Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tư tưởng hiện đại

29/03/201317:06(Xem: 10206)
Tư tưởng hiện đại


tu tuong hien dai
TƯ TƯỞNG HIỆN ĐẠI

Sài Gòn 1960


Bùi Giáng


Lời thưa I


Tư tưởng hiện đại hay (tâm hồn hiện đại) cũng không xa tư tưởng ngày xưa là mấy. Những triết gia từ thiên cổ đã mở rộng tâm thức bao quát mọi chân trời. Có người đã lặng thinh. Có người nói thật nhiều. Có người nói thật nhiều để cuối cùng lặng thinh. Có người lao vào hải hồ hoạt động để khỏi nói. Và ngày nay, bàn tới tư tưởng hiện đại có lẽ ta chỉ nên vẽ vài nét đơn sơ, gợi lại vài hình ảnh cũ. Hoặc "tóm tắt" trong một lời. Lời gì? Có lẽ là lời lặng câm. Hoặc làm một vạn bài thơ để nói mãi về một cái lá cỏ. Viết ba trăm trang để quanh quẩn với một bà Dilsey già ốm, một cô Caddy chửa hoang, một thằng Benjy loạn óc (Faulkner). Hoặc suốt một đời dọ dẫm lang thang đem cái học công truyền ra phơi bày cương thường trật tự để cuối cùng chối bỏ cả bao nhiêu môn đệ trung thành mà hài hòa với Tăng Điểm "mùa xuân rủ con trẻ tắm mát sông Nghi, hóng gió nền Vũ vu, rồi hát mà về". Dựng một hệ thống tư tưởng để chối bỏ hết mọi thứ hệ thống, đem hết tấm tinh-thành-thiết-tha-xây-dựng ra để đạp đổ hết mọi thứ trật tự của hiền thánh, để làm táng đởm kẻ hương nguyện lưa thưa. Mắng chửi tơi bời bọn triết gia để cuối cùng qùy xuống ôm đầu con ngựa kéo xe mà hôn (Nietzsche). Dùng phép trùng -ngôn ngụ-ngôn chi-ngôn để tha hồ nói tưới nói tóe chuyện đầu Ngô đuôi Sở. Đem mộng sự làm chân thân, đem ảo huyền làm chân lý, như Julien Green, André Breton, Nervak, Poe, Chagall, Trang Tử.v.v...

Lãnh cái giải Nobel xong bảo rằng: "Tất cả văn nghiệp của tôi không có ý nghĩa bằng nửa cái lỗ chân lông của đàn bà." (Camus). Được thế giới coi mình là nhà khoa học lớn nhất của thế kỷ, mà vẫn một hai tuyên bố : "Tôi muốn làm một đứa bé bán bánh mì." (Einstein). Bỏ những buổi nghị hội về khoa học để mang vĩ cầm đi chèo ghe và hò khoan với con vợ. Được thiên hạ cho mình là thi nhân huyền diệu nhất của nước Pháp mà cứ nguyện cầu mai sau được theo chân bầy lừa về Cực Lạc (Jammes). Làm một ông già biết mai mình chết, trái đất ra tro, chiều nay vẫn ngồi nghe gió thu reo thùy dương mấy bờ, chăm chỉ vun gốc cây chanh cây khế. Đem tập trung binh đội Hy Lạp đi tàn phá một đô thành làm tàn rụng một nền văn minh, nguyên do chỉ vì một mảnh xiêm hồng của Hélène. Đem hai vị đại tướng ra sừng sộ nhau vì dung nhan một nàng Briséis. Đem một vị anh hùng nửa đời ngang dọc đến quỳ dưới chân một cô gái 16 tuổi để van xin: "Hỡi nàng Nausicaa, vận mệnh đời tôi , do nàng định liệu". Đem hết tinh hoa tư tưởng của Siêu Thực, Lập Thể, Lập Hình, Lập Khối của nghệ-thuật-hôm- nay-hôm- qua- hôm-sau-hôm-trước, về phụng hiến cho Bella, cho Elsa, cho Lou, cho Nush, cho Marie Laurencin, cho Kiều, cho Thúy, cho Phụng, cho Khâm, cho Kim, cho Cương, cho Phương Hà, Lưu Hải... Đem hoang phí, tiêu xài bao đô thành, đô thị trong những cái hôn. Bị tử thương giữa chiến địa còn kêu gọi ba quân mang chở mình về bên Nàng để ôm chân và gối nàng mà gục đầu vào nức nở hôn, hôn: "Ôi! ngàn thu em Cléopâtre...."

Thế là cả nhân sinh quan, vũ trụ quan cùng thành hình nơi một mảnh hồng quần "Làm gương cho khách anh tài soi chung". "Anh ngó lên trời mây gió rủ nhau bay... Trời bên kia, nhan sắc ở bên này..."

Vậy là thế quân bình được thiết lập giữa nhân sinh phù du và trường-tồn-vũ-trụ-vĩnh-viễn-hư-vô.

"Hồn rêu cỏ bên thành xưa bám dựa

nghe một lần vĩnh viễn gặp hư không"


Lời thưa II

(Tư Tưởng Hiện Đại - Saigon 1960)


Nên trình bày tư tưởng văn học triết học Âu Tây theo đường lối nào để bạn trẻ nước nhà dễ lĩnh h ội? Đó là một câu hỏi xui ta tư lự nhiều.

Biên khảo, phê bình có mấy phương pháp? Phương pháp phải linh động như thế nào ? Đó cũng là những câu hỏi xui ta lo ngại.

Thiết tưởng dù theo phương pháp nào, người phê bình cũng đừng quên vài nguyên tắc: Mở rộng những viễn tượng, thúc giục suy tư, tránh lối sát phạt bất công, tránh lối tổng hợp vu vơ, vội vã, hoặc nông nổi ôm đồm. Thà tạm gát lại những khía cạnh chi li để có thể đi sâu vào một vài điểm cốt yếu còn hơn là chạy lung tung ở nhiều ngõ ngách để rồi không đi tới đâu cả.

Tập sách này còn có một chút tham vọng nữa: Biến chế ngôn ngữ Việt, thử xem nó có đủ khả năng phô diễn tư tưởng Âu Tây. Qua nhũng nét tiểu dị ta có nhận thấy vẻ đại đồng giữa những tiếng nói nhân gian?

Chúng tôi trích dẫn nguyên văn nhiều, ấy là để bạn đọc tiện bề đối chiếu, suy tư. Bạn đọc khỏi phải mất nhiều thì giờ lần giở quá nhiều trang sách ngoại ngữ.

Chúng tôi trích dẫn nguyên văn cũng là để giúp các bạn trẻ nước nhà làm quen với một số ngôn từ bất hủ của các nhà tư tưởng Tây phương đã biểu chứng cho tâm tình thế kỷ.

