Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

05. Voi Chúa Sanh Thiên

26/11/201319:24(Xem: 33442)
05. Voi Chúa Sanh Thiên
mot_cuoic_doi_tap_4


Voi Chúa Sanh Thiên


Hôm sau, tôn giả Mahā Moggallāna gặp đại đức Ānanda, nói rằng:

- Này hiền giả thân mến! Tại thị trấn Kuru, chếch về hướng đông nam khoảng vài do-tuần, có một ngôi rừng nguyên sinh có tên là Rakkhitavana, đức Thế Tôn đang độc cư ở đấy, an cư ở đấy, có lão voi chúa hiền thiện vừa làm thị giả, vừa làm hộ pháp, vừa hầu hạ, cung phụng, cúng dường cây trái cho ngài thật là chu đáo. Hiền giả cùng năm trăm vị tỳ-khưu hãy lên đường, nghinh đón ngài về đây cho tăng ni, cư sĩ các giới khỏi phải ngóng vọng và trông chờ!

- Hóa ra sư huynh đã biết rõ tường tận như thế?

- Vâng! Không chỉ mình tôi mà tất cả bậc lậu tận và có thắng trí đều biết!

Đại đức Ānanda cười vui chớ không buồn:

- Vậy thì đệ sẽ đi ngay!

- Đúng thế! Cùng với năm trăm vị tỳ-khưu!

- Thưa vâng!

Tôn giả Mahā Moggallāna còn dặn dò:

- Khi đến bìa rừng, đại chúng ở ngoài, hiền giả một mình vào trước. Phải để ý đến lão chúa voi, hắn sẽ ngáng đường làm khó dễ đấy. Tuy nhiên, chỉ cần đưa y bát lên rồi chỉ vào khu rừng, lão voi sẽ để cho hiền giả đi. Đức Thế Tôn ngự ở một cội cây sālā hùng vĩ nhất.

Thế rồi, đại đức Ānanda cùng với đại chúng lên đường, theo hướng về Bārāṇasī. Vì hội chúng đông còn phải phân bố rải rác khất thực qua các thị trấn hoặc thôn làng nên phải đi khá chậm, nửa tuần trăng họ mới tới nơi. Nhìn khu rừng già hoang quạnh, đại đức Ānanda chảy nước mắt.

Ghi nhớ lời của tôn giả Mahā Moggallāna, đại chúng chờ rải rác ngoài rừng cây, đại đức Ānanda đi vào rừng một mình. Vào một khoảng cây thưa, có một ông voi trắng to lớn đưa mắt gườm gườm nhìn đại đức. Biết ý, đại đức nâng bát và y lên cho voi thấy, rồi mỉm cười, đưa tay chỉ vào trong ra dấu hiệu. Tuy nhiên, voi chưa nhường đường ngay mà đưa mắt quan sát “người lạ” một hồi, và có lẽ nó trông thấy “giông giống” đức Phật nên quay lưng, đủng đỉnh bước đi như dẫn lối. Đại đức chậm rãi theo sau.

Lúc ấy đức Phật đang tọa thiền, khi xuống cận hành định, mở mắt ra đã thấy đại đức Ānanda đang quỳ phía trước, còn lão voi chúa đứng hầu một bên.

- Hãy gọi chúng tỳ-khưu vào đây, Ānanda! Đức Phật mỉm cười nói - ông và mọi người đi đường xa chắc đã mệt mỏi lắm rồi đấy!

- Ai ai cũng mong ngóng đức Tôn Sư cả! Đại đức Ānanda quỳ năm vóc sát đất, đảnh lễ xong rồi đáp - Nguyện vọng của mọi người là thỉnh đức Tôn Sư về Sāvatthi.

Đức Phật im lặng không nói gì.

Khi chư tăng vào đầy đặc cả khu rừng, voi chúa có vẻ bối rối, bất an; tức khắc, cái vòi của nó nắm chặt một khúc cây to, dựng đứng lên như ra dấu hiệu sẵn sàng bảo vệ đức Phật.

- Hãy bỏ gậy đi, này Pārileyyaka! Đức Phật rải tâm từ, đưa mắt nhìn voi rồi nói - Họ là đệ tử của Như Lai đấy. Họ cũng bảo vệ Như Lai cũng như ngươi bảo vệ Như Lai suốt mấy tháng qua, vậy đó!

