Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

02. Con người và những động vật khác trước khi sinh ra.

24/10/201406:53(Xem: 10005)
02. Con người và những động vật khác trước khi sinh ra.

 

 
 
 

HIỆN TƯỢNG của TỬ SINH

Tác giả:  Thích Như Điển

Ấn Hành  PL. 2558 – DL. 2014
***

 
 
 
Chương Hai
 
Con người và những động vật khác
trước khi sinh ra

 

 

T

rong kinh Trường A Hàm, Đức Phật dạy rằng: Con người vốn xuất thân từ cõi Trời Quang Âm Thiên đến đây. Cõi nầy vốn nằm trong cõi dục; nhưng chúng sanh ở đó có thần thông, diệu dụng và khi đến đây cũng dùng những thần lực ấy để sinh trưởng tại đây.

 

Con người đầu tiên bay được và khi đến quả địa cầu, nơi chúng ta đang ở tại Cõi Nam Diên Phù Đề nầy.  Lúc ấy đất đai rất màu mỡ, tươi ngon. Con người không cần phải nấu ăn một ngày ba bữa như bây giờ, mà ngũ cốc cũng tự sinh sản và đặc biệt là chất đất rất ngon ngọt; loài người chỉ cần lấy ngón tay chấm xuống mặt đất, đoạn bỏ vào miệng. Thế là một thức ăn toàn hảo tự hòa tan vào cơ thể của con người để nuôi lấy bản thân nầy.

 

Dần dà con người cảm thấy cần phải lấy thức ăn để dành cho ngày hôm sau và hôm sau nữa; nên mới phân chia ranh giới ruộng đất, hoa mầu. Lòng tham đã bắt đầu manh động. Từ đó có sự tranh đấu và cãi cọ với nhau, để rồi ruộng ai nấy giữ và người nào càng giành được nhiều ruộng thì kẻ ấy trở thành điền chủ và thủ lãnh. Kẻ nào đến sau phải đi làm thuê ruộng đất cho người đi trước có nhiều đất đai, tài sản hơn. Thế là chủ nghĩa chủ tớ tự nhiên hình thành. Tiếp tục như vậy, các ông Ấp trưởng, Thôn trưởng, Xã trưởng, Quận trưởng của những bộ tộc từ từ thành tựu. Bộ tộc nầy chiến đấu với bộ tộc kia. Họ vào rừng săn thú, đốn củi, tạo thành lửa từ đá hay hai thanh cây cọ sát lại với nhau. Chế độ gia đình và bộ tộc hình thành bắt đầu từ trong vô thỉ ấy; cho đến nay chẳng biết thời gian là bao lâu.

Con người càng cạnh tranh với nhau nhiều hơn và lòng tham cũng trổi dậy không ngớt; nên con người trở nên xấu xí cũng như tàn bạo thêm. Họ không phải chỉ giết chết sinh vật để làm thức ăn, mà họ còn giết hại lẫn nhau giữa con người và con người để giành phần thắng về mình; cho nên con người càng ngày càng xấu tệ. Thời gian vô cùng, không thể tính đếm được. Vì lẽ nếu con người càng ngày càng làm ác nhiều hơn, thì quả đất nầy sẽ chóng lụi tàn, không còn ngũ cốc cũng như không khí trở nên nguy hiểm và con người lại tự hủy diệt bởi chính mình.

 

Cũng chính trong kinh Trường A Hàm, Trung A Hàm hay luận A Tỳ Đàm về việc thành lập thế giới nầy, Đức Phật đã nói rõ điều ấy. Đến một ngày kia, con người chỉ còn có 6 tháng tuổi, đã biết thương yêu nhau và sanh con đẻ cái và tuổi thọ của con người thuở ấy là 10 tuổi và thức ăn của con người chỉ toàn bằng hạt cỏ. Tuyệt nhiên những loại ngũ cốc không còn có mặt trên thế gian nầy nữa và đồ mặc là những loại vỏ cây, loài người lấy đó để che thân; nhưng con người phải trải qua 3 giai đoạn của Tiểu Tam Tai và 3 giai đoạn của Đại Tam Tai như sau:

 

Giai đoạn Tiểu Tam Tai.

Đầu tiên là đói khát, kế đến là dịch bệnh và giai đoạn thứ ba là chiến tranh tàn phá con người cũng như quả đất nầy. Ngay trong hiện tại ở thế kỷ thứ 21 nầy chúng ta cũng đã, đang và sẽ chứng kiến các giai đoạn tuần tự như thế.

Hằng ngày trên quả đất nầy có hằng ngàn trẻ em bị chết vì đói và bệnh dịch. Người lớn thì chết bằng tai nạn giao thông như đường thủy, đường bộ và hàng không. Rồi chiến tranh xảy ra khắp nơi trên quả địa cầu nầy; máu chảy, thây phơi… có nhiều nơi xác chôn không kịp. Rồi động đất, sóng thần… đã chôn vùi không biết bao nhiêu là sinh linh vô tội. Thật ra đâu có người nào muốn chết, khi người ta đang sống hạnh phúc trên cõi đời nầy và cũng chẳng có con vật nào mà không ham sống, sợ chết. Thế nhưng con người và thiên nhiên đã tự hủy hoại mình; cho nên mới ra nông nổi ấy.

 

Giai đoạn Đại Tam Tai.

Sau thời kỳ Tiểu Tam Tai là Đại Tam Tai. Đó là ba giai đoạn nguy kịch nhất mà loài người phải hứng chịu. Đó là những trận đại hồng thủy, nước sẽ dâng cao lên; không phải như Tsunami chừng 50 hay 60 mét, mà nước dâng cao ngất hết cả những cõi trong dục giới nầy như: Trời, người, A Tu La, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, Nam Thiệm Bộ Châu, Bắc Cu Lô Châu, Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hóa Châu. Sau đó là những cõi có đời sống cao hơn trong cõi Dục là: Dạ Ma, Đẩu Suất, Đao Lợi, Tứ Thiên Vương, Hóa Lạc, Tha Hóa Tự Tại Thiên. Mười lăm cõi ấy bị tràn đầy nước. Lúc ấy các vị Thiên Tử trên cõi Sắc Giới mới hỏi Vua Trời rằng: Nước sẽ còn dâng lên đến đâu nữa? Vua Trời trả lời rằng: Nước sẽ dừng ở hết cõi Dục, chứ không dâng lên đến cõi Sắc Giới.

Khi nước dâng lên cao thì loài người cũng theo đó mà chết. Chỉ còn lại duy nhất 10.000 người. Rồi trong 10.000 người ấy chỉ có một người biết tu thân, tích đức, sau đó gọi mời những người khác cùng giữ giới như: ngũ giới, thập thiện, lánh dữ làm lành. Thế là một thế giới khác sẽ được tiếp tục hình thành và con người sẽ tiếp tục xuất hiện ở quả địa cầu kia.

