho tôn giả Sāriputta nghe – do có hẹn từ trước! Tôn giả Sāriputta lại bay về Kỳ Viên, sâu trong rừng để thuyết lại rộng rãi cho hội chúng tỳ-khưu đặc biệt mà ngài vừa cho xuất gia. Như vậy là hội chúng tỳ-khưu trẻ tuổi này đã được tôn giả Sāriputta thuyết giảng về Abhdhamma vào mỗi buổi chiều, suốt trong ba tháng như thế; đấy là sở văn mà ngài đã nắm bắt tóm tắt vào mỗi buổi trưa tại rừng trầm bên hồ Anotatta(1)từ đức Thế Tôn.

Tại Sāvatthi, sau ngày tháng mưa lũ, nước dâng ngập phố phường, gió bão tràn về, rồi đến mưa dầm... làm cho hai hàng cư sĩ giàu tín tâm đợi chờ đức Phật phải gian nan khổ cực khôn xiết. Giường chiếu, chăn màn, vật thực, thuốc men... hai anh em ông trưởng giả chu cấp chu đáo, chỉ trở ngại những lúc nghe pháp, tọa thiền tập thể ở ngoài trời. Các vị tôn giả chăm sóc hội chúng cũng phải lao đao, vất vả theo; nhưng do năng lực tăng thượng tâm, các ngài vẫn an nhiên, tùy lúc, tùy thời... lúc ở Kỳ Viên, lúc màn trời, chiếu đất với hội chúng của mình chẳng quản ngại gì! Đức vua Pāsenadi, triều thần, hoàng gia lui tới - thấy, nghe, biết mọi chuyện; họ vừa kính trọng các vị trưởng lão vừa cảm phục tín tâm của chúng đồ. Thế là rất nhiều lần, họ cũng đến dâng vật thực, hộ độ thuốc men cùng những nhu cầu khác. Càng đến ngày mãn hạ, tháng Kattikāmāsa (9-10), thì sự đợi chờ càng náo nức. Tôn giả Mahā Moggallāna muốn làm cho tăng trưởng tín tâm của hai hàng cận sự nam nữ, ngài tuyên bố:

- Tôi sẽ lên cõi trời Đao Lợi tức khắc. Tôi sẽ thưa hỏi đức Tôn Sư để biết đích xác ngày, giờ, nơi chốn, địa điểm... ngài trở lại với chúng ta.

Nói xong, tôn giả biến mất tại chỗ và có mặt ngay tại tảng đá vàng. Thấy kim thân Phật to lớn lững lững giữa hư không, giữa thiên chúng, phạm thiên chúng cũng to lớn không kém gì; tôn giả nghĩ rằng, lẽ nào vị đại đệ tử lại quá nhỏ bé, trông chẳng “oai lực” chút nào – nên cũng hiện thân to lớn cho đồng với bối cảnh rồi đến đảnh lễ đức Phật.

- Này Mahā Moggallāna! Khỏi cần phải thưa bạch, Như Lai biết rồi! Đức Phật nói - Kể từ hôm nay, đúng 7 ngày nữa ở nhân gian, Như Lai sẽ về lại cõi người, tại bên trong cổng thành phố Saṅkassa, cách Sāvatthi 30 do-tuần – vì Giáo Pháp của chúng ta cũng có duyên lớn với chúng sanh ở đấy!

Thế là đúng ngày Mahāpavāraṇā (1), đức Phật như từ giữa hư không (2), đặt bàn chân phải (3)xuống mặt đất tại cổng thành Saṅkassa, thì được sự cung nghinh, đón tiếp cả một rừng người, cả một biển người. Ai cũng hớn hở, mừng vui. Có người thì chỉ đứng ngây ra để chiêm ngưỡng.

Lần lượt hai vị đại đệ tử, mấy chục vị thượng thủ trưởng lão đồng đến đảnh lễ Phật sau 90 ngày xa cách.

Đức Phật mở lời khen ngợi tôn giả Mahā Moggallāna, Mahā Kassapa, Ānanda... đã lao tâm lao lực chăm sóc hội chúng cư sĩ suốt trong ba tháng qua một cách rất chu đáo. Ca ngợi, sách tấn hai anh em ông trưởng giả Cấp Cô Độc đã hộ độ tứ sự đầy đủ cho mọi người. Đặc biệt đức Phật tán thán tôn giả Sāriputta đã có trí tuệ phân tích, tổng hợp để giảng nói, quảng thuyết tạng Abhidhamma cho hội chúng tỳ-khưu trẻ một cách rất có hiệu quả.

