Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

6. Tự tử và an tử (chết nhẹ nhàng)

08/02/201708:08(Xem: 25924)
6. Tự tử và an tử (chết nhẹ nhàng)
 
 

THIỀN QUÁN
VỀ SỐNG VÀ CHẾT
Cẩm Nang Hướng Dẫn Thực Hành
The Zen of
Living and Dying
A Practical and Spiritual Guide

Nguyên tác Anh ngữ:
Đại Sư Philip Kapleau
Việt dịch:
HT.Thích Như Điển
TT. Thích Nguyên Tạng

Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc
Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu
Ấn Hành 2017


Phần 6
TỰ TỬ VÀ CHẾT NHẸ NHÀNG
Việt dịch: 
TT. Thích Nguyên Tạng

 


Tự tử  và "chết nhẹ nhàng", là hai phương diện "khó khăn" của sự chết. Tự tử có vẻ đã trở nên phổ biến trong giới thiếu niên và người già. "Chết nhẹ nhàng" đã trở thành đề tài nghiên cứu nghiêm túc, khi những tiến bộ kỹ thuật cho phép người bị bệnh nặng kéo dài sự sống trong những điều kiện, mà họ khó sống một cách bình thường. Trong báo chí có rất nhiều bài nói về những người già bị bệnh thời kỳ cuối, họ đau đớn và sợ sự mất năng lực hoàn toàn phải được người khác chăm sóc, hay chán ngán với đời sống hạn chế trong một thể xác và tâm trí suy thoái nên đã quyết định "bỏ lại tất cả" (leave it all behind), có khi với sự giúp đỡ của những người khác.

 

Có những người tự tử để phản đối một điều bất công nào đó và những người hy sinh mạng sống của mình vì lợi ích của người khác.

 

Tự tử

 

Tự tử được định nghĩa là "cố ý giết chính mình" (the intentional taking of one own life). Trong tự tử thường có một mức độ cao sự vị kỷ. Tự giết mình thường là sự biểu lộ của tức giận, kết quả của ý muốn làm cho người khác ân hận vì đã không làm gì để ngăn cản vụ tự tử, hoặc đã gây ra vụ tự tử. Hành động tự hủy diệt là hành vi thách thức cao nhất của người tự tử, một hành vi tượng trưng sự khinh thường xã hội, cái xã hội mà cùng lúc người đó buộc tội là đã thiếu trách nhiệm đối với mình chứ không phải mình thiếu bổn phận đối với xã hội. Người ta nhận thấy nhiều người tự tử đã có những ý tưởng trái ngược về việc chấm dứt mạng sống của mình, họ muốn nói lên một điều gì qua việc tự tử của mình hơn là tìm sự thành công trong việc tự tử.

 

Cũng có một loại chết được gọi là "tự tử không hẳn cố ý" (sudintentional suicede). Một thí dụ là những người liều mạng với những tình trạng nguy hiểm như lạm dụng những chất kích thích hay có thói quen lái xe với tốc độ cao một cách liều lĩnh. Cái chết không hẳn cố ý là cái chết mà ở trong đó con người đóng vai trò một phần, kín đáo trong tiềm thức hay vô thức trong việc đẩy nhanh cái chết của mình. Việc này cũng có tính chất vị kỷ.

 

Tất nhiên, không phải tất cả những người tự tử đều có động lực vị kỷ. Một người như vậy là Thiền sư Yamamoto. Vào lúc viên tịch, Ngài Trụ trì một tu viện lớn, và ở tuổi chín mươi sáu, Ngài như hoàn toàn mù và điếc. Ngài nói với mọi người rằng đã tới lúc Ngài ra đi, và sẽ quy tịch vào đầu năm tới. Rồi Ngài tuyệt thực. Các đệ tử nói với Ngài rằng, đầu năm mới là thời gian bận rộn nhất của tu viện, nên nếu Ngài ra đi vào thời điểm đó thì sẽ không thuận lợi. Ngài nói "ta hiểu". Rồi Ngài ăn uống trở lại cho tới đầu mùa Hè, Ngài lại tuyệt thực, và một hôm Ngài lặng lẽ qua đời.

