Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

03. Hiện tượng trước khi chết

24/10/201406:56(Xem: 13098)
03. Hiện tượng trước khi chết

HIỆN TƯỢNG của TỬ SINH

Tác giả:  Thích Như Điển

Ấn Hành  PL. 2558 – DL. 2014
***

 

 

 

 

Chương Ba

 

Hiện tượng trước khi chết

 

 

A

i sinh ra trong cuộc đời nầy mà không bị chết, thì kẻ ấy không phải là một con người bình thường. Vì lẽ sự thành, trụ, hoại, không hay sanh, lão, bệnh, tử vốn là một định luật mà bao con người phải trải nghiệm. Trên từ các bậc Vua chúa, Hoàng hậu, Thứ phi rồi Tổng thống, Thủ tướng; dưới cho đến những người nông dân tầm thường, những kẻ giá áo túi cơm, những người bịnh cùi hủi… tất cả đều phải trải qua. Cho nên cụ Nguyễn Du đã viết trong truyện Kiều là:

Đoạn trường ai có qua cầu mới hay

Mỗi chữ trong một câu thơ lục bát của Kim Vân Kiều nầy đều có giá trị thực tiễn của nó. Chiếc cầu đoạn trường tức là chiếc cầu sống chết, chiếc cầu sanh tử ấy, ai ai cũng phải bước qua hết. Khi bước qua đó thì mới hay là sự sanh tử nó não nề là dường bao; dầu cho đó là vua quan hay thứ dân.

Vua chúa hay những bậc lãnh đạo quốc gia họ đều có phước báu riêng đời trước của họ đã tạo; cho nên trong hiện tại mới được như vậy. Bây giờ trên thế giới nầy, nền quân chủ sắp cáo chung, chỉ còn tồn tại ở một số quốc gia tại Á, Âu và Phi Châu; còn Úc Châu cũng như Mỹ Châu là những lục địa còn mới mẻ; nên đã không trải qua những chế độ quân chủ như 3 lục địa trên. Ở đây chúng ta có thể lấy 2 chế độ vua chúa điển hình của Nhật Ban và của Anh Quốc để chúng ta tìm hiểu về đời sống và sự sinh hoạt của họ như thế nào.

 

Nhật Hoàng tại Nhật không gọi là Vua như các xứ khác, mà gọi là Thiên Hoàng; có ý nghĩa là Hoàng Đế do Trời đưa xuống. Họ, những người thống trị, chỉ có cách nầy mới uy hiếp được lòng dân qua sự thống trị của mình. Từ đó họ sống đời cha truyền con nối, truyền tử lưu tôn; cho đến khi nào có một chế độ khác cải cách, thì ngôi vị kia mới hoán đổi qua dòng họ khác; nhưng vẫn là Thiên Hoàng. Từ thời Meiji (Minh Trị) ở thế kỷ thứ 19 đến Taisho (Đại Chánh) và Showa (Chiêu Hòa) ở thế kỷ thứ 20; cho đến Heisei (Bình Thành) ở thế kỷ thú 21 đã trải qua nhiều cuộc chiến khác nhau và họ cũng đã, cũng như sẽ ra người thiên cổ; nhưng lâu đài cung điện ở Kyoto hay Tokyo, bây giờ chúng ta vẫn còn thấy giàu sang, quyền quý, đẹp đẽ, uy nghiêm; nhưng tất cả cũng đều bị thời gian chi phối và cũng đã chẳng có một ông Vua hay bà Hoàng hậu nào mang theo mình về chốn tuyền đài được. Có ông sống trên 80 tuổi; nhưng cũng có ông đoản mệnh hơn. Cuộc sống cung hoàng của họ chắc cũng chẳng vui vẻ gì, chắc cũng giống như lời của một cung nữ Việt Nam đã diễn tả trong quyển “Cung Oán Ngâm Khúc” kia, hay quyển “Chín Chúa 13 Vua triều Nguyễn” đã được thuật lại. Tất cả cũng chỉ là quyền lực, sự thống trị, sự bẽ bàng, việc tất nhiên như thế. Vì họ là Vua.

 

Ngày xưa những ông Vua Trung Quốc khi băng hà các bà Hoàng, bà Phi đều phải ra tận lăng vua để ở, nhằm biểu tỏ tấm lòng chung thủy của mình; nhưng cũng chẳng có bà nào chết theo; dẫu rằng trong lịch sử cũng có xảy ra một vài sự kiện đơn lẻ. Cứ thế và cứ thế, dòng đời xuôi ngược trôi qua, kẻ quân vương, người danh tướng tất cả rồi cũng vùi thân vào ba tấc đất. Cái gì của gió trả về cho không khí, cái gì của đất trả lại cho đất đai, làm phân bón cho cây cỏ thêm tốt tươi cho cuộc sống; những gì của nước cũng tan vào nước và hơi nóng đầu tiên đã trả lại cho lửa để hòa tan vào tánh nóng của tạo hóa ấy. Ngẫm cho cùng, chẳng có ai nắm bắt và giữ chặt lại được sắc đẹp cũng như tuổi thanh xuân. Sự giàu có và quyền uy tối thượng của một đấng quân vương có quyền “tiền trảm hậu tấu” cũng chẳng làm cho mình được sống lâu hơn trên trần thế nầy để hưởng được lộc trời ban cho mãi mãi.

 

Bà Nữ Hoàng Elizabeth đệ nhất của nước Anh sống đến hơn 100 tuổi và đã trải qua hai cuộc đại chiến thế giới 1914-1918 và 1939-1945. Quyền uy của một Nữ hoàng của xứ “mặt trời không bao giờ lặn”.Sau đó ngôi vua, Bà cũng phải nhường lại cho con gái của mình để cuối cùng chiếc quan tài của một bậc nữ lưu khét tiếng trong gần một thế kỷ thứ 20 đã trị vì cũng chết, được rước đi bởi 4 con ngựa, đưa bà về chỗ yên nghỉ ngàn thu. Rồi bà Nữ Hoàng Elizabeth II trong hiện tại cũng chỉ thế thôi. Nhiều khi đọc báo thấy sự chi tiêu của Hoàng gia Anh trong hiện tại quá tốn kém, khiến cho dân chúng tốn tiền thuế quá nhiều và ngược lại bây giờ vua chúa tại đây phải đi kêu gọi tấm lòng từ ái của dân chúng hiến dâng của cải để cung điện Birmingham được tiếp tục có mặt với cuộc đời. Ngày xưa binh hùng, tướng dũng. Một lệnh xuất quân của vua chúa hay Nữ Hoàng là một tiếng sét từ thinh không giáng xuống; không ai có quyền từ chối tiếp nghinh; còn ngày nay nền quân chủ đã bị chi phối bởi dân quyền; nên tiếng nói của nhân dân đa phần được quyết định qua lá phiếu bầu cử, bầu người lãnh đạo cho tư tưởng của mình.

Những ông Hoàng, bà Chúa  được người dân nể sợ, vì họ có uy quyền; nhưng những vương quyền nầy cũng chỉ là những quyền tạm bợ do họ chế ra để trấn áp người dân; trong khi đó họ lại chẳng tuân thủ và quyền ấy cũng mai một đi, khi một chế độ khác lên cai trị nắm quyền. Cho đến đầu thế kỷ thứ 21 nầy các chế độ Vương quyền tại hai xứ trên hay các nước khác tại Âu, Á, Phi đều dần dần trở nên mất thế và bám víu, để rồi một ngày nào đó những uy quyền kia cũng sẽ tự động mất đi, vì chúng đã lỗi thời.

Chế độ quân chủ đã được thiết lập tại Trung Hoa cả mấy ngàn năm lịch sử, thế mà đến năm Tân Hợi 1911, chế độ nhà Thanh đã chính thức cáo chung. Uy quyền của vua chúa đã phải chấm dứt, thay vào đó là chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Dật Tiên đã được dân chúng tôn sùng. Việt Nam chúng ta cũng vậy, gần 2.000 năm chế độ vua quan rồi cũng cáo chung vào năm 1945 của triều Nguyễn. Bảo Đại là ông vua cuối triều cũng đã phải sống lưu vong tại Pháp và cuối đời ông cũng phải chết, như bao cái chết khác lâu nay đã diễn ra trên quả địa cầu nầy. Nếu ai đó có nhắc đến thì chỉ là sự hoài niệm của một thuở xa xưa danh tiếng một thời mà thôi.

