Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

17. Thái Tử Ajātasattu Hành Thích Vua Cha

04/12/201320:08(Xem: 26251)
17. Thái Tử Ajātasattu Hành Thích Vua Cha
blank

Thái Tử Ajātasattu

Hành Thích Vua Cha


Khi nghe tin đức Phật cho hai vị thượng thủ giáo hội cùng chư đệ tử đi công bố trong thành Rājagaha về hành động chia rẽ tăng của mình, dù không chính thức dùng thuật ngữ trục xuất, cũng nổi bật sự việc là Devadatta bị đuổi khỏi giáo hội tăng đoàn; hay được tin này, ông ta tức giận như điên, như cuồng...

Trước đây đã hơn một năm rồi, Devadatta đến bệ kiến thái tử Ajātasattu để tìm người có quyền lực hậu thuẫn ý đồ mờ ám của mình. Ông đã lòe bịp vị thái tử nhiều dã tâm, nhiều tham vọng nhưng ngây thơ này, bằng cách trổ một vài món pháp lực nho nhỏ.

Nghe hoàng hậu Videhi kể lại với thánh y Jīvaka khi ông sang chữa bệnh cho bà. Bà nói: Một cận sự của thái tử cho biết rằng, hôm đó, tôn giả Devadatta hóa phép một con rắn độc to lớn, dữ tợn quành quanh cổ ông ta với cái lưỡi độc thò ra, làm cho thái tử vô cùng kinh sợ. Quả nhiên, Ajātasattu hoàn toàn khiếp phục bởi pháp thuật của Devadatta nên thái tử đã tình nguyện hỗ trợ đắc lực trong khả năng quyền hạn có sẵn.

Người cận sự còn nghe rõ ràng Devadatta mở lời thuyết phục thái tử như sau:

- Người có chí lớn không câu nệ tiểu tiết cùng những đạo đức nhân nghĩa tầm thường trên thế gian. Trong tương lai, quyền lãnh đạo châu Diêm-phù-đề nầy ở trong tay thái tử và bần đạo. Chỉ có hai chúng ta thôi! Vậy thì thái tử hãy mau mau giết vua cha mà lên ngôi, sau đó, tranh đoạt thiên hạ. Tuy nước Kosala hiện giờ là bá chủ chư hầu nhưng về thực lực kho lẫm và binh bị, Sāvatthi kia không thể bì với Rājagaha của chúng ta được. Vả lại, thái tử có lợi thế, mẹ của thái tử vốn là em gái của đức vua Pāsenadi nước Kosala; chị gái của vua cha vốn là hoàng phi của đức vua Kosala. Vậy ta sẽ có mưu kế nội công, ngoại kích mà kẻ thù sẽ không ngờ tới. Như vậy, phần của thái tử sẽ rất dễ dàng chu toàn đại sự. Còn bần đạo, đầu tiên, bần đạo sẽ giết ông sa-môn Gotama để nắm trong tay quyền lãnh đạo Tăng-già. Như thái tử biết đấy, bần đạo có chút phép mọn thần thông biến hóa, biết việc quá khứ, vị lai; vậy chuyện thành công và vinh quang sau này của chúng ta là sự thật đương nhiên không cần bàn tới nữa.

Thế rồi, do danh vọng tối ám che mờ lương tri, do quá tin tưởng kẻ hoa ngôn, xảo ngữ, thái tử đã có một hành động vô cùng xấu xa, tội lỗi... Tuy việc được giữ kín, đức vua không muốn cho ai hay biết, nhưng hoàng hậu Videhi biết, và rồi thánh y Jīvaka cũng biết. Nên mấy hôm sau, thánh y Jīvaka lại ghé Trúc Lâm, dáng vẻ hối hả tìm gặp đức Phật, và thưa bạch:

- Thái tử Ajātasattu đã hành động soán nghịch thật rồi. Hôm kia, đội quân cấm vệ của đức vua phát giác thái tử lén lút vào cung trong đêm khuya, họ chận lại để lục soát thì tìm thấy một thanh gươm giấu trong áo bào. Quân cấm vệ dẫn thái tử đến gặp vua ở tẩm phòng(1), cùng với thanh gươm và kể lại tự sự.

