Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 2: Tôn Giáo Của Những Dân Tộc Chưa Khai Hóa

04/03/201608:17(Xem: 5315)
Chương 2: Tôn Giáo Của Những Dân Tộc Chưa Khai Hóa

Chương 2: Tôn Giáo Của Những Dân Tộc Chưa Khai Hóa

TIẾT 1: PHÂN LOẠI THẦN GIÁO

1. Ai là người chưa khai hóa?

Chưa khai hóa nghĩa là chưa tiếp nhận được sự khai sáng của nền văn minh cận đại. Những người chưa khai hóa mà chương này nêu ra bao gồm cả các dân tộc hiện đại vẫn giữ nếp sống nguyên thủy, tức là dù họ đã và đang sống trong thế kỷ này, nhưng vẫn bảo lưu toàn bộ hoặc một phần phong tục, tín ngưỡng, hình thái sinh hoạt và quan niệm tư tưởng của tổ tiên họ. Tuy nhiên, tình trạng đó đang dần dần được thay đổi. Tài liệu tham khảo của chương này có thể không còn đúng với thực tế trước mắt nhưng cũng không ảnh hưởng gì đến nội dung chính của chương.

Thật ra, trong những dân tộc đã khai hóa, số người còn giữ ý thức tôn giáo của các dân tộc chưa khai hóa vẫn không phải ít. Đức tin tôn giáo nguyên thủy này luôn ảnh hưởng đến đời sống của con người, cho nên sự tiến bộ của tôn giáo cận đại tụt lại phía sau sự tiến bộ của khoa học rất xa. Có nhiều tiến bộ của tôn giáo cận đại, trên thực tế là nhờ chịu ảnh hưởng của khoa học, vì về bản chất, tôn giáo có tính cố định của nó. Ví dụ như, tôn giáo nguyên thủy tin thần linh là những vị toàn năng đầy sức mạnh, đến Cơ Đốc giáo vẫn xem Thiên Chúa mà mình tin thờ là một bậc có quyền uy vô thượng. Nếu đem quan niệm này sửa đổi lại, tín ngưỡng của họ liền lập tức không còn chỗ đứng. Về điểm này, Phật giáo hoàn toàn khác hẳn, ngay từ đầu Phật giáo đã dùng pháp duyên khởi[1], phủ định quyền uy của thần linh. Do vậy, nếu nói về sự tiến bộ của tôn giáo thì Phật giáo ngay từ lúc mới sáng lập cách đây hơn 2500 năm trước đã tiến bộ ngang với khoa học giai đoạn hiện tại. Đến thời kỳ sau này, Phật giáo bị ảnh hưởng của ngoại đạo, lại tiếp nhận thêm nhiều thứ tôn giáo nguyên thủy, nên không còn giữ được bản chất tiến bộ của mình nữa.

2. Đa thần giáo

Đa thần giáo[2] so với thứ tín ngưỡng hỗn tạp của người nguyên thủy đã có sự phát triển ở trình độ cao hơn, đem tín ngưỡng hỗn tạp, vô trật tự biến đổi thành tín ngưỡng có hệ thống, tập trung vào các vị thần lớn, mỗi vị thần cai quản một phần của vũ trụ. Ví dụ: thần mưa, gió, sấm, sét, khí hậu; thần rừng rậm, sông suối, biển cả; thần chiến tranh, bệnh tật, chết chóc, địa ngục; mỗi loại đều có một vị thần lớn, mỗi vị thần lớn thống lĩnh nhiều thần nhỏ đồng loại với mình.

Bát bộ thần vương[3] của đạo Phật cũng có tính chất đa thần, họ vốn là thần của ngoại đạo, sau mới được Phật giáo lấy làm thần hộ pháp. Ví dụ, thần Càn-thát-bà trong Bát bộ vốn là một loại thần cấp thấp trong kinh điển Veda của Bà-la-môn giáo. Tại Ai Cập, mỗi khu vực đều có một vị thần của riêng mình. Chúa Yahweh của người Do Thái vốn là một trong những vị thần được dân Israel cổ phụng thờ, Moses sau này đã tham khảo nhất thần giáo của Babylon rồi đem Yahweh dựng thành một vị thần duy nhất. Thần của La Mã rất nhiều, vì vậy có hẳn một ngôi đền thờ tất cả các vị thần (đền Pantheon). Đạo giáo của Trung Quốc trên thực tế cũng là tôn giáo đa thần.

Những vị thần mà đa thần giáo phụng thờ phần lớn là có hình dạng con người. Thuyết thần nhân đồng hình[4] này xuất hiện trong những xã hội có nền văn hóa khá cao. Ở Hy Lạp, thần linh có ngoại hình và dung mạo giống con người, có cả dục vọng và tính xấu như con người, thậm chí cùng con người yêu đương, đố kỵ, ghen tuông. Trong truyền thuyết và thần thoại Trung Quốc, tình cảm đối với thần tiên của con người không phải là kính sợ mà là ái mộ. Họ ví mỹ nữ đẹp như tiên. Tiên trên trời hạ phàm cùng con người yêu nhau, sinh con đẻ cái, con người ai cũng khao khát được kết tóc xe tơ cùng thần tiên. Thần tiên có hình dạng giống con người, họ cũng là do con người tu luyện mà thành.

Theo quan niệm của Phật giáo, các vị thần của đa thần giáo đều là thần ở cõi Dục giới, hay nói cách khác, là thần ở trời địa cư[5]. Trừ việc sắc thân của họ vi diệu hơn, thọ mạng của họ dài hơn, phước báu của họ lớn hơn so với người phàm, còn các tập tính sinh hoạt khác thì hoàn toàn giống với người phàm. Ví dụ, các vị thần trong Sử Thi Homer của Hy Lạp và Sử Thi Mahābharata của Ấn Độ đều là thần nhân đồng hình. Họ có hình dạng con người, có trọng lượng như người, có thể bị xiềng xích, có thể cảm thấy đau đớn nơi thân thể, khi bị thương không có huyết dịch (máu của người) nhưng lại có thần dịch (máu của thần) chảy ra. Tuy họ không phải ăn uống như người thường nhưng họ ăn các vật mà con người hiến tế cho. Về mặt tâm lý, họ cũng sợ hãi, oán hận, đố kỵ, thích hư danh, thậm chí còn nhiều hơn cả con người; họ không phải là toàn tri, toàn năng, có lúc họ vẫn cảm thấy ưu sầu, thất vọng. Xã hội của họ cũng thường xảy ra chiến tranh, có người thắng, có kẻ thua. Cho nên, lấy Phật giáo để suy xét, cảnh giới cao nhất của đa thần giáo chỉ tương đương với tầng trời thứ hai trong cõi Dục giới tức trời Đao-lợi hay còn gọi là trời Ba mươi ba.

3. Nhị thần giáo

Có một số dân tộc phân chia các đấng quyền uy chủ tể vũ trụ theo hai loại đặc tính, họ cho rằng những đấng trong trời đất có sức mạnh không thể suy lường kia tựu trung lại chỉ có hai vị thần lớn là thần từ bi và thần hung ác, hai vị thần này thống trị cả vũ trụ và loài người. Đây chính là nhị thần giáo[6].

Trong hai vị thần, một vị ở nơi gió yên sóng lặng, mây tạnh trời quang, có tấm lòng từ bi, chuyên làm việc cứu tế khổ nạn, ban bố ân huệ. Một vị thì ở nơi mây gió mịt mù, tính cách hung bạo, chuyên làm việc hại người. Ví dụ như, vị này làm cho nước biển cuộn dâng, cuồng phong vần vũ, trời đất u ám, có thể khiến cho khí hậu quá lạnh hoặc quá nóng, cũng có thể giáng xuống những tai họa như dịch bệnh, lũ lụt, thú dữ, sấm sét...

Vị thần từ bi chuyên dùng những quỷ thần hiền lành, ôn hòa, đáng yêu làm trợ thủ; còn vị thần hung ác thì chuyên dùng những quỷ thần tàn độc, thô bạo làm trợ thủ. Vì vậy, loại nhị thần giáo này, thực chất là một nội dung khác của đa thần giáo, chỉ có đem các thần phân chia thành hai loại thiện và ác, dùng một vị thần lớn thống trị nhiều vị thần nhỏ, không gọi các vị thần nhỏ là thần mà gọi là linh, tư tưởng này phát triển từ thuyết vật linh của tôn giáo nguyên thủy. Điều này có quan hệ với tổ chức bộ lạc của xã hội nguyên thủy: một bộ lạc chỉ có một người có năng lực nhất làm tù trưởng, những người còn lại không ai được gọi là tù trưởng nữa; hai bộ lạc khác nhau mới có hai tù trưởng.

Rất nhiều tôn giáo trên thế giới mang đặc trưng của nhị thần giáo:

a. Ai Cập cổ: Thiện thần là Osiris, ác thần là Sat. Người dân rất sợ ác thần, vật hiến tế mà họ cúng cho ác thần luôn luôn nhiều hơn thiện thần.

b. Madagascar: Thiện thần là Zamhor, ác thần là Nyang.

c. Scandinavia: Có thần quang minh Baldur và thần hắc ám Loki.

d. Ấn Độ cổ: Có thần ban ngày Indra đối chọi với thần ban đêm tà ác Vritra.

e. Tôn giáo của Ba Tư cổ: Có thần quang minh Ahura Mazda (còn gọi là Ormuzd) đấu tranh trường kỳ với thần hắc ám Angra Mainya (còn gọi là Ahriman). Vào thế kỷ thứ VI trước Công nguyên, khi người Do Thái bị người Babylon lưu đày ở Mesopotamia, họ đã tiếp xúc với tôn giáo của Ba Tư và hấp thu tín ngưỡng về ác thần của người Ba Tư.

f. Do Thái giáo: Do Thái giáo là tiền thân của Cơ Đốc giáo. Thông thường người ta cho rằng Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo đều là nhất thần giáo. Thật ra không phải như vậy. Do Thái giáo vốn là tín ngưỡng đa thần, Moses đã sửa đổi nó thành tín ngưỡng sùng bái một thần, rồi sau khi tiếp xúc với tôn giáo Ba Tư, nó lại trở thành nhị thần giáo. Vị thần bảo hộ của dân Do Thái là Yahweh. Ác thần phá hoại những kế hoạch của Yahweh là Satan. Quan niệm về Satan học từ quan niệm về Ahriman của tôn giáo Ba Tư, còn tên của ác thần này thì lấy từ tên ác thần Sat của tôn giáo Ai Cập cổ. Do Thái giáo từ thời đại Moses đến thời đại vương quốc cho Thiên Chúa Yahweh kiêm cả hai tính cách thiện và ác, đến sau thời đại tiên tri, họ mới đem tính cách ác tách ra và gắn cho nó cái tên Satan. Cơ Đốc giáo sau này, tuy tự cho mình là nhất thần giáo siêu việt, nhưng thật ra vẫn là nhị thần giáo giống như Do Thái giáo với hai vị thần là Chúa và Satan, tách ra từ một vị thần duy nhất là Thiên Chúa. Chúa và Satan đứng ở hai lập trường đối địch nhau, chia nhau thống trị hai thế giới thiện và ác.

