Đức Hạnh Lê Bảo Kỳ
Định nghĩa. Vô Trước. Vô, nghĩa là không. Trước, nghĩa là dính mắc, bị dính vào, mắc vào, kẹt vào. Cụm từ Vô Trước, nói cho đủ: Không bị dính mắc, kẹt vào. Danh từ kép này, được chỉ cho những hành giả trong đạo phật trên đường tu tập, để tìm cầu cho mình cơn đường giải thoát là không để cái Tâm bị dính vào, mắc vào, kẹt vào sắc trần, nói như pháp môn thiền định “đối cảnh vô tâm. Như vậy, tâm con người thường bị dính trần hay sao, mà pháp thiền phải cảnh giác ? Đúng như vậy, tâm của kẻ phàm phu ưa dính, mắc vào, kẹt vào sắc trần vật chất, ưa trách móc, ưa chấp nê, ưa nghe lời khen ngợi, không thích lời chê bai; cho nên nghĩa của chữ Trước là dính mắc, kẹt vào mọi hiện tượng lục trần, mà Tâm kẻ phàm phu là tác nhân dính vào mọi hiện tượng sắc trần vật chất, âm thanh (thanh trần- tiếng nhạc, lời ca…), ngôn ngữ, văn chương, triết lý, Phật pháp… sau khi mắt thấy, tai nghe; thân liền hành động, miệng phát ra lời ca ngợi, khen, chê một cách triền miên không dứt ra nổi. Từ đó cái Tâm cứ Trước mãi, tức là tâm dính mãi, tâm kẹt mãi vào Hỷ, gọi là tâm hỷ trước, nộ trước, ái trước, ố trước, ai trước, dục trước, lạc trước, tham trước, chấp trước. Những pháp trần dễ thấy nhất đó là: Tiền tài, chức quyền, danh vọng, sắc đẹp, âm thanh, ngôn ngữ xưng hô, thái độ hành xử. Qua đây cho ta hiểu thêm chữ TRƯỚC, danh từ đơn, được chỉ cho tâm Chấp của con người phàm tục thế gian thường phát xuất ở mọi ý niệm về Ngã, trong đó cái nhân ngã: ưa chấp, ưa trách móc về lời nói, thái độ của con người bên cạnh đối xử với mình. Chẳng hạn như đang có chức và kể cả về hưu hết chức nhưng, vẫn cứ thấy còn : Tướng, Tá, Hội trưởng, Tổng Thống, Thủ tướng, Chủ tịch, Bác sĩ, kỹ sư, Giáo sư tiến sĩ v.v…chỉ là giả danh mà, không được người kia, người nọ gọi đúng tước vị, mà chỉ gọi tên, cho nên khởi tâm oán ghét, trách móc, giận hờn, buồn bực…
Nghĩa của chữ Trước xa hơn nữa, đó là đem tâm chấp vào sự hiểu biết về thi, ca, văn hóa, nhạc lý triết học, văn học, Khoa học kỹ thuật của mình hơn người, gọi là ngã kiến, kiến chấp. Những thứ vật chất như: Nhà cửa, xe cộ, v.v…Kể cả sách vở văn học, đạo lý thánh hiền, kinh điển của Phật không học, không đọc, cứ trưng bày mãi trong tủ kính để chứng tỏ Ta là hàng trí thức. Nói như lời HT Thiện Siêu : “Sách vở Thánh hiền, kinh điển Phật không học, không đọc đến, thà đem ra vấng thuốc Rê để hút còn ích lợi hơn, thờ mãi trong tủ bị mọt ăn, cũ kỷ rách nát”. Ấy vậy mà có người cứ đem tâm dính mắc vào đó, không muốn bỏ; nói như lời kinh Phật : Chánh Pháp mà có lúc phải buông bỏ, huống là phi pháp càng vất bỏ hơn. Ngay cả chánh pháp Phật, sau khi tâm đã ngộ chơn lý vô ngã tánh không rồi, đâu còn gì nữa mà chấp vào chánh pháp, ôm cất vào lòng. Điều này được Đức Phật ví dụ : Giáo pháp Phật trong kinh điển, được chứa đựng chơn lý, như ngón tay chỉ mặt trăng; nhờ ngón tay được thấy mặt trăng; sau khi thấy rõ mặt trăng rồi, thì ngón tay hết lý do tồn tại. Tức là hành giả đã ngộ đạo