ĐẠI CƯƠNG TRIẾT HỌC TRUNG QUÁN
Tác Giả: Jaidev Singh - Dịch Giả: Thích Viên Lý
Viện Triết Lý Việt Nam và Triết Học Thế Giới Xuất Bản
3. TRUNG LUẬN: CUỘC ĐỜI CỦA LONG THỌ (NÀGÀRJUNA) VÀ ĐỀ BÀ (THÁNH THIÊN – ÀRYADEVA)
Sự tồn tại chủ yếu của Triết học Trung Quán (Madhyamaka philosophy) chính là ở Trung Luận (Madhyamaka Sàstra) của Long Thọ và Tứ Bách Luận (Catuh - Sataka) của Đề Bà (Àryadeva).
Tại Ấn Độ, những kinh điển có liên quan đến Phật Giáo Đại Thừa đều đã hoàn toàn bị thất lạc. Nhưng những bản dịch sang Hoa ngữ, Nhật ngữ và Tây Tạng ngữ thì hiện vẫn còn được lưu giữ. Phần lớn văn kiện Đại thừa đều dùng Phạn văn (Sainkskrta) hoặc Tạp Phạn văn để ghi chép. Những sách của các học giả nghiên cứu về Phật Giáo đáng được tin cậy hiện vẫn còn tồn tại, đa số đều đã được viết bằng Phạn văn.
Vào năm 1833, ông Brian Houghton Hodgson đã được cử đến để làm đặc sứ tại Kàthamandu ở Nepal và, trong cương vị này ông đã phục vụ tại đó đến năm 1843.
Trong suốt thời gian này, ông đã phát hiện được 381 cuốn kinh Phật bằng Phạn văn nguyên bản. Những bản thảo này được chia ra và chuyển đến nhiều đoàn thể học thuật khác nhau để hiệu đính và ấn hành. Kết quả đã khám phá được rằng: Kinh Phật bằng Phạn văn (Sainkskrta) rất khác với bộ kinh bằng tiếng Pali; và kinh điển Phật Giáo tại các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Tây Tạng rất giống với các bộ kinh bằng Phạn văn. Trong các bản thảo bằng Phạn văn được phát hiện có bộ Trung Luận (Madhyamaka Sàstra) của Long Thọ và bản Chú Thích Minh Cú Luận (Prasannapadà) của Nguyệt Xứng ̣(Candrakìrti).
Sách này do Louis de la Vallée-Poussin sưu tập và được ấn hành trong Bibliotheca Buddhica, Vol. IV, St. Peterburg, Nga, năm 1912.
Ấn bản sớm hơn của nó đã được Saraccandra Sàtri sưu tập và do Buddhist Text Society ở Calcutta ấn hành vào năm 1897. Ấn bản này đã có rất nhiều chỗ bị sai. Poussin đã sử dụng sách này để tham khảo nhưng ông cũng đã mượn hai nguyên bản khác, một từ Cambridge và một từ Paris để đối chiếu. Đồng lúc, ông cũng đã sử dụng Trung Quán Tụng (Kàrikàs) và bản chú giải đã được dịch sanh Tạng văn (Tibetan) để đối chiếu. Tiến sĩ P. L. Vaidya đã sử dụng ấn bản do Poussin sưu tập và 1960 ông đã xuất bản Trung Luận (Madhyamaka Sàstra) của Long Thọ (Nàgàrjuna) và bản chú thích của Nguyệt Xứng (Candrakìrti) trong Thiên Hành Thể (Devanàgari). Ấn bản này đã được Mithilà Vidỳapìtha, Darbanga phát hành thêm. Stcherbatsky đã sử dụng ấn bản do Poussin sưu tập để viết cuốn Conception of Buddhist Nirvàna (Khái niệm về Niết Bàn Phật Giáo).
Đức Phật thường dạy rằng giáo lý của Ngài có tính cách Trung Đạo (Madhyamà Pratipad-The Middle Path). Khi Long Thọ Bồ Tát phát triển triết học của ngài, đã nắm vững danh từ trọng yếu này nên đã gọi triết học của ngài là Trung Quán (Madhyamaka Philosophy – Madhyamaiva madhyamakam) hoặc Trung Luận (Madhyamaka-Sàtra) mà những tín đồ của phái này được gọi là Trung Quán Phái (Madhyamika) (Madhyamakam adhiyàte vidanti và Màdhyamikah). Danh xưng chính xác nhất của trường phái này là Madhyamaka chứ không phải là Màdhyamika vì lẽ Madhyamika có nghĩa là tín đồ của trường phái Trung Quán (Madhyamaka).
