Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hòa thượng Thích Tín Nghĩa với thơ Thiền, Đạt Ma và Huyền Trang

05/01/201804:28(Xem: 12243)
Hòa thượng Thích Tín Nghĩa với thơ Thiền, Đạt Ma và Huyền Trang



0.To Bo De Dat Ma-2

Hòa thượng Thích Tín Nghĩa
với thơ Thiền, Đạt Ma và Huyền Trang

Đào Văn Bình   -  California ngày 4/1/2108


          Sau bài giới thiệu “Đọc Trúc Lâm Thiền Phái tại Huế của Thích Tín Nghĩa” phổ biến tới bạn đọc ngày 7/12/2017, Hòa Thượng Thích Tín Nghĩa lại gửi biếu tôi thêm hai cuốn sách :

          - Trúc Lâm Thiền Phái Thi Tập tái bản lần thứ nhất 2013.

          - Đạt Ma và Huyền Trang tái bản lần thứ ba 1998.

          A) Trúc Lâm Thiền Phái Thi Tập bao gồm 4 bài thơ/bài kệ của tổ Giác Tiên, thơ/kệ của Tổ Khai sơn Trúc Lâm Đại Thánh tự Hòa thượng Thích Giác Tiên và Sư Bà Diệu Không được chính tác giả dịch nghĩa và chuyển qua thể thơ lục-bát như đã được giới thiệu trong bài viết nói ở trên. Phần chính của thi tập bao gồm 96 bài thơ của chính tác giả và được lấy tựa đề Trúc Lâm Thiền Phái Thi Tập cho thấy tác giả là truyền thừa của Thiền phái này.

          Thơ Thiền hay Kệ tụng là nét độc đáo của Phật Giáo khởi đi từ lúc Đức Phật còn tại thế. Sau khi thuyết giảng bằng văn xuôi, Đức Phật thường tuyên lại ý đó bằng thơ và để rồi cô kết cả bộ kinh bằng thần chú. Khi Phật Giáo du nhập vào Trung Hoa, Việt Nam và Nhật Bản là những quốc gia mà nền văn học đã lên tới đỉnh cao cho nên thơ Thiền nở rộ, khiến giáo lý mang thêm nét văn chương, không thể tìm thấy trong bất kỳ tôn giáo nào khác. Một số thơ Thiền của các vị Tổ lừng danh như Bồ Đề Đạt Ma, Lục Tổ, Vạn Hạnh, Mãn Giác, Trần Nhân Tông, Hương Hải Thiền Sư . . . đã trở thành Kệ, có giá trị đọc tụng như kinh điển và là tấm gương để noi theo và có thể nói bất tử trong dòng sinh mệnh Phật Giáo. Như vậy khi chúng ta thấy một tu sĩ Phật giáo “làm thơ” thì ta phải hiểu rằng các ngài dùng “thơ” để bày tỏ sự chứng đắc của mình hoặc mô tả đời sống thường nhật của một nhà tu hoặc răn dạy đồ chúng . . . Thế nhưng đôi khi thơ Thiền cũng mang nét “tự trào”. Trong thi tập này tôi chỉ đưa ra một vài bài thơ điển hình như  bài thơ Vô Đề trang 43, tác giả làm tại Seattle, Washington năm 2003 :

          Chung thanh điểm tam hồi, 
          Ngư ông điểm sổ bôi, 
          Thiền sư nhập đại định, 
          Oanh đề liễu thượng khai.

          Tác giả chuyển sang lục bát :

          Chuông khuya vừa điểm ba hồi, 
          Ngư ông ngồi uống một vài ba chung, 
          Thiền sư nhập định vừa xong, 
          Trên cây dương liễu chim oanh hát hò.

          Qua bài thơ này thì thế giới của Thiền sư là thế giới của thiên nhiên và rất thanh tịnh. 
          Rồi bài thơ Dong Ruổi, làm năm 1984 lúc hòa thượng còn rất trẻ.

          Lang thang từ độ luân hồi, 
          Tử sinh nào biết, đất trời tiêu hao, 
          Hết ra rồi lại đi vào, 
          Nào ai tính sổ đâu nào mà lo.

