Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Giới Thiệu Cuộc Nghiên Cứu về Tái Sanh: “Rebirth in Early Buddhism & Current Research”

30/04/201817:54(Xem: 5494)
Giới Thiệu Cuộc Nghiên Cứu về Tái Sanh: “Rebirth in Early Buddhism & Current Research”


Rebirth_Nguyen Giac

Giới Thiệu Cuộc Nghiên Cứu về Tái Sanh:

“Rebirth in Early Buddhism & Current Research”

 

Nguyên Giác

 

Có nhiều câu hỏi về tái sanh thường được nêu ra đối với các Phật tử. Có tái sanh không? Nếu có, có thể nhớ chuyện kiếp trước không? Cái gì tái sanh? Có thân trung ấm hay không? Nếu có, có thể tu trong thân trung ấm hay không? Bên cạnh kinh điển Phật giáo, các nhà khoa học nói gì về tái sanh, và các nghiên cứu  đang tới đâu rồi?

Đã có nhiều nhà sư dựa vào Kinh Tạng để trả lời các câu hỏi trên, cũng như nhiều nhà khoa học đã khảo sát về một số trường hợp được hiểu là có tái sanh khi các thiếu niên nhớ lại ba mẹ kiếp trước. Tuy nhiên, nhiều ngờ vực vẫn không ngừng nêu ra, vì cơ duyên để phỏng vấn hay nghiên cứu các trường hợp lạ vẫn rất hiếm, hoặc bất toàn.

Trong các tác phẩm biên khảo về đề tài tái sanh, cuốn “Rebirth in Early Buddhism and Current Research” của Bhikkhu Analayo có một tầm quan trọng đặc biệt, cần có trong tủ sách các thư viện Phật giáo. Tác phẩm này do NXB Wisdom Publications phát hành trên Amazon ngày 24/4/2018, tức là mới vài ngày qua, chưa tới một tuần. Sách này có hai lời nói đầu. Lời đầu sách là của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Lời giới thiệu thứ nhì là của nhà sư Bhante Gunaratana.

Nhiều nhà nghiên cứu Phật học có theo dõi cuộc nghiên cứu của tác giả Bhikkhu Analayo đã đặt mua cuốn này từ một năm trước. Ít có tác phẩm biên khảo nào được chú ý như thế trong giới học Phật. Nơi đây xin nêu ý riêng: trân trọng mời gọi các học giả Việt Nam giỏi tiếng Anh (và sẽ có lợi thêm nếu biết một chút về các ngôn ngữ như tiếng Hán, Pali, Sanskrit)nên tìm mua tác phẩm này. Hãy vào Amazon.com và gõ nhóm chữ  “Bhikkhu Analayo” sẽ thấy sách này.

Tác phẩm viết bằng tiếng Anh, và vì sách mới ấn hành, nếu các nhà nghiên cứu trong GHPGVNmuốn dịch ra tiếng Việt có lẽ sẽ khó xin phép chuyển ngữ vô điều kiện, phần cũng vì sách này là một trong các quan tâm lớn của giới học Phật toàn cầu. Tuy nhiên, hãy suy nghĩ, chúng ta xây những tượng Phật lớn nhất Đông Nam Á, xây các ngôi chùa tốn kém hàng chục triệu đôla, trong khi nếu ký hợp đồng để xin dịch sách này sang tiếng Anh, cho cao nhất là vài ngàn đôla là cùng. GHPGVN nên quan tâm để xin dịch sang tiếng Việt các sách tương tự, để làm sách tham khảo cho các Phật học viện, có lợi hơn xây chùa vô cùng tận. Bởi vì Nhật Bản có rất nhiều chùa đẹp, nổi tiếng về kiến trúc quốc tế, cũng không ngăn nổi sự suy thoái của Phật giáo ở quốc gia này.

.


