Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 1: Những Vấn Đề Của Triết Học Thế Thân

14/01/201105:00(Xem: 7005)
Chương 1: Những Vấn Đề Của Triết Học Thế Thân

TRIẾT HỌC THẾ THÂN

Lê Mạnh Thát
Nguyên tác Anh ngữ: The Philosophy of Vasubandhu,
luận án tiến sỹ, Đại học đường Wisconsin, Madison, 1974. Việt dịch: Đạo Sinh

Chương I
Những Vấn Đề Của Triết Học Thế Thân

Viết về một triết học là đặt ra các câu hỏi về những vấn đề được bàn đến trong triết học đó. Trong trường hợp này, chúng ta thử viết một bài nghiên cứu mang tính phê bình về triết học Thế Thân. Vậy thì thật tự nhiên khi hỏi rằng những vấn đề Thế Thân cưu mang trong các tác phẩm triết học của ông là gì? Trả lời được câu hỏi này không chỉ giúp chúng ta định hướng việc tìm hiểu tư tưởng ông mà còn nhận ra những gì ông có thể đóng góp cho lịch sử triết học thế giới cũng như ý nghĩa của chúng đối với chúng ta ngày nay.

Tuy nhiên trả lời một câu hỏi có nghĩa là hàm ý và dự kiến một cách trả lời nào đó, và như thế đã đòi hỏi câu hỏi phải được trả lời theo một cách nào đó. Như vậy, trả lời câu hỏi những vấn đề của triết học Thế Thân là gì cũng sẽ hàm ý và dự kiến một cách trả lời nào đó để nó có thể dẫn chúng ta đến sự hiểu biết và đánh giá đúng tư tưởng của ông. Tuy nhiên nói rằng phải trả lời theo cách nào đó cũng đồng nghĩa với việc nói rằng ta phải tự giới hạn theo cách nào đó và nhìn vấn đề theo một quan điểm nào đó. Khi một tình huống như thế xảy ra, hiển nhiên dù ta có nhọc công đến đâu để tháo gỡ nó thì sự hạn chế về khả năng tri nhận của chúng ta đối với vấn đề đang bàn đến cũng đã được áp đặt lên chúng ta rồi. Bởi vì, khi phải theo một cách nào đó và phải nhìn vấn đề từ quan điểm nào đó, ta không những thiết định vị thế của mình mà còn phải chấp nhận vị thế đó là phương tiện duy nhất, ít ra là vào thời điểm đó, để xem vấn đề có thể được tri nhận đúng như thế nào. Khi làm thế, dĩ nhiên chúng ta đã mạo hiểm gánh hết những bất lợi đi kèm theo một phương pháp như thế do sự hạn chế về tầm nhìn của chúng ta đối với vấn đề. Tuy nhiên nhờ hạn chế này mà chúng ta đồng thời có thể tiếp cận mục tiêu, và như thế cho phép chúng ta nhìn thấy chính xác những gì hình thành vấn đề và kết quả có được là chúng ta sẽ biết và hiểu rõ vấn đề hơn.

Phát biểu khá phổ quát trên về phương pháp nghiên cứu triết học Thế Thân của chúng ta được đưa ra ở đây nhằm phân biệt bài nghiên cứu này với các tác phẩm viết về ông từ trước đến nay. Có thể nói các tác phẩm này đã dựa vào phương pháp thời danh (time-honored approach), theo đó Thế Thân được xem như thành tố của một hệ tư tưởng và đồng thời cũng đã được bàn đến theo cách nhìn đó. Chắc chắn một phương pháp như thế không phải không giá trị. Ta có thể truy nguyên lịch sử của nó ít ra là vào thời Thế Thân, khi Câu Xá Luận (Abhidharmakosa), tác phẩm chính đầu tay của ông, được Chúng Hiền (Sanghabhadra) tìm hiểu và phê phán từng điểm một[2]. Theo Chúng Hiền, Thế Thân phải được xét đến không phải dựa vào giá trị của tư tưởng ông mà là giá trị của tư tưởng này trong nội dung của một hệ tư tưởng nào đó. Trong trường hợp của Câu Xá Luận, đó là hệ tư tưởng Tỳ Bà Sa (Vaibhasika). Trong chừng mực nào đó, cách nhìn này về ông có thể có ích ở điểm nó giúp đối chiếu những đóng góp của ông với toàn bộ hệ tư tưởng mà ông đã được hiểu như là một thành tố của nó, và nhờ đó có thể làm sáng tỏ các lãnh vực sáng tạo trong tư tưởng ông. Thật vậy, khi đọc những phê phán của Chúng Hiền trong Thuận Chánh Lý Luận (Nyayanusara), ta có thể biết được phân nửa những gì được diễn tả trong Câu Xá Luận đều thuộc về Thế Thân và của riêng ông.

Tuy nhiên một phương pháp như thế vẫn nguy hiểm ở chỗ nó đòi hỏi Thế Thân phải phát biểu như người phát ngôn cho một hệ tư tưởng, và như thế sẽ dẫn đến tình trạng bị hệ tư tưởng này thống ngự và nhận chìm hoàn toàn. Lúc đó chúng ta không còn biết gì về Thế Thân nữa. Những gì chúng ta biết được chỉ là hệ tư tưởng mà ông là người đại biểu. Và đây chính là chỗ ẩn tàng cái hậu quả nguy hiểm và phá hoại của phương pháp thời danh nói trên. Các tư tưởng gia và những đóng góp của họ đều bị hy sinh cho việc tìm hiểu hệ tư tưởng mà họ bị xem như người đại diện. Chúng ta không còn biết được tại sao họ đã chọn lựa một vấn đề nào đó cũng như phương cách họ giải quyết vấn đề. Tất cả đều được giải thích theo các yêu cầu của hệ tư tưởng. Vì thế nhu cầu riêng tư của mỗi tư tưởng gia đều bị bỏ qua.

Nếu Thế Thân đã viết Câu Xá Luận thì câu hỏi đặt ra không phải là cái gì đã khiến ông làm việc này và tại sao, mà là ông có chính xác hay không trong việc trình bày hệ tư tưởng mà ông bị xem là người đại diện. Không nêu được các câu hỏi về trường hợp trước mà chỉ chú trọng đến những câu hỏi của trường hợp sau thì những tác phẩm viết về Thế Thân từ trước đến nay đều có thể nói rằng không có nhiều giá trị cho lắm. Thật vậy, ta có thể nói rằng hiện nay hầu như không có một bài viết nào minh bạch về triết học của ông mặc dù rất nhiều tài liệu chuyên về ông cũng như có đề cập đến ông đã được nhiều nhà nghiên cứu thu thập trong các năm qua. Thỉnh thoảng người ta tìm thấy những nghiên cứu rải rác về một hoặc một loạt hai hay ba tác phẩm của ông với nhan đề “Triết Học Thế Thân” hoặc tương tự nhưng đều không có thực chất. Tình trạng này xảy ra không phải vì Thế Thân không lôi cuốn và nắm bắt được sự chú ý của các triết gia và các nhà nghiên cứu về mình. Ngược lại, thực tế hoàn toàn khác hẳn.