          Rồi bài thơ Đồng Tiền cho thấy sức mạnh của tiền bạc, ngày nay là đồng đô-la mà người Mỹ có câu nói, “No money, no honey” (Không tiền bạc thì đừng nói chuyện yêu đương) :

          Trên đời quý nhất lại là tiền, 
          Tiền nói, tiền kêu để thành Tiên, 
          Chồng vợ anh em đều rút tỉa, 
          Mẹ cha, bè bạn cũng đua chen, 
          Nghĩa tình, tiền thiếu tình cũng bớt, 
          Hiếu sự, tiền dư hiếu cũng bền, 
          Suy gẫm cho cùng rồi cũng vậy, 
          Té ra, đời chỉ ngán đồng tiền.

          Tuy nhiên đời tu không phải lúc nào cũng vui, có lúc phải cúi xuống nhặt tàn thuốc là mà Phật tử, thay vì quăng vào thùng rác, lại quăng bừa xuống đất. Hiện nay người Mỹ gần như đã bỏ được thói quen hút thuốc lá, nhưng Việt Nam lại là quốc gia hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Riêng tôi trước 1975 cũng là tay hút thuốc lá kinh khủng, không có loại nào mà không hút, từ Melia vàng, Basto Xanh, 555, Dun Hill, Craven A, xì gà, ống vố, cẩm lệ, thuốc rê, thuốc lào, Sông Cầu . . . tôi đã từng trải qua. Không điếu thuốc miệng lạt và thèm vô cùng. Đó gọi là ghiền/nghiện. Bỏ thuốc lá rất khó, nhất là thuốc lào với câu, “Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”. Thế nhưng khi vượt biển tới trại tỵ nạn Sungei Beisi Mã Lai năm 1984, tôi ngồi chép kinh Phật từ sáng tới trưa không hút điếu nào, khiến tôi chợt tỉnh, “À từ sáng tới giờ không hút điếu nào mà có sao đâu ?”. Từ đó tôi bỏ luôn thuốc lá, tính ra đến nay đã 34 năm mà chẳng thấy thèm thuốc và ăn cơm vẫn ngon miệng. Cảm giác lạt miệng khi không có thuốc lá là cảm giác giả tạo. Khi bạn bỏ thuốc lá, vị giác từ từ trở về trạng thái bình thường như lúc chưa hút thuốc. Hãy bỏ thuốc lá đi bạn ơi! Thuốc lá làm đen ngòm lá phổi mình và vợ con, ông bà cha mẹ trong nhà. Nhưng nếu lỡ có hút, xin đừng quăng mẩu thuốc lá xuống đất, trông vừa bẩn mắt vừa có nguy cơ gây hỏa hoạn.

          Chúng ta hãy xem bài thơ Nhắn Nhủ của tác giả :

          Ai ơi ! 
          Hút thuốc liệng tàn, 
          Tàn liệng có nơi, 
          Hút rồi đừng liệng lôi thôi, 
          Để thầy cong lưng lượm, 
          Buồn ơi là buồn.

          Và bài thơ Tự Vịnh hay tự trào :

          Thiên hạ đua chen chuyện hơn thua, 
          Riêng tôi quanh quẩn với cảnh chùa, 
          Trưa trưa cúng ngọ, chiều chấp tác, 
          Sớm sớm trì kinh, tối công phu, 
          Mỏi gối hành Thiền, sức chẳng thiếu, 
          Mòn tay lần chuỗi, nguyện vẫn thừa, 
          Mấy chục năm rồi chưa thấy Phật, 
          Té ra nghĩ lại : Vụng đường tu.

          Thưa Thầy, đã có ông Phật ở trong tâm rồi thì đâu còn thấy ông Phật ở bên ngoài nữa có phải vậy không Thầy ? Tu là nhìn, lạy ông Phật bằng gỗ đá mà biến thành ông Phật thật trong tâm mình, đó là chân tu.

          Tôi xin kết thúc phần giới thiệu thơ ở đây để mời quý vị bước qua phần biên khảo về Tổ Đạt Ma và Huyền Trang.

