Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 9: Hồi Giáo

04/03/201620:26(Xem: 6562)
Chương 9: Hồi Giáo

Chương 9: Hồi Giáo

TIẾT 1: CỘI NGUỒN CỦA HỒI GIÁO 

 

1. Tên gọi Hồi giáo

Theo cách gọi của người Trung Quốc, Hồi giáo còn được gọi là Hồi Hồi giáo. Có 2 thuyết về niên đại Hồi giáo truyền vào Trung Quốc: một là năm Trinh Quán thứ 2 đời Đường Thái Tông, tức năm 628, thuyết này thấy nói tới trong mục cuối, chương 30, cuốn Đại Cương Lịch Sử Thế Giớicủa Herbert Wells; hai là năm Vĩnh Huy thứ 2 đời Đường Cao Tông, tức năm 651, thuyết này thấy nói tới trong sách Cao Tông Bản Kỷ thuộc bộ Cựu Đường Thư. Vì tôn giáo này do người Hồi Hột truyền vào Trung Quốc nên người Trung Quốc gọi nó là Hồi giáo. Người Hồi Hột vốn là con cháu của người Hung Nô, thời Hậu Ngụy gọi họ là Cao Xa, hoặc Viên Hột, Ô Hộ, Ô Hột, thời Tùy thì gọi họ là Vi Hột. Vốn dĩ, người Hồi Hột chịu sự cai trị của người Đột Quyết, đến thời nhà Đường, họ chống lại người Đột Quyết và bắt đầu tự gọi mình là Hồi Hột, sau đó họ tản cư về vùng đông nam tỉnh Tân Cương của Trung Quốc ngày nay. Đến thời đại Tống Nguyên họ sát nhập với người Mongolia, gọi chung là người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur). Lại vì người Trung Quốc gọi các nước có cùng tín ngưỡng tôn giáo với người Hồi Hột là các nước Hồi Hồi, nên tôn giáo của các nước đó được gọi là Hồi Hồi giáo. Các nước Hồi Hồi giáo cổ đại này nằm ở vùng Khwarezm thuộc miền tây Trung Á ngày nay.

Trên thực tế, tên gọi thông dụng quốc tế của Hồi giáo là Mohammedanism, vì Hồi giáo là do Mohammed sáng lập. Nhưng đối với các tín đồ Hồi giáo, họ lại không hề thích việc dùng tên của Mohammed để đặt cho tôn giáo của mình, họ tự cho rằng tên tôn giáo của họ là Islam, theo họ thì đây là tên gọi do Allah, Thiên Chúa duy nhất mà họ phụng thờ, quy định cho họ. Ý nghĩa của từ Islam là “sự phục tùng”, tức là tôn giáo phục tùng Allah. Do vậy, Mohammedanism hoặc Islam đều là hai tên gọi thông dụng của Hồi giáo trên thế giới.

Ngoài ra, Trung Quốc còn gọi Hồi giáo là Thanh Chân giáo, đây là tên gọi mà tín đồ Hồi giáo vô cùng hoan nghênh. Họ cho rằng: Thanh là làm cho thanh khiết, làm thanh khiết thể xác và làm thanh khiết cả linh hồn; Chân là tin tưởng Chân chủ Allah, cầu chân lý, giảng chân ngữ và làm chân sự mà Allah quy định. Bất kỳ sự việc nào tín đồ Hồi giáo cũng đều phải nhân danh Allah mà làm mới được thành tựu. Cho nên, khi theo Hồi giáo, người ta phải tuyên đọc câu Kalimah Sahadah: “Tôi công nhận Allah là Thượng đế duy nhất, ngoài ra không có ai khác nữa, và tôi công nhận Mohammed là vị sứ giả cuối cùng của Ngài”. Bởi vậy, ở Trung Quốc, Hồi giáo còn tự gọi mình là Thanh Chân giáo, thánh đường của họ thì được gọi là Thanh Chân Tự.

2. Cái nôi của Hồi giáo

Cái nôi của Hồi giáo là bán đảo Arab với một sa mạc mênh mông, chỉ có dải đất giáp biển phía tây nam là đôi chút màu mỡ. Vì thế, nếu so sánh Arab với các khu vực lân cận thì nó là một vùng hoang vu, cằn cỗi. Do ảnh hưởng và hạn chế của môi trường tự nhiên, đại đa số người Arab (tộc Bedouin) sống bằng du mục, phiêu bạt khắp nơi, lấy cướp bóc và chăn nuôi làm nghề nghiệp của mình. Cuộc sống của họ tuy có điểm giống với dân Turkestan và các dân tộc du mục Mongolia ở những vùng miền khác của châu Á, nhưng họ không phải là người thuộc chủng tộc Mongolia, mà là người thuộc chủng tộc Semite cùng huyết thống với người Do Thái. Cho nên, ngôn ngữ và văn tự của họ cũng là một nhánh của ngữ văn Semite, cùng một hệ thống với ngữ văn Hebrew. Bởi lẽ đó, sau khi Hồi giáo xuất hiện, họ cũng lấy tổ tiên của Do Thái giáo là Abraham làm tổ tiên của người Arab. Vì vậy, mãi đến khi Mohammed ra đời, dân tộc cư trú trên bán đảo Arab này vẫn giống như những người Do Thái trước khi rời khỏi Ai Cập, xã hội của họ phân chia thành rất nhiều đẳng cấp và có rất nhiều tập tục xấu như: nuôi nô lệ, đa thê, dâm loạn, dã man... cái gì cũng có. Để tăng thêm thu nhập ngoài nghề chăn nuôi bấp bênh của mình, người Bedouin Arab thường đi cướp bóc những nông thôn phụ cận, tấn công các đoàn thương buôn, hoặc làm thuê cho các thương nhân tham lam để bảo vệ họ trước bọn tù trưởng đầy dã tâm. Nếu như mấy mùa liên tiếp ngũ cốc héo khô, đồng cỏ úa vàng, thì họ phải di cư đến Syria, Ai Cập và Mesopotamia.

3. Người Arab

Trong vài thế kỷ đầu của thời đại Cơ Đốc giáo, ngoài một số người định cư, còn lại trình độ văn hóa của người Arab rất thấp. Họ tuy có ngôn ngữ và chữ viết, nhưng lại không có văn học; và tuy có thơ ca, nhưng tác giả những bài thơ đó đều không biết chữ, việc lưu truyền thơ ca đều dựa vào hình thức truyền miệng. Nghe nói, có người có thể đọc thuộc lòng vanh vách 2900 bài thơ có từ trước khi Hồi giáo ra đời. Thể thơ thông thường của những bài thơ này là vần chân đơn. Mỗi bài thơ có độ dài từ 25 đến 100 dòng. Các bài thơ này miêu tả người Arab là những người hung dữ, lỗ mãng nhưng khẳng khái, thích giao du bạn bè, xem nhẹ chuyện sống chết và coi trọng lời hứa. Về mặt văn nghệ, ngoài một ít kỹ nghệ về mỹ thuật và một vài văn tự mang tính thương nghiệp thuần túy, còn lại không có văn hóa gì đáng nói.

Người Arab hung hăng, mạnh mẽ nhưng thiếu đoàn kết. Vào mấy thế kỷ đầu của thời kỳ Cơ Đốc giáo, người Arab từng nhiều lần đánh cướp các tỉnh thành của đế quốc La Mã, người dân ở các tỉnh thành đó cũng thường xuyên phải tiêu diệt những đội quân nhỏ của người Arab hoặc bắt họ làm tù binh. Nhưng sau khi Hồi giáo xuất hiện, đến thế kỷ thứ VII, nhờ tín ngưỡng Hồi giáo mà người Arab đoàn kết lại với nhau, không những đoàn kết về tinh thần mà đoàn kết cả về sức mạnh quân sự. Họ không dừng lại ở việc xâm lược và cướp bóc mà thậm chí đã chiếm lĩnh một vùng đất đai rộng lớn của đế quốc La Mã, xây dựng nên một quốc gia nửa chính trị nửa tôn giáo.

Trước thời Hồi giáo, từng có các nước Ai Cập, Ba Tư, Macedonia, La Mã, Syria, Constantinople và cuối cùng lại là Ba Tư, trên danh nghĩa, lần lượt làm thượng quốc (nước đô hộ) của người Arab. Người Arab, tính đến lúc đó, chưa từng xây dựng một quốc gia cho mình, mà chỉ là một xã hội gồm các bộ lạc ở rải rác khắp nơi. Mỗi bộ lạc đều có tín ngưỡng tôn giáo của riêng mình, tin thờ các vị thần khác nhau. Quan niệm về thần và nghi thức cúng tế thần của họ đều giống với những dân tộc nguyên thủy khác. Hòn đá đen trong đền thờ Ka’aba ở Thánh địa Mecca chính là vật bảo hộ cho các vị tiểu thần của 300 tộc người Arab. Thiên Chúa Allah mà Mohammed tín ngưỡng, vị tự xưng là thần duy nhất của vũ trụ và là thần mà Abraham đã từng thờ phụng, thực ra cũng chỉ là một trong số rất nhiều vị thần của người Arab. Đến thời Mohammed mới chủ trương Allah là vị thần duy nhất chung cho tất cả các bộ lạc. Quan niệm nhất thần giáo này học được từ Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo. Thời thiếu niên, Mohammed từng qua lại các nước lân cận bán đảo Arab, nơi mà Cơ Đốc giáo và Do Thái giáo thịnh hành. Ông rất mực lưu tâm đến hai tôn giáo này, vì tín ngưỡng Cơ Đốc giáo và Do Thái giáo còn có một hệ thống lý luận đáng kể, chứ không như tôn giáo nguyên thủy của Arab, không có bất kỳ căn cứ lý luận gì. Nhưng, Mohammed lại không tiện từ bỏ vị thần Allah mà ông đã phụng thờ từ trước đến nay, thế là ông dùng cái tên Allah kết hợp với tín ngưỡng của Cơ Đốc giáo và Do Thái giáo để tạo thành Hồi giáo.

TIẾT 2: GIÁO CHỦ HỒI GIÁO

 

1. Nơi Mohammed ra đời

Không thể xác định được năm sinh của Mohammed, các nhà sử học mỗi người có một chủ trương khác nhau, đa số cho rằng Mohammed sinh năm 570 tại thành Mecca trên bán đảo Arab, là dân một thị tộc cổ của Arab.

Theo truyền thuyết Hồi giáo, Mecca được khai phá từ rất sớm, vì người Mecca là hậu duệ của Abraham, một tù trưởng người Semite. Khi Abraham ở Ai Cập, do vợ ông nhiều năm không có con nên ông cưới thêm một người vợ lẽ, bà sinh được một đứa con trai tên là Ishmael. Không lâu sau, người vợ đầu của ông cũng sinh được một đứa con trai, đặt tên là Isaac. Sau này, con trai của Isaac là Jacob làm tổ phụ chung của 12 chi tộc người Do Thái, được họ gọi là Israel; còn Ishmael trở thành tổ phụ chung của các tộc người Arab.

Tín đồ Hồi giáo tin rằng Ishmad từng xém chút nữa bị Abraham đem giết để làm vật hiến tế cho Thiên Chúa Yahweh. Sau đó, lại vì ông bị người vợ cả của cha mình đố kỵ, nên đã được cha đưa đến Mecca khi cha ông đang khai phá một khu vực chăn nuôi mới. Tại Mecca, hai cha con Abraham đã xây dựng một tòa nhà hình vuông bằng đá gọi là đền Ka’aba[1] để làm nơi quy hướng cho tín ngưỡng tôn giáo. Ka’aba sau này đã trở thành Thánh địa tôn giáo của người dân trên toàn bán đảo Arab. Đối tượng lễ bái chủ yếu của họ là một hòn đá nhỏ màu đen đặt trong đền Ka’aba. Sự thật là, đối với việc lễ bái này, Hồi giáo đã học theo truyền thuyết về thần thoại của Do Thái giáo. Trước thời Mohammed, Mecca luôn luôn là Thánh địa của tín đồ đa thần giáo; sau này Hồi giáo nổi lên, mới nói rằng đền Ka’aba ở Mecca vốn là nơi phát xuất tín ngưỡng nhất thần của Abraham, họ vẫn lấy Mecca làm Thánh địa như xưa, nhưng giờ là Thánh địa của Hồi giáo, và biến những người tín ngưỡng Thánh địa này thành tín đồ của Mohammed. Mohammed cũng lấy chủ thần Allah trong số các vị thần được thờ phụng tại đền Ka’aba làm vị thần duy nhất của Hồi giáo.

Mecca có vị trí địa lý rất ưu việt trên bán đảo Arab, nó là nơi mà các đoàn thương buôn bắt buộc phải đi qua để đến Yemen, Syria... và nó nằm gần biển Đỏ, một trục mậu dịch của thế giới. Mecca thuộc miền núi, sở dĩ nó có thể phát triển phồn vinh và trở thành một thành thị trọng yếu của Arab thời cổ đại, chính vì nó là trạm dừng chân của các đoàn thương buôn, chứ không phải vì sự thiêng liêng của đền Ka’aba. Khi các đoàn thương buôn dừng chân ở Mecca, họ cũng tiến hành giao dịch mua bán tại đây. Việc lễ thần, cầu nguyện, tạ ơn... cũng đạt đến cao trào vào mùa các đoàn thương buôn qua lại đông đúc. Sự tập hợp của các đoàn thương buôn sau này dần dần trở thành các cuộc hành hương định kỳ. Như vậy, phong tục hành hương định kỳ đã thịnh hành trong xã hội người Arab từ trước khi Hồi giáo ra đời. Đây là điểm khác biệt của lễ hội ở Mecca với lễ hội của các tôn giáo nguyên thủy ở những khu vực khác. Đến khi Hồi giáo được sáng lập, nó không chỉ tiếp nhận đền Ka’aba của đa thần giáo, tiếp nhận chủ thần Allah trong đền Ka’aba và tiếp nhận phong tục hành hương định kỳ trước đây, mà thậm chí đã tiếp nhận cả tín ngưỡng sùng bái hòn đá đen đặt trong đền Ka’aba.