4. Nhất thần giáo

Nhất thần giáo[7] là tôn giáo có một vị thần duy nhất. Thường thì mọi người đều cho rằng nhất thần giáo là tôn giáo cao cấp. Ví dụ, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo là nhất thần giáo, họ chỉ tin vào một vị thần là chúa tể của vũ trụ.

Tuy nhiên, trong các dân tộc nguyên thủy đã có tín ngưỡng nhất thần giáo. Ví dụ, người Polynesia tin vào nhất thần giáo. Họ nói: “Taaroa là tên của Ngài”, “Ngài độc lập tồn tại và trở thành vũ trụ”, “Ngài sáng tạo ra thế giới của đá cứng, thế giới này trở thành vợ của Ngài, là cội nguồn của vạn vật, sản sinh ra đất và biển”.

1400 năm trước kỷ nguyên Jesus, ở Ai Cập có một vị vua thánh thiện tên là Akhnaton, đã sáng lập ra một giáo phái chỉ thờ một vị thần duy nhất là thần mặt trời Aton và tuyên bố với dân chúng rằng: Aton là cha của chúng ta ở trên trời, là chủ tể của nhân ái và hòa bình. Vị thần này không có tượng, vật tượng trưng của Ngài là Đĩa mặt trời[8], nhưng người ta cũng không sùng bái vật tượng trưng này. Đáng tiếc vì Akhnaton quá yêu hòa bình và căm ghét chiến tranh nên ông đã bị mất nước, giáo phái của ông cũng vì đó mà tiêu vong.

Cơ Đốc giáo và Hồi giáo là hai nhất thần giáo đã được thế giới công nhận, hai tôn giáo này đều có nguồn gốc sâu xa từ Do Thái giáo. Hồi giáo thành lập nhờ tiếp thu giáo lý của Cơ Đốc giáo và Do Thái giáo. Còn Cơ Đốc giáo đã cách tân những di sản Do Thái giáo để lại mà ra đời. Còn Do Thái giáo thì hình thành nhờ chịu sự kích thích của tín ngưỡng Babylon cổ và Ai Cập cổ. Trước Moses (1500 năm trước Công nguyên), Babylon, hiện là Iraq, đã có tín ngưỡng nhất thần. Họ có một bộ luật tên là Hammurabi với 285 điều luật. Đây là cơ sở để Moses hoàn thành việc xây dựng tín ngưỡng sùng bái nhất thần Yahweh và quy định ra 10 điều răn. Đến sau thế kỷ thứ VI trước Công nguyên, các câu chuyện trong Cựu Ước lần lượt được biên soạn, rất nhiều quan niệm trong đó đều lấy tư liệu từ các tôn giáo ở Babylon, Ai Cập và Ba Tư cổ. Ví dụ như thần thoại về sáng thế, thần thoại về tàu Noah, thần thoại về ma quỷ, việc không lễ bái tượng, tín ngưỡng nhất thần... không một thứ nào là không bắt chước các tôn giáo khác. Điều may mắn là, tổ chức giáo hội và sự khống chế tư tưởng của Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo đều nghiêm mật hơn bất kỳ tôn giáo nguyên thủy nào, vì vậy quốc gia của họ có thể bị diệt vong, nhưng tín ngưỡng của họ thì vẫn lưu truyền đến tận ngày nay. Còn như các tôn giáo cổ khác của Babylon, Ai Cập... thì đều đã sớm biến mất từ lâu.

Cơ Đốc giáo tự cho mình là nhất thần giáo cao cấp, nhưng thực ra từ thuyết nhất nguyên và pháp nhị phân[9] của nó vừa có thể gọi nó là nhất thần giáo (nhất thần nhất nguyên sáng tạo ra vũ trụ), vừa có thể gọi nó là nhị thần giáo (tin rằng có nghĩa thần và ma thần), lại cũng có thể gọi nó là đa thần giáo (trong nước của Chúa Cha Yahweh có rất nhiều thiên sứ và dưới quyền thống trị của Satan có rất nhiều ma quỷ).

Căn cứ vào sách Thiên Thần Phổ của một tín đồ Cơ Đốc tên là Lý Đệ thì “Thiên thần chia thành 9 phẩm là: chí ái, phổ trí, thượng tòa, thống quyền, dị lực, đại năng, tể chế, tông sứ và phụng sứ. 9 phẩm hợp thành 3 quân: chí ái, phổ trí, thượng tòa là thượng quân; thống quyền, dị lực, đại năng là trung quân; tể chế, tông sứ, phụng sứ là hạ quân. Phẩm càng ở trước thì bản tính càng ưu việt, được sủng ái càng nhiều. Đứng đầu 9 phẩm 3 quân là tổng lãnh thiên thần, tức thiên thần Michael”. Chín phẩm thiên thần này là các “angel” và cũng là những sứ giả của Chúa. Trong đó, phụng sứ là những thiên thần che chở cho thế nhân. Theo cách nói của Cơ Đốc giáo, mỗi người đều có một vị thần che chở. Và trong cách nghĩ của tín đồ Cơ Đốc, bất cứ người nào phản đối Chúa và không tin Chúa đều là ma quỷ hoặc sứ giả của ma quỷ. Từ đó có thể thấy, câu “thần quỷ đầy trời” của người Trung Quốc đem dùng cho Cơ Đốc giáo có thể sẽ rất thích hợp! Nếu như nói Cơ Đốc giáo đúng thực thuộc về nhất thần giáo và lấy đó làm tiêu chuẩn để đánh giá Đạo giáo của Trung Quốc, thì cũng có thể xem Đạo giáo là nhất thần giáo. Đạo giáo tuy có tín ngưỡng sùng bái đa thần nhưng vị thần đầu tiên, cao nhất của Đạo giáo chỉ có một mình Nguyên Thủy Thiên Tôn.

Cơ Đốc giáo là nhất thần, nhị thần hay đa thần? Đứng ở bất cứ góc độ nào chúng ta cũng đều có thể tìm thấy được mối quan hệ với tôn giáo này vì nó lấy bản chất là tôn giáo nguyên thủy, khoác thêm lên chiếc áo ngoài là triết học, nên mới hóa thành một tôn giáo cao cấp phổ biến như hiện nay. Nhưng trong lối suy nghĩ của người Do Thái thì tôn giáo của họ là tôn giáo siêu thần. Họ cho rằng Chúa sáng tạo ra vũ trụ và là chủ tể của vạn vật, vũ trụ vạn vật là sở hữu của Chúa, nhưng Chúa không có cùng một tính chất với vũ trụ vạn vật mà siêu vượt ra ngoài vũ trụ vạn vật. Đây là thần thoại mà bản thân họ cũng không thể nào giải thích thông suốt, cho nên sau khi Paul gia nhập Cơ Đốc giáo, ông mới dùng thuyết phiếm thần của trường phái triết học Hy Lạp Stoic để bổ sung cho khiếm khuyết của thuyết siêu thần mà người Do Thái đã cố gán ghép cho tôn giáo của mình.

5. Phiếm thần giáo

Thuyết phiếm thần[10] vốn là một danh từ triết học, trong tôn giáo, nó được gọi là phiếm thần giáo hoặc vạn hữu thần giáo. Từ xưa đến nay, có một số nhà triết học lớn luôn mang trong mình một tín ngưỡng tôn giáo kiền thành, nhưng đối tượng tín ngưỡng của họ không hẳn là những điều mê tín như người thế tục, họ vẫn dựa theo tư tưởng triết học của mình để cấu thành nên tín ngưỡng tôn giáo, và họ căn cứ trên sự khảo sát lý tính để tìm kiếm nơi gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình. Đó đại khái là nguồn gốc của phiếm thần giáo. Cái gọi là phiếm thần giáo hoặc vạn hữu thần giáo là chỉ cho giáo thuyết “thần là thế giới”. Giáo thuyết này đồng nhất hóa thần linh và tự nhiên. Khổng Tử nói: “Đắc tội với trời không thể cầu mà thoát được”; Bruno, triết gia Ý thế kỷ XVI, nói: “Thần là cái toàn thể phổ quát nơi nơi, không gì đối nghịch”; còn Spinoza, triết gia Hà Lan thế kỷ XVII, thì nói: “Thần là tự nhiên”. Những tư tưởng này đều là đại biểu cho quan niệm phiếm thần giáo. Những người tín ngưỡng phiếm thần giáo chỉ cầu mình sống thuận với thần (tức với tự nhiên), tôn kính thần và yêu thương con người, mà không cầu thần ban thưởng. Vì vậy, những người theo phiếm thần giáo, đa phần là những nhà nhân đạo chủ nghĩa đáng kính nhất, họ không có tâm lý cuồng tín, không réo gọi Chúa cứu thế một cách mù quáng, cũng không lo sợ ngày tận thế sẽ đến. Ví dụ như Spinoza, ông cho rằng người ta nên tôn kính Chúa, nhưng không thể lấy việc tôn kính đó làm điều kiện cầu Chúa ban phát yêu thương cho con người. Vì toàn thể vũ trụ là Chúa nên con người cũng là một bộ phận trong những thuộc tính của Chúa, ngoài việc tự hoàn thiện thần tính của mình ra, con người không thể cầu nguyện nơi một vị thần nào khác.

Có thể thấy, quan điểm của phiếm thần giáo và siêu thần giáo là tương phản nhau. Siêu thần giáo cho rằng thần ở ngoài vũ trụ; phiếm thần giáo thì xem thần và tự nhiên là một, thần hòa lẫn trong vũ trụ, thần chính là vũ trụ. Siêu thần giáo cho rằng thần có nhân cách, phiếm thần giáo thì phủ nhận điều này.

6. Giao hoán thần giáo

Giao hoán thần giáo[11], có nơi dịch là giao thế thần giáo hoặc giao đại thần giáo, cũng có thể xem là một loại đơn nhất thần giáo[12]. Một đặc trưng của đa thần giáo là trong số các vị thần thuộc tín ngưỡng đa thần, có một vị chủ thần tôn quý nhất, các thần còn lại đều là thuộc hạ của chủ thần và không cần xem họ là đối tượng phải sùng bái. Tôn giáo chỉ thờ phụng một vị chủ thần trong số rất nhiều thần chính là đơn nhất thần giáo.