Kế đến là những bậc quan chức cao cấp của triều đình hay chính phủ. Họ cũng  chỉ là những người đã được cha mẹ họ sinh ra như những người khác; nhưng được cái may, do họ tự nỗ lực, nên đã thành công trên con đường chính trị, học vấn hay kinh doanh; nên họ đã có những chỗ ngồi thật xứng đáng trong triều đình, nội các chính phủ hoặc những dinh thự uy quyền. Nhưng rồi một ngày nào đó bị thay ngôi, đổi chủ, họ cũng phải tan hàng. Đời đâu có gì thật và danh lợi cũng chỉ là một thoáng chốc hão huyền. Cho nên Đức Phật đã chẳng dạy về những sự vô thường như:

- Thân vô thường

- Tâm vô thường

- Hoàn cảnh vô thường

- Quốc độ vô thường

 

Thân nầy vốn dĩ do tứ đại hợp thành, dẫu cho đó là những ông quan to hay Tổng thống, Thủ tướng. Tất cả đều phải khổ đau khi sinh ra và lúc chết đi. Dẫu cho lúc ấy có vợ đẹp, con ngoan, tiền rừng, bạc biển cũng không thể cứu họ ra khỏi sự chết chóc được.

Tâm ta vốn thay đổi không chừng. Cho nên trong Duy Thức học gọi là “Tâm Viên Ý Mã”. Tâm ấy luôn giống như con khỉ chuyền cây và ý kia không khác nào con ngựa không cương, buông lung khó trị. Ai làm chủ được tâm; người ấy mới chính là kẻ chiến thắng. Đức Phật đã chẳng từng dạy rằng: “Chiên thắng muôn quân không bằng tự thắng mình. Tự thắng mình mới là chiến công oanh liệt nhất”.

Vì hoàn cảnh nên ta mới có mặt tại xứ người. Có ai trong chúng ta biết trước được rằng mình sẽ cư trú tại đâu, khi mà công ăn việc làm hay hoàn cảnh chính trị tại quê hương mình thay đổi. Do vậy mà con người phải chấp nhận hoàn cảnh để sống và tồn tại; chứ không phải hoàn cảnh chấp nhận chúng ta. Con người luôn bị động là thế. Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật cũng đã từng dạy rằng: “Các pháp luôn bất định; nên Nhứt Xiển Đề cũng bất định”. Vì sao? Vì lẽ ngày hôm qua Nhứt Xiển Đề không tin vào bất cứ một cái gì hết; nhưng hôm nay và ngày mai. Nhứt Xiển Đề sẽ thay đổi. Cho nên Đức Phật đã dạy rằng: “Nhứt Xiển Đề cũng có khả năng thành Phật” là ở ý nghĩa nầy.

Phần kế là cõi nước cũng không thường hằng. Vì sau một cơn địa chấn, chỗ nầy lở đi và chỗ kia bồi thêm ra. Nơi nầy sâu xuống và chỗ khác nhô lên. Mới ngày nào đó nơi ấy là biển cả mênh mông, ngày sau đã trở thành ruộng đất, người ta có thể trồng dâu nuôi tằm được. Đây là tất cả những gì mà chúng ta cần phải luôn thức tỉnh.

 

Bây giờ chúng ta sẽ điểm qua những hiện tượng của người bình dân sẽ chấp nhận sự chết như thế nào?

Khi hơi thở không còn vào ra thân thể nầy nữa, thì người ta gọi là chết. Cái chết nầy đối với Vua quan, tướng sĩ, Thủ tướng, Tổng thống, Hoàng hậu, Thứ phi hay nhẫn đến người bình thường, dòng hạ tiện, tất cả đều giống nhau; không có ai khác nhau trong việc tắt hơi thở. Nếu có chăng là chết như thế nào mà thôi.

Người dân bình thường họ xem sự sống chết là việc tự nhiên; nên họ cũng quan niệm rằng: “sống gởi, thác về”. Rõ ràng là quan niệm nầy đã làm sáng tỏ cho sự sống kia. Việc sống tại cõi nầy chỉ là cõi tạm; cho nên gọi là gởi. Còn thác tức là mất đi mới có nghĩa là về lại chốn xưa. Vậy chốn ấy ở đâu và nơi ấy đang có ai ở ?

Người ta quan niệm rằng: khi thác sanh vào một cõi thiện hay ác nào đó cũng đều có thể gặp lại thân nhân của mình. Vì khi sống, mình đã là bằng hữu, là cha mẹ, anh em huynh đệ trong một gia đình. Việc nầy có thật, qua sự kể lại của những người sau khi chết và họ được sống lại trong quyển “The Light Beyond” đã kể những mẩu chuyện như thế.

 

Trong quyển “Tây Phương Du Ký” cũng có kể rất rõ về những chuyện vãng sanh và Ngài Quán Khâm đã gặp Ngài Ấn Quang Đại Sư nơi nội viên của cõi Đẩu Suất. Nghĩa là Ngài Ấn Quang đang sống trong điều kiện “nhứt sanh bổ xứ”; chỉ một đời nữa, chờ nơi ấy và sẽ đi làm Phật theo bi nguyện của mình.

Những câu chuyện trong quyển “The Light Beyond” của các khoa học gia người Mỹ đã thẩm vấn những người sau khi chết, tâm thức tái nhập vào thân thể. Họ sống lại và đã kể cho các Bác sĩ cũng như những khoa học gia rằng: Họ đã gặp mặt họ hàng, thân thích như thế nào ở một cõi xa xăm sau cuối đường hầm với những ánh sáng chói chang, mà ở cõi chúng ta đang ở khó có, khó thấy được. Đây là hiện tượng của những người siêu thoát.

Còn hiện tượng sống lại qua quyển sách “Hồi Dương” của Cô Ba Cháo Gà tại Mỹ Tho cũng đã kể lại rành mạch sự tra tấn ở cõi Địa ngục không khác gì trong kinh Địa Tạng đã diễn tả mấy.

 

Vậy thì chết chưa phải là hết, mà sự còn ấy là còn lại những nghiệp quả lành dữ của ta đã gây tạo trong nhiều đời; đến giờ phút lâm chung, mọi hình ảnh đã được quây lại như những cuốn phim tự động có thể lần lượt chiếu lại cho chúng ta thấy. Nhờ vậy mà đã có nhiều người biết hối lỗi ăn năng sau khi đã trở về lại nhân thế.

 

Tiếp đến là giai cấp thấp nhất trong xã hội như những người cùi hủi, tật nguyền, câm ngọng, điên cuồng v.v… họ sẽ chết như thế nào ?

Có nhiều người khổ sở quá muốn chết đi cho rồi và đã có không biết bao nhiêu lần quyên sinh; nhưng lại không chết. Vì thấy cuộc đời khổ quá, không muốn tiếp tục sống làm gì; chỉ cốt làm khổ cho gia đình và người thân; nhưng đâu phải là ai muốn chết lại được chết và ai muốn sống được sống đâu. Có nhiều ông vua uống thuốc trường sinh cốt để sống lâu trăm tuổi; nhưng ít có ông vua nào có được tuổi thọ như vậy. Vì lẽ cuộc sống đời thường của những ông Vua hay bà Hoàng nầy không tự kiềm chế được những hành vi dâm dục của mình; nên dầu cho có uống thuốc cải lão hoàn đồng cũng không thể nào cưỡng lại sự chết non được. Ngược lại có nhiều người chẳng uống thuốc gì cả, mà bịnh cũng chẳng đau, tuổi thọ càng ngày càng gia tăng. Âu đó cũng chẳng phải là việc sung sướng. Vì sống lâu mà ít hay không bịnh khổ là một phước báu; nhưng nếu bị bịnh nan y mà sống chỉ cốt để đền trả nợ xưa thì quả đây là luật “nhân quả hiện tiền” đố ai thoát khỏi ?

Rõ ràng là như vậy. Nhân quả hiện tiền và nhân quả báo ứng đã soi rọi cho mọi người rõ như là một “nghiệp cảnh đài tiền”, là một kính chiếu hậu. Khi chúng ta còn sống, chúng ta đã cảm nhận được rồi, đâu cần phải chờ đến khi chết, chúng ta mới thấy địa ngục. Địa ngục có ngay khi ta còn sống. Đó là địa ngục trong chốn cung son, địa ngục nơi nhà tù giam hãm những tội nhân. Địa ngục ở chốn công đường. Địa ngục nơi chợ búa; địa ngục trong một gia đình. Địa ngục nơi tam đồ, bát nạn và địa ngục nơi bát khổ gồm: sanh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly, cầu bất đắc, oán tắng hội và ngũ ấm xí thạnh. Người ta muốn thấy mặt của Ngưu đầu Mã diện nơi địa ngục mới tin rằng có địa ngục. Như vậy đã quá muộn màng rồi.

