Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 5: Tôn Giáo Trung Quốc (Phần 2)

04/03/201608:43(Xem: 4840)
Chương 5: Tôn Giáo Trung Quốc (Phần 2)

Chương 5: Tôn Giáo Trung Quốc (Phần 2)


TIẾT 3: SỰ XUẤT HIỆN CỦA ĐẠO GIÁO


1. Khởi nguồn của Đạo giáo

Thời cổ đại, Trung Quốc không có một tôn giáo thực sự, chỉ có những tín ngưỡng nguyên thủy, tôn giáo đầu tiên của Trung Quốc chính là Đạo giáo. Vì vậy, sau khi giới thiệu nội dung của hai tiết trên, tiếp theo, chương này sẽ giới thiệu đến Đạo giáo. Tuy những tôn giáo lưu truyền ở Trung Quốc còn có Phật giáo, Hồi giáo, Cơ Đốc giáo, Mani giáo... nhưng vì đó toàn là tôn giáo ngoại lai, nên chúng sẽ được giới thiệu ở những chỗ khác. Còn Nho giáo thì vốn đã không phải là một tôn giáo, trong tư tưởng của Hán Nho và Tống Nho, tuy có sắc thái tôn giáo mê tín, nhưng chúng chỉ là đem Nho học của Khổng Mạnh pha trộn thêm phương thuật phù thủy thời nguyên thủy mà thành, cho nên cũng không thể trở thành yếu tố tôn giáo.

Sự ra đời của Đạo giáo tuy muộn màng, nhưng khởi nguồn của nó lại rất sớm, vì bản chất của Đạo giáo là những niềm tin mê tín xuất xứ từ ma thuật của phương sĩ. Ban đầu, Đạo giáo cũng không có quan hệ gì với tư tưởng của Lão Trang. Những người thực hành ma thuật được gọi là phương sĩ; phương sĩ chính là “tổ tiên” của các đạo sĩ sau này. Tần Thủy Hoàng và Hán Vũ Đế sùng tín phương sĩ, dấu tích của phương sĩ trong lịch sử có thể tìm thấy nhiều nhất vào thời đại Tần Hán. Các phương sĩ đều lấy thuật trường sinh để dụ dỗ, mê hoặc các quân vương. Thuyết về các vị thần tiên trường sinh bất lão đã xuất hiện từ đầu thời Chiến Quốc. Trong Viễn Du của Khuất Nguyên có nói: “Nể trọng đức tốt của các vị chân nhân, ngưỡng mộ người xưa tu hành thành tiên vượt thoát sinh tử, thể xác tuy đã chết đi không còn nhìn thấy nữa, nhưng danh tiếng thì lừng vang mãi đến đời đời”. Ở mục lục sách liệt kê trong cuốn Nghệ Văn Chí thuộc bộ Hán Thư, phần Thần Tiên Gia có 10 nhà với tổng cộng 205 quyển. Uy Vương, Tuyên Vương nước Tề và Chiêu Vương nước Yên thời đại Chiến Quốc đều tin vào thuyết thần tiên. Thiên Phong Thiện Thư, sách Sử Ký có ghi lại tới mấy cái tên của các phương sĩ, nhưng cũng nói rằng: “Phương thuật mà các phương sĩ ở ngoài biển khu vực nước Yên và nước Tề truyền dạy không ai có thể hiểu rõ”. “Từ thời Tề Uy Vương, Tề Tuyên Vương, Yên Chiêu Vương đã có người được sai ra biển tìm kiếm ba ngọn núi thần là Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu. Ba ngọn núi thần này tương truyền nằm trong biển Bột Hải, đường đi chẳng xa xôi gì”. Thế mà, tuy nghe nói là có người đã từng đến ba ngọn núi đó, nhưng khi thực sự phái người đi tìm thì lại tìm không thấy. Tần Thủy Hoàng từng cử một phương sĩ tên là Từ Phúc chọn lấy 500 nam nữ trinh trắng ra biển tìm thuốc trường sinh ở ba ngọn núi thần, nhưng rốt cuộc họ một đi không trở lại. Thuốc tiên ngoài biển khó tìm, các phương sĩ lại nghĩ ra chuyện luyện kim đan uống vào có thể trường sinh bất tử. Hán Vũ Đế tôn sùng và tin tưởng phương sĩ Thiếu Quân, Thiếu Quân bày ông học theo Hoàng Đế, làm lễ tế trời đất thì có thể bất tử. Thiếu Quân còn nói ngoài biển có một vị tiên nhân tên là An Kỳ Sinh, Vũ Đế bèn cử người ra biển đi tìm để học thuật biến chu sa thành vàng. Đại Nho gia Lưu Hướng vào thời vua Hán Thành Đế[1] cũng đã học qua thuật luyện đan. Vương Mãng là kẻ chuyên dùng phù mạng[2], cũng là tín đồ của các phương sĩ, đã mong muốn được thành tiên. Vua Quang Vũ Đế nhà Hán cũng tin vào sấm vĩ, ông ta đã lợi dụng lời sấm “Lưu Tú làm thiên tử” mà chính thức lên ngôi.

Vào thời Tiền Hán, phương sĩ nhan nhản, phương thuật thịnh hành. Đến thời Hậu Hán, thì càng sôi nổi hơn, nhưng đã dần dần hợp nhất với Đạo giáo. Việc Lão Tử được tin là một vị thần tôn giáo có thể là bắt đầu từ thời Hậu Hán vì vua Hoàn Đế vào năm Diên Hy thứ 8 (năm 165) đã đích thân cúng Lão Tử, Sở Vương Anh cũng vừa thờ Phật vừa thờ Hoàng Lão (Hoàng Đế và Lão Tử). Lão Tử được tôn sùng làm thần là do các phương sĩ đem phương thuật gán ghép vàoĐạo Đức Kinh của Lão Tử mà ra. Cách gọi “phương sĩ” được đổi thành “đạo sĩ” cũng là vào thời đại Hậu Hán. Tân Luận của Hoàn Đàm vẫn gọi vị đạo sĩ Tây Môn Quân Huệ thời Vương Mãng là phương sĩ. Trong Hậu Hán Thư tuy đã nói đến danh từ “đạo sĩ”, nhưng đến tận thời đại Tam Quốc, phương sĩ vẫn cực kỳ phổ biến. Ví dụ, trong Biện Đạo Luận do Đông A Vương viết có nói đến việc Tào Tháo đã chiêu mộ rất nhiều phương sĩ: “Các phương sĩ trên đời, vua đều chiêu mộ hết. Ở Cam Lăng có Cam Thủy, ở Lư Giang có Tả Từ, ở Dương Thành có Khích Kiệm. Cam Thủy rành về thuật đạo dẫn hành khí, Tả Từ hiểu về thuật phòng trung, Khích Kiệm giỏi về thuật tịch cốc, cả ba người đều nói là đã 300 tuổi”. Trong Điển Luận của Ngụy Văn Đế cũng có nói đến chuyện này.

Đạo giáo vốn có nguồn gốc từ thuật số của phương sĩ, nên trong Lại Hương Ký của Thôi Nguyên Sơn, thuộc phần Đạo Bộ của bộ sách Uyên Giám Loại Hàm, có nói: “Lão Tử là vị thánh sư thứ 13 dưỡng tính đắc được quả tiên, tổng cộng có 36 pháp tu tiên”. Cái gọi là 36 pháp tu thực ra là đem các loại phương thuật thời Tần Hán tập hợp lại mà thành.

2. Đạo Thái Bình

Đạo giáo xuất hiện đầu tiên là đạo Thái Bình thời vua Thuận Đế nhà Hậu Hán. Theo Tương Giai Truyện trong Hậu Hán Thư thì: “Đầu thời vua Thuận Đế, một người ở Lang Da tên là Cung Sùng về kinh dâng bộ sách thần 170 quyển mà thầy ông là Vu Cát đã được trao cho ở bên suối Khúc Dương, những quyển sách này đều viết trên lụa sống màu trắng, đường phân hàng màu đỏ, tên sách màu xanh, đề mục màu đỏ, gọi tên là sách Thái Bình Thanh Lĩnh Thư. Nội dung của bộ sách này lấy âm dương ngũ hành làm tôn chỉ nhưng trong đó có nhiều học thuyết của phù thủy. Quan hữu tư tâu với vua rằng: “Bộ sách mà Cung Sùng dâng lên là sách yêu thuật, không phải kinh” rồi đem cất đi. Sau không hiểu sao Trương Giác lại có được bộ sách đó”.

Thái Bình Thanh Lĩnh Thư có thể là do Vu Cát biên soạn, trong Truyện Thần Tiên của Cát Hồng cũng nói Cung Tung (Cung Sùng lầm thành Cung Tung) ở Lang Da bái tiên nhân Vu Cát làm thầy, đời Hán Nguyên Đế (48 đến 33 trước Công nguyên), Cung Tung theo Vu Cát đến suối Khúc Dương thì gặp một vị tiên từ trên trời xuống trao cho Vu Cát 10 bộ Thái Bình Kinh viết bằng chữ đỏ trên lụa xanh. Trong Chân Chính Luận của cao tăng Huyền Nghi cũng nói: “Lại có Thái Bình Kinh dài 180 quyển do Vu Cát ở nước Thục soạn ra. Người này cử chỉ, nét mặt khó lường, không chịu dốc sức ghi chép kinh Phật, nói nhiều đến các việc như phép trị nước của đế vương, sự sinh hóa của âm dương...” Có thể thấy, Thái Bình Thanh Lĩnh Thư là dị bản của Thái Bình Kinh. Vu Cát sau bị Tôn Sách ở Đông Ngô giết chết. Thái Bình Kinh tuy không được Đạo giáo đời sau xem trọng, nhưng nó lại là bộ kinh sớm nhất của Đạo giáo, sớm hơn cả những bộ kinh được Đạo giáo trọng dụng như Đạo Đức Kinh và Nam Hoa Kinh. Các thuyết thi giải, thân trung chư thần, công quá, tịch cốc... của Đạo giáo đều đã có trong Thái Bình Kinh.

Trương Giác dựa vào Thái Bình Kinh lập nên đạo Thái Bình. Trong Hoàng Phủ Tung Truyện củaHậu Hán Thư có kể rằng: Trương Giác tự xưng là Đại hiền lương sư, phụng thờ đạo của Hoàng Lão, nuôi dưỡng đệ tử, dùng nước bùa, thần chú trị bệnh, rất nhiều người bệnh nhờ đó được lành, nên số người tin theo dần dần nhiều lên. Trong vòng hơn 10 năm, đồ chúng theo đạo đến hơn 10 vạn người, thế là Trương Giác dã tâm bừng dậy, tuyên bố rằng: “Trời xanh (chỉ nhà Hán) đã chết, trời vàng đang lập, vào năm Giáp Tý, thiên hạ thái bình”. Ông ta liên kết người ở 8 châu là Thanh, Từ, U, Ký, Kinh, Dương, Duyện, Dự, lập nên 36 phương[3], đều chít khăn màu vàng trên đầu để tượng trưng cho ý “trời vàng đang lập”. Cùng lúc các phương đồng loạt nổi dậy, giết người tế trời, thiêu đốt quan phủ, cướp bóc làng xóm thành ấp, người đương thời gọi họ là “giặc khăn vàng”, hoặc “giặc bươm bướm”. Sau này loạn khăn vàng tuy đã được dẹp yên nhưng đạo Thái Bình vẫn được lưu hành ở vùng Giang Nam, đó chính là nhờ công lao của Vu Cát. Hậu thế gọi các đạo sĩ là hoàng quan (mũ vàng), trên thực tế cũng xuất phát từ việc giặc khăn vàng Trương Giác tạo phản.

3. Đạo Thiên Sư

Đạo giáo ban đầu toàn là giáo phỉ (giặc tôn giáo), đạo Thái Bình của Trương Giác cũng thế, mà đạo Thiên Sư của Trương Đạo Lăng cũng thế.

Trương Đạo Lăng vốn tên là Trương Lăng, chữ “Đạo” là do người đời sau thêm vào. Ông sinh vào thời vua Hoàn Đế nhà Hậu Hán, nghe nói là cháu đời thứ 8 của Trương Lương. Học qua Thái Học, hiểu rộng Ngũ kinh, những năm cuối đời học thuật trường sinh, vào núi Cốc Minh, soạn ra một cuốn sách đạo dài 24 thiên để dẫn dụ quần chúng. Những người tin theo gia nhập đạo đều phải nộp 5 đấu gạo, vì vậy đạo Thiên Sư được gọi là “đạo năm đấu gạo” hay còn bị gọi là “giặc gạo”.

Sau khi Trương Lăng chết, con là Trương Hành, cháu là Trương Lỗ, 3 đời tu theo thuật của Trương Lăng. Trong Trương Lỗ Truyện của Tam Quốc Chí có chép lại rằng: “Trương Lỗ chiếm cứ Hán Trung, dùng đạo Quỷ dạy dân chúng, tự xưng là Sư quân. Những người mới đến học đạo đều được gọi là Quỷ tốt, sau khi được những người trong bổn đạo tin tưởng thì gọi là Tế tửu, mỗi Tế tửu thống lĩnh một bộ chúng, trên Tế tửu là Đại tế tửu, trên Đại tế tửu là Trị đầu. Họ đều dạy người sống chân thành, không gian dối, ai bị bệnh phải tự thú nhận tội lỗi của mình, nhìn chung là giống với giặc khăn vàng”.

Việc Trương Lỗ dùng “đạo Quỷ dạy dân chúng” nói đến ở đây cũng nên giải thích qua một chút: Đạo Quỷ xuất hiện vào thời Ân Thương, được các nhà âm dương đề xướng, lại nhờ thiên Minh Quỷ trong sách Mặc Tử mà phát triển mạnh mẽ. Theo luận thuyết về Trương Lăng và Trương Lỗ của Chương Thái Viêm thì: “Đạo sĩ đạo Quỷ có gốc gác từ các phù thủy thời cổ đại, thuyết của họ gần giống của Mặc Tử, không giống của Lão Trang và hoàn toàn không phải thuật thần tiên”. Chương Thái Viêm còn nói: “Những điều Mặc Tử dạy đã bị thất truyền từ thời Hậu Hán. Thuyết kiêm ái, thuyết thượng đồng, thuyết thiên chí, kỹ năng thủ thành, lời giảng giải sách kinh... của Mặc Tử đều đã chôn vào quên lãng. Chỉ riêng thuyết minh quỷ vẫn được lưu truyền như trước. Các đạo sĩ đời Hán, Tấn và Hậu Triệu đều theo thuyết này”. Vì đạo Thiên Sư có tư tưởng học thuật bắt nguồn và phát triển từ Mặc Tử, nên đến cả những học giả bác cổ thông kim như cha con Vương Hy Chi và các thế hệ nhà Ân Trọng Kham đều bị đạo Thiên Sư làm cho mê hoặc[4].

