Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

IV - A. Giới thiệu Tạp thí dụ kinh

04/04/201320:59(Xem: 10935)
IV - A. Giới thiệu Tạp thí dụ kinh
Văn Học Phật Giáo Việt Nam - Tập 2

IV - A. Giới Thiệu Tạp Thí Dụ Kinh

Tiến sĩ Lê Mạnh Thát
Nguồn: Tiến sĩ Lê Mạnh Thát


Kể từ thời Đàm Thiên (542-607), người ta đã biết trong khi miền Nam Trung Quốc chưa có kinh sách Phật giáo, thì ở nước ta đã dịch được 15 bộ kinh, như Thiền uyển tập anh [15] đã ghi. Thế thì, 15 bộ kinh mà Đàm Thiên nói tới này, ngày nay ta có thể biết gì về chúng chăng? Và chúng gồm những bộ sách nào? Để trả lời những câu hỏi ấy, chúng tôi cho nghiên cứu lại toàn bộ những tác và dịch phẩm của Khương Tăng Hội hiện còn, và phát hiện ra một hiện tượng khá lý thú là hai tác dịch phẩm lưu hành khá rộng rãi của Khương Tăng Hội đã chứa đựng một số những cấu trúc tiếng Việt cổ [16]. Hiện tượng có mặt các cấu trúc này dẫn chúng tôi đến kết luận là có tồn tại một tạng kinh tiếng Việt vào thế kỷ thứ hai để làm bản đáy cho những bản dịch của Khương Tăng Hội, mà nổi bật nhất là Lục độ tập kinh [17].

Đồng thời chúng tôi cũng cho nghiên cứu lại những bản kinh Phật giáo bị “thất dịch” và thường được xếp vào thời Hậu Hán, mà điển hình là Tạp thí dụ kinh.


I. Vấn đề truyền bản và tên gọi

Tên gọi Tạp thí dụ kinh 2 quyển xuất hiện lần đầu trong Xuất tam tạng ký tập 4 ĐTK 2145 tờ 22a5 và được xếp vào loại “thất dịch tạp kinh”. Chúng kinh mục lục 6 ĐTK 2146 tờ 144b7 của Pháp Kinh ghi tên Tạp thí kinh 2 quyển, một tên là Bồ tát độ nhân kinh. Chúng kinh mục lục 2 ĐTK 427 tờ 161b19 của Ngạn Tôn năm Nhân Thọ thứ 2 cũng ghi thế và xếp vào loại “trùng phiên”. Chúng kinh mục lục 2 ĐTK 2148 tờ 196a24 của Tỉnh Thái thay vì tên Tạp thí kinh, lại ghi Tạp thí dụ kinh 2 quyển, một tên Bồ tát độ nhân kinh, 26 tờ và cũng xếp vào loại “trùng phiên”. Đạo Tuyên viết Nội điển lục 7 ĐTK 2149 tờ 301c23 và 9 tờ 325b21 ghi Tạp thí dụ 2 quyển 26 tờ, một tên Bồ tát độ nhân kinh và xếp vào loại “Tiểu thừa tạng kinh” và “cử yếu chuyển độc”. Tỉnh Mại viết Cổ kim dịch kinh đồ ký 1 ĐTK 2151 tờ 250n27 ghi Tạp thí dụ kinh 2 quyển vào loại “thất dịch nhân danh” của đời Hán. Đây là lần đầu tiên Tạp thí dụ kinh được xếp vào loại “thất dịch đời Hán”. Đến Minh Thuyên soạn Đại Châu san định chúng kinh mục lục 11 ĐTK 2153 tờ 438b20 và 442a17 cũng xếp nó vào loại “thất dịch” thuộc đời Hán. Tạp thí dụ kinh 1 bộ 2 quyển, một tên là Bồ tát độ nhân kinh 26 tờ. Trí thăng viết Khai Nguyên thích giáo lục 13 ĐTK 2154 tờ 623a10 chép: “Tạp thí dụ kinh 2 quyển, một tên Bồ tát độ nhân kinh, thất dịch, tại Hậu Hán Lạc Dương...” Trinh Nguyên tân định thích giáo mục lục 2 ĐTK 2157 tờ 781a6 của Viên Chiếu cũng xếp vào loại “thất dịch” đời Hán.

Qua các bản kinh lục, Tạp thí dụ kinh như thế được xác định là một bản “thất dịch nhân danh” từ lâu và đến Tỉnh Mại thì được xếp hẳn vào loại “thất dịch” của đời Hán. Minh Thuyên, Trí Thăng và Viên Chiếu đồng ý với lối xếp loại và niên đại đó. Về tên gọi, ngoài tên Tạp thí dụ kinh, từ Pháp Kinh trở đi, nó còn có tên Bồ tát độ nhân kinh. Tên này gọi rõ ràng là lấy bốn chữ đầu của bản kinh mà đặt. Điều đó chứng tỏ có lúc người ta đã không biết tên chính thức của bản kinh là gì. Cho nên, họ lấy bốn chữ bắt đầu bản kinh để đặt tên cho nó. Và cũng nhờ tên gọi bốn chữ này, ngày nay ta có thể chắc chắn là truyền bản Tạp thí dụ kinh 2 quyển, mà Pháp Kinh chỉ có chép là Tạp thí kinh và Ngạn Tôn cũng như Tỉnh Thái cũng đều làm như thế, thực sự là chỉ bản Tạp thí dụ kinh của Tỉnh Mại, Minh Thuyên, Trí Thăng, Viên Chiếu và bản in Tạp thí dụ kinh hiện nay.