Đức vua nghiêm khắc hỏi:

- Con có biết mang gươm vào cung, trong đêm khuya là bị tội chém đầu không?

- Tâu phụ vương, con biết.

- Hóa ra con muốn giết phụ vương sao?

- Đúng vậy! Con muốn hành thích phụ vương, vì con muốn làm vua. Con đã lớn tuổi rồi.

Đức vua Bimbisāra lặng người giây lát:

- Muốn làm vua thì ta sẽ để cho con làm vua, cớ sao lại phải giết ta? Chỉ cần con nói ngay một tiếng thì ta sẽ thoái vị, nhường ngôi cho con liền ngay mà!

Thái tử Ajātasattu cúi đầu:

- Con không biết như vậy. Con đã ngu si, dại khờ làm việc bất hiếu, xin phụ vương tha tội cho con!

Quan sát nét mặt của thái tử, vua biết việc này có cái gì khuất tất ở đằng sau nên hỏi tiếp:

- Ai xúi giục con làm việc đại nghịch bất đạo này?

Thái tử nín lặng.

Đức vua bảo quân cấm vệ ra ngoài rồi tra xét thái tử một cách gắt gao, cuối cùng, thái tử mới tiết lộ đấy là Devadatta.

Đức vua cho thái tử hồi cung.

Sau đó, thấy việc hệ trọng nên ngay trong đêm, đức vua cho triệu tập các vị quan lão thần thân tín rồi kể lại cho họ nghe việc soán nghịch của thái tử.

Một vị tâu:

- Phép nước thì phải nghiêm, là phải chém đầu thôi, tâu bệ hạ!

Một vị khác:

- Đồng ý là vậy! Nhưng xét về gốc tội thì phải luận đến kẻ chủ mưu! Thái tử chỉ là kẻ tòng phạm thôi, tâu bệ hạ!

Một vị khác nữa:

- Vậy thì phải giết hết để răn đe. Cả thái tử, cả Devadatta, và cả những ai liên hệ trong âm mưu này nữa, tâu bệ hạ!

Đức vua trầm ngâm, lát sau, ông nói:

- Trẫm không thể xuống tay hay ra lệnh giết con mình dù nó phạm tội không thể dung tha. Còn về Devadatta thì đức Đạo Sư và nhị vị thượng thủ giáo hội đã công bố khắp kinh thành là không còn chịu trách nhiệm gì trước những hành động của ông ta nữa. Dù Devadatta ác độc, đã xúi giục thái tử làm điều vô luân, vô đạo nhưng ông ta cũng đang quàng chiếc y vàng, biểu tượng cho ngọn cờ của bậc thánh hạnh, trẫm không dám đụng đến đâu. Lại nữa, Devadatta còn là anh ruột của vị thánh ni Yasodharā, là anh rể của thái tử Siddhattha trước đây nữa!

Một lão thần biết sự khó xử của đức vua hiền thiện nên góp ý:

- Chỉ có đức Thế Tôn là sáng suốt nhất, sao bệ hạ không đến Trúc Lâm thỉnh thị ý kiến của ngài? Biết đâu sẽ có một giải pháp lưỡng toàn, vừa nghiêm được phép nước vừa không đụng chạm đến Devadatta một cách quá đáng?

Đức vua yên lặng một lát:

- Chuyện này mà được đồn đãi ra ngoài cũng không hay ho gì. Thôi, trẫm và các khanh giấu kín chuyện này đi, coi như không có gì xảy ra. Ngay ngày mai, trẫm sẽ xuống chiếu cho trăm họ hay biết rằng, trẫm sẽ thoái vị và truyền ngôi cho thái tử, thế là yên! Các khanh về đi!

Chư vị lão thần muốn góp ý do không vừa lòng việc truyền ngôi cho thái tử nhưng đức vua đã xua tay, như đã quyết định rồi; họ thở dài, cúi đầu bước ra, lòng ai cũng nặng trĩu.