Đạo Thiên Sư và đạo Thái Bình cũng có những điểm tương đồng:

a. Trương Giác thì gây loạn khăn vàng, Trương Lỗ thì cát cứ Hán Trung, tuy bị Tào Tháo thu phục, nhưng đến đời vua Hiếu Vũ Đế nhà Tấn (373 - 396) lại có tín đồ của giặc gạo là Tôn Ân làm loạn.

b. Thái Bình Kinh cấm rượu, đạo Thiên Sư cũng cấm rượu.

c. Thái Bình Kinh chủ trương không phạm vào thời vụ, “đạo năm đấu gạo” cũng chủ trương không làm trái với thời vụ tự nhiên, ví dụ cấm giết hại vào mùa xuân và mùa hạ.

d. Thái Bình Kinh chủ trương xây dựng các ngôi nhà 3 trượng vuông ở khắp nơi, “đạo năm đấu gạo” cũng xây nghĩa xá bố thí gạo thịt ở khắp nơi (chút việc làm cứu tế dân nghèo này, mục đích chúng ta không bàn đến, nhưng cách làm vô cùng hợp đạo lý).

Khi đó, vì thiên hạ đại loạn, dân chúng lầm than, đạo Thiên Sư và đạo Thái Bình có thể cấm rượu, không cho giết hại vào mùa xuân và mùa hạ, chăm sóc nuôi dưỡng dân lưu lạc, chẳng trách mà nhất hô bá ứng, nhiều người tin theo. Trương Lỗ sau này tuy đầu hàng Tào Tháo, nhưng đạo Thiên Sư của ông vẫn lưu hành trên toàn quốc, nguyên nhân là vì nó thực sự cần thiết đối với dân chúng thời loạn lạc lúc bấy giờ.

Trương Đạo Lăng là Thiên sư đời thứ nhất, đến Trương Thịnh, con của Trương Lỗ, thì dời qua núi Long Hổ ở Giang Tây, đăng đàn dạy bùa chú và đời này truyền đời khác liên tục cho đến ngày nay, đó là hệ thống truyền thừa nhất quán của đạo Thiên Sư. Thiên sư Trương Ân Phổ hiện di cư tới Đài Loan là cháu đời thứ 63 của Trương Đạo Lăng. Năm 1963, Bộ Nội chính Đài Loan vì chuyện ông tuổi đã cao nhưng không có con muốn ông nhận con nuôi để làm người nối dõi mà đã phải lao tâm khổ tứ không ít. Ngoài ra, theo như được biết, mỗi năm Bộ Nội chính còn trợ cấp cho Thiên sư Trương 48.000 đồng Đài Loan. Nghe nói, hậu duệ của Khổng Tử, Mạnh Tử, Tăng Tử cũng được Chính phủ phát tiền trợ cấp như vậy, có thể thấy Chính phủ coi trọng hệ thống truyền thừa của họ như thế nào.

Đạo Thiên Sư là một phái “ở nhà cưới vợ”, đến đời Nam Tống, Đạo giáo mới có một phái xuất gia là phái Toàn Chân. Ba vật báu gia truyền của gia đình Thiên sư là kiếm, ấn và bùa Đô công. Thiên sư còn hay được gọi là Chân nhân vì khi Minh Thái Tổ tiếp kiến Thiên sư đời thứ 42 đã cho rằng: “Trời là đấng chí tôn, Trời làm gì có thầy? Bèn đổi cách gọi thành Đại chân nhân” (Ngọc Hồ Hà Lãm). Nhưng, danh hiệu Thiên sư (thầy của Trời) và Chân nhân (người tu hành đắc đạo) xuất hiện sớm nhất là trong sách Trang Tử.

4. Mối quan hệ giữa Lão Trang và Đạo giáo

Từ Trương Đạo Lăng, Đạo Đức Kinh của Lão Tử bắt đầu bị Đạo giáo lợi dụng. Theo cuốn Đạo Giáo Khái Thuyết của học giả Nhật Bản Koyanagi Shikita thì: “Đạo Thiên Sư của Trương Đạo Lăng là một loại giáo phỉ. Trương Đạo Lăng lợi dụng Lão Tử là vì muốn mượn chủ nghĩa hư vô và chủ nghĩa xã hội trong sách của Lão Tử để lôi kéo những người đang bất bình; ông ta còn gán ghép thêm thuyết “quái, lực, loạn, thần”[5] của bọn phương sĩ thời Lưỡng Hán vào những lời dạy của Lão Tử. Hơn nữa, vì thể văn Lão Tử dùng kỳ lạ mà cổ điển, súc tích mà thâm sâu, vô cùng khó lý giải, nên trái lại, có thể đã làm tăng thêm tín ngưỡng của tín đồ đạo Thiên Sư; và cũng vì văn Lão Tử luôn có gieo vần, nên rất tiện cho việc đọc tụng. Trong sách của Lão Tử, cũng có cả yếu tố đạo đức, cái gọi là “lưới trời lồng lộng, thưa nhưng khó lọt” là điều làm cho phàm nhân phải sợ hãi”. Koyanagi Shikita còn cho rằng: “Từ cuối triều Hán đến triều Tấn, học thuyết của Hoàng Lão thịnh hành ở đời, nên tín đồ Đạo giáo liền lấy những học thuyết này khuếch trương thêm lên để kích động ngu dân... Các tín đồ Đạo giáo sùng bái Hoàng Lão này[6]đều chú trọng vào những điều siêu nhiên, xa vời, nêu cao chủ nghĩa chỉ lo tự thân, nên họ quan tâm đến phép trường sinh bất tử, thoát tục thành tiên, là lẽ đương nhiên”.

Tuy vậy, Chương Thái Viêm nói thuyết của Trương Lăng, Trương Lỗ “không giống của Lão Trang và hoàn toàn không phải thuật thần tiên”. Thuyết của Lão Trang và thuật thần tiên thực sự là nguồn dinh dưỡng mà Đạo giáo vào thời sau khi giáo phỉ kết hợp với Đạo gia đã dùng để tự vỗ béo cho mình. Trước hết nói về Lão Tử, tư tưởng của ông hợp với Kinh Dịch, ông nói: “Đạo sinh một, một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật”, trong đó, “một” là hào ( ), “hai” là hào ( ), “ba” là hào ( ) của bát quái trong Kinh Dịch. Cũng chính là nói: một là dương, hai là âm, ba là âm dương hòa hợp, cho nên sinh ra vạn vật. Âm dương thuật số là nguồn gốc của Đạo giáo, và Lão Tử cũng có cùng tư tưởng này. Đạo giáo thoắt cái biến Lão Tử, một vị quan thủ thư dưới triều nhà Chu, thành một vị thần đạo. Huống hồ, bản thân Lão Tử cũng từng nói: “Đạo như hư không, thần bí khó lường, mãi không dừng nghỉ, là năng lực huyền diệu sinh ra vạn vật giống như giới tính nữ vậy. Vạn vật từ cửa Đạo mà ra, Đạo là gốc rễ từ đó vạn vật trong trời đất sinh thành và biến hóa”. Lại còn nói: “Nghe đâu, những người giỏi bảo toàn tính mạng của mình, vào núi cao rừng sâu cũng sẽ không gặp tê giác, mãnh hổ, tòng quân đi đánh trận cũng sẽ không bị binh khí làm tổn thương; sừng tê giác không có chỗ mà húc, vuốt mãnh hổ không có chỗ mà cào, lưỡi binh khí không có chỗ mà chạm. Vì sao lại như vậy? Vì những người đó biết được nơi nào họ sẽ không bị chết”. Luận điểm này của Lão Tử, dưới con mắt của các đạo sĩ, lại có quan hệ vô cùng mật thiết với “đạo trường sinh bất lão” mà các nhà âm dương hằng hy vọng.

Từ nguyên nhân này, thuật thần tiên đã được ra đời một cách tự nhiên. Mạnh Tử vốn dĩ chủ trương phát huy hết bản tính, hiểu biết được mệnh trời, thuận theo thiên tính, an theo vận mệnh, không chủ trương dùng sức mạnh của con người miễn cưỡng cải tạo vận mệnh, nên “tu thân để đợi mệnh”, vì vận mệnh là điều không thể kháng cự được. Đạo giáo thì khác, họ cho rằng bản tính và vận mệnh có thể cải tạo được, nếu vừa tu tính, vừa tu mệnh thì có thể trường sinh bất tử. Điều này đánh trúng ngay sở thích của giai cấp vương giả và sĩ đại phu thời bấy giờ. Dưới yêu cầu của chủ nghĩa chỉ lo tự thân, từ góc độ phương thuật, các đạo sĩ đã giải thích sai lệch sáchLão Tử và thêm mắm thêm muối vào sách Trang Tử. Ví dụ, 2 quyển Hà Thượng Công Chú Lão Tử[7] phần nhiều đề cập đến thuật đạo dẫn, thổ nạp (dẫn khí vận động, hô hấp hít thở). Trong sách Trang Tử cũng có ghi rằng: “Thổ nạp hô hấp, thở ra khí bẩn, hít vào khí sạch, giống gấu vươn vai, giống chim dang cánh” (thiên Khắc Ý). Bản ý của Lão Tử có phải đúng như những gì Đạo giáo đã giải thích hay không, thực sự còn rất nhiều nghi vấn. Riêng những miêu tả trongTrang Tử thì chỉ mang tính ngụ ngôn hoặc tính tượng trưng, chứ không có tính tả thực, đây là điều chắc chắn.

5. Ngụy Bá Dương và Tham Đồng Khế

Học giả Nhật Bản Koyanagi Shikita nói rằng: “Ngụy Bá Dương và Cát Hồng là những người đã tổng hợp được kiến thức về chế thuốc tiên. Hai người này đã xây dựng nên căn cứ và phương pháp của việc nghiên cứu thuật thần tiên, đồng thời quyết đoán về khả năng của nó, tạo lập cơ sở cho những nguyên lý của Đạo giáo.”[8]

Trước Ngụy Bá Dương và Cát Hồng, thậm chí trước cả khi Đạo giáo ra đời, có thể là vào thời đại Tần Thủy Hoàng, đã có thuyết về tu luyện dưỡng sinh và sử dụng đan dược, nhưng đối với việc thuyết minh về nguyên lý của những thuyết này thì Ngụy Bá Dương và Cát Hồng là hai người có công đầu.

Cái tên Ngụy Bá Dương không thấy lưu truyền trong chính sử, đại khái ông là một người sống giữa thời Hậu Ngụy và thời Tây Tấn. Theo Truyện Thần Tiên của Cát Hồng: “Ngụy Bá Dương là người đất Thượng Ngu, tinh thông luật thơ, văn từ phong phú, học đạo tu hành, bảo dưỡng chí khí. Ông căn cứ vào Chu Dịch (tức Kinh Dịch) để sáng tác Tham Đồng Khế. Thời vua Hoàn Đế, ông đã dạy lại cho một người ở cùng quận là Thuần Vu Thúc Thông”. Nếu nói ông từng sống vào thời đại vua Hoàn Đế thì chưa hẳn đáng tin. Sách Tham Đồng Khế của ông cũng không thấy liệt kê trong sách Kinh Tịch Chí của bộ Tùy Thư. Đến Kinh Tịch Chí của bộ Cựu Đường Thư mới bắt đầu được đưa vào trong phần Ngũ Hành Gia. Mục lục của Đạo tạng có nêu ra 10 loại Tham Đồng Khế, thịnh hành nhất là 3 quyển Chu Dịch Tham Đồng Khế Chân Nghĩa của Bành Hiểu đời Ngũ Đại và 1 quyển Chu Dịch Tham Đồng Khế Khảo Dị của Chu Hy đời Tống.

Nội dung của Tham Đồng Khế là mượn tướng trạng các hào trong bát quái để luận ý nghĩa việc luyện đan. Trong Kinh Dịch có phép nạp giáp[9], tương truyền do Kinh Phòng phát minh, phép này lấy 4 trạng thái của mặt trăng tượng trưng cho hình thể quẻ dịch, rồi lấy phương vị mọc và lặn của mặt trăng ghép vào quẻ dịch. Tham Đồng Khế chủ yếu mượn phép nạp giáp để thuyết minh tầm quan trọng của các loại đan dược, dựa trên âm dương ngũ hành, lấy thời khắc bình minh và hoàng hôn làm lúc tiến thoái, hành trì. Mục đích cuối cùng của cuốn sách này là giúp kéo dài thọ mạng, nên nó chủ trương thuận theo nguyên lý của Trời (tự nhiên) mà luyện đan. Đan chia thành hai loại nội đan và ngoại đan, trong sách ghi chép về thuật ngoại đan như sau: “Hạt vừng đen còn kéo dài tuổi thọ, luyện thành đan rồi có thể sử dụng, tính Kim của nó không bao giờ rã nát, nên được xem như vật báu trong vạn vật, thuật sĩ uống loại đan này vào, thọ mạng của họ sẽ được trường cửu”. Đối với thuật nội đan thì có cách nói như sau: “Hai khí âm dương huyền diệu mà xa cách, nhưng nếu cảm nhận và chuyển hóa được thì chúng vẫn tương thông với nhau, huống hồ là chúng ở gần, ở ngay trong thân ta, trong lòng ta. Âm dương tạo nên các hiện tượng như mặt trời và mặt trăng, nước và lửa. Ba thứ báu là tai, mắt và miệng, phải bịt cho chắc, không nghe, không nhìn và không nói”. Cái gọi là ngoại đan ở đây là luyện chu sa, chì và thủy ngân thành vàng. Còn nội đan là áp dụng nguyên lý âm dương vào cơ thể con người, nếu điều hòa đúng cách thì có thể được trường thọ như trời đất. Người ta gọi loại khí được điều hòa và hoàn nguyên này là “chân tiên đan”, hoặc “kim đan”. Phái Phòng trung xem tinh dịch như chì và thủy ngân trong phép luyện ngoại đan. Thuật ngự nữ là một phép điều hòa âm dương, xem người nữ như cái đỉnh và cái lò luyện đan, giải thích rằng các hoàng đế thăng thiên nhờ “9 cái đỉnh”, đó là kết quả của việc giao hợp với 9 người phụ nữ.

6. Cát Hồng và Bão Phác Tử

Cát Hồng là người huyện Cú Dung, quận Đan Dương, có cha từng làm Thái thú đất Thiệu Lăng vào thời nhà Tấn. Cát Hồng mồ côi cha mẹ vào năm 13 tuổi, nhờ biết chăm chỉ học hành, cuối cùng đã trở thành một nhà Nho học nổi danh. Vì yêu thích thuật thần tiên, nên từng theo học với Trịnh Ẩn và Bào Huyền, không những thế còn làm con rể của Bào Huyền. Trịnh Ẩn và Bào Huyền là hai phương sĩ tài ba thời bấy giờ. Cát Hồng cũng từng nhiều lần ra làm quan cho triều Tấn. Vào những năm cuối đời, nghe nói ở Giao Chỉ phát hiện chu sa nên ông đã xin triều đình cho đi Cú Lậu làm huyện lệnh. Nhưng sau khi ông đến Quảng Châu thì bị quan Thứ sử Đặng Nhạc giữ lại, bất đắc dĩ phải sang núi La Phù để luyện đan, đáng tiếc là kim đan vẫn chưa luyện xong, thì ông đã giã từ trần thế, hưởng thọ 61 tuổi, lúc ấy vào những năm Hàm Hòa đời vua Tấn Thành Đế (326 - 334).

