Tsongkhapa
ĐẠI LUẬN VỀ
GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ
Tập 1
(Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Thượng)
Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།།
རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎
Chương 21: Mười Hai Yếu Tố Duyên Khởi[1]
b’ Suy ngẫm từ quan điểm mười hai duyên khởi
1’ Sự phân chia thành mười hai yếu tố
2’ Sự phân loại giản lược các yếu tố
3’ Số đời cần trải qua để hoàn tất tất cả mười hai yếu tố
4’ Tầm quan trọng của mười hai yếu tố được tóm lược như thế
nào
–––\–––
b’ Suy ngẫm từ quan điểm mười hai duyên khởi
Phần thứ hai của phương pháp phát triển tâm muốn giải thoát
là suy ngẫm về mười hai khía cạnh duyên khởi. Đề tài này gồm có bốn phần:
1. Sự phân chia thành mười hai yếu tố
2. Sự phân loại giản lược các yếu tố
3. Số đời cần trải qua để hoàn tất tất cả mười hai yếu tố
4. Tầm quan trọng của mười hai yếu tố được tóm lược như thế
nào
1’ Sự phân chia thành mười hai yếu tố [249]
Mười hai yếu tố duyên khởi là:
(1)Vô minh
Trong Vi Diệu Pháp Báu
Luận:[2]
Vô minh giống như thù hận và giả dối.
Thù hận và giả dối không phải là để chỉ việc không có tình
bạn và sự thật, cũng không phải là để chỉ cái khác với hai điều này, nhưng để
chỉ các loại hiện tượng trực tiếp đối lập và không tương hợp với tình bạn và sự
thật. Cũng vậy, vô minh không phải để chỉ sự nhận thức mà nhận thức này là cách
đối trị của vô minh cũng không phải để chỉ cái khác với điều này, nhưng để chỉ
các loại hiện tượng trực tiếp đối lập và không tương hợp với nhận thức.
Về điểm này, học giả vĩ đại Pháp Xứng khẳng định rằng “Ở
đây, cách đối trị – tức nhận thức – là sự nhận thức điều chân thật, ý nghĩa của
nhân vô ngã {chúng sinh không có bản ngã}. Cho nên, cái đối lập của nó là quan
điểm thật chất hóa về các uẩn[3]đang
suy hoại {hoại uẩn}, ý niệm về một cái ngã nơi con người”. Song hành với lối
diễn giải này, lối diễn giải coi vô minh như là sự hiểu lầm về ý nghĩa của thực
tại, có một quan điểm thứ hai do học giả Vô Trước và người em trai của ngài là
Thế Thân chủ trương, hai học giả này khẳng định rằng vô minh chỉ là việc hiểu
lệch lạc về ý nghĩa của thực tại. Tóm lại, hai vị này nói rằng vô minh là tâm
không biết đối tượng của nó, và cũng không biết rằng đó là một ý niệm sai lầm.
Tuy nhiên, một bên là ngài Pháp Xứng và một bên là ngài Vô Trước và Thế Thân
đều giống nhau ở việc khẳng định rằng trí tuệ hiểu biết vô ngã là cách đối trị
chính của vô minh.
Vi Diệu Pháp Tập
Luận của ngài Vô Trước đưa ra hai loại mơ
hồ {hiểu biết lệch lạc}: mơ hồ về nghiệp và nghiệp quả, và mơ hồ về ý nghĩa
thực tại. Qua điều mơ hồ đầu tiên quý vị tích lũy các hành vi cấu hợp {hành} để
tái sinh trong các cảnh giới khổ não; qua điều mơ hồ thứ hai, quý vị tích lũy
các hành vi cấu hợp để tái sinh trong các cảnh giới hạnh phúc.
(2)Hành[4]
Hành vi cấu hợp {hành} là nghiệp. Có hai loại nghiệp:
nghiệp không có phước {bất thiện nghiệp}, nó thúc bách quý vị vào trong các tái
sinh khổ não, và nghiệp có phước {thiện nghiệp}, nó thúc bách quý vị vào trong
các tái sinh hạnh phúc. Loại sau được phân chia thêm thành hai loại: nghiệp
phước đức, nó thúc bách các tái sinh hạnh phúc ở dục giới, và bất chuyển
nghiệp, nó thúc bách các tái sinh hạnh phúc vào trong các cảnh giới cao hơn
[của chư thiên].
(3)Thức
Trong kinh Đức Phật nói về sáu loại thức. [250] Tuy nhiên,
ở đây thức chính là thức nền tảng, theo những người chủ trương có sự
hiện hữu của một loại thức như vậy, hoặc ý thức, theo những người không
chủ trương có thức nền tảng.
Hơn nữa, quý vị bị dính mắc và tích lũy nghiệp bất thiện
qua sự vô minh của mình về sự kiện là cái khổ của đau đớn phát xuất từ
khuyết-lậu hạnh. Những khuynh hướng tiềm ẩn của nghiệp thẩm thấu vào tâm thức
của quý vị. Tâm thức của đời hiện tại mà trong đó điều này xảy ra là “tâm thức
của giai đoạn nguyên nhân”; trong khi tâm thức đi vào chỗ tái sinh trong một
cảnh giới khổ não, trong tương lai và tùy thuộc vào tâm thức giai đoạn nguyên
nhân, là “tâm thức của giai đoạn kết quả”.
Tương tự, do năng lực của sự hiểu biết lệch lạc của quý vị
về thực tại vô ngã, quý vị nhận thức các cảnh giới hạnh phúc là hạnh phúc,
không hiểu rằng thật ra nó là khổ não. Qua các nhận thức sai lầm như vậy, quý
vị tích lũy nghiệp phước đức và nghiệp không thay đổi. Tâm thức của đời sống
trong đó quý vị tích lũy nghiệp như thế là “tâm thức của giai đoạn nguyên
nhân”; trong khi, do tùy thuộc vào điều này, mà {tâm} nhập vào kiếp tái sinh
hạnh phúc trong dục giới hoặc các cảnh giới cao hơn [của chư thiên] là “tâm
thức của giai đoạn kết quả”.
(4)Danh sắc
“Danh” là bốn [trong số năm] uẩn không thuộc về thể chất:
thọ, tưởng, hành, và thức. Còn uẩn thứ năm, sắc, nếu quý vị tái sinh trong cõi
vô sắc, quý vị không có sắc đích thật, mà chỉ có hột giống của sắc mà thôi. Cho
nên, “sắc” trong từ ngữ “danh sắc” áp dụng cho bất cứ hình thể nào, chẳng hạn
như trứng đã thụ tinh, điều này thì thích đáng trong mọi hoàn cảnh trừ trường
hợp vô sắc giới.
(5)Lục nhập
Nếu quý vị thuộc loại thai sinh, bốn nguồn – mắt, tai, mũi,
và lưỡi – thành hình do sự phát triển thêm của “danh”, [tức là thức] và khối
giống hình chữ nhật dài trứng đã thụ tinh mà đầu tiên thức khởi nhập vào. Tuy
nhiên các nguồn thể chất và tinh thần hiện hữu từ lúc trứng thụ tinh – là thời
điểm của danh và sắc.
Sẽ không có các giai đoạn như vậy nếu quý vị thuộc loại hóa
sinh, bởi vì các nguồn {nhập} của quý vị thành hình đồng thời với việc quý vị
tái sinh. Tuy nhiên, đối với trường hợp noãn sinh hoặc thấp sinh, giải thích
cũng tương tự như trường hợp thai sinh, ngoại trừ từ ngữ “thai”. Điều này được
giải thích trong Du-già Hạnh Địa Luận.
Trường hợp này, một khi danh sắc đã thành lập, quý vị có
một thân thể thật sự. [251] Khi lục nhập được thành lập, người trải nghiệm đã
được tạo thành, bởi vì những bộ phận cụ thể của thân thể đã thành hình. Năm
nhập {nguồn thể chất} không hiện hữu ở vô sắc giới.
(6)Xúc
Khi đối tượng của giác quan, giác quan, và thức kết hợp với
nhau, quý vị phân biệt ba loại đối tượng – hấp dẫn, không hấp dẫn, và trung
tính. Một đoạn trong kinh có nói “do lục nhập sinh ra”[5]chỉ đối tượng giác quan và
thức.
(7)Thọ
Tương ứng với sự phân biệt của xúc về ba loại đối tượng là
ba loại cảm giác – vui thú, đau đớn, và trung tính.
(8)Ái
Ái có nghĩa là khao khát không muốn bị xa lìa những cảm
giác vui thú và khao khát được lìa xa những cảm giác đau đớn. Lời trong kinh
nói rằng “ái do thọ sinh ra”[6]nghĩa là thọ có vô minh đi kèm sinh ra ái. Khi không có vô minh, ái không xảy
ra ngay cả khi thọ hiện diện.