Trước khi nước dâng lên cao thì lửa trong lòng quả đất nầy cũng nung nấu cao độ, làm cho quả địa cầu nầy vỡ tan tành, trở thành những mảnh nham thạch vụn rơi tứ tung, chẳng khác nào những mảnh vở của một chiếc máy bay phản lực bị tai nạn, tan tành và từng mảnh một của thân phi cơ rơi vào đại dương có nơi sâu đến 10 cây số. Thế là cát bụi lại trả về cho cát bụi.

Gió sẽ thổi mạnh. Không phải là những trận Harican cuồng phong như đã xảy ra ở Mỹ hay Úc, mà là những trận gió kinh thiên động địa làm cho nước càng ngày càng dâng cao thêm và xô đẩy con người đi vào chỗ chết. Nhiều hồn oan vất vưởng phải tìm cách nương tựa nơi những người có đời sống tâm linh cao hơn, nhằm làm vơi đi những nhọc nhằn của nhân thế.

 

Đó là tóm lược những gì trong kinh Phật nói mà chính tôi đã được đọc qua hay cũng có những bản kinh tự mình dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt, cũng như đọc được những bản kinh dịch từ chữ Pali sang tiếng Việt. Đây là những bộ kinh có nguồn gốc đáng tin cậy nhiều hơn. Tuy nhiên độ tin cậy như thế nào, cao hay thấp là tự nơi khả năng thẩm định của mỗi con người. Dĩ nhiên là Phật không hù dọa ai; Phật cũng không phạt vạ ai và Đức Phật chỉ dùng trí tuệ để soi sáng cho con người. Con người có tin hay không, việc ấy không bắt buộc.

Đức Phật không phải chỉ nhìn thấy một thế giới đang được thành lập hay băng hoại, mà Ngài khi nhập diệt tận định, Ngài có thể quán chiếu thấy thế gian nầy gấp cả trăm lần như thế. Nghĩa là ở đây có thế giới nầy sinh thì ở kia có thế giới khác diệt. Nghĩa là chúng không mất, dầu cho đó là những ước lệ của vật chất. Chúng chỉ hoán đổi vị trí mà thôi. Chúng giống như gió thổi, mây bay. Thoạt thấy chỗ nầy hiện và bỗng chốc lại bay đi, tan vào trong hư không cô quạnh; nhưng gió và mây chẳng mất; khi có đủ nhân duyên thì gió và mây sẽ hiện hữu.

Đức Phật cũng dạy rằng: Tuy nhiên quả địa cầu nầy sẽ có tuổi thọ dài lâu hơn; nếu con người thực hiện được những điều sau đây:

- Con người có còn tin tưởng vào ngôi Tam Bảo không?

 - Con người có còn hiếu thảo với cha mẹ hay không?

- Con người có tôn trọng Sư trưởng và hòa thuận với huynh đệ hay không?

- Con người có còn lòng thương đối với chúng sanh chung quanh mình hay không?

 

Bây giờ chúng ta thử đi vào từng vấn đề một và phân tích ra từng sự kiện để xem sự thể nghiệm nầy như thế nào?

Đối với Tam Bảo; tức là ba ngôi báu trên thế gian nầy; con người có còn trân quý không? Đó là Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo.

Tại  sao gọi là Bảo? Vì lẽ trong đời nầy ít có và khó có gì sánh bằng; nên mới gọi là quý hiếm. Vàng bạc, đá quý rất hiếm, nhưng có tiền người ta có thể mua sắm được. Còn ba việc trên, chúng ta không thể đổi bằng tiền, mà phải đánh đổi bằng năng lực tự có của chúng ta.

 

Đức Phật há đã chẳng dạy chúng ta rằng: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”. Đây là một lời tuyên dương pháp ngữ cao thượng nhất của một bậc giáo chủ của Đạo Phật. Vì sao vậy? Nếu ai cũng cố gắng hành trì, tu tập thì Phật quả sẽ đi đến gần kề. Ngược lại, ai xa lánh sự tu tập và sự siêng năng thì quả vị giác ngộ ấy càng ngày càng xa dần. Kẻ làm việc thiện lương, chẳng khác nào người ấy đi từ miền ánh sáng nầy đến miền ánh sáng khác. Nếu chẳng may sa vào con đường tội lỗi, chẳng khác nào một kẻ đi từ vùng tối tăm nguy hiểm nầy đến chỗ tối tăm nguy hiểm khác. Do vậy chúng ta luôn phải cần đến những thiện hữu trí thức là vậy.

 

Đức Phật cũng dạy rằng: Ở thời mạt Pháp, Phật và Tăng sẽ không còn hiện hữu trên thế gian nầy nữa; nhưng Pháp thì luôn còn tồn tại. Chính Pháp là mẹ sinh ra chư Phật; chứ chư Phật không sinh ra Pháp. Pháp giải thoát ấy hiện có khắp thế gian. Chỉ khi Phật và các vị Bồ Tát ra đời, lúc ấy các Ngài chỉ tuyên lại giáo pháp kia, chứ không phải sáng tạo hay phát hiện ra một giáo pháp khác nữa; mà bao giờ và ở đâu “Tứ Diệu Đế” cũng như 37 phẩm trợ đạo vốn là căn bản của tất cả Tông Phái của Phật Giáo vốn tự có xưa nay.

Đức Phật cũng đã từng dạy trong kinh Hiếu Tử rằng: Kẻ nào biết kính thờ cha mẹ, kẻ ấy cũng sẽ biết kính thờ Phật. Trong kinh Lục Phương hay kinh Thiện Sanh, Đức Phật cũng đã dạy rõ ràng từng bổn phận của từng cặp đôi với nhau như:

Cha mẹ đối với con cái có năm điều

Con cái đối với cha mẹ cũng có năm điều

Chồng đối với vợ có năm điều

Vợ đối với chồng cũng có năm điều

Chủ đối với tớ có năm điều

Tớ đối với chủ cũng có năm điều

Thầy đối vớì trò có năm điều

Trò đối với Thầy cũng có năm điều …

 

Như vậy thiết nghĩ rằng Đức Phật đã chẳng phải chỉ lo riêng cho người xuất gia, mà chính người tại gia, Đức Phật cũng vẫn hằng quan tâm đến. Nếu ai đó trong chúng ta vâng lời Phật dạy biết kính trọng, vâng lời cha mẹ, biết báo ân, báo hiếu, làm lành, lánh dữ … thì quả đất nầy sẽ được lợi lạc biết bao. Chư Thiên chư Bồ Tát và chư Phật sẽ hoan hỷ biết là dường nào!