Nếu từ trong đa thần chọn ra một vị thần làm đối tượng sùng bái thì vị thần này sẽ được xem là chủ thần tôn quý nhất. Đến một thời gian khác, ở một nơi chốn khác và vì một nhân duyên khác mà người ta chọn lấy một vị thần khác để sùng bái, thì họ cũng xem vị này là chủ thần tôn quý nhất và lãng quên đi vị thần mà mình đã từng thờ phụng trước đây. Đây chính là giao hoán thần giáo.

Từ “giao hoán thần giáo” do Max Müller sáng tạo ra đầu tiên và được sử dụng cho loại tôn giáo tín ngưỡng kinh điển Veda của Ấn Độ. Vì, trong kinh điển Veda, những bài hát ca ngợi các vị thần luôn luôn xưng tụng bằng những câu từ như trên nhất, lớn nhất, cao nhất, tốt nhất... như thể là mỗi vị thần lớn đều là chủ thần của vũ trụ. Ngoài cái tên “giao hoán thần giáo” của Max Müller ra, các nhà tôn giáo học khác còn gọi loại tôn giáo tín ngưỡng kinh điển Veda này là đơn nhất thần giáo.

7. Vô thần giáo

Vô thần giáo[13], về triết học, được gọi là “lý thuyết vô thần”. Đối với tín đồ Cơ Đốc, cụm từ “người vô thần” không những chỉ cho người theo chủ nghĩa duy vật mà còn phiếm chỉ hết thảy những người không tin Jesus Christ. Những người phiếm thần cũng bị họ xem thành vô thần. Vào thời đại cải cách tôn giáo của Martin Luther (1483 - 1546) và Calvin John (1509 - 1564), tín đồ Cựu giáo[14] cũng lớn tiếng chỉ trích họ là những kẻ vô thần. Bất kể anh tin có thần hay không, phàm là dị giáo[15], tức không phải tín đồ Cựu giáo, thì đều là người vô thần. Sở dĩ như vậy là vì, với sự độc đoán và ngang ngược của mình, họ cho rằng chỉ có thần của họ là duy nhất, thần của những người khác đều không phải là thần. Tuy tín đồ Tân giáo cũng tin Jesus Christ, nhưng vì họ phản đối Giáo hội Công giáo La Mã, nên cũng bị tín đồ Cựu giáo ở La Mã xem là vô thần.

Trên góc nhìn của các triết gia, thuyết vô thần chỉ cho chủ nghĩa duy vật, thuyết tiến hóa, thuyết bất khả tri, chủ nghĩa lý tính trước đây cùng với chủ nghĩa hiện sinh và chủ nghĩa kinh nghiệm đang thịnh hành ở nước Mỹ hiện nay. Các triết gia chuyên khảo sát và suy luận từ sự thực, dùng phương pháp khoa học để thuyết minh về vũ trụ và nhân sinh, không tin vào những truyền thuyết mang tính thần thoại.

Về mặt tôn giáo, chỉ có ở Ấn Độ là đã sản sinh ra hai tôn giáo thuộc loại vô thần giáo, đó chính là Phật giáo và Kỳ-na giáo. Sự vô thần nói đến ở đây chỉ cho việc phủ nhận sự tồn tại của một vị thần chủ tể vũ trụ hoặc một vị thần lớn có nhân cách. Phật giáo và Kỳ-na giáo cùng không chấp nhận địa vị thần thánh của kinh điển Veda của Bà-la-môn giáo, và cùng phủ nhận thần Brahmā là vị thần sáng tạo và chủ tể vũ trụ. Nhưng, điều này không có nghĩa rằng Phật giáo và Kỳ-na giáo theo thuyết đoạn diệt của chủ nghĩa duy vật vì cả hai cùng thừa nhận sự tồn tại của rất nhiều thần linh, có điều thần linh ở đây không phải là chủ tể sáng tạo mà chỉ là một loại chúng sinh như bao loại chúng sinh khác.

Tuy nhiên, hai tôn giáo này lại có những luận điểm khác nhau. Kỳ-na giáo có cách nhìn nhị nguyên đối với vũ trụ, chia vạn pháp thành 2 loại: “sinh mạng” và “phi sinh mạng”[16]. Về tinh thần, họ đứng trên lập trường của thuyết vật linh, xem sinh mạng là linh hồn vĩnh hằng, lấy tu trì khổ hạnh để linh hồn được sinh lên trời làm con đường giải thoát. Nếu không tu hành, linh hồn dĩ nhiên không bị hoại diệt, nhưng cũng không được sinh lên trời và không được giải thoát. Phật giáo thì đứng trên lập trường duyên sinh tính không[17], chủ trương vô ngã, phủ nhận có một linh hồn vĩnh hằng. Thuyết duyên sinh của Phật giáo cho rằng vũ trụ do nghiệp lực của chúng sinh cùng cảm ứng ra, rất nhiều nhân duyên hợp lại mà thành, cho nên Phật giáo không tin có thần sáng tạo theo kiểu “ma vương chuyên chế”. Bản thể của chúng sinh là thức do nghiệp huân tập thành, thức là sự thể hiện của nghiệp, vì hành nghiệp tăng giảm trong từng sát na, nên thức bản thể cũng theo đó mà biến động không ngừng, vì vậy không hề có một linh hồn vĩnh hằng, bất biến. Nhưng khi con người chưa dùng đạo lực (có được nhờ tu theo Bát chánh đạo[18]) để đoạn tuyệt, hay nói cách khác là, để giải thoát khỏi nguồn gốc của nghiệp, thì bất luận là tạo thiện nghiệp hay ác nghiệp, họ đều sẽ phải cảm thọ quả báo trong dòng lưu chuyển sinh tử. Tuy chủ trương vô thần và vô ngã, nhưng Phật giáo vẫn nhấn mạnh đến nhân quả ba đời, bởi thế, chủ nghĩa duy vật không thể sánh ngang với Phật giáo. Phật giáo dùng thuyết duyên sinh để quan sát sự “sinh, trụ, dị, diệt”[19] của vũ trụ vạn hữu, điều này rất phù hợp với các nguyên tắc khoa học của chủ nghĩa thực chứng hiện nay, thuyết nhị nguyên của Kỳ-na giáo cũng chẳng thể sánh bằng.

Nếu xét về thực chất của tôn giáo, thì hết thảy thần giáo đều là tôn giáo nguyên thủy hoặc đồng loại với tôn giáo nguyên thủy, chúng cùng được sản sinh ra trên nền tảng là những con người chưa khai hóa. Kỳ-na giáo, tuy vô thần, nhưng cũng chưa thoát khỏi ý thức “vật linh” của tôn giáo nguyên thủy, mà thuyết vật linh là một trong những loại tín ngưỡng sùng bái quỷ thần. Bất kể giáo lý của Kỳ-na giáo có điểm nào gần gũi với Phật giáo hay không, ý thức tôn giáo của nó vẫn ở trạng thái của tôn giáo nguyên thủy vào thời kỳ tâm vật nhị nguyên.


TIẾT 2: SỰ MÊ TÍN CỦA NHỮNG NGƯỜI CHƯA KHAI HÓA

 Những người chưa khai hóa có rất nhiều phương thức mê tín, nhìn chung có thể tập hợp lại thành 6 loại là: ma thuật, cấm kỵ, bói toán, cầu nguyện, phù thủy và thần thoại.

1. Ma thuật

Ma thuật[20] chính là pháp thuật, hoặc còn gọi là phương thuật hay thuật số. Đây là một phương thức mê tín rất thịnh hành trong xã hội tôn giáo nguyên thủy.

Ma thuật căn cứ trên hai định luật:

1.1 Luật tương tự[21] hoặc luật tượng trưng[22]: Ma thuật sinh ra từ định luật này gọi là Ma thuật mô phỏng[23]. Định luật này có hai quy tắc chi tiết:

a. Đồng loại tương sinh[24]: tức là những sự vật giả tương tự có thể đại diện cho sự vật thật, chỉ cần mô phỏng sự vật thật, sau đó tác động lên sự vật mô phỏng là có thể sinh ra kết quả tương tự trên sự vật thật. Ví dụ, đẽo nặn một người nộm, xem nó như kẻ thù của mình, dùng kim châm vào hai mắt nó, hoặc vào tim nó, hoặc vào đỉnh đầu nó, kẻ thù kia cũng sẽ thật sự bị mù mắt, đau tim hoặc nhức đầu. Nếu đem người nộm xoay ngược lại hoặc chôn xuống đất, kẻ thù thật sự cũng sẽ gặp xui xẻo hoặc bị tử vong. Có người dùng giấy cắt thành hình người, viết tên của kẻ thù lên, sau đó làm như trên và cũng tạo ra được kết quả tương tự.

b. Đồng loại tương trị[25]: tức là sự vật giả tương tự có thể ngăn chặn sự vật thật, nên người ta cho rằng sử dụng những vật có tính chất hung ác có thể trừ khử được yêu ma quỷ quái. Ví dụ, người Trung Quốc đặt một vật điêu khắc gỗ hình đầu cọp trên khung cửa, dán tượng thần ở cửa, dùng cây xương bồ làm kiếm chém yêu cắm ở dưới mái nhà vào dịp tết Đoan Ngọ, lấy máu chó mực để trừ tà... đều là dựa trên quy tắc “đồng loại tương trị”.

1.2 Luật tiếp xúc[26] hoặc luật truyền nhiễm[27]: Ma thuật sinh ra từ định luật này gọi là Ma thuật truyền nhiễm[28]. Định luật này cũng có hai quy tắc chi tiết:

a. Các bộ phận tách ra từ một toàn thể vẫn âm thầm cảm ứng lẫn nhau: Ví dụ, tóc và móng tuy đã lìa khỏi thân thể, nhưng nếu làm phép đối với chúng, thì vẫn có thể gây ảnh hưởng đến cơ thể của người mà chúng từng thuộc về.

b. Giữa hai vật đã từng một lần tiếp xúc với nhau đều tồn tại một mối quan hệ thần bí: Ví dụ, bộ quần áo mà một người từng mặc, tuy đã cởi ra rồi, nếu làm phép đối với nó, vẫn có thể ảnh hưởng đến thân thể của người đã từng mặc nó.

