Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

VI. Lời hay ý đẹp

12/03/201102:44(Xem: 5232)
VI. Lời hay ý đẹp

TRIẾT LÝ NHÀ PHẬT
Đoàn Trung Còn biên soạn, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

VI. Lời hay ý đẹp

Những tư tưởng sau đây là của Đại sư Lạt-ma Dagpo Lha Dijé, Tổ sư thứ ba của Tây Tạng. Ngài là tác giả nhiều quyển sách về triết lý và đạo đức. Ngài thường dùng tư tưởng này mà răn dạy đệ tử. Về sau, các vị đệ tử ghi nhớ rồi truyền rộng ra khắp nơi. Nhiều người lại ghi chép thành sách để lưu truyền. Lời văn giản dị mà sâu sắc, có thể làm cho người đọc khắc ghi vào tâm trí.

Bà Alexandra David-Néel, người Pháp, có dịp sang Tây Tạng gặp được sách này, liền dịch ra Pháp văn. Soạn giả căn cứ vào bản Pháp văn này mà dịch lại sang Việt văn.






Đã được sanh ra làm người, lại lãng phí đời người để làm những việc vô lý, phá hại, hoặc sống một cách tầm thường rồi chết, ấy chẳng là đáng tiếc lắm sao?



Đời người đã ngắn, mình lại còn đắm chìm trong sự tham lam, đem tri thức mà chôn dưới bùn nhơ của cõi huyễn ảo này, ấy chẳng là đáng tiếc lắm sao?



Một vị thầy hiền đức có thể độ cho mình giải thoát, nhưng nếu tâm chưa sáng suốt mà đã vội xa rời thầy, thì đáng tiếc lắm.



Đức hạnh và khát vọng cầu đạo là cỗ xe đưa ta đến giải thoát, nhưng nếu để cho phiền não phá nát đức hạnh và hủy hoại tấm lòng cầu đạo kia thì thật đáng tiếc.



Tâm ta đã sáng suốt mà lại tự vùi lấp bởi những hành động thấp hèn, làm cho phải lu mờ đi thì thật đáng tiếc lắm.



Đã đạt được đạo cao thượng của chư Phật, mà lại vì sự nuôi thân hay vì một mối lợi hèn, đành đem bán cho những phường không biết giá trị của đạo lý, ấy chẳng là đáng tiếc lắm sao?



Tất cả các chúng sanh đều là thân quyến của ta, phải lấy nghĩa vụ mà cư xử, nếu ta lại lạnh nhạt hay để tâm oán ghét thì thật đáng tiếc lắm.



Nên tìm thầy thông minh trí huệ, thông hiểu đạo pháp và có lòng từ.



Nên chọn nơi yên tĩnh, thanh nhã, có thể học đạo và suy nghĩ, rồi an trụ ở đó.



Nên chọn bạn đồng tâm hợp ý và tin cậy được.



Nên nghĩ đến sự tai hại của tánh tham ăn. Trong khi ở nơi tịnh thất, chỉ nên để sẵn những thức ăn vừa đủ dùng để giữ sức khỏe thôi.



Nên giữ lấy những phương thức ăn uống và sanh hoạt có thể giúp ta luôn được khỏe mạnh.



Nên thực hành đạo pháp và rèn luyện tinh thần để tâm trí được rộng mở hơn.



Nên nghiên cứu tất cả những các tôn giáo nào mà mình có thể hiểu, nhưng không nên giữ định kiến. Phải lấy công tâm mà phán xét để học hỏi.



Không nên gần những vị thầy nhiều tham vọng, ưa thích danh tiếng và lợi dưỡng.



Không nên gần những bằng hữu, quyến thuộc hoặc đệ tử có hại đến cho sự nghiêm trang hoặc tiến hóa về đạo đức.



Không nên đến những nơi có người ghét mình, hoặc nơi mà tâm trí mình không được yên ổn.



Không nên lường gạt hoặc trộm cắp của người đã nuôi dưỡng mình.



Không nên làm những việc có thể làm hại hoặc làm giảm bớt tri thức.



Không nên để sự cẩu thả và dại dột làm mất đi sự yêu mến của người khác đối với mình.



Không nên làm hoặc khuyến khích người khác làm những chuyện vô ích.



Không nên che giấu lỗi mình mà bới móc lỗi người.



Không nên hành động theo sự tham tiếc.