tánh không vô ngã rồi, thì đâu cần giáo pháp nữa mà ôm giữ lấy. Qua đây cho quý vị thấy giáo pháp Phật, trong đó được sử dụng văn chương, ví dụ để diễn tả lý, nghĩa của giáo lý, gọi là “giả lập” để làm sáng tỏ lý và đạo, để cho các hành giả dễ thấy lý mà ngộ đạo. Cho nên văn tự trong kinh điển Phật, chỉ là tương đối để biểu thị cho chơn lý tuyệt đối, giống như dùng ngón tay, để chỉ mặt trăng. Chơn lý tánh không vô ngã ẩn tàng trong giáo pháp. Nhờ học và nghe, cùng tu tập giáo pháp, mà hành giả được thấy tánh không vô ngã (ngộ) cho nên Phật mới nói rằng; giáo pháp phật được ví như ngón tay chỉ mặt trăng là như vậy. Nhờ ngón tay mà thấy mặt trăng. Cũng như nhờ giáo lý mà thấy lý, ngộ đạo. Sau khi thấy mặt trăng rồi. Thì ngón tay được cất đi. Cũng như vậy, hành giả đã thấy chơn lý rồi (Chơn lý vô ngã), thì giáo pháp không còn tồn tại nữa. Cho nên Phật mới khẳng định rằng, giáo pháp phật như là chiếc bè đưa hành giả qua bờ giác ngộ, giải thoát. Đến bờ giải thoát rồi (đáo bỉ ngạn) thì bỏ lại bè bên mé sông, để nó trôi đâu thì trôi, không đem tâm luyến tiếc làm chi nữa, hãy quên đi, đừng tôn thờ giáo pháp, lụy tình vào giáo pháp, vô tình bị giáo pháp trói buộc, thì bao giờ mới thấy được chơn lý vô ngã giải thoát ? Mọi việc trên đời này, sau khi đạt được cứu cánh rồi, thì phương tiện trở nên vô dụng.
Một ví dụ. Có một chàng thanh niên, đứng bên này bờ sông, thấy bờ bên kia bờ đang có nhiều loại hoa tươi đẹp, ánh đèn sáng trưng, người người vui cười, chuẩn bị đi đến cảnh giới Niết bàn… Anh chàng biết đó là bờ giải thoát, rất muốn qua mà không có phương tiện, nên chi chặt cây tạo thành cái bè, rồi chèo qua đó; khi bè cặp vào bờ, anh chàng thấy một số bè đang lững lờ trôi theo dòng nước; nhưng, anh lại vác bè của anh lên bờ luôn; vừa vác vừa đi theo mọi người. khi đó có một người thấy vậy, bèn hỏi anh đi đâu ? Anh trả lời, đến cõi Niết bàn. Người kia liền nói rằng, vào cõi Niết bàn không mang theo gì hết, hãy bỏ bè lại ra giữa dòng sông. Anh thấy chúng tôi, đâu có ai vác bè theo như anh. Hãy bỏ bè dưới bờ sông, cho nó trôi đâu thì trôi, đừng vác bè theo; vì cõi Niết bàn, anh và tôi chuẩn bị vào, là hai tay không, mới vào được. Nghe vậy, anh chàng bỏ xuống một hồi thì lại vác lên vai, không muốn bỏ. Anh nghĩ rằng; “bè này ta làm ra rất công kỹ, bỏ thì uổng lắm, đâu có thể bỏ được” ! Tâm còn luyến tiếc bè, cuối cùng anh ta vác bè xuống sông, chèo về bến cũ, bờ sông xưa. Câu chuyện trên, được ví dụ cho quý vị thấy rằng; hành giả đang học và tu tập Phật pháp cho mục đích đạt đạo vô ngã giải thoát, thì đừng để tâm bị sắc trần lôi cuốn, đừng lụy vào giáo pháp mà bị chìm đắm vào sông mê. Vấn đề này, có một Tiên Nhân hỏi Đức Phật : “ Làm cách nào để vượt thoát dòng thác đang đổ ào ào ?” Phật trả lời : “Này, Tiên Nhân, không bước tới dòng thác, vì bước tới sẽ bị ngã, trôi theo dòng thác; không bước lui, vì lui sẽ tiếp tục bị chìm ngập trong dòng thác. Hãy tìm cách vượt lên trên, để ra khỏi dòng thác ”.