Và luôn luôn chúng tôi cố gắng đưa thi ca Việt vào trong giòng biện luận. Tại sao có sự lạ? Bạn đọc sẽ tự mình giải đáp câu hỏi đó... "Mai sau dù có bao giờ..."

Còn bây giờ? Điều cần xác định ngay bây giờ là: nếu thỉnh thoảng thơ văn của Huy Cận, Xuân Diệu xuất hiện giữa những trang giấy này, thì đó là thơ văn của họ thuở xa xưa, thuở họ còn hồn nhiên đi vào cuộc sống với tâm tư cởi mở, tự do. Ngày nay, họ đã cam lòng vùi chôn những kỷ niệm. Nhưng tiếng thơ của họ vẫn còn kia. Nó hòa vào trong tiếng nói muôn năm của con người khát vọng mộng tình vĩnh viễn. Tiếng thơ của họ ngày trước, đường lối tư tưởng của họ ngày nay, có phơi rõ một sự gãy đổ , phân lìa u uất? Đó là điều đáng cho ta suy nghĩ. Sau khi cùng nhau chạy quanh một vòng chân trời tư tưởng Âu Tây, ta trở về với mảnh đất của sinh tồn hiện hữu trong cảnh huống riêng của nước nhà, thì những hình ảnh não nùng kia quả có nói lên "tiếng đoạn trường " của thảm kịch thời đại.



Bài Tựa Thứ Nhất

(Martin Heidegger và Tư Tưởng Hiện Đại)

Saigon 1963

Thanh minh trong tiết tháng ba

Lễ là Tảo Mộ hội là Đạp Thanh.


Trong văn học cổ kim không có vần thơ nào mênh mông như hai câu thơ đơn giản lơ mơ đó của Nguyễn Du. Nếu chịu nghe rõ lời và tiếng của thơ, thì ta phải nhìn nhận rằng hai câu lục bát Việt Nam kia quả là mạch nước ngầm chảy suốt cả cõi bờ triết học Heidegger là triết học bao quát hết tư tưởng hiện đại, triết học thâm thúy nhất của loài người từ khi người mở mắt ngó hương màu thiên nhiên và hoang mang vào hội, vào lễ.

Hai câu thơ bình thản đi tới, bao phủ mọi câu hỏi về tồn thể và thời gian (Sein und Zeit) về hư vô và vĩnh viễn, về trì ngự hé phơi trong cỏ hoa trường mộng.

Nhưng cố nhiên, bạn đọc phải bỏ thì giờ đọc Heidegger trong vài ba tháng hoặc suốt đời mình thì khi trở lại với Nguyễn Du, mới không còn ngộ nhận tiếng tân thanh hiu hắt rạc rời.

Đêm thâu khắc vợi canh tàn

Gió cây trút lá trăng ngàn ngậm guơng.

Mảnh trăng ngàn ngậm gương giữa gió cây trút lá là gì, nếu không là hình ảnh chơi vơi của tồn hữu giữa cuồng loạn hoạt sinh trong thời khắc vợi tàn, rụng đổ đêm tăm, vĩnh viễn rơi vào hang thẩm hư vô để hiện lại nguyên hình trong tâm thức con người - con người làm mục tử nuôi dưỡng tồn hữu trong xoang điệu long lanh?

Cỏ non xanh rợn chân trời

Một gian nước biếc chia đôi mây vàng.


Mọi lời nói của Nguyễn Du đều chứa đủ dư vang siêu hình của một niềm hoài vọng. Kể làm sao xiết? Suốt một đời, Heidegger sẽ tư lự chạy vòng quanh một viễn tượng của thi sĩ , dù tên tuổi là Tố Như hay Sophocle, NietZsche hay Hoelderlin, Parménide hay Nguyễn hoặc... hoặc Chu. v.v...

Từ nhận định căn bản đó mà đi, ta sẽ thấy cái lý do tồn tại của những trang "mông lung" của tập sách này. Và sẽ vui lòng gạt bỏ những Sartre, Jean Wahl ra ngoài vòng suy niệm - mặc dầu thừa biết rằng sự có mặt của Sartre trong thời buổi này là hết sức cần thiết.

Rồi có lúc như bây giờ lần nữa

Một bài ca sẽ chuyển điệu khôn hàn

Lời gay cấn đầu thai trong Vó Ngựa

Hồn hóa sinh về Núi Đá Mưa Ngàn.



Bài tựa thứ hai

(Martin Heidegger và Tư Tưởng Hiện Đại)

Sài Gòn 1963



Ta đã hái nhành hoa kia của Đá

Và đã trao cho Nham Thạch Phiêu Bồng


Có người sẽ ngạc nhiên hỏi tại sao trong tập sách bàn chuyện triết học tư tưởng, lại có hình ảnh những người con gái. Tại sao đặt Thúy Kiều, Thúy Phụng, Kim Cương bên Camus, Heidegger? Tại sao đẩy Dương Quý Phi lại gần Nausicca? Tại sao để Ariane, Diane, Nausicaa, Juliet, Desdemona về bên Khổng Tử, Nguyễn Du?

Và mọi người đều nhìn nhận: vừa ngạc nhiên nêu câu hỏi xong, là vừa chợt tìm ra lời đáp. Những tượng số thiên nhiên, những tượng số tồn thể phải nằm tròn ở giữa lòng triết học hôm nay. Đó là việc dĩ nhiên vậy. Những Thần Thoại Hy Lạp phải trở về bủa rộng chiêm bao để thiết lập mộng luân lưu giữa thời gian bay múa. Cuộc tồn hoạt của sinh tồn được tiếp xúc trở lại với hương màu vạn cổ chịu sự trì ngự của cái thiên nhiên Phusis mở phơi để tồn tại triền miên trong bốn mùa tuyết sương rụng đổ.

Phải nhận định như vậy thì mới rõ cỗi nguồn trường mộng của một triết học như triết học Heidegger. Và những truyền thống triết học Hy Lạp, Á Đông mới khỏi bị chặt đứt. Và Racine, Shakespeare, Faulkner,Camus, mới có thể mở lại cuộc hội thoại với Sophocle, Euripide, Parménide, Homère... Và từ đó, người nghệ sĩ trong kỷ nguyên này mới mong ngăn ngừa được thế giới khỏi tan vỡ như mưa trong thời gian ma nghiệt.

Thời gian của thời đại cơ giới là thời gian của những gã Jason (xem Faulkner - The Sould and The Fury). Thời gian của cái Phusis xuân xanh phải là thời gian của nhữn g bà da đen Dilsey già yếu mà nhẫn nại vô song. Và âm vang của Logos phải là tiếng nói của những nàng Caddy. Ta sẽ không còn ngạc nhiên nữa nếu xưa kia Lão Tử, Khổng Tử đã gần gũi trẻ thơ. Nếu xưa kia Jésus đã khởi sự tiết lộ chân lý của Đạo với nàng Samaritaine. Jésus đã ghê sợ bọn người Pharisiens. Khổng Tử chối bỏ nhà nho hương nguyện. Nguyễn Du, Euripide đã nhờ cậy những Thúy Kiều, Hélène làm môi giới cho mình để bày tỏ những chân lý với nhân gian.