Đức Phật

Tẩy Chay Lễ Đăng Quang

Khi việc công bố đức vua Bimbisāra thoái vị, sẽ truyền ngôi cho thái tử Ajātasattu và sau đó là lễ đăng quang vương vị vừa được thông tin truyền đi khắp nơi; chỉ mới hai hôm sau là Devadatta đã có mặt tại hoàng cung. Rồi Devadatta lại thầm thì gì đó với thái tử, khi thì thái tử lắc đầu, khi thì thái tử gật đầu có vẻ rất bí mật, thánh y Jīvaka cho cho biết như vậy.

Trước ngày lễ đăng quang, phái đoàn sứ giả của thái tử đến Trúc Lâm mời thỉnh đức Phật, chư đại trưởng lão tham dự - nhưng ngài từ chối, còn nghiêm khắc nói rằng:

- Ở nơi nào có cái gì đó ám muội, ác đức và bất minh thì ở đó, Như Lai và chư đại trưởng lão sẽ không bao giờ bước chân tới, chư vị hãy về nói lại với thái tử như vậy.

Sau đó, đức Phật triệu tập chư vị đại trưởng lão, nói rằng:

- Các ông hãy cho thông tri khắp tất cả mười tám đại tu viện, tịnh xá trong và ngoài kinh đô Rājagaha - rằng là, trong ngày lễ đăng quang của thái tử, không một vị tăng vị ni nào trong giáo hội của Như Lai được phép vào hoàng cung dự lễ. Chúng ta là người xuất gia phạm hạnh, không nên tham dự những công việc triều chính phức tạp với nhiều ý đồ, nhiều tham vọng bất chánh của thế gian.

Và quả đúng như câu nói khá rõ ràng của đức Phật, ngày mai đăng quang thì tối hôm ấy, thái tử cô lập vua cha ở trong một biệt điện với mấy lớp khóa; và bắt bỏ ngục một số quan lão thần khác.

Ngày lễ đăng quang rất huy hoàng và trọng thể. Đèn đuốc, cờ xí, bàn hoa được treo và bày biện khắp nơi, từ thành phố đến cung điện. Devadatta và chúng đệ tử của ông chừng ba bốn trăm vị tỳ-khưu đã phụ giúp việc này việc kia cho thái tử rất nhiệt tình. Nghiễm nhiên, Devadatta bây giờ chưa tự xưng là giáo chủ nhưng rõ ràng là đang đóng vai giáo chủ để hộ pháp cho vương triều!

Hoàng hậu Videhi và thánh y Jīvaka biết rõ việc đức vua bị giam lỏng và các lão thần bị nhốt ngục; họ rất đau lòng nhưng chỉ tâm sự với nhau rất kín đáo, nếu không, Devadatta mà biết thì ông ta cũng xúi thái tử nhốt họ luôn. Khi đã bị mê mờ về danh vọng và quyền lực thì bọn chúng đâu còn nghĩ gì về lẽ hiếu đạo và nhân nghĩa ở đời?

Hoàng hậu nói với vị thánh y:

- Tôi bị cung nữ tay chân của thái tử theo dõi nên không rời đi đâu được. Hay là ngài vì tôi đến gặp đức Thế Tôn, kể lại chuyện đức vua bị cô lập, các lão thần bị nhốt ngục, xem thử đức Tôn Sư có dạy bảo gì không?

Jīvaka nói:

- Lệnh bà hãy yên tâm, chúng ta không cần đi đến Trúc Lâm trong lúc này, nguy hiểm lắm! Hãy ẩn nhẫn cái đã. Đức Tôn Sư đã biết tất cả cái gì xảy ra ở đây, khi ngài từ chối không tham dự.

- Ừ, quả đúng vậy thật!

- Lệnh bà hãy cho người âm thầm lắng nghe những cuộc họp bàn giữa thái tử và Devadatta. Tôi còn sợ bọn người vô lương tri kia nhốt ngục đức vua vĩnh viễn và họ thủ tiêu luôn các vị lão thần đó!

Hoàng hậu Videhi rùng mình ớn lạnh, than dài:

- Ôi! Trời ôi! Chúng đã mất hết nhân tính rồi!