Trong tất cả giáo pháp của Phật để tu tập vượt thoát khỏi bến mê, đến bờ giác, thì giáo pháp Vô Trước được xem là tối thượng. Do vậy, Kinh pháp Hoa phẩm phương tiện, Phật nói : “ Ta từ khi thành Phật đến nay đã dùng biết bao nhân duyên, ví dụ diễn giảng rộng rãi các giáo lý, dùng vô số phương tiện (ngôn ngữ giả lập) để dẫn dắt chúng sanh, cũng chỉ vì muốn chúng sanh hãy loại bỏ bao sự tham muốn dính mắc, đừng thu nhiếp (vô trước), cầm nắm, hãy buông bỏ hết, cả thiện cả ác đều vất bỏ, thì mới đúng là con đường giải thoát khỏi bến mê, đến bờ giác.
Hai ví dụ trên, cho quý hành giả đi tìm cho mình con đường giải thoát trong Đạo Phật, mà phương tiện qua bờ giải thoát là cái tâm Vô trước trống rỗng. Để được cái tâm vô ngã, vô trước trống rỗng, là phải hủy bỏ hết cái tâm Chấp trước. Tâm chấp trước, gọi là tâm vọng tình cố chấp sự vật là muôn đời tồn tại không hư hoại. Chấp loài người muôn đời vẫn là người, súc sinh muôn đời vẫn súc sinh. Pháp trước, là chấp các pháp là thường còn không bị biến dịch, hư hoại bởi định luật vô thường. Vì chấp mà chẳng thông đạt, không sáng suốt, chẳng tin tưởng chánh pháp Phật nói về nhân quả, luân hồi, mà không chịu nghe, cứ cố chấp triền miên, để rồi có nhiều hành động tội ác đối với đồng loại, bị pháp luật xử tội : vào các địa ngục trần gian (nhà tù). Ra khỏi địa ngục trần gian (nhà tù) tội vẫn còn trong tâm, sau khi chết, thần thức tiếp tục đọa vào ba đường ác : địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh.
Năng lực pháp Vô Trước.
Trước khi tìm hiểu về năng lực và vai trò của pháp Vô trước, chúng ta phải hiểu thấu lại tính chất của Trước. Danh từ đơn Trước, là tính đen tối, u mê, dơ nhớp, nếu không nói là đui mù ý thức, không có trí giác, chỉ có giác hồn, sinh hồn, tức là cái biết theo bản năng sinh tồn, cho nên có mắt người mà không hề đọc đến sách vở Phật pháp, để thấy trong đó lời Phật nói về những cái nhân : hành động giết người, ăn cấp, trộm cướp, nói dối, vu khống, gian trá, lừa đảo để tước đoạt của cải vật chất người khác làm của mình, là cái quả bị đọa vào các cõi khổ đau : địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh làm trâu, ngựa bị kéo cày, kéo xe để trả nợ cho đời. Mà trước tiên sẽ bị pháp luật nhà nước đương thời bắt vào tù. Vào nhà tù hiện tại vẫn chưa hết tội, sau khi chết bị đọa vào các cõi khổ đau như đã nói trên, do bởi cái tâm Trước quá nặng, là lực dắt dẫn đi vào các cõi khổ đau thực tại ở trần gian và bên kia cõi chết là một quy luật nhân quả.
NĂNG LỰC PHÁP VÔ TRƯỚC.
Hành giả trong các tông phái: Thiền, Tịnh độ, Mật tông, hay pháp môn nào khác…Tất cả đều cùng tri hành pháp Vô Trước một cách thường hằng trên vận hành sống và tu tập các pháp môn của mình. Vị Bồ Tát có pháp hiệu Vô Trước trước sắc trần, là Bồ Tát VÔ TRƯỚC, anh của Bồ Tát Thế Thân trong nhóm luận sư về Tánh Không và DUY THỨC HỌC.(Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân).