Nên biết rằng vạn vật mà ta cảm nhận được bằng ngũ quan đều có tính chất chung là vô thường, sẽ tan rã. Nhưng tinh thần cũng không thể tự tồn tại cá biệt, cái “ta” không phải là có thật, nên biết rằng nó cũng như là cõi hư không vậy thôi.



Nên biết rằng những ý tưởng sanh ra do bởi những nhân duyên nối tiếp nhau. Nên biết rằng lời nói và thân tứ đại đều là vô thường cả.



Nên biết rằng những khổ não hiện nay là quả báo của các hành vi đã qua rồi. Nhưng khổ não cũng chính là điều kiện cần có để thức tỉnh tâm trí, để hiểu được rằng đạo đức là cần ích, cho nên phải nhận sự khổ não như bậc thầy của mình.



Sung túc về vật chất thường có hại đến đạo đức, cho nên phải coi vinh hoa, phú quí như những giặc nghịch mà mình phải đề phòng. Dù vậy, giàu sang phú quý cũng là điều kiện làm cho trí thức dễ mở mang. Như có thể có được một cách tự nhiên, không nên từ chối.



Nghèo khổ, hoạn nạn đôi khi thúc giục người ta quy hướng về đạo lý. Khi ấy, phải nhận chúng nó là thầy của mình.



Không một ai có thể tồn tại riêng lẻ và không phụ thuộc. Vạn vật hữu hình hoặc vô hình, cho đến những ý tưởng trong tâm trí được tạo ra bởi cảm xúc của giác quan, hoặc những gì xảy ra cho ta bởi việc làm đã qua... Tất cả đều cùng nhau tồn tại và tương quan với nhau rất mật thiết.



Ai đã trở thành một người đạo đức thì phải khéo cư xử theo đạo đức, đừng sống trong lớp vỏ đạo đức mà ăn ở như người phàm tục. Nên lìa xa quê quán, đến những chỗ lạ người ta không biết mình. Như vậy để thoát khỏi sự ràng buộc của gia đình, những sự luyến mến của quyến thuộc trong cuộc sống thường ngày.



Sau khi tìm được bậc thầy hiền đức, phải từ bỏ đi lòng vị kỷ và kiêu mạn, học hỏi theo giáo lý và tuân theo lời khuyên dạy của thầy.



Đối với những điều hay lạ trong các bài giảng mình đã nghe, hoặc những kinh điển mình đã thọ trì, không được mang ra để luận bàn tranh cãi. Phải thực hành theo đó mỗi ngày mới có sự lợi ích.



Nếu thấy tâm trí được sáng suốt nhờ sự yên tĩnh, không được biếng nhác nữa, mà phải cố dùng lấy sự sáng suốt ấy để tiến xa hơn nữa.



Nếu nhờ tham thiền mà đã được chút an lạc, phải chọn nơi yên vắng mà tĩnh tâm, không được lăn lộn trong chỗ bon chen về vật chất và lo lắng ở thế tục.



Người đạo đức phải nhiếp phục trọn vẹn thân thể, lời nói và tâm ý. Đã lấy giải thoát làm mục đích, chẳng được đuổi theo tư lợi, phải lo việc cứu độ người khác. Lúc nào cũng phải giữ cho thân thể, lời nói và tâm ý không rơi vào lề thói thường tình.



Khi mới bước lên đường đạo, phải cố sức nghe giảng kinh thuyết lý.



Đức tin khởi lên nơi ta, phải dùng nó mà làm đề mục để tham thiền.



Hãy ở nơi thanh tĩnh cho đến khi nào thấu đạt phép định tâm.



Như tư tưởng bị phân tán và tự thấy khó tập trung được, thì phải cố hết sức mà kềm chế.



Như khi mệt mỏi, uể oải, phải cố sức làm cho tâm trí phấn khởi thêm lên.



Phải giữ tâm thiền định mãi cho đến khi được tươi tỉnh không còn sức gì đánh ngã được nữa.



Đã được như vậy rồi, phải cố làm cho tâm thần nhập định một cách tỉnh táo lâu dài hơn nữa. Khi muốn nhập định thì được nhập định tức thì, chừng ấy sẽ thành ra quen thuộc dễ dàng.



Rủi bị hoạn nạn, hãy bền chịu với thân thể, lời nói và tâm ý.



