Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 7: Do Thái giáo

04/03/201620:14(Xem: 4857)
Chương 7: Do Thái giáo

Chương 7: Do Thái giáo

TIẾT 1: DO THÁI GIÁO THỜI ĐẠI MOSES VÀ THỜI ĐẠI PHÁN QUAN 

1. Sự trưởng thành của Do Thái giáo

Tiết 3, chương III của sách này đã nói qua về nguồn gốc của Do Thái giáo, đó chính là tôn giáo Hebrew hay còn gọi là tôn giáo Israel. Song, nếu giờ muốn giới thiệu về Do Thái giáo, thì vẫn phải bắt đầu nói từ tôn giáo Hebrew, vì Do Thái giáo hiện nay là tôn giáo được cải tiến và trưởng thành qua nhiều đời tiên tri dựa trên nền tảng là tôn giáo Hebrew.

Nền tảng đầu tiên của Do Thái giáo chính là đa thần giáo của người Semite. Tổ phụ Abraham của họ có thể là thành viên trong một chi tộc người Semite, và ông sống bằng nghề du mục. Nghe nói, Abraham là một tộc trưởng giàu có, sở hữu vài ngàn con cừu và thuê tới hơn 300 người cả già lẫn trẻ để trông nom bầy cừu của mình. Khi Abraham muốn đánh chiếm một vùng đất chăn cừu mới nằm trong lãnh thổ của kẻ địch ở gần Địa Trung Hải, ông đã tổ chức những người làm thuê này thành một đội quân tư nhân nhỏ, điều này cho thấy thực lực của ông mạnh như thế nào.

Abraham trở thành tổ phụ của Do Thái giáo vì Moses đã lấy thần bảo hộ của gia tộc Abraham là Yahweh làm Thiên Chúa của Do Thái giáo. Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo rồi đến Hồi giáo đều nói Yahweh là vị thần độc nhất vô nhị, sáng tạo nên vũ trụ. Kỳ thực, không những vào thời đại Abraham đã tồn tại tín ngưỡng đa thần mà đến tận thời đại Moses các chi tộc của dân Israel cũng vẫn có thần bảo hộ riêng của mình.

Abraham chính là người mà Moses cần. Trên thực tế, Abraham chỉ là nhân vật truyền thuyết, chưa chắc đã có thật. Việc Moses cần đến Abraham là vì theo truyền thuyết thì Abraham lúc nào cũng chỉ tin vào Yahweh, thần bảo hộ của gia tộc mình. Tuy ông thường phạm lỗi, thường phải làm những việc xấu xa giống những kẻ vô lại, nhưng về mặt tín ngưỡng, ông tin rằng Yahweh là Thiên Chúa duy nhất, và nhờ đức tin mà ông được cứu độ, trở thành dân tuyển chọn của Yahweh. Nhưng đúng ra, nên nói là Abraham đã chọn Yahweh làm thần của gia tộc mình, chứ không phải là Yahweh đã chọn Abraham.

Vì Moses đã lợi dụng Abraham để thành lập nên một tôn giáo tín ngưỡng nhất thần, nên Abraham dù không phải là nhân vật lịch sử, nhưng cũng đã trở thành tổ phụ của các tín đồ nhất thần giáo. Có điều, tuy Moses cổ xúy cho Yahweh trở thành vị thần tối cao độc nhất, nhưng lại không hề phủ nhận sự tồn tại của các vị thần khác, chỉ là không cho phép dân tộc của ông tín ngưỡng thần của người ngoại bang mà thôi. Cho đến thời đại tiên tri, sau khi các nhà tiên tri như Amos... xuất hiện, Do Thái giáo mới tuyệt đối phủ nhận việc còn có các vị thần khác ngoài Yahweh. Vì thế, quan niệm nhất thần của Do Thái giáo đến lúc đó mới có thể xem là được hoàn thiện.

2. Do Thái giáo thời kỳ đầu

Sự phát triển hoàn thiện của Do Thái giáo, về mặt thời gian, có thể chia thành 7 thời kỳ là: thời đại Moses, thời đại phán quan, thời đại quốc vương, thời đại bị lưu đày đến Mesopotamia, thời đại trở về cố hương, thời đại Hy Lạp thống trị, và thời đại sau khi Jesus giáng sinh. Do Thái giáo thời kỳ đầu là chỉ cho thời đại Moses và thời đại phán quan.

Về niên đại của Moses, đến nay, các học giả vẫn chưa có kết luận cuối cùng, thường thì tín đồ Cơ Đốc tin là ông sinh vào năm 1500 trước Công nguyên, còn các sử gia thì có người cho là năm 1320 trước Công nguyên, có người lại cho là năm 1200 trước Công nguyên. Vào thời đại khi Moses chào đời, dân tộc của ông đã làm nô lệ hàng mấy thế kỷ dưới sự cai trị của các pharaoh, tức vua của Ai Cập. Đa phần là họ làm cu li để mưu sinh, nhưng cũng có nhiều thương nhân người Do Thái sống trong các thành phố. Về thương nghiệp, người Ai Cập không phải là đối thủ của người Do Thái, nên họ đem lòng đố kỵ và đã vu khống lên pharaoh, hy vọng có thể tiêu diệt toàn bộ người Do Thái. Nghe theo lời vu khống, pharaoh liền hạ lệnh tất cả bé trai người Do Thái sinh ra đều giết chết ngay lập tức. Moses lại sinh đúng vào ngay thời điểm này. Mẹ của ông bèn bện một cái nôi, dùng đất sét trát quanh thành một con thuyền nhỏ không thấm nước, đặt ông vào trong đó, rồi thả xuống sông Nile, để mặc nước cuốn đi.

May mắn thay, chiếc nôi của bé Moses lại bị đám lau sậy ngăn lại đúng chỗ công chúa của vua Ai Cập đang đi bơi. Phát hiện thấy chú bé đáng yêu này, công chúa liền ẵm về cung nuôi dưỡng cho đến lớn. Không có gì phải nghi ngờ, thời thơ ấu và thời niên thiếu của Moses đã được hưởng thụ đời sống vương gia và cũng đã tiếp nhận sự giáo dục của cung đình. Nhưng, bà nhũ mẫu mà công chúa thuê chăm Moses lại chính là mẹ ruột của ông. Vì vậy, ông biết được mình là người Do Thái và vô cùng bất bình trước việc người Ai Cập áp bức những đồng bào Do Thái của mình. Vào ngày nọ, khi ông nhìn thấy một người Ai Cập đánh đập một cụ già Do Thái, ông liền xông vào quật chết người Ai Cập kia. Sau khi pharaoh biết được việc này, Moses đã bị lĩnh án treo cổ và trở thành tội phạm bị truy nã.

Thế là, Moses bước lên con đường lưu vong, ông đi qua sa mạc bao quanh biển Đỏ, lưu lại trong một bộ lạc du mục, và đã kết hôn ở đó. Nhưng, dù sao thì ông cũng là một thanh niên được giáo dục tốt và tràn đầy tham vọng, đương nhiên không cam chịu ở mãi trong cảnh quạnh hiu. Cơ hội tốt nhất để thoát khỏi hoàn cảnh hiện tại chính là lãnh đạo dân tộc của mình dấy lên phong trào vận động độc lập.

3. Cuộc vận động tôn giáo của Moses

Trong thời gian sống lưu vong, Moses đã tưởng tượng ra rất nhiều thứ. Một ngày nọ, trong trạng thái hy vọng mãnh liệt, ông tin rằng mình đã nghe thấy tiếng nói của Thiên Chúa Yahweh từ trong ngọn lửa của một bụi gai đang bốc cháy, sai ông đảm đương vai trò đấng cứu thế của dân tộc mình, bảo ông trở về Ai Cập, đưa dân tộc Do Thái vượt qua sa mạc Sinai, ra khỏi phạm vi Ai Cập.

Khi Moses dũng cảm quay lại Ai Cập, vừa đúng lúc vị pharaoh muốn xử treo cổ ông đã chết, pharaoh kế vị không truy cứu vụ án Moses giết hại người Ai Cập nữa. Ông liền đi khắp nơi thuyết phục dân tộc của mình, đồng thời yêu cầu pharaoh cho phép người Do Thái rời khỏi Ai Cập trong hòa bình. Đáng tiếc, người Do Thái không mấy ai thấy hứng thú với nguyện vọng của ông, còn pharaoh vì lợi ích của mình cũng không chịu để cho bọn nô lệ vô cớ ra đi.

Trước tình cảnh gặp đầy trở ngại, Moses đã được Yahweh giúp sức, Ngài dạy Moses đến cảnh cáo với pharaoh rằng nếu không nghe lời Thiên Chúa của người Do Thái thì tai họa khủng khiếp sẽ giáng xuống Ai Cập. Khi pharaoh tiếp tục từ chối yêu cầu trên của Moses, anh trai của Moses là Aaron bèn giơ cây gậy của ông về phía sông Nile, nước sông liền biến thành màu đỏ, người dân không thể sử dụng được nữa. Tiếp đó, tai họa thứ hai là ếch nhái tràn khắp xứ. Một tai họa nữa là ruồi nhặng bay kín trời đất làm cho toàn quốc bị dịch bệnh hoành hành. Tai họa kế tiếp là tất cả gia súc của người Ai Cập chết sạch vì một loại ôn dịch kỳ quái. Rồi hàng loạt tai họa dồn dập giáng xuống: tất cả nam nữ Ai Cập đều bị ghẻ lở đáng sợ; sấm sét thiêu hủy hết sợi đay và ngũ cốc cất chứa trong kho; châu chấu ăn sạch cây cối lớn nhỏ ở Ai Cập; cát bay khủng khiếp thổi từ sa mạc vào, ba ngày ba đêm che kín bầu trời, cả nước chìm trong bóng tối đen kịt; và cuối cùng là con trai trưởng trong mỗi gia đình sống ở lưu vực sông Nile đều bị chết hết. Rốt cuộc, pharaoh đành phải đến van nài Moses, xin ông nhanh chóng đưa dân tộc của ông đi khỏi Ai Cập vì sợ rằng sẽ còn có những tai họa khác giáng xuống nữa.

Moses đưa 12 chi tộc của người Do Thái đến bờ biển Đỏ một cách thuận lợi. Ông khiến cho nước biển dạt sang hai bên cho dân tộc của mình thong dong đi sang hoang mạc ở bờ đối diện bằng con đường ở giữa do nước biển rẽ ra chừa lại, giống như là đi qua một đường hào trên mặt đất vậy. Không ngờ, Yahweh đột nhiên lại làm cho pharaoh Ai Cập đổi ý, dẫn đại quân đuổi theo. Đến biển Đỏ, ông ta và quân lính cũng liều lĩnh xông qua bằng con đường kể trên, kết cục là bị nước biển ở hai bên ập xuống như núi đổ nhận chìm tất cả, toàn quân đều vùi thân trong lòng biển.

Những việc xảy ra kể trên đã được tác giả của Cựu Ước thổi phồng lên vô cùng sinh động, tả Moses thành một thầy phù thủy vĩ đại, rất giống với các nhân vật trong Bảng Phong Thần của Trung Quốc; đồng thời, tả Yahweh thành một kẻ thiên vị, hẹp hòi, lòng dạ độc ác, rất giống với các hung thần ác quỷ trong truyền thuyết cổ của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong truyền thuyết mang tính cường điệu này, có một điều là sự thật, đó chính là việc Moses lãnh đạo dân tộc của ông, đưa họ ra khỏi Ai Cập. Nhưng ra khỏi Ai Cập rồi, vấn đề vẫn chưa được giải quyết, vì họ sinh sống trong sa mạc, so với thời làm nô lệ cho người Ai Cập, còn gian nan, khốn khổ hơn rất nhiều.