Bão Phác Tử do Cát Hồng soạn gồm có hai phần Nội Thiên và Ngoại Thiên, ông lấy tên hiệu của chính mình để đặt tên sách. Ngoài ra, ông còn viết Tang Phục Biến Từ, 1quyển; Truyện Thần Tiên, 10 quyển; Trửu Hậu Phương, 6 quyển; Thần Tiên Dược Phương, 1 quyển... Nhưng thành tựu chủ yếu của ông chính là Bão Phác TửNgoại Thiên bình luận về cái được mất của nền chính trị lúc đó và sự tốt xấu của việc người đời, nhưng chẳng qua nó thể hiện thái độ của giới văn sĩ, không có tư tưởng gì đặc biệt, chỉ là trước sự thịnh hành của văn hóa thích đàm luận suông những đạo lý thâm sâu, huyền diệu thời bấy giờ, thì Cát Hồng đứng ở lập trường phản đối. Còn đối với Nội Thiên, theo như chính lời ông nói thì: “Nội Thiên của Bão Phác Tử nói về những chuyện thần tiên, phương thuốc, quỷ quái, biến hóa, dưỡng sinh, kéo dài tuổi thọ, trừ tà, khử họa” (Xem Ngoại Thiên). Lý luận của ông là lấy Đạo làm bản thể của vũ trụ, tu đạo có thể trường thọ như trời đất. Ông đã dẫn chứng bằng những câu chuyện xưa nay, và chủ trương thần tiên có tồn tại. Yếu quyết của việc tu đạo ở chỗ trong dưỡng tinh khí, ngoài uống kim đan, nên ông ghi chép rất tỉ mỉ phương pháp luyện đan. Ông còn nói rõ phép thành tiên ngoài việc tu luyện dưỡng sinh còn phải tích thiện làm lành, đoan chánh hành vi, nên nếu không vất vả siêng năng thì khó mà đắc được thuật tiên. Đến khi Bão Phác Tử ra đời, lý luận của phái Kim đan mới trở nên hoàn bị, và cơ sở của triết học và luân lý học của Đạo giáo mới chính thức được xác lập.

7. Khấu Khiêm Chi và đạo Thiên Sư

Mục đích lớn nhất của Đạo giáo là cầu trường sinh bất tử, cái gọi là thuật ngoại đan, nội đan, thổ nạp, phòng trung... đều là để cầu bất tử, cầu thành tiên. Nhưng, các đạo sĩ từ xưa đến nay, có người nào thực sự được bất tử hay chưa? Ngược lại, rất nhiều sự thật lịch sử đã kể về việc các đế vương và đạo sĩ vì uống kim đan mà trúng độc tử vong. Thế gian làm gì có người nào bất tử và làm gì có một loại thuốc giúp con người trở nên bất tử? Bởi vậy, trong nội bộ Đạo giáo đã bắt đầu có sự thay đổi và Khấu Khiêm Chi là người có công lớn trong sự thay đổi này.

Theo sách Thích Lão Chí trong bộ Ngụy Thư thì: “Thời Thế tổ (Thái Vũ Đế nước Bắc Ngụy) có đạo sĩ Khấu Khiêm Chi, lúc trẻ ông tu theo thuật của Trương Lỗ, uống đan dược nhiều năm mà không thấy hiệu quả”. Vì thế, ông vào núi Tung Sơn tu đạo 10 năm, đến năm Thần Thụy thứ 2 đời vua Minh Nguyên Đế nhà Bắc Ngụy (năm 415), biên soạn một bộ sách 20 quyển là Vân Trung Thủ Tụng Tân Khoa Giới, giả nói là Thái Thượng Lão Quân ngưỡng mộ nhiệt tâm tu đạo của ông nên đã ban cho ông bộ sách tiên “từ khi khai thiên lập địa đến nay chưa từng truyền xuống nhân thế”, đồng thời trao cho ông “địa vị Thiên sư”. Đến năm Thái Thường thứ 8 (năm 423), lại giả nói là Mục thổ thượng sư Lý Phổ Văn ban cho ông bộ Thiên Trung Tam Chân Thái Văn Lục hơn 60 quyển, còn gọi là Lục Đồ Chân Kinh.

Về Vân Trung Thủ Tụng Tân Khoa Giới, Khâu Quỳnh Sơn triều Minh nói sách này “là nguồn gốc của các “khoa nghi trai tiếu”[10] đời sau”. Koyanagi Shikita thì cho rằng: “Cách nói này cực kỳ sai lầm vì giáo lý của Khấu Khiêm Chi đã bao gồm những khoa nghi trai tiếu trước đây, ông chỉ tu bổ và hoàn bị chúng, rồi truyền chúng lại cho hậu thế”[11]. Vì sao lại có sự xuất hiện của khoa nghi trai tiếu? Thích Lão Chí trong Ngụy Thư chép rằng, Lý Phổ Văn có nói rõ với Khấu Khiêm Chi như sau: “Nhân loại trên địa cầu sắp đến thời mạt kiếp, truyền đạo trong dân chúng rất khó khăn, chỉ có bảo mọi người lập đàn tràng, sớm tối lễ bái, giống như trong nhà có một vị gia trưởng nghiêm khắc bảo đâu mọi người nghe đấy, thì công lao đó có thể sánh với các bậc tiền bối”.

Từ sự thật nêu trên, có 3 điểm đáng để chúng ta chú ý:

a. Thuật luyện đan từ xưa đến nay không thể đạt được mục đích trường sinh nên phải chuyển sang tụng kinh, lễ bái bằng khoa nghi trai tiếu để tranh thủ tín đồ.

b. Chính phái của đạo Thiên Sư vốn lưu hành ở phương nam, do Trương Thịnh ở núi Long Hổ, tỉnh Giang Tây truyền xuống; trong khi đó Khấu Khiêm Chi ở phương bắc, nhưng muốn đoạt lấy hệ thống truyền thừa này nên đã tự xưng là Thiên sư.

c. Từ trước đến giờ, Trung Quốc có đủ thứ quy tắc, lễ nghi cúng tế tôn giáo, Khấu Khiêm Chi vì để thích ứng với yêu cầu mới nên đã đề xướng và phát huy những quy tắc, lễ nghi này, tổng hợp đầy đủ và biên soạn thành các khoa nghi trai tiếu, trong đó cũng có những thành phần được lấy từ Phật giáo.

Thời kỳ này, ngoài Khấu Khiêm Chi, còn có rất nhiều đạo sĩ đã mô phỏng kinh Phật, ra sức ngụy tạo nên kinh điển và sách vở của Đạo giáo. Trong các học giả Đạo giáo ở phương nam, nổi tiếng nhất là Lục Tu Tĩnh và Đào Hoằng Cảnh. Lục Tu Tĩnh chết vào năm Nguyên Huy thứ 5 đời vua Thương Ngô Vương nhà Lưu Tống (năm 477), Đào Hoằng Cảnh chết vào năm Đại Đồng thứ 2 đời vua Vũ Đế nhà Tiêu Lương (năm 536).

Đúng là nhân quả tuần hoàn, Đạo giáo đã ăn cắp rất nhiều thứ từ Phật giáo, làm phong phú nội dung Đạo tạng của họ, Phật giáo cũng quay lại học tập từ Đạo giáo. Tương truyền, Lương Hoàng Bảo SámThủy Lục Nghi Quỹ... đều được sáng tác vào đời Lương Vũ Đế (502 - 549), sau Vân Trung Thủ Tụng Tân Khoa Giới của Khấu Khiêm Chi gần 100 năm, và rõ ràng là đã chịu ảnh hưởng của Đạo giáo. Hay như sau này, các Tăng Ni khi làm “Phật sự”, cũng viết sớ, đọc sớ, đốt sớ, đó là học theo khoa nghi của các đạo sĩ phái Phù lục chuyên về bùa chú. Tuy Mật tông Phật giáo cũng đặc biệt chú trọng nghi thức, nhưng lúc nghi thức của Mật tông được truyền vào Trung Quốc thì đã là thời đại cuối triều Đường.

Tiếp theo xin kể một chuyện ngoài lề nhưng cũng có liên quan đến Khấu Khiêm Chi. Khấu Khiêm Chi là người căm ghét Phật giáo, ông ta đem sách Đạo giáo ngụy tạo dâng lên vua Thái Vũ Đế nhà Bắc Ngụy, nhờ được Tể tướng Thôi Hạo làm nội ứng, đạo Thiên Sư của Khấu Khiêm Chi đã trở thành quốc giáo của Bắc Ngụy; ông ta nhân cơ hội được sủng ái này mà bài xích Phật giáo nặng nề, gây ra cuộc pháp nạn đầu tiên trong ba lần đạo Phật bị triều đình phong kiến hủy diệt trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc. Chùa chiền bị đập phá, kinh tượng bị hủy hoại, Tăng sĩ bị chôn sống. Nhưng rồi, 2 năm sau, Khấu Khiêm Chi chết (năm Thái Bình Chân Quân thứ 9, tức năm 448); 2 năm sau nữa, Thôi Hạo cũng bị xử tử; đến tháng 3 năm 452, Thái Vũ Đế băng hà; nguyện vọng trường sinh của tất cả bọn họ đều đã trở thành bóng nước!

8. Mao Sơn và Võ Đang Sơn

Đạo giáo có rất nhiều phái, trong đạo Thiên Sư của Đạo giáo, chia làm hai phái là Trương Đạo Lăng và Khấu Khiêm Chi, hay còn gọi là phái Đan đỉnh và phái Phù lục. Ngoài đạo Thiên Sư còn có phái của Cát Hồng và của Đào Hoằng Cảnh. Một phái khác nữa của Đạo giáo là phái Mao Sơn, phái này có liên quan đến Đào Hoằng Cảnh. Đào Hoằng Cảnh từng dựng quán ở núi Mao Sơn, tự lấy hiệu là Hoa Dương Ẩn Cư. Nhưng cái tên Mao Sơn là từ sự tích Tam Mao Quân mà ra. Đào Hoằng Cảnh Truyện trong Lương Thư kể rằng: “Đời nhà Hán xưa có ba anh em họ Mao ở Hàm Dương tu hành đắc đạo, đến ở núi này, nên gọi nó là Mao Sơn”. Thiên Tần Thủy Hoàng Bản Kỷ trong Sử Ký đã dẫn sách Thái Nguyên Chân Nhân Mao Doanh Nội Ký để khảo sát, kết quả cho thấy Tam Mao Quân là những người cuối đời Tần đầu đời Hán, sống trước Trương Đạo Lăng rất xa. Một điều đáng chú ý nữa là: núi Mao Sơn nằm ở quê hương của Cát Hồng (Cú Dung, Đan Dương, Giang Tô). Đạo sĩ phái Mao Sơn sùng bái, thờ phụng Tam Mao Quân, điểm khác với đạo sĩ của đạo Thiên Sư là họ không kết hôn.

Một phái khác cũng có các đạo sĩ xuất gia là phái Võ Đang ở tỉnh Hồ Bắc. Đạo sĩ phái Võ Đang chủ yếu thờ Chân Võ Huyền Thiên Thượng Đế, kỹ năng chính của họ là luyện đan và trừ tà. Trương Tam Phong triều nhà Minh chính là một đan sĩ của phái Võ Đang. Vương Trùng Dương vào thời đại Nam Tống sáng lập nên phái Toàn Chân ở miền bắc Trung Quốc, cũng thờ Chân Võ Huyền Thiên Thượng Đế và cũng không kết hôn, phái này có cùng nguồn gốc với phái Võ Đang.

 


TIẾT 4: PHƯƠNG PHÁP TU LUYỆN CỦA ĐẠO GIÁ


 

1. Sử dụng bùa chú

Giảng về bùa chú của Đạo giáo làm tôi nảy sinh hứng thú so sánh nó với Mật tông của Phật giáo: Mật tông có phép Du-già, Đạo giáo có thuật đạo dẫn; Mật tông có phép đại lạc Du-già Vô thượng, Đạo giáo có thuật phòng trung “tính - mệnh song tu”[12]; Mật tông có mạn-đà-la[13],Chân Linh Vị Nghiệp Đồ là mạn-đà-la của Đạo giáo; hành giả tín ngưỡng Mật tông có thể “tức thân thành Phật”[14], Đạo giáo thì chủ trương nhục thân có thể đạt được “bạch nhật thăng tiên”[15]; Mật tông thịnh hành chú ngữ, chú tự, ấn quyết, Đạo giáo thì sử dụng chú thuật, phù lục.

Chú tự vốn là văn tự, Mật tông quán các văn tự chữ Phạn để tu một trong các pháp môn Du-già, ví dụ quán 2 chữ “Án-lam”:  để biểu trưng ý nghĩa “thanh tịnh vô nhiễm, lìa các phiền não”; quán chữ “Hồng”:  để biểu trưng ý nghĩa “ra đời, ủng hộ, trừ tai, chế phục”.

Đạo giáo sử dụng rất nhiều bùa chú, dưới đây giới thiệu 5 loại bùa “Lão quân nhập sơn” trong phần Nội Thiên của Bão Phác Tử, cách vẽ của chúng như sau:

blank

Nguyên lý của loại bùa này giống với các loại chú tự của Mật tông và các loại phù chú của Ấn Độ. Về hàm nghĩa, chỉ có người phát minh ra chúng mới có thể biết cách giải thích. Còn về tính chất thì phù (bùa) và lục (sách ghi bùa) tương đương nhau. Vì vậy, Kinh Tịch Chí trong Tùy Thưnói rằng: “Cách dạy đạo của Đạo giáo là, đầu tiên dạy Ngũ Thiên Văn Lục, tiếp đó dạy Tam Động Lục, tiếp đó dạy Động Huyền Lục, tiếp đó dạy Thượng Thanh Lục. Lục là các sách ghi chép tên của Thiên tào (quan trên trời) và những thuộc hạ của họ, có sách chép ít, có sách chép nhiều, còn có cả bùa xen lẫn trong đó. Văn chương kỳ quái, người thế gian chẳng ai hiểu nổi”. Những thứ viết vào phù lục là tên của thần linh và ký hiệu đại biểu cho thần linh, đương nhiên không phải là thứ mà người bình thường có thể hiểu được. Giống như dùng chữ Hán để viết một đống tên người và tên địa danh ngoại quốc, nếu không có ai thuyết minh thì người Trung Quốc cũng không biết đâu mà lần.

Việc viết sớ, đọc sớ, đốt sớ khi làm “Phật sự” của Tăng Ni Phật giáo mà tiết trước từng nói đến là học từ phái Phù lục của Đạo giáo vì những trò này là sở trường của Đạo giáo. Ví dụ, trongKinh Tịch Chí của Tùy Thư nói rằng: “Lại có các phép tiêu tai giải ách, dựa theo âm dương ngũ hành số thuật, viết bùa cầu tăng tuổi thọ, như nghi thức trình tấu sớ vậy, rồi dâng lễ, đốt hương, đọc bùa, tấu lên Thiên tào, xin trừ tai ách, gọi đó là Thượng chương. Trong đêm, dưới trời sao, bày rượu thịt bánh tiền, lần lượt cúng Thiên Hoàng Thái Nhất, rồi các sao và các chòm sao, viết bùa và tấu bùa như nghi thức Thượng chương, gọi đó là Tiếu”.