Kể từ khi Chúng Hiền mở cuộc tấn công trực diện vào Câu Xá Luận, các tác phẩm khác của Thế Thân đã phải chịu những đối xử tương tự. Ví dụ, chúng ta có các khảo sát của Trần Na (Dignaga) và Uddyotakara về các lý thuyết và phát biểu luận lý của ông. Và rồi chúng ta còn gặp phê phán của Thanh Biện (Bhavaviveka) về thuyết “ba tánh”[3]. Ngoài ra chúng ta còn chứng kiến sự tranh biện giữa Pháp Hộ (Dharmapala) và An Huệ (Sthiramati) về khái niệm tự tri của ông. Đó là chưa kể vô số luận thư, dài cũng như ngắn, đã được những người hâm mộ tư tưởng ông viết về rất nhiều tác phẩm của ông. Thế nhưng kết quả khá buồn cho dù đã có rất nhiều nghiên cứu nghiêm túc như vậy. Tất cả đều kết thúc bằng việc thiết định một đường hướng nghiên cứu, theo đó cơ sở trình bày triết học Thế thân chỉ đơn thuần dựa vào Câu Xá Luận hay các tác phẩm khác như Nhị Thập Luận Tụng (Vimsatika) và Tam Thập Luận Tụng (Trimsika). Hướng nghiên cứu này đã có những tác động đáng kể đến lịch sử bởi vì đó là kết quả sự làm việc cật lực của nhiều thế hệ học giả. Thật vậy, hầu như mọi người đều xem đây là phương cách chính yếu để tiếp cận tư tưởng Thế Thân. Chỉ xem qua danh sách các tác phẩm của các nhà khảo cứu về ông hiện nay cũng đủ thuyết phục bất kỳ ai còn nghi ngờ về sự xác thực của phát biểu này.

Vì thế chẳng có gì ngạc nhiên khi một mặt có người bảo chúng ta rằng ông là người lập ra Câu Xá tông[4], mặt khác lại bảo rằng ông là người “kiện toàn” Duy Thức tông[5]; và chúng ta không hề thắc mắc tại sao ông lại được mô tả một cách khác nhau như thế. Hơn nữa, những sách được viết theo hướng nghiên cứu trên, mặc dù đều mang danh nghĩa nghiên cứu tư tưởng Thế Thân nhưng lại không thể giúp chúng ta thấy được cái đã hình thành mối quan tâm sau cùng của ông về triết học. Tất cả những gì chúng ta đọc được đều nói đến Thế Thân như một “nhà hệ thống hóa”[6] hay như “người kiện toàn” mà không bao giờ là một Thế Thân đã cưu mang những hoài nghi về thế giới cũng như về chính bản thân mình và mong muốn tự mình tìm hiểu những điều này.

Chính Thế Thân của trường hợp sau mới có thể để lộ cho chúng ta một số vấn đề chưa được giải đáp của ông và nhờ thế mới có thể đánh động cái ý thức hưng phấn của chúng ta, một sự hưng phấn chắc chắn sẽ dẫn dắt chúng ta đến nhiều sự tìm tòi hơn về triết học của ông và nhờ thế cuối cùng chúng ta sẽ hiểu được nhiều hơn. Theo nhận xét này, có thể nói rằng thất bại của phương pháp thời danh nói trên là một thất bại đau khổ và trọn ven.

Chính do sự thất bại của phương pháp này mà tôi đã đưa ra phát biểu tổng quát trên về phương cách tiếp cận triết học Thế Thân của riêng tôi. Phương pháp của tôi là phương pháp di truyền (genetic approach), xem hệ thống triết học của ông chính là sự phát triển từ một quan tâm triết học ban đầu. Mục đích của bản luận này là tìm ra mối quan tâm triết học tiên khởi này là gì và nó đã điều động sự phát triển hệ thống triết học của Thế Thân như thế nào.

Người ta từng nói rằng “Thế Thân đã sống quá nhiều, đã tư duy quá nhiều và đã viết quá nhiều”[7]. Vì thế một phát biểu suông sẻ ban đầu về “mối quan tâm triết học của ông là gì” không phải là việc dễ dàng. Tuy nhiên nếu đã quen với các tác phẩm của ông, ta sẽ thấy được những đề tài nào đó thường xuyên lập đi lập lại và đó chính là điểm đặc trưng nhất của ông. Nếu có thể tìm thấy mối quan tâm triết học sơ khởi của ông thì nó sẽ nằm ngay trong các đề tài này. Đề tài nổi bật hơn cả là câu hỏi đối tượng của thức là gì. Đây là câu hỏi Thế Thân đặt ra trong Câu Xá Luận sau một khảo sát dài về vấn đề các từ như “quá khứ”, “vị lai”, v.v. chính xác là chỉ cho cái gì[8]. Các luận sư Tỳ Bà Sa nghĩ rằng có tồn tại thực sự các thực thể như quá khứ và vị lai bởi vì họ cho rằng nếu chúng không hiện hữu thì làm sao biết được chúng. Ta không thể biết một cái gì đó mà nó không là cái gì cả, vì sự nhận biết về cái không là gì cả tương đương với sự không-biết. Dĩ nhiên các lý luận này của Tỳ Bà Sa không phải không giá trị. Nó làm chúng ta nhớ đến một lập luận tương tự của Parmenides, theo đó “không phải từ Vô thể mà ta cho ngươi nói hay nghĩ, vì không thể nói hay nghĩ cái không có”[9]. Thật vậy, chính vì dựa vào lối lý luận như thế mà Tỳ Bà Sa khẳng định sự hiện hữu của các thực thể như quá khứ, vị lai[10], sinh[11], v.v.

Với Thế Thân khẳng định trên dường như phi lý. Ví dụ, Tỳ bà sa thừa nhận khái niệm ‘xứ thứ mười ba’ tuyệt đối không hiện hữu; thế nhưng nó vẫn được biết đến và được diễn tả, có nghĩa nó có thể là một đối tượng của thức. “Vậy thì, cái gì của thức tương ứng với khái niệm ‘xứ mười ba’? Có phải nó không là gì cả mà chỉ là một tên gọi? Trong trường hợp đó, một đối tượng của thức có thể không là cái gì cả mà chỉ là một tên gọi, và đối tượng mà nó chỉ đến không cần phải hiện hữu”[12]. Rõ ràng là nếu cái gì đó, vốn được biết là hoàn toàn không hiện hữu, lại được biết đến như trong trường hợp của khái niệm về xứ thứ mười ba nêu trên, thì chắc chắn phải có một cơ cấu nào đó mà nhờ nó ta có thể biết được loại đối tượng không hiện hữu như thế của thức. Ta không thể chỉ phủ nhận rằng nó không thể được biết đến vì nó tuyệt đối không hiện hữu, bởi lẽ sự thật là nó được biết và được diễn tả. Như vậy, cái cơ cấu mà nhờ đó cái tuyệt đối không hiện hữu lại được biết đến là cơ cấu gì? Như đã thấy, câu trả lời của Thế Thân là nó được biết vì nó chỉ là một tên gọi và cái mà nó chỉ đến không nhất thiết phải hiện hữu. Kết quả là đối tượng của thức có thể không là gì cả mà chỉ là giả danh. Tuy nhiên, ta có thể chứng thực điều này như thế nào?

