Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2. Quán niệm về sự chết

08/02/201707:30(Xem: 5352)
2. Quán niệm về sự chết

THIỀN QUÁN
VỀ SỐNG VÀ CHẾT
Cẩm Nang Hướng Dẫn Thực Hành
The Zen of
Living and Dying
A Practical and Spiritual Guide

Nguyên tác Anh ngữ:
Đại Sư Philip Kapleau

Việt dịch:
HT.Thích Như Điển
TT. Thích Nguyên Tạng

Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc
Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu
Ấn Hành 2017


Phần Hai

Quán Niệm Sự Chết

 Việt dịch: 
TT. Thích Nguyên Tạng

 

 

“Một cái chết uy nghi, làm danh dự cho cả cuộc đời”.

(Petrarch, người Ý, Thế kỷ 14)

 

 

Quán niệm sự chết là một phương tiện thanh lọc tâm trí để đạt sự hiểu biết về ý nghĩa và sự quan trọng của sự sống và sự chết. Như vậy các pháp quán niệm hay thiền quán sự chết đã được coi là những thành tố không thể thiếu trong những nền văn hóa khác nhau. Ai Cập và Ấn Độ, Trung Hoa và Nhật Bản, Hy Lạp và La Mã, Do Thái và Hồi Giáo, trong hình thức cổ cũng như hình thức hiện tại. Sự chết thường có vẻ bí ẩn và làm cho người ta sợ, vì vậy việc chinh phục sự chết, hay sự bất tử, có một vị trí trung ương trong giáo lý của tất cả các tôn giáo. Chỉ khi nào sự sợ chết được thay thế bằng sự bình tĩnh và niềm hy vọng thì người ta mới đạt được trạng thái tâm an lạc. Việc không chịu suy ngẫm về sự chết chính là một loại chết, vì sự kích thích của đời sống không phân cách với sự biết rằng cuộc đời sẽ chấm dứt.

 

Việc quán niệm sự chết có thể trở thành một mối bận tâm kỳ cục đối với một số người, một sự yêu sự chết hơn là sự sống. Nhưng việc chấp nhận sự chết như vị Thầy của đời sống sẽ làm cho người ta tránh được những ý nghĩ quái đản về sự chết. Mục đích của quán niệm sự chết là giúp cho hành giả bình tĩnh với viễn ảnh cái chết vốn luôn luôn có mặt, vì người ta không bao giờ biết cái chết sẽ tới lúc nào để mang mình đi. Chối bỏ sự chết là điều thông thường trong nền văn hóa Tây Phương, và điều này làm gia tăng sự sợ chết. Hãy nghĩ về câu nói của Socrates: “Đời sống không có sự tìm hiểu sự vật thì không đáng sống”. Thật vậy, việc suy ngẫm và quán niệm về sự chết là một phần của việc thực hành trong tất cả các tôn giáo lớn. Thí dụ, các tu sĩ nam nữ của một dòng tu Thiên Chúa Giáo sống với cái quan tài đơn sơ của mình, luôn luôn ở trong tầm mắt và còn đào một thuổng đất mỗi ngày ở chỗ sẽ được dành làm huyệt mộ cho mình. Ngược lại, nhiều người cho rằng nghĩ về cái chết của mình chỉ làm cho nó tới mau hơn, và đây cũng là một loại chối bỏ sự chết.

 

 

Những người nào không thích ý tưởng đối diện với cái chết của mình, dù theo cách tượng trưng, cũng như những người bị bệnh tâm trí, đặc biệt là chứng u uất và những người yếu ớt về tâm lý, nên thận trọng tránh những pháp thiền quán mạnh về sự chết được đề ra ở đây, vì việc thực hành có thể đưa tới sự gia tăng lo sợ thay vì làm giảm. Trẻ em cũng không nên làm những pháp này.