Thấy hội chúng cư sĩ, cư dân thành phố Saṅkassa sẵn có túc duyên, đức Phật thuyết một thời pháp cho tầng lớp, giai cấp nào cũng nghe được, hiểu được, tu tập được. Sau thời pháp, rất nhiều người có được niềm tin vững chắc, có người thấy mắt sáng, trí sáng, có người đắc quả Nhập Lưu. Riêng hội chúng tỳ-khưu của tôn giả Sāriputta thì đồng đắc quả A-la-hán.

Khi họ đến đảnh lễ đức Phật để bày tỏ sự tri ân tối thượng, ngài tuyên bố trước đại chúng rằng:

- Đây là những vị tỳ-khưu, những đứa con trai trẻ tuổi của Như Lai; họ là những người kế thừa tạng Abhidhamma mà Như Lai đã thuyết ở cung trời Đao Lợi đấy!

Ai cũng biết khi đức Phật tuyên bố “Con trai của Như Lai”, là hàm chỉ vị ấy đã đắc quả A-la-hán. Hội chúng xôn xao, không biết nhân duyên mầu nhiệm như thế nào? Thế là các bậc có thắng trí, nơi này và nơi kia, phải kể tóm tắt chuyện quá khứ cho mọi người nghe... “Rằng là vào thời đức Phật Kassapa, có hai vị tỳ-khưu cứ hễ đến ngày đầu và giữa tháng đến một hang động để ôn tụng Abhidhamma. Trong động ấy có một bầy dơi sinh sống. Cứ nghe mãi, nghe hoài những âm thanh tụng đọc Abhidhamma, tâm của bầy dơi trở nên mát mẻ, trong lành. Hết kiếp ấy, bầy dơi không rơi vào bốn khổ xứ, cứ sinh lui, sinh tới cõi người và cõi trời. Đến thời đức Phật Gotama hiện tại, họ đều sinh vào các gia đình khá giả, xung quanh thành phố Sāvatthi này. Bây giờ do túc duyên viên mãn, họ xuất gia tỳ-khưu, được nghe Abhidhamma trở lại, họ lãnh hội rất nhanh rồi đắc quả A-la-hán. Sự mầu nhiệm xảy ra là do nhân, do duyên như vậy đấy!”



(1)Một ngày, một đêm ở cõi trời Đao Lợi bằng 100 năm ở cõi người. Tuổi thọ ở đấy là 1000 năm, tương đương 36 triệu năm ở nhân gian. Một con tính, ta thấy, ba tháng ở nhân gian, theo phút giây bây giờ - chỉ là 3 phút 36 giây - ở trên ấy!

(1)Cõi trời Đao Lợi ở trên đỉnh núi Sineru.

(2)Tức Abhiñāṇa: Trí thần thông – hàm chỉ các trí trong Ngũ thông (Vào định Tứ thiền, với nguyện lực, có thể để lại toàn thân xá-lợi lúc chết, không hủy nát. Cũng từ định Tứ thiền – chưa đắc quả Thánh - có thể tu tập ngũ thông: Thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm, túc mạng, biến hóa).

(1)Chú giải ghi là 500 vị.

(1)Xem chú thích trang 190.

(2)Hình sắc, âm thanh, hương, vị, xúc chạm.

(3)Tây phương viết sử Phật giáo, đến hạ thứ bảy, đức Phật thuyết Abhidhamma ở cung trời Đao Lợi, họ gọi là huyền thoại tôn giáo. Đôi nơi lại nói là truyền thuyết hoặc hư cấu của các nhà sư học giả đi sau. Riêng người viết, không biết tại sao lại tin điều này là có thật trong hiện thân siêu việt, bất khả tư nghì của một bậc Chánh Đẳng Giác! Tuy nhiên, có lẽ mới chỉ là cái cương yếu - sau này do tôn giả Sārīputta triển khai và các vị kết tập sư hệ thống lại.

(1)Một trong 7 hồ lớn tại Himalaya, 6 hồ kia là Kaṇṇamuṇḍa, Rathakāra, Chaddanta, Kuṇāla, Mandākinī và Sīhappapāta. Bảy hồ lớn này chúng bao quanh 5 ngọn núi lớn, đó là Sudassanakūṭa, Citrakūṭa, Kāḷakūṭa, Gandhamādana và Kelāsa.

(1)Đại tự tứ - ngày chư Tăng mãn hạ ba tháng an cư mùa mưa.