Đại chúng ngạc nhiên khi thấy voi như hiểu tiếng người, nhẹ nhàng dựng khúc cây vào sau hốc đá rồi ngoan ngoãn nằm xuống, tế nhị cuộn giấu cái vòi vào bên trong.

Đại đức Ānanda có vẻ quan tâm:

- Thấy hình dong, sắc tướng của đức Thế Tôn vẫn phương phi, hồng hào, quang rạng, chúng đệ tử rất vui mừng! Nhưng không biết ở tại đây, nơi xa vắng hẻo lánh này, ai là những thí chủ dâng cúng vật thực hằng ngày cho đức Đạo Sư?

- Này Ānanda! Này các thầy tỳ-khưu! Một đức Chánh Đẳng Giác, nếu muốn, có thể đi trì bình khất thực ở bất cứ đâu trên toàn cõi Diêm-phù-đề này, kể cả Bắc Câu-Lu châu! Còn nữa, bữa độ thực của bất kỳ vị Chánh Đẳng Giác nào cũng có sự tham dự của chư thiên, do họ luôn luôn bỏ thêm thức ăn của cõi trời, những mỹ vị, những hương vị tinh tế, thù diệu và bổ dưỡng. Như vậy, sự nuôi mạng của Như Lai không phải là vấn đề phải để tâm. Điều quan trọng là bữa ăn ấy hữu ích cho ai, lợi lạc cho ai? Các thầy nên để ý đến cái câu hỏi ấy!

Để cho đại chúng hiểu rõ ý nghĩa, đức Phật mới giảng dạy tiếp:

- Thường mỗi buổi sáng, sau khi quán sát toàn cõi châu Diêm-phù-đề, thấy ai sẵn đủ căn duyên, Như Lai mới đi khất thực để hóa độ họ. Bằng thấy không có cơ duyên, thì Như Lai cứ ôm bát đi cho chúng sanh tự khởi tâm cúng dường, như vậy lợi lạc lớn, lợi ích lớn sẽ phát sanh cho họ. Còn những khi còn lại, thì sao? Thì mấy tháng nay, Như Lại có hai vị thí chủ, thí chủ khỉ và thí chủ voi! Thí chủ khỉ sau khi dâng Như Lai một tấm mật ong, thấy Như Lai thọ dụng, nó hoan hỷ quá, chí chóe nhảy nhót, bay từ cây này, sang cây khác; và do bất cẩn, nó tuột tay, rơi nhằm một vật cứng nên bể đầu, mạng chung, tức khắc hóa sanh làm một vị thiên nam ở cung trời Đao Lợi. Còn vị thí chủ voi này, ngày đêm như vậy đó; ngoài chuyện dâng cúng trái quả quý hiếm, ngon ngọt, nó còn biết dâng nước uống, nước rửa mặt, nước rửa tay, quét dọn sạch sẽ xung quanh gốc đại thụ này nữa. Và cũng vì lợi lạc cho nó nên Như Lai còn ở đây, rồi các thầy sẽ hiểu điều đó!

Ngưng một lát, đức Phật nhìn voi, nói:

- Này các thầy tỳ-khưu! Nó là một người bạn lành, một người bạn tốt! Dẫu mang thân súc sanh, nhưng đức tánh, phẩm chất của nó còn hiền thiện hơn rất nhiều so với một số những cái gọi là “con người” trên thế gian này đó!

Lời dạy của đức Phật và câu chuyện vừa kể của ngài về khỉ và về voi đã làm cho một số tỳ khưu xốn xang, hổ thẹn; một số vị nhờ vậy, cảm thấy mình có được con mắt sáng để thấy rõ có cái gì đó bình đẳng giữa tất cả chúng sanh. Có vị củng cố thêm đức tin về nhân quả, kiếp này, kiếp kia và luân hồi tử sanh!