Nhưng cố nhiên học giả hư ngụy ngàn năm vẫn lập lờ xuyên tạc. Vô tình hay hữu ý, họ đã bắt tay với người duy vật máy móc để giết hại những Einstein, Faulkner, Camus, Hoelderlin... Chúng ta phải thu hết can đảm lại mới dám thực hiện cái "bước nhảy" đau xót của Heidegger để trở về nguồn cũ. Khoa học, Triết học, Thi ca cùng phơi mở ngọn ngành trong một bầu Sương Xanh của bình minh nhân loại, đúng như trong viễn tượng Simone Weil, Faulkner, Whitehead, Schweitzer...

Những người làm văn nghệ, hoặc không làm văn nghệ, nhưng có dở sống dở chết trong bi kịch thời đại, đều nghe rõ tiếng kêu của Weil., của Einstein. Khoa học giết người, triết học giết người. Khoa học giết người, ta nhìn thấy rõ. Triết học giết người, ta nhìn không thấy rõ. Và ít ai hiểu rằng sở dĩ khoa học giết được nhiều con người đến thế là chính bởi triết học khốn nạn đã dọn đường, chính triết học hư tà đã phạm tội trước tiên. Khoa học thơ ngây được phép không ngờ. Khoa học đã hồn nhiên gây bóng tối. Nhưng cái ghê tởm nhất là cái bóng tối từ ở giữa lòng triết học tỏa ra. Nietzsche đã chịu một mình mang tủi nhục để gào to. Cái kẻ dịu dàng như hươu non đành chịu bóp chết lòng mình để rống to như thú dữ. Nhưng lập tức lời nguyền rủa từ bốn phía vang lên. Và Nietzsche đã điên. Trước Nietzsche mấy chục năm, Hoelderlin cũng đã điên. Cùng với bao kẻ khác đã điên. Để ngày nay... Để ngày nay chúng ta tụ hội về đây, xôn xao nêu câu hỏi: cớ sao mà điên? Nêu một cách rất thơ ngây tròn trĩnh. Nghĩa là hai lần thế giới binh đao vẫn chưa cho ta một nửa bài học. Ta vẫn hồn nhiên bước chân vào trường học để mài miệt học triết học, khoa học, trộn với chút ít thi ca. Nhận rõ cái hiểm họa ấy, Schweitzer đã đưa hai tay nắm lấy khoa học. Heidegger đã chín móng bấu lấy triết học, để gột rửa chúng khỏi những bùa ngãi điêu linh.

Suốt hai mươi mấy thế kỷ, các ngài triết gia học giả Âu Tây đã gây điên đảo cho triết học như thế nào? Và từ một vài thế kỷ nay, tại sao khoa học đã gieo rắc đau thương nhiều đến thế? Phải nêu câu hỏi đó lên ta mới thấy rõ vì sao Einstein một mực đòi đi bán bánh mì, Heidegger cùng với Nietzsche, một mực đòi chôn vùi hay đập vỡ nền triết học từ Aristote về sau.

Từ đó mà đi các bạn không còn chỉ trích chúng tôi sao lại cố tâm cố ý đưa những hình ảnh thiên nhiên - và gọi chúng là những tượng số - về ở giữa triết học hoạt tồn - triết học tồn lưu tồn thể...

Đã là ngưòi Việt Nam, thì chẳng lẽ lại viết triết học bằng chữ. Phải viết bằng lời. Mà lời của biển dâu không phải là lời văn xuôi. Phải là lời thơ "tái tân thanh" tái tạo. Văn xuôi cũng phải buộc là thơ. Và mở cửa cho thơ rúc vào nằm trong một vòm tròn trịa méo mó ôm nhau...

Đã là con người quay chong chóng trên quả địa cầu tròn, có một ai không cảm thấy mình là lá cỏ lá rêu mù sương lá lách, lau cồn lìa kim đứt cải. Vậy phải biết nhắm hai con mắt lại để làm một cái dây leo như Tố Như leo khắp mình mẩy Hoa Thi Đường Thi không chừa một chỗ. Ông Chúa Đạo Văn Cướp Điệu là thiên tài bất tuyệt nhân gian càn khôn phơi mở một vùng vĩnh viễn trong hố hư vô .

Đạo văn theo lối thiên tài là chịu mù lòa để sáng suốt, chịu vô hạn cuồng si điên loạn để thanh thản vô song hắt hiu điêu đứng để mà suy tư độc đáo ở trong vòng cái Một duy nhất Của Chung còn ghi đó vậy lai rai gọi một chút này... Thi hào Hy Lạp Trung Hoa ngàn xưa đã nhìn một viễn tượng. Trái đất quay đêm ngày cũng luân lưu trong một viễn tượng. Và những điên đảo thời đại binh đao này nguyên do là bởi chúng ta quên nhìn một viễn tượng, lại cứ nằng nặc đòi dòm. Dòm hết cái đồ nọ đến cái đồ kia, trong lúc cái đồ này chịu nằm trơ một cõi không kẻ "giao tình tại" vì lạc nẻo "chính khí đồng". Đó là biểu trưng cho sự gãy đổ chia lìa giữa vật thể hiện hoạt và vĩnh tồn của tồn thể tồn lưu. Triết học Heidegger là tất cả triết học hôm nay hôm sau hôm trước đã từ vạn đại chết héo bao phen. Nhưng? - Biển dâu sực tỉnh giang hà, còn sơ nguyên mộng sau t à áo xanh...

Những người như Nguyễn Du , Tản Đà, Trang Tử, Nietzsche, Einstein, Faulker, Heidgger, vốn không phải là những kẻ kiêu căng vô lối nhưng họ bị bó buộc phải to tiếng " chém cha cái số, nghĩ đời mà ngán. Trông ra núi lớn sông dài, ngó quanh lại chỉ một mình là ta", ấy bởi vì nếu không làm như vậy thì sớm chầy mọi người sẽ chết bởi bàn tay kẻ hương nguyện., kẻ duy lý máy móc, kẻ lập lờ lập lững để dễ bề vu cáo, kẻ tẩm nhuận chi trấm, những kẻ tên là Iago đã đẩy những Desdemona, Othello vào chỗ chết. Thà giận thì la mắng thẳng người ta, người ta còn có thể đáp được một lời.