          B) Đạt Ma và Huyền Trang :

          Đây có thể là cuốn sách biên khảo khá đầy đủ, hấp dẫn về hai huyền thoại lớn nhất của Phật Giáo Trung Hoa ảnh hưởng tới Việt Nam, Nhật Bản. Sách xb năm 1989 và đã tái bản ba lần.

         

TO-Bo-De-Dat-Ma

 1) Bồ Đề Đạt Ma :

          Bồ Đề Đạt Ma là Tổ thứ thứ 28 của Thiền Tông Ấn Độ và là vị Tổ thứ nhất của Thiền Tông Trung Hoa. Vì có quá nhiều điều kỳ bí xoay quanh cuộc đời của ngài cho nên nảy ra quan điểm cho rằng đây chỉ là nhân vật trong huyền thoại chứ không có thật. Trong tinh thần của một nhà biên khảo khách quan, tác giả đã thẳng thắn trình bày cả những tài liệu, luận cứ cho rằng Bồ Đề Đạt Ma chỉ là một huyền thoại, trong đó :

          - Trong cuốn Lăng Già Tự Sự của Tịnh Giác (thế kỷ thứ 8) cho rằng chính Câu Na Bạt Đà La là vị Tổ thứ nhất của Thiền Tông Trung Hoa chứ không phải Bồ Đề Đạt Ma.

          - Theo tác giả người Pháp Paul Demieville, trong cuốn Consile de l’hasa đã cho rằng, “Nguyên trước Thiền Tông có tên là Lăng Già Tông. Tác giả của Lăng Già Sự Tư Ký đã có lý khi nhận định rằng Câu Na Bạt.

          Đà La là tổ sư đầu tiên của Thiền Tông và là người dịch Kinh Lăng Già ra Hán Văn.

          - Trong cuốn “Phật Giáo : Bản Chất và Sự Phát Triển”, Edmond Conzé cho rằng, “Mãi đến 80 năm sau (năm 520) Bồ Đề Đạt Ma tới Quảng Châu và cũng chỉ là nhân vật hoang đường.”

          Thế nhưng Bồ Đề Đạt Ma là nhân vật có thật qua các tài liệu và luận cứ :

          - Học giả Phùng Hữu Lan tin rằng Bồ Đề Đạt Ma đã đưa Thiền Tông vào Trung Hoa.

          - Trong thiên khảo luận “Indian Influence on China Thought”, học giả Ấn Độ Pradodh Chandra Bagchi đoan chắc Bồ Đề Đạt Ma là nhân vật có thật, một mẫu người lịch sử, Ngài đến Trung Hoa và tiền bán Thể Kỷ VI

          - Sau này các nhà biên khảo như: Watts, Suzuki, Hébert, Sasaki, Watanabe, Dumouline . . . đều xác nhận Bồ Đề Đạt Ma đã khai sáng Thiền Tông Trung Hoa.

          Vậy thì Bồ Đề Đạt Ma là người như thế nào ?

          - Ngài thuộc dòng Sát Đế Lợi (Võ Quan), con thứ ba của Vua Chi Vương nước Nam Thiên Trúc (Cao Nguyên Dekkan, Deccan Plateau bao gồm trung và nam Ấn Độ). Nhân ngày lễ đức vua cúng dường trai tăng, Ngài Bát Nhã Đa La (Prajnatra) - vị tổ Thiền Tông Ấn Độ thứ 27 thấy vị hoàng tử này có nhiều nét đặc biệt về phong thái, ngôn ngữ và luận bàn về chữ Tâm. Ngài bèn thu nhận làm đệ tử. Một hôm ngài gọi Bồ Đề Đạt Ma tới truyền pháp và nói rằng, “Sau này sang Trung Hoa (Đông Thổ) mới là nhân duyên lớn. Song hãy chờ ta diệt độ khoảng 60 năm rồi hãy đi. Nếu ngươi đi sớm e có sự kiện không tốt.”

          - Sau một thời gian giáo hóa ở trong cung, năm 517, Bồ Đề Đạt Ma đem lời sấm ký trình lên vua cha. Đức vua không cản và sai đóng thuyền, phái thủy thủ đưa ngài sang Trung Hoa.

