Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

46. Mũi Tên “Phản Nghịch”

15/03/201410:52(Xem: 33931)
46. Mũi Tên “Phản Nghịch”
mot_cuoc_doi_bia_3


Mũi Tên “Phản Nghịch”





Đức vua Udena có một hoàng hậu là Sāmāvatī cùng hai thứ hậu, đó là Vāsuladattā và Māgaṇḍiyā. Về chuyện phòng the thì cứ luân phiên, mỗi bà như vậy, ông vua này thường ngự ở đấy bảy ngày. Ba bà có ba cung đặc biệt và cung nga thể nữ riêng(1)do mỗi bà tự tuyển chọn hoặc đức vua, tùy theo mức độ sủng ái mà ban phát cho.

Gần một năm nay, trong ba bà thì đức vua sủng ái thứ hậu Māgaṇḍiyā hơn, tuy nhiên, với các bà kia đức vua cũng có thỉnh thoảng!

Chuyện xảy ra vừa rồi làm đức vua khởi ý là sẽ viếng thăm cung vui của hoàng hậu Sāmāvatī để dò xem hư thực như thế nào, vì theo vua, dù sao thì chánh hậu cũng đã có một trai tuấn mỹ, danh phận đã thành, trước sau bà vẫn là quốc mẫu, không ai thay thế được.

Biết được chuyện ấy, thứ hậu Māgaṇḍiyā lại nũng nịu can ngăn:

- Sự thực rõ ràng như ban ngày, đã hai lần thiếp dè chừng mà bệ hạ vẫn không tin. Đêm qua, thiếp nằm mộng dữ, tiên báo có chuyện chẳng lành nếu bệ hạ sang cung của chánh hậu.

- Mộng dữ gì vậy?

Đầu óc kế xảo của bà thứ hậu Māgaṇḍiyā xẹt nhanh như lằn chớp trong trí:

- Thiếp thấy một con rắn độc suýt cắn bệ hạ!

Đức vua phì cười:

- Nhưng dù gì thì gì, trẫm cũng phải sang đấy!

Biết không thể can vua được, bà biểu người tức tốc nhờ ông chú quốc trượng mang đến một con rắn độc rất nhỏ đã nhổ nọc để sử dụng cho mục đích của mình.

Biết rằng, thường thì tiếng trống lâu thành báo khắc đêm, mặt trời vừa tắt, đèn vừa thắp lên là đức vua ngự kiệu sang cung các hậu. Trong lúc đó thì tiểu dạ yến ở chánh cung cũng đã được các cung nữ chăm lo chu đáo. Ca nữ, vũ nữ, nhạc công cũng đã có mặt để hầu tiếp niềm vui cho bậc chí tôn! Ngoài ra, đức vua còn một thú vui là lúc nào, đi đâu cũng mang theo cây tiêu “điều tượng”(1), thỉnh thoảng nhã hứng thổi một vài khúc chơi! Gần đáy của cây tiêu này có một lỗ nhỏ thường dùng để buộc một sợi dây lụa kết chỉ vàng lóng lánh. Vậy nên, vào khoảng giữa chiều, bà thứ hậu đã đích thân lẻn vào tẩm cung(2)của đức vua, bỏ con rắn độc vào trong lỗ ống tiêu rồi khéo tay lấy một bông hoa gấm nhỏ nhét lại giống như vật trang trí.

Đức vua đâu có biết gì. Một đêm vui qua mau, sáng ngày định chuẩn bị dùng sáng rồi đi thiết triều thì thị nữ thông báo, là thứ hậu Māgaṇḍiyā muốn dâng đức vua món cháo yến sào tẩm bổ khí huyết, ngài phải thọ nhận. Trong khi hoàng hậu Sāmāvatī đang sắp xếp vật thực để cho đức vua ngự dụng, thì bà thứ hậu giả vờ lăng xăng đi thu dọn vật này vật kia rồi lanh tay rút bông hoa nơi ống tiêu đang còn nằm trên long sàng. Chú rắn nhỏ được giải phóng, ngo nguẩy bò ra.