- Như Lai sẽ về Jetavana với các vị - Đức Phật lại nhấn mạnh - Nhưng mà này, sau này, trong các vị, nếu ai trên lộ trình du hóa, gặp được bạn lành thì hãy làm quen với vị ấy, thân cận với vị ấy, học những đức tính tốt của vị ấy, an lạc sống với vị ấy để vượt qua mọi hiểm nguy luôn giăng bẫy trên khắp mọi nẻo đường đời!

Nói thế xong, đức Phật tóm tắt ý ấy bằng bài kệ:

- Ra đi trên bước đường đời

Gặp được bạn tốt, đáng người làm quen

Học chân thật, học dịu hiền

Kết bằng vui sống, vượt miền hiểm nguy(1).

Chăm chú nhìn hội chúng một lát, đức Phật cất giọng tiếp tục:

- Tuy nhiên, cũng trên con đường du hóa ấy, nếu không gặp được người hiền, người tốt; không gặp được bạn lành thích hợp, không gặp được người có tác phong đứng đắn; không gặp được người có trí tuệ, có chánh niệm, có tinh tấn để cận kề, nương tựa sớm hôm thì hãy nên như một vị vua, sẵn sàng rời bỏ một vương quốc vừa mới chinh phục, viễn ly tất cả để sống một mình như con voi chúa ở rừng sâu như thế này!

Rồi đức Phật đọc bài kệ thứ hai:

- Ra đi trên bước đường đời

Nếu không gặp bạn là người thiện nhân

Là người tuệ hạnh trong ngần

Là người chánh niệm, tinh cần sớm hôm

Thà rằng vững bước cô đơn

Như lão voi chúa thâm sơn một mình(1)!

Như để cho đại chúng lãnh hội ý nghĩa thấm thía hơn, đức Phật còn giảng tiếp:

- Một trường hợp khác nữa, là không nên kết bạn với kẻ ngu si, người lắm lời, lắm chuyện, cãi cọ, luận tranh ồn ào, huyên náo, phóng dật, giải đãi... Hãy rời xa tất thảy mọi phiền não, ác uế, lo âu, sầu muộn, và hãy sống trong tĩnh lặng, cô đơn như voi chúa tĩnh cư thanh nhàn ở non sâu!

Ngài đọc thêm bài kệ thứ ba:

- Tốt hơn, hãy sống một mình

Người ngu kết bạn dặm trình chẳng nên

Ác xa, rời bỏ não phiền

Chúa voi cô độc vui miền rừng xanh(1).

Đức Phật vừa đọc xong câu kệ thứ ba, năm trăm tỳ-khưu đều đắc từ sơ quả đến nhị quả. Tất thảy đại chúng đồng sụp xuống quỳ lạy; rồi sau đó, tiếng sādhu lành thay vang dội cả khu rừng, lan xa đến các cõi trời.

Để cho không khí yên lắng lại, đức Phật mỉm cười:

- Vậy là tốt rồi! Là lợi ích lớn, là lợi lạc lớn rồi! Thôi, này Ānanda cùng các thầy! Giờ cũng là giờ phải lẽ, chúng ta từ giã khu rừng Rakkhitavana, từ giã cội cây sālā, từ giã chú voi Pārikaleyyaka hiền thiện, lên đường thôi!

Nói xong, đức Phật trú tâm, nhiếp tâm, chỉ một thoáng khắc là ngài vào sơ thiền, lên bát thiền, lần lượt trở xuống tam thiền, xuống nhị thiền, sơ thiền, vào cận định của sơ thiền rồi rải tâm từ cho chư thiên, thọ thần các loại phi nhân, muông thú, đại chúng, kể cả voi chúa, rồi ngài đứng lên.

Tỳ-khưu thị giả lúc ấy là Nāgita, thay thế tỳ-khưu Sunakkhatta đã bỏ đi, theo lệ thường, bước tới định mang y bát của đức Phật thì liền bị cái vòi của con voi chúa thò ra ngăn lại, ông sợ hãi thụt lùi mấy bước.

Biết ý, đức Phật nói:

- Các ông hãy đợi một lát. Voi chúa nó muốn cúng dường đấy!

Và quả thế thật, voi đi vào góc rừng, lát sau nó đội trên lưng một đống chuối rừng đang chín hườm, về đặt bên chân đại chúng tỳ-khưu. Chẳng ai hiểu chuyện ấy ra sao. Đức Phật mỉm cười:

- Ý nó muốn nói là, tôi cúng dường vật thực cho các vị đó, các vị hãy ăn đi rồi còn lên đường. Đừng quấy rầy nơi này nữa.