Trường hợp này, xúc là kinh nghiệm của đối tượng và thọ là
trải nghiệm về sự tái sinh hoặc quả thành hình của nghiệp. Do đó, khi có đủ hai
điều này, sự trải nghiệm cũng đầy đủ. Có ba loại ái, mỗi loại cho mỗi cảnh
giới.
(9)Thủ
Thủ chỉ sự mong muốn/khao khát và tham luyến bốn loại đối
tượng:
(1) Chấp trước {bám víu} vào cái mình muốn: chẳng hạn như
khao khát và tham luyến những những điều gây thích thú cho giác quan, hạn như
các hình tướng và âm thanh; những quan điểm xấu (ngoại trừ quan điểm thật chất
hóa về các hoại uẩn); giới luật có liên quan tới những quan điểm xấu và hành vi
xấu; và quan điểm về các hoại uẩn;
(2) Chấp trước vào các quan điểm;
(3) Chấp trước vào các giới luật và hành vi đạo đức; và
(4) Chấp trước vào các khẳng quyết về sự hiện hữu của một
bản ngã.
(10)Hữu {năng
lực sinh tồn}
Trong quá khứ, hành đã ngấm vào trong thức một khuynh hướng
tiềm ẩn và khi khuynh hướng này được nuôi dưỡng bằng ái và thủ, sẽ được tăng
thêm sức mạnh để mang lại một hiện hữu hậu quả.
“Hữu” là cách gọi một nguyên nhân [một khuynh hướng được
kích hoạt] bằng tên của kết quả của nó [tái sinh sau này].
(11)Sinh
Sinh chỉ thức lúc vừa khởi nhập vào trong bốn loại tái
sinh.
(12)Lão tử
Lão là quá trình trưởng thành và biến đổi các uẩn [thân và
tâm]. Tử là rời bỏ dòng tương tục của các uẩn.
2’ Sự phân loại giản lược các yếu tố [252]
Trong Vi Diệu Pháp Tập
Luận:[7]
Có những hạng loại nào khi ngươi giản lược các yếu tố lại?
Có bốn loại: yếu tố phóng hoạt, yếu tố được phóng hoạt, yếu
tố hiện thực hóa, và yếu tố được hiện thực hóa.
Yếu tố phóng hoạt là các yếu tố nào? Vô minh, hành, và
thức. Yếu tố được phóng hoạt là các yếu tố nào? Danh sắc, lục nhập, xúc, và
thọ. Yếu tố hiện thực hóa là các yếu tố nào? Ái, thủ, và hữu. Yếu tố được hiện
thực hóa là các yếu tố nào? Sanh, lão, và tử.
Thắc mắc: Vậy thì hai
loại quan hệ nhân quả – một loại liên quan tới phóng hoạt và loại kia liên quan
tới hiện thực hóa – cho thấy một sự kiện về quan hệ nhân quả trong đó một người
tái sinh hay cho thấy hai sự kiện? Nếu là trường hợp đầu thì sẽ là không đúng
khi cho rằng các yếu tố hiện thực hóa, ái và v.v. xảy ra sau sự thiết lập nhóm
các yếu tố khởi đầu với thức ở giai đoạn kết quả và chấm dứt với thọ [các yếu
tố được phóng hoạt]. Nếu là trường hợp sau, sẽ không có vô minh, hành, hoặc
thức ở giai đoạn nguyên nhân [các yếu tố phóng hoạt] trong chu kỳ nhân quả sau
[trình tự phóng hoạt], và không có ái, thủ, hoặc hữu [các yếu tố hiện thực hóa]
trong chu kỳ nhân quả trước [trình tự hiện thực hóa].
Trả lời: Không có sai
sót như vậy, bởi vì bất kỳ điều gì được phóng hoạt ra bởi các nguyên nhân phóng
hoạt [vô minh, hành, và thức] phải được tạo thành bởi các nguyên nhân hiện thực
hóa [ái, thủ và hữu]. Khi cái được phóng hoạt [danh sắc, lục nhập, xúc và thọ]
đã được hiện thực hóa, nó chính là cái đó, cái được phóng hoạt và được định
danh là có sinh ra, già đi, và chết.
Thắc mắc: Như vậy, mục
đích của việc trình bày hai chu trình quan hệ nhân quả là gì?
Trả lời: Cách trình
bày như vậy là nhằm chứng tỏ rằng các đặc tính của sự đau khổ đích thực là các
hậu quả của sự phóng hoạt thì khác với những thứ {đặc tính của khổ} là kết quả
của sự hiện thực hóa. Những yếu tố trước [thức của giai đoạn kết quả, danh sắc,
lục nhập, xúc, và thọ] vẫn còn tiềm tàng vào lúc phóng hoạt. Bởi vì chúng chưa
thật sự được thiết lập, chúng chỉ trở thành khổ trong tương lai. Tuy nhiên,
những yếu tố sau [sanh, lão và tử] là những hoàn cảnh trong đó cái khổ đã thành,
và do đó, là cái khổ trong đời này. Hơn nữa, hai chu trình nguyên nhân và kết
quả được trình bày nhằm chứng minh rằng kết quả – phải tái sinh – có hai nguyên
nhân: các nguyên nhân phóng hoạt và các nguyên nhân để hiện thực hóa cái đã
được phóng hoạt [bởi các nguyên nhân phóng hoạt]. [253] Du-già Hạnh Địa Luậngiải thích lý do của việc này:[8]
Cho rằng các yếu tố sinh và lão tử và nhóm các yếu tố bắt
đầu với thức của giai đoạn kết quả và chấm dứt với thọ là các hiện tượng có
cùng chung các tính chất, vậy tại sao chúng lại được giảng dạy là thuộc hai
loại? Làm như vậy (1) nhằm chứng tỏ các tính chất khác nhau của sự vật đem lại
đau khổ và (2) để chứng tỏ sự khác biệt giữa phóng hoạt và hiện thực hóa.
Và cũng giải thích:
Trong các yếu tố, có bao nhiêu được kể là khổ thật sự và
trở thành khổ trong đời này? Có hai: sinh và lão tử
Có bao nhiêu yếu tố được kể là thật khổ và sẽ chỉ trở thành
khổ trong tương lai? Những yếu tố còn tiềm tàng – nhóm các yếu tố bắt đầu với
thức [giai đoạn kết quả] và chấm dứt với thọ.
Cho nên, hai yếu tố (1) ái, đó là yếu tố hiện thực hóa, và
(2) thọ, làm ái phát khởi, không ở trong cùng một chuỗi duyên khởi. Thọ làm ái
phát khởi là một kết quả của một chuỗi duyên khởi khác.
Phóng hoạt và được phóng hoạt phải nên được hiểu qua bốn
điều suy xét:
1) Cái gì được phóng hoạt? Bốn yếu tố rưỡi bắt đầu với thức
của giai đoạn kết quả và chấm dứt với thọ đã được phóng hoạt.
2) Cái gì phóng hoạt? Hành, phụ thuộc vào vô minh, đã thực
hiện sự phóng hoạt.
3) Phóng hoạt xảy ra như thế nào? Phóng hoạt xảy ra bằng
các khuynh hướng tiềm ẩn của nghiệp được thấm vào trong thức của giai đoạn
nguyên nhân.
4) “Được phóng hoạt” nghĩa là tạo ra các kết quả [thức ở
giai đoạn kết quả, danh sắc, lục nhập, xúc, và thọ] thuận lợi cho sự hiện thực
hóa một khi các tác nhân hiện thực hóa, chẳng hạn như ái, đang hiện hữu.
Tác nhân hiện thực hóa và điều được hiện thực hóa nên được
hiểu qua ba điều suy xét sau đây:
1) Cái gì tiến hành việc hiện thực hóa? Thủ thực hiện hành
động này, mà thủ lại do ái gây ra.
2) Cái gì được hiện thực hóa? Sinh và lão tử được hiện thực
hóa.
3) Hiện thực hóa xảy ra như thế nào? Hiện thực hóa xảy ra
bằng phương tiện của sự truyền năng lực của các khuynh hướng tiềm ẩn của nghiệp
để qua tác động của hành thấm vào trong thức.
Ngài Thế Thân, trong Duyên
Khởi Phân Giải Luận(Pratîtya-Samutpâdadi-vibhaṅga-nirdeúa),[9]đã
lấy yếu tố sinh làm yếu tố được hiện thực hóa duy nhất và sau đó dạy rằng lão
và tử là những khiếm khuyết của các yếu tố phóng hoạt và hiện thực hóa này.
[254]
Như thế trường hợp này, hiện thực hóa phải được hiểu như
sau: hành bất thiện bị thúc đẩy bởi vô minh về nghiệp và nghiệp quả đã lưu lại
các khuynh hướng tiềm ẩn của nghiệp xấu trong thức. Điều này tạo điều kiện sẵn
sàng để hiện thực hóa các nhóm yếu tố của một sự tái sinh khổ não bắt đầu với
thức của giai đoạn kết quả và chấm dứt với thọ. Qua việc nuôi dưỡng thường
xuyên bằng ái và thủ, những khuynh hướng tiềm ẩn này được tăng thêm sức mạnh,
và sinh, lão, v.v… sẽ được hiện thực hóa trong các kiếp tái sinh khổ não sau
này.