Chính lúc đó, bà thứ hậu mới hô hoán lên:

- Con rắn độc! Con rắn độc!

Mọi người sửng sốt. Thị nữ bên ngoài nghe hô hoán đã chạy vào và họ đã nhanh tay lấy khăn dày bắt con rắn ấy đi. Bà thứ hậu được dịp đổ thêm dầu vào lửa:

- Thấy chưa? Bệ hạ đã thấy chưa? Âm mưu giết bệ hạ rành rành, không còn chối cãi vào đâu được nữa. Nhưng cảm ơn thượng đế Rāmā đã bảo vệ sanh mạng cho bệ hạ nên suốt đêm con rắn độc này đã ở yên đâu đó trong tấm chăn.

Đức vua lặng người, nhìn hoàng hậu một lát rồi trầm tĩnh hỏi:

- Hậu muốn giết hại ta thật à?

Hoàng hậu khuôn mặt không biến sắc, nghĩ là cũng phải biện hộ cho mình nên đáp:

- Tâu bệ hạ! Việc ấy, đệ tử của đức Phật không bao giờ làm, huống gì thiếp lại rất yêu kính bệ hạ. Việc ấy lại càng không thể, nếu con rắn ở trong chăn suốt đêm, hóa ra thiếp lại ngu dại tự giết mình! Việc càng vô lý hơn nữa, là con trai thiếp đã được bệ hạ đương nhiên cho kế thế ngôi vị thì thiếp còn mong cầu gì hơn trên đời này nữa?

Thấy cũng có lý nên đức vua nín lặng, phân vân chưa biết xét thế nào.

Bà thứ hậu tung ra đòn độc cuối cùng:

- Tham vọng quyền lực của con người khó hiểu lắm, tâu đại vương! Bệ hạ mất, bé trai kia sẽ lên làm vua, và người buông màn nhiếp chính bên sau là ai, bệ hạ rõ rồi. Và đương nhiên người làm vua nước này, thâu tóm mọi quyền lực cho bản thân, cho dòng họ cũng hữu lý lắm chớ, tâu đại vương!

Như điểm trúng yếu huyệt. Nó là sự hữu lý, là ông chánh án của mọi hữu lý trên đời, nên khuôn mặt đức vua tái đi. Hết tái rồi quay sang đỏ rần rần. Cơn giận của đức vua bị lửa sân thiêu đốt, âm ỉ rồi bốc cháy, vỡ òa trong tiếng hét:

- Đích thân ta sẽ ra tay giết ngươi, con tiện tỳ! Kể cả những cung nữ trưởng phòng, trưởng nhóm, ta cũng giết hết luôn để trừ hậu hoạn!

Buổi chiều, tại pháp trường của cung đình, bà hoàng hậu Sāmāvatī và mười cung nữ có chức vụ hai tay đều được cột bởi những tấm khăn lụa rồi bị lính hộ cung dẫn ra đứng một hàng một.

Thị nữ Khujjuttarā lưng gù, vì thân phận thấp hèn không bị tội, nói với mười một phạm nhân:

- Hoàng hậu không làm! Mấy trăm cung nữ ở đây đều là Phật tử nên cũng không ai làm! Ai có mưu kế ác độc đó thì chúng ta biết rồi. Nhưng khó có thể biện minh. Đây có lẽ do nghiệp quá khứ tối tăm nên bị nó dẫn dắt trả quả xấu. Đức Thế Tôn có dạy rằng: “Chỉ có tâm từ, năng lượng của tâm từ mới có thể tiêu tai, giảm họa”. Vậy xin hoàng hậu với quý cung nương cứ trú tâm từ một cách an nhiên và bất động!

- Đúng vậy! Hoàng hậu gật đầu - chúng ta còn rải tâm từ đến cho đức vua và đến cho cả người do si mê mà làm hại ta nữa.