Bhikkhu_Analayo

Bhikkhu Anālayo


Trước tiên, để nói sơ lược về tác giả. Bhikkhu Anālayo là một nhà sư, một học giả, và là người dạy thiền. Ông sinh tại Đức năm 1962, xuất gia năm 1995 tại Sri Lanka, nổi tiếng với các công trình tỷ giảo về Kinh Văn Phật Giáo Sơ Thời (Early Buddhist Texts) được lưu giữ từ nhiều truyền thống Phật Giáo. Bhikkhu Anālayo ban đầu xuất gia tạm năm 1990 tại Thái Lan, sau một khóa thiền ở chùa Wat Suan Mokkh, tự viện thiết lập bởi nhà sư Thái Lan Ajahn Buddhadasa. Năm 1994, đại sư tới Sri Lanka, và năm 1995 thọ đại giới. Năm 2000, hoàn tất đề tài Tiến sĩ về Kinh Niệm Xứ (Satipatthana-sutta)tại đại học University of Peradeniya (ấn hành bởi NXB Windhorse tại Anh quốc). Trong năm 2007, đại sư hoàn tất một cuộc nghiên cứu bổ túc tại đại học University of Marburg, trong đó đại sư đối chiếu các kinh Trung Bộ trong Tạng Pali với các kinh tương tự trong tiếng Trung Hoa, tiếng Sanskrit, và tiếng Tây Tạng. Hiện nay đại sư là một thành viên của viện nghiên cứu Numata Center for Buddhist Studies (thuộc University of Hamburg) trong cương vị Giáo sư, và làm việc với cương vị nhà nghiên cứu tại đại học Dharma Drum Buddhist College tại Đài Loan. Ngoài thời giờ cho nghiên cứu, đại sư thường xuyên hướng dẫn các khóa thiền.

Bhikkhu Anālayo là nhà nghiên cứu có thẩm quyền về nhiều hệ kinh văn cổ. Hiện nay đang là nhà biên tập chính và là một trong các dịch giả cho bản dịch Anh văn đầu tiên từ bản tiếng Trung Hoa của Trung A Hàm [Madhyama-āgama (Taishō 26)], và đang thực hiện bản dịch tiếng Anh từ bản tiếng Trung Hoa của Tạp A Hàm [Saṃyukta-āgama (Taishō 99)]. Nhóm Kinh Tạp A Hàm là song song với nhóm Kinh Tương Ưng trong tiếng Pali.

Tới đây, xin nói về tác phẩm biên khảo “Rebirth in Early Buddhism & Current Research.” Trong tiếng Việt, có thể dịch là “Tái Sanh trong Phật Giáo Sơ Kỳ & Nghiên Cứu Hiện Nay.” Sách chia làm 4 phần. Chương đầu tiên khảo sát về lý thuyết tái sanh trong các nguồn kinh điển Phật Giáo xưa cổ nhất. Chương thứ nhì duyệt về các cuộc tranh luận về tái sanh trong lịch sử Phật Giáo và tới thời hiện đại, ghi nhận vai trò của sự thiên lệch khi đánh giá các chứng cớ. Chương thứ ba duyệt lại các nghiên cứu hiện nay về tái sanh, kể cả kinh nghiệm cận tử, ký ức về kiếp trước, và về trẻ em nhớ lại các kiếp trước; chương này bao gồm cả việc khảo sát năng lực xenoglossy, tức là khả năng nói các ngôn ngữ không hề học trong kiếp này. Chương 4 khảo sát trường hợp của Dhammaruwan, một cậu bé người Sri Lanka tụng đọc các kinh văn tiếng Pali mà cậu không hề học trong kiếp này. Tác phẩm chỉ khảo sát về các chứng cớ, và để độc giả tự kết luận.