 

Bây giờ ta thử đi sâu vào 8 sự khổ sở bên trên, tượng trưng cho những nỗi khổ của con người, dầu cho bất cứ ai trong cõi trần gian nầy cũng đều phải trải qua hết, để chúng ta chiêm nghiệm có phải thật như thế chăng ?

Mới đây có một cuốn phim ngắn chiếu lại trên Internet về sự vô cảm của con người, để rồi tất cả đều tử vong. Câu chuyện kể vể chuyến xe Bus số 44 của Trung Quốc.

Tài xế là một phụ nữ. Cô ta lái xe rất vững vàng; trên xe chở toàn những người đàn ông đi đến sở. Khung cảnh là một miền quê và hôm ấy là một ngày đẹp trời vào lúc sớm mai, khi lên xe Bus nhiều người còn ngáy ngủ. Thỉnh thoảng giữa đường có người chận lại để lên xe. Cô ta vẫn thực hiện động tác nầy mỗi khi khách cần đến. Cô tài xế mở cửa xe, thâu tiền, đóng cửa xe và cho xe chạy…

Một thanh niên đột nhiên xuất hiện và cô ta cũng thực hiện những động tác như trên. Khi lên xe Bus anh ta quan tâm đến cô ta nhiều hơn. Có lẽ anh ta thấy cô ta đẹp. Khởi đi từ chữ ái. Thế rồi xe lại tiếp tục dừng. Có 2 người đàn ông lên xe; họ đưa vật uy hiếp ra và bắt mọi người đàn ông trên xe phải tháo đồng hồ hay phải nộp tiền cho họ. Một người khác đứng đó khống chế cô tài xế xe Bus nầy. Sau khi sát  phạt những người không đưa tiền, cả 2 người đều xuống xe, trong khi mọi người đàn ông trên xe tất cả đều chịu nhục để chấp nhận một hành động khó tha thứ như vậy. Đoạn người lớn con có vóc dáng đầu sỏ ăn cướp ấy lôi cô tài xế ra ngoài để hãm hiếp một cách tàn bạo; trong khi đó máy xe Bus vẫn nổ để đợi chờ cô tài xế quay lại. Bỗng dưng chỉ có một anh chàng đã quan tâm về cô lúc nãy nhảy xuống xe chạy theo hai tên cướp cố giựt lại những đồ đã bị lấy; nhưng anh ta đã bị tên cướp kia đâm cho hai nhát dao, không thể đứng dậy nổi. Sau khi đã mãn thú tính; hai tên cướp ngay lúc ấy rời hiện trường và cô ta cũng đã trở lại xe Bus để tiếp tục công việc của mình và đồng thời lúc ấy, anh chàng bị nạn cũng đã lê lết đến được chiếc xe Bus; nhưng cô tài xế tỏ ý không bằng lòng cho anh ta leo lên xe và cuối cùng hành lý của anh ta bị cô ta quăng qua cửa sổ cho khổ chủ của nó một cách lạnh lùng, khó hiểu; thế rồi sau những giây phút suy nghĩ, cô ta đã đóng cửa xe Bus lại, chạy một mạch thật xa bỏ lại anh ta ở phía sau một cách vô vọng. Anh ta chẳng biết tại sao và cuối cùng anh ta cũng đón được một chiếc tư nhân khác để quá giang. Đến một đoạn đường nọ anh ta thấy chiếc xe kia đã đâm đầu xuống hố. Tất cả những người đàn ông trên xe kia đều chết và kể cả cô ta nữa. Có thể cô ta lạc tay lái? Hay cô ta đã cố ý muốn cứu anh chàng đã cứu mình; nên mới không cho lên xe Bus, chuyến xe định mệnh số 44 ấy để đền trả nghĩa cử của người thanh niên không hèn, chỉ đơn thân độc mã ra tay cứu cô ta dưới nanh vuốt của tử thần? Mặc dầu cuộc giải cứu không thành công; nhưng đây là một câu chuyện hết sức cao thượng và thương tâm; trong khi gần 50 người đàn ông trong xe Bus hầu như vô cảm. Một câu hỏi khác được đặt ra là liệu như thế có công bình chăng? hay đây là một cộng nghiệp của những người cùng đi trên một chuyến xe sanh tử ấy? Hành động tốt cứu người đã còn lại với đời và những ai cố chấp, hẹp hòi, vô cảm tự nghiệp quả của mỗi người lại phải chiêu cảm lấy.

Phim chiếu lại câu chuyện thương tâm ấy chỉ gần 12 phút thôi; nhưng đã nói lên được hết tất cả mọi mặt của cuộc đời. Một địa ngục trần gian, sự ích kỷ, sự vô cảm, sự lạnh lùng v.v… tất cả đều hiện hữu trong đoạn phim ngắn nầy. Cái khổ nầy chồng chất với cái khổ kia và cuối cùng của cái khổ vẫn là những sự khổ liên hoàn còn tiếp nối theo phía sau nữa.

Cũng giống như chiếc máy bay ma hiệu Mã Lai Á MH 370 vào ngày 8 tháng 3 năm 2014 bay qua hướng Bắc Kinh ấy, đã chẳng bao giờ đến đích. Trong máy bay có 239 người; trong đó có 2 phi công; 10 người tiếp viên và số người còn lại là những lữ khách ra đi không bao giờ trở lại, kể cả những em bé mới sinh; những người dùng Passport giả. Những cụ già; những người sắp đi gặp người yêu hay nhận nhiệm sở mới… Tất cả đều là một kịch bản mà chưa có đạo diễn nào diễn giải nổi hết sự khổ của cuộc đời.

Cả hai câu chuyện trên đã chứng minh cho cả việc sanh, lão, bệnh, tử là khổ. Còn những sự khổ khác thì như thế nào ?

Ái biệt ly ư ?

Trên thế gian nầy đã có không biết bao nhiêu cuộc tình xảy ra trong quá khứ dẫn đến trong hiện tại và kéo dài mãi mãi trong tương lai nữa và đã có không biết bao nhiêu cuộc tình đứt gánh giữa đường, mặc dầu trước đó đã có không biết bao nhiêu lời nguyền ước. Có người thề non, hẹn biển, sống chết có nhau cho đến lúc đầu bạc răng long; nhưng mấy ai tìm được cái giá trị hạnh phúc đích thực của những cuộc tình nầy? Ở bất cứ một cuộc hôn nhân nào, người ta cũng chúc nhau trăm năm hạnh phúc, bách niên giai lão, sắc cầm hòa hiệp v.v… những danh từ cao đẹp nhất đều dành tặng riêng cho cô dâu và chú rể. Điều ấy cũng dễ hiểu thôi. Vì đó là những lời cầu chúc; còn việc có thực hiện được hay không, lại tùy thuộc vào cô dâu và chú rể có thật sự giữ gìn hạnh phúc cho nhau không; ấy mới là điều đáng nói.

Một hôm tôi gặp một cặp vợ chồng trí thức; tương đối xứng đôi vừa lứa và tôi đã hỏi cả hai một câu mà cũng tương đối khó trả lời. Câu hỏi được đặt ra là:

- Vậy thì ai sẽ giữ hạnh phúc cho ai ?

- Con sẽ giữ hạnh phúc cho chồng con. Cô gái đáp như vậy.

Còn tôi, một người tu, đứng ngoài sự yêu đương thường tình của nhân thế, góp ý như thế nầy:

- Lẽ ra các con, mỗi người phải tự giữ lấy mình thì hạnh phúc mới đến. Lúc ấy mới có sự hòa hợp thật sự.

Cả hai đều nhoẻn miệng cười tươi và dĩ nhiên là tôi mong cuộc tình nầy sẽ đi đến chỗ cao đẹp như những lời chúc tụng lâu nay. Vì chàng ta cũng đã bị nhiều lần dang dở.

Tôi không biết ái biệt ly người ta khổ sở như thế nào. Vì trong hiện tại tôi không thương yêu ai riêng lẻ, mà ở trong quá khứ, một kiếp sống xa xưa nào đó tôi cũng đã yêu thương, cũng đã bị khổ đau và giờ đây nhờ ánh sáng Phật Pháp soi rọi; nên cả cuộc đời nầy đã thênh thang ruổi bước trên đường trần, không bị dây ái tình ràng buộc. Đó mới là một chân hạnh phúc thật sự.