4. Thần núi Sinai

Moses muốn làm lãnh tụ của dân tộc Do Thái sau khi họ ra khỏi Ai Cập nhưng điều đó thật không dễ dàng. Vì hai lý do: một là, người Do Thái ngay từ đầu đã không mấy đồng tình với kế hoạch của Moses; hai là, tuy cùng là con cháu của Abraham nhưng họ lại có tới 12 chi tộc khác nhau, tệ hại nhất là không phải tất cả 12 chi tộc này đều là tín đồ của Yahweh, nên lúc nào cũng nảy sinh phiền phức do sự bất đồng ý kiến. Đặc biệt là họ thường oán trách việc tìm không được đồ ăn thức uống, lãnh tụ các chi tộc thường đến tìm Moses đòi đồ ăn uống, nếu không có thì họ nói là: “Hãy để chúng tôi trở về lại Ai Cập”, “Hãy để chúng tôi trở về quê hương bên bờ sông Nile”. Xem như số mạng của người Do Thái chưa hết, họ đã phát hiện được một loại cây giống cây nấm có tên là manna, và cũng đã phát hiện ra một con suối. Đương nhiên, Moses chắc chắn sẽ lợi dụng cơ hội này để tuyên truyền rằng đây là do Yahweh ban tặng. Đối với quần chúng quê mùa và vô tri, lợi dụng sự mê tín mang tính thần bí để hiệu triệu họ, đích thực là phương pháp hữu hiệu nhất. Cứ như vậy, Moses đã đưa dân tộc của ông ra khỏi sa mạc, đi đến vùng núi xung quanh núi Sinai[1]. Moses lúc đó cảm thấy một cách sâu sắc rằng, trừ phi có thể làm cho toàn bộ thuộc hạ đều tín ngưỡng một vị thần độc nhất, trừ phi thống nhất được tín ngưỡng tôn giáo của toàn dân tộc, không thì không thể đạt đến mục đích lãnh đạo nhất nguyên của mình. Vừa khéo, ngọn núi Sinai mà ông nhìn thấy lúc này vốn có tên gọi bắt nguồn từ tên thần mặt trăng Sin của Babylon, nếu chiếu theo cả tổ hợp chữ “Sinai” thì địa danh này có nghĩa là “nơi thần mặt trăng Sin cư ngụ”. Trong số các vị thần của Babylon, Sin là chủ thần tạo thành ba ngôi một thể cùng với thần mặt trời và một vị thần khác. Thế là, Moses làm như linh cảm ra điều gì, leo lên đỉnh núi Sinai, ở liền trên đó 40 ngày đêm. Lúc xuống núi, trong tay ông có cầm hai bảng đá, về sau mới biết, trên đó khắc 10 điều luật pháp, chính là 10 điều răn của Moses[2].

Moses hy vọng tràn trề rằng, mọi người có thể tín ngưỡng chung một vị thần, mọi người sẽ đoàn kết dưới danh hiệu nhất thần - Yahweh. Nhưng, điều mà ông nhìn thấy khi vừa xuống núi đã làm cho ông thất vọng. Thuộc hạ của ông lại lấy đồ trang sức vàng bạc của những người phụ nữ rồi đúc thành một con bò bằng vàng, lấy nó làm Thượng đế để sùng bái. Cực kỳ giận dữ, Moses đã ném vỡ hai bảng đá trong tay mình và nghiền vụn cái tượng bò vàng kia. Khi sự việc này xảy ra, trong 12 chi tộc, chỉ có người chi tộc Levites là đứng về phía Moses. Tuy nhiên, Moses ứng biến rất nhanh, bằng những thủ đoạn không chút nương tình, ông đã chấn chỉnh bọn phản loạn trong sự kiện lần này, chẳng mấy chốc giết chết tận 3000 người.

5. Mười điều răn của Moses

Moses lên núi Sinai tuy là cầu khấn với thần mặt trăng Sin nhưng ông không thể dùng tên thần của người Babylon mà vẫn phải dùng tên thần Yahweh, thần bảo hộ của gia tộc tổ tiên ông - gia tộc Abraham. Lần đầu lên núi Sinai tuy đã có kết quả nhưng lại chưa thể thực hành. Để tạo dựng uy tín của Yahweh trong lòng mọi người, Moses bèn làm bộ như phụng mệnh Yahweh, lên núi Sinai một lần nữa. Khi trở xuống, đôi mắt ông sáng quắc với vẻ uy nghiêm khiến người khiếp sợ. Ông mang về hai bảng đá mới, nội dung khắc trên đó hoàn toàn giống với hai bảng đá lần đầu, nội dung này chính là 10 điều răn người Do Thái phải tuân thủ mà Yahweh đã ban cho Moses, bao gồm:

a. Không được kính thờ một vị thần nào khác ngoài Yahweh.

b. Không được tạc tượng, cũng không được tạo hình gì để thờ.

c. Không được tùy ý xưng danh Thiên Chúa Yahweh.

d. Phải làm việc 6 ngày, và phải giữ ngày sabbath[3].

e. Phải hiếu kính cha mẹ.

f. Không được giết người.

g. Không được gian dâm với vợ người, đàn bà không được ngoại tình với chồng người.

h. Không được trộm cắp.

i. Không được làm chứng giả, hãm hại người khác.

j. Không được ham muốn nhà cửa, nô lệ, gia súc, và tất cả mọi thứ thuộc về người khác.

Đây chính là 10 điều răn nổi tiếng của Moses. Người Do Thái khi đó chưa có chữ viết của mình, ngoài Moses ra, tuyệt đại đa số người Do Thái vẫn là những kẻ nô lệ mù chữ, quê mùa. Sự thực đại khái là, Moses đã dùng những chữ tượng hình học được từ trong cung đình Ai Cập, đem 10 điều răn khắc lên bảng đá. Đối với người dân Do Thái, bản “thiên thư” này họ đọc không hiểu được chút gì. Moses còn phủ thêm lên nó một bầu không khí thần bí bằng cách đem hai bảng đá đặt vào một cái hòm gỗ, bố trí trong một nhà thờ lưu động bằng lều vải, gọi là Hòm giao ước[4], sùng bái nó như sùng bái Yahweh. Đồng thời, ông dọa mọi người là trừ thầy tư tế ra không ai được chạm vào hòm, nếu không thì sẽ bị Chúa giết chết.

Theo những ghi chép trong Cựu Ước, 10 điều răn của Moses là do Yahweh ban cho Moses để làm quy tắc hành vi chung của người Do Thái. Kỳ thực, Moses lên núi Sinai ở 40 ngày đêm, trong trạng thái trầm tư mặc tưởng, có thể là thực sự đã đạt được một số kinh nghiệm tôn giáo thần bí nào đó. Nhưng, khảo sát nội dung của 10 điều răn, lại không thấy có điểm gì mới mẻ cả. Vào năm 1400 trước Công nguyên, ở Ai Cập có một vị quốc vương tên là Akhnaton, đã sáng lập nên một tôn giáo nhất thần, tôn Aton là vị thần duy nhất, và bảo dân chúng không được tạc tượng của Aton, thậm chí cũng không được sùng bái Đĩa mặt trời - vật tượng trưng của vị thần này. Chữ sabbath (ngày yên nghỉ) cũng được vay mượn từ ngôn ngữ Babylon[5]. Trong tín ngưỡng tôn giáo của Babylon cổ đại, con người đối với thần linh, hoàn toàn giống thần dân đối với vị quân chủ chuyên chế, phải mang thái độ phục tùng tuyệt đối. Vào năm 2000 trước Công nguyên, ở Babylon có một vị vua tên là Hammurabi, ông đã lập ra một bộ luật 285 điều, xây dựng quy định pháp luật đối với các việc như thương nghiệp, hôn nhân, tiền lương, mưu sát, trộm cắp, nợ nần... Lại nữa, trong văn bia của Hammurabi, câu đầu tiên viết là: “Chính thiên thần Anu và Bel trao cho ta quyền trị vì Sumerian và Arcadia”. Đồng thời, ở đầu bia đá khắc bộ luật kể trên có chạm hình thần mặt trời Schamasch đang truyền dạy pháp luật cho Hammurabi. Đối chiếu một chút có thể thấy điểm tương đồng với việc Moses thọ nhận 10 điều răn từ Yahweh.

Vì những sự việc này đều đã xảy ra trước thời Moses, mà Moses thì từng được giáo dục trong cung đình, nên đương nhiên là ông đã biết về chúng. Ông chỉ cần đem chúng liệt kê thành 10 điều đơn giản để thích hợp cho sự quản lý thống nhất đối với những người Do Thái có trình độ dân trí thấp kém. Bốn điều trước là thuộc về tôn giáo, sáu điều sau là thuộc về luân lý. Nếu không tính đến bốn điều trước, thì sáu điều sau thực sự có thể là chuẩn mực làm người cho tất cả dân chúng. Tính tốt đẹp của Do Thái giáo, nếu nói là ở tác dụng của tất cả 10 điều răn, chi bằng nói là ở tác dụng của 6 điều răn sau thì đúng hơn. Đáng tiếc là, họ lại được cho phép trộm cắp, giết hại, gian dâm, lừa dối người thuộc các tộc khác, tức những người không phải dân tộc Do Thái.

6. Thời đại phán quan

Sau khi có 10 điều răn và nhà thờ lưu động bằng lều vải, đã xuất hiện các thầy tư tế làm nhiệm vụ quản lý nhà thờ. Vì Moses muốn tạ ơn những người thuộc chi tộc Levites đã toàn tâm toàn ý ra sức phụng sự ông trong sự kiện mưu phản “Con bò vàng”, nên ông đã chọn họ làm chức vụ có nhiều ưu đãi và có tính thế tập này. Bản thân Moses thì trở thành một vị vua không vương miện của người Do Thái, ông tuyên bố với đại chúng rằng: Bất cứ lúc nào, nếu Thiên Chúa Yahweh muốn ban lệnh cho họ, thì chỉ có mỗi mình ông mới có thể đến gặp mặt Chúa. Như vậy, ông đã trở thành người đại diện của Chúa. Giáo hội Cơ Đốc giáo sau này chủ trương tư tưởng rằng nếu không thông qua giáo hội thì không thể được Chúa cứu rỗi. Có thể thấy, tư tưởng này đã manh nha ngay từ thời Moses rồi. Vì địa vị của Moses quan trọng và cao quý như vậy, nên ông quy định rằng, sau khi ông chết, quyền lợi và chức trách ông nắm giữ phải được truyền lại cho anh trai ông là Aaron, rồi truyền tiếp cho con cháu của Aaron.

Sau đó, Moses dẫn 7000 nam nữ già trẻ còn sống sót, thẳng tiến qua sa mạc, đi về phía quê hương mới - Canaan[6]. Trên đường đi, sau khi vợ bị chết, Moses đã cưới tiếp một người phụ nữ dị tộc làm vợ, vì thế ông bị Aaron ganh ghét. Đối lại, Moses liền tước hết tất cả quyền uy mà ông đã ban cho Aaron lúc trước. Khi sắp qua đời, thay vì chọn Aaron, ông đã chọn một chàng trai dũng cảm và nhiệt huyết tên là Joshua làm người kế thừa mình.

Lúc đoàn người đến gần Canaan thì bị thực lực hùng mạnh và sĩ khí ngút trời của những dân tộc đang cư trú nơi đó làm cho sợ hãi thối lui. Thậm chí, có người chủ trương thà trở lại Ai Cập sống đời nô lệ còn hơn. Cuối cùng, họ đành phải lang thang trong sa mạc 40 năm ròng. Moses cũng chết già trong cô độc, không ai biết ông chết ở nơi nào.

Sau khi Moses chết, người kế tục ông lãnh đạo dân Do Thái đánh chiếm Canaan chính là Joshua. Joshua vốn là phụ tá của Moses, giờ lên giữ chức vị trước đây của Moses. Ông là một vị lãnh tụ dũng cảm và thận trọng, tất cả mọi việc ông đều suy nghĩ và lên kế hoạch vô cùng cẩn thận.

Tại vùng bình nguyên phía tây châu Á, nơi mà sau này gọi là Palestine, vào vài ngàn năm trước, đã có sẵn các dân tộc định cư. Giờ người Do Thái muốn chiếm đoạt nó, đương nhiên phải ngụy tạo ra một cái cớ. Họ nói rằng nơi này được gọi là Canaan vì nó vốn là nơi cư trú của Canaan, cháu của Noah - nhân vật chính trong thần thoại đại hồng thủy, do nơi này là quê hương của tổ tiên người Do Thái, nên họ có lý do để “thu hồi” lại nó. Nhưng chỉ dựa vào lực lượng Do Thái lưu vong này, muốn dùng sức mạnh chinh phục những dân tộc đã sống tại đây từ trước, thì cần phải tiến hành rất nhiều cuộc chiến đấu gian khổ. Điều may mắn là, các dân tộc ở Canaan không thể đoàn kết hợp tác với nhau cùng chống lại người Do Thái, thế là họ lần lượt bị đánh tan, người thì bị giết hại, kẻ thì bị trừng phạt, trở thành nô lệ của người Do Thái. Như vậy, Joshua đã hoàn thành tâm nguyện của Moses, có được một lãnh thổ nhỏ cho dân tộc của mình.

Sau khi định cư ở Canaan, cuộc sống đang yên bình thì Joshua chết. Các chi tộc của người Do Thái cảm thấy chán ghét kiểu thống trị chuyên chế cực quyền của Moses, lo rằng sẽ lại xuất hiện một vị lãnh tụ giống như Moses, nên họ quyết định không bổ nhiệm người kế tục Joshua nữa. Họ cho rằng từ nay về sau không còn phải tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược, chỉ cần một vị tư tế trưởng lấy luật pháp của Yahweh làm chuẩn mực sống chỉ đạo mọi người là đủ rồi. Nhưng đất nước của người Do Thái vừa mới thành lập, bốn bề đều là kẻ địch, nếu không có một vị lãnh tụ, thì nó khó có thể tồn tại. Tuy các chi tộc người Do Thái thực sự không thích có một vị vua xuất thân từ một chi tộc thống trị các chi tộc còn lại, nhưng trước yêu cầu của thực tế, họ đã mặc nhận quyền lực của một vị lãnh tụ, họ gọi người đó là “phán quan” và xem người đó như thủ lĩnh hoặc thống soái của liên minh kết hợp bởi các chi tộc Do Thái bán độc lập. Có điều, sau này, trên nền tảng của chức vị phán quan, một vương quốc Do Thái cũng đã ra đời.