Hãy lấy ví dụ khái niệm “sinh”. Tỳ Bà Sa cho rằng chữ “sinh” phải biểu trưng cho một cái gì đó được gọi là “sinh”. Nếu không, sẽ không thể giải thích các phát biểu như “tôi biết sự sinh ra của các vật”. Biết được sự sinh ra của các vật thì giống hệt như nhìn thấy một bông cúc dại trong bụi cây mà ta tình cờ để ý đến trên đường về nhà. Bông cúc ở đó, đối mặt và phát ra thông tin về nó cho ta. Tương tự như thế, sự “sinh” phải có ở đó, hướng mặt về những ai cố gắng biết nó và cung cấp cho họ đủ thông tin cần thiết để có thể biết về nó. Tóm lại, với Tỳ Bà Sa, đối tượng của thức ở cùng bình diện và có cùng vai trò với đối tượng của sự thấy, chẳng hạn. Chính do thuyết về đối tượng này của họ mà cách lý luận trên được đưa ra. Vì làm sao ta có thể biết cái mà nó tuyệt đối không hiện hữu? Trường hợp này giống hệt như ta cố nhìn một cái gì đó mà nó không có ở đó để nhìn. Trước hết, làm sao ta có thể thấy cái mà nó không có ở đó để được thấy? Ta hãy xem Thế Thân trả lời những câu hỏi này bằng cách nào với thuyết tự tri của ông.

Nay ta quan sát thấy ông trả lời bằng câu hỏi ngược lại của chính ông. Chẳng hạn, ông chỉ ra rằng mọi người đều biết xứ thứ mười ba là gì. Thế nhưng một xứ như thế tuyệt đối không hiện hữu, như chính Tỳ Bà Sa đã thừa nhận. Kết quả là cái tuyệt đối không hiện hữu vẫn có thể là đối tượng của thức. Như vậy, trong trường hợp này đối tượng của thức không là gì cả mà chỉ là một cái tên. Khi đã như vậy thì tại sao đối tượng của thức phải giống như đối tượng của sự thấy? Không cần thiết phải giả thiết như thế. Vì vậy, ta có thể biết đến sự sinh của các vật mà không cần giả thiết rằng phải có một vật gọi là “sinh” hiện hữu.

Ngoài ra, Thế Thân còn chỉ ra rằng trong câu nói “tôi biết sự sinh ra của các vật” (I know the birth of things) thì chính chữ “sinh” (birth) cũng có thể được thay thế bằng những chữ khác mà không làm biến dạng hay làm hỏng câu nói này. Như vậy ta có thể nói “tôi biết các vật đang được hình thành” (I know things being born), trong đó rõ ràng chữ “sinh” không xuất hiện và không cần đến. Hoặc chính xác hơn, ta có thể nói “tôi biết các vật đang hiện hữu đã không hiện hữu trước đây”, trong đó ngay cả vết tích cuối cùng của chữ đó, tức nhóm từ “đang được hình thành”, cũng được thay thế hoàn toàn. Vậy thì rõ ràng là, vì dựa vào chữ “sinh” như một cơ sở lý luận tất yếu về sự hiện hữu của một thực thể có tên là “sinh” mà ta không những gánh chịu những câu phản vấn như trên về sự hiện hữu của xứ thứ mười ba mà còn buộc mình vào một khái niệm bất ổn về giả danh.

Chúng ta thấy rằng chỉ một nét bút mà Thế Thân đã có thể dễ dàng chuyển dịch chữ “sinh” và thay bằng một số chữ khác tương đương mà không làm cho câu đổi nghĩa. Kết quả là chữ đó không nhất thiết biểu trưng cho bất cứ vật nào cả, bởi vì nó có thể được thay bằng một số từ tương đương mà những từ này không được xem như biểu trưng cho một sự vật nào cả. Tóm lại, các chữ như “sinh”, v.v. không là gì cả mà chỉ là những biểu tượng bất toàn ở dạng “một cái gì đó” vì chúng có thể được dời chỗ và thay thế bằng một số chữ tương đương. Nói cách khác, đối với bất kỳ một số hạng không đổi hay một tên riêng N nào sẽ luôn luôn có một thuộc từ N như (ix) N (x), trong đó ký hiệu (i...) cho thấy rằng số hạng này là một ký hiệu bất toàn. Như vậy, mọi số hạng chỉ là một mô tả:

n º (ix) N (x)

Vì thế nếu Tỳ Bà Sa cho rằng bất cứ “nhóm từ biểu thị đúng ngữ pháp” nào cũng phải biểu trưng cho một vật thể nào đó[13] thì Thế Thân sẽ đáp rằng không cần thiết phải như vậy. Bởi vì, đối với bất kỳ hằng số hay tên riêng n nào vẫn luôn luôn có thể được thay thế bằng một thuộc từ N và thuộc từ này chỉ có thực đối với vật thể mà n có liên quan đến và trong đó n không xảy ra và cũng không được cần đến, như (ix) N (x). Với giải đáp này, bây giờ Thế Thân có thể chỉ ra rằng đối tượng của thức thực sự chỉ là tên gọi. Nó không là gì cả mà chỉ là một tên gọi. Vì nếu không phải như thế, làm sao sự thay thế n lại có hiệu quả như có thể thấy trong thực tế? Nếu chữ “sinh” có biểu trưng một vật thể gọi là “sinh” thì làm thế nào nó có thể được thay thế và đồng thời được hiểu, như đã xảy ra trong thực tế?

Như vậy, nhờ tìm ra rằng một chữ có thể được thay thế mà không đánh mất cái được dự định nói ra, Thế Thân đã chứng minh rất rõ rằng đối tượng của thức thực sự chỉ là tên gọi, và đồng thời giải thích tại sao có thể nói về một đối tượng mà không hề biết nó có hiện hữu hay không. Như thế, thuyết mô tả đã được trình bày một cách rõ ràng. Nó khẳng định rằng đối với bất kỳ n nào, luôn luôn có một mô tả N có thể diệt như (ix) N (x). Nói cách khác, tôi có thể nói “Tôi biết sự sinh ra của cái gì đó”. Nhưng tôi cũng có thể nói “Tôi biết cái gì đó đang được hình thành”. Thế nhưng khi làm thế, tôi giả thiết rằng chữ “sinh” có thể được thay thế bằng nhóm từ tương đương với nó là “đang được hình thành”. Khái niệm về sự tương đương vì thế đóng vai trò rất quan trọng trong thuyết mô tả vừa được thuyết minh ở trên, vì không có nó, ta không thể biết làm thế nào để thực hiện việc thay thế và làm thế nào để thay thế đúng. Chúng ta có thể nói đây là một trong những định đề chính của hệ thống triết học Thế Thân mà từ đó nhiều kết quả khác đã được rút ra.