Đức Phật đã chẳng từng dạy: “Người ta bị vào địa ngục, trước sau rồi cũng có ngày ra khỏi; nhưng những ai bị lưới ái buộc ràng, suốt kiếp trọn đời rồi cũng sẽ chẳng có lối ra”. Đó là tình yêu, là sợi dây ràng buộc, cũng có lắm cuộc tình vụng trộm; có người tự tử, có kẻ đi tu. Cũng không biết bao nhiêu người đã vì chữ hiếu, chữ tình mà quyên sinh để trọn lời nguyền ước. Cũng không thiếu những thiếu phụ ôm con chờ chồng cho đến khi hóa đá lúc nào cũng chẳng hay biết. Lịch sử đã chứng minh nhiều mối tình vương giả như của Napoléon, của Từ Hy Thái Hậu, của Lan và Điệp của Kim Các Tự v.v… từ những tấm lòng trung trinh một thuở và những tình cảm kia cũng đã dẫn đến sự đổ vỡ một thời. Một trong hai người sẽ khổ đau; hoặc cả hai đều đau khổ. Vậy thì tình yêu hay tình ái nó có ý nghĩa gì? tại sao mọi con người, mọi động vật đều phải khốn khổ, đau đớn, chia lìa vì nó? Ta đã biết, tại sao ta không tự chọn cho mình một lối đi?

Rồi yêu, rồi ghét, rồi oán, rồi hờn … đôi khi trở thành người thù không đội trời chung. Vì đâu ra nông nổi ấy? Có phải vì trời? vì người? hay vì mình? Đa phần câu trả lời là tại nầy hay tại nọ mà ít ai nghĩ là tại chính mình đã vô tình hay cố ý gây nên. Thương đó rồi ghét đó. Yêu đó rồi hận thù nhau đó. Quả thật cuộc đời nầy có muôn lối rẽ. Chỉ có những người hiểu biết và những kẻ sớm giác ngộ mới mong ra khỏi sự đối đãi thường tình như thế nhân đã gặp phải mà thôi.

Cầu bất đắc, ngũ ấm xí thạnh cũng thế thôi. Tất cả đều dẫn đến cái khổ đau không cùng tận. Rồi một trong hai người cũng phải chết; nhưng chết như thế nào đây? Một sự bình an với hơi thở khi ra đi hay sẽ chơi vơi giữa dòng đời sinh tử, không lối thoát? Nơi đâu là bến bờ và ai là người mà chúng ta có thể nương tựa được, khi mà sự khổ đau đang thập tử nhất sinh nầy đã mang đến cho mỗi người? Lúc ấy chỉ có than thân trách phận mà chẳng biết tự trách mình.

Thế rồi mãi cho đến một ngày kia khi thần chết gõ cửa, chúng ta mới hối hận là tại sao trong suốt một cuộc đời đã chẳng phát tâm quy y Tam Bảo, lánh dữ làm lành. Tại sao tiền của có nhiều; nay lại biến mất đi đâu? Lúc giàu có tại sao không thể giúp người nghèo đói? Có phải lúc ấy vì lòng tham chấp chặt và đóng đi cánh cửa từ bi, lẽ ra phải mở rộng để cho nhân ái tràn vào? Còn ở đây thì ngược lại; đến khi thất thế sa cơ, thần chết đến gõ cửa, lúc ấy mới ăn năng hối cải, không biết như thế có muộn màng chăng? Khi trong tay có nhiều tiền, nhiều quyền, ta lại tưởng chừng nó luôn còn ở lại mãi với ta; nhưng rồi tiền tài, danh vọng, tiếng thơm v.v… nó cũng sẽ tìm cách xa ta, ra đi không có ngày trở lại. Có chăng chỉ là những cay đắng ngậm ngùi.

 

Sau đây là những câu chuyện liên quan đến những hiện tượng của sự sống và sự chết. Kết quả của sự sám hối và cầu nguyện v.v… Đầu tiên là câu chuyện “Đồ Tể buông dao thành Phật” hay còn ngọi là “Sự tích cây huyết dụ” của tác giả Nguyễn Đổng Chi mà năm 1974 tôi đã có cơ duyên dịch ra tiếng Nhật từ tiếng Việt khi còn ở Nhật lúc bấy giờ.

Chuyện kể rằng:

Trong làng nọ có một ngôi chùa, một Sư Cụ và một chú Tiểu. Hằng ngày mỗi sáng sớm Sư Cụ hay đánh thức chú Tiểu dậy để dộng Đại hồng chung, trước thời khóa công phu khuya. Ngày nào cũng như vậy. Bỗng một hôm Sư Cụ nằm chiêm bao thấy một người đàn bà mặc áo trắng đến thưa rằng:

- Thưa Ngài! Con có một yêu cầu.

- Điều gì ngươi cứ nói.

- Bạch Ngài! Ngày mai xin Ngài đừng kêu chú Tiểu dậy dộng chuông, được không?

- Tại sao ?

- Nếu Ngài thực hiện được điều nầy thì mẹ con của con vô cùng đội ơn. Bằng ngược lại thì…

- Ờ! Ờ! Chuyện dễ thôi! Ta sẽ thực hiện điều của thí chủ yêu cầu vậy.

Như lời dặn của người đàn bà mặc áo trắng hôm trước đã báo mộng, sáng hôm sau Sư Cụ đã không kêu chú Tiểu dậy dộng chuông. Vì vậy dân trong làng đều ngủ dậy trễ, kể cả người đồ tể làm thịt heo đem ra chợ bán mỗi ngày. Hôm nay choàng tỉnh dậy, mặt trời đã lên cao, làm sao có thể mổ lợn được nữa. Anh ta bèn mang con dao mổ lợn hằng ngày chạy đến chùa với một tư cách hằn học, giận dữ và quát tháo trước cửa chùa rằng:

- Tại sao Sư Cụ không cho chú Tiểu gióng chuông hôm nay?

- Ta chỉ thực hành điều yêu cầu của một thiếu phụ. Sư Cụ trả lời thế.

Đoạn Sư Cụ kể lại đầu đuôi câu chuyện của tối hôm trước mà Sư Cụ đã thấy cho người đồ tể nghe. Mặc dầu anh ta chưa nguôi ngoai cơn giận mấy; nhưng anh ta đã trở lại nhà và điều đầu tiên là anh đi đến chỗ chuồng heo và kỳ lạ thay, con heo mà anh định mổ thịt sáng nay; chính nó đã sinh ra một bầy lợn con rất kháu khỉnh. Bất giác anh ta rơi lệ và với trạng thái hối hận nầy, chàng đồ tể kia đã mang con dao vốn dính đầy máu, do giết heo quá nhiều ấy đến chùa. Khi đến trước cửa chùa lần nầy, anh ta không có thái độ hung hăng như lần trước nữa, mà anh ta đã quỳ xuống trước sân chùa, tỏ vẻ ăn năng sám hối một cách chân tình và con dao kia anh ta cắm sâu vào lòng đất, anh đã tự thệ nguyện rằng: “Từ nay về sau ta sẽ không làm nghề sát sanh nữa”. Cũng do lời thệ nguyện chí thành ấy mà chỗ con dao kia đã mọc lên một cây có màu máu; người đời gọi đó là: sự tích cây huyết dụ.

 

Đây là câu chuyện cổ tích; nhưng chắc chắn là có thật. Từ bao đời nay người Việt Nam đã tự kể cho nhau nghe và tiếp tục truyền miệng từ bao đời trong nhân gian như vậy và sau đây là câu chuyện xuất xứ từ Trung Quốc.

Chuyện kể rằng:

Trong làng nọ có một cặp vợ chồng sinh sống bằng nghề bán rau cải. Vợ hằng ngày mở quán bán hàng; chồng đi lấy hàng về cho vợ bán. Ngày lại tháng qua vợ chồng sống rất hạnh phúc chung với nhau dưới một mái tranh nghèo. Nơi cửa hàng của người vợ hằng ngày xuất hiện nhiều người đến mua rau cải, nhang đèn v.v… và đó cũng là cơ hội để cho những người hàng xóm rủ cô vợ bán rau của anh ta đi chùa, đồng thời cũng làm phước, bố thí, cúng dường v.v… người chồng ban đầu vẫn để cho vợ thực hiện ý định ấy; nhưng nàng càng ngày càng đi sâu hơn vào lĩnh vực tâm linh của Đạo Phật; chứ không dừng lại ở đó; chẳng những nàng không chỉ ăn chay hằng tháng mấy ngày mà còn khuyên chồng nên ăn chay theo mình nữa. Chàng ta căm tức; chẳng phải vì vợ, mà vì cái Tôn giáo gì mà lạ kỳ như thế, cũng như chàng giận cho những người hàng xóm lẻo mép kia; họ đã nói làm sao cho vợ chàng tin theo, mà bây giờ còn ép chàng nữa.