2. Mohammed trước khi kết hôn

Tên của Mohammed nghe nói là do ông nội ông đặt cho, nó có nghĩa là “người được ca ngợi”. Có lẽ, ông nội ông hy vọng suốt đời ông sẽ được mọi người ca ngợi, giống như một vị thần vậy. Mohammed lớn lên trong sự yêu thương, chăm sóc của ông nội vì cha ông qua đời ngay từ khi ông vẫn còn trong bụng mẹ; di sản cha ông để lại cho mẹ con ông chỉ có 5 con lạc đà, một bầy cừu non và một người hầu gái.

Những năm tháng đầu đời, Mohammed đã sống 5 năm ở quê mẹ. Đó là một vùng đất ven sa mạc đầy thần bí và mê tín, chính vùng đất này đã gieo mầm cho những hoạt động tôn giáo cuồng nhiệt của ông sau này. Lúc Mohammed còn là một cậu bé, mẹ của ông cũng từ giã cõi đời, ông trở thành cô nhi không cha không mẹ; theo lời trăn trối của ông nội, ông được giao cho người bác nuôi dưỡng. Đến năm 12 tuổi, ông đi cùng với đoàn thương buôn của bác mình vượt qua sa mạc đến Syria. Syria là một trong những trung tâm của Cơ Đốc giáo nên ở đó ông chính thức được tiếp xúc với các mục sư đạo Cơ Đốc. Tuy trong số những người Arab đến Syria khi đó, có người cảm thấy e dè, sợ hãi trước các giáo sĩ Cơ Đốc giáo, nhưng Mohammed thì không và lần đến Syria này đã ảnh hưởng rất lớn đến tiền đồ của ông về sau. Ông đã nhìn thấy ảo ảnh trong sa mạc, đã trông thấy sự biến đổi thất thường của tướng trạng tinh tú trên bầu trời, đã thăm viếng vài tòa thành nổi tiếng có tính lịch sử, đã nghe được rất nhiều chuyện về những điều xảy ra trong sa mạc, đã gặp được các học giả Cơ Đốc giáo cũng như đã biết đến những câu chuyện trong Kinh Thánh, lịch sử của Ba Tư và giáo lý của Tiên giáo. Những kiến thức đó đã thúc đẩy ông tự mình vận não tư duy, thực hành tĩnh tọa mặc tưởng.

Lời kể về Mohammed trên đây đương nhiên chỉ là bút pháp của các tác giả viết truyện ký. Một cậu bé 12 tuổi mà có được sức cảm nhận kinh người như thế quả thật là thiên tài trời phú! Chuyện này nếu đem so sánh với truyền thuyết Jesus cùng đi với cha mẹ đến Jerusalem lúc 12 tuổi chẳng khác nhau là mấy. Đây có phải là sao chép lại truyền thuyết cũ hay không, tạm thời chúng ta không truy cứu. Nhưng, việc Mohammed tiếp nhận tư tưởng tôn giáo từ sớm là điều không thể nghi ngờ, vì ngay trong thành Mecca thời bấy giờ, Mohammed cũng đã có thể tiếp xúc được với rất nhiều nhà diễn thuyết giỏi đối đáp, trong số đó có tín đồ Do Thái giáo, tín đồ Cơ Đốc giáo và cả tín đồ đa thần giáo. Họ nói thao thao bất tuyệt, công kích lẫn nhau, mỗi người mỗi thuyết, không ai nhường ai. Theo cách nhìn của Mohammed, đạo lý của Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo cao hơn một bậc so với tín ngưỡng đa thần của người Arab. Sự thật đúng là như vậy. Cho nên, lúc tự mình sáng lập ra Hồi giáo, Mohammed đã chọn Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo làm nền tảng tín ngưỡng của mình.

Lúc Mohammed 15 tuổi, giữa những tộc người Arab, xảy ra một cuộc nội chiến kéo dài trong 4 năm ròng. Ông đã tham gia trận chiến này, từ đó ông học được việc vác súng, cầm gươm, bắn tên, giết chóc... Kinh nghiệm học được từ chiến trận đã đem lại cho ông rất nhiều lợi ích để sau này ông lãnh đạo tín đồ của mình đánh nhau với các tôn giáo khác. Khi cuộc nội chiến kết thúc thì Mohammed đã sang tuổi 20.

Trong thời niên thiếu, Mohammed từng được giao việc chăn cừu, suốt ngày ông làm bạn với bầy cừu, giống như các vị Abraham, Moses và vua David của người Do Thái. Là một mục đồng, thời gian rảnh rỗi thực sự rất nhiều, Mohammed mặc sức tưởng tượng và tìm được niềm lạc thú trong sự tưởng tượng đó, có khả năng ông đã tự mình mê đắm vào những ảo cảnh tuyệt đẹp. Bởi vậy, lúc còn làm mục đồng, Mohammed thường nghe thấy tiếng nhạc trong tai của mình, trực giác nói với ông rằng tiếng nhạc đó đến từ nước trời, cho nên người ta hay thấy ông ngồi yên đơn độc một chỗ, trầm ngâm lắng nghe thâu đêm suốt sáng.

3. Đời sống hôn nhân của Mohammed

Mohammed vốn xuất thân mồ côi, khốn khổ, nên một chữ bẻ đôi cũng không biết, chỉ có một ít kinh nghiệm buôn bán và kiến thức tôn giáo. Ông thân thể gầy yếu, dễ bị kích động, nhưng mặt mũi đẹp trai. Nói chung, ông là một trang nam tử tuấn tú, ưa sạch sẽ, tính tình thật thà và cực kỳ trung thành. Những nhân tố này đã giúp cho ông trở thành một nhà tôn giáo lớn. Trước khi trở thành nhà tôn giáo, Mohammed đã cưới bà quả phụ Khadija giàu có và về ở rể tại nhà bà, chính việc làm chồng bà Khadija đã càng thúc đẩy sự nghiệp tôn giáo của Mohammed đi đến thành công.

Đầu đuôi cuộc hôn nhân này như sau: năm Mohammed 25 tuổi, ông đến làm thuê cho bà góa phụ Khadija, giúp bà dẫn đoàn lạc đà vận chuyển hàng hóa đến Syria bán. Ông luôn hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc với thái độ làm việc trung thành, không chút gian dối. Chính thái độ trung thành này, cộng thêm diện mạo đẹp trai, mà ông được bà Khadija để ý. Có lẽ Mohammed có ý đồ khác, nếu không thì ông không thể chấp nhận chuyện hôn nhân như vậy. Vì, khi đó Mohammed là một chàng thanh niên mới 25 tuổi, còn Khadija thì đã 40 tuổi hoặc có thể cũng đã là một phụ nữ trung niên già nua. Rất rõ ràng, thứ mà Khadija yêu chính là con người của Mohammed, còn thứ mà Mohammed yêu lại là tài sản của Khadija.

Đời sống hôn nhân như vậy nhất định không thể mỹ mãn. Sau khi về ở rể tại nhà bà Khadija, Mohammed bị những người trong gia đình bà chán ghét. Đồng thời, do sự chênh lệch về tuổi tác, trong những ngày tháng bà Khadija còn sống, Mohammed không cách gì đạt được sự thỏa mãn về xác thịt. Nỗi u uất dồn nén lâu ngày đó đã đưa ông đến với tín ngưỡng tôn giáo. Ông thường cầu nguyện suốt đêm và ngồi mặc tưởng trong thời gian dài. Đến tháng chay mỗi năm, ông một mình vào trong sơn động, tĩnh tọa mặc tưởng. Tuy vậy, hình như trước tuổi 40 ông vẫn là một người tín ngưỡng tôn giáo cổ bảo thủ. Điều này có thể thấy được qua việc ông đặt tên cho con trai mình là Abd Manif[2]. Nhưng, chắc chắn là, cuộc sống dị thường của ông đã tạo ra nơi ông một hệ quả cũng rất dị thường về mặt tâm lý. Vào một ngày khi ông 40 tuổi, đang trong sơn động, đột nhiên ông nghe thấy tiếng của một thiên thần nào đó nói chuyện với mình, bảo ông làm sứ giả truyền trao những lời dạy mà Chúa Allah sẽ nói với ông cho nhân loại. Từ đó về sau, mỗi lần ông cầu nguyện là vị thần đó lại hiện ra. Sau khi Mohammed qua đời, chúng đệ tử đem những lời giảng của ông trong một đời, những lời giảng mà ông tuyên bố là do chính Allah đã nói cho ông nghe, biên tập lại thành một cuốn sách, đó chính là cuốn Thánh kinh Koran của Hồi giáo.

Thật ra, nếu xem xét từ góc độ phân tâm học cận đại, thì không phải thực sự có một thiên thần hiện đến truyền dạy lại lời của Allah cho Mohammed, cũng không phải Mohammed cố ý nói dối để lừa gạt người khác, mà đây là hiện tượng của bệnh tâm thần phân liệt. Cuộc sống hôn nhân vợ già chồng trẻ, cộng thêm tâm lý tự ti khi ở rể, bị ức chế cả về tinh thần lẫn thể xác như thế, đối với một người tính dễ kích động như Mohammed, sinh ra bệnh tâm thần phân liệt là điều không có gì lạ. Cái gọi là “tâm thần phân liệt” chính là sự chia đôi nhân cách của bản thân mình thành một nhân cách giống như trước đây và một nhân cách đối lập với nhân cách trước đây. Khi nhân cách đối lập xuất hiện, người bệnh liền cảm thấy có một nhân cách tồn tại khách quan bên ngoài tự ngã vốn có; còn khi nhân cách đối lập tiềm ẩn, người bệnh liền khôi phục lại tính cách cũ. Bản thân người mắc bệnh tâm thần phân liệt không có chút hoài nghi nào về cái nhân cách đối lập với mình kia, vì nó vốn không hề đến từ bên ngoài mà là từ trong thân tâm của chính người đó. Bởi vậy, trên thực tế, kinh Koran mà Mohammed truyền dạy, chính là biểu hiện tư tưởng của bản thân Mohammed, nhưng trong tâm Mohammed lại thực sự tin rằng đó là những lời Thánh huấn mà Allah đã ban xuống cho ông.

Ở Trung Quốc cũng có ví dụ thực tế về việc người mắc bệnh tâm thần phân liệt sáng lập nên một tôn giáo mới: đó chính là trường hợp Hồng Tú Toàn, thủ lĩnh của phong trào Thái Bình Thiên Quốc vào triều nhà Thanh. Hồng Tú Toàn sau rất nhiều lần thi rớt trên trường khoa cử đã sinh trọng bệnh. Trước khi sinh bệnh, ông đã đọc được các sản phẩm tuyên truyền về Cơ Đốc giáo, nên trong khi bị bệnh, ông nhìn thấy Chúa là cha mình và Jesus là anh mình, bản thân ông thì tự xưng là con thứ của Thiên Chúa. Tính cách vừa mới thay đổi, ông đã làm dấy lên cuộc loạn Hồng Dương (Hồng Tú Toàn và Dương Tú Thanh). Khi những người mắc bệnh tâm thần phân liệt sáng lập nên một tôn giáo, ý định của họ cũng xuất phát từ lòng nhân từ, nhưng thái độ của họ đối với những ai khác biệt với mình lại rất tàn bạo. Tinh thần của Hồi giáo là như vậy, tinh thần của Thái Bình Thiên Quốc cũng như vậy. Nếu nội bộ Thái Bình Thiên Quốc sau này không xảy ra đấu tranh giành quyền lực dẫn đến bị diệt vong thì có thể cũng đã xưng hùng xưng bá như Hồi giáo của Mohammed.

Việc Mohammed mắc bệnh tâm thần phân liệt từ lâu đã được các học giả phương Tây công nhận. Nhân cách vốn có của ông thường chống chọi lại nhân cách đối lập, còn nhân cách đối lập của ông thường chỉnh sửa nhân cách vốn có, nhưng nó không cách gì thay đổi hoàn toàn được nhân cách vốn có ấy. Năm Mohammed 50 tuổi, bà vợ già Khadija của ông qua đời, cộng với quyền lực chính trị của ông ngày một khuếch trương, nên ông có cơ hội phóng túng nhục dục của mình, liên tục cưới rất nhiều thê thiếp trẻ đẹp, ngày ngày hoan lạc với nữ sắc. Tuy về chuyện này, các tín đồ Hồi giáo đã biện hộ cho giáo chủ của họ rằng: Trong mười mấy người vợ mà Thánh Mohammed cưới sau này, có người là vợ của các tướng sĩ dưới trướng Mohammed, để bảo vệ cho vợ góa của các thuộc hạ, ông mới cưới họ về làm vợ mình; lại có người là để kết liên minh chính trị; cũng có người là vì nguyên nhân nối dõi tông đường... Kỳ thực, đây là những lý do biện bạch rất không hợp lý cho chủ nghĩa đa thê kiểu Mohammed.

