Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần II - Chương Một

22/07/202418:12(Xem: 769)
Phần II - Chương Một

buddha_lotus01 

Phần II

 

***

 

Chương 1

 

Các bài thuyết giảng về thế giới

 

Phần thứ nhất trong quyển I nêu lên các tiêu đề : Đức Phật là ai, Phật giáo là gì, hiến chương Phật giáo chủ trương những điều gì, kinh điển Phật giáo gồm có những gì, mức đến của Con đường Phật giáo là như thế nào ? Ngoài ra trong phần thứ nhất này cũng nhấn mạnh và giải thích về một thuật ngữ vô cùng chủ yếu trong Phật giáo đó là chữ Dhamma. Thuật ngữ này nêu lên toàn bộ sự khám phá của Đức Phật về sự vận hành mang tính cách tương liên, tương tác và tương tạo giữa tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ, và cả những gì hiển hiện trong tâm thức của một cá thể con người. Sự khám phá đó đưa đến các ứng dụng trực tiếp và cụ thể giúp con người thoát ra khỏi vũ trụ. Dhamma do đó có thể xem là nền tảng của toàn bộ Giáo huấn của Đức Phật.

 

Tiếp theo dưới đây là phần thứ hai của quyển I, trong phần này chúng ta sẽ tìm hiểu một thuật ngữ then chốt khác, đó là chữ Lokavidū (Loka+vidū). Tiền ngữ loka có nghĩa là thế giới hay vũ trụ, hậu ngữ vidū có nghĩa là am tường, am hiểu, thấu triệt, từ ghép Lokavidū có nghĩa là Người am tường về vũ trụ, và cũng là một trong số các danh hiệu của Đức Phật. Qua ý nghĩa của danh hiệu đó thì Đức Phật không phải là người sáng tạo ra vũ trụ, mà chỉ là Người am hiểu vũ trụ, khám phá ra nguyên nhân làm phát sinh ra vũ trụ, trông thấy được nguyên lý vận hành của vũ trụ, và cả phương cách giúp con người thoát ra khỏi vũ trụ. Đấy là ý nghĩa của chữ Lokavidū.

 

Nếu trong Đại thừa có một câu tụng nổi tiếng bằng tiếng Phạn, như đã được nói đến trong phần thứ nhất : ‘Gate gate pāragate pārasaṃgate bodhi svāhā’ / ‘Hãy bước lên, bước lên, bước sang bên kia của bên kia bờ Giác ngộ, Svaha’, thì trong Phật giáo Theravada cũng có một câu tụng rất quan trọng mà người xuất gia cũng như người tại gia phải sớm hôm tụng niệm : « Yo so bhagavā araham sammā-sambuddho, vijjā-carana-sampanno sugato lokavidū, anuttaro purisa-damma-sārathi satthā deva-manussānam buddho bhagavā . »

 

       Ý nghĩa của câu này như sau :

 

‘Đấng Thế Tôn là như thế : 1- Ngài là  bậc A-la-hán (araham), 2- một vị tỉnh thức tối thượng (sammā-sambuddho / hoàn toàn tỉnh thức / chánh đẳng giác), 3- một vị thực hiện được một sự quán thấy minh bạch và tạo được một cung cách hành xử đạo đức (vijjā-carana-sampanno), 4- một vị phúc hạnh (sugato), 5- một vị am tường về vũ trụ (Lokavidū), 6- một vị gương mẫu vô song cho con người (anuttaro purisa-damma-sārathi), 7- một vị thuyết giảng cho thiên nhân và con người (satthā deva-manussānam), 8- một vị Giác ngộ (Bouddho), 9- một vị xứng đáng được tôn kính (Bhagavā / Thế Tôn)’.

 

Chín phẩm tính trong câu tụng niệm trên đây được rút tỉa từ khái niệm về mười phẩm tính của Đức Phật đã được nói đến trong phần thứ nhất của quyển sách này. Câu tụng nhắc nhở người tu tập về một Con người đã tạo được cho mình một cung cách hành xử đạo đức, nêu lên một tấm gương cho tất cả chúng sinh soi chung – trong số họ gồm các thiên nhân, con người và cả ma vương – và nhất là Vị ấy đã thực hiện được cho mình một sự biểu biết vô song về bản chất của vũ trụ và cả Con đường giúp mình thoát ra khỏi vũ trụ, khơi động được sự tôn kính của thế gian (Bhagavā / Thế Tôn), tạo được cho mình sự hiểu biết về vũ trụ (Lokavidū) qua một sự quán thấy tối thượng, vượt lên trên sự hiểu biết [ô nhiễm]của những con người bình dị.

 

Ý nghĩa của chữ loka trong Phật giáo

 

Chữ loka nguyên nghĩa là ‘vũ trụ’ (cosmos, universe) hay ‘thế giới’ (world), do vậy chữ này mang ý nghĩa rất rộng, bao hàm nhiều lãnh vực. Nhà sư Thinasssaro Bhikkhu cho biết là nên hiểu và nên dịch chữ loka‘vũ trụ’, tuy thế chữ loka trong một số trường hợp cũng có thể hiểu là ‘thế giới’ hay ‘lãnh vực’. Sở dĩ mạn phép dài dòng là vì chữ loka – cũng như chữ Dhamma – rất quan trọng, được nêu lên trong rất nhiều bài thuyết giảng của Đấng Thế Tôn.

 

Ý nghĩa trước hết và bao quát nhất của chữ loka vũ trụ, trong đó gồm toàn bộ ba ‘lãnh vực’ và cũng có thể hiểu là ba ‘thế giới’ là : Sattaloka, SaṅkhāralokaOkāsaloka. Vậy ba lãnh vực hay ba thế giới ấy là gì ?

 

1- Sattaloka : Thế giới chúng sinh. Tiền ngữ satta trong chữ Sattaloka có nghĩa là chúng sinh, do đó có thể hiểu thế giới này là thế giới của sự sống nói chung. Bản chất chủ yếu nhất của thế giới chúng sinh là sự bám víu vào sự hiện hữu, vào các hiện tượng trong thế giới, phản ảnh một động lực thúc đẩy chúng sinh hướng vào thế giới, bám vào thế giới. Kinh sách gọi động lực này là upādāna (fuel, grasp / nắm bắt, bám víu), và có thể hiểu động lực đó là các xu hướng mang tính cách bản năng của sự sống.

 

Chúng sinh trong thế giới này được kinh sách phân loại theo sáu cấp bậc, từ thật thấp đến thật cao, từ các chúng sinh u mê, hung dữ cho đến con người, và cao hơn con người là các thánh nhân và thiên nhân. Qua một góc nhìn mở rộng hơn thì có thể hiểu là thế giới của tất cả sinh vật hay sự sống nói chung, trong đó gồm từ các vi sinh vật thô thiển đến các sinh vật tiến hóa hơn chẳng hạn như con người, và cao hơn cả con người là các thánh nhân và thiên nhân mà chúng ta không trông thấy hay nhận biết trực tiếp qua các khả năng hạn hẹp của ngũ giác của chúng ta. Tuy nhiên trong một số bài giảng của Đức Phật cũng thấy nói đến các cấp bậc chúng sinh này và họ được gọi chung là các thiên nhân (deva).

 

2-Saṅkhāraloka : Thế giới tạo tác. Tiền ngữ saṅkhāra trong chữ (Saṅkhāraloka) có nghĩa là các sự ‘tạo tác’, ‘tạo dựng’, ‘hình dung’ bên trong tâm thức, kinh sách Hán ngữ gọi là‘hành’.  Nói chung có thể hiểu thế giới này là thế giới của các sự ‘tạo tác tâm thần’ (mental formations / các sự ‘tạo dựng’, các sự ‘hình dung’ trong tâm thức). Các sự ‘tạo tác’ đó còn được gọi bằng một thuật ngữ mở rộng hơn, mang ý nghĩa bao quát và sâu sắc hơn, đó là thuật ngữ kamma, tiếng Phạn là karma, nguyên nghĩa là ‘hành động’(act, action, deed), kinh sách Hán ngữ gọi là ‘nghiệp’. Trong trường hợp của thế giới tạo tác Saṅkhāraloka, thì chữ kamma chủ yếu có nghĩa là các ‘hành động trong tâm thần’, tức là các ‘ý nghĩ’, ‘xúc cảm’, ‘tác ý’, các sự ‘hình dung’ trong tâm thức của một cá thể, và các ‘hành động trong tâm thần’ đó trong một số trường hợp có thể phát lộ ra bên ngoài qua ngôn từ, cử chỉ, tác phong và hành vi, tạo ra các tác động ảnh hưởng ngược lại với cá thể ấy.  

 

Tóm lại có thể hiểu Saṅkhāraloka là thế giới tạo ra bởi sự sinh hoạt tâm thần, làm hiện ra một thế giới luôn trong thể dạng chuyển động và sôi sục bên trong nội tâm của một cá thể. Sự chuyển động và sôi sục đó chịu ảnh hưởng một cách thụ động từ các tác động của các kamma / nghiệp trong quá khứ của cá thể ấy, đồng thời cũng tạo ra các kamma mới / các nghiệp mới, một cách tích cực hơn trong khung cảnh của cuộc sống hiện tại. Nói một cách khác vắn tắt hơn thì một cá thể, trong cuộc sống hiện tại, vừa chịu ảnh hưởng của các kamma quá khứ vừa tạo ra thêm các kamma mới cho tương lai. Sự liên kết và tương tác giữa các kamma quá khứ và hiện tại sẽ tạo ra một thế giới tâm thần cho cá thể ấy, và thế giới ấy gọi là Thế giới tạo tác / Saṅkhāraloka.

 

3-Okāsaloka : Thế giới không gian. Tiền ngữ okāsa có nghĩa là bầu trời, không gian, vị trí, nơi chốn, nói chung là một cái gì đó ‘trông thấy được’ (expanse, sky, sphere, space, visibility), chữ okāsa là danh từ, động từ của chữ này là okāsati có nghĩa là ‘trông thấy được’ (to be visible, to make visible, let appear). Do đó có thể hiểu Okāsaloka là thế giới vật lý, thế giới của địa cầu, của mặt trăng, mặt trời, của thiên hà và vũ trụ, cùng với sự vận hành của các thứ ấy xuyên qua không gian và thời gian. Thiết nghĩ cách giải thích về ý nghĩa của các thuật ngữ trên đây cũng đủ giúp chúng ta hiểu được là thế giới Okāsaloka nằm trong không gian bên ngoài, tương phản và đối nghịch với thế giới tạo tác Saṅkhāraloka nằm bên trong tâm thức một cá thể.

 

Đức Phật là vị Lokavidū, một vị am tường cả ba thế giới trên đây, thế nhưng Giáo huấn của Ngài, Dhamma của Ngài, chủ yếu chỉ tập trung vào thế giới thứ nhất là thế giới của sự sống / Sattaloka, và thế giới thứ hai là thế giới của các sự tạo tác tâm thần / Saṅkhāraloka. Đức Phật không trực tiếp quan tâm đến thế giới vật lý chuyển động trong không gian, bởi vì việc tìm hiểu thế giới đó kể cả sự vận hành của nó không thiết thực và lợi ích, không làm chấm dứt khổ đau, không mang lại sự thanh thản và bình lặng của thể dạng Nibbāna / Niết-bàn. Mỗi khi các đệ tử của mình, các vị tu hành của các giáo phái khác, hay các vị Bà-la-môn nêu lên với Ngài các thắc mắc,chẳng hạn như : ‘vũ trụ trường tồn, vũ trụ có hạn kỳ…, vũ trụ có biên giới, vũ trụ vô biên’, v.v., thì Đức Phật giữ yên lặng, không trả lời, hoặc gạt phăng đi, hoặc đôi khi còn cho biết thêm là các sự thắc mắc và các sự tìm hiểu đó về vũ trụ trong không gian không những vô ích mà còn là một sự ám ảnh có thể gây ra tai hại và đớn đau. Chẳng hạn trong một bài giảng mang tựa Cūḷa Māluṅkyovāda Sutta / Bài giảng ngắn về các thắc mắc của Māluṅkya - MN 63, Đức Phật nêu lên trường hợp một người bị trúng tên tẩm thuốc độc thay vì tìm cách nhổ bỏ mũi tên, thì lại khăng khăng tìm hiểu xem người bắn mình là ai, mũi tên làm bằng loại gỗ gì, v.v. Tóm lại đối với một người bước theo con đường Phật giáo thì không nên chỉ biết ngẩng cổ nhìn lên bầu trời mà phải nhìn vào tâm thức mình để trông thấy cái thế giới mà mình tự tạo ra cho mình.

 

Trên đây chúng ta vừa tìm hiểu một cách bao quát và định nghĩa vể ba thế giới : thế giới của sự sống, thế giới của các sự tạo tác tâm thần và thế giới vật lý chuyển động trong không gian. Trong phân đoạn dưới đây chúng ta sẽ tiếp tục phân tích và tìm hiểu chi tiết và sâu sắc hơn về ba thế giới đó, chẳng qua là vì ba thế giới đó tạo ra cả một vũ trụ mà chúng đang vướng mắc trong đó, đang gia nhập với nó, và đang cùng vận hành với nó. Sự quán triệt về vũ trụ gồm ba thế giới ấy là đầu dây mối nhợ của sợi chỉ đỏ nêu lên sự mạch lạc nối liền các bài giảng trong toàn bộ Giáo huấn của Đấng Thế Tôn.

 

Thế giới chúng sinh – Sattaloka

 

Xin nhắc lại : đó là thế giới của sự sống nói chung, trong đó bao gồm tất cả các thể loại chúng sinh, từ các sinh vật thuộc các cấp bậc tiến hóa thấp nhất và tiên khởi nhất, đến các cấp bậc tiến hóa và phức tạp hơn là con người, cùng các cấp bậc cao hơn và tinh tế hơn con người là các thiên nhân (deva). Nếu nhìn vào thế giới đó theo chiều dọc thì chúng ta sẽ thấy thế giới đó là cả một dòng diễn tiến sinh học mang tính cách di truyền, tạo ra một thế giới chúng sinh vô cùng đa dạng ngày nay. Nói một cách khác thì tất cả mọi sinh vật trên dòng tiến hóa đó đều có một chút gì đó giống nhau, đó là các thứ bản năng sinh tồn, truyền giống và sợ chết, và cao hơn các bản năng đó là khả năng suy nghĩ của con người và khả năng nhận thức của các vị thiên nhân. Và nếu nhìn vào thế giới đó theo chiều ngang, giới hạn trong lãnh vực con người, thì chúng ta sẽ nhận thấy sự đa dạng của họ từ màu da đến vóc dáng, từ sức khỏe đến trí thông mình, có những người giàu có, có những kẻ nghèo đói ; có những người khoẻ mạnh, có những kẻ ốm đau ; có những người cường tráng, có những kẻ tật nguyền ; có những người hạnh phúc, có những kẻ khổ đau ; có những người uy quyền, có những kẻ nô lệ ; có những người từ bi, có những kẻ ích kỷ… Đấy là sự đa dạng trong thế giới con người. Theo sự tin tưởng của Phật giáo thì không có một quyền năng thiêng liêng nào bày ra sự đa dạng đó cả, mà đấy là hậu quả phát sinh từ các hành động / kamma của mỗi cá thể trong quá khứ và cả trong hiện tại này của mình.   

 

Ngoài ra trong một số bài giảng của Đấng Thế Tôn cũng thấy nêu lên các vị thánh nhân và thiên nhân tiến hóa hơn cấp bậc con người. Sự hiện hữu của thế giới thiên nhân (Devaloka) thật ra là một khái niệm căn bản và chủ yếu nhất của Ấn giáo. Đối với Phật giáo Theravada thì các thiên nhân chỉ đơn giản là các chúng sinh như tất cả các chúng sinh khác trong thế giới Sattaloka nhưng có một khả năng cảm nhận tinh tế hơn và một kiếp sống lâu dài hơn so với các chúng sinh khác chẳng hạn như con người. Nhu cầu trong cuộc sống của họ rất thấp do đó họ không cần phải lo nghĩ gì cả, họ sống rất an nhàn và thanh thản. Và cũng có thể là họ đang cùng sống với chúng ta, thế nhưng chúng ta không nhận biết được họ, không trông thấy được họ.

 

 Kinh sách phân loại tất cả các chúng sinh trên đây theo sáu cấp bậc hiện hữu gọi là ‘sáu cõi luân hồi’ : địa ngục (niraya), quỷ đói (petta), hàng thú vật (tiracchānayoni), giống người (manussa), các thánh nhân tham vọng (asura), các thiên nhân (deva). Trên thực tế và qua một góc nhìn cụ thể và trần tục, thì chúng ta cũng có thể đồng hóa các thánh nhân tham vọng với những vị lãnh đạo xảo quyệt, hung ác và mưu mô, các thánh nhân hiền hòa với những con người nhân hậu và từ bi. Dầu sao thì các chúng sinh trong cõi thánh nhân và thiên nhân vẫn còn vướng mắc trong các chu kỳ xoay vần của sự sinh và cái chết.

 

Tóm lại thế giới chúng sinh là thế giới của khổ đau, thế giới của các sự bám víu bản năng, phản ảnh các sự thèm khát giác cảm. Điểm cao nhất và sâu kín nhất của sự thèm khát đó là được sống mãi mãi, dù là dưới hình thức nào, và đấy cũng là ý nghĩa sâu xa nhất của chữ chúng sinh / satta , phản ảnh sự thèm khát giác cảm, và được tiếp tục ý thức về ‘cái tôi’ của mình. Chữ satta (tiếng Phạn là sattva) có nghĩa là một sinh vật (living being), khá đồng nghĩa với chữ sajīva (sa+jīva), tiền ngữ sa có nghĩa là hàm chứa, hậu ngữ jīva có nghĩa là sự sống, tức là cái tôi của mình, là tri thức của mình (life, ego, psyche). Tóm lại chữ satta hay sajīva là các [thể dạng hiện hữu] hàm chứa sự sống (endowed with life), và cũng có thể hiểu chữ này là các chúng sinh có giác cảm, thế nhưng kinh sách Hán ngữ thì gọi là các chúng sinh hữu tình, vừa không có nghĩa gì cả, vừa có vẻ khôi hài, nhất là đối với các sinh vật ở các cấp bậc thấp. Các sinh vật ở các cấp bậc này không ‘hữu tình’ mà chỉ hàm chứa bản năng và các khả năng giác cảm. Chỉ có con người mới ‘hữu tình’, thế nhưng sự ‘hữu tình’ ấy lại tạo ra không biết bao nhiêu hình thức sinh hoạt phụ thuộc : yêu thương, sau đắm, quyến luyến, quần áo, phấn son, ghen tuông, tơ tưởng, nhớ nhung… Do vậy sự sống của con người trong thế giới Sattaloka – riêng trong lãnh vực truyền giống – cũng đã phức tạp và rắc rối hơn so với các loài sinh vật.  

 

Ngoài cách giải thích mở rộng trên đây về thế giới đa dạng của chúng sinh, kinh sách còn nêu lên một góc nhìn khác về thế giới này. Theo sự giải thích trong Abhidhamma / Luận tạng, thì thế giới chúng sinh được cấu tạo từ sự kết hợp giữa năm thành phần cấu hợp (skandha / ngũ uẩn) tạo ra một cá thể con người, và từ sự kết hợp đó mỗi cá thể tự hình dung ra cho mình một ‘cái tôi’ / ‘cái ngã’ (Attā, tiếng Phạn là Ātman). Sự hình dung đó về ‘cái tôi’ là nguyên nhân gây ra các tác hại rộng lớn hơn nhiều so với khía cạnh ‘hữu tình’ của con người nói đến trên đây : nào là hiềm khích, xung đột, chiến tranh, từ trong gia đình đến bên ngoài xã hội, giữa các quốc gia và trên toàn thế giới.

