Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

7. Đối với người bệnh ở giai đoạn cuối

08/02/201708:11(Xem: 3828)
7. Đối với người bệnh ở giai đoạn cuối

THIỀN QUÁN
VỀ SỐNG VÀ CHẾT
Cẩm Nang Hướng Dẫn Thực Hành
The Zen of
Living and Dying
A Practical and Spiritual Guide
Nguyên tác Anh ngữ:
Đại Sư Philip Kapleau
Việt dịch:
HT.Thích Như Điển
TT. Thích Nguyên Tạng
Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc
Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu
Ấn Hành 2017


 

 

 

Phần  7     
VỚI NGƯỜI BỆNH THỜI KỲ CUỐI

Việt dịch: 
TT. Thích Nguyên Tạng

Tiểu mục:
7. Đối với người bệnh ở giai đoạn cuối 
- Giá trị của sự sám hối
- Giữ tâm trí trong sáng
- Hãy thở để loại trừ lo sợ
- Tâm trí vào lúc chết
- Suy ngẫm về sự chết
- Thiền quán dành cho người hấp hối 

 

 

 

Khi một người nằm chết
người đó không chết chỉ vì căn bệnh
Người đó chết vì cả cuộc đời của mình.
*Lời của Charles Peguy

 

 

Trong khi thắc mắc một căn bệnh đe dọa mạng sống, điều quan trọng là bạn cần giữ mối liên hệ với người thân và bạn bè. Ít nhất bạn cũng nên có một người của mình. Những mối liên hệ nồng ấm và bền vững như vậy giúp bạn tránh cảm giác cô đơn vốn mạnh mẽ vào lúc này và giúp thiết lập bầu không khí thích hợp, dù bạn ở nhà, ở bệnh viện hay viện dưỡng lão.

 

Giá Trị của Sám Hối



Qua sự sám hối, bạn có thể trút bỏ được những cảm giác tội lỗi trong tâm trí của mình vốn thường mạnh mẽ xuất hiện trong lúc này, bớt lo sợ và tìm thấy sự an tĩnh của tâm trí. Hãy cố gắng tụng bài kệ Sám Hối sau đây:

 

"Con xưa đã tạo bao ác nghiệp
Đều bởi vô thỉ tham sân si

Từ thân, miệng, ý mà sanh ra

Tất cả con nay xin sám hối".

 

(All evil actions committed by me
Since time immemorial,
Stemming from greed, anger, and ignorance,
Arising from body, speech, and mind
I now repent having committed).

 

Sám hối không phải chỉ là một lối biểu lộ sự ân hận về những tội lỗi quá khứ. Nếu thành tâm sám hối thì đó là một cách giải trừ mãi mãi những mặc cảm tội lỗi trong tâm. Tuy nhiên, không phải chỉ tụng một lần là dẹp được những cảm giác tội lỗi. Bài kệ này nên được tụng nhiều lần. Một câu cách ngôn của Do Thái đã nói lên ý này: "Chỉ cần hối hận trong ngày cuối cùng của đời mình, nhưng vì không biết ngày đó là ngày nào nên phải hối hận mỗi ngày" (You have only to repent the last day of your life, and since you don't know what day that is, you must repent evey day).

 

Giữ Tâm Trí Trong Sáng

 

Nếu bị đau đớn nhiều, bạn nên xin bác sĩ hay y tá cho loại thuốc giảm đau nào không làm cho bạn bất tỉnh hay bán bất tỉnh. Những người nào không quen dùng thuốc và nhạy cảm với thuốc nên cảnh giác với những loại thuốc mạnh, đặc biệt là thuốc chống đau mà phần lớn có chứa nha phiến. Những loại thuốc như vậy có thể đưa tới sự ngừng thở hay có ảnh hưởng tới tình trạng tâm trí của người dùng. Bệnh nhân không nên ngại hỏi y tá là loại thuốc chống đau mình sắp dùng có gây ra phản ứng xấu hay không. Thân nhân có thể hỏi giùm người bệnh về điều này. Trong đa số bệnh viện ở Mỹ, thuốc chữa làm cho tâm trí người bệnh không có ý thức gì về sự chết. Muốn giảm đau thì phải dùng thuốc, nhưng những loại thuốc ngủ, thuốc an thần, và thuốc chống đau mạnh cũng được dùng để làm cho bệnh nhân yên tĩnh, vì vậy hãy cố gắng tránh những loại thuốc đó.

 

Thở Để Giải Trừ Lo Sợ

 

Nếu thấy lo sợ, phép thở sau đây có thể mang lại sự dễ chịu, đặc biệt là khi bạn cũng thực hành đều đặn những phép thở được mô tả trong cuốn "Thiền Quán cho Người Hấp Hối" (Meditations for the Dying Person).

 

Một cách hiệu quả để ngừng lo sợ là thở ba hơi thở dài và sâu, buông lỏng với mỗi hơi thở, và tập trung tâm trí vào hơi thở. Trong khi thở, vươn bụng và để cho nó lên xuống với mỗi hơi thở ra vô. Có thể nhắm mắt hay mở mắt.

 

Tâm Trí Vào Lúc Trút Hơi Thở Cuối Cùng

 

Trạng thái tâm trí của bạn vào lúc trút hơi thở cuối cùng là điều quan trọng, vì hướng đi và sự nhập thể của sinh lực trong tương lai tùy thuộc điều này. Chỉ với một tâm trí có kỷ luật và được sửa soạn về tâm linh thì bạn mới có thể hy vọng chống lại sự lôi kéo của những thói quen tham muốn và bám giữ cũ khi năng lượng cuối cùng của mình tiêu tan. Những xung lực ý nghĩ, cảm giác, và nhận thức tụ lại với nhau trong hơi thở cuối cùng này thật mạnh mẽ và có thể cản trở sự đạt những mức tâm thức cao và cả sự giác ngộ.