Vị phán quan đầu tiên tên là Othniel. Ông nổi tiếng nhờ đã chỉ huy quân Do Thái đánh chiếm được thủ đô Kirjath-Sepher của đất nước người Anakin - đất nước của những người khổng lồ. Vị phán quan thứ hai tên là Ehud. Vì sau khi Othniel chết, người Do Thái lại bị liên minh người Moab, người Ammon và người Amalek đánh bại, phải làm nô lệ 12 năm cho vua Eglon của người Moab; Ehud đã ám sát Eglon, trở thành vị anh hùng dân tộc, nên đã được chọn làm phán quan.

Từ đó về sau, các phán quan của người Do Thái lần lượt thay đổi nhau một cách nhanh chóng. Mỗi người bọn họ đều có tính cách rất mạnh mẽ và toàn bộ thời gian cuộc đời họ đều tiêu phí vào các cuộc chiến với tín đồ tôn giáo khác nơi biên giới. Chiến tranh nhiều, rất thảm khốc, giết qua giết lại, càng giết càng kịch liệt, thậm chí phụ nữ cũng bị trưng binh tham chiến. Đối thủ của người Do Thái chính là người Philistine, họ cùng tranh đoạt vùng bờ biển Địa Trung Hải với người Do Thái. Người Philistine không phải là người tộc Semite, mà là người tộc Cretan, người Do Thái thường hay bị họ đánh bại.

Sau Ehud còn có các phán quan: Shamgar, Deborah (nữ), Gideon, Tola, Jair, Jephthah, Samson, Eli và Samuel. Trong số đó có Samson là một đại lực sĩ tính tình lỗ mãng, câu chuyện của Samson trong Cựu Ước được miêu tả rất đặc sắc, nhưng cũng chỉ là lấy từ truyền thuyết của Babylon. Từ Samuel về sau, Do Thái giáo bước vào thời đại vương quốc.

TIẾT 2: DO THÁI GIÁO THỜI ĐẠI VƯƠNG QUỐC

1. Thời đại vương quốc

Samuel thuận theo mong muốn của nhân dân, và đương nhiên cũng là chỉ thị của Yahweh, tuyên bố rằng sau thời của ông, dân tộc Do Thái sẽ bước vào một giai đoạn mới, không còn tuyển chọn phán quan nữa mà phải có một quốc vương trị vì. Khi còn sống, ông đã bắt tay vào tìm kiếm vị quốc vương tương lai, kết quả là tìm được một đứa trẻ tên là Saul ở Gibeath và làm lễ xức dầu lên đầu nó để nó trở thành một Messiah, tức một Vị cứu tinh. Dưới sự dạy dỗ, chỉ bảo của Samuel, Saul cuối cùng đã trở thành vua của người Do Thái.

Saul lên làm vua, vì trong một lần chiến tranh, đánh bại vua Agag của người Amalek, lại không đem đàn gia súc bắt được giao cho thầy tư tế như phép tắc, đặc biệt là không xử tử toàn bộ tù binh theo luật pháp Do Thái và tha mạng cho vua Agag, nên đã làm cho thầy của ông là Samuel nổi giận. Samuel liền bắt đầu tìm một người dự bị thay thế vua Saul. Sau đó, có người nói với ông rằng, ở Bethlehem có một chàng trai chăn cừu tên là David, vì lòng dũng cảm của mình mà rất nhiều người dân Bethlehem biết đến anh. David từng đánh chết một con sư tử và một con gấu để cứu đàn cừu của mình. Anh biết đánh đàn hạc, còn có thể ca hát[1]. Đúng lúc đó, người Philistine trở lại xâm lược, thủ lãnh của họ lần này là một gã khổng lồ tên là Goliath, thân thể rất to lớn, tay cầm gươm dài 7 thước, người Do Thái không ai có thể địch nổi hắn. Vua Saul bị Goliath uy hiếp mà không nghĩ ra cách nào đối phó nên ngày đêm ưu sầu, lo lắng. Thế là David được mời đến hát cho Saul nghe để giải sầu. Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ giải sầu cho vua, David còn hoàn thành cả nhiệm vụ đánh bại Goliath. Anh dùng một dụng cụ bắn đá, bắn một viên đá nhỏ trúng ngay vào mắt của Goliath, Goliath lập lức ngã xuống bất tỉnh, David liền dùng thanh gươm dài của Goliath chặt bay đầu hắn. Goliath chết rồi, người Philistine tranh nhau tháo chạy, David trở thành vị cứu tinh của đất nước.

Sau đó, tuy David làm con rể của Saul, nhưng lại không được lòng Saul, nên anh bỏ trốn vào sa mạc, sống trong một sơn động. Trong khoảng thời gian chưa tiếp nhận vương vị, David cũng đã làm rất nhiều việc mà bọn thổ phỉ thường làm. Khi vua Saul đã già, trong một trận chiến với người Philistine, ông thua trận tự sát chết. David lên kế vị và liên tục làm vua của phần lớn lãnh thổ mà người Do Thái cư ngụ xấp xỉ 40 năm sau đó.

2. Vua David

Vua David là một vị danh vương vĩ đại trong Do Thái giáo. Thơ của ông được tôn thờ là Thánh thi tôn giáo. Ông cho dời đô đến Jerusalem, thành phố nằm trên tuyến đường giao thông huyết mạch từ châu Phi đến Mesopotamia. Ở thủ đô mới, ông đã xây dựng cung điện cho mình, rồi kiến tạo một điện thần, sau đó cung nghinh Hòm giao ước thiêng liêng từ Shiloh đến Jerusalem, đặt vào trong điện thần mới. Đồng thời, ông bắt những người lễ bái Thiên Chúa trong toàn quốc đều phải đến Jerusalem, không được xây dựng điện thần ở nơi nào khác.

Chỉ có điều, no ấm thì sinh dâm dục, vị thánh vương vĩ đại đó cũng đã làm cái việc xấu xa mà những kẻ tồi tệ nhất từng làm. Một buổi tối nọ, khi David đang ở trên sân thượng của cung điện hóng mát, nhìn ra xa thấy có một cô gái xinh đẹp đang tắm, liền đem lòng yêu mến. Sau khi nghe ngóng biết được đó là vợ của tướng quân Uriah, David bèn cử Uriah vào một trận địa nguy hiểm trên chiến trường. Kết quả đúng như David mong đợi, Uriah bị chết dưới đao giặc. Ngay sau đó, David liền cưới vợ của Uriah là Bathsheba. Đối với việc làm xấu xa này, vua David bị nhà tiên tri Nathan giáo huấn cho một hồi mới cảm thấy hối hận. David rất thường hay hối hận về những việc mình làm, đương nhiên, Thiên Chúa Yahweh cũng đặc biệt ưu đãi ông, sau mỗi lần ông phạm tội rồi cảm thấy hối hận không lâu, Thiên Chúa liền tha thứ không trừng phạt ông nữa!

Bởi vậy, đại sử gia người Anh Herbert Wells đánh giá về David trong cuốn Đại Cương Lịch Sử Thế Giới[2] của ông như sau: “Sự tích ám sát, giết hại của David nhiều không kể xiết, đọc chúng rất giống đọc những ghi chép về các tù trưởng dã man”.

Chỉ vì cao hứng nhất thời, vua David lại trao quyền thừa kế cho con trai của ông với Bathsheba là Solomon mà bỏ qua hai người con trai lớn có quyền kế vị chính đáng là Absalom và Adonijah. Absalom bèn lập mưu làm phản vua cha và bị giết chết, Adonijah thì phát động một cuộc cách mạng nhưng cuối cùng đã phải đầu hàng Solomon. Cái chết của Absalom làm vua David hối hận đến hết đời. Có thể nói, vua David vĩ đại đã sống trọn một đời trong vinh quang và tội ác.

3. Vua Solomon

Tiếp theo là thời đại huy hoàng, xán lạn của vua Solomon. Solomon là một vị quốc vương Do Thái trí tuệ, giàu có, ưa thích hư vinh, xa hoa dâm dật. Thực đơn trên bàn ăn mỗi ngày của ông là: 600 thùng tinh bột, 1200 thùng bột thường, 10 con bò thịt và 20 con bò nuôi, 100 con cừu, không kể nai, linh dương, sơn dương và chim gáy béo để ăn thịt. Thật không biết dạ dày ông to đến cỡ nào! Các vĩ nhân trong Cựu Ước đã sớm có cái lệ đa thê, vì vậy vua Solomon cũng lấy rất nhiều thê thiếp, ông “có 700 vợ đều là công chúa và 300 nàng hầu”, cộng lại vừa đúng 1000 người! Trong số đó, không ít người là cưới về từ các nước ngoại bang láng giềng, có người Ai Cập, người Moab, người Hittite, người Edom, người Ammon, người Phoenicia... Để lấy lòng các ái phi, vua Solomon cho phép họ xây một điện thờ nhỏ cho mình ở trong cung, thờ cúng thần của riêng họ theo tín ngưỡng của đất nước họ. Đây đúng là một sự khoan dung tôn giáo đáng ca ngợi, nhưng đối với các giáo sĩ Do Thái giáo cuồng nhiệt, đức vua của họ đã làm trái ý chỉ của Yahweh và phải bị trừng phạt. Nhưng, người bị trừng phạt không phải là Solomon, mà lại là tất cả dân chúng trong nước, người dân bị đem ra làm những con cừu non chịu tội thay cho vua, đây là thứ luật pháp mà Yahweh thường xuyên sử dụng trong Cựu Ước. Tiêu chuẩn của thứ luật pháp này có hợp tình hợp lý hay không? Đương nhiên, không phải là điều mà những người không theo Do Thái giáo có thể lý giải được!

Solomon tuy không mấy mặn mà với thực tiễn đời sống tôn giáo, nhưng để thỏa mãn tính ưa hư vinh, ông đã hao tổn rất nhiều tâm huyết cho sự nghiệp xây dựng các công trình tôn giáo. Ông đã tốn 20 năm để xây xong cung điện của mình, lại tốn thêm 20 năm nữa để xây lên một ngôi điện thần. Tuy ngôi điện thần đó chỉ có 20 cubit (khoảng 35 thước) chiều rộng và 60 cubit (khoảng 105 thước) chiều dài, đại để là chỉ lớn bằng một ngôi nhà thờ ở nông thôn ngày nay, nhưng ông lại mời về rất nhiều thợ đá, thợ gỗ, thợ rèn từ nước ngoài (ví dụ như từ Phoenicia...), làm tiêu tốn tới 108.000 talent[3] vàng và 1.017.000 talent bạc. Toàn bộ điện thờ đều xây bằng đá và trang trí bằng gỗ bách hương. Công việc mài đá và cưa gỗ đều được làm ở những nơi cách công trình rất xa. Chúng ta không khó để hình dung ra sự phô trương rầm rộ của vua Solomon khi đó. Vàng bạc, bảo thạch, gỗ quý... cần sử dụng đều là dùng tàu thuyền mượn của vua Hiram người Phoenicia (là vua của thành Sidon vào lúc đó), đi qua tất cả hải cảng trên bờ biển Địa Trung Hải, thẳng đến tận Tây Ban Nha để mua về. Trong khi đó, hàng xuất khẩu chủ yếu của người Do Thái là ngũ cốc mà người dân đã trồng bằng cả mồ hôi và nước mắt.

Cho nên, Herbert Wells đã nói rằng: “Về trí tuệ và tài trị quốc của Solomon, độc giả chỉ cần mở quyển Kinh Thánh ra là biết ông ta chẳng qua chỉ là kẻ phụ trợ cho một kế hoạch rộng lớn của vua thương nghiệp Hiram. Về đất nước của Solomon thì nó chỉ là con tốt giữa hai cường quốc của người Phoenicia và người Ai Cập... Về dân chúng trong đất nước của Solomon thì họ phải sống với sưu cao thuế nặng, chế độ bạo tàn, không cách gì chịu đựng nổi”[4]. Cuối cùng, vua Solomon băng hà trong cung, ngay sau đó, đất nước của ông bị chia cắt thành hai nước nhỏ.