II. PHÂN TÍCH NỘI DUNG

Truyền bản hiện nay gồm hai quyển thượng và hạ, có cả thảy 32 truyện. Quyển thượng có 14 truyện từ 1 đến 14. Quyển hạ gồm 18 truyện còn lại từ 15 đến 32. Gọi là “truyện”, nhưng thực chất có những “truyện” không phải là truyện. Cụ thể là các truyện đánh số 1, 2 và 32. Đó là các lối nói ví von, “thí dụ”, mà Lý hoặc luận có dịp đề cập và phê phán (điều 18). Còn lại như vậy là 29 truyện.

Trong 29 truyện này, 11 truyện là những ngụ ngôn, nói lên một khía cạnh của giáo lý, gồm các truyện 4, 8, 16, 23, 24, 25 và 27 đến 31. Thí dụ, truyện 4 nói đến lý thuyết 4 “đại” là bốn con rắn độc cắn chết người. Hay truyện 23 ghi nhận một sự thực là con người ai cũng phải chết qua việc người mẹ không đi xin lửa được từ một nhà “không có ai chết”, xác nhận cho tuyên bố của Mâu Tử trong Lý hoặc luận là “không có cái đạo bất tử” (điều 34). Nói tóm lại, chúng chủ yếu là những truyện ngụ ngôn, minh họa cho một luận đề giáo lý.

Còn lại 18 truyện. Nét nổi bật của các truyện này là việc nhấn mạnh đến “oai thần” của đức Phật, “thần thông” của các nhà sư. Đây phải nói là một khía cạnh đặc trưng của nền Phật giáo truyền vào nước ta ở những thế kỷ đầu. Tuy cũng quan tâm một cách nồng nhiệt đến những vấn đề thiết thân của đời sống, những vấn đề của đất nước, chính quyền, phẩm chất đạo đức của từng con người v.v... như đã thấy trong Lục độ tập kinh, nền Phật giáo ấy không quên trình bày mặt “siêu phàm” của đời sống Phật giáo với một đức Phật có “oai thần” và các phương pháp để đạt tới một số phẩm chất “siêu phàm” đó.

Tình trạng này phản ảnh quan niệm Phật thể của Mâu Tử trong điều 2 của Lý hoặc luận, theo đó “Phật là nguyên tố của đạo đức, là đầu mối của thần minh.... nhanh chóng biến hóa, phân thân tán thể, hoặc còn hoặc mất, hay lớn hay nhỏ, hay tròn hay vuông, hay già hay trẻ, hay ẩn hay hiện, đạp lửa không bỏng, đi dao không đứt, muốn đi thì bay, ngồi thì phóng quang...”

Và phương pháp để đạt đến những phẩm chất ấy không phải không được đề ra. Lục độ tập kinh 7 ĐTK 152 tờ 39b16-23 viết: “Bồ tát tâm tịnh, đạt được tứ thiền kia thì tự do theo ý, cất nhẹ bay bổng, đạp nước mà đi, phân thân tán thể, biến hóa muôn cách, ra vào liên tục nơi không hở, còn mất tự do, rờ trời trăng, rung đất trời, nghe thông thấy suốt, không gì là không thấy nghe...” Đó là phương pháp “sáu mầu nhiệm”, mà Khương Tăng Hội giới thiệu trong An ban thủ ý kinh tự do Tăng Hựu chép lại trong Xuất tam tạng ký tập 6 ĐTK 2145 tờ 43a1-c3, bao gồm sổ, tùy, chỉ, quán, hoàn và tịnh.

Những phẩm chất “siêu phàm” ấy do thế không chỉ là những phẩm chất giả định biểu lộ một ước mơ. Ngược lại, chúng là những phẩm chất có thực, có thể đạt được thông qua một quá trình luyện tập sáu phương pháp “mầu nhiệm” (lục diệu pháp môn) vừa nói, chứ không phải bằng việc tắm “nước sông Hằng” để được thần thông, như truyện 14 đã ghi. Chúng là những phẩm chất phụ của một người giác ngộ, có tác dụng giác ngộ người khác như truyện 11, 12 và 13 mô tả. Nhưng những người chưa giác ngộ vẫn có thể sở hữu chúng, và đem phục vụ những mục đích phàm tục, thậm chí tội ác, như truyện 13 và 15 chứng tỏ. Chúng có những hạn chế của chúng với một xác nhận là “sức mạnh của thần thông không bằng sức mạnh của trí tuệ”, như truyện 10 đã long trọng tuyên bố.

Điểm lôi cuốn là xác nhận ấy lại chính do một người nổi tiếng là thần thông số một của Phật giáo nói ra, đó là Mục Liên. Điều này phản ánh một thực tế là Phật giáo tuy có nói đến thần thông, nhưng bản chất vẫn là đạo trí tuệ, coi trí tuệ vừa là phương tiện vừa là mục tiêu của giác ngộ, là “thành tát vân nhã”, đầy đủ mọi thứ, “không gì là không có” như truyện 18 đã nói. Tát vân nhã là phiên âm của tiếng Phạn Sarvajnõa và thường dịch là “nhất thiết trí”, trí hiểu biết hết thảy. Nó thường dùng để tôn xưng đức Phật. Do thế, vai trò trí tuệ vẫn được chú trọng và đề cao.