 

Trong cuốn “Sáng Tạo Lối Chết Mỹ” (Inventing the American Way of Death) của ông James Farrell (1830-1920) nói tới một điểm quan trọng về việc chối bỏ sự chết trong xã hội Mỹ: “Khi tránh nghĩ về sự chết, người ta không biết tới một sự thật quan trọng của đời sống vật chất, tri thức và tâm linh của mình. Nếu biết mình sẽ chết là một phần của đời sống loài người, thì quên mình sẽ chết là mối đe dọa cho loài người chúng ta. Cũng vậy việc chối bỏ sự chết trong xã hội Mỹ sẽ làm cho người ta xa rời loài người nói chung, làm cho họ xa cách với cái chết của người khác tới mức không thể khóc hay để tang, trừ khi làm theo nghi thức bên ngoài”.

 

Triết gia Hy Lạp, Plato nói: “Những người không thực hành điều gì khác hơn cách chết hay đối diện cái chết chính là những người thực sự ái mộ tri thức” (There are the true votaries of knowledge who practice nothing else but how to die or meet death).

 

Masao Abe nói thêm về điều này:“Đối với Plato, triết lý không gì khác hơn là thực hành sự chết trong khi đang sống, và đó là sống qua sự chết. Đối với Plato, đây là đường lối của triết gia, mà ở trong đó người ta vượt qua sự chết”.

 

Đức Phật cũng nhấn mạnh giá trị của pháp thiền quán sự chết: “Trong những dấu chân thì dấu chân voi là lớn nhất. Tương tự, trong những pháp thiền quán, pháp thiền quán sự chết là vô thượng” (Off all footprints that of the elephant is supreme. Similarly, of all mindfulness meditations, that on death is supreme).

 

Hoàng đế La Mã kiêm triết gia phái Khắc kỷ, Marcus Aurelius (121-180, TL) cũng viết:  “Suy ngẫm liên tục về sự chết là tập luyện hạnh kiểm con người về hành thiền với cả thể xác và tâm trí sẽ đưa chúng ta vượt lên trên những giác quan, những ý nghĩa, những cảm giác, nhập vào trạng thái siêu việt.”



Nhưng thiền quán về sự chết không chỉ vì giá trị đó. Khi được thúc đẩy bởi sự chết, pháp này có thể xuyên phá áo giáp tâm lý của chúng ta và kích thích “tâm thắc mắc” vốn là điều kiện tiên quyết của sự chuyển hóa đích thực.

Các tôn giáo khác nhau có những lối quán niệm sự chết phù hợp với mục tiêu tâm linh căn bản của mình. Phương pháp của những tôn giáo này đã được bảo tồn trong kinh sách cũng như giáo lý khẩu truyền của những nền văn hóa khác nhau. “Tử Thư Ai Cập”, “Tử Thư Tây Tạng” và “Nghệ Thuật Chết”, có lẽ là những cuốn sách tốt nhất. Tài liệu sau đây được trích một phần từ căn bản này, nhưng cũng từ những truyền thống Phật Giáo khác nhau mà tôi quen thuộc nhất. Những pháp thiền về sự chết này sẽ giúp người nghiên cứu đối diện sự hữu hạn của mình một cách cụ thể và do đó có ý thức mạnh mẽ về cái chết tối hậu của mình, và như vậy biết nhiều hơn về giá trị của đời sống.

 

Việc quán niệm sự chết có thể được chia thành suy ngẫm triết lý và phương diện chứng nghiệm. Phần suy ngẫm triết lý bao gồm những văn bản cổ của những vị Thầy nổi tiếng, vẫn được dạy trong nhiều Tu viện và những trung tâm tôn giáo ở Tây Phương cũng như Đông Phương, như là lý thuyết căn bản cho các pháp thực hành. Về phần thực hành chứng nghiệm, tôi đã rút tỉa từ những giáo lý khẩu truyền của các vị Thầy thuộc những truyền thống khác nhau, cũng có những pháp thiền đặc biệt mà các vị Thầy của tôi đã truyền cho tôi trong mười lăm năm tu tập ở Á Châu, mười ba năm trong đó là ở những Tu viện và Thiền viện Nhật Bản. Tôi cũng thêm vào những pháp thực hành thích hợp với hành giả Tây Phương. Đối với những pháp nào có nhiều tính chất văn hóa bản xứ của chúng, tôi đã sửa đổi cho phù hợp với văn hóa Tây Phương.

