Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

34. Hóa Độ Nhóm Vương Tử Ham Chơi

14/03/201418:47(Xem: 26998)
34. Hóa Độ Nhóm Vương Tử Ham Chơi

Mot_Cuoc_Doi_01
34. Hóa Độ
Nhóm Vương Tử Ham Chơi





Đứng trước chiếc cốc lá xinh xắn do các vị tỳ-khưu dày công dựng lợp, đức Phật đưa mắt nhìn quanh. Suốt bốn tháng an cư mùa mưa ở đây, với rừng cây này, với những chú nai này, con đường kinh hành này đã trở nên thân thuộc. Sa-môn sống đời không cửa, không nhà, nếu ở lâu dưới một gốc cây quá ba đêm cũng có thể phát sanh quyến luyến ngoại trừ các vị đã chấm dứt lậu hoặc. Giới luật mai hậu cho tăng chúng chắc phải chế định học giới này!

Lộc Uyển đã vắng lặng, chỉ còn một số ít vị rời chân muộn. Đức Phật nhắm hướng đông nam cất bước. Ra khỏi khu rừng, không gian thoáng đãng, ánh nắng trong lành, gió mát rung rinh đầu cây ngọn cỏ. Con đường đất đỏ dài xa hút tầm mắt đã khô ráo, tấp nập bộ hành, xe ngựa lui tới. Sau mùa mưa, nước sông hồ còn đầy, rừng núi tươi xanh và ruộng đồng mạ non phới phới. Đây là khoảng thời gian dễ chịu nhất trong năm, một hai tháng tới tiết trời còn ấm áp, rất thuận lợi cho chư vị sa môn ta-bà đây đó.

Xế trưa, đức Phật bước qua chiếc cầu ván chông chênh, nhắm hướng một xóm nhà nằm khuất sau lùm tre để trì bình khất thực. Đã lâu quá, đức Phật mới đi xin ăn vì tại Lộc Uyển, các vị tỳ-khưu thay nhau dâng cúng. Điều này cũng hợp pháp và luật vì ngài quá bận rộn giảng pháp, dạy pháp cho chúng đệ tử. Xóm cư dân ở nơi đây cũng thuần thành; và có lẽ họ đã nghe danh các vị sa-môn ở Vườn Nai nên họ đặt bát rất hậu hĩ và rất kính thành. Ngoài ra, chính đức Phật đôi khi không biết: Dong mạo của ngài đẹp quá, khí sắc của ngài tươi rạng quá; ai cúng dường đến ngài cũng cảm thấy niềm hoan hỷ lâng lâng có đến nửa ngày!

Cũng lâu quá mới được ở một mình, đức Phật bỏ đường lớn, đi vào con đường nhỏ dẫn đến khu rừng Kappāsīya bây giờ là cả một rừng hoa: Từng chùm, từng chùm hoa Kadamba màu cam nghệ rực rỡ như ửng lên nền trời. Vào bên trong, khu rừng rất thoáng đãng, xác hoa như dệt thảm; và kìa, mấy con suối trong vắt giao nhau như mấy con rắn lượn từ thác nước trắng xóa trườn qua những tảng đá xanh đen ngoạn mục. Đức Phật ngồi nghỉ một lát, hít thở khí trời trong lành, thơm hương rồi thanh thản độ thực. Trong ngoài đều vắng lặng, thanh bình.

Rửa bát, úp bát vào trên một tảng đá cạnh suối, đức Phật đi kinh hành một lát rồi ngồi thiền định nghỉ ngơi. Chợt một bầy chim cất cánh rần rật rồi một toán người ồn ả bên kia cánh rừng đi sang. Họ đều là thanh niên trẻ trung, phục sức sang trọng, quý phái cả nam lẫn nữ, có cả một số trẻ em, bọn gia nhân hầu hạ, mang theo lều trại, các loại nhạc cụ cùng thức ăn vật uống.