4. Thời đại Nam Bắc triều

Vua Solomon qua đời vào khoảng thập niên 940 đến 930 trước Công nguyên. Sau khi ông chết, người lên kế vị ông là Rehoboam, con của ông với người vợ gốc Ammon là Naamah. Rehoboam là một kẻ ngu đần, vô tri, lại hẹp hòi; cộng thêm việc hai chi tộc Do Thái tại thung lũng Achor ở phương Nam từ lâu đã có hục hặc với 10 chi tộc Do Thái ở phương Bắc; nên Rehoboam lên ngôi không lâu, đúng 5 năm sau khi vua Solomon tạ thế, phương Bắc đã thoát ly khỏi chính phủ vốn là của phương Nam và trở thành một nước độc lập. Rehoboam chỉ còn làm vua của hai chi tộc ở phương Nam. Phương Nam gọi là nước Judah, phương Bắc gọi là nước Israel. Nghe nói, người Israel là hậu duệ chính thống của Jacob, con trai Abraham, còn người Judah là con cháu của con trai thứ tư của Jacob với một cô gái sinh trưởng ở thôn Adullam. Người thống trị nước Israel phương Bắc là Jeroboam, con trai của Nebat, một viên quan dưới trướng vua Solomon. Jeroboam vốn là một quản đốc làm việc trong điện thần.

Nhưng sau khi Nam Bắc triều phân ly, hai nước nhỏ không thể bảo vệ được biên giới của mình, chống lại các nước láng giềng hùng mạnh nữa. Nam Bắc triều cùng tồn tại được 2 thế kỷ thì vua của Assyria là Shalmaneser đã dốc sức tiêu diệt được nước Israel ở phương Bắc, đày ra nước ngoài 27.280 hộ gia đình với khoảng 100.000 dân. Con cháu đời sau của số người này cuối cùng cũng biệt tung biệt tích, rõ ràng là họ đã bị người ngoại quốc đồng hóa và mất đi gốc gác của mình.

Qua nửa thế kỷ nữa, nước Judah ở phương Nam cũng bị diệt vong dưới tay người Chaldea ở Babylon. Nhưng hai chi tộc của nước Judah may mắn hơn 10 chi tộc của nước Israel rất nhiều. Tuy họ bị lưu đày đến vùng bình nguyên Mesopotamia nhưng vẫn giữ được huyết thống và tôn giáo của mình. Vào năm 538 trước Công nguyên, vua Cyrus - vị vua Ba Tư tín ngưỡng Tiên giáo đã giành lấy bá nghiệp từ tay người Chaldea ở Babylon; sang năm sau, ông thả cho những người Do Thái trở về quê hương Palestine và giúp họ xây dựng lại Thánh địa Jerusalem.

TIẾT 3: DO THÁI GIÁO THỜI ĐẠI TIÊN TRI 

1. Thời đại tiên tri

Thời đại Nam Bắc triều mà chúng ta vừa trình bày bên trên thực ra chính là thời kỳ đầu của thời đại tiên tri. Thời đại tiên tri nói đến ở đây tính từ sau khi đất nước của người Do Thái phân chia thành hai nước nhỏ đến tận lúc Jesus giáng sinh. Trong thời kỳ lịch sử gần 1000 năm này, tiên tri lớp lớp xuất hiện, nhân tài nhiều như lá rừng, càng vào thời loạn, các tiên tri của người Do Thái càng hoạt động sôi nổi. Vốn dĩ, từ Abraham, Moses, David, Jesus... cho đến Mohammed của Hồi giáo, tất cả đều là tiên tri; nhưng vì các tiên tri khác không có thêm các danh hiệu như dân tuyển chọn của Chúa, tư tế trưởng, phán quan, quốc vương, đấng cứu thế hay sứ giả của Chúa... giống như những đại tiên tri này, nên chỉ gọi đơn giản là tiên tri, còn những nhà tiên tri có thêm danh hiệu khác nữa thì gọi bằng danh hiệu. Trong thời đại mà chúng ta sắp nói đến đây, phần lớn các tiên tri là những người học về ma thuật, hoặc những nhân vật thuộc dạng thầy tu khổ hạnh, nên được gọi riêng là thời đại tiên tri.

Tiên tri chính là các nhà dự đoán. Họ là người chỉ đạo về tinh thần của dân tộc Do Thái, trong đó không ít người là nhà thơ, nhà tư tưởng[1] và nhà hùng biện[2]. Lòng dạ của họ hẹp hòi, cố chấp, tuyệt đối không chấp nhận ý kiến nào có quan điểm trái ngược với mình, thà nguyện hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu thay đổi ý kiến. Tinh thần này đã khiến cho dân tộc Do Thái có tính bảo thủ nhưng rất ngoan cường, đất nước họ có thể bị diệt vong, nhưng quan niệm dân tộc và tín ngưỡng tôn giáo của họ thì bền vững không gì phá vỡ nổi.

Các nhà tiên tri luôn tự xưng là đã nói chuyện với Yahweh và Yahweh thường thông qua họ để ra lệnh hoặc tiết lộ những tin tức về tương lai cho người Do Thái. Đương nhiên, các tiên tri chân chính tuy có thể là những người mắc bệnh tâm thần phân liệt mang tín ngưỡng tôn giáo cuồng nhiệt, nhưng họ không phải là bọn vô lại dối trá, lừa bịp. Vì họ thích trầm tư mặc tưởng, chăm lễ bái cầu nguyện, thuộc lòng các truyền thuyết, pháp luật, nghi lễ tôn giáo của dân tộc Do Thái, nên sự quan sát và suy đoán đối với nhiều sự vật mẫn cảm hơn và xác suất dự đoán được một số sự việc chưa xảy ra cũng có thể cao hơn người bình thường. Chỉ có điều, những miêu tả đầy tính thần thoại về các nhân vật như tiên tri Ezekiel trong Cựu Ước hay tiên tri John trong Tân Ước thực sự không đáng coi trọng.

2. Lật đổ thần mặt trời

Ở nước Israel thời Nam Bắc triều, khi Baasha làm vua, trong suốt 29 năm, hầu hết thời gian ông dùng vào việc tranh luận với nhà tiên tri Jehu. Các cuộc tranh luận không phải về việc Baasha đã mưu sát vua trước để lên làm vua (những việc như vậy họ đã quá quen thuộc rồi), mà là về việc trong nước lúc nào cũng có người lễ bái tượng thần của tôn giáo khác: một số thì lễ bái tượng thần mặt trời Baal, một số thì lễ bái tượng bò vàng. Baasha không thể thuận theo yêu cầu của các tín đồ Do Thái ngông cuồng, ngạo mạn tiêu diệt những người tin theo dị giáo, vì thế, tiên tri Jehu nổi giận lôi đình và buông lời dự đoán rằng hàng loạt tai nạn đáng sợ sẽ giáng xuống vương triều Baasha để xử phạt ông tội đã xem thường quyền uy của Yahweh. Lời tiên tri thật sự linh nghiệm, sau khi con trai của Baasha kế vị liền bị thuộc tướng mưu sát. Kỳ thực, đây chỉ là nhân quả tuần hoàn, Baasha giết vua soán vị, thì người khác giết lại con ông ta để cướp ngôi.

Đến khi Ahab lên làm vua Israel, quyền lực rơi vào tay vợ ông là Jezebel. Bà là công chúa thành Sidon của người Phoenicia, là tín đồ thờ thần mặt trời Baal. Bà cho xây dựng một điện thờ thần mặt trời ở trong cung và bắt toàn bộ dân chúng chuyển sang tín ngưỡng thần mặt trời nếu không sẽ bị xử tử hoặc lưu đày. Theo thường lệ, lại xuất hiện một vị tiên tri đến cứu người Do Thái ở nước Israel, vị tiên tri lần này chính là Elijah. Elijah từ nhỏ đã là một người bảo thủ, trung thành ủng hộ Yahweh một cách cuồng nhiệt, không chút suy lý, không chút tranh luận, không chút nghi ngờ. Ông là người dũng cảm, khắc khổ, không tham của cải, danh vị. Điều đặc biệt hiếm có là,Cựu Ước miêu tả ông thành một đại ma thuật sư xuất quỷ nhập thần, hô mưa nổi lửa. Có thể đúng là ông có nhiều kinh nghiệm tôn giáo hơn hẳn người thường, nhưng có thực sự là xuất sắc như vậy hay không thì chúng ta cũng không cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng làm gì. Dù sao, Elijah cũng đã nhờ sự giúp đỡ của Thiên Chúa Yahweh lật đổ thần mặt trời Baal và giết sạch tổng cộng 450 tư tế của thần Baal trong cả nước.

3. Cuộc tàn sát và sự diệt vong

Người kế thừa Elijah là tiên tri Elisha. Elisha cũng học được các loại ma thuật của Elijah: ông có thể làm cho những đứa trẻ chế giễu ông là “lão trọc đầu” bị hai con gấu ăn thịt; có thể nói một câu mà làm cho dòng sông ngừng chảy; có thể làm sắt nổi trên mặt nước; có thể trị bệnh cho người khác; có thể tàng hình ẩn thân trước mắt nhiều người. Elisha là tín đồ Do Thái cuồng nhiệt nhưng hẹp hòi, về mặt tín ngưỡng, ông chủ trương sẵn sàng đầu rơi máu chảy không chút nương tình. Vua Jehu được nói đến trong Cựu Ước chính là người đã thực hiện lý tưởng của Elisha. Khi Jehu phát động cuộc đại cách mạng, ông ta đã giết sạch các vương tộc trong đất nước Israel, 42 vương tử của vương tộc Judah đều bị mất đầu, các tư tế và tín đồ Thái Dương giáo thờ thần Baal còn sót lại cũng bị nhổ cỏ tận gốc. Elisha cảm tạ Yahweh đã cho Jehu làm vua của Israel và ca tụng thắng lợi toàn diện của Yahweh. Đáng tiếc là, sau cuộc đại tàn sát này, 80% tướng lĩnh cao cấp trong quân đội (thuộc vương tộc trước) đã bị giết chết, và tất cả người ngoại quốc không tin vào Yahweh đều bị xem như kẻ thù. Vì thế, đất nước Israel bắt đầu lâm vào tình trạng nguy cấp mới.

Các tiên tri như Amos, Hosea... cũng cảm thấy cuộc đại tàn sát trước đây là một chuyện đáng tiếc. Vào thế kỷ thứ VIII trước Công nguyên, Amos, Hosea và Isaiah đã sửa đổi lại quan niệm trước kia. Họ có thể nói thông viết thạo vì khi đó họ đã học được cách viết chữ từ người Babylon nước láng giềng, nên họ bắt đầu sưu tập những câu chuyện truyền thuyết đời trước, ghi chép lại lời hay việc tốt của các tiên tri để lưu truyền thiên cổ. Nhưng, không bao lâu sau, Israel đã bị nước lân bang ở phía đông là Assyria tiêu diệt.

Sau khi nước Israel diệt vong nửa thế kỷ, nước Judah cũng sụp đổ theo. Lúc ấy, nhà tiên tri Jeremiah vẫn còn nói rằng, chỉ cần họ chịu tử thủ Thánh địa Jerusalem thì Yahweh nhất định sẽ giúp đỡ họ. Nhưng sự thực thì, họ đã bị mất nước vào năm 587 trước Công nguyên. May mắn thay, Nebuchadnezzar II, vua Babylon, người đã chinh phục họ là một người Chaldean có trình độ văn hóa cao nên đã tha mạng cho Jeremiah, lại còn đối đãi với ông rất mực kính trọng, không giống như cái cách mà người Do Thái đối đãi với tín đồ tôn giáo khác, động một tí là chém giết! Trên đường lưu vong về phía đông cùng với nhân dân của mình, Jeremiah đã chết ở Ai Cập vào năm 586 trước Công nguyên. Có vẻ như, việc này cho thấy rõ ràng là Thiên Chúa Yahweh của ông đã đứng về phía kẻ địch!

4. Từ khi bị đi lưu đày đến lúc về lại quê hương

Cho dù thế nào đi nữa, là một tín đồ Do Thái giáo, tuyệt đối không được oán hận sự trừng phạt của Yahweh. Tuy họ đã là những người dân mất nước và trở thành những kẻ bị lưu đày, nhưng họ chỉ nguyện phản tỉnh tất cả những lỗi lầm trong quá khứ, cho rằng chính vì họ đã làm trái ý Yahweh nên tự mình rước lấy tai họa. Do đó, trong thời gian sống cuộc đời tha hương, họ càng sùng bái Yahweh một cách chân thành và nhiệt tình hơn.

Người Do Thái nước Judah bị người Babylon lưu đày đến vùng thôn quê của Mesopotamia, cuộc sống của họ ở đó rất tốt. Không giống như người Do Thái nước Israel trước đây bị đày ra khỏi đất nước, sống giữa những người Babylon, cuối cùng đã bị đồng hóa và biến mất hoàn toàn. Người Do Thái nước Judah tuy đến sống ở Babylon nhưng vẫn được phép cư trú tập trung một chỗ, được phép có lãnh tụ cùng tín ngưỡng tôn giáo và tư tế tôn giáo riêng của mình. Họ được hưởng quyền lợi thuê dùng đầy tớ và nô lệ. Ngoài việc không được hành động tùy ý, còn lại họ hoàn toàn tự do, cuộc sống sung túc hơn cả khi họ ở Canaan. Đáng tiếc là, tín ngưỡng tôn giáo của họ làm cho họ mắc bệnh nhớ quê hương, luôn cảm thấy Canaan mới là vườn địa đàng của mình, vì phạm tội nên đã mất đi vườn địa đàng mà tổ tiên họ truyền lại!