 

Trở lại với cách giải thích trong Luận tạng thì năm thứ cấu hợp là : 1- thân thể vật chất (rūpa / sắc uẩn), 2- các cảm nhận của ngũ giác (vedanā / thọ uẩn), 3- sự nhận biết qua trung gian của ngũ giác (saññā / tưởng uẩn), 4- các sự tạo dựng trong tâm thần (saṃskāra / hành uẩn), 5- sự ý thức (viññāna / thức uẩn, tức là các sự diễn đạt, nhận thức, hình dung…). Năm thứ cấu hợp này nối kết và tương tác với nhau tạo ra sự hiện hữu của một cá thể con người hàm chứa các khả năng sinh hoạt trên thân thể và trong tâm thần (psychophysical) trong suốt cuộc sống của cá thể ấy. Bám víu vào các cấu hợp ấy và xem đấy là sự hiện hữu của mình, con người của mình, ‘cái tôi’ của mình, thì sẽ không tránh khỏi mang lại cho mình mọi thứ khổ đau. Thế nhưng các cấu hợp ấy (ngũ uẩn) chỉ là các hiện tượng luôn trong tình trạng chuyển động và đổi thay (anicca / vô thường), và chúng cũng không hàm chứa bên trong chúng bất cứ một ‘cái tôi’ nào cả (anattā / vô ngã).

 

Tóm lại Sattaloka[A1]  là thế giới của sự sống, thế giới của khổ đau. Đức Phật quán thấy được sự sống đó, sự khổ đau đó của chúng sinh. Đến đây chúng ta sẽ tìm hiểu về thế giới thứ hai là thế giới Saṅkhāraloka / Thế giới của các sự tạo tác [tâm thần]. Đối với một người tu tập thì việc tìm hiểu về thế giới này là quan trọng hơn cả.  

 

Thế giới tạo tác – Saṅkhāraloka’

 

 Saṅkhāraloka là một từ ghép : saṃ+karoti, chữ saṃ có nghĩa là trở thành, chữ karoti có nghĩa là thu nạp, do đó chữ saṅkhāra (tiếng Phạn saṃkhāra) có nghĩa là ‘sự hình thành, sự cấu tạo dựa vào sự ‘kết nạp’ (kết hợp, liên kết) giữa nhiều hiện tượng , nói một cách khác thì các sự tạo dựng, các hiện tượng, sở dĩ xảy ra là do nhiều điều kiện mà có, nói một cách khác thì mọi hiện tượng nhất thiết đều là một sự kết hợp giữa nhiều hiện tượng khác với tư cách là các điều kiện cần thiết để tạo ra chúng, đưa đến sự hiện hữu của chúng. Tất cả mọi hiện tượng – từ trong tâm thức đến môi trường bên ngoài – đều mang tính cách cấu hợp là như vậy.  

 

Đối với một cá thể thì các hiện tượng cấu hợp ấy là gì ? Bên trong tâm thức thì đấy là các ‘tác ý’, các ‘ý định’, các sự ‘hình dung’ kể cả các hình thức xúc cảm hiện lên trong tâm thức, nói một cách vắn tắt thì đấy là 'thế giới nội tâm’ của một cá thể. Vậy bên ngoài ‘thế giới nội tâm’ đó là gì ? Đấy là các hiện tượng trong vũ trụ, là vũ trụ, hiện ra qua trung gian của các sự cảm nhận của ngũ giác và sự diễn đạt của tâm thần. Nói một cách khác thì vũ trụ là sản phẩm của tâm thức, do tâm thức tạo ra bằng cách dựa vào các sự cảm nhận của năm cơ quan giác cảm. Mỗi cá thể tự tạo ra cho mình một vũ trụ là như vậy. Tóm lại dù là thế giới nội tâm hay vũ trụ bên ngoài thì tất cả đều là do sự tạo dựng của tâm thức, phản ảnh sự sinh hoạt của tâm thức. Sự tạo dựng đó, sự sinh hoạt đó của tâm thức mang ba khía cạnh hay ba ý nghĩa khác nhau tùy theo ba trường hợp khác nhau :

 

1- Trước hết chữ saṅkhāra có nghĩa là các sự tạo tác hay tạo dựng trong tâm thức, và trong trường hợp này thì saṅkhāra là cấu hợp (uẩn) thứ tư trong số năm cấu hợp (ngũ uẩn) tạo ra một cá thể. Xin nhắc lại năm thứ cấu hợp là : hình tướng, tức là thân thể (rūpa), các sự cảm nhận của ngũ giác (vedanā), sự ý thức (saññā), các sự tạo tác trong tâm thần (saṅkhāra), tri thức hay sự ý thức (viññāṇa).  

 

2- Sau đó, trong trường hợp thứ hai thì chữ saṅkhāra biểu trưng cho khoen nối kết thứ hai trong số mười hai khoen nối kết (nidāna / thập nhị nhân duyên) tạo ra sợi dây xích trói chặt một cá thể trong cõi luân hồi, và trong trường hợp này thì kinh sách Hán ngữ dịch chữ saṅkhāra‘hành’. Khái niệm về sợi dây xích gồm mười hai khoen nối kết sẽ được trình bày chi tiết hơn trong Bài giảng về sự phân loại sẽ được trích dẫn dưới đây.

 

3- Sau hết, trong trường hợp thứ ba thì chữ saṅkhāra có nghĩa là ‘hiện tượng’ với ý nghĩa thật rộng của nó. Tất cả mọi hiện tượng đều mang tính cách cấu hợp và lệ thuộc vào các điều kiện cần thiết để hiện hữu (component-thing, conditioned thing, produced by a cause). Đối với đặc tính này thì có một ngoại lệ, đó là trường hợp của Nibbāna / Niết-bàn, bởi vì Nibbāna hay Niết-bàn là một thể dạng thoát khỏi mọi sự biến động và đổi thay, vượt lên trên vô thường (anicca), hoàn toàn ‘dừng lại’, ‘bình lặng’ và ‘tắt hẳn’, không có một sự hiển hiện nào, một sự hình thành nào, cũng không có một sự biến mất nào cả.   

 

          Các sự tạo tác hay tạo dựng trong tâm thần mang hai khía cạnh : chủ động và thụ động. Các sự tiếp xúc của lục giác đối với môi trường bên ngoài tạo ra các sự cảm nhận mang tính cách chủ động, thế nhưng đồng thời các cảm nhận đó cũng phải gánh chịu tác động của kamma / nghiệp tồn lưu trong tâm thức, và các tác động này thì mang tính cách thụ động. Sự phối hợp và tương tác giữa hai khía cạnh ‘chủ động’ trong bối cảnh hiện tại và ‘thụ động’ qua các tác động của kamma từ quá khứ, sẽ khiến tâm thức tạo ra cho mình thế giới tạo tác Saṅkhāraloka. Mỗi cá thể tự tạo ra cho mình một thế giới, một vũ trụ, xuyên qua lục giác là như vậy. Nhìn vào các cá thể từ bên ngoài thì cũng đủ để chúng ta nhận thấy rõ không có một cá thể nào giống với một cá thể nào khác, từ sắc tộc, màu da, tuổi tác, sức khỏe, trí thông minh…, cho đến tánh tình, hành vi, v.v. Đấy là sự đa dạng của chúng sinh phù hợp với thế giới tạo tác do mỗi cá thể tự tạo ra cho mình bên trong chính mình.   

 

Các thú vật tiến hóa cũng hàm chứa một thế giới tạo tác trong ‘nội tâm’ của chúng, thế nhưng thế giới đó của chúng có một số khía cạnh khác hơn với thế giới tạo tác của con người. Chẳng hạn như con chó có khứu giác và thính giác bén nhạy hơn chúng ta, con mèo có thể trông thấy được trong bóng tối, v.v., do đó thế giới tạo tác của chúng qua các khía cạnh vừa kể có thể là sắc bén hơn con người. Con ngựa hiểu được ý của người kỵ mã, con voi có trí nhớ lâu dài và chính xác…, thế nhưng các con thú đó không có ngôn ngữ mạch lạc như con người, ngoài các tiếng kêu, tiếng rống để biểu lộ các xúc cảm của chúng, do đó thế giới tạo tác của chúng, qua một vài khía cạnh nào đó, thu hẹp hơn so với thế giới tạo tác của con người. Cuộc sống của chúng dựa vào bản năng nhiều hơn là lý trí. Thế nhưng một con chó hung dữ cũng có thể bị giết, một con mèo quấn quýt thường được vuốt ve hơn… Đấy là các cách mà chúng tự tạo ra cho mình một thế giới tạo tác liên hệ và phù hợp với các kamma trong quá khứ và cả trong hiện tại của chúng.

 

Giữa hai thế giới tạo tác của con người và muôn thú, qua một số khía cạnh nào đó, đôi khi không có một sự cách biệt rõ nét nào cả. Có những con thú rất thông minh và nhạy cảm, nhưng cũng có những con người đần độn, khờ khạo, bị kẻ khác sai khiến, lợi dụng, hành hạ ; có những người bệnh tâm thần ngớ ngẩn không nhìn thấy hiện thực trong bối cảnh chung quanh ; có những người sống trong lo âu, sợ hãi ; có những người hung dữ đầy oán hận…, đấy là các trường hợp mà các kamma bên trong họ quá nặng nề. Đấy là lý do tại sao người Phật giáo phải biết kính trọng và yêu thương súc vật. Thú vật và con người đều là các chúng sinh như nhau trong thế giới Sattaloka và cùng cuồng quay với nhau trong thế giới Saṅkhāraloka.     

 

Sau đây chúng ta sẽ nêu lên vài bài thuyết giảng của Đức Phật nêu lên thế giới tạo tác Saṅkhāraloka mà chúng ta vừa tìm hiểu trên đây :

 

Bải giảng về các sự tạo tác tâm thần

Saṅkhāra Sutta – AN 3.23

 

(Dựa theo các bản dịch tiếng Anh của Thanassaro Bhikkhu, Bhikkhu Sujato, Bhikkhu Bodhi và bản dịch tiếng Pháp của Rémy)

 

« Này các tỳ-kheo, trong thế giới có ba thể loại người. Họ là những ai ? Trước hết và trên phương diện này, thì đấy là một người tạo ra các sự tạo tác [gây ra] đớn đau (khổ nhọc, đau buồn) trong lãnh vực thân xác ; một người tạo ra các sự tạo tác [gây ra] đớn đau trong lãnh vực ngôn từ ; một người tạo ra các sự tạo tác [gây ra] đớn đau trong lãnh vực tâm thần.  Khi đã tạo ra các sự tạo tác đớn đau trong lãnh vực thân xác, khi đã tạo ra các sự tạo tác đớn đau trong lãnh vực ngôn từ, khi đã tạo ra các sự tạo tác đớn đau trong lãnh vực tâm thần, thì người ấy sẽ hiển hiện trở lại trong một thế giới đớn đau, và các sự đớn đau [trong thế giới đó] sẽ tác động đến chính người ấy. Khi đã bị tác động bởi các niềm đớn đau đó, thì người ấy sẽ cảm nhận được toàn là các sự đớn đau, tương tự như các chúng sinh trong cõi địa ngục.

 

« Này các tỳ kheo, hoặc cũng có thể là một người tạo ra các sự tạo tác nhưng không [gây ra] đớn đau trong lãnh vục thân xác, một người tạo ra các sự tạo tác không [gây ra] đớn đau trong lãnh vực ngôn từ, một người tạo ra các sự tạo tác không [gây ra] đớn đau trong lãnh vực tâm thần. Khi đã tạo ra các sự tạo tác không [gây ra] đớn đau trong lãnh vực thân xác, khi đã tạo ra các sự tạo tác không [gây ra] đớn đau trong lãnh vực ngôn từ, khi đã tạo ra các sự tạo tác không [gây ra] đớn đau trong lãnh vực tâm thần, thì người ấy sẽ hiển hiện trở lại trong một thế giới không đớn đau. Khi đã không bị tác động bởi các niềm đớn đau, thì người ấy sẽ nhất thiết cảm nhận được những gì không đớn đau, tương tự như các vị thiên nhân subhakiṇhā (các vị thiên nhân trong Ấn giáo đã thực hiện được một niềm phúc hạnh tròn đầy).  

 

« Này các tỳ kheo, hoặc cũng có thể là một người tạo ra các sự tạo tác đớn đau và cả không đớn đau trong lãnh vực thân xác, một người tạo ra các sự tạo tác đớn đau và cả không đớn đau trong lãnh vực ngôn từ, một người tạo ra các sự tạo tác đớn đau và cả không đớn đau trong lãnh vực tâm thần. Khi đã tạo ra các sự tạo tác đớn đau và cả không đớn đau trong lãnh vực thân xác, khi đã tạo ra các sự tạo tác đớn đau và cả không đớn đau trong lãnh vực ngôn từ, khi đã tạo ra các sự tạo tác đớn đau và cả không đớn đau trong lãnh vực tâm thần, thì người ấy sẽ hiển hiện trở lại trong một thế giới đớn đau và cả không đớn đau. Khi đã hiển hiện trở lại trong một thế giới đớn đau và cả không đớn đau, thì các cảm nhận đớn đau và cả không đớn đau sẽ tác động đến người ấy.  Khi đã bị tác động bởi các sự  đớn đau và cả không đớn đau, thì người ấy sẽ cảm nhận được các niềm đớn đau và không đớn đau, lẫn lộn với nhau, tương tự như [trường hợp của] con người,  cùng một số các thiên nhân và một số [các chúng sinh khác] trong các thế giới thấp hơn. 

 

Này các tỳ-kheo, đấy là ba thể loại cá thể [chúng sinh] trong thế giới ».

 

Vài lời ghi chú

 

Bài giảng thật ngắn gọn, nêu lên trước hết ba thể loại chúng sinh trong thế giới thứ nhất là Sattaloka, bao gồm tất cả các cấp bậc chúng sinh, và sau đó là thế giới thứ hai là Saṅkhāraloka, là thế giới tạo tác đưa đến sự hình thành của kamma liên hệ đến ba thể loại chúng sinh. Đức Phật không phân biệt con người dựa vào màu da hay vóc dáng, cũng không căn cứ vào nguồn gốc sắc tộc hay bộ tộc của họ, cũng không phân biệt họ theo một trật tự xã hội gồm bốn đẳng cấp và những người tiện dân không đẳng cấp sống bên lề xã hội nêu lên trong các kinh điển Vệ-đà vào thời đại của Ngài. Đức Phật xem tất cả chúng sinh là chúng sinh, dù họ thuộc các cấp bậc thấp hơn con người hoặc cao hơn con người là các thánh nhân hay thiên nhân. Sự khác biệt duy nhất giữa các chúng sinh với nhau là khổ đau, không khổ đau, vừa khổ-đau vừa không-khổ-đau.     

 

Hai-ngàn-sáu-trăm năm sau, xã hội con người tiến bộ hơn nhiều, chúng ta biết phân biệt chủng tộc, màu da, chúng ta biết vạch ra các biên giới quốc gia, chúng ta biết sáng chế ra các nền văn hóa đa dạng và cầu kỳ, chúng ta biết khích động và lường gạt lẫn nhau, chúng ta biết buôn bán nô lệ, biết xâm chiếm thuộc địa, tuyên truyền và nêu cao chủ nghĩa, biết sáng chế ra bom nguyên tử…, thế nhưng dường như trong xã cũng có những con người chân chính, ngay thẳng, các tổ chức từ thiện... Tựu trung, trong số chúng ta ngày nay cũng có những người khổ đau, những người không khổ đau, những người trải qua những lúc khổ đau nhưng cũng có những lúc không khổ đau. Đấy là cách mà Đức Phật nhìn vào chúng ta trong thế giới chúng sinh và thế giới tạo tác. Dưới đây là bài giảng này trong Đại Tạng Kinh :

 

Aṅguttara Nikāya

III. Phẩm Người

3.23. Chất Chứa.

 

—Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba?

 

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người chất chứa các thân hành có não hại, chất chứa các khẩu hành có não hại, chất chứa các ý hành có não hại. Sau khi chất chứa thân hành có não hại, chất chứa khẩu hành có não hại, chất chứa ý hành có não hại, người ấy sanh trong thế giới có não hại. Vì phải sanh trong thế giới có não hại, người ấy cảm giác các cảm xúc có não hại. Người ấy, vì cảm giác các cảm xúc có não hại, nên cảm giác các cảm thọ có não hại, nhất hướng đau khổ, như các chúng sanh ở trong địa ngục.

 

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người chất chứa thân hành không có não hại … chất chứa ý hành không có não hại. Sau khi chất chứa thân hành không có não hại … chất chứa ý hành không có não hại, người ấy được sanh trong thế giới không có não hại. Được sanh trong thế giới không có não hại, người ấy cảm giác các cảm xúc không có não hại. Do cảm giác các cảm xúc không có não hại, người ấy cảm giác các cảm thọ không có não hại, nhất hướng lạc, như chư Thiên ở Biến Tịnh Thiên.

 

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người chất chứa thân hành có não hại và không có não hại … chất chứa ý hành có não hại và không có não hại. Sau khi chất chứa thân hành có não hại và không có não hại … , sau khi chất chứa ý hành có não hại và không có não hại, được sanh vào thế giới có não hại và không có não hại. Được sanh vào thế giới có não hại và không có não hại, người ấy cảm giác các cảm xúc có não hại và không có não hại. Do cảm giác các cảm xúc có não hại và không có não hại, người ấy cảm giác các cảm thọ có não hại và không có não hại, xen lẫn lạc và khổ, ví như loài Người, một loại chư Thiên và một loại sanh trong đọa xứ.

 

Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.

 

                                                                                                (Bản dịch của TT Thích Minh Châu)

 

 

Tiếp theo dưới đây chúng ta lại nêu lên một bài giảng khác phân tích chi tiết hơn các sự tạo tác tương kết và thúc đẩy nhau đưa đến sự hình thành của kamma. Bài giảng này mang tựa là Vibhaṅga Sutta / Bài giảng về sự phân loại - SN 12.2. Nếu bài giảng trên đây nêu lên ba thể lại người qua một góc nhìn tổng quát thì bài giảng Vibhaṅga Sutta này sẽ giải thích chi tiết về sự diễn tiến từ nguyên nhân tạo ra hậu quả, đưa đến sự hình thành của ba thể loại người đó. Sự diễn tiến này gồm 12 khoen nối kết gọi là nidāna – kinh sách Hán ngữ gọi là duyên hay nhân duyên – tạo ra một sợi dây xích trói chặt con người trong cõi luân hồi.

 

Bài giảng về sự phân loại

Vibhaṅga Sutta - SN 12:2

 

(Dựa theo các bản dịch tiếng Anh của các nhà sư Thanissaro Bhikkhu, Bhikkhu Bodhi, Bikkhu Sujato, và bản dịch tiếng Pháp của Rémy)

 

Chữ vibhaṅga tựa của bài giảng có nghĩa là sự giải thích chi tiết. Bài giảng như sau :

 

Tại một nơi gần kinh thành Sāvatthī…

 

« Này các tỳ-kheo, ta sẽ giải thích thật chi tiết cho các tỳ-kheo về [nguyên lý] tương liên tương kết và tương tạo (Paṭicca samuppāda / Depending co-arising / Lý duyên khởi). Vậy hãy chăm chú lắng nghe, ta sẽ giảng ».

 

Các tỳ-kheo đáp lại : « Vâng, thưa Thế Tôn ».

 

« Này các tỳ-kheo, vậy sự hiển hiện mang tính cách lệ thuộc (sự hình thành của một hiện tượng phải lệ thuộc vào các điều kiện liên kết với nó để tạo ra nó) là gì ?