Thấy một sa-môn tĩnh tại ngồi dưới gốc cây, một thanh niên tách đoàn bước tới, lễ độ chấp tay hỏi:

- Thưa ngài sa-môn! Ngài có thấy một cô gái, một kỹ nữ, đi ngang qua đây không?

Đức Phật ngồi đây là ngài cố ý chờ đợi nhân duyên này. Họ là ba mươi vị vương tử, là hoàng thân là con của các bà thứ phi của đức vua Mahākosala, đều là hoàng đệ của đức vua Pāsenadi nước Kosala, thủ đô là Sāvatthi. Đức vua Pāsenadi xuất thân xuất sắc tại đại học Takkasilā, có tài, có đức; sau khi lên ngôi đã đối xử với các hoàng đệ rất tốt, ai cũng có lãnh địa, tài sản, chức vị tại triều đình hay các tổng trấn. Ông vua anh của họ không có chỗ nào để chê! Cả đức và tài của ông ta trùm lấp tất cả nên sinh ra độc đoán, chuyên quyền. Các vị hoàng thân cảm thấy sở tài, sở học của mình không biết dùng vào đâu nên sinh ra buồn chán. Thỉnh thoảng, họ lại gặp nhau, ngoạn du sông núi, rong chơi đây đó, tìm vui nơi khách điếm, lữ đình, tửu quán, lời ca tiếng nhạc để giải khuây. Thế là những cỗ xe sang trọng rời Sāvatthi, theo con đường bộ hành thương mãi ghé thăm những nơi nổi tiếng. Lần này, đã cùng với vợ con chơi chán ở Bārāṇasī, thành phố ăn chơi xa xỉ, họ ghé thăm khu rừng này. Trong bọn, có một vị hoàng thân còn trẻ, chưa có vợ nên dẫn theo một cô kỹ nữ. Trưa nay, lúc mọi người đang nghỉ ngơi đây đó giữa rừng hoa, cô kỹ nữ cuỗm tất cả vàng bạc, tư trang rồi trốn đi mất... Họ chia nhau đi tìm, đến ngang đây thì gặp đức Phật.

Quán nhân duyên những vị vương tử này có trình độ học thức, ít bụi cát trong mắt, có thể thấu hiểu giáo pháp nhanh chóng; lại nữa, họ là những nhân tố, những hạt giống quan trọng để sau này dễ dàng đến hoằng pháp tại đế quốc này, cảm hóa đức vua Pāsenadi, triều đình và nhân dân của ông ta. Giáo pháp nếu muốn vững mạnh để phát triển thì cần những ông vua có quyền lực ủng hộ, tốt nhất là trở thành một cận sự nam!

Vì nhân là vậy, duyên là vậy, nên khi vị hoàng thân hỏi tìm tông tích người kỹ nữ, đức Phật bèn sử dụng tâm từ bao phủ tất thảy mọi người - rồi chậm rãi, ung dung, mỉm cười, cất giọng dịu dàng:

- Này hỡi chư vị vương tử lá ngọc cành vàng! Chư vị nghĩ thế nào? Hãy trả lời cho Như Lai xem nào? Đi tìm một cô con gái có tâm địa xấu xa là tốt hơn, hay đi tìm chính mình, tìm cho ra con người thực của mình tốt hơn?

Nhìn tướng mạo như rồng, như phượng của vị sa-môn trẻ, ngài mới ba mươi sáu tuổi, nụ cười tỏa sáng, thế ngồi tự tại, phong cách điềm đạm, ngôn lời có cánh có lửa; lại dường như còn bị thu hút bởi một từ lực mát mẻ nữa nên họ từ từ, lặng lẽ, bất giác đưa mắt nhìn nhau rồi ngồi xuống ở xung quanh, cũng rất lặng lẽ! Cả đời, họ chưa nghe ở đâu, học hỏi ở đâu một câu nói lạ lùng như thế: Đi tìm con người thực của mình!