Thế rồi chàng nghĩ ra kế khác để trực tiếp làm cho nàng nản chí. Chàng lêu lỏng cờ bạc, rượu chè, tiêu phá tài sản cho hả cơn “giận cá chém thớt”. Chàng càng ngày càng có thêm bợm nhậu và chính một trong những bợm nhậu nầy đã khuyên chàng là nên đổi qua nghề giết lợn để cho vợ khỏi có cơ hội ăn chay và việc làm phước bố thí cũng theo đó mà giảm dần. Chàng nghe có lý; nên về nhà khuyên vợ bán tiệm tạp hóa rau cải kia để đổi lấy một lò sát sanh. Ban đầu vợ chàng không khứng chịu. Nhưng vì chàng là chồng; nên nàng phải thuận theo. Ngày lại tháng qua, chàng chọc huyết lợn, vợ giữ chân lợn… cứ như thế thời gian lặng lẽ trôi qua và đôi khi người chồng còn đùa với nàng rằng: “Chính người giữ chân lợn cho người khác chọc tiết, kẻ ấy mới có tội; còn người giết lợn không có tội”. Từ đó nàng lại càng hoang mang hơn nữa; nên đêm đêm nàng vẫn niệm Bồ Tát Quan Thế Âm mật thùy gia hộ. Bỗng một hôm Bồ Tát hiện về bảo rằng:

“Con không nên sợ hãi mà hãy nhất tâm niệm A Di Đà Phật cho những chú heo bị chọc huyết khi con giữ chân heo cho chồng con làm việc đó và sự nhất tâm cầu nguyện của con, sau nầy sẽ có kết quả”.

Nhưng chồng nàng đâu có dừng ở đó. Khi thấy việc buôn bán được, thay vì mỗi ngày giết một con, chàng làm thịt thêm hai ba con để mang ra chợ bán. Khi mối lợi càng nhiều thì âm thanh niệm Phật của nàng cũng càng thấm thiết hơn. Do vậy đã cảm ứng đến Đức Phật A Di Đà và tất cả những con heo kia được siêu sanh về Tịnh Độ.

Rồi một hôm nàng mộng thấy Bồ Tát đến báo rằng: “Còn 3 tháng nữa chính nàng sẽ vãng sanh”. Sáng hôm sau nàng đem câu chuyện ấy thuật lại cho chồng nghe. Người chồng không tin; nhưng gần hết 3 tháng bỗng dưng sắc diện của nàng đổi khác. Đoạn nàng ngồi ngay ngắn để nghe tiếng niệm Phật từ xa kéo đến của đàn heo đã chết thuở nọ. Nàng trút hơi thở cuối cùng và chồng nàng cũng thầm niệm A Di Đà Phật, khi chứng nghiệm được sự linh ứng qua việc niệm Phật của vợ mình.

Vì cõi Phật là cõi “phàm thánh đồng cư tịnh độ”; nên nếu có ai đó niệm Phật thật nhất tâm để cầu nguyện trước khi lâm chung, thì vật ấy cũng có thể hiện tiền nơi cảnh giới Tây Phương. Vì việc ấy do sự thệ nguyện hay lời nguyện căn bản của Đức Phật A Di Đà mà có được. Chứ không phải do ta tự niệm mà được vãng sanh. Tha lực là điều kiện căn bản nhất để thành tựu được việc nầy.

 

Xem ra việc trên dễ mà khó, khó mà dễ. Từ câu chuyện nầy, nếu vì điều kiện trong một gia đình có hai hay nhiều tín ngưỡng khác nhau; hoặc giả người vợ phải lo việc nấu mặn cho chồng ăn; trong khi mình phải dùng chay, thì hãy thực hành việc cầu nguyện một cách chân thành nhất tâm như câu chuyện trên thì kết quả cũng không khác gì với nhau mấy. Nếu chúng ta cầu nguyện tha lực mà không được thành tựu như ý nguyện, là vì lẽ, lời cầu nguyện của chúng ta bị gián đoạn, không chuyên chú; nên chưa cảm đến chư Phật; đặc biệt là Đức Phật A Di Đà; nên chỗ ứng hiện lại làm chưa rõ nét. Chỉ khi nào cả hai bên vừa cảm vừa ứng đều ngang nhau, thì hành trình sanh tử sẽ dừng lại, để chúng ta có thể nhẹ bước về Tây trong khi tiếng trợ niệm A Di Đà vẫn còn vang vọng bên tai mà hành giả phát nguyện vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc.

 

Trong quyển sách bằng tiếng Anh nhan đề là: “Peaceful Death and Joyful rebirth” mà tôi và Thầy Nguyên Tạng dịch ra tiếng Việt với nhan đề là: “Chết an lạc, Tái sanh hoan hỷ” của Đại sư Tulku người Tây Tạng, hiện đang dạy học tại Đại học Harvard Hoa Kỳ. Trong tác phẩm nầy có giải trình mọi kiến giải cho việc trước cũng như trong và sau khi tái sanh; nhưng trong sách cũng có viết nhiều điểm đặc biệt; nhất là Ngài định nghĩa thế nào là một công đức?

Ngài thí dụ rằng: Cũng như những giọt nước mưa; mới ban đầu còn ít, sau đó nước nhiều dần sẽ tạo thành ao và từ ao, nước ấy sẽ chảy vào hồ và từ hồ, nước sẽ chảy ra sông. Cuối cùng sông kia sẽ đưa nước chảy vào biển cả. Ngài kết luận rằng: Cuối cùng thì trong biển cả đại dương kia có rất nhiều nước, mà không thể thiếu những giọt nước ban đầu kia được. Từ đó Ngài dạy về công đức như sau:

Người Phật tử chúng ta đi chùa cúng Phật một cành hoa, lễ Phật một lễ; hay nhẫn đến cúng dường tịnh tài để xây chùa, đúc tượng, tô chuông. Ngoài ra còn làm những việc từ thiện như: xây trường học, làm cầu cống cho người qua lại v.v… Tất cả những việc nhỏ đến lớn nầy cũng giống như những giọt nước mưa ban đầu vậy. Với công đức để thành Phật quả, không thể nào thiếu những công đức lúc ban đầu; cũng như biển cả kia, tuy nhiều nước đấy; nhưng chẳng thể thiếu những giọt nước mưa tuy nhỏ; nhưng rất quan trọng ấy. Vì thế, khi còn sống, còn hiểu biết, chúng ta nên làm một cái gì đó, để một ngày nào đó, chúng ta sẽ ra đi và sự ra đi ấy sẽ mang đến cho chúng ta nhiều sự lợi lạc to lớn vô cùng.

Cũng như có một người đã qua đời; gia đình, thân nhân, bè bạn cầu nguyện và làm phước. Lẽ ra người thân ấy sẽ quá vãng; nhưng do những công đức mà người thân đã tích tạo; nên mạng sống của người qua đời lại được kéo dài thêm trong  năm hay ba năm nữa. Như vậy không phải là phép mầu sao? Hay chúng ta còn mong đợi ở một phép mầu nào khác hơn nữa ?

 

Chết, có rất nhiều người sợ. Vì họ không biết rằng: họ sẽ ra đi về đâu. Có người thì bảo rằng: chết là hết, đâu  có gì để phải lo. Điều ấy chưa hẳn đúng. Vì lửa hết; nhưng củi vẫn còn và trong cây củi ấy vẫn luôn luôn hàm chứa về sự hiện hữu của lửa. Phật tánh cũng lại như thế. Nó không xa cũng chẳng gần, không trong cũng chẳng ngoài; mà nó tự tại vô ngại, tồn tại trong khắp thế gian nầy.

Giờ đây mọi vật và mọi việc dường như đã được lắng đọng lại, để cho ai đó, nếu có một cái nhìn thiển cận về sự tái sanh, cũng có thể có được một cơ hội tốt để nhìn lại con đường tâm linh của mình đã trải qua và cần phải thẩm định lại kỹ càng nhiều hơn nữa.

Nếu một người hiểu đạo, trong gia đình sắp có người lâm chung thì nên đến chùa nhờ quý Thầy đến nhà để trợ niệm vãng sanh. Trong nhà thương cũng có thể làm được điều nầy, nếu thân nhân người sắp quá vãng có sự yêu cầu với bệnh viện. Điều căn bản là phải tỉnh táo, sáng suốt, không lo âu, vội vã. Vì người sắp mất sẽ tựa và người thân qua những hành động và cử chỉ của người thân để nương nhờ. Nếu người thân chuyên lo làm phước, bố thí, cúng dường… hồi hướng phước báu cho người sắp quá vãng, thì người ấy sẽ được lợi lạc vô cùng. Nếu thân nhân thỉnh Thầy, Cô thuyết giảng về lý vô thường, khổ, không, vô ngã cho người sắp ra đi, thì sự buông xả của họ cũng có một ý nghĩa đặc biệt. Nếu có kẻ vì giận hờn mà không có sự hóa giải qua lời kinh, tiếng kệ; khiến cho người sắp mất nặng nề quyến luyến… thì quả vị giải thoát hãy còn xa. Vị Pháp sư được cung thỉnh, hãy chí thành cầu nguyện và hướng tâm linh của người sắp mất ấy vào một điểm tựa nhất định nơi cửu phẩm liên hoa ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, thì còn gì hơn được nữa ?

