Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

B. Sát sinh chịu ác báo

03/08/201113:29(Xem: 7101)
B. Sát sinh chịu ác báo

CÔNG ĐỨC PHÓNG SINH

Pháp sư Viên Nhân - Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

PHẦN II. NHỮNG CÂU CHUYỆN PHÓNG SINH

 

B. SÁT SINH CHỊU ÁC BÁO

ĐỨT LƯỠI VÌ DAO MỔ TRÂU

Trước đây, ở vùng Giang Tô, huyện Thường Thục, cạnh sông Hoàng Hà, trong ngôi nhà tranh nghèo lụp xụp có một người sống bằng nghề giết trâu. Cứ mỗi lần người ấy sắp làm thịt trâu, thì việc đầu tiên là cắt lấy lưỡi. Tội cho những con trâu bạc phước, đang còn sống mà bị người cắt lấy lưỡi, đau đớn vô cùng, rống tiếng kêu đau. Vậy mà người ấy không một chút động lòng, thản nhiên coi như chuyện bình thường. Khi hoàn tất công việc, người ấy đem lưỡi trâu về nhà ngâm rượu, đúng ngày đem ra nhâm nhi, hả hê với thức ăn đặc biệt do mình chế biến, chỉ riêng trâu ngậm ngùi.

Có một hôm, ông để con dao mổ trâu phía trên cánh cửa ra vào, chợt nghe tiếng hai con chuột kêu rúc rích trên ấy. Tò mò, ông muốn biết xem chúng làm gì, nên bước lại gần ngước đầu nhìn lên. Thì ra hai con chuột kia nghe mùi tanh từ con dao mổ, tưởng là có thức ăn ngon nên đến tranh nhau, nào ngờ đụng vào con dao rơi xuống trúng ngay miệng của người đồ tể ấy, khiến cho đầu lưỡi của ông đứt lìa. Ông đau đớn giẫy giụa hồi lâu rồi mới chết.

Người đồ tể kia một đời sát sinh hại vật, thói quen thành nghiệp, nên dửng dưng trước những đau đớn của loài vật. Ưa thích rượu thịt, cắt lưỡi chúng sinh, tội nhiều biết bao! Nếu ông hiểu được lý nhân quả nghiệp báo thì có lẽ đã lường trước được sự báo ứng mà dè dặt trong hành động, không để cho tâm hiếu sát sai khiến, hẳn đã biết dừng dao tạo nghiệp, không gây thương tổn cho loài vật như thế!

ĐAU ĐỚN SUỐT SUỐT BA THÁNG

Nơi miền Giang Tô, thuộc trấn Nam Tường, huyện Gia Định, bên cạnh sườn núi phía nam, có một người tên Tào Thăng Nguyên, rất thích ăn thịt chó, thường giết chó để ăn thịt.

Hôm ấy, Tào Thăng Nguyên đem con chó đã giết chết ngâm vào trong chậu nước, đang lúc tính toán sẽ phân chia thịt chó ra mấy phần. Bỗng con chó từ trong chậu nước ngồi bật dậy nhảy cao khoảng một thước, đầu sấn vào Tào Thăng Nguyên há miệng thật lớn cắn một cái, máu từ thân người của hắn chảy ra dầm dề. Quá đau đớn nên hắn hôn mê bất tỉnh. Trong cơn mê hắn nhớ lại tất cả cảnh hắn đã từng giết chó, và bị vô số chó chạy theo rượt cắn, nên sợ hãi kêu la. Người bàng quan không một ai dám nhìn tình trạng thê thảm của hắn.

Sau khi Tào Thăng Nguyên bị chó cắn, kiếm tìm thầy thuốc trị bệnh, nhưng thuốc thang đều vô hiệu, bệnh không chút thuyên giảm. Thế rồi, vết thương càng ngày càng thêm lở loét, đau nhức thấu ruột gan, kêu khóc suốt ngày đêm, trọn ba tháng rồi mới chết. Quanh vùng ấy, những người thích ăn thịt chó, thấy sự việc xảy ra như thế, lòng lo sợ bị quả báo nên không dám giết chó ăn thịt nữa.