Vậy, nền Phật giáo những thế kỷ đầu tại nước ta, dù có một Phật thể quan mang tính quyền năng, vẫn không để vuột mất sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử Phật giáo, đó là trí tuệ và việc nhấn mạnh đến vai trò của trí tuệ. Cho nên, bên cạnh công trình tôn thờ “tứ pháp” của Lĩnh Nam chích quái, ta vẫn có những tác phẩm mang đầy tính trí tuệ như Lý hoặc luận của Mâu Tử, trình bày hết sức khúc chiết, minh bạch quan điểm của người Phật giáo Việt Nam trước những vấn nạn đưa tới cho họ. Bên cạnh việc nói đến thần thông, người ta vẫn nhấn mạnh đến sự nghiệp, “vâng lời thánh giáo, giữ thân miệng ý” (truyện 18 ), “đến việc chọn bạn mà chơi” (truyện 2 ), “đến việc gầy dựng công đức” (truyện 6), “tuân giữ năm giới, mười lành, bốn đẳng, sáu độ” (truyện 8, 16).v.v... Đặc biệt việc xác nhận “được năm thần thông không phải là đạo kiên cố, không thể nhờ cậy được” (truyện 15).

Ngoài ra, một nét nổi bật khác của Tạp thí dụ kinh là sự kiện nhấn mạnh đến việc cúng dường và những lợi ích của nó. Trong 12 truyện đề cập đến khía cạnh này, ba truyện nói tới việc cúng dường đức Phật (truyện 10, 17 và 28), hai truyện nói tới việc cúng dường tháp tượng. Bảy truyện còn lại đề cập tới việc cúng dường cho các đệ tử Phật, các “đạo nhân”. Có hai điểm thú vị của việc đề cập này.

Thứ nhất, nó đặt vấn đề “vô ích” của các “sa môn đạo nhân”. Đó là họ “không làm ruộng, không đi lính, không làm bề tôi cho vua” (truyện 7). Một vấn đề phải đợi đến hơn 500 năm sau Hàn Dũ mới nêu lên ở Trung Quốc. Trong khi đó, ngay vào những thế kỷ đầu của Phật giáo nước ta, nó đã được bàn tới một cách công khai với một biện pháp giải quyết khá triệt để, ấy là nạp xác cho “quỉ ăn thịt”. Cuối cùng, bằng thần thông, một “sa di mới 13 tuổi” đã bắt hết quỉ, cạo đầu, giảng đạo cho chúng và chúng đã chứng quả. Tất nhiên, đó là một lối giải quyết theo truyện kể.

Thực tế có thể phức tạp hơn nhiều. Cho nên, đối diện với vấn đề ấy, Mâu Tử một mặt thừa nhận “sa môn giữ 250 giới, ngày ngày chay, (...) suốt ngày thâu đêm giảng đạo, tụng kinh, không dự việc đời” (điều 1) và “sa môn mặc áo đỏ, ngày ăn một bữa, đóng cửa sáu tình, tự dứt với đời” (điều 19). Nhưng mặt khác ông cũng ghi nhận tình trạng “sa môn mê thích rượu ngon, hoặc nuôi vợ con, mua rẻ bán đắt, chuyên làm dối trá” (điều 16). Điều này cho thấy, đứng trước hai yêu cầu đôi khi mâu thuẫn nhau của đời sống Phật giáo, đó là yêu cầu tỉnh tu truyền giáo và yêu cầu tham gia lao động sản xuất, người Phật tử Việt Nam đã sớm nhận ra vấn đề và cách thức giải quyết, mà sau này Đạo Cao đã nói rõ trong lá thư gửi Lý Miễu của ông: “Có người ngồi thiền trong rừng rú, có kẻ tu phước bên cạnh thành, ca tán tụng vịnh đều là làm việc đạo cả”. [18]Yêu cầu nào cũng đều thể hiện đời sống đạo cả, nên phải được đáp ứng một cách thỏa đáng và chứng tỏ đời sống đạo là hữu ích.

Điểm thứ hai là khi nói đến cúng dường, Tạp thí dụ kinh đã có một quan tâm đặc biệt đến những người nghèo, đến những người với những phương tiện hạn chế, như ba tiều phu của truyện 31, thậm chí không có một phương tiện gì như lão mẫu của truyện 3. Đây là một mối quan tâm đặc biệt, bởi vì theo truyện 21, nó là bản nguyện của vị đệ tử số một của đức Phật là Ma Ha Ca Diếp. Ca Diếp chỉ muốn “độ người bần cùng, một mình không chịu nhận” sự cúng dường của nhà giàu. Phải nói đó là một nét đặc trưng khá lôi cuốn của bản kinh này. Nó nói lên một thực trạng là vào những ngày tháng đầu tiên lúc mới truyền tới nước ta, Phật giáo đã chọn đứng về phía những người nghèo (truyện 3, 21,28, 30 và 31), bất hạnh, đang khổ đau (truyện 20, 23), chống đối những kẻ giàu keo kiệt bủn xỉn (truyện 17), những kẻ ỷ quyền, ỷ vào sức mạnh (truyện 13), bạo lực (truyện 8).

Nó xác định cho Phật giáo một chỗ đứng giữa lòng dân tộc Việt Nam, đặc biệt sau sự biến năm 42, khi nhà nước Hùng Vương bị quân đội Mã Viện đánh sụp, kéo theo một loạt đổ vỡ dây chuyền trong đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa, mà phải mất hàng chục năm mới có thể ổn định lại được. Trong cơn lốc chính trị, kinh tế, văn hoá đó, việc chọn đứng về phía những người nghèo, người bất hạnh, khổ đau nhất định đem lại cho Phật giáo một vị thế có được những tiếng nói có quyền uy giữa đại đa số dân chúng. Đây cũng là lý do tại sao Phật giáo trở thành nơi gửi gắm những đạo lý tinh hoa của dân tộc, những truyền thống ngàn đời của người Việt, như ta đã thấy trong Lục độ tập kinh.