 

Vì nguyên nhân u-mê (vô minh), các sự tạo tác (saṅkhārā) sẽ hiển hiện ; 

Vì nguyên nhân tạo tác, tri thức (consciousness / viññāṇa) sẽ hiển hiện ;

Vì nguyên nhân tri thức, danh xưng và hình tướng (name-&-form / nāmarūpa) sẽ hiển hiện ;

Vì nguyên nhân danh xưng và hình tướng, sáu cơ quan giác cảm (ngũ giác và tâm thần / saḷāyatana) sẽ hiển hiện ;

Vì nguyên nhân sáu cơ quan giác cảm, sự tiếp xúc (phasso / contact) sẽ hiển hiện ;

Vì nguyên nhân tiếp xúc, sự cảm nhận (vedanā) sẽ hiển hiện ;

Vì nguyên nhân cảm nhận, sự thèm khát (taṇhā / khao khát, ham muốn) sẽ hiển hiện ;

Vì nguyên nhân thèm khát, sự bám víu (upādāna) sẽ hiển hiện ;

Vì nguyên nhân bám víu, thì sự hình thành (bhavo / sự hiện hữu) sẽ hiển hiện ;

Vì nguyên nhân hình thành, sự sinh (jāti) sẽ hiển hiện ;

Vì nguyên nhân sự sinh, sự già-nua và cái-chết sẽ hiển hiện, cùng với các mối lo buồn, ta thán, đớn đau, bấn loạn (căng thẳng) và khổ đau.

 

Đấy là sự hiển hiện của toàn thể cái khối tuyệt vọng và khổ đau (tức là sự hình thành và hiện hữu của một cá thể).

 

« Và này, các tỳ-kheo, sự già-nua và cái-chết là gì ? Đối với tất cả các thể loại chúng sinh thuộc các cấp bậc hiện hữu khác nhau [trong Thế giới tạo tác / Saṅkhāraloka], thì sự già nua, sự hom hem (decrepitude / lụ khụ) tức là răng long, tóc bạc, da nhăn, sinh lực suy kém, các khả năng của cơ thể sút giảm. Sự già nua là như vậy. Đối với tất cả các thể loại chúng sinh thuộc các cấp bậc hiện hữu khác nhau, thì cái chết, sự quá vãng, sự buông bỏ (breaking / dứt bỏ, xa lìa) tức là sự tan biến, sự tắt nghỉ, cái chết, khoảng thời gian hiện hữu đã chấm dứt, các thứ cấu hợp (các uẩn) bị tan , thân thể bị đào thải (casting off / buông bỏ), các khả năng sinh tồn bị gián đoạn. Đấy gọi là sự già nua và cái chết.

 

« Và này các tỳ-kheo, sự sinh là gì ? Đối với tất cả các thể loại chúng sinh thuộc các các cấp bậc hiện hữu [trong thế giới tạo tác / Saṅkhāraloka], thì sự sinh là sự hiển hiện, sự ra đời, sự xuất hiện trong thế giới, sự hình thành của các thứ cấu hợp, sự phát sinh các khả năng [giác cảm], thuộc vào nhóm chúng sinh này hay nhóm chúng sinh khác (bộ tộc này hay bộ tộc khác). Đấy gọi là sự sinh.  

 

« Và này các tỳ-kheo, sự hình thành (tiếng Pali là bhavo, tương đương với các tiếng Anh : becoming, existence, renewed existence / có thể hiểu là sự hiện hữu, sự trở thành, sự xuất hiện trở lại) là gì ? Có ba thể loại hình thành : hình thành [trong lãnh vực] dục tính, hình thành [trong lãnh vực] hình tướng (thân xác vật chất), hình thành trong lãnh vực phi-hình-tướng (các khả năng tâm thần). Đấy gọi là sự hình thành (sự trở thành, sự hiển hiện).

 

« Và này các tỳ-kheo, vậy thì sự bám víu (upādāna / clinging / thèm khát, mong muốn, ước muốn) là gì ? Có bốn thể loại bám víu : bám víu vào dục tính, bám víu vào quan điểm, bám víu vào tập tục và các nghi thức lễ lạc, bám víu vào giáo lý về cái ‘Tôi’ (tiếng Pali là attavādupādāna, chữ này là một từ ghép, gồm : atta = cái tôi ; vāda = lòng tin, sự tin tưởng ; upādāna = sự bám víu. Trong bản dịch của nhà sư Thinassaro Bhikkhu, thì chữ này được dịch là doctrine-of-self-sustenance). Đấy gọi là sự bám víu (gồm bốn thứ : tính dục, quan điểm, tập tục, sự hiện hữu của ‘cái tôi’).

 

« Và này các tỳ-kheo, sự thèm khát (taṇhā) là gì ? Có sáu thể loại thèm khát : thèm khát hình tướng, thèm khát âm thanh, thèm khát mùi, thèm khát vị, thèm khát sự đụng chạm [trên thân thể], thèm khát các hiện tượng tâm thần (các ước mơ, các sự mong muốn, hy vọng…). Đấy gọi là sự thèm khát.   

 

« Và này các tỳ-kheo, sự cảm nhận (vedanā) là gì ? Có sáu thể loại cảm nhận : cảm nhận phát sinh từ mắt, cảm nhận phát sinh từ tai, cảm nhận phát sinh từ mũi, cảm nhận phát sinh từ lưỡi, cảm nhận phát sinh từ sự đụng chạm trên thân thể, cảm nhận phát sinh từ sự tiếp xúc trong tâm thần (manosamphasso / intellect-contact / contact-mental / sự tiếp nhận của tâm thức với các cảm nhận của ngũ giác làm hiện lên các ý nghĩ, các xúc cảm…). Đấy gọi là sự tiếp xúc.

         

« Và này các tỳ-kheo, sự tiếp xúc (phasso / contact) là gì ? Có sáu thể loại tiếp xúc : sự tiếp xúc của mắt (thị-giác), sự tiếp xúc của tai (thính-giác), sự tiếp xúc mũi (khứu-giác) sự tiếp xúc của lưỡi (vị-giác), sự tiếp xúc của thân thể (xúc-giác), sự tiếp xúc của tâm thần (ý nghĩ, xúc cảm, sự suy nghĩ. Xin nhắc lại : đối với việc tìm hiểu giáo lý Phật giáo thì phải luôn ghi nhớ là ngoài ngũ giác còn có thêm một cơ quan giác cảm thứ sáu là tâm thức. Đối tượng tiếp xúc của tâm thức là các tín hiệu phát sinh từ các sự tiếp xúc của ngũ giác. Từ sự tiếp xúc đó của cơ quan tâm thần hay não bộ  – tức là tâm thức – sẽ làm phát sinh ra các ý nghĩ, các sự hình dung, tưởng tượng, các xúc cảm, các tác ý…, và từ các thứ này sẽ đưa đến sự hình thành của kamma / nghiệp). Đấy gọi là sự tiếp xúc.     

 

« Và này các tỳ-kheo, các cơ quan giác cảm (sense media / phương tiện tiếp nhận các cảm giác) là những thứ gì ? Có sáu cơ quan giác cảm : mắt với tư cách là một cơ quan giác cảm, tai với tư cách là một cơ quan giác cảm, mũi với tư cách là một cơ quan giác cảm, lưỡi với tư cách là một cơ quan giác cảm, thân thể với tư cách là một cơ quan giác cảm, tâm thần (intellect / esprit) với tư cách là một cơ quan giác cảm (intellect-medium). Đấy là sáu cơ quan giác cảm (six sense media / sáu cơ quan, sáu phương tiện tiếp nhận các cảm giác, các sự cảm nhận. Các cảm giác và các sự cảm nhận đó sẽ tạo ra cho mỗi cá thể một ‘Thế Giới’ / ‘Loka’. Xin lưu ý câu trên đây cho thấy Đức Phật nêu lên một cách trực tiếp là ‘tâm thần’, ‘tâm thức’ hay ‘tri thức’ là một cơ quan giác cảm, không hề phản ảnh ‘cái tôi’ hay cái ‘linh hồn’ nào cả).  

 

« Và này các tỳ-kheo, danh-xưng (tên gọi) và hình-tướng (nāmarūpa /name-&-form / trông thấy bằng mắt) là gì ? Sự cảm nhận, sự ý thức, tác ý (ý định), sự tiếp xúc, sự chú tâm : đấy là các thứ gọi là danh xưng. Bốn thành phần chủ yếu (tứ đại : đất, nước, lửa, khí) và hình dạng phát sinh từ [sự kết hợp của] bốn thành phần chủ yếu, thì được gọi là hình tướng. Vì thế, tên gọi ấy và hình dạng ấy được gọi [chung] là danh-xưng và hình-tướng.   

 

« Và này các tỳ-kheo, tri thức (viññāṇa / consciousness / tâm thức) là gì ? Có sáu thể loại tri thức : tri thức thị giác, tri thức thính giác, tri thức, khứu giác, tri thức vị giác, tri thức xúc giác, tri thức tâm thần (manoviññāṇa / intellect-consciousness / trí năng). Đấy gọi là tri thức (sự vận hành của sáu tri thức tạo ra ‘thế giới tâm thần’ cho một cá thể).

 

« Và này các tỳ-kheo, sự tạo tác (saṅkhārā / tạo dựng) là gì ? Có ba thể loại tạo tác : tạo tác trên thân thể (cử chỉ trên thân thể), tạo tác bằng ngôn từ (nói năng), tạo tác bằng tâm thần (suy nghĩ, hình dung, tưởng tượng…). Đấy là các sự tạo tác.

 

« Và này các tỳ-kheo, sự u mê (avijjā / vô minh, sự thiếu hiểu biết) là gì ? Không ý thức được sự khổ đau, không ý thức được sự chấm dứt của khổ đau, không ý thức được con đường đưa đến sự chấm dứt của khổ đau. Đấy là sự u mê.

 

« Này các tỳ-kheo, vì vậy sự u mê là nguyên nhân làm phát sinh ra các sự tạo tác ;

Các sự tạo tác là nguyên nhân làm phát sinh ra tri thức ;

Tri thức là nguyên nhân làm phát sinh ra danh-xưng và hình-tướng ;

Danh-xưng và hình-tướng là nguyên nhân làm phát sinh ra các cơ quan giác cảm ;

Các cơ quan giác cảm là nguyên nhân làm phát sinh ra sự tiếp xúc ;

Sự tiếp xúc là nguyên nhân làm phát sinh ra sự cảm nhận ;

Sự cảm nhận là nguyên nhân làm phát sinh ra thèm khát ;

Sự thèm khát là nguyên nhân làm phát sinh ra sự bám víu ;

Sự bám víu làm phát sinh ra sự hình thành (becoming / sự trở thành, sự hiện hữu) ;

Sự hình thành làm phát sinh ra sự sinh ;

Sự sinh là nguyên nhân làm phát sinh ra sự già nua và cái chết, cùng các mối lo buồn, ta thán, đau buồn, bấn loạn (căng thẳng) và đớn đau.

Đấy là sự hiển hiện của toàn thể cái khối bấn loạn và đớn đau.

 

« Sự tan biến và chấm dứt u mê sẽ mang lại sự chấm dứt các sự tạo tác ;

Sự chấm dứt các sự tạo tác sẽ mang lại sự chấm dứt tri thức ;

Sự chấm dứt tri thức sẽ mang lại sự chấm dứt danh xưng và hình tướng ;

Sự chấm dứt danh xưng và hình tướng sẽ mang lại sự chấm dứt các cơ quan giác cảm ;

Sự chấm dứt các cơ quan giác cảm sẽ mang lại sự chấm dứt tiếp xúc ;

Sự chấm dứt tiếp xúc sẽ mang lại sự chấm dứt các cảm nhận ;

Sự chấm dứt các cảm nhận sẽ mang lại sự chấm dứt thèm khát ;

Sự chấm dứt thèm khát sẽ mang lại sự chấm dứt bám víu ;

Sự chấm dứt bám víu sẽ mang lại sự chấm dứt hiện hữu ;

Sự chấm dứt hiện hữu sẽ mang  lại sự chấm dứt sự sinh ;

Sự chấm dứt sự sinh sẽ mang lại sự chấm dứt già nua và cái chết, cùng các mối lo buồn, ta thán, đau buồn, bấn loạn (căng thẳng) và đớn đau.

Đấy là sự chấm dứt của toàn thể cái khối bấn loạn và đớn đau ».  

 

Xin trích dẫn bài giảng này trong Đại Tạng Kinh tiếng Việt giúp các độc giả quen thuộc với các thuật ngữ tiếng Hán tìm hiểu thêm nếu cần :

 

Chương 12: Tương Ưng Nhân Duyên

I: Phẩm Phật Đà.

12.2. Phân Biệt

 

Trú ở Sāvatthi (Xá-vệ).

 

—Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết và phân tích cho các Ông về lý Duyên khởi. Hãy lắng nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ giảng.

 

—Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

 

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

 

Thế Tôn nói như sau:

 

—Này các Tỷ-kheo, thế nào là lý Duyên khởi? Này các Tỷ-kheo, vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên sanh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh duyên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được khởi lên. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.

 

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là già, chết? Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay thuộc bộ loại chúng sanh khác, bị già, yếu, suy nhược, răng rụng, tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ tàn lụi, các căn chín muồi. Đây gọi là già. Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay thuộc bộ loại chúng sanh khác, sự từ bỏ, hủy hoại, tiêu mất, tử vong, các uẩn hư hoại, thân thể vứt bỏ. Đây gọi là chết. Như vậy, đây là già, đây là chết. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là già, chết.

 

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sanh? Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay thuộc bộ loại chúng sanh khác bị sanh, xuất sanh, giáng sanh, đản sanh, sự xuất hiện các uẩn, sự thành tựu các xứ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sanh.

 

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hữu? Này các Tỷ-kheo, có ba hữu này: Dục hữu, Sắc hữu, Vô sắc hữu. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hữu.

 

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thủ? Này các Tỷ-kheo, có bốn thủ này: dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã luận thủ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thủ.

 

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ái? Này các Tỷ-kheo, có sáu ái này: sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái, pháp ái. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là ái.

 

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thọ? Này các Tỷ-kheo, có sáu thọ này: thọ do nhãn xúc sanh; thọ do nhĩ xúc sanh; thọ do tỷ xúc sanh; thọ do thiệt xúc sanh; thọ do thân xúc sanh; thọ do ý xúc sanh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thọ.

 

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là xúc? Này các Tỷ-kheo, có sáu xúc này: nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là xúc.

 

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sáu xứ? Nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ, ý xứ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sáu xứ.

 

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là danh sắc? Thọ, tưởng, tư, xúc, tác ý; đây gọi là danh. Bốn đại chủng và sắc do bốn đại chủng tạo ra; đây gọi là sắc. Như vậy, đây là danh, đây là sắc. Đây gọi là danh sắc.

 

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thức? Này các Tỷ-kheo, có sáu thức thân này: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thức.

 

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hành? Này các Tỷ-kheo, có ba hành này: thân hành, khẩu hành, ý hành. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hành.

 

Này các Tỷ-kheo, thế nào là vô minh? Này các Tỷ-kheo, không rõ biết Khổ, không rõ biết Khổ tập, không rõ biết Khổ diệt, không rõ biết Con đường đưa đến Khổ diệt. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là vô minh.

 

Như vậy này các Tỷ-kheo, vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên danh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh duyên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được khởi lên. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi. Nhưng do sự ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn, nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não đều diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.

 

                                                                                       (Bản dịch của TT Thích Minh Châu)

 

Những gì nêu lên trên đây có thể mang lại cho chúng ta một số ý niệm về thế giới thứ nhất là Sattaloka / Thế giới chúng sinh và thế giới thứ hai là Saṅkhāraloka / Thế giới của các sự tạo tác tâm thần . Dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu về thế giới thứ ba là Okāsaloka / Thế giới không gian.

 

Thế giới không gian – Okāsaloka

 

Đức Phật không quan tâm đến thế giới không gian hay vật lý, bởi vì việc tìm hiểu về thế giới này không mang tính cách ‘cao quý’, không làm cho khổ đau phải chấm dứt. Người trúng tên phải nhổ bỏ mũi tên nhưng không tìm hiểu xem ai bắn mình, mũi tên làm bằng loại cây gì, chiếc lông ở đuôi mũi tên là lông của loại chim gì… Trong các thời kỳ cổ đại con người thường ngước nhìn bầu trời với trăng sao, với mặt trời, để hình dung và tưởng tượng ra đủ mọi thứ, thì ngày nay cũng chẳng khác gì hơn, con người vẫn tiếp tục nhìn vào không gian qua các viễn vọng kính to lớn để tìm kiếm biên giới của vũ trụ. Trước các sự ám ảnh đó của con người vào thời đại của Ngài, Đức Phật không thể hoàn toàn giữ được sự yên lặng mà đã phải tìm cách lôi họ quay về với cái vũ trụ bên trong chính họ, do họ tự tạo ra cho mình. Tìm hiểu và chủ động được cái vũ trụ bên trong tâm thức mới thật sự là những gì cấp bách, thiết thực và ích lợi hơn. Chẳng qua là vì cái vũ trụ bên trong chính mình do mình tạo ra cho mình bởi sự u mê của mình là nguyên nhân và nguồn gốc mang lại khổ đau cho mình. Đấy là lý do khiến Đức Phật đã phải vay mượn sự mênh mông và vô tận của vũ trụ trong không gian để gợi lên và so sánh với cái vũ trụ bên trong tâm thức chúng ta, giúp chúng ta ý thức được sự mênh mông và vô tận của khổ đau trong sự hiện hữu của chúng ta. Thế nhưng phương tiện chuyển tải Dhamma đó của Đức Phật cũng đã phản ảnh các sự hiểu biết thật thán phục và đáng kinh ngạc về thế giới và vũ trụ vào thời đại của Ngài. Dù bằng các thuật ngữ và các cách nói ẩn dụ đơn giản của thời đại bấy giờ, thế nhưng các sự hiểu biết đó không những phù hợp mà còn vượt xa hơn – nếu có thể nói như vậy – một số ý niệm của chúng ta ngày nay về thiên văn học và vật lý học.        

 

Sự trương nở của vũ trụ được khám phá vào đầu thế kỷ XX bởi nhà vật lý học và toán học Alexander Friedmann. Sau đó nhà vật lý học Albert Einstein (1879-1955) và nhà thiên văn học Edwin Hubble (1889-1953) cùng nhìn qua chiếc viễn vọng kính khổng lồ với lăng kính 2.54m đường kính, lần đầu tiên đã khám phá ra một bầu không gian mênh mông, trong đó ngoài vũ trụ của chúng ta còn có vô số các vũ trụ khác. Gần hơn, vào đầu thế kỷ XXI, với các kết quả thu đạt được trong khoa vật lý cùng các con tính cầu kỳ trong ngành toán học, các khoa học gia bắt đầu ức đoán là có các lỗ đen (black hole / trou noir) trong không gian, nhưng họ không ‘trông thấy’ được các lỗ đen đó một cách trực tiếp và cụ thể. Lý do là vì máy móc cũng không ghi nhận được sự hiện hữu của chúng, bởi vì các lỗ đen đó được tạo ra bởi sự co rút của mọi hình thức vật chất, kể cả ánh sáng, không gian và cả thời gian. Lực hấp thụ (gravity / champ gravitationel / lực thu hút) của nó mạnh đến độ không có một hình thức vật lý nào, kể cả các tia phóng xạ, có thể thoát ra khỏi các lỗ đen đó. Vì vậy, người ta chỉ có thể chứng minh một cách gián tiếp sự hiện hữu của chúng mà thôi. Lần đầu tiên các lỗ đen được ‘trông thấy’ gần như là trực tiếp qua trung gian của các làn sóng hấp thụ (gravitational waves / ondes gravitationnelles / các làn sóng thu hút) của chúng, có nghĩa là ‘dự đoán’ được sự hiện hữu của chúng ở một nơi nào đó trong không gian. Sự co rút vật chất đó của vũ trụ có thể hiểu như là sự ‘tan biến’ hay sự ‘chấm dứt’ của vũ trụ. Sau đó thì lỗ đen lại bùng nổ (Big bang) tạo ra sự trương nở của vật chất, cùng ánh sáng, không gian và thời gian, đưa đến sự hình thành của một vũ trụ mới, phù hợp với chính nó trước kia. Các bài giảng của Đức Phật từ 2.600 năm về trước đã từng cho biết trong không gian có vô số vũ trụ chuyển động theo các chu kỳ tan biến và hình thành như vậy. Khi nhìn vào sự sống thì chúng ta cũng sẽ thấy một mô hình tương tự : sự sinh phản ảnh sự hình thành của một cá thể, cái chết là lỗ đen của cá thể ấy, tái sinh là sự tái hình thành của cá thể ấy, phù hợp với chính nó trước kia.