Sự ham muốn và luyến ái nảy nở ra nơi mình và bao giờ cũng muốn khuất phục mình, phải đánh ngã chúng nó ngay từ lúc mới phát ra.



Sự từ bi, bác ái khi mới phát khởi rất yếu ớt, phải cố làm việc hiền lành nhân đức để giúp phát triển những điều ấy.



Hãy nghĩ rằng sanh ra làm người thật rất khó. Nghĩ như vậy khiến mình phải lo hành đạo, vì làm người mới có thể tu thân lập tâm.



Hãy nghĩ đến sự chết, đến sự vô thường không chắc chắn. Vì mình không biết sống được bao lâu và rồi sẽ ra sao, nên điều ấy khiến mình muốn ăn ở theo đạo lý.



Hãy nghĩ rằng nhân quả liên tiếp nhau không bao giờ sai chạy, nghĩ như vậy khiến mình e dè tránh xa những việc gây quả xấu về sau.



Hãy nghĩ đến sự giả dối không thật, sự ngắn ngủi của một đời này so với vòng luân hồi khổ não bất tận. Nghĩ như vậy khiến mình phải tự lo nỗ lực cầu giải thoát.



Hãy nghĩ đến chúng sanh đang chịu biết bao khổ não, tai nạn. Nghĩ như vậy khiến mình phải cố sức tự giải thoát.



Hãy nghĩ rằng chúng sanh chất chứa trong lòng những mối dục vọng xấu xa, những sự bất công giả dối. Lại nghĩ rằng rất khó mà chặt đứt phiền não và phá hủy những sai lầm sanh ra bởi các phiền não ấy. Nghĩ được như vậy, khiến cho ta cố sức tham thiền nhập định để đạt tới chân lý.



Đức tin ít mà hiểu biết nhiều khiến người ta dễ rơi vào chỗ sai lầm, trở thành người chỉ giỏi lý thuyết mà thôi.



Đức tin nhiều mà hiểu biết ít cũng dễ rơi vào chỗ sai lầm, trở thành người cuồng tín, mê tín.



Có nhiệt tâm hành đạo mà không học đạo đúng cách sẽ sa vào chỗ sai lầm và thành người chỉ hiểu biết viễn vông mà thôi.



Tham thiền mà không hiểu lý, tức là tu mà chẳng học, làm ta dễ sa vào cảnh mê ám và loạn tâm.



Thọ chánh giáo và biết chỗ học của mình là chánh đáng, nhưng không thực hành, dễ trở thành người kiêu căng. Nhưng nếu nghĩ rằng không học mà có thể biết, lại sanh ra chê bai các môn học.



Thấy người đau khổ mà chẳng xót thương, làm kẻ có trí mà thiếu đức, người vị kỷ như vậy chỉ nuôi mộng tự giải thoát mình một cách vô ích thôi.



Không khéo giữ tâm trí, để cho xa rời đạo đức, dễ làm cho mình trụy lạc vào chốn thấp hèn của trần tục.



Không đè nén tham vọng, tất phải bám theo những dục lạc của thế tục.



Thích gần gũi những kẻ yêu chuộng và tin tưởng, khen tặng mình, điều ấy làm cho ta sa vào cảnh tự cao, nhỏ nhoi và hẹp hòi.



Có những kẻ ngỡ rằng lòng hâm mộ là đức tin.



Có những kẻ ngỡ rằng sự luyến mến là lòng từ ái.



Có những kẻ ngỡ rằng chỉ riêng sự định tâm đã là tham thiền đại định đến cõi Vô sắc giới.



Có những kẽ ngỡ rằng biết được một vài việc lạ là bắt đầu giác ngộ rồi.



Có những kẽ ngỡ rằng người không tránh xa tình dục là bậc thầy huyền bí không còn mắc vào nhân quả nữa.



Có những kẽ ngỡ rằng việc làm có mục đích riêng tư là việc làm công ích.



Có những kẽ ngỡ rằng mưu chước xảo trá là sự khôn ngoan.



Có những kẽ ngỡ rằng bọn tà mỵ nhiều xảo thuật là bậc minh sư.



Lìa bỏ ái dục, bỏ nhà, sống cuộc sống không ái dục, không nhà, không thể là điều sai trái.



Biết kính trọng thầy, không thể là điều sai trái.