Một vị hoàng thân có vẻ niên trưởng, có kiến thức sâu rộng, từ tốn thưa rằng:

- Triết học Vệ-đà và cả Upanishad đều xem thế giới này là māyā, là huyễn hóa, chẳng có cái gì là thực cả! Vậy thì xin dám thưa ngài đại sa-môn! Có thể tìm ra cái thực, cái con người thực của mình được chăng?

Đức Phật từ ái đưa mắt một vòng, biết với câu hỏi như vậy, mọi người theo dõi yên lặng và chăm chú như vậy thì hội chúng này đã sẵn sàng, sẵn sàng có tai để nghe, sẵn sàng có trí để thấu hiểu, ngài bèn thả thêm một câu hỏi nữa:

- Quả thật là chư vị có biết chắc, có nắm rõ về tư tưởng māyā ấy, cái huyễn hóa, không thực ấy? Hãy giảng giải cho Như Lai được mở rộng kiến văn xem nào?

Cái cách nhìn, cách nói, cách hỏi của đức Phật tuy rất khiêm tốn, nhưng biểu lộ sự chững chạc, toát ra phong cách của một bậc thầy uyên bác, già dặn trên học trường lý luận như đang đối thoại với học trò của mình! Hội chúng này đều trí thức và đa văn nên họ hiểu, họ mỉm cười nhẹ. Một vị hoàng thân chợt cởi chiếc hoàng bào lót chỗ ngồi, cất giọng sang sảng:

- Biết rõ chứ, biết chắc chứ, thưa ngài sa-môn! Ở đây, chúng tôi hơn một nửa đều xuất thân từ đại học Takkasilā, dẫu bộ môn chuyên ngành là trị quốc, an dân nhưng cũng trang bị chu đáo tất thảy mọi triết học cổ đại và đương thời; và māyā là tư tưởng xuyên suốt, là sợi chỉ đỏ nối liền mọi giáo phái truyền thống; nó cũng là nhận thức luận của mọi tư biện chính quy nhất!

Vị khác tiếp lời:

- Xin cho tôi được bổ túc có tính kinh viện thêm một chút. Māyā là thực tại toàn bộ nhưng nó không phải nhất nguyên, không phải nhị nguyên. Mặc dầu cái trò biến ảo của nó phân làm hai mặt, nửa thực nửa hư, nửa có nửa không, nhưng không xác lập được cái gì là thực, cái gì là hư, cái gì là có, cái gì là không! Và, Upanishad, tập đại thành của những tư tưởng đi sau đã từ cái māyā quái gở này mà lập ra triết học bất nhị!

Đức Phật lắng nghe, rất chăm chú lắng nghe. Đến ngang đây, ngài lại hỏi nữa:

- Chư vị đã có được một nền tảng giáo dục vững chắc, sở học vững chắc, trình bày và lập ngôn đều rất chính xác và rõ ràng. Cảm ơn chư vị, Như Lai đã lãnh hội rồi. Tuy nhiên, Như Lai còn thắc mắc. Vậy thì khi tiếp thu rất là chính thống tư tưởng māyā ấy, triết học bất nhị ấy thì chư vị sẽ sống ra sao? Nghĩa là sẽ thu xếp đời mình như thế nào? Ý Như Lai nói là nó có giúp cho đời sống của chư vị có ý nghĩa? An lành và hạnh phúc hơn?

Đức Phật nghe xào xạc đâu đó vài hơi thở dài. Cả hội chúng chợt im lặng, im lặng như đối diện với hư vô, như một đêm đông băng giá, không một tiếng thở của đất, không một nách lá, một hạt vỏ nào cựa mình... Giữa không gian thinh lặng ấy, ngài lại còn đưa thêm câu hỏi nữa, như cố ý đẩy tư duy của những chàng trai trẻ này vào chỗ bế tắc:

- Hoặc nói cách khác, sau nhận thức luận là triết lý hành động! Như Lai còn chưa hiểu một điều: Không biết Vệ-đà và Upanishad có đưa ra một con đường nào, một lộ trình tu tập nào để bước ra khỏi cái māyā ấy, cái bất nhị ấy?

