Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tính chất trí tuệ và nhân bản của Đạo Phật (bài viết của HT Thích Phước Sơn)

13/11/201607:33(Xem: 9975)
Tính chất trí tuệ và nhân bản của Đạo Phật (bài viết của HT Thích Phước Sơn)

htthichphuocson-2

Tác giả HT Thích Phước Sơn




TÍNH CHẤT TRÍ TUỆ 
VÀ NHÂN BẢN CỦA ĐẠO PHẬT 
Thích Phước Sơn



Khi bàn về Phật giáo, học giả Lương Khải Siêu đã nói: “Phật giáo là trí tín, không phải mê tín, là kiêm thiện chứ không phải độc thiện, là nhập thế chứ không phải yếm thế”. Lương Khải Siêu tiên sinh bác cổ thông kim, học thông cả cổ Trung và Tây phương, giữ một địa vị khả kính trong giới học giả. Lời nói của ông phải có căn cứ trên phương diện học lý. Thế thì căn cứ ấy là gì? Lẽ dĩ nhiên là ở trong Tam tạng giáo điển của đạo Phật. Vì mục đích của Phật Pháp là mong con người chuyển mê thành ngộ, chuyển ngu thành trí, và chuyển phàm thành Thánh chứ không gì khác.

Phật giáo là trí tín chứ không mê tín
Trước khi đề cập đến trí tín của Phật giáo, thiết tưởng chúng ta hãy tìm hiểu vì sao sinh ra mê tín, và mê tín như thế nào?

Ngày xưa, do dân trí chưa mở mang, đối với các hiện tượng tự nhiên trong vũ trụ như thiên tai bão lụt, động đất núi lửa v.v... người ta cho rằng phải có một đấng thần linh tối cao đầy quyền năng điều khiển. Cũng như sự sống chết thọ yểu, họa phúc tai ương của con người, không thứ gì là không do thần linh định đoạt. Các thần linh ấy, nếu tôn kính cầu đảo thì được phước; nếu xúc phạm trái nghịch thì mang họa. 
 
Người đời vì mong tiêu tai thêm phước, mà dùng lễ vật hiến tế thần linh, mong thần linh được vui lòng. Người mê tiền của thì cầu thần linh ban cho nhiều của cải; người ham danh vọng thì cầu thần linh bảo hộ được thăng một lần 3 cấp. Những người này không gieo nhân lành mà vọng cầu quả tốt. Thần nhân nếu có linh thiêng chăng nữa cũng không thể tùy theo tham vọng của họ mà cầu đâu liền cho đó.

Nên biết rằng mọi vật trong vũ trụ, mỗi thứ đều có nhân quả riêng của nó, như Đức Phật đã dạy: “gieo nhân nào thì gặt quả nấy”. Muốn cho sản lượng gia tăng, phải nỗ lực canh tác. Muốn cho thân thể khỏe mạnh phải siêng năng luyện tập thể dục. Muốn được lên chức phải gieo cái nhân trung thực chăm chỉ, chứ không thể cầu thần linh mà đạt được mục đích. 
 
Chúng ta thường thấy một người thông minh chánh trực còn không thể giả vờ tỏ ra thân thiện đối với kẻ xu nịnh thì có lẽ nào thần linh lại tham lam lễ vật mà làm đảo lộn lẽ phải trái của người đời? Chỉ vì chúng ta không hiểu rõ lý nhân quả, cầu mong hão huyền, không nhân mà muốn có quả, thực là sai lầm hết sức.

Phật giáo không giống như thế. Đối tượng tối cao mà Phật tử tôn thờ là Đức Phật. Phật có nghĩa là Bậc giác ngộ, tự giác giác tha, giác hạnh viên mãn gọi là Phật. Quả vị kế Phật là Bồ-tát. Bồ-tát nghĩa là Giác hữu tình tức là một chúng sinh đã giác ngộ. Bồ-tát trên thì cầu đạt được giác ngộ tối thượng, dưới thì cứu độ tất cả các loài hữu tình. Bồ-tát tu hành công đức viên mãn cũng chính là Phật. 
 