Học đạo, suy xét cho tới cùng; nghe giảng, suy nghĩ và tham thiền, không thể là điều sai trái.



Lòng ôm ấp những nguyện vọng cao thượng, vinh quang mà vẫn giữ nết khiêm nhượng, không thể là điều sai trái.



Giữ tâm khoan hòa, không lay chuyển sở nguyện, không thể là điều sai trái.



Đem trí tuệ sáng suốt mà hiệp với tánh khiêm nhường, không thể là điều sai trái.



Giảng thông kinh sử, lấy nghị lực bền chí mà học đạo, rèn đúc tinh thần cho thật sâu xa, nhưng không kiêu ngạo, không thể là điều sai trái.



Dám quên thân mình để lo việc làm lành, giúp đời, không thể là điều sai trái.



Sanh ra làm người mà chẳng dùng tư tưởng vào việc đạo đức tinh thần, có khác nào đi đến xứ sở đầy châu ngọc mà lại về tay không.



Đem thân vào cửa không mà trở ra với trần thế và bám theo cuộc lợi danh, ấy có khác nào con bướm đêm sa vào ngọn đèn.



Được gần người hiền mà còn ngu tối, có khác nào ngồi bên bờ sông mà chịu chết khát.



Thông hiểu luân lý đạo nghĩa mà không chịu dùng để ngăn ngừa tội lỗi, có khác nào người bệnh có thuốc mà không dùng để trị cho lành bệnh.



Giảng pháp lý mà không chịu thi hành những lời giảng của mình,có khác nào con két biết nói.



Đã dùng những chước gian lận, xảo trá và bất công mà làm giàu, rồi đem của ấy ra mà bố thí, cúng dường, có khác nào tia chớp chạy dài trên mặt nước.



Giết thú vật đem cúng Tiên Phật, có khác nào giết con mà đem thịt dâng cho mẹ.



Làm ra vẻ khổ hạnh, từ bi, làm việc công đức để được người kính phục và được danh tiếng, có khác nào đem bảo vật mà đổi lấy một miếng ăn.



Tụng niệm giỏi, hành lễ khéo mà không thật lòng mộ đạo, có khác nào người nhà giàu đã làm mất cái chìa khóa kho vàng.



Đã không trọn hiểu chân lý và đạo đức mà muốn thuyết giảng với người, có khác nào kẻ mù toan dẫn dắt những người đui.



Kẻ nào xem sự nhận biết của giác quan và lấy những thành tựu sơ sài của lễ phép bề ngoài làm trọng, coi thường sự tiến hóa đạo đức tinh thần, kẻ ấy có khác nào người nhận đồng đỏ là vàng ròng.



Ở nơi thanh vắng xa niền trần tục, mà người tu còn nhớ đến cuộc đời với những bã lợi danh thì đó là lỗi lầm vậy.



Đứng đầu tăng chúng và dẫn dắt thiện nam tín nữ mà còn tham muốn lợi riêng thì đó là lỗi lầm vậy.



Người tu mà trong lòng còn tham muốn thì đó là lỗi lầm vậy.



Người tu mà còn phân biệt sự ưa thích với không ưa thích, không dứt bỏ lòng thương, ghét thì đó là lỗi lầm vậy.



Người tu đã dứt bỏ sự sống theo thế tục mà còn mong được hưởng phúc thì đó là lỗi lầm vậy.



Người tu đã thấy được đạo lý lóe sáng trong tâm mà không nỗ lực tiếp tục tham thiền thì đó là lỗi lầm vậy.



Người tu đã phát nguyện cầu tìm chân lý mà nửa chừng thối chí thì đó là lỗi lầm vậy.



Người tu biết tánh nết mình có chỗ đáng chê trách mà không chịu sửa đổi thì đó là lỗi lầm vậy.



Người tu mà có ý mang giáo lý cao quý ra để đổi lấy bát cơm hay của cải thì đó là lỗi lầm vậy.



Người tu mà nói đạo lý rất thông suốt nhưng chính mình không thực hành theo đạo lý thì đó là lỗi lầm.



Người tu mà không thể ở nơi thanh tĩnh, không đủ nghị lực giữ mình để tránh sa đọa vào dục lạc, không chịu được sự thanh bần, đó là lỗi lầm vậy.



Cần phải có đủ trí huệ sáng suốt để suy xét đến cùng tột những sự thật mình đã biết được.