Mọi cảnh huống bi thảm hiện thời hầu như triệt để không cho phép chúng ta bàn tới Heidegger đúng như sầu xanh đất đỏ đòi hỏi. Ta đành bó tay lắc đầu dang dở. Vùng nắm một vài nguyên tắc cổ sơ trong truyền thống triết học Đông Phương và dấn thân vào cuộc. Sử dụng chi ngôn, ngụ ngôn, trùng ngôn, phản ngữ hầu mong đạt tới cõi vô ngôn trong lời mà khép mở riêng chung năm canh sáu khắc tối mận sớm đào.

Đoạn trường là sổ thế nào

Bài ra thế ấy vịnh vào thế kia


Từ lời nói kinh dị đó của hồng nhan đứng trước hố thẳm sinh hoạt hắt hiu sương tồn thể giữa muôn vàn trùng vây, chúng ta mong sẽ đủ can đảm lên đường. Sẽ không ngần ngại trước những bờ tường bóng tối. Tin chắc rằng nếu nắm giữ được những dư vang siêu hình loạn bời kỳ bí của lời thơ thiên tài Á Đông, nếu chịu vượt qua những lỗi lầm đồ sộ của học giả Việt đối với Ngưyễn Du, thì mọi cửa ngõ triết học xa xôi xa lạ sẽ dần dà được mở rộng. Con người sẽ thiết lập lại một "ngôi nhà" để đón bóng sầu tồn thể hồn du mục cỏ hoa. Và một ngàn người như Sartre, Jean Wahl sẽ không đủ sức tấn công Heidegger. Nửa trang sách Heidegger thừa sức đẩy ngàn vạn trang của Sartre của Wahl vào rác bụi. Và đủ sức đặt lại vấn đề vận mệnh loài người trong những viễn tượng sơ khai.

Lời tựa mong khơi dẫn được mạch nguồn thâm áo của triết học Heidegger thiết lập trên một vài từ ngữ cốt yếu Ek-sistence, Berger de l'Être, Dasein. Những trang sau sẽ hướng nhiều về công truyền hơn là tâm hội. Không phải tác giả lùi bước trước việc khó khăn. Nhưng nghĩ rằng: phần tâm hội phải được chiêm niệm theo điệu tâm hội. Vài giòng lơ lửng của Mưa Nguồn đã bóng bẩy làm việc đó theo nhịp võ vàng cổ độ Á Đông.

Dasein - danh từ trụ cốt trong tư tưởng Heidegger - Dasein có thể dịch như thế nào? Gabriel Marcel sau vài tuần hội đàm với Heidegger, đành than thở: Dasein không cách gì dịch ra Pháp ngữ. Xưa kia, Henry Corbin đã dịch là Réalité-humaine. Sau này các triết gia Pháp sẽ còn dịch là L'ẻtre-le-là.

Dịch theo lối sau tương đối hơn cách trước, vì sao? Xin tạm gác lời đáp lại. Lời đáp sẽ hiện ra dần dần sau này. Bây giờ ta thử dịch Dasein sang Việt ngữ. Dịch là Tại thể được chăng? Lần thứ hai xin tạm bỏ lửng lời đáp vậy. Tại thể là thực tại người? Tại thể là cái thể đứng ra để đón mời tồn thể. Nếu không có thực tại người tại thể thì tồn thể sẽ thỉên thu mất ý nghĩa, sẽ chỉ còn là lù lù vật thể lai rai.

Con người suy tư, con người biểu lộ, con người là tại thể đứng ra để làm băng nhân cho một cuộc tương giao. Tương giao giữa tồn thể và tinh anh con mắt của con người. Tố Như đã thành tựu việc đó. Tồn thể đã đi về với tấm lòng kẻ tài hoa và đã nằm tròn trịa trong lời lời người phong nhã. Die Sprache ist das Haus des Seins. Le langage est la maison de L'Être. Ngôn ngữ là ngôi nhà của tồn thể. Đoạn trường tân thanh là nơi cư trú của "hồng nhan". Từ đó mảnh xiêm hồng phong nhụy, bướm ong sẽ vù vù tứ vi vấn vít. Cố nghi chư lão chung tình biến danh tính ư quần biên tụ giốc... Các ngài thi sĩ lũ lượt đi về vỗ ngực tự xưng mình là thiên tài để gùn ghè gắn bó bảo vệ cái tồn thể ôi yêu dấu xanh xao muôn vàn đợi mong vò võ. Băm sáu cung náo nức mưa xuân... Tây Nam gió bão loạn bùng...

Tất cả vấn đề là: làm thế nào để cho xoang điệu hào hoa đừng bị đánh chìm bởi luận lý cò ke đo đếm, bớt một thêm hai. Từ bao nhiêu thế kỷ tư tưởng của tinh anh đã hao mòn trong vòng vây của luận lý. Người ta đo tư tưởng theo những tiêu chuẩn lệch lạc. Buộc cá phải bò trên bãi cát? Buộc chim phải lội dưới dòng sông? Rồi bảo rằng cá chim sao mà bê bối vậy? Cá chim thiếu khả năng bò leo bơi lội?...

Luận lý học là tạo phẩm lai rai của nhà trường, của học giả. Triết nhân nếu có sử dụng luận lý học thì bao giờ cũng sử dụng với những hậu ý, coi luận lý học chỉ như một phương cách tạm thời giúp ta đạt một Cái gì khác lung linh hơn. Không quá tôn sùng luận lý như những kẻ nông nổi đem luận lý cứng đờ ra để tàn phá cái gì khác vốn là cái cốt yếu, cái cứu cánh phải đạt. Cái gì khác ấy là cái chi? Ấy là cái đạo Không-Lời của Khổng Lão Phật... Tố Như, của mọi thánh nhân vậy.

Sự lầm lẫn tai hại của các triết gia học giả đã tàn phá triết học văn học thi ca suốt bao nhiêu thế kỷ, và dẫn con người thời đại này tới đầu hàng cơ giới duy lý duy vật một cách nhục nhã. Động hoạt che lấp tồn lưu, xa lìa tồn thể. Con người lao đầu vào kinh doanh náo động và quên mất rằng mình phải nằm im như cổ độ mong chờ làn phi tuyền sóng biếc của vạn đại băng qua. Hỡi Dasein! Ngươi nỡ nào quên mãi!

Tại thể hay Dasein là lời trong ý đó.

Tập sách chỉ ước mong có hạn. Sợi chỉ Ariane chưa phải là tất cả. Thésée phải tự mình đọ mặt với Minotaure ở Mê Cung Thần Thoại là mê cung thế sự biển dâu và mê cung ở ngay giữa ruột rà của mỗi người mỗi kẻ làm văn nghệ trong bầu khí đảo điên.

Chế ngự được Minotaurethì sẽ lấy Ariane làm vợ. Nghĩa là gặp Heidegger - linh hồn trường cửu giữa bờ cõi vô thường.