 

Điều đáng ghi nhận là vị Thầy này chỉ tuyệt thực. Người ta có thể nói rằng Ngài đã không làm gì để kéo dài mạng sống của mình, nhưng Ngài không tự giết mình một cách hung bạo. Đúng hơn, cái chết của Ngài là một sự buông bỏ. Không có sự tự ái hay sự tủi thân, không có gia đình để lại đằng sau để than khóc, chỉ có sự nhận biết là mình không còn hữu dụng nữa và đã tới lúc ra đi.

 

Một bác sĩ bạn của tôi chuyên về ung thư nói với tôi: "Ở bệnh viện những bệnh nhân cao tuổi bị bệnh lâu ngày thường bảo với tôi rằng, hãy cho họ một cái gì để chấm dứt sự khốn khổ của họ. Tôi nói với họ là tôi không có cái gì cả; tất cả những gì họ cần là không ăn uống nữa. Những bệnh nhân này chỉ muốn một người nào cho họ lối thoát dễ dàng và chịu trách nhiệm về đời sống và cái chết của họ".

 

Người bình thường muốn chết vì đã chịu nhiều đau khổ về tinh thần hay thể xác và không muốn chịu thêm nữa. Điều này dễ hiểu, không ai muốn chịu đau khổ một cách không cần thiết. Mặt khác, theo các chuyên gia về sự đau đớn thể xác thì trong thời đại này không ai cần phải chịu đau đơn vì một căn bệnh nào đó, vì việc chẩn bệnh và kỹ thuật kiểm soát đau đớn đã tiến bộ hơn trước.

 

Sự đau khổ về tinh thần và thể xác cũng có tiềm năng mang lại sự chuyển hóa tâm linh đáng kể. Thêm nữa, thái độ chịu đựng sự đau đớn của một bệnh nhân có thể có ảnh hưởng tinh thần tới những người chăm sóc bệnh nhân đó. Có nhiều chuyện về những người bệnh nặng hay bị thương nặng mà vẫn có quan điểm tích cực và thực tiễn về đời sống và không nghĩ tới việc tự tử. Magdalena Cintron, sáu mươi chín tuổi, được tiếng là người vui vẻ, tử tế và rộng rãi, dù đang bị đau liên tục vì tê liệt. Bà đã sống trong một căn phòng ở một bệnh viện ở Rockester, New York, trong bốn năm:

 

"Bà không thể rời phòng, dù chỉ để đi lễ nhà thờ của bệnh viên, vì bà phải dùng ống thở suốt ngày. Bà cũng gần như hoàn toàn tê liệt, chỉ có thể nhún vai một chút và nhích chân một chút. Mọi việc tắm rửa, xoay người lại và thay quần áo của bà đều do các y tá làm một cách cẩn thận để ống thở không bị sút ra. Bàn tay và bàn chân của bà được bó lại để tránh bị đụng chạm khi bà được di chuyển.

 

Vậy mà khi được hỏi, Magdalena Cintron nói rằng bà không bao giờ nghĩ tới việc bảo người ta tắt máy thở cho mình. Bà nói “không! vì như vậy tôi không thể thở được”. Và bà hơi ngạc nhiên vì câu hỏi. Bà nói thêm "Tôi đã phần nào quen dùng máy thở rồi". Giọng của bà khàn và khó nghe vì đang đeo ống thở".

 

Nếu người nào muốn tự chấm dứt mạng sống của mình vì lý do không vị kỷ, tức là không muốn mình là gánh nặng về tài chánh và cảm xúc cho gia đình cũng như bạn bè vì căn bệnh không thể chữa được của mình thì tất nhiên nghiệp quả của việc tự tử của người đó sẽ giảm thiểu.

 

Tự tử và niềm tin tôn giáo

 

Những tín ngưỡng khác nhau đã có nhiều quan điểm khác nhau về tự tử, từ khuyến khích tự tử cho tới chống lại việc tự tử một cách mạnh mẽ. Có những nền văn minh mà ở đó khi một người qua đời, vợ hay người hầu được xem là phải tự tử, chết theo chồng hay chủ của mình; như trong Ấn Độ Giáo, người vợ phải nhảy vào giàn hỏa của người chồng quá cố. Thánh Augustine của Thiên Chúa Giáo cho rằng tự tử với bất cứ lý do gì đều là tội lỗi, vì tự tử là một hành động loại trừ khả năng cải hối và là một hình thức sát nhân, và do đó vi phạm lời răn "không được giết người", không thể biện minh bằng một ngoại lệ nào. Phái Tin Lành Chính Thống cũng nói rằng sự bác bỏ thuyết địa ngục của phái này làm cho việc buộc tội tự tử mạnh mẽ hơn và số phận tương lai của con người tự tử tối tăm hơn. Do Thái cũng ngăn cấm tự tử.