 

Tín Tâm Minh



Để sửa soạn bản thân cho giờ phút cuối cùng, bạn nên đọc hay nhờ người khác đọc một bài kinh hay một bài cầu nguyện. Trong số đó, "Tín Tâm Minh" (Verses on the Faith Mind) là một bài văn vần hiệu quả nhất cho việc giải thoát tâm trí khỏi sự trói buộc đầy đau khổ của sinh và tử. Bài này chứa đựng trí tuệ của tất cả các đấng giác ngộ và được viết bởi Thiền Sư Tăng Xán (Seng Tsan), vị Tổ Thứ Ba của Thiền Tông:

 

"Đạo hoàn hảo như bầu trời
Không thừa không thiếu
Giác ngộ là vượt lên trên
Cả không lẫn sắc
Tất cả những sự biến đổi trong thế gian trống không này
Vì vô minh mà có vẻ như thật.

Đạo lớn thì không giới hạn,
Không dễ không khó
Chỉ cần buông bỏ tâm chấp thủ
Là sẽ thấy tính chất thật của vạn vật
Trong chân tâm không có gì đi hay ở.

 

Tìm tâm lớn với tâm phàm
Là sai lầm lớn
Nếu tâm không phân biệt
Thì mọi vật sẽ như thật và là một
Khi tất cả được nhìn với tâm bình đẳng
Chúng ta trở về với Tự Tánh của mình.

Khi nhất tâm nhập vào Đạo
Mọi ý tưởng ngã chấp sẽ không còn
Nghi ngờ và mê muội sẽ tan biến
Chánh tín sẽ hòa nhập vào đời sống
Không có gì bám vào mình
Và không có gì bị bỏ lại
Trong cõi chân không này
Mình và người đều không còn.

Đạo thì vượt không gian và thời gian
Khoảng khắc là vạn năm
Không chỉ ở đây, không chỉ ở đó
Chân lý ở ngay trước mắt
Một là tất cả, tất cả là một
Biết như vậy thì mọi sự sẽ trọn vẹn.

 

Khi niềm tin và tâm trí không phân cách
Thì không phân cách tâm trí và niềm tin
Điều này vượt lên trên lời lẽ và ý tưởng
Vì ở đây không có hôm qua
không có ngày mai
không có hôm nay
".


################################
(tham khảo thêm bản dịch Tín Tâm Minh của HT Thanh Từ:
  Chí đạo không khó,
  Chỉ hiềm chọn lựa.
  Nhưng chớ yêu ghét,
  Rỗng suốt sáng tỏ.


  Mảy may vừa sai,
  Đất trời xa cách.
  Muốn được hiện tiền,
  Chớ còn thuận nghịch.


  Trái thuận tranh nhau,
  Đó là tâm bệnh.
  Chẳng rõ ý huyền,
  Nhọc công niệm tĩnh.


  Tròn đồng thái hư,
  Không thiếu không dư.
  Bởi do lấy bỏ,
  Vì thế chẳng như.


  Chớ theo duyên có,
  Đừng trụ không nhẫn.
  Một lòng bằng phẳng,
  Lặng yên tự sạch.


  Ngăn động về tĩnh,
  Hết ngăn càng động.
  Chỉ kẹt hai bên,
  Đâu biết một thứ.


  Một thứ chẳng thông,
  Hai chỗ mất công.
  Dẹp có mất có,
  Theo không trái không.


  Nói nhiều nghĩ nhiều,
  Càng chẳng tương ưng.
  Bặt nói bặt nghĩ,
  Chỗ nào chẳng thông.


  Về nguồn được chỉ,
  Theo chiếu mất tông.
  Phút giây soi lại,
  Hơn không trước đấy.


  Không trước chuyển biến,
  Đều do vọng kiến.
  Chẳng cần cầu chân,
  Chỉ nên dứt kiến.

  Hai kiến chẳng trụ,
  Dè dặt đuổi tìm.
  Vừa có phải quấy,
  Lăng xăng mất tâm.


  Hai do một có,
  Một cũng chớ giữ.
  Một tâm chẳng sanh,
  Muôn pháp không lỗi.

 


  Không lỗi không pháp,
  Chẳng sanh “chẳng” tâm.
  Năng tùy cảnh diệt,
  Cảnh theo năng chìm.


  Cảnh do năng cảnh,
  Năng do cảnh năng.
  Muốn biết hai đoạn,
  Nguyên là một không.


  Một không đồng hai,
  Gồm cả muôn tượng.
  Chẳng thấy tinh thô,
  Đâu có nghiêng lệch.


  Đạo lớn thể rộng,
  Không dễ không khó.
  Tiểu kiến hồ nghi,
  Càng gấp càng chậm.


  Chấp đó mất chừng,
  Hẳn vào đường tà.
  Buông đó tự nhiên,
  Thể không đi ở.


  Tùy tánh hợp đạo,
  Thong dong tuyệt não.
  Buộc niệm trái chân,
  Hôn trầm chẳng tốt.


  Chẳng tốt nhọc thần,
  Đâu dùng sơ thân.
  Muốn đến nhất thừa,
  Chớ ghét sáu trần.


  Sáu trần chẳng ghét,
  Lại đồng Chánh giác.
  Người trí vô vi,
  Kẻ ngu tự cột.


  Pháp không pháp khác,
  Vọng tự đắm mắc.
  Đem tâm dụng tâm,
  Há chẳng lầm to!