Cần phải biết chán ngán sự sống chết, luân hồi, chính đó là chỗ bắt đầu để tiến lên đường đạo.



Cần phải tìm được bậc minh sư để dẫn dắt mình theo đường đạo mà đạt đến giải thoát.



Trí huệ sâu xa, lòng can đảm bền chắc và ý chí kiên cố vững vàng, là những khí giới mạnh mẽ của người tu tập.



Cần phải có đủ nghị lực mới có thể chống lại được sự cám dỗ, trừ bỏ những điều tội lỗi và lập nên công đức.



Cần phải suy xét sâu xa để hiểu được đến cùng tột diệu lý.



Người học phép định tâm, phải định tâm được với bất luận vấn đề nào, bất cứ ở nơi đâu và bất cứ lúc nào.



Người tu tập phải biết tận dụng bất cứ phương tiện nào có thể giúp mình mau tiến hóa về đạo đức.



Trừ dẹp được lòng kiêu ngạo, ganh ghét, đó là đức hạnh của người thanh bạch.



Dứt bỏ sự ham muốn, tự hài lòng với sự đơn sơ, đạm bạc, không bon chen và không nịnh hót, đó là những phẩm chất của người cao thượng.



Hiểu biết luật nhân quả là người thông minh. Bình đẳng với hết thảy chúng sanh là người cao thượng.



Thấy người làm ác, khởi tâm xót thương và không oán ghét, đó là người cao thượng.



Tự mình chịu thiệt thòi, nhường phần thắng cho người khác, đó là người cao thượng.



Nên khác hẳn với kẻ tầm thường trong mọi ý tưởng, cho đến ý tưởng vụn vặt hơn hết cũng vẫn khác, đó là người cao thượng.



Sống dối trá cũng như ăn đồ có tẩm thuốc độc, tự mình gây khổ cho mình.



Người trí thô đức mỏng mà đứng đầu tăng chúng, cũng giống như bà già đi làm mục đồng, tự mình gây khó cho mình.



Không hiến thân giúp người được yên vui, lại bắt người khác phục dịch làm cho mình được sung sướng. Kẻ ấy giống như người mù lạc nơi đồng cát, tự mình chuốc khổ không biết lúc nào mới thôi.



Việc mình lo chẳng xong lại dám nhận lãnh trách nhiệm to lớn hơn, có khác nào kẻ yếu muốn vác đồ nặng, tự mình gây nhọc cho mình.



Bỏ tham thiền để dạo chơi nơi thị tứ, ấy cũng như con hươu đang yên thân trên núi, bỗng đi xuống chốn đồng bằng.



Không chịu mở mang trí huệ lại mong thâu đoạt tiền của ở thế gian, giống như con chim phụng đã xệ cánh đi rồi.



Tự thấy mình không tham trử của cải nữa, đó là điều đáng mừng.



Tự mình không thích bon chen với đời, thích cuộc sống ẩn cư nơi yên tĩnh, đó là điều đáng mừng.



Tự mình thoát được sức cám dỗ của vẻ đẹp hình thức và lòng tham lam, đó là điều đáng mừng.



Tự mình không muốn lợi dụng người khác để đạt được những mục đích ích kỷ, và giữ vững được theo điều ấy, đó là điều đáng mừng.



Tự mình thoát ra khỏi những ràng buộc của hình hài, thể chất và hiểu thấu được bản tánh của tinh thần, đó là điều đáng mừng.



Không theo người hiền đức hành đạo chân thật, lại theo những kẻ giả dối xảo ngôn thì lầm to.



Một ngày không làm tròn phận sự của mình ở đời, hãy xem ngày đó như ngày cuối cùng của mình ở đời. Nếu lại mưu cầu những việc xa vời, toan tính cho mình sống lâu thì lầm to.



Không chọn chỗ vắng vẻ mà thẩm xét nghĩa lý đạo đức, lại đi thuyết giáo giữa đám đông thì lầm to.



Chẳng ăn ở thanh bạch, tinh khiết, lại buông thả lêu lỏng chơi bời thì lầm to.



Chẳng suy nghĩ cho thấu nhập chân lý, lại sống trong cảnh hy vọng và lo sợ thì lầm to.



Chẳng lo sửa mình, lại lo sửa người thì lầm to



Chẳng gắng sức đặng làm cho trí huệ mau phát hiện trong tâm, lại ra công đeo đuổi địa vị sang cả trong xã hội thì lầm to.