Đức Phật được tôn thờ trong các gia đình Phật giáo, hay tại các tự viện ở nước ta, hoặc là Đức giáo chủ Thích-ca Mâu-ni; hoặc là Đức Phật A-di-đà, giáo chủ cõi Tây phương Cực lạc. Các vị Bồ-tát được tôn kính như: Bồ-tát Văn Thù, Bồ-tát Phổ Hiền, Bồ-tát Quan Thế Âm, Bồ-tát Đại Thế Chí, Bồ-tát Địa Tạng, Bồ-tát Di Lặc v.v... 
 
Bồ-tát Văn Thù tượng trưng cho Trí tuệ, Phổ Hiền tượng trưng cho Hạnh nguyện, Quan âm tượng trưng cho Từ bi, Thế chí tượng trưng cho Hùng lực, Địa Tạng tượng trưng cho Tâm và Di Lặc tượng trưng cho Hỉ xả. Các đức tính Từ bi, Hỉ xả, Trí tuệ, Hùng lực v.v... mọi người chúng ta đều có, nhưng vì vọng tưởng điên đảo che mờ, nên không thể hiển lộ. Giờ đây, chúng ta thờ kính các Ngài là để noi gương các Ngài phát huy những đức tính sẵn có của chính mình, trải qua nhiều công phu tôi luyện, dần dần chúng ta sẽ trở nên con người hoàn thiện giống như các vị Bồ-tát.

Hơn 2000 năm trước, lúc Đức Thế Tôn thành đạo dưới cội Bồ-đề, lời nói đầu tiên của Ngài là: “Kỳ thay! Kỳ thay! Tất cả chúng sinh đều đầy đủ đức tướng trí tuệ của Như Lai, chỉ vì vọng tưởng che lấp nên không thể chứng ngộ được, nếu từ bỏ vọng tưởng chấp trước, thì Nhất thiết trí, Tự nhiên trí, liền được hiển lộ”. Thế thì đức tướng trí tuệ của Như Lai là gì? Đó chính là tính Phật. 
 
Tính Phật này người nào cũng có, ở Thánh không tăng, ở phàm không giảm. Nếu ai lìa bỏ được vọng tưởng chấp ngã, thì mặt trời trí tuệ tự nhiên chiếu sáng. Cũng như bụi bặm bám trên mặt gương, nếu ra sức lau chùi hết bụi bặm ấy thì ánh sáng nguyên sơ của gương tự nhiên khôi phục. Vì vậy mà sau khi giác ngộ, lục tổ Huệ Năng đã thốt lên: “Nào ngờ tính mình vốn tự thanh tịnh. Nào ngờ tính mình vốn không sinh diệt. Nào ngờ tính mình vốn tự đầy đủ. Nào ngờ tính mình vốn không dao động. Nào ngờ tính mình vốn sinh muôn pháp”. Đây toàn là nhờ vào tự lực tu hành mà được giác ngộ, so với việc cầu mong tha lực của những tín ngưỡng khác như bảo: “Ai tin đấng tối cao thì được cứu rỗi”, hoàn toàn không giống nhau.

Phật giáo là tôn giáo tin vào tự lực, không cho rằng vũ trụ này do một vị thần linh tối cao sáng tạo và cai quản. Đối với các hiện tượng sinh diệt biến đổi trong vũ trụ, Đức Phật thường bảo: “Cái này có thì cái kia có; cái này không thì cái kia không; cái này sinh thì cái kia sinh; cái này diệt thì cái kia diệt”. Hoặc bảo là: “Pháp nhĩ như thị”. Nghĩa là những hiện tượng này xưa nay vốn là như thế. Đó là luật Nhân quả của vũ trụ vạn hữu. Vạn pháp do nhân duyên mà sinh, cũng do nhân duyên mà diệt. 
 