Diễn giải cách khác, bị thúc đẩy bởi vô minh về ý nghĩa của
vô ngã, hành phước đức {các hành vi cấu hợp phước đức} – chẳng hạn như giữ giới
luật trong cõi dục – hoặc bất chuyển hành – chẳng hạn như tu tập thiền định
trong các cảnh giới cao hơn [của chư thiên] – lưu lại các khuynh hướng tiềm ẩn
của nghiệp tốt trong thức. Điều này tạo điều kiện sẵn sàng để hiện thực hóa các
nhóm yếu tố bắt đầu với thức của giai đoạn kết quả và chấm dứt với thọ để hướng
đến, lần lượt là một sự tái sinh hạnh phúc ở cõi dục hoặc một sự tái sinh làm
trời ở những cảnh giới cao hơn. Qua việc nuôi dưỡng thường xuyên bằng ái và
thủ, những khuynh hướng tiềm ẩn này được tăng thêm sức mạnh, và sau đó sinh,
v.v… sẽ được hiện thực hóa trong các kiếp tái sinh hạnh phúc đó.
Hơn nữa, mười hai yếu tố được phân loại thành ba con đường
– con đường phiền não, nghiệp, và đau khổ. Như bậc trí tuệ Long Thọ nói:[10]
Yếu tố thứ nhất, thứ tám, và thứ chín là phiền não.
Yếu tố thứ hai và thứ mười là nghiệp.
Bảy yếu tố còn lại là đau khổ.
Đạo Cang Kinh(Úâli-stamba-sûtra) đề cập bốn nguyên nhân xếp loại
mười hai yếu tố duyên khởi.[11].
Kinh này giải thích rằng khi hột giống của tâm thức được vô minh gieo vào trong
ruộng nghiệp và sau đó được tưới bằng nước ái, chúng sinh khởi ra mầm danh sắc
trong dạ con của người mẹ.
3’ Số đời cần có để hoàn tất tất cả mười hai yếu tố
Mặc dù có thể phải mất vô số đại kiếp để đi qua các yếu tố
phóng hoạt và các yếu tố được phóng hoạt, nhưng các yếu tố được phóng hoạt cũng
có thể được hiện thực hóa ngay trong đời kế tiếp mà không có đời nào xen kẽ.
Bởi vì các yếu tố hiện thực hóa [ái, thủ, và hữu] và các yếu tố được hiện thực
hóa [sanh và lão tử] xảy ra mà không có đời nào xen kẽ, nên có thể hoàn thành
tất cả mười hai yếu tố trong thời gian ngắn nhất là hai đời. [255] Thí dụ,
trong một đời chẳng hạn như đời này, trước tiên quý vị có thể tích lũy nghiệp
để đem lại kết quả tái sinh làm một vị thiên cũng như các trải nghiệm sau đó về
đời sống và nguồn tài lực của một phạm thiên. Khi điều này xảy ra, hai yếu tố
rưỡi – vô minh, hành, và thức của giai đoạn nguyên nhân – cũng như ái, thủ, và
hữu (cho tới thời điểm chết) được hoàn tất trong đời này. Trong đời sau đó, bốn
yếu tố rưỡi được phóng hoạt [thức của giai đoạn kết quả, danh sắc, lục nhập,
xúc, và thọ] và hai yếu tố được hiện thực hóa [sinh và lão tử] sẽ được hoàn
tất.
Ngay cả trong trường hợp lâu nhất, sự hoàn thành tất cả
mười hai yếu tố sẽ không bị trì hoãn quá ba đời, bởi vì các tác nhân hiện thực
hóa [ái, thủ, và hữu], và hai yếu tố được hiện thực hóa [sanh và lão tử], và ba
yếu tố phóng hoạt [vô minh, hành, và thức] đều đòi hỏi phải có những đời riêng
cho chúng, trong khi các yếu tố được phóng hoạt [danh sắc, lục nhập, xúc, và
thọ] được bao gồm trong đời của các yếu tố được hiện thực hóa. Hơn nữa, mặc dù
có thể nhiều đời xen vào giữa các tác nhân phóng hoạt và các tác nhân hiện thực
hóa, đây không phải là những đời của các chu kỳ duyên khởi cụ thể của chúng, mà
là những đời của các chu kỳ duyên khởi khác. Trong số các tính toán về hai hoặc
ba đời này, thì đời của trạng thái trung ấm không được kể riêng.
Do đó, ngay cả trong đời mà những yếu tố kết quả đã được
hiện thực hóa, không có cái ngã là người tích lũy nghiệp hoặc thể nghiệm nghiệp
quả. Đúng hơn, như đã giải thích trước đây, có các yếu tố kết quả mà bản thân
chúng chỉ là các hiện tượng, sinh khởi từ các yếu tố nguyên nhân mà bản thân
chúng cũng chỉ là các hiện tượng. Do không hiểu quá trình luân hồi này và lẫn
lộn về nó, quý vị cho là có một cái ngã. Vì ước muốn cái “ngã” của mình được
hạnh phúc, quý vị tạo tác điều thiện và bất thiện về thân, khẩu và ý cho mục
đích ấy, và như thế quý vị lại cung cấp nhiên liệu cho quá trình luân hồi. Cho
nên, hai yếu tố nghiệp [hành và hữu] phát sinh từ ba yếu tố phiền não [vô minh,
ái và thủ], và từ đó, bảy yếu tố khổ đau [thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ,
sanh và lão tử] phát khởi. Phiền não lại phát sinh từ bảy sự khổ đau, và –
giống như trước – quý vị trôi lăn trong luân hồi. Vì thế, bánh xe luân hồi quay
không gián đoạn. Trong Duyên Khởi Tâm
Luận, đạo sư Long Thọ nói:
Từ ba yếu tố khởi sinh hai;
Từ hai yếu tố khởi sinh bảy, và lại từ bảy yếu tố
Phát sinh ba. Bánh xe luân hồi
Tự nó quay liền liền.
Khi quý vị suy ngẫm về việc mình lang thang như vậy trong
dòng luân hồi, thì mười hai yếu tố duyên khởi là phương pháp hay nhất để phát
khởi lòng chán ngán luân hồi. Hãy quán chiếu về nghiệp phóng hoạt của quý vị,
những nghiệp thiện và bất thiện mà quý vị đã tích lũy qua vô số kiếp lượng,
chưa phát sinh quả cũng chưa bị diệt trừ bằng các biện pháp đối trị. [256] Khi
ái và thủ trong đời sống hiện tại nuôi dưỡng chúng, quý vị trôi lăn qua các
cảnh giới hạnh phúc hoặc khổ đau dưới sự kiểm soát của chúng. Các vị A-la-hán
có vô lượng nghiệp phóng hoạt đã tích lũy khi còn là phàm phu, nhưng đã thoát
khỏi luân hồi bởi vì họ không còn phiền não. Một khi đạt được sự xác tín về
điều này, quý vị sẽ coi phiền não là kẻ thù và sẽ nỗ lực diệt trừ chúng.
Về điểm này, vị thiện tri thức vĩ đại Pu-chung-wa đã tu tâm
hoàn toàn dựa trên mười hai yếu tố duyên khởi và khiến giai trình đạo chỉ đơn
thuần là việc suy ngẫm về sự tiến triển và chấm dứt các yếu tố này. Ngài giải
thích rằng quán chiếu về sự tiến triển và chấm dứt mười hai yếu tố của các cảnh
giới khổ đau là giáo pháp dành cho những người có khả năng nhỏ và sau đó, suy
ngẫm về việc tiến triển và chấm dứt mười hai yếu tố của hai cảnh giới hạnh phúc
là giáo pháp dành cho người có khả năng trung bình. Giáo pháp dành cho những
người có khả năng cao là thẩm định tình trạng của chính họ theo hai cách hành
trì này [của người có khả năng nhỏ và trung bình]. Rồi họ phát triển lòng yêu
thương và từ bi đối với chúng sinh, những người đã từng là mẹ của họ và vì mười
hai yếu tố mà đang lang thang trong luân hồi, tu tập trong ước nguyện vì các
chúng sinh này mà thành Phật, và học hỏi đường đạo cho đến cùng.
