Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ý Hướng Triết Lý Trong Phương Cách Hành Xử Của Đạo Phật Việt Nam

08/02/201203:44(Xem: 3941)
Ý Hướng Triết Lý Trong Phương Cách Hành Xử Của Đạo Phật Việt Nam

 

 chua_thienkhanh_02

 

 

 

Ý Hướng Triết Lý Trong Phương Cách Hành Xử Của Đạo Phật Việt Nam

 

Huỳnh Kim Quang

 

Đạo Phật là đạo khế lý và khế cơ, cho nên khi du nhập vào quốc độ nào cũng có thể vừa giữ được nội dung cốt lỗi căn nguyên của mình vừa khế hợp với tâm tình và sắc thái đặc dị của quốc độ ấy. Đây có thể nói là đặc tính ưu việt của đạo Phật mà quá trình hiện hữu sinh động trên hai mươi lăm thế kỷ qua là niềm xác tín kiên định.

 

Quả thật vậy, đạo Phật Việt nam mặc dù là nơi tụ hội của hai sắc thái đạo Phật Ấn độ và Trung hoa, vẫn thể hiện rõ nét đức tính đặc dị của mình. Đạo Phật Ấn thì mang đức tính xuất thế siêu việt, đạo Phật Trung hoa thì hàm ngụ đặc tính thực dụng siêu thoát. Nhưng, đạo Phật Việt nam thì đi sâu vào con đường thực nghiệm và nhập thế tự tại.

 

Xin hãy nghe lại mấy câu thơ của Thiền sư Vạn Hạnh sau đây:

 

"Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô

 Nhậm vận thịnh suy vô bố úy

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô".

 

 Tạm dịch:

 

 Thân giống như điện như bóng có rồi không

Muôn cây cỏ tươi tốt vào mùa xuân rồi lại khô héo vào mùa thu

Khi đã nhậm vận được lẽ thịnh suy của cuộc đời thì không còn sợ hãi

Vì lẽ thịnh suy mỏng manh như giọt sương treo ở đầu cành cây.

 

 Qua đó, quá trình thực nghiệm giải thoát và giác ngộ là quá trình lịch nghiệm của kiếp người ngay trong cõi tử sinh mộng huyễn bằng cả thân xác tứ đại mong manh và tính mệnh của chính nó. Một khi đã chết đi sống lại từ trong đường tơ kẽ tóc giữa cõi mộng và thực, giữa vô minh và linh giác thì không còn gì có thể là chướng ngại, là sợ hãi. Đó là ý nghiã của "nhậm vận" trong mấy câu thơ trên. Và khi liễu đạt được điều ấy cũng là lúc Thiền sư thỏng tay vào chợ như vào cõi không người mà hóa độ, mà tùy duyên, mà tự tại giải thoát.

 

Việt nam từ thời lập quốc đến nay chưa có giai đoạn nào không phải lo lắng nhọc nhằn và yên ổn. Các triều đại như nhà Lý, nhà Trần mặc dù cũng có giai đoạn không chiến tranh, nhưng họa xâm lăng từ phương Bắc họa phá rối từ phương Nam vẫn là mối lo tâm phúc của toàn dân. Trải dài trên hai mươi thế kỷ, một đất nước chưa từng được an lạc, chưa từng được thảnh thơi, hết ngoại xâm rồi đến nội thù nội loạn! Ôi, quả là bất hạnh! Nhưng chính niềm bất hạnh ấy, trong một ý nghĩa nào đó, lại là cơ duyên tác thành nên tâm thức bừng sáng và ý chí bi tráng cho dân tộc.

 

Thật vậy, với bối cảnh lịch sử nhiểu nhương như vậy, người Việt nam không ai có thể dửng dưng trước sự bất an của đất nước, của dân tộc mình. Làm thế nào để cho đất nước được phồn thịnh, phú cường? Làm sao cho dân tộc được no cơm ấm áo, được an lạc, thái bình? Bằng cách nào để cho mọi người được sống một đời sống yên vui, hạnh phúc? Đó không những là mối ưu tư cấp thiết của một thời đại hay một thế hệ nào, mà còn là sự quan tâm hàng đầu của cả dân tộc trải dài suốt vận hành lịch sử qua bao nhiêu thế hệ.