Chẳng tự soi sáng lấy mình, lại sống đời trong cảnh biếng nhác thì lầm to.



Điều cần ích trước nhất là phải biết chán ngán cảnh luân hồi, không còn muốn sống chết, không còn muốn chìm đắm trong đó nữa, chán ngán một cách mạnh mẽ như con thú bị nhốt trong chuồn muốn thoát ra.



Điều cần ích thứ nhì là bền gan vững chí, dù khó nhọc đến đâu cũng không thối lui.



Điều cần ích thứ ba là tuy khó nhọc mà mình vẫn an lòng và vui vẻ …



Trước hết, cần phải biết là thì giờ qua nhanh lắm. Hãy tưởng mình như người bị thương sắp chết. Nghĩ như vậy, sẽ tự hiểu rằng không có việc gì còn có thể chần chờ được nữa.



Phải biết hâm mộ đạo lý một cách sốt sắng, như kẻ đói thấy đồ ăn ngon.



Phải hiểu bản tánh của tâm mình như hư không và cái bản ngã là không thật, vô thường. Đối với vạn vật, dù hữu hình hay vô hình, đều phải biết chỉ là bào ảnh cả.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/05/2015(Xem: 11681)
Về cơ bản, lý duyên khởi giải thoát mô tả tâm lý của thiền, nghĩa là, những gì xảy ra trong tiến trình hành thiền được hành giả trải nghiệm từ lúc đầu cho đến lúc cuối. LDKG có liên hệ chặt chẽ với giáo lý duyên khởi nổi tiếng trong đạo Phật. Cho những ai chưa quen thuộc nhiều với những lời Phật dạy, lý duyên khởi là một chuỗi mười hai yếu tố nhân quả kết nối với nhau. Yếu tố cuối cùng trong chuỗi nhân quả này là khổ. Bởi vì là một chuỗi nhân quả, nó cho ta thấy khổ phát sinh như thế nào. Yếu tố thứ nhất của mười hai nhân duyên là vô minh – không có khả năng thấy được thế gian như nó là, và nó thật sự hoạt động như thế nào. Như thế, bắt đầu với vô minh, yếu tố này dẫn đến yếu tố sau, tiếp luôn cho đến khổ đau. Do vậy, lý duyên khởi chỉ cho ta thấy khổ đau chính là hậu quả của vô minh.
16/05/2015(Xem: 24688)
Hãy nôn ra lòng sân hận độc hại khỏi cõi lòng bạn. Sự sân hận đầu độc và bóp nghẹt tất những gì thiện mỹ nơi bạn. Tại sao bạn phải hành động chỉ vì con quái vật độc hại dấu mặt này? Hãy nôn nó ra, vứt hết đi, không chừa lại một chút gì cả. Bạn sẽ cảm thấy dễ chịu khi vứt bỏ nó đi. Rồi cõi lòng bạn tràn ngập tình bi mẫn vị tha, thẩm thấu qua từng lỗ chân lông bạn. Hãy hiển lỗ tâm từ vô nhiễm trào dâng thương yêu. Hãy để những ai đến với bạn đều nhận được vầng quang hảo tâm không thể chối từ, cũng như khi rời xa, họ cảm thấy được cảm thông và can đảm hơn để đối mặt với cuộc đời đầy gian truân và nghiệt ngã này.
15/05/2015(Xem: 26289)
Thể theo lời yêu cầu của các bạn Đạo, tôi chọn một số bài nói chuyện về Phật pháp của tôi tại Tổ Đình Từ Quang ở Montréal và một vài nghi thức tụng niệm để in thành cuốn sách này, với hy vọng phổ biến Phật pháp. Cuốn sách được hình thành trong dịp Tết Canh Thìn, nhưng phải đợi đến Tết Dương Lịch 2001 mới đánh máy xong. Trong thời gian chờ đợi này, tôi đã cẩn thận kiểm điểm lại nội dung từng bài, nhưng chắc chắn không tránh khỏi thiếu sót, những mong các bậc cao minh từ bi chỉ điểm cho. Montréal, Tết Dương lịch 2001 Hiển Mật, Đỗ Hữu Trạch
12/05/2015(Xem: 22524)
Video: Những Hiểu Lầm về Đạo Phật
01/05/2015(Xem: 30657)