Mật tông Ấn Độ thời kỳ cuối có gốc là Phật giáo nhưng đã khoác lên mình cái áo mê tín của ngoại đạo; Phật giáo Trung Quốc lưu truyền trong dân gian lấy danh nghĩa làm Phật sự nhưng đã đội lên đầu cái mũ mê tín của Đạo giáo. Bản chất của ngoại đạo (những đạo khác đạo Phật), không kể là ở Trung Quốc hay ở các nước, đều có những điểm tương đồng. Ấn Độ giáo và Đạo giáo thực sự giống nhau ở rất nhiều điểm. Cho đến tận thời cận đại, tất cả những tín đồ Phật giáo học Mật tông ít nhiều đều có hứng thú đối với phương thuật của Đạo giáo. Đứng trên lập trường của tôn giáo học so sánh, đây là điều không thể không phân biệt rõ ràng.

2. Thần của Đạo giáo

Đạo giáo là một tôn giáo rất mâu thuẫn. Đứng trên lý luận của phái Đan đỉnh “tính - mệnh song tu” thì Đạo giáo chủ trương dựa hoàn toàn vào tự lực (sức mạnh của bản thân) để tu luyện làm cho nhục thân bất tử, đắc đạo thành tiên; đứng trên quan điểm dùng bùa chú, trai đàn để làm cảm động quỷ thần, Đạo giáo lại chủ trương dựa vào sự cứu giúp từ bên ngoài. Tư tưởng triết học của Lão Trang thuộc về thuyết phiếm thần; tư tưởng của đạo sĩ phái Đan đỉnh lại thuộc về thuyết duy vật[16]; tư tưởng của đạo sĩ phái Phù lục thì thuộc về tín ngưỡng đa thần. Nếu lấy Nguyên Thủy Thiên Tôn làm tinh khí của trời đất, nguồn gốc của vạn vật, thì tín đồ Đạo giáo lại là những người theo thuyết nhất thần. Vì vậy, Đạo giáo là một tôn giáo có quan niệm rất phức tạp.

Đạo giáo đã tin thần thì chúng ta phải giới thiệu thêm về thần của Đạo giáo, vì họ có quan hệ mật thiết với việc tu luyện của Đạo giáo. Trên đại thể, thần của phái Phù lục là chỉ trời, thần, tiên, quỷ ở ngoài thân; phái Đan đỉnh thì xem thân thể con người như một vũ trụ thu nhỏ, nên các bộ phận trên thân thể đều có trời, thần, tiên, quỷ trú ngụ.

2.1 Thần ở ngoài thân

Đạo giáo có rất nhiều thần hoạt động ở ngoài thân thể con người, nay chỉ xin nêu tên các vị thần quan trọng như sau:

a. Nguyên Thủy Thiên Tôn: Nguyên Thủy Thiên Tôn còn được gọi là Ngọc Hoàng Đại Đế. Vị thần này là tinh khí nhất nguyên khi trời đất chưa phân đôi, và là cội nguồn của vạn vật sau khi trời đất đã phân đôi. Ngài sống trên trời Đại La, hóa thân thành 3 vị tôn thần là: Vô Hình Thiên Tôn (Thiên Bảo Quân) sống trong cung Ngọc Thanh ở trời Thanh Vi; Vô Thủy Thiên Tôn (Linh Bảo Quân) sống trong cung Thượng Thanh ở trời Vũ Dư; và Phạm Hình Thiên Tôn (Thần Bảo Quân) sống trong cung Thái Thanh ở trời Đại Xích. Giáo lý này thực ra là học từ kinh Phật, kinh Phật có nói đến sự hóa thân của Đại tự tại thiên và ba vị trời là Đại phạm, Phạm phụ và Phạm chúng.

b. Lão Quân: Truyện Thần Tiên chép rằng, Lão Quân do Huyền Diệu Ngọc Nữ cảm được sao băng bay vào bụng mình, mang thai 81 năm, rồi sinh ra ông từ bên hông trái. Ông chào đời dưới một gốc cây mận, nên có họ Lý,[17] lại vì mới sinh ra tóc đã bạc trắng, nên được gọi là Lão Tử. Vị thần này cũng là hóa thân của Nguyên Thủy Thiên Tôn.

c. Huyền Thiên Thượng Đế: Huyền Thiên Thượng Đế chính là sao Bắc Đẩu. Ông là chúa tể cõi trời, sống ở Bắc Cực, còn có tên là Thái Nhất, chủ về thọ mạng, nên những người cầu tuổi thọ đều lễ bái sao Bắc Đẩu. Sao Bắc Đẩu có 7 sao thành phần, 4 sao đầu tiên trong số đó gọi là sao Khôi, được những phụ nữ đang kỳ sinh nở phụng thờ, rất giống với Văn Xương Đế Quân.

d. Văn Xương Đế Quân: Là thần văn nghệ, được thờ cúng nhiều trong các trường học.

e. Thành Hoàng: Thành Hoàng là do Thủy Dung trong Chu Lễ biến đổi ra, Thủy là Hoàng, Dung là Thành. Vua nước Ngô vào những năm Xích Ô (238 - 250) đặc biệt sùng bái Thành Hoàng và phổ biến ra toàn quốc. Người ta lấy những vị đã chết có công với địa phương làm Thành Hoàng của địa phương mình.

f. Phong Đô Thần: Phong Đô nằm dưới Đại Thạch Nham thuộc huyện Phong Đô, tỉnh Tứ Xuyên, là âm phủ được lập nên sau khi Đạo giáo tiếp thu tư tưởng địa ngục của Phật giáo. Địa ngục Phong Đô tổng tộng có 10 điện, 138 ngục, Phong Đô Thần ở đó để phán xét tội của người chết. Vị thần này còn có tên là Bắc Thái Đế Quân hoặc Bắc Âm Đại Đế.

g. Tam Quan: Tam Quan là Thiên Quan, Địa Quan và Thủy Quan. Ba vị thần này bắt đầu được sùng bái từ khi Trương Đạo Lăng truyền bá giáo lý, sớm hơn cả sự sùng bái Nguyên Thủy Thiên Tôn. Đến thời Bắc Ngụy, kết hợp them Tam Nguyên vào Tam Quan: Thượng Nguyên Thiên Quan sinh vào ngày 15 tháng 1, Trung Nguyên Địa Quan sinh vào ngày 15 tháng 7, Hạ Nguyên Thủy Quan sinh vào ngày 15 tháng 10. Tam Quan giám sát việc thiện ác của con người. Nay được gọi là Tam Quan Đại Đế.

h. Đông Nhạc Đại Đế: Đông Nhạc Đại Đế chính là thần núi Thái Sơn, là cháu của Thiên Đế, còn được gọi là Thái Sơn Phủ Quân, theo truyền thuyết từ xưa đến nay thì thần này quản lý việc sống chết của con người.

i. Các tiểu thần khác: Ngoài các vị thần lớn ở trên còn có Táo Quân, Thần Tài, Thần Khai Lộ, Thần Môn[18], Quan Thánh Đế Quân...

j. Bát Tiên: Bát Tiên là 8 vị thần tốt lành mà ở Trung Quốc nhà nhà đều biết, nên họ cũng thường xuất hiện trong hội họa và những câu chuyện hý kịch. Tuy nhiên, về mặt lịch sử, giữa 8 vị thần này không có nhiều mối liên hệ với nhau. Bát Tiên gồm có:

- Thiết Quải Lý: Có người nói Thiết Quải Lý chính là Lưu Phả Tử sống vào đời vua Huy Tông thời Bắc Tống (1101 - 1125). Thực tế thì rất khó khảo cứu được thời đại của vị tiên này. TheoTiềm Xác Loại Thư, ông họ Lý, một ngày nọ có hẹn với Lão Quân, xuất hồn đi, 7 ngày sau, khi trở về thì phần xác của ông đã bị đệ tử hỏa thiêu, bèn mượn một cái thây chết đói để hoàn hồn, nên hình dạng của ông rất xấu xí và kỳ quái.

- Chung Ly Quyền: Vào đời Hán, đời Đường và đời Tống đều từng có người nhìn thấy vị tiên này, không biết là 3 vị khác nhau hay là 1 vị duy nhất.

- Lã Động Tân: Sự tích về vị tiên này nhiều nhất trong 8 vị, vốn là một Tiến sĩ đời Đường, hậu duệ của Lễ bộ Thị lang Lã Nhuận, trước học thuật tiên, sau học Phật pháp. Lã Động Tân còn là tổ sư của Toàn Chân giáo thời Nam Tống.

- Hàn Tương Tử: Là cháu của Hàn Dũ triều Đường, vốn là một nhà làm vườn tài ba, ông có thể làm cho hoa mẫu đơn biến ra đủ loại màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng.

- Lam Thái Hòa: Vị tiên này được Chung Ly Quyền thời Hán độ cho đắc đạo. Ông vốn là chủ một gánh hát, sau khi theo Chung Ly Quyền học đạo 30 năm về lại gánh hát thì vợ và các đồng nghiệp đều đã già hết, ngược lại ông vẫn giữ được phong thái như xưa, dung mạo vẫn rất tươi đẹp.

- Tào Quốc Cữu: Là con trai của Thừa tướng Tào Bân triều Tống. Có thuyết còn nói rằng ông chính là Tào Dật - em trai của hoàng thái hậu.

- Hà Tiên Cô: Theo Tống Sử, Hà Tiên Cô là một nữ đạo sĩ ở vùng Vĩnh Châu thời vua Tống Nhân Tông (1023 - 1063); có thuyết nói là người vùng Linh Lăng (Tập Tiên Truyện); lại có thuyết là người ở Hà Tần, Tăng Thành, Quảng Châu. Theo Tục Thông Khảo, Hà Tiên Cô thành tiên bay lên trời giữa ban ngày vào những năm Cảnh Long đời vua Trung Tông triều Đường (707 - 709).

- Trương Quả Lão: Trương Quả Lão là người sống vào những năm Khai Nguyên triều Đường (713 - 741), ẩn cư trong núi Trung Điều, từng được Đường Huyền Tông trưng dụng làm quan Ngân thanh quang lục đại phu.

Có thể thấy trong Bát Tiên, ngoài Chung Ly Quyền và Lam Thái Hòa là hai thầy trò, các vị còn lại hoàn toàn không có quan hệ gì với nhau. Những câu chuyện trong hội họa và hý kịch đem họ gộp thành một nhóm chỉ là để cho đông vui và cầu mong sự may mắn, thuận lợi mà thôi.

Chẩm Trung Thư của Cát Hồng hay Chân Linh Vị Nghiệp Đồ của Đào Hoằng Cảnh nói tới nhiều thần tiên khác, các vị thần này phần lớn là những nhân vật lịch sử như Hán Cao Tổ, Hán Quang Vũ, Chu Linh Vương, Trương Hành, Xích Tùng Tử, Khổng Tử, Tôn Quyền...

2.2 Thần ở trong thân

Đưa những vị thần bên ngoài vào làm chủ tể các bộ phận trên thân thể con người là điểm đặc sắc của Đạo giáo.

Thái Bình Kinh nói: “Khéo tự dưỡng thân mình, có thể được trường thọ, không biết khéo dưỡng thân, các thần đều quở trách. Thần bỏ người ra đi, thân người an được sao?... Làm thiện, thần tự biết; làm ác, thần cũng tự biết. Chẳng phải thần nào khác, mà chính là thần ngay trong thân ta”. Vì tự trong thân người đã có thần linh nên đạo tu thân được gọi là đạo “dưỡng thần”. Hết thảy các thần trong trời đất đều tồn tại trong thân chúng ta. Quan niệm này phần nào liên quan tới tư tưởng “tâm, Phật và chúng sinh, cả ba không có gì khác biệt” mà Phật giáo đã nói tới.

Trong Lão Tử Trung Kinh chép rằng: “Thượng Thượng Thái Nhất ở trên đầu con người; Vô Cực Thái Thượng Nguyên Quân cũng ở trên đầu con người; Đông Vương Phụ ở đỉnh đầu; Tây Vương Mẫu ở trong mắt phải; Thái Âm Huyền Quang Ngọc Nữ ở chỗ lá lách; Xích Tử ở trong dạ dày... Tổng cộng có 12.000 vị thần làm chủ tể các bộ phận trong cơ thể con người”. Điều kỳ lạ nhất là quyển sách còn có chép thế này: “Đan điền là gốc của cơ thể, là nơi cất chứa tinh thần, là nguồn cội của 5 loại khí. Ở người nam là nơi chứa tinh dịch, ở người nữ là nơi chứa kinh nguyệt, chủ về sinh sản, là vùng cửa ngõ để hòa hợp âm dương. Vùng đan điền nằm dưới rốn 3 tấc, có chứa cả một phần cột sống và hai cuống thận. Thần họ Khổng, tên Khâu, tự là Trọng Ni”. Trong Đạo giáo, Khổng Tử lại trở thành vị thần ở quả thận!

Từ kinh sách của Đạo giáo chúng ta thấy được rằng thần của Đạo giáo cũng giống như thần của các dân tộc nguyên thủy, giữa các thần không hề có hệ thống hay tổ chức nào, chỉ là một tập hợp hỗn tạp với la liệt các vị thần của trời, đất, người và quỷ.

Phương pháp tu tiên của Đạo giáo, ngoài dựa vào những sức mạnh bên ngoài như phù lục, khoa giáo (lễ tụng)... đã nói đến ở trên, còn có các thuật tự lực như phục thực (uống thuốc), đạo dẫn, phòng trung... Những mục tiếp theo sẽ giới thiệu sơ lược về các thuật này.

3. Kim đan và dược nhĩ[19]

Thiên Chí Lý trong sách Bão Phác Tử nói: “Uống thuốc tuy là cái gốc của sự trường sinh, nhưng nếu kèm thêm vận khí thì lợi ích của việc uống thuốc sẽ đến nhanh hơn rất nhiều. Giả như không có thuốc để uống, chỉ vận khí đạt đến lý cùng cực, cũng sống được vài trăm tuổi”. Vận khí nói đến ở đây chính là thuật thổ nạp hít thở. Câu văn trên ý nói: nếu không có được thuốc trường sinh hiệu nghiệm, người tu thành công mỗi thuật hít thở thôi cũng có thể sống đến vài trăm tuổi. Như vậy, uống thuốc vẫn không tốt bằng vận khí.

Trong thuật phục thực (uống thuốc) của Đạo giáo, tốt nhất là uống kim đan, kế đến là uống các loại thuốc khác, kế nữa là luyện hít thở. Người tu đạo không nên ăn ngũ cốc, tất cả những ai mới nhập đạo tu luyện, đầu tiên nên tịch cốc.[20] Kinh sách Đạo giáo nói rằng: “Thần tiên lấy việc tịch cốc làm nền tảng, không ăn các loại hạt thì thân thể không có cặn bã, không có cặn bã thì công phu không bị rò rỉ, vì thế nên có thể nhập đạo”. Có thể thấy, thuật tịch cốc chỉ là công phu chuẩn bị bước đầu cho việc nhập đạo.

