Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

III. Những áng văn thơ cao thượng

12/03/201102:44(Xem: 5064)
III. Những áng văn thơ cao thượng

TRIẾT LÝ NHÀ PHẬT
Đoàn Trung Còn biên soạn, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

III. Những áng văn thơ cao thượng

1. THẢO AM

Bài thơ dưới đây là của ngài Tu-bồ-đề để lại. Ngài quê quán ở thành Xá-vệ, là con của một quan đại thần tên Xu-ma-na, cháu của nhà thương gia Cấp Cô Độc, người đã mua khu vườn Kỳ thọ mà cúng dường cho Phật và giáo hội. Ngài có tham dự trong việc mua vườn và xây dựng tinh xá lúc ấy. Cũng vào dịp đó, ngài xuất gia theo Phật. Chẳng bao lâu, ngài siêng năng học hỏi rất nhiều, nên được lên một địa vị khá cao trong hàng đệ tử Phật.

Một hôm, ngài đến thành Vương-xá, vua Tần-bà-sa-la có hứa chọn một cái tịnh thất cúng dường cho ngài, nhưng rồi lại quên. Ngài phải ở ngoài trời. Lúc ấy, do oai đức của ngài, vì không muốn cho ngài phải bị ướt lạnh nên trời không chịu mưa xuống, thành ra nắng hạn kéo dài làm dân chúng hoảng sợ. Họ bèn kéo nhau đến tâu với vua, vua hiểu tại sao xảy ra chuyện ấy, liền tức thời dựng cho ngài một cái am cỏ. Ngài vừa vào trong am, thì phía ngoài mưa đổ xuống như trút nước. người ta truyền rằng cái thảo am vua ban cho ngài rất đơn sơ, nhưng ngài cũng hài lòng. Ngài cảm việc ấy, có đọc bài thơ rằng:



Nương nơi am cỏ lúc sớm trưa,

Lửa lòng đã tắt, dục tâm chừa.

Nguyện lực vững bền, tâm chẳng thối,

Trời muốn đổ mưa thì cứ mưa.

2. THOÁT TRẦN

Ngài Cốt-thi-ta sanh tại xứ Xá-vệ, thuộc dòng tộc Bà-la-môn. Nghe Phật thuyết pháp mà được cảm hóa, ngài quy y thọ giới xuất gia và được Phật yêu trọng lắm. Ngài có làm bài thơ này:



Quý thay là kẻ thoát trần,

Khỏi vòng danh lợi, nợ nần chi chi.

Nghiêm trang đằm thắm ai bì,

Mà lòng đạo đức vậy thì cao siêu.

Tâm tình đã dứt tánh kiêu,

Chẳng còn xao xác, chẳng điều lo toan,

Khác nào như lá rừng hoang,

Gặp cơn gió thổi rụng vàng khắp nơi!


3. DỨT SỰ ĐỜI

Ngài Ban-na-ma-xa là con một người Bà-la-môn ở xứ Xá-vệ. Sau khi bà vợ sanh ra được một trai, ngài bỏ việc trần mà đi tu. Bà vợ hết sức cản ngăn, nhưng không được. Bà trang điểm rất xinh đẹp, rồi tìm đến chỗ ngài đang ngụ để cầu xin ngài trở về. Ngài đáp với vợ cũ bằng một bài kệ rằng:

Đã toan lánh khỏi bụi hồng,

Sự đời đã tắt lửa lòng từ đây.

Đạo mầu cần luyện cho hay,

Tâm thần chủ định, sắc này mà chi?

Mắt trông thấy biển xanh rì,

Khi trồi, khi sụp, sóng thì lao xao,

Cuộc đời đâu có khác nào!


4. CÁI THẤT CŨ

Sanh ra tại xứ Tỳ-xá-ly, Câu-tỷ-huy-hà-ranh thuộc về dòng hoàng phái. Ông thân của ngài là một nhà vua ở đất Hoa-di.

Có một lúc, trong xứ phải cơn nắng hạn và bệnh truyền nhiễm, dân chúng lấy làm ta thán, may nhờ có Phật cứu độ mà làm cho có mưa và hết bệnh độc. Ngài thấy vậy, bèn quy y Tam bảo.

Ngài sống trong một cái am tranh cũ rách và chuyên lo học đạo lý. Một hôm, ngài có ý cất một cái thất mới, nhưng có một vị thiên tử cõi trời hiện xuống, đọc một bài kệ làm cho ngài bỏ ý muốn ấy đi và khuyến khích cho ngài tinh cần học đạo hơn nữa. Về sau ngài rất thường đọc lại bài kệ ấy:

Người ơi, “chùa rách, Phật vàng”

Sao người lại muốn phụ phàng cảnh xưa?

Am dù nóc cũ, vách thưa,

Nhưng còn che nắng, che mưa lắm ngày.

Nay người cất lại chi đây?

Vì ngôi thất mới thêm rày mối lo.


5. GIÀ, BỆNH, CHẾT

Ngài Ma-na-hoa sanh tại xứ Xá-vệ. Khi lên bảy tuổi, ngài mới lần đầu thấy một người già, một người bệnh và một người chết. Ngài lấy làm lo sợ lắm, bèn chuyên về Phật học và nhập đạo làm một vị tăng. Các bạn thấy ngài còn trẻ tuổi thì lấy làm lạ. Ngài bèn nói lên suy nghĩ của mình bằng một bài kệ rằng:

Thấy người chịu khổ ta lo thay:

Kẻ già, kẻ bệnh, kẻ chết rày.

