- I .Các hiện tượng trước khi người bệnh tắt thở
- II. Những điều người bệnh nên biết và chuẩn bị
- III. Những điều gia đình nên biết và chuẩn bị lúc người bệnh lâm chung
- IV. Tổ chức việc trợ niệm
- V. Các hiện tượng người chết không siêu thoát, phải sanh vào các ác đạo
- VI. Những việc gia đình cần làm để người mất được lợi ích
- VII. Phần tham khảo thêm
Bộ Phim: Trợ Niệm Và Chuẩn Bị Khi Lâm Chung
VII. Phần Tham Khảo Thêm
Nguồn:Tỳ kheo Thích Nhuận Nghi biên soạn
VII.1. Khai thị cho người bệnh
Bất luận người bệnh đã tắt thở hay chưa, đều phải khai thị. Xin gợi ý các lời khai thị như sau:
1. Bài thứ nhất
“Kính thưa cư sĩ… A-di-đà Phật! Ông/bà nên buông xả vạn duyên, nhất tâm cầu sanh Tịnh độ nơi Tây phương Cực Lạc. Con cháu tự có phước phần riêng của họ. Thế gian này rất khổ, không nên lưu luyến. Thế giới Cực Lạc của Phật A-di-đà có bảy hàng cây báu, tám loại nước công đức, đất trải bằng vàng, vô cùng trang nghiêm đẹp đẽ không thể diễn tả hết được. Ông/bà nên lập tức phát nguyện đến thế giới Cực Lạc, một lòng cầu Phật từ bi đến tiếp dẫn ông/bà vãng sanh Tây phương. Chỉ khi gặp Phật A-di-đà hoặc thấy ánh hào quang màu vàng (kim sắc) ôn hòa của Tây phương Tam Thánh, ông/bà mới theo các Ngài đi. Ngoài ra, khi thấy bất cứ cảnh tượng nào khác, tuyệt đối không thèm để ý đ61n. Như vậy, ông/bà nhất định được vãng sanh về Tây phương. Bây giờ chúng tôi niệm Phật, xin ông/bà hãy cùng niệm Phật với chúng tôi”.
2. Bài thứ hai
Nam mô A-di-đà Phật.
Phật tử…, pháp danh…
Sanh lão bệnh tử là con đường mọi người phải đi qua, không ai có thể tránh được. Đã có sanh ắt phải có tử.
Phật đã nói thể gian này là khổ, là vô thường. Lúc này, Phật tử hãy buông xả mọi việc, tâm không nên gợi lên những than hận hay cố chấp. hãy thành tâm niệm Phật với lòng tin và sự khẩn cầu sanh về Tây phương Cực Lạc quốc. Hãy niệm Phật với chánh niệm để tiêu tan nghiệp chướng, cho thân tâm được tự tại.
Hãy khẩn cầu với lòng thành kính. Nhất tâm niệm Phật, khẩu cầu đức Đại từ đại bi A-di-đà Phật đến tiếp độ, phóng quang soi sáng và dùng Phật lực để giúp người niệm A-di-đà Phật với chánh niệm.
Hãy khẩn vầu Phật A-di-đà đến tiếp độ, niệm niệm A-di-đà Phật, niệm niệm cầu sanh về Tây phương Cực Lạc quốc.
Nam mô A-di-đà Phật.
VII.2. Khai thị cho oan gia trái chủ
Nam mô A-di-đà Phật.
Phật tử…, pháp danh… từ nhiều đời nhiều kiếp đã gây ra nhiều oan gia trái chủ.
Ông/bà… và quí vị đã có duyên với nhau. Phật nói kết thân tâm pháp duyên là thù thắng nhất. Cho nên, quí vị nên kết thân tâm pháp duyên với ông/bà…, đừng nên gây chướng ngại cho ông/bà…, mà hãy cùng niệm Phật với chánh niệm để cầu sanh về Tây phương Cực Lạc quốc.
Giờ đây xin khẩn cầu quí vị và các thân hữu hãy nhất tâm niệm Phật để giúp đỡ ông/bà… được vãng sanh Tây phương Cực Lạc quốc, hoàn thành Phật sự. Vô lượng công đức sẽ hồi hướng cho quí vị thoát mọi khổ ải và được an lạc.
Cầu xin quí vị hãy vì nhân duyên thù thắng này mà phát tâm Bồ-đề, với lòng tin tưởng sâu sắc mà niệm Phật cầu sanh Tây phương Cực Lạc quốc, toại nguyện vô lượng Phật độ.
Nam mô A-di-đà Phật.