  Mê sanh tịch loạn,
  Ngộ không tốt xấu.
  Tất cả hai bên,
  Bởi do châm chước.


  Mộng huyễn không hoa,
  Nhọc chi nắm bắt.
  Được mất phải quấy,
  Một lúc buông hết.


  Mắt nếu chẳng ngủ,
  Các mộng tự trừ.
  Tâm nếu chẳng khác,
  Muôn pháp nhất như.


  Nhất như thể huyền,
  Ngây ngất quên duyên.
  Muôn pháp đồng quán,
  Trả về tự nhiên.


  Sạch hết lý do,
  Chẳng thể so sánh.
  Dừng động không động,
  Động dừng không dừng.


  Hai đã chẳng thành,
  Một làm sao có?

   Rốt ráo cùng tột,
  Chẳng còn khuôn phép.


  Hợp tâm bình đẳng,
  Việc làm đều dứt.
  Hết sạch nghi ngờ,
  Thẳng ngay chánh tín.


  Tất cả chẳng giữ,
  Không thể ghi nhớ.
  Rỗng sáng tự soi,
  Chẳng nhọc tâm lực.


  Chẳng phải chỗ suy,
  Thức tình khó lường.
  Chân như pháp giới,
  Không người không ta.


  Muốn gấp khế hợp,
  Chỉ nói không hai.
  Chẳng hai đều đồng,
  Bao gồm hết thảy.


  Bậc trí mười phương,
  Đều vào tông này.
  Tông chẳng ngắn dài,
  Một niệm muôn năm.

  Không đây chẳng đây,
  Mười phương trước mắt.
  Rất nhỏ đồng lớn,
  Quên bặt cảnh giới.


  Rất lớn đồng nhỏ,
  Chẳng thấy mé bờ.
  Có tức là không,
  Không tức là có.


  Nếu chẳng như thế,
  Hẳn chẳng cần giữ.
  Một tức tất cả,
  Tất cả tức một.


  Chỉ hay như thế,
  Lo gì chẳng xong.
  Tin tâm chẳng hai,
  Chẳng hai tin tâm.


  Dứt đường nói năng,
  Chẳng phải xưa nay.

 

 

 