 

Thầy trò vốn là nhân duyên, huynh đệ trong một gia đình cũng vậy. Nếu chúng ta không có duyên với nhau thì đã không thành tình nghĩa Thầy trò và nếu trong quá khứ không có sự ràng buộc thì kiếp nầy sẽ không trở thành huynh đệ với nhau được. Ân đức ấy, nghĩa tình nầy, nếu con người biết trân quý thì giá trị đạo đức sẽ luôn được thể hiện, dẫu cho thời gian hay không gian có biến đổi. Điều ấy không có gì quan trọng đối với những con người biết trọng nhân nghĩa và lấy đó làm kim chỉ nam cho cuộc sống của mình.

 

Điều sau cùng là con người có còn thương chúng sanh tồn tại trên quả địa cầu nầy không? Chúng sanh ở đây có nhiều loại, nhưng tựu chung có hai loại lớn. Đó là hữu tình chúng sanh và vô tình chúng sanh. Loại chúng sanh hữu tình là loài biết sống, sợ chết. Loài chúng sanh vô tình như cây cỏ, không thể đầu thai được làm người; nhưng chúng cũng sẽ bị đau xót khi mình hành hạ chúng. Do vậy, nếu con người chỉ biết bảo vệ sự sống của mình; trong khi đó không tôn trọng sự sống của kẻ khác; chỉ biết lo giết hại, tàn phá thì quả đất nầy sẽ bị thảm họa lây. Đây là một định luật nhân quả, không ai và không một vật gì có thể lọt ra ngoài lưới võng nầy được.

 

Nếu bốn điều căn bản vừa nêu trên, con người thể hiện trọn vẹn, không khiếm khuyết một điều nào, thì đoan chắc rằng: tuổi thọ của quả địa cầu nầy càng ngày càng dài lâu hơn nữa. Bằng ngược lại những điều trên, sau Tiểu Tam Tai thì Đại Tam Tai sẽ đến gần kề.

 

Chẳng ai muốn làm người thiếu phước đức; nhưng khi sinh ra, có người sẽ làm Vua, làm Công chúa, Thái tử. Có người sẽ làm quan, làm nhà Bác học; nhưng cũng có lắm người sinh ra lại cụt tay, mất chân, nghèo khó đủ điều. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Lỗi ấy tại ai? Có phải do cha mẹ hay do ta tự gây tạo từ nhiều đời?

Trong kinh dạy rằng:

 

“Dục tri tiền thế nhơn

Kim sanh thọ giả thị

Dục tri lai thế quả

Kim sanh tác giả thị”.

 

Nghĩa:

 

Muốn biết nhơn đời trước

Hãy xem quả hiện tại

Muốn biết quả tương lai

Hãy xem nhân hiện tại.

 

Nhân và quả; quả và nhân là những dây mắc xích. Chúng gắn liền với nhau ở nhiều nơi, nhiều chốn. Cái nầy có, cái kia sẽ có. Cái nầy sinh, cái kia sẽ mất. Nghĩa là sự tồn tại của cái nầy luôn có sự tồn tại của cái kia là vậy.

Nếu ta tự biết phước báu của mình và cảm nhận được những gì chúng ta đang có được. Đó là điều hạnh phúc vô song. Bằng ngược lại, chúng ta chỉ có khổ và khổ, không bao giờ tìm ra được lối thoát của sanh tử trong 6 nẻo luân hồi nầy. Thấy kẻ khác có phước báu, mình ganh tị, đố kỵ. Nhưng chẳng ai nghĩ rằng: tại sao kiếp trước ta chẳng khéo tu nhân, để kiếp nầy được như vậy. Vì đa phần chúng sanh chỉ sợ kết quả; chứ ít ai lo liệu ngay từ chỗ gây nhân. Cho nên mới ra nông nổi ấy.

Có người sinh ra thiếu tay, cụt chân; mắt, tai, mũi, lưỡi chẳng đầy đủ. Đây chính là cái nhân của quá khứ đã gây ra nhiều việc bất thiện liên hệ đến các việc: sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, uống rượu v.v… Nếu người ấy biết dừng lại và sám hối tội lỗi trong quá khứ thì hiện tại không tạo thành những kết quả như trên. Nếu hiện tại kết quả như vậy mà vẫn mãi tạo ra những ác nghiệp, thì tương lai lại càng đen tối biết là dường nào.

 

Phật Giáo Nam Tông luôn khuyên người làm phước, bố thí, cúng dường và cái quả chính là ở chốn nhơn thiên. Nếu kiếp sau sinh trở lại làm người sẽ đươc giàu có, an vui, sung túc. Đây là cái nhân để sinh lên các cõi trời, khi người thế gian biết làm những việc thiện.

 

Phật Giáo Bắc Tông cũng hướng dẫn cho Phật tử của mình tạo phước báu như: cúng dường xây chùa, đúc tượng, tô chuông, giúp người nghèo, xây trường học, cầu cống v.v… cái quả ở cõi Tây Phương Tịnh Độ ít nhất cũng là hạ phẩm Trung Sanh. Khi sanh về đó, sẽ được nghe Pháp âm và thấy Pháp tướng của hai vị Bồ Tát Quan Thế Âm và Đại Thế Chí. Điều nầy kinh Quán Vô Lượng Thọ, Đức Phật đã dạy rõ ràng như thế.

 

Trong kinh Tạp A Hàm, Đức Phật có thuật lại một câu chuyện có liên quan về phước báu đời trước như sau:

 

Có một lão ăn mày, chẳng mong được gì hơn là làm Tăng Sĩ chỉ một ngày thôi. Thế là lão ta quyết định đi đến Tịnh Xá nơi Đức Phật cư ngụ để quyết định xin cạo đầu làm Tăng Sĩ. Sau khi Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiền Liên quán nhân duyên của lão ăn mày nầy lùi vào 80 kiếp của quá khứ; nhưng cả hai vị đều thấy rằng: Lão ăn mày này chẳng có nhân duyên gì với Phật Pháp cả. Bây giờ làm sao xuất gia được. Do vậy hai vị đã đuổi ông lão ăn mày đi khỏi Tịnh Xá.

Ngày hôm sau, kỳ lạ thay! Hai vị Thánh Tăng Đệ tử của Đức Phật lại trông thấy lão ăn mày ngày hôm qua không được mình cho phép xuất gia; nay đã trở thành một vị Tu sĩ y áo trang nghiêm đang ngồi đó. Hỏi ra mới biết rằng: Đức Phật đã độ cho ông ta xuất gia. Vì lẽ Phật đã quán sâu hơn 80 kiếp xa xưa của ông lão ăn mày nầy là một người đốn củi; khi vào rừng bị cọp rượt, lão ta trèo lên cây cao và trong khi hoảng sợ ấy, cửa miệng buột ra ba tiếng là: Nam Mô Phật. Chỉ nhờ có thế mà nhân duyên đã đến và Phật đã cho ông ta xuất gia chỉ trong một ngày đêm thôi! Điều nầy chính lão ta muốn như vậy và Đức Phật dùng trí tuệ quán sát và Ngài đã thuận tình.