Lúc chư tăng mỗi người nhận một vài trái chuối lấy thảo thì đức Phật đến bên voi, xoa đầu nó, nói với nó vài lời rồi cất bước. Tuy nhiên, con voi lại đưa vòi xua xua như đuổi chư tăng đi và đứng án ngữ ngăn chặn đức Phật lại.

Mọi người xôn xao:

- Nó làm gì vậy?

- Nó muốn mời các vị đi! Đức Phật nói - và muốn giữ Như Lai ở lại.

Rồi đức Phật nói chuyện với nó:

- Này Pārikaleyyaka! Hôm nay Như Lai phải đi thôi vì rất nhiều người đang mong đợi. Đây được xem như là cái duyên hạnh ngộ, may mắn cho ngươi lắm đó! Và đây cũng là khoảnh khắc cuối cùng Như Lai từ biệt ngươi.

Hãy cố gắng giữ gìn những thiện pháp có được và những trạng thái tâm hỷ, tâm an trong tháng ngày ngươi đã cung phụng, hầu hạ, hộ độ cho Như Lai. Rồi ngươi sẽ sớm thoát khỏi kiếp thú này để tái sanh vào các cảnh giới cao hơn!

Voi chúa nghe được những lời ấy, nó đút vòi vào miệng, thụt lùi lại phía sau rồi rống lên những tiếng bi ai, sầu thảm. Tuy nhiên, nó cũng lủi thủi tiễn đức Phật ra tới tận bìa rừng.

Đức Phật dừng lại:

- Này Pārikaleyyaka! Hãy dừng lại ở đây. Ngoài kia không phải là khu vực an toàn cho ngươi nữa đâu.

Voi chúa nghe lời. Rồi nó giương mắt nhìn chiếc bóng của đức Thế Tôn, nhưng bóng ngài đã chìm khuất giữa rừng tăng chúng. Nó lại rống lên từng tràng não nuột, bi thiết rồi vỡ tim mà chết.

Rồi cũng tương tợ như chúa khỉ, nó tức khắc hóa sanh vào cung trời Đao Lợi làm một vị thiên nam sáng ngời sắc tướng, có tên là Pārikaleyyaka thiên tử!

Đức Phật biết tức khắc, ngài nói với đại đức Ānanda và một số tỳ-khưu xung quanh:

- Cũng như khỉ chúa, con voi chúa kia đã sanh thiên rồi, đấy là do nhờ đức tin, cung phụng, hầu hạ Như Lai và phước báu trái quả mà nó đã thành tâm dâng cúng hằng ngày cho Như Lai đó!



(1)Pháp cú 328: Sace labhetha nipakaṃ sahāyaṃ saddhiṃ caraṃ sādhuvihāridhīraṃ. Abhibhuyya sabbāni parissayāni careyya ten’attamano satimā (Có bài dịch khác: Xa xôi vạn dặm độc hành. Kết bạn thiện sĩ, phúclành lắm thay! Học tâm, học trí đủ đầy. An vui, chánh niệm vượt ngay hiểm nghèo!).

(1)Pháp cú 329: No ce labhetha nipakaṃ sahāyaṃ saddhiṃ caraṃ sādhuvihāridhīraṃ. Rājā’ va raṭṭhaṃ vijitaṃ pahāya eko care mātaṅgaraññ’eva nāgo (Có câu dịch khác: Xa xôi ngàn dặm lữ hành. Nếu không gặp được bạn lành cùng đi. Sẽ không tăng trưởng tuệ tri. Không thêm giới hạnh, tu trì với ai? Thà rằng cô độc hôm mai. Rừng sâu chúa tể, mình voi hưởng nhàn!).