###############################

tham khảo bản dịch của Cư Sĩ Trúc Thiên

Chí đạo vô nan

Duy hiềm giản trạch

Đản mạc tắng ái

Đổng nhiên minh bạch

Đạo lớn chẳng gì khó

Cốt đừng chọn lựa thôi

Quí hồ không thương ghét

Thì tự nhiên sáng ngời

Hào li hữu sai

Thiên địa huyền cách

Dục đắc hiện tiền

Mạc tồn thuận nghịch

Sai lạc nửa đường tơ

Đất trời liền phân cách

Chớ nghĩ chuyện ngược xuôi

Thì hiện liền trước mắt

Vi thuận tương tranh

Thị vi tâm bịnh

Bất thức huyền chỉ

Đồ lao niệm tịnh

Đem thuận nghịch chỏi nhau

Đó chính là tâm bịnh

Chẳng nắm được mối huyền

Hoài công lo niệm tịnh

Viên đồng thái hư

Vô khiếm vô dư

Lương do thủ xả

Sở dĩ bất như

Tròn đầy tợ thái hư

Không thiếu cũng không dư

Bởi mảng lo giữ bỏ nên chẳng được như như

Mạc trục hữu duyên

Vật trụ không nhẫn

Nhứt chủng bình hoài

Dẫn nhiên tự tận

Ngoài chớ đuổi duyên trần

Trong đừng ghì không nhẫn

Cứ một mực bình tâm

Thì tự nhiên dứt tận

Chỉ động qui tịnh

Chỉ cách di động

Duy trệ lưỡng biên

Ninh tri nhứt chủng

Ngăn động mà cầu tịnh

Hết ngăn lại động thêm

Càng trệ ở hai bên

Thà rõ đâu là mối

Nhứt chủng bất thông

Lưỡng xứ thất công

Khiển hữu một hữu

Tòng không bối không

Đầu mối chẳng rõ thông

Hai đầu luống uổng công

Đuổi có liền mất có

Theo không lại phụ không

Đa ngôn đa lự

Chuyển bất tương ưng

Tuyệt ngôn tuyệt lự

Vô xứ bất thông

Nói nhiều thêm lo quẩn

Loanh quanh mãi chẳng xong

Dứt lời dứt lo quẩn

đâu đâu chẳng suốt thông

Qui căn đắc chỉ

Tùy chiếu thất tông

Tu du phản chiếu

Thắng khước tiền không

Trở về nguồn nắm mối

Dõi theo ngọn mất tông

Phút giây soi ngược lại

Trước mắt vượt cảnh không

Tiền không chuyển biến

Giai do vọng kiến

Bất dụng cầu chơn

Duy tu tức kiến

Cảnh không trò thiên diễn

Thảy đều do vọng kiến

Cứ gì phải cầu chơn

Chỉ cần dứt sở kiến

Nhị kiến bất trụ

Thận vật truy tầm

Tài hữu thị phi

Phân nhiên thất tâm

Hai bên đừng ghé mắt

Cẩn thận chớ đuổi tầm

Phải trái vừa vướng mắc

Là nghiền đốt mất tâm

Nhị do nhứt hữu

Nhứt diệc mạc thủ

Nhứt tâm bất sanh

Vạn pháp vô cữu

Hai do một mà có

Một rồi cũng buông bỏ

Một tâm ví chẳng sanh

Muôn pháp tội gì đó

Vô cữu vô pháp

Vất sanh bất tâm

Năng tùy cảnh diệt

Cảnh trục năng trầm

Không tội thì không pháp

Chẳng sanh thì chẳng tâm

Tâm theo cảnh mà bặt

Cảnh theo tâm mà chìm

Cảnh do năng cảnh

Năng do cảnh năng

Dục tri lưỡng đoạn

Nguyên thị nhứt không

Tâm là tâm của cảnh

Cảnh là cảnh của tâm

Ví biết hai đằng dứt

Rốt cùng chỉ một không

Nhứt không đồng lưỡng

Tề hàm vạn tượng

Bất kiến tinh thô

Ninh hữu thiên đảng

Một không, hai mà một

Bao gồm hết muôn sai

Chẳng thấy trong thấy đục

Lấy gì mà lệch sai

Đại đạo thể khoan

Vô dị vô nan

Tiểu kiến hồ nghi

Chuyển cấp chuyển trì

Đạo lớn thể khoan dung

Không dễ mà chẳng khó

Kẻ tiểu kiến lừng khừng

Gấp theo và chậm bỏ

Chấp chi thất độ

Tâm nhập tà lộ

Phóng chi tự nhiên

Thể vô khứ trụ

Chấp giữ là nghiêng lệch

Dấn tâm vào nẻo tà

Cứ tự nhiên buông hết

Bổn thể chẳng lại qua

Nhiệm tánh hiệp đạo

Tiêu dao tuyệt não

Hệ niệm quai chơn

Trầm hôn bất hảo

Thuận tánh là hiệp đạo

Tiêu dao dứt phiền não

Càng nghĩ càng trói thêm

Lẽ đạo chìm mê ảo

Bất hảo lao thần

Hà dụng sơ thân

Dục thú nhứt thặng

Vật ố lục trần

Mê ảo nhọc tinh thần

Tính gì việc sơ thân

Muốn thẳng đường nhứt thặng

Đừng chán ghét sáu trần

Lục trần bất ác

Hoàn đồng chánh giác

Trí giả vô vi

Ngu nhơn tự phược

Sáu trần có xấu chi

Vẫn chung về giác đấy

Bậc trí giữ vô vi

Người ngu tự buộc lấy

Pháp vô dị pháp

Vọng tự ái trước

Tương tâm dụng tâm

Khởi phi đại thác

Pháp pháp chẳng khác

Do ái trước sanh lầm

Há chẳng là quấy lắm

Sai tâm đi bắt tâm

Mê sanh tịch loạn

Ngộ vô hiếu ố

Nhứt thiết nhị biên

Vọng tự châm chước

Mê sanh động sanh yên

Ngộ hết thương hết ghét

Nhứt thiết việc hai bên

Đều do vọng châm chước

Mộng huyễn không hoa

Hà lao bả tróc

Đắc thất thị phi

Nhứt thời phóng khước

Mơ mộng hão không hoa

Khéo nhọc lòng đuổi bắt

Chuyện thua được thị phi

Một lần buông bỏ quách

Nhãn nhược bất thụy

Chư mộng tự trừ

Tâm nhược bất dị

Vạn pháp nhứt như

Mắt ví không mê ngủ

Mộng mộng đều tự trừ

Tâm tâm ví chẳng khác

Thì muôn pháp nhứt như

Nhứt như thể huyền

ngột nhĩ vọng duyên

vạn pháp tề quán

qui phục tự nhiên

Nhứt như vốn thể huyền

Bằn bặt không mảy duyên

Cần quán chung như vậy

Muôn pháp về tự nhiên

Dẫn kỳ sở dĩ

Bất khả phương tỉ

Chỉ động vô động

Động chỉ vô chỉ

Đừng hỏi vì sao cả

Thì hết chuyện sai ngoa

Ngăn động chưa là tịnh

Động ngăn khác tịnh xa

Lưỡng ký bất thành

Nhứt hà hữu nhĩ

Cứu cánh cùng cực

Bất tồn qui tắc

Cái hai đà chẳng được

Cái một lấy chi mà...

Rốt ráo đến cùng cực

Chẳng còn mảy qui tắc

Khế tâm bình đẳng

Sở tác câu tức

Hồ nghi tận tịnh

Chánh tín điều trực

Bình đẳng hiệp đạo tâm

Im bặt niềm tạo tác

Niềm nghi hoặc lắng dứt

Lòng tin hòa lẽ trực

Nhứt thiết bất lưu

Vô khả ký ức

Hư minh tự nhiên

Bất lao tâm lực

Mảy bụi cũng chẳng lưu

Lấy gì mà ký ức

Bổn thể vốn hư minh

Tự nhiên nào nhọc sức

Phi tư lượng xứ

Thức tình nan trắc

Chơn như pháp giới

Vô tha vô tự

Trí nào suy lượng được

Thức nào cân nhắc ra

Cảnh chơn như pháp giới

Không người cũng không ta

Yếu cấp tương ưng

Duy ngôn bất nhị

Bất nhị giai đồng

Vô bất bao dong

Cần nhứt hãy tương ưng

Cùng lẽ đạo bất nhị

Bất nhị mà hòa đồng

Không gì chẳng bao dong

Thập phương trí giả

Giai nhập thử tông

Tông phi xúc diên

Nhứt niệm vạn niên

Mười phương hàng trí giả

Chung về nhập một tông

Tông này vốn tự tại

Khoảnh khắc là vạn niên

Vô tại bất tại

Thập phương mục tiền

Cực tiểu đồng loại

Vong tuyệt cảnh giới

Dầu có không không có

Mười phương trước mắt liền

Cực nhỏ là cực lớn

Đồng nhau, bặt cảnh duyên

Cực đại đồng tiểu

Bất kiến biên biểu

Hữu tức thị vô

Vô tức thị hữu

Cực lớn là cực nhỏ

Đồng nhau, chẳng giới biên

Cái có là cái không

Cái không là cái có

Nhược bất như thị

Tất bất tu thủ

Nhứt tức nhứt thiết

Nhứt thiết tức nhứt

Ví chưa được vậy chăng

Quyết đừng nên nấn ná

Một tức là tất cả

Tất cả tức là một

Đản năng như thị

Hà lự bất tất

Tín Tâm bất nhị

Bất nhị Tín Tâm

Quí hồ được vậy thôi

Lo gì chẳng xong tất

Tín Tâm chẳng phải hai

Chẳng phải hai Tâm Tín

Ngôn ngữ đạo đoạn

Phi cổ lai trâm.