Nhân duyên là như vậy. Nó biến hiện trùng trùng. Chỉ có những bậc đại nhân mới thấu rõ được lẽ tồn vong của trời đất; còn con người bình thường, sự hiểu biết chỉ bị giới hạn nơi não bộ mà thôi.

 

Bây giờ ngồi xem truyền hình, đôi khi thấy người ta chiếu lại những hình ảnh giả lập về người tiền sử và các loài động vật cả hằng nhiều triệu năm về trước; nhưng cho đến nay hầu như tất cả các nhà Bác học đều chưa đi đến một điểm chung nào cả. Vì lẽ càng tìm hiểu quá khứ, quá khứ của quá khứ lại cứ mãi hiện ra. Bây giờ không còn là không gian của một chiều, hai chiều, ba chiều hay bốn chiều, mà là không gian của nhiều chiều đang chiếu dọi tương phản với nhau cả về quá khứ cho đến hiện tại và lẫn với tươg lai về sau nữa. Cho nên nhà Bác học Stefan Haukin của Anh trong hiện tại đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng thời gian không có cái bắt đầu và cũng không có cái cuối cùng. Điều nầy không khác gì lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cách đây hơn 2.500 năm về trước.

Nhà Bác học Albert Einstein người Đức gốc Do Thái cũng như thế. Ông ta là cha đẻ của thuyết tương đối ở thế kỷ thứ 20 và cũng trong thế kỷ ấy người ta bình bầu ông là người đại diện cho hơn 6 tỷ người trên quả địa cầu nầy và ông ta đã dõng dạc tuyên bố rằng:

- Ông ta là người không theo Tôn giáo nào; nhưng nếu ông chọn một tôn giáo để theo, thì đó là Phật Giáo.

- Một Tôn giáo có sức cuốn hút rất mạnh, kể từ thế kỷ thứ 21 trở đi. Đó là Phật Giáo.

- Đạo Phật không cần thẩm định lại giá trị khoa học của mình nữa. Vì tất cả những lời dạy của Đức Phật đã vượt lên khỏi khoa học rồi.

 

Một nhà Bác học, một bậc nhân tài của vật lý, một cha đẻ của thuyết tương đối, sanh ra tại Neu-Ulm thuộc miền Nam nuớc Đức; ngày nay ai nhắc đến tên ông, cũng không bao giờ quên được những lời tuyên bố của ông như trên.

Như vậy khoa học dầu cho có tiến bộ đến đâu đi chăng nữa, thì cũng không thể khám phá được cái tận cùng của vũ trụ nầy và những hành tinh khác đang hiện hữu chung quanh nơi ta đang sống. Cho nên một lần nữa ta lại vững tin rằng: Giáo lý của Đạo Phật rất là khoa học và vượt ra ngoài sự đối đãi cũng như sự tính toán của khoa học ngày nay.

 

Những con vật tiền sử như: khủng long, voi chúa, trâu rừng hay những loài thủy tộc khác, thấy to lớn gấp trăm, gấp ngàn lần hơn bây giờ. Cũng có nhiều nhà khoa học sinh vật ngày nay cho rằng những con cá sấu, rùa, ba ba, hến, sò v.v… là những biến thể của những con khủng long ngày trước. Những con trâu rừng tự nó giết chết với nhau và hóa hiện ra những loài trâu nước trong hiện tại. Những con khỉ, con vượn, con giả nhân, con đười ươi v.v… đều có một quá trình thay đổi của từng chủng loại, trải qua hằng nhiều triệu năm khác nhau và vì thế chúng ta có thể đoán chắc rằng hằng trăm, hàng ngàn, hằng vạn năm hay hằng triệu năm sau nữa, những con vật đang hiện hữu bây giờ, nó sẽ thay đổi khác thường, như con người phải tự thay đổi cách sống của mình để hợp với môi trường sống vốn đầy khí thải ô nhiễm nầy để được tồn tại và phát triển. Nhờ khảo cổ học mà người ta tìm được xác chết của người tiền sử và chính cũng nhờ vào khảo cổ mà người ta đã tìm ra được những bộ xương của những con khủng long đã hóa thạch vốn đã có thời kỳ sống trên quả đất nầy cả hằng triệu năm về trước. Có nhiều khoa học gia thấy thế mới tin rằng: Con người không phải chỉ mới bắt đầu có mấy triệu năm nay trên quả địa cầu nầy, mà xa hơn về quá khứ, con người đã hiện hữu bằng nhiều hình thức khác nhau.

Có nhiều người bảo rằng: Cái gì họ thấy được, họ mới tin. Còn cái gì không thấy được thì họ không có tin. Nhưng nếu có ai đó hỏi lại rằng:

- Thế thì không khí anh có thấy chăng?

- Không.

- Nhưng bạn có tin rằng nếu không có không khí thì bạn sẽ chết không?

- Tin chứ.

Quả thật cũng là vô lý. Trên đây thì đòi thấy mới tin. Bây giờ việc không thấy cũng phải tin như thường.

- Có bao giờ bạn thấy hình của Tổ tiên nhà anh chăng?

- Chưa bao giờ thấy.

- Nhưng bạn có tin rằng nếu không có họ thì bạn sẽ không có mặt nơi cõi đời nầy chăng?

- Tin chứ.

 

Cả hai điều bên trên gần như là vô lý đối với những người chỉ muốn thấy để chứng minh là đúng; nhưng cả hai đều không thấy, sau khi hỏi đáp, vẫn thấy rằng những điều không thấy vẫn đúng như thường.

 

Còn Tôn giáo thì sao?

Dĩ nhiên mỗi Tôn giáo có một cách riêng để hướng dẫn cho tín đồ của mình về phạm trù tâm linh nầy, nhưng riêng Phật Giáo, Đức Phật đã từng dạy rằng: Tin ta mà không hiểu ta, tức là hủy báng ta. Vậy thì chúng ta cần phải hiểu lời dạy của Ngài để hành trì; chứ tuyệt nhiên không phải để thấy rồi mới tin. Vì cái thấy ấy chắc rằng đã đúng? Có một câu chuyện kể lại về “Nồi cơm của Nhan Hồi” học trò của Đức Khổng Tử như sau:

Đức Khổng Tử bắt võng nằm đọc sách, trong khi Nhan Hồi đang thổi cơm, còn Tử Lộ cùng những người học trò khác đi hái rau. Khi Nhan Hồi nấu cơm thì Khổng Tử vừa đọc sách, vừa quan sát những hành động của Nhan Hồi. Đoạn Khổng Tử gấp sách lại và chăm chú nhìn thì thấy rằng: sau khi cơm chín tới, Nhan Hồi đã mở nấp vung và xới cơm. Kế tiếp Nhan Hồi cho vào miệng mình mấy hạt cơm bên trên đã được xới lên ấy. Tử Lộ đem rau về luộc. Thế là Thầy trò Khổng Tử có một bữa cơm rau đạm bạc sau khi từ nước Tề chạy sang tỵ nạn tại nước Sở nầy. Khi Thầy trò Khổng Tử ngồi vào bàn ăn. Khổng Tử vội bảo Nhan Hồi rằng:

- Nầy con! Thầy trò chúng ta sở dĩ hôm nay được an ổn ở chốn nầy là do âm đức của Tổ tiên, ông bà, cha mẹ ta mà có được. Vậy Nhan Hồi hãy đơm ba bát cơm để cúng ông bà tổ tiên, cha mẹ ta trước, các con có tán đồng không?