Bài Tựa nhân kỳ tái bản

(Tư Tưởng Hiện Đại, Sài Gòn 12/74)

Tại trung tâm cơn lốc, có trì ngự cuộc tịch nhiên? Nói cách khác: Trái tim của Cuồng Phong là Tuyết Đậu...

Cũng có thể nói: Thu Sương tịch mịch nằm ở giữa lòng Mùa hạ bão giông. Ấy có nghĩa là: tại trung tâm Bão giông hư vô chủ nghĩa, có trì ngự Thu thiên sương bóng hằng thể lưu tồn (hoặc nói: tồn thể hằng lưu liên miên trì ngự ư hư vô sa mạc đích trung tâm).

Sự huống ấy có nghĩa là gì, sau khi cùng với Heidegger quanh quất đi vào những ngả ba lâm đạo suốt nửa thế kỷ, hoặc một thế kỷ rưỡi, bất thình lình người ta bỗng thấy Sự tình kia thị hiện là:

"Xuân Thu trang điểm tình hình

Nghe đâu tình trạng nhớ tình huống xưa..."

(Thiên Thu mở gió hai hàng

Mở trang mỏnh mảnh con đàng thiên di

Bước chân chớ vội vã gì

Xuân là trì ngự trên kỳ mộng rơi

Con chim mang lá về trời

Rừng ong đổ mật lại đời nhân gian

Tôi về mây gió trong thân

Tìm xuân tình thể chịu phân ly rồi

Đầu khe núi ngủ yên đồi

Liễu ru thành tượng trong lời ra đi)

(Đầu khe

Lá cỏ phai rồi

Đá vang tiếng ngựa

Bên đèo đầu thai).


Thành thử sau muời hai năm ngổn ngang sự tình đi về trong sự huống, bỗng nhiên tồn thể sự hằng chợt nhiên chuyển động quy lai cho Phục Hồi đi về Les Chimères trong Sự trạng: Tân An tái bản lịch trình. Thơ có thể nói lên điều đó như sau:

" Di Thần (Hamlet)

Lá cỏ Ngu Cơ (Cléopãtre)

Nguyên triều tịch mịch ngọn cờ bổ sung

Hoàng hôn cơn mộng tháp tùng

Từng vô duyên gọi bóng nùng diễm qua".


Was ist Metaphysik nói lên điều đó như sau: (...)Ấy có lẽ cũng không ngoài lời thơ: "Đường ra thiên cổ mười sông" "Vượt đêm bất nhị lên cành hư vô"(Nam Chữ - Hư Vô Ca).

Une Saison en Enfer thì bảo (...)

Và Caligula của Sa mạc mùa hè cũng đi về phảng phất nói thêm (...)

Nhưng còn Les Chimères? Les Chimères Nervaliannes (Gerardiennes) thì lại cắc cớ bảo rằng:

"Ngăn chia ngã rú hang hầm

Bên Hùm rống ngục bên gầm tù Beo".


Hùm Rống Ngục có thể là Whitman, hoặc Poe hoặc Keats... Gầm Tù Beo có thể là Nietzsche-Whitman-Rimbaud-Poe-Dickinson-Emily-Marilyn-Brigitte-Bùi...)

(Ngã rú hang hầm có thể là là?). Nhưng vì sao ngăn chia? Ngăn chia có nghĩa là gì? Nhưng vì sao ở phía sau Sương bóng ngăn chia vẫn cứ thấy liên miên trì ngự Bóng sương quy lai về quy hợp cứ như âm thầm thấp thoáng như dường?

(Dường như trên nóc bên thềm

Tiếng kiều diễm giây bóng xiêm mơ màng...)


Ấy có thể là. Ấy cũng có thể là là. Vẫn cứ vĩnh viễn tồn lưu mãi mãi là là: Sơ Nguyên - Logos - Phơi mở - Phusis - Song trùng - Aléthéia - Giữa hai vành mù sa - Moira - Sương bóng. Ấy là bờ cõi của Hàng cây sơ thủy đi về cho lá hoa cồn mùi hương rớt hột MoZart - Beethovennien.

Mưa nguồn bảo:

Xa biệt lắm

Mưa nguồn trên mái tóc

Đã mấy lần thổi lạc lệ lưa thưa

Buổi sớm hôm buồn tinh tú ai ngừa

Bàn chân bước với tay buông kể lể

(Giã Từ Đà Lạt)


Sa mạc phát tiết càng gay cấn chịu chơi nối đuôi xúm xít nói thêm rằng Ấy là Lễ Hội Cho Tháng Ba:

"Thì có lẽ bây giờ như lần nữa

Một bài ca sẽ chuyển điệu khôn hàn

Lời gay cấn đâù thai trong vó ngựa

Hồn hóa sinh về núi đá mưa ngàn".

Do đó? Do đó có câu:

"Hồng tham dự Lục tô bồi một đi đứng ngóng một ngồi nghe ra

Tiền trình vạn lý đầu hoa

Ngờ đâu cuối tuyết còn xa vô cùng".

Thế thì? Thế thì thì? Thế thì từ đó thể và thì càng có thể dịch di thiên (thiên di vi dịch) sang thì và thể. Từ đó Bài Ca Quần Đảo nối đuôi nói tiếp tục gọi là:

Các em đầu đội vai mang

Tiếng kêu rào rạt Mùa lan sang mùa

Anh đi cây bút vẽ Bùa

Chào em như mộng mị thừa thãi Dâng"

(Ngẫu Nhĩ Bên Đường)

Cũng chính vì chỗ đó, chỗ của cái chốn nơi "thừa thãi dâng" kia của "ư ngu tâm tạ tri thời nhạn ôn trụ sơn hình quải ốc u" - mà kỳ Tái Bản này, Tư Tưởng Hiện Đại ngẫu nhiên được trùng hiện giang hồ trong thể lệ thù thắng tân an của tịch nhiên hồi phục.

Tác giả xin đa tạ. Hy hữu hưu hỹ.

Độc giả nguyên lượng nguyên lượng... để có cơ duyên quy thuộc vào định mệnh sử xanh tồn lưu ư Thế Dạ. Hữu hỹ Hỷ Hưu... Hỷ Hưu? Sao thế? Hoan hỷ Hy Hưu? Ấy bởi vì hẳn nhiên là Cơ Duyên Hy Hữu vốn luống đã đi về với Độc Giả một phen nào tịch mịch quả thật Hy Hữu Ngẫu Nhiên...


Tựa Mùi Hương Xuân Sắc

(Sài Gòn 1973) An Tiêm tái bản, 1990

"Les hommes sont si nécessaairement fous, que ce serait être fou par un autre tour de folie, de n'être pas fou."

(Người ta vốn điên, điên một cách thiết yếu đến nỗi không điên cũng là điên theo một lối khác.)