(1)Pháp cú 330: Ekassa caritaṃ seyyo natthi bāle sahāyatā. Eko care na ca pāpāni kariyā appossukko mātaṅgaraññ’eva nāgo.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/06/2015(Xem: 31319)
Lời vàng của Thầy tôi, một Hướng dẫn vào các sự Chuẩn bị cho Tâm-yếu của Phạm Vi Bao La từ Đại Viên Mãn, trình bày các con đường của bốn trường phái chính của Phật Giáo Tây Tạng mà không có bất kỳ mâu thuẫn nào giữa chúng.
15/05/2015(Xem: 26347)
Thể theo lời yêu cầu của các bạn Đạo, tôi chọn một số bài nói chuyện về Phật pháp của tôi tại Tổ Đình Từ Quang ở Montréal và một vài nghi thức tụng niệm để in thành cuốn sách này, với hy vọng phổ biến Phật pháp. Cuốn sách được hình thành trong dịp Tết Canh Thìn, nhưng phải đợi đến Tết Dương Lịch 2001 mới đánh máy xong. Trong thời gian chờ đợi này, tôi đã cẩn thận kiểm điểm lại nội dung từng bài, nhưng chắc chắn không tránh khỏi thiếu sót, những mong các bậc cao minh từ bi chỉ điểm cho. Montréal, Tết Dương lịch 2001 Hiển Mật, Đỗ Hữu Trạch
12/05/2015(Xem: 22577)
Video: Những Hiểu Lầm về Đạo Phật
01/05/2015(Xem: 30682)
Một tập sách với tựa đề như trên, trong xã hội hiện nay, không có gì đặc biệt; so với Kito giáo tại Việt Nam, cũng là việc làm bình thường, vì hàng năm, một số giáo xứ thường xuyên tổ chức các lớp hướng dẫn giáo lý và hôn nhân cho thế hệ trẻ từ tuổi 18 trở lên; nhưng đặc biệt của tập sách nầy nằm trong hai lĩnh vực: 1/ Phật giáo chưa từng xuất hiện sách hoặc lớp hướng dẫn về hạnh phúc gia đình, mặc dù có những kinh điển nói qua vấn đề nầy, quá tổng quát, chưa thích ứng với từng cảnh trạng của từng xã hội biến thái khác nhau hiện nay. 2/ Sách không trực tiếp dạy giáo lý như các lớp “giáo lý và hôn nhân” của các giáo xứ, nhất là giòng Tên; nhưng sách hướng dẫn tháo gỡ nhiều vấn đề mắc mứu liên quan đến tâm lý xã hội và đạo đức nhà Phật.
05/04/2015(Xem: 14040)
Cái Tâm là cái chi chi, có chi chi củng cứ chi chi với Tâm. Theo quan niệm của Phật Giáo, Duy Thức Luận: Tâm thức tạo ra thế giới vạn vật, "tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức" hay "nhất thiết duy tâm sở tạo." Tất cả đều nói lên một ý rằng cả thế giới chúng ta đang sống đều do tâm thức tùy theo nhân duyên mà sanh ra muôn sự, muôn vật rồi cũng tùy theo nhân duyên mà diệt đi. Không có việc gì, vật gì, có thực tướng ngay cả chư pháp, tồn tại vĩnh viễn ngoại trừ Tâm Bồ Đề là vô sinh, vô diệt đó chính là Tâm Phật.
16/03/2015(Xem: 8720)
Con đường luận pháp nhứt là trực chỉ nhân tâm hay trở về chân nguyên, tức là phải rõ đệ nhất nghĩa các kinh Phật dạy mà hành đúng pháp, là một việc cần liễu tri và tinh thông thành phần và mục đích pháp học mới có thể mở ra lối đi chân chánh giác ngộ niết bàn. Giải thoát khỏi dòng tâm thức vẩn đục (vô minh) để được minh tâm kiến tánh là hướng đi của mọi tu sĩ. Phổ Nguyệt mong mỏi pháp Phật nhiệm mầu được soi sáng bằng tuệ quán của mỗi người chúng ta cố gắng thâm cứu và thực hiện hoàn mỹ hơn đem lại nhiều lợi ích hơn trong việc tu học.
05/01/2015(Xem: 21576)