4’ Tóm lược tầm quan trọng của các yếu tố duyên khởi
Như được giải thích ở trên, quý vị cần hiểu rõ luân hồi –
các uẩn của khổ đau –được hình thành như thế nào qua sức mạnh về nguồn gốc của
nó – nghiệp và phiền não – và, đặc biệt là bánh xe luân hồi xoay vần như thế
nào trong khuôn khổ mười hai yếu tố. Hiểu được và trở nên thành thạo với điều
này sẽ phá hủy bóng tối không thể chịu đựng nổi của hoang man {vô minh} – nguồn
gốc của mọi vấn đề. Nó loại trừ mọi quan điểm sai lầm cho rằng các hành bên
ngoài và bên trong phát sinh không có nguyên do hoặc từ những nguyên do không
tương hợp. Nó làm tăng trưởng sự dồi dào trân quý cho kho tàng các giáo pháp
của đấng Điều Ngự, và đó là điều thúc đẩy quý vị tiến đến con đường giải thoát
qua sự hiểu biết chính xác về các tính chất của luân hồi và qua sự chán chường
tột độ về chúng. [257] Đó là phương tiện tốt nhất để kích hoạt các khuynh hướng
tiềm ẩn mà nhờ đó quý vị đạt được trạng thái siêu phàm của bậc thánh.
Cho nên, Đồng Tử Vấn
Mật Điểnnói:[12]
Đạo pháp duyên khởi diệt trừ vô minh.
Đạo Cang Kinhnêu lên rằng khi hiểu rõ duyên khởi, quý vị chấm dứt mọi
quan điểm xấu coi đối tượng là khởi đầu, kết cuộc, hoặc hiện tại. Đạo sư Long
Thọ nói:[13]
Lý duyên khởi này là vật trân bảo
Thậm thâm trong kho ngôn từ của đấng Điều Ngự.
Cơ Sở Giới Luật[14]nêu lên rằng bộ đôi Xá-lợi-phất (skt. Úâriputra)
và Mục-kiền-liên {skt. Maudgalyâyana} có thói quen du hành nơi năm loại chúng
sinh. Sau khi đã tới đó, hai vị quay về Nam Thiêm Bộ Châu và kể lại những khổ
đau của các chúng sinh này với tứ chúng đệ tử của Đức Phật.
Trong các đệ tử của Phật có một số người sống chung với
hoặc sống gần những người coi thường giới hạnh thanh tịnh. Những đệ tử đưa
những người này tới trước bộ đôi xuất chúng và hai vị chỉ dẫn cho họ qua các
câu chuyện về những khổ đau của các cõi khác. Kết quả của việc giảng dạy này là
họ trở nên hoan hỷ với giới hạnh thanh tịnh và sự hiểu biết của họ cũng được
nâng cao hơn.
Bậc Đạo sư thấy vậy liền hỏi ngài A-nan {skt.Ânanda} và ngài A-nan trình lên Đức Phật các nguyên do,
nghe xong Đức Phật nói rằng: “Bởi vì không phải lúc nào cũng sẽ có những bậc
thầy như bộ đôi xuất chúng này, hãy đặt ở cổng nhà một bức vẽ bánh xe luân hồi
có năm phần, vòng quanh đường tròn của bánh xe này là mười hai duyên khởi theo
cả hai chiều thuận và nghịch”. Bánh xe luân hồi liền được vẽ như vậy.
Vào dịp khác, một bức họa của Đức Phật sắp được gửi tới Vua
Udrâyaṇa. Trước khi gửi đi, mười hai duyên khởi theo chiều thuận và nghịch được
viết thành thi kệ ở phần dưới bức tranh. Đức vua học thuộc lòng bài kệ này và
rồi vào lúc hừng đông ngồi gác chéo chân, giữ thân mình ngay thẳng, và hướng sự
tập trung vào thiện hạnh. Bằng cách tập trung vào hai quá trình duyên khởi, nhà
vua đạt được trạng thái siêu phàm của một bậc thánh.
Tên Hán-Việt là Thập
Nhị Nhân Duyên.
BA537 AK: 328;
P5590:119.3.5.
Thật chất hóa (eng.
reify) tức là tiến trình cửa tư tưởng biến một khái niệm hay một sự định danh
trừu tượng thành cụ thể rõ ràng có thêm ít nhiều các đặc tính thật sự như sắc
tướng, cảm thụ, có tư tưởng, có hành vi …. Nói rằng có sự thật chất hóa về các
uẩn chính là quan điểm cho rằng các pháp (cấu tạo từ uẩn hợp) có một thật chất
bền vững rắn chắc nào đó. Trong khi thật sự điều này hoàn toàn không xảy ra cho
đến từng thời điểm chóng vánh. Tất cả đều theo luật duyên khởi và phụ thuộc lẫn
nhau: sinh diệt liên tục.
Hành
được dịch từ chữ “compositional activity” có nghĩa là hoạt động duyên hợp cấu
thành hay còn gọi là hoạt động cấu hợp.
BA538Úâlistamba-sûtra,
{Đạo Cang Kinh} P876: 303.3.4.1-2.
BA540 Abhidharma-samuccaya,
P5550: 246.5.7-247.1.2
BA541 Yogâ-caryâ-bhûmi(Sa’i dngos gzhi), P5536:
263.4.4-6,263.4.8-263.5.2.
BA542 rTen ‘brel mdo
‘grel trong P ở đây là Pratîtya-samutpâdadi-vibhaṅga-nirdeúa, P5496.
BA543 Pratîtya-samutpâda-hṛdaya-kârikâ
(Duyên
Khởi Tâm Luận): 2; P5467:270.5.1. Trích dẫn kế đến là kệ liền theo sau các
câu này: 3; P5467:270.5.2.
BA544 Ârya-úâlistamba-nâma-mahâyâna-sûtra,{Đạo Cang Đại Thừa Kinh– Kinh về gieo
giống lúa} P876; xem Vaidya 1964:104.
BA545 Subâhu-paripṛcchâ-tantra, P428: 35.3.5.
BA546 Suhṛl-lekha:
112a; P5682: 237.5.7.
BA547 Tiếng Tây Tạng
là ‘Dul ba lung giống như trên ở chú thích 496.
Chương 8: Ba Loại Người
2. Làm thế nào để tận dụng lợi
thế của một cuộc sống an lạc và thuận duyên
a. Làm thế nào
để phát triển tri thức tổng quát một cách chắc chắn về lộ trình tu tập
1) Nội dung bao
hàm của tất cả kinh điển về các lộ trình của ba loại người như thế nào
2) Vì sao các đệ
tử được hướng dẫn theo các giai đoạn áp dụng các rèn luyện dành cho ba loại
người
a) Mục đích của
việc hướng dẫn các đệ tử qua phương tiện của các lộ trình về ba loại người
b) Vì sao các
đệ tử được hướng dẫn theo những giai đoạn như vậy
i)
Nguyên nhân thật sự
ii)
Mục đích
––––\––––
2. Làm thế nào để tận dụng lợi thế của một cuộc sống an lạc và thuận duyên
Việc làm thế nào để tận dụng lợi
thế của một cuộc sống an lạc và thuận duyên được trình bày trong hai phần:
- Làm thế nào để phát triển tri thức tổng quát về lộ trình
một cách chắc chắn
- Phương pháp thật sự để tận dụng lợi thế của một cuộc sống
an lạc và thuận duyên (Chương 9 và tiếp theo)
a.Làm thế nào để phát triển tri thức tổng quát
một cách chắc chắn về lộ trình
Phương thức phát triển tri thức
tổng quan một cách chắc chắn về lộ trình gồm hai phần:
1. Nội dung bao
hàm của tất cả kinh điển về các lộ trình của ba loại người như thế nào
2. Vì sao các
đệ tử được hướng dẫn theo các giai đoạn áp dụng các rèn luyện dành cho ba loại
người
1)Nội dung bao hàm của tất cả kinh điển về các lộ trình của ba loại
người như thế nào
Ở lúc bắt đầu, một người muốn trở
thành một vị Phật sẽ phát triển tâm Bồ-đề; ở giai đoạn giữa, người này tích lũy
các công đức và trí tuệ tối thượng; và cuối cùng, người này chứng được Phật quả
toàn hảo. Tất cả những hành động này chỉ nhằm đến mục tiêu hạnh phúc cho chúng
sinh. Vì thế, tất cả những giáo pháp một vị Phật đưa ra chỉ giản dị là nhằm đạt
đến lợi ích cho chúng sinh. Điều này tức là, lợi ích của chúng sinh chính là
điều quý vị nên đạt được. [87] Lơi ích này bao gồm hai phần: mục tiêu tạm thời
về việc trạng thái cao làm người hoặc một vị thiên, và mục tiêu rốt ráo về điều
tốt đẹp chắc chắn là sự giải thoát hay sự toàn giác. Giữa hai điều này, nhiều
lời giáo huấn của đức Phật nói về việc đạt được mục tiêu tạm thời là trạng thái
cao. Tất cả những giáo huấn này được bao gồm trong các lời dạy dành cho một
hành giả chân chính có khả năng giới hạn {căn cơ nhỏ} hoặc trong những giáo
pháp dành chia sẻ với một hành giả như vậy, bởi vì những cá nhân có khả năng
đặc biệt giới hạn thật sự không làm nhiều cho kiếp sống này, mà họ nỗ lực tinh
tấn để có trạng thái cao thù thắng khi tái sinh làm người hoặc trời trong những
kiếp vị lai bằng cách xúc tiến nuôi dưỡng các nguyên nhân tạo ra các tái sinh
đó. Tác phẩm Bồ-đề Đạo Đăng Luậnnói
rằng:[1]
Hãy biết rằng
những ai “thấp nhất”
Nỗ lực chăm chỉ
nhằm chỉ đạt
Các an vui
trong cõi luân hồi
Bằng mọi cách
cho hạnh phúc riêng họ.