Ngoài hai nét đặc trưng vừa nói, Tạp thí dụ kinh với chức năng là một bản kinh, tất phải chuyển tải một hệ thống giáo lý. Tuy đơn giản, hệ thống này tương đối hoàn chỉnh với các giáo lý “bốn sự thật, khổ, không, phi thân” (truyện 4) “năm giới, mười lành, bốn đẳng, sáu độ” (truyện 8), “bốn đẳng, sáu độ, 37 phẩm trợ đạo” (truyện 18), ngu không biết gì là gốc của 12 nhân duyên (truyện 22), “năm ấm không có gì” (truyện 27), “năm ấm, bốn đại, khổ, không” (truyện 29). Và đặc biệt nó nhắc tới Duy Ma Cật và giáo lý bốn ơn (truyện 27 và 2).

Như vậy, ngay từ những thế kỷ đầu của Phật giáo ở nước ta, không chỉ những giáo lý cơ bản chung cho các hệ phái như bốn sự thật, mười hai nhân duyên, khổ, không, vô ngã, bốn đẳng, sáu độ, 37 phẩm trợ đạo, năm giới, mười lành được thuyết giảng, mà một số tư tưởng đặc biệt Đại thừa đã truyền vào và được phổ biến rộng rãi. Cụ thể là tư tưởng “Năm ấm không có gì”. Tư tưởng này về sau được biết dưới tên “Năm ấm đều không” và trở thành cốt lõi của hệ tư tưởng bát nhã. Điều này chứng tỏ cùng với quan niệm Lục độ tập kinh, tư tưởng bát nhã được truyền vào nước ta rất sớm, song lôi cuốn nhất là việc nhắc đến Duy Ma Cật và lời phát biểu của ông: “Thân như đám bọt” (truyện 27).

Nhân vật Duy Ma Cật là một nhân vật đặc biệt đại thừa và tư tưởng của ông cũng là một hệ tư tưởng đặc biệt đại thừa. Nó tiêu biểu cho khuynh hướng thế tục hóa Phật giáo, xác định một lối sống Phật giáo lấy thế tục làm mục đích và chỉ hiện diện ở thế tục. Đó vừa là bản chất vừa là diệu dụng của giác ngộ, là cốt lõi của tư tưởng “Phật giáo bất ly thế gian giác” của Huệ Năng và chủ trương “Cư trần lạc đạo” của Trần Nhân Tông. Việc xuất hiện khá sớm của nhân vật Duy Ma Cật đây là khá lôi cuốn, dù lúc ấy bản kinh Duy Ma Cật được dịch qua tiếng Trung Quốc nếu không phải do Nghiêm Phù Điều vào năm 188 như Cổ kim dịch kinh đồ kỷ 1 ĐTK 2141 tờ 350a-29b1 và Nội điển lục 1 ĐTK 2149 tờ 224c5 đã ghi, thì cũng không thể muộn hơn năm 250, khi Chi Khiêm dịch nó, như Chi Mẫn Độ nói trong Hợp Duy Ma Cật kinh tự của Xuất tam tạng ký tự tập 8 ĐTK 2148 tờ 58b25 đã xác nhận.

Việc xuất hiện khá sớm này là lôi cuốn, vì nó giải thích không ít cho ta quan điểm “đạo” của Mâu Tử trong điều 4 của Lý hoặc luận là “tại gia có thể dùng để thờ cha mẹ, giúp nước có thể dùng để trị dân, sống riêng có thể dùng để tu thân”. Nó cũng lý giải cho ta tại sao lại tồn tại hai hình ảnh trái ngược về “sa môn”, về những người lấy Phật giáo làm lẽ sống duy nhất của đời mình, của Phật giáo nước ta thời Mâu Tử. Một bên là các sa môn “mê thích rượu ngon, hoặc nuôi vợ con, mua rẻ bán đắt, chuyên làm dối trá” (điều 16), và bên kia cũng là “các sa môn mặc áo đỏ, ngày ăn một bữa, đóng cửa sáu tình, tự dứt với đời” (điều 19). Như vậy bên cạnh những Phật tử tự dứt với đời để đi tìm giác ngộ, vẫn có những Phật tử đi tìm giác ngộ giữa cuộc đời và trong cuộc đời muôn mặt của nó.

Dù lối sống của những Phật tử dạng sau bị người đối thoại của Mâu Tử cho là “đại ngụy”, trái với lý tưởng “vô vi” của đạo Phật đời ấy, sự thật vẫn cho thấy có một khuynh hướng sống đạo theo điều 16 mô tả. Phải chăng họ là những Duy Ma Cật bằng xương bằng thịt hoạt động giữa lòng cuộc đời Việt Nam thời Mâu Tử? Đây là một có thể, vì hiện nay ta chưa có đầy đủ dữ kiện để phủ định hay hoàn toàn khẳng định. Điều thú vị là người Phật giáo thời ấy vẫn có một quan tâm đặc biệt về cuộc đời, về đất nước, như chính Lục độ tập kinh đã chứng tỏ, nếu họ không vươn lên để trở thành Duy Ma Cật Việt Nam. Đây là một điểm cần lưu ý khi tìm hiểu Phật giáo nước ta những thế kỷ đầu. Và chính họ đã tạo nên mô hình sống đạo cho những người Phật giáo về sau như Lý Miễu, Vạn Hạnh, Trần Nhân Tông, Lương Thế Vinh, Ngô Thì Nhiệm v.v...