 

Suy ngẫm về sự chết: Tám quan điểm:

Những điều suy ngẫm về sự chết này được lấy từ cuốn “Thanh Tịnh Đạo” của Luận Sư Buddhaghosa (Phật Âm, thế kỷ thứ năm). Để hành giả có thể biết rõ về sự chết của mình, cuốn này dạy suy ngẫm về sự chết theo tám quan điểm sau đây:

1/ Sự chết có hình dạng như một đao phủ, tức là như có một kẻ sát nhân đứng ở trước mặt sẵn sàng giết mình.

2/ Sự chết là sự hủy diệt của mọi thành tựu.

3/ Sự chết là sự chấm dứt không thể tránh của tất cả mọi người, người nổi tiếng cũng như người bình thường.

4/ Sự chết là kết quả của sự chia xẻ thể xác với nhiều thứ. Suy ngẫm về vô số nhân tố, nội tại cũng như ngoại tại, có thể gây ra cái chết.

5/ Sự chết đang ở gần bên.

6/ Sự chết vô hình, tức là không thể biết trước về nó.

7/ Sự chết là sự kết thúc tất yếu của một cuộc đời vốn ngắn ngủi.
8/ Sự chết là một hiện tượng thường trực, xảy ra bất cứ lúc nào.

 

Tôi sẽ nói thêm nhiều về điểm thứ ba và nói sơ lược về một số điểm khác. Việc suy ngẫm về những điểm này là sự chuẩn bị không thể thiếu cho việc thiền quán về từ ngữ “chết”, vốn là phần cốt tủy của pháp thực hành. Chúng ta đều biết là không thể thoát khỏi sự chết, nhưng biết bằng lý trí là một chuyện, biết bằng chứng nghiệm là một chuyện khác. Đây là giá trị lớn của việc đối diện sự chết một cách tượng trưng qua những pháp Thiền này.

 

Quán niệm về sự không thể tránh của cái chết:

 

Điểm thứ ba xem sự chết là sự chấm dứt cho mọi người. Trong pháp này, hành giả suy ngẫm về cái chết của khoảng bảy cá nhân thành tựu đã có thành công thế gian, danh tiếng và quyền lực nhưng cũng không tránh được sự chết. Họ có thể là những nhân vật quá khứ hay đương thời. Thí dụ, hành giả có thể suy ngẫm về Julius Caesar trong câu sau đây của vở kịch Hamlet:

 

“Caesar uy quyền, chết và trở thành đất sét
đủ để trám một lỗ hổng trên tường để cản gió”


Hành giả có thể nghĩ: “Caesar là người mạnh nhất trong thời của ông ta. Quân đội của ông ta bách chiến bách thắng. Của cải của ông ta nhiều vô kể. Vậy mà rốt cuộc sự chết làm cho ông ta ngã gục, trở về cát bụi. Làm sao mình có thể thoát được kết cuộc như vậy?”. Hành giả nên tự nhủ rằng người mạnh cũng như người yếu, người khôn cũng như người ngu, người rộng rãi cũng như keo kiệt, người được tôn vinh nhiều nhất (thí dụ như nhà bác học Einstein) cũng như người ăn mày khốn khổ nhất, tất cả đều có cùng một định mạng, đó là cái chết. Trong huyệt mộ chúng ta đều bình đẳng. Tương tự, hành giả có thể suy ngẫm về cái chết bạo động của những bạo chúa như Hitler và Muscolini. Hai nhà độc tài này đã có quyền lực tuyệt đối trên hàng triệu sinh mạng, nhưng số phận cuối cùng của họ cũng là cái chết.