Các soạn và dịch phẩm của cư sĩ Hạnh Cơ - Tịnh Kiên - Mười Vị Đệ Tử Lớn Của Phật (dịch từ tác phẩm Thập Đại Đệ Tử Truyện, nguyên tác Hoa văn của Tinh Vân pháp sư, nhà xuất bản Phật Quang, Đài-bắc, ấn hành năm 1984) Chùa Khánh Anh (Paris) in lần 1, năm 1994 Tu viện Trúc Lâm (Edmonton) in lần 2, năm 1999 (có thêm phần “Phụ Lục” do dịch giả biên soạn) Ban Phiên Dịch Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam (Nha-trang) in lần 3, năm 2004 Chùa Liên Hoa và Hội Cư Sĩ Phật Giáo Orange County (California) in lần 4, năm 2005 - Lược Giải Những Pháp Số Căn Bản Làng Cây Phong (Montreal) in lần 1, năm 1996 Ban Bảo Trợ Phiên Dịch Pháp Tạng Việt Nam (California) in lần 2 (có bổ túc và sửa chữa), 2008 - Giấc Mộng Đình Mai của Nguyễn Huy Hổ (tiểu luận) Làng Cây Phong (Montreal) in lần 1, năm 2001 - Bộ Giáo Khoa Phật Học (dịch từ bộ Phật Học Giáo Bản – sơ cấp, trung cấp, cao cấp – nguyên tác Hoa văn của Phương Luân cư sĩ, Linh Sơn Xuất Bản Xã, Đài-bắc, ấn hành năm 1996) * Giáo Khoa Phật Học
05/01/2015(Xem: 19085)
Các soạn và dịch phẩm của cư sĩ Hạnh Cơ - Tịnh Kiên - Mười Vị Đệ Tử Lớn Của Phật (dịch từ tác phẩm Thập Đại Đệ Tử Truyện, nguyên tác Hoa văn của Tinh Vân pháp sư, nhà xuất bản Phật Quang, Đài-bắc, ấn hành năm 1984) Chùa Khánh Anh (Paris) in lần 1, năm 1994 Tu viện Trúc Lâm (Edmonton) in lần 2, năm 1999 (có thêm phần “Phụ Lục” do dịch giả biên soạn) Ban Phiên Dịch Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam (Nha-trang) in lần 3, năm 2004 Chùa Liên Hoa và Hội Cư Sĩ Phật Giáo Orange County (California) in lần 4, năm 2005 - Lược Giải Những Pháp Số Căn Bản Làng Cây Phong (Montreal) in lần 1, năm 1996 Ban Bảo Trợ Phiên Dịch Pháp Tạng Việt Nam (California) in lần 2 (có bổ túc và sửa chữa), 2008 - Giấc Mộng Đình Mai của Nguyễn Huy Hổ (tiểu luận) Làng Cây Phong (Montreal) in lần 1, năm 2001 - Bộ Giáo Khoa Phật Học (dịch từ bộ Phật Học Giáo Bản – sơ cấp, trung cấp, cao cấp – nguyên tác Hoa văn của Phương Luân cư sĩ, Linh Sơn Xuất Bản Xã, Đài-bắc, ấn hành năm 1996) * Giáo Khoa Phật Học
19/11/2014(Xem: 13574)
Văn học là một trong những phương thức biểu đạt tình cảm và trí thức của loài người. Một tác phẩm văn học hay, không chỉ tạo ra tiếng vang rộng lớn tại thời điểm và địa phương nào đó, thậm chí nó có khả năng siêu vượt biên giới thời-không, dẫn dắt nhân tâm bước vào cảnh giới chân- thiện- mỹ. Trong Phật giáo có rất nhiều tác phẩm chính là đại diện cho loại hình này; đặc biệt chính bản thân Đức Phật cũng là nhà văn học tài trí mẫn tiệp, trí tuệ siêu quần.
15/11/2014(Xem: 20754)
Nên lưu ý đến một cách phân biệt tinh tế về thứ tự xuất hiện của hai kiến giải sai lầm trên. Đầu tiên là kiến giải chấp vào tự ngã của các nhóm thân tâm, và từ cơ sở này lại xuất phát kiến giải chấp vào tự ngã của cá nhân. Trong trường hợp nhận thức được Tính không thì người ta sẽ nhận ra Tính không của nhân ngã trước; bởi vì nó dễ được nhận ra hơn. Sau đó thì Tính không của pháp ngã được xác định.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]