Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 8: Ý Nghĩa Chính Trị

02/12/201019:03(Xem: 11417)
Chương 8: Ý Nghĩa Chính Trị

 

ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO TƯ TƯỞNG LUẬN
Tác Giả: Kimura Taiken

Hán Dịch: Thích Diễn Bồi - Việt Dịch: Thích Quảng Độ
Xuất Bản: Viện Đại Học Vạn Hạnh 1969 - Phật Học Viện Quốc Tế, USA 1986

THIÊN THỨ BA
ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO THỰC TIỄN LUẬN

CHƯƠNG THỨ TÁM

Ý NGHĨA CHÍNH TRỊ

TIẾT THỨ NHẤT:
CĂN CỨ CHÍNH TRỊ QUAN CỦA PHẬT GIÁO.

Nếu nói trong Phật Giáo có Chính Trị Luận chắc không khỏi có người cho là kỳ quái. Vì bản ý của Phật Giáo là ở sự giải thoát nên những vấn đề thế tục như chính trị chẳng hạn rất dễ bị bỏ qua. Hơn nữa, nhìn qua lịch sử của vị Thủy Tổ của Phật Giáo thì đức Phật vốn là con của vị vua, ngài có thể nắm trọng guồng máy chính trị trong nước, nhưng đã bỏ địa vị đó để xuất gia. Như vậy theo quan điểm này, có thể nói cái gọi là quốc gia, chính trị không phải là mối quan tâm của đức Phật. Điều này đại khái đúng. Song, thật ra, nếu giải thích Phật Gáo theo cách đó thì e rằng không được chính xác. Khác với Nho Giáo, Phật Giáo không trực tiếp lấy việc trị quốc bình thiên hạ làm tiêu xí, nhưng lý tưởng của Phật Giáo như trên đã nói, là mưu cầu cuộc sống thực tế tự do, giải thoát và hướng thượng. Nếu chính trị cũng là cuộc sinh hoạt thực tế thì cái gọi là chính trị đạo đức quyết không phải là vấn đề Phật Giáo bỏ qua. Trong những buổi thuyết pháp, đức Phật cũng đã thường đề cập vấn đề chính trị. Mà sự đề cập đó tuy ngụ một lý tưởng cao xa, nhưng cũng rất phù hợp với thực trạng của đương thời. Không những chỉ những người thời bây giờ được hưởng lợi ích thực tế mà đối với chúng ta ngày nay cũng có nhiều ám thị và chỉ đạo.

Vì lẽ trên, nên ở đây tôi muốn bàn qua về Chính Trị quan của Phật Giáo. Nhưng nếu muốn biết rõ Chính Trị quan của Phật Giáo, trước hết ta cần phải hiểu qua cái thực trạng quốc gia và chính trị của Ấn Độ ở thời đại đức Phật như thế nào đã. Đương nhiên, đứng trên lập trường văn minh sử của Ấn Độ mà nói,đây là một vấn đề trọng đại, không thể một sớm một chiều có thể nói cho tường tận được, bởi tôi chỉ có thể nói một cách rất đơn giản, và tóm tắt những điểm quan yếu mà thôi.

Ấn Độ vào thời đại đức Phật (thế kỷ V trước Tây lịch) chia ra mười mấy nước trong đó những nước lớn mạnh thường muốn thôn tính những nước nhỏ yếu, cho nên tình trạng giữa các nước rất rối ren. Những nước nhược tiểu tìm đủ mọi biện pháp chống trả để bảo vệ sự sống còn, có khi liên minh với các nước nhỏ khác để tạo thành liên bang cho đủ sức mạnh để đối địch lại với các nước cường quốc. Nhưng trong tổ chức liên minh với các nước nào có thế lực hơn thì lại giành quyền làm bá chủ, thành thử giữa các nước nhỏ cũng lại tranh chấp nhau không dứt. Tình trạng Ấn Độ vào thời kỳ này thật có nhiều điểm tương tự như tình hình Trung Hoa ở thời Xuân Thu Chiến Quốc vậy. Nếu nói về tình hình nội chính thì trong hơn mười tiểu quốc đó có nước là Vương Quốc, có nước là Cộng Hòa, chính thể tuy khác nhau nhưng người nắm quyền chính trị thì đại khái là những người thuộc giai cấp Sát đế lị (Sĩ-tộc), mà những người này vì muốn nắm lấy cơ hội biến động để quật khởi nên một mặt muốn được sự tin tưởng của giai cấp Bà-la-môn (giai cấp tăng lữ, trí thức), mặt khác lại muốn mua chuộc lòng tin cậy của giai cấp Thủ Đà (nông nô), đó là một việc không phải dễ dàng, nếu vô lý một chút có thể bị quần chúng oán thán, do đó uy quyền sẽ suy giảm. Vì công việc nội chính, ngoại giao phức tạp và khó khăn như thế nên các nhà làm chính trị thường mong đợi ở một nhà tôn giáo danh tiếng giúp ý kiến để vượt qua những khó khăn ấy. Đức Phật là một trong những vị đạo sư danh tiếng thời bay giờ, cho nên người ta không lấy là lạ khi thấy Đức Phật cũng được hỏi ý kiến liên quan đến những vấn đề chính trị. Và chính vì để giải pháp những vấn đề thực tế đó mà Đức Phật đã phát biểu quan niệm chính trị của Ngài. Trong số đệ tử hoặc tín đồ của Phật vì có nhiều quốc vương, đại thần nên Phật đã có nhiều cơ hội để trả lời những câu hỏi của họ về đạo giải thoát cũng như các vấn đề chính trị chủ yếu, do đó mà Phật Giáo đã có Chính trị quan một cách ngoài ý định.
Phật Giáo về phương diện này tuy có nhiều tài liệu nghiên cứu nhưng tài liệu xưa nhất là tài liệu rải rác trong bộ kinh A Hàm. Những tài liệu nổi tiếng về vấn đề này là những kinh sau đây:

Vương Pháp Chính Luận kinh (Phật nói cho vua Ưu Điền, một quyển), Giản Vương kinh, Vương Pháp kinh (Phật nói cho Thắng Quang Thiên Tử), Thủ Hộ Quốc Giới Chủ Đà La Ni kinh (10 quyển), và Kim Quang Minh Tối Thắng Vương kinh. Ngoài ra, còn có Đại Tát Gia Ni Kiền Tử Sở Thuyết kinh, mượn lời Đại Tát Gia Ca để nói những điểm chủ yếu về chính trị. Căn cứ vào những tài liệu trên đây Tỉn Thượng Ngũ Lang (người Nhật) đã xuất bản một cuốn sách nhỏ nhan đề "Chính trị và PHật Giáo" là một tài liệu cũng cần thiết cho việc nghiên cứu Chính Trị Quan Phật Giáo. Song ở đây tôi chỉ lấy kinh A Hàm làm trung tâm để nói một cách đơn giản về Chính trị của Phật Giáo.

Chính Trị Quan Phật Giáo, như đã nói trên kia, chủ yếu là những lời giải đáp của Phật về những câu hỏi của các nhà chính trị, đặc biệt là các Quốc Vương, cho nên hình thức chuyên nói về Vương Đạo Luận. Tuy nhiên, điểm qui kết là lấy việc vua, tôi hòa thuận, trên dưới nhất trí làm trọng điểm cho chính trị. Bởi thế, Vương Đạo Luận của Phật Giáo cũng mang đầy đủ ý nghĩa của Nhất ban chính trị luận, chính vì theo nghĩa rộng đó mà gọi là Chính Trị Quan Phật Giáo.

TIẾT THỨ HAI:
NGUỒN GÓC CỦA QUỐC GIA.

Cái gọi là chính trị, chủ yếu không ngoài việc pháT huy một cách hoàn toàn những tài năng quốc gia, do đó, nếu trước hết không biết rõ nguồn gốc quốc gia thì không thể hiểu được chức năng quốc gia ở chỗ nào.

Nói theo Phật Giáo thì quốc gia, nhận xét về mặt tự nhiên thái, bắt nguồn từ việc lấy lợi ích của mọi người làm trung tâm. Căn cứ theo kinh Thế Kỳ, Thế Bản Duyên phẩm (Trường A Hàm, quyển 22) thì khởi sơ thế giới này là một lạc độ, cuộc sống con người không cần khó nhọc hay lo âu về miếng ăn, manh mặc. Nhưng về sau, một mặt vì lòng dục của con người mỗi ngày một tăng thêm, mặt khác vì sự thiếu thốn những vật thực thiên nhiên, cho nên đối với đất đai đã phát sinh chế độ tư hữu, và phải do tự lực cày cấy mới có ăn. Trong những điều kiện ấy, lòng dục con người lại càng phát mạnh, một mặt tích trữ và phòng thủ tài sản của chính mình, mặt khác lại đi cướp bóc tài sản của kẻ khác. Thêm vào đó, lại có bọn người "ngồi mát, ăn bát vàng", tự mình không muốn lao động, chỉ muốn thụ hưởng kết quả lao động của kẻ khác. Do đó, mà nhân gian đã phát sinh những cuộc tranh đấu không ngừng. Dân chúng vì không chịu nổi sự thống khổ đó nên mới cùng nhau suy tôn người có uy đức lên làm vua, hay lãnh chúa để che chở, bảo hộ họ, phân xử những điều chính, tà và thay họ để phân chia tài sản, lập nên chế độ tiết ước: thế là nguồn gốc quốc gia bắt đầu. Nói một cách đơn giản thì quốc gia là cái quyền thống trị được quy định bởi kết quả dân ước trong đó mỗi người dân đều muốn được bảo vệ quyền lợi và tài sãn tư hữu của mình, điều này có điểm phảng phất như tưởng pháp của Rousseau. Đương nhiên, tưởng pháp này chưa hẳn đã là tưởng pháp riêng của đức Phật mà có thể là nhiều nhà luật học Bà-la-môn thời bay giờ cũng cùng chung ý kiến ấy. Luật điển của Bà-la-môn đã quy định nhiệm vụ của nhà vua là làm công bộc cho quốc dân, để mưu đồ sự thịnh vượng và công bằng trong nước, nhân dân phải lựa chọn lấy vua của mình. Nhưng ta có thể nói cái phương pháp lấy dục làm trung tâm mà hạn chế tư dục để trù mưu cuộc chung sống, chung hưởng, giữa quốc gia và quốc vương phải có cơ năng là của Phật Giáo.

Như vậy, là đặc biệt trong Phật Giáo cũng có quốc gia quan mà về sau đã dần dần được thuyết minh một cách rất tường tận trong các kinh luận (như luận Câu Xá, Thế-gian phẩm). Nhưng thật ra, mục đích chủ yếu của đức Phật không phải dùng tự nhiên thái để luận về quốc gia. Sở dĩ Phật Giáo dùng tự nhiên thái để nói đến nguồn gốc quốc gia là muốn từ nay tiến đến đạo đức thái để mà phát huy cái lý tưởng nội tại đó mới là cái yếu chỉ của chính trị.