 

Suy ngẫm về tám quan điểm:

Hành giả có thể suy ngẫm về tám điểm này trong khi đi, đứng, hay ngồi; khi đi xe hơi, máy bay hay xe lửa. Nên ghi nhớ chúng hoặc viết chúng trên một mảnh giấy để tham khảo. Có thể mở rộng hay sửa đổi những điều này nếu cần. Tức là hành giả có thể cung cấp những tỉ dụ có ý nghĩa riêng tư nhiều hơn hay có thể so sánh tám điểm này với những kinh nghiệm của bản thân. Tuy nhiên giá trị của chúng là ở trong việc giữ ý nghĩa cốt tủy của chúng làm những điểm tham chiếu và suy ngẫm về chúng.

 

Một việc liên quan đến những điều suy ngẫm này, và như phần bổ túc cho chúng là hành giả cần phải tự chủ thường xuyên rằng, mình rất may mắn có nghiệp quả tốt sinh ra làm người trong kiếp này, và mục đích sâu xa nhất của kiếp làm người là hiểu ý nghĩa của sinh và tử.

 

Không nên làm các pháp tập luyện này một cách lẻ tẻ mà hãy bắt đầu với một pháp tập luyện và tiếp tục thiền quán về nó cho tới khi nó thấm sâu vào tâm thức mình, sau đó hành giả có thể đi tới pháp kế tiếp và cũng thực hành như vậy.

 

Thiền quán về từ ngữ “chết”


Cuốn “Thanh Tịnh Đạo” định nghĩa chết là “đoạn lìa sinh lực của một kiếp”. Hành giả trụ ở nơi vắng vẻ, yên tĩnh và chú tâm vào ý tưởng “sự chết sẽ xảy ra, sinh lực sẽ bị cắt đứt”, hoặc chỉ đơn giản quán niệm từ ngữ “chết”. Pháp hành có vẻ đơn giản nhưng thật ra gây dựng sự chánh niệm lâu bền về sự chết là rất khó. Trong tiểu luận về sự chết của mình, Freud gọi điều này là “thái độ của chúng ta đối với sự chết”, nhưng trong khi nói một cách dễ dàng rằng “cái chết là định mệnh của tất cả mọi người”, mà thật ra chúng ta hành xử như mình là một ngoại lệ. Luận Sư Buddhaghosa nói rằng, chỉ có sự chánh niệm liên tục về sự chết và thường xuyên thiền quán về sự chết mới có thể giải trừ niềm tin ăn sâu “mình là ngoại lệ” này.

 

Nếu sớm cố gắng giải trừ niềm tin vô thức “có lẽ cái chết sẽ bỏ qua mình” và suy gẫm về khả năng chết luôn luôn hiện diện, đời sống sẽ có ý nghĩa mới và sẽ đi theo hướng mới. Sự bất ngờ của cái chết làm cho chúng ta biết quý trọng mỗi khoảnh khắc và thoát khỏi ảo tưởng mình có nhiều thời gian để thành tựu mọi việc, có thể chú tâm vào những gì có ý nghĩa và buông bỏ những gì “vớ vẩn” mà chúng ta đã dành nhiều thời giờ quý báu cho chúng. Khi biết nấm mộ là định mệnh chung của mọi người, chúng ta sẽ phát tâm từ bi đối với tất cả, điều này giống kinh nghiệm của những người ở trong hầm trú ẩn tránh bom ở Âu Châu trong thế chiến thứ hai (1939-1945), nơi những người xa lạ trở nên thân mật do cùng sống gần kề cái chết và giúp đỡ lẫn nhau một cách hiếm thấy trong những lúc bình thường. Hơn nữa, điều này khuyến khích chúng ta sống mỗi ngày cứ như đó là ngày cuối cùng trong đời.

 

Nhiều người đã có những ý tưởng như vậy, trong số họ là nhà tâm lý học nổi tiếng Abraham Maslow, vốn đã bị bệnh tim gần chết và sau đó đã viết một bức thư về việc này cho một người bạn: “Việc đối diện với sự chết và cái chết được hoãn lại, làm cho mọi vật có vẻ quá quý báu, quá thiêng liêng, quá đẹp, tới mức tôi cảm thấy mạnh hơn bao giờ sự thôi thúc yêu chúng, ôm chúng và để cho mình được tràn ngập bởi chúng. Dòng sông của tôi đã chưa bao giờ đẹp như vậy”.