          Theo tài liệu viết băng chữ Hán của ngài Ấn Thuận- đệ tử lớn của Thái Hư Đại Sư thì Tổ Đạt Ma đã đến Việt Nam (Miền Bắc) trước rồi mới ghé Quảng Châu. Ngài đến Quảng Châu vào đời Nhà Lương. Thiên sứ ở tỉnh này ra tận thuyền đón ngài và dâng sớ tâu lên Lương Võ Đế. Và sự nghiệp hoằng pháp lúc suôi dòng, lúc gặp thác ghềnh của ngài bắt đầu. Theo sự luận giải của Đại Sư Suzuki thì, “Thiền Tông truyền thừa ở Ấn Độ thường nặng về huyền bí, khó hiểu, xa rời uyên nguyên của Thiền học. Thiền Tông phải cần đến một tâm hồn đã từng thấm nhuần tư tưởng Lão-Trang mà vẫn không thể tách ra ngoài tình tiết của cuộc sống hàng ngày.”

          - Khi ngài đến Trung Hoa thì Phật Giáo Trung Hoa đang đắm chìm trong hình thức (chấp sắc, chấp tướng) mà xa lìa cốt tủy của Thiền hay của Phật Giáo. Chính vì thế mà cuộc hội kiến giữa ngài và Lương Võ Đế không đem lại kết quả nào.

          - Thế nhưng sau chín năm “diện bích” giáo lý và cách truyền đạo của ngài vang dội như sấm nổ và nó vẫn còn là mạng sống của Thiền Tông cho tới ngày hôm nay. Giáo lý đó rất đơn giản và cô kết bằng bốn câu như sau :

          Giáo ngoại biệt truyền, 
          Bất lập văn tự, 
          Trực chỉ chân tâm, 
          Kiến tánh thành Phật.

          Bốn lời dạy này có thể hiểu như sau :

          Không có bộ kinh nào là riêng của Thiền. Tất cả đều là kinh của Thiền.

          Cho nên không cần lập văn tự, nhưng cần tỏ ngộ chứng đắc.

          Pháp chỉ hay nhất là nhìn thẳng vào Tâm mình, đừng tìm đâu khác.

          Thấy tánh Phật, thấy tánh Không thì thành Phật. (*)

          Theo tác giả, khi dòng Thiền truyền tới Ngài Huệ Năng thì Thiền không còn mang bản sắc Ấn Độ nữa mà hoàn toàn mang vóc dáng, đặc trưng Trung Hoa và được truyền qua năm đời : Huệ Khả (486-593), Tăng Xán (606), Đạo Tín (580-651), Hoằng Nhẫn (601-674), Huệ Năng (638-713).

          Quý vị nào muốn biết thêm về “huyền thoại Đạt Ma” cùng lời dạy của ngài xin đọc thêm tại sách.

         

dl-chuyentrang-1b

 2) Huyền Trang

          Ngài Huyền Trang sinh ra vào cuối đời Nhà Tùy, đầu Nhà Đường đã bỏ ra 16 năm băng rừng, lội suối, trèo non, sa mạc sang Ấn Độ thỉnh kinh và trở thành một huyền thoại được Ngô Thừa Ân tiểu thuyết hóa rồi đóng thành phim Tây Du Ký khiến làm say mê bao thế hệ Trung Hoa và Việt Nam. Theo tác giả, Ngài Huyền Trang hướng về Tây giữa lúc :

          - Phật Giáo Ấn Độ đang ở thời kỳ suy vi. Cuộc xâm lăng của Hung Nô phá tan nhiều chùa chiền, kinh điển cũng như những thánh tích của Phật Giáo. Ấn Độ suy yếu vì sự tranh hùng giữa các tiểu quốc, sự quật khởi của Bà La Môn.

          - Trong khi nước Trung Hoa có quá nhiều đạo như : Đạo Giáo của Lão Tử, Bái Hỏa Giáo xuất phá từ Ba Tư truyền vào Trung Hoa dưới thời Nam-Bắc Triều, Ma Ni Giáo biến thái của Bái Hỏa Giáo, Cảnh Giáo là một chi phái của Cơ Đốc Giáo sáng lập tại vùng Trung Đông.