Một trong những kết quả này là thuyết luận lý loại suy. Ngày nay, một suy luận trong luận lý học Ấn thường được viết dưới dạng:[14]

(2) ("x) (A(h,x) ® A(s,x)

trong đó A(y,x) chỉ cho quan hệ lan truyền của số hạng y trong x, h chỉ cho đặc tính được biết (hetu), và s chỉ cho đặc tính được chứng minh (sàdhya). Nhưng một dạng như thế chỉ có thể được viết ra nếu quan hệ lan truyền được giả thiết. Quan hệ này chưa bao giờ được công nhận trước thời điểm Thế Thân đưa ra thuyết của ông về ba đặc tính của h. Vì thế luận lý Ấn trước thời ông chỉ là luận lý học loại suy, có nghĩa là thứ luận lý trong đó giá trị của một luận chứng riêng biệt được xét đến bằng cách loại suy từ một luận chứng riêng biệt đã biết khác. Và như vậy không thuộc về bất kỳ chuẩn mực chân lý phổ quát nào cả.

Tuy nhiên khi Thế Thân viết Như Thực Luận (Tarkasastra), có lẽ trong thời kỳ đang còn học Phật, ông đã chỉ rõ rằng để cho bất kỳ suy luận nào có giá trị cần phải đáp ứng ba điều kiện sau[15]: (1) h chỉ xảy ra trong cái được suy luận, (2) h chỉ xảy ra trong các trường hợp tương tự, và (3) h không xảy ra trong những trường hợp không tương tự. Ta có thể diễn đạt như sau:

(3) ("x) [h(x) ® A(x,p)]

(4) ("x) {h(x) ® [si(x,p) & s(x)]}

(5) ("x) [-h(x) ® -s(x)]

Bây giờ chúng ta đã chứng minh được rằng ba điều kiện này thật sự cho ra công thức (2).[16] Vì thế đây là lần đầu tiên luận lý Ấn đặt nền tảng trên thuyết loại suy, tức lý thuyết sẽ cho chúng ta biết tại sao một lập luận nào đó được phát biểu theo cách của nó và nó có thể được xét đến như thế nào. Chính do thuyết này mà biểu đồ suy luận phức tạp gồm năm chi (cumbersome five-membered schema of inference) do Naiyayikas thiết lập và bảo vệ không những được giản lược thành ba chi mà còn có thể chỉ hai chi.

Nhưng nếu tính chất loại suy của (2) được thừa nhận qua ba đặc tính của h, điều này không có nghĩa rằng nó được thừa nhận một cách tình cờ. Thực tế hoàn toàn khác hẳn. Chúng ta đã thấy rằng khi cố gắng chứng minh là sai cái khái niệm cho rằng những từ như “sinh” biểu trưng cho một cái gì đó, Thế Thân đã mượn đến thuyết mô tả, cho rằng các từ đó có thể được thay bởi những từ tương đương. Như vậy, đối với bất kỳ n nào, vẫn luôn luôn có thể thay thế bằng một thuộc từ N có thể hủy như (ix) N (x).

n º (ix) N (x).

Tuy nhiên, trong sự diễn đạt như thế, ta không chỉ chấp nhận khái niệm tương đương mà còn cả khái niệm lan truyền. Có nghĩa là, nếu ta khẳng định chữ “sinh” tương đương với cách nói “cái gì đó đang hiện hữu đã không hiện hữu trước đây”, thì cùng lúc chúng ta phải khẳng định rằng “sinh” hàm ý một cái gì đó đang hiện hữu mà trước đây không hiện hữu. Bởi vì nếu không hàm nghĩa như thế, sự tương đương không thể được thừa nhận. Như vậy, cách nói

n º (ix) N (x)

luôn luôn hàm nghĩa

(6) ("x) ($y) [f(x) & ("x) ("y) (x=y)]® g(y)

Và từ (6), ta có thể dễ dàng loại suy (3), (4) và (5). Kết quả, chúng ta có thể nói thuyết của Thế Thân về ba đặc tánh của h là hệ quả của thuyết mô tả của ông, và khái niệm lan truyền vốn rất quan trọng cho sự phát triển thành khoa học loại suy của luận lý Ấn độ là một khái niệm kế thừa trực tiếp khái niệm tương đương của ông.

Một khi giá trị của một lập luận được xét chính thức trên đặc tính loại suy, thế thì chỗ tri nhận nằm ở đâu? Câu hỏi này đặt ra không chỉ để trả lời những bài bác của những ai quen với lý luận loại suy, mà còn trả lời cho quan niệm của Thế Thân về đối tượng của thức. Chúng ta đã thấy rằng đối với ông đối tượng của thức chỉ là tên gọi. Bây giờ, nếu như vậy, chỗ của đối tượng này ở đâu. Rõ ràng nó không thể là một tên gọi. Để trả lời câu hỏi này, Thế Thân đã dành trọn tác phẩm của mình để khảo sát về nó.

Trong Câu Xá Luận, mặc dù một số khó khăn của thuyết cực vi về đối tượng tri nhận được nhắc đến[17], nhìn chung ông đã bằng lòng với khẳng định “sự tri nhận là chứng cứ tốt nhất”.[18] Tuy nhiên khi chúng ta bắt đầu đọc Nhị Thập Luận Tụng, một cái nhìn hoàn toàn mới đã mở ra. Sự tri nhận không còn được chấp nhận ở giá trị bề mặt của nó. Ngay cả các tiêu chuẩn đặc trưng của nó cũng bị nghi ngờ. Chẳng hạn, nếu chúng ta thấy cái gì đó, chúng ta phải thấy nó ở một chỗ và một lúc nào đó, để nó có thể được người khác nhìn thấy và để có thể đem lại một kết quả nào đó. Như vậy, nếu tôi thấy một bông cúc, tôi phải thấy nó vào trưa nay ở trong vườn tôi nơi bạn bè tôi cũng có thể thấy, và nếu tôi chạm vào nó, chắc chắn tôi sẽ có một cảm giác nào đó. Tóm lại, tri nhận là một hoạt động xảy ra trong không gian và thời gian với mức độ phổ quát và hiệu quả nào đó.