Trong lúc ấy, khi cuộc lễ diễn ra, cả trăm vị quan đương triều, hằng ngàn gia chủ hữu danh, phú hộ, triệu phú; và đại diện cả hằng trăm nhân sĩ, trí thức, đạo sĩ, giáo chủ và các tôn giáo - họ không thấy đức vua cùng các vị lão thần uy tín thì bóng tối hoài nghi chợt phủ mờ trong mắt họ. Lại nữa, tại sao cuộc lễ quan trọng, lớn lao như thế này mà lại vắng mặt đại sa-môn Gotama và chư đệ tử của ngài? Họ đặt câu hỏi và quần chúng cũng đặt câu hỏi? Ngoại trừ một số người muốn ủng hộ tân quốc vương để tìm kiếm danh lợi thì ở lại tham dự, còn đa phần họ tuần tự, lặng lẽ rút lui. Họ bất phục và họ âm thầm chống đối. Và sau khi biết rõ, đức Phật và giáo hội của ngài đã tỏ thái độ bất hợp tác, tẩy chay triều đình mới thì quần chúng, cả trí thức và bình dân đều tỏ ra hả dạ. Từ đây, họ lại còn phân biệt được đâu là giáo đoàn của Devadatta sống trong tà mạng bất chính và đâu là giáo đoàn của đức Phật cùng tăng ni thánh hạnh của ngài.

Sau lễ đăng quang, đức vua Ajātasattu được tay chân báo cáo về sự âm thầm chống đối của dân chúng, họ “hùa theo” ông Gotama thì ông ta rất giận dữ. Tuy nhiên, ông ta còn bình tĩnh để suy nghĩ rằng, tuyệt đối cái ông Phật kia không thể đụng đến được! Đụng đến đức Phật và giáo hội của ngài là đụng đến đức vua Kosala hùng mạnh và cả trăm tiểu quốc châu Diêm-phù-đề này nữa. Chưa nói đến binh lực tất cả các nước hợp quần và sự trừng phạt của họ, mà chỉ cần một lệnh cô lập ngoại giao, cô lập giao thương, kinh tế... là Māgadha đã sống dở, chết dở rồi!

Cho đến lúc này thì quân sư Devadatta cũng bó tay, không còn mưu kế. Ông nghĩ, tất cả đều do ông Gotama mà ra cả. Chỉ có kế thượng sách là giết ông ta mà thôi!