Vô trước của hành giả Thiền định, là đối cảnh vô tâm. Vô trước của hành giả Tịnh độ, là một tâm không rối loạn. Vô trước của hành giả Mật tông (trì tụng Thần chú Đà la ni, là tâm luôn an trú trong tỉnh thức.
Đối với ba giới hành giả tu Thiền, Tịnh, Mật nói trên, thật sự có quyết tâm tu tập để vào cõi Phật; tất cả đã thấu triệt năng lực của pháp vô Trước, nếu không nói rằng; pháp Vô trước cả ngàn khối trong tâm, cho nên vừa thấy những hình thái (sắc trần) mang tính quyến rũ, động tâm, tức khắc quây chỗ khác, tránh xa, tỉnh thức trở về thực tại. Cũng như luôn đề cao cảnh giác sẵn sàng buông xả hết, không còn dính mắc, kẹt vào bất cứ trần cảnh nào dù nhỏ hay lớn trong đạo hay ngoài đời, luôn sống trên dòng sóng thanh tịnh.
Với chư vị đạo sư xuất gia, dĩ nhiên tâm của quý ngài thường hằng vô trước trên vận hành tu tập và hoằng hóa độ sanh bằng lời thuyết pháp, viết những bài giảng luận Phật pháp, dịch kinh điển Phật ra ngôn ngữ của quốc độ sở tại, không khác với tinh thần của Phật ngày xưa đã làm. Tinh thần của Phật ngày xưa, đó là gì ? Tinh thần của Phật là vô trước, không chấp vào ngôn ngữ, văn tự của mình đang sử dụng ở lời nói và câu văn giảng luận. Vì văn tự, tuy rất cần nhưng, tương đối, mượn tương tương đối để làm sáng tỏ tuyệt đối là đạo lý tánh không vô ngã, nếu không nói rằng; văn tự luôn luôn là hữu hạn. Vì vậy, kinh điển của Phật bất luận trong mọi thời đại xưa khi Phật nói ra, và thời nay không có Phật hiện hữu nhưng, tất cả lời kinh Phật, đều là giả lập. Nếu không giả lập, vô tình chấp nhận có Trước, tức bị dính mắc, chấp trước vào lời nói.
Giả lập, là lời pháp xác định, mượn ngôn từ diễn giải, cùng ví dụ, để cho người nghe hay đọc được ngộ lý, thấy đạo để hành, gọi là giả lập. Sở dĩ có giả lập lời thuyết pháp, là muốn cho các giới con người thấu hiểu chơn lý vô ngã giải thoát nhưng, sau đó Phật liền phủ định ngay, vì không muốn con người bị lụy, bị chấp vào lời kinh, lời giảng pháp của Phật ngày xưa, chư Tăng ngày nay.(y kinh diễn nghĩa tức đồng ma thuyết. Ly kinh diễn nghĩa, tam thế Phật oan- Tùy duyên, căn cơ, mà bất biến). Tuy nhiên không phải phủ định không. Mà có cả hai; xác định giả lập và phủ định. Xác định trước (giả lập) phủ định sau. Phủ định ở đây, chính là Vô trước.
Có lời Pháp xác định, giả lập, mà không phủ định, chưa phải là Phật pháp. Ngược lại, có phủ định mà không có giả lập, không phải là Phật pháp. Cả hai: giả lập và phủ định trong giáo pháp của Phật, mới đúng là Như Lai, Phật. Vì thế cho nên Phật giáo không thể bị ai đó đem lời phê bình, bài bác, vì đâu có tỳ vết, toàn là chơn lý tuyệt đối.
Giả lập, mà Phật chủ trương, là để cho các hành giả học và tu tập Phật pháp được thấy rõ lý của giáo pháp, là nền tảng ngộ đạo. Phủ định, mà Phật chủ trương, là phương cách làm cho hành giả mau tiến lên chơn lý tuyệt đối. Điều này được thấ y trong kinh Kim Cang, Phật nói : Chúng sanh (xác định), tức chẳng phải chúng sanh(phủ định) cho nên gọi là chúng sanh (xác định lại). Phật nói: Phật pháp, tức chẳng phải Phật pháp, nên gọi là Phật pháp. Phật nói A nậu đa la, tam miệu tam Bồ đề, tức chẳng phải A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề, cho nên gọi là A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề. Phật nói thế giới, chẳng phải thế giới, nên gọi là thế giới.