Có hai điều tốt lành chắc chắn:
sự giải thoát mà đơn thuần chỉ là tự do khỏi luân hồi và trạng thái giải thoát
tối thượng của toàn giác. Nhiều lời giáo huấn của đức Phật liên quan đến Duyên
Giác và Thanh Văn thừa. Tất cả những tuyên thuyết này được đề cập trong các
giáo pháp dành cho một hành giả có khả năng thật sự trung bình hoặc trong những
giáo pháp dành chia sẻ với một hành giả như vậy, bởi những hành giả có khả năng
trung bình sẽ phát khởi sự tỉnh giác với tất cả mọi thứ trong luân hồi và sau
đó thiết lập mục tiêu là giải thoát chính họ khỏi luân hồi. Rồi họ bước vào lộ
trình của ba sự rèn luyện, phương tiện để đạt giải thoát. Trong tác phẩm Bồ-đề Đạo Đăng Luận:[2]
Những người
được gọi là “trung bình”
Ngăn chận những
hành vi tội lỗi
Quay lưng với
an lạc trong luân hồi,
Và tinh tấn nỗ
lực cho thanh tịnh riêng mình.
Tác phẩm Hạnh Hiệp Đăng Luậncủa Trưởng lão [Atiśa] nói rằng:[3]
Bởi bổn sư, đức
Phật, nói rằng,
“Nương tựa Ba-la-mật
và Chân ngôn thừa[4]
Và thành đạt
được chân giác ngộ”,
Giờ ta sẽ viết
về ý nghĩa điều này.
Theo đó, phương thức đạt đến toàn
giác bao gồm hai phần: những Đại thừa của các Ba-la-mật-đa và Đại thừa của các
chân ngôn {skt. mantra – còn gọi là mật chú}. Hai phần này được bao gồm trong
những giáo pháp dành cho một hành giả thượng căn, vì những người này qua tác
động của lòng đại bi, lấy Phật quả làm mục tiêu của họ nhằm dẹp tan mọi đau khổ
của tất cả chúng sinh. Sau đó họ rèn luyện sáu Ba-la-mật-đa, hai giai đoạn[5], và tương
tự. [88] Trong tác phẩm Bồ-đề Đạo Đăng:[6]
Những người
được gọi là “thượng căn”
Thành tâm muốn
dẹp tan tất cả
Mọi đau khổ của
những người khác
Qua cách hiểu
nỗi khổ chính mình.
Dưới đây, tôi sẽ diễn giải phương
thức những người này đạt tới sự giác ngộ bao hàm trong cả Ba-la-mật-đa thừa lẫn
mật chú thừa. Liên quan đến những điều kiện dành cho ba loại người, các lời
giáo huấn này trong tác phẩm Bồ-đề Đạo
Đăng Luận có ý nghĩa tương tự với lời giáo huấn trong Quyết Định Yếu Luận của tác phẩm Du-già Hạnh Địa Luận:[7]
Hơn nữa, có ba
loại người như sau: có những người trì giữ phát nguyện về giới là từ bỏ mười
việc bất thiện, điều này vốn không được xem xét là một giới nguyện, tuy nhiên
nó cũng tương tự như giới nguyện. Có những người phát nguyện về Thanh Văn giới.
Có những người phát nguyện về Bồ-tát giới. Trong số này, loại người đầu tiên có
khả năng thấp nhất; loại người thứ hai là trung bình; và loại người thứ ba là
thượng hạng.
Ngoài ra, các kinh điển cũng đề
cập nhiều cách để định vị một hành giả có khả năng thấp nhất, trung bình và
thượng hạng. Tương tự Bồ-đề Đạo Đăng Luận
của ngài Atiśa, tác phẩm Vi Diệu Pháp
Báu Luậncủa ngài Thế Thân[8]cũng xác
định ba loại người. Thật sự có hai loại trong số những hành giả mang khả năng
giới hạn – những người nỗ lực cho kiếp sống này và những người nỗ lực cho những
kiếp vị lai. Tuy nhiên, ở đây tôi đang nói đến trường hợp sau, những người sẽ
được tôi nhận diện là thực hiện phương pháp đúng đắn để đạt địa vị cao.
2)Vì sao các đệ tử được hướng dẫn theo các giai đoạn áp dụng các rèn
luyện dành cho ba loại người
Sự diễn giải này gồm hai phần:
1. Mục đích của
việc hướng dẫn các đệ tử qua phương tiện của các lộ trình về ba loại người
2. Vì sao các
đệ tử được hướng dẫn qua những giai đoạn như vậy
a)Mục đích của việc hướng dẫn các đệ tử qua phương tiện của các lộ
trình về ba loại người
Tôi đã đưa ra sự diễn giải về ba
loại người. Tuy nhiên, các giai đoạn trong lộ trình dành cho hành giả có khả
năng cao cũng bao hàm trọn vẹn những lộ trình dành cho hai loại người còn lại.
Vì thế, hai lộ trình này là những phần, hay những chi, của đạo Đại thừa. [89]
Như đạo sư Mã Minh đề cập trong tác phẩm Thế
Tục Bồ-đề Tâm Tu Tập (Saṃvṛti-bodhicitta-bhâvanâ):[9]’
Không hại ai,
với tâm chân thật,
Và trong sạch;
không hề trộm cắp,
Và bố thí mọi
tài sản của ngươi
Là hành vi
khiến tái sinh hạnh phúc.
Một khi thấy
khổ đau của luân hồi,
Ngươi theo lộ
trình đúng để rời khỏi nó,
Và loại trừ hai
hành động tội lỗi;
Đó là hành vi
khởi tạo sự an nhiên.
Người thượng
căn nên tu tập tất cả điều này;
Đó là những ngả
đường của sự quyết tâm tối cao cho giải thoát.
Tri nhận rằng
chư pháp giai không
Tạo dòng chảy
từ bi cho mọi chúng sinh.
Những phương
tiện thiện xảo vô hạn
Là hoạt động
của quyết tâm tối thượng để giải thoát.
Vì vậy, trong việc này các vị đạo
sư không dẫn dắt quý vị theo con đường dành cho những hành giả có khả năng giới
hạn, những người lập mục tiêu chỉ đơn thuần vì hạnh phúc trong luân hồi, hay
con đường dành cho những hành giả có khả năng trung bình, những người chỉ lập
mục tiêu đơn thuần là sự giải thoát khỏi luân hồi cho bản thân họ. Đúng hơn là,
các đạo sư chọn ra một số lộ trình có chung cho hai loại người này và dùng
chúng làm những điều kiện tiên quyết để dẫn dắt quý vị theo lộ trình dành cho
những hành giả thượng căn. Vì thế họ dùng chúng làm những thành phần của lộ
trình rèn luyện dành cho những hành giả thượng căn. Do vậy, một khi quý vị đã
phát triển ước mong tận dụng lợi thế của kiếp người an lạc và thuận duyên này
như giải thích trước đây, quý vị phải biết được làm cách nào để tận dụng lợi
thế trọn vẹn của nó. Liên quan đến điều ấy, tác phẩm Trung Đạo Tâm Yếu Luậncủa ngài Thanh Biện nói rằng:[10]
Những tấm thân
này thật quá mỏng manh,
Như cây chuối
và như bong bóng nước.
Ai sẽ không
mang lại cho chúng sự vững vàng như núi Tu-di
Bằng việc lấy
chúng làm điều kiện để giúp đỡ cho những người khác?
Những tấm thân
này là cơ sở của bệnh tật, tuổi già, và sự chết
Những ai có
phẩm cách tốt và lòng từ bi
Khiến cho chúng
trong từng khoảnh khắc
Làm nền tảng
thăng tiến hạnh phúc của tha nhân.
Đời an lạc
tránh khỏi tám duyên không an lạc
Do bởi ngọn đèn
của giáo pháp tối thượng sáng soi
Hãy tận dụng
thật tốt an lạc này
Qua hành động
của một người thượng trí.
Vì vậy, hãy bước vào Đại thừa với
suy nghĩ: “ngày đêm, tôi sẽ luôn ứng xử như một hành giả thượng căn, tận dụng
tốt thân này, vốn là một nơi trú ngụ của bệnh tật, một cơ sở của các đau khổ,
của tuổi già và điều tương tự, cũng như nó vốn thiếu vững chắc tựa như cây
chuối hay bong bóng nước”.
Vấn: Từ lúc bắt đầu, vị đạo sư nên hướng dẫn đệ tử qua các tu tập
của một hành giả thượng căn. [90] Đâu là công dụng của sự rèn luyện theo những
lộ trình được chia sẻ với những hành giả có khả năng giới hạn và trung bình?
