Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

[24] Do đâu tin có tái sanh

24/05/201317:29(Xem: 5579)
[24] Do đâu tin có tái sanh



Đức Phật và Phật Pháp
(The Buddha and His Teachings)
Hòa thượng Narada, 1980
Phạm Kim Khánh dịch Việt, 1998

---o0o---

Do đâu tin có Tái Sanh?

"Như Lai đã nhớ lại nhiều kiếp sống trong quá khứ" -- Trung A Hàm

---o0o---

Do đâu ta tin có tái sanh?

Đối với người Phật tử, Đức Phật có đủ uy quyền nhất để thuyết minh vấn đề Tái Sanh. Chính trong đêm Ngài đắc Quả Chánh Đẳng Chánh Giác, lúc canh một, Đức Phật chứng ngộ Túc Mạng Minh là tuệ biết rỏ những kiếp quá khứ .

Ngài nói: "Như Lai đã nhớ lại nhiều kiếp sống trong quá khứ như thế nầy: trước hết một kiếp, rồi hai kiếp, rồi ba, bốn, năm, mười, hai mươi, đến năm mươi, rồi một trăm, một ngàn, một trăm ngàn kiếp v.v... " [1]

Vào canh hai, Đức Phật chứng đắc Thiên Nhãn Minh, nhận thấy chúng sanh chết từ kiếp sống nầy tái sanh vào một kiếp sống khác. Ngài chứng kiến cảnh tượng "kẻ sang người hèn, kẻ đẹp người xấu, kẻ hạnh phúc người khốn khổ, chúng sanh hoại diệt và tái sanh, tùy hành vi tạo tác của mỗi người".

Đó là những Phật ngôn đề cập đến vấn đề tái sanh. Những đoạn kinh tham khảo trong kinh điển liên quan đến thuyết tái sanh chứng tỏ rằng Đức Phật không dựa vào một nguồn hiểu biết nào sẳn có để giải thích chân lý hiển nhiên nầy. Ngài chỉ dựa trên kinh nghiệm bản thân và nhận thức cá nhân của chính Ngài, một nhận thức tuy siêu phàm nhưng mỗi chúng ta đều có thể thành đạt nếu trau giồi rèn luyện đúng mức.

Trong bài kệ hoan hỷ (Udana) đầu tiên, Đức Phật tuyên ngôn:

"Xuyên qua kiếp sống nầy (anekajati), Như Lai lang thang đi, đi mãi, để tìm người thợ cất cái nhà nầy. Phiền muộn thay những kiếp sống triền miên lặp đi lặp lại (dukkha jati punappunam)." [2]

Trong bài kinh Pháp đầu tiên, kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakka sutta) [3] Đức Phật đề cập đến chân lý thâm diệu thứ nhì như sau: "Chính Ái Dục dẫn dắt chúng sanh đi tái sanh"(yayam tanha ponobhavika). Và Đức Phật kết luận bài Pháp: "Đây là kiếp sống cuối cùng của Như Lai. Từ đây Như Lai không còn tái sanh nữa (ayam anyima jati natthi dani punabbhavo)."

Trong bộ Majjhima Nikaya, Trung A Hàm, có ghi rằng, sau khi thành tựu Đạo Quả Phật, vì lòng thương chúng sanh, Ngài dùng tuệ nhãn quan sát chúng sanh trước khi quyết định hoằng dương Giáo Pháp. Ngài nhận thấy rằng có những chúng sanh biết tội lỗi, sợ tái sanh, sợ mãi mãi sanh-tử, tử-sanh trong vòng luân hồi (paralokavajjabhaya-dassavino). [4]

Trong nhiều đoạn kinh khác nhau, Đức Phật dạy rỏ ràng rằng có những kẻ phải bị sanh vào cảnh khổ vì đã sống cuộc đời tội lỗi ô trược và có người, nhờ hành thiện, tạo nghiệp lành, được tái sanh vào nhàn cảnh.