Ma thuật mô phỏng là loại ma thuật phổ biến nhất, nó được thịnh hành ở rất nhiều dân tộc từ xưa đến nay: Người da đỏ Bắc Mỹ nếu muốn hại một kẻ thù nào đó liền vẽ một hình người trên cát hoặc trên đất, hay giả định một vật gì đó là thân thể của kẻ thù, rồi dùng vật nhọn đâm cho nó bị thương, thậm chí là chặt chém nó. Người Mã Lai thì lấy những vật của người mà mình muốn làm hại như móng tay, tóc, lông mày, nước bọt... mỗi thứ một cặp, đại biểu cho các bộ phận trên toàn bộ thân thể người đó, lần lượt đắp sáp ong lên làm thành một bức tượng, mỗi đêm đem bức tượng sáp này nướng trên một ngọn đèn và tụng chú ngữ rằng: “Vật mà tôi nướng không phải là sáp, vật mà tôi nướng là tim, gan, phèo, phổi của người đó”. Làm đúng như vậy 7 đêm, rồi đem tượng sáp đốt đi, kẻ thù bị làm phép kia sẽ vì thế mà chết. Trong những câu chuyện dân gian Trung Quốc cũng thấy có ma thuật mô phỏng. Ví dụ, trong Phong Thần Truyện, Khương Tử Nha lạy chết Triệu Công Minh; trong Dương Văn Quảng Bình Nam Man Thập Bát Động, Kim Tinh Nương Nương bắn người cỏ; trong dân gian Trung Quốc hiện nay vẫn còn có chuyện dùng người giấy viết lên tên người thật bằng bát tự[29] để làm phép. Theo ghi chép trong Hán Thư, thời vua Vũ Đế triều Hán có chuyện: “nữ phù thủy vào trong cung, dạy các mỹ nhân thuật tránh tai giải nạn, chôn người gỗ cúng tế”, lại có chuyện: “gặp lúc vua bị bệnh, quan đại thần Giang Sung nói bệnh ấy do thuật vu cổ[30] gây nên”.

Ma thuật truyền nhiễm cũng có rất nhiều dân tộc thực hành, ví dụ như: Người Maori cho rằng lấy được tóc, móng, nước bọt... của kẻ thù chôn xuống đất thì kẻ đó ắt phải chết. Thầy phù thủy đạo Voodoo ở châu Phi thường nói với những người da trắng rằng: “Nếu ta lấy được một sợi lông mi hoặc một mẩu da của ngươi thì sinh mạng của ngươi nằm trong tay ta”. Theo dân gian Trung Quốc, nếu có người bị người khác dọa nạt mà sinh bệnh thì lấy một đoạn dây lưng quần của người dọa nạt kia đem nấu nước sôi uống là khỏi. Thầy phù thủy của một bộ lạc ở Victoria có thể chỉ cần hong một cái áo nỉ mà làm cho người chủ sở hữu cái áo sinh bệnh. Tập tục xưa của người Prussia là lấy quần áo, đồ vật của kẻ trộm làm rơi rớt lại ra “đánh cho một trận”, kẻ trộm tuy chưa bị bắt giữ, nhưng tự nhiên sẽ sinh bệnh.

Do tin vào ma thuật, người trong các dân tộc chưa khai hóa thường đem móng tay, tóc, răng... của mình cất giấu vì sợ bị kẻ thù lấy đi làm phép. Dây rốn và nhau thai của trẻ sau khi sinh cũng được xử lý một cách thận trọng vì sợ ảnh hưởng đến vận mạng và tuổi thọ của đứa trẻ và người mẹ. Có những người, đến áo mũ, họ cũng cất để cẩn thận vì sợ bị người khác giẫm đạp lên hoặc bước ngang qua mà gặp xui xẻo.

2. Cấm kỵ

Cấm kỵ[31] cũng là một loại ma thuật. Nhưng, ma thuật sử dụng phương thức tấn công tích cực, còn cấm kỵ thì sử dụng phương thức phòng ngự tiêu cực. Ma thuật là để đạt được một kết quả nào đó, còn cấm kỵ là để tránh một kết quả nào đó xảy ra.

Cấm kỵ lưu hành rất rộng trong các dân tộc chưa khai hóa, đại khái có thể phân thành các loại như:

2.1 Cấm kỵ về ăn uống: Thổ dân châu Úc không dám ăn động vật là vật tổ của mình vì tin rằng có quan hệ huyết thống với nó. Người dân đảo Tasmania không dám ăn một loại chuột túi nhỏ và cá có vảy. Dân gian Trung Quốc có người không dám ăn cá da trơn. Tín đồ Ấn Độ giáo không dám ăn thịt bò. Tín đồ Hồi giáo không dám ăn thịt heo. Giáo hội Giám Lý[32] của Cơ Đốc giáo không ăn thịt động vật, nhưng họ không ăn chay vì lòng từ bi đối với chúng sinh như Phật giáo, mà là vì điều cấm kỵ mê tín của họ. Lại như người dân đảo Madagascar không dám ăn thịt nhím vì sợ bị truyền nhiễm tật nhát gan; và không dám ăn đầu gối bò vì sợ đầu gối mình sẽ biến thành giống đầu gối bò, chạy nhảy không tiện.

2.2 Cấm kỵ về làm việc: Thổ dân New Guinea đan lưới chưa xong thì không dám ra khỏi nhà, không dám quan hệ tình dục với phụ nữ, thậm chí không ăn uống đồ mà người nữ đưa cho. Khi ăn ngón tay không dám chạm vào thức ăn, không dám ăn nhiều, không dám nói chuyện lớn tiếng. Khi họ đi săn, người dẫn đầu không dám tắm, không dám ngủ, không dám nói chuyện. Lúc phát lệnh săn họ bắt chước tư thế của động vật. Con thuyền nhỏ họ dùng đi săn không được để chạm vào con thuyền khác. Người bản địa ở Đài Loan trước đây, khi đi săn đầu người[33], lửa trong nhà không được tắt, người nhà không dám mượn vật gì của người khác, cũng không dám nói lời thô lỗ. Ở Trung Quốc, những chủ đò khi ăn cơm không được nói từ “cơm”, khi vào thành phố không được nói từ “thành phố”[34]. Phụ nữ ở châu Úc và Polynesia không được ngồi ăn chung với người nam. Ở một hòn đảo nọ người ta không được phép nhìn thanh niên mới lớn nếu chưa tắm gội. Người Angora cho rằng nếu có phụ nữ ở nơi đúc thép thì thép nhất định đúc không thành công. Người phụ nữ ở Tây Phi không được nhìn người nam ăn uống, không được nhìn tượng của tổ tông, khi chế dầu không được để người khác nhìn thấy. Người Assam ở Ấn Độ trước khi ra trận không dám ngủ chung giường với phụ nữ, cũng không dám ăn đồ ăn người nữ nấu. Đài Loan hiện nay vẫn có người trước và sau khi mua vé số không dám để cho người thợ nữ cắt tóc.

2.3 Cấm kỵ về chữ số: Người phương Tây thường không dám ra khỏi nhà vào thứ 6 và ngày 13. Nếu ngày thứ 6 vừa đúng ngày 13 thì càng làm cho họ lo sợ hơn nữa. Thậm chí, nhà số 13 không ai dám thuê, phòng số 13 ở khách sạn cũng không ai dám ở. Tất cả điều này đều bắt nguồn từ truyền thuyết về bữa tối cuối cùng của Jesus[35].

Ngoài ra, còn có cấm kỵ vào thời kỳ thai nghén, ví dụ như trong dân gian Đài Loan, gia đình nào có người mang thai thì không dám tùy tiện đào đất ở bốn phía quanh nhà. Có cấm kỵ về sinh nở, ví dụ như đứa trẻ cầm tinh con gì thì trong tháng đầu tiên sau khi sinh không được để đứa trẻ nhìn thấy người ngoài cầm tinh con vật xung khắc với đứa trẻ. Và có cấm kỵ về kết hôn, ví dụ bát tự không hợp, tuy hai bên đồng ý, cũng không dám kết làm vợ chồng.

3. Bói toán

Bói toán[36] cũng là một phân nhánh của ma thuật, nó đại để là căn cứ vào nguyên lý tượng trưng để hy vọng phát hiện ra điềm báo muốn biết từ sự vật. Bói toán cực kỳ thịnh hành trong các dân tộc nguyên thủy. Những văn tự giáp cốt khai quật được ở huyện An Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc vào năm Quang Tự thứ 25 (năm 1899) là những từ mang tính chất cầu nguyện dùng trong bói toán được khắc trên mai rùa và xương thú. Di chỉ phát hiện ra loại văn tự giáp cốt này chính là đô thành của nhà Ân xưa kia, nên được gọi là Ân Khư, nghĩa là “đống đổ nát của nhà Ân”. Từ việc khảo sát văn tự giáp cốt, người ta biết được rằng, phàm làm việc quốc gia đại sự gì người Ân cũng đều lấy mai rùa ra bói trước.

Người Sea Dyaks ở Borneo dù là làm nhà hay cày cấy đều phải xem bói bằng 7 loại “chim dự báo”, có nhiều cách bói, trong đó có cách phán đoán, vị trí trước sau phải trái của tiếng chim đều có sự phân biệt. Vùng nội địa Trung Quốc, có nơi dùng chim để đoán mạng. Dân bản địa Đài Loan trước đây, khi ra ngoài săn đầu người, cũng phải nghe tiếng kêu của một loại chim tên là sitsusiri để đoán lành dữ, nếu như tiếng chim kêu nghe bi thảm thì không dám đi nữa.

Phương pháp bói toán chủ yếu có 4 loại:

3.1 Phán đoán sự kiện ngẫu nhiên xảy ra: Tất cả hiện tượng ngẫu nhiên xảy ra ngoài ý muốn đều có thể xem là điềm báo, vì thế người ta dùng nguyên lý tượng trưng để phán đoán kết quả của nó. Phương pháp này có 4 loại:

a. Tình trạng khác thường ngẫu nhiên của các vật vô sinh: Ví dụ như binh khí bị gãy, lá cờ lớn rớt xuống đất...

b. Động thái khác thường của động vật: Ví dụ như chó tru vào ban đêm, gà mái gáy báo sáng, ngựa chiến hí bi thương, chuột di chuyển cả đàn...

c. Động tác khác thường ngẫu nhiên xảy ra đối với bản thân con người: Ví dụ như khi đang ăn cơm đũa bị rơi xuống đất, chén đĩa bị bể, vô cớ bị ngã, đột nhiên lo sợ, thịt giật, máy mắt...

d. Hiện tượng tự nhiên khác thường: Ví dụ như hoa đào nở vào mùa hạ, tuyết rơi trong 6 tháng ròng, mưa dông vào tháng 12, gió lạ đột phát, nhật thực và nguyệt thực, sóng thần và động đất...