Bhikkhu_Analayo-2

Sư Anālayo



Chương thứ 4, từ trang 119 tới trang 162, nhan đề là “Case Study in Pali Xenoglossy,” khảo sát về cậu bé Dhammaruwan ở Sri Lanka, trong đó khảo sát chia làm 4 phần: thứ nhất, viết tổng quát về trường hợp cậu bé đọc tụng kinh văn Pali mà chưa từng được học; thứ nhì là đối chiếu, đại sư yêu cầu cậu bé dọc 13 bản kinh Pali, trong đó có 3 kinh trong Trường Bộ Kinh, 5 kinh trong Tương Ưng Bộ Kinh, nhận ra rằng cậu bé đọc ra là văn khẩu truyền, trong khi chúng ta đọc Tạng Pali hiện nay là văn đã viết xuống giấy; thứ ba là tìm sai sót và dị bản, giữa kinh văn cậu bé đọc và kinh văn trên chữ viết hiện nay; thứ tư là xem những phần cậu bé đọc tụng thiếu sót những gì và có thêm hơn những gì, khi so với các kinh văn Pali hiện nay.

Ngắn gọn, tác phẩm nghiên cứu này cần cho các thư viện trong các Phật Học Viện.

Tới đây, xin dịch Lời nói đầu của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong tác phẩm “Rebirth in Early Buddhism & Current Research” của Bhikkhu Analayo. Bản Việt dịch của Nguyên Giác sẽ cố gắng dịch sát nghĩa, vì  Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng kể về các kinh nghiệm riêng, khảo sát riêng về tái sanh, kể cả một số trường hợp các nhà sư Phật giáo Tây Tạng khi còn thơ ấu đã nhớ về kiếp trước và tìm về tu viện cũ.

.

Lời nói đầu của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong sách này ở trang ix tới trang xi. Việt dịch như sau.

“Tôi đón mừng việc ấn hành sách này trong khảo sát về tái sanh, một khái niệm được hầu hết Phật tử chấp nhận rằng cuộc đời chúng ta không có khởi đầu và rằng chúng ta đi từ một đời này sang đời kế tiếp. Bởi vì Phật tử tất cả các truyền thống chấp nhận rằng kinh điển trong tiếng Pali là các bản văn sớm nhất ghi lời Đức Phật dạy, sự xác nhận của Bhikkhu Analayo rằng tái sanh được giải thích rõ ràng trong Kinh Pali qua văn mạch về duyên khởi và nghiệp là công trình giá trị. Tác giả cũng nêu bật các trường hợp thường được chấp nhận rằng có một điểm sinh động trong kinh nghiệm giác ngộ của Đức Phật là nhớ lại các kiếp trước của chính Đức Phật và [nhớ lại] kiếp của các người khác.

Dignaga, nhà luận sư Ấn Độ vĩ đại của thế kỷ thứ 5 và thứ 6, đã khảo sát tận tường khái niệm tái sanh. Vị này chỉ ra rằng khi chúng ta nói về các thứ vật chất, chúng ta phải khảo sát về các nguyên nhân chính yếu và các điều kiện cùng vận hành. Thí dụ, cơ thể vật chất của chúng ta là tổng hợp các vi hạt. Mỗi vi hạt có một nguyên nhân chính yếu, và chúng ta có thể, một cách lý thuyết, dò ngược tới trận nổ Big Bang và ngay cả xa hơn trước đó nữa. Do vậy, chúng ta kết luận rằng các vi hạt làm thành thế giới vật chất không có khởi đầu.

Y hệt như vật chất không có khởi đầu, thức cũng không có khởi đầu. Dignaga lý luận rằng nguyên nhân chính yếu của thức phải cùng bản chất như thức. Luận sư này khẳng định rằng, trong khi vật chất có thể tạo ra điều kiện cùng vận hành khi nói về các căn, não bộ và hệ thần kinh của chúng ta, vật chất không có thể là nguyên nhân chính yếu cho thức. Nguyên nhân chính yếu cho thức phải cùng bản chất như thức. Nói cách khác, từng khoảnh khắc của thức là theo sau một khoảnh khắc trước đó của thức; do vậy chúng ta nói rằng thức không có khởi đầu – và trên căn bản đó, chúng ta mô tả về lý thuyết tái sanh.


