Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Dừng tâm sinh diệt

29/11/201309:31(Xem: 23917)
Dừng tâm sinh diệt
DỪNG TÂM SANH DIỆT 

HT. Thích Nhật Quang 
(Thiền Viện Thường Chiếu)

thichnhatquangChúng tôi chọn viết đề tài dừng tâm sanh diệt là nhân có một Phật tử than: Trong đời tu hành của con có một chướng ngại mà con không vượt qua được, đó là những niệm tưởng lăng xăng. Nó quấy rầy luôn, cả những lúc nghỉ ngơi cũng không yên.

Tôi nói: Nếu đạo hữu bắt được những vọng tưởng ấy đem tới đây, tôi quất cho nó mấy roi. Bằng như đạo hữu không bắt được, tôi cũng không biết làm sao hơn. Hòa thượng thường dạy: Vọng tưởng không thật, đừng theo nó thì yên. Ngày xưa một thiền sư Trung Hoa nói với người học trò hỏi đạo thế này: Ma quỷ nào dẫn ông tới đây hỏi đạo?. Ông đệ tử không trả lời được. Thật ra niệm tưởng là gì? Nó là những dấy niệm. Chữ niệm là nhớ nghĩ. Sự nhớ nghĩ thì đa dạng, nó ra sao mình không biết, dài ngắn thế nào không hình dung được. Nó có mặt vào những lúc mình không thích tí nào hết. 

Lúc nghỉ ngơi, ăn uống, tụng niệm, tọa thiền v.v.. nó cứ trào dâng với đủ thứ hình thức, cái còn lại trong chúng ta sau khi nó tới viếng là phiền não. Bởi vì nó tới quấy rầy choáng hết một khoảng thời gian, sự an tĩnh của chúng ta mất hết. Cho nên nghĩ đến công phu tu hành mình không vui. Như người khách mình không thích tiếp, không muốn tới mà họ cứ tới hoài, quý vị sẽ phiền não chứ gì. Mình muốn nói thẳng: Tôi không thích ông nữa. Nhưng có ai mà dám nói thẳng đâu, nên nó xìu xìu ểnh ểnh, chùng chùng, thẳng thẳng, thành ra phiền não, bất ổn.

Cho nên điều mà ở đây chúng ta cần trao đổi là công phu. Chúng ta phải làm sao có được một chút thiền định. Như nghe người nào nói: Sao con cứ bị vọng tưởng quấy rầy hoài, mình biết công phu của vị đó chưa được định. Bây giờ chúng ta phải làm sao để được thiền định? Trong công phu tu hành, nếu mình có thiền định thì trí tuệ phát sinh, bấy giờ vọng tưởng lăng xăng không làm gì được ta. Thật ra chúng tôi cũng còn niệm tưởng, nhưng tôi không quan trọng nó. Nó muốn tới thì tới, muốn đi thì đi, tôi không quan tâm, việc tôi tôi cứ làm. Những lúc nào chúng ta làm chủ được thì nó đứng ngoài cửa ngó thôi, không làm sao động đến ta nổi.

Bây giờ tôi đề nghị quí Phật tử khi vọng tưởng lăng xăng đến mình cứ mặc kệ nó, không phiền, không bận tâm, không nghĩ ngợi gì về nó. Miễn làm sao tâm chúng ta vững, tròn đầy thì tự nhiên vọng tưởng không làm gì được mình. Đó là một cách để chúng ta nuôi dưỡng công phu. Theo lời Phật dạy, người tu thiền mạnh trị vọng tưởng rất dễ. Do sức thiền định của chúng ta yếu nên khó yên ổn, vọng tưởng cứ quấy rầy hoài. Quý vị nghiệm lại xem trong một ngày, sự tu tập của mình cứ loay hoay với ba thứ gì đâu. Cuối cùng chúng ta thấy hôm ấy trôi qua một cách vô lý, mình không làm được gì.

Nghĩ cho cùng không ai bắt chúng ta đi mãi trong luân hồi, mình cũng thừa biết vòng luân hồi luẩn quẩn, lọt vô đó rồi thì cứ loay hoay mãi, không ai gỡ ra được. Đức Phật thị hiện nơi đời chỉ dạy những phương pháp để chúng ta dừng, cắt đứt vòng loay hoay luẩn quẩn đó, nhưng chúng ta làm chưa được. Bởi thực tế hiện tại những niệm tưởng ta chưa dứt được, những lăng xăng dấy niệm vẫn còn. Bây giờ chúng ta phải cố gắng! Nghĩ lại coi ai bắt mình đi trong đó? Tại sao mình đi tu? Thật ra đâu có ai bắt, vọng tưởng cũng không đem dây đem hèo gì tới bắt mình theo nó, tự nhiên mình cứ như vậy. Cuối cùng quả thật vì định tuệ của mình yếu quá, nên chúng ta bị loay hoay như vậy.