Trong thời gian bị lưu đày, tuy người Do Thái mong đợi một “cơ hội đột biến” đến với mình, và tuy họ vẫn nhớ những lời nguyền rủa thế giới này của nhà tiên tri Jeremiah, nhưng sau khi Jeremiah chết, chẳng có người nào thích hợp để thay thế vị trí của ông vì tình hình của họ khi đó lại có sự biến động.

Lúc này, họ đã có chữ viết của riêng mình. Tuy quy tắc ngữ pháp của văn tiếng Hebrew còn rất ấu trĩ, nhưng họ đã không còn phải chỉ dựa vào cửa miệng của các nhà tiên tri để truyền bá lời Thiên Chúa nữa, họ có thể dùng chữ viết chỉnh lý lại những gì đã có xưa kia để chế định ra thần luật và dân luật mang tính pháp điển hóa. Từ đấy, các nhà tiên tri kế tục từ vai trò là người thi hành mệnh lệnh bằng những hành động thực tế đã biến thành các triết nhân trầm tư chết già trong đống sách khổng lồ. Đồng thời, các tiên tri cũng trở thành các rabbi[3]. Công việc của họ là giải thích, chú sớ[4], thuyết minh và huấn hỗ[5].

Nhà tiên tri xuất sắc nhất thời kỳ này là Ezekiel. Ông đã từng gặp mặt Jeremiah. Tác phong của ông khô khan, cứng nhắc nhưng có chút mẫn cảm, nhút nhát, dễ xúc động. Ông luôn tạo ra trạng thái hưng phấn cho mình rồi từ đó nhập vào cảnh giới xuất thần thực sự, trong cảnh giới này ông nhìn thấy những cảnh tượng kỳ dị và nghe thấy những âm thanh thần bí. Ông ảo tưởng việc kiến lập một quốc gia chính trị thần quyền với thần quyền tuyệt đối, hy vọng khôi phục lại quyền lực của các tư tế giống như thời đại Moses.

Sau Ezekiel, lại xuất hiện một vị tiên tri có khả năng giải mộng đoán chữ tên là Daniel. Ông tiên đoán rằng vương triều người Chaldean của đế chế Babylon mới sẽ sụp đổ. Quả nhiên, năm 538 trước Công nguyên, quốc vương Ba Tư là Cyrus đã đánh hạ thành Babylon. Một năm sau đó, người Do Thái có được cơ hội hồi hương. Vì Cyrus có thái độ khoan dung với tôn giáo, chủng tộc nào cũng có thể tin theo tôn giáo của chủng tộc đó, cũng có thể căm ghét Thượng đế của Ba Tư, và cũng có thể tự do xây dựng điện thần của riêng mình. Đối với người Do Thái, Cyrus đặc biệt rộng rãi, khích lệ họ tái thiết Jerusalem và các điện thần. Đồng thời, ông ra sắc lệnh mở quốc khố đem tất cả đồ vàng bạc mà vua Nebuchadnezzar II đã cướp đoạt của họ vào thời đại Babylon trả lại hết toàn bộ.

Người dẫn họ về lại quê hương là Zerubbabel. Rất lâu sau đó, dưới sự quở trách của nhà tiên tri Haggai, ông mới tái thiết xong Jerusalem từ đống hoang tàn. Nhưng, vùng đất của người Do Thái khi đó, vẫn chỉ là thuộc địa của đế quốc Ba Tư. Niềm hạnh phúc của người Do Thái mà tiên tri Ezekiel đã dự đoán và lý tưởng chính trị thần quyền của ông vẫn chưa thể thực hiện được!

 

TIẾT 4: DO THÁI GIÁO THỜI ĐẠI HY LẠP VÀ LA Mà

 

1. Thời đại Hy Lạp thống trị

Sau khi người Do Thái về lại quê hương, lúc họ đang nỗ lực kiến thiết và truy cầu lý tưởng của Ezekiel, thời cuộc lại có sự biến đổi mới. Nguyên nhân của sự biến đổi này là vì nền văn minh của người Hy Lạp đã làm chấn động toàn thế giới.

Người Hy Lạp không cùng một chủng tộc với người Do Thái, nhưng lúc Abraham lùa bầy cừu đi tìm vùng đất chăn thả mới, thì đội tiền tiêu của quân Hy Lạp cũng đang thám hiểm núi Olympus. Văn minh của Hy Lạp tiến bộ rất nhanh, nhưng sau khi họ chinh phục được quần đảo trên biển Aegean, họ không hề có ý định can thiệp vào châu Á.

Tuy vậy, 8 năm sau khi vua Cyrus của đế quốc Ba Tư băng hà, Darius lên kế vị, đã xua quân vượt qua eo biển Hellespont xâm lược Hy Lạp vào năm 492 trước Công nguyên. Quân viễn chinh Ba Tư đã chinh phục được Thrace nhưng sau đó thảm bại ở núi Athos. Hai năm sau, quân Ba Tư từ Hy Lạp rút lui về đóng doanh trại ở Marathon. Sau đó, quân Ba Tư còn tiến quân vào Hy Lạp 2 lần nữa, thậm chí đã đốt phá, cướp bóc thành Athen nổi tiếng của Hy Lạp, nhưng bên giành chiến thắng cuối cùng lại là người Hy Lạp.

Sau lần đánh thắng Ba Tư này, chỉ vỏn vẹn trong một thế kỷ, số lượng các nhà khoa học, nhà điêu khắc, nhà toán học, nhà triết học, thầy thuốc, nhà thơ, nhà soạn kịch, nhà kiến trúc, nhà hùng biện, nhà chính trị và nhà lập pháp xuất hiện ở Hy Lạp còn nhiều hơn số lượng đã xuất hiện trong lịch sử thế giới 20 thế kỷ qua.

Vì thế, một thế kỷ sau, một chàng trai người Macedonia tên là Alexander, bởi đã tiếp nhận được nền giáo dục Hy Lạp từ một ngôi trường tốt nhất ở Hy Lạp và muốn đem nền văn minh Hy Lạp phổ biến cho toàn nhân loại, nên đã đánh bại tàn quân Ba Tư, giết chết vị vua cuối cùng của đế quốc này. Vào năm 336 trước Công nguyên, Alexander bắt đầu sự nghiệp đế vương của mình. Tuy người Hy Lạp xem ông là người nước khác, nhưng bản thân ông lại tự thề rằng sẽ là người ủng hộ Hy Lạp.

Sự nghiệp đế vương của Alexander tuy chỉ có 13 năm nhưng đã chinh phục được toàn bộ vùng đất từ sông Nile của Ai Cập đến tận sông Ấn của Ấn Độ. Người Do Thái dù đã nương tựa vào sự bảo hộ của thanh kiếm lửa của Yahweh nhưng họ vẫn bị quân đội của Alexander chinh phục.

Ngay sau khi Alexander qua đời, đế quốc ông tạo dựng nên liền bị các thuộc tướng của ông cát cứ, phân chia. Trong khoảng thời gian 100 năm sau đó, hậu duệ của các vị thuộc tướng kia không ngừng tranh đấu lẫn nhau, đất nước Do Thái cũng vì vậy mà thay đổi người thống trị đến mấy lần. Sang thế kỷ thứ II trước Công nguyên, nước Do Thái trở thành một phần lãnh thổ của vương triều Seleucids ở Syria. Antiochus Epiphanes, vị vua đời thứ 8 của vương triều này, thuở nhỏ từng bị đưa đến La Mã làm con tin trong 15 năm trường. Sự thịnh hành của văn hóa Hy Lạp ở La Mã cũng đã làm cho ông trở thành một người sùng bái nhiệt thành văn hóa Hy Lạp. Sau khi lên ngôi, ông liền phổ biến văn hóa Hy Lạp, đồng thời hạ lệnh hủy bỏ các nghi thức của Do Thái giáo, chấm dứt việc hiến tế Yahweh, đốt và cấm các kinh sách về luật pháp Do Thái giáo, phá hủy các điện thần thờ Yahweh, xây điện thờ thần Zeus thay thế vào đó và dùng rất nhiều thịt heo - loại thịt mà người Do Thái kiêng kỵ nhất làm đồ cúng tế.

Trong số những người Do Thái thời đó đương nhiên vẫn có các bậc vĩ nhân. Một vị tư tế già tên là Mattathiss chủ trương tốt nhất là không giữ những điều luật của Yahweh nữa để có thể được sống sót. Cho nên, tướng sĩ của Antiochus, lần thứ nhất, vào ngày sabbath, đã không đánh mà chiếm được Jerusalem; lần thứ hai, cũng vẫn vào ngày sabbath, lại bị bại trận khi đi đánh đội quân của Mattathiss. Sau khi Mattathiss già chết, người con trai thứ 3 của ông là Judas Maccabee sáng tạo nên chiến thuật đánh du kích, xuất quỷ nhập thần, dương đông kích tây, qua vài năm cố gắng, Jerusalem lại được thu hồi. Rồi Judas chết, Antiochus cũng qua đời, nước Do Thái cuối cùng đã ở vào trạng thái được “bảo hộ”, được thừa nhận là một vương quốc độc lập. Họ xây dựng chính thể chính trị thần quyền, do gia tộc Maccabee làm tư tế trưởng kiêm “tổng đốc” của những người đứng đầu bộ máy hành chính trong cả nước.

2. Ba phái Do Thái giáo

Do ảnh hưởng của văn minh Hy Lạp và La Mã, chính thể chính trị thần quyền rốt cuộc không thể phát triển rộng. Đến thế kỷ thứ nhất trước khi Jesus giáng sinh, người Do Thái lại vì sự ảnh hưởng đó mà phân chia làm 3 phái:

a. Phái Pharisees: Phái này là một nhóm người tuân thủ các điều luật của Do Thái giáo một cách cuồng nhiệt. Rất ít việc họ bắt buộc phải làm, nhưng lại có rất nhiều việc họ không được phép làm. Họ căm ghét tất cả những thứ gì của nước ngoài và cấm kỵ tất cả sự cải cách. Vì vậy, trongTân Ước, Jesus đã nêu ra “7 tai họa” của người Pharisees.

b. Phái Sadducees: Người theo phái này một mặt lễ bái Yahweh chân thành, một mặt cũng thừa nhận những điều mà các học giả ngoại quốc (người Hy Lạp và La Mã) nói thực sự là có đạo lý. Họ rất nhiệt tình với chính trị. Khi Jesus truyền đạo, họ sợ rằng Jesus sẽ gây ra những chuyện phiền toái về chính trị nên cũng đã tán thành việc định cho Jesus tội chết.

c. Phái Essenes: Đây là những người chán đời, lánh đời tuyệt đối. Họ sống ẩn dật nơi hoang dã, mỗi ngày dành một phần thời gian canh tác để lấy thực phẩm nuôi sống bản thân một cách hạn chế nhất. Họ không vào thành phố, lại càng không tiếp xúc với sinh hoạt chính trị, giống với đời sống của các thầy tu khổ hạnh của Ấn Độ.

Về thực lực của 3 phái trên, người Pharisees là mạnh nhất, còn người Essenes có số lượng ít nhất. Trước tình trạng 3 phái đối lập nhau, qua khoảng 100 năm, gia tộc Maccabee đã từng phải dốc hết tất cả trí tuệ và khả năng để lãnh đạo đất nước, nhưng chưa dùng đến danh hiệu đế vương. Đến thời Aristobulus, vì vấn đề muốn dùng danh hiệu đế vương mà xảy ra xung đột với người Pharisees. Sau khi ông chết, giữa các hệ phái tôn giáo trong đất nước Do Thái liên tục nảy sinh ra sự tranh chấp.

Lúc nội bộ nước Do Thái đang diễn ra cảnh nồi da xáo thịt, thì tướng Pompey của La Mã kéo quân đến. Sau khi Pompey dẫn quân La Mã đi chinh phục xong người Arab ở phương đông, trên đường trở về ngang qua nước Do Thái, liền ào đến như triều dâng tấn công vào các thành trì của người Do Thái. Sau cuộc chiến, nghe nói có tổng cộng hơn 12.000 quân Do Thái đã bị tàn sát! Đó là chuyện xảy ra vào tháng 6 năm 63 trước Công nguyên. Đánh xong nước Do Thái, Pompey liền đưa Hyrcanus, một người Do Thái đang sống nương tựa vào ông về Jerusalem làm tư tế trưởng.