Lời nói làm đạo dứt

Chẳng kim cổ vị lai.

TS TĂNG XÁN

TRÚC THIÊN dịch

 

 

 

############################################


Sửa soạn bản thân bằng "Tín Tâm Minh" có nghĩa là suy ngẫm về những câu này mỗi ngày và cố gắng cảm nhận ý nghĩa nội tại của nó với trực giác của mình. Khi rơi vào hôn mê lúc chết, tri thức sẽ ngừng hoạt động, vì vậy nếu những chân lý của bài này đã thấm nhập vào lớp sâu nhất của tâm trí thì chúng sẽ là một sự hướng dẫn.

 

Những lời cầu nguyện theo Thánh Kinh

 

Nếu bạn cảm thấy dễ chịu hơn với một lời cầu nguyện trực tiếp với Thượng Đế hay Thiên Chúa, hãy học hay nhờ người khác đọc cho mình bài Thi Thiên 23 trong Kinh Cựu Ước hoặc bài cầu nguyện sau đây:

 

"Các giác quan đã không còn giúp được chúng con, mà lại còn hướng dẫn sai lầm chúng con, khi chúng tìm hiểu những thực tế của đời sống và ý nghĩa sâu xa của đời sống".

 

Xin Thiên Chúa dạy cho chúng con tin vào lời của trái tim vốn cố gắng giành giựt lại con mồi của sự chết chóc.

Làm cho nội tâm của chúng con sắc sảo để chúng con có thể biết về chính mình.

Để thấy nội tâm trong chính mình vốn ở ngoài tầm tay của sự chết.

Xin ban cho chúng con trực giác để nhận ra sự phức tạp của con người chúng con, cái tự thân trong cùng đó, trong khi thể xác chỉ là công cụ và biểu tượng bên ngoài.

Và trí tuệ để hiểu rằng, giống như nhịp điệu lâu bền hơn tiếng đàn và ý nghĩa lâu bền hơn chữ viết, linh hồn cũng lâu bền hơn thể xác".

 

Thi Thiên 23 (The Twenty-third Psalm)

"Chúa Trời là đấng chăn dắt con đi,

Con sẽ không thiếu thốn gì

Ngài cho con nằm nghỉ trên đồng cỏ xanh tươi

Ngài dắt con tới bên hồ nước an tĩnh
Ngài hồi phục linh hồn con

Ngài dắt đi con đi trên những con đường công chính

Nhân danh Ngài
Dù đi qua thung lũng

Bóng tối của thần chết
Con sẽ không sợ hãi điều xấu nào
Vì Ngài ở cùng con
Cây gậy và cây trượng của Ngài,
An ủi con
Ngài dọn một cái bàn cho con
Trước mặt kẻ địch của con

Ngài xức dầu lên đầu con
Chén của con tràn đầy.
Chắc chắn hạnh phúc sẽ theo con
Suốt cuộc đời của con
Và con sẽ ngụ trong nhà của Chúa Trời
Mãi mãi".

 

Suy Ngẫm Về Sự Chết



Khi tâm trí của bạn trong sáng và bạn tương đối không đau đớn, hãy suy ngẫm về những gì các vị Thầy giác ngộ tâm linh đã dạy về việc sửa soạn cho sự chết. Hãy hiểu rằng cũng như bạn đã sinh ra ở thế gian này vào lúc nghiệp lực quy định, bạn cũng sẽ chết khi nghiệp của bạn quy định. Bạn đã trải qua những vùng tối này nhiều lần, dù có thể bạn không nhớ, và đã trải qua nhiều cuộc tái sinh rồi. Khi phải đơn độc đi vào vương quốc của chết chóc với những nghiệp tốt và nghiệp xấu của mình, không có lý do gì để bạn run sợ. Các đấng giác ngộ trong tất cả các cõi của sự sống đang đợi để hướng dẫn bạn. Các vị sẽ không bỏ rơi bạn. Các Ngài không có mục đích nào khác hơn là giải thoát bạn khỏi sự đau khổ của luân hồi sinh tử.

 

 

Các Đấng Giác Ngộ Vĩ Đại Là Ai?

 

 

Các đấng đã giác ngộ trọn vẹn này là ai và tại sao bạn nên tin tưởng các Ngài? Các Ngài là những đấng cao cả do đã giác ngộ viên mãn có năng lực biểu lộ sự hoàn hảo và lòng từ bi của mình. Các vị là những người đã đạt quyền năng tâm linh hoàn hảo và có tâm thức dung thông cả vũ trụ vô biên.