 

Gần với chúng ta hơn, nhà thiên văn học Roger Penrose (1931 - ) trong một quyển sách mang tựa Các chu kỳ của thời gian : Một tầm nhìn mới và phi thường về vũ trụ (Cycles of Time : An Extraordinary New View of the Universe - The Bodley Head 2010, ấn bản tiếng Pháp - Éditions Odile Jacob, 2013) nêu lên một mô hình vũ trụ mang tính cách chu kỳ, trong đó kể cả cặp bài trùng ‘không gian - thời gian’ (space-time) không tách rời nhau. Quyển sách mang tính cách đại chúng hóa, thế nhưng được căn cứ vào một giả thuyết hoàn toàn mới lạ của ông về ‘một vũ trụ mang tính cách chu kỳ phù hợp với chính nó’ (Conformal cyclic cosmology / Cosmologie cyclique conforme / viết tắt là CCC). Roger Penrose không những là một nhà thiên văn học, toán học, vật lý học, vũ trụ học mà còn là một… triết gia. Ông đoạt giải Nobel về Vật lý học năm 2020, và gần 20 giải thưởng và huân chương cao quý và giá trị nhất về vật lý học và khoa học lý thuyết nói chung. Các khám phá trên đây của ông về vũ trụ rất gần với những gì mà Đức Phật từng nêu lên cách nay đã hơn hai mươi lăm thế kỷ.   

 

Một cách tổng quát thì các khoa học gia dự đoán được và trông thấy được sự hình thành, sự tan biến và sự tái hình thành của các vũ trụ trong không gian. Đức Phật, ngoài chu kỳ đó của vũ trụ trong không gian, còn trông thấy cả các chu kỳ hiện hữu của con người trong sự sống, trông thấy sự chấm dứt của ‘cái tôi’ với cái chết và sự hình thành của tôi với sự sinh, và cả các sự hoán chuyển giữa các các cấp bậc chúng sinh. Sự trông thấy đó của Đức Phật không những đối với vũ trụ, mà còn đối với từng mỗi cá thể chúng sinh, xuyên qua quá khứ và cả tương lai của các cá thể ấy, có nghĩa là xuyên qua không gian và cả thời gian của các chu kỳ hiện hữu của họ. Đức Phật là một vị Lokavidū, một vị am tường về cả ba vũ trụ : vũ trụ của sự sống, vũ trụ tạo tác trong tâm thần của chúng sinh, và cả vũ trụ trong không gian và cả thời gian là như vậy. Trong khi đó thì các nhà thiên văn chỉ trông thấy chu kỳ của vũ trụ trong không gian, các nhà sinh học chỉ trông thấy các yếu tố di truyền và dòng tiến hóa trong sự sống ; các nhà tư tưởng và triết gia chỉ trông thấy sự khác biệt giữa con người và muôn thú ; các nhà tâm lý học chỉ trông thấy các sự ám ảnh của các bệnh nhân tâm thần, v.v., nói chung thì đấy chỉ đơn giản là các sự hiểu biết phiến diện và rời rạc.

 

Chúng ta hãy nêu lên một thí dụ khác. Trong lãnh vực thiên văn học, đơn vị dùng để đo khoảng cách trong vũ trụ là một năm ánh sáng, chẳng hạn như khoảng cách trung bình giữa địa cầu và mặt trăng là 1.28 giây ánh sáng. Đối với vũ trụ trong đó có địa cầu của chúng ta thì ‘chân trời’ nơi mà ánh sáng đến được địa cầu là 13,8 tỉ năm ánh sáng, xa hơn nữa thì ánh sáng chưa tới kịp. Do đó tuổi lâu đời nhất có thể xác định được của các thành phần vũ trụ –  mà chúng ta có thể  ‘trông thấy’ được – sau vụ nổ lớn (Big bang) là 13.8 tỉ năm ánh sáng. Các thành phần khác – chẳng  hạn như bìa (?) vũ trụ ở đâu và xa đến mức độ nào thì chúng ta không xác định được, vì ánh sáng từ nơi đó chưa đến được địa cầu .

 

Sau đây là một bài bài giảng ngắn mang tựa là Pabbata Sutta / Bài giảng ẩn dụ về một ngọn núi, nêu lên khái niệm về một khoảng thời gian thật dài gọi là kappā (kiếp-ba hay kỳ-kiếp, tiếng Phạn là kalpa), giúp hình dung ra không gian vô biên và thời gian vô tận của vũ trụ. Khái niệm này cũng khá gần với khái niệm về cặp bài trùng ‘không gian - thời gian’ (space-time) trong vật lý học hiện đại.

 

 

Bải giảng ẩn dụ về một ngọn núi

Pabbata Sutta – SN 15.5

 

(Dựa theo các bản dịch tiếng Anh của Thanissaro Bhikkhu, Bhikkhu Sujato và một bản dịch tiếng Anh khác trên trang mạng suttafreinds.org, cùng với một bản dịch tiếng Pháp của Rémy)

 

Vào một dịp khi Đấng Thế Tôn đang ngụ tại một nơi gần thị trấn Sāvatthī thì có một số tỳ-kheo tìm gặp Ngài, khi gặp Ngài thì họ vái chào và ngồi sang một bên. Sau khi an tọa thì một vị trong số họ cất lời với Đấng Thế Tôn như sau : « Thưa Ngài (Bhanté), một kappa (kiếp-ba /chữ này có nhiều nghĩa, trong trường hợp của bài giảng này thì chữ kappa có nghĩa là một chu kỳ vũ trụ / a world cycle) kéo dài bao nhiêu lâu ? ».

 

« Này các tỳ-kheo, một kappa kéo dài thật lâu. Khó có thể tính được bằng vài ‘năm’, vài ‘trăm năm’, vài ‘ngàn năm’ hay vài ‘trăm ngàn năm’ ».

 

« Vậy thì, thưa Ngài, có một cách nói ẩn dụ (hình dung) nào dễ hiểu hơn chăng ? »

 

Đấng Thế Tôn đáp lại : « Này các tỳ-kheo, hẳn nhiên là có. Chẳng hạn như có một ngọn núi khổng lồ, rắn chắc, không nứt nẻ, không hang lỗ – chiều dài, chiều ngang và chiều cao, mỗi chiều là một yojana (đơn vị đo chiều dài của nước Ấn vào các thời kỳ cổ đại, tương đương với khoảng từ 13 đến 16 km), và có một người mỗi một trăm năm thì tìm đến ngọn núi này một lần, dùng một mảnh vải the của đô thị Kāsi (còn gọi là Vārāṇasī / Ba-la-nại, là cựu kinh đô của một vương quốc, nhưng đã bị sáp nhập vào lãnh thổ của đế quốc Kosala / Kiêu-tát-la dưới triều đại của vua Pasedani / Ba-tư-nặc. Cách đô thị này khoảng 10 cây số là khu rừng Sarnath / Lộc Uyển, là nơi mà Đức Phật thuyết giảng lần đầu tiên cho năm vị đồng tu với mình trước kia. Kāsi vào thời đại của Đức Phật là một đô thị phồn thịnh, có nhiều sản phẩm tinh xảo và nổi tiếng, chẳng hạn như các thứ nước hoa và một loại vải the rất mịn) xoa nhẹ vào vách núi một lần, khiến ngọn núi mòn dần và biến mất. Thế nhưng qua suốt khoảng thời gian đó, một kappa (một chu kỳ hiển hiện và biến mất của một vũ trụ) vẫn chưa chấm dứt. Này tỳ-kheo, đấy là sự kéo dài của một kappa. Dù một kappa kéo dài như vậy, thế nhưng [chúng sinh] không phải chỉ lang thang (luân hồi) xuyên qua một kappa, xuyên qua một trăm kappa, xuyên qua một ngàn kappa, xuyên qua một trăm ngàn kappa (câu này có nghĩa là chu kỳ của một vũ trụ thật dài, thế nhưng vòng luân hồn của một cá thể con người cũng thật dài, xuyên qua vô số kappa, không thể đếm hết được).

 

(Khi sự sống xuất hiện trong vũ trụ thì sự sống đó – dù là của các chúng sinh ở bất cứ cấp bậc tiến hóa nào cũng vậy – luôn hàm chứa các bản năng sinh tồn, truyền giống và sợ chết, như là các điều kiện cần thiết để bảo toàn và kéo dài sự sống. Thế nhưng thật hết sức nghịch lý, các bản năng đó lại là nguồn gốc tạo ra các sự bám víu, đưa đến mọi thứ khổ đau trong cuộc sống. Trong lãnh vực con người thì hiềm khích, xung đột, chiến tranh, từ trong khung cảnh gia đình đến bên ngoài xã hội và cả giữa các quốc gia, chưa bao giờ chấm dứt trên hành tinh này. Các thứ bản năng đó là nguyên nhân thúc đẩy sự sống xoay vần bất tận với khổ đau)

     

« Tại sao lại như vậy ? Điểm khởi đầu của vòng luân hồi (Saṃsāra / cõi lang thang) không thể hình dung được. Không thể nào biết được bắt đầu từ lúc nào chúng sinh bị u mê [che lấp tâm thức] và bị trói chặt bởi sự thèm khát, đưa đến các [chu kỳ] hoán sinh [bất tận] trong cõi lang thang (cõi luân hồi). Chẳng phải, các tỳ-kheo từ lâu đã từng phải gánh chịu các nỗi lo buồn, đớn đau, mất mát ; đã từng lấp đầy các bãi tha ma ; đã từng thất vọng trước các sự tạo tác (saṅkhāra) để không còn biết đam mê là gì ; đã từng cảm thấy chán ngán để mong cầu sự giải thoát hay sao ? »        

 

Vài lời ghi chú

 

Bài thuyết giảng tuy ngắn nhưng rất sâu sắc, Đức Phật nêu lên hình ảnh ẩn dụ về một quả núi giúp người tỳ-kheo hình dung ra không gian và thời gian của một chu kỳ vũ trụ. Thật vậy Đức Phật luôn giữ yên lặng trước các sự thắc mắc vô ích của các đệ tử và cả những ai muốn tìm hiểu giáo lý của Ngài. Đức Phật nêu lên sự tương đồng giữa các chu kỳ vũ trụ trong không gian và các chu kỳ hiện hữu của con người trong sự sống là để giúp họ ý thức được những niềm khổ đau mênh mông và vô tận trong thế giới này. Kappa là các chu kỳ xoay vần bất tận của vũ trụ trong không gian, Sinh-già-bệnh-tử là các chu kỳ xoay vần bất tận của sự hiện hữu của con người trong sự sống. Hai chu kỳ đó không khác gì nhau, cả hai đều kéo dài vô tận. Sự so sánh đó đánh thức con người, lôi con người trở về với những gì thiết thực, ích lợi và khẩn thiết hơn trong thế giới này, thay vì chỉ biết nhìn lên bầu trời để tìm hiểu vũ trụ. Sự thiết thực, ích lợi và khẩn thiết đó chính là tình trạng khổ đau bất tận của chúng sinh trong thế giới này, và đấy cũng là Sự Thật Thứ Nhất trong số Bốn Sự Thật Cao Quý làm nền tảng cho toàn bộ Giáo huấn của Đức Phật.

 

Hai chu kỳ đó kéo dài bất tận, xuyên qua không biết là bao nhiêu kappa. Điều đó có thể hiểu được và hình dung được, thế nhưng điểm khởi đầu và điểm chấm dứt trên dòng diễn tiến đó thì không ai biết được. Đối với vũ trụ thì các điểm mốc đó quá xa, không thể tính được bằng trăm năm hay trăm ngàn năm…, đối với sự hiện hữu của con người thì cũng vậy, các chu kỳ sinh tử tuy ngắn hơn nhiều, nhưng cũng không thể xác định được điểm khởi đầu của các kiếp sống trong quá khứ, cũng không ước tính được điểm chấm dứt của các kiếp sống trong tương lai. Tại sao lại như vậy ?

 

Đối với bất cứ một mô hình chuyển động mang tính cách chu kỳ nào thì cũng vậy : điểm khởi đầu sẽ đưa đến điểm chấm dứt, và điểm chấm dứt sẽ quay ngược trở lại để trở thành điểm khởi đầu trước khi đưa đến sự hình thành của một chu kỳ mới phù hợp với nó từ trước đó, và cứ tiếp tục như thế. Và đó cũng chính là cách nhìn, là quan điểm của Phật giáo, về toàn thể vũ trụ, từ sự sống cho đến không gian và cả thời gian.

 

Mô hình đó rất gần với giả thuyết về các chu kỳ biến mất và hình thành của vũ trụ phù hợp với chính nó (Conformal Cyclic Cosmology) do Roger Penrose nêu lên, như đã được nói đến trên đây. Sự biến mất của vũ trụ là một lỗ đen (Black hole), người ta không trông thấy được cái lỗ đen đó, bởi vì nó thu hút tất cả, từ ánh sáng đến năng lượng, từ không gian đến thời gian… Đối với cái chết của con người thì cũng vậy : vật chất (tứ đại) trả cho vật chất, không gian trả cho không gian, thời gian trả cho thời gian, tất cả đều tan biến. Do vậy cái chết có thể hiểu như là một lỗ đen, không có ai trông thấy những gì xảy ra sau cái chết, thế nhưng cái chết – tương tự như lỗ đen – là điều kiện đưa đến sự sinh. Sự sinh là cách góp nhặt tứ đại, chiếm giữ một chút không gian ngày càng lớn hơn, đồng thời tạo ra một khoảng thời gian cho một kiếp sống mới, tất cả phù hợp với những gì từng là chính nó trong quá khứ.

 

Mặc dù lỗ đen không thể trông thấy được nó một cách trực tiếp, thế nhưng người ta cũng có thể suy đoán được sự hiện hữu của nó qua các tác động do nó gây ra. Đối với cái chết cũng vậy, mặc dù chúng ta không trực tiếp trông thấy được những gì xảy ra với mình sau cái chết, thế nhưng chúng ta có thể ý thức được sự hiện hữu quá khứ của mình qua các ‘dấu vết’ mà mình lưu lại trong thế giới này, chẳng hạn như các hậu quả gây ra bởi các hành vi của mình qua từng hành động, ngôn từ và tư tưởng của mình khi mình còn sống, hoặc các gien (gene) di truyền lưu lại trong cơ thể của con cháu mình, hoặc ít nhất thì cũng là một chút bóng dáng nào đó, một vài kỷ niệm nào đó trong trí nhớ của người thân và bạn hữu. Điều dó cho thấy cái chết không phải là một sự chấm hoàn toàn, mà sự hiện hữu của mình trước đây vẫn còn lưu lại dấu vết của nó trong cả hai thế giới tạo tác và không gian.

 

Nếu vũ trụ được hình thành từ một vụ nổ lớn của một lỗ đen, tạo ra vật chất, không gian và thời gian, phù hợp với chính nó trước khi trở thành một lỗ đen, thì đối với các chu kỳ thu hẹp hơn liên quan đến sự hiện hữu của con người thì cũng vậy, sự thụ thai đưa đến sự sinh, tạo ra hình tướng hay vóc dáng của một cá thể, chiếm giữ một khoảng không gian nào đó. Vóc dáng đó biến đổi và kéo dài trong một khoảng thời gian nào đó, tức là tuổi tác của cá thể ấy. Hình tướng trong không gian và tuổi tác trong thời gian liên hệ và phù hợp với sự hiện hữu của chính nó trước đây trong quá khứ. Chúng ta sẽ nói đến và khai triển chi tiết hơn về sự ‘phù hợp’ trong sự hình thành của vũ trụ và sự ‘phù hợp’ trong sự sinh của một cá thể trong quyển sách thứ II nêu lên chủ đề : Sự Quán thấy của Đức Phật về sự Vận hành của Thế giới. Dầu sao thì hai sự diễn tiến đó – sự hình thành và biến mất của vũ trụ và sự sinh cũng như cái chết của một cá thể – tất cả cùng nằm trong sự vận hành chung của tất cả các dhamma (các hiện tượng) trong toàn thể vũ trụ.  

 

Qua những gì trên đây chúng ta cũng có thể liên tưởng đến một thuật ngữ, một danh hiệu, mang ý nghĩa thật sâu sắc là Tathagata / Như Lai, mà Đức Phật thường sử dụng để tự gọi mình, tự xưng mình. Thuật ngữ này là một từ rút ngắn, nguyên nghĩa là một người không từ đâu đến (tatha-gata / one who has truly gone) nhưng cũng không đi về đâu cả (taha-agata / one who has become autenthic), một người chỉ là như vậy. Điều đó có nghĩa là Đức Phật đứng ra ngoài chu kỳ xoay vần của sự sinh và cái chết, đứng ra ngoài chu kỳ hình thành và tan biến của vũ trụ, nói một các khác thì Đức Phật vượt lên trên và ra bên ngoài cả ba thế giới. Ngài không hiển hiện cũng không biến mất, Ngài chỉ là như vậy, Ngài là hiện thực, tại nơi này và trong thời điểm này.     

 

Sau  hết xin trích dẫn bản dịch của bài giảng này trong Đại Tạng Kinh. Trong bản dịch này thuật ngữ kappa được dịch là ‘kiếp’, chữ ‘kiếp’ khiến dễ gây ra hiểu lầm là ‘kiếp người’, đúng ra thì phải hiểu chữ kappa là khoảng thời gian kéo dài của một chu kỳ vũ trụ. Sự lẫn lộn này do đó không nêu lên được sự so sánh giữa chu kỳ hình thành và tan biến của vũ trụ và chu kỳ của sự sinh và cái chết của con người, và đấy mới đúng là chủ đích của bài giảng. Mặt khác, trong bản dịch tiếng Hán thì chữ kappa được dịch là 劫波 (kiếp-ba), nhưng căn cứ vào tiếng Phạn là kalpa, và các tự điển tiếng Hán thì giải thích chữ này là khoảng thời gian kéo dài của kiếp sống con người, lúc khởi đầu là ‘đại kiếp’ (84.000 năm), sau đó giảm xuống ‘trung kiếp’ và sau hết là ‘tiểu kiếp’ (100 năm), sau một trăm năm thì lại tăng dần và trở thành‘đại kiếp’… Dường như ý niệm này là trong Ấn giáo và được nêu lên trong các kinh Agama / A-hàm bằng tiếng Phạn cổ, không có bài giảng nào trong kinh điển Pali nói đến các chuyện ‘đại kiếp’ hay ‘tiểu kiếp’ nêu lên trên đây.

 

Mặt khác, trong các bản dịch sang các ngôn ngữ Tây phương thì chữ kappa lại được dịch là eon, là một ý niệm triết học trong nền văn hóa cổ đại của Hy Lạp, nhất là theo quan điểm triết học của Socrates, nhằm mục đích phân biệt giữa hai thế giới : thế giới quản lý bởi thời gian (khronos) và thế giới hiểu biết quản lý bởi vô tận (aón), do đó chữ eon trong các bản dịch sang các ngôn ngữ Tây phương cũng như chữ kiếp ba trong Hán ngữ không hoàn toàn mang cùng một ý nghĩa với chữ kappa trong kinh điển Pali. Tóm lại chữ kappa là một thuật ngữ không có từ tương đương trong các ngôn ngữ khác. Dưới đây xin trích dẫn bản dịch bài giảng này trong Đại Tạng Kinh như sau :

 

Chương 15: Tương Ưng Vô Thỉ (Anamatagga)

I: Phẩm Thứ Nhất

15.5. Núi

 

… Trú ở Sāvatthi.