Bây giờ tập trung tu hành làm sao để chúng ta có sức mạnh. Sức mạnh bằng trí lực, dũng lực, bằng sự tỉnh táo. Có sức mạnh ấy ta mới trị được những thứ kia. Tu làm sao để không bị luân hồi sanh tử nữa, đừng loay hoay lẩn quẩn nữa, thật là khó ghê lắm. Bởi vì thói quen lăng xăng mình chưa chịu dừng. Nhiều vị nói: Thưa thầy con đến thiền viện là nhất định tu đến chết thôi. Tôi bảo: Tốt! Phải có tinh thần, có tâm mãnh liệt như vậy mới tu được, mới xứng đáng. Nhưng ở trong chùa đâu được mười ngày, lại thưa: Thầy ơi! Ở nhà kêu con về. Hỏi về làm gì? Nói không biết nữa, cứ điện thoại lên kêu con về, nhất định phải có mặt con mới giải quyết được. Đó, cứ như vậy thôi. Lần nầy điện thoại kêu về, lần sau tự dưng tới khoảng đó quí vị tự về.

Ngoài ra còn nhiều thứ khác nữa. Chẳng hạn nhức đầu quá phải đi bác sĩ, hổm rày ăn không được phải đi bác sĩ, hai chân đau phải đi bác sĩ, con mắt lem nhem phải đi bác sĩ v.v.. trăm ngàn thứ việc. Như vậy làm sao tập trung được tỉnh lực để yên tu, đạt được định tuệ. Với cuộc diện này, nhìn chung chúng ta yếu thế hơn vọng tưởng. Nghĩ cũng lạ, phải chi mấy thằng vọng tưởng nó to lớn hay hung tợn mạnh mẽ nên mình ngán mình sợ, đằng này không thấy mặt mày nó ra sao, nhưng nó lôi tới đâu là mình theo tới đó, mà chẳng thể làm gì nổi nó.

Bây giờ đối với vọng tưởng chúng ta phải làm gì? Phải khởi lên một sự quyết tâm, một niệm kiên quyết mình không chơi chung với nó, không chấp nhận nó, nó rủ mình đi mình không đi, có điện thoại tới liền cắt đứt v.v.. như vậy may ra mới có thời gian tu. Tôi nghĩ ngày xưa Bồ tát Sĩ Đạt Ta ở trong khổ hạnh lâm sáu năm, nếu ngài cứ bị triều đình gọi điện thoại về hoài chắc là không thiền định gì được. Không đắc cả những pháp tu của ngoại đạo, hà huống là định tuệ, trí lực của pháp giác ngộ giải thoát. Nhờ Bồ tát Sĩ Đạt Ta kiên quyết một phen qua sông, ngài quyết liệt tăng tiến cho tới thành Phật. Sau khi thành Phật rồi, ở nhà năm lần bảy lượt cho người mời về, chớ không phải gọi bằng điện thoại nha, bấy giờ Phật mới chịu về. Khi về ngài chủ động, chớ không phải bị sắp đặt chỗ này chỗ kia. Đọc lại những đoạn sử này mình thấy thích thú làm sao.

Tin đức Thế Tôn trở về Ca-tỳ-la-vệ, Tịnh Phạn vương và thần dân, hoàng thân quốc thích chuẩn bị một cuộc đón rước thật long trọng. Tuy nhiên Phật không báo trước về lúc nào, đón rước ở đâu, ăn nghỉ ra sao. Triều đình cũng cho người hỏi han tin tức nhưng Phật không nói. Ngài về bất ngờ trong hình ảnh một vị khất sĩ hướng dẫn tăng đoàn đi khất thực từng nhà. Thành ra sự chuẩn bị linh đình của triều đình không dính dáng gì tới Thế Tôn cả. Ngài dẫn đệ tử đi khất thực, khất thực đầy bát rồi về, cứ cơm sẵn đó mà dùng đúng như pháp.

Hình ảnh này cho chúng ta một bài học thật quí báu. Chúng ta đi đâu sắp về là điện thoại báo "Trưa nay nấu cơm nha, thầy đi với mấy chục Phật tử nữa đó. Ra chợ coi cái gì ngon mua về nấu". Do vậy ở nhà phải tính toán đúng giờ, tất bật chuẩn bị đủ thứ. Thấy như bình thường nhưng rõ ràng mình mất chủ động. Đáng lẽ trên đường mình tự do, muốn đi thì đi, muốn ngừng thì ngừng, chừng nào về tới thì tới, không quan trọng việc đặt định ở nhà phải cơm nước, như vậy khoẻ hơn không. Mình đi đứng tự tại, nói làm tự tại, không bị lệ thuộc bởi điều gì cả. Đàng này dính mắc cơ sở, sự sắp đặt... đủ thứ. Nghiệm từ những việc nhỏ rồi tới những việc lớn, sự tu hành vì thế khó giải thoát quá. Rất khó, chớ không phải đơn giản.