dalailama
Tôi chia sẻ mục tiêu của Bhikkhu Analayo khi tìm cách hiểu về những chuyện như chúng thực sự xảy ra, do vậy tôi hạnh phúc thấy rằng tác giả duyệt lại trong sách này các cuộc tranh luận về tái sanh trước khi nhìn vào các chứng cớ khác. Trong các cuộc thảo luận tôi tham dự với các nhà khoa học hiện đại trong hơn ba mươi năm qua, tôi ghi nhận sự chuyển biến từ giả thuyết ban đầu của họ rằng thức không vượt hơn một chức năng của não bộ sang tới  một xác nhận về neuroplasticity -- tạm dịch: chức năng tái phục hoạt của hệ thần kinh, xem chi tiết ở (1) –và công nhận rằng liên hệ giữa tâm và não bộ có thể tương thuộc nhiều hơn là trước kia họ nghĩ. Tôi cũng đã hỏi rằng, có phải hay không, khi một tinh trùng hoàn hảo gặp một trứng hoàn hảo trong một tử cung hoàn hảo, việc khai sinh ra một chúng sinh hữu thức sẽ tự động xảy ra. Các nhà khoa học nhìn nhận rằng không có chuyện đó, nhưng không có thể giải thích tại sao. Phật giáo giải thích rằng cần thêm một yếu tố để xem xét, đó là sự có mặt của thức.

Bhikkhu Analayo gợi chú ý về các phúc trình về các trẻ em nhớ kiếp trước. Chính tôi cũng đã gặp nhiều trẻ em như thế. Trong đầu thập niên 1980s, tôi gặp hai bé gái, một từ Patiala và một từ Kanpur ở Ấn Độ, cả hai đều nhớ rất rõ ràng về kiếp trước của họ. Một cách rõ ràng và một cách thuyết phục, hai bé gái nhận ra ba mẹ kiếp trước của họ, cũng như nơi cả hai đã sống trong kiếp trước. Mới gần đây, tôi gặp một bé trai, cậu này sinh ở Lhasa, Tây Tạng. Trước tiên, người ta mang cậu bé tới Dharamsala, nơi tôi cư ngụ, nhưng cậu bé cứ nói, “Tôi không đến từ nơi này; nơi của tôi là phía Nam Ấn Độ.” Sau đó, cậu dẫn ba mẹ cậu [kiếp này] tới tu viện Gaden Monastery (2), tìm ra căn nhà trước kia của cậu này, và chỉ vào căn phòng trước kia của cậu. Khi họ bước vào phòng, cậu bé nói, “Nếu nhìn vào trong cái hộp này, mọi người sẽ thấy cặp mắt kính của tôi,” và đúng là họ thấy như thế.

Một chuyện tương tự liên hệ tới cháu trai của một người bạn Tây Tạng sống ở Hoa Kỳ. Tôi đã công nhận cậu bé này là tái sanh của một lạt ma mà bạn tôi trước đó đã quen biết. Tuy nhiên, cha của cậu bé không muốn con trai mình được công nhận và tu học như một lạt ma tái sanh, và do vậy đưa cậu vào trường học đời thường. Người ông (nội/ngoại) của cậu bé kể với tôi rằng chính cậu bé tự kể về cậu, nói, “Đây không phải là nơi con nên ở. Con nên ở tại Ấn Độ, trong tu viện Drepung Loseling Monastery.” Sau cùng, người cha chấp nhận, và cho cậu bé vào tu viện.

Mẹ tôi thường nói với tôi rằng khi tôi còn nhỏ, tôi đã có ký ức rõ ràng về kiếp trước của tôi. Những ký ức đó mờ dần khi tôi lớn, và bây giờ tôi không có thể nhớ cả những gì đã xảy ra hôm qua. Khi tôi mới đây gặp một cậu bé tới từ Lhasa để vào tu viện của cậu, tôi hỏi cậu bé rằng có còn nhớ gì kiếp trước không, và cậu bé trả lời rằng không nhớ. Tôi hài lòng biết rằng bản thân tôi không phải là người duy nhất mà ký ức về kiếp trước tan biến.