Sự thế chẳng qua là bể khổ,

Nên ta lìa tục, lánh vui say,



6. MỪNG GẶP PHẬT

Ngài A-su-na sanh tại xứ Xá-vệ, bỏ nhà đi tu từ lúc nhỏ, nhưng theo phái ngoại đạo Se-na. Ngài không lấy làm thỏa mãn với giáo lý do đạo này truyền bá. Ngài bèn bỏ đạo ấy mà quy y Phật pháp, dự hàng tăng chúng. Sau khi gặp Phật ngài đọc lên bài thơ rằng:



Duyên lành được gặp Thế Tôn,

Từ nay mới đặng tâm hồn vững cho.

Từ nay ta hết sầu lo,

Qua biển sanh tử, đến bờ bên kia.

Không còn sợ sóng trần lao,

Nhờ pháp Tứ đế, thanh cao soi đường.


7. KHUYÊN EM BỎ CÔNG DANH

Ngài Ê-răn-nã-cá-ni là con của vị thượng quan trong triều vua nước Câu-tát-la. Ông thân ngài về hưu, lẽ ra ngài lên thay thế giữ chức quan ấy. Nhưng ngài muốn xuất gia theo Phật, nên nhường chức tước lại cho người em. Ngài có viết bài kệ sau này mà gởi cho em, khuyên hãy từ bỏ đường công danh mà theo tu tập. Người em nghe lời và được Phật nhận cho xuất gia.

Thời giờ thấm thoát như bay,

Đã qua, qua mất, khôn tày đón ngăn.

Đêm thâu ngày lụn mấy lần,

Mà cơn sóng tạm đã gần muốn lui.

Một phen nắm đất lấp vùi,

Bấy giờ đời mộng phủi rồi sự dương.

Kiếp người khác thể nước nguồn,

Trên non đổ xuống chảy luôn biển hồ.



Nhưng mà lắm kẻ hồ đồ,

Mãi gây nghiệp ác, tội vô thêm dày,

Ở đời có trả bởi vay,

Bão càng ghê gớm, trước gây tại mình.




8. CHỌN BẠN LÀNH

Đại đức Tỳ-ma-la sanh tại xứ Ba-la-nại, con một nhà Bà-la-môn. Ngài nghe đức A-mật-ta luận về giáo pháp của Phật, rất ham mộ, liền xuất gia nhập đạo. Ngài có làm bài kệ sau này:

Làm người khó chọn bạn lành,

Hiền từ thì ít, dữ ganh thì nhiều.

May mà gặp được người yêu,

Lời vàng bạn ngọc mến chìu mới nên.

Một lòng ngay thật vững bền,

Ở cho có đức là nền phước cao.

Gặp cơn biển cả ba đào,

Mà đeo ván mỏng, thế nào khỏi nguy?

Như người tánh nết nhu mì

Theo cùng đứa ác lắm khi cũng chìm.

Vậy nên kết bạn khéo tìm,

Lánh phường biếng nhác,

bất nghiêm, dở dàng.

Hãy gần những bậc đoan trang,

Những nhà hiền đức,

những trang thoát trần,

Gần người cầu đạo xả thân,

Gần ai là đấng cứu nhân độ đời.

Gần người trí hóa rạng ngời,

Tham thiền đại định cõi trời tới lui.




9. CẢNH THANH NHÀN NƠI ĐỘNG



Ngài Bu-ta là con một vị quan tòa xứ Xá-kê-ta. Nhân một hôm nghe Phật thuyết pháp, ngài bèn xin nhập đạo, dự hàng Tỳ-kheo. Ngài ở trong động đá gần bên khe vắng. Một hôm ngài về thăm, cha mẹ ân cần lưu giữ ngài ở lại nhà, nhưng ngài từ chối và đọc bài kệ sau này, cho thấy ngài mộ cảnh thanh vắng trong hang động hơn:





Trong khi mây kéo tối mù,

Bầu trời u ám mưa to xối đầy,

Ngồi trong cửa động một thầy,

Tham thiền, định trí thích rày biết bao!

Bên khe nước chảy rì rào,

Dưới thì hoa cỏ, trên cao núi rừng.

Một mình ý định, tâm ngưng,

Thấy lòng khoan khoái, càng mừng, càng ưa.




10. CHỐN SƠN LÂM

Ngài Ê-cá-huy-hà-ri-da khi chưa nhập đạo chính là hoàng tử Tích-xa, em vua A-dục.

Một hôm ngài đi săn, thấy một vị tỳ-kheo ngồi dưới gốc cây, phong thái uy nghi, ngài lấy làm cảm phục, bèn nhất định bỏ trần tục mà vào tu trong rừng núi. Ngài đem ý kiến mình mà nói lại với người anh là vua A-dục bằng một bài kệ như sau này:





Trên rừng bốn phía lặng yên,

Trước sau chẳng thấy

thoáng ngang bóng người.