Với bốn tiêu chuẩn mà người ta đã dùng để quyết định một sự tri nhận này, Thế Thân chỉ ra rằng tất cả chúng có thể dễ dàng thừa nhận một sự tri nhận xảy ra trong giấc mơ và vì thế nó chẳng phải là sự tri nhận gì cả. Ví dụ, trong mơ chúng ta có thể thấy mình đi chơi với một cô gái vào một thời điểm nào đó ở một nơi nào đó; và sự vụ này có thể dẫn đến một tội lỗi trong bóng tối của chúng ta[19]. Không những các tiêu chuẩn này có thể được chứng minh là không có hiệu quả, nếu không muốn nói là hoàn toàn sai lầm, mà ngay cả đối tượng tri nhận cũng không thể định nghĩa được. Ai cũng biết rằng những vật ta nhìn thấy đều bao gồm các nguyên tử và phân tử. Nhưng nguyên tử thì không thể tri nhận được và không có thành phần. Vì thế người ta buộc phải lập ra một lý thuyết về cách nhìn sự vật theo cách chúng hiện hữu; tuy nhiên lý thuyết này không thỏa đáng gì cả, ít ra cho đến thời đại của Thế Thân, như ông đã nhiều lần chỉ ra trong Nhị Thập Luận Tụng.[20]

Chính vì sự chỉ trích trong tác phẩm này của ông về các thuyết tri nhận mà ông bị nhiều người hiểu lầm là người chủ trương duy tâm luận.[21] Một kết luận như thế thật sai lầm, bởi vì những gì được trình bày trong tác phẩm này chỉ để mở đường cho định nghĩa mới của ông về vấn đề tri nhận là gì.

Định nghĩa mới của ông bao gồm việc bác bỏ khái niệm thông thường cho rằng tri nhận phải được định nghĩa theo đối tượng của nó. Theo ông, đúng ra tri nhận phải được định nghĩa theo ngôn ngữ nó được diễn tả, bởi vì “tri nhận là một nhận thức chỉ sinh khởi từ đối tượng mà nhận thức này được đặt tên theo nó” (perception is a cognition arising from the object by which it is designated). Như vậy chúng ta có thể thấy rằng định nghĩa mới về tri nhận này là kết quả lời khẳng định trên của ông “đối tượng của thức chỉ là một tên gọi”; cho dù định nghĩa này đã gặp sự phê phán nghiêm khắc của Trần Na đến độ Trần Na đã dám nói rằng định nghĩa này không phải chính Thế Thân đề ra.[22]

Thật ra, một cái nhìn mới như thế về sự tri nhận đã chưa hề có trong lịch sử triết học Ấn, nếu không muốn nói là lịch sử triết học thế giới. Bởi vì ngoài ông ra những người khác đều đồng ý rằng sự tri nhận thì không thể diễn tả; nó là một kinh nghiệm nội tại nằm ngoài mọi cấu trúc ngôn ngữ.[23] Thế nhưng, nếu tri nhận được định nghĩa theo ngôn ngữ nó được diễn tả, có nghĩa là theo lượng thông tin mà đối tượng có thể tiết lộ cho người tri nhận, thì về phần người tri nhận ta phải giả định một cơ cấu nào đó có khả năng biến cải đối tượng này. Cơ cấu này được Thế Thân mô tả như sau: “có hai loại chủng tử được Thế Tôn gọi là nhãn xứ và sắc xứ: nhãn xứ là loại chủng tử, khi đã đạt đến điểm cuối cùng của sự chuyển hóa, thì từ nó sẽ sinh khởi cái khiến cho chúng ta biết, tức là sự tự tri, về một vật; sắc xứ là loại chủng tử sinh khởi thành sự tự tri về chính nó” (the seed of its own from which what causes one to know arises as a self-knowledge of a thing when it arrives at the decisive point of its transformation, that seed on the one side, and the seed which arises as a self-knowledge of itself on the other, these are the two that the Blessed One called the eye-field and the object-field, respectively).[24]

Nói cách khác, khi một đối tượng được tri nhận thì chính thông tin của nó, các chủng tử của nó khiến cho người ta biết được nó chứ không phải chính nó. Và tiến trình khiến cho ta biết vận hành như sau. Trước tiên, thông tin được phát ra qua nhiều phương tiện truyền đạt khác nhau của tri giác, qua đó thông tin này được biến cải một phần. Khi thông tin này đạt đến điểm cuối cùng của tiến trình chuyển biến, nó sẽ xuất hiện như một kiến thức liên quan đến đối tượng đang có. Tuy nhiên trong khi tiến trình chuyển biến này diễn ra thì lượng thông tin chỉ có thể làm đựơc như trên nếu có kèm theo sự tự tri. Có nghĩa là khi một ấn tượng được ném vào ý thức của chúng ta thì không những chúng ta ý thức được ấn tượng này mà còn biết rằng chúng ta đang ý thức về nó. Nói cách khác, cái ý thức đang diễn biến bao gồm hai cơ cấu vận hành; một cơ cấu dành cho sự chuyển biến của bất kỳ thông tin nào mà nó có thể đụng đến, và một cơ cấu nhằm giám sát toàn bộ vận hành của sự chuyển biến. Vì thế người ta không thể kích động cơ cấu này mà không phải kích động cơ cấu kia, và ngược lại. Chúng theo nhau như một cái bóng bám theo mục tiêu của nó.

Quan niệm này về cơ cấu của sự tri nhận thật thú vị trong nhiều phương diện nhưng chúng ta sẽ không đề cập đến ở đây. Thay vì thế, chúng ta sẽ thử tìm xem có sự nối kết nào giữa quan niệm này và thuyết mô tả của Thế Thân hay không. Giả sử rằng chúng ta có một phát biểu như “chỉ có hai đóa cúc xanh” và phát biểu được viết dưới dạng sau:

(7) ($x) ($y) [f(x) & h(x) & f(y) & h(y)

& x = y & ("s) (f(s) & h(s)) ® (s = x V s =y)]

trong đó f thay cho “xanh”, h cho “cúc” và s cho “chủng tử”. Nay phát biểu trên (7) có thể hiểu theo hai cách khác nhau. Ta có thể hiểu nó có nghĩa rằng chỉ có một nhận thức về hai đối tượng riêng lẻ, tức chỉ có một nhận thức về hai bông cúc riêng lẻ. Nếu vậy, có thể xóa các biểu thức trên của (7) để viết thành

(8) ($x) ($y) ("s) (x = y) & (s = x V s = y).

Mặt khác ta có thể hiểu nó có nghĩa rằng có một nhận thức về một số bông cúc nhưng ở đây số này chỉ gồm hai đơn vị; như vậy (7) có thể viết lại thành

(9) ($x) ($y) [h(x) & ("x) ("y) (x = y) ® h (y)].