Ngoài những tích truyện thú vị trong Túc Sanh Truyện (Jataka), một bộ truyện có giá trị luân lý quan trọng ghi lại các tiền kiếp của Đức Phật, hai bộ Majjhima Nikaya (Trung A Hàm) và Anguttara Nikaya (Tăng Nhứt A Hàm) thỉnh thoảng cũng đề cập đến những kiếp sống quá khứ của Đức Phật.

Trong kinh Ghatikara sutta [5], Đức Phật cũng thuật lại cho Đại Đức Ananda rằng trong một tiền kiếp, vào thời Đức Phật Kassapa, ngài là Jotipala. Kinh Anathapindikovada sutta [6] cũng ghi rằng liền sau khi tái sanh vào cảnh trời, nhà triệu phú Anathapindika (Cấp Cô Độc) trở về viếng Đức Phật đêm sau. Trong bộ Anguttara Nikaya [7], Tăng Nhứt A Hàm, Đức Phật nhắc đến một kiếp sống quá khứ Ngài có tên Pacetana. Trong bộ Samyutta Nikaya, Tạp A Hàm, Đức Phật kể tên vài vị Phật đã thị hiện trên thế gian trước Ngài.

Maha-Parinibbana sutta (Kinh Đại Niết Bàn) [8] ghi rằng một hôm Đại Đức Ananda đến bạch với Đức Phật, hỏi thăm về số phận của một số người chết trong làng nọ. Đức Phật nhẫn nại diễn tả trường hợp từng người, từng hoàn cảnh.

Những trường hợp tương tợ rất nhiều trong Tam Tạng Kinh, chứng tỏ Đức Phật giảng giải giáo thuyết tái sanh như một chân lý có thể kiểm chứng. [9]

Theo lời chỉ dạy của Đức Phật, trong hàng đệ tử của Ngài có nhiều vị tu hành đúng đắn, trau giồi và phát triển trí tuệ đúng mức, đã được biết ít nhiều về tiền kiếp của mình trong vô lượng kiếp sống. Tuệ giác của Đức Phật vô hạn định.

Trước thời Đức Phật, một vị nọ người Ấn Độ Rishis, cũng nổi tiếng nhờ những phép thần thông như thiên nhãn, thiên nhĩ, thần giao cánh cảm, viễn giác, viễn cảm v.v...

Mặc dầu khoa học chưa tiến đến mức am hiểu những pháp siêu thường, theo Phật Giáo, người trau giồi thiền tập và phát triển tâm lực đầy đủ có thể nhớ những việc xảy ra trong các kiếp quá khứ cũng như một việc đã xảy diễn vào lúc nào trong kiếp sống nầy. Xuyên qua những người ấy, ta có thể giao cảm trực tiếp với những cảnh giới khác bằng tư tưởng và tri giác, không phải bằng năm giác quan thường.

Cũng có một vài người khác thường, nhất là các em bé, do luật phối hợp tư tưởng bất ngờ, sực nhớ lại đoạn nào hoặc một vài chi tiết trong những kiếp sống quá khứ [10]. Sách có chép rằng Pythagoras đã nhớ lại tường tận cái nhẫn mà ông đã dùng trong một tiền kiếp, lúc ấy ông vây hãm thành Troy. Trong kiếp tái sanh làm Pythagoras, cái nhẫn ấy vẫn còn để trong một đền thờ Hy Lạp. [11]

Có một em bé, nhờ cách nọ hay cách kia, nhớ lại kiếp trước. Nhưng đến khi lớn lên thì em không còn nhớ nữa. Do những thí nghiệm của các nhà tâm linh học trứ danh, những hiện tượng ma quỷ, những sự giao cảm giữa hai cảnh âm dương, những sự kiện mà ta thường gọi là có một số âm linh nhập v.v... cũng đem lại một vài tia sáng cho vấn đề tái sanh. [12]

Trong trạng thái thôi miên, có vài người đã thuật lại những kinh nghiệm của mình ở kiếp quá khứ. Cũng có một ít người khác, như trường hợp Edgar Casey ở Mỹ Quốc, chẳng những thấy được kiếp trước của người khác nhờ đó mà còn có thể chữa bệnh cho họ.