Cảnh tình vui thích thảnh thơi,

Đi đi lại lại tươi cười mình ta.

Phật ngài vốn thích rừng già,

Cùng là sư đạo muốn xa cõi đời.

Tới đây ý chí liệu bài,

Dốc lòng an dưỡng ở nơi rừng thiền.

Nương mình trong chốn động tiên

Ngày ngày tu luyện cho hiền tánh tâm.

Một mình ở giữa sơn lâm,

Hết khi tưởng đạo lại tầm xem hoa.

Bao giờ tới mục đích ta?

Bao giờ tự tại thoát ra lưới phiền?



11. CUỘC ĐỜI THANH TỊNH

Đức Ta-la-bu-ta vốn là chủ nhân một gánh hát. Chính ngài cũng là một kép hát. Một hôm, khi đi hát bên thành Vương-xá, ngài gặp Phật, bèn hỏi về số kiếp của gánh hát về đời sau. Phật giải đáp rằng: Kẻ nào dùng những tình tự lả lơi mà khêu gợi lòng dục của người khác, thì đời sau sẽ phải chịu cảnh nghèo hèn khổ sở. Đức Ta-la-bu-ta được tỉnh ngộ, bèn nhập hàng đệ tử xuất gia.

Về sau, ngài tu tập tiến bộ rất nhiều. Muốn nói lên tấm lòng trong sạch của mình, ngài có làm một bài kệ như dưới đây:

Cuộc đời thay đổi không chừng.

Hết cơn giàu thịnh, đến lần gian nguy.

Chi bằng bỏ hết một khi,

Náu nương động đá trụ trì am mây.

Nâu sòng sơ sịa mà hay,

Chẳng tham vì của, chẳng say vì tình.

Chẳng còn ham chuộng lợi danh,

Chẳng thương, chẳng ghét,

chẳng ganh làm gì.

Dốc lòng giữ đạo từ bi,

Thì nhìn thân thể là bì xấu xa;

Chứa nhiều tội báo oan gia,

Lại mang nỗi bệnh, nỗi già, nỗi vong.

Chí nguyền dứt sự hải hùng,

Một mình một bóng thong dong giữa rừng.

Bao giờ cho đạt chí mong?


12. GIẢI THOÁT



Ni sư Đề-hi-ra là một vị rất cần chuyên cần phận sự và trau giồi đạo đức. Khi đã tu đắc đạo, bà có ngâm bài kệ dưới đây:



Tâm tình trau luyện bấy lâu nay,

Đạo đức cao siêu đã đủ đầy.

Còn một kiếp này mang lốt thịt,

Kìa kìa giặc quỷ đã xa bay.


13. CHẲNG CÒN LUYẾN ÁI



Ni sư Tăng-già là một người đã dứt bỏ nhà cửa thân quyến mà đi tu. Bà có làm một bài kệ dưới đây bày tỏ sự đắc đạo:



Của tiền nhà cửa bỏ rồi.

Thân bằng cố hữu cũng thôi chẳng gần,

Con thơ đành hết quây quần,

Ông bà, cha mẹ, mộ phần đều xa.



Một phen giũ sạch lòng tà,

Dứt tình tham muốn, lìa mà nợ duyên.

Nhờ nương đạo đức làm đèn,

Tâm đà sáng rỡ, dục liền sạch tan.

Từ đây là cảnh an nhàn,

Trong lòng yên tịnh, Niết-bàn đâu xa!




14. ĐẮC ĐẠO



Bà Sen-ta thuộc về hoàng phái họ Ly-sa. Một hôm, nghe Phật thuyết pháp, bà tỉnh ngộ, xin quy y theo Phật. Bà tiến bộ trên đường đạo đức rất nhanh và tinh thần trở nên cao thượng lắm. Sau bà có làm bài kệ dưới đây:





Gắng công tu luyện theo thầy,

Nhờ ơn chỉ giáo giải bày bấy lâu.

Tâm thần hiểu thấu phép mầu:

Bảy phần giác ý cao sâu, thâm trầm.



Bảy điều ấy khéo suy tầm

Thi hành cho chánh, đủ làm Phật tiên.

Nghĩ mình có lắm phần duyên,

Bây giờ mới thấy nhãn tiền Thế Tôn.

Hay là mình hết sanh tồn,

Đời này đời chót còn dồn lại đây.

Thoát vòng sanh tử từ nay.

Chẳng còn lăn lộn, loay hoay cõi trần,

Niết-bàn nhàn lạc thân tâm!




15. NHIẾP PHỤC TÂM Ý



Theo trong kinh sách ghi lại, bà Đăng-ti-ca hồi đời quá khứ là một vị thủy thần miền sông Săn-đa-bá-da. Một hôm, bà thấy một đức Phật ngồi yên tịnh tại một cội cây, bà đến lạy chào và dâng hoa cho Phật. Nhờ công đức ấy, sau bà sanh ra làm tiên và làm người sang trọng. Sau rốt, đến đời Phật hiện tại, bà đầu thai vào nhà một người Bà-la-môn ở thành Xá-vệ làm quốc sư. Nhờ có bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề, dì của đức Phật giới thiệu, bà được nhập hàng tỳ-kheo ni. Một hôm bà đến thành Vương-xá, nhân lúc đi núi, bà ngâm một bài kệ dưới đây:



Trên non vừa tỉnh giấc trưa,

Thấy con voi lớn cũng vừa tắm xong.