Trên đại thể, Phật Giáo chia chính trị quốc gia thành hai giai đoạn: thứ nhất nói về chính trị trong các quốc gia đối lập hiện thực. Thứ hai nói về chính trị trong một quốc gia thống nhất lý tưởng. Nói một cách đơn giản, chính trị quan Phật Giáo nhằm mục đích đưa các quốc gia đối lập nhau tiến đến một quốc gia thống nhất, đó là tinh thần căn bản trong chính trị quan của Phật Giáo.

TIẾT THỨ BA:
CHÍNH TRỊ ĐỐI VỚI CÁC QUỐC GIA ĐỐI LẬP.

Như đã nói trên, Ấn Độ vào thời đại Phật chia thành nhiều quốc gia đối nghịch nhau. Chính trị quan của Phật đối với các quốc gia đối lập thật đã thích ứng với thực trạng đó. Do đó, chính trị quan của Phật không khỏi bị hạn chế bởi thời gian và không gian. Nhưng trong sự hạn chế đó vẫn có thể thực hành được.

Vả lại trong công cuộc cứu độ, đức Phật đối với tất cả sự kiện đều vận dụng một cách khéo léo, uyển chuyển cho hợp với cơ sở nhất ban luận. Bởi thế, chính trị quan về điểm này, cũng có đặc trưng của nó, cho nên, không những thời bay giờ nó đã được coi là đặc thù mà ngay đến ngày nay nó vẫn có nhiều thỏa đáng tính.

Để tiện việc khảo sát, sau đây tôi chia ra từng số mục nhỏ để dễ hiểu hơn.

1.Bảy Điều Kiện Để Kiện Toàn Quốc Gia.

Phải kiện toàn quốc gia như thế nào để đề phòng sự xâm nhập thù địch từ bên ngoài? Về vấn đề này, đức Phật đã có ý kiến rất rõ. Để phòng bị sự xâm lược của một nước hùng cường nhất thời bay giờ là nước Ma Kiệt Đà (Magadha), dân tộc Bạt Kỳ (Vajji) thành lập một nước Cộng Hòa LIên bang, họ đến hỏi Phật về sách lược kiện toàn quốc gia và Phật đã trả lời họ về vấn đền này. Truyện được ghi trong bộ Trường A Hàm quyển thứ hai, kinh Du Hành (Pàli, Trường Bộ thứ 16, kinh Đại Ban Niết-Bàn), trong đó tuy đức Phật có đề cập đến nhiều điều kiện để kiện toàn quốc gia, nhưng căn bản nhất thì có bảy điều kiện sau đây:

Thứ nhất, thường phải tập hợp nhau lại (Hán dịch: phải hội hợp luôn để luận đàm chính sự). Nghĩa là, những người có trách nhiệm về chính trị phải hội họp luôn để kiểm khảo những ưu, khuyết điểm trong chính phủ hầu bổ chính những chỗ sai lầm, bất lợi.

Thứ hai, lấy tinh thần hòa hợp mà nhóm họp, lấy tinh thần hòa hợp mà thảo luận quốc sự (Hán dịch: Vua, tôi hòa thuận, trên dưới kính, nhường). Nghĩa là phải lấy quốc gia làm trung tâm, lấy tinh thần công chính mà lo quốc sự. Thánh đức Thái Tử đặt cau sau đây trong điều thứ nhất của Hiến Pháp "Lấy hòa làm quý, lấy nhu thuận làm tôn" đại khái đã chịu ảnh hưởng tinh thần trên đây. Lấy sự lợi hại của một đảng phái mà tham dự quốc sự thì quyết không phải là chính sách làm cho quốc gia phồn vinh : điều này đức Phật đã bảo cho chúng ta biết từ lâu lắm rồi.

Thứ ba, tôn trọng luật pháp truyền thống của quốc gia, không làm theo luật lệ không ban hành (Hán dịch: phải tuân hành pháp cấm kỵ, không trái lễ độ). Mỗi nước đều có lịch sử và tập quán riêng, dân chúng theo đó mà quy định sự sinh hoạt của mình, cho nên những cái đó phải được tôn trọng, nếu hủy bỏ nó để đặt ra những luật lệ mới một cách bừa bãi thì đó tức là đã coi thường truyền thống.

Thứ tư, kính trọng những bậc trưởng thượng trong nước, nghe ý kiến của họ (Hán dịch: hiếu thờ cha mẹ, kính thuận sư trưởng). Trong bản Hán dịch tuy chỉ nói là hiếu thuận cha mẹ, kính thuận sư trưởng, nhưng theo văn Pàli thì ý nghĩa chính trị của câu này có thể nói là phải tôn kính những người lão luyện thông hiểu chính tình hoặc tập quán của quốc gia và coi trọng ý kiến của họ. Về điểm này, có thể nói Phật muốn ám chỉ ý nghĩa Cơ Mật Viện hay Nguyên Lão Viện.

Thứ năm, phụ nữ trong nước phải giữ hạnh tiết tháo trinh bạch (Hán dịch: khuê môn chân chính, khiết tịnh vô uế). Muốn kiện toàn quốc gia phải bắt đầu từ việc kiện toàn gia đình. Mà kiện toàn gia đình phải lấy việc khuê môn chân chính làm trung tâm. Trong Pàli tuy chỉ nó đến phụ nữ, nhưng ở một phương diện khác, Phật cho đàn ông cũng phải có tiết tháo mới kiện toàn được gia đình.