Ngày về của đức Thế Tôn ở cung thành Ca-tỳ-la-vệ, bao nhiêu người trọng vọng, đón rước, cả vua Tịnh Phạn cũng thế. Nhưng Thế Tôn thực hành đúng theo nghi luật của một đức Phật. Ngài không để sự thân thương của gia đình, tổ quốc làm trở ngại phép ứng xử của một đức Phật. Người tu chúng ta bây giờ không khéo còn dính mắc hơn ai hết. Như từ đây tôi về Đà Lạt thăm Hòa thượng, vừa tính đi thì mấy chú thị giả biết, liền điện thoại lên Trúc Lâm báo: Bữa nay thầy về đó nha, khoảng mấy giờ đó là tới. Mỗi lần thông tin như vậy, có khi Hòa thượng lo. Ngài trông Ủa! Nghe nói chú đi hồi sáng mà tới chiều mới tới, xe có sao không, đi gặp chuyện gì không... Quý vị thấy, những vướng mắc của mình ảnh hưởng đến chung quanh. Cho nên chúng ta cố gắng làm sao gói gọn lại, tháo gở lần ra, để cho hơi thở, cho sự sống của mình được tự do tự tại một chút.

Bây giờ chúng ta phải định vị lại, định vị cái gì? Định vị chúng ta là một chúng sanh còn trong luân hồi sanh tử hay đã giác ngộ giải thoát? Nghe thầy dạy tất cả chúng sanh đều có tánh giác, ta phải sống được với tánh giác thì mới tự tại, mới giác ngộ giải thoát. Nhưng bây giờ chúng ta biết được tánh giác ấy chưa, sống được với nó chưa, hay chỉ nghe và nói qua danh từ? Với người tu, tôi nghĩ mình phải biết mình. Người xưa dạy chúng ta phải phản quan, phải biết mình như thế nào. Tôi nghĩ trong công phu, sự tỉnh giác mạnh mẽ và sự khiêm cung trên bước đường tu tập sẽ giúp cho hành giả đẩy lùi vọng tưởng một cách có hiệu quả.

Hòa thượng thường động viên chư tăng: Mấy chú phải tỉnh, nghe tiếng kiểng liền ngồi dậy, cuốn mùng liền, dù muỗi mòng gì cũng cuốn lại. Rửa mặt rồi đi tới đi lui, hít thở. Nếu thấy hơi lừ nhừ, uống thêm vài hớp trà rồi đi ngồi thiền. Trong những thời điểm mình thấy mắt không muốn mở ra, chân không muốn đứng lên, dậy cứ ngồi đó không chịu rửa mặt, nếu mình chìu theo nó, thì nó dẫn đi đâu? À, ngồi đó một chút là ngã ra, nằm xuống. Nằm xuống rồi không biết gì nữa. Tới chừng giựt mình thức dậy nghe đâu năm giờ, người ta xả thiền rồi. Như vậy suốt hai tiếng đồng hồ, mình ở trong si mê, tăm tối. Cho nên thiền sư nói hôn trầm là ma quỷ, quả đúng như vậy. Mình đâu biết gì nữa, nó dẫn đi tuốt luốt không hay. Cũng tại tâm không quyết liệt, xìu xìu ểnh ểnh mà ra nông nổi ấy.

Nếu chúng ta cố gắng, mãnh tỉnh một chút thì sẽ vươn lên, vượt qua những trạng thái đó. Nghiệp tập chúng ta vốn sâu dày mà công đức cạn mỏng, nếu không cố gắng làm sao tu được. Các thiền sư thường nhắc: Ông đợi tới chừng nào mới kết thúc sanh tử? Lúc còn tỉnh táo, có thể kiên quyết, có thể lập định thế này thế khác thì phải cố gắng thực hiện cho bằng được. Chớ đợi tới khi không làm chủ nổi thân này, đầu óc mù mờ, thân thể mệt mỏi thì đâu có tu được nữa. Cho nên chúng ta phải định vị để cố gắng vươn lên, nhất định chúng ta phải thoát ra khỏi con đường trầm luân sanh tử .

Bồ tát Sĩ Đạt Ta khi ngài khổ hạnh triệt để, thân thể gầy còm, không thể tưởng tượng nổi. Trong sách diễn tả, hai ánh mắt của ngài sâu hóm như đáy giếng. Thân chỉ còn một chuỗi xương sống thôi, ngài biết con đường tìm đạo của mình trước đây chưa rốt ráo, chưa viên mãn. Do vậy ngài kiên tâm quyết chí phải đi cho tới viên mãn. Từ đó ngài nhận bát sữa của nàng mục nữ và đi tới dưới cội Bồ-đề, trải cỏ ngồi với một lời thề kiên quyết: Dù thịt nát xương tan, nếu chưa đạt được đạo quả vô thượng thì ta nhất định không rời khỏi chỗ ngồi này. Phải ý chí lẫm liệt như vậy mới có một ngày mai giác ngộ rực rỡ. Chúng ta ngược lại, cứ chấp nhận ngã xuống rồi ngáy lên, tới chừng trời rực sáng là đã năm giờ. Bửa nào rũi ro như vậy, sáng mai nghe đánh bảng ăn cơm, mình tự thấy xấu hỗ làm sao, thấy không xứng đáng tí nào hết. Anh em dậy tu, người nấu cơm chịu nóng, chịu lạnh, dọn lên cực khổ, bây giờ nghe bản mình lên ăn tỉnh bơ. Ngày nào cũng như vậy thì biết thành cái gì?