Phật Giáo cũng mạnh mẽ phản đối tự tử, lý do chính là chỉ với thân tâm con người thì người ta mới có thể đạt được giác ngộ, giải trừ vô minh vốn là nguồn gốc của đau khổ. Đức Phật nói: "Một tu sĩ bảo người ta từ bỏ cuộc đời đầy đau khổ và tội lỗi này, chết là tốt hơn, như vậy người tu sĩ đó là kẻ giết người". Phật Giáo dạy rằng người tự tử không tránh được những sự đau khổ vốn là quả xấu của những ác nghiệp quá khứ và cũng không thể hưởng nhanh hơn những thiện nghiệp của mình.

 

Học giả nổi tiếng quốc tế Ananda K. Coomaraswamy viết: "Sự kiện Phật Giáo mạnh mẽ phản đối tự tử là có lý do chính đáng, đó là cần phải có một cái gì mạnh hơn một liều thuốc độc để hủy diệt ảo tưởng về cái "ta" và cái "của ta". Để thành tựu việc này cần phải nỗ lực không mỏi mệt của một ý chí mạnh mẽ".

 

Điều quan trọng ở đây là phân biệt giáo lý của một tôn giáo với sự vi phạm giáo lý của những tín đồ hiểu lầm những giáo lý đó. Đúng là những tu sĩ Phật Giáo không hiểu biết hay phiền não đã tự giết mình. Những tín độ của các tôn giáo lớn khác, đặc biệt là Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo, cũng đã hy sinh mạng sống của mình cho những gì mà họ xem là lý do tôn giáo vững chắc.

 

Chết nhẹ nhàng

 

"Chết nhẹ nhàng", trong tiếng Hy Lạp là Euthanasia, có nghĩa là "chết không đau, hạnh phúc" (painless, happy death) và còn có nghĩa là "hành động làm chết một cách không đau cho một người đang chịu một căn bệnh, đau đớn và trong tình trạng không thể chữa trị được". Từ ngữ này được dùng càng ngày càng nhiều như chữ đồng nghĩa với "giết ân huệ" (mercy killing). Việc này có thể là một hành động sẽ làm sự sống chấm dứt, ví dụ như tháo bỏ ống thực phẩm của một bệnh nhân hôn mê hay ống thở của một bệnh nhân không tự thở được. Việc này cũng có thể là một  sự "không hành động", tức là không hồi sinh một người bị trụy tim hay ngừng thở. Hay có thể là việc giết không đau trẻ sơ sinh không có tay chân hay bị dị dạng nặng.

 

Có những người tin rằng có sự khác biệt về đạo đức giữa sự chết nhẹ nhàng chủ động (tháo bỏ ống thực phẩm khỏi một người hôn mê) và chết nhẹ nhàng thụ động (ví dụ như không làm phương pháp hồi sinh một bệnh nhân thời kỳ cuối bị trụy tim). Theo tôi hiểu thì chết nhẹ nhàng thụ động đã trở nên được chấp nhận tổng quát một cách hợp pháp, tức là quyền căn bản của bệnh nhân được chọn lựa về đạo đức, trong trường hợp này là từ chối việc điều trị duy trì sự sống: "Hồi sinh tim phổi, giải phẩu, kháng sinh và cả thực phẩm và nước uống, có thể cho ngừng lại. Các bệnh việc thường cho phép những bệnh nhân trưởng thành có năng lực tâm trí từ chối việc điều trị duy trì sự sống, ví dụ như hóa trị". Việc thực phẩm và nước có thể được bỏ cũng trở nên được chấp nhân rộng rãi, dù ở một số tiểu bang của Hoa Kỳ, việc bỏ những sự điều trị khác phải xảy ra trước, và phải có chỉ thị bằng văn bản rõ ràng về việc bỏ thực phẩm và nước.