Thứ sáu, tôn sùng các nơi linh miếu trong nước (Hán dịch: cũng sự tôn miếu, trí kính quỷ thần). Đứng trên lập trường Đệ Nhất Nghĩa Đế, về hình thức sùng bái tôn miếu, có thể nói đức Phật tuy không coi là trọng yếu, nhưng về phương diện quần chúng phổ thông, đại khái Phật muốn dùng hình thức đó để giáo dục mọi người hầu dần dần tạo thành một tập tục kiền kính đôn hậu.

Thứ bảy, như pháp tôn kính và bảo hộ các vị A La Hán (Hán dịch tôn thờ Sa Môn, cung kính những người trì giới). Ở đây nói La Hán chủ yếu chỉ là các vị tu sĩ Phật Giáo. Ở mục trên Phật bảo phải sùng bái các nơi tông miếu là vì Phật tôn trọng tinh thần truyền thống và tập tục của dân Bạt Kỳ. Còn ở đây Phật muốn khuyến khích họ kính trọng các nhà tôn giáo chân chính và nghe theo lời giáo hóa của họ. Tôi cho rằng điều thứ hai trong Hiến pháp Thánh Đức Thái Tử có lẽ đã phát xuất từ điều thứ bảy này.

Tóm lại, tất cả những điều kiện trên đây hoàn toàn đứng trên cơ sở đạo đức và tôn giáo. Theo Phật thì sự kiện toàn quốc gia chân chính hải lấy việc kiện toàn đạo đức làm trung tâm. Đương nhiên, như sẽ trình bày ở sau, Phật Giáo tuy cũng dạy phải chỉnh bị quân sự, phát triển tài chính,cải thiện vệ sinh, v.v… nhưng trung tâm điểm thì trước sau vẫn ở chỗ phải gìn giữ chính pháp: đó là quan niệm căn bản về chính trị của Phật Giáo. Điều thích thú là quan niệm đó không phải chỉ là lý luận, mà nó có hiệu quả rất thực tế: nhờ thi hành theo bảy điều kiện trên mà dân tộc Bạt Kỳ trở nên hùng cường và nước Ma-Kiệt-Đà không thể nào chinh phục được . Đây là một sự thật lịch sử hiển nhiên.

2. Về Nghĩa Vụ Của Nhà Vua.

Những điều kiện trên, đặc biệt không có quy định quyền lợi và nghĩa vụ của nhà vua. Nhưng các nước Ấn Độ ở thời đại Phật phần nhiều theo chế độ quân chủ, cho nên đối với nghĩa vụ của nhà vua, đức Phật đã nói đến rất nhiều trong quan niệm chính trị của Ngài. Trong một nước quân chủ, theo nguyên tắc, trung tâm chính sự là nhà vua. Hơn nữa, các vua chúa thời bay giờ, trên thực tế phần nhiều nhờ vào binh lực mà duy trì địa vị, bởi thế dụng tâm của họ đối với việc nước, tốt hay xấu rất có ảnh hưởng trực tiếp và to lớn. Đặc biệt trong luật điển của Bà-la-môn đã có riêng một chương nói về quyền lợi và nghĩa vụ của nhà vua. Ở lĩnh vực chính trị vấn đề này là một vấn đề hết sức trọng đại. Trong lúc còn là Thái Tử chính Phật cũng đã nghiên cứu pháp điển, thâu thập ý kiến rồi phụ thêm lý tưởng của Phật để cảm hóa những ông vua đã quy y Ngài.

Quốc vương, vì là một người thống lĩnh muôn dân, nên về mặt nghi biểu, điều làm cho người ta chú ý nhất là cái tư đức. Nếu một ông vua không có tư đức thì dù có những thủ đoạn xảo diệu đến đâu cũng không thể tâm phục được dân chúng. Do ý nghĩa ấy cho nên đức Phật, khi nói chuyện với các vị quốc vương về chính sự, thường khuyên họ trước hết phải bồi dưỡng tư đức. Nghĩa là, nhà vua phải thanh liêm khoan hậu, đạo đức nhân từ, không nên uống rượu, việc khuê phòng cần có tiết tháo, trinh nhân cách hướng thượng (Tăng Nhất A Hàm quyển 42, nói về 10 đức của nhà vua_ tham chiếu Nguyên thủy Phật Giáo Tư Tưởng luận, trang 351 - 352). Lấy nỗ lực tranh thủ nhân tâm: đó là thủ đoạn cần thiết. Mà việc thu phục nhân tâm điều chủ yếu là phải làm thế nào cho quan quân hòa mục nghe theo những lời trung thực, niềm nở với mọi người, và yêu thương nhân dân. Về vấn đề quân sự phải vận dụng một cách điều độ, phát triển kinh tế và tài chính, dùng người phải căn cứ vào khả năng và đặt đúng chỗ, đặc biệt chú ý về vệ sinh: đó là những điều cần thiết để tạo nên một nền chính trị lành mạnh (xem kinh Phật Vi Ưu Điền Vương Thuyết Vương Pháp Chính Luận). Mà cái phương châm chính trị đó trước sau phải lấy chính pháp làm nền tảng, dùng chính nghĩa và nhân ái mà chi phối nhân dân. Ở điểm này, nếu nói một cách lý tưởng, thì không để cho một chút tư lợi, tư dục xen vào. Việc thu thuế má, việc xét xử phán quyết, tất cả đều phải y theo pháp luật (trong 10 đức của nhà vua). Pháp luật đây chỉ là những luật pháp đã viết thành văn do pháp điển quy định, hoặc là những luật pháp không được viết thành văn do tập quán, phong tục quy định. Tóm lại tuy là vua nhưng không được sửa đổi những luật pháp đó để khuynh hướng đến chỗ độc tài chuyên chính: có thể nói quan điểm này rất có cái khí vị cận đại. Chính trị tuy xây dựng trên tinh thần nhân ái, nhưng đối với những kẻ phạm pháp bất nghĩa thì nhà vua có nhiệm vụ phải nghiêm trị.