Kinh Tạp thí dụ như thế tỏ ra khá lôi cuốn cho việc nghiên cứu không chỉ lịch sử Phật giáo nước ta, mà còn ngôn ngữ, tư tưởng, và văn học Việt Nam.


III. VẤN ĐỀ NIÊN ĐẠI VÀ NGÔN NGỮ

Vậy, từ thời Tỉnh Mại trở đi, Tạp thí dụ kinh được xếp vào loại “thất dịch” của đời Hán. “Thất dịch” nói cho đủ là “thất dịch nhân danh”, nghĩa là “mất tên người dịch”. Như thế, đối với Tỉnh Mại, Tạp thí dụ kinh phải được dịch từ những năm 220 trở về trước. Tất nhiên, khi xếp loại kiểu ấy, Tỉnh Mại, Minh Thuyên, Trí Thăng và những người về sau đã thực hiện công tác, mà Tăng Hựu của Xuất tam tạng ký tập 4 tờ 21b22 đã gọi là “thù giảo hiệu”, tức là so sánh các bản văn với nhau, đánh giá khả năng xuất hiện của chúng vào thời điểm nào. Bản thân Tăng Hựu chắc chắn đã làm công tác ấy, nhưng hẳn vì thiếu dữ kiện, nên chưa đi đến một kết luận về thời điểm xuất hiện của Tạp thí dụ kinh. Ông viết: “Rồi đạo lớn truyền vào, qua sáu triều đại, soạn ghi các sách, chỉ thấy An Công”. An Công đây là Đạo An và bản Tổng lý chúng kinh mục lục của ông.

Thế nhưng, đến Phí Trường Phòng soạn Lịch đại tam bảo ký và Đạo Tuyên viết Đại Đường nội điển lục 10 ĐTK 2149 tờ 336b11 họ kể một loạt tên “24 nhà, xét truyện ghi thì có, mà chưa thấy văn bản, nên chỉ kê mà thôi”, như Cổ kinh lục có vẻ của Thích Lôi Phòng thời Tấn, Cựu lục có vẻ của Lưu Hướng thời Hán, Hán thời Phật kinh mục lục có vẻ do Ca Diếp Ma Đằng soạn, Hán lục của Chu Sĩ Hành, Chúng kinh lục của Trúc Pháp Hộ v.v... Những liệt kê này, chắc chắn đã qua tiếp thu thành quả từ các kinh lục của Bảo Xướng, Lý Quách, Pháp Thượng, ngoài Tăng Hựu và Chúng kinh biệt học của một tác giả vô danh đời Lưu Tống. Như thế, đến thời họ, đặc biệt sau khi Dương Kiên đã thống nhất Trung Quốc và lập nên nhà Tùy, một loạt các kinh lục đã xuất hiện.

Do vậy, việc xếp Tạp thí dụ kinh như một dịch phẩm đời Hán chắc chắn đã có một lịch sử lâu dài, chứ không phải chỉ từ thời Tỉnh Mại trở đi.

Có khả năng Tỉnh Mại đã tiếp thu ý kiến của một số kinh lục trước. Dù tiếp thu hay tự nghiên cứu rồi kết luận về thời điểm đời Hán của Tạp thí dụ kinh, Tỉnh Mại đã không để lại lý do cho một xếp loại như thế. Tuy nhiên, ta ngày nay có thể đoán ra là ông phải dựa vào việc phân tích ngôn ngữ và tư tưởng của bản kinh để có kết luận trên. Cụ thể là việc sử dụng một số từ đặc thù dùng cho một thời kỳ nhất định trong lịch sử dịch thuật Trung Quốc. Thí dụ những cụm từ “phát vô thượng chánh chân đạo ý” (truyện 9,10,11,13), “ngũ ấm, lục suy, khổ, không, phi thân” (truyện 4), “vô thân chi quyết” (truyện 29) v.v... những phiên âm “a duy tam Phật” (truyện 8), “tát vân nhã” (truyện 18) v.v... những quan điểm “đời sau thọ phước thiên đường” (truyện 16), “năm giới mười lành... không phá mất, được cùng ở với Phật” (truyện 16) v.v... Thông qua những vết tích như thế, bất cứ một người nghiên cứu nào, chứ không nhất thiết là Tỉnh Mại, cũng có thể kết luận Tạp thí dụ kinh là một bản kinh thuộc về thời kỳ cổ dịch, tức thời kỳ Hán Ngụy.

Vấn đề niên đại của Tạp thí dụ kinh tự thân nó do đó không lôi cuốn chúng ta cho lắm. Điểm lôi cuốn nằm ở chỗ với một niên đại thuộc đời Hán như thế, nó cung cấp cho chúng ta những tín hiệu gì về bản thân nó? Về mặt ngôn ngữ, nó hiện chứa đựng một số cấu trúc ngữ học không được viết theo ngữ pháp Trung Quốc. Trái lại, chúng được viết theo ngữ pháp tiếng Việt. Nổi bật và điển hình nhất là cấu trúc “tượng Phật” của truyện 31 trong Tạp thí dụ kinh quyển hạ tờ 510a5. Cấu trúc này, các bản khắc đời Tống (1239), Nguyên (1290) và Minh (1601) có điều chỉnh lại thành “Phật tượng” theo đúng ngữ pháp tiếng Trung Quốc. Nhưng các bản khắc Cao Ly (1151 và sau đó) trước các bản khắc Trung Quốc hiện còn vẫn giữ nguyên cấu trúc cũ.