- Thưa Thầy! nên ạ !

Cả những trò hiện diện đều biểu đồng tình như thế. Riêng Nhan Hồi từ tốn trả lời rằng:

- Thưa Thầy không nên ạ !

- Tại sao không nên ? Khổng Tử hỏi.

- Vì con đã lỡ ăn trước rồi ạ !

- Nhưng vì sao lại ăn trước ?

- Khi con dở vung ra xới cơm; những lọ bù hóng từ trên trần nhà rớt xuống, đọng lại trên mặt cơm vừa xới. Con sợ Thầy và các bạn ăn vào sẽ bị bịnh; nên con đã gạt lớp bù hóng ấy đi và đã dùng trước rồi; nên xin đừng đơm cơm ấy cúng Tổ Tiên hóa ra vô phép và con xin phép Thầy cùng các bạn cứ dùng. Còn con, con đã dùng rồi. Đoạn Khổng Tử ngửa mặt lên trời than rằng:

- May chứ không thì ta đã hại một người hiền !!!

Lời than ấy đã cho ta thấy sự thức tỉnh của Khổng Tử. Ông ta là một nhà hiền triết của Trung Hoa và được người đời phong cho “Vạn thế sư biểu”; chính mắt ông ta thấy Nhan Hồi đã làm gì và chính tai ông ta nghe nấp vung khẽ mở rồi khẽ đậy lại. Thế mà sự thật đâu có phải như Khổng Tử tưởng tượng trong đầu mình.

Từ câu chuyện nầy, chúng ta phải thật là thận trọng trong những việc xét người và xem đời. Vì trong cuộc đời nầy không phải chỉ dùng những cái thấy, nghe để phán đoán sự việc, mà cần phải tư duy, chiêm nghiệm. Có như thế mới hoàn hảo được.

 

Trong kinh Tạp A Hàm có chép lại câu chuyện “Gà ấp trứng” mà Đức Phật đã dạy cho các Đệ tử như sau:

Đức Phật hỏi các vị xuất gia rằng: Tại sao gà ấp trứng mà có trứng nở thành con và có trứng lại hư?

Mỗi vị trả lời một cách khác nhau và cuối cùng Đức Phật dạy rằng:

Sở dĩ các trứng không được nở ra thành con, vì gà mẹ trở trứng không đều; cho nên không đủ hơi ấm để trứng được nở.

Như vậy hơi ấm là sự quyết định tối hậu. Từ đó Đức Phật dạy rằng:

Vậy các ông đã ấp ủ hơi ấm cho 37 phẩm trợ đạo có đều chăng? Từ Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc cho đến Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần và Bát thánh đạo phần ?

Các vị Đệ tử chợt ngộ ra Đức Phật muốn khuyên cho mọi người về công năng tu tập; chứ không phải chỉ đơn thuần là những cái trứng gà.

Tiếp đó Đức Phật dạy:

- Nhưng các ngươi thấy khi gà con sinh ra, chúng tự bóc mình khỏi vỏ rồi chui ra khỏi trứng, hay gà mẹ bóc vỏ cho gà con ?

Bạch Thế Tôn!  Chính những con gà con đã tự mình mổ lớp vỏ bên ngoài và chui ra khỏi vỏ ấy.

- Cũng thế ấy! Giáo lý ta dạy chỉ là phương tiện. Còn chính các ông phải tự lột được lớp vỏ của vô minh phiền não ấy và tự bước ra khỏi luân hồi sanh tử, chứ chẳng ai có thể giúp gì được cho các ông; ngoại trừ các ông phải tự chứng thực về điều nầy.

- Dạ! Bạch Đức Thế Tôn. Dạ! Bạch Đức Thiện Thệ! Chúng con đã hiểu.

Có nhiều người cho rằng con vật sinh ra, cốt để nuôi dưỡng và phụng sự cho con người; chứ tuyệt nhiên con người không có bổn phận phải phụng sự cho con vật. Nói như vậy thì không đúng hoàn toàn, nếu con vật mà nói tiếng người được, thì những con vật kia nó sẽ kiện người và chắc chắn chúng sẽ thành công. Vì lẽ con người không có tình thương khi đối xử với loài vật.

Nếu bảo rằng vật dưỡng nhơn thì tại sao không vào sở thú nộp thân cho cọp, beo, sư tử, để xem thử có đúng như vậy không? mà chính ra những con vật nầy cũng ít ai giết được chúng; nhưng theo định luật của thành, trụ, hoại, diệt chúng cũng tự phải chết, khi sự sống không còn nữa. Con người cũng như thế! đâu có ai giết con người; chỉ tự mình giết hại nhau qua chiến tranh, bom đạn và con người vẫn tồn tại và sinh sôi nảy nở; rồi con người phải tự chết; chẳng có ai có khả năng tạo nên sự diệt chủng, thế mà con người vẫn tồn tại để được sống, được hít thở khí trời, rồi tự mình hủy diệt mà thôi; trong khi đó con người lại tự đi hủy diệt sự sống của những loài chúng sanh khác, để mình được hưởng nhiều lợi lạc hơn. Quả là điều bất công của cuộc sống.

Một mảnh đất bình thường; nơi ấy chúng ta gieo đủ hạt giống khác nhau và bón phân đều nhau; nhưng khi cây lên mầm, trổ đọt, thành cây, rồi ra hoa, ra trái… Cây chanh sẽ cho quả chua, cây quít sẽ cho trái ngọt. Cây bưởi, cây hồng, cây táo, cây đào, cây mận, cây me v.v… mỗi cây sẽ cho một loại quả có hương vị khác nhau; chẳng có loại nào khác với hạt giống nguyên thủy của nó cả. Do đó có nhiều người cho rằng: nhân nào ra quả đó là vậy. Nhưng điều cần lưu ý ở đây là cũng chỉ chung trong một mảnh đất, chung một loài phân bón, cùng một cách săn sóc; nhưng kết quả lại khác nhau.

Cũng như thế ấy, vườn tâm của con người cũng được ươm nhiều hạt giống thiện, ác, vô ký khác nhau. Cho nên khi hoa nghiệp bắt đầu trổ, sau đó thành quả thì chắc rằng quả thiện ngọt ngào hơn quả ác. Quả vô ký vừa chua vừa chát và cũng vừa ngọt nữa. Chỉ điều khác nhau là sự tạo tác; còn tâm nầy vốn là tâm nguyên thủy của nó.