3.2 Phán đoán những điều thấy trong mộng: Phong tục đoán mộng lưu hành ở khắp các dân tộc chưa khai hóa. Vì những sự vật đặc thù trong mộng rất giàu tính chất điềm báo nên Trung Quốc cổ đại từng đặt riêng một chức quan đoán mộng. Tương truyền, Phật giáo bắt đầu truyền vào Trung Quốc là do vua Hán Minh Đế “đêm mộng thấy người bằng vàng, trên đỉnh đầu có hào quang tròn sáng, bay qua cung điện”, vị đại thần đoán mộng nói rằng “ở phương Tây có thần xuất hiện, hiệu của Ngài là Phật”, vua bèn sai sứ giả sang Tây Vực cầu pháp.

3.3 Quan sát biến động của tinh tượng: Đây chính là thiên văn học của các dân tộc nguyên thủy. Người phương Tây cổ đại gọi nó là thuật chiêm tinh[37], còn Trung Quốc cổ đại thì gọi nó là thuật tinh mạng. Người ta lấy sự sáng hay mờ của tướng trạng sao, sự di động của vị trí sao, sự xuất hiện của sao băng, sao chổi... để bói về họa phúc, lành dữ của con người, sự vật và thời tiết. Thuật quan sát sao này tương đối phức tạp, vì vậy không được phát triển lắm trong các dân tộc hoang dã.

3.4 Dùng những phương pháp do con người tạo ra: Những phương pháp này thường được các dân tộc chưa khai hóa dùng, nhưng các dân tộc văn minh cũng không tránh khỏi việc sử dụng chúng. Ví dụ, dùng một đồng tiền xoay tròn, để nó nằm ngang ra, rồi xem mặt trái và mặt phải của nó để phán đoán sự tốt xấu của vận mạng. Thổ dân Tây Phi nắm đầy quả hạch trong một nắm tay, rồi để mặc cho chúng rơi xuống, xem số quả rơi xuống là số lẻ hay số chẵn, để đoán định lành dữ. Cũng có nơi người ta dùng cấu tạo sinh lý của động vật để đoán lành dữ. Trong một cuốn sách cổ của Babylon có viết: “Nếu như có thể hiểu được hình dạng đường vân trên bề mặt lá gan của động vật thì có thể hiểu được ý nghĩ của thần; có thể hiểu được ý nghĩ của thần thì hiểu được những sự việc tương lai”. Trong sách Vân Nam Thông Chí nói rằng: “Người La Quả bắt gà trống non, khoét lấy hai đùi, buộc lại, lột sạch lớp da, dùng tăm tre cắm vào những lỗ nhỏ trên xương, xem hình dạng tăm tre thuận nghịch, nhiều ít mà bói điềm lành, điềm dữ”. Có rất nhiều dân tộc dùng xương vai của các loài thú để bói, họ lấy xương hong trên lửa, sau đó xem đường nứt trên xương để phán đoán chuyện tương lai. Đời Ân ở Trung Quốc cũng dùng mai rùa hơ lửa cho xuất hiện những vết nứt để bói toán, phương pháp này được ghi chép lại trong thiênQuy Sách Liệt Truyện của cuốn Sử Ký. Tôi từng thấy ở Trung Quốc Đại Lục[38] có người có thể xem đầu hương và làn khói sau khi đốt hương để bói điều lành dữ; có người có thể đổ thiếc nóng chảy vào trong nước lạnh rồi xem những đường vân hiện ra trên bề mặt thiếc sau khi đông lại là thấy được những việc muốn bói; có người có thể lấy một bó đũa tre cắm thẳng vào trong nước để bói điềm cát hung. Ngoài ra, Trung Quốc còn có những môn bói toán khác như khởi khóa, đả quái...

4. Cầu nguyện

Cầu nguyện[39] là một bản năng của con người lúc rơi vào đường cùng. Con người khi gặp nguy hiểm và tuyệt vọng liền mong mỏi có thể có một điều kỳ tích nào đó xuất hiện. Sau khi con người có ngôn ngữ, những từ cầu nguyện đầu tiên của họ đại khái là: “Mẹ ơi, hãy đến cứu giúp con”. Tới con người văn minh thời hiện đại, dù họ không có bất kỳ tín ngưỡng tôn giáo nào, nhưng gặp lúc nguy nan, họ cũng sẽ cầu nguyện: “Xin linh hồn cha mẹ trên trời âm thầm phù hộ cho con”.

Thần linh mà con người nguyên thủy tưởng tượng ra, tuy rất đáng sợ, nhưng để xin thần thương xót, không làm hại mình, họ vẫn hướng về thần, phát ra những lời cầu nguyện từ nội tâm mình. Ví dụ, Yahweh của Do Thái giáo thời kỳ đầu, như mô tả trong Cựu Ước, là một vị thần rất đáng sợ, nhưng tín đồ Do Thái phải cầu nguyện với Ngài; bất kể cầu nguyện có hiệu nghiệm hay không, trong 100 lần chỉ cần 1, 2 lần hiệu nghiệm, cũng phải cảm ơn Ngài rất nhiều. Cơ Đốc giáo ngày nay vẫn vô cùng coi trọng việc cầu nguyện, ví dụ: Kinh Dấu Thánh GiáKinh Sáng Danh,Kinh Lạy ChaKinh Tin KínhKinh TinKinh CậyKinh Ăn Năn TộiKinh Trước Bữa ĂnKinh Sau Bữa Ăn... đều là những lời cầu nguyện quan trọng, giản đơn và ngắn gọn. Thậm chí, có thể nói, ngoài cầu nguyện ra, Cơ Đốc giáo không hề có tu luyện tâm linh, đây là một trong những đặc điểm của tôn giáo nguyên thủy.

Cầu nguyện cấp thấp phần lớn đều vì nhu cầu sinh tồn của thể xác. Ví dụ, người da đỏ ở Bắc Mỹ cầu thần Wohkonda phù hộ cho họ bắt được ngựa hoang hoặc giết được kẻ địch; người da đen ở Gold Coast, châu Phi cầu thần ban cho họ nhiều lúa gạo, khoai sọ, khoai lang và vàng.

Cầu nguyện cấp cao là để thỏa mãn nhu cầu về phương diện tinh thần. Ví dụ như cầu thần linh tiêu trừ tội lỗi cho mình, cổ vũ mình làm nhiều việc tốt đẹp hơn.

Có nơi còn dùng phương pháp cầu nguyện để bói toán, gọi là “cầu mộng”. Người ta đối trước thần linh cầu nguyện, xin thần linh trong mộng mách bảo cho họ những sự việc họ muốn biết. Ở rất nhiều nơi đã xây các phòng cầu mộng chuyên dụng, ví dụ như trong miếu Tiên Công ở phía bắc Đài Loan có các phòng chuyên dành cho người đến cầu mộng.

Tờ Thân Báo ở Thượng Hải, số ra ngày 21 tháng 03 năm Dân Quốc thứ 16 (năm 1927), có đăng một tin xã hội, đại ý nói thời đó ở Thượng Hải thịnh hành một loại đánh bạc gọi là “hoa hội”, có tổng cộng 36 cửa, rất khó cược trúng, nếu trúng có thể thu được tiền thưởng gấp 10 lần. Có một thiếu phụ họ Tào, chồng đi ra ngoài buôn bán, cô ở nhà thử chơi hoa hội, mới đầu có thua cũng có thắng, sau đó cô đem toàn bộ gia sản đặt cược và bị thua sạch sành sanh. Có một bà già chỉ cô: “Hãy giết một con vật sống để cầu mộng, có thể sẽ linh nghiệm”. Cô bèn giết mèo cầu nguyện và thấy có ứng nghiệm. Sau đó, cô muốn giết một con mèo khác, nhưng tìm được mèo không dễ, vừa đúng lúc đứa con trai độc nhất 3 tuổi của cô vì bị mất trái cây, kêu khóc om sòm, cô bèn nổi giận lấy con dao làm bếp chặt đầu đứa con trai. Cô không chút đau lòng hay hối hận, lại còn hào hứng đem đầu đứa trẻ gói lại đặt bên gối, đốt hương khấn cầu, nhờ con trai báo mộng. Khấn xong đi ngủ, mộng thấy con trai mình tay cầm cái đầu gào khóc đau đớn, rồi hóa thành một con chuột lớn. Thiếu phụ này tỉnh dậy, biết rằng con trai báo mộng cho cô đặt vào cửa “chuột”. Ngày hôm sau, nghĩ hết tất cả mọi cách, gom được hơn 300 đồng, đặt hết vào cửa “chuột”, quả nhiên cược trúng, thắng hơn 5.000 đồng. Tiền cô nhận trong tay, nhưng đứa con trai độc nhất thì đã chết, người chồng trở về, đuổi cô ra khỏi nhà, cuối cùng cô thắt cổ tự tử.

5. Phù thủy

Trong các dân tộc nguyên thủy, một số người tự xưng là thông hiểu được những điều thần bí và có năng lực đối phó với những thứ đáng sợ khuất hình khuất dạng. Danh xưng của những người này rất nhiều, tùy địa phương mà có sự khác nhau. Ví dụ như: thầy mo (witch), thầy pháp (wizard), thầy phù thủy (sorcerer), thầy lang (medicine man), tu sĩ (priest) hoặc thuật sĩ (magician); vùng Siberia, Bắc Á và Alaska thì gọi họ là shaman; nhưng tính chất của tất cả tên gọi đều giống nhau.

Các thầy phù thủy thường tự xưng mình có thể hô phong hoán vũ; có thể làm người khác sinh bệnh và khỏi bệnh; có thể dự đoán điều lành, điều dữ; có thể tự biến hóa thành động vật, thực vật; có thể tiếp xúc với thần linh hoặc mời thần linh nhập vào thân; có thể sử dụng bùa chú, pháp khí để sai sử quỷ thần; có thể dùng tà thuật làm cho người khác sinh bệnh hoặc tử vong... Vì vậy, trong xã hội của người hoang dã, các thầy phù thủy gần như được xem là những con người vạn năng có thể chi phối đời sống của người khác.