 

Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

 

Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

 

—Một kiếp (thay vì là một chu kỳ vũ trụ), bạch Thế Tôn, dài như thế nào?

 

—Thật dài, này Tỷ-kheo, là một kiếp. Thật không dễ gì có thể đếm là một vài năm, một vài trăm năm, một vài ngàn năm hay một vài trăm ngàn năm.

 

—Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có thể cho một ví dụ được không?

 

—Có thể được, này Tỷ-kheo. Thế Tôn nói như vậy. Ví như, này Tỷ-kheo, có một hòn núi đá lớn, một do tuần bề dài, một do tuần bề rộng, một do tuần bề cao, không có khe hở, không có lỗ hổng, một tảng đá thuần đặc. Rồi một người đến, cứ sau một trăm năm lại lau hòn đá ấy một lần với tấm vải kāsi. Này Tỷ-kheo, hòn núi đá lớn ấy được làm như vậy có thể đi đến đoạn tận, đoạn diệt mau hơn là một kiếp.

 

Như vậy dài, này các Tỷ-kheo, là một kiếp. Với những kiếp dài như vậy, này Tỷ-kheo, hơn một kiếp đã qua, hơn một trăm kiếp đã qua, hơn một ngàn kiếp đã qua, hơn một trăm ngàn kiếp đã qua.

 

Vì sao? Vô thỉ là luân hồi này, này … vừa đủ để giải thoát.

 

                                                          (Bản dịch của TT Thích Minh Châu)

 

Tiếp theo dưới đây là một bài giảng khác của Đức Phật trả lời thắc mắc của một vị tỳ-kheo về thế giới và vũ trụ. Tựa của bài giảng là Loka Sutta, nhưng cũng mang một tựa khác là Lokapañhā Sutta, hậu ngữ pañhā có nghĩa là thắc mắc hay câu hỏi. Xin mượn dịp này để nêu lên một chi tiết nhỏ là tựa của các bài giảng là do người sau thêm vào, vì vậy đôi khi không thống nhất. Đối với các bản dịch thì cũng vậy, tựa cũng có thể khác nhau tùy theo dịch giả.

 

Bài giảng về các thắc mắc liên quan đến thế giới

Lokapañhā Sutta – SN 35.82

 

(Dựa  theo các bản dịch tiếng Anh của Thanissaro Bhikku, Bhikkhu Sujato, Bhikkhu Bodhi, Piya Tan và hai bản dịch tiếng Pháp, một của Rémy, và một trên trang mạng Canonpali.org)

 

Một hôm có một  người tỳ-kheo tìm gặp Đấng Thế Tôn, khi gặp Ngài thì vái chào và ngồi sang một bên. Sau khi an tọa thì người tỳ-kheo cất lời hỏi Đấng Thế Tôn như sau:  « ‘Ồ ! thế giới, thế giới !’ (Loka, loka ! / Vũ trụ, vũ trụ!), người ta thường hay thốt lên như thế! Vậy, thưa Thế Tôn, phải hiểu ý nghĩa của chữ ‘thế giới’(vũ trụ) như thế nào ? »

  

« Này tỳ-kheo, cho đến khi nào nó chưa tan biến (tiếng Pali là lujjati / desintegrate / tan rã, phân hóa) thì nó vẫn còn được gọi là ‘thế giới’ (vũ trụ). Thế nhưng cái gì tan biến? Mắt tan biến. Hình tướng tan biến, tri thức thị giác (eye-consciousness / khả năng tri thức nhận biết được hình ảnh, màu sắc… cảm nhận được bởi mắt) tan biến, sự tiếp xúc với mắt (eye-contact / sự tiếp xúc của mắt với một đối tượng của nó từ bên ngoải) tan biến. Theo đó tất cả những gì phát sinh bằng cách lệ thuộc (in dependence) vào sự tiếp xúc của mắt – được cảm nhận như là thích thú hay khổ đau, hoặc không-thích-thú cũng không-khổ-đau – đều tan biến hết.

 

(Câu trả lời của Đức Phật thật bất ngờ và sửng sốt. Đức Phật đi thẳng vào vấn đề : thế giới là do mỗi cá thể tự tạo ra cho mình xuyên qua lục giác của mình, khi cái chết xảy ra với cá thể ấy, thế giới hay vũ trụ cũng sẽ tan biến với cá thể ấy. Người tỳ-kheo khi nêu lên thắc mắc của mình về thế giới thì hướng sự thắc mắc đó vào thế giới bên ngoài hay vũ trụ trong không gian, thế nhưng Đức Phật tức khắc kéo người tỳ-kheo trở về với cái vũ trụ trong tâm thức của người tỳ-kheo do người tỳ-kheo tự tạo ra cho mình xuyên qua các cơ quan giác cảm của mình. Cái thế giới đó, cái vũ trụ đó không những không trường tồn mà còn tan biến với sự tan biến của các khả năng cảm nhận của các cơ quan giác cảm của chính người tỳ-kheo)

 

« Tai tan biến, âm thanh tan biến, tri thức thính giác tan biến, sự tiếp xúc thính giác tan biến. Theo đó tất cả những gì phát sinh bằng cách lệ thuộc vào sự tiếp xúc của thính giác – được cảm nhận như là sự thích thú hay khổ đau, hoặc trung hòa (không-thích-thú cũng không-khổ-đau) – đều tan biến hết.  

 

(Câu trên đây được lập lại với trường hợp của mũi, lưỡi, thân thể, nhưng đã được rút ngắn để tránh sự dài dòng)

 

          -"Tai tan biến. Âm thanh tan biến..."

          -"Mũi tan biết. Mùi tan biến..."

          -"Lưỡi tan biến. Vị tan biến..."

          -"Thân thể tan biến, các cảm nhận trên thân thể tan biến..."

         

« Tâm thần (intellect / tri thức, trí năng) tan biến, các ý nghĩ (các sự suy nghĩ, các hiện tượng tâm thần) tan biến, trí năng (intellect-consciousness / tri thức tâm thần, khả năng nhận biết của tri thức) tan biến, sự tiếp xúc của trí năng (Intellect-contact / sự tiếp xúc của khả năng tâm thần) tan biến. Theo đó tất cả những gì phát sinh bằng cách lệ thuộc vào sự tiếp xúc của trí năng – được cảm nhận như là thích thú hay khổ đau, hoặc không-thích-thú cũng không-khổ-đau – tất cả đều tan biến hết.

 

"Chính vì sự tan biến đó [của nó] nên người ta gọi nó là "thế giới".

 

Vài lời ghi chú    

 

Sự hiện hữu của thế giới lệ thuộc vào khả năng cảm nhận của ngũ giác và tâm thần của mỗi cá thể. Nói một cách khác là thế giới được tạo ra bởi mỗi cá thể xuyên qua khả năng và sự bén nhạy của lục giác của mỗi cá thể, và điều đó cũng có nghĩa là mỗi cá thể tự tạo ra cho mình một thế giới riêng. Vì vậy, khi còn sống thì thế giới là hình tướng, sự tiếp xúc của mắt… ; là âm thanh, sự tiếp xúc của tai…, v.v. Khi cái chết xảy ra : mắt tan biến, hình tướng tan biến…; tai tan biến, sự tiếp xúc của tai tan biến… Khi ngũ giác và tâm thần tan biến, thì cái thế giới gồm hình dạng, âm thanh, mùi, vị, cảm giác trên da thịt cùng các sự cảm nhận thích thú, khổ đau, không-thích-thú cũng không-khổ-đau, tất cả đều chấm dứt, và thế giới do các thứ ấy tạo ra cũng sẽ tan biến theo. Nếu một cá thể bám víu vào sự các cảm nhận phát sinh từ lục giác của mình, thì cá thể ấy sẽ bị lôi cuốn và hòa nhập với cái thế giới vô thường đó do chính mình tạo ra cho mình.

 

Tình trạng tan biến của lục giác không có gì gọi là tương đương với tình trạng gây mê trong các bệnh viện. Gây mê là cách làm cho sự sinh hoạt của lục giác tạm thời bị tê liệt, thiền định trái lại là cách chủ động lục giác, tạo ra cho lục giác một thể dạng phẳng lặng, êm ả và thăng bằng. Trong thể dạng lắng sâu đó của tâm thức, mọi sự tạo tác tâm thần (saṅkhāra) đều tan biến hết, mang lại cho người hành thiền một khả năng suy nghĩ trong suốt. Mọi cảm nhận thích thú hay khổ đau, hoặc không-thích-thú cũng không-khổ-đau, đều tan biến. Điều đó cũng có nghĩa là cái thế giới do mình tạo ra cho mình xuyên qua các cảm nhận của lục giác cũng sẽ bị xóa bỏ, và cũng có nghĩa là người hành thiền tách ra khỏi thế giới.

 

Đến đây, chúng ta lại nêu lên một bài thuyết giảng khác của Đức Phật về con số thật lớn và khoảng thời gian thật dài của các vũ trụ trong không gian :

 

Bài giảng cho các đệ tử

Sāvaka Sutta – SN 15.7

 

(Dựa theo ba bản dịch tiếng Anh : một của Bhikkhu Sujato, một của ni sư Bhikkhuni Uppalavanna trên trang mạng tipitaka.fandom.com, và một trên trang mạng suttafreinds.org)

 

Tôi từng được nghe như vầy. Lúc đó Đấng Thế Tôn đang ngụ tại tu viện (tịnh xá) của vị Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc) , nơi khu vườn Jeta (Kỳ Thọ / Kỳ Viên), gần thị trấn Sāvatthi, và có một nhóm tỳ-kheo tìm đến với Ngài, họ vái chào Ngài và ngồi sang một bên. Một người trong số họ cất lời hỏi Đấng Thế Tôn như sau : « Thưa Ngài, có bao nhiêu ‘chu kỳ vũ trụ’ (kappa / kinh sách tiếng Hán dịch chữ này là ‘kiếp’ hay ‘kiếp-ba’, các bản dịch bằng các ngôn ngữ Tây phương thì dịch là eon / ý nghĩa của chữ này sẽ được giải thích thêm trong phần ghi chú dưới đây) từng trôi qua và đã chấm dứt ? »

 

« Có rất nhiều chu kỳ vũ trụ (kappa) từng trôi qua và đã chấm dứt. Không phải là dễ đếm để có thể khẳng định là có bao nhiêu trăm chu kỳ vũ trụ, có bao nhiêu ngàn chu kỳ vũ trụ, có bao nhiều trăm ngàn chu kỳ vũ trụ ».

 

« Vậy, thưa Ngài, nếu có thể thì xin Ngài nêu lên một hình ảnh ẩn dụ dễ hiểu hơn về con số chu kỳ vũ trụ đã từng trôi qua và đã chấm dứt ».

 

Đấng Thế Tôn đáp lại : « Tất nhiên là có, chẳng hạn như bốn người đệ tử có bốn kiếp sống kéo dài đủ một trăm năm, và trong suốt thời gian một trăm năm đó, mỗi ngày họ đếm được (hồi tưởng được) một trăm ngàn chu kỳ vũ trụ đã từng trôi qua. Thế nhưng tổng số chu kỳ vũ trụ mà cả bốn người đệ tử ấy có thể đếm được vẫn chưa đầy đủ. Cả bốn người đệ tử ấy, dù có một kiếp sống một trăm năm và sống đủ một trăm năm ấy của họ, thì họ cũng sẽ chết sau một trăm năm. Vì vậy quả thật khó cho họ khẳng định là có bao nhiêu trăm chu kỳ vũ trụ, bao nhiêu ngàn chu kỳ vũ trụ, bao nhiêu trăm ngàn chu kỳ vũ trụ (Đức Phật nêu lên bốn người đệ tử phải chăng là có ý cho biết các vị ấy hướng vào bốn phương trời để đếm các chu kỳ hiển hiện và biến mất của các vũ trụ trong khắp bốn hướng của không gian ? Đồng thời Ngài so sánh các chu kỳ vũ trụ với các chu kỳ hiện hữu ngắn ngủi của con người, và đấy cũng là cách mà Ngài lôi các tỳ-kheo đang ngồi nghe giảng trở về với hiện thực và sự hiện hữu của chính họ trong thế giới này).  

 

« Tại sao lại như vậy ? Này các tỳ-kheo, các chu kỳ tái sinh [của con người] (cycle of rebirth) cũng bất tận như vậy. Điểm khởi đầu của cuộc du hành vô cùng dai dẳng đó không sao xác định được. Vì không quán thấy được bản chất của sự sống nên chúng sinh lâm vào tình trạng u mê (vô minh), luôn bị thúc đẩy bởi các sự thèm khát, và tình trạng đó khiến họ dấn thân vào một cuộc du hành phiêu bạt và lang thang bất tận.   

 

« Này các tỳ-kheo, trong khoảng thời gian đằng đẵng ấy, các tỳ-kheo phải chăng đã từng gánh chịu mọi thứ khổ đau, các thảm trạng và tai ương. Phải chăng các tỳ-kheo đã từng tham gia lấp đầy các bãi tha ma với các xác chết của các tỳ-kheo. Vì vậy, này các tỳ-kheo, đã đến lúc các tỳ kheo phải ý thức được bản chất vô nghĩa của tất cả những gì do các điều kiện mà có (các hiện tượng tạo ra bởi nguyên lý tương liên, tương kết và tương tạo, tất cả các hiện tượng đó đều phù du và vô thường). Đã đến lúc các tỳ-kheo phải tách ra khỏi các hiện tượng ấy (các dhamma ấy). Đã đến lúc các tỳ-kheo phải tự giải thoát mình ra khỏi các hiện tượng ấy ».

 

Vài lời ghi chú

 

Bài giảng tuy ngắn nhưng thật sâu sắc. Các tỳ-kheo nêu lên với Đức Phật thắc mắc của mình là đã có bao nhiêu chu kỳ vũ trụ (kappa) đã từng xảy ra và đã từng chấm dứt, thế nhưng Đức Phật tức khắc lôi các đệ tử của mình ra khỏi các thắc mắc vô ích đó và kéo họ về với thực tại của họ, với chuỗi dài bất tận của vòng luân hồi đang chi phối họ. Ý thức được thực tại đó mới thật sự là một sự hiểu biết ‘cao quý’, thiết thực và hữu ích. Nếu mỗi ngày ngồi đếm xem mình đã từng trải qua bao nhiêu kiếp sống, và dù mình đếm được hàng ngàn hay hàng trăm ngàn kiếp sống mỗi ngày, và dù có sống đến một trăm tuổi đi nữa, thì cũng không sao đếm hết được các chu kỳ hiện hữu đưa mình vào một cuộc hành trình lang thang và bất tận trong thế giới hiện tượng.  

 

Ngoài ra cũng xin nêu lên một chi tiết nhỏ là hai trong số ba bản dịch tiếng Anh được tham khảo thì hai bản dịch chữ kappaeon, là một từ bắt nguồn từ nền văn hóa cổ đại của Hy Lạp. Kinh điển Hán ngữ thì dịch âm chữ này là ‘kiếp-ba’ dựa vào tiếng Phạn kalpa và giải thích ý nghĩa của chữ này trong Ấn giáo. Vấn đề khá tế nhị này đã được nêu lên trên đây trong Bài giảng ẩn dụ về một ngọn núi (SN 15.5). Duy nhất chỉ có bản dịch của ni sư Bhikkhuni Uppalavanna là dịch chữ kappa‘chu kỳ thế giới’ / world cycle, cách dịch này chính xác và đúng hơn cả, xin bái phục. Trong Đại Tạng Kinh và trong bài giảng này thì chữ kappa được dịch là ‘kiếp’, và chữ ‘chu kỳ tái sinh’ cũng dịch là ‘kiếp’, sự thiếu chính xác đó có thể đánh mất tính các sâu sắc của bài giảng là cách đối chiếu giữa sự bất tận của vũ trụ trong không gian và sự bất tận của khổ đau bên trong con người. Sau  hết xin trích dẫn bài giảng này trong  Đại Tạng Kinh để độc giả tiện tham khảo nếu cần :

 

Chương 15: Tương Ưng Vô Thỉ (Anamatagga)

I: Phẩm Thứ Nhất

15.7. Các Đệ Tử

 

… Trú ở Sāvatthi.

 

Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn …

 

Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

 

—Có bao nhiêu kiếp (chu kỳ vũ trụ), bạch Thế Tôn, đã đi qua, đã vượt qua?

 

—Rất nhiều, này các Tỷ-kheo, là những kiếp đã đi qua, đã vượt qua. Thật không dễ gì để có thể đếm chúng được là một vài kiếp, một vài trăm kiếp, một vài ngàn kiếp, một vài trăm ngàn kiếp.

 

—Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có thể cho một ví dụ được không?

 

—Có thể được, này các Tỷ-kheo. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có bốn vị đệ tử, tuổi thọ một trăm tuổi, sống đến một trăm năm. Cứ mỗi ngày họ nhớ đến trăm ngàn kiếp, này các Tỷ-kheo, các kiếp được họ nhớ đến là vậy. Bốn đệ tử ấy tuổi thọ một trăm tuổi, sống đến một trăm năm, sau một trăm năm đi đến mệnh chung.

 

Nhiều như vậy, này các Tỷ-kheo, là những kiếp đã đi qua, đã vượt qua. Thật không dễ gì để có thể đếm chúng được là một vài kiếp, một vài trăm kiếp, một vài ngàn kiếp, một vài trăm ngàn kiếp.

 

Vì sao? Vô thỉ là luân hồi này, này các Tỷ-kheo … là vừa đủ để được giải thoát.

   

                                                                                       (Bản dịch của TT Thích Minh Châu) 

 

 

Sau đây xin trích dẫn một bài giảng của Đức Phật dành cho hai vị thiên văn Bà-la-môn :

 

Bài giảng cho hai vị đạo sĩ Bà-la-môn

Brāhmaṇa Sutta - AN 9.38

Bài giảng này còn mang một tựa khác là Lokāyatika Sutta

 

(Dựa theo các bản dịch tiếng Anh của Thanissaro bhikkhu, Bhikkhu Sujato

và Piya Tan)

 

Một hôm có hai vị đạo sĩ (ājīvaka) thiên văn Bà-la-môn tìm gặp Đấng Thế Tôn, khi gặp Ngài thì vái chào và trao đổi với Ngài vài lời chào hỏi thân thiện và xã giao, sau đó thì ngồi sang một bên. Sau khi ngồi sang một bên thì [một trong hai vị] cất lời [giới thiệu] với Đấng Thế Tôn [về người bạn cùng đi với mình] như sau :

 

« Thưa Thầy Gotama, vị Pūraṇa Kassapa này (chữ purāṇa có nghĩa là một vị cao tuổi, một vị trưởng lão, và cũng là người bạn cùng đến đây với mình và đang ở bên cạnh mình) là một vị hiểu biết tất cả, trông thấy tất cả, tự nhận mình đã đạt được một sự hiểu biết và quán thấy tột đỉnh. Vị này từng nói lên như sau : ‘Dù ta đang đứng hay đang đi, dù ta đang thức hay đang ngủ, thì sự hiểu biết và sự quán thấy luôn hiển hiện nơi con người của ta. Với sự hiểu biết vô tận đó, ta hiểu được và trông thấy được vũ trụ có giới hạn (có một biên giới rõ rệt)’.