Voi liền ra khỏi bờ sông,

Bỗng đâu có kẻ chạy xông lại gần.



Tay quơ chỉa, miệng la rân,

Thét voi bởi phải quị chân co giò.

Voi nghe có tiếng quát to,

Bèn vâng lời dạy mà co chân liền.



Kẻ kia ngồi vững trên yên,

Mặc tình sai khiến, chẳng thiên vị gì,

Bấy giờ mắt thấy việc ni,

Vật chi cứng cỏi lắm khi cũng mềm!



Voi to, chủ lại khéo kềm,

Hết ngày la thét thì đêm dỗ dành.

Ta bèn đi khắp rừng xanh,

Trong lòng vẫn nhớ rành rành không nguôi.



Tâm tình chẳng phải dễ duôi,

Cần trau luyện kỹ mới xuôi theo mình.




16. SỰ NÓNG GIẬN



Ngài Phật-đà-gô-sa là một vị đại tổ sư, từng làm vẻ vang cho Phật giáo Tích Lan. Ngài sanh ở Thiên Trúc, gần xứ Già-da, vào thế kỷ thứ tư Dương lịch. Ngài vốn thuộc dòng tộc Bà-la-môn, sau bỏ đạo Bà-la-môn mà theo đạo Phật và đến đảo Tích lan nhằm đời vua Ma-ha-nả-mân. Ngài tu ở ngôi Đại tinh xá, là cảnh chùa nổi tiếng hơn hết về Phật học tại đảo quốc này.

Ngài ở đó mà soạn bộ Huy-sử-đi-mã-ga, là một bộ sách rất dày công nghiên cứu, nói về lý đạo. Và ngài có giải thích nhiều đoạn trong ba tạng kinh điển. Khi gần tịch, ngài trở về Ấn Độ. Có sách còn nói rằng ngài sang Miến Điện mà truyền bá đạo Phật.

Công nghiệp ngài to lớn lắm, và Phật giáo Tiểu thừa khắp cõi Đông dương đều thờ kính ngài, xem ngài như một Đại giáo sư, một vị Tổ sư rất đáng kính phục.

Tổ Phật-đà-gô-sa có luận về tánh nóng giận rằng:

“Anh ơi, anh đã xuất gia lánh tục mà anh còn giận người kia, anh hãy nói cho tôi biết anh giận chỗ nào? Có phải anh giận tóc, giận lông, giận móng tay, móng chân... chăng? Hay anh giận chất đất ở trong tóc, hay anh giận chất nước, chất lửa, chất khí trong đó? Hay anh giận năm phần trong người, sáu trần, sáu thức?

“Hay anh giận hình thể? Hay anh giận tất cả những cái sắc, tưởng, thọ, hành, thức? Hay anh giận một cái quan, một cái trần, hay một cái thức nào?

“Một người đã biết phân tách ra như vậy thì không thấy chỗ nào chứa sự giận, cũng không thấy chỗ nào để hột cải trên đầu một mũi kim, cũng không thấy hình dạng gì trên trời.”

Trích dịch trong quyển Visuddhi-Magga



17. ĐẾN CÕI BỒ-ĐỀ

Ngài Xăn-ti-đề-bà ra đời hồi giữa thế kỷ thứ bảy Dương lịch. Ngài là thái tử Đông cung, con của Hoàng đế Hát-sa, người thống nhiếp toàn cõi Ấn Độ. Khi thái tử sắp lên ngai vàng, chỉ còn một ngày nữa thì nhận lấy cái thiên chức trị dân, ngài đã từ bỏ ngôi vua vì nằm mộng thấy đức Bồ-tát Văn-thù và Phật bà Ta-rá hiện đến khuyên ngài xuất gia. Ngài đi nhiều nơi để khảo cứu đạo đức. Ngài tu học rất thâm diệu về nghĩa lý Đại thừa, giỏi phép tham thiền. Trong những cơn đại định, đức Bồ-tát Văn-thù thường hiện đến viếng ngài, hộ trợ ngài. Sau ngài trở về xứ lấy pháp hiệu là Xăn-ti-đề-bà. Ngài muốn thử thách các vị sa-môn nên làm ra vẻ một thầy tăng biếng nhác và tham ăn. Mọi người đều cho ngài là một người bất tài, nên không ai để ý tới, lại còn coi rẻ là khác. Một hôm, nhằm khi Tăng chúng hội họp để giảng kinh, nhiều vị đứng lên thuyết pháp. Đến phiên ngài, người ta đều sẵn ý muốn cười sự dốt nát của ngài. Rồi ngài bước lên pháp tòa, giữa chư tăng mà thuyết diễn kinh Bồ-tát hạnh, nghĩa lý bao la, từ bi làm sao, khiến cho mọi người đều kinh ngạc và kính phục, tôn xưng ngài là một vị Đại Bồ tát. Kinh Bồ-tát hạnh vốn là một pho kinh Đại thừa rất huyền diệu, dắt dẫn về cách tu tâm, về sự sanh hoạt cao siêu và thanh tịnh. Kinh này được dịch ra chữ Hán vào thế kỷ thứ mười, nhan đề là Bồ Đề Hành Kinh.

