Nuôi Dưỡng Và Tiếp Nối Cội Nguồn
(Thầy Thích Thái Hòa giảng)
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Thưa bà con có mặt tại chùa Quang Sơn, xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên quý mến!
Hôm nay là ngày 9/10/Đinh Dậu, tức ngày 26/11/2017, tại chùa Quang Sơn, xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, thay mặt chư Tôn Đức Tăng hiện tiền, cũng như chư Tôn Đức Tăng Ni Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu, các Phật tử của Âu Châu hảo tâm, các nhà mạnh thường quân tại Âu Châu, phái đoàn chúng tôi xin gửi lời thăm hỏi chân tình nhất đến bà con hiện diện hôm nay.
Thưa quý vị!
Chư Tôn Đức trong Giáo hội, cũng như các Phật tử ở Âu Châu, khi nghe cơn bão 12 đã đi vào miền Trung Việt Nam chúng ta, gây thiệt hại rất nhiều về mặt tài sản và nhân mạng cho đồng bào chúng ta. Cho nên, chư Tôn Đức đã tự vận động nơi bổn tự của mình và Phật tử các giới, có được một chút ít tịnh tài, tịnh vật và ủy cử Thượng tọa Thích Thông Trí , Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên GHPGVNTN Âu châu về Việt nam để trực tiếp thăm viếng, chia sẻ bà con chúng ta, bị rủi ro trong những cơn bão lũ miền Trung vừa qua và nhất là trong cơn bão số 12.
Nhân đây, chúng tôi xin chia sẻ với bà con của mình một vài điều trước khi quý vị nhận tặng phẩm ủy lạo này.
Thưa quý vị!
Tỉnh Phú Yên, huyện Tuy An là nơi có nhiều Cao Tăng của Phật giáo Việt Nam xuất hiện. Trước hết, vào đời Lê là Tổ sư Thiệt Diệu-Liễu Quán, người huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Tổ là một vị tu chứng và đã phát huy dòng thiền Phật giáo Việt Nam và dòng thiền ấy hiện nay chư Tôn đức Tăng Ni đang có mặt và hành đạo khắp nơi từ Quốc nội đến Hải ngoại và cũng chính nơi Phú Yên này đã xuất hiện bậc cao Tăng Diệu Nghiêm-Pháp Chuyên, Ngài là một vị chuyên trì giới luật và đã chấn hưng Phật giáo của một thời, rồi ở nơi Tỉnh Phú Yên này lại xuất hiện ngài Thị Chí-Phước Hộ, một bậc trì luật tinh chuyên và Ngài đã từng đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội đồng giám luật Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, viên tịch năm 1985.
Cũng ở quê hương Phú Yên này, cũng ở huyện Tuy An này và ngay ở chùa Quang Sơn này đã xuất hiện một vị Thánh Tăng, đó là ngài Nguyên Diệu-Quảng Hương. Ngài Nguyên Diệu-Quảng Hương đã hành điệu tu tập tại chùa Quang Sơn này, sau đó Ngài đã được đào tào tại Phật Học Trung Phần Hải Đức Nha Trang và đã làm Phật sự tại chùa Khải Đoan, Đắk-Lắk.
Năm 1963, Chính quyền Tổng Thống Ngô Đình Diệm bấy giờ đối xử bất bình đẳng Tôn giáo, buộc triệt hạ cờ Phật giáo trong ngày Đại lễ Phật Đản, Phật giáo đồ phản ứng, ngài Quảng Hương từ Đắk-Lắk trở về Sài Gòn yểm trợ chư Tôn Đức Tăng Ni đấu tranh đòi sự tự do bình đẳng Tôn giáo, yêu cầu Tổng thống Ngô Đình Diệm đáp ứng 05 nguyện vọng của Phật giáo đồ Việt Nam. Ngài Quảng Hương là Người phát tự thiêu, ở công trường Diên Hồng Sài Gòn, vào thời điểm mà Liên Hiệp Quốc họp khẩn cấp và sắp sửa cử phái đoàn đến Việt Nam để điều tra vụ việc đàn áp Phật giáo của chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm, góp phần đưa cuộc đấu tranh Phật giáo đồ năm 1963, đạt đến thành công.