 

Bây giờ chúng ta hãy tập trung vào chính pháp thiền quán. Các vị Thầy ngày xưa khuyên: “Cứ chú tâm vào chữ ‘chết’ ở trên trán của mình và giữ nó ở đó”. Lúc đầu nên hòa hợp hơi thở vô và hơi thở ra với lời phát âm nhẹ chữ “chết”. Sau đó chỉ phát âm chữ “chết” với hơi thở ra. Hành giả không cần phải quán tưởng (hình dung, tưởng tượng) chữ “chết” này, trừ khi việc này giúp giữ nó ở trong tâm trí. Tâm trí nên tập trung trọn vẹn vào ý nghĩa của chữ “chết”, nên cẩn thận tránh niệm chữ này một cách máy móc giống như niệm thần chú.

 

Tham quán một công án về sự chết

 

Thiền Sư Haknim (1686-1764) nói: “Nếu muốn quan sát chân tánh của mình trước hết phải tham quán chữ “chết”. Nếu muốn biết cách tham quán chữ “chết” thì bất cứ khi nào đi, đứng, nằm, hay ngồi không khinh thường hoạt động, không kẹt trong sự yên tĩnh, chỉ tham quán công án: “Sau khi mình chết và đã được thiêu rồi, con người thật không đẳng cấp đã đi đâu?” (hay nói cách khác “sau khi chết, mình ở đâu?”.

Trong tất cả những giáo lý và lời dạy, chữ “chết” có ý nghĩa xấu và khó ưa nhất, nhưng nếu bất ngờ trực ngộ công án “chết” này, người ra sẽ thấy là không có giáo lý nào tốt hơn lời dạy này, vốn là chìa khóa mở cõi siêu việt sinh tử, nơi mà mình đứng là Kim Cương bất hoại, và nơi mà mình đã trở thành một vị bất tử, không già và không chết. Chữ “chết” là quan yếu để mình phải quyết định cho chính mình”.

 

 

Quán niệm tính chất phù du của đời sống

 

Hành giả thành tâm tự nhủ: “Việc làm quan trọng nhất của mình, của đời người là thoát luân hồi sinh tử và tái sinh, giác ngộ ý nghĩa thật của sự sống và sự chết của mình”. Để gây dựng sự quyết tâm này, hành giả phải biết rõ tính chất phù du của đời sống: Chúng ta sinh ra trong buổi sáng và chết vào buổi tối; người bạn mà chúng ta gặp hôm qua, hôm nay không còn nữa. Đa số chúng ta thấy sự vô thường trong đời sống của người khác nhưng không nghĩ tới sự vô thường trong đời sống của chính mình. Hãy nghiêm chỉnh tự nhủ: “Dù mình sống đến bảy mươi hay tám mươi năm tuổi, cái chết chắc chắn sẽ tới với mình”. Nhưng như vậy vẫn quá nhẹ nhàng. Hãy nghĩ về điều gì có thể xảy ra với mình đêm nay hay ngày mai. Chúng ta có thể chết trong một chiếc máy bay hay một tai nạn xe hơi, hoặc bị kẹt trong một vụ đất lở, bão lụt, động đất. Hoặc có thể bị bọn khủng bố tra tấn, bị bắn chết. Hay chúng ta có thể thấy mình mắc phải một căn bệnh nguy hiểm”.