Trung Quán (Madhyamaka-sastra) của Long Thọ (Nàgàrjuna) gồm hơn 400 tụng tán ca (Kàrikas) trong anustubha (một loại âm luật, 4 x 8 âm tiết) và được chia thành 27 chương.
A. Long Thọ (Nàgàrjuna)
Ngài là vị Tổ đã triển khai và hoàn thành học phái Trung Quán (Madhyamaka). Ngài chào đời vào thế kỷ thứ II sau Tây Lịch trong một gia tộc Bà La Môn thuộc nước Àndhradésa, rất có thể là tại Vidarbha (Berar). Srìparvata và Dhànyakataka đã là những trung tâm hoạt động chủ yếu của Ngài tại Nam Ấn. Ở Bắc Ấn, sự hành hoạt của Ngài đã vô cùng sâu rộng, rất nhiều chỗ, mà một trong những địa điểm trọng yếu là Nàlandà, một Tu Viện và Đại Học rất nổi tiếng. Hai tăng viện Amaràvatì và Nàgàrjunahonda cũng là hai tăng viện đã có sự liên quan mật thiết đến Ngài.
Căn cứ theo Ràjataranginì (vào thế kỷ thứ mười một sau Tây Lịch) thì ngài đã hiện diện cùng với Huska, Juska và Kaniska (Hồ Sư Già Vương, Sư Già Vương và Già Nhị Sắc Già Vương).
Căn cứ bản tiểu sử của Bồ Tát Long Thọ được Ngài Cưu Ma La Thập (Kumàrajviva) dịch sang Hoa văn khoảng năm 405 sau Tây Lịch thì, Long Thọ đã sanh trong một gia đình Bà La Môn ở Nam Ấn Độ, Ngài đã đặc biệt nghiên cứu về giáo điển Vedas (Phệ Đà) và học hỏi những điều trọng yếu khác của Bà La Môn giáo trước khi Ngài xuất gia đầu Phật.
Căn cứ vào quyển sách nhỏ có tựa đề là Suhrlekha (Bằng Hữu thư – Friendly Epistle) của Ngài thì những điều được viết là viết riêng cho Vua Àndhra (Án Đạt La Quốc Vương), Sàtavàhana. Nhưng, Sàtavàhana đã không phải là tên riêng của một vị quốc vương mà đó là tên của một vương tộc có tên là Àndhra (Án Đạt La) được kiến lập bởi Simuka (Hy Mộc Ca) (Tham khảo R. C. Majumdar Ancient, India, P.133). Vì thế, một số học giả đã cho rằng Suhrlekha (Bằng Hữu Thư) là sách được viết cho Kaniska (Ca Nị Sắc Vương).
Có một truyền thuyết có liên quan đến tên của Ngài:
Chữ “Naga” có nghĩa là “mãng xà” hoặc “Rồng” và “Arjuna” là tên của một loài cây. Căn cứ vào truyền thuyết này thì Ngài đã được sanh ra dưới một cội cây tên là Arjuna và Ngài cũng đã từng đến thăm Long Cung (Nàgas) dưới đáy biển, Hải Long Vương (Naga) đã mang “Đại Trí Bộ Kinh” (Mahàprajnà pàramità Sùtra) do Đức Phật ủy thác để tặng Ngài.
Nhưng, chữ “Nàga” cũng còn tượng trưng cho trí tuệ. Căn cứ vào những lời dạy của Đức Phật thì “Nàga” là danh xưng dùng để chỉ cho những ai đã tiêu trừ sự đắm say dục lạc, giận dữ và khổ đau (àsavas) (Trung A Hàm-Majjhima Nikàya, I 23). Vì thế, có thể bảo “Nàga” là những bậc A La Hán (Arhants) được truyền trí tuệ Bát Nhã Ba La Mật Đa (Prajnàpàramità) mà Long Thọ đã từng thọ giáo ở họ.