Ta có thể giải thích những hiện tượng ấy rằng đó là nhờ người kia nhớ lại những kinh nghiệm ở kiếp trước, hoặc có một âm linh nhập. Cách giải thích thứ nhất có vẽ hợp lý hơn nhưng ta cũng không hoàn toàn bác bỏ cách giải thích thứ nhì. [13]

Bao nhiêu lần tình cờ mà ta gặp một người trước kia chưa từng gặp, nhưng trong trí vẫn nhớ hình như đã quen biết đâu đây? Bao nhiêu lần ta mục kích một cảnh lạ chưa từng đến, nhưng tự nhiên có cảm giác đã quen thuộc một lúc nào [14].

Trong Chú Giải Kinh Pháp Cú có ghi lại câu truyện hai vợ chồng người kia, khi gặp Đức Phật thì quỳ dưới chân Ngài, bạch rằng:

"Nầy con yêu dấu, có phải chăng phận sự con là phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già? Tại sao bấy lâu nay con không đến thăm viếng cha mẹ? Đây là lần đầu tiên mà cha mẹ gặp lại con."

Đức Phật giải thích rằng sở dĩ có sự bộc khởi mối thâm tình một cách đột ngột và bất ngờ như vậy là vì trong nhiều kiếp sống quá khứ hai ông bà đã làm cha mẹ Ngài, và Đức Phật dạy:

"Do hoàn cảnh thân cận trong quá khứ hay thuận lợi trong hiện tại.

Tình thâm ở thời xa xôi ấy mọc lên trở lại như hoa sen mọc trong nước. [15]"

Trên thế gian có những nhân vật cao siêu xuất chúng, những bậc toàn giác như Đức Phật. Có thể nào chỉ trong một thời gian của một kiếp sống mà có thể trau giồi trí tuệ đến mức cao siêu toàn thiện như vậy chăng? Có thể nào có tình trạng tiến hóa đột ngột như vậy chăng?

Ta giải thích thế nào về trường hợp của những nhân vật như Đức Khổng Tử, Homer, Panini, Buddhaghosa, và Plato, những bậc thiên tài xuất chúng như Kalidasa, Shakespeare, và những hạng thần đồng như Ramanujan, Pascal, Mozart, Beethoven v.v...?

Các bậc cao siêu xuất chúng như vậy, dĩ nhiên đã trãi qua nhiều kiếp sống cao thượng trong quá khứ và đã từng thâu thập những kinh nghiệm tương tợ. Phải chăng là sự ngẫu nhiên hay hoàn cảnh thuận lợi đã đưa các vị ấy vào trong gia đình họ?

Trong trường hợp các thần đồng hình như cũng tạo nên những thắc mắc cho các nhà khoa học. Vài nhân vật trong ngành y học giải thích rằng những hiện tượng như thần đồng, phát sanh do sự phát triển khác thường của những hạch tuyến như hạch màn mũi, từng quả tuyến và hạch thận tuyến. Nguyên nhân sự phát triển khác thường của các hạch tuyến ấy bên trong vài cá nhân nhất định cũng có thể là do nghiệp quá khứ. Tuy nhiên, nếu chỉ một vài hạch tuyến phát triển khác thường, làm sao Christian Heineken có thể nói chuyện ngay vài tiếng đồng hồ sau khi được sanh ra, đọc lại nhiều đoạn trong thánh kinh lúc lên một, trả lời những câu hỏi về địa dư lúc lên hai, nói được tiếng Pháp và tiếng La Tinh lúc lên ba, và khi lên bốn đã theo học các lớp triết? Nếu chỉ vì có một vài hạch tuyến phát triển khác thường thì làm sao John Stuart Mill có thể đọc chữ Hy Lạp lúc mới ba tuổi, làm sao Macaulay có thể viết Thế Giới Sử lúc vừa sáu tuổi, làm sao William James Sidis đọc và viết rành chữ mẹ đẻ (Hoa Kỳ) lúc mới lên hai, đã đọc và viết những tiếng Pháp, Nga, Anh, Đức và chút ít La Tinh và Hy Lạp khi lên tám, làm sao Charles Bennet ở Manchester có thể nói được nhiều thứ tiếng lúc mới ba tuổi? Những người không phải trong giới khoa học có giải thích được chăng các sự kiện lạ lùng ấy? [16] Các nhà khoa học có giải thích được chăng vì sao các hạch tuyến ấy lại phát triển khác thường trong một vài người mà không phát triển trong người khác, hay tất cả mọi người? Vấn đề thực sự còn chưa được giải quyết.