(2)Thật ra, vua trời Đế Thích (Sakka), đã hóa hiện 3 chiếc thang bắc từ đỉnh núi Sineru xuống sát chân cổng thành Sankassa. Một chiếc thang ngọc ở giữa dành cho đức Phật, một chiếc thang bằng vàng bên phải dành cho Phạm Thiên cầm lọng trắng, một chiếc thang bằng bạc bên trái dành cho Đế Thích ôm bát theo hầu; và đi theo sau là vô lượng thiên chúng, cưu-bàn-trà, càn-thát-bà...tấu nhạc, rải hoa tưng bừng... (theo chú giải).

(3)Vì đặt bàn chân phải xuống trước, nên tại chỗ này, người ta thiết kế một cái đài kỷ niệm, xem là chỗ thiêng liêng, được đặt tên là Acalacetiyaṭṭhāna, như là một di tích lịch sử, để chiêm bái, phụng thờ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/08/2019(Xem: 12512)
Trong thời Đức Bổn Sư Thích Ca còn tại thế, nhất là thời giới luật chưa được chế định, 12 năm đầu tiên sau khi Ngài thành đạo, có nhiều tỷ kheo hay cư sĩ đã liễu ngộ, giải thoát, niết bàn chỉ ngay sau một thời thuyết pháp hay một bài kệ của Tôn Sư. Tại sao họ đặt gánh nặng xuống một cách dễ dàng như vậy? Bởi vì họ đã thấu hiếu tận gốc rễ (liễu ngộ) chân đế, tự tại giải thoát, tịch lặng thường trụ, chẳng động, chẳng khởi, chẳng sanh, chẳng diệt, không đến cũng không đi mà thường sáng soi. Khi họ thấu hiểu được vậy. Kể từ lúc đó, họ tín thọ và sống theo sự hiểu biết chơn chánh này. Họ luôn tuệ tri tất cả các pháp đều huyễn hoặc, vô tự tánh cho nên, họ không chấp thủ một pháp nào và thong dong tự tại trong tất cả các pháp.
22/08/2019(Xem: 12628)
Phát Bồ đề Tâm là một pháp môn tu, nếu không hơn thì bằng chứ không kém một pháp môn nào trong tam tạng, bởi nó nói lên được cứu cánh của việc tu hành. Trong kinh Đại Phương Tiện, Phật dạy A Nan: “Phát Bồ Đề Tâm là pháp môn thù thắng giúp hành giả rút ngắn tiến trình tu tập của mình”. Trong kinh Hoa Nghiêm Phật lại ân cần nhắc nhở: “Kẻ chỉ quên việc phát Bồ Đề Tâm thì việc làm Phật sự là đang làm ma sự” huống hồ là kẻ tâm không phát, nguyện không lập.
07/07/2019(Xem: 6668)
Phật giáo không phải là tôn giáo để các tín đồ đến tham gia hay phát động như một phong trào, mà tự thân con người sau quá trình học hỏi, tư duy, nhận thức cốt lõi lời dạy của đấng Từ phụ, từ đó phát tâm tìm đến, thân cận và quy y Tam Bảo: ‘Hôm nay mong giác ngộ hồi đầu - Tịnh tâm ý quy y Tam Bảo’. Với lòng tịnh tín bất động, con người đầu thành vâng giữ mạng mạch giáo pháp, dốc lòng phụng hành đạo lý mình chọn, con người nhờ vậy được chân lý, chánh pháp che chở, thành tựu ‘Phép Phật nhiệm màu – Để mau ra khỏi luân hồi’.
05/06/2019(Xem: 19344)
Niệm Định Tuệ Hữu Lậu & Niệm Định Tuệ Vô Lậu Phật Đản 2019 – Phật lịch 2563 Tỳ kheo Thích Thắng Giải , Ngôn ngữ là một phương tiện để diễn tả đạo lý, nhưng thể thật của đạo thì vượt ra ngoài ngôn ngữ và tất cả ý niệm. Vì vậy, một khi chúng ta liễu tri được nghĩa chân thật của đạo thì lúc đó sẽ thấu tỏ được sự diệu dụng của phương tiện ngôn ngữ. Nếu xét về nghĩa thật của đạo, đó chính là chân tâm không sinh diệt hay chánh kiến vô lậu.
10/05/2019(Xem: 15261)
Các nước phương Tây đang sống trong một thời đại bất thường: Trung Quốc trỗi dậy và uy hiếp, kinh tế khủng hoảng, nợ công cao ngất, nạn di dân đe doạ, xã hội bất bình đẳng, dân chúng nổi giận giúp đưa cho ông Trump vào Tòa Bạch Ốc và đẩy Vương Quốc Anh thống nhất ra khỏi Liên Âu. Đâu là nguyên nhân cho nền kinh tế thị trường không còn vận hành hoàn hảo và giải pháp cho hệ thống dân chủ tự do đang lâm nguy? Phần một lý giải cho vấn đề này theo quan điểm của Francis Fukuyama trong tác phẩm Identity: khủng hoảng về bản sắc của các nhóm sắc tộc là nguyên nhân, đấu tranh để công nhận nhân phẩm là