CẮT LƯỠI THÚ VẬT – CON BỊ KHUYẾT TẬT

Trong sách Pháp Uyển Châu Lâm có ghi: Đời Đường Cao Tổ, niên hiệu Vũ Đức, có một nông phu rất hung ác. Sáng nọ, như thường lệ ông ra thăm đồng ruộng. Từ xa, ông trông thấy con trâu của nhà hàng xóm đang nhởn nhơ ăn lúa và giẵm đạp lên đám ruộng tươi tốt của ông. Giận quá, ông chạy đến nắm chặt lấy đầu trâu, lấy dây dàm quấn vào lưỡi trâu rồi dùng sức kéo mạnh một cái. Tức thời, lưỡi con vật bị đứt lìa, trông tình trạng của con vật trông thật thê thảm, đáng thương. Miệng đầy máu tuôn ra xối xả, khua dậm chân nhìn thấy rất đau đớn, nhưng hình như biết lỗi nên không dám rên la. Mọi người thấy vậy đến vây quanh xem rất đông. Thấy thảm cảnh của con trâu, ai nấy đều chỉ trích sự tàn nhẫn của người kia.

Thời gian sau, người nông phu ấy lập gia đình, sinh được ba đứa con. Cả ba đứa trẻ đều bị câm. Mọi người nhân sự việc này mà xét đoán lý nhân quả. Bởi do lòng dạ tàn nhẫn mà ngay trong cuộc sống hiện tại của người nông phu kia bị chiêu cảm quả báo đau khổ như thế. Lý nhân quả không sai chạy chút nào.

NGƯỜI TÀN ÁC CHẾT ĐAU ĐỚN

Trước đây có một vị tri huyện họ Trương, đặc biệt thích ăn món chân ngỗng và trái tim của con dê còn sống.

Mỗi lần muốn ăn món chân ngỗng, trước tiên ông sai người bắt ngỗng bỏ vào chảo sắt, sau đó đốt lửa. Nhưng phải là lửa lớn thì chân ngỗng mới ngon. Do vậy, ngọn lửa từ dưới lò được quạt cháy dữ dội, đỏ rực một vùng. Thương cho con ngỗng bị sức nóng của lửa đốt, hoảng hốt nhảy loạn cả lên. Nó quạt đôi cánh cố vùng lên khỏi nắp chảo, xoay bên này, bên kia, miệng kêu la nghe rất thảm. Ban đầu con ngỗng còn phản ứng mạnh, nhưng dần rồi nó quằn quại trong lòng chảo nóng, đến nỗi không còn cất tiếng kêu được nữa. Đôi chân của nó bị đốt phồng to lên, máu toàn thân tụ về, đau đớn khôn xiết, nhưng đó là chỗ mà người đời cho là món ăn đặc biệt. Thế rồi, nó liền bị người cắt đứt đôi chân. Lại tiếp tục đun nấu cho đến khi toàn thân ngỗng đều chín tới.

Thử tưởng tượng như việc này mà xảy ra với chúng ta hoặc người thân của chúng ta thì quả là một cực hình không sao tưởng tượng nổi! Vậy mà có người lại nỡ làm như vậy với con vật chỉ vì một miếng ăn ngon. Thật tàn ác biết bao!

Còn khi muốn ăn món dê, thì ông bắt trói con dê treo trên đầu cây cột sau bếp. Rồi dùng dao đâm xuyên ngực, xương sườn của con dê, sau đó mới moi lấy trái tim dê đem đi nấu nướng. Con dê đau đớn kêu la thảm thiết! Tiếng kêu của nó nghe rất sầu não, đôi mắt ngoái nhìn quanh quất như tìm vị cứu tinh, hai chân lay động như muốn vượt khỏi xích xiềng.

Thế rồi, sau thời gian thụ hưởng như thế, thân của vị Tri huyện kia bỗng sưng phù lên, đầy mụn nhọt độc, chạy chữa thế nào cũng không hết, rên la đau đớn suốt ngày. Và tri huyện bị quả báo hiện tiền kia, mang chứng bệnh thống khổ hành hạ rất lâu mới chết.

NGƯỜI LÀM ÁC PHẢI BỊ CHẾT THÊ THẢM

Đời Thanh, niên hiệu Ung Chính, tại huyện Quỳ Hưng, tỉnh Triết Giang có người họ Ngụy thường theo nghiệp săn bắn. Người này dùng súng bắn chim thú và các loài ếch, nhái, rùa... rất giỏi, chuyên pha thuốc độc để giết cá, phá hủy tổ chim, sát sinh hại vật vô số kể, nghiệp ác của hắn thật không kể xiết.

Mọi người chung quanh thấy thế tìm đủ mọi cách khuyên nhủ, còn đưa ra những việc về nhân quả báo ứng, mong rằng ông Ngụy biết sợ hãi hối hận mà giảm bớt việc sát sinh. Nhưng ông Ngụy không những chẳng nghe lời khuyên bảo mà còn cười chê những lời ấy là vô căn cứ.