          Con đường thỉnh kinh của Huyền Trang là bước đường gian lao khôn tả :

          - Qua Sa Mạc Gobi, len lỏi trong rừng già bị lính biên phòng bắn một mũi tên vào đùi máu ra lai láng, lấy lá cây đắp vào vết thương, lầm lũi tiến lên phía trước một mình, không có Tôn Ngộ Không, Chư Bát Giới và Sa Tăng theo hộ vệ.

          - Tới Thị Trấn Hami của nước Turfan, Vua Chu Wen Tai muốn ngài ở lại lâu để giúp cho đạo pháp, lãnh đạo giáo hội, nhưng ngài cương quyết ra đi khiến nhà vua cảm động rơi nước mắt khi ngài chỉ nhận lương thực cho ba ngày ăn.

          - Tới Kucha- một trung tâm quan trọng ở vùng Trung Á ảnh hưởng bởi nền văn minh Ba Tư và ngài lưu lại ở đây hai tháng. Ngài đã thảo luận về đạo pháp với chư tăng và nhận thấy, “Chủ trương, giới luật tuy khác nhau nhưng quả thật nền văn hóa Phật Giáo bành trướng tại tiểu quốc này đã tạo cho con người hoang dã một nép sống thuần thành, sâu sắc và độ lượng.”

          - Một mình chống gậy đi tới vùng Bail, rồi đến vùng nước ấm Issy-Rul, ngài tiếp xúc với Đại Hãn (Khan). Vua Đại Hãn trước vốn là một tăng sĩ hiểu sâu về Phật Giáo cho nên tiếp ngài rất trọng thể, có cả triều thần, sứ giả đến dự. Khi giã từ, nhà vua đã sai một đội cận vệ tiễn chân ngài qua hai vùng đất hiểm trở là Pamirs và Bactria.

          - Khi tới Samarquand là kinh đô của tiểu quốc Sogdiana, ngài nấn ná ở đây một thời gian để phát huy tư tưởng Phật Giáo là vùng pha trộn giữa Bái Hỏa Giáo và Phật Giáo.

          - Xuôi xuống hướng nam, ngài vượt qua đất Thổ (Pakistan) là Vùng Cổng Sắt (Gate of Iron) phân ranh hai nền văn hóa. Tân quân vốn là người mộ đạo, cung thỉnh ngài đến kinh đô Balk là nơi có nhiều chùa chiền nguy nga, theo Tiểu Thừa, dù một số chùa đã bị tàn phá khi Hung Nô tiến vào vùng này.

          - Khi tới vùng Bamiyan ở đây có đến mấy trăm ngôi chùa đồ sộ, hiếm thấy nơi nào có mức sống như vậy, tính ra có đến cả ngàn nhà sư tu hành. Tại đây có hai tượng Phật khổng lồ cao tới 34 mét và 51 mét.

          - Rời khỏi xứ Bamiyan ngài tiến tới vùng Kapiya rồi phải băng qua dãy núi Shibar với độ cao 2700 mét rồi một cơn bão thổi tới khiến ngài lạc đường. May nhờ các thợ săn chuyên nghề, rành đường mà ngài mới có thể định được hướng và tiến tới Kapisa- một địa danh ở bắc Kabul thuộc A Phú Hãn. Đây là một trung tâm thương mại sầm uất nằm trên trục lộ Ấn Độ-Bactria. Vị vua ở đây là một tín đồ Phật Giáo Đại Thừa và ngài có dịp tiếp xúc với triết gia Pranakara.

          - Sau mùa thu năm 630, ngài từ giã Kapisa tiến về Jalababad, sau đó đến Lampaka là vùng đất màu mỡ, đâu đâu cũng trồng lúa và mía. Người dân ở đây hồn nhiên tới nỗi khi giao thương với những người xứ khác họ đều bị lường gạt, nhưng họ là những người mộ Đạo Phật. Ngài được vị cao tăng trong vùng hướng dẫn tới chiêm bái một Phật tích nổi tiếng nhất xứ này, đó là căn nhà của tên cướp lừng danh Gopata được Đức Phật giáo hóa.