 

Chúng ta đều có những chủng tử từ bi lớn, nhưng nếu không có ánh sáng trí tuệ và nước từ bi của các đấng giác ngộ, những chủng tử này sẽ không bao giờ nẩy mầm. Hay dùng lối ví von khác, giống như một cái máy thu thanh được vặn tới một băng tần đặc biệt có thể nhận được những chương trình phát thanh ở cách xa hàng ngàn dặm, chúng ta có thể nhận được sự giúp đỡ của các đấng giác ngộ nếu biết mở rộng bản thân với tâm từ bi của các vị. Đây là nền móng của mối liên hệ giữa các đấng giác ngộ và những người bình thường. Nhưng đây không phải là sự truyền thông bình thường mà là sự cảm thông với tất cả tâm linh mà lời nói và ý tưởng không thể diễn tả được.

 

Đây không phải là sự truyền thông giống như giữa người sống và người chết. Việc nhận được sự hỗ trợ của các đấng giác ngộ không có nghĩa là được một thực thể đã chết, hay một vong linh, nhập vào thể xác của mình, nói và hành động qua thể xác này để hướng dẫn mình và người khác. Sự kiện vong linh nhập xác này không ăn nhằm gì tới cõi tâm linh đích thực.

 

Vậy chúng ta mở rộng bản thân để đón nhận sự từ bi của các đấng giác ngộ như thế nào? Bằng cách tin vào sự hiện hữu của các Ngài, bằng cách nắm lấy bàn tay chìa ra cho chúng ta. Nếu chúng ta không kêu cầu thì các Ngài không nghe thấy chúng ta, như William James đã nói: "Tất cả các tôn giáo đều bắt đầu với tiếng kêu ‘Cứu tôi với!’".


Điều này có khó chấp nhận hay không? Bạn hãy tự hỏi: "Điều gì xảy ra với lực tâm thức độc nhất của các vị Phật và các vị Chúa sau khi thể xác của các vị tan rã?". Khoa học nói rằng không có năng lực nào mất đi, vì vậy những phẩm tính mà các vị thể hiện, hay tâm từ bi lớn, vẫn còn hiện hữu cho chúng ta.

 

Những sự thật của đời sống thì phức tạp và bao quát hơn là chúng ta có thể tưởng tượng. Các tôn giáo Đông Phương và một số nhà khoa học hàng đầu khẳng định rằng thế giới vật chất là một ảo ảnh được tạo bởi những giác quan hữu hạn của chúng ta, những giác quan này cho chúng ta thấy một hình ảnh không trọn vẹn, và do đó giả dối về tính chất thật của thực tại.

 

Như đã nói, mỗi người chúng ta không chỉ là một phần của vũ trụ mà còn là toàn thể. Vậy, niềm tin của chúng ta là: Chúng ta có thể giác ngộ về sự toàn vẹn nguyên thủy của chính mình. (Our faith, then, is this: That we can awaken to our intrinsic wholeness).

 

 

Thiền Quán Dành Cho Người Hấp Hối


Bác sĩ Derek Doyle, giám đốc bệnh xá St. Columbus ở Anh Quốc, nói: "Chết có thể là điều đáng sợ. Nhưng chính sự chết trong 99.9 phần trăm bệnh nhân thì lại rất an tĩnh và rất đẹp, tới mức không ngờ. Sự căng thẳng trên khuôn mặt không còn nữa, hơi thở nặng nhọc trở nên dễ dàng, sự chịu đựng đau khổ vốn cần có nhiều can đảm của một số người bây giờ trở nên nhẹ nhàng hơn. Nhiều đau khổ có vẻ đã tan biến, nhưng sự sống vẫn tiếp tục. Trong ngày cuối cùng hay vài giờ cuối cùng đó, bệnh nhân thực sự có vẻ hạnh phúc và thảnh thơi".

 

Đây có thể là trường hợp của đa số bệnh nhân lúc gần lúc chết, nhưng trong lúc hấp hối có những bệnh nhân căng thẳng và xao động. Có lẽ đây là sự kiện mà Bác Sĩ Soyles muốn nói tới khi ông nói chết có thể là điều đáng sợ.

 

Pháp quán hơi thở để làm cho tâm trí an tĩnh

 

Khi thân thể và tâm trí không tích cực hoạt động nữa, những ý nghĩ tán loạn sẽ phát sinh. Để làm cho thân tâm an tĩnh, tạo cảm giác thảnh thơi và cả an lạc nữa, chúng ta có phép quán hơi thở, đếm những hơi thở vô và những hơi thở ra, hoặc chỉ đếm hơi thở ra. Từ thời xưa, đếm hơi thở đã được các vị Đạo sư xem là phép căn bản của việc tu luyện thân tâm. Như vậy hơi thở là lực hợp nhất cơ thể và tâm trí, và cung cấp sự kết nối giữa ý thức và tiềm thức, giữa những chức năng hữu ý và những chức năng tự động. Có thể nói hơi thở là sự biểu hiện trọn vẹn nhất của tất cả sự sống. Khi được hỏi: "Đời người dài hay ngắn?". Đức Phật trả lời: "Bằng khoảng cách giữa một hơi thở vô và hơi thở ra". Có thể nói mỗi hơi thở ra là một sự chết; mỗi hơi thở vô là một sự tái sinh. (Each exhalation is a dying, each inhalation is a rebirth).

 

Phép quán hơi thở được thực hành như sau: "Nằm ngửa với hai đầu gối hơi nhô cao, hai bàn chân và lưng đặt phẳng, và một cái gối đặt ở dưới hai đầu gối. Chấp nhẹ hai bàn tay, hoặc đặt bàn tay lên nhau ở trên bụng. Nếu như vậy không dễ chịu, đặt hai bàn tay xuống hai bên. Hít vào một hơi, giữ nó một lát rồi chậm chậm thở ra. Làm như vậy một hay hai lần rồi thở tự nhiên.