Càng về sau, ông ta tạo tội càng nhiều. Nhưng chẳng bao lâu, trên người ông mọc lên nhiều mụn nhọt độc, khắp thân phồng lên vô số bọc nước. Trong mỗi mụt nước có chỗ cứng như một viên sắt tròn. Tiếp đó da dẻ bị cháy sém, bắp thịt lở loét, ung mủ rồi dần dần thối rửa. Ông nằm trên giường bị bệnh khổ hoành hành, đau đớn kêu la không sao kể xiết. Căn bệnh kỳ lạ ấy hành hạ ông cho đến chết.

Sau khi ông Ngụy chết, bỗng đâu có vô số loài vật như cá, ếch, rùa, chim, lớp bò, lớp bay vào trong phòng mổ xé thi thể của ông mà ăn.

Người vợ của ông thấy thế buồn thương vô hạn. Song, nghĩ đến chồng mình đã giết hại biết bao chúng sinh, nên ngày nay phải bị nghiệp báo như thế. Bà không dám làm hại chúng nữa. Chỉ trong chốc lát, thi thể ông Ngụy đã bị các con vật ăn hết sạch, chỉ còn trơ lại một bộ xương trắng.

Ông Ngụy đã bị chết thê thảm lại thêm quả báo xấu là không có con để nối dõi phụng thờ. Thật là một việc đáng cho chúng ta suy xét mà ngăn ngừa tâm ác đối với loài vật.

CÁ LƯƠN TRẢ THÙ

Có người họ Lục ở Quý Châu, đã hơn 60 tuổi, rất thích ăn lươn. Ông thích đến nỗi mỗi bữa cơm hằng ngày nhất định phải có món lươn hầm thì mới chịu ăn và ăn rất ngon. Thật chua xót thay, để đổi lấy sự ngon miệng cho ông mà biết bao nhiêu con lươn đã bị sát hại.

Có một hôm, ông đến chợ mua lươn. Ông đòi chọn những con mập lớn. Bấy giờ, người bán lươn mới nhường cho ông tự chọn lấy. Ông Lục liền xắn tay áo thò vào chum mò bắt lươn, nào ngờ bầy lươn hè nhau cắn chặt vào cánh tay ông. Bị cắn đau, thêm phần hoảng sợ, nên sắc mặt ông tái xanh, té xỉu ngay xuống đất. Nhưng bầy lươn vẫn không chịu nhả ra, chụm thành một xâu đeo lủng lẳng trên tay ông.

Lúc ấy, người trong chợ vây quanh đứng nhìn rất đông. Con ông hay tin liền chạy đến, nhờ mọi người phụ khiêng ông về nhà. Trước tình cảnh ấy, người nhà của ông đành phải dùng dao cắt đứt mấy con lươn. Song, phần đuôi lươn thì rơi xuống, mà đầu lươn vẫn không chịu nhả rời cánh tay ông. Không biết trải qua thời gian bao lâu, chúng nó mới chịu nhả ra. Nhưng hỡi ôi! Trên cánh tay ông, chỗ bị lươn cắn đã không còn một chút thịt. Ông họ Lục rên la hồi lâu rồi tắt thở!

BẮT ẾCH BỊ QUẢ BÁO

Năm Đạo Quang thứ 16 (1836), ở Tô Châu có vị quan ra cáo thị nghiêm cấm việc bắt ếch.

Trong vùng có một nông dân tên Trương A Hỷ, vốn sinh sống bằng nghề bắt ếch, nên y vẫn lén lút bắt ếch đem bán. A Hỷ là người quê mùa ngu dốt, lại thêm bản tính hung bạo, ngang bướng. Có người thấy hắn làm nghề bị cấm nên khuyên nhủ: “Ếch là loài động vật bảo vệ cây nông nghiệp, rất có ích. Quan phủ đã dán cáo thị nghiêm cấm không cho bắt ếch, ông nên đổi nghề đi, còn có rất nhiều cách để sinh sống không phạm pháp, lại cũng không tổn hại lòng từ bi. Tội gì phải lén lút khổ sở như thế?”

Mặc dù được nhiều người thương tình khuyên bảo, nhưng A Hỷ vẫn không đổi nghề.

Một bữa nọ, sau trận mưa lớn, nước sông dâng lên cao, A Hỷ đến bờ sông bắt ếch. Vì vô ý nên trượt chân té xuống sông bị chết đuối. Hai ngày sau, thi thể hắn nổi phình lên mặt nước, có nhiều con ếch xanh bu trên thây chết tranh nhau cắn rỉa thịt. Cư dân ở gần thấy vậy rủ nhau đến xem rất đông. Tất cả đều sợ hãi mà bảo nhau rằng: “Có lẽ đây là quả báo hiện tiền do việc bắt giết ếch của hắn.”