Thầy phù thủy phần lớn là những người từng có kinh nghiệm thần bí trong khi mộng hoặc trong khi bệnh, cũng có người được các thầy phù thủy lớn tuổi huấn luyện từ nhỏ. Họ thực sự đã tạo ra được một số điều hiệu nghiệm thần bí. Ở nội địa Trung Quốc, có những người được gọi là đồng tử (phù thủy nam) hoặc sư nương (phù thủy nữ). Chính mắt tôi từng nhìn thấy vài vị, họ không nhất định phải có sự truyền thừa, mà luôn là một người bình thường, đột nhiên ốm một trận xong, liền có thần linh nhập vào thân, tự xưng là một vị thần nào đó muốn mượn thân họ để hành đạo ở thế gian vài năm, hoặc muốn họ trọn đời trở thành thầy phù thủy, trở thành môi giới giữa thần và người. Họ có thể khám bệnh kê đơn, bản thân họ vốn không biết y lý và tên thuốc, nhưng khi thần nhập vào thân thể, họ nói ra y lý, kê ra đơn thuốc, bệnh nhân uống thuốc cũng khỏi bệnh thật sự. Họ có thể dự báo lành dữ, có thể tìm vong linh đến nói chuyện với bạn, có thể xuống âm phủ tìm kiếm tung tích vong linh của gia đình bạn. Ở Đài Loan và cả Đại Lục còn thịnh hành việc “lên đồng viết chữ”[40], việc này thực sự cũng có linh nghiệm ở một mức độ nào đó. Những vị thần giáng hạ nơi đàn lên đồng viết chữ, mỗi vị trước tiên đều thông báo tên họ của mình, nào là Quán Âm Đại Sĩ, Quan Công, Trương Phi, Lý Bạch, cho đến Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới trong Tây Du Ký, và cả các vị thần tiên trong Phong Thần Truyện, đều thi nhau xuất hiện. Kỳ thực, những vị thần nhập thân hoặc giáng đàn viết chữ này đều là những quỷ thần nhỏ bé sống nương nơi cây cỏ. Những quỷ thần này có ở khắp nơi, chúng chỉ mượn danh các vị thần nổi tiếng để diễu võ dương oai mà thôi. Vì vậy, sự linh nghiệm của chúng là có thật, nhưng về thời gian thì ngắn ngủi và về không gian thì nhỏ hẹp. Dĩ nhiên, không thể không tin là việc này không có thật, nhưng nếu tin chắc việc này đáng tin thì cũng hoàn toàn không nên.

Trong xã hội Cơ Đốc giáo, phù thủy không hề nhận được sự khoan dung. Người châu Âu, hễ nói đến phù thủy là liên tưởng ngay đến yêu thuật[41]. Cơ Đốc giáo có cái nhìn thù địch đối với tất cả dị đoan, đem hết thảy hiện tượng xấu ác như thiên tai, nhân họa, sự biến đổi quái dị của tự nhiên, cho đến những tật bệnh nhỏ nhặt như đau đầu, đau tim... đều nói là do yêu thuật của bọn phù thủy. Ở xã hội Cơ Đốc giáo, phù thủy là tên gọi khác của ma quỷ. Trong các câu chuyện cổ tích của họ, nói đến chữ phù thủy là nói đến bọn yêu ma quỷ quái vô cùng đáng sợ. Vì vậy, trong lịch sử, Cơ Đốc giáo đã thiêu chết vô số người mà họ quy cho là phù thủy. Tuy rất nhiều nhà tiên tri trong Cựu Ước cho đến Jesus trong Tân Ước cũng là những nhân vật thuộc loại thầy phù thủy, nhưng đối với đám phù thủy dị đoan, đặc biệt là những bà lão nghèo khổ có một chút kinh nghiệm thần bí, thậm chí cứ người phụ nữ nào da mặt nhiều nếp nhăn, trên mép mọc lông, cặp mắt xiêu vẹo, tư thế loạng choạng, tiếng nói chói tai, lại thêm sống thui thủi một mình thì đều là đối tượng thiêu sống của Giáo hội Thiên Chúa! May thay, hơn 1 thế kỷ, từ thời cận đại trở lại đây, pháp luật các nước không còn cho phép Giáo hội Thiên Chúa dùng hình phạt riêng của mình thiêu chết phù thủy nữa. Ở Âu Mỹ, phù thủy cũng không còn bị xem là kẻ đáng sợ. Quyền uy của thần Thiên Chúa đã bị khuất phục bởi pháp luật của nhân gian mà phải thối lui về nước Trời.

6. Thần thoại

Thần thoại[42] là những câu chuyện mang ý nghĩa mê tín hoặc vô căn cứ. Chúng chỉ là chuyện ảo tưởng sinh ra khi con người tiếp xúc với sự vật thực tế. Ví dụ, người hoang dã nhìn thấy ngọn lửa bập bùng liền cho rằng nó là sinh vật sống; nghe thấy tiếng vọng từ khe núi liền cho rằng có quái vật ở trong núi tạo ra âm thanh; nghe thấy tiếng sấm liền cho rằng đó là bánh xe của thiên thần đang quay trong không trung, hoặc cho rằng có vị thần nào đó cầm cây chùy lớn đánh ra tiếng.

Đại đa số thần thoại có liên quan đến mê tín tôn giáo vì thần thoại và nghi thức đều là công cụ của tôn giáo. Không có thần thoại, tín ngưỡng tôn giáo nguyên thủy sẽ không có điểm tựa, vì thần thoại có thể thay thế cho các loại tín ngưỡng, đưa ra lý do giải thích và cấu thành một hệ thống kiến thức để thỏa mãn nguyện vọng hiểu biết của con người nguyên thủy. Tuy xem xét thần thoại dưới góc độ khoa học, chúng ta chỉ có thể sinh khởi hứng thú nghiên cứu về bối cảnh ra đời của nó, chứ không thể sinh khởi lòng tin vào nội dung của nó; nhưng đối với người nguyên thủy, hễ giải thích được những nghi vấn của họ, là có thể làm sinh khởi lòng tin nơi họ.

Có thể phân thần thoại làm hai chủ đề lớn để thuyết minh:

6.1 Tính chất của thần thoại: Căn cứ theo thuyết của Lâm Huệ Tường thì thần thoại có 6 đặc tính:

a. Truyền thừa: Thần thoại ra đời vào “thời đại thần thoại” rất cổ xưa, sau đó lưu truyền qua một thời gian lâu dài, đến nỗi người ta quên mất khởi nguyên của chúng từ đâu.

b. Trần thuật: Giống như lịch sử hoặc chuyện kể, thần thoại dùng để trần thuật đầu đuôi của một sự việc.

c. Thực tại: Trong dân gian, thần thoại được tin là những ký sự xác thực.

d. Tính thuyết minh: Sự ra đời của thần thoại là để thuyết minh nguyên nhân xuất hiện và tính chất của các sự vật trong vũ trụ.

e. Nhân cách hóa: Nhân vật chính trong thần thoại không kể là thần linh hay động thực vật đều được nhân cách hóa, tâm lý và hành vi của nhân vật này đều giống với con người.

f. Tính hoang dã: Thần thoại là sản vật của tâm lý nguyên thủy, quan sát nó dưới góc độ của người văn minh, thường thấy có chỗ bất hợp lý, nhưng vì nó là phản ánh của cuộc sống xã hội nguyên thủy, nên nó không có gì là vô lý.

6.2 Phân loại thần thoại: Tiêu chuẩn phân loại rất nhiều, ở đây tôi tham khảo Hastings, lấy nội dung làm tiêu chuẩn, phân thần thoại thành 12 loại:

a. Sự đổi thay định kỳ của tự nhiên và thời tiết: Có một số thần thoại ra đời là để thuyết minh sự chuyển giao giữa ngày và đêm, và sự đổi thay của thời tiết. Ví dụ như thần thoại về mặt trời, mặt trăng và các vì sao, thần thoại về các vị thần trông coi năm tháng, thời tiết.

b. Thần thoại về vật tự nhiên: Ví dụ như thần thoại thuyết minh về hình trạng và tính chất của động vật, thực vật, vô sinh vật... Trong thần thoại, thường đem vật tự nhiên nhân cách hóa, tạo thành một câu chuyện, giống như chuyện về con người vậy.

c. Những hiện tượng tự nhiên khác thường: Ví dụ như động đất thường được người hoang dã đoán là do ở dưới đất có một loài động vật nào đó đang quấy phá; gió thì có “bác gió”; mưa thì có “thầy mưa”; nhiều dân tộc nguyên thủy có thần thoại về hồng thủy; thần thoại về nhật thực và nguyệt thực cũng rất phổ biến.

d. Khởi nguyên của vũ trụ: Đây còn được gọi là “thần thoại sáng thế”, hầu như dân tộc nào cũng có. Ví dụ, Trung Quốc có “Bàn Cổ khai thiên lập địa”, Israel có “Yahweh sáng tạo vũ trụ”. Thông thường, các thần thoại cho rằng có một hay một vài vị thần hoặc người nào đó tạo nên trời, đất, con người và vạn vật từ một vũ trụ vốn ở trạng thái hỗn độn.

e. Khởi nguyên của thần: Những người hoang dã cho rằng thần giống với con người, cũng được sinh ra, cũng có gia tộc, tổ tiên, sự tích một đời, nguyên nhân thành thần... Trong Sơn Hải Kinhcủa Trung Quốc, Sử Thi Homer của Hy Lạp và Sử Thi Mahābharata của Ấn Độ đều có loại thần thoại này.

f. Khởi nguyên của con người và động vật: Loại thần thoại này thường có liên quan đến thần thoại về khởi nguyên của vũ trụ, vũ trụ là do thần tạo ra, con người là con cháu của thần.

g. Biến hóa: Truyền thuyết nói rằng con người có thể biến hóa thành động vật hoặc các vật vô sinh và ngược lại. Ví dụ, tảng đá ở một nơi nào đó vốn là con người hóa thành; cái hồ ở nơi nào đó vốn là nhà ở của một người nào đó, vì một nguyên nhân nào đó mà biến thành hồ; một loại chim nào đó vốn là người, do nguyên nhân nào đó mà hóa thành chim; một người nào đó làm việc thiện, phóng sinh chim hoặc thú, chúng sẽ biến thành người đến cứu mạng hoặc làm vợ của người đó; một loại hoa, cỏ hoặc cây cối nào đó vốn là người, vì một nguyên nhân nào đó mà hóa thành thực vật.

h. Địa ngục và sự tồn tại sau khi chết: Thần thoại này xuất xứ từ tín ngưỡng sùng bái quỷ thần. Ví dụ, hỏa ngục của Cơ Đốc giáo, địa phủ của Đạo giáo, Dạ-ma giới của Ấn Độ giáo, Thập Điện Diêm Quân[43] và địa ngục của Phật giáo. Những cảnh giới này được tu sĩ của các tôn giáo phát hiện thông qua những kinh nghiệm thần bí của họ. Bất luận mức độ chân thực của chúng như thế nào, vì xuất phát từ truyền thuyết về những kinh nghiệm thần bí, nên có thể xem chúng như thần thoại.

i. Yêu quái: Thần thoại về yêu quái phần lớn là phát sinh từ tín ngưỡng sùng bái động thực vật... Nhân vật chính của loại thần thoại này đều là những kẻ hung bạo, độc ác, thường đánh nhau với các vị thần chính trực.