 

Trong hoàn cảnh lịch sử và tình tự dân tộc như vậy, ngay từ những ngày đầu có mặt trên đất nước này, đạo Phật đã tự hóa hiện mình trong cộng đồng dân tộc, ưu tư những gì dân tộc ưu tư, thao thức những gì dân tộc thao thức, hơn thế nữa, chia xẻ và gánh vác trách nhiệm trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Đây chính là động lực chủ đạo đưa đạo Phật Việt nam vào con đường thực nghiệm và nhập thế tự tại. Xin nghe lại lời nhắn nhủ của Quốc sư Phù Vân trên núi Yên Tử đối với vua Trần Thái Tông thì rõ:

 

 "Phàm vi nhân quân giả, dĩ thiên hạ chi dục vi dục, dĩ thiên hạ chi tâm vi tâm. Kim thiên hạ dục nghinh bệ hạ qui, tắc bệ hạ an đắc bất qui lai? Nhiên nội điển chi nghiên cứu nguyện bệ hạ vô vong tư tu nhĩ." (Trần Thái Tông - Thiền Tông Chỉ Nam Tự)

 

Tạm dịch:

 

Phàm là bậc lãnh đạo của nhân dân tất phải lấy ý nguyện của thiên hạ làm ý nguyện của mình, phải lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ đều muốn cung nghinh nhà vua về cung, ngài đâu có thể bỏ mặc mà không về? Nhưng có điều là việc nghiên cứu giáo điển nhà Phật xin nhà vua đừng bao giờ xao lãng.

 

Nói một cách cụ thể hơn, có mặt trên một đất nước mà lúc nào cũng bất an, không bị họa ngoại xâm thì bị nạn nội thù làm cho đời sống nhân dân khốn khó triền miên, đạo Phật, với lý tưởng ban vui cứu khổ, giải thoát và giác ngộ cho mình và người, tất phải nổ lực thi thiết hạnh nguyện của mình bằng con đường dấn thân thực sự. Nhưng dấn thân bằng cách nào sao cho tròn vẹn lý tưởng tự giác và giác tha trong khi thế sự thì chập chùng hệ lụy, cuộc đời thì muôn vạn chông gai?

 

Nếu dấn thân là chỉ để cứu khổ và giác ngộ cho người trong khi chính bản thân mình thì không tự tu tự giác e rằng nguyện lớn khó thành. Nếu bỏ mặc thế sự xa lánh thế nhân ẩn thân nơi cô xứ chỉ lo tự tu tự giác e rằng giác hạnh viên mãn khó tròn. Vậy phải làm sao? Từ câu hỏi này đưa người ta đến một tra vấn khác: Làm thế nào để có thể chuyển vận được hai cách thế hành xử xuất và nhập thế một cách dung hợp?

 

Một trong những giáo nghĩa cốt lỗi của đạo Phật là Duyên khởi. Qua duyên khởi, chúng ta thấy rằng tất cả các pháp đều sinh thành và hoại diệt trong mối tương quan, tương tức và tương diệt. Không có pháp nào mà không sinh khởi do những yếu tố hoặc điều kiện hợp thành. Sự hiện hữu của một pháp này là do những pháp khác làm duyên tụ hợp mà nên, nhưng sự hiện hữu của những pháp khác lại do chính pháp này và những pháp khác nữa hợp thành. Rồi lan rộng ra cho đến sơn hà đại địa và vũ trụ vô biên, tất cả chỉ là một mạng lưới tương quan, tương tức và tương diệt. Sự có mặt hoặc hoại diệt của cái này là nhân là duyên cho sự có mặt hoặc hoại diệt của những cái khác, và ngược lại. Cũng vậy, sự mê muội hoặc giác ngộ của chúng sanh này là nhân là duyên cho sự mê muội hoặc giác ngộ của những chúng sanh khác, và ngược lại. Tương tự như thế, sự khổ đau hoặc an lạc của người này là nhân là duyên cho sự khổ đau hoặc an lạc của những người khác, và ngược lại. Trong ý nghĩa này, chúng ta có thể thấy rằng xuất và nhập thế không thể tách rời nhau mà có. Cái này phải là nhân là duyên cho cái kia, và cái kia phải là nhân là duyên cho cái này.