Cứ tưởng tượng lại hình ảnh khi hắn bắt ếch sống chặt đầu rồi lột da, ếch kia oằn oại lâu lắm mới chết. Sự đau đớn của những con vật ấy thật là vô kể. Nếu chúng ta là những con ếch ấy thì sự đau đớn về thân xác cũng như niềm oán hận trong lòng sẽ sâu đậm lắm, cho nên đối với việc ếch trả thù như thế cũng là lẽ đương nhiên. Song nhìn thấy người vì sát sinh hại vật, thương tổn lòng từ bi mà bị quả báo đến thế kia, thì chúng ta cũng không khỏi thượng xét lại mình mà dè dặt không nên để cho ba nghiệp tạo ác.

CỘNG NGHIỆP SÁT SANH

Cư dân sống quanh vùng Thái Hồ, thuộc tỉnh Triết Giang hầu hết đều sống bằng nghề lưới chim, bắt cá. Cứ thế, cha truyền con nối, hết đời này đến đời khác, mọi người đều quen với nghề nghiệp ấy và không hề nghĩ là mình đang sống trên sự khổ đau của loài vật.

Trong vùng ấy, riêng có gia đình ông Trần Văn Bảo lại thích làm việc lành. Mỗi khi thấy ai lưới chim, bắt cá, thấy mình đủ khả năng cứu giúp thì gia đình ông liền xuất tiền mua lại rồi đem phóng sinh, lại còn ân cần khuyên nhủ mọi người cùng nhau làm việc từ thiện. Ông thường nói rằng: “Chỉ một việc sát sinh đã làm thương tổn lòng từ bi, mất phước đức, giảm tuổi thọ, lại còn bị báo ứng rất đáng sợ, gần nhất là ngay trong đời này, xa nữa là trong nhiều đời sau.”

Chuyện kể lại như sau: Đêm hôm ấy, có một người dân trong vùng đang trên đường ra chợ, chợt thấy có hai con quỷ, trong tay cầm rất nhiều lá cờ, vừa đi vừa nói với nhau: “Trừ gia đình ông Trần Văn Bảo ra, vì những người ấy thương người cứu vật, được miễn khỏi cắm cờ ngay nhà của họ, còn lại ta và ngươi cứ theo thứ tự cắm mỗi nhà một lá cờ.”

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, cả vùng ngư phủ đều bị bệnh dịch truyền nhiễm, có hơn 300 gia đình do bị bệnh dịch mà chết. Riêng gia đình ông Trần Văn Bảo không một ai bị bệnh cả. Cả đời ông Bảo làm việc thiện, lúc về già vẫn còn mạnh khỏe, sống rất thọ. Khi từ giã cõi đời, ông ra đi thật an nhiên tự tại.

ẾCH ĐÒI MẠNG

Năm Dân Quốc thứ nhất (1912), ở huyện Vô Vi thuộc tỉnh An Huy có một người thợ hớt tóc. Những bữa cơm hằng ngày của ông không bao giờ thiếu món thịt ếch. Vì thích ăn món thịt ếch mà ông đã giết không biết bao nhiêu con ếch vô tội.

Có một đêm, khi chuẩn bị lên giường ngủ, ông chợt thấy ếch nằm đầy giường, trên gối, mền cho đến trên cổ áo, tay áo của ông đều có ếch bu đông nghẹt. Ông ngồi dậy, bước ra ngoài nhóm bếp lửa đun một nồi nước sôi, bắt hết những con ếch ấy bỏ vào nồi nước sôi cho chết. Xong rồi, tiếp tục leo lên giường định ngủ. Nhưng lại thấy ếch cũng đầy giường như khi nãy, còn nhiều hơn nữa là khác! Ông lại tìm cách đánh xua đuổi, bắt ếch bỏ ra ngoài, nhưng không bắt xuể. Suốt đêm như vậy, hình ảnh những con ếch khiến ông không hề chợp mắt được.

Hôm sau, ông kể lại cho những người hàng xóm nghe sự việc lạ lùng này. Ngay khi ông đang thuật chuyện, bỗng la lên hoảng hốt: “Kìa, chúng nó lại đến, nhảy bám trên cổ tôi.” Nói xong, dùng tay phủi lia lịa. Kỳ lạ là mọi người chung quanh lại không hề nhìn thấy ếch!

Chốc lát sau, ông lại la lên: “Kìa, ếch bu đầy trên đầu, trên mặt, trên mí mắt của tôi rồi!” Ông vừa phủi vừa chạy đi tìm dao cạo, cạo sạch cả lông mày, cả tóc trên đầu, mà vẫn chưa yên, cứ la ếch bu hoài!