Tinh tú vận hành, thời tiết đổi thay, đều tuân theo luật nhân quả của nó. Mọi sự sinh lão bệnh tử, cùng đạt thọ yểu của con người đều do luật nhân quả chi phối. Nhân nào thì quả nấy, một mảy may cũng không sai khác. Do đó, hiện tượng tự nhiên nhất định không phải do thần linh định đoạt, và sự gặp gỡ giữa người này với người kia rồi nảy sinh tình cảm hay đâm ra oán ghét, cũng không phải do vị thần tối cao nào sắp đặt hết. Người xưa bảo: “Việc họa phúc không có cơ sở nhất định, chỉ do người ta tự chuốc lấy mà thôi”. (họa phúc vô môn, duy nhân tự triệu). Thế nên, ta chính là chúa tể của ta, không có một vị thần nào có thể làm chúa tể con người, cũng không có một vị thần nào ban phước hay giáng họa cho ai cả.

Nhưng trên thực tế, vẫn có một số người tin tưởng và cúng tế thần linh. Trong thâm tâm của họ vừa có quỉ thần, lại vừa có quan niệm về lẽ nhân quả báo ứng. Việc cầu cúng thần linh để mong được phước là việc làm chưa đúng Chánh pháp, nhưng nếu gặp được các bậc Thiện tri thức chỉ cho con đường chính, họ dễ dàng trở về chính đạo, và do đó, còn có nhiều cơ may được cứu vãn. 
 
Trái lại, những kẻ đáng thương nhất chính là những người trên căn bản tư tưởng chưa hề có quan niệm quỉ thần, và cũng không tin vào luật nhân quả báo ứng. Vì không kiêng sợ quỉ thần, không tin luật nhân quả, nên họ nghĩ quấy làm càn, tự phụ kiêu căng, buông lungtheo vọng tưởng mà không nghĩ đến hậu quả. Họ sẵn sàng đổi trắng thay đen, đảo lộn phải trái, gây nhiều ác nghiệp, tưởng có thể hưởng được sung sướng mãi mãi. Nhưng luật nhân quả vốn chí công vô tư, có vay phải có trả, ai gieo gió thì gặt bão, không thể nào trốn thoát được, như Kinh Pháp cú đã nói:

Ác nghiệp chưa chín muồi
Kẻ ngu tưởng đường mật
Ác nghiệp khi chín thật
Kẻ ngu chuốc khổ đau.
(Kinh Pháp Cú, 69)

Phật giáo liên quan mật thiết với đất nước
Phật pháp có pháp thế gian và pháp xuất thế gian, dùng pháp thế gian làm phương tiện và pháp xuất thế gian làm cứu cánh. Xuất thế gian ở đây có nghĩa là vượt lên trên mọi cám dỗ và sai lầm, chứ không phải ra khỏi thế gian. Các vị Bồ-tát vì mục đích độ người đến chỗ cứu cánh, nên vào trong thế gian hóa độ chúng sinh. Thế nên, nói một cách rốt ráo thì Phật pháp chỉ ở trong thế gian chứ không phải ở ngoài cuộc đời.

Những người ngộ nhận Phật giáo bảo rằng tín đồ đạo Phật mang tinh thần xuất thế, ít có cống hiến gì cho quốc gia xã hội. Luận điệu này mới nghe qua có vẻ như đúng, nhưng kỳ thực rất sai lầm. Đạo Phật có bốn chúng đệ tử, đệ tử xuất gia có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni; đệ tử tại gia có Ưu-bà-tắc tức là những người nam cư sĩ, Ưu-bà-di là những người nữ cư sĩ. Trong các đệ tử tại gia có những người làm các nghề nghiệp như công, nông thương, binh, y tế giáo dục v.v.., những người này chưa bao giờ vì phụng sự tín ngưỡng mà bỏ phế công việc mưu sinh của mình. 
 