 

Từ nội dung của giáo nghĩa duyên khởi ở trên đưa chúng ta đến một tri nhận khác. Đó là vì các pháp đều do nhân duyên sinh thành và hoại diệt, cho nên không có pháp nào có tự tánh. Hay nói cách khác, tất cả các pháp đều là giả hữu, vô tự tánh và không. Không không có nghĩa là tuyệt diệt, là hư vô, không là vì tự tánh vô tánh, là vì tự tánh là không, là "đương thể tức không", không ngay trong tự thể, không ngay trong lúc đang có mặt. Khi thể nghiệm được tự tánh không của vạn pháp tức là nghiệm chứng được trí tuệ Bát nhã - xin tạm gọi là nghiệm chứng, là thể nghiệm v.v.. để diễn đạt về trí tuệ cho dễ hiểu. Qua trí tuệ Bát nhã, người hành đạo mới có thể nhìn thấu suốt được bản thể tối hậu của vạn hữu mà không bị chướng ngại. Cũng qua trí tuệ Bát nhã, người hành đạo mới không còn vướng mắc bất cứ điều gì trong tư duy, ngôn ngữ và hành động; người hành đạo cũng sẽ không còn bất cứ sự lo âu và sợ hãi nào.

 

"Bồ đề Tát đỏa y Bát nhã ba la mật đa cố tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố vô hữu khủng bố". (Tâm kinh Bát nhã)

 

Tạm dịch:

 

Bồ tát nương vào trí tuệ rốt ráo cho nên tâm không còn lo ngại; khi tâm không còn lo ngại thì không còn sợ hãi.

 

Qua trí tuệ Bát nhã, vạn pháp vốn quy về một nguồn cội, vốn cùng một bản thể. Đã liễu ngộ được lẽ đồng nguyên của vạn hữu, cho nên chúng sanh đó không thấy có sự sai biệt nào giữa ta và người. Niệm lực của từ bi vô hạn là niệm lực của tình thương khi cảm nghiệm được mối quan hệ nhất thể của vạn hữu. Từ đó, sự thể hiện của lòng từ bi không còn là một thứ hành vi vì bổn phận, vì trách nhiệm mà là sự tuông chảy tự nhiên từ niệm lực vô cùng như nước từ nguồn chảy ra không dứt.

 

Thấy được hướng đi đích thực của đạo Phật Việt nam là con đường thực nghiệm và nhập thế tự tại, ngài Khương Tăng Hội đã dịch Bát Thiên Tụng Bát Nhã và biên tập Lục Độ Tập Kinh và Lục Độ Yếu Lược vào thế kỷ thứ ba Tây lịch. Đây là những kinh văn cốt tủy của đạo Phật Việt nam hướng đạo cho phương thức hành xử phù hợp với tình tự dân tộc và hoàn cảnh lịch sử của đất nước. Trên bước đường vừa nhập thế tích cực để cứu nước cứu dân, vừa thực nghiệm giải thoát giác ngộ cho mình và người, Bát nhã trí và từ bi tâm là hành trang vô giá.

 

Với Bát nhã trí, con người nhìn suốt được bản thể đồng nhất của vạn hữu, và tri nhận rằng sự hiện hữu của các pháp là sự hiện hữu linh diệu. Nó vừa gỉa hữu lại vừa không, song chính vì không nó lại hiện hữu như thật; nói rằng gỉa cũng không đúng nói rằng thật cũng không đúng, nó thật là chơn không diệu hữu. Từ đó, chân đế hay tục đế, xuất thế hay nhập thế không còn là những nan đề hay những lựa chọn tất yếu phải có. Chân đế và tục đế không khác nhau bởi vì, chân là chân của tục và tục là tục của chân. Khước từ tục để tìm chân sẽ không có chân nào ngoài tục để tìm. Bỏ chân đi vào tục thì tục vốn không có tự tánh lấy gì để vin vào. Cũng vậy, xuất thế và nhập thế vốn không hai bởi vì, căn cứ vào đâu để nói xuất hay nhập? Căn cứ vào thời gian ư? Thời gian nào là thời gian để căn cứ, là quá khứ, là hiện tại hay là vị lai? Quá khứ thì đã qua cho nên không hiện hữu, hiện tại thì trôi mãi không ngừng lấy gì làm chỗ nương để xuất với nhập, còn vị lai thì chưa đến làm sao căn cứ để ra vào? Căn cứ vào các pháp ư? Các pháp vốn không có tự tánh lấy gì làm chỗ để căn cứ?