Thật ra, nào có ếch bám trên đầu người ấy! Đây chỉ là ảo giác do ông giết hại quá nhiều ếch mà sinh ra đó thôi. Mọi người thấy ông không còn tự chủ, la sảng như vậy mãi, đều bảo nhau: “Chắc ông này bị điên rồi.”

Từ đó, ngày ngày ông thường la khóc vang trời, ngày đêm hốt hoảng, không một lúc nào tỉnh táo. Gia đình ông vì thế cũng rối bời, bất an không dứt. Chứng bệnh kỳ lạ ấy hành hạ ông suốt 6 năm trời rồi chết.

SÁT SINH BỊ NƯỚC CUỐN

Cư dân ở vùng Giang Tô, Nhuận Châu chuyên nghề đánh cá sinh nhai. Họ sống bằng nghề sát sinh như thế đã nhiều đời, tập nhiễm thành tính ác. Mỗi ngày, mọi người đều bắt ếch, bắt ốc, chài cá làm thức ăn, người lớn dạy trẻ em biết cầm dao để chặn bắt ếch. Người dân vùng này lấy sát sinh làm sở trường, đồng thời nuôi dưỡng, dạy dỗ con cháu như thế.

Nhưng lạ một điều là trong vùng lại có một bà lão họ Khổng, tính thương người thương vật, tuổi đã 70 vẫn còn lao nhọc dệt vải kiếm sống qua ngày và dành tiền mua vật phóng sinh. Bà thường khuyên mọi người giảm bớt việc sát sinh hại vật, đem hết khả năng của mình cứu loài vật được đến đâu hay đến đó. Bà nói: “Hãy tránh giết loài trùng, kiến, ốc, nhái... Chớ cho đó là việc thiện nhỏ. Mọi người cần phải có tâm từ bi, thương xót mạng sống loài vật chung quanh. Nếu người trong thôn này cứ mãi sát sinh hại vật, thì mai sau ắt không tránh khỏi quả báo nặng nề.”

Đời vua Càn Long, sáng ngày mùng 9 tháng 9 năm Ất Dậu, bờ đê sông Hoàng Hà bị sạt lở, nước tuôn tràn vào những vùng lân cận, gây tai họa khủng khiếp, trong đó có thành Nhuận Châu. Cả thành Nhuận Châu đều bị chìm trong biển nước. Nhà cửa, ruộng vườn, trâu bò... vô số kể đều chịu chung số phận nước cuốn trôi. Người, vật chết nổi phình lên giữa biển nước mêng mông, không biết đâu là bờ.

Trước đó một ngày, người trong thôn nhìn thấy Khổng bà bồng đứa cháu nhỏ trong nhà đi đến ngôi chùa trên núi cao, vào điện lễ Phật rồi xin ở lại qua đêm. Nhờ vậy, bà thoát được tai nạn hãi hùng này. Phải chăng, chính nhờ lòng nhân từ, yêu thương loài vật của bà Khổng đã giúp bà được an lành không phải chịu chung quả báo khủng khiếp của cả vùng?

CON BA BA ĐÒI MẠNG

Miền nam tỉnh Giang Tô có một vị phú ông, tiền của nhiều đến ức vạn, cuộc sống xa hoa, lại thích ăn món ngon vật lạ. Một hôm, nhà ông chuẩn bị tổ chức yến tiệc linh đình, người đầu bếp đi chợ mua về một con ba ba lớn. Lúc chuẩn bị giết con ba ba ấy, nhìn thấy con vật chảy nước mắt, người đầu bếp không nỡ xuống tay, liền bẩm với chủ nhân hết sự tình và xin thả con vật. Phú ông chẳng những không thương xót, trái lại nổi giận tự cầm dao chặt đứt đầu con ba ba. Lưỡi dao sắc bén, nên chỉ một nhát là đầu con ba ba đứt lìa khỏi cổ. Nhưng việc xảy ra ngoài dự đoán đến không ngờ. Là cái đầu con ba ba lại nhảy lên bám chặt trên sàn nhà bếp. Ông và người đầu bếp đều kinh dị, nhưng vì đang chuẩn bị tiệc lớn nên cũng bỏ qua, cứ để đầu con ba ba trên sàn nhà như vậy, định sau rồi hãy tính.