Một tập sách với tựa đề như trên, trong xã hội hiện nay, không có gì đặc biệt; so với Kito giáo tại Việt Nam, cũng là việc làm bình thường, vì hàng năm, một số giáo xứ thường xuyên tổ chức các lớp hướng dẫn giáo lý và hôn nhân cho thế hệ trẻ từ tuổi 18 trở lên; nhưng đặc biệt của tập sách nầy nằm trong hai lĩnh vực: 1/ Phật giáo chưa từng xuất hiện sách hoặc lớp hướng dẫn về hạnh phúc gia đình, mặc dù có những kinh điển nói qua vấn đề nầy, quá tổng quát, chưa thích ứng với từng cảnh trạng của từng xã hội biến thái khác nhau hiện nay. 2/ Sách không trực tiếp dạy giáo lý như các lớp “giáo lý và hôn nhân” của các giáo xứ, nhất là giòng Tên; nhưng sách hướng dẫn tháo gỡ nhiều vấn đề mắc mứu liên quan đến tâm lý xã hội và đạo đức nhà Phật.
05/04/2015(Xem: 14025)
Cái Tâm là cái chi chi, có chi chi củng cứ chi chi với Tâm. Theo quan niệm của Phật Giáo, Duy Thức Luận: Tâm thức tạo ra thế giới vạn vật, "tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức" hay "nhất thiết duy tâm sở tạo." Tất cả đều nói lên một ý rằng cả thế giới chúng ta đang sống đều do tâm thức tùy theo nhân duyên mà sanh ra muôn sự, muôn vật rồi cũng tùy theo nhân duyên mà diệt đi. Không có việc gì, vật gì, có thực tướng ngay cả chư pháp, tồn tại vĩnh viễn ngoại trừ Tâm Bồ Đề là vô sinh, vô diệt đó chính là Tâm Phật.
27/03/2015(Xem: 7661)
Hình ảnh tâm như đài gương, như tấm kính sáng… thường được nhắc tới trong Thiền Tông Trung Hoa, Việt Nam và Nhật Bản. Thực sự không phải là những hình ảnh mới do người đời sau sáng tạo nên. Đức Phật đã từng nói như thế. Lời của Đức Phật cô đọng, rất mực cô đọng khi nói tới các hình ảnh này, như dường chỉ nói cho một số ít người và không cần giảỉ thích nhiều.
16/03/2015(Xem: 8668)
Con đường luận pháp nhứt là trực chỉ nhân tâm hay trở về chân nguyên, tức là phải rõ đệ nhất nghĩa các kinh Phật dạy mà hành đúng pháp, là một việc cần liễu tri và tinh thông thành phần và mục đích pháp học mới có thể mở ra lối đi chân chánh giác ngộ niết bàn. Giải thoát khỏi dòng tâm thức vẩn đục (vô minh) để được minh tâm kiến tánh là hướng đi của mọi tu sĩ. Phổ Nguyệt mong mỏi pháp Phật nhiệm mầu được soi sáng bằng tuệ quán của mỗi người chúng ta cố gắng thâm cứu và thực hiện hoàn mỹ hơn đem lại nhiều lợi ích hơn trong việc tu học.
21/01/2015(Xem: 9763)
Nguyên văn emai của một cư sĩ: Con có một thắc mắc bấy lâu không biết hỏi ai, con kính xin Thầy giải thích dùm cho con. Câu hỏi này có liên hệ tới bài kệ cô đọng của Lý Duyên Khởi: "Cái này có, cái kia có Cái này sinh, cái kia sinh Cái này không cái kia không Cái này diệt cái kia diệt" Theo chỗ con hiểu, bài kệ này là công thức rốt ráo tóm tắt sự vận hành của Lý Duyên Khởi. Theo như Thế Tôn nói, nó luôn đúng và cho dù Phật có ra đời hay không có ra đời thì nguyên lý này vẫn đứng vững, không thể nào khác hơn được và không có ngoại lệ.
15/01/2015(Xem: 13065)
Con xin thành kính đảnh lễ và tri ân: -Đức Đạt Lai Lạt Ma,và Hòa Thượng Lhakor cùng Thư Viện Tây Tạng đã hoan hỷ cho phép con được chuyển dịch nguyên tác “The Way to Freedom” từ Anh Ngữ sang Việt Ngữ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]