 

Chân tục hay Thánh phàm cũng đều do tâm mà ra. Tâm liễu ngộ được thực tướng phi tướng của các pháp thì là Thánh là chân. Tâm mê muội vì vô minh thì là phàm là tục. Một khi khởi vọng tâm thì sơn hà đại địa là cõi đảo điên khổ lụy, nhưng nếu thấu triệt được tự thể phi thể của vọng tâm thì vũ trụ pháp giới không còn là cõi triền phược. Cho nên Quốc sư Phù Vân tại Trúc Lâm Yên Tử đã mở lối đạo cho vua Trần Thái Tông như sau:

 

"Sơn bản vô Phật, duy tồn hồ tâm. Tâm tịch nhi tri, thị danh chân Phật. Kim bệ hạ nhược ngộ thử tâm, tắc lập địa thành Phật, vô khổ ngoại cầu dã." (Trần Thái Tông - Thiền Tông Chỉ Nam Tự)

 

Tạm dịch:

 

Trong núi này vốn không có Phật, Phật chỉ ở tại tâm. Khi tâm tịch lặng và liễu tri các pháp ấy gọi là Phật. Nay nếu nhà vua giác ngộ được tâm ấy thì tức là đang đứng vững trên Phật địa, không cần khổ nhọc đi tìm cầu bên ngoài.

 

Nghiệm chứng được diệu lý Bát nhã thì liễu ngộ các pháp đều không. Từ đây, người hành đạo không đắm nhiễm, không cố chấp, không sợ hãi bất cứ điều gì. Chính vì lý do này, trong quá trình hành hoạt để đóng góp vào công cuộc dựng nước, giữ nước và cứu khổ cho dân tộc, đạo Phật Việt nam chưa bao giờ quan tâm đến chuyện danh lợi, chưa bao giờ đắm nhiễm trong thành quả mà chính mình đã tạo dựng. Con đường thực nghiệm và nhập thế không phải là con đường danh vọng để thi thố tài năng, đó là con đường lịch nghiệm sự giác ngộ và giải thoát cho mình và người. Hay nói cách khác, đó là con đường giải nghiệp cho mình và người chứ không phải là con đường kết nghiệp.

 

"Mắt phải sáng như mặt trời, lòng phải rộng như biển cả, hành động phải cẩn trọng cân nhắc so đo: Mọi hoạt dụng của mình đều vì giải nghiệp. Đừng tạo nghiệp cho mình và mọi người." (Hòa thượng Thích Đức Nhuận, nguyên Chánh thư ký Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật giáo Việt nam Thống nhất )

 

Mang tâm thức vô minh vọng động để hành đạo thì mỗi tư duy, lời nói và hành tác đều là nhân duyên để kết nghiệp cho mình và người. Rồi từ đó càng dấn thân càng lún sâu vào vũng lầy của vô minh phiền não và càng xa cách mục tiêu giác ngộ và giải thoát. Cho nên, con đường thực nghiệm và nhập thế của đạo Phật Việt nam là con đường thử thách cam go đối với người dấn thân hành đạo. Nếu không trang bị bằng trí tuệ Bát nhã và tâm từ bi, người hành đạo không tránh khỏi chuyện kết nghiệp cho mình và người. Chỉ có trí tuệ Bát nhã mới có thể đủ năng lực để đẩy người hành đạo ra khỏi giới hạn và sự vướng mắc của vọng tâm, chọc thủng vào biên tế cuối cùng của chân và tục đế, tự tại mà đến mà đi.

 

"Diệu tính hư vô bất khả phan

Hư vô tâm ngộ đắc hà nan

Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận

Liên phát lô trung thấp vị càn"

(Thiền sư Ngộ Ấn - Thị Tịch)

 

Tạm dịch:

 

Thể tính mầu nhiệm rỗng suốt không gì có thể bám víu

Liễu ngộ được nguồn tâm rỗng suốt ấy không phải là việc khó

Ngọc nung trên núi màu sắc vẫn thường rực rỡ

Hoa sen nở trong lò lửa mà vẫn tươi thắm.

 

Ca dao Việt nam có câu:

 

"Trăm đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn."

 

Hoa sen nở trong đầm bùn mà không hôi mùi bùn là chuyện không khó tin, nhưng hoa sen nở trong lò lửa mà vẫn tươi thắm thì quả là việc không những hy hữu lại còn mầu nhiệm nữa! Kinh Diệu Pháp Liên Hoa nói rằng:

 

"Tam giới bất an do như hỏa trạch"

Ba cõi không an ổn giống như nhà lửa.