 

Thiền quán về sự chết bằng chuỗi hạt

 

Nhiều năm trước ở Miến Điện tôi lưu trú ở nhà một thương gia có cái nhìn tâm linh về đời sống. Ông ta tham thiền mỗi ngày, và dựa vào nét mặt thanh thản, rạng rỡ và sự an lạc (lúc đó ông ta ở tuổi sáu mươi lăm) chứng tỏ việc hành thiền của ông ta, dù không chính thức, đã có kết quả cao nhất. Đây là lối hành thiền của ông ta: Mỗi buổi sáng ông thức dậy lúc năm giờ để tham thiền, với hai bàn chân đặt vững trên đất, trên một cái ghế dài trong vườn bên một dòng suối chảy qua khu đất của ông ta. Ông ta nói với tôi rằng ông không ngồi nghiêng về phía trước hay phía sau, mà ngồi thẳng. Tay phải ông ta cầm một chuỗi hạt dài, và ông lần một hạt mỗi khi quán tưởng một người trong gia đình của mình, rồi những người bạn của mình, và sau cùng những người mà ông đã có ác cảm với họ. Khi pháp thiền này chấm dứt, ông bắt đầu quán niệm chữ “chết”, cũng giống như kiểu tham thiền trước, lần mỗi hạt khi chú tâm vào chữ này. Lối hành thiền này thích hợp với hành giả sơ cơ cũng như hành giả cao cấp hơn.

 

Ngày của Người Chết ở Mexico

 

Cái sọ vốn vẫn tồn tại sau khi thịt và gân tan rã là biểu tượng sự vô thường của thể xác cũng như sự bất hoại của chân tánh. Điều có vẻ mâu thuẫn này có ý nghĩa tôn giáo song song với ý nghĩa xã hội, và có thể được thấy một cách sinh động nhất vào “Ngày Của Người Chết” ở Mexico”. Trên khắp quốc gia Mexico vào ngày 2 tháng 11, những “calaveras” (những bộ xương “sống”) đứng dậy từ những huyệt mộ, được sống lại trong một ngày ngắn ngủi trong biểu tượng của sự sống lẫn sự chết. Trong ngày lễ “ghi nhớ sự chết” này, người ta vui vẻ chơi những nhạc cụ, làm những công việc của đời sống trần tục này, hay tham dự những hoạt động xã hội như đám cưới và khiêu vũ. Đó là những điều nhắc nhở về tính chất phù du của đời sống thế tục và sự phù phiếm của dục vọng con người. Hình ảnh những bộ xương “sống” thực sự là một hình thức khác của pháp quán niệm sự chết và như vậy có tính cách riêng tư và thật hơn vì chúng là những đối tượng hóa của các ông bà, cha mẹ hay con cháu quá cố. Chúng tạo sự kết nối giữa sự sống sinh động và sự bất động, và do đó giúp bảo tồn sự kế tục của những người trong gia đình.

 

Vào những ngày trước Ngày Của Người Chết, các gia đình chào đón người quá cố trở về với những món ăn, đồ uống, ca nhạc và những trò vui. Nếu ông Nội Jose đã thích món bánh cuốn “tamales” lúc còn sống, thì bây giờ một đĩa “tamales” được đặt trước tấm hình của ông trên bàn thờ để bày biện cho dịp lễ này ở trong nhà. Và trong nhà những người khác, trên bàn thờ người nhà cũng bày những cái bánh đặc biệt được đề tên của người quá cố như Cha, Mẹ, con, cháu hay anh, chị, em, với tinh thần thiên về vật chất và họ chính là những người được chào mừng”.

 

Tử thần bị chế giễu và làm cho nhảy múa vui vẻ trong những calaveras tức những người mặc hóa trang bộ xương. Sau đó tử thần được lột mặt nạ, để lộ ra người thật dưới lớp hóa trang quái đản. Như vậy sự chết được thấy chỉ là một điểm ngắn ngủi giữa cõi người sống và cõi bên kia, và không phải là hố đen hư vô (black hole of obilivion). Người Mexico có khúc hát cổ như sau:

 

“Hãy làm quen với sự chết
Trước khi cái chết tới
Vì người chết chỉ có thể sống
Và người sống chỉ có thể chết”.