Cận tử nghiệp của người thân rất quan trọng khi sắp ra đi. Lúc ấy nếu có sự khai thị rõ ràng của chư Tăng, Ni giới đức thì người sắp mất sẽ tỏ ngộ thêm vào tâm thiện ấy vẫn luôn duy trì cho đến khi thần thức lìa thể xác. Lúc ấy bóng đã ngã về Tây và câu Phật hiệu cứ tiếp tục nương theo đó mà trợ niệm cho người có tâm thành hướng về Phật. Như vậy sự vãng sanh sẽ có, không thể khác hơn được.

“Có ăn mới no, có tu mới chứng”. Đó là câu tục ngữ mà trong nhiều đời, người Việt Nam của chúng ta đã làm quen. Vậy thì động từ “ăn” và “tu” là hai hành động mà chúng ta cần phải thể hiện trước. Nếu chúng ta không hạ thủ công phu, không chuyên chú cầu nguyện thì kết quả sẽ không được cao như chính chúng ta hay người sắp mất mong đợi.

Lúc sắp ra đi là lúc tâm thức của người ấy sáng hẳn lên, cũng giống như ngọn đèn dầu trước khi tắt, thường hay phựt lên cao hơn và sáng tỏ hơn nhiều lần bình thường. Từ đó chúng ta phải thấy rằng: Đây là dịp tốt để khai thị cho Thân trung ấm của hương linh để có thể đi đầu thai về một thế giới cao hơn.

 

Nếu có những người không thích nhau lúc sống thì cũng không nên gần nhau lúc chết; ít nhất là trước hay trong khi lâm sàng cũng như ít nhất là sau 8 tiếng đồng hồ người ấy sẽ thở hơi thở cuối cùng. Vì lẽ người sắp lâm chung lúc ấy rất sáng suốt để nhận diện ra rằng: Người mình không thích đang có mặt ở nơi đây. Nhiều khi lẽ ra, người sắp mất sẽ được sanh vào một thế giới cao hơn; nhưng vì giận người đối diện. Sự sân hận làm chủ, khiến cho người sắp ra đi dễ bị rơi vào cảnh địa ngục hơn là tự tại thong dong nơi những cảnh giới cao hơn.

Có nhiều người Việt Nam cho rằng: “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Điều ấy không sai; nhưng hãy đến thăm họ sau hơn 8 tiếng đồng hồ mà người ấy đã tắt thở, để không làm cản trở việc đi đầu thai của người kia. Việc nầy chính thân nhân trong gia đình nên để ý và chính những người không thích nhau khi còn sinh tiền cũng không được phép quên điều nầy.

Ngoài ra, khi đứng trước người sắp ra đi chỉ nên nhắc lại những kỷ niệm vui trong khi chung sống giữa hai người hay giữa bạn bè với nhau. Mong những hình ảnh đẹp ấy gợi nhớ vào tâm thức của người sắp mất là điều nên làm và hãy đừng nên kể lể, khóc than về những việc xấu xa cũng như những việc chưa làm được của mình và người thân. Vì lúc ấy cả hai bên cũng không thể giải quyết được điều gì. Phải biết lo dọn dẹp tâm thức thật là trong sáng để thọ nhận những nghiệp quả tốt khi lâm chung là điều quan trọng nhất.

Cũng có nhiều hiện tượng xảy ra như người cha chờ cho đứa con thân yêu nhất trở về bên giường bệnh. Lúc ấy người cha mới nhắm mắt và thở ra hơi thở cuối cùng để vĩnh biệt thế nhân. Điều nầy có thật và đã có không biết bao nhiêu người đã chứng kiến cảnh tử biệt sinh ly ấy. Đây cũng là điều hiển nhiên mà trong giáo lý của Đạo Phật có thể thừa nhận được.

 

Trong trường hợp người thân của mình chưa quy y Tam Bảo thì cũng nên khuyên người sắp ra đi nên hướng về Tam Bảo và mời Thầy truyền tam quy ngũ giới cho người thân trên giường bệnh vẫn được lợi ích như thường. Ngay cả lúc sắp lâm chung, vì có quá nhiều để phải lo và quên bẳng đi điều nầy, thì trong vòng 49 ngày làm lễ quy y cho hương linh cũng không muộn. Dĩ nhiên lúc còn sống, được thọ nhận lễ quy y thì tốt hơn.; nhưng với một số người không xem trọng việc nầy lúc sống thì quy y lúc ở trạng thái lâm sàng hay sau khi chết, trong vòng 49 ngày cũng là điều đáng quý.

Gia đình nên tụng kinh Thủy Sám hay Lương Hoàng Sám để thay thế cho hương linh sám hối những tội lỗi đã gây nên từ trong vô lượng kiếp. Hương linh nhờ đó mà ra đi một cách nhẹ nhàng hơn. Dĩ nhiên niệm Phật, tụng kinh cầu vãng sanh nó không phải là chuyện áp đảo cho người ấy phải ra đi. Nó chỉ nhằm ý nghĩa  trợ duyên, mà người sắp ra đi không thể thực hiện được. Mọi lễ nghi và khi hồi hướng, người tụng kinh đều phải nhắc lại ý nghĩa nầy nhiều lần cho người đang nằm trên giường bịnh được nghe.

 

Tôi đã có nhân duyên tụng kinh và niệm Phật cho những người sắp ra đi, khi còn nằm trên giường bệnh. Ví dụ như câu chuyện của Đạo hữu Diệu Thanh thân mẫu của Thầy Hạnh Tấn. Câu chuyện vãng sanh của Đạo hữu Thiện Pháp Hà Thị Lan Anh tại Hannover. Câu chuyện ra đi nhẹ nhàng của cố Thượng Tọa Thích Thiện Thông và của Sư cô Thích Nữ Hạnh Châu 90 tuổi, là những câu chuyện của hai vị Phật tử tại gia và hai vị xuất gia để quý vị được lãm tường. Từ đó chúng ta sẽ có một niềm tin quyết liệt vào Tam Bảo để cầu nguyện vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà.

 

Đầu tiên là câu chuyện vãng sanh của Đạo hữu Diệu Thanh. Lúc ấy vào năm 1994, khi Thầy Hạnh Tấn còn đang du học tại Ấn Độ. Nghĩa là cách nay đã đúng 20 năm rồi. Hai mươi năm là một phần năm của một thế kỷ. Sao mà nó nhanh như vậy ?

Buổi chiều hôm đó chúng tôi cùng con gái của Đạo hữu Diệu Thanh vào bệnh viện Siloa tại Hannover để thăm và cầu nguyện. Đang lúc tụng kinh cầu an, tôi nhìn thẳng vào mặt bà  và thấy hai tay của bà bầm tím lạ thường; tôi nghĩ rằng: chắc bà sẽ không qua khỏi. Do vậy liền đổi sang tụng kinh cầu siêu. Khi Thần chú Vãng sanh quyết định Chơn ngôn vừa tụng dứt, thì hơi thở của bà cũng đã không còn tiếp tục nữa. Trước khi hồi hướng, tôi có nói về Vô thường cho bà ta nghe. Vì sáng hôm sau tôi phải đi Úc; nên đã điện thoại cho Thầy Hạnh Tấn; lúc ấy Thầy đang tá túc trong cư xá tại Đại học New Dehli. Gọi không gặp Thầy ấy;  nên tôi đã nhờ Thầy Chơn Thiện nhắn lại. Sau khi về lại Đức, Thầy Hạnh Tấn đã thỉnh Hòa Thượng Thích Tánh Thiệt, trụ trì chùa Thiện Minh, Pháp quốc, sang Đức để chủ trì lễ tống táng.

Câu chuyện tưởng chừng không thật. Thế mà là một sự thật của một đời người, ra đi nhẹ nhàng không đau nhức, than khóc, níu kéo người thân. Mấy ai có được như vậy ?