Đối với tâm sanh diệt, nếu chúng ta dứt được thì làm chủ vấn đề sanh tử. Thật ra chỗ này rất khó nói. Khi Hòa thượng giảng, có người hỏi: Người tu Tịnh độ, lúc lâm chung niệm Phật A Di Đà thì được Phật rước, mình tu thiền tới lúc lâm chung ai rước? Các thiền sư nói đó là lúc tự tại chọn đường mà đi, chứ không ai rước hết. Chỗ nào chúng sanh cần đến độ thì tới độ. Tới như một sứ giả chứ không phải bị nghiệp dẫn. Rõ ràng như vậy, khi niệm lăng xăng dứt được thì sanh tử dứt được. Đi đứng nằm ngồi trong mọi giờ giấc kiểm nghiệm, mình thấy niệm lăng xăng chưa dứt, thì biết vòng luân hồi chưa thể dứt.

Chúng ta muốn dứt niệm lăng xăng khó hay dễ? Rất dễ cũng rất khó. Đừng chạy theo nó thì dễ, còn chạy theo nó thì khó. Hoà thượng dạy chúng ta phải chủ động, đừng để nó chủ động mình, phiền lắm. Chúng ta đều biết vòng luân hồi sanh tử nếu không dừng được thì chúng ta còn khổ. Biết sẽ khổ mà cứ lao tới, đó là người không có trí tuệ. Các thiền sư nói khổ lại thêm khổ. Thành thử bây giờ phải làm sao dừng được lăng xăng. Nghiệm lại quá trình tu tập, đối với những dấy niệm chúng ta còn nhiều hay ít thì đoán được kết quả của mình. Từ đó cố gắng, chứ khỏi cần trông cậy vào ai.

Có một đệ tử đến hỏi thiền sư: Thưa thầy con có Phật tánh không? Thiền sư đáp: Không có. Vị đệ tử ngạc nhiên hỏi lại: Tại sao Phật bảo tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, mà thầy lại nói con chó không có Phật tánh? Thiền sư đáp: Tại vì có mà không dám nhận thì cũng như không có. Quý vị thấy phải vậy không? Mình biết dễ mà tu không được kể như khó chớ gì. Dễ mà khó. Khó nhưng rất dễ. Đây là chỗ ách yếu trong công phu tu hành của chúng ta.

Trong cuộc sống hiện tại, nếu chúng ta không chỉnh đốn công phu, cứ để ngày qua ngày, trôi theo các sự duyên, trong tâm luôn dấy niệm loạn tưởng, thì làm sao tự chủ để đi con đường mình chọn. Thiền sư thì phải làm chủ, không bị nghiep dẫn. Nghiệp là cái gì? Nghiệp là năng lực tạo tác từ thân khẩu ý. Thân làm gì, miệng nói gì, ý nghĩ gì, các thao tác ấy tạo thành năng lực, năng lực đó hình thành nghiệp lực. Nghiệp lực dẫn mình đi thọ báo. Ví dụ chúng ta hay nói lời gì, làm gì, lâu dần thành quen, nó dẫn mình đi theo hướng đó. Rồi ý nghĩ, như xưa nay mình chuyên môn nghĩ xấu thiên hạ, thì ý nghĩ ấy tạo thành năng lực, đẩy mình đi tới chỗ hễ nghĩ là nghĩ xấu thiên hạ.

Người tu phải chủ động ba nghiệp thân, khẩu, ý. Đó là cách chúng ta khống chế năng lực xấu. Được thế ta mới tự tại, còn không khống chế nó, không có năng lực gì hết thì đâu thể tự tại. Nếu muốn trước giờ phút lâm chung tự tại chọn đường đi thì ngay đây ta phải tự tại. Bây giờ mình chưa tự tại nên ngồi nghĩ một hồi thì toát mồ hôi lạnh. Thiền định chưa vững, thầy dạy phải tỉnh mình cũng chưa tỉnh, xìu xìu ểnh ểnh, buổi khuya ai nấy đều dậy ngồi thiền còn mình nằm ngủ. Thói quen xấu chưa dừng được tức là còn bị nghiệp lôi.

Chư huynh đệ nhớ, khi thấy tay chân quờ quạng, hơi thở yếu, ta không còn chủ động được là biết lúc này mình sắp từ giã. Đừng sợ, đừng hoảng hốt thì mới không đi vào các đường dữ. Bằng ngược lại, nghiệp lực sẽ dẫn chúng ta thọ sanh ở những nơi tương ưng. Trong kinh nói rằng người vừa nhắm mắt, tự nhiên thấy trời nổi sấm sét, rồi tiếng hú, tiếng gầm của cọp beo thật ghê gớm, đương sự mất tự chủ. Bấy giờ bên cạnh không có đệ tử, cũng không thân thuộc, không có cha mẹ, hoảng quá rồi chạy lẩn quẩn. Thấy có lùm tre gai nào đó liền tới núp cho cọp beo đừng xơi. Nhưng vừa núp vô, mở mắt ra thấy mang lông đội sừng, chuyển sang đời khác. Nghiệp dẫn chúng ta đi chớp nhoáng như vậy. Nguy hiểm ghê chớ đâu phải chuyện đơn giản. Do vậy cần phải định vị kiểm thấy mình chưa sáng, còn nghiệp nào xấu nhiều thì phải lo tu sửa, đừng để tới lúc sắp lâm chung, không thể tu kịp nữa.