Một việc hy hữu đầy thương tâm sắp xảy ra. Bá quan văn võ đứng đầy đặc hai bên. Người của ba cung sáu viện cũng cùng nhau đứng chen chân không kẽ hở. Ai ai cũng thầm cảm thương nỗi hàm oan của hoàng hậu. Những giọt lệ chảy âm thầm và những tiếng khóc tức tưởi được kìm nén đó đây.

Đức vua Udena vốn nổi tiếng là một tay đại xạ thủ, và sức tay của đức vua vốn vô địch trong triều ngoài nội. Ông không những bắn chuẩn hồng tâm mục tiêu mà còn bắn xuyên một lúc mười mấy thân chuối!

Đức vua đã bước ra với cây cung vàng mà ngài ít khi sử dụng. Đây là cây cung được truyền từ nhiều đời, là bảo vật quốc gia, nó rất nặng có tên là Sahassathāmasiṅgadhanu(1)và khi bắn, sức bật của nó thường đi rất xa.

Trong lúc hoàng hậu Sāmāvatī cùng mười cung nữ đang bất động tĩnh lặng trú vào tâm từ thì đức vua giương cung lên, búng thử dây cung. Một âm thanh lạ lùng cất lên như xé tan không gian yên lặng. Cả quảng trường im phăng phắc, mọi người căng mắt, nín thở.

Đức vua thò tay phải rút mũi tên vàng lắp vào cung rồi căng mạnh cánh tay. Đức vua tự nghĩ: “Chỉ một điểm ngay trái tim của con tiện tỳ thì mũi tên kia còn đi xuyên suốt mười trái tim bên sau trở thành một xâu như xâu chim vậy”.

Rồi cung bật. Mũi tên lao vút đi như lằn sao xẹt. Mọi người nhắm mắt lại. Có vài tiếng la hét sợ hãi rú lên...

Nhưng chuyện lạ đã xảy ra. Mũi tên vàng vừa tới nơi trái tim của hoàng hậu, nó như bị một sức mạnh vô hình dừng đứng lại. Và rồi, mũi tên như có con mắt, nó chuyển hướng, quay ngoắt về phía đức vua và lao vút đi. Đức vua chưa kịp định thần, chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì mũi tên đã đến gần trái tim của ông. Và ngạc nhiên làm sao nó cũng dừng sững lại rồi rơi xuống đất!

Cả quảng trường im phăng phắc, trố mắt, sững sờ.

Đức vua bần thần, thả rơi cây cung, lạnh người. Tự nghĩ: “Cây cung truyền đời này, mũi tên đặc biệt này chỉ sử dụng lúc truyền ngôi, với bốn lực sĩ vác đến đặt vào tay thái tử kế vị, yêu cầu phải bắn trúng hồng tâm mặt trống đồng đặt cách xa tối thiểu là một govo(2). Nó có thể xuyên thủng thân cây sālā một vòng ôm. Nó có thể xuyên thủng vách tường thành bằng đá. Thế nhưng tại sao, với mãnh lực nào, uy lực nào nó không dám đụng đến hoàng hậu? Đã không dám đụng đến tội nhân mà nó lại còn quay ngoắt trở lại suýt xuyên thủng lồng ngực ta? Ồ! Vậy đúng là do đức hạnh của hoàng hậu rồi! Chính do giới đức và trái tim nhân từ của hoàng hậu mà mũi tên kia cũng không nỡ giết ta!”

Xúc cảm tâm linh và cũng thành tâm hối quá, đức vua ra lệnh lính cận vệ mở trói cho hoàng hậu và mười cung nữ rồi ông bước tới, quỳ xuống bên chân hoàng hậu, chân thành thốt lên:

- Ta thật có lỗi, xin hậu hãy đại lượng tha thứ cho ta!

Hoàng hậu Sāmāvatī cầm tay đức vua nâng lên:

- Xin bệ hạ giữ gìn ngọc thể!