Ông Louis Finot có theo bản tiếng Phạn dịch sang tiếng Pháp, nhan đề là La Marche à la Lumière. Tôi trích dịch dưới đây vài đoạn từ bản tiếng Pháp này:





“Trong khi đêm hôm, mây u ám làm cho cảnh trời thêm đen mịt, nhưng một tia chớp làm cho cảnh vật sáng lên. Cũng thư thế, nhờ oai đức của Phật, có khi vọng niệm con người phải dừng lại đôi chút mà nghĩ đến việc phải.”



“Nguyện trị cho một ít người hết bịnh nhức đầu đã được công đức nhiều lắm rồi. Huống chi cứu nhân sanh khỏi bể khổ mênh mông và độ cho họ tánh quí vô cùng vô tận?”



“Phiền não không ở trong vật, cũng không ở trong ngũ quan trí giác, hoặc trong khoảng cách hay ở chỗ nào. Vậy chúng nó ở nơi đâu mà khuấy rối cả hoàn cầu? Chẳng qua là bóng dáng đó thôi. Tâm thức ơi! Ngươi đừng sợ chi hết, hãy rán mà theo đường trí huệ.”



“Phải chi lòng nhân từ bố thí làm cho trần thế thêm giàu, thì các Đấng cứu thế sao lại chịu nghèo, mà trần thế cứ nghèo mãi?”



“Dốc lòng thí cho chúng sanh mọi vật mình có, cho đến thí luôn công đức của mình, như vậy mới thật là có nhân đúng bực đó.”



“Ta có thể làm mất gia tài, danh giá, cho đến mạng sống của ta, nhưng cái tâm lành của ta, không bao giờ ta để cho nó mất.”



“Phiền não là lũ ăn cướp đi chặn đường. Nếu chặn được ta, chúng nó sẽ bóc lột ta và phá nát phần phước của ta ở những đời sau nữa.”



“Vậy ta phải chú ý đến cửa nẻo của tâm, vừa khi cái ý chỉ ấy dang ra, ta phải kéo nó lại liền.”



“Không nên nhìn qua nhìn lại vô ích, hãy nhìn xuống cũng như trong khi tham thiền.”



“Phải giữ cho chính đáng cái tâm, con voi dâm dục ấy, đừng để nó sút dây chạy khỏi cây trụ Kinh Pháp.”



“Có làm việc gì chánh đáng, ta đừng tưởng đến việc khác. Trước phải lo làm tròn một việc, vừa để trọn tâm ý vào đó. Như vậy thì mọi sự đều hoàn thành. Không như vậy thì việc gì cũng sẽ sai lệch, rồi cái xấu nó nhập vào tâm, nó sẽ nảy sanh thêm ra nữa.”



“Một người ngủ chiêm bao thấy mình sướng trăm năm, rồi thức dậy. Một người khác ngủ thấy mình sướng có một lát, rồi cũng thức dậy. Cả hai, khi tỉnh giấc, cái sướng đều đã biến mất. Cũng như vậy, đến giờ chết, kẻ thọ và kẻ yểu đều như nhau.”



“Thà chết bây giờ còn hơn kéo dài một đời sống vô ích.”



“Trong khi có một nhà bị cháy thì người ta lo dọn sạch nhà bên cạnh để cho lửa đừng bắt qua được. Cũng như thế, phải lo trừ đi những tư tưởng nào mà gần nó có thể sanh lửa ganh ghét. Lửa ấy đốt cháy các công đức của ta.”



“Tinh tấn là gì? Là can đảm làm việc phải. Những món nghịch của nó là gì? Lười biếng, tham làm ác, thối chí và tự chê mình.”



“Can đảm, phấn đấu, chuyên cần, tỉnh trí giữ mình, lấy lòng mình mà xét người để cảm thông. Cái sung sướng của mình nhường cho người, cái khổ của người mình vui lòng nhận lấy. Ấy là những bộ hạ của đức tinh tấn.”



“Các ông thầy thuốc đều làm cho người bịnh đau nhức, rồi mới trị cho họ hết bệnh. Vì vậy, ta phải chịu đau đớn chút ít để diệt trừ những nỗi khổ lớn.”



“Cái thân được hữu hạnh nhờ có phước đức, cái tâm được hữu hạnh nhờ có trí huệ. Bởi thương chúng sanh nên mới lăn lộn trong vòng luân hồi, người như vậy có khổ gì đâu?”



“Cái sở vọng của người nhân đức, dù muốn việc gì cũng được như ý, ấy là nhờ công đức đã góp nhiều. Họ được việc cũng như được đồ lễ của kẻ đến biếu tạ ơn.”



“Cái sở vọng của những kẻ độc ác, dù muốn việc gì cũng bị những lưỡi gươm nạn khổ chặt đứt hết, là bởi những tội họ đã gieo.”



“Thối chí mà bỏ xuôi thì thất bại dễ dàng. Sốt sắng và có phách lực lại có thể chống chọi nổi với các sự trở nghịch ghê gớm.”



“Bị đánh ngã bởi phiền não mà toan chinh phục cả hoàn cầu, thật là chuyện buồn cười.”