Còn đối với chúng xuất gia, quả thực họ không trực tiếp sản xuất. Nhưng trong xã hội ngoại trừ nông dân cày ruộng, công nhân làm việc tại các công xưởng là những người trực tiếp sản xuất, còn biết bao nhiêu nghề nghiệp khác như công chức, giáo viên, luật sư, y sĩ v.v... cũng đều không trực tiếp cày ruộng, dệt vải, chứ có riêng gì những người xuất gia đệ tử của Phật? 
 
Tuy vậy, ai dám bảo rằng những người này không có những cống hiến tích cực đối với quốc gia xã hội? Cũng thế, những người xuất gia, không phải suốt ngày chỉ ăn không ngồi rồi, mà thực tế, trên vai họ gánh nặng trách nhiệm hoằng dương Phật pháp, giáo hóa chúng sinh. Pháp luật và dư luận xã hội dĩ nhiên là có thể chế tài các tội ác đã vi phạm, nhưng chính sự cảm hóa bằng đạo đứccủa Tôn giáo mới đích thực ngăn ngừa những tội ác chưa xảy ra. 
 
Nước Việt từ Đinh, Lê, Lý, Trần cho đến Lê, Nguyễn sự thịnh suy của Phật giáo cùng với sự trị loạn của quốc gia đều có mối quan hệ với nhau mật thiết. Trong những lúc Phật giáo thịnh hành, thì trật tự xã hội phần lớn được ổn định; và khi trật tự xã hội ổn định, thì Phật giáo phần nhiều được thịnh hành. Có thể nói đó là mối quan hệ hỗ tương nhân quả đã từng thấy trong lịch sử nước nhà.

Đức Thế Tôn từng dạy các đệ tử đối với tổ quốc thì trung thành, đối với cha mẹ thì hiếu thảo, đối với con cái thì nhân từ, đối với bạn bè thì thành tín. Phải giữ năm giới, hành Thập thiện, tu Lục độ vạn hạnh, ở đâu cũng đều nhắc nhở người Phật tử trước hết phải làm một công dân tốt, giữ gìn của công, tôn trọng luật pháp, tiến lên bước nữa tu tập pháp môn giải thoát. Đức Phật còn dạy chúng ta phải báo đáp bốn ân là ân cha mẹ, ân sư trưởng, ân quốc gia và ân thí chủ. Như vậy, đạo Phật khuyên người ta sống có tình nghĩa, giữ trọn hiếu trung, đó hiển nhiên là những cơ sở đạo đức nhằm xây dựng một xã hội lành mạnh.

Ngũ thường của Nho giáo dạy người ta Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín; xem đó như những nguyên tắc đạo đức để làm người. Nếu đem năm giới của Phật giáo ra so sánh thì không giết hại bừa bãi, gần với nhân; không lấy của người khác, gần với nghĩa; không tà dâm, gần với lễ; không nói dối, gần với tín; không uống rượu, gần với trí. 
 
Mặc dù đã có lúc một số người nông nổi xem những nguyên tắc luân lý của Nho giáo như là những sản phẩm lỗi thời, cần phải loại bỏ. Nhưng, nếu bình tâm mà xem xét thì trong hiện tại, những nguyên tắc luân lý này vẫn còn có giá trị thực tiễn để xây dựng một xã hội tôn ty trật tự và ổn định nhiều mặt. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy khi vật chất bị tàn phá, muốn sửa chữa hay xây dựng lại còn tương đối dễ, nhưng khi tinh thần bị băng hoại, muốn cứu vãn, thật vô cùng gian nan.

Ngoài ra, về phương diện xã hội, những nền tảng đạo đức của Nho và Phật cũng liên quan với nhau. Đức Khổng Tử từng nói: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều gì ta không muốn thì đừng làm cho người khác). Còn trong Kinh Tứ Bất Hoại Thành Tựu, Đức Phật bảo: “Nếu có kẻ giết ta thì ta không vui; ta đã không vui thì kẻ khác cũng thế, vì sao ta lại giết họ? Hiểu được như thế, liền giữ giới không sát sinh. 
 