Bão Phác Tử Nội Thiên từng nói đến đẳng cấp của thuốc tiên như sau: “Thuốc tiên cao cấp nhất là chu sa, kế đó là vàng, kế đó là bạc, kế đó là chư chi, kế đó là ngũ ngọc, kế đó là vân mẫu, kế đó là minh châu, kế đó là hùng hoàng, kế đó là thạch trung hoàng tử, kế đó là hồi, kế đó là thạch anh, kế đó là thạch não, kế đó là lưu huỳnh, kế đó là đá, kế đó là đá xanh, kế đó là nhựa tùng bách, rồi phục linh, địa hoàng, củ tóc tiên, mộc cự thắng, trọng lâu, hoàng liên, cỏ lưỡi mèo, dướng...”. Trong số đó, quá nửa là khoáng vật, một số ít là thực vật, có loại có thể uống được, nhưng có loại tuyệt nhiên không thể uống được. Cho nên, các phương sĩ phải bày ra việc dùng lò và đỉnh để đun luyện chúng một cách vô cùng thần bí, hy vọng sẽ có kỳ tích xuất hiện từ những biến đổi hóa học. Trong Bão Phác Tử cũng ghi chép tường tận phương pháp luyện đan. Ở thiên Tiên Dược của sách này có nói: “Thảo mộc chỉ giúp kéo dài tuổi thọ, dĩ nhiên không phải là thuốc trường sinh. Nếu chưa luyện được kim đan, thì có thể uống thảo mộc để tự duy trì sự sống”. Thuốc từ thực vật có thể trừ khử bệnh tật và kéo dài tuổi thọ, nhưng không thể bì nổi với kim đan; khi chưa có được kim đan, uống thuốc từ thực vật đương nhiên cũng không trở ngại gì.

Hiệu lực của kim đan ra sao? Thiên Kim Đan trong Bão Phác Tử nói rằng: “Một viên kim đan nhỏ cấp thấp vẫn vượt xa thuốc thảo mộc cấp cao. Tất cả thảo mộc đốt liền thành tro, còn chu sa đốt thì thành thủy ngân, thủy ngân tích tụ biến lại thành chu sa, cho nên chu sa vượt xa thảo mộc”. Lại nói: “Ngũ cốc còn có thể nuôi sống con người, con người ăn ngũ cốc thì sống, không ăn ngũ cốc thì chết, huống chi là thần dược cao cấp, lợi ích của nó đối với con người lẽ nào không hơn vạn lần ngũ cốc ư? Kim đan là thứ mà luyện trong lửa càng lâu thì nó biến hóa càng vi diệu. Còn đối với vàng, đưa nó vào lửa, luyện hoài không tiêu, chôn nó xuống đất, đời đời không mục. Uống hai loại thuốc này vào, có thể luyện cho thân thể con người không già, không chết”. Lại nói: “Theo Hoàng Đế Cửu Đỉnh Thần Đan Kinh, Hoàng Đế uống kim đan, liền thành tiên bay về trời”. Còn nói: “Tuy hít thở đạo dẫn và uống thuốc thảo mộc có thể kéo dài tuổi thọ, nhưng cuối cùng vẫn phải chết. Uống thần đan mới làm cho con người có thọ mạng vô cùng tận, sống ngang với trời đất, đáp mây cưỡi rồng, bay lượn trên không”.

Cát Hồng là phương sĩ thuộc phái Kim đan nên đặc biệt cổ xúy thần hiệu của kim đan, trong thiên Kim Đan, sách Bão Phác Tử, ông phân kim đan thành 9 loại:

a. Đan hoa: Dùng nước hùng hoàng, thủy ngân, muối mỏ, muối halogen, phèn, mẫu lệ, xích thạch chỉ, hoạt thạch, bột chì, mỗi thứ 10 cân (1 cân Trung Quốc bằng 1/2 kg), đun 36 ngày thì được, uống trong 7 ngày thành tiên.

b. Thần phù: uống trong 100 ngày thành tiên, đi được trên nước, trên lửa, trăm thứ bệnh tật đều lành, đều khỏi.

c. Thần đan: Uống 1 đao khuê[21], 100 ngày thành tiên, ngay cả lục súc nuốt kim đan này vào cũng trường sinh bất tử.

d. Hoàn đan: Uống 1 đao khuê, 100 ngày thành tiên, có chim hồng tước, phượng hoàng bay lượn, che chở trên đầu người ấy, và có ngọc nữ đến hầu bên cạnh.

e. Nhĩ đan: Uống 30 ngày thành tiên, có quỷ thần đến hầu hạ, ngọc nữ đến trước mặt.

f. Luyện đan: Uống 10 ngày thành tiên, nếu đun cùng với thủy ngân thì kim đan này sẽ thành vàng.

g. Nhu đan: Uống 1 đao khuê, 100 ngày thành tiên.

h. Phục đan: Uống vào liền thành tiên trong ngày.

i. Hàn đan: Uống 1 đao khuê, 100 ngày thành tiên, có tiên đồng, tiên nữ đến hầu hạ, bay lượn tự tại, không cần dùng cánh.

Chín loại kim đan này, được uống 1 loại là đã đủ để biến thành tiên, không cần phải uống hết cả 9 loại.

Bão Phác Tử dẫn lời từ biệt của Lão Tử nói rằng: “Ông không thể có được hoàn đan, kim dịch (1 loại thuốc nước, uống vào có thể thành tiên), thì cũng uổng công vô ích mà thôi”. “Chu sa nấu chảy thành thủy ngân, thủy ngân tích tụ biến lại thành chu sa”, cái tên “hoàn đan”, bắt nguồn từ đây. “Cửu hoàn đan” còn gọi là “cửu đỉnh đan”, trên nữa còn có “thái thanh thần đan”, khó luyện hơn cả “cửu đỉnh đan”, nhưng là loại thuốc có thể giúp người uống thành tiên ngay giữa ban ngày. Lại còn có “cửu chuyển đan”, lấy chu sa nấu thành thủy ngân, để thủy ngân tích tụ biến lại thành chu sa, một lần như vậy gọi là “nhất chuyển đan”, uống nó 3 năm thì thành tiên; nếu chuyển biến 9 lần như vậy, thì gọi là “cửu chuyển đan”, uống nó 3 ngày liền thành tiên.

Có thể nói, Đạo giáo có đủ loại thuốc thần, nhưng về sự hiệu nghiệm của chúng thì trong chương 9 cuốn Lịch Sử Đạo Giáo Trung Quốc, Phó Vĩ Bình đã viết rằng: “Các sĩ đại phu thời Ngụy, Tấn và Nam Bắc triều có cái mốt uống đan dược, rất nhiều người đã chết, mà họ cũng không tỉnh ngộ. Các vị vua đời Đường sau đó vẫn tiếp tục bị chết vì uống kim đan”. Những vị có thể kể tên ra ở đây là Đường Thái Tông, Đường Cao Tông, Đường Hiến Tông, Đường Kính Tông và Đường Vũ Tông. Họ đều vì uống loại “đan dược trường sinh” này mà mất mạng.

4. Vận khí và đạo dẫn

Vận khí chính là thuật hít thở, chia làm 2 loại:

a. Hít thở khí của trời đất: Thiên Tiêu Diêu Du trong sách Trang Tử viết: “Tuân theo quy luật của trời đất, nắm vững sự biến hóa của lục khí”. Lục khí (6 loại khí) mà Trang Tử nói tới là khí gì vậy? Sách Lý Chú Trang Tử giải thích: “khí triêu hà lúc bình minh, khí chính dương lúc giữa trưa, khí phi tuyền lúc hoàng hôn, khí hãng lúc nửa đêm, cộng với khí thiên huyền và khí địa hoàng là lục khí”. Nói chung là khí của trời đất nhật nguyệt, vận khí là hít thở cái tinh hoa của vũ trụ vạn vật mà thành tiên vậy.

b. Hít thở khí của tự thân: Đây chính là thuật thai tức (hô hấp giống như trạng thái bào thai). Thiên Thích Trệ, sách Bão Phác Tử nói: “Người luyện thai tức, hít vào, nín thở, đếm thầm đến 120, thở ra bằng miệng, dẫn khí từ từ, không được để cho tai mình nghe thấy tiếng khí vào ra, thường hít vào nhiều, thở ra ít, lấy lông chim hồng đặt trên lỗ mũi, thở ra lông không động đậy là được”.

Hiệu lực của thuật vận khí cũng rất lớn, rất kỳ diệu. Thiên Chí Lý trong Bão Phác Tử viết: “Người giỏi vận khí có thể vào trong trận đại dịch, nằm cùng giường với bệnh nhân mà không bị lây nhiễm; có thể đi cùng với một đoàn vài chục người mà làm cho tất cả đều không còn cảm thấy sợ hãi bất cứ điều gì; thậm chí có thể tiêu trừ cả thiên tai. Có sơn tinh, quỷ quái xâm phạm quấy phá nhà người... vận khí ngăn chúng lại, tất cả liền dứt tuyệt... Vào nơi rừng núi nhiều trùng độc, rắn độc... vận khí ngăn chúng lại, có thể tránh không gặp phải chúng trong phạm vi vài chục dặm, làm cho đường đi sạch bóng những con vật gây hại... Vận khí ngăn đao kiếm, có thể dẫm lên lưỡi sắc của chúng mà không bị tổn thương, đâm chúng vào người mà không bị xuyên thủng. Nếu người bị rắn độc cắn, vận khí ngăn chất độc, liền lập tức được lành”.

Về việc vì sao phải vận khí, Bão Phác Tử nói rằng: “Người ở trong khí, khí ở trong người, từ trời đất cho đến vạn vật, không thứ gì không cần đến khí để tồn tại. Người giỏi vận khí, bên trong dưỡng nuôi thân, bên ngoài bỏ điều ác”. Lại còn nói: “Vì biết rùa và hạc sống rất lâu nên bắt chước cách đạo dẫn của chúng để tăng tuổi thọ”. Theo bản năng, rùa và hạc biết được cách hít thở, dẫn khí, nên chúng được trường thọ.

Việc tu luyện vận khí cũng có chỗ tương thông với việc tu trì của Mật tông Phật giáo. Ví dụ, các Lạt-ma Tây Tạng có một pháp tu gọi là “thổ mộc”: “Tu pháp thổ mộc, bạn sẽ có được nguồn nhiệt lượng nội tại. Loại nội nhiệt này tồn tại ở trung tâm hệ thống tinh thần, giống như dòng điện tồn tại ở trong bình ắc quy vậy... Nội nhiệt phát ra từ vùng đáy chậu ở giữa hai đùi và phía dưới bộ phận sinh dục. Trong băng tuyết mùa đông lạnh cóng, tôi có thể cởi trần ngồi trên đỉnh núi hoang vu; tôi còn có thể hong khô hơn 20 cái chăn bị ướt cho một đoàn người, họ lấy chăn ướt đặt lên lưng tôi, không đến 1 phút, chúng khô như là được hong trên lò lửa vậy.”[22]

Vận khí và đạo dẫn tương thông nhau nhưng cách thực hiện có khác, có thể nói đạo dẫn là một phương pháp thể dục dưỡng sinh. Trong quyển 32, bộ Vân Cấp Thất Thiêm của Trương Quân Phòng đời Tống có ghi rõ phương pháp đạo dẫn như sau: “Sáng sớm mới thức, nằm ngửa trên giường, cắn răng vào nhau 14 lần, nhắm mắt lại, nắm chặt tay (ngón cái co lại nằm dưới 4 ngón kia), súc cho nước miếng đầy miệng rồi nuốt xuống, làm như vậy 3 lần, sau đó hít đầy khí vào bằng mũi, cố nín thở, đợi đến khi không thể nín nổi nữa mới từ từ thở ra”. “Một là tinh dịch, hai là nước miếng, ba là nước mắt, bốn là nước mũi, năm là mồ hôi, sáu là nước tiểu, sáu chất dịch này thoát ra đều gây tổn hại cho cơ thể... Con người có thể trọn ngày không xì nước mũi, nhổ nước miếng, nước miếng chảy ra liền nuốt xuống, ngậm suốt một hạt táo trong miệng và nuốt nước miếng tiết ra, thì sẽ giúp con người giữ được nguyên khí, sinh thêm nước miếng, điều này rất trọng yếu”. “Xoa hai bàn tay vào nhau cho nóng, rồi xoa lên mặt, từ trên xuống dưới, làm vậy để trừ tà khí, giúp khuôn mặt rạng rỡ lên. Lại còn có cách là, xoa hai bàn tay vào nhau cho nóng, rồi xoa lên thân mình, từ trên xuống dưới, gọi đó là tắm khô, làm vậy giúp con người trị được phong hàn, thời tiết nóng, đau đầu, trăm bệnh đều khỏi. Tối sắp đi ngủ, thường tắm khô bằng cách dùng 2 tay chà sát thân thể, sẽ tránh được phong tà”. Những cách đạo dẫn như thế này rất nhiều.

Có thể thấy, thuật đạo dẫn chính là các phương pháp rèn luyện sức khỏe như điều hơi thở, nuốt nước miếng, mát xa thân thể, tập thể dục nhẹ. Thực đúng như phần Biệt Chỉ của Bão Phác Tửđã nói: “Thuật đạo dẫn trị bệnh chưa phát sinh, làm thông khí bị ứ đọng, tập nó thì khí huyết lưu thông, không tập thì khí huyết ngưng trệ. Thật là nguyên tắc dưỡng sinh trọng yếu, phương pháp trị bệnh huyền diệu”.

Đạo giáo chú trọng đến việc trường sinh, nhưng muốn đạt được mục đích bất tử, thì tuyệt nhiên là không thể, tuy vậy những nghiên cứu về phương pháp dưỡng thân của Đạo giáo lại là điều đáng để chúng ta trân trọng.

5. Nội dung thuật phòng trung của Đạo giáo

Thuật phòng trung còn được gọi là thuật ngự nữ hoặc thuật ngự phụ nhân, tức lấy việc giao hợp giữa nam và nữ để đạt mục đích dưỡng thân. Thuật này rất thịnh hành vào cuối thời Tây Hán. Trong phần Phương Kỹ Lược của sách Văn Nghệ Chí thuộc bộ Hán Thư có chép một thư mục gồm 8 bộ sách về thuật phòng trung, tổng cộng 116 quyển, quá nửa là lấy từ “âm đạo” để đặt tên, ví dụ như: Dung Thành Âm ĐạoVụ Thành Tử Âm ĐạoNghiêu Thuấn Âm Đạo... Tám bộ sách về thuật phòng trung này đã thấy xuất hiện trong Hán Thư, vậy thì khởi nguyên của chúng đương nhiên còn sớm hơn nữa, chỉ có điều là chúng đã bị thất truyền từ lâu.

Văn Nghệ Chí trong Hán Thư viết: “Người đang giao hợp, tình cảm và tính dục đều đạt đến cực điểm, cũng chính là đạt được đến biên giới của Đạo. Các đế vương khi tu thuật phòng trung phải chế ngự những biểu hiện lạc thú bên ngoài để ngăn chặn những tình cảm ham muốn bên trong, đây chính là sự tiết chế”. Có thể thấy, bản thân thuật phòng trung hoàn toàn không lấy việc hưởng thụ dục lạc làm mục đích.

Thiên Chí Lý, sách Bão Phác Tử nói rằng: “Người luyện vận khí nên biết thêm thuật phòng trung, sở dĩ như vậy là vì người không biết thuật âm dương thường hay làm việc nam nữ quá độ mà hao tổn nhiều nguyên khí, như thế vận khí khó mà được đắc lực”. Thiên Vi Chỉ trong cùng bộ sách này còn nói: “Cho dù uống hàng ngàn loại thuốc, hay bồi bổ dinh dưỡng bằng tam sinh[23], mà không biết thuật phòng trung thì cũng chẳng có ích gì”.