Nay so (9) với (6) ở trên, ta dễ dàng thấy rằng (9) chỉ là một dạng khác của (6). Dĩ nhiên hai công thức (8) và (9) mang theo chúng hai khái niệm khác nhau về số. Nhưng ở đây chúng ta không cần để ý đến điều này mặc dù nếu được bàn đến nó có thể cho chúng ta biết chính xác quan niệm của Thế Thân về số là gì. Những gì ở trên cũng đủ để nói rằng đối với ông, số cũng là một loại mô tả trong nhiều loại khác.[25]

Khi công thức (9) chỉ là một dạng khác của (6), rõ ràng là Thế Thân cố liên kết thuyết cơ cấu nhận thức của ông với thuyết mô tả thông qua khái niệm về “chủng tử”. Lý do của nỗ lực này có lẽ nằm trong suy luận của ông về tính đa dạng của sự mô tả và tính đơn thuần của nhận thức. Trong ví dụ trên, ta có hai bông cúc riêng lẻ. Vì thế những thông tin chúng phát ra cho chúng ta phải đến từ cả hai. Thế thì, cái gì khiến chúng ta chỉ có một nhận thức, mà không phải là hai nhận thức riêng lẻ, về chúng? Có thể trả lời câu hỏi này bằng cách chỉ ra rằng mặc dù các thông tin đến từ hai nguồn khác nhau và vì thế cho phép chúng ta ý thức về chúng nhưng chúng chỉ kích động một cơ cấu và vì thế chỉ làm phát khởi một nhận thức. Ý nghĩa của câu trả lời này thật hứng thú nếu chúng ta áp dụng vào vấn đề có loại tương quan gì giữa cái tri nhận và cái được tri nhận.

Như đã thấy ở trên, Thế Thân xem cái tri nhận chỉ là một cơ cấu biến cải các thông tin đến được với ông từ chung quanh. Sự chuyển biến của ý thức chỉ là một cấu trúc ngôn ngữ. Vì thế, sự liên quan ông có được với các nguồn thông tin của ông không mang tính đối xứng, ngoại động hay tự phản. Chừng nào các trường hợp thuộc loại trên còn được nói đến thì dường như chẳng có sự liên quan nào cả. Dĩ nhiên ông phải có một sự liên quan nào đó để có thể hoạt động như một cơ cấu. Thế nhưng, ở mức độ ông ý thức về mình và thế giới, không có loại liên hệ nào kể trên có thể áp dụng cho trường hợp ông. Nhận thức của ông về một vật nào đó chắc chắn không có mối liên hệ đối xứng với vật đó. Bởi vì trước hết làm thế nào có thể đem so một nhận thức như thế với một vật? Đó là chưa kể kích cỡ, hình dáng khác nhau của chúng, rồi còn các chất tạo thành chúng và nhiều cái tương tự. Nó cũng không có mối liên hệ ngoại động. Điều này không phải giải thích vì quá hiển nhiên. Nó cũng không thể có mối liên hệ tự phản. Bởi vì nó không thể đồng nhất với vật làm cho nó sinh khởi. Điều này khiến ta nhớ đến lời bàn hài hước trong Câu Xá Luận về việc làm thế nào Caitra đắc được niệm để tìm thấy niệm.[26]

Như vậy, nếu không có bất cứ liên hệ riêng biệt nào thì nhận thức, và cả ý thức cũng thế, đều không hiện hữu theo cách người ta nghĩ về sự hiện hữu của các sự vật, tức hiện hữu tùy thuộc vào nhau.[27] Thật vậy, có lần Thế Thân đã nói rằng “ý thức không hoàn toàn hiện hữu theo cách nó thiết lập chính nó bằng ngôn ngữ và theo cách thiết lập đối tượng bằng ngôn ngữ”.[28] Những ai quen xem Thế Thân là nhà duy tâm luận nên nhớ đến phát biểu này trước khi bắt đầu nói về ông và triết học của ông. Vậy thì, lý do gì khiến cho nhận thức không có mối liên hệ và ý thức có thể không hiện hữu?

Để trả lời câu hỏi trên, Thế Thân đưa ra thuyết của ông về ba tánh. Theo thuyết này, mọi vật đều có ba tánh: nó có thể được dựng thành bằng ngôn ngữ, nó có thể được dựng thành bằng ngôn ngữ trong những điều kiện nào đó, và nó là những gì nó là. Tuy nhiên ba tánh này không khác biệt nhau mà nên xem “chúng có tính chất bất nhị và bất khả tri bởi vì thể tánh thứ nhất không hiện hữu, thể tánh thứ hai không hiện hữu theo cách của nó, và thể tánh thứ ba lấy sự không hiện hữu của tánh thứ nhất làm thể tánh riêng của nó”[29]. Và chúng được gọi là thể tánh được dựng thành (biến kế sở chấp), thể tánh có tính chất tương quan (y tha khởi) và thể tánh tuyệt đối (viên thành thật). Ví dụ, khi tôi thấy một bông cúc thì tự thân bông cúc là thể tánh tuyệt đối vì nó là những gì nó là. Tuy nhiên cùng lúc nó có thể cung cấp cho tôi thông tin của riêng nó dưới nhiều điều kiện khác nhau. Đó là thể tánh có tính chất tương quan. Ngoài ra, nó cũng có thể được tôi dựng thành về mặt ngôn ngữ theo như tôi cần và tôi muốn; và đây là thể tánh được dựng thành của nó.

Theo Thế Thân, dĩ nhiên ba thể tánh này của bông cúc của tôi đều bất nhị và bất khả tri, bởi vì chỉ có một bông cúc ở đó, không hơn không kém. Như vậy mọi vật mang tính tuyệt đối theo nghĩa nó là những gì nó là. Do chính tính chất riêng này của sự vật mà “ý thức hoàn toàn không hiện hữu theo cách nó tự dựng thành qua ngôn ngữ và theo cách nó dựng thành đối tượng qua ngôn ngữ.” Và đó cũng là lý do tại sao không có sự quan hệ riêng biệt nào có thể gán cho nhận thức của ta về sự vật. Thật vậy, ta có thể đưa ra lý do rằng không thể đề nghị bất kỳ quan hệ nào khi đưa ra một quan niệm như thế về tuyệt đối.

Giả sử có hai thực thể x và y, và cho x có mối quan hệ R với y; lúc đó sẽ có một thực thể r; để rồi, đối với bất kỳ thực thể a nào đó, thì thực thể a này cũng sẽ khác với r; vậy r có quan hệ R với a, nhưng không có trường hợp ngược lại.

(10) ($x) ($y) R(x,y) & ($r) ("a)

[a ¹ r ® [R ( r,a) & -R(a,r)]]

Quan sát (10) ta có thể dễ dàng thấy rằng quan hệ được diễn đạt trong đó rõ ràng không mang tính đối xứng và ngoại động. Cũng không có tính tự phản mặc dù tính chất này khó thấy hơn. Như vậy, quan hệ có thể được nhận thức mà không phải gán cho nó bất kỳ đặc tính nào cả. Chúng ta đã thấy rằng cả sự tri nhận của chúng ta và đối tượng có mối quan hệ nào đó với nhau. Thế nhưng một quan hệ như thế không nhất thiết phải thuộc về một loại riêng biệt nào đó. Có lẽ, nó có thể được gọi là quan hệ tuyệt đối.