Nếu có kẻ trộm cắp tài sản của ta thì ta không vui; ta đã không vui thì kẻ khác cũng thế, vì sao ta lại trộm cắp tài sản của họ? Hiểu được như thế, liền giữ giới không trộm cắp. Ta đã không vui khi kẻ khác xâm phạm đến vợ con ta; người khác cũng không vui khi thấy vợ con bị xâm phạm, vì sao ta lại xâm phạm vợ con của họ? Do đó, ta giữ giới không tà dâm. Ta không muốn bị bất cứ một ai lừa dối; người khác cũng không thích bị ai lừa gạt, vì sao ta lại lừa dối họ? Thế nên, ta phải giữ giới không nói dối.” Đoạn kinh này gần như giải thích cặn kẽ câu nói “Điều gì ta không muốn thì đừng làm cho người khác”. 
 
Đây há không phải là những nguyên tắc sống rất thiết thực để xây dựng một xã hội lý tưởng là gì? Như thế đủ thấy những di sản của tiền nhân giữ một vai trò quan trọng đối với nền tảng xã hội nhờ đó mà dân tộc ta có một nếp sống hiền lương và nhân hậu, biết yêu thương tôn trọng lẫn nhau. Dĩ nhiên, và đã trải qua lâu đời, nên trong những di sản của ông cha chúng ta để lại, có những điều đã trở nên lỗi thời, cần phải bỏ đi, rồi thâu thái những tinh hoa của thế giới để bồi đắp vào truyền thống văn hóa của dân tộc, như thế mới đạt được kết quả mỹ mãn. 
 
Chứ nếu chúng ta cho rằng những thứ văn hóa truyền thống đã quá cũ kỹ, không còn thích hợp với xã hội đương thời, cần phải vứt đi tất cả, để thay vào đó một thứ văn hóahoàn toàn mới lạ, khiến cho dân chúng cảm thấy bỡ ngỡ, chưa có thể chấp nhận được thì khó tránh khỏi nguy cơ đưa đến mất niềm tin, làm cho xã hội lâm vào tình trạng khủng hoảng.

Tinh thần nhập thế của đạo Phật
Người Phật tử vốn lấy lòng Từ bi làm căn bản và hạnh nhẫn nhục làm phương châm. Đối với thanh sắc lợi dưỡng, ngũ dục lục trần phần nhiều đều xa lánh, không giống với quan niệm thường tình cho rằng đời là một trường tranh đấu, chỉ mong sao đạt được thắng lợi càng nhiều càng tốt. Do thế, khiến một số người tự mệnh danh là tích cực tiến bộ, đã vội vàng cho Phật giáo là tiêu cực lánh đời, không thích hợp với xã hội cạnh tranhrộn rịp đương thời. 
 
Nhưng, Phật giáo có đúng là tiêu cực lánh đời hay không? Không! Nếu người nào hiểu được ít nhiều về Phật giáo đều biết rằng đạo Phật vốn có tinh thần nhập thế tích cực. Điều này biểu hiện rất rõ qua lời phát nguyện của Tôn giả A-nan mà tăng chúng các tự viện thường đọc tụng vào mỗi thời công phu sáng như một phương châm hành động:

“Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập,
Như nhất chúng sinh vị thành Phật,
Nhung bất ư thử thủ Nê-hoàn.”

Nghĩa là:

Đời ngũ trược con xin vào trước,
Còn một chúng sinh chưa thành Phật,
Con sẽ chưa vào cõi Niết-bàn.”