- Có đấy, thưa ngài đại sa-môn! Một vị khác có vẻ ưu tư đáp – Ôi! Có quá nhiều con đường: thánh ca, tán tụng, tế lễ, cầu nguyện, thần chú, pháp thuật; rồi còn cách thức tẩy uế tâm hồn, các giai đoạn Yoga, điều tức, điều khí; tụng đọc “aum, aum” linh thiêng, trống rỗng tâm ý để thể nhập vào đấng Ishvāra, đấng Rāma, đấng Brāhman... Nghĩa là càng học hỏi càng rối rắm, tối tăm làm cho mụ mị tâm trí đi, thôi thì tất thảy xin giao phó cho thượng đế, giao phó cho các thượng đẳng thần...

Đức Phật lại hỏi tiếp:

- Hóa ra vẫn không giải quyết được vấn đề của con người, với những tồn tại của hiện thực: Lo âu, ưu tư, khát vọng, sợ sệt, ganh ghét, thất vọng, buồn chán, sầu muộn...?

Một người đáp:

- Không giải quyết được vì đấy là chân lý, là māyā! Tất thảy thế giới này là bất toàn, rỗng không, nước mắt, niềm vui, khổ lạc, già chết! Không có một ước mơ, một lý tưởng nào có thể thực hiện và nắm bắt được ở trong tay. Vì chúng thực mà hư, chúng hiện rồi mất. Thế giới xung quanh ta cũng thế: Ruồi muỗi, sâu bọ, cỏ cây... chúng sinh rồi để mà diệt, chúng diệt rồi để mà sinh! Ảo hóa cả. Kiếp người, vạn kiếp người, cho chí quả đất, trăng sao, sông núi cũng bị bào mòn, hư sụp, rồi cũng bị chìm mất vô tăm trong sự vận hành của đại hóa. Con người có ý nghĩa gì với những ưu tư, sầu muộn, thao thức trăn trở của hắn, có ích gì? Vô nghĩa thôi!

Đức Phật nghĩ thầm: “Họ ở chỗ cao sang. Trí thức, kiến văn của họ còn hơn cả Yasa! Danh vọng, quyền uy, tập cấp, địa vị, gia sản, dục lạc... đều đứng đầu xã hội, thế nhưng họ chỉ muốn rong chơi cho qua ngày đoạn tháng do nỗi buồn tâm linh và bất lực truớc thế giới māyā nghiệt ngã. Họ đã thấy rõ dukkha một cách rất sâu sắc nên ta rất dễ đưa họ bước vào dòng...”

- Nầy chư vị vương tử! Đức Phật bắt đầu thời pháp mà giống như tâm sự - Không dấu gì chư vị, Như Lai trước đây là thái tử Siddhattha, dòng tộc Sākya, thành phố Kapilavatthu, một nước nhỏ bên cạnh Kosala, là chư hầu của quý quốc đấy! Như Lai cũng từng có ba tòa cung điện, có một đời sống vương giả như chư vị vậy. Nhưng suốt tuổi thanh xuân, Như Lai không tìm thấy niềm vui chân thực, không ngớt thao thức, ưu tư và trăn trở. Chính những tư duy màu xám của chư vị vừa rồi cũng là tư duy bi quan của Như Lai một thời! Chúng ta bị lưới māyā ấy bủa vây. Chúng ta bị thế giới māyā ấy nuốt chửng! Tuy nhiên, chính cái ngày có con trai đầu lòng, cái ngày đăng quang vương vị, Như Lai đã từ bỏ tất cả để lên đường, xuất gia làm một lang thang khất sĩ du phương tầm đạo. Như Lai không đầu hàng māyā! Thế rồi, suốt sáu năm tầm thầy học đạo, lang thang khổ hạnh, và khổ hạnh đến tận cùng, Như Lai vẫn chưa tìm ra chìa khóa để mở cánh cửa māyā. Chính khi gần chết, chính giây phút kề bên lưới hái của tử thần, tại dãy núi Gayā, Như Lai đã tỉnh thức, đã tìm ra được lộ trình Trung đạo. Rồi đêm ấy, đêm trăng tròn tháng Vesākha, cách đây chừng nửa năm, tại cội cây Assattha, bên sông Nerañjarā, gần tụ lạc Uruvelā, Như Lai đã chiến thắng nội giới cũng như ngoại giới, cởi bỏ tất cả mọi xiềng xích của māyā, lưới buộc của māyā, bước ra khỏi tử sinh: Giác ngộ và giải thoát trọn vẹn! Như Lai biết mình đã đắc quả Chánh Đẳng Giác, đã trở thành một vị Phật...