Cách nhìn của đại sử gia Herbert Wells đối với vấn đề này như sau: “Đến khi Khadija chết, Mohammed tròn 50 tuổi, trước đó ông sống đời một vợ một chồng, có vẻ như là một người chồng chân thành; nhưng sau đó lại phóng túng với phụ nữ một cách thái quá, giống nhiều gã đàn ông khi họ bước sang tuổi xế chiều. Khadija vừa chết, ông liền lấy hai bà vợ khác, một trong số đó là cô Ayesha, người luôn được Mohammed sủng ái và rất có thế lực. Tiếp đó, Mohammed cưới thêm nhiều thê thiếp nữa, và vì thế làm nảy sinh ra nhiều điều phiền phức và hỗn loạn. Tuy đã có những lời mặc khải đặc biệt hữu ích của Allah gột rửa cho ông, nhưng những điều phiền phức và hỗn loạn này vẫn cần nhiều hơn nữa những lời giải thích và biện bạch xuất phát từ tấm lòng thành... Một chuyện gây nhiều tranh cãi nữa là: Mohammed đã gả em họ của mình là Zainib cho con nuôi của mình là Zeid (vốn là nô lệ), sau khi Zeid thỏa mãn dục vọng của mình, Mohammed đã đưa Zainib về và cưới cô làm vợ... Trong số các bà vợ của Mohammed, có một người phụ nữ Do Thái tên là Safiyya, chồng cô bị Mohammed bắt giữ và xử tử trong một trận chiến, cuối ngày Mohammed kiểm duyệt đám phụ nữ bắt được, thấy thích Safiyya, nên đã đưa cô về lều của mình và cưới cô ngay trong đêm ấy”. Chẳng trách mà Wells đã phải bình luận về Mohammed như sau: “Vì Mohammed đã sáng lập nên một tôn giáo lớn, nên có những tác giả viết về vị giáo chủ dâm dục và xảo trá này như thể ông là một người đứng ngang hàng với Jesus, Gotama và Mani. Nhưng thực tế thì Mohammed rõ ràng là một kẻ tầm thường, tự cao tự đại, bạo ngược hung tàn và tự dối gạt mình. Chúng ta không thể vì để làm vừa lòng các độc giả Hồi giáo mà bẻ cong sự thật, mô tả Mohammed với một bộ mặt khác, làm mất đi tính chuẩn xác của lịch sử.”[3]

4. Đời sống tôn giáo của Mohammed

Trước tuổi 50, do đời sống hôn nhân không được mỹ mãn, Mohammed bèn chuyển sang thực hành đời sống tôn giáo, ông từng liên tục trong nhiều năm, mỗi lần đến tháng chay, đều một mình mang theo chút hành trang đơn giản vào trong sơn động tĩnh tu mặc tưởng. Công phu tu tập này tương đương với công phu thiền định của Phật giáo, nó giúp ông đạt được những kinh nghiệm tôn giáo khác thường. Nhờ đó, về mặt tâm lý, ông đã luôn kiên định niềm tin tôn giáo của mình. Năm 40 tuổi, ông từng ở trong sơn động và sa mạc tận 6 tháng trời. Trong thời gian 6 tháng này, những lúc ở vào trạng thái bán xuất thần, ông cảm thấy có một sứ mệnh phải hoàn thành, đó là sứ mệnh truyền bá tôn giáo của chính ông.

Với phương hướng như vậy, một ngày nọ, khi ông đang ở trong động nghỉ ngơi, trong lúc mơ màng, ông nhìn thấy một thiên thần hiện ra trước mặt yêu cầu ông “nhân danh Chúa của ngươi, hãy đọc” những lời kinh Koran mà Thiên Chúa ban xuống cho ông. Mohammed bèn đọc theo, ông đọc vừa xong, vị thiên thần kia liền biến mất. Đây là hiện tượng cho thấy Mohammed bắt đầu mắc bệnh tâm thần phân liệt. Nhưng đến khi hồi phục lại ý thức của mình, Mohammed lại cảm thấy lo sợ về chuyện vừa xảy ra, đến nỗi ông không dám tiếp tục ở trong động nữa mà bỏ chạy về nhà. Về đến nơi, bà vợ già Khadija đã an ủi ông rằng thực thể mà ông gặp được trong động đích thực là biểu tượng của thần thánh, và rằng một người giống như ông đủ sức đảm đương sứ mệnh truyền dạy lời của Thiên Chúa; lời an ủi này làm cho tâm trạng lo lắng của ông bình tĩnh trở lại, cảm thấy vô cùng mệt mỏi, ông đã ngủ một giấc say sưa. Giấc ngủ này có quan hệ rất lớn đối với tiền đồ của Mohammed, sau khi ông ngủ đẫy giấc, trạng thái tâm lý của ông lại có sự biến chuyển. Giống như trạng thái lên đồng thường gặp, toàn thân ông run lẩy bẩy, hơi thở gấp gáp, mồ hôi trán từng giọt, từng giọt lăn xuống như những hạt đậu trắng. Ông đột nhiên đứng lên khỏi giường, lắng nghe thiên thần đọc lời kinh Koran cho mình, rồi sau đó thiên thần mượn miệng của ông đọc lại một lần nữa. Sự xuất hiện của hiện tượng lạ lùng này, nhìn từ lập trường tôn giáo, có hai nhân tố tạo thành: một là sự tự thôi miên bản thân do bệnh tâm thần phân liệt gây ra; hai là có một loại quỷ thần nào đó bên ngoài nhân cơ hội bệnh của ông phát tác đã nhập vào người ông. Mấy ông đồng bà cốt thông thường đều là như thế cả.

Đối với tôn giáo của Mohammed, Khadija thực sự đã có cống hiến rất lớn. Đầu tiên, bà làm cho ông không thỏa mãn với cuộc sống gia đình nên dồn sức vào việc thực hành đời sống tôn giáo. Sau đó, khi ông đạt được một chút kinh nghiệm tôn giáo nhờ tu tập thiền định, Khadija lại an ủi và cổ vũ ông, nói ông đích thực là đã gặp được thánh thần và đủ sức làm công tác truyền giáo cho Thiên Chúa. Đây rõ ràng là một liều thuốc kích thích cho ý muốn hiến thân vì tôn giáo của Mohammed. Khi Mohammed lần đầu đọc vài câu kinh cho Khadija nghe[4], để làm vui lòng chồng, Khadija tuyên bố tin theo Hồi giáo và trở thành tín đồ đầu tiên của chính chồng mình. Đây là sự cổ vũ tinh thần thực sự to lớn đối với sự nghiệp truyền giáo của Mohammed. Chúng ta đã biết Mohammed vốn là một đứa trẻ mồ côi, còn Khadija lại là một quả phụ giàu có, vì vậy khi Mohammed muốn lấy tôn giáo làm sự nghiệp của cả đời mình, Khadija đã giúp đỡ ông rất nhiều về kinh tế.

Hoạt động truyền giáo của Mohammed thời kỳ đầu gặp vô vàn khó khăn, trở lực rất lớn, những người tin theo ông chỉ có một nhóm nhỏ gồm vợ ông là Khadija, anh họ ông là Ali, con nuôi ông là Zeid và người bạn chí cốt của ông là Abu Bekr. Nhưng kinh nghiệm tôn giáo của ông đã giúp ông mãi mãi bền tâm vững chí, trở lực càng lớn, lại càng làm cho tinh thần truyền giáo của ông hăng hái hơn thêm. Dần dần số lượng tín đồ ngày một tăng lên, họ tự xưng tín ngưỡng tôn giáo của họ là Islam và tự gọi những tín đồ như họ là Moslem hoặc Muslim, nghĩa là “người quy phục Allah”.

5. Đời sống truyền giáo của Mohammed

Hồi giáo thời kỳ đầu chỉ là một đoàn thể nhỏ bí mật, thành viên của nó chẳng qua chỉ là một số họ hàng thân thích và bạn bè của Mohammed. Vài năm sau đó, vì có người ngoài gia nhập vào, Mohammed bèn chuyển sự nghiệp tôn giáo của mình từ bí mật ra công khai, sử dụng phương thức của Moses và Jesus để truyền giáo cho người dân ở thành Mecca. Ông hay đi đến những chỗ đông người, lớn tiếng gào thét, làm mọi người chú ý, rồi nói cho họ nghe sứ mệnh của ông. Nhưng ngoài việc Mohammed tự cho mình là một nhà tiên tri mới xuất hiện ra, so với Do Thái giáo, về mặt giáo lý, Hồi giáo không có kiến giải gì mới, những gì mà Mohammed đã rao giảng, chủ yếu chỉ là công kích tín ngưỡng đa thần và sự sùng bái ngẫu tượng của người Arab. Về điểm này, đến tận ngày nay, các tín đồ Hồi giáo vẫn đang dốc toàn lực mà làm. Ví dụ, có một tiên sinh tên là Hùng Chấn Tông đã viết một quyển sách tên là Truyện Mohammed (xuất bản ở Trung Quốc năm 1964), trong đó ông ấy công kích ra rả đối với việc sùng bái ngẫu tượng. Đáng tiếc là, ông sinh ở Trung Quốc vào thời hiện đại nên không biết ngẫu tượng mà người Arab nói đến khi đó là chỉ cho cái gì? Hễ nói đến mê tín ngẫu tượng là ông liền dùng tượng Phật hoặc những từ có chữ Phật để thay thế, thậm chí ông nói cha của Abraham có “nghề nghiệp là chế tác tượng Phật.”[5] Kỳ thực, thời đại của Abraham, cách lúc Phật giáo xuất hiện sớm hơn đến 1500, 1600 năm. Tiên sinh Hùng Chấn Tông chăm chăm lấy tượng Phật làm tượng thờ của đa thần giáo để công kích, sự công kích này không những vô tác dụng mà trái lại từ đó độc giả biết được rằng kiến thức tôn giáo và kiến thức lịch sử của ông nông cạn như thế nào.

Lại nói về hoạt động truyền giáo của Mohammed, tuy đã có rất nhiều người trở thành tín đồ của ông, nhưng phần lớn dân chúng trong thành Mecca, vẫn muốn giữ tín ngưỡng cổ xưa của họ và đứng ở lập trường đối địch với Mohammed. Mặc dù họ dùng chính sách bất hợp tác để cô lập tín đồ Hồi giáo, nhưng họ không bức hại, tàn sát tín đồ Hồi giáo giống như chính phủ La Mã đã làm đối với các tín đồ Cơ Đốc giáo thời kỳ đầu; cho nên, Mohammed vẫn có thể lợi dụng những tháng cấm của người Arab[6] để tuyên truyền Hồi giáo của mình.

Khoảng thời gian Mohammed truyền đạo ở Mecca (đó là năm ông 51 tuổi), ông đã gặp phải sự chống đối kịch liệt của các thế lực cũ, nhưng xét trên một phương diện khác, sự chống đối đó lại làm cho tinh thần cuồng nhiệt tôn giáo của ông càng trở nên mạnh mẽ hơn. Ông tuyên bố ông đã đi từ Mecca đến Jerusalem và quay ngược trở lại chỉ trong vòng 1 đêm[7]. Và còn tuyên bố rằng sau khi đến Jerusalem vào đêm đó, ông đã thăng thiên, đi qua 7 tầng trời, vào bái kiến Allah và tiếp nhận lời huấn thị của Allah. Trong bộ sách Hadith[8], sự tích thăng thiên này của Mohammed đã được miêu tả rất sinh động và hấp dẫn. Về chuyện thăng thiên của Mohammed, nếu xem xét trên lập trường của khoa học, dĩ nhiên có thể bài xích nó là một chuyện thần thoại vô căn cứ; nhưng nếu xem xét trên lập trường của kinh nghiệm tôn giáo, thì có thể giải thích nó bằng bối cảnh tâm lý khác thường của chính nó; với một người dễ bị kích động như Mohammed, dưới sự ảnh hưởng của những nhân tố tâm lý mãnh liệt và không ổn định, việc ông mơ thấy một giấc mộng thần kỳ là điều chẳng có gì lạ. Nhưng mà, do sự lưu truyền của câu chuyện này, từ đó, Jerusalem của người Do Thái cũng được tín đồ Hồi giáo xem là Thánh địa. Sự tranh đoạt thành Jerusalem giữa tín đồ Hồi giáo và tín đồ Do Thái giáo đã trở thành căn nguyên của một cuộc chiến đằng đẵng giữa các nước Arab và nước Do Thái cho đến tận thời cận đại. Tôn giáo gây ra chiến tranh cho nhân loại, đó là nỗi bất hạnh lớn nhất mà nhất thần giáo, cụ thể là tôn giáo Hebrew, đã truyền lại cho hậu thế!

Sau khi câu chuyện Mohammed ban đêm du hành đến Jerusalem và lên trời gặp Thiên Chúa lan ra, sự nghiệp truyền giáo của ông có lúc đã rơi vào thoái trào, thậm chí một số tín đồ Hồi giáo cũng cho rằng ông đang dùng lời tà ma mê hoặc mọi người và bỏ ông mà đi. Nhưng ông quyết không vì chuyện này mà nản lòng, ông luôn cảm thấy Thiên Chúa Allah mãi ở bên cạnh ông và sẽ giúp đỡ ông bất cứ lúc nào. Vì thế, Mohammed càng thêm tích cực hơn trong hoạt động truyền giáo của mình.

Việc tích cực tuyên truyền Hồi giáo và công kích sùng bái ngẫu tượng của Mohammed cuối cùng đã dẫn đến sự thù hận của những người Mecca thuộc phái bảo thủ, họ bày mưu đối phó với Mohammed bằng phương thức “nhổ cỏ tận gốc”. Nhưng từ trước đến nay, người Arab không biết đoàn kết là gì, cũng không biết bảo mật là gì, nên khi họ vẫn còn đang sôi nổi bàn tính kế hoạch của mình, thì đã có người báo cho Mohammed biết từ lâu. Vì trong tín ngưỡng của Hồi giáo có một giáo chủ làm trung tâm và những giáo điều mà mọi người cùng tuân thủ, các tín đồ đều đoàn kết hướng về giáo chủ và lấy giáo điều làm chỗ tựa nương, nên lực lượng Hồi giáo có thể được chỉ huy linh hoạt và liên lạc với nhau nhanh chóng. Mohammed đã bí mật thông báo cho các tín đồ của mình chia thành từng nhóm nhỏ di chuyển từ Mecca sang một thành phố khác của Arab là Medina. Đến lúc chính ông chạy thoát khỏi Mecca thì tình hình đã rất khẩn cấp.

6. Sự thành công của Mohammed

Cuộc di chuyển từ Mecca đến Medina này được các tác giả viết truyện ký về Mohammed thổi phồng lên với rất nhiều tình tiết cao trào, làm cho độc giả đọc đến đều cảm thấy sửng sốt không thôi. Sự kiện Mohammed và tín đồ rời Mecca đến Medina được Hồi giáo gọi là Hegira, từ này nghĩa là “chạy trốn” hoặc “di cư”. Sự kiện này thực sự là một bước ngoặt đối với cá nhân Mohammed cũng như sự nghiệp tôn giáo của ông, vì người dân thành Mecca đa phần bảo thủ tín ngưỡng tôn giáo cổ, còn người dân thành Medina thì đối địch với Mecca và đa phần tin theo Do Thái giáo. Sau đó, người Medina đã tiếp nhận tín ngưỡng Hồi giáo và suy tôn Mohammed làm lãnh tụ chính trị và tôn giáo của họ. Lần đầu tiên, Mohammed xây dựng được một chính quyền Hồi giáo và lấy thành Medina làm cơ sở để phát triển Hồi giáo. Bởi thế cho nên, sự kiện này cực kỳ quan trọng đối với lịch sử Hồi giáo, và Hồi giáo đã quy định năm Mohammed chạy trốn sang Medina (năm 622) là năm đầu tiên của kỷ nguyên Hồi giáo.