Cho nên, hôm nay Phái đoàn Phật giáo chúng tôi về nơi ngôi chùa Quang Sơn này, để dâng nén tâm hương biết ơn sâu sắc, chính nơi ngôi Tăng Già Lam này, nơi đây hồn thiêng sông núi của đất nước Việt Nam đã tinh kết nhiều bậc cao Tăng Tổ đức, làm nên mạch nguồn của Phật giáo một thời. Và cũng chính nơi đây, đã một thời mạch nguồn hạo khí của Thầy Tổ đã được khơi nguồn để hộ trì Chánh pháp, bảo vệ chân lý, giữ gìn gấm vóc non sông của đất nước chúng ta.
Tôi hy vọng rằng: tất cả bà con tỉnh Phú Yên chúng ta nói chung, huyện Tuy Hòa, xã An Hiệp nói riêng, tất cả chúng ta phải tiếp tục đi theo tiền nhân của chúng ta, giữ gìn tất cả những gì tốt đẹp mà Tổ tiên của chúng ta đã để lại cho chúng ta, chúng ta phải tiếp nhận những gì tốt đẹp từ hồn thiêng sông núi của chúng ta đã để lại cho chúng ta một cách trân trọng.
Tuy rằng, chúng ta sống trong khó khăn vật chất, nhưng không phải vì vậy mà chúng ta quên mất những giá trị tinh thần của chúng ta; Tuy, trước mắt chúng ta có những khó khăn về vật chất do bão lũ gây ra, nhưng chúng ta không đánh mất niềm tự hào về những giá trị tinh thần mà Tổ tiên chúng ta đã đổ ra không biết bao nhiêu tâm huyết, xương máu để duy trì và để lại cho chúng ta ngày nay.
Thưa quý vị!
Đối với khó khăn vật chất trước mắt, chúng ta có thể khắc phục được trong nay mai, nhưng mỗi khi những giá trị tinh thần bị đánh mất hay bị cướp mất thì không phải một sớm, một chiều mà chúng ta có thể tạo dựng lại được.
Những giá trị tinh thần ấy, được tạo ra và tiếp nối từ nhiều thế hệ mới tạo nên khí chất hồn thiêng sông núi của tất cả chúng ta; mới có thể tạo nên đạo phong, đạo khí của chúng ta.
Tên Chùa là Quang Sơn, nơi xuất thân của vị Thánh tử đạo Nguyên Diệu-Quảng Hương đã nói lên một ý nghĩa đạo phong, đạo khí của những Tăng sĩ và Cư sĩ có nhân duyên tu học và xuất thân ở ngôi chùa này, ở quê hương này.
Quang là ánh sáng, sơn là núi và ý nghĩa biểu tượng của núi là bất động. Quang sơn là ánh sáng bất động từ đỉnh núi phóng ra, lan tỏa ra. Ánh sáng ấy là ánh sáng của thiền định. Đỉnh cao của ánh sáng thiền định là ánh sáng tuệ giác. Ánh sáng ấy trở thành ánh sáng của hồn thiêng sông núi. Chính ánh sáng đó soi đường cho chúng ta đi trong đêm dài tăm tối, khiến cho chúng ta nhìn thấy mặt nhau thật rõ ràng không nhầm lẫn. Qua ánh sáng đó, chúng ta nhìn thấy nhau, nghĩa là anh nhìn thấy em; em nhìn thấy anh; chị nhìn thấy em, em nhìn thấy chị; cha mẹ nhìn thấy con cái một cách rõ ràng, minh bạch; con cái nhìn thấy cha mẹ và thể hiện hiếu đạo đối với cha mẹ một cách đúng Pháp; thầy nhìn thấy mặt trò; trò nhìn thấy mặt thầy đúng đạo nghĩa. Nhờ ánh sáng hồn thiêng sông núi ấy mà chúng ta nhận ra được những giá trị của cuộc sống để sống đẹp; nhận ra được những ý nghĩa giá trị của cuộc sống để yêu quý và trân trọng; nhận ra được giá trị và ý nghĩa của tình bằng hữu để ôm ấp nhau, giúp đỡ nhau thăng hoa trên con đường tốt đẹp, làm giảm đi những gì tiêu cực trong đời sống hàng ngày của chúng ta . Có như thế thì chúng ta mới xứng đáng là Con cháu của dòng giống Tiên Rồng; xứng đáng con cháu của 18 đời Vua Hùng dựng nước, giữ nước, con cháu của Lý Thường Kiệt, con cháu của Trần Hưng Đạo, con cháu của Nguyễn Trãi và con cháu của Thiệt Diệu-Liễu Quán, của Diệu Nghiêm-Pháp Chuyên, của Thị Chí-Phước Hộ, của Nguyên Diệu-Quảng Hương. Chúng ta sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để bảo vệ Dân Tộc và Đạo pháp như tiền nhân của chúng ta đã từng hy hiến.