 

Câu chuyện kế tiếp là của Đạo hữu Thiện Pháp Hà Thị Lan Anh. Bà ta sống tại Stuttgart. Chí nguyện bình sinh của bà là thực hành theo pháp môn Tịnh Độ để cầu Phật tiếp dẫn về Tây Phương sau khi lâm chung. Ngoài ra tuy bà ở Stuttgart; nhưng hay nguyện rằng: “Nếu khi ra đi, thì được chết tại chùa Viên Giác Hannover”. Có lẽ do lời nguyện tha thiết như vậy; nên vào một năm nọ, cách khóa tu gieo duyên vào đầu tháng 7 dương lịch, bà đã cùng với nhiều người bạn đạo về chùa. Ngày mai, 1 tháng 7 là bắt đầu vào khóa tu. Tối đó ngày 30 bà tự nhiên nói nóng lạnh và chở vào nhà thương Laatzen. Lúc ấy chư Tăng Ni và Phật tử vân tâp về chùa Viên Giác rất đông. Hầu như tất cả đều vào nhà thương để hộ niệm. Gian phòng chật cứng người. Tiếng hộ niệm càng dồn dập, thanh thoát bao nhiêu thì ánh từ quang của Đức Phật A Di Đà dọi sáng vào phòng bà nằm chừng ấy. Lẽ thường vào mùa hè, khí trời quá nóng bức, với số người đông đảo như vậy; nhưng ở đây thì ngược lại. Tự nhiên một không khí thanh lương, mát diệu như trong kinh A Di Đà diễn tả. Thế rồi bà thuận thế vô thường ra đi trong niềm hân hoan của mọi người. Vì bà ước gì đã được nấy.

 

Việc vãng sanh của Thượng Tọa Thích Thiện Thông, tôi đã có ghi trong quyển “Có và Không” rồi. Tiện đây tôi cũng xin nhắc lại vài việc chính yếu mà thôi.

Việc xảy ra cách đây gần 10 năm. Lúc ấy vào cuối tháng 6 cả âm và dương lịch đều khớp nhau; nên trời không có trăng. Thế mà khi quan tài của Thầy đem về để trong phòng học của Tăng Ni chùa Viên Giác thì hào quang ngũ sắc đã dọi thẳng từ trên Phật điện xuống tận dưới tầng cuối cùng; nơi có để áo quan của Thầy tại đó. Hôm đó có mấy chục người Phật tử ở lại tụng kinh Địa Tạng đã chứng kiến việc nầy.

Trước đó 2 ngày. Ngày ấy nhằm vào ngày sinh nhật của tôi thì Thầy nhập viện vì bị đứt mạch máu dẫn lên đầu. Từ bệnh viện nhỏ chở lên bệnh viện lớn, rồi từ bệnh viện lớn chở về lại bệnh viện nhỏ để chờ ngày ra đi. Tôi đến bên Thầy để nói về vô thường và sự sanh diệt cho Thầy nghe trong trạng thái đang gắn dây dẫn thuốc đầy mình. Mắt Thầy nhắm nghiềm lại; nhưng khi hỏi Thầy có hiểu không, thì Thầy khẽ gật đầu. Tôi bảo rằng:

- Thưa Thầy! Bây giờ có 2 cách. Một là Thầy đứng dậy đi bình thường như không có chuyện gì đã xảy ra. Nếu Thầy làm được vậy, chắc cả bệnh viện nầy họ sẽ xin quy y Tam Bảo nơi Thầy đó.

Việc thứ hai –Thầy là dịch giả và tác giả của những sách, kinh về Tịnh Độ. Bây giờ Thầy đã rõ Vô Thường là gì rồi. Nếu sống được Thầy hãy thực hiện như cách trên. Nếu Thầy cảm thấy không thể, thì nên nhẹ nhàng ra đi theo câu Phật hiệu của chúng tôi niệm cho Thầy đây. Vì lẽ chúng ta là người xuất gia, sẽ không có ai chăm lo cho chúng ta trong những ngày còn lại khi Thầy nằm liệt giường đâu. Thầy hãy tự quyết định phần nầy. Thế là Thầy khẽ gật đầu và nhắm mắt.

Chỉ cần niệm tiếp dẫn thêm 2 tiếng đồng hồ nữa là Thầy đã nhẹ nhàng ra đi vào cõi Phật. Đời người đúng là như thế. Chỉ một hơi thở ra không hít vào, đã trở thành dĩ vãng và là người của xa xưa cũ rồi.

 

Câu chuyện kế tiếp là của Sư Cô Hạnh Châu, đệ tử xuất gia của tôi. Lúc cô  ra đi cách đây mấy năm, Cô thọ 90 tuổi đời và có được 20 năm xuất gia tại chùa Viên Giác Hannover. Tôi đã viết đâu đó về Cô nhiều rồi. Bây giờ chỉ xin ghi lại những điểm chính yếu mà thôi.

Trước 3 tháng, Cô đã chọn ngày ra đi cho Cô là vào một dịp lễ Vu Lan năm nọ. Tôi có hỏi Cô là: Tại sao Cô chọn vào dịp ấy? Vả lại tôi thấy Cô vẫn còn mạnh khỏe mà?

- Bạch Thầy! Con muốn có nhiều Thầy, Cô về hộ niệm cho con và quý Phật tử nữa.

Trông Cô vẫn khỏe mạnh, tự đi, đứng, giặt giũ, tắm rửa… không làm phiền đến ai. Thế mà đến chiều thứ sáu của Lễ Vu Lan năm nọ, cách nay chừng 6 năm, Cô than mệt và mọi người vào phòng cô để hộ niệm. Đêm tối Thứ Sáu ấy tiếng niệm Phật rền vang cả một góc chùa. Tất cả đều luân phiên tụng niệm. Trưa thứ bảy tôi có vào thăm, thấy hơi thở của Cô bắt đầu dồn dập và mọi người vẫn chí thành niệm Phật. Đến khoảng 3 giờ chiều, trong khi tôi đang giảng pháp cho mọi người nghe trên chánh điện thì Sư Cô Hạnh Bình lên báo tin là Sư Cô Hạnh Châu đã ra đi rồi. Thế rồi tôi cùng những thính chúng đang nghe pháp trên chánh điện chùa Viên Giác đều đồng chắp tay và niệm “Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật” 3 lần. Mọi người tham dự lễ Vu Lan năm đó đều chứng kiến sự ra đi nhẹ nhàng của Sư Cô Hạnh Châu và kể từ chiều tối thứ bảy hôm đó cho đến chiều chủ nhật, suốt 24 tiếng đồng hồ, mọi nghười đều niệm Phật liên tục cho Cô như thế, sau đó mới đem vào nhà quàn.

Trước ngày đi đưa 2 hôm, tôi cho chở quan tài của Sư Cô về chùa để tụng kinh và cầu nguyện. Kỳ lạ thay trên tháp 7 tầng của chùa Viên Giác những vòng hào quang ngũ sắc (năm màu) đã hiện lên giữa ban ngày, nhiều người đã chụp hình được và niềm tin với Tam Bảo lại càng sâu sắc hơn; nhất là pháp môn niệm Phật.

 

Bây giờ ngồi tại Na Uy viết lại những dòng chữ nầy, tôi kể lại 4 chuyện đã qua trong vòng 20 năm tại xứ người, mà dường như những việc ấy mới xảy ra đâu đây, không phân biệt thời gian và năm tháng được. Vả chăng! đời người thì giới hạn, mà không gian lại vô cùng ?

Người tu theo pháp môn Tịnh Độ, cầu nguyện sau khi lâm chung, sanh về thế giới cực lạc của Đức Phật A Di Đà cũng đều giống nhau ở một điểm là có nhiều điềm lành khi lâm chung, thân, tâm an tịnh, thần sắc sáng sủa; không bị đen đúa, khó nhìn. Có nhiều vị tắt thở hơn 24 tiếng đồng hồ; nhưng nét mặt lại tươi nhuận hơn trước khi lâm chung. Dường như câu Phật hiệu đã rót tận thật sâu vào xương tủy của người mất vậy.

Cũng có nhiều cái chết thật khổ đau, vì khi sống không tin sâu nhân quả; không hướng về Tam Bảo, không làm phước bố thí cúng dường mà còn phỉ báng Tam Bảo, nói xấu Tăng Ni, gièm pha đạo Phật thì nghiệp quả nhãn tiền của họ, tôi cũng đã chứng kiến nhiều lắm; nhưng thiết tưởng không nên nêu lên ở đây. Vì những việc như thế chẳng giúp ích gì cho người còn sống. Chúng ta chỉ nên quán tưởng đến những người ra đi tốt đẹp như vậy để một mai đây, nếu ta có thuận thế vô thường, cứ như vậy mà hành trì, thì sẽ được lợi lạc nhiều hơn.