Trong kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương đã có những điều cảnh giác sau đây:

Thứ nhất, nếu nhà vua không ngăn cấm những kẻ ác tức là đã đi ngược lại với chính lý. Phải theo đúng chính pháp mà trị dân. Có theo đúng chính pháp mới xứng đáng làm vua. Nếu không làm theo chính pháp ắt sẽ bị nhân dân lật độ một cách dễ dàng cũng như voi dẫm lên bông sen.

Thứ hai, nếu lấy điều phi pháp trị dân thì dân sẽ làm loạn, quần thần phải chết, bản thân vua cũng chẳng yên, những kẻ địch ở ngoài xâm lược, quốc gia tiêu vong.

Thứ ba, dù có mất ngôi vua, hại đến thân mệnh cũng quyết không làm điều phi pháp. Điều tai hại nhất là dùng những kẻ xiểm nịnh, cũng như người thả voi vào vườn hoa, dùng kẻ xiển nịnh sẽ có ngày mất ngôi vua. Nếu vua coi người thân thuộc và nhân dân đều bình đẳng, làm đúng chính pháp, không gây bè phái, thiên vị thì danh tiếng vua được lừng lẫy. Cho nên, người làm vua phải quên mình mà mở mang chính pháp, tôn trọng chính pháp, dạy người làm 10 điều lành, nếu được thế thì quốc gia phú cường, nhân dân an lạc (Tân dịch Phật Giáo Thánh Điển, trang 1367).

Theo Phật thì cái tư cách của nhà vua mới là quan trọng chứ không phải là thủ đoạn hay sức mạnh, mà tư cách đó chính là tinh thần làm theo chính pháp, tránh xa ác pháp.

3. Đặc Biệt Về Chính Trị Và KinhTế.

Theo Phật Giáo thì điều chủ yếu trong chính trị là mưu đồ và hoàn thành sự cộng tồn, cộng vinh cho dân chúng. Nghĩa là, không ai xâm phạm đến ai, cùng nhau chung sống để tăng tiến tự do và hạnh phúc của mọi người. Do đó, mà giữa sinh hoạt chính trị và kinh tế của dân chúng có sự quan hệ mật thiết. Theo một ý nghĩa nào đó, ta cũng có thế nói, mục đích của chính trị là hy vọng phân phối tài sản một cách công bằng và chính trực. Mà điều này tất cả các nhà luật học và chính trị học của Ấn Độ đều chủ trương như thế.

Nhưng theo Phật Giáo, làm thế nào để an định đời sống kinh tế của quốc dân? Về vấn đề này, theo chỗ tôi nghiên cứu, tuy không có phương pháp cụ thể nào được nói đến một cách tường tận, nhưng chủ ý căn bản của Phật Giáo là muốn vấn đề phân phối tài sản giữa dân chúng phải hết sức công bằng đừng để ai phải lo âu về việc ăn mặc. Một hôm đức Phật thấy một nhà đại phú đang lập một đàng tế lễ lớn, sau khi hỏi về phương pháp tế lễ, đức Phật nói “Bày việc tế-lễ lớn, tốn tiền của mà không ích lợi, trái lại lợi ích lớn nhất là hãy làm cho tất cả dân chúng đều được no đủ”. Lại như kế sách làm cho quốc gia thái bình an lạc, đức Phật cũng có ý kiến “Đại Vương! Vì muốn chấm dứt những hành động phi pháp của dân chúng mà Đại-Vương đã ra những luật lệ phạt tiền, trục xuất, hạ ngục và xử tử, tuy phương pháp đó mãnh liệt thật nhưng không công hiệu bằng phương pháp này: những người làm ruộng và chăng nuôi thì cấp cho họ hạt giống và thực vật, những người buôn bán thì cấp vốn cho họ, những người làm quan thì phải tùy theo khả năng mà thăng trưởng luôn, nếu làm được như thế thì mọi người đều hết lòng phục vụ mà quốc gia không sinh biến loạn” (Xem Palì Trường Hàm quyển 15_Kutadantasutta_Tân dịch Phật Giáo Thánh Điển 55). Suy đó thì biết đức Phật cũng nhận là hể ăn mặc đầy đủ thì có lẽ tiết. Tóm lại, quan niệm của Phật là nếu muốn cho đời sống kinh tế của dân chúng được ổn định, sự phân phối tài sản phải triệt để công bằng.