Đáp:Rèn luyện theo các lộ trình được chia sẻ với hai loại người
này là một điều kiện tiên quyết cho sự phát triển lộ trình của một hành giả
thượng căn. Tôi sẽ giải thích cách điều này là như thế.
b)Vì sao các đệ tử được hướng dẫn qua những giai đoạn như vậy
Việc vì sao các đệ tử được hướng
dẫn qua những giai đoạn như vậy được diễn giải về các mặt nguyên nhân thật sự
và mục đích.
i)Nguyên nhân thật sự
Đường vào Đại thừa chỉ có tâm
Bồ-đề vô thượng. Một khi điều này phát sinh trong dòng tâm thức của quý vị thì
như được đề cập trong tác phẩm Nhập Bồ-đề
Hành Luận của ngài Tịch Thiên:[11]
Khi chúng sinh
vô vọng,
Bị trói trong
ngục tù
Luân hồi bao
đau khổ
Phát khởi tâm
Bồ-đề
Họ sẽ được gọi
là
“con của đấng
Thiện Thệ”[12]
Và thật đáng
tôn vinh
Trong chư
thiên, nhân giới.[13]
Vì thế, những chúng sinh này bước
vào Đại thừa được đặt tên là “những đứa con của bậc Điều Ngự” hay “những vị
Bồ-tát”. Nếu họ hủy hoại tâm Bồ-đề của mình, họ sẽ tự trục xuất bản thân ra
khỏi đoàn thể những hành giả tu tập Đại thừa.
Do đó, những người ước mong bước
vào Đại thừa phải phát triển tâm Bồ-đề này bằng cách thực hiện nhiều dạng nỗ
lực. Những bản văn tối cao dạy về những giai đoạn của lộ trình Bồ-tát đạo, các
tác phẩm Bồ-tát Học Luận và Nhập Bồ-đề Hành Luận của ngài Tịch
Thiên, đề cập đến phương pháp phát triển tâm Bồ-đề ấy. Các tác phẩm đó nói rằng
trước tiên quý vị cần thiền quán về những ích lợi của nó. Sau đó, quý vị làm
mạnh mẽ nỗi hân hoan về những lợi lạc này từ tận đáy lòng của mình. Điều này
phải đồng hành với việc thực hành bảy hạnh nguyện {Phổ Hiền} cùng với sự thực
hành quy y.
Nếu quý vị viết cô đọng lại những
lợi ích được đề cập theo cách này, thì chúng bao gồm hai phần: tạm thời và rốt
ráo. Phần đầu tiên lại gồm hai khía cạnh nữa: không rơi vào những cảnh giới
khốn khổ và được tái sinh trong những cảnh giới hạnh phúc. Điều đó nghĩa là,
một khi phát tâm Bồ-đề, quý vị sẽ loại bỏ được nhiều nguyên nhân tích lũy từ
trước cho những sự tái sinh đau khổ, và quý vị chấm dứt sự tích lũy liên tục về
chúng trong tương lai. Quý vị cũng tăng trưởng mạnh mẽ những nguyên nhân đã
tích lũy từ trước cho những sự tái sinh hạnh phúc bởi chúng được thấm nhuần tâm
Bồ-đề này. Hơn nữa, bởi quý vị được tâm Bồ-đề này thúc đẩy, nên những nhân mà
quý vị gây tạo lại sẽ là khoog thể nào cạn kiệt. [91] Nương tựa tâm Bồ-đề này,
quý vị sẽ dễ dàng đạt đến những mục tiêu cuối cùng, sự giải thoát và toàn giác.
Ngay từ lúc bắt đầu, quý vị phải
có ước vọng chân thành mong cầu để đạt đến những lợi ích tối hậu và tạm thời
này. Nếu không có điều đó, quý vị có thể nói rằng: “Tôi sẽ nỗ lực phát triển
tâm Bồ-đề này” vì những lợi ích vốn sinh khởi từ việc
phát triển tâm Bồ-đề, nhưng đó sẽ chỉ là những lời nói suông. Sự rỗng tuếch của
lời tuyên bố này rất rõ ràng một khi quý vị kiểm chứng lại tâm thức của mình.
Vì thế, trước tiên quý vị phải
rèn luyện trong tư tưởng chung cho những cá nhân có khả năng giới hạn và trung
bình nhằm phát triển một niềm ước ao đạt được hai lợi ích, trạng thái cao [là
người hoặc trời] và điều tốt lành chắc chắn [sự giải thoát hay sự toàn giác].
Sau khi phát triển được điều ước như vậy, quý vị nuôi dưỡng tâm Bồ-đề, là thái
độ giúp sinh khởi những lợi ích ấy. Khi làm điều này, quý vị phải phát triển
lòng đại từ bi vốn là nền tảng cho thái độ này. Nói cách khác, khi quý vị quán
chiếu rằng mình đã lang thang trong luân hồi, bị mất đi hạnh phúc và bị nỗi đau
khổ hành hạ như thế nào, thì những sợi lông trên người quý vị phải nên dựng
đứng lên. Nếu không có sự trải nghiệm này, quý vị sẽ chẳng thể trở nên bất nhẫn
với sự đau khổ của những chúng sinh khác khi họ phải chịu đựng và bị tước đi
hạnh phúc bởi họ lang thang trong luân hồi. Trong tác phẩm Nhập Bồ-đề Hành Luận:[14]
Những ai chưa
nghĩ tưởng
Đến một thái độ
như vầy
Cho lợi ích
riêng họ;
Thì ngay cả
trong mơ
Làm sao khởi
được nó
Cho hạnh phúc
tha nhân?
Do vậy, trong bối cảnh người có
khả năng giới hạn, quý vị quán chiếu cách mà mình bị hãm hại trong những cảnh
giới khốn cùng đến như thế nào. Trong bối cảnh của hành giả có khả năng trung
bình, quý vị quán chiếu theo phương cách rằng thậm chí ở trạng thái cao, thì
cũng có đau khổ và không có được hỷ lạc an tịnh. Sau đó, quý vị thúc đẩy sự
phát triển tình yêu thương và lòng từ bi bằng cách nuôi dưỡng sự đồng cảm với
các chúng sinh, những người quý vị xem là gần gũi với mình. Từ đây quý vị sẽ
phát tâm Bồ-đề. Vì thế, sự rèn luyện suy nghĩ chung với những người có khả năng
giới hạn và trung bình là phương pháp phát khởi một tâm Bồ-đề chân thật; đó
không phải là một lộ trình riêng biệt nào mà vị đạo sư dẫn dắt quý vị theo.
Tương ứng theo đó, quý vị thực
hiện nhiều phương cách khác nhau để thanh tịnh hóa bản thân khỏi sự bất thiện
và tích lũy công đức nhờ sử dụng những tu tập để phát triển được cả thái độ
chia sẻ với những hành giả có khả năng giới hạn lẫn thái độ chia sẻ với những
hành giả có khả năng trung bình. Các ví dụ là việc quy y và việc suy nghĩ về
nghiệp và nghiệp báo. [192] Hãy hiểu rằng những điều này cũng giúp quý vị phát
tâm Bồ-đề, bởi chúng phù hợp với bảy hạnh nguyện Phổ Hiền hoặc với tu tập quy
y, vốn là những phương pháp rèn luyện đóng vai trò tiên quyết cho tâm Bồ-đề
trong bối cảnh của những tu tập dành cho hành giả thượng căn.
Ở điểm này, vị đạo sự trình bày
chi tiết một cách xuyên suốt về những phương cách mà trong đó, các rèn luyện
của những hành giả có khả năng giới hạn và trung bình đóng vai trò như các
thành phần cho sự phát tâm Bồ-đề vô thượng. Hơn nữa, quý vị, người đệ tử, sẽ
đạt đến tri thức chắc chắn về điều này. Sau đó, bất cứ khi nào quý vị duy trì
thiền, điều tối quan trọng là quý vị giữ vững hiểu biết này trong tâm và rèn
luyện những giáo pháp này như là các thành phần cho sự phát triển tâm Bồ-đề của
quý vị. Nếu không, lộ trình của hành giả thượng căn và những lộ trình của những
hành giả có khả năng giới hạn và trung bình sẽ bị tách biệt và không liên quan. Và bởi quý vị sẽ không đạt tri thức chắc chắn về tâm
Bồ-đề nào cả cho đến khi quý vị đạt đến lộ trình thật sự của hành giả thượng
căn, nên việc thiếu rèn luyện trong những chủ đề này, như là những phần của sự
phát triển tâm Bồ-đề của quý vị, sẽ khiến ngăn trở quý vị không phát triển được
tâm Bồ-đề ấy, hoặc, trong khi quý vị thiếu sự rèn luyện này, sẽ khiến cho quý
vị lệch khỏi mục tiêu to lớn của bản thân về việc phát tâm Bồ-đề ấy. Do đó, hãy
lưu ý kỹ ở điểm này.