Ấy là lời của? Của một kẻ Tư Tưởng Âu Châu thế kỷ 17 (mà Heidegger có nói tới trong Sao Gọi Là Suy Tư). Kẻ gay cấn chịu chơi trong triết học, kẻ gây kinh hoàng thán phục cho mọi nhà khoa học những thế kỷ sau - mặc dù cái tên của y quả nhiên là rất tếu (Pascal) cà gật ba gai.

"Xấp xỉ cùng thời với Descartes, Pascal khám phá ra cái lý tính của trái tim..." - (Của cái tâm vô lượng của uyên nguyên tư tưởng). Sao gọi là tư tưởng? - từ đó có nghĩa là: sao gọi là "trái tim vĩnh viễn" (Hoelderlin) của Vô Lượng Tâm? Là Nhị Vô Lượng Tâm? Hay là tứ ngũ thập vô lượng lý?

Sau nghìn thế kỷ của ba trăm năm điêu tàn sa mạc, con người Trí Thức Trưởng Giả Da Vàng vẫn điên cuồng nằm ngủ tại "trung tâm" trái bom nguyên tử, và vừa o bế o bồng "Nguyên Tử Tâm" vừa ò e nguyền rủa trái bom ly kỳ da trắng. Vừa thống thiết tự xưng " ta đông phương da vàng" vừa lém luốc dòm dỏ theo đuôi "em tây phương tiến bộ văn minh da trắng".

Quả nhiên ấy thật là là? Là điên theo lối gay cấn? Là cuồng dại theo thể lệ da vàng rạng rỡ Lục Hồng Tích tham lam? "Hồng tham Dự lục tô bồi?"

Không phải không phải không phải. Vì sao không phải? Bởi vì: "Les hommes sont fous, si nécessairement fou, que..." Điên cuồng thiết yếu bức bách đến nỗi? Đến nỗi: Vừa lém luốc dòm dỏ theo đuôi Em văn minh da trắng vừa ò e uốn éo ưởn ẹo la to lên rằng Em đìu hiu da trắng vong bản hơn Ta da vàng.

Sông dài biển rộng ngàn thu sau vẫn không sao gột rửa sạch cái chỗ quái dị lâm ly kia của khôn lường đông phương sa mạc. Nghìn vạn Cô Em Mọi Nhỏ đi tiểu trên Nấm Mồ Trung Niên cũng không thể nào vãn hồi được sự huống lém lốc nhà ma bên phương hướng bình minh hồng nhật. " Chắc chi thiên hạ đời nay, mà đem non nước làm rầy chiêm bao." (Nguyễn Trãi)

Đem non nước làm rầy giấc chiêm bao của hồng hoang mặt đất? Đáng vào đâu? Thiên hạ đời nay là gì? Có liên can đến thiên hạ đời nào? Mà chiêm bao là gì? Đem non nước làm rầy chiêm bao suốt bình sinh của hùng tâm thiên hạ? Sao gọi là thiên hạ? Thiên hạ là giữa bụi hồng. Sao gọi là bụi hồng? Là "Bụi hồng lẽo đẽo đi về chiêm bao" ? Khốn nạn khốn nạn! Chiêm bao bèo bọt bóng vang? Bóng vang của vang bóng? Vang bóng của mộng mị? Mộng mị của chiêm bao? Kết thúc của Vô Lượng Tâm Ba La Mật Bát Nhã? Ổ!

Sương biệt ly bất thình lình là Nguyệt Hồi Phục? Les Chimères là Adrienne Sylvie? Không phải không phải. Vì sao không phải? Bởi vì bởi vì bởi vì? Bởi vì toàn thể địa cầu đang lom lem hình thành mạt thế thể của Lịch sử Hương nguyện tương lai. Và mọi cuộc cuồng điên vô sở tòng lai diệc vô sở khứ, và mọi cuộc như lai calvaire bí mật xứ, và mọi trái bom hòn đạn trút lên đầu lên cổ da vàng da trắng da đen, vẫn không một mảy may nào giải thích được cái nghĩa lẽo đẽo chiêm bao cho bụi hồng đi về hồi phục.

Trong một đêm đông băng giá, Nerval đã thắt cổ hai lần cho tử sinh nhị tử. Nếu Marx NietZsche trùng sinh thế kỷ này, ắt các ngài sẽ thắt cổ ba lần ca vát thần thông cho "tâm sự di thần triều Lê được tử diệt thênh thanh trong da vàng tình tự" Tuy nhiên? Tuy nhiên một vạn lời nguyền rủa của sử xanh vẫn không thể nào đưa:

"Tiền trình vạn lý đầu hoa

Ngờ đâu cuối tuyết còn xa vô cùng"


(Tạm gọi đó là lối tiễn đưa cho bọn trí thức trưởng giả lên đường).

Người ta nhớ rằng đầu thế kỷ 19 Nguyễn Du Hoelderlin Beethoven cùng đi về trong mùa dự cảm thênh thang. Thênh thang vì ấy chẳng phải dự cảm rằng mình là những "di thần triều Lê nhớ nhung cựu chúa" mà ấy bởi dự cảm bi hùng kịch biển dâu của những thế kỷ sắp tới, và tại thể tự thân phải chịu cưu mang lấy nghiệp dĩ làm Trường Sở Trụ cho một cuộc t ranh chấp dị thường giữa những Thần đế đang đi vào quá khứ và những Thần Đế man mác tương lai. Gánh lấy cái nghiệp kia quả nhiên là nặng lắm. Và bao phen ngôn ngữ loài người đã đành chịu vỡ toang cung bậc vì sự yêu thỉnh khôn hàn của cuộc hình thành một Thần Đế Thể bất khả tư lường đối với đám đông quần chúng huynh đệ. Niềm cô độc mênh mông xâm chiếm trái tim một vài người của giống nòi dự cảm. Trước một hoàng hôn của sử lịch và sau một đêm dài bất tận của sử xanh, niềm dự cảm quy lai về một bình minh không tên tuổi. Và sự đó yêu sách liên miên những giông bão (nội tâm) song song với những chói chang gay gắt và những tà huy ngậm ngùi. Những vũ tuyết, những vân sương, xô ùa nhau gào kêu thị hiện và hình thành trong tinh thể khác.

"Bờ bến lạ lá cây rung cùng tột

Trận điêu tàn bào háo nhị giai nhân..."


Sau Nguyễn Du Hoelderlin một phần ba thế kỷ, những huyễn mộng (LesChimères) Nerval lại khiến cho những lá cây dự cảm bờ bến lạ rung lên tuyệt trù lần nữa. Không biết bao nhiêu trận điêu tàn bào háo từ đó đã xảy ra. Les Fleurs du Mal, Une Saison en Enfer, Zarathustra... Toàn nhiên là tinh hoa Tây Phương Hy Lạp Địa? Trừ Nguyễn Du, Đông Phương Trung Hoa Ấn Độ Thổ tuyệt nhiên không một linh hồn Thái Bình Dương nào cảm ứng nổi cái trận điêu tàn bào háo bờ bến lạ bên những lá cây cùng tột rung lên(...) Đông Phương đã tiếp tục ngủ vùi giữa những trầm thống thất thanh kia. Và lúc sực tỉnh ra thì chỉ biết thống thiết chạy theo đuôi một cái đuôi hút heo tan nát, vừa chạy theo đuôi vừa gào to lên rằng mình vớ chộp được một cái đầu thật bự.