Đến năm 48 trước Công nguyên, sau khi đánh bại Pompey, Caesar đã thay danh đổi phận cho một người đang dựa dẫm vào ông là Antipater, cho Antipater làm vua của nước Do Thái (kỳ thực chỉ là một tỉnh của La Mã). Antipater lấy thân phận người Do Thái đi làm công dân La Mã và là tay sai của tướng quân La Mã, nên dưới mắt của những người Pharisees, ông là nô lệ ngoại bang, là một tên phản đồ, họ bảo ông không có quyền ngồi lên ngai vàng của vua David. Vì vậy, khi Jesus giáng sinh đúng vào lúc vua Herod, con trai của Antipater đang tại vị, nghe nói Jesus là hậu duệ của David, Herod đã hạ lệnh phải giết chết Jesus. Jesus may mắn thoát nạn nhưng đã làm liên lụy đến những bé trai 2 tuổi đổ lại ở Bethlehem và các vùng quanh đó, tất cả đều đã gặp tai họa.

3. Do Thái giáo sau Jesus và thần học Do Thái giáo

Sau khi tướng quân Caesar - vị vua không vương miện của La Mã bị ám sát, Octavius lên kế thừa ông. Octavius có danh hiệu là Augustus, nghĩa là “tôn nghiêm, hiển hách”. Ông cũng là một ông vua không vương miện của La Mã. Lúc Jesus giáng sinh chính là lúc Augustus đang tại vị. Những người kế thừa Augustus lần lượt là Tiberius, Caius, Claudius và Nero. Bốn người này đều là những bạo chúa trong lịch sử La Mã. Ba người sau thay nhau kế vị trong vòng 1 năm (68 - 69), và cũng lìa đời trong vòng 1 năm: Caius bị mưu sát, Claudius bị đầu độc, Nero thì tự sát.

Tiếp đó là Vespasian, một người đến La Mã từ tỉnh lẻ. Vespasian, khi còn tại vị, không muốn tiếp tục học theo lối sống xa xỉ, lãng phí của Nero, đối với các tỉnh thành phụ thuộc của La Mã cũng cực kỳ rộng lượng. Nhưng, đúng lúc này, người Do Thái lại nổi lên làm phản, nên ông phái con trai mình là Titus dẫn quân đánh hạ thành Jerusalem. Nghe nói trong chiến dịch này, người Do Thái bị giết chết khoảng 100.000 người và bị bán làm nô lệ 97.000 người.

Từ đó về sau, do ảnh hưởng của hoàn cảnh và trào lưu tư tưởng thời đại, đặc biệt là vì sự hưng khởi của Cơ Đốc giáo, quốc gia Do Thái đã vài lần nữa bị diệt vong. Tín đồ Do Thái giáo tuy vẫn không từ bỏ nỗ lực vận động độc lập nhưng họ coi trọng sự phát triển về thần học của Do Thái giáo hơn. Thế là, lớp lớp học giả ra đời, dẫn đến về mặt triết học tôn giáo, tức về mặt thần học, thấp thoáng xuất hiện hai trào lưu là:

a. Phái Cabala: Tư tưởng Cabala là tư tưởng thần bí mang tính truyền thuyết, đại khái là kết hợp thần thoại phương Đông với tư tưởng Hy Lạp mà thành. Cabala có nghĩa là “truyền thuyết được truyền lại từ Adam”. Phái này có hai bộ sách chính: một là Sách Sáng Tạo[1], hai là Sách Huy Hoàng[2]. Theo truyền thuyết của người Do Thái, Sách Sáng Tạo là tác phẩm của Abraham hoặc Jacob, còn theo khảo sát của các học giả thì thực ra nó được sáng tác vào giữa thế kỷ thứ IX. Sách Huy Hoàng hoàn thành vào đầu thế kỷ XIII, được viết để phản đối triết học Maimun. Nói tổng quát, phái này chủ trương: Chúa là không biên giới, không tận cùng, không dục vọng, không mục đích, không hoạt động. Người đầu tiên lưu xuất ra từ Thiên Chúa vô hạn được gọi là Adam Kadmon. Thuộc tính của Adam Kadmon có thể lần lượt chia thành 4 giới: giới siêu việt (Azila), giới tinh thần (Beriah), giới linh hồn (Jerirah) và giới vật chất (Asijjah). Đồng thời, phái này còn chủ trương cả thuyết luân hồi. Học thuyết của phái này là hỗn hợp tạp nham của các học thuyết Pythagoras, Philon, phái Plato mới, phái Gnostic và tư tưởng của tôn giáo Ba Tư.

b. Phái Maimun: Có hai người Do Thái nổi tiếng tên là Maimun, một người sinh ra ở Tây Ban Nha sống trong niên đại 1135 đến 1204, một người sinh ra ở Đức sống trong niên đại 1753 đến 1800. Người mà chúng ta đang nói đến là Maimun chào đời ở Tây Ban Nha. Thuở nhỏ, vì tai họa tôn giáo mà Maimun phải theo cha lánh nạn khắp nơi, sau đến định cư ở Ai Cập. Ông nghiên cứu sâu về bộ luật Hebrew, lại học thêm toán lý, thiên văn, y thuật từ những người thầy Hồi giáo. Tuy ông phụng thờ Hồi giáo nhưng lại ái mộ Do Thái giáo. Những trước tác chính của ông làSefer HamitzvotMishneh TorahMoreh Nevukhim... Maimun có khuynh hướng ứng dụng tư tưởng của Aristotle để tổ chức giáo lý Do Thái thành một hệ thống hoàn chỉnh. Phái Maimun chú trọng vào nghiên cứu nguyên lý và phép tắc khoa học, sử dụng rộng rãi tư tưởng của Plato và Aristotle để biện hộ cho Do Thái giáo. Những người đi tiên phong của phái này là Saadja và David Ben Merwan, đến Gebiral và Bahja Ben Joseph vào thế kỷ XI, rồi David Von Toledo vào giữa thế kỷ XII, cuối cùng là Maimun - người đã tập hợp và làm hoàn thiện học thuyết của phái này. Học thuyết của Maimun hoàn toàn giống với Aristotle chỉ khác ở thuyết về sự sáng tạo. Ông nói hình và chất của thế giới đều được tạo ra từ hư vô. Thiên Chúa không có hình tướng, không thể diễn tả bằng lời, không thể đặt tên, cũng không thể nghĩ lường, vì vậy chúng ta không thể biết được về Thiên Chúa, điều chúng ta biết được chỉ có một câu duy nhất là: “Bản tính của Chúa không thể biết được”.

Đến lúc này, Chúa của Do Thái giáo sớm đã không còn là Chúa của thời đại Moses, thậm chí của thời đại Jesus, mà là Chúa của bản thể luận triết học. Các học giả Do Thái giáo thời cận đại về sau, phần đông muốn sử dụng chủ nghĩa logic để trung hưng Do Thái giáo, lấy 2 giáo lý “linh hồn có thể sống vĩnh hằng” và “nhân tính có thể đạt toàn hảo” làm nền tảng. Giáo lý này có thể gọi là tôn giáo, nhưng thực ra cũng có thể gọi là triết học. Nó đã vượt qua tính độc đoán của Chúa trong thần học Cơ Đốc giáo và giống với quan điểm của Kỳ-na giáo, tức linh hồn sống mãi và con người ai ai cũng có thể đạt đến trình độ toàn hảo.

 

TIẾT 5: THẦN THOẠI DO THÁI GIÁO 

 

1. Thánh điển của Do Thái giáo

Muốn giới thiệu về thần thoại của Do Thái giáo, trước hết phải tìm hiểu kinh điển của Do Thái giáo, nếu gộp cả các loại sách luật và sách thần học thì số lượng kinh điển này cũng không phải ít. Cội nguồn của thần thoại Do Thái giáo chính là bộ kinh Cựu Ước, vì vậy chúng ta ở đây chỉ bàn đến bộ Thánh điển này.

Thánh kinh Cựu Ước rõ ràng là đã được viết trong một khoảng thời gian rất dài, nó ghi chép lại những tưởng tượng, truyền thuyết và lịch sử của Do Thái giáo qua những tháng năm đằng đẵng đó. Đáng tiếc là, những người viết Cựu Ước không ai có đầu óc lịch sử nên đã lấy thần thoại, truyền thuyết làm sự thật lịch sử. Họ còn tìm cách dùng thần thoại để giải thích những truyền thuyết và sự vật mà họ không hiểu rõ, thậm chí còn làm cho niên đại và tên người có thật trong lịch sử rối tung cả lên. Bởi thế, đọc những gì viết trong Cựu Ước dưới góc độ lịch sử là việc rất khó khăn vì sự biên tập Cựu Ước vốn đã không tuân theo trật tự của quá trình lịch sử.

Theo lời những tín đồ Cơ Đốc giáo và Do Thái giáo, năm quyển sách đầu của bộ kinh Cựu Ướclà những quyển hoàn thành sớm nhất. Chúng là trước tác của Moses nên được gọi là Ngũ Thư Moses, bao gồm: Sáng Thế KýXuất Ai Cập KýLevite KýDân Số Ký và Đệ Nhị Luật Ký. Trên thực tế, ngoài 10 điều răn của mình, Moses chưa hề viết một quyển sách nào. Theo khảo sát của các học giả, 5 quyển Ngũ Thư Moses đều là người đời sau căn cứ vào truyền thuyết mà viết ra, trong đó niên đại của Sáng Thế Ký là muộn nhất. Trong mục 3, chương 19 cuốn Đại Cương Lịch Sử Thế Giới của Herbert Wells cũng viết rằng: “Câu chuyện về sáng thế và hồng thủy, cùng phần lớn câu chuyện về Moses và Samson, là vay mượn từ Babylon. Khi người Do Thái quay về Jerusalem, chỉ có 5 cuốn kinh đầu tiên (thuộc bộ Cựu Ước) là đã hoàn chỉnh”. Có thể thấy Moses không hề viết Ngũ Thư và những câu chuyện trong Ngũ Thư quá nửa là lấy từ các truyền thuyết của người Babylon.

Do vậy, rất nhiều ghi chép trong Cựu Ước, dù cho có giới thiệu rõ là thời đại của tiên tri nào, do tiên tri nào viết, bao gồm cả thơ của vua David và vua Solomon, đều rất không đáng tin. Ví dụ, kinh Isaiah tổng cộng có 66 chương nhưng ngôn ngữ và thể văn khác lạ trong 27 chương cuối cho thấy rất rõ rằng vài thế kỷ sau thời Isaiah chúng mới được viết nên, trong khi những lời tiên tri quan trọng trong kinh Isaiah lại xảy ra đúng vào vài thế kỷ sau đó, đây là những gì lịch sử đã ghi lại. Những thứ thần bí được gọi là lời tiên tri chẳng qua là bắt nguồn từ lòng tín ngưỡng của tín đồ Do Thái giáo và tín đồ Cơ Đốc giáo mà thôi.

Còn có một kinh khác là Daniel cũng đã chép rất nhiều câu chuyện làm cho tín đồ Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo đọc đến cảm thấy vô cùng thích thú, nhưng theo kết quả nghiên cứu của các học giả thì kinh này hoàn thành trong khoảng thời gian từ năm 167 đến 165 trước Công nguyên, cách thời đại Daniel đã 4 thế kỷ. Daniel ra đời muộn hơn Isaiah một chút, là người cùng thời với vua Nebuchadnezzar II của Babylon. Căn cứ vào những tài liệu phía Babylon, vị vua này qua đời trong yên bình vào năm 561 trước Công nguyên, không giống như kinh Daniel đã ngụy tạo là ông bị chết thảm vì không lễ Chúa mà lễ bái tượng thần.

Đến thế kỷ thứ VIII trước Công nguyên, người Do Thái mới học được cách viết chữ từ người Babylon, bắt đầu thu thập các câu chuyện, truyền thuyết và luật pháp trước đây, dùng văn phạm còn rất ấu trĩ ghi chép lại, đó chính là những Thánh thư tiếng Hebrew. Theo Hendrik Willem Van Loon, ngữ pháp của loại tiếng này không hoàn bị, ví dụ như thì của động từ, giữa hình thức hoàn thành và chưa hoàn thành không hề có sự khác biệt rõ rệt: cùng một động từ, vừa có thể biểu thị sự kiện đã phát sinh, vừa có thể biểu thị sự kiện sẽ phát sinh. Vì thế, nội dung Thánh điển tiếng Hebrew, cho đến tận bây giờ, vẫn không người nào dám nói là hoàn toàn giải thích được đúng một cách tuyệt đối. Có điều, loại tiếng này dùng để ghi chép sự thật tuy có khó khăn, nhưng dùng để viết thơ thì lại rất thích hợp, vì thơ có thể được hiểu tùy theo tâm trạng của độc giả. Do vậy, thơ ca trong Cựu Ước là những tác phẩm văn học tuyệt vời được nhiều người biết đến.