 

[Sau đó thì vị thứ hai cất lời với Đấng Thế Tôn về người bạn cùng đi với mình như sau : ]

 

«  Thưa Thầy Gotama, vị Nigaṇṭha Nāṭaputta này (tức là là vị đạo sĩ thiên văn thứ hai, chữ Nigaṇṭha có nghĩa là một người tu tập không mặc quần áo thuộc giáo phái Jaïn. Trong bản dịch của nhà sư Bhikkhu Sujato thì nhân vật này cũng được xác định thêm là thuộc bộ tộc Ñātika) cũng là một vị hiểu biết tất cả, trông thấy tất cả, tự nhận mình đã đạt được một sự hiểu biết và quán thấy tột đỉnh, và cũng đã từng nói lên : ‘Dù ta đang đứng hay đang đi, dù ta đang thức hay đang ngủ, thì sự hiểu biết và quán thấy luôn hiển hiện nơi con người của ta. Với sự hiểu biết vô tận đó, ta hiểu được và trông thấy được vũ trụ vô biên (không biên giới) ».  Cả hai [chúng tôi] đều tự nhận là những người thông thái, thế nhưng cả hai lại nêu lên những điều đối nghịch nhau (một vị cho biết là vũ trụ có biên giới, và một vị cho biết là vũ trụ vô biên), vậy thì ai nói đúng và ai nói sai ? » 

 

Sự yên lặng của Đức Phật

 

« Này hai bạn Bà-la-môn, nói lên như thế ta đã thừa hiểu. Vậy hãy đặt thắc mắc ấy sang một bên (Đức Phật gạt phăng thắc mắc của hai vị giáo sĩ Bà-la-môn và giảng cho họ về một sự hiểu biết khác mở rộng hơn, thiết thực và lợi ích hơn). Ta sẽ giảng Dhamma cho các bạn. Vậy hãy chăm chú lắng nghe. Ta sẽ giảng ».

 

Hai vị Bà-la-môn cùng đáp lại :  « Vâng, thưa Ngài », và Đấng Thế Tôn thuyết giảng như sau :

 

So sánh kích thước của vũ trụ với bốn người đứng ở bốn góc trời

 

« Thí dụ có bốn người đứng ở bốn góc trời, cả bốn đều có một sức phóng chạy thật nhanh. Họ phóng nhanh như một mũi tên thật nhẹ do một xạ thủ tài ba và lão luyện bắn xuyên ngang kẽ lá của một tàn cây dừa bằng một chiếc cung thật lớn. Dù đại dương ngăn cách phương Đông và phương Tây có xa nhau cách mấy đi nữa thì họ cũng chỉ cần một bước chân là vượt được từ bờ bên này sang bờ bên kia. Và người đứng ở góc trời phương Đông tự nghĩ rằng : ‘Ta có thể du hành và đến được chốn tận cùng của vụ trụ’. Thế nhưng dù anh ta có để cả một trăm năm trong cuộc sống của mình để du hành – ngoại trừ những lúc phải dừng lại để ăn, uống, nhai, thưởng thức, tiểu tiện, đại tiện, hoặc phải ngủ vì quá mệt – thì anh ta cũng sẽ không bao giờ đến được chốn tận cùng  của vũ trụ. Anh ta sẽ chết trên đường du hành của mình (sau một trăm năm phóng chạy). Đối với những người đứng ở các góc trời phương Tây, phương Nam và phương Bắc, thì cũng vậy…, dù có phóng nhanh như thế đi nữa thì họ cũng sẽ không đến được chốn tận cùng của vũ trụ. Tại sao lại như vậy ? Ta bảo cho cả hai bạn biết là không phải là nhờ vào phương tiện du hành để hiểu được, trông thấy được và đạt được chốn tận cùng của vũ trụ. Thế nhưng ta cũng nói thêm để các bạn biết là không thể nào làm cho khổ đau và lo buồn phải chấm dứt nếu không đạt được chốn tận cùng của vũ trụ (chốn tận cùng của vũ trụ là ở bên trong tâm thức mình, bởi vì vũ trụ là do mình tạo ra cho mình xuyên qua các sự cảm nhận của lục giác của mình, vì thế du hành trong không gian bên ngoài tâm thức không thể đạt được chốn tận cùng của vũ trụ bên trong tâm thức mình).

 

Vũ trụ tạo ra bởi các cơ quan giác cảm

 

« Đối với việc tu tập của các đệ tử cao quý (những người tu hành chân chính và thành đạt) thì năm mối dây [trói buộc] của dục tính sẽ được gọi là vũ trụ (thoát khỏi năm mối dây trói buộc của dục tính bên trong chính mình tương tự như đạt được chốn tận cùng của vũ trụ trong không gian bên ngoài chính mình). Năm mối dây trói buộc ấy là [những thứ] gì ?

 

1- Đấy là hình tướng nhận biết bởi mắt – mang tính cách khả ái, thích thú, tuyệt vời, hấp dẫn, quyến luyến, khơi động sự thèm khát dục tính ;

2- Đấy là âm thanh nhận biết bởi tai – mang tính cách ngọt nào, thích thú, tuyệt vời, hấp dẫn, quyến luyến, khơi động sự thèm khát dục tính ; 

3- Đấy là mùi nhận biết được bởi mũi – mang tính cách thơm tho, thích thú, tuyệt vời, hấp dẫn, quyến luyến, khơi động sự thèm khát dục tính ;

4- Đấy là vị nhận biết được bởi lưỡi – mang tính cách diệu ngọt, thích thú, tuyệt vời, hấp dẫn, quyến luyến, khơi động sự thèm khát dục tính ;

5- Đấy là sự đụng chạm nhận biết được bởi thân thể – mang tính cách êm ái, thích thú, tuyệt vời, hấp dẫn, quyến luyến – khơi động sự thèm khát dục tính.

 

Đối với việc tu tập của các đệ tử cao quý thì năm mối dây [trói buộc] ấy của dục tính sẽ được gọi là vũ trụ (năm giác quan tạo ra cho mỗi các thể một vũ trụ xuyên qua ngũ giác của mình. Trong trường hợp ngũ giác mang lại cho một cá thể các cảm nhận khả ái, thích thú, tuyệt vời, hấp dẫn, quyến luyến thuộc lãnh vực dục tính, thì đấy là cách mà ngũ giác tạo ra cho cá thể ấy một vũ trụ trong lãnh vực tính dục và khiến cá thể ấy bám víu vào cái vũ trụ ấy do mình tạo ra cho mình).  

 

Thể dạng jhāna thứ nhất

 

« Hãy nêu lên trường hợp một người tỳ-kheo – tránh xa dục tính, tránh xa các hành vi tai hại – hòa nhập và an trú trong thể dạng jhāna / thiền-na thứ nhất (thể dạng lắng sâu đầu tiên trong số bốn thể dạng lắng sâu của tâm thức, hiện lên trong lúc hành thiền), mang lại cho mình sự sảng khoái và thích thú phát sinh từ bối cảnh cách ly (ẩn dật, đơn độc) của mình, cùng với một sự suy nghĩ và nhận định hướng vào một chủ đích rõ rệt (tâm thức vẫn còn suy nghĩ chưa hoàn toàn phẳng lặng). [Trong trường hợp đó] (trong thể dạng sảng khoái và thích thú hiện ra trong bối cảnh cách ly…) người ta cho rằng người tỳ kheo đã du hành đến chốn tận cùng của vũ trụ, an trú trong chốn tận cùng của vũ trụ. [Thế nhưng] các kẻ khác thì lại bảo rằng : ‘Người tỳ-kheo vẫn còn vướng mắc trong vũ trụ, chưa thoát ra khỏi vũ trụ’. Đối với ta (tức là Đức Phật) cũng vậy, ta bảo rằng : ‘Người tỳ-kheo vẫn còn vướng mắc trong vũ trụ, chưa thoát ra khỏi vũ trụ’ (lời giảng trên đây của Đức Phật cho biết là năm thứ cảm nhận của ngũ giác – khả ái, thích thú, tuyệt vời, hấp dẫn, quyến luyến – là năm khoen của sợi dây xích trói buộc con người trong thế giới dục tính. Qua một góc nhìn khác thì năm khoen trói buộc đó cũng là năm thể dạng cảm nhận của ngũ giác tạo ra cho mỗi cá thể cả một vũ trụ thuộc lãnh vực thèm khát dục tính. Ngoài ra Đức Phật cũng còn cho biết thêm là dù loại bỏ được các sự thèm khát dục tính, sống cách ly, tạo được cho mình thể dạng jhana thứ nhất, mang lại cho mình sự an vui và sảng khoái, thế nhưng đấy chưa phải là thể dạng thoát ra khỏi vũ trụ, bởi vì các sự suy nghĩ và phân biệt vẫn còn dấy động trong tâm thức).

 

Thể dạng jhāna thứ hai

 

« Xa hơn nữa, nếu người tỳ-kheo tạo được sự chú tâm, giữ được được sự bình lặng tạo ra bởi sự chú tâm, mang lại cho tâm thức sự tĩnh lặng và hợp nhất, thì người tỳ-kheo sẽ hòa nhập và an trú trong thể dạng jhana thứ hai, vượt lên trên sự chú tâm tiên khởi và cả sự duy trì về sự chú tâm đó, tạo ra cho người tỳ-kheo một sự sảng khoái và niềm hân hoan phát sinh từ sự tập trung tâm thần. Người ta cho rằng người tỳ kheo đã du hành đến chốn tận cùng của vũ trụ, an trú trong chốn tận cùng của vũ trụ’. Các kẻ khác thì lại bảo rằng : ‘Người tỳ kheo vẫn còn vướng mắc trong vũ trụ, chưa thoát ra khỏi vũ trụ’. Đối với ta cũng vậy, ta bảo rằng : ‘Người tỳ-kheo vẫn còn vướng mắc trong vũ trụ, chưa thoát ra khỏi vũ trụ’.

 

Thể dạng jhana thứ ba

         

« Xa hơn nữa, với sự giảm dần của sự sảng khoái người tỳ-kheo giữ được sự thanh thản, sự tập trung tâm thức tròn đầy (chánh niệm), tạo được sự hiểu biết minh bạch và cảm thấy một niềm hân hoan trên toàn thân thể. Người tỳ kheo [nhờ đó] đã đạt được và an trú được bên trong thể dạng jhana thứ ba. Người ta cho rằng người tỳ-kheo đã du hành đến chốn tận cùng của vũ trụ, an trú trong chốn tận cùng của vũ trụ’. Các kẻ khác thì lại bảo rằng : ‘Người tỳ kheo vẫn còn vướng mắc trong vũ trụ, chưa thoát ra khỏi vũ trụ’. Đối với ta cũng vậy, ta bảo rằng : ‘Người tỳ kheo vẫn còn vướng mắc trong vũ trụ, chưa thoát ra khỏi vũ trụ’.

 

Thể dạng jhana thứ tư

 

« Xa hơn nữa, với sự buông bỏ sự thích thú và cả đớn đau, và cùng với sự xuất hiện đầu tiên của các dấu hiệu cho thấy sự biến mất của sự thích-thú và cả không-thích-thú trước đó (tức là thể dạng thanh thản trong thể dạng jhana thứ ba), người tỳ-kheo, đạt được và an trú được trong thể dạng jhana thứ tư, là một thể dạng không-khổ-đau cũng không-thích-thú, cùng với một thể dạng tâm thức thật tròn đầy (mindfulnesss / chánh niệm) hoàn toàn tinh khiết và thanh thản. Người ta cho rằng ‘người tỳ-kheo đã du hành đến chốn tận cùng của vũ trụ, an trú trong chốn tận cùng của vũ trụ’. Các kẻ khác thì lại bảo rằng : ‘Người tỳ-kheo vẫn còn vướng mắc trong vũ trụ, chưa thoát ra khỏi vũ trụ’. Đối với ta cũng vậy, ta bảo rằng : ‘Người tỳ-kheo vẫn còn vướng mắc trong vũ trụ, chưa thoát ra khỏi vũ trụ’.

 

Đạt được bầu không gian vô tận

 

 « Xa hơn nữa, người tỳ-kheo hoàn toàn vượt lên trên sự cảm nhận về hình tướng cùng với sự tan biến của các phản ứng phát sinh từ các cơ quan giác cảm, cũng không quan tâm đến sự cảm nhận về tính cách đa dạng [của mọi hiện tượng] (thực hiện được sự hợp nhất hoàn toàn của tâm thức), ý thức được bầu ‘Không gian là vô tận’. Người tỳ-kheo đạt được và an trú được trong bầu không gian vô tận. Người ta cho rằng người-tỳ kheo đã du hành đến chốn tận cùng của vũ trụ, an trú trong chốn tận cùng của vũ trụ’. Các kẻ khác thì lại cho rằng : ‘Người tỳ-kheo vẫn còn vướng mắc trong vũ trụ, chưa thoát ra khỏi vũ trụ’. Đối với ta cũng vậy, ta bảo rằng : ‘Người tỳ-kheo vẫn còn vướng mắc trong vũ trụ, chưa thoát ra khỏi vũ trụ’.  

 

Đạt được thể dạng tri thức vô tận

 

« Xa hơn nữa, người tỳ-kheo hoàn toàn vượt lên trên bầu không gian vô tận, ý thức được ‘Tâm thức là vô tận’. Người tỳ-kheo đạt được và an trú được bên trong bầu không gian của tri thức vô tận. Người ta cho rằng người tỳ kheo đã du hành đến chốn tận cùng của vũ trụ, an trú trong chốn tận cùng của vũ trụ’. Các kẻ khác thì lại cho rằng : ‘Người tỳ-kheo vẫn còn vướng mắc trong vũ trụ, chưa thoát ra khỏi vũ trụ’. Đối với ta cũng vậy, ta bảo rằng : ‘Người tỳ-kheo vẫn còn vướng mắc trong vũ trụ, chưa thoát ra khỏi vũ trụ’.

 

Đạt được thể dạng trống không

 

« Xa hơn nữa, người tỳ-kheo vượt lên trên nền tảng của tri thức vô tận, ý thức được là ‘Không có gì là [hiện hữu] cả’ (There is nothing). Người tỳ kheo đạt được và an trú được bên trong nền tảng của sự trống không (the base of nothingness).  Người ta cho rằng ‘người tỳ-kheo đã du hành đến chốn tận cùng của vũ trụ, an trú trong chốn tận cùng của vũ trụ. Các kẻ khác thì lại cho rằng : ‘Người tỳ-kheo vẫn còn vướng mắc trong vũ trụ, chưa thoát ra khỏi vũ trụ’. Đối với ta cũng vậy, ta bảo rằng : Người tỳ-kheo vẫn còn vướng mắc trong vũ trụ, chưa thoát ra khỏi vũ trụ’.

 

Đạt được thể dạng không-cảm-nhận nhưng cũng không-phải-là-không-cảm-nhận

 

« Xa hơn nữa, người tỳ-kheo hoàn toàn vượt lên trên căn bản của sự trống không, hòa nhập và an trú bên trong nền tảng không-cảm-nhận cũng không-phải-là-không-cảm-nhận. Người ta cho rằng ‘người tỳ-kheo đã du hành đến chốn tận cùng của vũ trụ, an trú trong chốn tận cùng của vũ trụ. Các kẻ khác thì lại cho rằng :  ‘Người tỳ-kheo vẫn còn vước mắc trong vũ trụ, chưa thoát ra khỏi vũ trụ’. Đối với ta cũng cây, ta bảo rằng : ‘Người tỳ-kheo vẫn còn vướng mắc trong vũ trụ, chưa thoát ra khỏi vũ trụ’.

 

Sự chấm dứt của sự ý thức và cảm nhận

 

Xa hơn nữa, người tỳ-kheo hoàn toàn vượt lên trên nền tảng không-cảm-nhận nhưng cũng không-phải-là-không-cảm-nhận, người tỳ-kheo đạt được và an trú được bên trong sự chấm dứt của sự ý thức và cả sự cảm nhận. Với trí tuệ (sự hiểu biết minh bạch) của mình, người tỳ-kheo trông thấy được các dòng luân lưu (influxes / các sự dấy lên, các sự hiển hiện) trong tâm thức mình đều bị hủy diệt’. Người ta cho rằng ‘người tỳ-kheo đã du hành đến chốn tận cùng của vũ trụ, vượt thoát các thứ độc tố phát sinh từ sự bám víu vào vũ trụ, an trú trong chốn tận cùng của vũ trụ’ ».  

 

Đạt được sự thể dạng vô tận của tri thức

 

« Hơn thế nữa, nếu người tỳ-kheo giữ được sự tập trung ban đầu và duy trì được sự lắng xuống của thể dạng tập trung đó thì người tỳ-kheo sẽ hòa nhập và an trú bên sự chấm dứt của sự nhận thức (perception) và cả sự cảm nhận (feeling). Và sau khi thực hiện được trí tuệ đó thì các sự ô nhiễm của mình cũng sẽ tan biến hết. Người ta có thể bảo rằng người tỳ kheo ấy đã du hành và đến được chốn tận cùng của vũ trụ, an trú trong chốn tận cùng của vũ trụ, vượt ra ngoài biên giới của vũ trụ, thoát ra khỏi sự bám víu vào vũ trụ ».

 

Vài lời ghi chú

                 

Hai vị đạo sĩ thiên văn Bà-la-môn vừa nêu lên thắc mắc của họ về vũ trụ có giới hạn hay vô biên, thì tức khắc Đức Phật gạt đi không trả lời. Thay vào đó Ngài nêu lên nỗi khổ đau vô biên trong thế giới này. Thật vậy, trên dòng lịch sử của nền văn minh nhân loại, con người không ngừng nhìn lên trời để tìm hiểu. Các con người tiền sử nhìn mây, mưa, sấm, sét để hình dung ra các sức mạnh thiêng liêng. Gần đây hơn trong thế hệ của chúng ta thì các triết gia, khoa học gia, các nhà thiên văn, vật lý học… – từ Aristotle vào thế kỷ thứ IV trước Tây lịch đến Albert Einstein và Stephen W. Hawking vào các thế kỷ XX và XXI – vẫn còn còn thắc mắc về biên giới của vũ trụ. Dù được trang bị bởi các phương tiện vật lý tối tân, các con toán cầu kỳ và các viễn vọng kính to lớn được hỏa tiển đưa vào các quỹ đạo trong không gian để nhìn thấy xa hơn…, thế nhưng trong số họ dường như chưa có ai « trông thấy » được là vũ trụ có giới hạn hay vô biên, trước khi qua đời.

 

Thế nhưng mỗi người trong chúng ta, qua dòng lịch sử của nhân loại, đều « trông thấy » hận thù, xung đột và chiến tranh chưa bao giờ chấm dứt, bệnh tật, sự già nua và cái chết chưa bao giờ buông tha bất cứ một ai trên hành tinh này. Cái thế giới mà chúng ta tự tạo ra cho mình xuyên qua ngũ giác của mình quan trọng hơn nhiều. Biên giới của nó, chốn tận cùng của nó nằm bên trong tâm thức mình.  

 

Sau hết cũng xin trích dẫn bản dịch của bài giảng này trong Đại Tạng Kinh để độc giả có thể tham khảo thêm nếu cần :

 

Aṅguttara Nikāya

IV. Đại Phẩm

9.38. Các Bà-La-Môn

 

Rồi hai vị Thuận thế Bà-la-môn đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Bà-la-môn ấy thưa với Thế Tôn:

 

—Thưa Tôn giả Gotama, Pùrana Kassapa, bậc toàn tri, toàn kiến, tự nhận mình là có tri kiến toàn bộ không dư, nói rằng: “Khi ta đi, ta đứng, ta ngủ, ta thức, tri kiến được an trú liên tục thường hằng”. Vị ấy nói như sau: “Với trí vô biên, ta sống, biết và thấy thế giới hữu biên”. Thưa Tôn giả Gotama, Nigantha Nàtaputta, bậc toàn tri, toàn kiến, tự nhận mình là có tri kiến toàn bộ không dư, nói rằng: “Khi ta đi, ta đứng , ta ngủ, ta thức, tri kiến được an trú liên tục thường hằng”. Vị ấy nói như sau: “Với trí hữu biên, ta sống, biết và thấy thế giới hữu biên”. Thưa Tôn giả Gotama, giữa hai bậc tuyên bố về trí này, giữa hai lời tuyên bố mâu thuẫn này, ai nói đúng sự thật, ai nói láo?