Huynh đệ nghĩ rằng, khi mình lâm chung có những bậc thầy, những huynh đệ đến nói lời khai thị, nếu như thế thì tốt. Giả như không có thì sao? Cho nên ngay trong khi sống, mình luôn nhớ những lời khai thị thì mới đảm bảo lúc lâm chung an ổn. Thầy tổ chúng ta thường dạy, người tu phải quan tâm vào việc chính của mình, không để dính mắc chuyện bên ngoài. Có ông thầy nào dạy đệ tử tu thì cứ tu, nhưng chuyện làm ăn lỗ lã của ai con phải biết dùm không? Không có. Chẳng có thầy nào dạy kỳ vậy. Chỗ này chúng ta chính chắn nghiệm lại, xem mình có làm đúng lời thầy dạy chưa, hay mình còn quan tâm nhiều thứ bên ngoài? Thi dụ chiều chiều ra ngồi gốc Bồ-đề, thấy xe chạy rần rần, thiệt là sảng sốt. Rồi nghĩ, không biết mấy anh em chạy tới đâu, có chuyện gì không? 

Nghĩ rồi tưởng tượng, vẽ thêm sự việc. Có một người trong nhóm năm bảy huynh đệ nói chuyện xe đụng ở bên tây bên tàu gì đó. Chuyện vừa dứt thì chuyện xe đụng ở Sài Gòn hay Vũng Tàu được kế tiếp. Hết Sài Gòn, Vũng Tàu tới các tỉnh miền nam rồi miền bắc. Tự nhiên buổi chiều hôm đó xe đụng tùm lum hết. Cuối cùng đứng dậây ngơ ngác, vọng tưởng dẫn cả đám đi nhà thương. Việc người ta chạy báng mạng ngoài đường có dính dáng gì tới mình đâu, mà suốt buổi chiều xúm nhau, cấm đầu vô đó mà tưởng tượng, mà nói thôi là nói. Đó là gì? Là điên đảo vọng tưởng, là không soi xét lại chính mình mà chiếu lộn ra bên ngoài. Thành ra tầm bậy, khiến cho ba nghiệp không thanh tịnh.

Là người tu, chúng ta phải quan tâm vào việc của chính mình ngay bây giờ. Ta đang ngồi đây, làm gì? Đang ngồi tự tại, không làm gì hết. Nhớ luôn quan tâm như vậy, không để niệm lăng xăng phóng ra, thì mới làm chủ được. Còn nếu ngồi đó mà nói chuyện năm trên năm dưới thì tu không biết chừng nào cho xong. Đó là ta không chiếu cố, không chủ động, không xoay lại, không quan tâm chính mình. Việc làm của chúng ta là vừa nghĩ tới chợ Phước Thái liền chặt, nghĩ Sài Gòn chặt, nghĩ Vũng Tàu chặt, nghĩ Đà Lạt cúp luôn. Như vậy mình mới yên. Nếu chúng ta chỉ chuyên tâm chiếu cố việc của mình, đừng chạy ra ngoài, thì ngay đó trí tuệ rực sáng, mình có thể dừng bớt vọng tưởng dễ dàng.

Bây giờ chúng ta có thể đoán biết tại sao mình nhiều vọng tưởng? Tại vì mình cứ nghĩ ngợi, cứ lo ra hoài. Bộ phận đầu não cứ lao lư hoài, từ đó hình thành những dấy niệm, vọng tưởng thế này thế khác. Bây giờ làm sao đừng để như vậy nữa. Đó là điều rất khó nhưng không phải là không làm ???c, nếu chúng ta chịu làm. Hoà thượng dạy niệm vừa dấy lên liền biết, thì cái biết đó là chân tâm. Ngài chỉ thẳng như vậy cho chúng ta tu, nhưng nếu huynh đệ không chịu thực hiện, cứ xìu xìu thì tới lúc bỏ thân này chúng ta sẽ quờ quạn. Cho nên bây giờ phải hạ quyết tâm nỗ lực tu hành.

Chúng ta biết rằng mình đã lang thang trong luân hồi sanh tử nhiều đời kiếp rồi, bây giờ là lúc phải dừng. Biết luân hồi sanh tử khổ, đã nếm cái khổ đó nhiều rồi, bây giờ phải tự ý thức, tự dừng, tự mình làm chủ, đừng để nó kéo lôi lang thang nữa. Như hôm nay, huynh đệ chúng ta đang ngồi lắng nghe cách hành trì tu tập để được tự tại đối với các pháp, không bị luân hồi sanh tử nữa. Đó là một bước tiến. Do đó chúng ta biết cách dừng, biết sợ luân hồi sanh tử thì kết quả sẽ bớt trôi lăn. Như Phật nói: Người tại gia bị gia duyên ràng buộc như gông cùm, biết như vậy rồi quí vị không để cho những thứ đó bận bịu mình nữa. Đó là một cách vươn lên, vùng lên để được giải thoát.