“Những kẻ chịu thua tánh tự cao là hèn nhát, chứ chẳng phải tự cao. Vì kẻ tự cao không chịu thua giặc nghịch, còn những kẻ kia thì ở dưới quyền của giặc nghịch: ấy là tánh tự cao.”



“Cũng như thuốc độc, nếu vào đến máu thì chạy khắp cả mình. Cái tật xấu nếu nó được dịp buông thả, nó sẽ chạy khắp trong tâm.”



“Người ta sanh ra chỉ một mình và chết đi cũng một mình. Không ai có thể gánh lấy một phần khổ não cho mình. Vậy thì bè bạn, người thân... có ích vào đâu? Chỉ là những sợi dây ràng buộc thôi.”



Thương người hơn thương ta



“Kẻ nào muốn cứu mình, cứu người cho được mau chóng thì nên áp dụng cái bí quyết này: Lấy sự thương ta mà đổi ra sự thương người.”



“Người ta chỉ vì quá thương mình, thương cái ta mà sợ sệt đến những việc rủi nhỏ nhoi. Cái ta này cản đường ta như kẻ nghịch. Cái ta này vì muốn tranh với những sự bệnh khổ, đói khát mà trở nên nghịch ác với chúng sanh. Nó giết hại những chim chóc, tôm cá, muông thú và các vật có mạng sống. Vì tham lợi lộc, công danh, nó tàn nhẫn cho đến chém giết cha mẹ và hủy phá Tam bảo. Cái ta chất chồng tội ác, đáng bị thiêu đốt ở địa ngục. Vì sao chẳng chịu ghét nó, bỏ nó? Có ai là người thông hiểu mà lại yêu trọng, gìn giữ cái ta và chẳng coi nó là một kẻ nghịch?”



“Nếu tôi cho thì còn gì mà ăn? Cái lòng ích kỷ ấy nó làm cho ngươi thành một kẻ ác độc ghê gớm. Hãy nghĩ rằng: Nếu tôi ăn thì còn gì mà cho? Cái lòng nhân từ ấy nó làm cho ngươi thành đức vua cõi trời.”



“Kẻ nào vì mình mà làm khổ kẻ khác, sẽ bị thiêu ở địa ngục. Kẻ nào vì người khác mà chịu khổ, thì được hưởng sự vinh quang.”



Tham muốn quá về mình, ắt bị hành phạt ở cõi ngoài, bị ô nhục và ngu muội cõi này. Nhưng nếu tham muốn vì người khác, sẽ được hưởng phước ở cõi trên, được nhiều trí huệ và vinh hoa.”



“Kẻ nào bắt buộc người khác làm công việc để có lợi cho mình, sẽ phải làm nô lệ lại mà đền bù. Kẻ nào tự mình chịu nhọc nhằn làm công việc để giúp người thì được ban thưởng quyền hành sang trọng.”



“Những kẻ bị khốn khổ là vì tham vui sướng một mình. Những kẻ được phước hậu là nhờ ham làm việc phải cho người.”



“Nhiều lời quá đâu có ích gì? Hãy so sánh kẻ ngu muội chỉ muốn lợi cho mình, còn bậc thánh hiền chỉ mốn lợi cho người. Thật vậy, nếu không đem cái thích ý của mình mà đổi lấy cái sầu khổ của người thì biết bao giờ mới thành Phật, bao giờ mới được hạnh phước ở đời sau?”



“Chẳng cần nói tới đời sau, ta cứ nói ngay việc đời này. Về quyền lợi chung của chúng ta, giả như đứa tớ không làm tròn phận sự thì có hại chăng, hoặc có làm mà chủ không trả tiền thì có hại chăng?”



“Thay vì làm việc công ích giúp đời, ấy là cái cốt yếu của sự hạnh phước ở cõi này và cõi khác, người ta lại cứ tàn hại lẫn nhau và chịu lấy những quả lầm lạc của mình bằng các sự khổ rất gớm ghê.”



“Các nạn nguy, những đau khổ, tai họa to lớn ở đời đều bởi sự chấp luyến cái ta mà ra. Sao còn đeo theo nó làm gì?”



“Nếu không lôi tống cái ta ra thì không thế nào tránh khỏi đau khổ, cũng như không chịu xa lửa thì thế nào cũng phải bị phỏng, bị thiêu.”



“Muốn bớt khổ cho mình và cho người, hãy đem thân mình mà hiến cho người và lấy thân người mà làm thân mình, mà làm cái ta.”



“Thân mình là thân người rồi! Ấy sở nguyện của ngươi là vậy đó, Tâm ơi! Từ nay ngươi sẽ tưởng nhớ đến việc có lợi cho chúng sanh thôi.”



“Mắt này đã hiến cho chúng sanh, lẽ nào còn thấy sự lợi, còn làm việc lợi cho mình nữa?”



“Tâm ơi, ngươi vì cuộc thiện lợi cho chúng sanh, việc nào thấy có lợi cho họ, thì ngươi phải làm vậy.”



“Ngươi hãy coi những kẻ hèn hạ như chính mình, và coi mình như người…”



“Ngươi đã trải biết bao nhiêu đời để lo kiếm cái lợi của ngươi, có gắng công cho lắm, ngươi cũng chỉ gặt hái cái quả đau khổ mà thôi.”



