Giới Thiệu Bài Mới
Henry Ford Và Chiếc Xe Làm Thay Đổi Thế Giới
Nguồn:Theo CNN
(TPO) Ngày 12/8/1908, chiếc Model T ra lò từ dây chuyền sản xuất hàng loạt của Ford, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong nền công nghiệp ôtô thế giới...
Đầu những năm 1900, xe ngựa được sử dụng là phương tiện giao thông chủ yếu. Ô tô cũng có rồi, nhưng nó còn quá đắt, phức tạp và hầu như bị người ta hoài nghi về khả năng của nó.
Nhưng rồi có một người đã làm thay đổi những nhận thức đó về ôtô. Đó là kỹ sư Henry Ford - Giám đốc một Cty xe hơi, người đã nhìn ra cơ hội để rồi tạo ra 1 chiếc xe dành cho đại chúng. Chiếc xe của ông đủ rộng cho gia đình, nhưng vẫn vừa vặn cho một người sử dụng.
Ngày 12/8/1908 tại thành phố công nghiệp Detroit, Michigan chiếc xe đầu tiên mang tên “Model T” của Ford đã ra lò. Trong suốt 16 năm, toàn thể Cty đã nỗ lực hết mình để có được thành công vang dội ấy. Dây chuyền sản xuất thuộc loại tốt nhất của nhà máy Highland Park đã tạo ra sản phẩm cầu kỳ này với số lượng lớn trong một thời gian ngắn.
Bob Casey - Người phụ trách bộ phận về phương tiện giao thông của bảo tàng The Henry Ford tại Dearborn, Michigan - đã nói về Henry Ford: “Không phải chỉ có ông ấy phát minh ra chiếc xe, nhưng chỉ có ông ấy là người đã theo đuổi nó mãnh liệt hơn bất cứ ai khác".
Nước Mỹ nhanh chóng tràn ngập ô tô trên đường phố. Những chiếc ô tô khác được sản xuất đại trà đã gia nhập thị trường với giá rẻ, lớp người có thu nhập trung bình hay dã ngoại cuối tuần lại sở hữu chúng nhiều nhất. Đến đầu những năm 1920, hơn một nửa số ô tô của Mỹ là Model T, được bán với giá rẻ nhất trên thị trường.
Chẳng bao lâu Ford đã có rất nhiều đối thủ cạnh tranh, vị trí hàng đầu của Ford có vẻ như bị lung lay. Các đối thủ của Ford sản xuất những chiếc xe dễ điều khiển và sáng tạo hơn Model T. Áp lực lại đè nặng lên vai Ford.
Ông bắt đầu chiến lược đánh bại các đối thủ cạnh tranh bằng việc tăng lương cho công nhân, cắt giảm ngày làm việc và tuần làm việc, đồng thời cải tổ lại lực lượng lao động trong Cty. Ông đã đem lại những công việc có thu nhập cao cho người Mỹ và người châu Phi làm việc tại nhà máy.
Tại quê nhà, Ford ngày càng trở nên nổi tiếng như một nhà kinh doanh tài ba, một người đổi mới..
Lee Iacocca - Cựu lãnh đạo của Chrysler và là người đã từng làm việc cho Ford Motors - đã viết về Henry Ford trong tạp chí Time: “Ông ấy là một thần đồng! Nhưng ông ấy cũng thật kỳ cục. Ông không hề có thế lực trong văn hóa hay chính trị. Nhưng chính ông đã viết lên những trang sử… không thể tin nổi”.
Hiệu quả chi phí thấp
1927, Ford rời Nhà Trắng sau khi có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Calvin Coolidge
Đầu thế kỷ 20, một đội công nhân đã tiến hành sản xuất từng linh kiện của chiếc xe, và cuối cùng là lắp ráp chúng bằng tay. Vào thời gian đó, 75 công nhân trong nhà máy có thể làm ra 200 chiếc xe trong vòng một năm. Đây thực sự là kỳ tích, một niềm tự hào của Ford.
Chiếc Model T đầu tiên được bán ra thị trường với giá dưới 1.000 USD, trong khi đó giá của xe Packard và Cadillac hơn 3.000 USD, đắt gấp 3 lần Model T. Hai loại xe khác là Oldsmobile và Buick được bán ở mức 1.350 USD.
Ford và các kỹ sư của mình bắt đầu cải cách hệ thống sản xuất ở các dây truyền lắp ráp thô sơ mà trước đây thường sản xuất xe đạp và máy khâu ở Chicago.