j. Thần thoại về anh hùng, gia tộc và dân tộc: Thần thoại này ra đời do các gia tộc, các dân tộc muốn tìm về nguồn gốc của mình. Các tộc người trên thế giới tự cho rằng tổ tiên đầu tiên của họ là những anh hùng đầy thần bí.

k. Thần thoại về chế độ xã hội và các loại phát minh: Chế độ xã hội và nghi thức phong tục của các dân tộc thường bắt nguồn từ ý chỉ của thần linh; các loại phát minh cũng đều là do các nhân vật anh hùng được thần thánh hóa làm ra. Ví dụ, ở Trung Quốc, có Thần Nông, Hữu Sào và Toại Nhân; lại có 360 nghề, nghề nào cũng có một vị tổ sư được thần thánh hóa.

l. Thần thoại về sự kiện lịch sử: Sự kiện lịch sử tương truyền lâu năm thường bị thêm thắt vào những màu sắc thần bí. Các nhà sử học không chịu khảo sát đầu đuôi của chúng thế nào đã vội đưa chúng vào sách sử. Ví dụ, trong sách sử trước đời Chu của Trung Quốc có không ít thần thoại; trong Cựu Ước của người Do Thái thần thoại gần như bao trùm hết sự thật lịch sử cổ đại; Ấn Độ thời xưa cũng lấy thần thoại làm lịch sử.[44]

7. Giải thích những điều thần bí mê tín

Điều thần bí mà chúng ta đang bàn đến, tiếng Anh gọi là “mysticism”, có thể dịch từ này là “sự tương hợp với thần linh”, hàm nghĩa chính của nó là “sự tương hợp của cái ngã và cái phi ngã”. Nếu dùng từ “mystery” thì không được thỏa đáng lắm vì điều thần bí ở đây chỉ cho kinh nghiệm mang tính thần bí mà con người đạt được từ tín ngưỡng tôn giáo.

Từ thời cận đại đến nay, có nhiều nhà tâm lý học tôn giáo đã nghiên cứu, giải thích kinh nghiệm thần bí tôn giáo bằng phương pháp khoa học, họ nói rõ về kinh nghiệm này sau khi đã tiến hành những phân tích tâm lý. Vì vậy, dưới sự nghiên cứu và đoán định của các nhà tâm lý học tôn giáo, cái gọi là kinh nghiệm thần bí, giờ đã không còn gì thần bí nữa. Thậm chí, họ chủ trương: có kinh nghiệm kết hợp với thần linh nhưng kinh nghiệm đó không thể là chứng cứ để đoán định rằng Thượng đế có tồn tại. Trong Giáo hội Cơ Đốc giáo ở phương Tây cổ đại có những trinh nữ giữ đạo, tự cho rằng mình là vợ của Thiên Chúa, từng được trực tiếp gặp gỡ và ôm lấy Jesus, nhưng như thế cũng không thể nói là nhục thể của Jesus đã được phục sinh. Đó chỉ là ảo giác tâm lý “lấy bất tại làm thực tại”[45] mà thôi.

Ma thuật hoặc pháp thuật ra đời từ hoạt động tôn giáo, sự hiệu nghiệm của nó thể hiện ở tính có thể xảy ra, chứ không phải là tính tất nhiên xảy ra. Chỉ có điều khi các thầy pháp thuật chuyên nghiệp làm phép thì xác suất xảy ra cao hơn so với người bình thường. Nguyên nhân là do họ đã vận dụng được tâm lực một cách thuần thục.

Cấm kỵ hoàn toàn xuất phát từ những sự việc ngẫu nhiên. Ví dụ, có người buổi sáng ra khỏi nhà nghe thấy tiếng quạ kêu trên đầu, sau đó liền gặp phải việc không may, từ đó cho rằng quạ kêu là điềm báo xấu, hễ có tiếng quạ kêu liền không dám ra khỏi nhà nữa.

Bói toán cũng giống như pháp thuật, sự hiệu nghiệm chỉ mang tính có thể chứ không hề mang tính tất nhiên.

Sự hiệu nghiệm của cầu nguyện xuất phát từ lòng chân thành của người cầu nguyện. Hiệu quả của cầu nguyện linh nghiệm ra sao phải xem mức độ thanh tịnh của tâm người cầu nguyện thế nào, cũng như sự cảm ứng của tâm lực tự thân đối với ngoại vật nữa. Vì vậy, người thường xuyên cầu nguyện so với người ít cầu nguyện sẽ dễ dàng đạt được những kinh nghiệm tôn giáo hơn.

Trong số các thầy phù thủy tất nhiên cũng có những kẻ giả dạng lừa người, nhưng thực sự là có nhiều nam nữ phù thủy tự bản thân họ cũng tin chắc rằng vị thần ấy, sự việc ấy là thật có. Điều này, theo khảo sát của các nhà tâm lý học tôn giáo, là do một loại tác dụng thôi miên: sau khi tinh thần và thể xác trải qua một cơn chấn động hoặc hưng phấn, huyết quản sẽ nở to, máu tuần hoàn nhanh hơn, và con người sẽ bước vào trạng thái thôi miên, những lời nói của họ trong trạng thái quên mất tự ngã khi đó được cho là thần linh nhập vào thân họ để nói chứ không phải bản ý của chính họ. Do đó, các học giả cho rằng: đây là một loại hiện tượng tổng hợp của bệnh thái sinh lý và bệnh thái tâm lý khiến người ta tự đánh lừa mình và lừa cả người khác. Vì sự biến đổi của các yếu tố hóa học trong cơ thể con người có thể dẫn đến sự biến đổi về tâm lý nên ở phương Tây thời cận đại có một loại thảo dược tên là Mescal và một loại dược phẩm tên là Hasheesh sau khi người ta uống vào có thể sinh ra cảm giác giải thoát phiền não, người nhẹ lâng lâng, thuốc LSD của Mỹ hiện nay cũng có hiệu quả tương tự.

Vào năm 1882, một nhóm học giả nghiên cứu về hiện tượng thần bí đã thành lập Hiệp hội Nghiên cứu Tâm linh[46] ở London, Anh quốc. Năm 1885, nước Mỹ cũng thành lập một hiệp hội tương tự, và không lâu sau ở Paris cũng thành lập Hiệp hội Tâm linh Quốc tế. Họ cùng tìm hiểu cái gọi là “giác quan thứ 6”, chú trọng nghiên cứu, thảo luận về hai vấn đề lớn là “linh hồn bất diệt” và “cảm ứng tâm linh”, thu thập được rất nhiều tài liệu và đã tiến hành rất nhiều thí nghiệm. Các nhà nghiên cứu ở Mỹ ngày nay gọi ngành nghiên cứu này là cận tâm lý học[47], từ năm 1927 đến nay, họ đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Cận tâm lý học tại Đại học Duke. Họ đã làm các thí nghiệm về cảm ứng tâm linh, động lực tâm linh và linh cảm. Hễ những người được thí nghiệm có tâm ý tập trung thì xác suất xảy ra hiện tượng tâm linh tương đối cao. Điều này cũng cho thấy nguyên tắc “định tâm có thể phát sinh thần thông” mà Phật giáo đã nói là hợp với quan điểm khoa học.

Nhưng đứng trên lập trường của Phật giáo, ngoài chấp nhận việc dùng phương pháp khoa học để phân tích nhân tố tâm lý của những kinh nghiệm thần bí ra, Phật giáo đồng thời cũng không phủ nhận việc trong tự nhiên thực sự có sự tồn tại và hoạt động của các thần linh. Chỉ có điều, Phật giáo hoàn toàn không xem trọng sự tồn tại và hoạt động của họ, cho nên tín đồ Phật giáo có niềm tin nơi chánh pháp không được phép mê tín những hiện tượng thần bí này. Phương pháp khoa học tuy đã có thể tìm ra cách giải thích cho một số hiện tượng tâm lý tôn giáo, nhưng vẫn còn rất nhiều hiện tượng tôn giáo mà khoa học không thể giải thích nổi. Ví dụ, trình độ tâm lý học hiện nay vẫn chưa thể hiểu được đạo lý ẩn đằng sau tính thần bí của phép độn thủy, độn thổ mà trong pháp thuật của Đạo giáo gọi là “hành khiêu”, “biến hóa”. Vì hoạt động tâm lý của con người cố nhiên là một yếu tố chính của kinh nghiệm thần bí, nhưng ngoài yếu tố này ra, còn phải có các tác dụng khách quan khác từ những thần linh bên ngoài; nên muốn mượn phương pháp khoa học để hoàn toàn phủ định quỷ thần hoặc để nghiên cứu sự vô căn cứ của hiện tượng quỷ thần, là điều không thể.

 


36. Thuyết Duyên khởi, cũng được gọi là Nhân duyên sinh, là một trong những giáo lý quan trọng nhất của đạo Phật. Thuyết này chỉ rõ mọi hiện tượng tâm lý và vật lý tạo nên đời sống đều nằm trong một mối liên hệ với nhau, chúng là nguyên nhân của một yếu tố này, đồng thời là kết quả của một yếu tố khác.

37. Polytheism.

38. Bát bộ hay Bát bộ chúng là tám loài quỷ thần trong thần thoại Ấn Độ, lúc đầu họ hung ác, sau được đức Phật giáo hóa và trở thành những vị hộ trì Phật pháp. Gồm có: Trời (deva), Rồng (nāga), Dạ-xoa (yaksa), Càn-thát-bà (gandharva), A-tu-la (asura), Ca-lâu-la (garuda), Khẩn-na-la(kimnara) và Ma-hầu-la-già (mahoraga). Vua của tám loài quỷ thần trên được gọi là Bát bộ thần vương.

39. Anthropomorphism.

40. Đạo Phật căn cứ trên nghiệp lực và trình độ thiền định của chúng sinh mà chia vũ trụ ra làm 3 cõi: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Cõi Dục giới là nơi cư trú của chúng sinh còn mang nặng ái dục, chia làm 6 loài: địa ngục, quỷ đói, súc sinh, atula, người và trời Lục dục. Trời Lục dục là 6 tầng trời thuộc cõi Dục giới, trong đó trời Tứ đại thiên vương (Cāturmahārājakāyika-deva) và trời Đao-lợi (Trayastrimsa) được gọi là trời địa cư vì vẫn nằm trên núi Tu-di (Sumeru), còn 4 tầng trời kia thì nằm trong hư không nên được gọi là trời không cư.

41. Dualism.

42. Monotheism.

43. Sun Disc.

44. “Thần tạo vạn vật” là thuyết nhất nguyên, “thiện ác tuyệt đối” là pháp nhị phân.