Bản Cựu Ước đầu tiên hoàn toàn không phải là sách đóng thành tập. Đến năm 537 trước Công nguyên, sau khi người Do Thái từ nơi lưu đày trở về lại Palestine, trong các điện thần ở mỗi thôn xóm nhỏ của họ, đều lưu giữ những bản ghi chép được họ yêu thích và kính trọng, viết lại trên da thú hoặc giấy cói sản xuất tại Ai Cập. Nội dung của chúng không hoàn toàn giống nhau, nhưng đều có liên quan đến những thứ về tôn giáo và truyền thuyết của chi tộc sở hữu chúng. Những bản ghi chép như vậy, qua gần 1000 năm sao đi chép lại, thêm mắm thêm muối, số lượng của chúng thực sự đã quá nhiều. Đến tận thế kỷ thứ IV sau Công nguyên, John Chrysostom - tổng giám mục Cơ Đốc giáo của thành phố Constantinople mới thu thập những tập kinh nhỏ phân tán ở khắp mọi nơi đó về thẩm tra, biên tập và tổng hợp lại thành một bộ Kinh Thánh (Bible).

2. Sự biến đổi của Chúa trong Do Thái giáo

Chúa của Do Thái giáo tuy luôn được gọi là Yahweh nhưng tính chất của Ngài lại biến đổi liên tục tùy theo hoàn cảnh khác nhau của từng thời đại, từ một thần trong đa thần, biến thành một thần duy nhất của Abraham, rồi tiếp tục biến đổi cho đến giai đoạn từ sau thời Jesus tới thời cận đại thì đã trở thành thần trong quan niệm triết học. Trình tự của sự biến đổi này đại khái như sau:

a. Thần gia tộc: thời đại Abraham đến Moses.

b. Thần dân tộc: thời đại Moses đến phán quan.

c. Thần bảo hộ đất nước: thời đại phán quan đến vương quốc.

d. Thần độc nhất thế giới: thời đại vương quốc đến tiên tri.

e. Thần trong quan niệm triết học về nguyên lý thế giới: thời đại Jesus đến cận đại.

Jesus thì xem Chúa là cha của nhân loại, và chính từ đó Cơ Đốc giáo đã ra đời, chúng ta sẽ bàn tiếp về điều này ở chương sau. Thân phận của Jesus và giáo thuyết của ông không khi nào được Do Thái giáo chấp nhận. Bởi vậy, sau khi Cơ Đốc giáo thịnh hành, Do Thái giáo đã từng rất nhiều lần bị Cơ Đốc giáo đại tàn sát!

3. Phân tích tính chất của Yahweh

Về ý nghĩa cái tên Yahweh (Java, Jehovah), có người cho rằng nó bắt nguồn từ chữ “thổi” trong tiếng Arab, hàm ý chỉ “thần gió bão”; có người cho rằng nó bắt nguồn từ chữ “giáng xuống” trong tiếng Hebrew, hàm ý chỉ “thần sấm sét”; lại có người cho rằng nó bắt nguồn từ cha trời Dyaus của Bà-la-môn giáo Ấn Độ. Dyaus là bò đực; lưu vực sông Nile của Ai Cập thì thịnh hành việc sùng bái thần bò; anh trai Aaron của Moses cũng từng đúc một tượng bò bằng vàng làm thần cho người Do Thái sùng bái. Những điều này là bằng chứng cho thấy khởi nguyên của Yahweh là từ tín ngưỡng sùng bái vật tổ.

Yahweh thường xuất hiện cùng với lửa sét và gió lớn, như vậy Yahweh tất phải có quan hệ với thần gió bão và thần sấm sét. Còn nữa, Moses và các tiên tri sau này phải đến núi Sinai để gặp Yahweh, núi Sinai vốn là nơi ở của thần mặt trăng Sin, như vậy Yahweh còn có quan hệ với cả thần mặt trăng. Moses lãnh đạo dân tộc của mình ra khỏi Ai Cập, lúc sắp đến Canaan (Palestine ngày nay), vì nạn rắn độc cắn chết nhiều người, ông đã làm một tượng rắn lửa treo lên một cây cột, ai bị rắn lửa cắn mà nhìn lên tượng con rắn bằng đồng này thì được sống. Tín ngưỡng sùng bái thần rắn vốn đã rất phổ biến, việc rắn làm hại loài người cũng thuộc về ý chí của thần linh. Do vậy, thần rắn cũng là một trong những thuộc tính của Yahweh vì những người tín ngưỡng nhất thần không thừa nhận ngoài Yahweh ra còn có ý chí của một vị thần nào khác.

Khi bị lưu đày, người Do Thái đã tiếp xúc với tôn giáo của Babylon, học được thần thoại sáng tạo vũ trụ và thần thoại hồng thủy; đồng thời, họ cũng đã tiếp xúc với tôn giáo của Ba Tư và học được quan niệm tín ngưỡng nhị thần. Người Ba Tư xem thần lửa Ātur là con trai của chủ thần Ahura Mazda (thiện thần), thường phụng mệnh chủ thần đi đánh nhau với rắn độc Azhi Dahaka, thủ hạ của ác thần Ahriman. Thần lửa đã dùng ánh lửa của mình giết chết rắn độc. Người Ba Tư lấy lửa đại biểu cho cái thiện quang minh và trong sạch, lấy rắn độc đại biểu cho cái ác hắc ám và tội lỗi. Đây là tín ngưỡng tôn giáo theo thuyết nhị nguyên thiện ác.

Do Thái giáo nhận được sự gợi mở từ Ba Tư giáo, cũng lấy đặc tính của Yahweh phân làm hai mặt: mặt thiện vẫn thuộc về Yahweh, mặt ác từ Yahweh tách ra dồn vào một nhân vật tên là Satan. Chữ Satan có nguồn gốc từ tên thần Sat của Ai Cập, còn việc Cựu Ước lấy rắn tượng trưng cho tội ác thì có nguồn gốc từ Ba Tư giáo. Như vậy, rắn hoặc Satan đã trở thành đại biểu cho một thuộc tính vốn có khác của Yahweh.

4. Ba thần thoại trọng yếu

Thần thoại là thứ không thể tránh khỏi của các tôn giáo. Tôn giáo nào cũng có tín ngưỡng trước rồi sau mới sinh ra các thần thoại. Để tìm lời giải thích cho tín ngưỡng của mình, các tôn giáo tạo ra đủ thứ thần thoại bằng sự tưởng tượng mang tính nhân cách hóa. Rất nhiều thần thoại của Do Thái giáo là để thuyết minh cho một vài sự thật nào đó. Những ghi chép được xem là “dự ngôn” dưới danh nghĩa các nhà tiên tri trong Cựu Ước phần lớn là do tín đồ Do Thái đời sau gán ghép, bổ sung vào. Vì, nếu không như vậy, thì không thể chứng minh hoặc làm cho người khác tin tưởng vào quyền uy, sự công chính và lòng từ ái của Yahweh. Đương nhiên, những người gán ghép, bổ sung các dự ngôn vào Cựu Ước cũng không có ý ngụy tạo, dối trá, mà tín ngưỡng tôn giáo cuồng nhiệt của họ thúc đẩy họ tin tưởng sâu sắc rằng phải làm như vậy mới phù hợp với nguyên tắc của Yahweh. Chỉ có điều, những thần thoại trọng yếu của Do Thái giáo xuất hiện rất muộn và đa số là những yếu tố vay mượn của người ngoại quốc. Ở đây, xin nêu ra 3 thần thoại như sau:

a. Thần thoại sáng thế: Trong sự tối tăm trống không và hỗn độn, Thiên Chúa vận hành trên mặt nước; Ngài phán: phải có sự sáng, liền có sự sáng; Ngài phân sáng ra khỏi tối, liền có ngày và đêm; đây là ngày thứ 1. Ngày thứ 2, Ngài tạo ra không khí. Ngày thứ 3, Ngài tạo ra đất và rau, cỏ, cây cối trên đất. Ngày thứ 4, Ngài tạo ra mặt trời và mặt trăng chia nhau cai quản ban ngày và ban đêm, Ngài còn tạo ra các vì sao và đặt chúng trong khoảng không trên trời. Ngày thứ 5, Ngài tạo ra các loại chim và cá. Ngày thứ 6, Ngài tạo ra súc vật, côn trùng và thú rừng, Ngài còn tạo ra loài người dựa theo hình tượng của chính Ngài, dựng nên người nam cùng người nữ, đặng cai quản các loài dưới biển, loài trên trời và loài trên mặt đất. Ngày thứ 7, công việc sáng tạo đã hoàn tất, Thiên Chúa nghỉ các công việc Ngài đã làm. Thiên Chúa ban phước cho ngày thứ 7, nên đặt là ngày thánh. Người nam đầu tiên được tạo ra từ bụi đất, tên gọi là Adam. Thiên Chúa lại lấy một cái xương sườn của Adam, tạo thành một người nữ, Adam đặt tên cho người nữ này là Eve. Sau vì Eve nghe lời một con rắn ăn trái của cây phân biệt thiện ác trong vườn địa đàng, làm trái lời hứa với Thiên Chúa, nên đã phạm tội. Họ bị Thiên Chúa đuổi ra khỏi vườn địa đàng, chịu đựng bao khổ cực của đời sống, cho đến con cháu muôn đời sau cũng đều phải chịu khổ như thế.

Thần thoại này hiển nhiên là sau khi Do Thái giáo tiếp xúc với tôn giáo Babylon mới có, nó ra đời trong thời đại người Do Thái đang bị đày đi lưu vong. Babylon sớm đã có thần thoại sáng thế; ngày sabbath (ngày yên nghỉ) vốn là từ tiếng Babylon; thủy tổ của người Babylon tên là Ademi, còn người Do Thái thì gọi thủy tổ của mình là Adam. Sau khi người Do Thái mất đi tổ quốc Palestine của mình, từ chỗ cho rằng đó là do tổ tiên mình đã phạm tội và bị Chúa trừng phạt, họ suy đoán rằng đời sống cực khổ của toàn nhân loại cũng là do thủy tổ của loài người đã phạm tội nên Chúa mới làm cho con cháu của loài người đời đời kiếp kiếp phải chịu khổ, đây gọi là “tội tổ tông”. Nhưng người sáng tác thần thoại này của Do Thái giáo không nghĩ đến việc một Thiên Chúa nhân từ và vạn năng tại sao không dự liệu được rằng tạo ra con người rồi con người sẽ phạm tội? Đã biết tội lỗi mà tổ tiên con người phạm phải sẽ truyền lại cho muôn đời con cháu của họ tại sao vẫn tiếp tục không ngừng tạo ra càng nhiều người hơn nữa cho họ chịu khổ? Nếu nói việc này là để thể hiện sự vinh quang của Thiên Chúa thông qua quyền uy cứu vớt và xử phạt nhân loại, thì Thiên Chúa thật vô vị và tàn nhẫn biết bao! Nếu Thiên Chúa tạo ra con người để biểu hiện quyền uy vô thượng của mình, làm cho con người vừa mới ra đời đã phải đeo lên mình cái gông cùm “tội lỗi”, thì lòng nhân từ của vị Thiên Chúa này ở đâu? Đương nhiên, thần thoại này xuất hiện vào lúc người Do Thái đang bị lưu đày, nên họ đã mượn truyền thuyết cổ của Babylon mà sáng tác ra nó để tìm cách an ủi nỗi hận mất nước, chúng ta chẳng cần dùng logic học để chứng minh cho nó làm gì.

b. Thần thoại chiếc thuyền của Noah: Chúa tạo ra con người để cai quản thế giới, từ người nam tạo thêm người nữ, rồi họ sinh ra càng nhiều người nam và người nữ nữa. Cặp nam nữ đầu tiên được tạo ra không lâu đã phạm vào lệnh cấm của Chúa và bị phạt phải chịu khổ, con người đời sau cũng theo đó mà phạm nhiều tội lỗi hơn nữa. Chúa dựa theo hình tượng của mình mà nặn thành con người và dùng sinh khí của mình thổi vào để con người có sự sống. Điều đáng tiếc là Chúa lại cố ý quên truyền phần thiện lành trong tính linh của mình vào thân xác con người. Con người được tạo ra càng ngày càng đông, tội ác cũng theo đó càng ngày càng nhiều, thế là Chúa bèn dùng một trận hồng thủy làm cho tất cả sinh vật trên thế giới đều bị chết chìm. Khi đó, chỉ có Noah là người công chính nhất, Chúa nói với Noah rằng: “Toàn bộ con người đang sống, cái chết của họ đã đến trước mặt Ta, vì mặt đất đầy rẫy bạo lực, Ta sẽ tiêu diệt chúng cùng với trái đất. Con hãy làm cho mình một chiếc thuyền vuông bằng gỗ cây bách”. Chiếc thuyền này dài 150 thước, rộng 25 thước, cao 15 thước, chia làm 3 tầng. Chúa yêu cầu Noah sau khi làm xong, đưa vợ cùng 3 con trai và 3 con dâu, tổng cộng 8 người vào trong thuyền, đồng thời đưa vào thuyền cả những sinh vật sống và côn trùng, mỗi loài một đực một cái[1]. Rồi cơn hồng thủy đến, mưa liên miên trong 40 ngày đêm, nước nhận chìm tất cả sinh vật! Sau khi nước lụt rút đi, toàn thế giới chỉ còn lại 8 người trong gia đình Noah, nhân loại từ đó về sau đều là hậu duệ của nhà Noah.