02/05/2019(Xem: 7271)
Vì thương xót hết thảy hữu tình phải chịu phiền não, đau thương do tham ái mà bị trôi dài trong bể khổ sinh tử luân hồi, Đức Phật hiện ra ở đời để lại cho thế gian vô số pháp môn tu tập, tùy theo căn cơ, sở trường và hoàn cảnh của mỗi chúng sanh mà chọn lựa pháp hành thích ứng để tu tập nhằm chuyển hóa nỗi khổ và niềm đau thành an lạc, giải thoát, niết bàn. Chư pháp của Thế Tôn được ví như những thang thuốc tùy bệnh mà bốc thuốc. Trong số đó, Tuệ quán vô thường, khổ và vô ngã của tất cả pháp, qua đó hành giả quán tánh ly tham, quán tánh đoạn diệt, quán tánh xả ly của tất cả pháp, là pháp “tối thượng” và vi diệu ‘nhất’ vì nếu hành giả thường xuyên hành trì sẽ ‘chứng đạt’ Tuệ Giải Thoát, vị ấy sẽ đoạn tận mọi kiết sử, không còn khổ đau, phạm hạnh đã thành, chánh trì giải thoát, là bậc A-La-Hán.
16/02/2019(Xem: 6998)
Những câu văn không chuẩn văn phạm vì thiếu những chủ từ [subjects] trong những bài triết luận về Phật Giáo mà tôi đã, đang, và sẽ viết không phải là tôi cố ý lập dị như những triết gia danh tiếng trên thế giới khi họ hành văn chương và viết về triết học nhưng mà tôi không có thể làm cách nào khác hơn khi viết về ý vô ngã [không Tôi] để không bị mâu thuẫn với ý phá ngã.
26/11/2018(Xem: 12779)
Chúng tôi đến thăm Việt Nam một vài lần, tôi nhớ có lần chúng tôi đang ở Hà Nội. Lúc đó là Đại hội Phật Giáo, tôi cũng có buổi thuyết trình cùng với những vị khác nữa. Hôm đó đang ngồi đợi, thì có một vị Thầy trẻ người Việt đến chào, sau khi hỏi từ đâu đến, tôi nói tôi đến từ Australia. Thầy ấy nói, oh… woh… vậy Thầy có biết vị Tăng tên Ajahn Brahm không? … (cả Thiền đường cười). Tôi trả lời: Tôi là Ajahn Brahm đây. Thế là Thầy ấy tỏ ra rất hào hứng, tôi cũng hào hứng... Tôi thích Việt Nam. Tôi thích người Việt.
03/06/2018(Xem: 25081)
CHÁNH PHÁP Số 79, tháng 06.2018 NỘI DUNG SỐ NÀY:  THƯ TÒA SOẠN, trang 2  TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI (Diệu Âm lược dịch), trang 3  THÁNG SÁU EM VỀ HẠ CHỨA CHAN (thơ Tiểu Lục Thần Phong), trang 7  CÚNG DƯỜNG CHÁNH PHÁP (Sa môn Thích Tín Nghĩa), trang 8
17/03/2018(Xem: 11707)
Con người càng ngày càng đông đảo trên thế gian nhưng từ trước đến nay có được bao người giác ngộ, giải thoát khỏi nghiệp chướng, khổ đau? Cho dù, Phật Pháp có đơn giản, dễ dạy đến đâu nhưng khi mà nhân duyên chưa tới với những kẻ độn căn thì cho dù bồ tát có tái sinh, cố tâm chỉ độ pháp Phật cao siêu vi diệu cho nhân sinh còn đầy vô minh cũng chỉ tốn công vô ích, chẳng khác gì đem đàn gảy cho trâu nghe. Một trong những pháp môn đơn giản nhứt của Phật Pháp đó là thiền định (Zen). Zen khả dĩ có thể giúp cho hành giả giảm bớt căn thẳng tâm thần. Nếu luyện tập chuyên cần, Zen có khả năng giúp thân tâm có đủ sức mạnh lẫn nghị lực tinh thần để chuẩn bị đối phó với trở ngại xãy ra. Zen có thể giúp ta hóa giải tâm lý lúc mà đau khổ tái phát làm khổ tâm thân trong cuộc sống thay vì mong tu hành giác ngộ, giải thoát, thành Phật quá xa vời. Cũng như những pháp môn khác, Zen có mục đích giúp ta lúc “đa tâm bấn lo
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]