Thuyết truyền thống riêng rẽ không đủ để giải thích các trường hợp thần đồng.

"Phải chi trong ông bà cha mẹ hay trong hàng con cháu các vị ấy cũng có những thần đồng, dầu kém hơn, thì cũng là những sự kiện để chứng minh thuyết truyền thống."

Để giải thích vấn đề phức tạp ấy một cách thỏa đáng ta phải thêm vào thuyết truyền thống lý Nghiệp Báo và Tái Sanh.

Có lý do nào để tin rằng chỉ vỏn vẹn kiếp sống hiện tại nầy mà đủ có thể quyết định hạnh phúc vĩnh cửu hay cảnh khốn cùng vô tận trong tương lai không? Bao nhiêu cố gắng trong kiếp sống ngắn ngủi nhiều lắm là một trăm năm có thể là sự chuẩn bị thích nghi cho cuộc sống vĩnh cửu không?

Nếu chúng ta tin có hiện tại và tương lai, tất nhiên chúng ta tin có quá khứ.

Nếu có những lý do để tin rằng có những kiếp sống trong quá khứ thì cố nhiên chúng ta không có lý do nào để không tin rằng sau khi kiếp hiện tại tạm thời chấm dứt chúng ta vẫn tiếp tục sống. [17]

Chính những kiếp sống quá khứ và vị lai giải thích vì sao trong đời, lắm khi người hiền lương đạo đức phải chịu gian lao khốn khổ và có những người gian ác tàn bạo lại được giàu sang may mắn. [18]

Chúng ta sanh ra trong trạng thái mà chính hành động của ta trong quá khứ đã tạo nên. Nếu trong kiếp hiện tại, mặc dầu sống trong sạch, mà ta gặp phải những điều bất hạnh thì nên biết rằng đó là do nghiệp xấu của ta trong quá khứ. Trái lại, nếu đời sống nhơ bẩn tội lỗi mà ta vẫn được an vui hạnh phúc, giàu sang, may mắn, thì đó cũng do nghiệp tốt của ta đã tạo trong quá khứ. Hành động tốt và xấu của ta trong hiện tại cũng sẽ tạo quả ngay khi cơ duyên hội đủ.

Mộ văn hào Tây Phương nói:

"Dầu tin có những kiếp sống quá khứ hay không, niềm tin nầy là giả thuyết hợp lý duy nhất khả dĩ bắt nhịp cầu để vượt qua những cái hố trong sự hiểu biết của chúng ta về các sự kiện trong đời sống hằng ngày. Lý trí cho ta biết rằng ý niệm về đời sống quá khứ và lý nghiệp báo có thể giải thích chẳng hạn như mức độ khác biệt giữa hai đứa trẻ sanh đôi, như làm thế nào có người như Shakespeare, với kinh nghiệm ít ỏi, giới hạn trong một kiếp sống, có thể mô tả chính xác một cách kỳ diệu bao nhiêu nhân vật, thuộc nhiều loại rất khác nhau, những cảnh tượng v.v... mà thực ra ông không thể biết được. Nó giải thích tại sao các tác phẩm của các bậc vĩ nhân vượt lên khỏi rất xa kinh nghiệm mà các vị ấy có thể có. Nó giải thích hiện tượng thần đồng và sự khác biệt sâu xa giữa người nầy và người khác, trên phương diện tâm trí, đạo đức, tinh thần và vật chất, điều kiện, hoàn cảnh v.v... mà ta có thể quan sát ở khắp nơi trên thế gian."