Vậy thì, rốt cuộc thuật phòng trung tu như thế nào? Đây là mật pháp của Đạo giáo, phải được truyền dạy một cách bí mật từ thầy sang trò, xưa nay chưa thấy ghi trong sách vở. Cho nên, thiên Thích Trệ của sách Bão Phác Tử nói rằng: “Có hơn 10 phái dạy về thuật phòng trung, có phái dùng để bổ cứu thương tổn, có phái dùng để chữa trị bệnh tật, có phái dùng để lấy âm bổ dương, có phái dùng để tăng thêm tuổi thọ... Pháp tu chủ yếu của thuật phòng trung là “hoàn tinh bổ não”. Thuật này do các vị chân nhân truyền miệng từ đời này qua đời khác, vốn không ghi lại thành sách. Cho dù uống các loại thuốc danh tiếng mà không biết thuật phòng trung trọng yếu này thì cũng không thể được trường sinh”. Có thể thấy rằng, Đạo giáo xem tầm quan trọng của thuật phòng trung còn cao hơn cả vận khí và uống thuốc. Không biết thuật phòng trung, vận khí sẽ không đắc lực và uống thuốc tốt cũng không thể trường sinh. Tuy nhiên, Cát Hồng không chủ trương chỉ dựa vào thuật phòng trung để thành tiên, nên trong cùng thiên sách này ông còn nói: “Một số đạo sĩ muốn chuyên tu thuật phòng trung để được thành tiên mà không chịu luyện thuốc kim đan, thật là ngu xuẩn vô cùng!”

Về công hiệu của thuật phòng trung, có người cho rằng có thể thành thần thành tiên, có người cho rằng có thể chuyển tai giải tội, thậm chí có người cho rằng có thể thăng quan phát tài, nhưng Cát Hồng hoàn toàn không tin những điều này, ông nói: “Đạo lý của thuật phòng trung tự nó có điểm giới hạn, làm sao có thể thành thần thành tiên và tiêu họa được phước chứ? Con người không thể không giao hợp âm dương, ngồi đến sinh bệnh. Nhưng nếu phóng túng theo tình cảm, dục niệm, không thể tiết chế, điều hòa, thì sẽ tổn hao tuổi thọ. Người giỏi thuật này có thể nhịn không xuất tinh để bổ não, hoàn lại âm đan để thắm ruột... giúp cho họ đến già trông vẫn đẹp, sống trọn tuổi thọ thiên phú của mình. Người thế tục nghe nói Hoàng Đế giao hợp với 1200 người nữ để thăng thiên bèn cho rằng Hoàng Đế chỉ dựa vào việc này mà được trường sinh, không biết rằng Hoàng Đế ở vùng Đỉnh Hồ dưới núi Kinh Sơn nhờ uống kim đan mới có thể cưỡi rồng bay về trời. Có thể Hoàng Đế có giao hợp với 1200 người nữ thật, nhưng ông không chỉ nhờ mỗi việc đó mà được thành tiên”.

Hoàng Đế nhờ tu thuật phòng trung đạt đến mức 1200 người nữ, đồng thời nhờ năng lực của việc uống kim đan, nên đã cưỡi rồng thăng thiên. Truyền thuyết này chắc là do các phương sĩ bịa đặt ra, họ đã giả danh Hoàng Đế để ngụy tạo rất nhiều kinh sách của Đạo giáo. Vì thế, bắt đầu từ thời Hán Tuyên Đế (147 - 167), Đạo giáo tự xưng là Hoàng Lão giáo và phụng thờ Hoàng Lão. Có thể thấy rằng, truyền thuyết Hoàng Đế thăng thiên còn xuất hiện trước cả thời Hán Tuyên Đế nữa. Nhưng trong Kỷ Niên và Bác Vật Chí thì lại nói Hoàng Đế băng hà, chứ không nói là thăng thiên.

Cát Hồng là phương sĩ của phái Kim đan, đối với thuật phòng trung, ông nói: “Tôi thật vẫn chưa tường tận cái bí quyết của nó!”[24] Nhưng ông còn nói rằng: “Yếu pháp của thuật phòng trung đa phần là giao hợp với càng nhiều người càng tốt, nhưng nếu như không biết đạo lý của nó, chỉ một, hai người thôi cũng đủ chết trong thoáng chốc. Pháp tu của Bành Tổ đã đạt đến điểm trọng yếu nhất của thuật phòng trung. Các kinh sách khác nhiều phiền phức, khó thực hành, mà nếu thực hành thì lợi ích cũng chưa chắc được như trong sách, rất ít người có thể tu luyện. Thuật phòng trung còn có vài ngàn câu khẩu quyết, người không biết chúng, cho dù uống hàng trăm loại thuốc, vẫn không thể được trường sinh.”[25] Như vậy có thể thấy, thuật phòng trung thật không đơn giản, phải sử dụng hàng ngàn câu khẩu quyết phối hợp với pháp vận khí và dùng các loại thuốc đúng cách vào 4 thời trong ngày, sau đó mới có thể “giao hợp với càng nhiều người càng tốt”, mới có thể “nhịn không xuất tinh để bổ não”. Còn nói tu luyện như thế được trường sinh bất tử thì hoàn toàn là lời bịa đặt dối mình, dối người mà thôi.

Kỳ thực, những điều Cát Hồng nói như: “Con người không thể không giao hợp âm dương, ngồi đến sinh bệnh”, “Người giỏi thuật này... sống trọn tuổi thọ thiên phú của mình”... cũng không phải là chân lý vì rõ ràng là những đạo sĩ thành thục thuật này chẳng hề có một ai sống được từ lúc đó đến bây giờ. Ngược lại, những người xuất gia tu hành được khỏe mạnh và trường thọ của các tôn giáo ở khắp đông tây, từ xưa đến nay nhiều không đếm xuể. Người sống ở đời dĩ nhiên là phải lập gia đình, nhưng nếu không lấy vợ lấy chồng thì cũng chưa chắc sẽ “ngồi đến sinh bệnh”, đặc biệt là những vị Tăng Ni kiền thành, thánh khiết.

6. Thành quả của việc tu luyện

Đạo giáo lấy việc giữ cho thân thể hiện có tồn tại mãi mãi, và lấy sự vui sướng, tự do của tinh thần và thể xác làm lý tưởng. Bất luận là dùng trai tiếu, phù lục, ngoại đan hay nội đan, mục đích đều như thế cả. Tuy những người tu luyện phương thuật của Đạo giáo từ xưa đến nay không biết tổng cộng là bao nhiêu, nhưng người thật sự đạt được nguyện vọng của mình lại chưa từng thấy một ai. Có điều, họ thực sự đạt được nhiều thành quả to lớn trong việc tu tập, ví dụ như: thuật phi hành, thuật biến hóa... Chúng ta không thể phủ định tính chân thực của những thuật này.

Phi hành là gì? Thiên Tạp Ứng trong Bão Phác Tử ghi: “Người nào biết thuật phi hành có thể chu du khắp thiên hạ, không bị núi sông ngăn trở. Thuật phi hành có 3 phương pháp: một gọi là Long khiêu, hai gọi là Hổ khiêu, ba gọi là Lộc lư khiêu. Ngoài ra còn có thể dùng bùa và vận tâm, nếu muốn đi 1 ngàn dặm thì vận tâm trong 1 thời (2 tiếng), nếu vận tâm 12 thời (24 tiếng) thì một ngày đêm có thể đi được tối đa 12.000 dặm”.

Biến hóa là gì? Là thay hình đổi dạng thành người khác, vật khác. Thiên Hà Lãm, sách Bão Phác Tử viết: “Phép này dùng thuốc và bùa làm cho con người có thể phi hành ngang dọc, ẩn thân khắp nơi. Mỉm cười liền thành phụ nữ, nhăn mặt liền thành ông già, ngồi xổm liền thành trẻ con, cầm gậy liền thành rừng cây, trồng cây liền có quả ăn, vẽ lên đất liền thành dòng sông, vun đất lại liền thành ngọn núi, đồ ăn thức uống tự nhiên xuất hiện, hô mây nổi lửa... Không có việc gì không làm được”. Thiên Tạp Ứng của Bão Phác Tử còn chép: “Trịnh Quân (thầy của Cát Hồng) nói rằng: Sau khi uống bùa Đại ẩn 10 ngày, muốn ẩn mình thì quay sang trái, muốn nhìn thấy thì quay lại sang phải... Có thể biến thành trẻ con, thành ông già, thành chim, thành thú, thành cỏ, thành cây, thành lục súc. Nương vào cây thì thành cây, nương vào đá thì thành đá, nương vào nước thì thành nước, nương vào lửa thì thành lửa. Đây gọi là “di hình dị mạo”, không thể ẩn thân hoàn toàn (mà phải nương vào môi trường xung quanh)”. Vì vậy mà có phép ngũ độn, nương vào bất cứ vật nào thuộc ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, đều có thể ẩn thân độn hình. Loại ma thuật này, tuy cũng thần bí, nhưng không phải hiếm thấy; dùng thuốc, dùng bùa, dùng chú, dùng tâm lực[26] đều có thể làm được. Các đại sư ma thuật nổi tiếng thế giới cận đại và các thầy yoga của Ấn Độ đều sở hữu nhiều năng lực biến hóa như vậy.

Trong các đạo sĩ từ xưa đến nay, đương nhiên là có những người có thể biến hóa ẩn thân, nhưng đây cũng không phải việc thường gặp. Đạo sĩ có thể ẩn thân thoát tục được gọi bằng một cái tên mỹ miều là “bạch nhật phi thăng”; đạo sĩ không thể ẩn thân mà bị chết vì già, vì bệnh cũng được sách Đạo giáo tạo cho một cái tên với mỹ từ “thi giải”; còn đạo sĩ tử nạn do đao binh thì được gọi bằng một mỹ danh khác là “binh giải”. Về “thi giải”, trong Tập Tiên Lục cũng nói rõ rằng: “Người chết rồi trông vẫn như còn sống, là thi giải... Người chết rồi sống lại, người chưa liệm mà mất xác, người rụng hết tóc và bay lên cao, đều là thi giải. Những người thi giải thành tiên vào ban ngày là bậc thượng, những người thi giải thành tiên vào ban đêm là bậc hạ”.

Vì sao Đạo giáo lại coi trọng sự tồn tại vĩnh hằng của nhục thân như vậy? Bởi vì Đạo giáo mang tư tưởng của thuyết duy vật, cho rằng ngoài thân thể ra, không hề có tinh thần. Sách Dậu Dương Tạp Trở có nói: “Ba hồn gìn xương, bảy phách giữ thịt”. Đạo giáo cho rằng tinh thần của con người là ba hồn bảy phách, trên thực tế ba hồn bảy phách chỉ là tên gọi khác của cái thân thể xương thịt này, như vậy cũng vẫn là tư tưởng duy vật mà thôi.

 

 

TIẾT 5: KINH ĐIỂN VÀ CÁC PHÁI CỦA ĐẠO GIÁO

1. Thần thoại về Lão Tử

Trước khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, Trung Quốc đã có đạo gia với hệ thống triết học và phương sĩ với âm dương thuật số, nhưng vẫn chưa kết hợp lại thành Đạo giáo. Sau khi Phật giáo truyền vào từ thời Lưỡng Hán, các giáo phỉ đem phương sĩ trộn lẫn với đạo gia, thành lập nên Đạo giáo. Việc học thuyết Hoàng Lão trở thành tín ngưỡng tôn giáo chí ít muộn hơn 1 thế kỷ so với sự du nhập của Phật giáo. Các sử gia cận đại đã công nhận rằng Phật giáo truyền đến Trung Quốc vào năm Vĩnh Bình thứ 10 đời vua Hán Minh Đế (năm 67). Trương Đạo Lăng sinh vào thời vua Hán Hoàn Đế, năm Diên Hy thứ 8 (năm 165) của đời vua này mới bắt đầu có ghi chép lịch sử về việc sùng phụng Hoàng Đế và Lão Tử.[27] Trước thời điểm đó, Hoàng Đế là tổ tiên nhiều đời trước trong truyền thuyết của các phương sĩ, còn Lão Tử chỉ là bậc tiên hiền trong phạm vi triết học, chưa từng có ai đem hai vị này kết hợp lại để làm thần linh trong tôn giáo.

Bất cứ một tôn giáo cao cấp nào cũng phải có đầy đủ 3 yếu tố: giáo chủ, giáo lý và giáo đoàn. Điều này ở Phật giáo, sau khi đức Thích-ca thành đạo không lâu, đã được viên thành, gọi là Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng. Đạo giáo bắt chước theo đó, đầu tiên tôn một vị có hiệu là Lão Tử lên làm giáo chủ, tuy nhiên trong lịch sử có tới mấy vị được gọi là Lão Tử, ví dụ như Lão Thành Tử, Lão Lai Tử... Đạo Đức Kinh rốt cuộc do ai sáng tác đến nay vẫn là một câu đố chưa có lời giải. Tín đồ Đạo giáo bèn lấy Lý Nhĩ (tên thật của Lão Tử) làm giáo chủ. Đến thời đại Lục Triều họ lại ngụy tạo ra hàng loạt thần thoại về các hóa thân của Lão Tử. Ví dụ, cuốn Tục Văn Hiến Thông Khảo của Vương Kỳ chép rằng: “Cát Trĩ Xuyên nói: Lão Tử không thời nào không xuất hiện nơi trần thế, ông có nhiều tên gọi khác nhau, vào thời Hoàng Đế, hiệu là Quảng Thành Tử; thời Chu Văn Vương, hiệu là Tiếp Ấp Tử, làm quan giữ chức Thủ tàng sử; thời Vũ Vương, hiệu là Dục Thành Tử, làm quan giữ chức Trụ hạ sử; thời Khang Vương, hiệu là Quách Thúc Tử; đầu thời Hán là Hoàng Thạch Công; thời Hán Văn Đế, hiệu là Hà Thượng Công”. Về sau lại có cuốn Lão Tử Bát Thập Nhất Hóa Kinh; rồi lại có thuyết “Lão Tử nhất khí hóa Tam Thanh.”[28] Lão Tử trở thành ứng hiện thân của Nguyên Thủy Thiên Tôn, là Thái Thượng Lão Quân, là Huyền Nguyên Hoàng Đế. Thời Đường Huyền Tông (712 - 755), ông còn được phong làm Ngọc Hoàng Đại Đế. Thân phận của Lão Tử càng thay đổi càng cao quý một cách thần kỳ. Thực ra, đây cũng là học từ Phật giáo, Phật giáo cho rằng đức Thích-ca Mâu-ni là hóa thân Phật, báo thân thanh tịnh của Ngài là Phật Lô-xá-na ở trời Sắc cứu cánh (Akanistha). Đạo giáo bắt chước Phật giáo nói Lão Tử là hóa thân của Nguyên Thủy Thiên Tôn ngụ ở trời Đại La, thậm chí một số đạo sĩ ở triều Tấn như Vương Phù... còn buông lời bịa đặt, viết ra quyển Lão Tử Hóa Hồ Kinh, nói rằng Phật Thích-ca Mâu-ni cũng là hóa thân của Lão Tử. Thật đáng nực cười!