 

Có nhiều loại cây sống trong rừng có cả hằng ngàn tuổi thọ; trong khi đó, tuổi thọ của loài người nơi cõi Ta Bà nầy đâu có mấy ai được 100 tuổi. Cho nên người xưa nói rằng:

“Sơn trung tự hữu thiên niên thọ

Thế thượng nan lưu bá tuế nhơn”.

 

Hoặc giả ca dao xứ Huế cũng có bài như:

“Trăm năm trước thì ta chẳng có

Trăm năm sau có cũng như không

Cuộc đời sắc sắc không không

Trăm năm còn lại tấm lòng từ bi”

 

Chỉ có lòng thương con người thể hiện cho người đồng loại, cho thú vật, cho cỏ cây thì luôn luôn tồn tại. Còn tuổi thọ của đời người, dầu cho có là bao, một ngày nào đó rồi thân cát bụi của chúng ta cũng sẽ trả về cho cát bụi. Như vậy sự vô thường đã và sẽ chi phối chúng ta suốt trên đoạn đường sanh tử và của 6 nẻo luân hồi nầy.

Cây sống nhiều ngàn năm cũng trở thành thần; hoặc cũng có nhiều vị Thần không có chỗ nương nhờ; nên đi đâu thì đi, lúc về lại nhà không có nơi nương tựa; nên đã gá nghĩa vào cây. Nên nhiều người gọi là cây thần. Những vị Thần nầy cũng linh thiêng đáo để; nên người xưa đã bảo rằng: “Đất có Thổ công, sông có Hà Bá” là vậy.

 

Đức Phật đã không cho phép những vị Tỳ Kheo vô cớ đốn cây. Vì lẽ cây cũng có sự sống. Tuy là loại thực vật, không có tâm thức như động vật, kể cả loài người; nhưng cây cũng biết buồn vui và tâm sự khi ta chăm sóc và có cảm tình với chúng. Nhựa của cây, chính là máu mủ của chúng. Ta chặt, cắt chúng cũng có nghĩa là ta giết đi sự sống của những loài thực vật nầy. Dĩ nhiên, nếu chúng bị cắt đi, chúng sẽ nứt hay mọc ra nhiều nhành lá khác; nhưng chúng cũng biết đau đớn cảm nhận như động vật. Cho nên thường thường sau mỗi bài kinh, chư Tăng, Ni tại chùa thường hồi hướng cầu nguyện cho mọi loài rằng:

“Tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí”

nghĩa là: Loài có tình và loài vô tình đều trọn thành Phật quả.

Hằng ngày chư Tăng, Ni dùng quá đường hay có tụng pháp: Tam đề, Ngũ quán. Hàm ý của pháp quán ầy là trừ bỏ các việc ác, nguyện làm các việc lành và cầu nguyện cho chúng sanh được vào con đường của Phật.

Ngồi vào bàn ăn, trước khi ăn cơm chúng ta phải tưởng nhớ đến do đâu mà ta có miếng ăn nầy. Kế tiếp hãy tự xem mình có đủ đức hạnh để nhận của tín thí nầy chăng. Điều thứ ba là đề phòng tâm tham lam của mỗi người và phải xem những thức ăn ấy là một vị thuốc hay để chữa bịnh gầy và cuối cùng phải phát nguyện dõng mãnh là vì muốn thành đạo nghiệp; nên mới dùng đến món cơm nầy.

Đó là thực vật chay tịnh, không có máu huyết mà người xuất gia khi ăn uống còn phải tưởng niệm như vậy; huống chi là những động vật có đờì sống cao hơn. Thế mà con người nỡ nào nhẫn tâm giết hại nó? Khi chết nó đau đớn biết là dường nào?

Ngày nay nhân loại văn minh bậc nhất. Cái gì cũng nhanh, cũng lẹ, cũng tạo ra thành quả nhiều gấp 5, gấp 10 lần ngày xưa. Họ làm sao cho gà đẻ mỗi ngày 2 quả trứng, bằng cách cho thức ăn gia cầm thật nhiều và hối thúc chúng trong vấn đề sinh sản. Bò làm sao lấy sữa cho được chất lượng cao, bằng cách họ cho bò ăn những loại thực phẩm pha trộn những lương thực khác béo bổ. Heo nuôi làm sao cho mau cho thịt. Nếu ai đó có dịp xem những Vidéo về các lò sát sanh thì cũng hoảng kinh hồn vía. Vì lẽ con vật bị con người đày đọa, bóc lột, bất công. Nếu chúng có pháp lý, chúng sẽ đi kiện và loài người sẽ bị thua. Tôi đã thấy có những con bò sữa, chẳng may sinh con. Con bê con tìm đến vú mẹ để bú. Thế là bị những người chăn nuôi vì muốn có sữa để bán ở thị trường; cho nên dùng búa đập đầu cho con bò con chết; trong khi lưỡi của con bò con, còn ngậm vú mẹ nó. Quả thật, nếu chúng ta có uống sữa, một phần nào đó cũng đã giành bớt sự sống của bò con; nên có nhiều người không uống sữa; mặc dầu sữa cũng là một loại chay. Vì ở đó không sinh ra sinh mạng nào tiếp tục nữa từ sữa nầy. Thế nhưhg nếu ai có lòng từ khi xem đến những loạt phim nầy cũng phải khiếp vía và đem lòng thương đến với những loài vật nầy.

Ở nước Đức ngày nay kỹ nghệ về chế tạo thực phẩm chay từ đậu nành quá thịnh hành. Mới đây đài truyền hình Đức đã chính thức công bố là có 9% dân Đức ăn chay trường. Họ không ăn thịt động vật. Dĩ nhiên họ không phải hoàn toàn là Phật tử Đại Thừa; nhưng họ là những người không muốn thấy cảnh chết chóc của động vật nữa; nên họ đã ăn chay. Một dân tộc có 85 triệu người; trong đó có gần 8 triệu người ăn chay, quả là một điều tuyệt diệu. Họ không phải theo Ấn Độ giáo như Ấn Độ, mà họ là những người đang thể hiện lòng từ bi đến với muôn vật và muôn loài.