 

Người Mexico thuộc mọi tầng lớp đều tham dự lễ hội “Ngày Của Người Chết” tới một mức độ nào đó, nhưng ở những thành phố và làng nhỏ, lễ hội này có vẻ phổ biến hơn. Không nên nghĩ người Mexico ưa thích sự chết hay vui với sự chết, thí dụ như cái chết của người thân yêu, chỉ vì trong những ngày đó họ bày xung quanh mình những biểu tượng của sự chết trong những điều nhảy múa, trang phục, âm nhạc và mỹ thuật dân gian. Ngược lại người chết được đối xử đúng như ở những quốc gia khác, cái chết của một người thân yêu là một sự kiện đau buồn, đẫm nước mắt, nhưng sự chết không bị chối bỏ, che đậy hay giấu giếm. Sự thật nghi lễ cầu kỳ này là bằng chứng cho thấy người sống vẫn thương yêu người chết vốn luôn luôn hiện diện.

 

Những nền văn hóa khác cũng có những nghi lễ tương tự, dù có lẽ không sinh động như Ngày Của Người Chết ở Mexico. Thí dụ, ở Nhật Bản vào ngày lễ Vu Lan của Phật Giáo, khi người chết được xem là trở về nhà ông cha của mình, những nghi thức tương tự diễn ra, thường là trong những ngôi làng ở nông thôn. Ở Âu Châu trong thời trung cổ, Vũ Điệu Tử Thần cũng có mục đích như vậy, và có lẽ vẫn còn có ở một số quốc gia khác. Nhưng ở Hoa Kỳ và Canada, lễ hội Halloween của trẻ em với những ma quỷ yêu tinh và không còn ý nghĩa tôn giáo nào, đã thay đổi nhiều trong Ngày Của Các Linh Hồn hay Lễ hội Các Thánh của Thiên Chúa tương đương với Ngày Của Người Chết. Tuy nhiên, nhiều nhà thờ vẫn làm lễ và cầu nguyện cho người chết và nhiều người đăng những bài tưởng niệm trên báo chí.

 

Những điều bận tâm của thế gian

Sau cùng, lời khuyên dưới đây của Thiền sư Đại Huệ đáng cho chúng ta suy ngẫm: “Những điều bận tâm của người thế gian như được mất, sướng khổ, khen chê, vinh nhục, giống như những mắc xích nối tiếp nhau liên tục không gián đoạn. Nếu không cố gắng chống lại chúng thì qua thời gian, khi mình không biết và vô tâm, chúng sẽ ăn sâu vào mình. Rốt cuộc, vào ngày cuối cùng cuộc đời, mình sẽ không thể làm gì được về chúng. Nếu muốn tránh sai lầm lúc cuối đời, từ nay trở đi khi làm bất cứ một điều gì cũng không để cho mình sơ suất, không cẩn trọng. Nếu sai lầm trong những việc hiện tại thì sẽ không thể không sai lầm khi đối diện với cái chết”.

 

  

Ghi chú về những hình vẽ minh họa trong sách
* Bánh xe: Một dụng cụ căn bản được phát triển từ vòng tròn. Vòng tròn tượng trưng cho sự đơn nhất, sự bất khả phân của toàn thể sự sống. Không gì có thể được thêm hay lấy ra từ vòng tròn, vì nó là sự hoàn toàn. Cũng giống như vậy, con người trong chân tánh của mình là hoàn toàn và trọn vẹn. Bánh xe là một trong những biểu tượng chính của Phật Giáo. Bánh xe có tám căm, tượng trưng cho giáo lý Bát Chánh Đạo, con đường dẫn đến giác ngộ.


* Chuỗi sọ: Sọ người không tan rã cùng với thể xác, tượng trưng sự vô thường của thể xác và sự bất hoại của Phật tánh.

 

* Ngọn lửa truyền từ đèn đến cây nến: Hàm ý sự hấp hối và sự chết đưa tới sự tái sanh.

 

* Nút thắt bất tận: Tượng trưng mạng lưới bất tận những sự tương liên giữa vạn vật.