 

Trên đây là những điều thực chứng, mắt thấy, tai nghe. Tôi chỉ muốn ghi lại sự thật để người đời sau lấy đó làm tin mà tu hành chân chính thì quả vị vãng sanh không còn xa nữa. Tất cả ai ai cũng có thể làm được, dẫu cho đó là người phàm hay kể cả Thánh nhơn.

Pháp môn Tịnh Độ niệm Phật cầu vãng sanh là một pháp môn bất khả tư nghì như vậy, chúng ta nên bắt đầu ngay từ bây giờ; chứ không nhất thiết là chờ cho đến giây phút lâm chung mới cung thỉnh chư Tăng Ni đến nhà cầu nguyện, mà niệm tụng danh hiệu Phật; nhất là Đức Phật A Di Đà, ngay khi còn sống cũng được lợi lạc vô cùng.

Tất cả chúng ta nên đồng chắp tay và cùng niệm “Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật” một hay nhiều lần như thế lại càng quý hóa hơn.-

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/01/2019(Xem: 10310)
HƯỚNG DẪN VỀ SỰ CHẾT ĐỂ SỐNG TỐT ĐẸP HƠN Nguyên bản: Advice on Dying and Living a Better Life Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma Anh dịch và hiệu đính: Jeffrey Hopkins, Ph. D. Chuyển ngữ: Tuệ Uyển
04/11/2018(Xem: 10969)
Cảnh giới bên kia cửa tử do người chết hồi sinh kể lại, Hiện nay tái sinh là một đề tài nóng bỏng ở xã hội Tây Phương nói chung và Hoa Kỳ nói riêng. Chương trình 60 Minutes ngày 30 tháng 10, năm 2005 có đề cập đến vấn đề luân hồi tái sinh và báo cáo hiện nay có đến 78% người Mỹ – vào khoảng 200,000,000 dân — tin có kiếp trước kiếp sau.
12/09/2018(Xem: 8922)
Chương trước quan tâm chính yếu với hai chướng ngại đến một sự thực tập chính đáng khi lâm chung – đau khổ tràn ngập và những hiện tướng sai lầm làm sinh khởi tham luyến, thù oán, hay rối rắm. Trong khi tìm cách để tránh hai chướng ngại này, ta cũng cần phát sinh những thái độ đạo đức bằng việc nhớ lại sự thực tập của chúng ta. Khi không còn hy vọng gì được nữa cho kiêp sống này, khi các bác sĩ đã buông tay, khi những nghi lễ tôn giáo không còn hiệu quả nữa, và khi ngay cả những người bạn và người thân của ta từ trong đáy lòng đã không còn hy vọng, thì ta phải làm những gì có ích. Ngay khi ta có chánh niệm, thì ta phải làm bất cứ điều gì ta có thể giữ tâm thức chúng ta trong một cung cách đạo đức.
25/08/2018(Xem: 5619)
Nhập viện cấp cứu, giáo sư Mỹ ‘rời thân xác’ và có trải nghiệm cận tử phi thường, Những trải nghiệm về địa ngục kinh hoàng và thiên đường tuyệt diệu trong giây phút cận kề cái chết đã khiến vị giáo sư người Mỹ, từ một người vô thần đã hoàn toàn bị thuyết phục bởi Đức tin về sự hiện diện của Đấng Toàn năng. Trải nghiệm cận tử đã khiến cuộc đời ông thay đổi mãi mãi… Ngày định mệnh Giáo sư Howard Storm dạy môn Nghệ thuật tại ĐH Northern Kentucky (Mỹ) từng là người rất vô thần. Theo ông, bất cứ thứ gì không thể nhìn thấy, sờ được, hay cảm nhận bằng năm giác quan đều không hề tồn tại. Ông tin chắc rằng thế giới vật chất bề mặt này đã bao hàm tất cả và không gì có thể tồn tại bên ngoài phạm vi của khoa học.
15/08/2018(Xem: 14946)
REBIRTH VIEWS IN THE ŚŪRAṄGAMA SŪTRA (Fifth Edition) Dr. Bhikkhunī Giới Hương Hồng Đức House – 2018 [Xem ấn bản tiếng Việt: Luân Hồi Trong Lăng Kính Lăng Nghiêm]
10/06/2018(Xem: 5949)
TỰ TỬ - CĂN BỆNH THỜI ĐẠI Vừa mới nghe tin nhà thiết kế người Mỹ nổi tiếng là Kate Spade 55 tuổi tự tử bằng cách treo cổ ở New York vào sáng ngày 5-6 vẫn còn chưa hết ngỡ ngàng, thì tiếp theo ngày 6-6 có tin em gái Hoàng hậu Maxima của Hà lan là cô Ines Zarraeguicta 33 tuổi người xứ Argentina cũng vừa tự tử bằng cách thức tương tự, đến ngày 8-6 lại có một nhân vật khác vô cùng nổi tiếng, đầy cá tính mạnh mẽ là đầu bếp Anthony Bourdain 61 tuổi cũng vừa tìm đến cái chết bi thương như vậy. Sự bất quá tam với những tin tức trong mấy ngày qua đã mang lại nhiều nỗi bàng hoàng, tiếc thương và đầy cảm xúc cho thân phận một con người. Không chỉ vậy mà đây còn là những con người thông minh, tài giỏi được cuộc đời ưu đãi với nhiều danh vọng, vật chất dư thừa nhưng vẫn mang trong lòng những nỗi buồn chán, không niềm vui, hạnh phúc phải tìm đến cái chết để tự kết liễu đời mình.
02/05/2018(Xem: 7252)
Kiếp sống của mỗi con người sinh ra ở thế giới Ta Bà này, dùthọ mạng dài hay ngắn,nhìn chung có thểphân chia làm nhiều giai đoạn. Giai đoạn nào cũng nhiều phấn đấu, tranh đua, lo âu vàphiền não. Ngoại trừ thời gian mới lọt lòng Mẹ, đứa béchưa biết suy nghĩ, chưa biết phán đoán. Chỉ cười khóc theo bản năng đòi hỏi của cơ thể, và em bé thườngđược Cha Mẹ đáp ứng đầy đủ.
30/04/2018(Xem: 5488)
Giới Thiệu Cuộc Nghiên Cứuvề Tái Sanh: “Rebirth in Early Buddhism & Current Research” Nguyên Giác, Có nhiều câu hỏi về tái sanh thường được nêu ra đối với các Phật tử. Có tái sanh không? Nếu có, có thể nhớ chuyện kiếp trước không? Cái gì tái sanh? Có thân trung ấm hay không? Nếu có, có thể tu trong thân trung ấm hay không? Bên cạnh kinh điển Phật giáo, các nhà khoa học nói gì về tái sanh, và các nghiên cứu đang tới đâu rồi? Đã có nhiều nhà sư dựa vào Kinh Tạng để trả lời các câu hỏi trên, cũng như nhiều nhà khoa học đã khảo sát về một số trường hợp được hiểu là có tái sanh khi các thiếu niên nhớ lại ba mẹ kiếp trước. Tuy nhiên, nhiều ngờ vực vẫn không ngừng nêu ra, vì cơ duyên để phỏng vấn hay nghiên cứu các trường hợp lạ vẫn rất hiếm, hoặc bất toàn.
15/03/2018(Xem: 17096)
Nhẫn nại là 10 pháp hành Ba la mật cho các vị Bồ Tát có ý nguyện trở thành Phật Toàn Giác, Phật Độc Giác hoặc Phật Thinh Văn Giác. Những pháp hành đó là : 1- Bố thí 2- Trì giới 3- Xuất gia 4- Trí tuệ 5- Tinh tấn 6- NHẪN NẠI 7- Chân thật 8- Quyết tâm 9- Từ bi 10- Tâm xả
06/12/2017(Xem: 11378)
Dưới đây là một bài giảng ngắn của Lạt-ma Denys Rinpoché, một nhà sư người Pháp. Ông sinh năm 1949, tu tập theo Phật giáo Tây Tạng từ lúc còn trẻ, vị Thầy chính thức của ông là nhà sư nổi tiếng Kalu Rinpoché (1905-1989), ngoài ra ông còn được thụ giáo thêm với rất nhiều vị Thầy lỗi lạc khác như Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV, Dudjom Rinpoché, Kangyr Rinpoché, Pawo Rinpoché X, Dilgo Khyentsé Rinpoché, Karmapa XVI, v.v. Hiện ông trụ trì một ngôi chùa Tây Tạng tại Pháp và cũng là chủ tịch danh dự của Tổng hội Phật giáo Âu Châu.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]