Như vậy, từ những gì đã được nói đến, ta có thể dễ dàng nhận ra rằng triết học Thế Thân thực sự phát triển từ sự quan tâm triết học tiên khởi, và sự quan tâm này xoay quanh vấn đề đối tượng của thức là gì. Chính do sự quan tâm này mà ông đã đề ra thuyết mô tả để có thể chứng minh đối tượng của thức thực sự không là gì cả mà chỉ là giả danh. Một khi câu trả lời cho mối quan tâm triết học của ông được trình bày rõ ràng như thế, phần còn lại của triết học ông sẽ tiếp nối như một hệ quả. Như vậy, nếu đối tượng của thức chỉ là giả danh thì mọi hoạt động của nó phải được định nghĩa dưới dạng ngôn ngữ. Ta đã thấy cách ông định nghĩa sự tri nhận và xác định cơ cấu vận động của thức. Chúng ta cũng đã thấy thuyết mô tả của ông mang tính quyết định đối với sự phát triển luận lý của ông như thế nào, và ngược lại các thuyết về luận lý của ông tăng cường cho định nghĩa về tri nhận của ông như thế nào, một định nghĩa cuối cùng đã dẫn đến quan điểm của ông về nhận thức chỉ như là một cơ cấu chuyển biến của ngôn ngữ.

Qua sự mô tả triết học Thế Thân như thế, dĩ nhiên chúng ta không bỏ qua nhiều khó khăn khác nhau mà ông đã đưa ra cho những người nghiên cứu tư tưởng ông. Ngay cả con người ông cũng chịu nhiều nghi vấn, để cuối cùng đã dẫn đến quá nhiều thuyết cũng như các gợi ý liên quan đến con người đích thực của ông, tức ông là ai và đã xuất hiện vào thời đại nào.[30] Hơn nữa, một số tác phẩm của ông, đặc biệt là những tác phẩm về lãnh vực luận lý, bây giờ đã mất hoặc chỉ còn lại trong một ít mảng rời rạc. Ngoài ra, những gì còn lại của các tác phẩm của ông giờ đây chỉ như một bảng liệt kê có tính cách thăm dò mà không có một thứ tự nhất định nào về niên đại của chúng. Vấn đề này đặt ra một đe dọa nghiêm trọng cho phương pháp chúng ta sử dụng ở đây, bởi vì đã gọi là phương pháp di truyền thì không những nó phải xác định được phát triển luận lý của hệ triết học của ông mà còn phải xác định cả thứ tự của phát triển này về mặt thời gian.

Với tất cả những vấn đề trên, bản nghiên cứu này được hoạch định như sau. Ở Chương Hai chúng tôi sẽ khảo sát vấn đề cuộc đời và tác phẩm của Thế Thân với nỗ lực xác định ngày tháng ông đã sống đồng thời giới thiệu một danh sách bao quát tất cả những tác phẩm, đã mất hay vẫn còn, mà ông được xem là tác giả; đây là việc cho đến nay vẫn chưa có ai làm. Ở Chương Ba chúng tôi sẽ bàn đến thuyết mô tả. Chương Bốn đề cập đến nhiều kết quả luận lý khác nhau mà thuyết mô tả của ông đã mang lại. Chương Năm và Sáu nghiên cứu định nghĩa mới của ông về tri nhận và các hệ quả của nó. Chương Bảy mô tả quan điểm của ông về thức là gì. Chương cuối là nhận xét của riêng tôi về triết học của ông và các ý nghĩa tổng quát của nó.¨

Việt dịch: Đạo Sinh


[1] Nguyên tác Anh ngữ The Philosophy of Vasubandhu, luận án tiến sỹ, Đại học đường Wisconsin, Madison, 1974. (Tất cả cước chú trong bài này đều do dịch giả trích hoặc dịch từ nguyên tác).

[2] Chúng Hiền, A Tỳ Đạt Ma Thuận Chánh Lý Luận, ĐTK 1562. Cf. De la Valle Poussin, Documents d’Abhidharma, BEFEO XXX (1930): 263-298; MCB V (1937): 25-128. Abhidharmadipa, ed. Jaini, Patna: K.P. Jayaswal Research Institute, 1959.

[3] Yasui, Chugan shiso no kenkyu, Kyoto: Hozokan, 1961: 224-372; Iida, “Agama and Yukti in Bhavaviveka”, in Kanakura hakushi koki kinen Indogaku Bukkyogaku Ronshu, ed. Sakamoto, Kyoto, Heirakuji shoten, 1966: 79-96; Kajiyama, Bhavaviveka, Sthiramati and Dharmapala, WZKSOA XII-XIII (1968-69): 193-203.

[4] Funabashi, Kusharon kogi, Tokyo, Bukkyo seiten kogi kanko kai, 1935, pp. 28-31; Fukaura, Kushagaku gairon, Kypto, Hyakukaen, 1954.

[5] Yuki, Seshin yuishiki no kenkyu, I, Tokyo, Iwanami shoten, 1965; Yuki, Yuishikigaku tensekishi, Tokyo, Tokyo Daigaku Toyo bunka kenkyujo kiyo, 1962; Oi, “A Preview of Professor Yuki’s Seshin yuishiki no kenkyu gekan” in Yuki kyoju shiji kinen Bukkyo shisoshi ronshu, Tokyo, Daizo shuppan, 1964: 92-98; Yuki, Shin inshikiron yori mitaru yuishiki shiso shi, Tokyo, Toho bunka gakuin Tokyo kenkyujo, 1935.

[6] Frauwallner, Vasubandhu’s Vadavidhih, WZKSOA I (1957): 133; Cf. Die Philosophie des Buddhismus, Berlin, Akademie-Verlag, 1956, p. 365.

[7] Lamotte, Introduction au Karmasiddhiprakarana, MCB IV (1935-36): 178

[8] Abhidharmakosa V ad 27a-b.

[9] Parmenides, ed. Taran, Princeton, Princeton University Press, 1965, fragment 8.

[10] Abhidharmakosa V ad 27c.

[11] Abhidharmakosa II ad 46b.

[12] Abhidharmakosa II ad 27c.

[13] Thành ngữ “any grammatically correct denoting phrase” được mượn từ Russell, On denoting, Mind XIV (1905): 479-493 để chuyển tải chính xác quan điểm của Tỳ Bà sa về một từ là gì. Cf. Abhidharmakosa II ad 47a-b; Abhidharmadipa, karika 144.