45. Pantheism.

46. Kathenotheism.

47. Henotheism.

48. Atheism.

49. Các giáo hội tách ra khỏi Công giáo La Mã bắt đầu từ cuộc cải cách tôn giáo của Martin Luther được gọi bằng một tên chung là Tin Lành, Thệ Phản, Kháng Nghị, Kháng Cách, hay Tân giáo (để phân biệt với Cựu giáo là Công giáo La Mã). Tin Lành ngày nay được xem là một trong ba nhánh chính của Cơ Đốc giáo, cùng với Công giáo La Mã và Chính Thống giáo Đông phương.

50. Heathenism.

51. Tức tinh thần và vật chất.

52. Vì vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều do nhân duyên mà sinh diệt, biến hóa vô thường, nên tất cả đều là không, là giả, là hư huyễn, là tạm bợ. Phật giáo gọi bản chất này của thế giới hiện tượng là “duyên sinh tính không”.

53. Bát chánh đạo là con đường chân chánh có tám chi đưa đến an vui và giải thoát rốt ráo. Đây là một trong những giáo lý cơ bản nhất của đạo Phật. Chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về Bát chánh đạo trong chương X.

54. Bốn tướng sinh, trụ, dị, diệt là chỉ cho sự sinh ra, tồn tại, biến chuyển và hoại diệt của mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ.

55. Magic.

56. Law of similarity.

57. Law of symbolism.

58. Imitative magic.

59. Like causes like.

60. Like cures like.

61. Law of contact.

62. Law of contagion.

63. Contagious magic.

64. Bát tự là một hình thức bói toán được xây dựng trên cơ sở triết lý của Kinh Dịch với các thuyết can chi, âm dương, ngũ hành... “Bát tự” nghĩa là “tám chữ”, gồm có: can, chi của năm sinh, của tháng sinh, của ngày sinh và của giờ sinh.

65. Theo cuốn Lịch Sử Phong Tục Và Chế Độ Thời Hán của Cù Đoài Chi thì: “Thuật vu cổ đại khái là dùng gỗ trẩu làm thành hình người, lấy kim đâm vào, rồi đem chôn xuống đất, để nguyền rủa cho người nào đó chết”.

66. Taboo.

67. The Methodist Episcopal Church.

68. Tục săn đầu người giữa các bộ lạc người nguyên thủy phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có vùng Đông Nam Á. Ở Việt Nam, dấu vết của tập tục này xuất hiện đầy rẫy trên nhiều hiện vật của nền văn hóa Đông Sơn như: trống đồng, thạp đồng, rìu đồng, dao găm...

69. Vì trong tiếng Hoa chữ “cơm” (饭) đọc gần giống chữ “lật” (翻), chữ “thành phố” (城) đọc gần giống chữ “chìm” (沈).

70. Tại bữa Tiệc Ly, tức bữa ăn tối cuối cùng của Jesus trước khi chết, đã có 13 môn đồ cùng ngồi ăn với ông, một trong số này là Judas. Phúc Âm John kể rằng, Jesus đã hướng về phía các môn đồ và nói: “Không phải Ta đã chọn 12 người các con ư? Nhưng một trong số các con là quỷ”. Và chính chương 13 của Phúc Âm John sau đó đã kể về sự phản bội của Judas.

71. Divination.

72. Astrology.

73.Trung Quốc Đại Lục là tên gọi thường được dùng để phân biệt lục địa Trung Quốc với Đài Loan và một số đảo khác đang nằm dưới sự quản lý của Trung Hoa Dân Quốc (Bành Hồ, Kim Môn và Mã Tổ), cũng như hai đặc khu hành chính Hồng Kông và Ma Cao.

74. Prayer.

75. Lên đồng viết chữ là một hoạt động mê tín xuất xứ từ Đạo giáo, trong khi thực hiện, một người sẽ được chọn để thần linh gá vào, sau khi có thần gá vào thân, người đó sẽ viết ra một vài chữ nào đó để truyền đạt lại ý của thần.

76. Witchcraft.

77. Myth.

78. Thập Điện Diêm Quân còn gọi là Thập Điện Diêm Vương hay Thập Điện Diêm La, tức 10 ông vua ở cõi địa ngục. Diêm Vương vốn là thần Dạ-ma (Yama) trong thần thoại Veda của Ấn Độ. Tín ngưỡng Diêm Vương sau đó đã hòa trộn vào tín ngưỡng Phật giáo rồi được truyền sang Trung Quốc. Tại đây, nó kết hợp với tín ngưỡng của Đạo giáo, làm sản sinh ra thuyết Thập Điện Diêm Vương. Như vậy, tư tưởng về 10 ông vua ở cõi địa ngục là sản phẩm của Trung Quốc sau này, kinh điển nguyên thủy của Phật giáo chỉ có một vị Diêm Vương duy nhất.

79. Phương pháp phân loại này tham khảo từ các tác phẩm của Lâm Huệ Tường và Hastings, phần giải thích, thuyết minh là do tác giả tự biên soạn.

80. Sense of reality of absence.

81. Society for Psychical Research.

82. Parapsychology.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/01/2012(Xem: 6634)
Phật đã bỏ loài người…(1) Điệp khúc ấy lâu lâu lại thấy đâu đó trên những đoạn đường đi qua. Nó đếnvà đi như bao chuyện khác trong đời. Chuyện phiếm trong đời quá nhiều, đâu đángbận tâm. Cho đến cái ngày, nó được thổi vào trong thơ của một ai đó như một bài“Thiền ca”… Thiền tông, nói mây, nói cuội, nói chuyện nghịch đời… chẳng qua đối duyên khai ngộ, để phá cho được cái dòng vọng tưởng tương tục của người, hy vọng ngay đó người nhận ra “chân”...
07/01/2012(Xem: 6172)
Chúng ta hãy đừng lừa dối chính mình, điều này tưởng chừng như không khó khăn nhưng thật sự đó là điều khó nhất trong tất cả các trạng thái mà chúng ta có thể đạt được. Bằng cách "Không lừa dối chính mình", nghĩa là tôi muốn nói chúng ta hãy ngưng vẽ một bức tranh của thế giới ngày nay bằng những sai lầm với các màu sắc khoái lạc, vì tiện nghi và an toàn cho riêng mình. Chúng ta, toàn thế giới, phải đương đầu với sự sai lầm này, thật là tệ. Chúng ta phải thật sự lưu tâm đến hoàn cảnh của chúng ta đang sống. Chúng ta cần phải truy nguyên tận căn để của tất cả các mối nghi ngờ và hiểu lầm của mình, và chúng ta có thể bắt đầu như thế nào để loại trừ nó một cách tốt nhất. Và chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng, nếu chúng ta không thực hiện điều này, chúng ta phải đối đầu với các trở ngại đó.
07/01/2012(Xem: 7957)
Sángnay nắng vàng rực rỡ. Những tia nắng trong suốt xuyên qua các cành cây kẻ lánơi tinh xá Kỳ Viên. Trên các lối mòn, những con đường chung quanh khu vườn đượctươi hẳn lên, tỏa mùi thơm thoang thoảng, hương vị những bước SakyAmuniBuddha248chân thiền hành củaĐức Thế Tôn. ..Dù có ánh nắng vàng rực rỡ hay không, sắc diện của Đức Thế Tôn vẫn như vầng trăng rằm. Đôi mắt dịu hiền từ bi tỏa rộng...
30/12/2011(Xem: 5752)
Trên đời này có hai thứ cao quý nhất đó là bảy thứ: vàng, bạc, ngọc lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não còn được gọi là thất bảo và phật pháp tăng. Các thứ cao quý ấy được xuất phát từ thế gian. Các loại ngọc và vàng bạc được có trong lòng đất với thời gian cả ngàn năm, tỷ năm do môi trường của đất tạo nên. Các thứ ngọc gọi là đá quý, còn vàng bạc gọi là kim loại quý.
14/12/2011(Xem: 8033)
Tư tưởng Lão Tử rất nhất quán nên dù chỉ viết hai bài về Lão Tử Đạo Đức Kinh nhưng trong đó cũng liên quan hầu như toàn bộ tinh hoa đạo lý của nhà Đạo Học vĩ đại này.
10/11/2011(Xem: 3257)
Đạo Phật không ca ngợi sự nghèo khổ, cũng như không phê phán sự giàu có. Bởi vì, giàu nghèo chỉ là phương tiện, chứ không phải là cứu cánh. Cứu cánh là sự an lạc thật sự của thân tâm, chỉ có thể đạt tới được bằng đạo đức và trí tuệ...
25/10/2011(Xem: 6667)
Thái độ của Phật giáo liên quan đến sự hòa điệu phi thường này như thế nào? Phật giáo có chấp nhận ý niệm có một Đấng Sáng Tạo toàn tri hay là một nguyên lý sáng tạo có khả năng điều chỉnh sự tiến triển của vũ trụ một cách tuyệt vời? Hay Phật giáo cho rằng sự hòa điệu chính xác và tuyệt vời của vũ trụ chẳng qua chỉ là một tình cờ may mắn? Vấn đề có hay không một Đấng Sáng Tạo?
10/08/2011(Xem: 3614)
Thuyết nhân quả của nhà Phật, nói đủ là nhân-duyên và quả là một triết lý mang tính khoa học, qui luật tự nhiên của vũ trụ, không mang tính chất hình thức của sự thưởng phạt từ một đấng quyền năng nào. Hiểu vậy, trong cuộc sống, chúng ta vui vẻ đón nhận những khổ đau bất thường xảy đến với mình như một kết quả do chính mình tạo nhân từ trước. Từ đó suy nghiệm ra, lý nhân quả chi phối cả vũ trụ nhân sinh. Nếu tin sâu nhân quả, chúng ta sẽ được thăng hoa trên đời sống tâm linh, trở nên hiền thiện đạo đức. Ngược lại, nếu không tin nhân quả, cuộc sống chúng ta trở nên liều lĩnh và càn bừa, bất chấp hậu quả.
01/08/2011(Xem: 12328)
Tâm Bồ đề là tâm rõ ràng sáng suốt, tâm bỏ mê quay về giác, là tâm bỏ tà quy chánh, là tâm phân biệt rõ việc thị phi, cũng chính là tâm không điên đảo, là chân tâm.
01/07/2011(Xem: 5735)
Có lẽ rất xứng đáng khi dùng một ít thời gian cố gắng tìm ra liệu cuộc sống có bất kỳ ý nghĩa nào hay không. Không phải cuộc sống mà người ta sống, bởi vì sự tồn tại hiện nay chẳng có ý nghĩa bao nhiêu.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567