 

Video tư liệu về an tử quyền:

https://www.youtube.com/watch?v=hCRpuTRA7-g

 

 

Việc tháo bỏ ống thực phẩm từ một người hôn mê, đã có nhiều trường hợp chính thức trong đó những quyết định hợp pháp đã cho phép việc này. Đa số thẩm phán quyết định trong một trường hợp ở tòa án Massachusetts tháo bỏ ống thực phẩm khỏi một người hôn mê nghĩ rằng ống thực phẩm quá "cồng kềnh", nói rằng tiến bộ y học cần phải có sự phân biệt giữa cái chết theo ý niệm truyền thống và cái chết mà ở trong đó thể xác sống theo một lối nào đó nhưng bộ óc (hay một phần quan trọng của bộ óc) thì không.

 

Vậy theo nghĩa thuần túy luật pháp thì không có trường hợp nào trong những trường hợp này là sát nhân, dù nghiệp quả là một chuyện khác. Mặt khác, có những trường hợp người bệnh tuyệt vọng với sự sống của mình và vì lời yêu cầu "tháo bỏ" của họ bị từ chối bởi nhân viên bệnh viện hay một thẩm phán, họ tiếp tục sống và sau đó đã biết ơn vì mình còn sống và mạnh khỏe. Sau đây là một trường hợp như vậy:

 

"Jacqueline Cole, 44 tuổi, đã nói với chồng của mình là Mục Sư Harry Cole: "Em muốn tháo bỏ".

 

Mùa Xuân vừa qua bà Cole bị xuất huyết não và rơi vào hôn mê. Chồng bà đợi bà tỉnh lại trong bốn mươi mốt ngày rồi yêu cầu Thẩm Phán John Carroll Byrnes thuộc tiểu bang Maryland ra lệnh cho các bác sĩ để cho người hôn mê này chết nhẹ nhàng. Thẩm phán Byrnes không chấp thuận và nói rằng lúc này còn quá sớm để thôi hy vọng.

 

Sáu ngày sau Jacqueline Cole tỉnh lại, cười và đáp lại chồng mình một nụ hôn vui vẻ. Vị Mục Sư hạnh phúc nói: "Phép lạ có thể xảy ra và thực sự đã xảy ra. Tôi nghĩ là chúng ta đã gây rắc rối thêm cho vấn đề quyền được chết của người bệnh". (Tạp chí Time, 1986).

 

Tuy nhiên, chuyện này có thể cũng đưa tới " sự độc đoán của những chuyện riêng khác". Nếu chúng ta quyết định theo những trường hợp cùng cực như vậy sẽ rất khó để  phân tích những vấn đề này. Thứ nhất, không có ý kiến nào của y học về trạng thái tâm thức nào mà Jacqueline đã có trong khi "hôn mê", vì vậy chúng ta không biết phải so sánh một cách chính xác như thế nào kinh nghiệm của bà với kinh nghiệm của những người khác. Thứ hai, chúng ta không biết mức độ của đời sống hoạt động của bà sau khi tỉnh lại. Sự thật đáng buồn là rất ít người trở lại đời sống hoạt động sau khi bị mất ý thức lâu dài.

 

Các tôn giáo có thái độ gì đối với cái chết nhẹ nhàng?

 

Một cuộc nghiên cứu cho biết Giáo Hội Thiên Chúa không đòi hỏi các tín đồ chấp nhận một sự điều trị bảo tồn sự sống nào nếu nó chỉ kéo dài thời gian hấp hối. Nhưng Giáo Hội nói việc chăm sóc “tiện nghi” phải được tiếp tục, kể cả thực phẩm và nước uống. Vậy nếu một bệnh nhân ở trong sự hôn mê thường trực, máy thở có thể được tắt nhưng việc cho ăn không được bỏ.

 

Do Thái Giáo cũng kết tội những hình thức làm chết nhẹ nhàng chủ động nhưng cho phép từ chối những hỗ trợ sự sống, vì những sự hỗ trợ này chỉ kéo dài thời gian hấp hối.

 

Giáo Hội Lutheran xem sự chết nhẹ nhàng là sát nhân hay tự tử, nhưng cho phép tín đồ: “Để cho thiên nhiên tự vận hành”. Nói cách khác, các tín đồ Lutheran có thể từ chối hồi sinh hay những sự hỗ trợ sự sống nhân tạo.