Vì muốn cảm hóa hội chúng trí thức này, nên nói đến ngang đây, đức Phật lại sử dùng thần thông, một loại hào quang sáng trắng bao phủ khắp thân mình, như ngồi trong mặt trời, mặt trăng rồi nói tiếp:

- Cái mà tư tưởng truyền thống rút ra hệ luận được gọi là māyā ấy thì Như Lai gọi là dukkha! Và Như Lai đã có một công thức sau đây: Māyā, nguyên nhân của māyā, sự chấm dứt māyā, và con đường dẫn đến sự chấm dứt māyā! Nếu chư vị vương tử muốn nghe thì Như Lai sẽ giảng nói!

Bằng cách như vậy, xảo diệu như vậy, thiện thuyết như vậy, đức Phật từ từ, chậm rãi giảng nói Tứ Diệu Đế một cách khác làm cho ba mươi vị hoàng thân thấm đẫm hương vị của pháp mầu, hỷ lạc dâng đầy từng chân tơ kẽ tóc, len tận từng ngõ ngách của tế bào, tâm niệm. Họ đã chứng quả Tu-đà-hoàn, Nhập lưu, mọi nghi nan tiêu sạch, một chân trời rộng mở, thanh sáng và cao đẹp.

Suốt buổi chiều, đức Phật lại thuyết thêm, cặn kẽ về con đường, cặn kẽ cả những chi tiết. Ngài cũng mở rộng cho họ thấy rõ các cõi cùng nhân quả nghiệp báo của chúng sanh ở đấy. Càng nghe, càng thấy, họ càng thâm tín đức Phật và giáo pháp. Vị niên trưởng đắc quả A-na-hàm, thêm hai mươi tám vị nữa đắc quả Tư-đà-hàm; riêng vị trẻ nhất cặp bồ cô kỹ nữ không tiến bộ thêm!

Khi cả ba mươi vị vương tử đồng xin xuất gia, đức Phật chấp thuận, nhưng ngài bảo là phải giải quyết cho ổn thỏa vấn đề vợ con. Họ đồng ý. Rồi suốt đêm, không biết họ đã thuyết phục như thế nào, cắt đặt công việc như thế nào, mà sáng ngày, những người hầu đã mang xe ngựa đến, đưa vợ con họ về Sāvatthi - đồng thời, họ chuẩn bị y bát đâu đó đầy đủ cả!

Với râu tóc sạch sẽ, với chiếc bát sắt đen tuyền, với màu y vàng đất, cả ba mươi vị vương tử dường như đã thoát xác, đã biến thành ba mươi vị sa-môn với phẩm mạo, tăng tướng đẹp đẽ, tươi sáng. Quỳ bên chân Phật, sau khi đọc xong ba lần Tam quy, cả ba mươi vị đồng đắc quả A-la-hán.