Từ đó trở đi, Mohammed thẳng tiến trên con đường thành công. Bằng tôn giáo của mình, ông đã xây dựng được một chính phủ vững mạnh ở Medina. Giống như Moses trong Cựu Ước, Mohammed cũng ban bố một số điều luật, lợi dụng thủ đoạn thần quyền để thống trị nhân dân. Ông tổ chức một đội quân có tinh thần tôn giáo cuồng nhiệt, dùng đội quân này để duy trì trật tự ở Medina, để đối phó với tín đồ dị giáo, đặc biệt là sự phản bội của các kiều dân Do Thái giáo, và để đánh đuổi bọn người dã man thuộc tộc Bedouin đến tập kích Medina từ sa mạc.

Để có kinh phí chi tiêu, Mohammed đã nhận rất nhiều người tộc Bedouin vào quân đội của mình, sai họ đi đánh cướp những thường dân không có cùng tín ngưỡng tôn giáo với họ và các đoàn thương buôn từ các nơi khác đi ngang qua Medina. Thậm chí, Mohammed đã phá hoại tập tục cũ của liên minh tôn giáo Arab, ngay cả tháng hòa bình Rahab thiêng liêng, Mohammed cũng xua đám tín đồ có vũ trang của mình tập kích một đoàn thương buôn của Mecca và giết chết một người trong số đó. Tuy nhiên, nhờ những hành động cướp bóc này mà tín đồ Hồi giáo đã giàu có lên và bản thân Hồi giáo tăng thêm được sức cám dỗ để thu hút những tín đồ mới, đồng thời cũng nhờ đó mà tiếng tăm và uy danh của Mohammed truyền đi khắp bán đảo Arab.

Sau khi gây dựng được cơ sở quân sự và chính trị vững mạnh ở Medina, vào năm 630, Mohammed chỉ huy tín đồ của mình tấn công thành Mecca. Dưới sự uy hiếp bằng đao kiếm của quân Mohammed, những người Arab bảo thủ và không đoàn kết ở Mecca cuối cùng đã đầu hàng trước vũ lực vào năm 632 và bất đắc dĩ phải chuyển sang tín ngưỡng kinh Koran của Hồi giáo. Mohammed cũng qua đời vào năm quân Hồi giáo đánh chiếm thành Mecca, chỉ thọ 62 tuổi. Tôn giáo của ông, với lời di huấn “truyền đạo bằng lưỡi gươm” mà ông để lại, đã phát triển một cách nhanh chóng, cuối cùng trở thành một trong những tôn giáo lớn mang tính thế giới.

Quãng thời gian Mohammed khuếch trương quyền lực, được Herbert Wells miêu tả như sau: “Thường có những chuyện đánh nhau, mưu mô và tàn sát... Mohammed là người giỏi thủ đoạn, bịp bợm và tàn nhẫn, nhưng khi cần thiết cũng chịu nhân nhượng... Suốt thời gian Mohammed làm lãnh tụ Hồi giáo hầu như ông không có sự nghiệp gì đáng kể về mặt tinh thần.”[9]

 

TIẾT 3: GIÁO LÝ HỒI GIÁO 

 

1. Chủ nghĩa nhất thần

Kinh Koran dạy tín đồ rằng: “Các ngươi không có bạn bè nào ngoài Allah, cũng sẽ không nhận được sự tương trợ nào khác”. Tín đồ Hồi giáo tin rằng chỉ có Allah mà họ tín ngưỡng mới là Thiên Chúa duy nhất, là thần sáng tạo vũ trụ, là đấng chủ trì lẽ phải. Allah là đấng toàn tri, toàn năng, cũng là bậc đại nhân, đại từ. Ngoài Allah, không có thiện thần nào khác. Vì thế, Hồi giáo có cái nhìn thù địch một cách cực đoan đối với đa thần giáo, xem Phật giáo vô thần cũng là đa thần giáo. Còn Chúa của Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo cùng một nguồn gốc với Chúa của Hồi giáo nên họ không phản đối, có điều họ không thừa nhận tín ngưỡng ba ngôi một thể của Cơ Đốc giáo. Tín đồ Hồi giáo không thể nào chấp nhận thuyết Jesus là hóa thân của Chúa, họ chỉ xem Jesus là một nhà tiên tri người Israel, giống như Abraham, Moses, vua David... Thiên Chúa thông qua các đời tiên tri trước đây để hiển đạo cho người Israel, cuối cùng Ngài chọn Mohammed làm sứ giả, truyền lời cảnh cáo hoặc thông báo tin lành cho toàn thể nhân loại.

Bởi thế, dù chỉ là một trong những nhà tiên tri, nhưng Mohammed lại là vị sứ giả cuối cùng và vĩ đại nhất của Thiên Chúa. Hồi giáo tuy đã tiếp thu 10 điều răn của Moses và Phúc Âm của Jesus, nhưng những phần được tiếp thu đó lại xuất hiện trong kinh Koran với một hình thái khác. Cho nên, về nguyên tắc, Hồi giáo không phản đối Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo, nhưng trên thực tế, Hồi giáo chỉ tín ngưỡng Thiên Chúa Allah của Mohammed và chỉ chấp nhận Thánh kinh Korando Mohammed truyền dạy.

2. Tư tưởng về tương lai

Đoạn 69, chương 39, kinh Koran nói: “Khi kèn thổi lên, chỉ trừ những người mà Allah vừa lòng, mọi người ở trên trời và dưới đất sẽ ngã ra bất tỉnh. Rồi khi kèn thổi lên lần thứ hai, xem kìa, cả bọn đều trỗi dậy nhìn dáo dác”. Đoạn kinh này nói rằng, tất cả những ai không phải là tín đồ Hồi giáo và không làm theo ý muốn của Allah thì đều là tội nhân và đều sẽ nghe thấy một tiếng kèn vào ngày tận thế, khi kèn vừa thổi lên, họ lập tức trỗi dậy, đứng chờ sự phán xét của Allah. Kết quả phán xét vô cùng đơn giản: “Ngày đó một số sẽ được vào thiên đường, còn một số khác sẽ vào địa ngục.”[1] Kinh Koran còn nói: “Những kẻ nào định mưu lợi bằng thủ đoạn ác đức và phạm tội đầy rẫy sẽ phải xuống hỏa ngục và phải sống vĩnh viễn nơi đó.”[2]

Đối với Hồi giáo, tiêu chuẩn thiện và ác chỉ căn cứ ở chỗ bạn có tin vào kinh Koran hay không. Những gì kinh Koran thể hiện đều là dạy bạn làm thế nào để quy phục Thiên Chúa Allah, làm thế nào để giữ chay, làm thế nào để tu thiện; nếu bạn không thể tiếp nhận, hoặc chỉ tiếp nhận một phần trong số đó, còn đâu tiếp nhận một hoặc nhiều điều luật đạo đức khác, thì Hồi giáo cũng sẽ xem bạn là ác nhân. Ví dụ, đoạn 12 và 13, chương 2, kinh Koran dạy rằng: “Khi bảo chúng: “Chớ làm việc ác trên mặt đất này” thì chúng bảo: “Chúng tôi là những người đề xướng hòa bình”. Hãy coi chừng! Chính những kẻ này tạo ác mà chúng không tự nhận thức ra”. Căn cứ theo lời giải thích về hàm nghĩa hai đoạn kinh này của tín đồ Hồi giáo Thời Tử Chu thì: “Không có con đường nào nối liền giữa đúng và sai, thiện và ác, một người không thể vừa phụng sự Allah, vừa liên hệ với ma quỷ, vậy nên Allah nói những người đề xướng hòa bình kia đều là những kẻ tạo ác.”[3]Tín đồ Hồi giáo có cái nhìn thù địch đối với những người không theo tín ngưỡng của họ là vì những quy định trong kinh Koran, ví dụ: “Kẻ nào từ chối tín ngưỡng và đến khi chết vẫn còn bất tín, họ không những sẽ bị Allah mà còn bị các thiên sứ và mọi người nguyền rủa”[4]; hay như: “Nếu họ tôn thờ chung một tín ngưỡng với các ngươi thì họ sẽ được hướng dẫn đến chánh đạo, nhưng nếu họ ngoảnh mặt đi thì họ sẽ là kẻ ly giáo, cứ giao họ cho Allah xử lý bởi Ngài là đấng nghe tất cả và biết tất cả”[5]. Có điều, tín ngưỡng nhất thần của Mohammed không hề kiên định, ví dụ như Herbert Wells đã nói trong mục 2, chương 31, cuốn Đại Cương Lịch Sử Thế Giới rằng: “Có một lần Mohammed bước vào sân trong của đền Ka’aba và tuyên bố rằng các nam thần và nữ thần của Mecca, xét cho cùng, là có thật, cùng một loại với các vị thánh, và có năng lực làm trung gian hòa giải giữa Thiên Chúa và con người”.

3. Thiên đường của Hồi giáo

Thiên đường của Hồi giáo thực ra chính là sự lý tưởng hóa xã hội của loài người và mức độ lý tưởng hóa cũng không được cao. Vì người Arab thời đó lấy việc hưởng thụ rượu ngon và gái đẹp làm lý tưởng[6] nên trong thiên đường của Hồi giáo, rượu ngon và gái đẹp là hai thứ thể hiện nét đặc sắc riêng. Bản thân Mohammed theo chủ nghĩa đa thê nên ông mượn lời Allah mà quy định trong kinh Koran rằng: “Nếu các ngươi e rằng không được công bình trong việc đối xử với các cô nhi, hãy lựa hai, ba hoặc bốn người phụ nữ tùy thích để kết hôn”[7]. Câu kinh cho thấy chính Mohammed muốn đa thê vì bản thân ông là một cô nhi. Do vậy, phàm là người tín ngưỡng Hồi giáo, “họ sẽ kết hôn với những người nữ trong sạch và sống đời đời nơi thiên đường”[8]. Ngoài ra, kinh Koran còn viết: “Những kẻ nào biết sợ Chúa sẽ được về thiên đường với Ngài, nơi đó có sông chảy róc rách bên dưới, và nơi đó họ sẽ sống đời đời, kết hôn với những người nữ trong sạch. Allah lúc nào cũng lưu ý đến tôi tớ của Ngài”[9]. Từ những đoạn kinh văn này, có thể thấy thiên đường của Hồi giáo là nơi có đời sống vợ chồng. Và ở nơi đó, quan hệ giữa thần và người là quan hệ chủ tớ, giống với quan niệm của Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo.

Thiên đường của Cơ Đốc giáo được miêu tả vô cùng tỉ mỉ trong Sách Khải Huyền của John. Trong các sách Hadith và một số truyền thuyết của Hồi giáo cũng liệt kê rất chi tiết những cảnh tượng mà Mohammed đã nhìn thấy vào cái đêm ông đến Jerusalem và thăng thiên lên trời. Thiên đường mà Mohammed thấy chia làm 7 tầng, tầng thứ nhất trắng tinh như bạc, treo lơ lửng những vì sao lấp lánh sắc vàng, rất nhiều thiên sứ bảo vệ nghiêm ngặt, đề phòng quỷ Satan xâm nhập. Trong tầng trời này, Mohammed đã gặp thủy tổ Adam của loài người. Trong các tầng trời tiếp theo, ông còn được gặp các nhà tiên tri khác trong Cựu Ước như: Noah, Aaron, Moses, Abraham, vua David, vua Solomon... Ông cũng đã gặp thiên thần đoạt mạng, vị thiên thần này sẽ đến đưa linh hồn của con người đi khi cái chết đến với họ, thân thể của thần to lớn không ai bì nổi, khoảng cách giữa hai mắt xa như khoảng cách quãng đường đi trong 7000 ngày, tấm lòng của thần rất từ bi, hễ nhìn thấy loài người phạm tội, thần liền rơi lệ như mưa; rồi ông gặp thiên thần thi hành hình phạt, thần mang mặt nạ đồng thuộc tính hỏa, thường hay ngồi trên một ngọn lửa; rồi ông gặp một vị thiên thần có nửa mặt là lửa đỏ, nửa mặt là băng tuyết, có rất nhiều thiên thần bao quanh, ai ai cũng không ngớt lời ca tụng Allah... Tầng trời thứ 7 là nơi quay về trú ngụ của những người chính nghĩa, ở đây Mohammed được gặp một thiên thần có thân thể to lớn hơn cả quả địa cầu, thần này có 7 vạn cái đầu, mỗi đầu có 7 vạn cái miệng, mỗi miệng có 7 vạn cái lưỡi, mỗi lưỡi nói tiếng của 7 vạn nước, mỗi nước có 7 vạn phương ngôn khác nhau, tất cả đều đang ca tụng Allah.

Những cảnh tượng kể trên thực ra là do Mohammed học được từ các truyền thuyết của Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo, Ba Tư giáo và tôn giáo nguyên thủy Arab, không có điều gì hiếm lạ cả. Lúc Mohammed ở trên thiên đường, ông còn nhìn thấy được các thứ hình phạt dưới địa ngục. Ông nói ông nhìn thấy rất nhiều người trong hỏa ngục, có người móng giống lạc đà, tay cầm khối lửa, nuốt vào rồi ỉa ra, đây là hình phạt dành cho những kẻ thôn tính tài sản của trẻ mồ côi; có người bụng rất to, dẫm trên lửa mà đi, đây là hình phạt cho những kẻ hám lợi bóc lột người khác; có người cho thịt mỡ tươi ngon không ăn lại cam chịu ăn thịt hỏng thối rữa, đây là hình phạt cho những kẻ phụ bạc vợ đi ngoại tình, bồ bịch lăng nhăng; có người phụ nữ bị treo hai vú trên không, đây là hình phạt cho những ả dâm đãng không giữ chuẩn mực đạo đức của người phụ nữ...

Mohammed đã được bái kiến Thiên Chúa Allah trên thiên đường, ông thấy hàng tỷ thiên thần đang lặng lẽ quỳ lạy Allah một cách nghiêm trang, chí kính. Ở đó, Mohammed đã tiếp nhận lời huấn thị của Allah rằng phải lễ bái Allah mỗi ngày 50 lần. Về sau, có lẽ thấy mỗi ngày lễ bái 50 lần quá phiền toái, Mohammed bèn tự động đổi lại thành mỗi ngày chỉ lễ 5 lần.