* Phượng Hoàng: Con chim đẹp thần bí, có thể sống lâu năm trăm năm trong sa mạc. Nó tự chết trên giàn hỏa thiêu do hỏa nhiệt của mình tạo ra và tái sanh ngay trong đống tro tàn của mình để tiếp tục cuộc sống mới, chim Phượng Hoàng tượng trưng cho sự chết và tái sanh.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/04/2013(Xem: 4937)
Trong đạo Phật chúng sanh là do Nhân Duyên 5 Ấm hội hợp mà thành thì trong đó Thân là thuộc về Sắc Âm còn Tinh Thần là Thọ, Tưởng, Hành, Thức.
08/04/2013(Xem: 4929)
Sự chết của con người là một giai đoạn trong chu trình biến thiên bất tận sinh-lão-bệnh-tử. Đầu tiên, tim ngừng đập rồi đến phổi, sau đó đến não; cuối cùng cơ thể phân hủy. Từ lúc tim ngừng đập đến lời thông báo chính thức rằng một người đã chết, các bác sĩ chờ đợi 2,3,5 hoặc 10 phút, nhưng "thời gian chuẩn" . . .
08/04/2013(Xem: 5338)
Qua bài diễn văn đầu tiên đọc trước Đại Hội Đồng LHQ, Tòa Thánh Vatican kêu gọi ngăn cấm hòan tòan phương pháp sinh sản vô tính ở con người, và chỉ trích chiến tranh Iraq cùng chính sách đơn phương chống khủng bố.
08/04/2013(Xem: 4398)
Washington, DC. Các khoa học gia Hoa Kỳ ngày thứ Tư 21/3/2001 đã trình bầy trước Quốc hội về viễn ảnh tạo giống con người bằng kỹ thuật "tạo sinh vô tính" "Cloning". Người tạo ra con cừu Dolly bằng kỹ thuật "tạo sinh vô tính" tại Anh Quốc báo trước rằng "Cloning" con người là việc nguy hiểm và vô trách nhiệm.
08/04/2013(Xem: 4997)
Bài thơ nói lên tâm trạng lo âu đầy sợ hãi của con người khi đối diện với cái chết, rồi một ngày nào đó cũng phải đến phiên mình. Cuộc sống thì quá mong manh cái chết lại chắc chắn. Do vậy, sống chết là vấn đề lớn, chúng ta dù cố né tránh cũng không thể thoát khỏi. Có chăng, . . .
08/04/2013(Xem: 4553)
TRONG LÚC CÁC CHÍNH PHỦ TRÊN THẾ GIỚI BÀN CẢI NÊN HAY KHÔNG CHO PHÉP CÁC KHOA HỌC GIA TẠO SINH VÔ TÍNH, thì Trung Quốc âm thầm cho ra đời 10 con vật.
08/04/2013(Xem: 6298)
Hôm nay thay vì trình bày về cái chết và tiến trình của cái chết, tôi xin được trao đổi với quý vị về tiến trình của già và chết.Già và cái chết là những hiện tượng thiên nhiên. Theo quy luật thiên nhiên, tất cả các sự vật duyên khởi đều vô thường và phải bị biến đổi, tùy thuộc vào sự chi phối của nguyên nhân, . . .
08/04/2013(Xem: 5032)
Từ mấy nghìn năm nay, đối với người phụ nữ, việc sanh con là nguồn vui vô tận nếu đứa con được chờ đợi, nhưng cũng có thể là một cô chiếc tuyệt vọng nếu đứa con không được mong muốn.
08/04/2013(Xem: 4530)
Đầu những năm 1900, xe ngựa được sử dụng là phương tiện giao thông chủ yếu. Ô tô cũng có rồi, nhưng nó còn quá đắt, phức tạp và hầu như bị người ta hoài nghi về khả năng của nó. Nhưng rồi có một người đã làm thay đổi những nhận thức đó về ôtô. Đó là kỹ sư Henry Ford - Giám đốc một Cty xe hơi, . . .
08/04/2013(Xem: 5937)
Cơ quan HIC điều hành Danh Sách Hiến Tặng Nội Tạng Ở Úc (Australia Organ Donor Register - gọi tắt là Donor Register). Ðây là một cách rất đơn giản để người ta có thể ký chú ý định trở thành một người hiến mô mạc và nội tạng (tissue and organ donor).
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]