Ngài Nguyên Diệu-Quảng Hương sau khi tự thiêu để bảo vệ Chánh pháp vào năm 1963, đã được Viện Tăng Thống GHPGVNTN phong lên ngôi vị Thánh Tử Đạo. Và danh hiệu Quảng Hương đã được HT Thích Trí Thủ trân quý và dùng để đặt tên cho một tu viện, gọi là Tu viện Quảng Hương Già Lam, ở Sài Gòn, làm trung tâm tu học và đào tạo hàng Tăng sĩ cấp Đại Học và trên Đại Học cho Phật giáo để hoằng dương Phật pháp theo tinh thần sẵn sáng hy sinh tính mạng để bảo vệ Dân Tộc và Đạo Pháp của Thánh tử đạo Quảng Hương.
Thưa quý vị!
Hôm nay, Phái đoàn Phật giáo chúng tôi về đây, thấy bà con của mình, tuy gặp bão lũ, gặp tai nạn, nhưng trên khuôn mặt của mọi người ai cũng rạng rỡ, nhất là nhìn thấy những người trẻ. Nên, chúng tôi rất vui mừng. Chúng tôi tin tưởng một tương lai tươi sáng có thể xảy ra cho quê hương chúng ta.
Vậy, Phái đoàn chúng tôi mong rằng: Các bậc Bô lão trong vùng luôn luôn nhắc nhở con cháu của mình, nhớ về nguồn cội, nhớ về nguồn mạch tâm linh, giữ gìn những truyền thống tâm linh tốt đẹp, giữ gìn bản sắc của một nền văn hóa Dân tộc hơn bốn ngàn năm văn hiến. Chúng ta cùng nguyện tiếp nối và làm rạng rỡ chí hướng của liệt vị Tổ đức và của Thánh giả Nguyên Diệu-Quảng Hương.
Thưa quý vị!
Cơn bão tuy đã đi qua, nhưng hậu quả tai hại vẫn còn để lại cho quê hương chúng ta. Nhân danh Phái đoàn Phật giáo, chúng tôi xin chia sẻ một chút ít tịnh tài, gọi là tấm lòng của Giáo hội đối với bà con. Tịnh vật, tịnh tài tuy không nhiều, nhưng bà con biết cho rằng, người Việt Nam ta thường nói với nhau: “Một miếng khi đói, bằng một gói khi no”. hay “ăn một miếng giữa làng, bằng một sàng trong bếp”. Ấy là Tổ tiên chúng ta đề cao tinh thần chia sẻ đúng lúc, và những giá trị từ danh xưng và ý nghĩa trao tặng.
Nên, hôm nay, chúng tôi tặng đến quý vị những phẩm vật này với danh nghĩa Phật giáo mà không phải xưng danh một cá nhân. Cảm ơn tất cả bà con đã hoan hỷ nhận món quà này.
Nam Mô Thường Hoan Hỷ Bồ Tát Ma Ha Tát!
Đệ tử Nhuận Pháp Nguyên kính phiên tả.