Đức vua chưa chịu đứng dậy:

- Hậu tha thứ cho ta chớ?

- Đương nhiên! Thần thiếp không những tha thứ cho bệ hạ bây giờ, mà trước khi, trong khi bệ hạ giương cung bắn thì thiếp và tất thảy cung nữ còn rải tâm từ đến cho bệ hạ, đến cho cả người vu oan giá họa hiểm hại chúng thiếp nữa đó!

Đức vua rơi nước mắt:

- Trẫm đã si mê lạc bước lối đi mà không thấy, không biết đường về! Vậy từ nay hậu cho trẫm nương tựa với nhé?(2)

- Vậy là rất tốt! Hoàng hậu nói - Nhưng không phải nương tựa nơi thần thiếp mà bệ hạ phải thành tâm nương tựa nơi đức Chánh Đẳng Giác, vì chính ngài mới là bậc cao quý, cao thượng trên đời này. Nơi mà cõi người và cõi trời đều nương tựa.

- Vâng! Ta sẽ quy y với đức Thế Tôn.

- Bệ hạ phải đích thân đi đến chỗ đức Thế Tôn tức khắc bây giờ chứ?

- Vâng! Ta sẽ làm như vậy.

Đức vua nói xong, đứng dậy ân cần nắm bàn tay của hoàng hậu, khẩn thiết nói:

- Ngay bây giờ đây, trẫm chuẩn hứa cho hậu, rằng là hậu mong ước gì, mơ ước gì, sở thích gì, bất cứ điều gì, trẫm cũng sẵn lòng đáp ứng cho. Nên nhớ đây là ân huệ tối thượng đặc biệt trẫm dành cho hậu đó!

- Vâng! Hoàng hậu Sāmāvatī mỉm cười nói - Một điều thôi! Và đây được xem như ân huệ tối thượng đại vương ban cho thần thiếp. Là sau khi bệ hạ đến bên chân đức Đạo Sư, xin quy y Tam Bảo rồi, thiếp mong bệ hạ cho phép thiếp, thay mặt thiếp thỉnh mời đức Phật cùng năm trăm vị tỳ-khưu đến hoàng cung để cho chúng thiếp được đặt bát cúng dường và được nghe pháp trong vòng bảy ngày. Đấy là ước nguyện khẩn thiết duy nhất của chúng thiếp vậy.

Đức vua khuôn mặt rạng rỡ, gật đầu đồng thuận và trong tâm lại phát sanh lòng kính trọng đối với hoàng hậu vô cùng. Tự nghĩ: “Bà không xin kim cương trân bảo, xin địa vị, quyền lực, không xin truy cứu kẻ mưu hại mình mà chỉ xin được bố thí, cúng dường, nghe pháp! Ồ! Hậu của ta thật sự đã trở thành bậc thánh nhân rồi!”

Đức vua đứng lặng. Vừa tri ân vừa cảm kích tấm lòng vô lượng của hoàng hậu Sāmāvatī. Và ngay giây khắc ấy, đã có một sự chuyển hóa thật sự trong nội tâm của ông.


(1)Các vương triều Ấn Độ cổ xưa không biết như thế nào - nhưng Trung Quốc thì cung nga thể nữ chia nhiều loại, nhiều nhóm khác nhau: Ví dụ tài nữ, học nữ, ca nữ, vũ nữ... Lại còn có một số con gái đẹp được tuyển chọn để đức vua tùy nghi “du hí”, được gọi là ngự nữ! Tuy nhiên, chuyện thường xảy ra trở thành thảm kịch trong hậu cung, là có những cô gái sống đến già đời trong cung vẫn chưa được đức vua ban mưa móc lấy một lần!

(1)Pháp cú chú giải ghi là cây đàn - tôi nghi là cây tiêu, ống tiêu mới có lỗ cho con rắn nhỏ chui vào. Còn “điều tượng” có lẽ là để điều khiển voi chăng?

(2)Tẩm cung: Phòng ngủ.