Sự tình ấy tiếp diễn miên man quái gở cho đến khảm kha thay là sự huống đi về ở giữa thế kỷ hai mươi trong tình huống da vành xuân xanh sái dị...

Xuân thu trang điểm tình hình

Nghe đâu tình trạng nhớ tình huống xưa

Chạy quanh vườn cỏ năm sau

Chép câu tội lỗi từ bao nhiêu lần.

Những "vườn cỏ năm sau" đang lên đường đi về trong kết tập những "vẻ diễm kiều của mặt đất mẫu thân". Mặt đất đã rung lên bao phen não nùng trong đắm đuối, kể từ thuở ấy đến nay? Kể từ những mùa hạ sơ khai đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông? Kể từ những mùa sơ nguyên sơ thủy nách tường bông liễu bay sang láng giềng?

Không biết không biết. Vì kể từ bấy là kể ra bao. Kể ra bao là kể vào bấy. Bao bấy theo nghĩa: bao bấy chầy.

"Bấy chầy chưa tỏ âm hao

Hoặc là trong có làm sao chăng là?"

(Nguyễn Du)


Chính thế, sau bao nhiêu những bấy bao chầy bấy chăng là, cuộc cơn chưa tỏ âm hao kia vẫn tiếp tục lũ lượt đi về trong từng từng phen phen nối đuôi lả tả tứ điệp ngũ trùng của đảo tứ điên tam.

"Hoặc là trong có làm sao chăng là?"

Vấn cú được nêu ra trầm thống đơn sơ trong tịch mịch. Nhưng chưa một lần nào Đông Phương nghe ra lời chất vấn của là là, hoặc hoặc, chăng chăng, bấy bấy, chầy chầy, trong trong, có có...

Bấy chầy chưa tỏ âm hao

Hoặc là trong có làm sao chăng là?

Mà oái oăm sao là cái âm hao đi về trong bóng nhạn. Trong cánh hồng bay bổng. Trong cái ngoài song thỏ thẻ oanh vàng.

"Ngoài song thỏ thẻ oanh vàng

Nách tường bông liễu bay sang Láng Giềng"

Bay sang láng giềng để hình thành cận lập cái chi? Cái lãnh địa Mnémosyne của đầu thai ký ức?

Không biết không biết không biết

Vì sao không biết?

Vì tình hình tình huống tự tình của tình trạng hoàng hôn trong phố chợ chiều lâm ly trong tình duyên sa mạc?

Không hẳn không hẳn không hẳn.

Vì sao không hẳn?

Vì ấy bởi "Xuân thu trang điểm tình hình, nghe đâu tình trạng nhớ tình huống xưa..." Và do đó, mọi sự đã thênh thang đi vào trong bao dong Chiều Phố Chợ tham dự đầy dẫy những lục hồng.

"Một chiều phố chợ thênh thang

Chanh hồng quýt lục thu dàn loạn ly

Mắt xanh hình thể trụ trì..."


Trận trụ trì hình thể mắt xanh kia từ đó thoắt nhiên là ân lộc. Ân lộc của ân huệ từ bi nảy ra từ trận điêu tàn ban sơ ban sơ bóng nhạn của quy lai trầm luân trong hồi phục đắm chìm trong từng trận" di hồn tuyệt yến dã man oanh". Có thể là như thế đấy chăng? Là trận chào lưu ly giữa phù du phong vân hồi phục?

"Mắt xanh hình thể điêu tàn

Chào cô Gái Lạ cô càng lạ thêm "

Nguyễn Du đã chào cô Gái Lạ Triều Minh, Từ Hải đã chào cô Gái Lạ Lầu Xanh, Homère đã chào cô Gái Lạ Troyenne Nữ Vương Andromaque. Ulysse đã chào cô Gái Lạ Phéacienne, Công Chúa Nausiaca. Nerval đã chào cô Gái Lạ Thiên Thu Thánh Nữ Thấp Thoáng Adrienne Nghìn Thu Thuần Nhiên Sylvie Phơ Phất. Trung niên cũng còn có thể tha hồ chào mọi mọi Em Mọi Gái Lạ Brigitte Marilyn. Trên muôn ngàn tàn phế điêu linh của Mẫu Thân mặt đất, nghìn nghìn những Quốc sắc kết tập những Châu thổ lãnh địa diễm kiều. Để làm gì?

Để sau muôn vạn lầm than bụi hồng tro than lẽo đẽo, muôn nghìn thảo hoa dựng dây trên muôn nghìn tàn phế của tích lục tham hồng cho hồng tham dự lục tô bồi... và sau đó ? Sau đó chúng ta xúm xít đi về, lũ lượt nối đuôi nhau tràn lan nêu câu hỏi: cớ sao tham hồng tích lục? Cớ sao mà chào? Cớ sao mà sau trận điêu tàn bào háo nhị giai nhân, thì toàn thể những Nương Tử Sử Xanh bỗng nhiên bất thình lình quy lai về tinh hoa tuyệt trù quái dị lâm ly trong bước đi của Bà Hiệu Trưởng.

(Bà đi thể lệ bước ra

Tay khăn tay áo tà hoa thêu thùa

Bà về cỏ rậm giậu thưa

Đêm tàn cấm nguyệt chiều trưa lâm tuyền

Lá rừng kết tập oan khiên

Lãng quên dõng cảm muộn phiền hùng tâm

Người về sử lịch ca ngâm

Phù du phương cảo huyền cầm bảy giây

Đất về tình sử phôi thai

Nắng vàng đổ lục cuối ngày bà đi...)

"Un arc-en-ciel étrange entoure ce puits sombre"... (Một cầu vồng vân nghê dị thường bao quanh cái giếng u ám ấy)

"Entre un monde qui meurt et l'autre renaissant". (Giữa một thế giới đang chết và thế giới khác phục sinh)

"Sais-tu ce que tu fais, Puissance Originelle, De tes soleils éteints, l'autre se froissant..."

(Hỡi quyền uy nguyên thủy

Ngươi biết chăng ngươi làm gì

Về những vầng nhật chìm tắt của ngươi,

Những vầng nhật va chạm vào nhau

Liên miên như

Bardot triền miên dập vào bờ Brigitte)

(Như Sylvie cập bến Adrienne)

"Es-tu súr de transmettre une haleine immortelle

Entre un monde qui meurt et l'autre renaissant?"