Những học giả Hồi giáo cận đại như Thời Tử Chu, chịu ảnh hưởng của các tôn giáo cao cấp khác, không tin thiên đường của Hồi giáo là nơi được tạo dựng nên bằng vật chất mà thuần túy bằng ý niệm tinh thần. Ông cho rằng những miêu tả về thiên đường trong kinh Koran là ví von chứ không phải sự thật, và rằng kinh Koran chỉ nói đến thiên đường ở 2 chỗ, nơi thiên đường đó không có rượu ngon và gái đẹp, chỉ những chỗ mà kinh dùng chữ “vườn địa đàng”[10] mới có rượu, có gái. Kỳ thực, hy vọng làm thanh tịnh thiên đường Hồi giáo của Thời Tử Chu rất tốt đẹp, nhưng đáng tiếc là, vườn địa đàng trong kinh Koran chính là vườn của thiên đường; ví dụ trong đoạn 108 và 109, chương 18 có nói: “Dĩ nhiên, những ai tin tưởng và năng làm việc thiện sẽ được vườn địa đàng đón tiếp. Rồi họ sẽ được sống đời đời nơi đó và không còn muốn dời đi đâu nữa”. Cho nên, về sự lý tưởng của những quy luật đạo đức, thiên đường của Hồi giáo hoàn toàn chẳng có gì đáng gọi là cao thượng. Nếu đem so sánh với tôn giáo của Ấn Độ, thì thiên đường Hồi giáo có phần giống với thiên đường của thời đại Rig-veda. Còn thuyết chia thiên đường làm 7 tầng thì chẳng khác mấy những ghi chép trong Thánh điển Purana của Ấn Độ giáo, nguồn gốc của thuyết này là sự sùng bái 7 vì sao lớn, giống với nguồn gốc của 7 ngày trong tuần.

4. Một tôn giáo cổ vũ chiến đấu

Hồi giáo là tôn giáo truyền đạo bằng lưỡi gươm, từ sau khi xây dựng được cơ sở ở Medina, Mohammed đã chủ trương dùng vũ lực để giải quyết mọi vấn đề. Đoạn 10, chương 49, kinhKoran viết: “Nếu có hai nhóm tín đồ (Hồi giáo) tranh chấp lẫn nhau, các người hãy đứng ra hòa giải giữa hai bên; nếu sau đó phe này vi phạm đến phe kia, hãy chống lại phe vi phạm cho đến khi chúng trở lại mệnh lệnh của Allah”. Như vậy, Mohammed dạy tín đồ của mình sử dụng vũ lực giữa bản thân các nhóm tín đồ Hồi giáo với nhau.

Còn trong cuộc chiến đấu với người ngoại đạo, Mohammed cổ vũ tín đồ hãy sử dụng toàn bộ sức mạnh họ có trước khi họ giành được thắng lợi cuối cùng. Đoạn 11, chương 57, kinh Korandạy: “Sao các ngươi chẳng chịu chi phí vì con đường của Allah, dù di sản của trời đất đều thuộc về Ngài? Những người đã chi phí và chiến đấu trước Thắng lợi ấy chẳng giống như những người sau đó. Đương nhiên họ sẽ chiếm tước vị cao cả hơn những người đã chi phí và chiến đấu sau đó”. Rõ ràng là, Mohammed đã dạy tín đồ của mình trước khi chiến tranh với người ngoại đạo nổ ra nên tranh thủ cống hiến tất cả những gì họ có.

Vì vậy, khi tín đồ Hồi giáo đánh nhau với người ngoại đạo, người nào cũng dũng cảm xông pha lên trước và không ai dám bỏ chạy thối lui. Trong đoạn 16, chương 8, kinh Koran nói: “Hỡi những kẻ vững lòng tin! Khi các người phải tiến lên chống lại những kẻ bất tín, chớ quay lưng về phía chúng”. Nếu kẻ địch rút chạy, thì đoạn 104, chương 4, kinh Koran dạy rằng: “Chớ nản lòng trong việc theo đuổi kẻ thù. Nếu các ngươi bị khổ ải thì bọn chúng cũng bị khổ ải như các ngươi. Nhưng các ngươi có thể cầu xin nơi Allah những việc mà bọn chúng không thể mong mỏi được. Allah là Đấng toàn tri và khôn ngoan”. Việc “cầu xin nơi Allah” nói đến ở đây chính là việc tín đồ Hồi giáo nhờ “chiến đấu cho con đường của Allah”, tất sẽ được Allah trợ giúp, nếu như chết trên chiến trường cũng chắc chắn có hy vọng được siêu thăng lên thiên đường hưởng sung sướng đời đời.

Tín đồ Hồi giáo tin rằng bất cứ người nào không tin vào Hồi giáo, Allah đều sẽ trừng phạt họ và giao họ cho tín đồ Hồi giáo xử lý. Cho nên, việc giết chết những người không tiếp nhận tín ngưỡng Hồi giáo không những không có tội mà còn làm Allah vui mừng và chắc chắn được Allah ban thưởng cho nữa. Vì vậy, đối với rất nhiều cách ngôn, huấn thị, quy định trong kinh Koran, tín đồ Hồi giáo chưa chắc đã hiểu hết, đừng nói đến chuyện tuân hành trọn vẹn; nhưng có một việc mà những tín đồ của Mohammed lại làm một cách chăm chỉ và cuồng nhiệt đó chính là đi truyền giáo bằng lưỡi gươm.

Giết người thì được lên thiên đường, bỏ chạy thì bị Allah oán giận, như vậy còn ai dám lâm trận mà trốn chạy chứ? Còn ai dám không dốc toàn lực ra mà chém giết chứ? Hồi giáo sở dĩ trở thành một tôn giáo lớn mạnh chính là vì nó chuyên đi chinh phục bằng vũ lực.

5. Kinh Koran

Kinh Koran được cho là những lời dạy của Thiên Chúa truyền xuống nhân gian thông qua sứ giả Mohammed, giống như kinh điển của Đạo giáo Trung Quốc, phần lớn là mượn danh nghĩa của Thái Thượng Lão Quân hoặc Ngọc Hoàng Thượng Đế. Nhưng điểm khác nhau giữa kinh Koranvà kinh điển Đạo giáo là kinh điển Đạo giáo luôn là những cuốn sách do các học giả Đạo giáo ngụy tạo từ đầu đến cuối, khi lưu truyền sách ra nhân gian, họ đều nói là một người nào đó gặp được một vị tiên hay một vị thần nào đó ở một nơi nào đó và được ban cho sách này; còn kinhKoran của Hồi giáo thì do Mohammed lấy tư liệu từ những truyền thuyết của Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo, dùng quan niệm của bản thân dung hợp, kết nối chúng lại với nhau, rồi từng câu từng đoạn, lúc nói lúc không, cứ thế tuyên thuyết cho đến hết đời. Có lẽ vì Mohammed là một người mù chữ, không thể viết được một cuốn sách trọn vẹn, nên từ năm ông 40 tuổi, đến tận ngày thứ 81 trước khi ông từ trần, phải mất tới 23 năm, để ông nói hết tư tưởng tôn giáo của mình. Chính vì khoảng thời gian trước sau cách nhau quá dài, tư tưởng ông nói ra cũng không thể nào nhất quán, hễ có những chỗ mâu thuẫn với nhau, liền lấy thuyết sau để đính chính cho thuyết trước.

Kinh Koran rốt cuộc có bao nhiêu chương, bao nhiêu đoạn, vẫn là một vấn đề gây tranh cãi. Có thuyết là 114 chương, 6247 đoạn; lại có thuyết là 6666 đoạn. Kỳ thực, kinh Koran vốn dĩ không có chương, đoạn cố định, nó chỉ là rất nhiều ghi chép về những lời nói, việc làm của Mohammed được lưu truyền trong các tín đồ Hồi giáo, ban đầu nó được các môn đồ của Mohammed ghi lại trên lá dừa hoặc xương vai cừu, mỗi nơi một ít, không có chút trật tự nào. Sau khi Mohammed qua đời, vào năm 13 kỷ nguyên Hồi giáo (634), Abu Bekr mới thu thập và chỉnh lý những bản ghi chép phân tán này. Đến năm 652, Omar tiếp tục biên soạn lại và hoàn thành trọn vẹn. Sau đó, Zeid, người từng theo hầu Mohammed, chỉnh lý lại một lần nữa, thêm văn vần vào giữa văn xuôi, làm cho bản kinh có lời hay ý đẹp, đáng làm chuẩn mực cho văn học Arab. Người đời sau cho rằng Mohammed không biết chữ, thế mà kinh Koran do Mohammed nói ra lại có chữ nghĩa đẹp đẽ như vậy, chứng minh kinh Koran là tác phẩm của Allah chứ không phải ý riêng của Mohammed. Thực ra thì, kinh Koran hiện nay, ý là của Mohammed, còn chữ là do người khác viết. Dù cho kinh Koran có là do Mohammed sáng tác đi nữa thì cũng chẳng có gì là thần kỳ. Theo lời chú thích thứ 15, chương 8, cuốn Lịch Sử Tây Nam Á của học giả Trình Quang Dụ thì: “Tiếng Arab vô cùng ngắn gọn, câu chữ rõ ràng, dứt khoát... Những bài thơ cổ còn lưu truyền đến ngày nay có vẻ như đã được sáng tác trước thời Mohammed 100 năm, khi đó các thi nhân tuy không biết chữ, nhưng họ xuất khẩu thành thơ với bố cục rất khéo léo”. Điều này có thể đối chiếu với những gì đã được viết ở mục 3, tiết 1 của chương này.

Koran (tiếng Arab là Qu’ran) vốn là từ gọi chung cho “sách vở”, sau này mới chuyên dùng để gọi các bản ghi chép về những lời nói, việc làm của Mohammed với nghĩa là “đọc tụng”, rồi chuyển thành nghĩa là “thiên khải”. Vì thế, bản hợp đính của kinh Koran hiện nay, dĩ nhiên là được hoàn thành sau khi Mohammed chết, nhưng lúc Mohammed mới đem một phần nội dung trong đó ra truyền dạy và được các tín đồ ghi chép lại thành những quyển sách nhỏ riêng lẻ, thì cái tên kinhKoran đã được lưu hành trong các tín đồ ở Mecca và những nơi khác thuộc bán đảo Arab. Ví dụ, sau khi Mohammed bắt đầu truyền giáo không lâu, một tín đồ Hồi giáo đã đưa cho cặp vợ chồng nọ một quyển kinh Koran và dạy họ đọc tụng[11]. Nhưng, tín đồ Hồi giáo ngày nay để phủ nhận sự thực lịch sử rằng phương thức truyền giáo của Mohammed là “một tay cầm kinh Koran, một tay cầm gươm”, đã nói là vào thời Mohammed vẫn chưa có kinh Koran, làm gì có chuyện “một tay cầm kinh Koran, một tay cầm gươm” chứ?[12] Một thời, tôi cũng bị thuyết này làm dao động và cho rằng đó là sự thật, nhưng nay, sau khi nghiên cứu kỹ hơn về Hồi giáo, tôi mới biết là mình tin lầm.

Sau khi kinh Koran được biên soạn xong khoảng 200 năm, đã xuất hiện rất nhiều nhà chú thích kinh, trong số họ có hai người nổi tiếng nhất là Tabari chuyên trần thuật sự việc và Zamahschari chuyên giải thích văn phạm. Hiện nay, sức mạnh của Arab đã tụt hậu, nhưng thực lực của Hồi giáo vẫn không suy yếu, nguyên nhân là vì họ có kinh Koran và sách Hadith làm vốn liếng để khoe khoang với văn hóa thế giới, nếu họ mà bỏ kinh Koran đi thì sẽ không cách gì tồn tại nổi.

Ngôn từ trong kinh Koran có phải là do chính Mohammed nói hay không, các học giả đã tranh luận rất nhiều về vấn đề này, riêng Herbert Wells thì cho rằng: “Những ngôn từ này có thể không cao siêu, thần thánh như những lời mà Jesus đã nói, nhưng chúng để lại cho thế giới một truyền thống đáng quý về sự xử thế công bằng, chúng mang một tinh thần rộng lượng, hợp với nhân đạo và rất dễ thực hành.”[13] Nhưng, dường như, những di huấn trong kinh Koran tương phản với những gì Mohammed đã làm trong quãng thời gian ông còn đương quyền. Cũng may, đối tượng mà tín đồ Hồi giáo sùng bái là kinh Koran và Chúa Allah chứ không phải là Mohammed.

Hơn nữa, những ngôn từ trong kinh Koran đều mang bối cảnh thời đại của riêng chúng, không hề chú ý đến bối cảnh của hàng trăm, hàng ngàn năm sau, thời đại đã khác nhau thì tính thích ứng tự nhiên cũng sẽ bị hạn chế. Ví dụ, những ghi chép về việc thiên đường chia thành 7 tầng làm tín đồ Hồi giáo ngày nay cảm thấy nghi hoặc, khó hiểu; hay những ghi chép về việc thiên đường có rượu ngon và gái đẹp cũng làm cho tín đồ Hồi giáo ngày nay cảm thấy không thích, khó chịu. Thế là Thời Tử Chu đề xuất rằng, khi đọc kinh Koran “phải bỏ đi bối cảnh của thời Mohammed, phải dùng kinh để suy xét, đoán định các sự việc ở hiện tại và các hành vi của cá nhân, làm cho những lời giáo huấn trong kinh có sự kết nối với các biểu hiện của thế sự và các hành vi cá nhân”[14]. Đây là một cách nghĩ rất sáng suốt, đáng tiếc là, nếu bỏ đi bối cảnh thời Mohammed mà suy xét, đoán định sự việc ở hiện tại, thì chẳng phải là lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia hay sao? Chẳng phải là lập lờ đánh lận con đen hay sao? Như thế thì còn có quan hệ gì với bản ý của Mohammed nữa? Đương nhiên, người có thể có được kiến giải như thế này, đích thực là một tín đồ Hồi giáo đáng khâm phục (Thời Tử Chu là người đã dịch kinh Koran ra tiếng Trung Quốc). Tuy nhiên, điều đáng tiếc hơn nữa là, tuyệt đại đa số tín đồ Hồi giáo lại chỉ biết xem kinh Koran như ngẫu tượng để sùng bái, không hề biết những lời giáo huấn trong kinh là gì, đừng nói đến chuyện thực hành theo những lời giáo huấn đó. Chỉ có điều, đa phần tín đồ Hồi giáo đều có thể hiểu được 3 yếu chỉ lớn của kinh Koran: một là, tin vào một Thiên Chúa duy nhất; hai là, Mohammed là nhà tiên tri được Thiên Chúa giao cho sứ mạng truyền giáo; và ba là, tuân thủ nghiêm ngặt thuyết định mệnh.