          - Tại tiểu quốc Peshawar nằm ở tây bắc Ấn Độ nằm ở thượng lưu Sông Hằng. Đây là chiếc nôi của nền văn minh Phật Giáo Ấn Độ nhưng đã bị giống dân Phương Tây xâm lăng vào đầu thế kỷ Tây Lịch mà khi ngài đến đó tiểu quốc này vẫn chưa hồi sinh với “tâm cảm bùi ngùi”.

          - Rời Peshawar, ngài tới Kashmir, phải băng qua một rặng núi lớn và nhuốm bệnh, phải lưu lại hơn bốn tháng. Rồi ngài đi vào vùng Udyama là vùng núi hiểm trở cho nên vẫn còn giữ lại được những di tích lịch sử qua cuộc xâm lăng của Hung Nô. Nơi đây vẫn còn 1400 ngôi chùa và 18,000 vị tăng. Udyama cũng còn chịu ảnh hưởng của Phù Chú Giáo. Tại Kashmir ngài đã tìm được bản gốc của các bộ kinh: Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm, Tăng Nhứt A Hàm, Tiểu A Hàm. Những Luận Tạng gồm có 7 bộ. Cũng tại đây ngài đã thọ giáo vị cao tăng Maha Yamist đã 70 tuổi nhưng là luận sư/nhà lý luận Phật Giáo bậc nhất của Ấn Độ vào Thế Kỷ thứ VII

          - Tới Sakala còn gọi là Sialkot - vùng chịu nhiều ảnh hưởng của Hồi Giáo, chứng kiến cuộc tranh chấp giữa Phật Giáo và Hồi Giáo và ngài đã khuyên tín đồ hai bên cần nhẫn nhục.

          - Rời Sakala ngài đến Cinabkukti (năm 633) một tiểu quốc còn phôi thai. Dân ở đây sống bằng nghề săn bắn và chăn nuôi, theo Phù Chú Giáo và không hiểu mấy về tư tưởng và tổ chức Phật Giáo.

          - Năm 634 ngài đến Mathara một đô thị cổ và có trình độ văn hóa cao, Phật Giáo phát triển rất mạnh và theo truyền thuyết đã có những cơ sở ấn loát kinh điển Phật Giáo. Và ngài đã bỏ nhiều thì giờ để khảo sát và chiêm bái vùng này.

          Phần cuối cùng của sách, tác giả còn viết lại huyền thoại về cuộc đời của thân phụ, thân mẫu của ngài đã được mô tả trong cuốn phim Tây Du Ký và so sánh nhân vật Huyền Trang qua hai bộ Tây Vức Kỳ và Tây Du Ký. (**)

          Theo Tây Vức Ký, khi trở về, ngài đã bỏ công dịch thuật rất nhiều bộ kinh nhất là Duy Thức Luận của ngài Long Thọ, Mã Minh,Vô Trước và Thế Thân tạo ảnh hưởng rộng lớn tại Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam và khắp vùng Đông Nam Á.

          Theo Tây Du Ký, khi ngài Huyền Trang trở về được Vua Đường Thái Tông tiếp đón cực kỳ trang nghiêm và ngài thuật lại quá trình đi Tây Trúc, thỉnh được 5048 cuốn thuộc 35 bộ chánh kinh.

          Theo cảm nhận của tôi, Ngài Huyền Trang là một vị Thánh, là danh nhân của thế giới với chuyến viễn du thỉnh kinh, khảo cứu bằng đường bộ xuyên lục địa chưa từng có trong lịch sử loài người.

          Qua những gì mà ngài Huyền Trang ghi lại trong chuyến đi từ Trung Hoa sang Ấn Độ chúng ta thấy những nước nào mà Phật Giáo thịnh hành, người dân sống hiền hòa, văn hóa phát triển, phụ nữ được tôn trọng. Còn nơi nào mà Phật Giáo bị hủy diệt như Ấn Độ thì mê tín dị đoan lan tràn, phụ nữ bị coi rẻ, văn hóa ngưng trệ, đất nước suy yếu. Riêng tại những quốc gia trước đây theo Phật Giáo mà bị Hồi Giáo hủy diệt như Pakistan (Hồi Quốc), A Phú Hãn (Afghanistan) thì đất nước sống trong u ám, văn hóa và đời sống không phát triển, thiếu tính nhân bản, tu sĩ và giới cầm quyền trở nên vô cùng cực đoan, trói buộc trong giáo điều cứng nhắc và tôn thờ bạo động. Do đó những ai nói rằng những nước theo Phật Giáo đều chậm tiến, họ đều không hiểu biết gì về lịch sử thế giới và nhắm mắt trước giá trị Nhân Bản, Trí Tuệ, Khai Phóng và Hòa Bình của Phật Giáo.