Đó là cách thuyết pháp của Phật; vừa nói xong, Phật liền phủ định. Đúng như lời Phật nói : “ Ta thuyết pháp suốt 45 năm, mà chưa hề nói một lời nào”. Theo đạo lý tánh không của Phật giáo, trên đời này làm gì có bản thể vạn hữu chúng sanh…Tức là không có con người, không có Phật, không có thế giới, v.v…Sở dĩ có, là do các duyên giả hợp kết tụ mà có. Các duyên tan rã, không còn bản thể, sao gọi là có ? Các duyên hợp lại có, sao gọi là không ?. Mọi vật trên đời, không có vật nào mất, chẳng có vật nào còn ! Mất, là mất bản thể cũ, còn là còn bản thể mới tại chốn nào đó, như cái chén bị vỡ, mất hình thể cũ, nhưng còn, đó là những mảnh vỡ ở ngoài góc cây, đống rác, đúng với tư tưởng “không, tức thị sắc”.
Hình thể chúng sanh, hay Phật pháp, A nậu đa la tam miệu tam….Tất cả đều là giả hợp, giả lập, giả tạo, giả danh, cho nên có rồi, cũng trở về không. Từ không trở về có, rồi lại không (sắc sắc, không không, không tức thị sắc). Cứ quanh quẩn trên bánh xe luân hồi. Do đó, sau khi Phật thuyết pháp, Phật liền phủ định sự thuyết pháp của Phật. Bởi vì ngôn ngữ hạn hẹp, dù cho giả lập đến đâu, cũng không có thể bày tỏ hết được cảnh giới chơn như. Các hành giả nương theo lời pháp giả lập để thấy lý, thấy đạo. Thấy lý rồi, ngộ đạo rồi, lời pháp hết lý do tồn tại. Cho nên Phật mới nói : Chúng sanh, tức chẳng phải chúng sanh, nên gọi là chúng sanh. Cái gọi là a nậu đa la tam miệu tam bồ đề (chỉ lời pháp giả lập để khai mở tâm con người được thấy lý, ngộ đạo. Thấy lý, ngộ đạo rồi, đạo nằm trong tâm, câu văn giả lập tự nhiên biến mất).Chẳng phải a nậu đa la tam miệu tam bồ đề, nên gọi là a nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Phật nói Phật pháp, CHẲNG PHẢI LÀ PHẬT PHÁP, NÊN GỌI LÀ PHẬT PHÁP. Phật pháp vốn không có nhưng, có là do con người tu chứng thành Phật, bậc giác ngộ mà thấy được (Thái Tử Tất Đạt Đa). Nói lại cho chúng sanh thấy, biết mà bắt chước tu theo để ngộ đạo giải thoát. Nói xong lời pháp rồi, không chấp vào lời pháp, không thấy mình nói pháp, không thấy người nghe pháp, không thấy bài pháp mình nói (chẳng phải là Phật pháp). Nhưng nhờ Phật pháp mà ngộ đạo (nên gọi là Phật pháp- không tức thị sắc; tức nhờ không mà có, như Trái đất nhờ không gian trống rỗng mà Trái đất đứng vững tự xoay vòng chung quanh mặt trời, cho nên mới nói “KHÔNG” chẳng phải là “KHÔNG”.
KẾT LUẬN.
Giáo Pháp Phật, là những môn học để phá trừ kiến chấp, mà pháp VÔ TRƯỚC là tối thượng; do vậy tất cả hành giả trên vận hành tu tập, đều phải phá trừ mọi ý niệm ngã chấp, kiến chấp. Qua đây cho ta có nhận thức về Phật học, là giáo lý không có học thuyết, cũng chẳng có giáo điều. Một giáo lý khai phóng tâm con người học Phật là không nên sùng bái giáo lý Phật, không tôn vinh mình và cũng không bắt ai sùng bái mình. Nếu không nói là, cái ưu điểm tối thượng của tinh thần học Phật là chỗ đó. Điều này được thấy chính Đức Thích Ca đã nói : Từ đêm thành đạo, cho đến lúc nhập Niết bàn, Ta không nói một lời nào ! Cũng như sau khi thuyết pháp, Phật liền phủ định ngay sự thuyết pháp của Ngài.