Thế nhưng, có người sẽ hỏi: “Nếu chỉ đọc tụng suông như vậy có thể gọi là hành động tích cực được sao?” Xin thưa, tinh thần Phật giáo Đại thừa là độ khắp chúng sinh, muốn độ sinh trước hết phải học tập phương pháp cứu độ. Ví như có người bị rơi xuống nước, giả sử bạn có lòng trắc ẩn muốn cứu họ, nhưng vì không biết bơi, thì bạn chỉ có thể đứng trên bờ kêu cứu mà thôi. Trái lại, nếu bạn vừa có lòng muốn cứu người, lại vừa biết bơi lội, lao ngay xuống nước, ắt hẳn sẽ cứu được người kia khỏi chết chìm. Các đệ tử của Đức Phật, không luận xuất gia hay tại gia, khi tụng kinh niệm Phật chính là lúc phát nguyện rộng lớn, nhằm luyện tập phương pháp cứu người đến độ thuần thục.

Ở đây, không phải chúng tôi dùng những lý lẽ này để biện hộ cho Tăng Ni, Phật tử, mà sự thật tinh thần căn bản của Phật giáo là thế. Đức Thích-ca từng nói: “Ta không vào địa ngục thì ai vào địa ngục; chẳng những vào địa ngục mà còn trang nghiêm địa ngục”. và Bồ-tát Địa Tạng cũng bảo: “Chúng sinh độ tận phương chứng Bồ-đề, địa ngục vị không thệ bất thành Phật” (Chúng sinh độ hết mới chứng Bồ-đề, địa ngục chưa hết tội nhân thề không thành Phật). Đó toàn là biểu thị tinh thần vị tha của Phật giáo hy sinh thân mình để phụng sự chúng sinh.

Đời Đường, Đại sư Huyền Trang vì mục đích cầu pháp, sang Thiên Trúc thỉnh Kinh, trải qua 800 dặm sa mạc hoang vu, giữa đường hết nước, bao lần sắp bỏ mạng. Nhưng Ngài vẫn phát nguyện thà bước một bước tiến về phương Tây mà chết, chứ không chịu lùi một bước trở về phương Đông để được sống nếu như chưa đạt đượcmục đích. Tâm nguyện ấy thể hiện tinh thần vì pháp quên mình, mong tất cả chúng sinh đều hưởng được pháp vị giải thoát, chứ không phải cầu lợi ích cho riêng mình. Bởi lẽ, sự tồn tại và phát triển của đạo Phật luôn luôn đồng hành với sự tồn tại và phát triển của nhân loại. Nếu đạo Phật tách rời con người, xa lánh xã hội thì Phật giáo không còn lý do nào để tồn tại nữa. Điều đó đã được lục tổ Huệ Năng khẳng định:

“Phật pháp tại thế gian,
bất ly thế gian giác;
ly thế mích Bồ-đề,
kháp như cầu thố giác.”

Dịch nghĩa:

Phật pháp tại thế gian,
không lìa thế gian giác;
lìa thế cầu Bồ-đề,
khác chi tìm sừng thỏ.

Tóm lại, qua những trình bày trên đây, chúng ta thấy có một điểm nổi bật đáng lưu ý nhất đó là năm giới của Phật giáo có giá trị vượt không gian và thời gian. Vì bất cứ ở đâu và bất cứ thời đại nào, năm giới này cũng là những nguyên tắc đạo đức căn bản để làm người, hầu xây dựng một xã hội trật tự ổn định để mọi người được sống ấm no hạnh phúc.