Đã có cách rồi, bây giờ chúng ta phải gì? Phải nỗ lực, phải tinh cần. Vọng tưởng không có hình tướng gì hết, nhưng nó có sự hấp dẫn, vì vậy mình dễ lao theo. Bây giờ ta phải giành quyền làm chủ. Làm chủ ban ngày, làm chủ ban đêm, làm chủ luôn cả trong giấc ngủ và tất cả các sinh hoạt của mình. Dĩ nhiên thời gian đầu chưa quen ta bị rối loạn, không được như ý, nhưng không nản chí cứ tiếp tục thực hành như thế, dần dần ta sẽ làm được. Trước tiên chúng ta dừng được một số niệm tưởng lăng xăng, từ từ hạ quyết tâm phải chiến thắng toàn bộ bọn chúng.

Thiền sư Phù Dung thường nhắc nhở: Các ông đi trong luân hồi sanh tử đã nhiều lần, bây giờ cố gắng ngay trong đời này phải giải quyết cho xong, đừng đi theo lối mòn đó nữa, chỉ toàn khổ ách mà thôi. Biết khổ thì đừng lao tới, phải dừng, phải tự khắc phục lấy. Các ông hạ thủ công phu giống như người trồng hoa trên đá. Chúng ta luôn quan tâm, xét lại việc bổn phận của mình, dù khó khăn bao nhiêu cũng cố gắng, nhất định sẽ thành công. Tóm lại, làm sao dứt được luân hồi sanh tử, đó là điều cốt yếu nhất của người tu.

Muốn dứt luân hồi sanh tử phải làm chủ được những dấy niệm, đừng để nó chi phối mình. Làm chủ cách nào đây? Quí vị sắp đặt trong nhà có tấm bảng nhỏ, trên đó ghi rõ năm giờ sáng thức dậy ngồi thiền, sáu giờ ăn cơm, bảy giờ làm việc, mười một giờ nghỉ... sắp cho tới năm giờ chiều. Đã ghi trên đó thế nào thì làm y như vậy. được thế là tập trung, là có sức mạnh. Chúng ta muốn tu đạt kết quả tốt thì phải đủ bản lĩnh giải quyết việc của mình, không để lơ lững nữa. Ví dụ năm giờ là giờ tọa thiền, gần năm giờ có bà bạn điện thoại tới nói: Chị ơi! Bữa nay mình đi chơi chỗ này vui lắm. Nếu quý vị có quyết tâm trong việc tu hành, sẽ trả lời: Cảm ơn chị, năm giờ em có việc. Cắt một cái rụp, khỏi giải thích gì hết. Làm được như vậy nhất định quý vị có sức mạnh, nhất định sẽ thành công.

Việc tu hành hằng ngày phải cương quyết đối với các dấy niệm, các vọng tưởng. Chúng ta cố gắng chủ trì nó, đừng để nó dẫn mình đi. Trong những việc đời thường, ta làm một cách an ổn, không để phiền não len vô, đó là sự định tỉnh thường nhật. Sự định tỉnh nếu được thực tập thường xuyên sẽ có sức mạnh phi thường. Như khi chúng ta ngồi thiền được định, đó là chuyện dĩ nhiên. Nhưng xả thiền ra mình còn định hay không, mới là chuyện đáng nói. Người có sức định tỉnh sâu, trí tuệ sáng suốt, thấy rõ các sự kiện trước mắt trong mọi thời điểm, mọi sinh hoạt. Đó mới là nội lực chắc thực.

Hành giả tu thiền không được ai đón như hành giả tu Tịnh độ, thì mình phải tự tại mà đi. Nếu không, khi thấy mưa, gió, sấm chớp, tiếng la hét, kêu thương của người thân v.v… làm mình không yên. Những thứ đó sẽ kéo lôi mình vào các đường xấu. Như vị nào trước phút lâm chung mà sân thì đi vào cõi ngạ quỷ. Thường thường khi gần chết, người ta nhớ lại đủ thứ chuyện cũ. Có người nhớ lại rồi sân, hoặc thân thể đau nhức quá cũng sân. Nhiều người đau quá không thể niệm Phật mà kêu trời, vì họ không làm chủ được thân đau nhức. Chúng ta đôi khi cũng vậy, vì hằng ngày không quen làm chủ nên tới lúc hấp hối, cận tử nghiệp quay mình. Bây giờ phương pháp tu hành chúng ta đã nắm, chỉ còn tích cực gầy dựng năng lực trong công phu, để đảm bảo có thể chủ động được trước phút lâm chung. Lúc này phải có sức mạnh mới cắt được dòng cận tử nghiệp.

Các thiền sư Việt Nam luôn dạy chúng ta phản quan tự kỷ, đó là việc bổn phận của mình. Xem xét lại chính mình, không lao ra ngoài. Không lao ra là một phương pháp chắc thực để chúng ta đừng bị các duyên bên ngoài dẫn đi, như thế mới an ổn. Chính mỗi người nghiệm xem coi mình làm chủ được chưa, rồi những huynh đệ chung quanh có làm chủ được không? Trong huynh đệ chúng ta có người làm chủ được, đó là tin vui, giúp mình tin tưởng rồi tất cả sẽ làm chủ được hết. Chúng ta tu thiền, Tổ bảo phải được định, có trí tuệ, chúng ta cố gắng tu như vậy. Chớ biểu được định, chúng ta không định, không định làm sao có tuệ, mà không có định tuệ thì đâu làm chủ được.