2. Kinh điển của Đạo giáo và Phật giáo

Có giáo chủ còn phải có giáo lý, thế là hàng loạt kinh điển Đạo giáo ra đời. Ngụy tạo kinh điển là việc không dễ dàng gì, bởi nói cho cùng thì số đạo sĩ giàu tư tưởng và có tài văn chương không nhiều. Đa số đạo sĩ lấy kinh Phật làm bản gốc, sửa đổi một chút vài chương, vài đoạn và vài danh từ, kinh Phật giáo liền biến thành kinh Đạo giáo. Ví dụ, đoạn “Thấy Thiên Tôn quá khứ, tự nhiên thành Đạo chân, sắc thân như núi vàng, đoan nghiêm rất vi diệu, như trong tịnh lưu ly, hiện Nguyên Thủy Thiên Tôn, Thánh Tôn trước đại chúng, diễn giảng độ kẻ mê” trong Chân Bộ Hư Phẩm Kệ của Đạo giáo hoàn toàn sao chép đoạn “Lại thấy các Như Lai, tự nhiên thành Phật đạo, sắc thân như núi vàng, đoan nghiêm rất đẹp đẽ, như trong tịnh lưu ly, hiện ra tướng hoàng kim, Thế Tôn trước đại chúng, diễn giảng nghĩa thâm diệu” trong kinh Pháp Hoa của Phật giáo.

Thậm chí đề mục kinh điển Đạo giáo cũng mô phỏng kinh Phật để đặt tên. Ví dụ: Cao Thượng Ngọc Hoàng Bổn Hành Tập KinhThái Thượng Lão Quân Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh... trong mục lục của Đạo tạng; hay Đạo Sĩ Pháp Luân KinhTrí Tuệ Quán Thân Đại Giới KinhLão Tử Đại Quyền Bồ-tát KinhLinh Bảo Pháp Luân Kinh... mà pháp sư Pháp Lâm nêu ra trong cuốn Phá Tà Luận của ông, đều như vậy cả. Nếu xem xét Đạo tạng từ góc độ ngôn ngữ học so sánh thì những thứ dịch lại từ Phạn văn của Phật giáo trong Đạo tạng thực sự nhiều không kể xiết.

3. Tạng kinh của Đạo giáo và Phật giáo

Kinh điển ngụy tạo đã có nhiều rồi, Đạo giáo bèn bắt chước Phật giáo thành lập tạng kinh, gọi là Đạo tạng. Phật giáo trước thời Bắc Tống vẫn chưa có Đại tạng kinh được khắc in trọn bộ, nhưng đã lưu truyền các loại kinh sách riêng lẻ; tuy nhiên, nội dung và danh mục của 3 tạng 12 bộ kinh của Phật giáo đã có từ lâu. Kinh điển Phật giáo đã được biên chép ngay từ thời đại nhà Tấn. Vì vậy, khi thành lập Đạo tạng, Đạo giáo cũng học theo cách phân loại của Phật tạng. Phật tạng chia thành 3 tạng là Kinh, Luật và Luận, nếu phân loại theo tính chất thì có 12 phần giáo hoặc còn gọi là 12 bộ kinh gồm: Trường hàng, Trùng tụng, Thọ ký, Cô tụng, Vô vấn tự thuyết, Nhân duyên, Thí dụ, Bổn sự, Bổn sinh, Phương quảng, Vị tằng hữu và Luận nghị. Tương tự, Đạo tạng chia thành 3 bảo, 3 động và 12 bộ. Theo giới thiệu trong chương 2, thiên 3, sách Đạo Giáo Khái Thuyết của Koyanagi Shikita thì: “Kinh điển của Đạo giáo đa phần có tính chất thiên khải. Ba vị Tam Quân ở 3 cung trời mỗi người khải thị một bộ kinh: Thiên Bảo Quân ở cung trời Ngọc Thanh khải thị bộ Động Chân giáo hóa hạng đại thừa, Linh Bảo Quân ở cung trời Thượng Thanh khải thị bộ Động Nguyên giáo hóa hạng trung thừa, Thần Bảo Quân ở cung trời Thái Thanh khải thị bộ Động Thần giáo hóa hạng hạ thừa. Ba bộ kinh trên chính là 3 tạng, mỗi tạng lại phân thành 12 bộ gồm: Bổn văn (thuyết về nguyên lý đệ nhất), Thần phù (bùa hộ mệnh), Ngọc quyết (bí quyết), Linh đồ (hình tượng quỷ thần), Phổ lục (quá trình phát triển, cải cách của giáo pháp), Giới luật (luật lệ, quy tắc tu đạo), Oai nghi (nghi thức trai tiếu), Phương pháp (thuật chế ngự hồn phách), Chúng thuật (luyện đan), Ký truyện (truyện ký về Lão Tử và các vị khác), Tán tụng (kệ tụng), Biểu tấu (văn cầu nguyện để tấu lên quỷ thần).

Theo như Đạo giáo tự xưng thì 3 động 12 bộ kinh của họ đều là khải thị của 3 hóa thân của Nguyên Thủy Thiên Tôn là 3 vị tôn quân ở 3 cung trời Ngọc Thanh, Thượng Thanh và Thái Thanh, tất cả kinh điển đều từ trời ban xuống và đích thân thần tiên truyền trao. Nhưng điều 31 trong Tiếu Đạo Luận của pháp sư Chân Loan, một học giả Phật giáo đời Bắc Ngụy, thì chứng minh rằng Linh Bảo Kinh là do Trương Đạo Lăng sáng tác, Thượng Thanh Kinh là do Cát Huyền sáng tác và Tam Hoàng Kinh là do Bào Tĩnh sáng tác. Lại theo quyển Chân Chánh Luận của pháp sư Huyền Nghi triều Đường thì: bộ Động Chân gồm các tác phẩm của Cát Huyền, Lục Tu Tĩnh, Cố Hoan,... còn bộ Động Thần là do một mình Trương Đạo Lăng soạn. Quyển 69, bộ Pháp Uyển Châu Lâm của pháp sư Đạo Thế liệt kê rằng: Động Huyền Kinh do Vương Bao đời Hán viết, Linh Bảo Kinh do Trương Đạo Lăng viết, Thượng Thanh Kinh do Cát Hồng đời Ngô viết, Lão Tử Hóa Hồ Kinh do Vương Phù đời Tấn viết, Tam Hoàng Kinh do Bào Tĩnh viết, Lục Thập Tứ Chân Bộ Hư Phẩm do Trần Hiển Minh đời Tề viết, Thái Thanh Kinh và Chúng Tiếu Nghi do Đào Hoằng Cảnh viết, Trường An Kinh do Phụ Huệ Tường viết.

Từ đó có thể thấy, tạng kinh của Đạo giáo là nhờ ngụy tạo, mô phỏng kinh Phật mà được hoàn thiện.

4. Sự biên soạn Đạo tạng

Chiếu theo cách nói của Đạo giáo thì Đạo tạng có khởi thủy từ rất sớm. Ví dụ, trong mục lục mà sách Nghệ Văn Chí, bộ Hán Thư đã liệt kê, phái Đạo gia có 37 nhà với 993 quyển sách, phái Phòng trung có 8 nhà với 186 quyển sách và phái Thần tiên có 10 nhà với 205 quyển sách. Sách của 3 phái này, trừ số đã bị thất lạc, còn lại đều được thu gom làm kinh sách của Đạo giáo đời sau. Thực tế thì sách của 3 phái này không phải là sách thần học của Đạo giáo mà là sách triết học và sách phương thuật.

Nhưng đến Kinh Tịch Chí trong Tùy Thư thì kinh sách của Đạo giáo đã nhiều hơn lên, Kinh giới có 301 bộ với 908 quyển, Nhĩ phục có 46 bộ với 167 quyển, Phòng trung có 13 bộ với 38 quyển, Phù lục có 17 bộ với 103 quyển. Tổng cộng 377 bộ, 1216 quyển. Đạo tạng đã xuất hiện nơi đời!

Quyển Nghệ Văn Lược trong bộ Thông Chí của Trịnh Tiều đời Tống đem kinh sách Đạo giáo phân chia chi ly thành 25 loại là: Lão Tử, Trang Tử, Chư tử, Âm Phù Kinh, Hoàng Đình Kinh, Tham Đồng Khế, Nhật lục, Truyện, Ký, Luận, Thư, Kinh, Khoa nghi, Phù lục, Thổ nạp, Thai tức, Nội thị, Đạo dẫn, Tịch cốc, Nội đan, Ngoại đan, Kim thạch dược, Phục nhĩ, Phòng trung và Tu dưỡng. 25 loại này cộng lại có 1323 bộ, 3706 quyển.

Bộ Đại tạng kinh Phật giáo khắc in lần đầu tiên vào thời Bắc Tống, gọi là Khai Bảo Tạng, tổng cộng có 480 hộp, 1076 bộ, 5048 quyển. Số bộ sách trong Đạo tạng đời Tống đã vượt qua trong Phật tạng cùng thời, số quyển cũng sắp bắt kịp, có thể thấy Đạo giáo có ý muốn tranh hơn thua với Phật giáo. Số kinh sách Đạo giáo này từ đâu mà ra vậy? Thực tế thì những quyển “lập lờ đánh lận con đen” trong đó cũng không ít. Ví dụ, cuốn Vân Cấp Thất Thiêm của Trương Quân Phòng có nói: “Ngay cả Minh Sử Ma-ni Kinh cũng được đưa vào Đạo tạng”.

Chính vì Đạo tạng là do sự ngụy tạo bằng cách bắt chước lung tung của các đạo sĩ mà thành nên đến thời đại vua Hiến Tông triều Nguyên (1251 - 1259), ngoài Đạo Đức Kinh, toàn bộ Đạo tạng đều bị thiêu hủy. Nguyên nhân của việc này bắt nguồn từ việc Đạo giáo được các vua triều Nguyên ưu ái và giao cho quản lý “tất cả những người xuất gia trong thiên hạ”, đạo sĩ bắt chư Tăng phải nghênh tiếp, lễ bái và quản lý cả Tăng lẫn Ni, đồng thời họ còn “phá hủy miếu Khổng Tử, phá hủy tượng Phật, chiếm 482 ngôi chùa”. Đạo sĩ Đạo giáo chuyên quyền, bạo ngược như vậy là do Khưu Trường Xuân của phái Toàn Chân nhận được sự kính tin của Nguyên Thái Tổ Thành Cát Tư Hãn (1206 - 1227). Nhưng đến đời vua Nguyên Hiến Tông, Khưu Trường Xuân chết, tăng sĩ và đạo sĩ nhiều lần tranh biện với nhau trước vua, lần nào các đạo sĩ cũng đuối lý; vì vậy những người như chân nhân Kỳ Chí Thành, chân nhân Lý Đức Hòa, chân nhân Đỗ Phước Xuân... đã tự khai thật rằng: “Trong số kinh điển của Đạo tạng, ngoài Đạo Đức Kinh của Lão Tử, còn lại đều là văn chương ngụy tạo của người đời sau, tình nguyện thiêu hủy hết...”[29]

Đạo tạng tồn tại hiện nay là bản sửa lại vào những năm Vạn Lịch triều Minh (1753 - 1619), phát hành tại Bạch Vân Quán ở Bắc Bình (nay là Bắc Kinh). Vào đời Minh, đạo sĩ Bạch Vân Tế ở Bạch Vân Quán đã chú giải tường tận mục lục của Đạo tạng, bản chú giải này được đưa vào Tứ Khố Toàn Thư đời Thanh. Những sách được liệt kê trong đó đa phần là lượm lặt từ khắp nơi để tăng thêm số quyển cho Đạo tạng. Đạo tạng mà Bạch Vân Quán giao cho Hàm Phân Lâu ở Thượng Hải in sao gần đây đã nhiều đến 5485 quyển, nhiều hơn Khai Bảo Tạng của Phật giáo tới 437 quyển. Đạo tạng đã từng bị thiêu hủy 1 lần vào triều nhà Nguyên, vậy kinh sách Đạo giáo ở đâu ra nhiều như thế? Tất nhiên là nhờ thu gom, lượm lặt ở khắp nơi mà có. Ví dụ, trong Nghệ Văn Chí của Hán Thư, ngoài 3 nhà đã nói đến ở trên thì Danh gia, Pháp gia, Mặc gia, Binh gia, Nông gia, cho đến chiêm tinh, âm dương, ngũ hành, tạp chiêm bốc, y kinh, y phương... tổng cộng cả trăm loại sách về thuật số, phương kỹ đều được đưa hết vào Đạo tạng. Thậm chí sách của Phật giáo và Nho gia như Phật Tổ Truyền ChânThánh Hiền Quán Mạch... cũng trở thành những nội dung của Đạo tạng.

Tuy nhiên, không bao giờ Đạo giáo sánh được với Phật giáo. Bộ Tân Tu Đại Tạng Kinh gồm hai phần Chánh Biên và Tục Biên phát hành vào những năm Đại Chánh tại Nhật Bản đã bao gồm số kinh sách Phật giáo lên tới 3053 bộ, 11.970 quyển, trong đó vẫn chưa đưa vào phần lớn các trước tác của Trung Quốc.

 

5. Giới luật và luân lý của Đạo giáo

Đạo giáo giống với Mật tông của Phật giáo, tuyệt đối chủ trương truyền từ đời này sang đời khác, nhất định không cho phép không có thầy mà tự thông hiểu, đây là giới luật tối cao. SáchThái Thượng Thái Tiêu Lang Thư nói: “Trời đất ban rải dương khí, thầy dạy những điều chân thật, chân Tiên chứng lên quả Thánh, không thầy không thể thành tựu...”.

Đạo giáo có 180 giới, nói là do Lão Quân truyền trao cho Vu Cát, người đã ngụy tạo ra Thái Bình Kinh. Nội dung của giới chủ yếu giống những điều được viết trong sách Thái Thượng Cảm Ứng Thiên. Sách Thái Thượng Cảm Ứng Thiên kế thừa Bão Phác Tử, hấp thu tư tưởng của Phật giáo và Nho gia mà biên soạn thành, nên vài trăm năm trở lại đây được cả 3 nhà Nho, Phật, Đạo cùng tiếp nhận. Công Quá Cách của Viên Liễu Phàm đời Minh chính là nhờ sự gợi ý từ sáchThái Thượng Cảm Ứng Thiên mà lập nên.