Cấu trúc cũ đó phải chăng là một khắc chép sai cần điều chỉnh, như các bản in Tống, Nguyên, Minh đã làm? Bình thường người ta sẽ nghĩ như thế, bởi vì Tạp thí dụ kinh là một bản văn tiếng Trung Quốc. Cho nên, nếu có những cấu trúc viết không đúng theo ngữ pháp tiếng Trung Quốc, chúng phải được xem như những sai lầm lệch lạc cần điều chỉnh lại cho đúng. Tuy nhiên, do hiện tượng Lục độ tập kinh có quá nhiều cấu trúc viết theo ngữ pháp tiếng Việt, ta không thể đơn giản coi những cấu trúc kiểu “tượng Phật” ở trên, tuy đơn độc, là những khắc chép sai của những người làm công tác khắc chép trong quá trình lưu truyền bản kinh. Ngược lại, phải đánh giá chúng như những chứng tích còn sót lại báo cho chúng ta biết việc từng tồn tại một thời một văn bản viết theo ngữ pháp của những cấu trúc đó.

Đúng là cấu trúc “tượng Phật” là cấu trúc duy nhất rõ ràng viết theo ngữ pháp tiếng Việt không thể nào chối cãi được, trong toàn bộ bản văn Tạp thí dụ kinh. Nó có vẻ đơn độc và dễ đưa ta đến nhận định nó là một lệch lạc, một khắc chép sai trong quá trình lưu truyền. Thực tế, nếu không có bản khắc Cao Ly, mà chỉ có các bản khắc Tống, Nguyên, Minh, ta ngày nay chắc chắn không thể có cấu trúc “tượng Phật” để bàn cãi, chứ khoan nói chi tới chuyện xác định xem Tạp thí dụ kinh xuất phát từ đâu? Tuy vậy, như đã nói, việc tồn tại một loạt các cấu trúc tiếng Việt trong Lục độ tập kinh buộc ta phải xem xét các cấu trúc có vẻ lệch lạc, đơn độc trên với một nhãn quan mới đầy trân trọng, nghiêm túc. Phải thừa nhận sự xuất hiện của chúng là có tính hệ thống và phản ảnh một hiện thực. Thế cấu trúc “tượng Phật” báo cho ta điều gì?

Thứ nhất, nó là một cấu trúc thuần túy theo ngữ pháp tiếng Việt, phản ảnh một phần nào hiện thực tiếng nói dân tộc ta cách đây trên 1800 năm vào thế kỷ thứ II. Thứ hai, nó giúp ta giả thiết, như trường hợp Lục độ tập kinh, là có sự tồn tại một nguyên bản tiếng Việt của Tạp thí dụ kinh làm bản đáy cho việc dịch lại bản Tạp thí dụ kinh tiếng Trung Quốc hiện còn. Thứ ba, người dịch có thể là một dịch giả Việt Nam. Cho nên, ngoài cấu trúc “tượng Phật” đây, ta thấy còn có một số cấu trúc khác mang dáng dấp ngữ pháp tiếng Việt. Cụ thể là câu “hành đạo trì trì” (tờ 508a17 truyện 22) và “sử ngã hậu thế nhiều tài bảo” (tờ 510a9 truyện 31).

Rõ ràng câu “hành đạo trì trì” với nghĩa tiếng Việt “đi đường chậm chậm”, phản ảnh cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt nhiều hơn tiếng Trung Quốc. Điểm lôi cuốn là câu này một lần nữa lại lấy từ đoạn thứ hai của bài thơ Cốc phong của Kinh Thi ở Mao thi chính nghĩa:

Hành đạo trì trì
Trung tâm hữu vi
Bất viễn y nghĩ
Bạc tống ngã kỳ

Vậy, cùng với dạng cú pháp trung tâm, dạng cú pháp hành đạo trì trì của Kinh Thi lại phản ảnh trong cú pháp tiếng Việt hiện đại. Không những thế, việc sử dụng những câu thơ của Kinh Thi vào trong các văn bản viết như thế này cho phép ta giả thiết người dịch Tạp thí dụ kinh có ít nhiều liên quan với Khương Tăng Hội. Có thể là Mâu Tử chăng? Ta hiện không thể trả lời dứt khoát được, bởi vì phong cách viết văn điển nhã của người Trung Quốc ngày xưa, đặc biệt là vào thời Hán và Tam Quốc trở đi thường giả định người viết sử dụng một ít câu của Kinh Thi trong bài văn mình. Tuy vậy, bút pháp này ít nhiều vẫn gợi cho ta y nghĩ Mâu Tử như là người chấp bút, đã dịch kinh Tạp thí dụ từ một bản tiếng Việt ra bản tiếng Hán.

Dạng cú pháp ấy cũng phản ảnh trong một số các câu khác như “sử ngã hậu thế nhiều tài bảo” nghĩa là “khiến ta đời sau nhiều của báu”. Đặc biệt việc dùng lượng từ “nhiều”, mà ngày nay đã trở thành một lượng từ tiêu chuẩn của tiếng Việt hiện đại. Lượng từ này không thấy xuất hiện trong các dịch phẩm của An Huyền v.v… nhưng lại có mặt trong các dịch phẩm của Chi Khiêm. Cụ thể là Soạn tập bách duyên kinh, và trong Lý hoặc luận điều 17 (Hoằng minh tập 1 ĐTK 2102 tờ 4b5) của Mâu Tử. Điều này chứng tỏ khả năng “nhiều” từ nguyên thủy là một lượng từ của tiếng Việt được sử dụng rộng rãi trong các vùng đất tổ tiên của người Việt bao gồm cả miền Nam của Trung Quốc phía dưới sông Dương Tử cho đến nước ta.