VII.3. Căn dặn dự bị lúc lâm chung
Trường hợp sợ người thân mình không làm đúng theo chánh pháp, lúc còn sống quý vị nên viết một bản di chúc dặn dò con cháu. Trong lời dặn dò, người viết nên tập trung dặn kỹ con cháu người thân phải làm mọi việc cần thiết giúp mình vãng sanh về cõi Tịnh độ của Phật A-di-đà. Xin gợi ý nội dung lời dặn như sau:
Ông/Bà tên …, pháp danh:…
Các con cháu và mọi người trong gia quyến hãy nghe theo những lời ông/bà căn dặn những điều như sau:
Cả một đời ông/bà quy y Tam bảo, chuyên niệm Phật A-di-đà, được hưởng nhiều sự lợi ích tốt lành. Nếu các con cháu và người thân nếu thật sự có lòng hiếu thảo thì phải nghe theo lời của ông/bà, giúp ông/ bà được sanh về cõi Phật A-di-đà. Đó mới là sự báo hiếu lớn nhất. Ông/bà sẽ mãn nguyện ra đi.
Các con phải biết, con người khi sắp tắt thở, giống như con rùa bị lột xác, vô cùng đau khổ. Nếu các con thậy lòng muốn cho ông/bà được chết tốt lành, mong toàn thể các con phải vì ông/bà mà hoàn thành tốt tâm nguyện của ông/bà.
Khi thấy ông/ bà bị bệnh, nhất là lúc hấp hối, con cháu hãy làm theo những lời căn dặn như sau:
1. Lập tức đi mời ban Trợ niệm đến niệm Phật cho ông/ bà. Khi ban Trợ niệm đến, gia đình phải nghe theo sự hướng dẫn của họ, không được làm trái ngược. Nếu có chư Tăng đến, con cháu phải hết lòng cung kính.
2. Khi ban Trợ niệm niệm Phật, gia đình không được động đậy, di chuyển, thân thể để tắm rửa, thay quần áo cho ông/bà; lại càng không được gào thét, khóc lóc, kể lể, than van. Con cháu phải giữ gìn cho yên lặng và cùng trì niệm câu Phật hiệu A DI ĐÀ PHẬT, hết lòng cầu Phật tiếp dẫn ông/bà vãng sanh về cõi Phật.
3. Trường hợp ông/bà bị hôn mê bất tỉnh, hơi thở sắp tắt, thì con cháu không được mời bác sĩ đến chích thuốc, hô hấp hoặc làm những việc cấp cứu khác để tránh tâm lý ông/bà bị dao động hoặc gia tăng sự đau khổ. Các con cháu phải vì ông/ bà mà thành tâm niệm Phật. Như thế mới là người con, người cháu hiếu thảo.
4. Khi ông/bà tắt thở trong vòng 24 tiếng đồng hồ, con cháu phải cố giữ tiếng niệm Phật sao cho không được gián đoạn, phải luân phiên niệm Phật trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Sự trợ niệm vào giờ phút này cho ông/ bà là sự giúp đỡ vô cùng to lớn. Con cháu có thương ông/bà, thì không gì hơn là ngay lúc này niệm Phật A-di- đà.
5. Còn việc thay quần áo, nhập liệm, tang lễ, tụng kinh phải chờ qua 24 giờ mới được tiến hành. Trừ trường hợp, thời tiết khí hậu oi bức, sợ có mùi hôi thối, thì nên tùy duyên, con cháu có thể đốt nhang trầm hoặc để nước bên cạnh thi thể ông/bà.
6. Trước và sau tang lễ và trong suốt 49 ngày, việc cúng tế đãi khách… toàn bộ phải dùng đồ chay, tuyệt đối không được sát sanh để tránh gia tăng nghiệp tội cho ông/bà. Toàn thể gia đình nên ăn chay, niệm Phật, làm các việc thiện lành, hồi hướng cho ông/bà. Được như vậy, ông/bà mới hưởng niềm vui an lạc. Con cháu nhờ đó cũng hưởng sự vui sướng cát tường, tương lai tươi sáng.
7. Việc tang lễ, cúng tế phải theo nghi thức của Phật giáo, lấy việc niệm Phật làm chính, con cháu không được phô trương rầm rộ, phung phí tiền của, cần phải tiết kiệm.
Ông/bà hy vọng từ đây về sau cả gia đình phát tâm tin Phật, niệm Phật. Làm được vậy, con cháu nhất định hưởng được sự bình an hạnh phúc. Mong các con, các cháu nghe theo và làm theo đúng như lời ước nguyện của ông/bà.
Nam mô A- di- đà Phật
Người nói…
Người làm chứng….