Ngày nay nếu có ai đó đi vào bất cứ một siêu thị bán thực phẩm nào ở trên khắp nước Đức, kể từ Nam đến Bắc; từ Đông sang Tây. Ở thành phố lớn như Berlin, Hannover, Stuttgart, München hay ở những làng quê hẻo lánh v.v… đâu đâu cũng có bày bán những thực phẩm làm từ đậu nành, trên ấy có in nhãn hiệu là Veggie hay Tofu. Người tiêu thụ khỏi tốn công chọn lựa.Vì tất cả đều được chế biến ở một trình độ công nghệ cao, hợp vệ sinh v.v…

Chẳng bù lại ngày xưa, cách đây gần 40 năm về trước; lúc mới đến Đức; nếu muốn mua một hủ chao, tôi phải đi từ Hannover đến Hamburg hơn 150 cây số mới có tiệm Á Châu bày bán thứ nầy. Còn muốn mua đậu hủ số nhiều cho lễ Phật Đản hay Vu Lan thì phải lái xe đến tận Aachen mới có; nghĩa là cách Hannover khoảng 350 cây số. Ngược lại ngày nay, bất cứ ở đâu trong tiệm thực phẩm Đức, không phải chỉ riêng có tiệm thực phẩm Việt Nam mới bày bán những loại thực phẩm làm bằng Tofu nầy. Nhưng có một điều lạ là đậu hủ do người Á Châu chúng ta sản xuất, dầu bằng tay hay bằng máy thì cách đây 40 năm hay ngay cả ngày nay, nó cũng chỉ là những miếng đậu hủ trắng không hơn không kém. Trong khi đó những nhà nghiên cứu thực phẩm chay của Đức, cũng từ đậu hủ, họ chế biến ra không biết bao nhiêu là thức ăn chay ngon miệng lạ thường. Có loại ăn vói bánh mì. Có loại dùng để kho, có loại dùng để chiên, để hầm, đểu nấu và mùi vị thì cũng đủ loại sắc màu. Đúng như vậy! cũng là hạt gạo từ Á Châu, nhưng khi được sản xuất ở Đức thì gạo ấy biến thể ra nhiều hình thức khác nhau. Đậu nành đến từ Trung Hoa, Ấn Độ, Mỹ, Mễ Tây Cơ, Ba Tây…  nhưng đậu nành sau khi đến Đức đã được bào chế thành những món ăn chay thật là tuyệt vời, ngon miệng.

Bạn là người ăn chay trường ở Đức, ngày nay không còn bận tâm nhiều nữa. Vì bất cứ ở đâu như trên xe lửa, ở máy bay v.v… đều có nhiều món đồ chay cho bạn chọn mà chẳng sợ lầm. Trong khi đó các nước lân cận nước Đức tại Âu Châu nầy chưa có được kỹ nghệ đồ chay tân tiến như vậy.

 

Nếu bạn đi máy bay vào đúng ngày chay định kỳ, hay bạn là người ăn chay trường cũng khỏi cần lo. Trước 24 tiếng đồng hồ lên máy bay hay khi mua vé, bạn cho biết là bạn ăn chay theo loại nào. Ví dụ như Tây Phương, Á Châu, Ấn Độ, Ả Rập v.v… thì bạn sẽ được toại nguyện; không nhất thiết là máy bay Đức, mà bất cứ loại máy bay gì của quốc gia nào trên thế giới, bạn cũng đều có thể chọn cho mình những món ăn chay như bạn thích. Nếu bạn đi máy bay Ấn Độ thì ngược lại. Họ mang ra hầu như là đồ chay. Nếu bạn muốn ăn mặn, bạn phải đặt riêng mới có. Trong nhà hàng ở Ấn Độ cũng vậy. Nếu nhà hàng ấy có 100 ghế ngồi, thì 80 ghế dành cho người ăn chay; chỉ có khoảng 20 ghế ngồi dành cho người ăn thịt, cá. Vì Ấn Độ giáo đa phần không dùng đến sinh mạng của động vật. Nếu vào tiệm tại Ấn Độ mà kêu thịt cá, hình như được cung cấp chậm hơn là đồ chay. Vì thịt cá không có sẵn. Còn đồ chay lúc nào cũng có sẵn đấy. Ngay cả những hàng quán bày bán ngoài chợ trời cũng vậy. Thỉnh thoảng lắm mới thấy một hàng bán thịt hay một hàng bán cá; còn 80 đến 90% họ bán rau, quả, hạt đậu, mè v.v… quả thật là một xứ an bình.

 

Ở xứ Đức nầy nếu bạn đi xe lửa tốc hành ICE chạy trên 250 cây số giờ, đến giờ cơm, bạn có thể tự nhiên tìm đến toa nhà hàng trên xe lửa để ăn trưa. Trên thực đơn cả sáng, trưa, chiều, tối đều có sẵn cho bạn chọn. Ví dụ trong 12 món đồ ăn đã có 4 món chay rồi. Do vậy, bạn đi đâu xa cũng không cần phải lo mang đồ ăn chay theo cho thêm nặng hành lý. Chỉ có một điều là thức ăn được bày bán trên xe lửa đắt hơn thức ăn bày bán bình thường nơi siêu thị mà thôi.

 

Ngày nay các nhà khoa học đã phân tích rất rõ ràng về kết quả cũng như sát xuất của việc sản xuất đậu nành với việc nuôi một con heo để lấy thịt. Người ta cho rằng: Nếu lấy tiền vốn để nuôi chỉ một con heo trong vòng 3 đến 6 tháng để lấy thịt thì số tiền ấy có thể gieo hạt cho cả một mẫu đậu nành. Sau khi gặt hái đậu nành, số lượng thu hoạch gấp 6 lần số thịt heo có được. Trong khi thịt của một con heo kia chỉ cung cấp nhiều lắm cho một người ăn trong vòng 3 tháng; còn trọng lượng của số đậu nành thâu thập được có thể dùng để tiêu thụ cho 6 người cũng trong vòng từ 3 đến 6 tháng. Vả lại khi sản xuất đậu nành, cây đậu và phân bón đậu không tạo ra khí thải xấu của CO2 nhiều. Trong khi đó nuôi một con heo, chất thải CO2 gấp 10 lần hơn ra ngoài không khí, khiến cho môi sinh càng ngày càng tồi tệ hơn.

 

Có người bảo rằng ăn chay thiếu chất bổ dưỡng. Điều ấy hẳn sai. Ngày nay người ta phân tích lượng protein trong 1 kg thịt bò và  trong 1 kg đậu hủ đều giống nhau; ít có sự sai biệt. Duy chỉ có điều là khi dùng chay trường, thân thể của người ăn chay hay thiếu chất bạch đản (Eisweiß) mà chất nầy chỉ có trong lòng trắng trứng gà và nơi dầu cá thu. Nếu bạn là Cư sĩ, ăn chay trường cũng có thể phương tiện dùng thêm hai loại trên cho đầy đủ sức khỏe mà đi làm việc. Còn nếu quý vị là người xuất gia, muốn để thể hiện lòng từ một cách trọn vẹn chắc không cần phải dùng đến hai loại vừa nêu trên.

 

Là những cây cỏ dại mọc lên thấp bé hai bên lề đường, đôi khi còn trổ được những cành hoa đẹp đẽ, hương thơm lan tỏa cả một vùng, làm cho thiên nhiên càng tươi thắm hơn. Phàm là con người, nếu chúng ta chưa làm lợi lạc nhiều được cho cuộc đời, thì cũng không nên làm hại tấm lòng từ bi đối với người đồng loại hay với những động vật khác và ngay cả những loài thực vật đi nữa, chúng ta nên có lòng từ bi đối với chúng. Tuy là vô tình nhưng sự cảm ứng giữa người và cỏ cây không phải là không có.