Theo
phương cách này, hãy rèn luyện theo các lộ trình của nhữnghành giả có
khả năng giới hạn và trung bình và rèn luyện tốt những điều được diễn giải
trong bối cảnh dành cho hành giả thượng căn. Sau đó, bằng tất cả khả năng tốt
nhất, hãy phát khởi một tâm Bồ-đề chân thật trong dòng tâm thức của mình. Tiếp
theo, để tinh thần này trở nên ổn định, hãy tiến hành một sự tu tập đặc biệt về
quy y và sau đó thực hiện nghi lễ về sự phát tâm Bồ-đề mạnh mẽ. Sau khi quý vị
đã tiếp nhận tinh thần nguyện ước {Bồ-đề tâm nguyện} mạnh mẽ này qua nghi lễ,
quý vị phải nỗ lực học hỏi các giới luật của nó. Tiếp đến, hãy phát triển sự
ước ao mãnh liệt để học hỏi những hạnh Bồ-tát, như sáu Ba-la-mật-đa và bốn cách
thu nhận đệ tử. Một khi sự ước ao này sinh khởi từ tận đáy lòng quý vị, hãy
kiên định áp dụng lời thệ nguyện thanh tịnh về xúc tiến Bồ-đề tâm {Bồ-đề tâm
hành}. Sau đó, với sự dấn thân, hãy tránh bị những vi phạm căn bản làm cấu
nhiễm. Hãy nỗ lực để ngay cả những sự ô uế nhỏ nhoi và trung bình hoặc sự gây
tạo những lỗi lầm cũng không làm quý vị ô nhiễm. Ngay cả nếu quý vị bị ô nhiễm,
hãy làm thanh tịnh bản thân một cách triệt để bằng cách sửa đổi những sự vi
phạm như được chỉ dạy trong kinh.
Tiếp theo, hãy rèn luyện bao quát
về sáu Ba-la-mật-đa. Một cách cụ thể, hãy rèn luyện thật tốt về bình ổn thiền –
cốt lõi của định – để làm cho tâm thức của quý vị có khả năng được đặt lên một
đối tượng thiền thiện đức, theo sự ước mong của quý vị. [93] Tác phẩm Bồ-đề Đạo Đăng Luận của Trưởng lão[15]nói rằng
quý vị nên phát triển định từ thiền nhằm sinh khởi những tri kiến siêu việt.
Ngài dẫn ra một ví dụ đơn giản. Trong những tình huống khác, Ngài nói rằng quý
vị nên phát triển định lực nhằm sinh khởi tuệ giác. Vì vậy, đạt được định chủ
yếu nhằm mục tiêu cho tuệ. Sau đó, để cắt bỏ những trói buộc của quan niệm về
hai bản ngã {nhân vô ngã (tib. གང་ཟག་གི་བདག་མེད)
và pháp vô ngã (tib. ཆོས་ཀྱི་བདག་མེད)},
hãy lập một xác định triết lý về ý nghĩa của tánh Không, tức là sự vô ngã. Sau
khi duy trì một phương pháp thiền không sai sót, hãy đạt đến sự thấu suốt, tức
là trái tim của trí tuệ.
Theo đó, tác phẩm Bồ-đề Đạo Đăng Luận Thích của ngài Atiśa[16]đề cập
rằng, ngoại trừ những tu tập về định và tuệ, tất cả những sự tu tập trong mức
độ giới luật và bao gồm việc rèn luyện các giới luật của Bồ-đề tâm hành sẽ cấu
thành việc rèn luyện giới luật. Định là việc rèn luyện về sự tập trung hoặc
việc rèn tâm. Tuệ là việc rèn luyện về trí tuệ. Hơn nữa, tất cả những tu tập
trong mức độ định từ thiền và bao gồm định từ thiền cấu thành nên nhân tố của
sự giác ngộ được gọi là phương tiện, tức là sự tích lũy công đức, những đạo
pháp phụ thuộc vào các chân lý ước lệ {tục đế}, hay còn được gọi là những giai
đoạn của lộ trình bao quát. Sự phát triển của ba loại trí tuệ thấu suốt[17]cấu trúc nên nhân tố của sự giác ngộ được gọi là trí tuệ, sự tích lũy trí tuệ,
vốn phụ thuộc vào những chân lý tối hậu {chân đế}, hay còn gọi là những giai
đoạn của lộ trình uyên thâm. Vì thế, hãy biết thật chắc chắn về trình tự của
chúng, về sự thật rằng chúng là một danh mục toàn diện, và rằng quý vị không
thể đạt đến sự giác ngộ chỉ bằng phương tiện hay trí tuệ đơn thuần.
Đây là cách mà những chú ngỗng
hoàng gia, những đứa con của bậc Điều ngự, tức những kẻ đang trên con đường ra
đại dương mênh mông những phẩm hạnh diệu hảo của một vị Phật, sải đôi cánh của
chúng và bay lên. Một cánh là những chân lý quy ước – tất cả những nhân tố về
phương tiện, lộ trình bao quát. Một cánh kia, dựa vào những chân lý tuyệt đối,
đang hiểu biết rõ cả thực tại lẫn vô ngã. Tuy nhiên, chúng không thể chỉ sử
dụng một phần đơn lẻ của lộ trình, hay bay lên như chú chim gãy một cánh.[18]Như tác
phẩm Nhập Trung Quán Luận Thíchcủa
ngài Nguyệt Xứng đề cập:[19]
Dang đôi cánh
trắng và rộng của thực tại và ước lệ,
Những chú ngỗng
hoàng gia, hộ tống bởi đàn chúng sinh,
Bay trên những
ngọn gió đức hạnh để đạt đến vô thượng
Trên bờ xa,
những phẩm hạnh Phật lớn tựa đại dương. [94]
Sau khi quý vị rèn luyện tâm thức
bằng lộ trình thông thường, quý vị chắc chắn phải bước vào con đường mật chú
bởi vì khi thực hiện, quý vị sẽ nhanh chóng hoàn thành hai sự tích lũy. Nếu quý
vị không thể tu tập xa hơn lộ trình thông thường, hoặc không muốn làm điều đó
do thiên hướng của quý vị thừa kế từ những kiếp trước quá yếu, vậy thì chỉ cần
cải thiện trên từng giai đoạn này của lộ trình.
Quý vị được chỉ dạy rằng tất cả
các thừa nói chung và mật chú thừa nói riêng nương tựa vào vị đạo sư đều rất
cốt yếu. Bởi thế, một khi bước vào con đường chân ngôn, quý vị nên làm theo
những sự giải thích về mật chú, và tu tập một pháp môn dựa vào vị đạo sư thậm
chí còn chuyên sâu hơn những gì tôi diễn giải trước đây. Sau đó, hãy làm cho
tâm thức quý vị trở nên chín muồi với những quán đảnh đến từ những nguồn Mật thừa
thanh tịnh, trì giữ một cách đúng đắn với ngay cả sự rủi ro cho tính mạng của
quý vị, về tất cả những lời thệ và nguyện mà quý vị nhận được trong suốt các
quán đảnh của quý vị. Quý vị có thể phát nguyện lại nếu mình bị một sự vi phạm
căn bản tác động, tuy nhiên tâm thức quý vị sẽ bị hư hoại, và sẽ rất khó khăn
để tăng trưởng những phẩm hạnh diệu hảo. Vì thế, hãy nỗ lực một cách cụ thể để
không bị những vi phạm căn bản làm hư hỏng và không bị những vi phạm thứ cấp
làm ô nhiễm. Ngay cả nếu quý vị bị ô uế bởi những điều này, hãy thanh tịnh hóa
bản thân với sự sám hối và kiềm chế, vì những sự thệ nguyện là nền tảng của lộ
trình.
Tiếp đó hãy rèn luyện theo những
lời hướng dẫn tốt đẹp về Du-già với các biểu tướng (nói về những cấp độ Mật
thừa thấp hơn), hoặc Du-già của giai đoạn phát khởi (nói về Mật thừa Du-già ở
mức cao nhất). Sau khi sự rèn luyện này đã vững vàng, hãy rèn luyện thật tốt về
Du-già không biểu tướng (nói về những cấp độ Mật thừa thấp hơn), hoặc Du-già
của giai đoạn hoàn mãn (nói về Mật thừa Du-già ở mức cao nhất).[20]
Tác phẩm Bồ-đề Đạo Đăng Luận trình bày phần chính yếu của lộ trình như vậy;
những giai đoạn của lộ trình cũng hướng dẫn quý vị theo cách này. Đại Trưởng
lão cũng đã giáo huấn điều này trong những bản văn khác. Tác phẩm Đại Thừa Đạo Thành Tựu Pháp Tậpcủa Ngài
nói rằng:[21]
Nếu ngươi ước
mong chứng vô thượng Bồ-đề,
Vốn cao quý bất
khả tư lường,
Hãy dốc lòng tu
tập và thành tựu tâm Bồ-đề,
Bởi sự giác ngộ
phụ thuộc vào tu tập. [95]
Bởi thân thể an
lạc và thuận duyên toàn hảo này
Thật khó lòng
đạt được, và một khi nhận được
Sẽ rất khó mà
sở hữu lại lần sau,
Hãy khiến nó
đầy ý nghĩa nhờ nỗ lực tu tập.