(Ngươi có chắc tryền tiếp được một hơi thở thiên thu (bất diệt)Giữa một vũ trụ điêu tàn và một vũ trụ phục sinh?)

Kể từ câu hỏi đó.

"La terre a tressailli d'un souffle prophétique".

Và kể từ đó, Thần Tinh huệ mới gọi ta. Phượng hoàng, hoàng hạc, chim ó, chim bằng, đã bay qua đã đi vào quá vãng. Ta bước về thênh thang trong đôi cánh chuồn chuồn bé bỏng, man mác vô phương "cá sóng phiêu bồng", và...? Bước về và ra đi và trùng lai hồi phục như "ngàn năm ngậm bóng sương đồng"...

L' esprit nouveau m'appelle

J'ai revêtu puor lui

La robe de Cybèle..."

Sao thế sao thế sao thế?

(Ruộng đồng chưa thể đoán ra? Rằng trong ý bạn là ta lên đường?)

"Các em đầu đội vai mang

Tiếng kêu rào rạt mùa lan sang mùa

Anh đi cây bút vẽ bùa

Chào em như mộng mị thừa thãi dâng".


---o0o---


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/04/2013(Xem: 12820)
Quyển “Quan Niệm Triết Học Của Duy Thức” được dịch ra từ nơi Tác Phẩm “DUY THỨC SỬ QUAN DỮ KỲ TRIẾT HỌC” của tác giả Pháp Sư Pháp Phảng. Nội dung tác phẩm DUY THỨC SỬ QUAN DỮ KỲ TRIẾT HỌC” của Pháp sư Pháp Phảng sáng tác gồm có hai phần: phần sử học và phần triết học. “Duy Thức Sử Quan” thì thuộc về phần sử học và “Dữ Kỳ Triết Học” thì thuộc về phần triết học. Tôi tách hai phần này ra thành hai quyển sách riêng biệt với hai danh xưng khác nhau.
08/04/2013(Xem: 11291)
Nghiên cứu về triết học Ấn Độ, chúng ta thấy rằng, không phải vì sự nhận định hay công nhận của toàn thể học giả, duy chỉ là do dựa vào ý kiến của một số đông mà triết học Ấn Độ được chia làm 6 phái. Danh từ Sïadïarsùana là chỉ cho 6 phái triết học, tức 6 tư tưởng hệ của 6 triết thuyết được kể như sau: Pùrva-Mìmàmïsà (tiền Di Man Tác), Sàmïkhya (Số Luận), Yoga (Du Già), Vaisùesïika (Thắng Luận), Nyàya (Chánh Lý) và Vedànta (Phệ Đàn Đa).
08/04/2013(Xem: 3271)
Phật giáo (PG) là một thành tố quan trọng hỗn hợp các triết lý khác của tiểu lục địa Ấn Độ trong hơn một ngàn năm qua. Từ phần đầu khá lặng lẽ vài thế kỷ trước Tây lịch, nền học thuật PG gia tăng sức mạnh cho tới khi đạt đến đỉnh cao ảnh hưởng và tính chất độc đáo trong nửa sau thiên niên kỷ thứ nhất. Từ thế kỷ thứ mười một trở đi, PG dần dần suy thoái và cuối cùng biến mất ở miền Bắc Ấn Ðộ. Mỗi nhà tư tưởng chú trọng vào những đề tài khác nhau, nhưng khuynh hướng chung của đa số họ là trình bày một hệ thống triết lý nhất quán, bao gồm đạo đức học, tri thức học và siêu hình học. Phần lớn những đề tài mà các triết gia PG Ấn này viết là phát xuất trực tiếp từ những giáo lý được xem là của Sĩ-đạt-ta Cồ Ðàm
08/04/2013(Xem: 3305)
Khi Phật giáo (PG) du nhập vào Trung Hoa (TH) lần đầu tiên từ Ấn-độ và Trung Á thì những TH theo PG có khuynh hướng coi tôn giáo này là một phần hay một phái của Ðạo Giáo Hoàng Lão, một hình thức Ðạo Giáo bắt nguồn từ kinh sách và pháp thực hành được coi là của Hoàng Ðế và Lão Tử. Những người khác chấp nhận ít hơn tôn giáo “ngoại lai” xâm nhập từ các xứ Tây Phương “man rợ” này PG là xa lạ và là một sự thách thức nguy hiểm cho trật tự xã hội và đạo đức TH.
08/04/2013(Xem: 19020)
Trong cuộc sống, có người quan niệm tâm lý là sự hiểu biết về ý muốn, nhu cầu, thị hiếu của người khác, là sự cư xử lý tình huống của một người. Đôi khi người ta còn dùng từ tâm lý như khả năng “chinh phục đối tượng”.
08/04/2013(Xem: 15243)
Trimsika là luận văn cuối cùng của Bồ tát Vasubandhu. Bộ luận nầy gồm có ba mươi bài tụng, nên được dịch sang tiếng Trung Hoa là "Tam Thập Tụng", đây chính là nghĩa của Trimsika. Ngài Huyền Trang Pháp sư khi dịch nó ra Hán văn có thêm vào hai chữ "Duy Thức", gọi là "Duy Thức Tam Thập Tụng"; vì trong ba mươi bài tụng ấy Bồ tát Vasubandhu đã tóm thâu toàn vẹn tinh ba của Duy Thức Học.
08/04/2013(Xem: 17391)
Theo truyền thống của Phật giáo Nguyên thủy thì Tạng Vi Diệu Pháp (A tỳ Ðàm) được Ðức Phật thuyết vào hạ thứ bảy tại cung trời Ðạo lợi (Tàvatimsa) với tác ý trả hiếu cho thân mẫu.
08/04/2013(Xem: 8883)
Như Lai (Tathagata) một trong 10 hiệu của Phật “không từ đâu đến, không đi về đâu”, là tính thường trụ thường hằng của các pháp, như như bất động không sinh không diệt, không tới không lui, là bản thể, là thực tướng là pháp tánh của mọi sự vật. “Nếu lấy sắc để nhìn ta, lấy âm thanh để cầu ta, đó là kẻ hành tà đạo, chẳng thể thấy Như Lai” Như lai được hiểu là thực tướng của các pháp đó là vô ngã tướng không còn các tướng (Ngã, nhơn chúng sanh, thọ giả).
08/04/2013(Xem: 10529)
Bản dịch quyển "The Buddha and His Teachings -- Đức Phật và Phật Pháp" được tu chỉnh và bổ túc lần thứ ba theo bản Anh ngữ cuối cùng của Ngài Narada, xuất bản ...
08/04/2013(Xem: 14446)
Một Tôn Giáo Hiện Đại (nguyên tác Anh ngữ: "What is this Religion? - Tôn giáo này là gì ?", ấn hành tại Đài Loan vào năm 1992), là một trong mấy mươi tác phẩm...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]