 

Trước khi ta sinh ra, ta chẳng biết mặt mũi của mình như thế nào, nhưng ta biết chắc một điều rằng: Khi đã được sinh ra làm người rồi, chính ngay những giờ phút nầy trong kiếp sống của hiện tại, chúng ta có thể tu tạo phước đức, để một ngày nào đó chúng ta có ra đi, chúng ta sẽ gặt hái được những phước phần nhất định khi chúng ta đã cố gắng bỏ dữ làm lành. Tương lai là những gì chưa đến, quá khứ là những gì đã qua rồi. Chỉ có hiện tại mới là điều đáng nói vậy.

Còn thực vật, động vật –tuy chúng không có đời sống tâm thức như con người; nhưng chúng cũng trợ duyên cho con người thành tựu đạo nghiệp cao thượng. Do vậy, ta phải trân quý chúng và nghĩ về chúng như là những thiện hữu tri thức của mình. Vì nếu trên quả địa cầu nầy chỉ có một loại chúng sanh đơn độc là con người, thì còn gì vô vị bằng. Phải có nhiều chủng tộc, nhiều loại cỏ cây cùng chung khoe sắc thắm thì vũ trụ nầy có ý nghĩa biết là dường bao.

 

Viết xong hai chương trên vào ngày 25 tháng 3 năm 2014 tại chùa Tam Bảo, Moss, Na Uy.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/07/2013(Xem: 19789)
Thuyết Luân Hồi & Phật Giáo Tây Phương (Rebirth and The Western Buddhism), nguyên tác Anh ngữ của Martin Wilson, Việt dịch: Thích Nguyên Tạng
24/07/2013(Xem: 13859)
Ca sĩ có Pháp danh Minh Tú chỉ mới bước qua tuổi đời 26 vừa vĩnh biệt xả báo thân hôm qua (21/07/2013) tại T.p Hồ Chí Minh. Wanbi Tuấn Anh được công chúng và trong giới nghệ thuật luôn tâm đắc là người “nghệ sĩ hiền hậu”. Wanbi cũng đã từng phát tâm quy y Tam bảo và tìm hiểu giáo lý Phật pháp lúc còn đang trẻ. “Người tu học Phật pháp phải thấy rõ điều này để biết cách áp dụng lời Phật dạy vào đời sống sinh hoạt của chính mình, để mỗi ngày bớt tham, sân, si, thăng tiến trên đường đạo”.
28/06/2013(Xem: 10510)
HỎI: Bạn có tin tưởng tái sinh không? ĐÁP: Vâng, tôi tin. Nhưng, phải lâu lắm tôi mới đạt đến điểm này. Tin tưởng tái sinh không đến một cách ngay lập tức. Một số người có thể đến từ một truyền thống tin tưởng ở tái sinh như một phần trong nếp sống văn hóa. Đây là trường hợp trong nhiều quốc gia Á châu, và vì thế, vì người ta đã từng nghe về tái sinh từ khi họ còn là những thiếu niên, sự tin tưởng điều ấy trở thành một cách tự động. Tuy nhiên, những điều ấy đối với chúng ta từ những nền văn hóa Tây phương, nó dường như lạ lùng lúc ban đầu. Chúng ta thường không dễ bị thuyết phục trong vấn đề tái sinh ngay tức thì, với những cầu vồng và âm nhạc phía sau lưng và “Chúa nhân từ ơi! Bây giờ tôi tin!” Nó không thường hoạt động như thế.
23/04/2013(Xem: 8151)
Lần tay tính lại sổ đời, Kiếp người chìm nổi vận thời rủi may... Bạch Vân Nhi
11/04/2013(Xem: 10981)
Một con người với nhiều huyền thoại bao phủ theo từng bước đi, dù ngàn năm trôi qua nhưng dấu ấn vẫn còn đong đầy trong tận cùng tâm thức, hạnh nguyện độ sanh vẫn lớn dần theo nhịp tử sinh, in dấu trên từng hoá độ, kỳ bí trong vô cùng không tận, không ngôn ngữ nào có thể diễn tả trọn vẹn. Một sự lặng thinh phổ cập trên từng đường nét, chỉ có cõi lòng thành kính tri ơn, nhớ ơn, biết ơn, được nhân dân tôn thờ lễ bái
11/04/2013(Xem: 6001)
Nghiệp không phát động từ bên ngoài mà sinh ra từ bên trong tâm thức của chính mình. Mỗi hành động (karma) đều tạo ra một hậu quả.
10/04/2013(Xem: 3920)
Theo một số sách viết không chủ trương có khoảng thời gian từ khi chết đến lúc tái sinh, nghĩa là sau khi chết tái sinh liền vào một trong sáu cõi. Nhưng theo Kinh sách Tây Tạng lại viết: “Sau khi chết, có trạng thái của “Thân trung ấm”, tức là có người sau khi chết tái sinh liền, có người tái sinh sau 1, 2, 3, 4 . . . ngày cho đến chậm nhất là 49 ngày”.
08/04/2013(Xem: 18812)
Khi nói đến Nhân và Quả tức là bao hàm ý nghĩa rộng lớn của Luân hồi. Luân hồi là sự chuyển biến xoay vần trở lại. Con người chết đi không phải là hoàn toàn mất hẳn. Thân xác sẽ tan rã theo cát bụi nhưng còn một phần vô cùng linh hoạt và vẫn hiện hữu đó là linh hồn. Mọi sự, vật trong vũ trụ, thiên nhiên đều chịu sự tác động của luân hồi, nhân quả. Như nước chẳng hạn, trong thiên nhiên, nuớc bốc thành hơi, hơi nước đọng lại thành mây rơi xuống thành mưa, mưa chảy tràn ra đất, qua sông suối, hồ và chảy ra biển.
08/04/2013(Xem: 25914)
Cuốn sách này gạn lọc trí tuệ hàng ngàn năm của Phật Giáo Tây Tạng, được chuyển tải bằng những từ ngữ đơn giản, dễ hiểu đối với mọi người. Mục đích chính yếu của tôi là trình bày những giáo lý không chỉ có tính cách chữa trị sự đau khổ và vô minh của chúng ta về sự chết và sự hấp hối mà còn giúp chúng ta chứng đạt mục tiêu an lạc vô thượng, không những cho đời này mà còn cho sự chết và cõi bên kia nữa.
08/04/2013(Xem: 14004)
Tôi viết tác phẩm này nhằm chia sẻ một số suy nghĩ về cái chết với bất cứ ai quan tâm muốn tìm hiểu về cái chết. Suy nghĩ về cách chúng ta có thể trực diện với cái chết – bằng can đảm và tính thanh thản, có phẩm cách.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]