Khi thịt của con vật chế biến thành thức ăn thơm ngon, được chia thành hai dĩa dọn lên bàn tiệc. Ai nấy nghe mùi thơm đều thích chí đồng ăn Song đến khi phú ông gắp đũa thịt thứ nhất ăn rồi, lập tức nhức đầu, hoa mắt, xây xẩm và hôn mê bất tỉnh. Ông lại thấy cái đầu ba ba trên sàn nhà nhảy tới, nhảy lui trước mặt ông. Người nhà đưa ông vào phòng nghỉ, ông cũng lại thấy giường, nệm, màn, mùng ... nơi nào cũng có cái đầu của con ba ba. Ông còn lải nhải một mình: “Ở đâu mà có đến ngàn vạn đầu con ba ba cắn vào mình mẩy, tay chân của tôi, làm cho đau nhức đến tận xương tủy.” Ông lải nhải như thế suốt ba ngày đêm, cuối cùng chịu không nổi sự đau đớn nên tắt thở mà chết.

QUẢ BÁO HIỆN TIỀN

Trong quyển bút ký của tiên sinh Ký Hiểu Lam có ghi câu chuyện: “Quê ông có một người họ Cổ, tướng mạo xấu xí, thân hình to lớn, sống bằng nghề mổ giết trâu. Vợ con của ông cũng rất giỏi nghề này. Cách sử dụng dao của bà cũng nhanh nhẹn như ông không khác. Ngày qua tháng lại, cuộc sống của gia đình ông được sung túc ấm no. Nhưng ngậm ngùi thay, sự êm ấm, no say của họ được đổi bằng nỗi bất hạnh của những con vật bị giết.

Thời gian sau, mắt ông Cổ bị đau nhức nhiều, tìm hết thầy này thầy nọ chữa trị, tiền của hao tổn mà vẫn không hết, lần hồi ông không nhìn thấy được gì nữa. Đôi mắt ông đã mù.

Riêng phần vợ ông lại bị chứng bệnh lở loét hôi dơ. Máu mủ ung đầy, chảy ra tanh hôi, quần áo bị dính chặt vào người, hễ động đậy là đau nhức không chịu nổi. Suốt ngày rên la trên giường không nghỉ, lảm nhảm nói: “Đây là do lúc trước ta cắt cổ và lột da trâu, chúng đau đớn thế nào thì nay ta phải chịu gấp đôi như vậy. Ôi! Biết bao giờ mới khỏi cực hình này.” Nói xong, rên la liên tục suốt ngày đêm. Mọi người đến thăm, thấy tình cảnh ấy cũng thương tình, nhưng không biết làm sao!

Thế rồi, sau thời gian bị hành hạ vì chứng bệnh quái ác, bà nhắm mắt lìa đời trong đau đớn, hãi hùng.

Việc này đã được cô con dâu nhà họ Thẩm chính mắt trông thấy và kể lại.

Ôi! Nghiệp giết hại loài vật tội báo rất nặng. Xét như con trâu thật có công rất lớn đối với con người, đã giúp chúng ta biết bao việc nặng nề, vì sao lại giết trâu ăn thịt? Quả báo hiện tiền, nhân quả không sai chạy, rất mong mọi người hãy để tâm suy nghĩ việc này thật thấu đáo.

CẮM ĐẦU VÀO NỒI VÌ BẠO SÁT


Có một người làm nghề đồ tể ở huyện Lâm Thanh – Đông Sơn. Một hôm, người ấy đem tiền mua một con trâu. Con trâu linh tính tự biết mình sẽ bị giết chết nên đứng hoài không chịu đi. Người kia nắm dây mũi kéo mạnh rồi đánh con trâu túi bụi, con trâu cố né đòn roi và nhất định không đi, cho đến khi sức gượng yếu dần, thế rồi để mặc cho người đồ tể kia kéo lôi quát tháo.

Khi con trâu đi ngang trước cửa nhà phú hộ, nhìn thấy người chủ của nhà ấy, bỗng nhiên hai chân quỳ xuống, nước mắt chảy đầm đìa, như muốn xin người kia cứu mạng. Ông phú hộ thấy tình cảnh như thế, cảm động vô cùng, hỏi người đồ tể đã mua con trâu này với giá bao nhiêu? Đáp: Tám vạn quan tiền. Ông phú hộ ngỏ ý mua lại con trâu ấy để cứu mạng nó. Nhưng người đồ tể vì giận con trâu quá ương ngạnh, trì trệ không đi, làm ông mệt nhọc, nên nhất định không bán. Phú ông cứ năn nỉ mãi, song người ấy một mực từ chối, còn nói: “Bởi vì con trâu này đáng ghét, nên tôi nhất định đem nó về làm thịt mới hả giận của tôi.” Con trâu nghe lời người đồ tể nói, biết không còn hy vọng nào sống sót, liền từ từ bước đi theo ông.