4. Phật Giáo Với Chủ Nghĩa Tiệm Tiến.

Trong các tôn giáo tại Ấn Độ, đức Phật, một mặt là một nhà đại lý tưởng, đồng thời mặt khác, lại là một nhà tôn giáo rất thực tế, áp dụng phương pháp tiệm tiến được mệnh danh là: “thiện xảo phương tiện” để thực hiện mục tiêu lý tưởng. Bởi vậy, công cuộc tịnh hóa xã hội, Phật Giáo chủ trương đường lối tiệm tiến, chứ không chủ trương cách mệnh tiến. Nói một cách cụ thể, về vấn đề xã hội, Phật tuy không chủ trương xóa bỏ triệt để sự phân biệt giai cấp, nhưng thừa nhận mọi người trong xã hội đều có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau; tuy không phải đối chế độ tài sản tư hữu, nhưng như đã nói ở trên, hy vọng sự phân phối tài sản phải công bằng. Tuy vẫn duy trì cái nhân cách tôn nghiêm, nhưng phải dựa vào nhau, giúp đở nhau, lấy cái gọi là “công nghiệp sở cảm” để đưa quốc gia đến chỗ hòa bình an lạc đạo đức, phồn vinh làm trung tâm điểm của chính trị.

TIẾT THỨ TƯ:
QUỐC GIA LÝ TƯỞNG VÀ CHÍNH ĐẠO.

Chính trị quan nói trên tự nó có tính cách rất lý tưởng rồi, nhưng nó vẫn lấy thực trạng của các quốc gia đối lập đương thời làm mục tiêu. Song lý tưởng tối cao của Phật về quốc gia quyết không phải ngừng lại ở trạng thái quốc gia đối lập, mà là muốn thống nhất tất cả thành một quốc gia lý tưởng duy nhất. Trong Phật Giáo có nhiều cách thuyết minh lý tưởng đó, nhưng tựu trung đại biểu cho những hình thức đó là tư tưởng “Chuyển Luân Thành Vương” (Cakravartin). Tư tưởng Chuyển Luân Thành Vương đã phát sinh vào thời đại đức Phật; Ấn Độ lúc đó tuy chia thành nhiều nước nhỏ đối lập nhau, nhưng cũng đã có khuynh hướng dần dần tiến đến sự thống nhất mà vị vua thích ứng với tư tưởng này cũng tương tự như lý tưởng chúa cứu thế của Do Thái. Sau khi Phật giáng sinh không lâu đã có ông thầy tướng đoán rằng nếu Phật không đi tư tưởng mà làm vua thì sẽ thành một vị Chuyễn Luân Vương, truyền thuyết này chính đã xuất phát từ tư tưởng trên. Mà Phật vì xuất gia làm bậc Chuyển Luân Vương của Pháp giới, nên ở lĩnh vực chính trị lý tưởng, tuy nhiên vẫn lấy quốc gia do Chuyễn Luân Vương chi phối làm tối cao, chiếu theo nhiều trưng-chứng, ta thấy đó là một sự thật.

Song Chuyển Luân Vương là một vị vua như thế nào? Về vấn đề này, căn cứ theo sự ghi chép nhất luật trong các kinh điển thì Chuyển Luân Vương phải thành tựu bảy thứ báu, tức là: bạch tượng, cám mã (ngựa đỏ), thần châu, ngọc nữ, cư sĩ, chủ bi và luân (bánh xe). Bạch tượng và cám-mã tượng trưng cho sự hoàn bị về sản sinh và giao thông, thần châu tượng trưng cho nền tài chính sung thực, ngọc nữ và cư sĩ tượng trưng cho nhân dân lương thiện, chủ bích có thể nói tượng trưng cho uy quyền, còn luân thì tượng trưng cho sự thực hành Chính pháp một cách trọn vẹn, đầy đủ. Như vậy, ý nghĩa câu “chuyển Chính Pháp Luận” đã xuất phát từ đấy.

Theo truyền thuyết thì Chuyển Luân Vương là người đủ tư cách bảy báu trên và vào đêm trăng tròn từ trên trời tự nhiên hiện xuống. Nhưng đây chỉ là thí dụ. Thật ra, Chuyển Luân Vương lấy chính nghĩa làm trung tâm, khi có đủ sáu điều kiện tức là đã có tư cách thống nhất thiên hạ, thì xuất hiện. Lấy bánh xe Chính pháp làm cơ hiệu, trước hết chinh phục phương Đông, nhờ uy lực của Ngài, không dấy can qua, nguy hiểm trở lại bình an, cong thành thẳng, tự nhiên bình định. Rồi lại từ các phương Tây, Nam Bắc cũng như thế, cho đến cuối cùng toàn thể thế giới thống nhất trong hòa bình: Đó là cái uy lực đặc hữu của Luân Vương chủ yếu là lời giáo huấn đạo đức. Quy tắc thông thường là: “không giết hại, không đạo đức, không gian dâm, không uống rượu”. Đối với các quần thần nhà Vua thường nói: “Chỉ dùng Chính-pháp mà trị, không để cho những việc phi pháp xảy ra trong nước”. Nhờ đó mà nhân dân dưới quyền thống trị của Chuyển Luân Vương đều được thỏa mãn, không ai bất bình, không có đấu tranh, v.v…Trong kinh cũng nói: Đất cát phì nhiêu, nhân dân thịnh vượng, tính tình nhu hòa, từ hiếu trung thuận” (Trường Hàm quyển 6, Chuyển Luân Vương Tu Hành kinh, Đại Chính Tạng I, 39, trang 40).