Không lầm lẫn giữa Long Thọ của Phật Giáo và Dược sư Long Thọ Mật Giáo (Tàtrica Nàgàrjuna) người đã sống khoảng thế kỷ thứ VII sau Tây Lịch.
Người Tây Tạng cho rằng Bồ Tát Long Thọ đã sáng tác tất cả gồm 122 bộ sách. Nhưng, dường như chỉ có thể xác định những cuốn sách được liệt kê dưới đây:
1. Trung Luận (Madhyamaka-Sàtra) còn có tên là Bát Nhã
(Prajnà: trí tuệ) hoặc Tụng (Kàrikàs) và Vô Úy Luận (Akutobhaya) do chính tác giả chú giải.
2. Hồi Chánh Luận (Vigrahavyvartanì) với sự chú giải của tác giả.
3. Lục Thập Chánh Lý Luận (Yuktisastikà)
4. Thập Thất Tụng Không Tánh Luận (sunyatà-Sapsati) và chú giải.
5. Duyên Khởi Tâm (Pratìyasamut-pàdahrdaya) và chú giải.
6. Tứ Tụng (Catuhstava)
7. Tu Tập Thứ Đệ (Bhàvanàkrama)
8. Bằng Hữu Thư (Suhrllekha)
9. Lưu Chuyển Chư Hữu (Bhàvasamkrànti)
10. Bảo Hành Vương Chánh Luận (Ratnàvalì)
11. Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh Luận (Pràjnàpàramita-Sutra Sàstra)
12. Thập Địa Giải Thuyết Luận (Dasabhaùmivibhàsà Sàstra)
13. Nhất Kệ Luận (Eka – Sloka - Sàstra)
14. Năng Đoạt Kinh (Vaidalya Sutra) và chú giải (Prakarana)
15. Ngôn Ngữ Cứu Cánh (Vyavahara - Siddhi)
Những bộ sách trên hiện chỉ còn một số nguyên bản nhưng dù sao thì toàn bộ đã được dịch sang tiếng Tây Tạng.
Long Thọ Truyện Ký của Cưu Ma La Thập (Kumàrajìva) thì cho rằng những cuốn sách dưới đây cũng chính là những tác phẩm của Long Thọ:
1. Ưu Bà Đề Xá (Luận Nghị) gồm Thập Vạn tụng
(Upadsa 100,000 Gàthas)
2. Trang Nghiêm Phật Đạo Luận gồm 5,000 tụng (Buddhamàr Gàlankàsa Sàstra 5,000 Gàthàs)
3. Vô Úy Luận (Akutobhaya - Sàstra) gồm 100,000 tụng.
Những bản được sưu tập bằng Hoa văn được đề cập dưới đây cũng thuộc về những tác phẩm của Long Thọ:
1. Đại Thừa Bảo Yếu Nghĩa Luận
(Mahayànabhavabheda Sàstra) “Lưu Chuyển Chư Hữu Luận” (Bhavasankràntisastra)
2. Bồ Đề Tư Tương Luận (Buddhisambhàra - Sastra)
3. Pháp Giới Tụng (Dharmadhàtustava)
B. Đề Bà (Àryadeva hoặc Àrya Deva)
Ngài đã chào đời tại Simhala, Tích Lan, và là học
trò của Long Thọ. Ngài đã theo Bồ Tát Long Thọ chu
du đó đây và đã góp phần rất lớn đối với công
cuộc truyền bá học thuyết của Long Thọ.
Truyện ký của Ngài đã được Ngài Cưu Ma La Thập (Kumàrajìra) dịch sang Hoa văng vào khoảng 405 năm sau Tây Lịch.
Tác phẩm nổi tiếng nhất của Ngài là “Tứ Bách Luận” (Catuh - Sataka), bộ sách gồm 400 kàrikàs. Trong sách này, Ngài đã bảo vệ học thuyết của Long Thọ và đồng thời cũng phê phán những triết học khác như Nguyên Thủy, Số Luận (Sàmkhya) và Thắng Luận (Vaiseska). Ngài cũng có thể là tác giả của Bách Tự Luận (Aksara Satakam). Căn cứ vào những gì mà Ngài đã thuyết thì Chưởng Trung Luận (Hastavala - Prakarana) và Tâm Tịnh Luận (Cittavisuddhi Prakarana) có thể là bộ luận đã do Ngài sáng tác?