 

Nói một cách chặt chẽ thì đa số Giáo Hội Thiên Chúa ủng hộ việc tiếp tục mọi sự điều trị, kể cả việc dùng máy thở cho bệnh nhân hôn mê, vì cảm thấy rằng mỗi mạng sống con người, kể cả mạng sống ở ngoài biên, đều ở trong tay của Thiên Chúa.

Trong cuốn "Sự Chết Nhẹ Nhàng và Đạo Đức" (The End of Lide: Euthanasia and Morality), James Rachels thấy có sự mâu thuẫn nội tại trong thái độ nói trên: "Nếu một mình Thiên Chúa quyết định khi nào chúng ta sống và khi nào chúng ta chết thì chúng ta đóng vai Thiên Chúa cũng nhiều, khi cứu chữa bệnh nhân cũng như khi giết chết họ".

 

Phật Giáo nói rằng, vì cái chết không phải là sự chấm dứt của sự sống nên đau khổ không ngừng lại với cái chết, mà vẫn tiếp tục cho tới khi nghiệp quả của đau khổ không còn nữa, vậy tự tử hay giúp người khác tự tử để thoát đau khổ là việc làm vô nghĩa.

 

 

Bệnh Xá và Sự Chết Nhẹ Nhàng

 

Một phần vì thành công trong việc nuôi dưỡng sự phát triển trong giai đoạn cuối của cuộc đời, và một phần vì thành công trong việc kiểm soát những triệu chứng, các bệnh xá dành cho bệnh nhân thời kỳ cuối đã làm giảm nhiều cuộc tranh luận về sự chết nhẹ nhàng. Một bệnh nhân ở bệnh xá St. Christopher mạnh mẽ nói:

 

"Nếu có bệnh xá ở mọi nơi, tất cả những gì người ta nói về sự chết nhẹ nhàng đều vô nghĩa. Tất nhiên là họ có ý tốt, và tôi cũng cảm thông với họ, nhưng sự thật là không cần phải giết bệnh nhân để làm cho họ được dễ chịu". Bác sĩ Richard Lamerton, giám đốc một bệnh xá nói:

 

"Nếu người nào thực sự muốn chết một cách nhẹ nhàng, người đó chắc phải có bác sĩ và y tá kém năng lực. Đây không phải là vấn đề chết nhẹ nhàng là đúng hay sai, tốt hay xấu, thực tiễn hay không thể dùng được, mà chết nhẹ nhàng là một vấn đề không thích hợp. Là những bác sĩ, chúng ta có bổn phận chăm sóc bệnh nhân như thế nào để họ không bao giờ đòi chúng ta giết họ. Sự chết vẫn là một phần của đời sống. Trong giai đoạn này, người ta có thể học được một số bài học quan trọng nhất về cuộc đời của mình".