(1)Tạm dịch nghĩa, đây là cây cung rất nặng, với sức lực của một ngàn con sư tử mới nhấc lên nổi (?).

(2)Là 434 mét.

(2)Dịch thoát từ câu kệ Pāḷi: “Sammuyhāmi pamuyhāmi. Sabbā mayhanti me disā. Sāmāvatī maṃ tāyassu. Tvañca me saranaṃ bhavāti”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/01/2020(Xem: 13171)
Đức Tổng Giám mục Colombo, Đức Hồng Y Malcolm Ranjith người Sri Lanka,Chủ tịch Hội đồng Giám mục Sri Lanka, phục vụ Giáo hội Công giáo La Mã của Thánh Matthew ở Ekala, Sri Lanka, gần đây đã nói điều gì đó dọc theo dòng “Nhân quyền đã trở thành tôn giáo mới nhất ở phương Tây. . . Người dân Sri Lanka đã nghiêng về con người thông qua Phật giáo, truyền thống tôn giáo chính thống của họ đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử. . . Những người không thực hành tôn giáo là những người bị treo lên Nhân quyền”.
04/01/2020(Xem: 8538)
Bài viết nhan đề “Góp Ý Với Sư Cô Thích Nữ Thanh Tâm” của Cư sĩ Thiện Quả Đào Văn Bình trên mạng Thư Viện Hoa Sen hiển nhiên là nhiều thiện ý, đã đưa ra các nhận định mang tính xây dựng. Từ đó, tất nhiên có phản ứng, và những ý kiến trái nghịch được đưa ra. Trong mọi trường hợp, tất cả những dị kiến nên xem như chuyện bình thường.
04/01/2020(Xem: 9561)
Trong Ngũ Đăng Hội Nguyên có thiền truyện thuật lại cuộc hỏi đáp giữa Triệu Châu và Nam Tuyền: " Triệu Châu hỏi Nam Tuyền: 'Thế nào là đạo?' Nam Tuyền đáp : ‘Tâm bình thường là đạo’ (Bình Thường Tâm thị Đạo). _’Lại có thể nhằm tiến đến chăng?’ _ ‘Nghĩ nhằm tiến đến là trái’. _ ‘Khi chẳng nghĩ làm sao biết là đạo?’ _ ‘Đạo chẳng thuộc biết và chẳng biết. Biết là vọng giác, không biết là vô ký. Nếu thật đạt đạo thì chẳng nghi, ví như hư không rỗng rang đâu thể gắng nói phải quấy’. Ngay nơi lời này Triệu Châu ngộ lý, bèn đi thọ giới...." Vậy, thế nào là “Tâm Bình Thường”?
08/12/2019(Xem: 28156)
Kính lễ Phật Pháp Tăng là thể hiện niềm tin sâu xa của Tứ chúng đệ tử đức Phật mỗi ngày đối với Tam bảo. Đệ tử Phật dù tu tập chứng A-la-hán vẫn suốt đời nương tựa và kính lễ Phật Pháp Tăng không hề xao lãng. Các vị Bồ tát từ khi phát Bồ đề tâm, tu tập trải qua các địa vị từ Tín, Trú, Hạnh, Hướng, Địa cho đến Đẳng giác không phải chỉ nương tựa và kính lễ Phật Pháp Tăng một đời mà đời đời, kiếp kiếp đều nương tựa và kính lễ Phật Pháp Tăng. Nhờ sự nương tựa và kính lễ Phật Pháp Tăng như vậy, mà Bồ tát không rơi mất hay quên lãng tâm bồ đề, khiến nhập được vào cảnh giới Tịnh độ không thể nghĩ bàn của chư Phật, nhập vào thể tính bất sinh diệt cùng khắp của Pháp và nhập vào bản thể hòa hợp-thanh tịnh, sự lý dung thông vô ngại của Tăng.
08/12/2019(Xem: 30682)
Phật Giáo và Những Dòng Suy Tư (sách pdf)