Nhưng khi nào thì Chuyển Luân Vương xuất hiện? Về điểm này, có câu nói: “Chính pháp tại thế, Luân Vương bất tuyệt kỳ kế”. Nghĩa là bất luận khi nào có Chính Pháp thì Luân Vương sẽ xuất hiện tại đó. Nhưng, trên thực tế, kể cả thời đại Phật, cho đến nay vẫn chưa thấy Chuyển Luân Vương ra đời. Theo truyền thuyết Phật Giáo thì vị vua này tuy cũng thường xuất hiện, nhưng khi xuất hiện với tất cả mọi hình thái chân chính thì có lẽ còn ở một tương lai lâu xa lắm. Nghĩa là trong tương lai, khi Phật Di-Lặc ra đời thì Pháp giới Chuyển Luân lúc đó sẽ dùng hình thái của Chuyển Luân thế tục giới là Sankha mà xuất hiện. Về cái trạng thái của thế giới lúc đó tuy có vẻ rất không tưởng, nhưng cũng có nhiều ám thị rất phong phú, và sau đây xin trích dịch một vài đoạn trong các kinh để dẫn chứng:

“Lúc bấy giờ, cõi diêm phù (toàn thế giới) Đông, Tây, Nam. Bắc, trong khoảng mười vạn do tuần sông, núi và đá đều tự tiêu diệt, nước trong bốn biển lớn tụ lại một phương. Đất cõi diêm-phù lúc đó rất bằng phẳng và sáng như mặt gương, thóc lúa đầy dẫy, nhân dân no ấm, rất nhiều của báu, các thôn ấp liền nhau, và chim chóc ca hát suốt ngày.

Lúc đó, những cây trái xấu sẽ chết khô, mùi hôi thối tự nhiên tiêu diệt và thai vào đó, cây trái ngon ngạt, hương vị thơm tho sinh trưởng. Khí trời hòa dịu, bốn mùa thuận tiết, thân thể không sinh bệnh tật, tham dục. sân khuể và ngu si không phát động. Lòng người bình đẳng, đều cùng một ý, thấy nhau là vui mừng, nói với nhau những lời tốt lành, cùng nói một thứ tiếng, không có sai khác, đúng như người ở Bắc-Câu-Lư-Châu. Khi muốn đại tiểu tiện thì đất tự nhiên mở ra và sau khi xong rồi tự nhiên khép lại.

Lúc ấy trong cõi Diêm-Phù, gạo tự nhiên sinh, không có võ trấu, mùi thơm rất ngon. Còn vàng bạc, trân bảo, xà cừ, mã não, trân châu, hổ phách thì rải rát đầy mặt đất, không ai thu nhặt. Lúc ấy, nhân dân tuy cầm của báu đó mà nói với nhau: “Ngày xưa, vì những của báu này mà người giết nhau, giam cầm trong ngục, gây cho nhau nhiều khổ não. Còn ngày nay thì những của báu này cũng như gạch ngói, không ai lấy giữ” (Tăng Nhất Hàm, quyển 44, Đại Chính Tạng II, 787, trang 8). Nếu tóm tắc một cách đơn giản những đặc chất đó thì:

1. Toàn thế giới được thống nhất, bất luận núi hay biển đều không làm chướng ngại sự giao thông.

2. Mọi người đều sống cuộc đời an nhàn và phát huy những thiết bị văn hóa.

3. Ngôn ngữ trên thế giới cũng thống nhất, mọi người đều cùng một lòng.

4. Vàng bạc châu báu mất hết giá trị: đó là cơ điểm chủ yếu.

Điều thú vị là Phật Giáo dự đoán những hiện tượng này có phải là một lý tưởng? Nhiều điểm, chẳng hạn, sự phát triển giao thông trên toàn thế giới, sự hoàn bị về đường sá, ngày nay đã thực hiện rất nhiều. Duy có điều không may là ngày nay thế giới ngôn ngữ chưa được thống nhất, nhân loại vẫn chưa tiến đến chỗ gặp nhau vui mừng, nhất là đối với vàng bạc châu báu thì lòng tham càng tăng thêm đến nổi biến nó thành nguồn gốc của mọi tội ác, đó là trạng thái của thế giới hiện nay.

Nhưng dù sao những lời dự đoàn trên không phải hoàn toàn không tưởng, trái lại, cũng có điều có thể thực hiện được. Không những thế, dù công cuộc xúc tiến Chính-pháp nên những lý tưởng ấy tất sẽ có thể thực hiện trên thế giới này. Chúng ta tin chắc cuối cùng thế giới có thể được thống nhất theo lập trường nhân đạo và văn hóa. Song lúc đó thì cái gọi là Chuyển Luân Vương sẽ xuất hiện dưới hình thái nào? Dĩ nhiên đây là điều không thể quyết đoán ngay được. Nhưng bất luận dưới hình thái nào, lấy lý tưởng Luân Vương làm tiêu chuẩn, nỗ lực theo phương diện nhân đạo và văn hóa mà xúc tiến công cuộc thống nhất thế giới: Đó là nghĩa vụ đạo đức của tất cả cá nhân cũng như các quốc gia mà Phật Giáo đã đề xướng.

Lấy quốc gia chi phối bởi Luân Vương mà lý tưởng, hóa thêm một bậc nữa tức là tư tưởng Chân Phật Tịnh Độ. Nhưng về xã hội lý tưởng Tịnh Độ vì đã nói ở các chương khác rồi, nên ở đây thiết tưởng không cần phải lập lại nữa.