“Hãy vứt cái bản ngã của ngươi xuống khỏi cảnh vui sướng đi, bắt nó mà thắng vào nạn khổ của người, và ngươi hãy coi chừng sự hành động của nó đặng làm cho mưu kế của nó không thành.”



“Có hai hạng người đối diện với nhau: người suy nghĩ tham thiền và người thường. Người suy nghĩ tham thiền cao quí hơn người thường và họ cũng chia ra nhiều bực khác nhau, cao thấp tùy theo giá trị ở trí hóa. Người thường thấy biết và nhìn nhận mọi vật là có thật chớ không cho chúng nó là bào ảnh như người suy nghĩ tham thiền.”







Cái ta



“Cái ta không phải là bàn chân, ống chân, bắp đùi, bụng, lưng, ngực, tay, bàn tay, hông, nách, vai, cổ, đầu... Vậy cái ta là gì?”



“Nếu cái ta có một phần trong tay chân, ấy là phần này ở trong phần kia, còn trọn cái ta nó ở đâu?”



“Và nếu trọn cái ta đều ở trong tay chân thì có bao nhiêu tay chân là có bấy nhiêu ta chăng?”



“Cái ta không ở trong, không ở ngoài. Làm sao nó ở trong tay chân? Nó cũng không ở ngoài tay chân, làm sao nó có được? Vậy thì không có tay chân. Nhưng bởi theo tượng ảnh người ta tưởng cho cái ta thuộc về tay chân, dính với tay chân như một người bị buộc chặt vào trụ.”



“Bao giờ một đám nhân duyên kia còn hiệp thì cái ta coi như một người, cũng như bao giờ nhân duyên ấy còn hiệp trong tay chân thì người ta thấy ở đó một cái ta.”



“Cũng như thế, không có bàn chân: ấy là mấy ngón chân hiệp lại. Ngón chân chỉ là các lóng hiệp lại, lóng cũng là ít phần hiệp lại mà thôi.”



“Mấy phần này hiệp lại bỡi vi trần hay nguyên tử, nguyên tử hiệp lại bởi sáu đoạn, mỗi đoạn không phân ra được, chỉ là không gian trống rỗng thôi. Vậy cũng không thật có nguyên tử.”



“Ấy hình thể không khác nào mộng ảo đâu: người có trí không đeo theo nó. Và cái ta, cái thân đã không có thì đàn ông hoặc đàn bà có làm sao được?”



Sự vui, khổ



“Nếu sự khổ là thật, sao nó không làm khổ những kẻ đang vui? Còn kẻ đang buồn, sao lại không vui vì có đồ ăn ngon?”



“Phải chăng không cảm cái buồn hoặc cái vui là bởi có một cái cảm lớn hơn? Nhưng cái cảm mà không cảm thì làm sao có thể là cái cảm?



“Cái khổ chẳng phát hiện là bởi có một cái nhân duyên vậy. Cái cảm thì là tưởng tượng mà thôi.”



“Người ta thấy, người ta sờ, mà cảm là tùy theo trí tưởng, cái trí tưởng là như bào ảnh hay là mộng ảo, vậy thì không có cảm.”



“Chúng ta nên hiểu rằng mọi việc đều trống rỗng như khoảng không. Song người ta mãi oán giận nhau, mãi vui chơi trong cuộc đua tranh và chè rượu. Muốn được sung sướng, nhưng rốt cuộc người ta cứ sống đời một cách khổ nhọc trong việc lo buồn, lấn cướp, phiền lụy, vừa đâm chém nhau, phá hại nhau đủ cách.”