Năm 1914, nhà máy Highland Park có thể sản xuất ra 1 chiếc Model T trong vòng 93 phút, cho phép Ford giảm chi phí sản xuất xuống dưới 300 USD trên 1 đơn vị sản phẩm. Và do vậy, hầu hết những người có mức sống trung bình của Mỹ đều có thể mua được 1 chiếc sau 1 năm tiết kiệm.
Một lịch sử gia về công nghiệp ôtô, tác giả của nhiều cuốn sách viết về những người tiên phong trong ngành sản xuất xe hơi ở Detroit viết rằng: “Henry Ford biết rõ nếu tăng năng suất thì có thể giảm được giá thành. Và ông cũng biết thừa rằng ở đất Mỹ, thị phần của Ford áp đảo hoàn toàn những đối thủ khác.”
Thời kỳ khó khăn
Hiệu quả chi phí thấp đã tạo dựng thành công vang dội và 1 vị trí chắc chắn cho Ford, đặc biệt khi Cty mở rộng thị trường ra 33 nước. Ở mọi nơi, Model T chỉ có màu đen duy nhất.
Khó khăn cũng bắt đầu từ đây. Một Cty mang tên Dodge (một trong số 85 Cty mới thành lập năm 1914) đã làm cả ngành công nghiệp phải ngỡ ngàng. Chiến lược “xe rẻ” đã làm cả thị trường phải choáng ngợp, nhiều đối thủ cạnh tranh bị đánh bại hoàn toàn. Trong hoàn cảnh đó, nhiều Cty đã chuyển biến, điều chỉnh, thành lập dây chuyền sản xuất cho riêng mình… Họ bắt đầu tạo ra những chiếc xe đơn giản hơn, chạy nhanh hơn và dễ điều khiển hơn Model T “lập dị” của Ford.
“Công nghệ bắt đầu vượt qua Ford. Trước đây, Ford hiểu rằng người tiêu dùng thích mua xe giá rẻ và đáng tin cậy, nhưng đầu những năm 1920 người ta thấy những tiêu chuẩn đó là quá ít” - Ông Casey đã nhận định.
Sau năm sản xuất nhiều nhất - 1923, Ford bắt đầu đánh mất thị phần. Năm 1927, ông quyết định ngừng sản xuất Model T, cái tên đi vào lịch sử nước Mỹ với 15.500.000 xe được bán ra thị trường. Đến Đại chiến thế giới II, Ford xuống đứng ở vị trí thứ 3 tại Mỹ, nhưng ngay sau đó, Cty này đã ổn định lại xếp hạng của mình trong top dẫn đầu trên toàn cầu.
Ảnh hưởng rộng lớn
Ford có công lao lớn không chỉ với Cty ông.
Chính sách của ông hướng đến người lao động. Năm 1914, ông quyết định tăng gấp đôi nhân công, với mức lương trả trung bình là 5 USD/ngày, đồng thời phân ca 8 giờ làm 1 ngày, 5 ngày làm việc trong 1 tuần. Đó là chính sách đúng đắn và tiên phong nhất trong nền kinh tế Mỹ vào thời điểm đó. Những Cty khác đã học tập theo cách quản lý lao động của Ford. Cuộc sống người dân Mỹ thay đổi đáng kể. Giờ đây họ đã có cả thời gian và tiền bạc để dạo chơi vào những ngày nghỉ trên chiếc xe của mình.
Xe hơi trở nên phổ biến, đường xá nước Mỹ cũng tốt hơn, người dân Mỹ thường cùng gia đình mình đi làm việc hoặc dã ngoại bằng xe hơi. Còn trước năm 1920, họ chỉ biết đến công việc và có rất ít thời gian nghỉ ngơi.
Đô thị ngày càng phát triển, nền kinh tế Mỹ có những chuyển biến đáng kể khi những phương tiện giao thông hữu hiệu xuất hiện hàng loạt. Đó là nhờ công lao to lớn của Henry Ford cùng Model T lừng danh một thời. Kéo theo đó là sự bùng nổ của công nghiệp xăng dầu và ngành khách sạn (chủ yếu là các khách sạn bên đường dành cho khách có ôtô).
Bản thân nhà máy sản xuất của Ford cũng có ảnh hưởng to lớn đến xã hội Mỹ trong việc rút ngắn thời gian lao động và tăng năng suất làm việc. Từ máy tính đến đồ ăn nhanh, mọi thứ đều có thể được sản xuất hàng loạt.