TIẾT 4: NGHI LỄ VÀ SỰ TRUYỀN BÁ CỦA HỒI GIÁO 

 

1. Thực tiễn đời sống tín đồ Hồi giáo

Đời sống tôn giáo của một tín đồ Hồi giáo có 5 bổn phận chính, được coi là “năm cột trụ của Hồi giáo”, bao gồm:

a. Shahadah (tuyên xưng): Tuyên xưng một cách công khai câu: “Tôi công nhận Allah là Thượng đế duy nhất, ngoài ra không có ai khác nữa, và tôi công nhận Mohammed là vị sứ giả cuối cùng của Ngài”.

b. Salat (cầu nguyện): Mỗi ngày vào giờ đã định, tín đồ Hồi giáo lễ bái, cầu nguyện 5 lần: lần 1, vào lúc bình minh trước khi mặt trời mọc, cử hành lễ sáng[1]; lần 2, từ 12 giờ 30 trưa đến 15 giờ 30 chiều, cử hành lễ trưa[2]; lần 3, từ sau 16 giờ chiều đến 30 phút trước khi mặt trời lặn, cử hành lễ chiều[3]; lần 4, sau khi mặt trời lặn lập tức cử hành lễ hoàng hôn[4]; lần 5, bất cứ lúc nào vào buổi tối đều có thể cử hành lễ tối[5].

Ngoài việc mỗi người lễ bái cá nhân 5 lần một ngày, còn có quy định về việc lễ bái tập thể được tổ chức tại các thánh đường do các Imam (thầy tế) chủ trì, đó là: lễ bái vào ngày tụ họp (Jum’ah) cử hành thứ 6 hàng tuần; lễ bái vào lễ cầu nguyện al-Faridah cử hành hàng ngày; lễ bái vào lễ kết thúc tháng Ramadan[6] và lễ hiến sinh[7]; lễ bái trong tháng Ramadan; lễ bái trong lễ tang. Mỗi loại lễ bái đều có nghi thức và bài tụng niệm riêng.

c. Zakat (bố thí): Mỗi năm bỏ ra 1/40 tài sản của mình để cứu tế người nghèo, nộp vào ngày cuối cùng của tháng Ramadan hoặc những ngày diễn ra lễ kết thúc tháng Ramadan mỗi năm. Tín đồ Hồi giáo còn có thể bố thí cho chính họ và cho con cái của họ mỗi người một năm 4 pound rưỡi đến 5 pound lúa mì hoặc số tiền có giá trị tương đương, việc bố thí này gọi là Zakat ul-Fitr hoặc Sadaqat ul-Fitr. Số tiền quyên góp được sẽ dùng để cứu giúp những tín đồ Hồi giáo nghèo khổ và sử dụng làm chi phí cho công việc hành chính của giáo hội cũng như các hoạt động quân sự.

d. Sawm (nhịn ăn): Vào tháng 9 hàng năm theo lịch Hồi giáo, tín đồ phải chay tịnh trong vòng một tháng. Theo lời tín đồ Hồi giáo, việc chay tịnh của Hồi giáo là để cải thiện tình trạng của con người cả về đạo đức lẫn tinh thần; mục đích của chay tịnh là giúp cho con người học được cách làm thế nào để không phạm phải lỗi lầm, nên chay tịnh không chỉ là cấm ăn (vào ban ngày) mà còn là cấm làm những việc tội lỗi[8]. Thời gian nhịn ăn của họ là từ lúc bình minh cho đến tối, ban ngày thì cấm, còn ban đêm thì có thể ăn uống. Vào buổi tối trong tháng chay, tín đồ Hồi giáo vẫn có thể ân ái với vợ mình. Allah dạy trong kinh Koran rằng: “Họ là y phục của các ngươi và các ngươi là y phục của họ”[9]. Mục đích của chay tịnh không phải là đoạn tuyệt ăn uống, đoạn tuyệt dâm dục, đoạn tuyệt tài sản, mà là rèn luyện họ không được tham ăn uống, tham dâm dục và tham tài sản[10].

e. Hajj (hành hương): Nếu điều kiện cho phép, tín đồ Hồi giáo trong một đời tối thiểu phải về Thánh địa Mecca viếng đền Ka’aba một lần, việc làm này thường được gọi là hành hương.

Ở trên là 5 bổn phận chính mà một tín đồ Hồi giáo phải thực hiện. Ngoài ra, họ còn phải tuân thủ 4 lời răn là: không làm việc mất danh dự; không ăn thịt heo, không uống rượu; không cho vay nặng lãi; và không chống trái mệnh lệnh của Allah.

 

2. Đức tin của tín đồ Hồi giáo

Tín đồ Hồi giáo phải giữ 7 đức tin, giống như Kinh Tin Kính của Cơ Đốc giáo vậy, 7 đức tin đó là: tin Allah, tin thiên thần, tin thiên kinh, tin các tiên tri, tin có đời sau, tin mọi việc dù thiện hay ác đều do Allah tiền định và tin người chết sẽ sống lại. Giờ xin lần lượt giới thiệu như sau:

a. Tin Allah: Thiên Chúa Allah là độc nhất vô nhị, là một ngôi một thể. Ngài sáng tạo và dưỡng nuôi vũ trụ, Ngài là bậc toàn năng, toàn tri, đại từ, đại thiện, Ngài là đấng hằng hữu, Ngài thương xót con người cùng vạn vật, Ngài không do ai sinh ra mà cũng không sinh ra ai.

b. Tin thiên thần: Tất cả thiên thần đều là những thực thể tinh thần linh diệu do Allah tạo ra, nghe theo mệnh lệnh của Allah và làm tôi tớ cho Allah. Họ không ăn uống, cũng không ngủ nghỉ. Số lượng của họ nhiều không kể xiết. Thiên thần nói đến ở đây cũng chính là các thiên sứ. Nhưng Hồi giáo cho rằng thiên thần và tiên tri cũng giống như những tín đồ Hồi giáo bình thường đều là nô bộc của Allah, nên Hồi giáo không lễ bái thiên thần, không lễ bái tiên tri mà chỉ lễ bái Allah.

c. Tin thiên kinh: Thiên kinh chỉ cho những bản thánh kinh của Hồi giáo. Về nguyên tắc, tín đồ Hồi giáo tin vào kinh của Moses, thơ của David và Solomon, Tân Ước của Jesus và kinh Korancủa Mohammed; nhưng trên thực tế, họ cho rằng kinh Koran đã thay thế cho tất cả các kinh khác, nên chỉ cần tin một mình kinh Koran là đủ. Tín đồ Hồi giáo cho rằng bộ kinh Koran chứa đựng tất cả động thái của thế giới và nhân loại như tôn giáo, xã hội, chính trị, gia sự, kinh tế, quân sự... Kinh Koran là chỉ nam cho tất cả.

Kỳ thực, trừ sắc thái mê tín mang tính thần thoại và lộng quyền ra, trong kinh Koran thật sự có không ít cách ngôn đáng được phổ biến rộng rãi. Nhưng nếu nói kinh Koran đã bao quát hết thảy chỉ nam về học vấn thì đó chỉ là sự tự khoa trương của tín đồ Hồi giáo.

d. Tin các tiên tri: Các tiên tri chính là các nhà dự đoán. Hồi giáo đã lấy truyền thuyết của Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo làm nền tảng, nên cũng tin hơn 20 vị tiên tri trong Cựu Ước và Tân Ước, như Adam, Abraham, Aaron, Job, Moses, David, Solomon, Jesus... Trong kinh Koran, Allah cũng đã nói với Mohammed rằng: “Trước ngươi, ta từng cử xuống nhiều sứ giả, có người ta đã nói cho ngươi biết đôi điều về họ, nhưng có người ta chưa từng nói gì với ngươi”. Điều này làm cho tính riêng biệt của tín đồ Hồi giáo giảm thiểu hơn so với tín đồ Cơ Đốc giáo, nhờ đó, sau này, về mặt tôn giáo, họ không còn cưỡng bức các dân tộc bị họ chinh phục cải đạo sang Hồi giáo nữa. Các quốc gia Hồi giáo hiện nay, ngược lại, đã có thể bảo vệ cho những tôn giáo dị biệt như Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo, thậm chí là Phật giáo. Đương nhiên, vẫn như trước đây, họ luôn giữ niềm tin kiên định rằng chỉ có Mohammed mới là người thành công nhất, vĩ đại nhất trong số các nhà tiên tri.

e. Tin có đời sau, hoặc là thiên đường, hoặc là địa ngục.

f. Tin những điều họa phúc của con người đều đã được quyết định ngay từ khi Allah sáng tạo ra vạn vật. Đây chính là thuyết định mệnh.

g. Tin người chết sẽ sống lại vào ngày tận thế để chịu sự phán xét cuối cùng của Allah.

3. Những giới cấm của Hồi giáo

Đoạn 91, chương 5, kinh Koran nói: “Hỡi những kẻ có lòng tin! Rượu chè, cờ bạc, ngẫu tượng, chiêm đoán là những hành vi ghê tởm của Satan. Vì vậy hãy lánh xa chúng rồi các ngươi sẽ được vinh hiển”. Trong số này, rượu là thứ bị Hồi giáo đặc biệt nghiêm cấm, thậm chí uống một ít rượu ngọt, rượu nho, bia thường, bia đen cũng không được phép. Bất kỳ đồ uống có cồn nào họ đều cho là không thanh khiết. Điều này trái ngược hẳn với việc trong thiên đường của họ có rượu.

Cùng với giới cấm uống rượu còn có các giới cấm khác như: không được hiềm nghi, oán hận, nói dối, căm ghét, hoang dâm... Họ cho rằng những điều này đều là căn nguyên thúc đẩy con người phạm vào tội lỗi.

Điều cấm kỵ lớn nhất của tín đồ Hồi giáo là không ăn thịt heo. Thực ra, nếu chiếu theo lời kinhKoran thì: “Ngài chỉ cấm các ngươi ăn xác chết, máu tươi, thịt heo và phẩm vật đã được cúng hiến cho những kẻ khác ngoài Allah”[11] và “Các ngươi không được ăn những món sau đây, tức là thịt của xác chết, máu, thịt heo và những món đã được cúng hiến cho kẻ khác ngoài Allah, những thú vật đã bị bóp cổ chết, hoặc bị đánh chết, hoặc bị rơi từ trên cao xuống mà chết, hoặc bị đâm chết, hoặc đã bị các dã thú khác cắn xé, chỉ trừ trường hợp những thú vật mà đích thân các ngươi giết”[12]. Theo lời giải thích của các tín đồ Hồi giáo, những điều cấm kỵ này là vì lý do vệ sinh, không có gì thần bí cả. Nhưng theo nghiên cứu của đa số học giả thì họ thấy rằng hoàn cảnh tự nhiên của Arab rất khó nuôi heo, vì lý do kinh tế nên Hồi giáo mới cấm ăn thịt heo, không phải như tín đồ Hồi giáo thổi phồng lên là ăn thịt heo không hợp vệ sinh. Dù lý do là gì, việc Hồi giáo không ăn thịt heo hoàn toàn khác việc Phật giáo không sát sinh, Phật giáo vì lòng thương xót chúng sinh mà không nỡ ra tay giết hại, còn Hồi giáo đều là vì việc đó có quan hệ lợi hại đến bản thân họ mà thôi.

4. Sự truyền bá Hồi giáo

Sau khi Mohammed qua đời vào năm 632, các tín đồ của ông lập nên một chế độ gọi là khalifah[13] và thường xuyên tuyển chọn hết người này đến người khác kế nhiệm nhau đảm đương chức vụ này. Hình thức chính phủ của họ là chính trị thần quyền.

Các khalifah đã sử dụng những phương pháp sau để các tộc người Arab tận trung với họ: một là, bất cứ kẻ nào xâm lược lãnh thổ của các tộc người Arab đều phải bị trừng phạt; hai là, tổ chức các đội quân viễn chinh chuyên đi đánh cướp những người không phải tín đồ Hồi giáo ở Syria, Mesopotamia và Ai Cập; ba là, người Arab nhờ chế độ khalifah mà học được cách hành động đoàn kết theo hình thức tập đoàn; bốn là, họ đánh nhau với những dân tộc tương đối khai hóa như người La Mã và người Ba Tư, lấy chiến tranh để thỏa mãn dục vọng muốn có nhiều của cải của mình.

Năm 635, tín đồ Hồi giáo chiếm lĩnh Damascus; năm sau, một cánh quân của hoàng đế La Mã tiếp tục bại trận dưới tay họ; năm 638, họ hạ thành Jerusalem; hai năm sau đó, cứ điểm quan trọng cuối cùng ở Syria của đế quốc La Mã cũng thất thủ. Thế là, quân Hồi giáo phía bắc xâm chiếm Armenia, phía nam đánh vào Ai Cập, đến năm 646 lấy xong thành Alexandria, rồi từ Ai Cập phát triển về phía tây, lần lượt chinh phục Tripoli, Tunis, Algeria và Morocco, đánh dấu chấm hết cho quyền thống trị của La Mã ở Bắc Phi, đồng thời biến người Berber và người Moors thành tín đồ Hồi giáo.

Một cánh quân Hồi giáo khác, năm 637, đã xâm nhập vào vương quốc Ba Tư, dành được thắng lợi mang tính quyết định ở chiến trường Kedessia, chiếm lĩnh lưu vực của hai con sông Tigris và Euphrates, rồi thừa thắng đánh vào vùng bản thổ của Ba Tư, khai tử vương triều Sassanid, và trở thành chủ nhân của Ba Tư.