Và tác phẩm Đại Thừa Đạo Thành Tựu Pháp Hạng Huống Tậpcủa Ngài nói rằng:[22]
Khi một cơ
duyên sinh khởi
Cho những phạm
nhân trốn khỏi ngục tù,
Họ bỏ chạy khỏi
nơi ấy,
Bởi mục tiêu họ
không như những thường nhân.
Cũng thế khi cơ
duyên sinh khởi
Để vượt qua
biển cả luân hồi,
Ngươi trồi lên
ra khỏi chốn luân hồi,
Bởi mục tiêu
ngươi không như những kẻ khác.
Tương tự:[23]
Hành Bồ-tát
giới bằng cách trì theo
Tu tập quy y,
giữ giới cao hơn,
Và nền tảng
Bồ-đề tâm nguyện mãnh liệt,
Hãy tu tập đúng
đắn, theo các giai đoạn, bằng năng lực của ngươi,
Tất cả những
Bồ-tát hành –
Sáu
Ba-la-mật-đa và tương tự.
Hơn nữa:[24]
Nuôi dưỡng trí
huệ tâm và phương tiện –
Trí huệ định
lực, và hợp nhất chúng.
Ngoài ra, tác phẩm Định Tập Phẩm của Bodhihadra {Giác Hiền}đề cập rằng:[25]
Đầu tiên, hãy
vững vàng tâm Bồ-đề toàn hảo của ngươi,
Sinh khởi từ
sức mạnh từ bi.
Đừng tham chấp
tận hưởng những nguồn vui trong luân hồi,
Và quay lưng
đừng bám lấy chúng.
Được ban những
bảo vật toàn hảo như niềm tin,
Hãy tôn kính
đạo sư của ngươi, người ngang hàng đức Phật.
Với những lời
nguyện đạo sư đã dạy,
Hãy tinh tấn
trong thiền.
Nhận qua lòng
từ của thầy
Sự ban tặng
những quán đảnh, cả bình cam lồ và mật ngữ.
Làm thanh tịnh
thân, khẩu, và ý,
Những hành giả
như vậy thích hợp để chứng ngộ.
Bằng việc hoàn
thành những sự tích tập
Sinh khởi từ
định chi,
Họ sẽ chóng đạt
sự chứng ngộ vô thượng.
Đó là con đường
của mật chú.
ii)Mục đích
Vấn:Nếu những giáo pháp dành cho những hành giả có khả năng giới
hạn và trung bình là các điều kiện tiên quyết cho hành giả thượng căn, chúng có
lẽ cũng được xem là những giai đoạn cho lộ trình của hành giả thượng căn. [96]
Vì sao lại sử dụng thành ngữ này: “các giai đoạn của lộ trình được chia sẻ với
những hành giả có khả năng giới hạn và trung bình”?
Đáp: Có hai mục đích to lớn của
việc phân biệt ba loại người và theo đó hướng dẫn các đệ tử: (1) điều đó đánh
tan suy đoán cho rằng quý vị là một hành giả thượng căn cho dù không phát triển
những trạng thái tâm thức tương tự như những hành giả có khả năng giới hạn và
trung bình, và (2) điều đó mang lại lợi ích to lớn cho những người có tâm thức
ở mức tốt nhất, trung bình và thấp nhất. Nó mang lợi ích cho họ như thế nào?
Ngay cả hai loại hành giả có khả năng cao hơn cũng phải tìm cầu địa vị cao và
sự giải thoát, vì vậy không có gì sai lầm khi giáo huấn các đệ tử có khả năng
trung bình và cao về những sự tu tập phát triển những thái độ của những hành
giả có khả năng giới hạn và những hành giả có khả năng trung bình. Họ sẽ phát
triển được những phẩm hạnh diệu hảo.
Những hành giả có khả năng giới
hạn nhất có thể rèn luyện những sự tu tập cao hơn, nhưng điều này sẽ dẫn đến
việc họ từ bỏ nhãn quan thấp hơn của họ mà lại không tăng trưởng lên được một
nhãn quan cao hơn, và vì vậy họ sẽ không được gì cả. Hơn nữa, có thể có những
hành giả nhiều thiện duyên đã phát khởi những lộ trình cao hơn trong những kiếp
trước. Nếu họ được giáo huấn về những lộ trình chia sẻ với những hành giả khả
năng thấp hơn và sau đó rèn luyện chúng, thì họ sẽ nhanh chóng tăng trưởng
những phẩm hạnh diệu hảo đã phát khởi trước đó hoặc những phẩm hạnh chưa phát
khởi từ trước. Vì vậy, bởi họ đã phát khởi những lộ trình thấp hơn, nên họ có
thể được dẫn dắt theo những lộ trình lần lượt cao hơn, và do đó lộ trình của
chính họ đã tu tập trong những kiếp trước sẽ không bị trì hoãn.
Tác phẩm Chân Ngôn Vương Vấn Kinh[26]dùng ví dụ về một thợ kim hoàn khéo tay dần dần tinh luyện được món trang sức
để minh họa sự cần thiết cho việc hướng dẫn tâm thức của đệ tử theo các giai
đoạn. Để thận trọng tránh sự dài dòng, tôi không trích dẫn chúng đầy đủ ở đây.
Vị hộ pháp Long Thọ cũng đã hướng dẫn các đệ tử theo những giai đoạn trong suốt
những lộ trình để đạt đến địa vị cao và sự tốt lành chắc chắn:[27]
Ban đầu có
những giáo pháp về trạng thái cao;
Rồi đến với
những giáo pháp về sự tốt lành chắc chắn.
Bởi khi đạt đến
trạng thái cao,
Ngươi dần vươn
tới sự tốt lành chắc chắn.
Tương tự, Tôn giả Vô Trước cũng
nói rằng:[28]
Hơn nữa, các vị
Bồ-tát hướng những đệ tử của họ thành tựu nhân tố đức hạnh của sự giác ngộ một
cách đúng đắn và theo các giai đoạn. Để làm được điều này, ban đầu họ đưa ra
những giáo pháp dễ dành cho những chúng sinh có trí tuệ non trẻ, yêu cầu họ tu
tập theo những huấn thị và giải nghĩa ở mức dễ dàng. Khi nhận thấy trí tuệ của
những chúng sinh này phát triển lên khả năng trung bình, các vị yêu cầu họ tu
tập những giáo pháp và huấn thị ở mức trung bình, và những sự giải nghĩa trung
bình. [97] Khi nhận thấy trí tuệ của những chúng sinh này trở nên rộng mở, các
vị yêu cầu họ tu tập những giáo pháp và huấn thị uyên thâm, và những sự giải
nghĩa vi diệu. Đây là luồng hoạt động mang tính quyết định cho hạnh phúc của
những chúng sinh này.
Ngoài ra, tác phẩm Hạnh Hiệp Đăng Luậncủa ngài Thánh Thiên
mô tả phương pháp trước tiên quý vị rèn luyện tư duy về Ba-la-mật-đa thừa và
sau đó bước vào mật chú thừa. Tác phẩm chứng minh rằng quý vị phải thực hiện
điều này theo các giai đoạn. Sau đó điểm này được tóm tắt như sau:[29]
Phương pháp
những chúng sinh khởi đầu
Tham gia vào
mục tiêu tối thượng
Được đức Phật
toàn hảo huấn thị
Tương tự từng
bậc của cầu thang.
Hơn nữa, tác phẩm Tứ Bách Kệ Tụng[30]cũng đề cập rằng trình tự của con đường là xác định:
Thoạt tiên,
ngừng các việc thất đức.
Tiếp theo,
ngừng sai lầm về ngã.
Cuối cùng, dứt
tất cả tà kiến;
Ai hiểu điều
này là bậc tinh thông.
Tương tự, vị đa văn đạo sư Mẫu
Hầu đã nói rằng:[31]
Tựa như việc
nhuộm vải không còn vết nhơ:
Trước tiên họ
phát triển điều thiện trong tâm đệ tử
Thông qua những
bàn luận về bố thí và tương tự,
Và rồi họ bảo
đệ tử quán tưởng về giáo pháp.
Viện dẫn bản văn này, đại sư
Nguyệt Xứng cũng cho rằng đạo pháp có một trình tự xác định. Vì trình tự mà
chúng tôi dùng để hướng dẫn những người khác đi theo con đường một cách rõ ràng
là rất thiết yếu cho sự tu tập của họ, hãy đạt đến sự chắc chắn vững vàng về
phương pháp này.
Chương
BA218 Caryâ-saṃgraha-pradîpa, P5379:186.3.6-7.