Trong số các Phật tử đây, có nhiều vị đâu phải mới đi chùa ngày hôm nay. Tôi biết quý vị đã đi chùa nhiều năm tháng rồi, đã học Phật, đã có tâm tu hành mong cầu giác ngộ giải thoát, nhưng tại sao không được kết quả tốt. Đó là vấn đề quí vị phải suy nghĩ. Các thiền sư nói: Mỗi chúng ta đều có chân tâm, có bản lai diện mục, có Phật tính. Phật tính là gì? Là chất Phật thật. Có sẵn tánh Phật chúng ta mới tu thành Phật được. Nếu không có tánh Phật mình tu không thành Phật đâu. Chúng ta có sẵn nhưng vì bỏ quên, ngược xuôi theo trần cảnh bên ngoài nên lắm lem. Bây giờ cố gắng xoay về, nhận lại tánh Phật ấy thì hết khổ, hết lang thang trôi dạt trong sáu nẻo luân hồi. Đó là chúng ta biết tu.

Thiền sư Hoàng Bá có lời răn nhắc thế này:

Muốn thoát trần lao việc phi thường, 
Đầu dây nắm chặt giữ lập trường, 
Nếu chẳng một phen xương lạnh buốt, 
Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương.

Mình phải là người gìn giữ lập trường. Bởi vì muốn tu, muốn được hết khổ, được giải thoát thì phải giữ vững lập trường. Nhưng chỉ giữ vững lập trường không đủ chưa? Chưa. Ví chẳng một phen xương lạnh buốt, nghĩa là nếu chúng ta không có công phu, không có sự gắng gổ, thì không thể nào giác ngộ. Câu chót ngài nói: Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương, tức là không có công phu chắc thực thì trí tuệ không sáng suốt, không nhận ra được tánh Phật sẵn có nơi mình.

Trên đường tu, chư huynh đệ chúng ta hữu duyên kết được chủng Phật và ít nhiều gì chúng ta đã có một quá trình tu tập. Ngày hôm nay mình nhận ra lẽ chân ngụy là đã khá lắm rồi, bây giờ chỉ cần cương quyết lên, nỗ lực công phu thấu xương thấu tuỷ thì lo gì không có ngày đạt đạo. Kính chúc toàn thể chư huynh đệ dừng được tâm sanh diệt của mình, để rồi tất cả chúng ta tích cực bảo vệ sự tu tập của mình đạt được kết quả viên mãn, vĩnh viễn an vui, tự tại.