Nghiệp Báo và Tái Sanh giải thích những gì?

Thuyết Nghiệp Báo và Tái Sanh giải thích:

1.- Vấn đề đau khổ mà chính ta phải chịu trách nhiệm;

2.- Tình trạng chênh lệch tựa hồ như bất công giữa người và người;

3.- Sự hiện hữu của những bậc vĩ nhân và những thần đồng;

4.- Tại sao hai trẻ sanh đôi giống nhau y hệt về mặt vật chất, được nuôi dưỡng y như nhau, mà lại có những đặc tính hoàn toàn khác biệt về mặt tinh thần, đạo đức và trí tuệ;

5.- Tại sao trong một gia đình, nếu theo định luật truyền thống thì con cái phải giống nhau hết, mà trong thực tế thì lại khác;

6.- Tại sao có những người có khiếu đặc biệt:

7.- Tại sao cha mẹ và con cái lại có những đặc tính khác nhau về mặt đạo đức và trí tuệ;

8.- Tại sao trẻ con lại có những tật xấu như tham lam, sân hận, ganh tỵ;

9.- Tại sao khi gặp một người nào lần đầu tiên, ta đã có thiện cảm hay ác cảm;

10.- Tại sao trong mỗi người lại có tiềm tàng ngủ thầm "một kho tàng đức hạnh và một hầm tật xấu";

11.- Tại sao có sự thay đổi bất ngờ, bậc thiện trí thức trở thành tầm thường hay kẻ sát nhân bổng nhiên đổi tánh, sống như bậc thánh;

12.- Tại sao có trường hợp cha mẹ hiền lương mà sanh con hung ác, trái lại cha mẹ hung dữ lạisanh con nhân từ;

13.- Tại sao, một đàng, ta như thế nào trong hiện tại là do ta đã như thế nào trong quá khứ, và ta sẽ như thế nào trong tương lai là do ta như thế nào trong hiện tại; theo một đàng khác, trong hiện tại ta như thế nào không hoàn toàn bởi vì trong quá khứ ta đã như thế nào và trong tương lai ta sẽ như thế nào cũng không hoàn toàn tùy thuộc nơi chúng ta như thế nào trong hiện tại;

14.- Tại sao có những cái chết đột ngột và có sự thay đổi bất ngờ về tài sản sự nghiệp;

15.- Và trên tất cả, thuyết Nghiệp Báo và Tái Sanh giải thích vì sao có bậc toàn giác, những bậc giáo chủ toàn thiện như chư Phật, với đầy đủ đức tánh vật lý, tinh thần và trí tuệ.



Chú thích:

[1] Majjhima Nikaya, Trung A Hàm, Mahasaccaka Sutta, kinh số 36, i, 248

[2] Dhammapada, kinh Pháp Cú, câu 153.

[3] MahaVagga, trang 10, Samyutta Nikaya, Tạp A Hàm, câu 428. Xem Chương 6.

[4] Majjhama Nikaya, Trung A Hàm, phần i, trang 169.

[5] Majjhama Nikaya, Trung A Hàm, phần ii, trang 45 (kinh số 81).

[6] Majjhama Nikaya, Trung A Hàm, phần iii, trang 258 (kinh số 143).

[7] Majjhama Nikaya, Trung A Hàm, phần i, trang 111

[8] Digha Nikaya, phần ii, trang 91 (kinh số 16).

[9] Xem J. G. Jennings, "The Vedantic Buddhism of the Buddha"

[10] Trường hợp của Shanti Devi, xứ Ấn Độ, là một thí dụ hiển nhiên. Xem tạp chí "The Bosat", tập xiii, số 2, trang 27.

[11] William Q. Atkinson và E. D. Walyer, trong quyển "Reincarnation and the Law of Kamma".

[12] Kinh Theregatha, Trưởng lão Tăng Kệ, ghi rằng có một vị Bà La Mô kia "được tín đồ khâm phục nhờ mỗi lần gõ móng tay lên trên một đầu lâu khi biết được người chủ của cái đầu lâu ấy đã tái sanh ở nơi nào."