Trường hợp mà Bhikkhu Analayo dẫn ra [trong sách này], một cậu bé có thể đọc tụng tiếng Pali từ một thời đại xa xưa, rằng cậu này không có cách nào gặp được ngôn ngữ [Pali xưa cổ] này trong cách nào khác, cũng phù hợp với kinh nghiệm của tôi. Tôi có nghe về những người có thể đọc tụng các bản văn và các bài kệ mà họ không hề học [trong kiếp này], và dĩ nhiên, có nhiều người có thể học thuộc các bản văn rất dễ dàng, như dường họ đã biết chúng. Như thế, họ có kiến thức từ các kiếp trước như dường là một giải thích phù hợp. Những chuyện như  thế đã xảy ra, nhưng tới giờ, khoa học chưa có giải thích về những gì xảy ra. Tuy nhiên, tôi biết nhiều nhà khoa học đang quan tâm về chuyện này.

Tôi đồng ý với Bhikkhu Analayo rằng mục đích của việc khảo sát ghi lại trên các trang giấy này không nhằm áp đặt một quan điểm đặc biệt, nhưng để cung cấp một cơ hội để hiểu rõ hơn dựa vào các phân tích và thảo luận. Nhiều người tiên đoán rằng thế kỷ 21 này sẽ là lúc chúng ta sẽ thực sự hiểu về cách não bộ hoạt động. Nếu đúng như thế, sẽ cần tới một lúc khi chúng ta cũng khai triển ra một hiểu biết tốt hơn về vận hành của tâm thức. Tôi tin rằng các trường hợp như thế sẽ chiếu sáng vào câu hỏi về tái sanh. Khoa học có thể chưa khám phá ra chứng cớ thuyết phục rằng tái sanh không có thể xảy ra. Trong thời gian này, tôi đề nghị các độc giả quan tâm hãy nhận lời dạy của Đức Phật khi Ngài thúc giục các vị sư theo Ngài  hãy khảo sát và điều tra những gì Ngài đã nói như một người thợ vàng thử nghiệm vàng bằng cách nung nóng, cắt ra, và chà xát nó. Hãy đọc các chứng cớ nơi đây, hãy suy nghĩ về chúng, cân nhắc chúng so với kinh nghiệm riêng của quý vị, và tự quyết định [về vấn đề này].

Ký tên: Đức Đạt Lai Lạt Ma.”

 

GHI CHÚ:

(1) Tự điển Oxford giải thích về neuroplasticity: Khả năng của não bộ để hình thành và tái tổ chức các nối kết giữa các tế bào não bộ, đặc biệt khi đáp ứng tới việc học hỏi, hay khi kinh nghiệm, hay sau khi bị thương tích. (The ability of the brain to form and reorganize synaptic connections, especially in response to learning or experience or following injury.)

(2) Gaden Monastery là một tu viện lớn của dòng Gelug tại thị trấn Karnataka, trong khu định cư Mundgod của người Tây Tạng lưu vong, tại Ấn Độ. Từ tu viện này, một đại học Phật giáo được thiết lập có tên là Gaden Jangtse Monastic College, trung bình thường có 2,000 học tăng nội trú.