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/07/2011(Xem: 4034)
Khi tôi ở trong trung hữu của sinh tới chết, tôi nguyện không uổng phí thời gian; Buông bỏ lười biếng, tôi nguyện chăm chú học, thấm nhập và thiền định về giáo pháp. Tôi nguyện thực hành thiền quán, hội nhập trên đạo lộ Hiện tướng và tâm. Liên Hoa Sinh . Tử thư Tây Tạng.
13/07/2011(Xem: 4610)
Người mới tắt hơi, điều thiết yếu là không nên vội di động. Hoặc kẻ chết thân mình dính chất dơ cũng không nên gấp lau rửa, phải đợi qua tám tiếng đồng hồ, hay ít nhứt cũng ba giờ, mới được tắm rửa thay đổi y phục. Trước và sau khi chết, người thân không được khóc lóc. Bởi khóc là vô ích mà lại có hại, vì làm cho kẻ mạng chung sanh niệm quyến luyến, không được giải thoát. Chỉ nên gắng sức niệm Phật mới thật có ích cho vong nhơn. Nếu muốn khóc lóc, phải đợi tám giờ sau. Tại sao thế? Vì bịnh nhơn tuy tắt hơi nhưng thức A Lại Da còn chưa đi. Nếu khi ấy lay động, tắm rửa thay y phục, hoặc kêu khóc, họ vẫn còn cảm giác đau đớn hoặc sanh buồn giận bi thương mà phải sa đọa. Điều này rất quan hệ, rất cần yếu, nên để ý ghi nhớ kỹ.
13/07/2011(Xem: 4295)
Cổ thi nói: "Ta thấy người khác chết. Trong lòng nóng xót xa! Chẳng phải xót kẻ mất. Vì sẽ đến phiên ta!" Giữa đời, việc buồn thảm lớn lao không chi hơn tử biệt. Nhưng sự chết, người đời lại chẳng ai tránh khỏi. Cho nên những kẻ có lòng muốn lợi mình lợi người, không thể không sớm dự bị lo toan. Thật ra, chữ chết nguyên là giả danh, vì đó chẳng qua là sự kết liễu của một thời quả báo, do nghiệp cảm liên chuyền giữa mỗi đời, khi xả thân này, lại thọ thân khác mà thôi. Kẻ không biết Phật pháp vẫn đành để cho tùy nghiệp xoay vần. Người đã nghe pháp môn Tịnh Độ của Như Lai, phải tín nguyện niệm Phật dự bị tư lương, để khi lâm chung được vãng sanh an thuận.
13/07/2011(Xem: 5273)
Người tu Tịnh Độ, khi bịnh chưa nặng cũng nên uống thuốc, nhưng vẫn tinh tấn niệm Phật, chớ tưởng nghĩ rằng: uống thuốc rồi sẽ lành bịnh. Lúc bịnh đã nặng, có thể không cần dùng thuốc. Hoằng Nhứt đại sư khi đau nặng, có kẻ thưa để xin rước thầy hốt thuốc. Ngài liền từ tạ và nói kệ rằng...
13/07/2011(Xem: 3812)
Tục ngữ Việt Nam chúng ta có câu “ sanh ký tử quy, nghĩa là ; Sống gởi trần gian, chết lại về”. Vậy khi chết chúng ta đi về đâu? Đây là câu hỏi rất khó trả lời, chỉ có bậc Đại giác ngộ mới thấy rõ con đường đi này và chỉ dạy cho chúng ta biết mà thôi. Đó là sáu con đường mà chúng sanh qua lại mãi: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cõi Trời, Người, A-tu-la, còn gọi là sáu nẻo luân hồi. Khi con người còn sống, gây tạo nhân gì thì kết quả sẽ theo họ như thế ấy. Kết quả đó là động cơ thúc đẩy con người sau khi chết, đi vào các cảnh giới tương ưng trong sáu đường .
13/07/2011(Xem: 4550)
“Trợ giúp thành tựu cho một chúng sanh được vãng sanh, tức là thành tựu cho một chúng sanh tương lai thành Phật. Công đức này thật không thể nghĩ bàn”. Hộ niệm là trợ giúp cho một người được vãng sanh. Người hộ niệm cần phải biết rõ phương pháp cũng như đạo lý về vãng sanh thì mới đem lại lợi ích cho người được hộ niệm. Người không tu hành, không hiểu Phật pháp, không được hướng dẫn vãng sanh, không có hộ niệm, giờ lâm chung đa phần thần thức của họ thường bị dìm trong ác mộng, bị rơi vào những cạm bẫy dữ ác, rơi vào những cảnh hung hiểm. Bị lôi vào đó rồi thì rất khó thoát thân, thần thức sẽ theo nghiệp đi thọ báo.
09/07/2011(Xem: 7344)
Lúc này tôi nghĩ có ba vấn đề chúng ta phải thấu triệt nếu chúng ta muốn hiểu rõ toàn chuyển động của sống. Chúng là thời gian, đau khổ và chết.
01/07/2011(Xem: 9470)
Số đông quần chúng cần một thời gian dài mới quen thuộc với ý niệm về tái sinh. Tôi cũng đã trải qua nhiều giai đoạn trong tiến trình đưa đến sự xác tín vào tái sinh.
24/06/2011(Xem: 5027)
Đó là câu hỏi của một hãng Thông tấn ở phương Tây đưa ra trong một cuộc thăm dò ý kiến với đông đảo người dân ở nước Anh. Câu hỏi với tình huống giả định là một thiên thạch sắp đâm vào trái đất và bạn chỉ còn 60 phút nữa sống trên cõi đời, bạn sẽ làm gì trong 60 phút ngắn ngủi ấy…
19/06/2011(Xem: 9196)
Luật nhân quả không phải là luật riêng có tính cách tôn giáo. Trong vũ trụ, thiên nhiên, mọi sự vật đều chịu luật nhân quả, đó là luật chung của tự nhiên.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]