22/11/2019(Xem: 27091)
Nam mô ADIĐÀ PHẬT , xin Thầy giải thích thắc mắc của con từ lâu : “ Nam mô Tam Châu Cảm Ứng Di Hộ Pháp Vi Đà Tôn Thiên Bồ Tát “: 1- Tại sao Tam Châu mà không là Tứ Châu ? 2- Hộ Pháp Vi Đà Tôn Thiên Bồ Tát có phải là Vị Bồ Tát đứng chung với Ngài Tiêu Diện BT ở bàn thờ trước hall mà khi chúng con mới vào chùa QDT dẫn đến và nói : cô chú khi mới vào chùa đến xá chào 2 Vị BT này ( check in ) trước khi ra về cũng đến xá chào ( check out).Xin Thầy nói về tiểu sử của 2 Vị BT ( 2 security officers) mà Phật đã bổ nhiệm xuống cho mỗi chùa .Xin mang ơn Thầy 🙏
08/11/2019(Xem: 16088)
Thanh Từ Thiền Sư, tuyên ngôn như thế, lời vàng đanh thép, lý tưởng cao siêu, muôn đời bất diệt. Phật Giáo Dân Tộc, đồng hành muôn thuở, tuy hai mà một, bền lòng sắc son, nẻo đạo thanh cao, đường đời rộng mở. Ông Dương Ngọc Dũng, mang danh tiến sĩ, học vị giáo sư, nói năng như khỉ, hành vị đáng khinh, giảng đường đại học, kỳ thị tôn giáo, nói xàm nói láo, xúc phạm Phật giáo, bôi nhọ Tăng Ni.
03/09/2019(Xem: 10419)
Hiện tình quốc tế và đất nước đang diễn biến dồn dập hơn bao giờ hết. Khi chính quyền các quốc gia và định chế quốc tế tỏ ra không đủ khả năng để ứng phó trước nguy cơ chiến tranh có thể bộc phát, thì một chủ đề đạo đức tôn giáo cần được thảo luận: Phật giáo có biện minh nào cho chính nghĩa trong cuộc chiến tương lai không?
29/08/2019(Xem: 12688)
Trong thời Đức Bổn Sư Thích Ca còn tại thế, nhất là thời giới luật chưa được chế định, 12 năm đầu tiên sau khi Ngài thành đạo, có nhiều tỷ kheo hay cư sĩ đã liễu ngộ, giải thoát, niết bàn chỉ ngay sau một thời thuyết pháp hay một bài kệ của Tôn Sư. Tại sao họ đặt gánh nặng xuống một cách dễ dàng như vậy? Bởi vì họ đã thấu hiếu tận gốc rễ (liễu ngộ) chân đế, tự tại giải thoát, tịch lặng thường trụ, chẳng động, chẳng khởi, chẳng sanh, chẳng diệt, không đến cũng không đi mà thường sáng soi. Khi họ thấu hiểu được vậy. Kể từ lúc đó, họ tín thọ và sống theo sự hiểu biết chơn chánh này. Họ luôn tuệ tri tất cả các pháp đều huyễn hoặc, vô tự tánh cho nên, họ không chấp thủ một pháp nào và thong dong tự tại trong tất cả các pháp.
22/08/2019(Xem: 12771)
Phát Bồ đề Tâm là một pháp môn tu, nếu không hơn thì bằng chứ không kém một pháp môn nào trong tam tạng, bởi nó nói lên được cứu cánh của việc tu hành. Trong kinh Đại Phương Tiện, Phật dạy A Nan: “Phát Bồ Đề Tâm là pháp môn thù thắng giúp hành giả rút ngắn tiến trình tu tập của mình”. Trong kinh Hoa Nghiêm Phật lại ân cần nhắc nhở: “Kẻ chỉ quên việc phát Bồ Đề Tâm thì việc làm Phật sự là đang làm ma sự” huống hồ là kẻ tâm không phát, nguyện không lập.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]