Ở lại khu rừng Kappāsīya thêm mấy hôm nữa, đức đức Phật lại ân cần tứ giáo các vị thánh tăng bốn bài pháp quan trọng nữa, sau đó, khuyên họ ra đi, đến miền Pāvāya, thuộc lãnh thổ Kosala để hoằng hóa lợi sanh. Ba mươi vị sa-môn này, sau được gọi là nhóm tỳ-khưu Pāvāya. Thế là giáo hội độc thân của đức Tôn Sư lại có thêm ba mươi nhân tố ưu tú nữa, thành chín mươi vị sứ giả truyền giáo lỗi lạc.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/05/2015(Xem: 11665)
Về cơ bản, lý duyên khởi giải thoát mô tả tâm lý của thiền, nghĩa là, những gì xảy ra trong tiến trình hành thiền được hành giả trải nghiệm từ lúc đầu cho đến lúc cuối. LDKG có liên hệ chặt chẽ với giáo lý duyên khởi nổi tiếng trong đạo Phật. Cho những ai chưa quen thuộc nhiều với những lời Phật dạy, lý duyên khởi là một chuỗi mười hai yếu tố nhân quả kết nối với nhau. Yếu tố cuối cùng trong chuỗi nhân quả này là khổ. Bởi vì là một chuỗi nhân quả, nó cho ta thấy khổ phát sinh như thế nào. Yếu tố thứ nhất của mười hai nhân duyên là vô minh – không có khả năng thấy được thế gian như nó là, và nó thật sự hoạt động như thế nào. Như thế, bắt đầu với vô minh, yếu tố này dẫn đến yếu tố sau, tiếp luôn cho đến khổ đau. Do vậy, lý duyên khởi chỉ cho ta thấy khổ đau chính là hậu quả của vô minh.
16/05/2015(Xem: 24619)
Hãy nôn ra lòng sân hận độc hại khỏi cõi lòng bạn. Sự sân hận đầu độc và bóp nghẹt tất những gì thiện mỹ nơi bạn. Tại sao bạn phải hành động chỉ vì con quái vật độc hại dấu mặt này? Hãy nôn nó ra, vứt hết đi, không chừa lại một chút gì cả. Bạn sẽ cảm thấy dễ chịu khi vứt bỏ nó đi. Rồi cõi lòng bạn tràn ngập tình bi mẫn vị tha, thẩm thấu qua từng lỗ chân lông bạn. Hãy hiển lỗ tâm từ vô nhiễm trào dâng thương yêu. Hãy để những ai đến với bạn đều nhận được vầng quang hảo tâm không thể chối từ, cũng như khi rời xa, họ cảm thấy được cảm thông và can đảm hơn để đối mặt với cuộc đời đầy gian truân và nghiệt ngã này.
15/05/2015(Xem: 26226)
Thể theo lời yêu cầu của các bạn Đạo, tôi chọn một số bài nói chuyện về Phật pháp của tôi tại Tổ Đình Từ Quang ở Montréal và một vài nghi thức tụng niệm để in thành cuốn sách này, với hy vọng phổ biến Phật pháp. Cuốn sách được hình thành trong dịp Tết Canh Thìn, nhưng phải đợi đến Tết Dương Lịch 2001 mới đánh máy xong. Trong thời gian chờ đợi này, tôi đã cẩn thận kiểm điểm lại nội dung từng bài, nhưng chắc chắn không tránh khỏi thiếu sót, những mong các bậc cao minh từ bi chỉ điểm cho. Montréal, Tết Dương lịch 2001 Hiển Mật, Đỗ Hữu Trạch
12/05/2015(Xem: 22482)
Video: Những Hiểu Lầm về Đạo Phật
01/05/2015(Xem: 30567)