         
ht tin nghia


Đây là cuốn sách rất có giá trị mà chúng ta cần đọc. Quý vị nào muốn có sách xin liên lạc :

          Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại  -  615 North Gilbert Rd. -  Irving , Texas 75061-6240 
          Điện thoại : (972) 986-1019   -  Điện thư : tudamhaingoai@gmail.com


          Đào Văn Bình   -  California ngày 4/1/2108


          (*) Hoàn toàn khế hợp với Bát Nhã Tâm Kinh. Chiếu kiến thấy “Ngũ Uẩn Giai Không” và “Thị chư pháp không tướng” thì xa lìa mọi vọng tưởng điên đảo mà thành Phật. 
          (**) Cuốn phim Tây Du Ký được chiếu đi chiếu lại trên chương trình truyền hình 26 của người Hoa ở San Francisco với cái tên, “Journey to the West” hay “The Monkey King”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
13/12/2013(Xem: 14303)
Khi tâm được bình an, vắng lặng, nhìn lại bà con thân thuộc thì thấy mọi người đều mải mê lặn hụp trong đau khổ, trong vòng lẩn quẩn của thương ghét, từ đó khởi lên tình thương mà đạo Phật gọi là từ bi... Thương ghét
11/12/2013(Xem: 16438)
Ch’an Master Hsuan Chueh of Yung Chia joined the Sangha order when he was still young and began to study the T’ien T’ai (Japanese, Ten dai) teaching which he practiced with great success. Then he called on learned masters for instruction. After reading the Mahaparinirvana Sutra, he was awakened to the Buddha Dharma and his later study of the Vimalakirti Nirdesa Sutra enabled him to realize his mind. Since his major awakening had, not yet been confirmed by an enlightened master, he proceeded to Ts’ao Ch’I where he called on the Sixth Patriarch Hui Neng who sealed the visitor’s enlightenment after a short and very skillful probe related in the Altar Sutra. He was retained at the monastery for a night and was then known as “The Overnight Enlightened One.”
11/12/2013(Xem: 35435)
Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác là con nhà họ Đới ở Châu Ôn . Thuở nhỏ học tập kinh, luận và chuyên ròng về phép Chỉ quán của phái Thiên Thai. Kế, do xem kinh Duy Ma mà tâm địa phát sáng. Tình cờ có học trò của sư Huệ Năng là thầy Huyền Sách hỏi thăm tìm đến. Hai người trò chuyện hăng say.
10/12/2013(Xem: 22516)
Pháp Tướng Tông (Duy Thức Tam Thập Tụng) của Bồ Tát Thế Thân, Vu Lăng Ba giảng, cư sĩ Lê Hồng Sơn dịch
10/12/2013(Xem: 24801)
Hầu hết chúng ta đều quen thuộc với câu chuyện đời của Đức Phật. Chúng ta biết rằng thái tử Siddhattha đã rời bỏ cung điện lộng lẫy của vua cha, để bắt đầu cuộc sống không nhà của người lữ hành lang thang đi tìm con đường tâm linh, và sau nhiều năm tu hành tinh tấn, Ngài đã đạt được giác ngộ khi đang nhập định dưới gốc cây bồ đề. Sau khi xả thiền, Đức Phật đã đi đến thành phố Benares, giờ được gọi là Varanasi. Ở đó, trong Vườn Nai, lần đầu tiên Ngài thuyết pháp về những gì Ngài đã khám phá về con đường đi đến hạnh phúc toàn vẹn. Lời dạy của Đức Phật rất đơn giản nhưng sâu sắc.
08/12/2013(Xem: 32719)