Chính việc sử dụng rộng rãi này mới tạo cơ hội cho việc xuất hiện khá thường xuyên của lượng từ ấy trong các tác và dịch phẩm thực hiện tại miền Nam Trung Quốc và nước ta vào giai đoạn đó. Điều thú vị là trong các tác và dịch phẩm của Khương Tăng Hội, lượng từ đó không thấy có mặt. Đây có thể do yêu cầu văn bản cũng như văn phong của Khương Tăng Hội. Nhưng cũng có thể từ khoảng năm 250 trở về sau quá trình Hán hóa xảy ra mạnh mẽ ở miền Nam Trung Quốc, nên đưa đến việc loại bỏ một số từ ngoại lai xâm nhập vào Hán ngữ. Dù với trường hợp nào đi nữa, việc vắng mặt lượng từ “nhiều” trong các tác dịch phẩm của Khương Tăng Hội là một sự thật cần quan tâm xử lý một cách thấu đáo nhằm đóng góp cho việc tìm hiểu quá trình tiến hóa của tiếng nói dân tộc ta mà giới hạn ở đây không cho phép làm ngay bây giờ.

Tất nhiên, với một bản kinh lưu hành trên quê người, mà còn bảo tồn cho ta một số cấu trúc mang tính ngữ pháp tiếng Việt như thế, thì đó là những đóng góp to lớn và quý giá. Tuy ít ỏi, chúng vẫn mang tính hệ thống, vì chúng xuất hiện trên một bối cảnh, trong đó những tác dịch phẩm khác cũng có những cấu trúc tương tự và được biết chắc chắn xuất phát từ đất nước ta như Lục độ tập kinh, Cựu tạp thí dụ kinh, Lý hoặc luận... Chính nhìn trên bối cảnh các tác dịch phẩm vừa nêu, mà những chứng tích như cấu trúc “tượng Phật” trên mới không tỏ ra rời rạc, lạc lõng giữa một biển toàn các cấu trúc tiếng Trung Quốc. Không những thế, không những không bị nhận chìm, mà qua gần 1000 năm tồn tại và luôn luôn có nguy cơ bị điều chỉnh theo ngữ pháp tiếng Hán, chúng vẫn bộc lộ một sức sống riêng, một nét đặc trưng đôi khi có vẻ huyền bí.