Có những người biểu hiện các nhân cách khác nhau trong các thời điểm khác nhau trong đời của họ. Giáo sư James cũng có nêu lên một vài trường hợp đặc biệt và thú vị trong quyển "Principles của Psychology". (Xem F. W. H. Myers, "Human Personality and its Survival of Bodily Death"). Sách Thanh Tịnh Đạo có ghi một chuyện một vị trời nhập vào một người cư sĩ (Xem The Path of Purity, phần i, trang 48).

Chính tác giả (Đ.Đ. Narada) cũng có gặp những người ngồi đồng, làm trung gian cho giới vô hình chuyển đạt tư tưởng và những người khác bị âm linh không tốt nhập vào. Khi ở trong trạng thái mê thì những người ấy làm và nói những điều mà thường họ không hề biết, và sau khi tỉnh lại họ cũng không còn nhớ gì hết.

[13] Xem "Many Mansions", đã có dịch ra Việt ngữ dưói tựa đề "Những bí ẩn của cuộc đời" do dịch giả Nguyễn Hữu Kiệt, và "The World Within" của Gina Cerminara.

[14] Chính những kinh nghiệm tương tợ làm cho Sir Walter Scott ý thức được thuyết luân hồi. Khi viết lại tiểu sử của Sir Walter Scott trong quyển "Life of Scott", tác giả Lockhart có trích một đoạn trong quyển nhật ký của ông, ngày 17-2-1828 như sau: "Chắc chắn tôi không thể nói rõ có nên viết ra đây hay không, rằng ngày hôm qua vào giờ cơm chiều, tôi bị cái mà tôi gọi là ý thức có những tiền kiếp ám ảnh một cách kỳ lạ, thí dụ như một ý nghĩ mơ hồ rằng không có việc gì xảy ra mà ta có thể nói là lần thứ nhất. Cũng những vấn đề ấy được đem ra thảo luận và có những người phát biểu những ý kiến y hệt. Sự xúc động mạnh mễ đến độ có thể tả như cái mà người ta gọi là một ảo ảnh ở sa mạc và cơn sốt trên biển cả."

"Bulwer Lytton diễn tả những kinh nghiệm bí ẩn khó hiểu ấy như một loại kỳ lạ thuộc về tinh thần làm cho ta nhớ lại những nơi và những người chưa từng gặp trước kia. Những người theo học thuyết của Platon giải thích rằng đó là những tâm tranh đấu và bất thỏa mãn từ kiếp sống trước, bây giờ trổi lên." -- H.M. Kitchener, "The Theory of Reincarnation", trang 7.

Chính tác giả (Đ.Đ. Narada) đã gặp vài người nhớ lại từng đoạn, đời sống của họ trong kiếp trước. Tác giả cũng có gặp một vài bác sĩ trứ danh ở Âu Châu có thể thôi miên người khác và làm cho họ nhớ lại tiền kiếp.

[15] Xem "Buddhist Legends", tập 3, trang 108.

[16] "Ceylon Observer", 21-11-1948.

[17] "Chúng ta phải đến chổ nhìn hiện tại như con đẻ của quá khứ và là cha mẹ của tương lai" -- T.H. Huxley.

[18] Addison.


--- o0o ---

| Thư Mục Tác Giả |

--- o0o ---

Chân thành cám ơn anh Hứa Dân Cường và các thiện hữu đã phát tâm giúp tổ chức đánh máy vi tính; đạo hữu Bình Anson đã gửi tặng phiên bản điện tử bộ sách này.
( Trang nhà Quảng Đức, 02/2002)