VII.4. Nội dung các tờ thông báo
Trước khi trợ niệm, người trưởng ban yêu cầu gia đình dán các tờ thông báo lên những nơi mọi người có thể trông thấy. Nội dung những thông báo này yêu cầu thân nhân không được khóc lóc, kể lể, đụng chạm đến người bệnh, mà phải cùng niệm Phật để đưa người vãng sanh về Tây phương. Một vài gợi ý về thông báo như sau:
1. Tờ thông báo số 1
XIN NHỚ KỸ:
Khi lâm chung trong vòng 8 giờ sau, nếu bị va chạm mạnh, hoặc người thân khóc than kêu réo, người ra đi sẽ dễ bị đọa lạc. Xin một lòng niệm NAM MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT, cầu nguyện cho người được vãng sanh về thế giới Tây phương Cực Lạc.
Tuyệt đối XIN ĐỪNG KÊU KHÓC KHI NGƯỜI BỆNH LÂM CHUNG
Chân thành đội ơn sâu nặng!
2. Tờ thông báo số 2
HỘ NIỆM
Hiếu thảo, thương kính người ra đi, con cháu và người thân phải quyết tâm hộ niệm bằng cách túc trực bên cạnh để NIỆM PHẬT SUỐT NGÀY ĐÊM trước giờ ra đi, lúc lâm chung và tiếp tục 8 hoặc 12 giờ sau.
CẤM KỴ: kêu khóc, ồn ào, va chạm mạnh đến người bệnh.
VII.5. Cách cúng tế hương linh:
1. Trước bàn Phật: cúng hoa tươi + trái cây + nước trắng.
2. Trước bàn linh: mỗi ngày cúng cơm 3 lần (thức ăn chay):
- Sáng: cháo, thức ăn đậu hũ
- Trưa và tối: 1 chén cơm + 1 đôi đũa + 1 mâm để 6 món thức ăn + 1 ly nước trong + trái cây (mỗi ngày phải thay mới).
3. Ngày đi chôn (hoặc thiêu):ngày an táng;
- Trước bàn Phật: cúng hoa tươi + nước + 4 loại trái cây (mỗi ngày phải thay mới) + 1 chén cơm nhỏ + 6 chén nhỏ thức ăn + 1 ly nước trắng.
- Trước bàn linh: cúng 1 chén cơm + 1 đôi đũa + 6 chén nhỏ thức ăn + 1 ly nước trắng + hoa tươi + 4 loại trái cây.
- Trước bàn cúng tế: cúng 12 đĩa thức ăn + 1 dĩa trái cây
- Tụng kinh A-di-đà, hồi hướng (Nếu không thỉnh được Tăng, cư sĩ tại gia có thể tiến hành như trên đã nói).
4. Sau khi chôn cất xong: không cần phải cúng cơm mỗi ngày 3 lần.
5. Trong 7 thất (49 ngày):
Mỗi thất: tụng kinh A-di-đà + niệm trăm danh Phật hiệu + cúng ngọ + hồi hướng (Phần cúng ngọ có thể chiếu theo cách cúng trong ngày an táng).
VII.6. Các ban Trợ niệm, Hộ niệm hiện có
Từ lâu, ở một số nước thịnh hành pháp môn Tịnh độ đều có nhiều ban Trợ niệm hoạt động rất tốt, đưa nhiều người vãng sanh Tây phương Cực Lạc. Việt Nam hiện nay cũng có một vài ban, nhóm Trợ niệm hoạt động rất có hiệu quả. Mô hình, phương thức hoạt động trợ niệm đều tham khảo theo phương thức của Tịnh tông học hội Úc châu, do hòa thượng Tịnh Không chủ trương (như các cách nói trên). Có một số ban Trợ niệm cẩn thận ghi lại hình ảnh của một số trường hợp vãng sanh có biểu hiện tướng tốt đẹp. Phật tử nên biết địa chỉ của các ban ấy để dễ dàng liên hệ khi cần thiết hoặc để tham gia.
1. Ban Trợ niệm do Đại đức Thích Giác Chỉ hướng dẫn:
Địa chỉ liên hệ:
Số điện thoại:
2. Ban Trợ niệm do cư sĩ Diệu Thường hướng dẫn:
Địa chỉ liên hệ:
Số điện thoại:
3. Ban Trợ niệm do cư sĩ ______________ (chùa Hoằng Pháp) hướng dẫn:
Địa chỉ liên hệ:
Số điện thoại:
4. Ban Trợ niệm do cư sĩ ______________ (chùa _______________) hướng dẫn:
Địa chỉ liên hệ:
Số điện thoại:
TỊNH THẤT TỪ NGHIÊM
Ngày 21 tháng 10 năm 2006
Tỳ kheo Thích Nhuận Nghi
Cẩn biên