 

—Thôi vừa rồi, này các Bà-la-môn, hãy dừng lại ở đây: “Giữa hai bậc tuyên bố về trí này, giữa hai lời tuyên bố mâu thuẫn này, ai nói đúng sự thật, ai nói láo?”

 

Này các Bà-la-môn, Ta sẽ thuyết pháp cho các Ông, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.

 

—Thưa vâng, Tôn giả.

 

Các Bà-la-môn ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

 

—Này các Bà-la-môn, ví như bốn người đàn ông đứng bốn phương, đầy đủ với bước đi, với tốc lực tối thắng, với bước chân dài tối thắng. Họ đầy đủ tốc lực như sau: Ví như một người cầm cung, điêu luyện khéo được huấn luyện với bàn tay thiện xảo, bách phát bách trúng, có thể bắn một cách nhẹ nhàng một mũi tên ngang qua bóng của cây tàla. Như vậy là tốc lực của họ. Còn bước chân dài của họ, thời như sau: từ biển phía Đông đến biển phía Tây. Rồi người đứng ở phương Đông nói như sau: “Ta sẽ đi và đạt đến tận cùng của thế giới”. Dầu cho tuổi thọ của người này là một trăm năm, và người ấy sống một trăm năm, và bước đi trong một trăm năm—trừ khi người ấy ăn, người ấy uống, người ấy nhai, người ấy nếm, trừ khi người ấy đi đại tiện tiểu tiện, trừ khi người ấy ngủ để lấy lại sức, người ấy sẽ chết trước khi người ấy đạt đến tận cùng của thế giới”. Rồi người đứng ở phương Tây… rồi người đứng ở phương Bắc… rồi người đứng ở phương Nam nói như sau: “Ta sẽ đi và đạt đến tận cùng của thế giới”. Dầu cho tuổi thọ… người ấy sẽ chết trước khi người ấy đạt đến tận cùng của thế giới”. Vì cớ sao? Này các Bà-la-môn, Ta nói rằng, không phải với sức chạy như vậy, có thể biết được, có thể thấy được, có thể đạt được tận cùng thế giới. Này các Bà-la-môn, Ta nói rằng nếu không đạt được tận cùng thế giới, thời không thể chấm dứt đau khổ ở đời.

 

Này các Bà-la-môn, năm dục trưởng dưỡng này được gọi là thế giới trong Luật của bậc Thánh. Thế nào là năm?

 

Các sắc do con mắt ý thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai ý thức… các hương do mũi ý thức… các vị do lưỡi ý thức… các xúc do thân ý thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn.

 

Này Bà-la-môn, năm dục trưởng dưỡng này được gọi là thế giới trong Luật của bậc Thánh.

 

Ở đây, này các Bà-la-môn, Tỷ-kheo ly các dục… chứng đạt và an trú sơ Thiền. Này các Bà-la-môn, Tỷ-kheo này được gọi là vị đã đến tận cùng thế giới, và sống trong tận cùng thế giới. Nhưng các người khác nói về vị ấy như sau: “Vị này vẫn còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa thoát ly khỏi thế gian”. Này các Bà-la-môn, Ta cũng nói như sau: “Vị này vẫn còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa thoát ly khỏi thế gian”.

 

Lại nữa, này các Bà-la-môn, Tỷ-kheo diệt các tầm và tứ… chứng đạt và an trú Thiền thứ hai… Thiền thứ ba… Thiền thứ tư. Này các Bà-la-môn, đây gọi là Tỷ-kheo sau khi đến tận cùng thế giới, trú trong tận cùng thế giới. Nhưng các người khác nói về vị ấy như sau: “Vị này còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa xuất ly khỏi thế gian”. Này các Bà-la-môn, Ta cũng nói như sau: “Vị này còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa xuất ly khỏi thế gian”.

 

Lại nữa, này các Bà-la-môn, Tỷ-kheo vượt qua khỏi các sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt các đối ngại tưởng, không tác ý đến các tưởng sai biệt, biết rằng: “Hư không là vô biên”, chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Này các Bà-la-môn, đây gọi là Tỷ-kheo sau khi đến tận cùng thế giới, trú trong tận cùng thế giới. Nhưng các người khác, nói về vị ấy như sau: “Vị này vẫn còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa xuất ly khỏi thế gian”. Này các Bà-la-môn, Ta cũng nói như sau: “Vị này vẫn còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa xuất ly khỏi thế gian”.

 

Lại nữa, này các Bà-la-môn, Tỷ-kheo vượt qua khỏi Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Thức là vô biên”, chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ… Sau khi vượt khỏi Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Không có vật gì”, chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ… Sau khi vượt qua Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Này các Bà-la-môn, đây gọi là Tỷ-kheo sau khi đến tận cùng thế giới, trú trong tận cùng thế giới. Nhưng các người khác, nói về vị ấy như sau: “Vị này vẫn còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa xuất ly khỏi thế gian”. Này các Bà-la-môn, Ta cũng nói như sau: “Vị này vẫn còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa xuất ly khỏi thế gian”.

 

Lại các Bà-la-môn, Tỷ-kheo vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định, thời sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn tận. Này các Bà-la-môn, đây gọi là Tỷ-kheo sau khi đến tận cùng thế giới, trú trong tận cùng thế giới. Vị này đã vượt khỏi sự triền phược của thế giới.)

 

                                                          (Bản dịch của TT Thích Minh Châu)

 

Tiếp theo dưới đây xin trích dẫn một bài giảng mang tựa là Rotahissa Sutta. Bài giảng này bổ túc thêm cho bài giảng trên đây, giúp chúng ta hiểu rõ hơn thế nào là vũ trụ vật lý trong không gian và thế nào là vũ trụ khổ đau trong tâm thức con người :

 

Bài thuyết giảng cho Rohitassa

Rohitissa Sutta - AN 4.45

(Dựa theo bản dịch tiếng Anh của Thanissaro Bhikkhu và bản dịch

tiếng Pháp của Rémy)

 

Một hôm khi Đấng Thế Tôn đang ngụ gần thị trấn Sāvatthī (Xá-vệ), trong tu viện (tịnh xá) của vị Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc) nơi khu rừng thưa Jeta (Kỳ Thọ), và vào lúc đêm khuya thanh vắng, thì có vị Rohitassa, con trai của một vị thiên nhân (xin nhắc lại chữ thiên nhân / deva ở đây không có nghĩa là một nhân vật trên trời mà là một chúng sinh như tất cả các chúng sinh khác trong thế giới này, nhưng thuộc vào một cấp bực cao hơn con người, tuy nhiên vẫn phải trải qua quá trình diễn tiến của sự sinh, sự già nua và cái chết), tỏa ra một vầng hào quang rạng rỡ chiếu sáng cả khu rừng thưa Jeta và tiến về phía Đấng Thế Tôn (Bhagavā).  Khi đến gần Đấng Thế Tôn thì vái chào và đứng sang một bên. Sau khi đứng sang một bên thì cất lời với Đấng Thế Tôn như sau:

 

"Thưa Ngài (chữ này trong nguyên bản bằng tiếng Pali là Bhante, tương đương trong tiếng Anh là Reverend Sir, Lord,…) có thể nào nhờ vào phương tiện du hành giúp mình hiểu được, trông thấy được hoặc đạt được chốn tận cùng của vũ trụ, một nơi không có ai sinh ra, không có ai già đi, không có ai chết, cũng không có ai quá vãng (qua đời / pass away), cũng không có ai hiển hiện trở lại hay không ? »

 

« Này bạn (tiếng Pali là āvuso / freind, brother. Đức Phật gọi vị Rohitissa một cách thân mật), ta khẳng định với bạn là không thể nào sử dụng phương tiện du hành hầu giúp mình hiểu được, trông thấy được hoặc đạt được chốn tận cùng của vũ trụ, một nơi không có ai sinh ra, không có ai già đi, không có ai quá vãng, cũng không có ai hiển hiện trở lại ».

 

« Tuyệt vời thay, thưa Thế Tôn, quả chưa từng thấy! Cách giải thích của Ngài vô cùng tuyệt vời, quả đáng kinh ngạc: 'Này bạn, ta nói với bạn là không thể nào nhờ vào phương tiện du hành hầu giúp mình hiểu được, trông thấy được hoặc đạt được chốn tận cùng của vũ trụ, một nơi không có ai sinh ra, không có ai già đi, không có ai chết, không có ai quá vãng cũng không có ai hiển hiện trở lại ».    

 

“Trước đây, thưa Ngài, tôi từng là một vị tiên tri, đệ tử của vị Bhoja (vị Bhoja là một trong số tám vị tiên tri từng tiên đoán tương lai của Đức Phật sau khi sinh được năm ngày), có phép thần thông lướt đi trong không trung. Tôi có thể vút nhanh như một mũi tên thật nhẹ xuyên ngang thật dễ dàng [kẽ lá] của một tàn cây dừa, do một người xạ thủ lão luyện và nhiều kinh nghiệm bắn đi từ một chiếc cung thật lớn. Chỉ cần một sải chân cũng đủ để tôi vượt được khoảng cách từ bờ Đại đương phía Đông đến bờ Đại dương phía Tây.  Vì vậy, [khả năng đó] khiến hiện lên trong tôi niềm ước vọng: ‘Tôi sẽ du hành đến chốn tận cùng của vũ trụ'. Kiếp sống thường kéo dài một trăm năm, và dù cho tôi có thể sống tròn một trăm năm đó và du hành không ngưng nghỉ – ngoại trừ những lúc ăn và uống, nhai và thưởng thức, tiểu tiện và đại tiện, lúc nghỉ chân hay trong khi ngủ, và dù với tốc độ đó, với những sải chân đó đi nữa, thì đến khi tôi chết, tôi cũng sẽ chẳng bao giờ đạt đến chốn tận cùng của vũ trụ’».

 

Sau khi nghe những lời ấy thì Đấng Thế Tôn đáp lại như sau : « Này bạn, ta nói với bạn là không thể nào sử dụng phương tiện du hành để hiểu được, trông thấy được, hoặc đến được chốn tận cùng của vũ trụ, một nơi không có ai sinh ra, không có ai già đi, không có ai chết, không có ai quá vãng, cũng không có ai hiển hiện trở lại. Thế nhưng đồng thời, ta cũng nói thêm với bạn một điều là không thể nào làm cho khổ đau và khốn quẫn chấm dứt được nếu không đạt đến chốn tận cùng của vũ trụ (có nghĩa là thoát ra khỏi vũ trụ). Đối với cái thân xác chưa đầy một sải tay (fathom / một chiều dài gần hai thước) này, cùng với khả năng cảm nhận và trí năng (intellect / tri thức, khả năng suy nghĩ và hiểu biết) của nó, thì ta có thể bảo rằng đấy là cả một vũ trụ : sự hình thành của vũ trụ, sự chấm dứt của vũ trụ, và cả con đường đưa đến sự chấm dứt đó của vũ trụ (Đức Phật nói lên với vị thiên nhân Rohitissa là vũ trụ không phải là một nơi xa xôi nào cả, mà chính là thân xác mình cùng với khả năng cảm nhận của ngũ giác và các sự hình dung của tâm thần mình. Vũ trụ hiện ra với mình xuyên qua khả năng của lục giác của mình là như vậy. Vì vậy, sự hình thành của vũ trụ, sự chấm dứt của nó và cả con đường đưa đến sự chấm dứt đó của nó, tất cả đều nằm bên trong tâm thức mình. Tu tập là để thoát ra khỏi cái vũ trụ đó trong nội tâm mình) ». 

 

"Tuyệt vời thay, thưa Thế Tôn, quả chưa từng thấy! Câu mà Thế Tôn vừa nêu lên thật tuyệt vời: 'Này bạn, ta nói với bạn là không thể nào sử dụng phương cách du hành hầu giúp mình hiểu được, trông thấy được, hoặc đến được nơi tận cùng của vũ trụ, một nơi mà trong đó không có ai sinh ra, không có ai già đi, không có ai chết, không có ai quá vãng, cũng không có ai hiển hiện trở lại. Đồng thời Ngài cũng nói thêm: 'Này bạn, nếu không đạt được đến chốn tận cùng của vũ trụ, thì cũng sẽ không thể nào đạt được sự chấm dứt của khổ đau và khốn quẫn. Thế nhưng, này bạn, cái thân xác chưa đầy một sải tay đó [của bạn], với khả năng cảm nhận và trí năng của nó, cũng là cả một vũ trụ: sự hình thành của vũ trụ, sự chấm dứt của vũ trụ, và cả con đường đưa đến sự chấm dứt của vũ trụ' ».

 

Không thể nào đạt được chốn tận cùng của vũ trụ,

Bằng phương cách du hành.

Thế nhưng, sẽ chẳng bao giờ loại bỏ được khổ đau và khốn quẩn,

Cho đến khi nào chưa đạt được chốn tận cùng của vũ trụ.

 

Vị ấy, vị hiền nhân ấy, vị am tường vũ trụ ấy,

Đã đạt được chốn tận cùng của vũ trụ,

Vị ấy đã thực hiện được

Một cuộc sống thánh thiện tròn đầy,

 

Khi nhận biết được chốn tận cùng của vũ trụ,

Thì vị ấy cũng tạo được cho mình sự an bình,

Và vị ấy không còn ở trong vũ trụ này nữa,

Nhưng cũng không phải là ở một vũ trụ nào khác cả.

 

Vài lời ghi chú

 

Vũ trụ bên ngoài chuyển động trong không gian và thời gian, vũ trụ bên trong chuyển động trong tâm thức con người. Chúng ta luôn bị cuốn trôi trên dòng luân lưu của cả hai vũ trụ ấy. Thế nhưng đồng thời Đức Phật cũng cho biết : ‘Chúng ta không thể làm dừng lại sự chuyển động bằng sự chuyển động’.

 

Đối với vũ trụ bên ngoài thì chúng ta không thể đạt được chốn tận cùng của nó bằng cách du hành, bởi vì sự chuyển động của nó là các chu kỳ bất tận, không có điểm khởi đầu cũng không có điểm chấm dứt. Đối với với vũ trụ bên trong tâm thức cũng vậy, chúng ta không thể đạt được chốn tận cùng của nó bằng các hành động tham lam, thèm khát và bám víu. Nếu không có các lỗ đen (Black hole) được hình thành thì sẽ không có các vụ nổ lớn (Big bang) xảy ra. Nếu làm cho các hành động tham lam, thèm khát và bám víu dừng lại thì sẽ không có sự sinh, sự già nua và cái chết xảy ra.

 

Dưới đây chúng ta lại trích dẫn thêm một bài giảng khác nêu lên nguyên nhân thúc đẩy sự chuyển động của thế giới :

 

Bài thuyết giảng về các thảm họa của thế giới

Lokavipatti Sutta – AN 8.6

 

Hậu ngữ vipatti trong chữ Lokavipatti, tựa của bài giảng, có nghĩa là thảm họa, tai ương, tác hại…, thế nhưng bài giảng này còn mang các tựa khác : Loka, Lokadhamma, Dutiyalokadhamma... Các bản dịch sang các ngôn ngữ Tây phương cũng mang nhiều tựa khác nhau tùy theo dịch giả, chẳng hạn như bản dịch của nhà sư Thinassaro Bhikkhu mang tựa : ‘Các nhược điểm của thế giới’ (The failings of the world), bản dịch của nhà sư Bhikkhu Sujato mang tựa :‘Các cảnh huống thế gian’ (worldly conditions), bản dịch của nhà sư Bhikkhu Bodhi mang tựa :‘Thế giới’ (World), bản dịch tiếng Pháp của Rémy là ‘Tám hiện tượng trần tục’ (Huit phénomènes mondains). Điều đó cho thấy bài giảng này mang nhiều ý nghĩa rất phức tạp và tinh tế, tùy theo góc nhìn của mỗi người. Bản chuyển ngữ dưới đây được dựa vào các bản dịch nói đến trên đây :

 

« Này các tỳ kheo, có tám cảnh huống trần tục (worldly conditions) cuồng quay (xoay vần, chuyển động) trong Thế giới, và Thế giới cũng cùng cuồng quay với tám cảnh huống trần tục ấy. Vậy, tám cảnh huống ấy là những thứ gì ? Được (gain / lợi lộc), thua (lost / thua thiệt, mất mát), địa vị xã hội (status /danh vọng), thất sủng (disgrace / ghét bỏ, triệt hạ), khiển trách (censure / trách cứ, trừng phạt), ngợi khen (praise / tán dương, khen thưởng), vui sướng (pleasure / thích thú, vui thích)đớn đau (pain / khổ nhọc). Đấy là tám cảnh huống trần tục cuồng quay trong thế giới, và thế giới cũng cùng cuồng quay với tám cảnh huống trần tục ấy.    

 

« Đối với một người bình dị không được học hỏi (những người thiếu sáng suốt, những người bình dị thiếu suy nghĩ, không hề biết tu tập là gì) thì sẽ không tránh khỏi xảy ra : được, thua, địa vị xã hội, ghét bỏ, trách cứ, ngợi khen, vui sướng và đớn đau. Đối với một môn đệ cao quý được học hỏi, thì cũng xảy ra với họ : được, thua, địa vị xã hội, ghét bỏ, khiển trách, ngợi khen, vui sướng và đớn đau. Vậy thì có các sự khác biệt nào, có các yếu tố phân cách nào, giữa một môn đệ cao quý được học hỏi và một người bình dị không được học hỏi ? »

 

« Thưa Thế Tôn, giáo huấn bắt nguồn từ Thế Tôn, Thế Tôn là vị chỉ đạo (guide), vị phán xử (arbitrator). Do vậy, thiết nghĩ tốt hơn hết xin chính Thế Tôn giải thích về thắc mắc ấy. Sau khi được nghe chính Thế Tôn giải thích thì các tỳ kheo tất sẽ ghi nhớ [lâu dài] những lời giải thích của Thế Tôn ». 

         

« Nếu thế thì các tỳ-kheo hãy chăm chú lắng nghe. Ta sẽ giảng ».

 

Các tỳ-kheo đáp lại: « Vâng, Thưa Thế Tôn ».

 

Đấng Thế Tôn giảng như sau : « Khi lợi lộc xảy đến với một người bình dị không được học hỏi, thì người ấy không hề suy nghĩ : ‘Lợi lộc xảy đến với tôi, thế nhưng đấy là những gì không kéo dài, đầy lo âu, luôn biến đổi’. Người ấy không ý thức được là điều đó xảy ra đúng với nó là như vậy (phù hợp với hậu quả do chính mình tạo ra cho mình qua các hành động của mình từ trước).    

 

(Câu trên đây được lập lại với các cảnh huống khác : …, thua thiệt, địa vị, thất sủng, khiển trách, ngợi khen, thích thú…, thế nhưng các câu này đã được rút ngắn nhằm tránh sự dài dòng)

 

« Khi lợi lộc xảy đến... Khi địa vị xảy đến... Khi sự ghét bỏ xảy đến... Khi sự khiển trách xảy đến... Khi sự ngợi khen xảy đến... Khi sự vui sướng xảy đến…

 

« Khi đớn đau xảy đến với người ấy, thì người ấy không hề suy nghĩ : ‘Đớn đau xảy đến với tôi, thế nhưng đấy là những gì không kéo dài, đầy lo âu, luôn biến đổi ’. Người ấy không ý thức được điều đó xảy ra đúng với nó là như vậy.

 

«Tâm trí người ấy bị tàn phá (consumed / tiêu hao, tiều tụy, chết dần, chết mòn) vì lợi lộc. Tâm trí người ấy bị tàn phá vì thua thiệt,... vì địa vị xã hội,... vì thất sủng,... vì bị khiển trách,... vì được ngợi khen,... vì vui sướng,… vì đớn đau (các câu này đã được rút ngắn).