Nguon: thuongchieu.net
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/11/2017(Xem: 11200)
Tứ Diệu Đế, 3 Chuyển 12 Hành ------------------------------------------------- Thich-Nu-Hang-Nhu Thích Nữ Hằng Như NGUỒN GỐC Dựa theo "Tiến Trình Tu Chứng và Thành Đạo của Đức Phật", chúng ta biết rằng sau khi Đức Phật từ bỏ pháp tu từ hai vị đạo sĩ Alàra Kàlama và Uddaka Ramàputta đã dạy Ngài bốn tầng Định Yoga là: "Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ", đồng thời từ bỏ luôn pháp tu khổ hạnh kéo dài 6 năm, là một pháp tu đã khiến Ngài suýt mất mạng mà không đạt được thượng trí và Niết Bàn. Sau đó Đức Phật tự chọn pháp Thở để tu tập.
21/11/2017(Xem: 11418)
Từ Kinh Phật Sơ Thời Đến Thiền Đốn Ngộ Giới Thiệu Tác Phẩm “Thiền Tông Qua Bờ Kia” Của Cư Sĩ Nguyên Giác--Trong tác phẩm mới xuất bản “Thiền Tông Qua Bờ Kia” tác giả Cư Sĩ Nguyên Giác kể chuyện buổi đầu ông học Thiền với Hòa Thượng Bổn Sư Thích Tịch Chiếu ở Chùa Tây Tạng tại Tỉnh Bình Dương, Việt Nam như sau: “Tôi nhớ lại buổi đầu gặp Hòa Thượng Tịch Chiếu, hỏi Thầy rằng con nên tập Thiền thế nào, Thầy nói rằng, “Phải Thấy Tánh đã.” Lúc đó, Thầy bảo đứa em kế tôi phải niệm Phật sáng trưa chiều tối, và quay sang đứa em gái kế sau nữa của tôi, bảo nhỏ này là con hãy về đọc bài Bát Nhã Tâm Kinh tối ngày sáng đêm. Tôi hỏi, rồi con cần niệm hay đọc gì hay không, Thầy đáp, con không có một pháp nào hết.”[1]
19/11/2017(Xem: 5829)
Chris Impey là Phó Khoa Trưởng của Đại Học Khoa Học, và là một Giáo Sư Xuất Chúng của Khoa Thiên Văn Học thuộc Đại học Arizona (Hoa Kỳ). Công trình nghiên cứu của ông đặt trọng tâm vào việc phát triển và cung cấp năng lượng của những lỗ đen khổng lồ trong các thiên hà.Ông đã viết hai cuốn sách giáo khoa, một tiểu thuyết, tám cuốn sách khoa học phổ thông, và hơn 250 bài nghiên cứu và bài báo.Khiêm Tốn TrướcHư Không(Humble Before the Void ), một cuốn sách dựa trên những khóa hội thảo được mô tả trong bài báo này, do Templeton Press xuất bản năm 2014
01/11/2017(Xem: 10529)
Long Thọ hay Long Thụ (Nāgārjuna) không phải chỉ là tổ của tông Trung Quán (Madhyamika),[1] trong lịch sử phát triển Phật giáo ngài được coi là vị Phật thứ hai sau Đức Thế Tôn[2] nên trong các hình tượng bồ tát chỉ có tượng của ngài duy nhất được tạc vẽ với nhục kế (uṣṇīṣa), vốn tượng trưng cho trí tuệ viên mãn như hình tượng Đức Phật chúng ta thường thấy. Truyền thống Phật giáo xuy tôn ngài là người thành lập Phật giáo Đại thừa không phải vì theo truyền thuyết nói rằng ngài đã mang kinh điển Đại thừa từ Long Cung về phổ biến mà vì ảnh hưởng thật sự tư tưởng của ngài trong các tông môn. Cho đến ngày nay, tám tông môn Phật giáo lớn từ Thiền đến Mật của Trung Hoa Triều Tiên Nhật Bản Tây Tạng Mông Cổ nhận ngài là tổ đều truyền bá đến Việt Nam từ lâu. Ở nhiều nước như Tây Tạng, Nepan, Mông Cổ chùa viện tư gia còn đắp tượng vẽ hình thờ phượng ngài như Đức Phật. Ngay tại Ấn Độ, đất nước đã tiêu diệt Phật giáo, người ta vẫn còn tiếp tục hãnh diện phổ biến các nghiên cứu về ngài và tôn kính ng
25/08/2017(Xem: 23267)
Bản Giác (sách pdf) tác giả: Tiến sĩ Lâm Như Tạng
21/06/2017(Xem: 8508)
* Trong vũ trụ có trùng trùng thế giới. Toàn Giác là bậc câu thông cùng vũ trụ, họ cùng một thể tánh với vũ trụ, thấu suốt quy luật vận hành của vũ trụ rồi “truyền thần” lại sự thấy biết đó. Để thấy rằng Đức Bổn sư không sáng tạo ra vũ trụ, không chế định ra luật nhân quả luân hồi, mà vũ trụ vốn sống động từ vô thỉ dù Phật có ra đời hay không.
25/04/2017(Xem: 9650)
Đức Phật đôi khi có đề cập tới tính chất và các thành phần của vũ trụ. Theo Ngài, có nhiều hình thức đời sống hiện hữu ở các nơi khác trong vũ trụ. Với đà tiến bộ nhanh chóng của khoa học ngày nay, có lẽ không bao lâu nữa chúng ta sẽ khám phá ra các loài sinh vật khác đang sống ở các hành tinh xa nhất trong dãi thiên hà của chúng ta. Có thể các chúng sanh nầy sống trong những điều kiện và qui luật vật chất khác, hay giống như chúng ta. Họ có thể hoàn toàn khác chúng ta về hình thể, thành phần và cấu tạo hoá học
24/04/2017(Xem: 10356)
Lời giới thiệu: Chúng tôi viết quyển sách này với mong muốn được trình bày theo cái hiểu và suy nghĩ của riêng mình. Kính mong rằng các bậc cao Tăng thạc đức niềm tình tha thứ nếu có chỗ nào sai xót. Chúng con hàng hậu học, vừa học, vừa tu vừa hướng dẫn lấy Kinh luật luận làm nền tảng. Trước tiên, chúng ta cần phải hiểu biết rõ ràng về Phật giáo và ứng dụng lời Phật dạy trong đời sống hằng ngày. Chuyển nghiệp là quá trình nỗ lực làm cho phàm tính trong con người trở thành Thánh tính của bậc hiền.
18/04/2017(Xem: 8195)
Hai năm về trước, ngẫu nhiên đọc được bài diễn văn ‘Giá Trị của Khoa Học’ (The Value of Science) bởi Dr. Richard Feynman, Mùa Thu, 1955, (in Volume XIX, ENGINEERING AND SCIENCE, December 1955) rất nổi danh ở trên internet nhưng lúc đó tôi chưa đủ trình độ để hiểu nổi cái trí tuệ thậm thâm viên diệu của ông ta dù lúc đó tôi cảm thấy rất hấp dẫn.
18/04/2017(Xem: 7193)
Bài viết này được trình bày qua công trình nghiên cứu, suy luận, tham khảo, sáng tác và phóng dịch từ những nguồn gốc tài liệu giá trị bởi những khối óc vĩ đại của các khoa học gia Tây Phương cũng như của những cao tăng và những thiện tri thức, đã được tôi tư duy hóa, đồng cảm hóa, và Phật Giáo hóa để chứng minh vài công án nan giải của khoa học. Nó được xem như là một phương tiện trí tuệ của Phật Thừa để giải thích những gì khoa học hiện đại chưa thể vượt qua được.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]