Người đồ tể giết trâu xong, đem thịt trâu bỏ vào trong nồi chưng nấu, rồi về phòng ngủ một giấc. Đến 3 giờ sáng ngày hôm sau mới đi xuống bếp nếm thử vị mặn lạt của nồi thịt trâu, nhưng đi lâu rồi mà chưa trở lại phòng ngủ tiếp. Vợ người đồ tể thấy kỳ lạ, nên đi tìm. Vừa bước xuống nhà sau, bà ấy liền hoảng kinh hồn vía. Trời ơi! Nửa phần trên của chồng bà đã đâm đầu vào trong chảo, bị chưng nấu chung với nồi thịt trâu.

Thử nghĩ xem! Tất cả loài động vật cũng như con người đều tham sống sợ chết, thấy con trâu sợ hãi khi biết mình sẽ bị giết, đồ tể đã không có lòng thương xót, trở lại còn thêm lòng sân hận, ắt là nghiệp sát của người đồ tể này quá nhiều. Khi ấy, nỗi oán hận trong lòng của con trâu, rõ ràng thêm sâu. Hai nỗi sân hận đồng cảm với nhau, nên đồng chung số phận bị chưng nấu.

GIẾT HEO BỊ QUẢ BÁO THẢM KHỐC

Tại trấn Bà Đầu, huyện Hợp Phì, tỉnh An Huy, có người tên là Tuyên Tứ, hành nghề mổ heo đã hơn 20 năm. Ông tạo được 3 căn nhà: một căn để ở, còn hai căn kia thì cho người thuê, cộng thêm 200 mẫu ruộng.

Cứ vào lúc 3 giờ sáng mỗi ngày, Tuyên Tứ dậy nấu nước làm heo, vợ ông cũng thức dậy phụ chồng. Vừa ra ngoài nhà sau, người vợ thấy trong chuồng heo có dáng 2 người đàn bà nằm. Bà dụi mắt nhìn kỹ mấy lần, cũng vẫn thấy như thế. Lúc ấy, sợ quá bà liền đi tìm chồng thuật lại sự việc, còn nói thêm một câu: “Thôi mình hãy tìm nghề khác đi.” Ông không tin còn cười nhạo bà.

Người vợ lấy con dao mổ heo ném vào trong cầu tiêu. Nên hôm ấy, Tuyên Tứ không thể giết heo, nhưng vẫn không hề có tâm đổi nghề.

Hôm sau, người vợ mời hết thảy gia tộc đến thưa là nếu Tuyên Tứ không đổi nghề thì bà sẽ chia tay. Tuyên Tứ chấp nhận chia tay, chứ không bỏ nghề.

Thế rồi, hai người chia đôi gia sản. Người vợ mang đứa con ra riêng nuôi dưỡng. Chỉ thời gian sau, đứa con mà hai vợ chồng yêu thương lại qua đời. Đến đây, Tuyên Tứ mới có một chút niềm hối hận. Vì buồn việc đứa con mất sớm, nên Tuyên Tứ đem tiền của dành dụm nướng vào trong cờ bạc. Cuối cùng, tất cả gia sản đều tiêu tan như mây khói. Ông lại mua mấy con heo nuôi để xây dựng lại sự nghiệp nhưng đều thất bại cả. Một tháng sau, miệng mũi của ông lúc nào cũng tuôn máu mủ, đau đớn vô cùng, nằm kêu la suốt ngày đêm như bị người thọc dao vào yết hầu vậy. Mãi một năm sau, ông mới chết.

GIẾT DÊ BIẾN THÀNH DÊ

Tại huyện Thường Thục, tỉnh Giang Tô, có người họ Tiết tên Khánh Quan, chuyên sinh sống bằng nghề giết dê, nhà rất giàu có sung túc. Hàng ngày, cứ vào lúc 3 giờ sáng là ông đã thức dậy nấu nước sôi để làm thịt dê. Mặc cho những con dê hoảng sợ, kêu la thống thiết, ông vẫn thản nhiên cầm dao đâm tới. Nhiều người thấy nghe cảnh tượng đau lòng đó, không nhẫn tâm nhìn thêm nữa. Bạn bè thân tình cũng hết lời khuyên ông đổi nghề, nhưng ông nào có nghe. Trải qua 10 năm tạo nghiệp, số dê đã bị ông giết không biết là bao nhiêu nữa.

Làm ác mà không thấy hối hận, nên quả báo xấu cuối cùng cũng đến. Khi Tiết Khánh Quan hơn 40 tuổi, bị một chứng bệnh kỳ quái, tìm thầy chữa trị biết bao nhưng vẫn không thuyên giảm, đến nỗi gia tài hao mòn, lần hồi kiệt quệ mà bệnh không thuyên giảm, lại còn sinh thêm biến chứng.