 

« Người ấy cảm thấy vui sướng khi lợi lộc xảy đến với mình và bực tức trước sự mất mát. Người ấy vui sướng khi đạt được một địa vị xã hội, và bực tức trước sự thất sủng. Người ấy vui sướng khi nhận được sự ngợi khen, và bực tức khi bị khiển trách. Người ấy cảm thấy thích thú khi vui sướng, và bực tức khi gặp phải đớn đau. Đấy là các cảnh huống khiến người ấy cảm thấy vui sướng hoặc bực tức, [trong trường hợp này thì] người ấy sẽ không thoát ra khỏi sự sinh, sự già nua và cái chết, cùng các mối lo buồn, ta thán, đớn đau, cùng quẫn và tuyệt vọng. Này các tỳ-kheo, ta bảo rằng người ấy sẽ không sao thoát ra khỏi khổ đau và lo buồn (stress / căng thẳng, bấn loạn trong tâm thần).

 

« Đến đây hãy nêu lên trường hợp lợi lộc xảy đến với một môn đệ cao quý từng được học hỏi. Người này suy nghĩ : 'Lợi lộc xảy đến với tôi, thế nhưng đấy là những gì không kéo dài, đầy lo âu, luôn biến đổi’. Người này ý thức được điều ấy xảy ra đúng với nó là như vậy’ (là hậu quả tất yếu phát sinh từ hành động của mình trong quá khứ). 

 

« Mất mát xảy đến... Địa vị xã hội xảy đến... Thất sủng xảy đến... Khiển trách xảy đến... Ngợi khen xảy đến... (lập lại câu trên đây, nhưng đã được cắt bớt để tránh sự dài dòng)

 

« Đớn đau xảy đến. Người này suy nghĩ : 'Đớn đau xảy đến với tôi, thế nhưng đấy là những gì không kéo dài, đầy lo âu, luôn biến đổi'. Người này ý thức được điều ấy xảy ra đúng với nó là như vậy’ (phù hợp với các hành động của mình trong quá khứ).

 

« Người này không vui sướng khi lợi lộc xảy đến với mình, cũng không bực tức trước sự mất mát. Người ấy không vui sướng khi địa vị xã hội xảy đến với mình, cũng không bực tức trước sự thất sủng. Người này không vui sướng khi được ngợi khen, cũng không bực tức khi bị khiển trách. Người này không vui sướng khi các sự thích thú xảy đến với mình, cũng không bực tức trước các sự đớn đau. Này các tỳ kheo, khi người này buông bỏ được sự vui sướng và cả sự bực tức, thì người ta có thể bảo rằng người này đã thoát ra khỏi khổ đau và mọi sự lo âu (stress / các sự bấn loạn và căng thẳng tâm thần) ».

 

« Đấy là sự khác biệt, sự phân cách, sự tách biệt giữa một môn đệ cao quý được học hỏi và một người bình dị không được học hỏi ».  

 

Được, thua,

Khiển trách và ngợi khen,

Thích thú và đớn đau,                                                                 

Là các cảnh huống xảy ra với con người.

Các cảnh huống ấy đều bất định, không trường tồn, luôn biến đổi.

 

Một người sáng suốt (tỉnh thức, cảnh giác) nhận thấy được điều đó,

Và xem đó là những gì luôn biến đổi,

Sự thèm khát sẽ không xâm chiếm tâm trí người ấy,

Người ấy cũng không cần phải tìm cách chống lại những gì mà mình ghét bỏ.

 

Đối với người ấy, sự lôi cuốn (thu hút, hấp dẫn, quyến rũ) cũng như sự ghét bỏ,

Tất cả đều lắng xuống, phai nhạt và chấm dứt.

Khi đã nhận biết được thể dạng tinh khiết, không lo buồn là như thế nào,

Thì người ấy sẽ ý thức được thật minh bạch là mình đã vượt được sang bờ bên kia (vượt thoát sự hiện hữu trong thế giới này, một thế giới luôn trong thể dạng cuồng quay giữa các sự lôi cuốn và ghét bỏ)

 

Vài lời ghi chú

 

Nếu các bài giảng của Đức Phật về vũ trụ được trích dẫn đã mở ra cho chúng ta một tầm nhìn bao quát về vũ trụ trong đó gồm có ba thế giới, thì trái lại Bài giảng về các thảm họa trong thế giới trên đây mang tính cách thiết thực và cụ thể, nêu lên nguyên nhân tạo ra sự chuyển động và cuồng quay của xã hội con người. Tám mối lo toan thế tục : được, thua, khiển trách, ngợi khen, thích thú và đớn đau, tuy đơn giản thế nhưng qua dòng thời gian đã viết lên lịch sử của cả nhân loại. Một người sáng suốt ý thức được tám mối lo toan đó sở dĩ xảy ra với con người là do con người tự tạo ra cho mình qua các hành động của mình. Thế nhưng tám mối lo toan đó tạo ra bởi các hành động đó tựu trung cũng chỉ phản ảnh hai thứ xúc cảm : vui sướng và bực tức. Thật hết sức đơn giản, thế nhưng hai thứ xúc cảm đó lại là nguyên nhân tạo ra sự cuồng quay của thế giới và đồng thời thế giới cũng cuồng quay với con người.

 

Dưới đây xin trích dẫn bản dịch của bài giảng này trong Đại Tạng Kinh để tiện cho độc giả tham khảo thêm nếu cần :

 

Aṅguttara Nikāya

I. Phẩm Từ

8.6. Tùy Chuyển Thế Giới (2)

 

—Tám thế gian pháp này, này các Tỷ-kheo, tùy chuyển thế giới. Thế giới tùy chuyển theo tám pháp thế gian này. Thế nào là tám?

 

Lợi dưỡng và không lợi dưỡng, danh vọng và không danh vọng, tán thán và chỉ trích, an lạc và đau khổ.

 

Tám pháp thế gian này, này các Tỷ-kheo, tùy chuyển thế giới. Thế giới tùy chuyển theo tám pháp thế gian này.

 

Với kẻ phàm phu không nghe pháp, này các Tỷ-kheo, sanh ra lợi dưỡng, không lợi dưỡng, danh vọng, không danh vọng, tán thán, chỉ trích, an lạc, đau khổ. Với vị Thánh đệ tử nghe pháp, cũng sanh ra lợi dưỡng, không lợi dưỡng, danh vọng, không danh vọng, tán thán, chỉ trích, an lạc, đau khổ.

 

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có đặc thù gì, thù thắng gì, có sai khác gì giữa vị Thánh có nghe pháp và kẻ phàm phu không có nghe pháp?

 

—Bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản, lấy Thế Tôn làm chỉ đạo, lấy Thế Tôn làm chỗ nương tựa. Lành thay, bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn giảng cho ý nghĩa của lời nói này. Sau khi nghe Thế Tôn, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.

 

—Vậy này các Tỷ-kheo, hãy lắng nghe và suy niệm kỹ, Ta sẽ nói.

 

—Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

 

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

 

—Với kẻ phàm phu không nghe pháp, này các Tỷ-kheo, khởi lên lợi dưỡng. Vị ấy không có suy tư: “Lợi dưỡng này khởi lên nơi ta, lợi dưỡng ấy vô thường, khổ, biến hoại”. Vị ấy không như thật rõ biết … khởi lên không lợi dưỡng … khởi lên danh vọng … khởi lên không danh vọng … khởi lên tán thán … khởi lên chỉ trích … khởi lên an lạc … khởi lên khổ đau. Vị ấy không có suy tư: “Khổ này khởi lên nơi ta, khổ ấy là vô thường khổ, biến hoại”. Vị ấy không như thật rõ biết, rằng lợi dưỡng xâm nhập tâm của người ấy và an trú, không lợi dưỡng xâm nhập tâm của người ấy và an trú, danh vọng xâm nhập tâm của người ấy và an trú, không danh vọng xâm nhập tâm của người ấy và an trú, tán thán xâm nhập tâm của người ấy và an trú, chỉ trích xâm nhập tâm của người ấy và an trú, an lạc xâm nhập tâm của người ấy và an trú, đau khổ xâm nhập tâm của người ấy và an trú”. Người ấy thuận ứng với lợi dưỡng được khởi lên và nghịch ứng với không lợi dưỡng; thuận ứng với danh vọng được khởi lên và nghịch ứng với không danh vọng; thuận ứng với tán thán được khởi lên và nghịch ứng với chỉ trích; thuận ứng với an lạc được khởi lên và nghịch ứng với đau khổ; Người ấy đầy đủ thuận ứng, nghịch ứng như vậy, không có giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng, người ấy không thoát khỏi khổ.

 

Với vị Thánh đệ tử có nghe pháp, này các Tỷ-kheo, khởi lên lợi dưỡng. Vị ấy có suy tư: “Lợi dưỡng này khởi lên nơi ta, lợi dưỡng ấy vô thường, đau khổ, biến hoại”. Vị ấy như thật rõ biết … khởi lên không lợi dưỡng … khởi lên danh vọng … khởi lên không danh vọng … khởi lên tán thán … khởi lên chỉ trích … khởi lên an lạc … khởi lên khổ đau. Vị ấy có suy tư: “Đau khổ này khởi lên nơi ta, đau khổ ấy là vô thường, khổ đau, biến hoại”. Vị ấy như thật rõ biết, rằng lợi dưỡng này không xâm nhập tâm của vị ấy và an trú, không lợi dưỡng …., danh vọng….., không danh vọng …. tán thán… chỉ trích… an lạc… đau khổ không xâm nhập tâm của vị ấy và an trú. Vị ấy không thuận ứng với lợi dưỡng được khởi lên, không nghịch ứng với không lợi dưỡng; không thuận ứng với danh vọng được khởi lên, không nghịch ứng với không danh vọng; không thuận ứng với tán thán được khởi lên, không nghịch ứng với chỉ trích; không thuận ứng với an lạc được khởi lên, không nghịch ứng với đau khổ; Vị ấy do đoạn tận thuận ứng, nghịch ứng như vậy, nên giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng, vị ấy thoát khỏi khổ.

 

 Đây là đặc thù, này các Tỷ-kheo, đây là thù thắng, đây là sai biệt giữa vị Thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp.

 

Lợi dưỡng, không lợi dưỡng,

Danh vọng, không danh vọng

Tán thán và chỉ trích

An lạc và đau khổ

Những pháp này vô thường

Không thường hằng biến diệt

Biết chúng giữ chánh niệm

Bậc trí quán biến diệt

Pháp khả ái, không động

Không khả ái, không sân

Các pháp thuận hay nghịch

Được tiêu tan không còn

Sau khi biết con đường

Không trần cấu, không sầu

Chơn chánh biết sanh hữu

Đi đến bờ bên kia.

 

                                                                                       (Bản dịch của TT Thích Minh Châu)

 

                                                                                                                       Bures-sur-Yvette, 11.07.24

                                                                                  Hoang Phong

 

(Còn tiếp Quyển I, phần II, chương hai : Các bài giảng

liên quan đến Thế giới)


 [A1]

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/12/2017(Xem: 87562)
Trải hơn 25 thế kỷ, Chánh Pháp của Phật vẫn được tuyên dương và lưu truyền bởi hàng đệ tử xuất gia lẫn tại gia, đem lại giải thoát và giác ngộ cho những ai học hỏi và thực hành đúng đắn. Chánh Pháp ấy là thuốc hay, nhưng bệnh mà không uống thì chẳng phải là lỗi của thuốc. Trong kinh Di Giáo, đức Phật cũng ân cần huấn thị lần chót bằng những lời cảm động như sau: “Thể hiện lòng đại bi, Như Lai đã nói Chánh Pháp ích lợi một cách cứu cánh. Các thầy chỉ còn nỗ lực mà thực hành… Hãy tự cố gắng một cách thường trực, tinh tiến mà tu tập, đừng để đời mình trôi qua một cách vô ích, và sau này sẽ phải lo sợ hối hận.” Báo Chánh Pháp có mặt để góp phần giới thiệu đạo Phật đến với mọi người. Ước mong giáo pháp của Phật sẽ được lưu chuyển qua những trang báo nhỏ này, mỗi người sẽ tùy theo căn tánh và nhân duyên mà tiếp nhận hương vị.
15/12/2017(Xem: 137792)
Văn Hóa Phật Giáo, số 242, ngày 01-02-2016 (Xuân Bính Thân) Văn Hóa Phật Giáo, số 244, ngày 01-03-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 245, ngày 15-03-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 246, ngày 01-04-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 247, ngày 15-04-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 248, ngày 01-05-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 249, ngày 15-05-2016 (Phật Đản PL 2560) Văn Hóa Phật Giáo, số 250, ngày 01-06-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 251, ngày 15-06-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 252, ngày 01-07-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 253, ngày 15-07-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 254, ngày 01-08-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 255, ngày 15-08-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 256, ngày 01-09-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 257, ngày 15-09-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 258, ngày 01-10-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 259, ngày 15-10-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 260, ngày 01-11-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 261, ngày 15-11-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 262, ngày 01-12-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 263, ngày 15-12-2016
08/12/2017(Xem: 18737)
Những pháp thoại trong tác phẩm này là những lời dạy tiêu biểu truyền cảm hứng phi thường mà Lama Yeshe và Lama Zopa Rinpoche đã thuyết giảng tại nhiểu thời điểm. Các pháp thoại này là những gì truyền cảm hứng cho nhiều học trò của họ, như tôi, để buông xả những gì chúng ta đang làm và hiến dâng trọn đời mình đi theo các vị Lama[1]. Khi Rinpoche nói “mỗi người chúng ta cần nghỉ như vậy: tất cả chúng sanh đều vô cùng tử tế với tôi trong quá khứ, họ tử tế với tôi trong hiện tại, và họ sẽ tiếp tục tử tế với tôi trong tương lai. Họ là cánh đồng mà trong đó tôi nhận được tất cả hạnh phúc của mình—quá khứ, hiện tại và tương lai; tất cả các tài đức hoàn hảo của tôi đều xuất phát từ những chúng sanh khác. Do vậy, tôi phải chứng đạt giác ngộ. Chỉ tìm kiếm hạnh phúc miên viễn cho riêng tôi, không mang lại hạnh phúc cho những chúng sanh khác, từ bỏ những chúng sanh khác,không quan tâm đến hạnh phúc của họ, là rất ích kỉ. Do đó, tôi phải chứng đạt giác ngộ, hạnh phúc cao cả nhất, để
30/11/2017(Xem: 7331)
Định nghĩa. Vô Trước. Vô, nghĩa là không. Trước, nghĩa là dính mắc, bị dính vào, mắc vào, kẹt vào. Cụm từ Vô Trước, nói cho đủ: Không bị dính mắc, kẹt vào. Danh từ kép này, được chỉ cho những hành giả trong đạo phật trên đường tu tập, để tìm cầu cho mình cơn đường giải thoát là không để cái Tâm bị dính vào, mắc vào, kẹt vào sắc trần, nói như pháp môn thiền định “đối cảnh vô tâm. Như vậy, tâm con người thường bị dính trần hay sao, mà pháp thiền phải cảnh giác ? Đúng như vậy, tâm của kẻ phàm phu ưa dính, mắc vào, kẹt vào sắc trần vật chất, ưa trách móc, ưa chấp nê, ưa nghe lời khen ngợi
21/11/2017(Xem: 11376)
Từ Kinh Phật Sơ Thời Đến Thiền Đốn Ngộ Giới Thiệu Tác Phẩm “Thiền Tông Qua Bờ Kia” Của Cư Sĩ Nguyên Giác--Trong tác phẩm mới xuất bản “Thiền Tông Qua Bờ Kia” tác giả Cư Sĩ Nguyên Giác kể chuyện buổi đầu ông học Thiền với Hòa Thượng Bổn Sư Thích Tịch Chiếu ở Chùa Tây Tạng tại Tỉnh Bình Dương, Việt Nam như sau: “Tôi nhớ lại buổi đầu gặp Hòa Thượng Tịch Chiếu, hỏi Thầy rằng con nên tập Thiền thế nào, Thầy nói rằng, “Phải Thấy Tánh đã.” Lúc đó, Thầy bảo đứa em kế tôi phải niệm Phật sáng trưa chiều tối, và quay sang đứa em gái kế sau nữa của tôi, bảo nhỏ này là con hãy về đọc bài Bát Nhã Tâm Kinh tối ngày sáng đêm. Tôi hỏi, rồi con cần niệm hay đọc gì hay không, Thầy đáp, con không có một pháp nào hết.”[1]
19/11/2017(Xem: 5812)
Chris Impey là Phó Khoa Trưởng của Đại Học Khoa Học, và là một Giáo Sư Xuất Chúng của Khoa Thiên Văn Học thuộc Đại học Arizona (Hoa Kỳ). Công trình nghiên cứu của ông đặt trọng tâm vào việc phát triển và cung cấp năng lượng của những lỗ đen khổng lồ trong các thiên hà.Ông đã viết hai cuốn sách giáo khoa, một tiểu thuyết, tám cuốn sách khoa học phổ thông, và hơn 250 bài nghiên cứu và bài báo.Khiêm Tốn TrướcHư Không(Humble Before the Void ), một cuốn sách dựa trên những khóa hội thảo được mô tả trong bài báo này, do Templeton Press xuất bản năm 2014
01/11/2017(Xem: 10486)
Long Thọ hay Long Thụ (Nāgārjuna) không phải chỉ là tổ của tông Trung Quán (Madhyamika),[1] trong lịch sử phát triển Phật giáo ngài được coi là vị Phật thứ hai sau Đức Thế Tôn[2] nên trong các hình tượng bồ tát chỉ có tượng của ngài duy nhất được tạc vẽ với nhục kế (uṣṇīṣa), vốn tượng trưng cho trí tuệ viên mãn như hình tượng Đức Phật chúng ta thường thấy. Truyền thống Phật giáo xuy tôn ngài là người thành lập Phật giáo Đại thừa không phải vì theo truyền thuyết nói rằng ngài đã mang kinh điển Đại thừa từ Long Cung về phổ biến mà vì ảnh hưởng thật sự tư tưởng của ngài trong các tông môn. Cho đến ngày nay, tám tông môn Phật giáo lớn từ Thiền đến Mật của Trung Hoa Triều Tiên Nhật Bản Tây Tạng Mông Cổ nhận ngài là tổ đều truyền bá đến Việt Nam từ lâu. Ở nhiều nước như Tây Tạng, Nepan, Mông Cổ chùa viện tư gia còn đắp tượng vẽ hình thờ phượng ngài như Đức Phật. Ngay tại Ấn Độ, đất nước đã tiêu diệt Phật giáo, người ta vẫn còn tiếp tục hãnh diện phổ biến các nghiên cứu về ngài và tôn kính ng
25/08/2017(Xem: 23235)
Bản Giác (sách pdf) tác giả: Tiến sĩ Lâm Như Tạng
21/06/2017(Xem: 8501)
* Trong vũ trụ có trùng trùng thế giới. Toàn Giác là bậc câu thông cùng vũ trụ, họ cùng một thể tánh với vũ trụ, thấu suốt quy luật vận hành của vũ trụ rồi “truyền thần” lại sự thấy biết đó. Để thấy rằng Đức Bổn sư không sáng tạo ra vũ trụ, không chế định ra luật nhân quả luân hồi, mà vũ trụ vốn sống động từ vô thỉ dù Phật có ra đời hay không.
16/03/2017(Xem: 9099)
Trong nghi thức Cầu Siêu của Phật Giáo Việt Nam, ở phần Quy Y Linh, có ba lời pháp ngữ: “Hương linh quy y PHẬT, đấng PHƯỚC TRÍ VẸN TOÀN – Hương linh quy y PHÁP, đạo THOÁT LY THAM DỤC – Hương linh quy y TĂNG, bậc TU HÀNH CAO TỘT” (chơn tâm – vô ngã). Ba lời pháp ngữ trên chính là ba điều kiện, ba phương tiện siêu xuất, có năng lực đưa hương linh (thân trung ấm) được siêu lên các cõi thiện tùy theo mức độ thiện nghiệp nhiều,
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]