 

Người hành đạo trong truyền thống đạo Phật Việt nam dấn thân vào cuộc đời đầy phiền não sân si như nhà lửa để xây dựng đất nước, cứu khổ cho muôn dân và thực nghiệm sự giác ngộ, giải thoát cho mình và người mà vẫn tự tại ung dung đó không phải là sen nở trong lò lửa nhưng vẫn tươi thắm sao?

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/06/2011(Xem: 9053)
Tôi thấu hiểu Đức Phật Nguyên Sơ, cũng được biết như Đức Phật Phổ Hiền, là thực tại tối hậu, thế giới của Pháp Thân – không gian của tính không – nơi mà tất cả mọi hiện tượng, thanh tịnh và nhiễm ô, là hòa tan. Đây là sự giải thích được dạy bởi Kinh điển và Mật điển. Tuy nhiên, trong phạm vi câu hỏi này, chỉ truyền thống mật tông tantra giải thích Pháp Thân trong dạng thức của Linh quang bản nhiên, (hay tịnh quang bản nhiên), bản chất tối hậu của tâm; điều này dường như bao hàm tất cả mọi hiện tượng, luân hồi và niết bàn, sinh khởi từ cội nguồn trong suốt và rực rở này.
10/06/2011(Xem: 7764)
Tất cả những ai đã quy y có một cảm giác gần gũi và tin tưởng đối với Tam Bảo – Đức Phật, Giáo Pháp (lời dạy của Ngài), và Tăng Già, cộng đồng tâm linh của tăng ni. Đây là nhân tố quyết định quý vị có phải là một Phật tử hay không. Nếu quý vị quy y Tam Bảo, quý vị là Phật tử; còn nếu khác đi thì không phải. Chúng ta có thể quy y ở nhiều trình độ khác nhau của sự thậm thâm, tùy thuộc trên mức độ thông tuệ của chúng ta. ..Đức Phật là vị thầy, người hướng dẫn và chỉ đạo tâm linh của chúng ta. Do thế, những hành vi thân thể, lời nói và tư tưởng phải phù hợp với lời dạy của ngài.
30/05/2011(Xem: 21948)
Phật Và Thánh Chúng The Buddha and His Sacred Disciples Chương 1: Đức Phật—The Buddha Chương 2: Đạo Phật—Buddhism Chương 3: Nhân Sinh Quan và Vũ Trụ Quan Phật Giáo Buddhist Points of view on Human Life and Buddhist Cosmology Chương 4: Chuyển Pháp Luân và Năm Đệ Tử Đầu Tiên Turning The Wheel of Dharma and The First Five Disciples Chương 5: Kết Tập Kinh Điển—Buddhist Councils Chương 6: Tam Bảo và Tam Tạng Kinh Điển Triple Jewels and Three Buddhist Canon Baskets Chương 7: Kinh và Những Kinh Quan Trọng—Luật—Luận Sutras and Important Sutras-Rules-Commentaries Chương 8: Đạo và Trung Đạo—Path and Middle Path Chương 9: Vi Diệu Pháp—Abhidharma Chương 10: Tam Thời Pháp—Three Periods of The Buddha’s Teachings Chương 11: Thân Quyến—The Buddha’s Relatives Chương 12: Thập Đại Đệ Tử—Ten Great Disciples Chương 13: Những Đệ Tử Nổi Tiếng Khác—Other Famous Disciples Chương 14: Giáo Đoàn Tăng và Giáo Đoàn Ni—Monk and Nun Orders Chương 15: Tứ Động Tâm—Four Buddhis
12/05/2011(Xem: 7069)
Nhiều lý thuyết siêu hình của Phật giáo tỏ ra xa vời, khó hiểu và khó tiếp cận đối với độc giả trung bình chưa được chuẩn bị để tiếp nhận chúng. Đó là vì chúng đòi hỏi một sự thông hiểu sâu sắc và lâu dài các định luật của thế giới tâm linh và tiết nhịp của đời sống tinh thần, chưa nói đến khả năng hãn hữu cần có để duy trì sự suy nghiệm khô khan. Thêm vào đó, các nhà tư tưởng Phật giáo lại tạo nên một số giả định ngầm mà các triết gia Tây phương hiện đại đã minh nhiên bác bỏ. Thứ nhất, chung cho hầu hết mọi người Ấn độ bình thường*, khác với người châu Âu có tính ‘khoa học’, tư tưởng lấy những kinh nghiệm du-già làm nguyên vật liệu cho phản tỉnh triết học.