Khi thực tập thiền Lạy, ta nhìn sâu vào thân ta để thấy rằng thân này không đích thực là ta, không phải là vật sở hữu của ta. Trong thân này không có cái gì gọi là cái ta riêng biệt để bám víu. Tuy nhiên, thân thể ta là một hợp thể rất mầu nhiệm, nó chứa đựng cả tinh hà vũ trụ bao la. Ta thấy được tất cả các thế hệ tổ tiên, con cháu của ta đều có mặt trong thân ta. Ta cảm nhận sự có mặt của họ trong từng tế bào của cơ thể. Họ luôn có mặt trong ta và chung quanh ta. Họ cũng như các yếu tố khác đã kết hợp lại để làm nên sự sống của ta. Ta có thể tiếp xúc với những yếu tố như đất, nước, lửa và không khí - bốn đại trong ta và ngoài ta. Ta thấy ta như một con sóng trên mặt đại dương. Con sóng này được hình thành bởi các con sóng khác.
03/12/2013(Xem: 59267)
Người ta thường nói :"Ăn cơm có canh, tu hành có bạn". Đối với tôi, câu nói này thật là quá đúng. Ngày nhỏ chưa biết gì nhưng từ khi làm Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử tôi đã thấy ích lợi của một Tăng thân. Chúng tôi thường tập trung thành từng nhóm 5,7 người để cùng nhau tu học. Giai đoạn khó khăn nhất là sau 75 ở quê nhà. Vào khoảng 1985, 86 các anh lớn của chúng tôi muốn đưa ra một chương trình tu học cho các Huynh Trưởng trong Ban Hướng Dẫn Tỉnh và những Htr có cấp nên đã tạo ra một lớp học Phật pháp cho các Htr ở Sàigòn và các tỉnh miền Nam. Nói là "lớp học" nhưng các Chúng tự học với nhau, có gì không hiểu thì hỏi quý Thầy, các Anh và kinh sách cũng tự đi tìm lấy mà học. Theo qui định của các Anh, Sàigòn có 1 Chúng và mỗi tỉnh có 1 Chúng. Chúng tu học của chúng tôi (Sàigòn) có tên là Chúng Cổ Pháp và phải thanh toán xong các bộ kinh sau đây trong thời gian tối đa là 3 năm:
29/11/2013(Xem: 24160)
Chúng tôi chọn viết đề tài dừng tâm sanh diệt là nhân có một Phật tử than: Trong đời tu hành của con có một chướng ngại mà con không vượt qua được, đó là những niệm tưởng lăng xăng. Nó quấy rầy luôn, cả những lúc nghỉ ngơi cũng không yên.
25/11/2013(Xem: 19718)
Nhìn vào tín ngưỡng Phật giáo nhiều người thường thắc mắc tại sao lại có nhiều "thứ" đến thế! Thật vậy Phật giáo có rất nhiều học phái, tông phái, chi phái..., một số đã mai một, thế nhưng một số vẫn còn đang phát triển và đồng thời cũng có nhiều chuyển hướng mới đang được hình thành. Đối với một người tu tập Phật giáo thì sự kiện ấy thật hết sức tự nhiên: tất cả mọi hiện tượng trong thế giới đều chuyển động, sinh sôi nẩy nở và biến đổi không ngừng. Nếu nhìn vào các tín ngưỡng khác thì ta cũng sẽ thấy cùng một hiện tượng như thế.
06/11/2013(Xem: 18474)
Một trong những vấn đề cổ xưa nhất thách thức nhân loại là câu hỏi về đời sống sau khi chết. Chúng ta đã từ đâu đến và sau khi chết sẽ đi về đâu? Cùng với đó chúng ta tự hỏi mục đích của đời sống tốt là gì. Trước hết, hầu hết mọi người đều đồng ý rằng sống tốt thì khó hơn sống xấu và nếu không có những lý do thật sự tốt chúng ta dĩ nhiên sẽ thích làm điều dễ. Theo suy nghĩ của tôi, đây là lý do tại sao các tôn giáo có mặt và đi cùng với chúng là những khái niệm về thiên đường và địa ngục.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com