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/04/2012(Xem: 14695)
Đối với Đức Phật thì tất cả mọi hiện tượng đều không ngừng hình thành, không có một ngoại lệ nào cả, vì thế chúng không hàm chứa bất cứ một thực thể cố định hay bất biến nào.
19/03/2012(Xem: 7706)
Nỗi khổ đau suốt trăm năm trong cõi người ta vẫn hoài đè nặng lên kiếp người như một người mang đôi gánh nặng trĩu trên vai và đi mãi trên con đường dài vô tận, không khi nào đặt xuống được. Nhưng ngàn xưa vẫn chưa có bậc xuất thế nào tìm ra con đường thoát khỏi khổ đau của sanh, lão, bệnh, tử nên trong tiền kiếp Đức Phật cũng đã từng xông pha lăn lộn trong cuộc đời đầy cát bụi và đã trải qua biết bao khổ đau, thương tâm cũng như nghịch cảnh để tìm ra người thợ xây ngôi nhà ngũ uẩn và dựng lên những tấm bi kịch thường diễn ra trên sân khấu cuộc đời.
04/03/2012(Xem: 52946)
Một cuộc đời một vầng nhật nguyệt (tập 4), mục lục: Sắc đẹp hoa sen Chuyện hai mẹ con cùng lấy một chồng Cảm hóa cô dâu hư Bậc Chiến Thắng Bất Diệt - Bạn của ta, giờ ở đâu? Đặc tính của biển lớn Người đàn tín hộ trì tối thượng Một doanh gia thành đạt Đức hạnh nhẫn nhục của tỳ-khưu Punna (Phú-lâu-na) Một nghệ sĩ kỳ lạ Vị Thánh trong bụng cá Những câu hỏi vớ vẩn Rahula ngủ trong phòng vệ sinh Voi, lừa và đa đa Tấm gương học tập của Rahula Bài học của nai tơ Cô thị nữ lưng gù
18/02/2012(Xem: 18143)
Những cuộc chiến tranh khốc liệt, nhân loại tàn sát lẫn nhau, máu chảy thành sông, xương chất thành núi, phải chăng là do sân hận gây nên? Sân hận là một trong ba nguyên nhân căn bản làm con người khổ đau. Trong kinh, Phật mệnh danh là ba độc: Tham, Sân, Si.
14/02/2012(Xem: 3512)
Chúng tôi cho rằng, một người khi quyết định thực hành Đạo Phật thì trước hết là nghĩ đến viễn ly. Có phát tâm viễn ly mới thật sự là một hành giả Phật Giáo. Nếu không phát tâm viễn ly thì chúng ta thực hành Đạo Phật để làm gì? Dĩ nhiên ngày nay, người ta đã áp dụng những phương pháp thực hành của Đạo Phật trong tâm lý trị liệu, thiền quán để nâng cao sức khỏe, nhưng ngay cả việc thực tập Phật Pháp để được tái sinh trong cõi người lẫn cõi trời đều không phải là cứu kính của Phật Giáo, đó chỉ là những phương tiện nhất thời, hay đó không phải là Phật Pháp chân thật, không phải là mục tiêu tối hậu của Đạo Phật
08/02/2012(Xem: 3890)
Đạo Phật là đạo khế lý và khế cơ, cho nên khi du nhập vào quốc độ nào cũng có thể vừa giữ được nội dung cốt lỗi căn nguyên của mình vừa khế hợp với tâm tình và sắc thái đặc dị của quốc độ ấy. Đây có thể nói là đặc tính ưu việt của đạo Phật mà quá trình hiện hữu sinh động trên hai mươi lăm thế kỷ qua là niềm xác tín kiên định.
17/01/2012(Xem: 8675)
Vô tận trong lòng bàn tay, Sự dị biệt giữa tôn giáo và khoa học được đánh dấu khởi đầu từ luận đề của Galilée và từ đó đã khiến nhiều người cho là hai thế giới này không thể nào gặp nhau được. Einstein khi đối chiếu Phật Giáo với các tôn giáo khác đã cho là: nếu có một tôn giáo có thể đáp ứng được những nhu cầu đòi hỏi của khoa học, thì chính đó là Phật giáo. Einstein muốn nói tới tính cách thuần lý và thực tiển của Phật Giáo, khi ông so sánh thấy các tôn giáo khác chỉ dựa trên kinh điển và giáo điều. Đúng như điều Einstein cảm nhận, Ph
15/01/2012(Xem: 10072)
Sự thể hiện đích thực về đờisống của người Phật tử không phải là ngôn ngữ, kiến thức mà là hành động. Tọathiền là quan trọng; giữ tâm điềm tĩnh, lắng dịu và nghiêm túc trong quá trìnhhành thiền là cần thiết, nhưng đấy không phải là nhiệm vụ khó khăn nhất. Nhiệm vụ khó khăn nhất ấy là đem tâm nghiêm túc ấy vào trong đời sống thường nhật... Phật giáo nhận thấy rằng tất cả mọi người và mọi chúng sanh đều phụ thuộc lẫn nhau. Mặc dù thân và tâm của mọi người khác nhau nhưng mọi người vẫn tương quan với nhau.
15/01/2012(Xem: 7484)
Phật đã bỏ loài người…(1) Điệp khúc ấy lâu lâu lại thấy đâu đó trên những đoạn đường đi qua. Nó đếnvà đi như bao chuyện khác trong đời. Chuyện phiếm trong đời quá nhiều, đâu đángbận tâm. Cho đến cái ngày, nó được thổi vào trong thơ của một ai đó như một bài“Thiền ca”… Thiền tông, nói mây, nói cuội, nói chuyện nghịch đời… chẳng qua đối duyên khai ngộ, để phá cho được cái dòng vọng tưởng tương tục của người, hy vọng ngay đó người nhận ra “chân”...
07/01/2012(Xem: 7554)
Chúng ta hãy đừng lừa dối chính mình, điều này tưởng chừng như không khó khăn nhưng thật sự đó là điều khó nhất trong tất cả các trạng thái mà chúng ta có thể đạt được. Bằng cách "Không lừa dối chính mình", nghĩa là tôi muốn nói chúng ta hãy ngưng vẽ một bức tranh của thế giới ngày nay bằng những sai lầm với các màu sắc khoái lạc, vì tiện nghi và an toàn cho riêng mình. Chúng ta, toàn thế giới, phải đương đầu với sự sai lầm này, thật là tệ. Chúng ta phải thật sự lưu tâm đến hoàn cảnh của chúng ta đang sống. Chúng ta cần phải truy nguyên tận căn để của tất cả các mối nghi ngờ và hiểu lầm của mình, và chúng ta có thể bắt đầu như thế nào để loại trừ nó một cách tốt nhất. Và chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng, nếu chúng ta không thực hiện điều này, chúng ta phải đối đầu với các trở ngại đó.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]