11/05/2011(Xem: 5403)
Trong cuộc sống thường nhật của con người, ngôn ngữ đóng vai trò vô cùng trọng yếu. Không có ngôn ngữ con người không thể diễn đạt được bất cứ điều gì, từ những cảm quan thường nghiệm đến những tư duy siêu việt.
01/05/2011(Xem: 6964)
Tất cả các tôn giáo, nói chung, đều có động lực từ lòng từ bi và nhân ái. Mặc dù các tôn giáo thường có sự khác biệt lớn trên bình diện triết học, nhưng mục đích cơ bản cũng đại khái giống nhau, đó là mang đến sự tiến triển tốt đẹp. Dĩ nhiên, mỗi tín ngưỡng có những phương pháp đặc thù. Mặc dù các nền văn hóa dĩ nhiên khác nhau, nhưng chúng ta đang ngày càng đến gần nhau hơn, vì thế giới ngày càng thu nhỏ với sự tiến triển của ngành thông tin, tạo dịp tốt để chúng ta học hỏi lẫn nhau. Tôi cảm thấy điều này rất hữu ích.
04/04/2011(Xem: 6222)
François Jullien, giáo sư trường Đại học Denis Diderot Paris VII, giám đốc Viện tư tưởng hiện đại và Viện Marcel Granet của trường này, là một nhà triết học nổi bật hiện nay ở Pháp, và cả ở phương Tây nói chung. Các tác phẩm của ông rất phong phú, chứng tỏ một sức sáng tạo rất dồi dào, và cũng thật độc đáo. Trong nhiều năm qua, ông chăm chú nghiên cứu về minh triết phương Đông, hoặc nói cho thật đúng hơn, ông làm một cuộc đối chiếu, ngày càng sâu sắc, tinh vi, triệt để giữa minh triết phương Đông với triết học phương Tây, - không chỉ để cố gắng thấu hiểu đến thực chất của nền minh triết ấy
02/04/2011(Xem: 6462)
Đạo Phật là đạo xây dựng trên nền tảng trí tuệ, tức dùng sự giác ngộ, hiểu biết và sức mạnh của lý trí để giải quyết vấn đề tâm linh của con người cùng những vấn nạn của xã hội mà không dựa vào Thần Linh.
29/03/2011(Xem: 9843)
Chúng ta điều hòa với đa nguyên tôn giáo như thế nào, điều rất cần thiết trong thế giới hiện nay, với sự quan tâm sâu sắc đến tín ngưỡng của chính chúng ta? Đức Đạt Lai Lạt Ma cống hiến giải pháp của ngài. Với nhiều tín đồ, chấp nhận tính chính đáng của những truyền thống tín ngưỡng khác đặt ra một thử thách nghiêm trọng. Để chấp nhận những tôn giáo khác là chính đáng có thể dường như làm tổn hại tính nguyên vẹn niềm tin tôn giáo của chính mình, vì nó đòi hỏi sự thu nạp những con đường tâm linh khác nhau nhưng hiệu quả.
20/03/2011(Xem: 5123)
Tôi có một người huynh đệ băn khoăn bởi một vấn đề. Đó là một đằng theo lời dạy của Lục Tổ Huệ Năng: “Không nghĩ thiện không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục, v.v.?” tức là không còn so sánh, phê phán, nhị biên, để hoà mình, thâm nhập với chân như. Đằng khác lại phải còn biết phải quấy để hành thiện, cải thiện, tức là còn nhị biên. Như vậy người huynh đệ tự hỏi: chánh kiến là hành thiện, hay không thiện, không ác?Và đi xa hơn một chút, thế nào là định nghĩa đúng của chữ hành thiện (vì có rất nhiều cạm bẫy hiểu lầm: biết bao nhiêu kẻ quá khích lại tưởng mình hành thiện)? Tôi có cảm tưởng rằng câu hỏi đặt ra cũng là câu hỏi chung của nhiều Phật tử, trong đó có tôi. Nỗi băn khoăn, khắc khoải đó hoàn toàn có căn cứ, và không phải là dễ dàng giải đáp.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]