Năm 711, người Arab cầm đầu người Berber và người Moors vượt qua eo biển Gibraltar đánh vào Tây Ban Nha, không lâu sau, toàn bộ bán đảo Tây Ban Nha trừ vùng núi góc Tây Bắc đều rơi vào tay tín đồ Hồi giáo. Từ đó về sau, Tây Ban Nha trở thành một quốc gia Hồi giáo, kéo dài tới 800 năm.

Đánh xong Tây Ban Nha, quân Hồi giáo lại vượt qua dãy núi Pyrenees, tấn công nước Pháp. Nhưng vào năm 732, họ thất bại trong trận tao ngộ chiến với Charles Martel, một lãnh tụ người Frank tín ngưỡng Cơ Đốc giáo, từ đó thế lực của Hồi giáo bị chặn lại ở phía nam dãy núi Pyrenees.

Còn ở phương Đông, quân Hồi giáo cũng đã chinh phục Trung Á, tiến thẳng vào Ấn Độ và Trung Quốc. Trong vòng không đến 300 năm, 90% dân số Indonesia trở thành tín đồ Hồi giáo và 100% người Malaysia đã tin vào kinh Koran. Philippines trước năm 1527 cũng có 80% dân số tiếp nhận tín ngưỡng Allah, sau này do bị Tây Ban Nha đô hộ nên Philippines mới trở thành một quốc gia Cơ Đốc giáo.

 

TIẾT 5: HỒI GIÁO Ở TRUNG QUỐC 

 

1. Hồi giáo bắt đầu truyền vào Trung Quốc

Hồi giáo du nhập vào Trung Quốc theo 2 đường thủy, bộ. Đường thủy là từ biển Arab, sang Ấn Độ Dương, vòng qua bán đảo Mã Lai, đi theo biển Nam Trung Hoa[1], đến Quảng Châu. Họ đã xây dựng ở Quảng Châu tòa thánh đường Hồi giáo đầu tiên tại Trung Quốc. Một học giả cận đại tên là Tưởng Quân Chương, trong bài viết mang tên Nhận Thức Về Hồi Giáo Của Tôi nói rằng việc này xảy ra vào năm Khai Hoàng thứ 7 đời Tùy Văn Đế (587). Nhưng sự thực thì Mohammed năm đó mới có 18 tuổi, nên ý kiến này rất không đáng tin. Đường bộ là từ bán đảo Arab, băng qua Ba Tư và Trung Á, vượt cao nguyên Pamir, vào Tây Vực, xuyên qua vùng Thiên Sơn Nam Lộ[2], đi dọc theo Hành lang Hà Tây ở tỉnh Cam Túc, và đến kinh đô Trường An vào cuối triều Đường. Chúng ta biết rằng, Mohammed từ trần vào năm 632, thời của Mohammed đúng ngay vào thời Sơ Đường phồn thịnh của Trung Quốc, các nước Tây Vực khi đó vẫn còn tín ngưỡng Phật giáo. Vì thế, thời điểm người Hồi ở Tây Vực chuyển sang tín ngưỡng Hồi giáo còn muộn hơn rất nhiều. Theo ghi chép trong Tống Sử: “Năm Hy Ninh thứ nhất đời vua Tống Thần Tông (1068), người Hồi Hột vào cung triều cống, xin mua kinh Đại Bát-nhã bằng chữ Kim, vua ban cho họ bản viết mực”. Đủ biết người Hồi lúc này vẫn là tín đồ Phật giáo.

Tây Vực, tức tỉnh Tân Cương của Trung Quốc ngày nay, có dãy núi Altai chót vót ở phía bắc, dãy núi Côn Lôn sừng sững ở phía nam và dãy núi Thiên Sơn ở giữa xuyên suốt từ đông sang tây. Phật giáo xuất hiện ở Tây Vực sớm nhất đa phần là ở các nước phía nam dãy Thiên Sơn như Quy Từ, Vu Điền... Mà người Hồi (còn gọi là Hồi Hột) vốn chịu sự thống trị của nước Tây Đột Quyết, định cư ở phía bắc Thiên Sơn, nên họ tiếp nhận Phật giáo tương đối trễ, chịu ảnh hưởng của Hồi giáo thì càng muộn hơn.

Trong trang 71, sách Đại Cương Lịch Sử, Địa Lý Tân Cương của Hồng Địch Trần cũng nói: “Cuối đời Đường, Phật giáo ở vùng Thiên Sơn Nam Lộ dần dần suy thoái, Hồi giáo bèn nhân cơ hội đó mà lan ra khắp vùng này”. Thực ra, vào cuối đời Đường, người Hồi vẫn chưa tin theo Hồi giáo, và tên gọi “Hồi giáo” thì phải đến vài trăm năm sau nữa mới xuất hiện.

Tưởng Quân Chương, cũng trong bài viết Nhận Thức Về Hồi Giáo Của Tôi, nói rằng: “Danh từ Hồi giáo chính thức được sử dụng trên văn bia của ngôi chùa Hồi giáo ở Định Châu bắt đầu từ năm Chí Chính thứ 8 (1348). Chí Chính là niên hiệu của vua Nguyên Thuận Đế, nên có thể thấy rằng, đến tận những năm cuối của triều Nguyên, tên gọi Hồi giáo mới ra đời”.

2. Sự truyền bá Hồi giáo tại Trung Quốc

Hồi giáo hiện là một trong ba tôn giáo lớn nhất thế giới. Giáo lý của Hồi giáo đơn giản, dễ thực hành. Nó chú trọng vào truy cầu đời sống hiện thực, tuy nó hướng về thiên đường, nhưng thiên đường đó chẳng qua cũng chỉ là sự mỹ hóa đời sống thế tục, nên rất thích ứng với yêu cầu của những người còn tham luyến thế gian. Đồng thời, Hồi giáo không lễ bái ngẫu tượng, không có sự phô trương hình thức vô vị, nên cũng rất thích hợp với tác phong chất phác của các dân tộc vùng biên cương. Đây là nguyên nhân thứ nhất giúp Hồi giáo lưu truyền dài lâu và không bị suy thoái ở Trung Quốc.

Tuy vào đời nhà Thanh đã nhiều lần nổ ra các cuộc bạo loạn của những người theo đạo Hồi, nhưng nhìn chung tín đồ Hồi giáo ở Trung Quốc vẫn chưa truyền giáo bằng cách sử dụng vũ lực trên quy mô lớn; ngược lại, để thích ứng với văn hóa vốn có của Trung Quốc, họ đã cổ xúy mạnh mẽ sự câu thông giữa tư tưởng Nho giáo và Hồi giáo, giúp đỡ Nho giáo công kích Phật giáo và Đạo giáo. Đây là nguyên nhân thứ hai.

Tên gọi “Hồi giáo” bắt đầu xuất hiện từ cuối đời Nguyên, triều đình nhà Nguyên cũng đặc biệt chiếu cố đến người Hồi, những người mà thời đó được gọi là “Sắc mục nhân”. Nhiều vị đại tướng khai quốc triều Minh được Chu Nguyên Chương trọng dụng như Thường Ngộ Xuân, Hồ Đại Hải, Mộc Anh, Lam Ngọc... cũng đều là tín đồ Hồi giáo. Như vậy, thứ tôn giáo của người Arab này, từ vùng biên cương, dần dần đã phổ biến khắp lãnh thổ Trung Quốc. Đây là nguyên nhân thứ ba.

Có một điều thú vị là rất nhiều người Hồi ở vùng biên cương Trung Quốc mang họ Mã. Nguyên nhân của việc này là do nhà Minh dịch tên của Mohammed thành “Mã Mộc Đặc”, tín đồ của Mohammed thì được gọi là “dân Mã”, họ luôn phải đặt thêm từ “Mã Mộc Đặc” vào trước tên gốc của mình, kết quả là rất nhiều tín đồ Hồi giáo đã trở thành người họ Mã.

Trên thực tế, Hồi giáo hiện nay không còn hạn hẹp ở một dân tộc nào nữa. Hồi giáo hoàn toàn không phải là tôn giáo được người Hồi tín ngưỡng đầu tiên. Lúc mới đến Trung Quốc, tuy nó chủ yếu được xem là tín ngưỡng của người Hồi, nhưng về sau đã phổ cập đến các dân tộc khác như Hán, Mãn, Mông... Theo số liệu chính thức do Cục thống kê của chính phủ Đài Loan công bố vào năm Dân Quốc 33 (1944) thì số tín đồ Hồi giáo Trung Quốc là 48.104.240 người, tương đương với 1/10 dân số toàn quốc khi đó. Trừ tỉnh Đài Loan, các tỉnh trong Đại Lục không nơi nào không có dấu tích của tín đồ Hồi giáo. Họ phân bố với mật độ đông đúc nhất ở các vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Hà Nam và Hà Bắc. Sức đoàn kết của họ rất mạnh mẽ, do tín ngưỡng của Hồi giáo, họ tuyệt đối không kết hôn với người ngoại đạo, ai không phải tín đồ Hồi giáo muốn cưới một người con gái theo đạo Hồi hoặc muốn gả con gái cho một người con trai theo đạo Hồi thì bắt buộc phải gia nhập Hồi giáo; con cái của tín đồ Hồi giáo sinh ra cũng đã là tín đồ Hồi giáo; khi tín đồ Hồi giáo đi ra ngoài, họ không ngủ lại nhà người ngoại đạo và không ăn uống những thứ người ngoại đạo cho. Vì những lý do trên, Hồi giáo đã hình thành nên một tập thể xã hội lớn của riêng họ, số lượng tín đồ Hồi giáo cũng tăng mãi không ngừng. Tuy nhiên, từ thời cận đại đến nay, nhờ trình độ dân trí ngày một mở rộng, đã có không ít tín đồ Hồi giáo bỏ đạo hoặc cải đạo, sự cách ly với đời sống cộng đồng của họ cũng không còn nghiêm chỉnh như xưa.

3. Các tông phái của Hồi giáo

Khảo sát lịch sử Hồi giáo chúng ta thấy được rằng, từ năm 661, Hồi giáo chính thống của Mohammed đã cáo chung do cuộc nội loạn trong đế quốc Arab. Vào năm 661 đó, em họ và cũng là con rể của Mohammed là Ali Talib, người vừa được chọn làm vị khalifah thứ 4 không lâu, đã bị ám sát trong cuộc tạo phản của phe ly khai Kharijites. Sau khi Ali chết, Muawiyah của gia tộc Umayyad đã tự xưng là khalifah, lập nên triều đại Umayyad. Việc Ali bị ám sát đã đánh dấu chấm hết cho Hồi giáo chính thống.

Sau khi nhà Umayyad được sáng lập, con cháu của Abbas, cậu của Mohammed, cũng lập ra phái Abbasid, lấy Khorasan làm căn cứ địa. Vì tín đồ phái Abbasid tôn sùng màu đen, nên trong lịch sử, người Trung Quốc gọi họ là Hắc Y Đại Thực hoặc Hắc Sơn Tông, tục gọi là Hắc Mạo Hồi. Có đến vài dân tộc khác nhau ở Trung Quốc tin theo phái Abbasid, tộc Duy Ngô Nhĩ cũng nằm trong hệ thống của phái này.

Nhà Umayyad bị nhà Abbasid tiêu diệt vào năm 750, hậu duệ của gia tộc Umayyad trốn sang Ai Cập, rồi từ Ai Cập đến Tây Ban Nha, xây dựng tại đó một đế quốc Arab ở phương Tây. Vì phái này tôn sùng màu trắng, nên trong lịch sử, người Trung Quốc gọi họ là Bạch Y Đại Thực, hoặc Bạch Sơn Tông, tục gọi là Bạch Mạo Hồi.

Lại nữa, sau khi con rể Ali của Mohammed bị ám sát, hậu duệ của ông chạy sang Ba Tư, để kỷ niệm Fatima, là con gái của Mohammed và là vợ của Ali, họ đã sáng lập ra phái Fatima. Vì phái này tôn sùng màu xanh lục, nên trong lịch sử, người Trung Quốc gọi họ là Lục Y Đại Thực. Đến thế kỷ thứ X, tín đồ phái này chiếm Ai Cập và dựng nên vương triều Fatima.

Còn về Hồi giáo ở Tân Cương, Trung Quốc thì ngay từ đầu đã chia thành hai hệ phái là Hắc phái và Bạch phái. Vì Hồi giáo không phải là tôn giáo của riêng người Hồi, nên tên gọi “Hồi giáo” thực ra hoàn toàn không chính xác. Người phương Tây gọi tôn giáo này là Mohammedanism, tên gọi này tương đối hợp lý, nhưng tín đồ Hồi giáo lại không chịu gọi tôn giáo của mình như vậy, họ thích cái tên “Islam giáo” hơn.

4. Các hệ phái Hồi giáo ở Trung Quốc

Hồi giáo ở Trung Quốc trừ hai phái Hắc, Bạch vốn chỉ giới hạn ở vùng Tân Cương, còn được phân chia thành Tân phái và Cựu phái. Nhìn chung, các tỉnh ở 3 lưu vực sông Hoàng Hà, Trường Giang và Châu Giang, đều thuộc về Cựu phái; còn vùng biên cương phía Tây Bắc thì thuộc về Tân phái.

Cựu phái Hồi giáo chiếm khoảng 60% tổng số tín đồ đạo Hồi. Họ đa phần có thể nhập gia tùy tục, tức có thể tiếp nhận những tập tục ở nơi mình cư trú. Họ không có một cơ cấu tổ chức chung thống nhất và không có nhân vật lãnh đạo như kiểu tổng giám mục bên Cơ Đốc giáo. Người phụ trách các Thanh Chân Tự, tức chùa Hồi giáo, được gọi là A Hồng (Imam), cũng thường gọi là Giáo trưởng hoặc Giáo sư. Họ là nhân vật trung tâm nắm vai trò tổ chức và lãnh đạo giáo dân ở một địa phương. Chức vụ này được tuyển chọn ra bởi ban cai quản của các chùa Hồi giáo, giống như ban giám đốc hay hội đồng quản trị vậy. Đối tượng được tuyển chọn là những tín đồ Hồi giáo trong cùng giáo phái có tài đức vẹn toàn, nhiệm kỳ là 1 năm, liên nhiệm nhiều năm, hoặc vô thời hạn.