[14] Staal, “Contraposition in Indian Logic”, Proceedings of the 1960 International Congress in Logic, Methodology and Philosophy of Science, ed. E. Nagel et. Al., Stanford, Stanford University Press, 1962: 634.

[15] Như Thực Luận, Phản Chất Nạn Phẩm, ĐTK 1633: 30c20-21 (ngã lập nhân; chủng tướng thị căn bổn pháp; đồng loại sở nhiếp, dị loại tương ly).

[16] Staal, Contraposition in Indian Logic, 634-638; Berg, The Journal of Symbolic Logic XXXV (1970) 573-574.

[17] Abhidharmakosa I ad 20a-b

[18] Abhidharmakosa IV ad 2d: na ca drstad garistham pramanam astiti/. Cf. Vimsatika ad 16a: sarvesam ca pramananam pratyaksam pramanam garistham ity...

[19] Vimsatika ad 3a-4a.

[20] Vimsatika ad 11-15.

[21] Levi, Materiaux pour l’Etude du Systeme Vijnaptimatra, Paris, H. Champion, 1932: 7-14; Das Gupta, Philosophy of Vasubandhu in Vimtasika and Trimsika, IHQ IV (1928): 36-43; Stcherbatsky, “Die Drei Richtungen in der Philosophie des Buddhismus”, Rocznik Orjentalistyczny X (1929): 1-37; Frauwallner, Die Philosophie des Buddhismus, Berlin, Akademie-Verlag, 1956: 350-365; Hacker, Vivarta, Akademie der Wissenschaften und der Literatur im Mainz, Abhandlungen der Geistes- und Sozialwissenschaftlichen Klasse, 1953: 219; Ruegg, Contributions a l’Histoire de la Philosophie Linguistique Indienne, Paris, E. de Boccard, 1959: 83-93; Chatterjee, The Yogacara Idealism, Varanasi, Banares Hindu University, 1962.

[22] Vadavidhi, Fragment 9. Cf. Dignaga, Pramanasamuccaya I: 16a5-6, ed Hattori, Dignaga: On Perception, Cambridge, Mass, Havard University Press, 1968: 186-187.

[23] A Tỳ Đạt Ma Thức Thân Túc Luận, ĐTK 1539, tr. 559b27-c28 (Hữu lục thức thân: vị nhãn thức, nhĩ tỷ thiệt thân ý thức. Nhãn thức duy năng liễu biệt thanh sắc, bất năng liễu biệt thử thị thanh sắc. Ý thức diệc năng liễu biệt thanh sắc, nãi chí vị năng liễu biệt kỳ danh, bất năng liễu biệt thử thị thanh sắc. Nhược năng liễu biệt kỳ danh, nhĩ thời diệc năng liễu biệt thanh sắc, diệc năng liễu biệt thử thị thanh sắc. Như thanh sắc, hoàng xích bạch đẳng sắc diệc nhỉ.)

Cf. Dignaga, Pramanasamuccaya I: 14b 2-4.

[24] Vimsatika ad 9.

[25] Abhidharmakosa II ad 46d.

[26] Abhidharmakosa IX, ed. Pradhan Patna, K. P. Jayaswal Research Institute, 1967: 472-473.

[27] Pratityasamutpadavyakhya TT 5496. Cf. Tucci, A Fragment from the Pratityasamutpada of Vasubandhu, JRAS (1930): 611-623.

[28] Trisvabhavanirdesa ad 5, ed. de la Vallee Poussin, MCB II (1933): 154-157.

[29] Trisvabhavanirdesa ad 18-30.

[30] Frauwallner, On the Date of the Buddhist Master of the Law Vasubandhu, Roma, Instituto Italiano per il Medio ed Estremo Oriente, 1951; Wayman, Analysis of the Sravakabhumi Manuscript, Berkeley, The University of California, 1961.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/01/2011(Xem: 10406)
Ðức Phật là một chúng sanh duy nhất, đặc biệt Ngài là nhà tư tưởng uyên thâm nhất trong các tư tưởng gia, là người phát ngôn thuyết phục nhất trong các phát ngôn viên...
31/12/2010(Xem: 7554)
Tư Tưởng Chính Trị Trong Triết Học Khổng Giáo _ Trần Quang Thuận Thư Lâm Ấn Quán Thư xuất bản năm 1961 Sài Gòn
29/12/2010(Xem: 16122)
"Lược sử thời gian" (A Brief History of Time), một cuốn sách tuyệt diệu, được viết bởi một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất của thời đại chúng ta: nhà toán học và vật lý lý thuyết người Anh Stephen Hawking.
27/12/2010(Xem: 4193)
Vào cuối quyển sách của ông, Sự Tỉnh Thức của Phương Tây, ông đã trích dẫn lời của Thiền Sư Nhất- Hạnh nói rằng “hình thức của Đạo Phật phải thay đổi nhưng căn bản vẫn duy trì.” Sau khi theo dấu Phật Pháp qua nhiều quốc độ và sự hiện thân của Đạo Phật, điều gì ông tin tưởng là cốt lõi của Đạo Phật?
24/12/2010(Xem: 20112)
Nhờ Phật giáo, tôi biết tu tập để phát động lòng từ bi và đem lại hơi ấm cho tim tôi, sự tu tập ấy tỏ ra khá hữu ích cho tôi trong cuộc sống thường nhật.
20/12/2010(Xem: 18192)
Có thể nói rằng "Tánh Không luận" là một hệ thống triết học đặc thù của Phật giáo trong thời kỳ phát triển. Sự xuất hiện của nó như là một dấu ngoặc vĩ đại...
18/12/2010(Xem: 5031)
Phần tinh-ba nhất của con người là tư-tưởng. Con người có thể tự-hào rằng mình hơn vạn-vật ở chỗ biết suy tưởng. "Người là một cây sậy biết suy tưởng", câu nói ấy vừa thú nhận sự yếu đuối của con người trước vũ trụ mà cũng lại vừa đề cao khả năng bất-diệt của con người trước vũ-trụ.
14/12/2010(Xem: 19083)
Để hiểu Đạo Phật là gì? Ta hãy gạt mọi thiên kiến chỉ cần tìm sâu vào nguồn giáo lý cao đẹp ấy, một nền giáo lý xây dựng trên sự thật để tìm hiểu sự thật, do đức giáo chủ Thích Ca Mâu Ni sáng lập.
14/12/2010(Xem: 11580)
Vào ngày trăng tròn tháng năm năm 623 trước Tây lịch, một hoàng tử thuộc bộ tộc Thích Ca (1) của Ấn Ðô, tên là Tất Ðạt Ða (Siddhattha) họ Cồ Ðàm (Gotama) đã ra đời...
07/12/2010(Xem: 7254)
Ðức Phật — Ðấng hoàn toàn giác ngộ — thuộc họ Gautama tên là Siddartha. Danh xưng Tất-đạt-đa có nghĩa là Nhất thiết nghĩa thành, Thành tựu chúng sinh...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]