Trình bày : Nguyên Hân Ngọc Hạnh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/12/2010(Xem: 11593)
Vào ngày trăng tròn tháng năm năm 623 trước Tây lịch, một hoàng tử thuộc bộ tộc Thích Ca (1) của Ấn Ðô, tên là Tất Ðạt Ða (Siddhattha) họ Cồ Ðàm (Gotama) đã ra đời...
02/12/2010(Xem: 20883)
Từ xưa, Ấn Độ là một nước tôn giáo, triết học và thi ca, cho nên trào lưu tư tưởng phát sinh và nảy nở ở Ấn Độ rất nhiều và dưới những hình thức khác nhau, nhưng tư trào rộng lớn hơn cả là tư trào Phật Giáo.
09/11/2010(Xem: 8145)
Stephen William Hawking, sinh ngày 8 tháng Giêng năm 1942 là một nhà Vật lý Lý thuyết người Anh, đồng thời cũng là một nhà Vũ trụ học nỗi tiếng nhờ các tác phẩm khoa học và các lần ông xuất hiện trước quần chúng.. Ông là Hội viên Danh dự của Hội Nghệ thuật Hoàng gia Anh (Royal Society of Arts), Hội viên vĩnh viễn của Viện Khoa học Giáo hoàng (Pontifical Academy of Sciences) và vào năm 2009, được trao tặng Huy chương Tổng thống về Tự Do là huy chương dân sự cao quý nhất của Mỹ.
03/10/2010(Xem: 5880)
Giáo lý đạo Phật được xem là một nền giáo lý thực nghiệm, nhằm giải quyết những vấn đề về con người, đưa con người thoát khỏi những khổ đau trói buộc...
03/10/2010(Xem: 11236)
600 câu hỏi và trả lời liên quan đến giáo lý, hành trì, sự phát triển của Phật Giáo; đến lịch sử, văn hóa của các nước thọ nhận Phật Giáo; đến các vấn đề văn hóa, xã hội, chính trị thời đại.
02/10/2010(Xem: 6225)
Tam pháp ấn và lý Tứ đế thì tương ứng nhau: chư hành vô thường là Khổ đế; nhân sanh khổ ở nơi không biết chư pháp vô ngã, là Tập đế; Niết bàn tịch tĩnh là Diệt đế...
25/09/2010(Xem: 4283)
... nếu Niết bàn là có (hữu), thì cái có này, hay Niết-bàn này thuộc vào tướng hữu vi. Nhưng tướng hữu vi, theo đức Phật dạy thì chúng luôn ở trong trạng thái biến diệt không thật có.
17/09/2010(Xem: 5106)
Trung đạo (madhyamŒ-pratipad) là con đường tránh xa hai cực đoan: hưởng thọ dục vọng và tu tập khổ hạnh, nó là kinh nghiệm rút ra từ bản thân của Ngài, sau khi sống hưởng thụ trong hoàng cung, và trải qua 6 năm tu khổ hạnh, nhờ con đường này mà Ngài thành đạt giác ngộ và giải thoát dưới cội cây Bồ đề.
10/09/2010(Xem: 58518)
Một cuộc đời một vầng nhật nguyệt (quyển 3) Vào thời không có đức Phật Chánh Đẳng Giác ra đời, tại vùng Allakappa bị dịch bệnh hoành hành, lây lan từ người này sang người khác, nhà này sang nhà khác làm cho rất nhiều người chết, đói kém xảy ra khắp nơi. Những người còn mạnh khỏe, chưa bị lây nhiễm
28/08/2010(Xem: 61331)
Quyển 6 • Buổi Pháp Thoại Trên Đỉnh Cao Linh Thứu (Gijjhakūṭa) • Ruộng Phước • Tuệ Phân Tích Của Tôn Giả Sāriputta • MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI CHÍN (Năm 569 trước TL)- Mỹ Nhân Giá Mấy Xu? • Chuyện Cô Sirimā • Móc Cho Con Mắt Đẹp • Ngạ Quỷ Mình Trăn • Cùng Một Nguyên Lý • “Hớt” Phước Của Người Nghèo! • Ghi chú đặc biệt về hạ thứ 19: • MÙA AN CƯ THỨ HAI MƯƠI (Năm 568 trước TL)-Phước Cho Quả Hiện Tại • Bảy Thánh Sản • Chuyện Kể Về Cõi Trời • Hóa Độ Gia Đình Thợ Săn • Nhân Duyên Quá Khứ
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]