HẾT

Chân thành cảm ơn Thầy Thích Đồng Thường và quý Thầy cùng Phật tử Chùa Giác Nguyên đã hoan hỷ giúp đánh máy vi tính ba quyển Phật Giáo Tư Tưởng Luận do HT. Thích Quảng Độ dịch và bộ Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật do Hoà Thượng Thích Trí Tịnh dịch (Tâm Diệu)

Source: thuvienhoasen

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/10/2010(Xem: 4853)
1. Kinh Đại bản [Tương đương Pāli: Mahānpadānasutta, D 14] Cũng được gọi là Đại bản duyên. Hán dịch Đại bản, tương đương Pāli là mahāpadāna. Pāli nói apadānahay Sanskrit nói avadānalà một thể loại văn học Thánh điển nguyên thủy, được kể trong chín loại gọi là cửu phần giáo, sau này phát triển thành mười hai phần giáo. Hán dịch âm là a-ba-đà-na, và dịch nghĩa thông dụng là "thí dụ"
15/10/2010(Xem: 4223)
Lý tưởng giáo dục và những phương pháp thực hiện lý tưởng này, hiển nhiên Phật giáo đã có một lịch sử rất dài. Phạm vi hoạt động của nó không chỉ giới hạn chung quanh những tàng kinh các, hay những pháp đường của các Tăng viện; mà còn ở cả nơi triều đình, công sảnh, và bấtcứ nơi nào mà mọi người có thể tụ tập ít nhất là hai người, trong tấtcả sinh hoạt nhân gian. Thêm vào đó là những biến chuyển qua các thời đại, sự dị biệt của các dân tộc...
13/10/2010(Xem: 6260)
Các Luận sư A-tì-đàm đã thấy rõ những nạn đề đặt ra cho nhận thức về quan hệ nhân quả, cho nên họ đưa ra một khung đề nghị là có năm loại kết quả khác nhau...
11/10/2010(Xem: 7273)
Trong lịch sử tư tưởng của Tánh Không luận, khởi đầu là sự tranh luận về điểm: có nên thừa nhận có một Bản ngã (Pdugala) hay không? Sự tranh luận này được khởi đầu...
11/10/2010(Xem: 5789)
Trong khi Phật giáo càng ngày càng trở nên một cao trào triết học và tâm linh (spirituality) cho giới trí thức Tây phương thì Phật giáo Việt Nam (PGVN) đang đi vào thoái trào trên phương diện tín ngưỡng (religion) đối với quần chúng Việt Nam. Sự thoái trào, hay “mạt pháp”, này được biểu lộ qua hai hiện tượng: 1. Trí thức Phật tử Việt ở hải ngoại bỏ chùa để theo tu học các giáo phái khác, và 2. quần chúng ở trong nước, ở các vùng thôn quê vốn có ảnh hưởng Phật giáo, nay đi theo đạo Tin lành ngày càng đông.
08/10/2010(Xem: 15151)
Phật nói : Lấy Tâm làm Tông, lấy không cửa làm cửa Pháp. Đã không cửa làm sao đi qua ? Há chẳng nghe nói : “Từ cửa vào không phải là đồ quý trong nhà. Do duyên mà được, trước thì thành, sau thì hoại.” Nói như thế giống như không gió mà dậy sóng, khoét thịt lành làm thành vết thương. Huống hồ, chấp vào câu nói để tìm giải thích như khua gậy đánh trăng, gãi chân ngứa ngoài da giầy, có ăn nhằm gì ? Mùa hạ năm Thiệu Định, Mậu Tý, tại chùa Long Tường huyện Đông Gia, Huệ Khai là Thủ Chúng nhân chư tăng thỉnh ích bèn lấy công án của người xưa làm viên ngói gõ cửa, tùy cơ chỉ dẫn người học. Thoạt tiên không xếp đặt trước sau, cộng được 48 tắc gọi chung là “Cửa không cửa”. Nếu là kẻ dõng mãnh, không kể nguy vong, một dao vào thẳng, Na Tra tám tay giữ không được. Tây Thiên bốn bẩy (4x7=28) vị, Đông Độ hai ba (2x3=6) vị chỉ đành ngóng gió xin tha mạng. Nếu còn chần chờ thì giống như nhìn người cưỡi ngựa sau song cửa, chớp mắt đã vượt qua.
08/10/2010(Xem: 4634)
Tôi hành thiền Vipassanà không theo cách rập khuôn một bài bản cố định, có điều kiện của các thiền sư, thiền viện hay thiền phái nổi tiếng nào, dù biết rằng những phương pháp vận dụng quy mô ấy đều đem lại lợi lạc nhất định cho rất nhiều hành giả và bản thân tôi cũng đã học hỏi từ đó rất nhiều.
07/10/2010(Xem: 11736)
Tác phẩm “Triết học có và không của Phật giáo ở Ấn Độ” mà độc giả đang cầm trên tay là tác phẩm gồm nhiều bài viết ngắn, được viết trong thời gian tác giả còn đang du học tại Đài Loan (Taiwan), với nội dung chủ yếu phân tích giải thích tư tưởng có(bhŒva) và không(Sènyatˆ) là hai hệ thống tư tưởng lớn của Phật giáo ở Ấn Độ, đặc biệt thuyết minh về mối quan hệ thiết thân giữa hai học thuyết này. ..
06/10/2010(Xem: 4479)
Bất biến tùy duyên. Trong Tinh Hoa Triết học Phật giáo (Essentials of Buddhist Philosophy), Tuệ Sỹ dịch, Junjiro Takakusu tóm lược bốn thuyết duyên khởi sắp hạng theo thứ tự từ thời Pháp Tạng từ Nghiệp cảm duyên khởi, đến A-lại-da duyên khởi, Chân như duyên khởi, và cuối cùng, Pháp giới duyên khởi.
29/09/2010(Xem: 6404)
Đối tượng của nhận thức không phải là cái cụ thể, mà là cái trừu tượng. Một sự thể, nếu không được biểu thị bằng những thuộc tính, không thể hiện hữu như một đối tượng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]