Mũi của ông tự nhiên dài ra, rồi mặt từ từ biến thành mặt dê, rất đáng sợ. Ông vô cùng khổ sở, trốn tránh tất cả mọi người, ngày đêm hoang mang sầu thảm, lo không biết còn điều gì xảy ra nữa đây! Những đêm khuya lăn lộn vì chứng bệnh hoành hành, bấy giờ ông mới nghĩ đến lý nghiệp quả báo ứng, nên khuyên bảo gia đình bỏ hết đồ nghề giết dê và đổi nghề sinh sống.

Năm sau, ông ta mang 300 lượng vàng cùng với người láng giềng đi đến tỉnh An Huy mua gạo về bán. Trong lúc đi đường, vì vô ý nên ông bị té xuống sông chết. Người nhà cố tìm vớt thi hài nhưng không thấy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/04/2013(Xem: 4988)
Trong đạo Phật chúng sanh là do Nhân Duyên 5 Ấm hội hợp mà thành thì trong đó Thân là thuộc về Sắc Âm còn Tinh Thần là Thọ, Tưởng, Hành, Thức.
08/04/2013(Xem: 4967)
Sự chết của con người là một giai đoạn trong chu trình biến thiên bất tận sinh-lão-bệnh-tử. Đầu tiên, tim ngừng đập rồi đến phổi, sau đó đến não; cuối cùng cơ thể phân hủy. Từ lúc tim ngừng đập đến lời thông báo chính thức rằng một người đã chết, các bác sĩ chờ đợi 2,3,5 hoặc 10 phút, nhưng "thời gian chuẩn" . . .
08/04/2013(Xem: 5376)
Qua bài diễn văn đầu tiên đọc trước Đại Hội Đồng LHQ, Tòa Thánh Vatican kêu gọi ngăn cấm hòan tòan phương pháp sinh sản vô tính ở con người, và chỉ trích chiến tranh Iraq cùng chính sách đơn phương chống khủng bố.
08/04/2013(Xem: 4429)
Washington, DC. Các khoa học gia Hoa Kỳ ngày thứ Tư 21/3/2001 đã trình bầy trước Quốc hội về viễn ảnh tạo giống con người bằng kỹ thuật "tạo sinh vô tính" "Cloning". Người tạo ra con cừu Dolly bằng kỹ thuật "tạo sinh vô tính" tại Anh Quốc báo trước rằng "Cloning" con người là việc nguy hiểm và vô trách nhiệm.
08/04/2013(Xem: 5030)
Bài thơ nói lên tâm trạng lo âu đầy sợ hãi của con người khi đối diện với cái chết, rồi một ngày nào đó cũng phải đến phiên mình. Cuộc sống thì quá mong manh cái chết lại chắc chắn. Do vậy, sống chết là vấn đề lớn, chúng ta dù cố né tránh cũng không thể thoát khỏi. Có chăng, . . .
08/04/2013(Xem: 4578)
TRONG LÚC CÁC CHÍNH PHỦ TRÊN THẾ GIỚI BÀN CẢI NÊN HAY KHÔNG CHO PHÉP CÁC KHOA HỌC GIA TẠO SINH VÔ TÍNH, thì Trung Quốc âm thầm cho ra đời 10 con vật.
08/04/2013(Xem: 6324)
Hôm nay thay vì trình bày về cái chết và tiến trình của cái chết, tôi xin được trao đổi với quý vị về tiến trình của già và chết.Già và cái chết là những hiện tượng thiên nhiên. Theo quy luật thiên nhiên, tất cả các sự vật duyên khởi đều vô thường và phải bị biến đổi, tùy thuộc vào sự chi phối của nguyên nhân, . . .
08/04/2013(Xem: 5087)
Từ mấy nghìn năm nay, đối với người phụ nữ, việc sanh con là nguồn vui vô tận nếu đứa con được chờ đợi, nhưng cũng có thể là một cô chiếc tuyệt vọng nếu đứa con không được mong muốn.
08/04/2013(Xem: 4568)
Đầu những năm 1900, xe ngựa được sử dụng là phương tiện giao thông chủ yếu. Ô tô cũng có rồi, nhưng nó còn quá đắt, phức tạp và hầu như bị người ta hoài nghi về khả năng của nó. Nhưng rồi có một người đã làm thay đổi những nhận thức đó về ôtô. Đó là kỹ sư Henry Ford - Giám đốc một Cty xe hơi, . . .
08/04/2013(Xem: 5962)
Cơ quan HIC điều hành Danh Sách Hiến Tặng Nội Tạng Ở Úc (Australia Organ Donor Register - gọi tắt là Donor Register). Ðây là một cách rất đơn giản để người ta có thể ký chú ý định trở thành một người hiến mô mạc và nội tạng (tissue and organ donor).
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]