 

Khi thở vô nhẹ nhàng, đếm "một", và khi thở ra nhẹ nhàng, đếm "hai", và tiếp tục như vậy cho tới "mười". Rồi trở về "một" và lập lại. Nếu đếm lộn hay đi quá "mười" thì ngay khi biết như vậy, hãy trở lại "một" và tiếp tục tới "mười", và hãy đếm chậm. Nếu ở một mình, bạn có thể đếm lớn tiếng; nếu có người khác, hãy đếm thầm.

 

Một cách đếm hơi thở khác là chỉ đếm hơi thở ra. Khi thở ra, hãy cảm thấy trạng thái tâm thảnh thơi và những ý nghĩ tiêu cực của mình tan biến mất.

 

Phép quán tưởng

 

Một phép quán ích lợi khác có thể thực hành ở thế nằm hoặc thế ngồi là tưởng tượng cam lộ chậm chậm đi xuống qua cổ họng, phổi, tim và những bộ phận quan trọng khác của cơ thể. Khi cam lộ đi qua mỗi cơ quan, hãy cảm thấy cơ quan đó được buông lỏng, được thanh lọc và được làm cho tươi nhuận. Cùng lúc đó quán tưởng mình ấm áp một cách dễ chịu và mạnh khỏe.

 

Để giúp thêm cho việc an tĩnh tâm trí, hãy cố gắng quán tưởng khuôn mặt thanh tịnh hoan hỷ của Đức Phật hay một vị Bồ Tát như Quán Âm Bồ Tát (nếu bạn là Phật tử); Đức Chúa hay một vị Thánh hoặc Đức Bà Maria (nếu bạn là tín đồ Thiên Chúa Giáo); Đức Krisna (nếu bạn là người Ấn Giáo). Những người nào theo một tôn giáo không cho phép quán tưởng, hay những người không chính thức thuộc một tôn giáo nào, có thể thấy một vật, một bức tranh, hay một bản nhạc, làm cho tâm trí của mình an tĩnh. Hay có thể một bài cầu nguyện nào đó. Nếu cảm xúc sân hận đối với một người nào đó xuất hiện trong tâm, hãy tưởng tượng mình ôm người đó và phóng ra những ý nghĩ từ bi về phía người đó. Việc này có thể khó, nhưng nếu bạn làm một cách thành tâm thì việc khó này cũng dần dần trở nên dễ.

 

Những phép quán này không chỉ dành cho người hấp hối. Đừng đợi cho tới khi mình ngã bệnh nặng rồi mới thực tập. Hãy thực tập ngay từ bây giờ, mỗi ngày trong khoảng nửa giờ, và bạn sẽ thấy những phép quán này không chỉ làm cho thân thể dễ chịu hay tâm trí an tĩnh mà còn chuyển hóa được con người của bạn, làm cho bạn dễ sống với mình và với người khác hơn.

 

Hãy ôm cái chết của mình

 

Hãy suy ngẫm về những lời nói này của Thiền Sư Bassui (Nhật Bản, thế kỷ thứ 14):

 

"Chân tâm là vô sinh bất tử, không có, không không, không sắc tướng, mà cũng không vô sắc tướng. Nó cũng không phải là cái gì có những cảm giác vui buồn. Dù muốn biết bao nhiêu bằng lý trí cái bây giờ đang bị bệnh cũng không thể biết được. Nhưng nếu không nghĩ gì, không ước điều gì, không muốn hiểu cái gì, không bám giữ vật gì, mà chỉ tự hỏi “Chân tâm của kẻ đang chịu đau khổ này là cái gì ?" trong khi chấm dứt cuộc đời của mình như mây tan trên bầu trời thì sẽ thoát khỏi sự trói buộc đau đớn vào biến dịch bất tận".

 