Chúng tôi nói “huyền bí”, vì những cấu trúc có tính ngoại lai ấy, tại sao các độc giả và nhà sao chép Trung Quốc không điều chỉnh lại? Tại sao chúng có thể tồn tại trong một biển các cấu trúc Trung Quốc? Dĩ nhiên quá trình điều chỉnh không phải đã không xảy ra. Và đây là một nguy cơ, mà các cấu trúc ngoại lai ấy phải thường xuyên đối phó. Ta đã thấy trường hợp “tượng Phật” ở trên. Nếu không có bản khắc Cao Ly, nguy cơ điều chỉnh đã trở thành hiện thực, và cấu trúc “tượng Phật” theo ngữ pháp tiếng Việt vĩnh viễn bị nhận chìm trong biển các cấu trúc Trung Quốc “Phật tượng”. Sự tồn tại các cấu trúc như “tượng Phật” do thế đôi khi có vẻ như một “mầu nhiệm”, một “huyền bí”. Dẫu sao đi nữa, dẫu huyền bí hay không, thì sự thật vẫn là việc tồn tại các cấu trúc như “tượng Phật”, và sự kiện ấy chứng tỏ Tạp thí dụ kinh đã từng một thời lưu hành ở nước ta và lưu hành vào một giai đoạn khá sớm trong lịch sử Phật giáo dân tộc ta, khoảng vào thế kỷ thứ II sau dương lịch.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/03/2020(Xem: 10827)
Những người Cơ đốc giáo thường đặt vấn đề: Thượng đế có phải là một con người hay không? Nếu Thượng đế không phải là một con người thì làm sao chúng ta có thể cầu nguyện? Đây là một vấn đề rất lớn trong Cơ đốc giáo. (God is a person or is not a person?)
23/03/2020(Xem: 12113)
Có một con sư tử mẹ đang đi kiếm ăn. Nó sắp làm mẹ. Buổi sáng đó nó chạy đuổi theo một chú nai. Chú nai con chạy thật nhanh dù sức yếu. Sư tử mẹ dầu mạnh, nhưng đang mang thai, nên khá chậm chạp. Sư tử mẹ chạy sau chú nai con rất lâu, khoảng 15 phút, mà vẫn chưa bắt kịp. Sau đó chúng tới một rãnh sâu. Chú nai lẹ làng nhảy qua rãnh, sang bờ bên kia. Sư tử mẹ rất bực tức vì không bắt kịp con mồi, và vì nó đang cần thức ăn cho cả nó và đứa con trong bụng. Vì thế, nó cố hết sức để nhảy qua cái rãnh sâu. Nhưng tai họa đã xảy ra, sư tử mẹ đã sẩy đứa con khi cố nhảy qua rãnh. Dầu qua được bờ bên kia, nhưng sư tử mẹ biết rằng mình đã đánh mất đứa con mà nó đã chờ đợi từ bao lâu, đã yêu thương hết lòng, chỉ vì một phút vô tâm của mình. Nó đã quên rằng nó đang mang một bào thai trong bụng, và nó cần phải hết sức cẩn trọng. Chỉ một phút lơ đễnh, nó đã không giữ được đứa con của mình.
01/03/2020(Xem: 13649)
Kinh Viên Giác là kinh đại thừa đốn giáo được Phật cho đó là “Con mắt của 12 bộ kinh”. “Con mắt” ở đây theo thiển ý có nghĩa là Viên Giác soi sáng nghĩa lý, là điểm tựa, là ngọn hải đăng cho các bộ kinh để đi đúng “chánh pháp nhãn tạng”, không lạc vào đường tà và tu thành Phật. Khi nghe kinh này, đại chúng kể cả chư Phật và chư Bồ Tát đều phải vào chánh định/tam muội, không bình thường như những pháp hội khác.
04/01/2020(Xem: 8417)
Bài viết nhan đề “Góp Ý Với Sư Cô Thích Nữ Thanh Tâm” của Cư sĩ Thiện Quả Đào Văn Bình trên mạng Thư Viện Hoa Sen hiển nhiên là nhiều thiện ý, đã đưa ra các nhận định mang tính xây dựng. Từ đó, tất nhiên có phản ứng, và những ý kiến trái nghịch được đưa ra. Trong mọi trường hợp, tất cả những dị kiến nên xem như chuyện bình thường.
04/01/2020(Xem: 9427)
Trong Ngũ Đăng Hội Nguyên có thiền truyện thuật lại cuộc hỏi đáp giữa Triệu Châu và Nam Tuyền: " Triệu Châu hỏi Nam Tuyền: 'Thế nào là đạo?' Nam Tuyền đáp : ‘Tâm bình thường là đạo’ (Bình Thường Tâm thị Đạo). _’Lại có thể nhằm tiến đến chăng?’ _ ‘Nghĩ nhằm tiến đến là trái’. _ ‘Khi chẳng nghĩ làm sao biết là đạo?’ _ ‘Đạo chẳng thuộc biết và chẳng biết. Biết là vọng giác, không biết là vô ký. Nếu thật đạt đạo thì chẳng nghi, ví như hư không rỗng rang đâu thể gắng nói phải quấy’. Ngay nơi lời này Triệu Châu ngộ lý, bèn đi thọ giới...." Vậy, thế nào là “Tâm Bình Thường”?
08/12/2019(Xem: 27596)
Kính lễ Phật Pháp Tăng là thể hiện niềm tin sâu xa của Tứ chúng đệ tử đức Phật mỗi ngày đối với Tam bảo. Đệ tử Phật dù tu tập chứng A-la-hán vẫn suốt đời nương tựa và kính lễ Phật Pháp Tăng không hề xao lãng. Các vị Bồ tát từ khi phát Bồ đề tâm, tu tập trải qua các địa vị từ Tín, Trú, Hạnh, Hướng, Địa cho đến Đẳng giác không phải chỉ nương tựa và kính lễ Phật Pháp Tăng một đời mà đời đời, kiếp kiếp đều nương tựa và kính lễ Phật Pháp Tăng. Nhờ sự nương tựa và kính lễ Phật Pháp Tăng như vậy, mà Bồ tát không rơi mất hay quên lãng tâm bồ đề, khiến nhập được vào cảnh giới Tịnh độ không thể nghĩ bàn của chư Phật, nhập vào thể tính bất sinh diệt cùng khắp của Pháp và nhập vào bản thể hòa hợp-thanh tịnh, sự lý dung thông vô ngại của Tăng.
08/12/2019(Xem: 29450)
Phật Giáo và Những Dòng Suy Tư (sách pdf)
22/11/2019(Xem: 26799)
Nam mô ADIĐÀ PHẬT , xin Thầy giải thích thắc mắc của con từ lâu : “ Nam mô Tam Châu Cảm Ứng Di Hộ Pháp Vi Đà Tôn Thiên Bồ Tát “: 1- Tại sao Tam Châu mà không là Tứ Châu ? 2- Hộ Pháp Vi Đà Tôn Thiên Bồ Tát có phải là Vị Bồ Tát đứng chung với Ngài Tiêu Diện BT ở bàn thờ trước hall mà khi chúng con mới vào chùa QDT dẫn đến và nói : cô chú khi mới vào chùa đến xá chào 2 Vị BT này ( check in ) trước khi ra về cũng đến xá chào ( check out).Xin Thầy nói về tiểu sử của 2 Vị BT ( 2 security officers) mà Phật đã bổ nhiệm xuống cho mỗi chùa .Xin mang ơn Thầy 🙏
08/11/2019(Xem: 15837)
Thanh Từ Thiền Sư, tuyên ngôn như thế, lời vàng đanh thép, lý tưởng cao siêu, muôn đời bất diệt. Phật Giáo Dân Tộc, đồng hành muôn thuở, tuy hai mà một, bền lòng sắc son, nẻo đạo thanh cao, đường đời rộng mở. Ông Dương Ngọc Dũng, mang danh tiến sĩ, học vị giáo sư, nói năng như khỉ, hành vị đáng khinh, giảng đường đại học, kỳ thị tôn giáo, nói xàm nói láo, xúc phạm Phật giáo, bôi nhọ Tăng Ni.
03/09/2019(Xem: 10248)
Hiện tình quốc tế và đất nước đang diễn biến dồn dập hơn bao giờ hết. Khi chính quyền các quốc gia và định chế quốc tế tỏ ra không đủ khả năng để ứng phó trước nguy cơ chiến tranh có thể bộc phát, thì một chủ đề đạo đức tôn giáo cần được thảo luận: Phật giáo có biện minh nào cho chính nghĩa trong cuộc chiến tương lai không?
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]