Yahweh vì sao phải tiêu diệt tất cả sinh vật? Ngài nói: “Ta sẽ xóa bỏ khỏi mặt đất con người mà Ta đã sáng tạo, từ con người cho đến gia súc, giống vật bò dưới đất và chim trời, vì Ta hối hận đã tạo ra chúng”. Chúa mà cũng có chuyện hối hận, thật đáng buồn cười! Chúa vì con người làm ác mà muốn tiêu diệt toàn bộ sinh vật Ngài đã tạo ra, chỉ có mỗi ông Noah công chính là trường hợp ngoại lệ. Vận mạng của loài cá sống dưới nước không hề được nhắc đến trong thần thoại này, chắc cũng vì loài cá công chính nên không bị tận diệt? Ai ai cũng biết rằng, hồng thủy không thể dìm chết được cá. Kỳ thực, con người làm ác, tiêu diệt con người là được rồi, hà cớ gì phải làm liên lụy đến súc vật, côn trùng và chim muông, bắt chúng phải chết theo con người? Thật ra, thần thoại hồng thủy này cũng là học được từ các thần thoại của Babylon, thậm chí là học được từ Ấn Độ. Nó chỉ là một loại truyền thuyết thần thoại về tai họa lụt lội vào thời đại thái cổ hoang sơ.

Căn cứ theo những khai quật thời cận đại, người ta đã phát hiện ra rằng lịch sử thần thoại sáng thế và hồng thủy của người Babylon có niên đại trước lúc người Do Thái trở về quê hương sau cuộc lưu đày. Nhưng, những thần thoại gốc này lại có nội dung hoàn toàn giống với 10 chương đầu của Sáng Thế Ký trong Cựu Ước. Câu chuyện về hồng thủy đã được lưu truyền rất rộng vào thời cổ đại hoặc thời kỳ đồ đá mới, nó đơn giản chỉ là những hồi ức về sự ngập lụt ở lưu vực Địa Trung Hải.[2]

c. Thần thoại làm lộn xộn tiếng nói: Sau trận hồng thủy, nhân khẩu thế giới tăng trưởng rất nhanh, khi đó mọi người đều có một giọng nói và một thứ tiếng. Họ từ phương Đông dời đến một vùng đồng bằng (chỉ cho Mesopotamia). Ở đó, họ đồng tâm hiệp lực xây một tòa thành và dựng một cái tháp, đỉnh cao đến tận trời, làm tụ điểm cho mọi người tập hợp, gặp mặt nhau. Thiên Chúa rất không vui về việc làm của họ, nếu để mặc họ muốn làm gì thì làm, sau này những việc họ đã quyết định làm, chẳng việc nào mà không thành tựu. Thiên Chúa liền xuống thế gian, làm lộn xộn tiếng nói của họ, rồi làm cho họ tản ra trên khắp mặt đất.

Thần thoại này đọc sơ qua liền thấy có vẻ như là Chúa đố kỵ với sự đồng tâm hiệp lực của con người, không muốn nhìn thấy một xã hội loài người hòa bình và thống nhất xuất hiện, không hy vọng nhân loại có được ý chí và năng lực sáng tạo của riêng mình, nên Chúa phải phá hoại họ từ bên trong. Trên thực tế, bối cảnh của thần thoại này là thời đại sau khi người Do Thái vốn tự cho mình là duy nhất nay bị ngoại tộc chinh phục và lưu đày qua nước khác, tại đó họ tiếp xúc được với rất nhiều người nước ngoài cũng như ngôn ngữ mà người ta sử dụng, để tìm ra đáp án cho vấn đề này, người Do Thái đành phải sáng tác ra một câu chuyện thần thoại như trên. Nếu không sáng tác thần thoại này thì người Do Thái là con cháu của Abraham, còn rất nhiều người nước ngoài từ đâu mà ra? Và vì sao lại có những ngôn ngữ khác nhau?

Trong Cựu Ước, còn có rất nhiều những thần thoại kiểu thế, nếu dùng quan điểm logic, khoa học và luân lý để giải thích chúng, nhất định sẽ làm cho chúng ta cảm thấy thất vọng! Nhưng nếu căn cứ vào bối cảnh tâm lý, bối cảnh lịch sử và bối cảnh xã hội của người Do Thái để phân tích chúng, thì chúng ta có thể hiểu chúng một cách dễ dàng. Ba thần thoại nêu trên lấy từ chương 1 đến chương 11 của sách Sáng Thế Ký trong Cựu Ước. Tôi muốn nhắc lại một câu rằng: Sáng Thế Ký là cuốn sách ra đời muộn nhất trong Ngũ Thư Moses, 3 thần thoại kể trên lại là những phần xuất hiện muộn nhất trong Sáng Thế Ký.


 

203. Còn có tên là núi Hored.

204. The Ten Commandments.

205. Ngày nghỉ ngơi lễ bái, thường là ngày thứ 7.

206. Ark of the Covenant.

207. Tham khảo mục cuối, tiết 1, chương III và mục 5, tiết 3, chương VIII của sách này.

208. Land of Canaan, sau này gọi là Palestine.

209. Nghe nói những bài thơ trong Cựu Ước có không ít bài là tác phẩm của David.

210. The Outline of History.

211. Talent là một đơn vị trọng lượng và tiền tệ thời cổ đại.

212. Mục 2, chương 19, Đại Cương Lịch Sử Thế Giới.

213. Không có một người nào là nhà lịch sử, họ toàn kể chuyện thần thoại mà không chịu nghiên cứu lịch sử.

214. Họ biện hộ cho ý kiến của mình một cách can trường.

215. Rabbi nghĩa là “thầy” hoặc “tư tế”.

216. Chú là chú giải, sớ là giải thích lời chú giải.

217. Huấn hỗ là giải nghĩa từ ngữ trong sách cổ.

218. Sepher Jetzirah.

219. Sepher Zohar.

220. Chương 6 của Sáng Thế Ký nói là 1 đực 1 cái, chương 7 thoắt cái lại nói là 7 đực 7 cái.

221. Theo mục 1, chương 19, cuốn Đại Cương Lịch Sử Thế Giới của Herbert Wells.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/10/2010(Xem: 3857)
Bất biến tùy duyên. Trong Tinh Hoa Triết học Phật giáo (Essentials of Buddhist Philosophy), Tuệ Sỹ dịch, Junjiro Takakusu tóm lược bốn thuyết duyên khởi sắp hạng theo thứ tự từ thời Pháp Tạng từ Nghiệp cảm duyên khởi, đến A-lại-da duyên khởi, Chân như duyên khởi, và cuối cùng, Pháp giới duyên khởi.
29/09/2010(Xem: 5738)
Đối tượng của nhận thức không phải là cái cụ thể, mà là cái trừu tượng. Một sự thể, nếu không được biểu thị bằng những thuộc tính, không thể hiện hữu như một đối tượng.
29/09/2010(Xem: 8468)
Tác-phẩm của Trần-Thái-Tông còn lưu truyền đến nay chỉ gồm có Bộ-Khóa-Hư-Lục và hai bài thơ sót lại của quyển Trần-Thái-Tông ngự-tập đã thất-lạc.
28/09/2010(Xem: 5986)
Sinh trưởng tại miền Đông Tây-Tạng vào năm 1936, Trưởng Lão Đại Sư Garchen Rinpoche thuộc giòng Drikung Kagyu là hoá thân của một vị đại thành tựu giả tên Siddha Gar vào thế kỷ 13 -- đệ tử tâm truyền của ngài Kyobpa Jigten Sumgon, vị Tổ lừng danh của giòng phái Drikung Kagyu của Phật Giáo Tây Tạng. Trong thời đại Cổ Ấn, Đại Sư Garchen Rinpoche chính là hoá thân của đại thành tựu giả Thánh Thiên (Aryadeva), vị đệ tử đản sanh từ bông sen của ngài Long Thọ Bồ Tát. Vào thế kỷ thứ 7, Đại Sư Garchen Rinopche là Lonpo Gar tức vị khâm sai đại thần của Pháp vương Songsten Gampo, vị vua lừng danh trong lịch sử Tây-Tạng
28/09/2010(Xem: 5108)
Vũ trụ bao la rộng lớn với vô vàn những hình thù khác nhau, nhưng kỳ diệu thay, tất cả chúng đều được hình thành nên từ đơn vị vật chất cơ bản là nguyên tử.
27/09/2010(Xem: 4080)
“Sự vô thường, tuổi già và bệnh tật không bao giờ hứa hẹn với chúng ta. Chúng có thể đến bất cứ lúc nào mà không một lời báo trước. Bởi vì cuộc sống là vô thường, nên chúng ta không biết chắc rằng chúng ta có còn sống ở sát-na kế tiếp hay không. Nếu một tai nạn xảy đến, chúng ta sẽ biến mất khỏi thế giới này ngay tức khắc. Mạng sống của chúng ta ví như hạt sương đọng lại trên đầu ngọn cỏ trong buổi sáng mùa xuân. Nó sẽ bị tan biến ngay khi ánh mặt trời ló dạng. Những ý niệm của chúng ta thay đổi rất nhanh trong từng sát-na. Thời gian rất ngắn ngủi. Nó chỉ kéo dài trong một sát-na (kṣaṇa), giống như hơi thở. Nếu chúng ta thở vào mà không thở ra, chúng ta sẽ chết”. Đấy là bài học học đầu tiên mà tôi học được từ thầy của mình cách đây 39 năm, vào cái ngày đầu tiên sau khi tôi trở thành một chú tiểu.
23/09/2010(Xem: 4923)
Duyên khởi có nghĩa là hết thảy hiện tượng đều do nhân duyên mà phát sinh, liên quan mật thiết với nhau, nương vào nhau mà tồn tại. Nói theo thuật ngữ Phật giáo thời “tất cả pháp là vô thường, vạn vật vô ngã, hết thảy đều không”. “Không” có nghĩa là “vô tự tính”, không có yếu tính quyết định. Với lời tuyên thuyết của Bồ tát Long Thọ: “Các pháp do duyên khởi nên ta nói là Không” (Trung luận, XXIV.18), đa số học giả sử dụng Không và Duyên khởi như đồng nghĩa.
22/09/2010(Xem: 5897)
Giáo Pháp Tứ Y trong đạo Phật là giáo lý nói về 4 phương phápthực tập sự nương tựa (y cứ) dẫn đến giác ngộ, giải thoát. Bốn phươngpháp thực tập sự nương tựa này không phải là một hành vi gì cao siêu,hoặc phải “tu luyện” lâu xa, mà chỉ là những hành vi rất thường nhật như đói ăn, khát uống… nhưng nó cũng là một trong những thiện pháp nuôi lớn phúc đức và trí tuệ cho mỗi con người, đem đến sự an lạc thântâm, cũng từ đó cảm hoá được quần chúng ở mọi lúc, mọi nơi... Phải biết gạn đục, khơi trong. Đừng lẫn lộn giữa Pháp và người giảng Pháp, bởi “Pháp” chính là Đạo: giảng Pháp là giảng Đạo. Ta nghe Pháp để “thấy” đạo...
18/09/2010(Xem: 3729)
Khi mỗi cá nhân có cái nhìn chánh tri kiến trong vấn đề giới tính, ắt hẳn họ sẽ xây dựng một gia đình tốt đẹp. Mỗi gia đình đều có một đời sống như vậy sẽ góp phần thiết lập đời sống hạnh phúc cho toàn xã hội, cho mỗi quốc gia dân tộc.
11/09/2010(Xem: 3298)
Phác họa “Chân Như duyên khởi” Chân Như duyên khởi là một “học thuyết” có mặt trong hầu hết các tông phái Đại thừa như Không tông (Trung Quán, Trung Đạo), Duy Thức tông, Hoa Nghiêm tông, Thiên Thai tông, Mật tông… Sở dĩ chúng ta dùng chữ “học thuyết”, như một lý thuyết triết học, vì khi chỉ nghiên cứu trên bình diện tư tưởng và khái niệm - và đó là việc chúng ta đang làm - thì nó là một học thuyết (chân lý tương đối, tục đế). Còn ngày nào chúng ta thật sự thể nghiệm được Chân Như thì đó không còn là một học thuyết, một ngón tay chỉ mặt trăng, mà đó chính là chân lý tuyệt đối, chân đế, là chính mặt trăng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567