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/01/2012(Xem: 4369)
Sự tái sinh có đúng là một sự tiếp nối liên tục của nhiều kiếp sống sinh học khác nhau hay là trái lại đấy chỉ là các thể dạng tâm thần khác nhau có thể (hay không có thể)...
25/10/2011(Xem: 4033)
Tự Tánh Di Đà: Tiểu bộ kinh Đi Đà định danh rất rõ về thể tánh của Đức A Di Đà: Vô Lượng Thọ - Vô Lượng Quang; Một đức Phật tín ngưỡng, tâm linh và pháp tánh, đương vi giáo chủ một cõi Tịnh lý tưởng cũng thuộc phạm vi tín ngưỡng...
31/08/2011(Xem: 8837)
Đối diện với cái chết trong một trạng thái an bình là một vấn đề khó. Theo ý nghĩa thông thường, dường như có hai cung cách để đối phó với rắc rối và khổ đau. Thứ nhất, đơn giản là cố gắng tránh rắc rối, đặt nó ngoài tâm thức chúng ta, mặc dù thực tế vấn đề vẫn ở đấy và không giảm thiểu. Một cung cách khác để đối phó với vấn đề này là nhìn một cách trực tiếp vào rắc rối và phân tích nó, làm cho nó quen thuộc với chúng ta và làm cho rõ ràng rằng nó là một phần trong đời sống của tất cả chúng ta... Chết là một phần của đời sống chúng ta. Cho dù chúng ta thích hay không, nó bắt buộc phải xảy ra. Thay vì tránh nghĩ về điều đó, chúng ta tốt hơn thấu hiểu ý nghĩa của nó.
22/08/2011(Xem: 5794)
Tất cả chúng ta đều ít nhiều ray rứt về vấn đề: làm thế nào để tìm thấy sự thanh thản trong lúc sống cũng như khi cái chết xảy đến? Chết là một hình thức của khổ đau, một thứ kinh nghiệm mà tất cả chúng ta đều tìm cách tránh né, thế nhưng sớm hay muộn thì cái chết cũng sẽ đến với mỗi người trong chúng ta... Cách mà chúng ta đang sống sẽ là một trong các nhân tố chính yếu có thể mang lại cho chúng ta sự thanh thản và điềm tĩnh trong giây phút lâm chung.
21/08/2011(Xem: 3405)
Rõ ràng, mình chính là vị cứu rỗi cho chính mình, chứ không hề có một năng lực nào khác nữa. Vậy thì, tại sao trong sinh hoạt của đạo Phật lại có mặt lễ cầu an và cầu siêu? Có phải điều đó đi trái lại với tinh thần đức Phật đã chỉ dạy? Có phải ta đang giao phó toàn bộ cuộc đời cho một đấng khuất mặt nào đó?
12/08/2011(Xem: 3551)
Hộ niệm là niệm Phật cầu nguyện cho một bệnh nhân khi nhận thấy thuốc chữa trị không còn tác dụng đối với người ấy nữa, khi mà người bệnh sắp qua đời. Sự nhất tâm của người trợ niệm cùng với công năng của sự niệm Phật sẽ gia hộ cho người bệnh sớm chấm dứt đoạn hành trình cuối cùng trong cuộc đời mình. Nhờ vậy, người bệnh sẽ được tự do, thanh thản và được vãng sanh về cảnh giới của chư Phật. Không có gì hạnh phúc hơn được sống và chết như thế.
03/08/2011(Xem: 12485)
Kinh Phạm Võng dạy rằng “Người Phật tử nếu lấy tâm từ mà làm việc phóng sinh thì thấy tất cả người nam đều là cha mình, tất cả người nữ đều là mẹ mình.
02/08/2011(Xem: 5903)
Dân làng An Bằng, Phú Vang (Thừa Thiên Huế) dành cả khu đất lớn xây những lăng mộ hoành tráng cho cả người chết lẫn người sống. Nơi đây được gọi ví von là 'thành phố tâm linh'.
31/07/2011(Xem: 5926)
Cái chết theo Tan-tra thừa là một quá trình tan biến tuần tự của thân xác vật chất và tâm thức, các hiện tượng tan biến này được phân loại thành nhiều cấp bậc...
19/07/2011(Xem: 4093)
Khi tôi ở trong trung hữu của sinh tới chết, tôi nguyện không uổng phí thời gian; Buông bỏ lười biếng, tôi nguyện chăm chú học, thấm nhập và thiền định về giáo pháp. Tôi nguyện thực hành thiền quán, hội nhập trên đạo lộ Hiện tướng và tâm. Liên Hoa Sinh . Tử thư Tây Tạng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]