Vậy, bạn hãy tưởng tượng mình tan biến chậm, rất chậm, cho tới khi mình nghĩ nhớ mỗi lúc mỗi ít hơn. Bây giờ hãy để cho cảm giác thư thái, an tĩnh chiếm ngự, không gấp rút mà phải chậm chậm.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/09/2018(Xem: 6758)
Chương trước quan tâm chính yếu với hai chướng ngại đến một sự thực tập chính đáng khi lâm chung – đau khổ tràn ngập và những hiện tướng sai lầm làm sinh khởi tham luyến, thù oán, hay rối rắm. Trong khi tìm cách để tránh hai chướng ngại này, ta cũng cần phát sinh những thái độ đạo đức bằng việc nhớ lại sự thực tập của chúng ta. Khi không còn hy vọng gì được nữa cho kiêp sống này, khi các bác sĩ đã buông tay, khi những nghi lễ tôn giáo không còn hiệu quả nữa, và khi ngay cả những người bạn và người thân của ta từ trong đáy lòng đã không còn hy vọng, thì ta phải làm những gì có ích. Ngay khi ta có chánh niệm, thì ta phải làm bất cứ điều gì ta có thể giữ tâm thức chúng ta trong một cung cách đạo đức.
25/08/2018(Xem: 4961)
Nhập viện cấp cứu, giáo sư Mỹ ‘rời thân xác’ và có trải nghiệm cận tử phi thường, Những trải nghiệm về địa ngục kinh hoàng và thiên đường tuyệt diệu trong giây phút cận kề cái chết đã khiến vị giáo sư người Mỹ, từ một người vô thần đã hoàn toàn bị thuyết phục bởi Đức tin về sự hiện diện của Đấng Toàn năng. Trải nghiệm cận tử đã khiến cuộc đời ông thay đổi mãi mãi… Ngày định mệnh Giáo sư Howard Storm dạy môn Nghệ thuật tại ĐH Northern Kentucky (Mỹ) từng là người rất vô thần. Theo ông, bất cứ thứ gì không thể nhìn thấy, sờ được, hay cảm nhận bằng năm giác quan đều không hề tồn tại. Ông tin chắc rằng thế giới vật chất bề mặt này đã bao hàm tất cả và không gì có thể tồn tại bên ngoài phạm vi của khoa học.
15/08/2018(Xem: 11995)
REBIRTH VIEWS IN THE ŚŪRAṄGAMA SŪTRA (Fifth Edition) Dr. Bhikkhunī Giới Hương Hồng Đức House – 2018 [Xem ấn bản tiếng Việt: Luân Hồi Trong Lăng Kính Lăng Nghiêm]
10/06/2018(Xem: 5294)
TỰ TỬ - CĂN BỆNH THỜI ĐẠI Vừa mới nghe tin nhà thiết kế người Mỹ nổi tiếng là Kate Spade 55 tuổi tự tử bằng cách treo cổ ở New York vào sáng ngày 5-6 vẫn còn chưa hết ngỡ ngàng, thì tiếp theo ngày 6-6 có tin em gái Hoàng hậu Maxima của Hà lan là cô Ines Zarraeguicta 33 tuổi người xứ Argentina cũng vừa tự tử bằng cách thức tương tự, đến ngày 8-6 lại có một nhân vật khác vô cùng nổi tiếng, đầy cá tính mạnh mẽ là đầu bếp Anthony Bourdain 61 tuổi cũng vừa tìm đến cái chết bi thương như vậy. Sự bất quá tam với những tin tức trong mấy ngày qua đã mang lại nhiều nỗi bàng hoàng, tiếc thương và đầy cảm xúc cho thân phận một con người. Không chỉ vậy mà đây còn là những con người thông minh, tài giỏi được cuộc đời ưu đãi với nhiều danh vọng, vật chất dư thừa nhưng vẫn mang trong lòng những nỗi buồn chán, không niềm vui, hạnh phúc phải tìm đến cái chết để tự kết liễu đời mình.
02/05/2018(Xem: 6654)
Kiếp sống của mỗi con người sinh ra ở thế giới Ta Bà này, dùthọ mạng dài hay ngắn,nhìn chung có thểphân chia làm nhiều giai đoạn. Giai đoạn nào cũng nhiều phấn đấu, tranh đua, lo âu vàphiền não. Ngoại trừ thời gian mới lọt lòng Mẹ, đứa béchưa biết suy nghĩ, chưa biết phán đoán. Chỉ cười khóc theo bản năng đòi hỏi của cơ thể, và em bé thườngđược Cha Mẹ đáp ứng đầy đủ.
30/04/2018(Xem: 4938)
Giới Thiệu Cuộc Nghiên Cứuvề Tái Sanh: “Rebirth in Early Buddhism & Current Research” Nguyên Giác, Có nhiều câu hỏi về tái sanh thường được nêu ra đối với các Phật tử. Có tái sanh không? Nếu có, có thể nhớ chuyện kiếp trước không? Cái gì tái sanh? Có thân trung ấm hay không? Nếu có, có thể tu trong thân trung ấm hay không? Bên cạnh kinh điển Phật giáo, các nhà khoa học nói gì về tái sanh, và các nghiên cứu đang tới đâu rồi? Đã có nhiều nhà sư dựa vào Kinh Tạng để trả lời các câu hỏi trên, cũng như nhiều nhà khoa học đã khảo sát về một số trường hợp được hiểu là có tái sanh khi các thiếu niên nhớ lại ba mẹ kiếp trước. Tuy nhiên, nhiều ngờ vực vẫn không ngừng nêu ra, vì cơ duyên để phỏng vấn hay nghiên cứu các trường hợp lạ vẫn rất hiếm, hoặc bất toàn.
15/03/2018(Xem: 14651)
Nhẫn nại là 10 pháp hành Ba la mật cho các vị Bồ Tát có ý nguyện trở thành Phật Toàn Giác, Phật Độc Giác hoặc Phật Thinh Văn Giác. Những pháp hành đó là : 1- Bố thí 2- Trì giới 3- Xuất gia 4- Trí tuệ 5- Tinh tấn 6- NHẪN NẠI 7- Chân thật 8- Quyết tâm 9- Từ bi 10- Tâm xả
06/12/2017(Xem: 8659)
Dưới đây là một bài giảng ngắn của Lạt-ma Denys Rinpoché, một nhà sư người Pháp. Ông sinh năm 1949, tu tập theo Phật giáo Tây Tạng từ lúc còn trẻ, vị Thầy chính thức của ông là nhà sư nổi tiếng Kalu Rinpoché (1905-1989), ngoài ra ông còn được thụ giáo thêm với rất nhiều vị Thầy lỗi lạc khác như Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV, Dudjom Rinpoché, Kangyr Rinpoché, Pawo Rinpoché X, Dilgo Khyentsé Rinpoché, Karmapa XVI, v.v. Hiện ông trụ trì một ngôi chùa Tây Tạng tại Pháp và cũng là chủ tịch danh dự của Tổng hội Phật giáo Âu Châu.
05/12/2017(Xem: 6580)
Cái Chết Không Phải Là Sự Chấm Dứt. Tác giả: Tulku Thondup Rinpoche , TT Thích Nguyên Tạng dịch
21/11/2017(Xem: 9351)
Đọc dịch phẩm”Thiền học về sống và chết” của Thiền Sư Philip Kapleau Do Hòa Thượng Phương Trượng Thích Như Điển và Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng dịch từ Anh Văn sang Việt ngữ. Thích Chúc Hiếu
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567