(1)Phòng ngủ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/12/2012(Xem: 5139)
Chủ đề của sách này chính là ‘không’. Nói đơn giản: cái không của A-hàm là xem trọng con đường giải thoát để tu trì. Cái không của Bộ phái dần dần có khuynh hướng bình luận, phân tích về ý nghĩa của pháp. Cái không của Bát-nhã là ‘nghĩa sâu sắc’ của sự thể ngộ. Cái không của Long thọ là là giả danh, tánh không của kinh Bát-nhã, và sự thống nhất trung đạo và duyên khởi của kinh A-hàm.
28/12/2012(Xem: 9056)
Trong bầu không khí trang nghiêm, hòa hợp, thắp sáng niềm tin vào nền giáo dục nhân bản Phật giáo của ngày Hội thảo Giáo dục Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ VI (2007 -2012) của Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương với chuyên đề “Giáo dục Phật giáo Việt Nam định hướng và phát triển”, tôi xin phát biểu một số ý kiến chung quanh vấn đề Giáo dục Phật giáo như sau:
12/12/2012(Xem: 5602)
Như lai tạng (tathāgata-garbha), Như lai giới – Như lai tánh (tathāgata-dhātu), Phật tánh – Phật giới (buddha-dhātu), v.v., đây là một loại danh từ, trên mặt ý nghĩa tuy có sai biệt ít nhiều, nhưng làm tính khả năng để thành Phật, trên phương diệt bổn tánh chẳng phải là hai của chúng sanh và Phật để nói, thì có ý nghĩa nhất trí với nhau. Tại Ấn-độ, sự hưng khởi của thuyết Như lai tạng khoảng vào thế kỷ thứ 3 A.D., từ giai đoạn sơ kỳ Đại thừa tiến vào hậu kỳ Đại thừa Phật giáo.
25/11/2012(Xem: 6182)
Tôi đã trình bày cấu trúc căn bản của đạo lộ Phật giáo căn cứ trên lời giảng về ba chương trọng yếu: Quán mười hai chi duyên khởi, Quán ngã và vô ngã, Quán bốn thánh đế trong Trung Luận của ngài Long Thọ. Bây giờ chúng ta sẽ tiến vào phần thứ hai, làm cách nào đem tất cả các lí hội thông hiểu với cấu trúc này vào công cuộc tu tập Pháp thật sự. Tôi sẽ giảng giải điều này trên căn bản của một bản văn ngắn của ngài Tsong Khapa, “Ba phương diện chính yếu của đạo lộ” (“Three Principal Aspects of the Path”). Ba phương diện mà Ngài Tsongkhapa đề cập trong bản văn của ngài là xuất li siêu việt, tâm bồ đề, và tri kiến đúng về tính không.
22/11/2012(Xem: 13798)
“Lời Cầu nguyện Đức Kim Cương Trì” là tập hợp hai bài giảng riêng biệt của ngài Tai Situpa. - Người dịch: Nguyên Toàn - Hiệu đính: Thanh Liên.
19/11/2012(Xem: 11684)
Người Phật tử, dù là xuất gia hay tại gia đều không thể sống buông thả, phóng dật. Bởi lẽ, chúng ta nhận thức đời người là vốn quý, cuộc sống lại có hạn.
19/11/2012(Xem: 8247)
Nhân minh học là gì? Môn học này của Phật giáo ở phương Tây thường gọi là logic học hay là Luận lý học. Viện sĩ Nga Th.Scherbatsky, trong bản dịch Anh ngữ cuốn "Nyaya bindu" của Luận sư Ấn Ðộ Dharmakirti (Pháp Xứng) cũng dịch đầu đề cuốn sách là "A short treatise of logic" tức "Một bộ luận ngắn về logic".
16/10/2012(Xem: 7489)
Nghiệp (Karma) là một đề tài nghiên cứu lớn của các nhà triết học và tôn giáo Ấn Ðộ, Phật giáo cũng không ngoại lệ. Nó luôn luôn là đề tài thảo luận sôi nổi của con người,con người từ đâu sinh ra và sẽ đi về đâu sau cuộc sống này, là câu hỏi muôn thuở và mãi mãi về sau...
03/10/2012(Xem: 7212)
Tinh túy của đạo Phật là: nếu có khả năng, ta nên giúp đỡ người khác; nếu không thể giúp họ, thì tối thiểu nên hạn chế việc gây hại cho họ. Đây là tinh túy của cách sống một cuộc đời đạo đức. Mỗi một hành động đều bắt nguồn từ một động cơ. Nếu ta phương hại người khác, điều này bắt nguồn từ một động cơ; và nếu ta giúp đỡ người khác, điều ấy cũng bắt nguồn từ một động cơ. Thế nên, để hỗ trợ hay phục vụ người khác, chúng ta cần một động cơ nào đấy. Vì thế, ta cần các khái niệm nào đó.Tại sao ta lại giúp đỡ và không phương hại người khác?
20/09/2012(Xem: 5318)
Chúng ta đang sống ở một thời đại đặc biệt. Phật pháp bây giờ đã được khắp thế giới biết đến. Phật pháp được thực hành ở những vùng đất mới, trong dân chúng với những truyền thống và mối quan tâm khác nhau. Phật pháp đang đóng góp vào một nền văn hóa mới toàn cầu. Điều này thật thú vị và phấn khích. Và là những Phật tử chúng ta có thể hân hoan khi thấy rằng năng lực chữa trị của lời dạy Đức Phật đang được người ta lắng nghe khắp nơi. Nhưng có một mặt khác của việc phát triển này. Việc truyền bá Phật pháp đến một nền văn hóa mới, đặc biệt khi nền văn hóa đó đang gia tăng ưu thế toàn cầu, tạo ra cho Phật giáo những nguy cơ. Tôi xin nói rõ nguy cơ này. Thế giới hiện đại đã phát triển mà không có sự hiểu biết về Pháp (Dharma). Những thực hành, giá trị và quan điểm hiện đại được đặt cơ sở nơi những khái niệm, sự nhận thức và niềm tin mà chúng thường trái ngược với lời dạy của Đức Phật. Đây là nơi nguy cơ tiềm tàng. Nếu những người phương Tây thích ứng với Phật giáo quá nhanh chóng, nhìn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567