Đạo Phật cho rằng vạn pháp trong vũ trụ đều vận hành theo luật nhân quả. Loài người cũng thế, ai gieo nhân lành thì hưởng quả tốt, ai gây nghiệp ác sẽ gánh quả xấu, tuyệt đối không phải do ngẫu nhiên hay do bất cứ một thần linh nào định đoạt hết. Đạo Phật lấy chúng sinh làm đối tượng để phụng sự, đặt sự tồn tại của mình trong mối tương quan mật thiết với sự tồn tại và tiến hóa của xã hội loài người. Phật giáo tin rằng mọi ngườiđều có khả năng hướng thượng, nếu nỗ lực trường kỳ, chung cục sẽ đạt đến đích chân, thiện, mỹ, hay giác ngộ giải thoát hoàn toàn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/11/2017(Xem: 11284)
Tứ Diệu Đế, 3 Chuyển 12 Hành ------------------------------------------------- Thich-Nu-Hang-Nhu Thích Nữ Hằng Như NGUỒN GỐC Dựa theo "Tiến Trình Tu Chứng và Thành Đạo của Đức Phật", chúng ta biết rằng sau khi Đức Phật từ bỏ pháp tu từ hai vị đạo sĩ Alàra Kàlama và Uddaka Ramàputta đã dạy Ngài bốn tầng Định Yoga là: "Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ", đồng thời từ bỏ luôn pháp tu khổ hạnh kéo dài 6 năm, là một pháp tu đã khiến Ngài suýt mất mạng mà không đạt được thượng trí và Niết Bàn. Sau đó Đức Phật tự chọn pháp Thở để tu tập.
21/11/2017(Xem: 11489)
Từ Kinh Phật Sơ Thời Đến Thiền Đốn Ngộ Giới Thiệu Tác Phẩm “Thiền Tông Qua Bờ Kia” Của Cư Sĩ Nguyên Giác--Trong tác phẩm mới xuất bản “Thiền Tông Qua Bờ Kia” tác giả Cư Sĩ Nguyên Giác kể chuyện buổi đầu ông học Thiền với Hòa Thượng Bổn Sư Thích Tịch Chiếu ở Chùa Tây Tạng tại Tỉnh Bình Dương, Việt Nam như sau: “Tôi nhớ lại buổi đầu gặp Hòa Thượng Tịch Chiếu, hỏi Thầy rằng con nên tập Thiền thế nào, Thầy nói rằng, “Phải Thấy Tánh đã.” Lúc đó, Thầy bảo đứa em kế tôi phải niệm Phật sáng trưa chiều tối, và quay sang đứa em gái kế sau nữa của tôi, bảo nhỏ này là con hãy về đọc bài Bát Nhã Tâm Kinh tối ngày sáng đêm. Tôi hỏi, rồi con cần niệm hay đọc gì hay không, Thầy đáp, con không có một pháp nào hết.”[1]
19/11/2017(Xem: 5892)
Chris Impey là Phó Khoa Trưởng của Đại Học Khoa Học, và là một Giáo Sư Xuất Chúng của Khoa Thiên Văn Học thuộc Đại học Arizona (Hoa Kỳ). Công trình nghiên cứu của ông đặt trọng tâm vào việc phát triển và cung cấp năng lượng của những lỗ đen khổng lồ trong các thiên hà.Ông đã viết hai cuốn sách giáo khoa, một tiểu thuyết, tám cuốn sách khoa học phổ thông, và hơn 250 bài nghiên cứu và bài báo.Khiêm Tốn TrướcHư Không(Humble Before the Void ), một cuốn sách dựa trên những khóa hội thảo được mô tả trong bài báo này, do Templeton Press xuất bản năm 2014
01/11/2017(Xem: 10608)
Long Thọ hay Long Thụ (Nāgārjuna) không phải chỉ là tổ của tông Trung Quán (Madhyamika),[1] trong lịch sử phát triển Phật giáo ngài được coi là vị Phật thứ hai sau Đức Thế Tôn[2] nên trong các hình tượng bồ tát chỉ có tượng của ngài duy nhất được tạc vẽ với nhục kế (uṣṇīṣa), vốn tượng trưng cho trí tuệ viên mãn như hình tượng Đức Phật chúng ta thường thấy. Truyền thống Phật giáo xuy tôn ngài là người thành lập Phật giáo Đại thừa không phải vì