Tư tưởng cơ bản của Đạo giáo chủ trương sức người có thể thắng trời nên con người có thể dựa vào dưỡng sinh, tu luyện để cải tạo tính mệnh, đạt đến trường sinh bất tử; nhưng đồng thời Đạo giáo cũng cảm thấy phàm phu chịu sự giám sát của thần linh nên phải hành thiện dứt ác để cầu thần linh phù hộ. Thiên Đối Tục, sách Bão Phác Tử nói: “Làm việc ác, việc lớn thì bị thần chủ mệnh tước 300 ngày tuổi thọ, việc nhỏ thì bị thần chủ mệnh tước 3 ngày tuổi thọ”. Lại nói: “Người muốn thành Địa tiên phải làm 300 việc thiện, muốn thành Thiên tiên phải làm 1200 việc thiện”. Thiên Vi Chỉ trong cùng sách này nói: “Tội lớn thì đoạt kỷ, “kỷ” là 300 ngày; tội nhỏ thì đoạt toán, “toán” là 3 ngày”. Có nghĩa là vì làm ác mà bị thần linh tước đoạt đi một số ngày trong tuổi thọ. Làm thiện là làm những gì? Cũng thiên Vi Chỉ nói rằng: “Có từ tâm với loài vật, khoan thứ cho người như cho chính mình, yêu thương đến cả côn trùng; vui theo hạnh phúc của người, buồn cùng khổ đau của người, chu cấp lúc người cần kíp, cứu giúp lúc người nghèo khó; tay không tổn thương sinh mạng, miệng không nói lời gây họa; thấy người được như mình được, thấy người mất như mình mất; không tự cao, không tự khen, không đố kỵ kẻ hơn mình, không nịnh hót, nham hiểm. Như thế là có đức, sẽ được trời ban phước”. Những điều này được lấy từ tư tưởng luân lý của cả Phật giáo lẫn Nho gia. Cát Hồng tuy cường điệu việc dùng kim đan cầu trường sinh, nhưng nếu luyện đan không thành, đẳng cấp sút kém, thì ông khuyên nên lấy đời sống đạo đức hành thiện dứt ác để tránh cái họa đoản mạng.

Ngũ giới, Thập thiện của Đạo giáo nêu ra trong sách Vân Cấp Thất Thiêm đời Tống chính là chịu ảnh hưởng từ tư tưởng Ngũ giới, Thập thiện của Phật giáo. Ngũ giới của Đạo giáo là: không sát sinh, không thèm rượu, không khẩu thị tâm phi, không trộm cắp, không dâm sắc[30]. Thập thiện của Đạo giáo gồm: (1) hiếu thuận cha mẹ; (2) trung với vua, phụng sự thầy; (3) từ tâm với vạn vật; (4) kiên trì nhẫn nại, tha thứ lỗi người; (5) khuyên người sửa đổi, từ bỏ điều ác; (6) bớt phần mình cứu kẻ nghèo cùng; (7) phóng sinh dưỡng vật; (8) bên đường dựng nhà, đào giếng, trồng cây, bắc cầu; (9) giúp người sinh lợi trừ hại, giáo hóa kẻ chưa giác ngộ; (10) đọc kinh luật Tam bảo, hằng dâng hương hoa cúng dường.

6. Toàn Chân giáo

Đạo giáo được thành lập từ sự kết hợp giữa âm dương thuật số với tư tưởng Lão Trang. Sau khi hấp thu tư tưởng Nho gia, đặc biệt là tư tưởng Phật giáo, đến lúc thời cơ chín muồi, Đạo giáo liền phân chia thành các tông phái. Toàn Chân giáo thành lập ở đất Hà Bắc của nhà Liêu và nhà Kim vào thời đại Nam Tống là một ví dụ. Phái này gọi là Tân Đạo giáo hoặc phái Bắc Tông, phái của Trương Thiên Sư là phái Nam Tông. Thực lực của Toàn Chân giáo sau này còn vượt hơn cả phái Thiên Sư. Thủy tổ của Toàn Chân giáo Vương Triết (hiệu là Trùng Dương Tử) gặp được hóa thân của vị tiên Lã Động Tân vào năm 48 tuổi mà đắc được tiên thuật. Ông lấy Hiếu Kinh,Đạo Đức KinhBát-nhã Tâm Kinh để dạy người. Ông có 7 đại đệ tử, trong số đó Khưu Xứ Cơ (Trường Xuân Tử) là người làm rạng rỡ giáo phái nhất. Sau này, Toàn Chân giáo lấy Bạch Vân Quán ở Bắc Bình làm đại bản doanh, gọi là tùng lâm của Đạo giáo, chế độ ở Bạch Vân Quán hoàn toàn mô phỏng theo đại tùng lâm của Phật giáo. Quy ước sinh hoạt của họ cũng gọi là “thanh quy”, với tổng cộng 23 điều, nội dung đại để cũng tương tự như thanh quy của tòng lâm Phật giáo. Ví dụ, những danh từ họ dùng như “khai tĩnh”, “an đơn”, “thiên đơn”, “kiềm chùy”, “xuất pha”, “tùng lâm”, “thường trụ”, “thập phương”, “đàn tín”[31]... đều là những từ thường dùng của Phật giáo.

Vì vậy, Toàn Chân giáo tuy từng có lần “xâm lăng” Phật giáo vào triều Nguyên, nhưng đến sau triều Minh, thì Phật giáo và Đạo giáo đã không còn chia cách, cũng không còn bài trừ nhau nữa. Các đạo sĩ có thể đến nghỉ lại trong chùa Phật, cũng có thể lên điện, ăn trưa, lễ Phật, tụng kinh chung với chư Tăng. Đồng thời, Toàn Chân giáo cũng gọi mỉa mai những đạo sĩ Đạo giáo tại gia của phái Thiên Sư là “hỏa cư đạo sĩ”, tự gọi những đạo sĩ xuất gia như mình là “toàn chân”, bởi thế phái của họ có tên là phái Toàn Chân.

Đạo giáo những năm trở lại đây chỉ còn lại hình thức trai tiếu, phù lục để đáp ứng sự mê tín của dân gian. Tuy rằng lịch sử và nội dung của Đạo giáo đa phần là ngụy tạo và bịa đặt, nhưng về mặt y dược và vệ sinh, những cống hiến của Đạo giáo cho chúng ta thực sự đáng kể; đồng thời, về mặt khuyến khích làm thiện trong dân gian, Đạo giáo cũng có công lao và thành tựu nhất định. Thế nên, ngoài việc nghiên cứu các mặt tốt xấu của Đạo giáo, chúng ta vẫn phải đối đãi Đạo giáo với thái độ tôn trọng.

 

162. Năm 32 đến năm 7 trước Công nguyên.

163. Phù mạng là một loại sấm vĩ, được xem là dấu hiệu do Trời báo trước về thọ mạng của các vị đế vương.

164. Phương ở đây tương đương với danh hiệu của tướng quân.

165. Xem quyển 3, sách Kiểm Luận, bộ Chương Thị Tùng Thư.

166. Tức những chuyện quái dị, bạo lực, phản loạn, quỷ thần.

167. Chỉ những người thuộc giai cấp sĩ đại phu, tức là quan lại hoặc thành phần trí thức có chút danh tiếng, địa vị.

168. Sách này theo lời Lưu Tử Nguyên đời Đường thì xuất xứ từ việc các đạo sĩ thời Ngụy Tấn mượn Lão Tử để nói Đạo giáo.

169. Thiên 2, chương 1, sách Đạo Giáo Khái Thuyết.

170. Nạp giáp là phép ghép thiên can vào bát quái.

171. Khoa nghi trai tiếu là nghi thức lập trai đàn, cầu thần, Phật.

172. Chương 2, thiên 2, Đạo Giáo Khái Thuyết.

173. Tu luyện toàn diện thân và tâm.

174. Mandala: là hình vẽ biểu thị vũ trụ trong cái nhìn của một bậc giác ngộ.

175. Không cần thay đổi nhục thân hiện tại vẫn có thể trở thành một vị Phật chánh tri, chánh giác.

176. Đắc đạo thành tiên giữa ban ngày.

177. Họ chủ trương chính thể xác này thành tiên, thay đổi bản chất, năng lực của thể xác, thì có thể đắc đạo thành tiên, ngoài thể xác ra hoàn toàn không có một thứ tinh thần nào nữa, cho nên họ là những người theo thuyết duy vật.

178. Âm Hán Việt của từ “cây mận” là Lý.

179. Là danh tướng Tần Thúc Bảo và Uất Trì Cung đầu triều Đường.

180. Kim đan là thuốc trường sinh, Dược là thuốc chữa bệnh, Nhĩ là thực phẩm dinh dưỡng.

181. Nhịn ăn ngũ cốc.

182. Đao khuê là đơn vị cân thuốc bắc của Trung Quốc.

183. Tiết 16 Tự Thuật Của Một Vị Đại Lạt-ma, sách Tây Tạng Kiến Văn Lục, Trần Trừng dịch.

184. Tam sinh gồm có đại tam sinh là bò, dê, heo hoặc tiểu tam sinh là heo, gà, cá.

185. Quyển 8, Nội ThiênBão Phác Tử.

186. Quyển 6, Nội ThiênBão Phác Tử.

187. Định tâm lại có thể phát sinh thần thông.

188. Theo quyển 7 và 32, sách Hậu Hán Thư.

189. Tam Thanh chỉ cho 3 vị tôn thần ở 3 cung trời Ngọc Thanh, Thượng Thanh và Thái Thanh.

190. Xem trong Chí Nguyên Biện Ngụy Lục.

191. Phật giáo thì lấy không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu làm Ngũ giới, hai đạo hoàn toàn giống nhau.

192. “Khai tĩnh” là đánh bảng gọi chư Tăng và đại chúng trong chùa thức dậy vào sáng sớm, hoặc là đánh bảng báo hiệu hết giờ tọa thiền, hay cho phép nghỉ ngơi sau khóa tụng, bữa ăn, nghe giảng, làm việc... “An đơn” là du Tăng sau một khoảng thời gian ở chùa được cho phép gia nhập Tăng chúng trong chùa. “Thiên đơn” là Tăng chúng phạm giới bị đuổi khỏi chùa. “Kiềm chùy” là cái kìm sắt và cái dùi sắt, Thiền tông dùng từ này để ví dụ sự dạy dỗ, rèn luyện người học một cách nghiêm khắc. “Xuất pha” là đi lao động, làm việc. “Tùng lâm” là từ dùng để gọi các chùa có đông tăng chúng. “Thường trụ” là trường tồn bất biến, không sinh không diệt. “Thập phương” là 10 phương trên, dưới, đông, tây, nam, bắc, đông nam, tây nam, đông bắc, tây bắc. “Đàn tín” chính là thí chủ, tức những người bố thí cho chúng Tăng.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/01/2012(Xem: 6628)
Phật đã bỏ loài người…(1) Điệp khúc ấy lâu lâu lại thấy đâu đó trên những đoạn đường đi qua. Nó đếnvà đi như bao chuyện khác trong đời. Chuyện phiếm trong đời quá nhiều, đâu đángbận tâm. Cho đến cái ngày, nó được thổi vào trong thơ của một ai đó như một bài“Thiền ca”… Thiền tông, nói mây, nói cuội, nói chuyện nghịch đời… chẳng qua đối duyên khai ngộ, để phá cho được cái dòng vọng tưởng tương tục của người, hy vọng ngay đó người nhận ra “chân”...
07/01/2012(Xem: 6107)
Chúng ta hãy đừng lừa dối chính mình, điều này tưởng chừng như không khó khăn nhưng thật sự đó là điều khó nhất trong tất cả các trạng thái mà chúng ta có thể đạt được. Bằng cách "Không lừa dối chính mình", nghĩa là tôi muốn nói chúng ta hãy ngưng vẽ một bức tranh của thế giới ngày nay bằng những sai lầm với các màu sắc khoái lạc, vì tiện nghi và an toàn cho riêng mình. Chúng ta, toàn thế giới, phải đương đầu với sự sai lầm này, thật là tệ. Chúng ta phải thật sự lưu tâm đến hoàn cảnh của chúng ta đang sống. Chúng ta cần phải truy nguyên tận căn để của tất cả các mối nghi ngờ và hiểu lầm của mình, và chúng ta có thể bắt đầu như thế nào để loại trừ nó một cách tốt nhất. Và chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng, nếu chúng ta không thực hiện điều này, chúng ta phải đối đầu với các trở ngại đó.
07/01/2012(Xem: 7955)
Sángnay nắng vàng rực rỡ. Những tia nắng trong suốt xuyên qua các cành cây kẻ lánơi tinh xá Kỳ Viên. Trên các lối mòn, những con đường chung quanh khu vườn đượctươi hẳn lên, tỏa mùi thơm thoang thoảng, hương vị những bước SakyAmuniBuddha248chân thiền hành củaĐức Thế Tôn. ..Dù có ánh nắng vàng rực rỡ hay không, sắc diện của Đức Thế Tôn vẫn như vầng trăng rằm. Đôi mắt dịu hiền từ bi tỏa rộng...
30/12/2011(Xem: 5681)
Trên đời này có hai thứ cao quý nhất đó là bảy thứ: vàng, bạc, ngọc lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não còn được gọi là thất bảo và phật pháp tăng. Các thứ cao quý ấy được xuất phát từ thế gian. Các loại ngọc và vàng bạc được có trong lòng đất với thời gian cả ngàn năm, tỷ năm do môi trường của đất tạo nên. Các thứ ngọc gọi là đá quý, còn vàng bạc gọi là kim loại quý.
14/12/2011(Xem: 7990)
Tư tưởng Lão Tử rất nhất quán nên dù chỉ viết hai bài về Lão Tử Đạo Đức Kinh nhưng trong đó cũng liên quan hầu như toàn bộ tinh hoa đạo lý của nhà Đạo Học vĩ đại này.
10/11/2011(Xem: 3256)
Đạo Phật không ca ngợi sự nghèo khổ, cũng như không phê phán sự giàu có. Bởi vì, giàu nghèo chỉ là phương tiện, chứ không phải là cứu cánh. Cứu cánh là sự an lạc thật sự của thân tâm, chỉ có thể đạt tới được bằng đạo đức và trí tuệ...
25/10/2011(Xem: 6662)
Thái độ của Phật giáo liên quan đến sự hòa điệu phi thường này như thế nào? Phật giáo có chấp nhận ý niệm có một Đấng Sáng Tạo toàn tri hay là một nguyên lý sáng tạo có khả năng điều chỉnh sự tiến triển của vũ trụ một cách tuyệt vời? Hay Phật giáo cho rằng sự hòa điệu chính xác và tuyệt vời của vũ trụ chẳng qua chỉ là một tình cờ may mắn? Vấn đề có hay không một Đấng Sáng Tạo?
10/08/2011(Xem: 3579)
Thuyết nhân quả của nhà Phật, nói đủ là nhân-duyên và quả là một triết lý mang tính khoa học, qui luật tự nhiên của vũ trụ, không mang tính chất hình thức của sự thưởng phạt từ một đấng quyền năng nào. Hiểu vậy, trong cuộc sống, chúng ta vui vẻ đón nhận những khổ đau bất thường xảy đến với mình như một kết quả do chính mình tạo nhân từ trước. Từ đó suy nghiệm ra, lý nhân quả chi phối cả vũ trụ nhân sinh. Nếu tin sâu nhân quả, chúng ta sẽ được thăng hoa trên đời sống tâm linh, trở nên hiền thiện đạo đức. Ngược lại, nếu không tin nhân quả, cuộc sống chúng ta trở nên liều lĩnh và càn bừa, bất chấp hậu quả.
01/08/2011(Xem: 12320)
Tâm Bồ đề là tâm rõ ràng sáng suốt, tâm bỏ mê quay về giác, là tâm bỏ tà quy chánh, là tâm phân biệt rõ việc thị phi, cũng chính là tâm không điên đảo, là chân tâm.
01/07/2011(Xem: 5729)
Có lẽ rất xứng đáng khi dùng một ít thời gian cố gắng tìm ra liệu cuộc sống có bất kỳ ý nghĩa nào hay không. Không phải cuộc sống mà người ta sống, bởi vì sự tồn tại hiện nay chẳng có ý nghĩa bao nhiêu.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567