Tân phái Hồi giáo thực ra là có nguồn gốc từ sự phản đối việc nhập gia tùy tục của Cựu phái. Họ chỉ trích Cựu phái đã làm trái những lời huấn thị trong kinh Koran mà Allah ban xuống, đề xướng tôn sùng kinh Koran, hộ trì Hồi giáo, và sáng lập ra chế độ “môn quan” (giống với giám mục của Cơ Đốc giáo). Tân phái lấy Thiểm Tây và Cam Túc làm trung tâm, họ có rất nhiều giáo phái, nhưng chủ yếu nhất là 4 phái sau đây:

a. Phái Triết-hợp-lặc-da: Tên phái này nghĩa là “tuyên dương chánh đạo”. Sáng lập vào nửa sau thế kỷ thứ X. Môn quan của phái này tại chức trọn đời và theo chế độ cha truyền con nối.

b. Phái Hổ-phi-da: Tên phái này nghĩa là “giấu điều cơ mật”. Thời gian sáng lập gần như trùng với phái trên. Môn quan đầu tiên là ngài Hoa Tự, sau khi Hoa Tự qua đời, phái này bỏ chế độ môn quan, chuyển sang chế độ cai quản chung.

c. Phái Ha-địch-lặc-da: Tên phái này nghĩa là “xuất gia tu thân”. Môn quan của phái này lấy xuất gia làm điều kiện tất yếu, hễ giáo dân nào đông con thì có thể cho một người con xuất gia, hoặc bản thân họ tự nguyện xuất gia tu hành, nghiên cứu giáo lý. Điều này trái ngược hoàn toàn với di huấn về chủ nghĩa đa thê của Mohammed. Phái này sáng lập rất muộn, khoảng vào đầu thế kỷ XIX, tương đương với những năm Đạo Quang đời vua Tuyên Tông triều Thanh (1821 - 1850).

d. Phái Khố-bố-lặc-da: Tên phái này nghĩa là “nuôi tâm dưỡng tánh”. Phái này cũng sáng lập vào những năm Đạo Quang.

Hồi giáo ở Trung Quốc tuy có rất nhiều giáo phái, nhưng chung quy lại thì độ sâu giáo lý của họ có hạn, cho dù là phái nào, đều không phát huy được gì về mặt giáo lý, hơn nữa tính bảo thủ của họ cũng rất kiên cố. Những tín đồ Hồi giáo cởi mở nhất cùng lắm là dịch kinh Koran từ tiếng Arab sang ngôn ngữ của họ để đọc tụng. Có điều, họ luôn cảm thấy chỉ có ngữ văn Arab mới là loại ngữ văn thiêng liêng được Thiên Chúa Allah yêu thích, giống như tín đồ Do Thái cho rằng chỉ có ngữ văn Hebrew mới là ngữ văn của Yahweh vậy. Rõ ràng là, điều này không giống với Phật giáo, tín đồ Phật giáo tin rằng đức Phật có thể dùng một loại âm thanh đồng thời nói ra ngôn ngữ của hết thảy các nước, và đương nhiên Ngài cũng có thể hiểu được tất cả ngôn ngữ khác nhau. Hơn nữa, khi Phật còn tại thế, Ngài đã tuyên bố rõ ràng rằng: các Tỳ-kheo có thể tụng giới tùy theo phương ngôn của mỗi người.

 


 

339. Từ “ka’aba” trong tiếng Arab có nghĩa là “hình vuông”.

340. Nghĩa là “người hầu của Manif”, Manif là thần của thành Mecca.

341. Mục 3, chương 31, Đại Cương Lịch Sử Thế Giới.

342. Những lời kinh này ngày nay được biên chép lại trong đoạn 1 đến đoạn 7, chương 74 của kinh Koran.

343. Trang 28, Truyện Mohammed.

344. Bốn tháng 1, 9, 10, 12 là những tháng cấm trong lịch Arab, phong tục Arab khi đó là trong các tháng này, thù hận giữa các bộ tộc đều phải tạm thời dẹp bỏ, không được đánh giết nhau, phải chung sống hòa bình.

345. Với tình trạng giao thông khi đó, hành trình cả đi lẫn về hai địa điểm trên phải mất 2 tháng.

346. Bộ sách có nội dung là những lời nói của Mohammed lúc sinh thời được tín đồ ghi chép lại sau khi ông tạ thế.

347. Mục 3, chương 31, Đại Cương Lịch Sử Thế Giới.

348. Đoạn 8, chương 42, kinh Koran.

349. Đoạn 82, chương 2, kinh Koran.

350. Trang 52, Năm Mươi Bài Giảng Tiếp Theo Về Giáo Lý Đạo Hồi.

351. Đoạn 162, chương 2, kinh Koran.

352. Đoạn 138, chương 2, kinh Koran.

353. Những năm cuối đời của Mohammed cũng đã vui vầy với rất nhiều mỹ nữ.

354. Đoạn 4, chương 4, kinh Koran.

355. Đoạn 26, chương 2, kinh Koran.

356. Đoạn 16, chương 3, kinh Koran.

357. Jannah

358. Trang 116, Truyện Mohammed của Hùng Chấn Tông.

359. Xem bài viết của ông Tôn Thằng Vũ trong Tạp chí Nhân sinh Hồng Kông.

360. Mục 4, chương 31, Đại Cương Lịch Sử Thế Giới.

361. Trang 82, Năm Mươi Bài Giảng Tiếp Theo Về Giáo Lý Đạo Hồi.

362. Salat al-Fajr.

363. Salat al-Zuhr.

364. Salat al-Asr.

365. Salat al-Maghrib.

366. Salat al-Isha.

367. Eid al-Fitr.

368. Eid al-Adha.

369. Chú thích số 184, Kinh Koran Quốc Ngữ của Thời Tử Chu.

370. Đoạn 188, chương 2, kinh Koran.

371. Trang 19, Năm Mươi Bài Giảng Tiếp Theo Về Giáo Lý Đạo Hồi của Thời Tử Chu.

372. Đoạn 174, chương 2, kinh Koran.

373. Đoạn 4, chương 5, kinh Koran.

374. Khalifah nghĩa là người kế thừa và đại biểu cho Mohammed.

375. Biển Đông của Việt Nam.

376. Vùng đất phía nam dãy núi Thiên Sơn.

375. Biển Đông của Việt Nam.

376. Vùng đất phía nam dãy núi Thiên Sơn.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/08/2019(Xem: 13995)
Đức Phật là đấng đạo sư, là bậc thầy của nhân loại, nhưng ngài cũng là nhà luận lý phân tích, nhà triết học, nhà giáo dục vĩ đại. Kinh tạng Pāli cho chúng ta thấy rõ về các phương phápgiảng dạy của đức Phật một cách chi tiết. Tùy theo từng đối tượng nghe pháp mà Ngài có phương thức truyền đạt khác nhau. Chúng sanh có vô lượng trần lao, phiền não, thì Phật pháp có vô lượng pháp môn tu. Nếu sử dụng đúng phương pháp thì hiệu quả giảng dạy sẽ đạt được kết quả tốt. Tri thứcPhật học là nguồn tri thức minh triết, là giáo lý để thực hành, lối sống, do đó phương pháp giảng dạy là vấn đề vô cùng cần thiết để giới thiệu nguồn tri thức minh triết ấy.
05/06/2019(Xem: 19701)
Niệm Định Tuệ Hữu Lậu & Niệm Định Tuệ Vô Lậu Phật Đản 2019 – Phật lịch 2563 Tỳ kheo Thích Thắng Giải , Ngôn ngữ là một phương tiện để diễn tả đạo lý, nhưng thể thật của đạo thì vượt ra ngoài ngôn ngữ và tất cả ý niệm. Vì vậy, một khi chúng ta liễu tri được nghĩa chân thật của đạo thì lúc đó sẽ thấu tỏ được sự diệu dụng của phương tiện ngôn ngữ. Nếu xét về nghĩa thật của đạo, đó chính là chân tâm không sinh diệt hay chánh kiến vô lậu.
27/05/2019(Xem: 5947)
Tác giả William Edelglass là tân giám đốc về nghiên cứu tại Trung Tâm Nghiên Cứu Phật Học Barre và là giáo sư triết học và môi trường tại Trường Cao Đẳng Marlboro College tại tiểu bang Vermont. Công việc của ông đã đưa ông tới Dharamsala, Ấn Độ, nơi ông dạy cả triết học Tây Phương cho chư tăng Tây Tạng tại Học Viện Institute of Buddhist Dialectics và triết lý Phật Giáo cho các sinh viên đại học Mỹ về chương trình nghiên cứu Tây Tạng. Bài này trích dịch từ Quý San năm 2019 có chủ đề “Buddhadharma: The Practitioner’s Quarterly,” đăng ngày 14 tháng 5 năm 2019 trên trang mạng Lion’s Roar.
02/05/2019(Xem: 7311)
Vì thương xót hết thảy hữu tình phải chịu phiền não, đau thương do tham ái mà bị trôi dài trong bể khổ sinh tử luân hồi, Đức Phật hiện ra ở đời để lại cho thế gian vô số pháp môn tu tập, tùy theo căn cơ, sở trường và hoàn cảnh của mỗi chúng sanh mà chọn lựa pháp hành thích ứng để tu tập nhằm chuyển hóa nỗi khổ và niềm đau thành an lạc, giải thoát, niết bàn. Chư pháp của Thế Tôn được ví như những thang thuốc tùy bệnh mà bốc thuốc. Trong số đó, Tuệ quán vô thường, khổ và vô ngã của tất cả pháp, qua đó hành giả quán tánh ly tham, quán tánh đoạn diệt, quán tánh xả ly của tất cả pháp, là pháp “tối thượng” và vi diệu ‘nhất’ vì nếu hành giả thường xuyên hành trì sẽ ‘chứng đạt’ Tuệ Giải Thoát, vị ấy sẽ đoạn tận mọi kiết sử, không còn khổ đau, phạm hạnh đã thành, chánh trì giải thoát, là bậc A-La-Hán.
24/04/2019(Xem: 4497)
Cuộc sống, nhìn quanh đâu cũng thấy Thật. Bạo động cũng có thật, giả dối cũng là thật, tham dục cũng hiện hữu thật,sợ hải cũng có thật ,nhiếp phục uế trược cám dỗ cũng thật, tài sản, vợ con, tình yêu, danh vọng, địa vị …đều thật hết. Chính cái Thật đó mà khổ đau phát sanh cũng là Thật.
01/03/2019(Xem: 6014)
Triết Học Phật Giáo Ấn Độ, Hayes Richard, Thích Nguyên Tạng (dịch), Phật giáo (PG) là một thành tố quan trọng, hỗn hợp các triết lý khác của tiểu lục địa Ấn Độ trong hơn một ngàn năm qua. Từ phần đầu khá lặng lẽ, vài thế kỷ trước Tây lịch, nền học thuật PG gia tăng sức mạnh cho tới khi đạt đến đỉnh cao ảnh hưởng và tính chất độc đáo trong nửa sau thiên niên kỷ thứ nhất. Từ thế kỷ thứ mười một trở đi, PG dần dần suy thoái và cuối cùng biến mất ở miền Bắc Ấn Độ. Mỗi nhà tư tưởng chú trọng vào những đề tài khác nhau, nhưng khuynh hướng chung của đa số họ là trình bày một hệ thống triết lý nhất quán, bao gồm đạo đức học, tri thức học và siêu hình học. Phần lớn những đề tài mà các triết gia PG Ấn này viết, là phát xuất trực tiếp từ những giáo lý được xem là của Sĩ-đạt-ta Cồ Đàm (Siddhartha Gautama), thường được tôn xưng bằng danh hiệu là Đức Phật.
16/02/2019(Xem: 7078)
Những câu văn không chuẩn văn phạm vì thiếu những chủ từ [subjects] trong những bài triết luận về Phật Giáo mà tôi đã, đang, và sẽ viết không phải là tôi cố ý lập dị như những triết gia danh tiếng trên thế giới khi họ hành văn chương và viết về triết học nhưng mà tôi không có thể làm cách nào khác hơn khi viết về ý vô ngã [không Tôi] để không bị mâu thuẫn với ý phá ngã.
01/02/2019(Xem: 8833)
Những câu văn không chuẩn văn phạm vì thiếu những chủ từ [subjects] trong những bài triết luận về Phật Giáo mà tôi đã, đang, và sẽ viết không phải là tôi cố ý lập dị như những triết gia danh tiếng trên thế giới khi họ hành văn (chương) và viết về triết học nhưng mà tôi không có thể làm cách nào khác hơn khi viết về ý vô ngã [không Tôi] để không bị mâu thuẫn với ý phá ngã.
08/01/2019(Xem: 6681)
Kinh Duy Ma Cật, tôi đã có duyên được học với Hòa thượng Thích Đôn Hậu, tại Phật Học Viện Báo Quốc - Huế, sau năm 1975 Tôi rất thích tư tưởng “Tịnh Phật Quốc Độ” của kinh này, khi nghe đức Phật gọi Bồ tát Bảo-tích mà dạy: “Trực tâm là Tịnh độ của Bồ tát. Khi Bồ tát thành Phật chúng sinh không dua nịnh sẽ sinh về cõi ấy. Thâm tâm là Tịnh Độ của Bồ tát. Khi Bồ tát thành Phật, những chúng sinh nào có đầy đủ công đức sẽ tái sinh về cõi ấy. Bồ đề tâm là Tịnh độ của Bồ tát. Khi Bồ tát thành Phật, hết thảy chúng sinh tầm cầu Đại thừa sẽ sinh vào cõi ấy.
04/01/2019(Xem: 111892)
“Hiểu về trái tim” là một cuốn sách khá đặc biệt, sách do một thiền sư tên là Minh Niệm viết. Với phong thái và lối hành văn gần gũi với những sinh hoạt của người Việt, Minh Niệm đã thật sự thổi hồn Việt vào cuốn sách nhỏ này. Xuyên suốt cuốn sách, tác giả đã đưa ra 50 khái niệm trong cuộc sống vốn dĩ rất đời thường nhưng nếu suy ngẫm một chút chúng ta sẽ thấy thật sâu sắc như khổ đau là gì? Hạnh phúc là gì? Thành công, thất bại là gì?…. Đúng như tựa đề sách, sách sẽ giúp ta hiểu về trái tim, hiểu về những tâm trạng, tính cách sâu thẳm trong trái tim ta.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]