Một tập sách với tựa đề như trên, trong xã hội hiện nay, không có gì đặc biệt; so với Kito giáo tại Việt Nam, cũng là việc làm bình thường, vì hàng năm, một số giáo xứ thường xuyên tổ chức các lớp hướng dẫn giáo lý và hôn nhân cho thế hệ trẻ từ tuổi 18 trở lên; nhưng đặc biệt của tập sách nầy nằm trong hai lĩnh vực: 1/ Phật giáo chưa từng xuất hiện sách hoặc lớp hướng dẫn về hạnh phúc gia đình, mặc dù có những kinh điển nói qua vấn đề nầy, quá tổng quát, chưa thích ứng với từng cảnh trạng của từng xã hội biến thái khác nhau hiện nay. 2/ Sách không trực tiếp dạy giáo lý như các lớp “giáo lý và hôn nhân” của các giáo xứ, nhất là giòng Tên; nhưng sách hướng dẫn tháo gỡ nhiều vấn đề mắc mứu liên quan đến tâm lý xã hội và đạo đức nhà Phật.
05/04/2015(Xem: 14015)
Cái Tâm là cái chi chi, có chi chi củng cứ chi chi với Tâm. Theo quan niệm của Phật Giáo, Duy Thức Luận: Tâm thức tạo ra thế giới vạn vật, "tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức" hay "nhất thiết duy tâm sở tạo." Tất cả đều nói lên một ý rằng cả thế giới chúng ta đang sống đều do tâm thức tùy theo nhân duyên mà sanh ra muôn sự, muôn vật rồi cũng tùy theo nhân duyên mà diệt đi. Không có việc gì, vật gì, có thực tướng ngay cả chư pháp, tồn tại vĩnh viễn ngoại trừ Tâm Bồ Đề là vô sinh, vô diệt đó chính là Tâm Phật.
27/03/2015(Xem: 7642)
Hình ảnh tâm như đài gương, như tấm kính sáng… thường được nhắc tới trong Thiền Tông Trung Hoa, Việt Nam và Nhật Bản. Thực sự không phải là những hình ảnh mới do người đời sau sáng tạo nên. Đức Phật đã từng nói như thế. Lời của Đức Phật cô đọng, rất mực cô đọng khi nói tới các hình ảnh này, như dường chỉ nói cho một số ít người và không cần giảỉ thích nhiều.
16/03/2015(Xem: 8654)
Con đường luận pháp nhứt là trực chỉ nhân tâm hay trở về chân nguyên, tức là phải rõ đệ nhất nghĩa các kinh Phật dạy mà hành đúng pháp, là một việc cần liễu tri và tinh thông thành phần và mục đích pháp học mới có thể mở ra lối đi chân chánh giác ngộ niết bàn. Giải thoát khỏi dòng tâm thức vẩn đục (vô minh) để được minh tâm kiến tánh là hướng đi của mọi tu sĩ. Phổ Nguyệt mong mỏi pháp Phật nhiệm mầu được soi sáng bằng tuệ quán của mỗi người chúng ta cố gắng thâm cứu và thực hiện hoàn mỹ hơn đem lại nhiều lợi ích hơn trong việc tu học.
21/01/2015(Xem: 9756)
Nguyên văn emai của một cư sĩ: Con có một thắc mắc bấy lâu không biết hỏi ai, con kính xin Thầy giải thích dùm cho con. Câu hỏi này có liên hệ tới bài kệ cô đọng của Lý Duyên Khởi: "Cái này có, cái kia có Cái này sinh, cái kia sinh Cái này không cái kia không Cái này diệt cái kia diệt" Theo chỗ con hiểu, bài kệ này là công thức rốt ráo tóm tắt sự vận hành của Lý Duyên Khởi. Theo như Thế Tôn nói, nó luôn đúng và cho dù Phật có ra đời hay không có ra đời thì nguyên lý này vẫn đứng vững, không thể nào khác hơn được và không có ngoại lệ.
15/01/2015(Xem: 13016)
Con xin thành kính đảnh lễ và tri ân: -Đức Đạt Lai Lạt Ma,và Hòa Thượng Lhakor cùng Thư Viện Tây Tạng đã hoan hỷ cho phép con được chuyển dịch nguyên tác “The Way to Freedom” từ Anh Ngữ sang Việt Ngữ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]