theo truyền thuyết nói rằng ngài đã mang kinh điển Đại thừa từ Long Cung về phổ biến mà vì ảnh hưởng thật sự tư tưởng của ngài trong các tông môn. Cho đến ngày nay, tám tông môn Phật giáo lớn từ Thiền đến Mật của Trung Hoa Triều Tiên Nhật Bản Tây Tạng Mông Cổ nhận ngài là tổ đều truyền bá đến Việt Nam từ lâu. Ở nhiều nước như Tây Tạng, Nepan, Mông Cổ chùa viện tư gia còn đắp tượng vẽ hình thờ phượng ngài như Đức Phật. Ngay tại Ấn Độ, đất nước đã tiêu diệt Phật giáo, người ta vẫn còn tiếp tục hãnh diện phổ biến các nghiên cứu về ngài và tôn kính ng
25/08/2017(Xem: 23363)
Bản Giác (sách pdf) tác giả: Tiến sĩ Lâm Như Tạng
21/06/2017(Xem: 8538)
* Trong vũ trụ có trùng trùng thế giới. Toàn Giác là bậc câu thông cùng vũ trụ, họ cùng một thể tánh với vũ trụ, thấu suốt quy luật vận hành của vũ trụ rồi “truyền thần” lại sự thấy biết đó. Để thấy rằng Đức Bổn sư không sáng tạo ra vũ trụ, không chế định ra luật nhân quả luân hồi, mà vũ trụ vốn sống động từ vô thỉ dù Phật có ra đời hay không.
25/04/2017(Xem: 9682)
Đức Phật đôi khi có đề cập tới tính chất và các thành phần của vũ trụ. Theo Ngài, có nhiều hình thức đời sống hiện hữu ở các nơi khác trong vũ trụ. Với đà tiến bộ nhanh chóng của khoa học ngày nay, có lẽ không bao lâu nữa chúng ta sẽ khám phá ra các loài sinh vật khác đang sống ở các hành tinh xa nhất trong dãi thiên hà của chúng ta. Có thể các chúng sanh nầy sống trong những điều kiện và qui luật vật chất khác, hay giống như chúng ta. Họ có thể hoàn toàn khác chúng ta về hình thể, thành phần và cấu tạo hoá học
24/04/2017(Xem: 10396)
Lời giới thiệu: Chúng tôi viết quyển sách này với mong muốn được trình bày theo cái hiểu và suy nghĩ của riêng mình. Kính mong rằng các bậc cao Tăng thạc đức niềm tình tha thứ nếu có chỗ nào sai xót. Chúng con hàng hậu học, vừa học, vừa tu vừa hướng dẫn lấy Kinh luật luận làm nền tảng. Trước tiên, chúng ta cần phải hiểu biết rõ ràng về Phật giáo và ứng dụng lời Phật dạy trong đời sống hằng ngày. Chuyển nghiệp là quá trình nỗ lực làm cho phàm tính trong con người trở thành Thánh tính của bậc hiền.
18/04/2017(Xem: 8214)
Hai năm về trước, ngẫu nhiên đọc được bài diễn văn ‘Giá Trị của Khoa Học’ (The Value of Science) bởi Dr. Richard Feynman, Mùa Thu, 1955, (in Volume XIX, ENGINEERING AND SCIENCE, December 1955) rất nổi danh ở trên internet nhưng lúc đó tôi chưa đủ trình độ để hiểu nổi cái trí tuệ thậm thâm viên diệu của ông ta dù lúc đó tôi cảm thấy rất hấp dẫn.
18/04/2017(Xem: 7208)
Bài viết này được trình bày qua công trình nghiên cứu, suy luận, tham khảo, sáng tác và phóng dịch từ những nguồn gốc tài liệu giá trị bởi những khối óc vĩ đại của các khoa học gia Tây Phương cũng như của những cao tăng và những thiện tri thức, đã được tôi tư duy hóa, đồng cảm hóa, và Phật Giáo hóa để chứng minh vài công án nan giải của khoa học. Nó được xem như là một phương tiện trí tuệ của Phật Thừa để giải thích những gì khoa học hiện đại chưa thể vượt qua được.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]